Cầu Chúa ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những thứ con không thể thay đổi, sự caN đảm để thay đổi những thứ con có thể, và sự khôn khoan để phân biệt những cái có thể thay đổi và không thể.

Dr. Reinhold Niebuhr

 
 
 
 
 
Tác giả: Zoe Mckey
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: Nhật Lê Văn
Upload bìa: Linh Nguyen Hoang
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 227
Cập nhật: 2021-04-18 17:58:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5: Quản Lý Thời Gian Hiệu Quả
ạn phải quyết định sử dụng thời gian như thế nào. Bạn có thể dùng nó để tiến bước, hoặc cũng có thể mất thời gian đi giải quyết hậu quả. Do bạn lựa chọn. Và nếu như bạn không quyết định, người khác sẽ quyết định hộ bạn.”
- Tony Morgan -
Theo tư duy truyền thống, những người thường xuyên đúng giờ, không trì hoãn (quá nhiều) và tập trung đầu óc vào những kế hoạch tương lai, thì có tiềm năng và thông minh. Ngược lại, những người suy nghĩ nhiều về quá khứ thì ít tiềm năng hơn. Một số lý thuyết tuyên bố rằng sống cho thời điểm hiện tại là cách sống tốt nhất, hãy tiến bước khỏi quá khứ cũng như đừng tự gây áp lực về tương lai.
Sự thật là gì? Liệu có thật sự tốt hơn khi lãng quên và bỏ lại quá khứ ở phía sau không? Có những thành tựu gì có thể đạt được mà không cần tập trung vào tương lai hay không?
Tôi đã đọc một cuốn sách rất thú vị hầu như đánh bật tất cả những mớ lý thuyết về thời gian quen thuộc trong đầu mình. Cuốn sách tên là The Time Paradox của tác giả Philip Zimbardo và John Boyd. Họ chia ra sáu quan điểm về sử dụng thời gian sống khác nhau:
• Chủ nghĩa sống cho Quá khứ - tiêu cực
• Chủ nghĩa sống cho Quá khứ - tích cực
• Chủ nghĩa sống cho Hiện tại – cam chịu số phận
• Chủ nghĩa sống cho Hiện tại – hưởng thụ cuộc sống
• Chủ nghĩa sống vì Tương lai
• Chủ nghĩa sống vì Tương lai – siêu hình
Mỗi người trong chúng ta đều từng nghĩ về tất cả các quan điểm về sử dụng thời gian sống này – dù ít dù nhiều. Các tác giả đã tạo ra một bài kiểm tra để tìm ra tỉ lệ phần trăm từng nhóm tương ứng.
Bạn có thể làm bài kiểm tra đó ở đây: http://www.thetimeparadox.com/surveys/.
Ở phần đầu của trang web này, bạn sẽ nhìn thấy một biểu đồ với hai chiều giá trị, “Chỉ số quan điểm về thời gian sống” và “Phần trăm số người chia sẻ” Biểu đồ này cho thấy một con số tối ưu của “cuộc sống” trong một hoặc nhiều quan điểm về thời gian sống khác. Ví dụ, tỉ lệ phần trăm những người có quan điểm sống với quá khứ - tiêu cực và sống cho hiện tại - cam chịu số phận là thấp nhất, và cũng khá kì khôi, chủ nghĩa quá khứ - tích cực đạt tỉ lệ phần trăm cao nhất. Quan điểm về thời gian sống tối ưu nhất cho rằng: Hãy tập trung cao độ vào quãng thời gian quá khứ - tích cực, tập trung khá nhiều vào tương lai và hiện tại - hưởng thụ cuộc sống, và không nên tập trung vào quá khứ - tiêu cực và hiện tại - cam chịu số phận.
Cuốn sách này hoàn toàn thay đổi quan điểm của tôi. Tôi khuyến khích các bạn nên đọc cuốn sách này từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng. Nó giải thích rất sâu về lý do tại sao con người lại chú tâm vào những quãng thời gian khác nhau, và làm thế nào để thay đổi điều này khi cần thiết.
Cuốn sách này có đầy đủ các tri thức đơn giản và các phân tích về hành động phản ứng rất thú vị và đáng nghiền ngẫm. Tại sao những người lớn tuổi lại thoải mái hơn với việc chia sẻ những tâm tư, đi du lịch và tạo ra những thay đổi đáng kinh ngạc trong cuộc đời (giống như việc ly hôn ở tuổi 73)? Bởi vì họ đã biết tương lai của họ không phải là vô hạn. Họ không còn tư tưởng “Tôi sẽ không bao giờ chết” nữa. Quan điểm này cũng đúng với những người được chẩn đoán một căn bệnh hiểm nghèo. Họ bắt đầu lựa chọn những giải pháp nhanh gọn hơn mà không cần suy nghĩ thêm lần thứ hai. Khi bạn nghĩ rằng bạn có rất nhiều thời gian, bạn có xu hướng dành thời gian với rất nhiều người khác nhau. Nếu bạn dự đoán được tương lai của mình còn ngắn ngủi, bạn sẽ đánh giá chất lượng cao hơn số lượng, và dành hầu hết thời gian của mình với những người bạn yêu quý.
Tại sao lại phải đợi cho đến khi già nua và bệnh tật để bắt đầu sống trọn vẹn nhất cuộc đời của mình chứ? Tại sao lại bỏ qua những kho báu thật sự mà cuộc đời ban cho bạn? Hiểu rõ và thay đổi các quan điểm về thời gian sống sẽ thực sự giúp chúng ta sống tốt hơn. Bạn nghĩ rằng mình không làm được điều này? Đừng quên, bạn thông minh hơn bạn tưởng. Không có gì là không thể.
Tại sao sống trong quãng thời gian hiện tại KHÔNG PHẢI lúc nào cũng dễ chịu.
Đầu tiên, bạn cần phải hiểu rằng thời gian của bạn là hữu hạn. Giống như việc loài chim không bao giờ nghĩ đôi cánh là tài sản khi chúng bay, con người không nghĩ thời gian là tài sản quý báu của mình khi còn đang sống. Thời gian là thứ tài sản duy nhất bạn không thể mua bán, mặc cả, trao đổi với bất kì ai. Thời gian luôn trôi đi vùn vụt. Cái chết chính là hạn chót cho thời gian sống của bạn. Tôi không muốn phải nói ra sự thật đau lòng này, nhưng bạn sẽ phải chết đi. Tôi cũng sẽ chết đi – tất cả mọi người đều sẽ như vậy. Sống mà nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ chết đi đồng nghĩa với cho rằng mình có quỹ thời gian vô hạn. Và làm thế nào bạn có thể biết trân trọng điều gì nếu nó là một kho tàng vô tận? Kho tàng đó sẽ trở nên vô giá trị. Bạn sẽ không bao giờ nghĩ về nó. Nếu bạn cảm thấy thứ gì đó khan hiếm và bạn chỉ có được nó trong một thời hạn nhất định, bạn sẽ hành động khác đi. Ví dụ, nếu bạn được lái một chiếc xe Ferrari miễn phí trong vòng hai tiếng, bạn có thể sẽ tận dụng từng giây trong chiếc siêu xe đó. Nếu bạn có tới ba chiếc Ferrari ở nhà và bạn được thưởng một chuyến lái xe miễn phí, bạn có khi còn chẳng màng tới nó.
Hãy trân trọng thời gian quý báu của mình, nó giá trị và khó tìm giống như một chiếc Ferrari trong khi trước đó bạn vẫn chỉ đang đi xe đạp.
Phủ nhận cái chết có một chức năng tâm lý học riêng của nó. Điển hình là nó có thể làm giảm lo âu và căng thẳng. Tuy nhiên, nó cũng có thể khiến bạn sống ít trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Nếu bạn lựa chọn một cách sống nhận thức rõ về tương lai bị giới hạn của mình, thứ tự ưu tiên và động lực của bạn sẽ dành cho sự thỏa mãn trong hiện tại thay vì một hạnh phúc dài lâu ở tương lai.
Hành động này cho thấy rằng bạn đang sống cho hiện tại của mình. Như tôi đã đề cập ở trên, thái độ sống hiện tại có thể được diễn tả theo hai cách: hiện tại cam chịu số phận và hiện tại - hưởng thụ cuộc sống.
Đừng hiểu sai nó. Sống cho hiện tại đối với một số trường hợp rất cần thiết để có một cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, quá tập trung vào hiện tại lại có thể đẩy hạnh phúc đi xa khỏi bạn. Hãy nhìn những người thu nhập thấp đang đối mặt với thực tại ngay trước mắt họ - từ hóa đơn này sang hóa đơn khác. Cảm giác thiếu an toàn khiến họ không thể ngừng lo lắng về miếng cơm manh áo. Những người ít được học hành cũng có xu hướng sống cho hiện tại nhiều hơn việc lên những kế hoạch về tương lai.
Để toàn tâm toàn ý tập trung vào tương lai đòi hỏi một sự kiên định về mặt chính trị, xã hội và cảm xúc trong hiện tại.
Những người có quan điểm hiện tại - hưởng thụ cuộc sống là những người vui vẻ tận hưởng nhiều nhất những giây phút của cuộc sống. Họ ăn ngon miệng vì tinh thần của họ luôn tập trung vào bữa ăn và họ trân trọng nó. Họ là những người sẽ dừng lại trên đường để ngửi hương hoa hồng. Họ tìm kiếm cảm giác thoải mái cũng thường xuyên như tránh sự khó chịu. Họ sắp xếp để những mục tiêu của mình có thể hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn và đạt được sự hài lòng ngay lập tức. Họ không hành động theo lịch trình cố định với những công việc nhàm chán. Bạn sẽ rất vui vẻ và hào hứng khi ở cạnh những người theo quan điểm hưởng thụ - trong hiện tại bởi vì họ thường rất vui tính, năng động và có thể tận hưởng cuộc sống một cách sâu sắc. Họ truyền cảm hứng giống như một đứa trẻ đang háo hức kết nối với thế giới.
Đồng thời, họ cũng thường có cái tôi thái quá, họ không thể kiểm soát được sự bốc đồng, và phản ứng gay gắt nếu có điều gì đó làm họ không hài lòng. Cảm xúc của họ thay đổi rất nhanh.
Nếu những người theo quan điểm hưởng thụ - trong hiện tại có đủ tiền, họ sẽ thấy cuộc sống tràn ngập niềm vui. Họ yêu và trân trọng thiên nhiên, động vật, và những con người xung quanh họ. Những người tập trung vào cuộc sống hiện tại dễ dàng ra tay giúp đỡ người khác, so với những người tập trung vào tương lai, luôn luôn bận rộn hối hả với những công việc sắp tới, hay những người đắm chìm trong quá khứ sống, giữa những bức tường thành của kí ức. Họ ít có khả năng tự giúp đỡ chính mình vì cùng một lý do là: Họ sống cho hiện tại. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, mua bảo hiểm hay chỉ nha khoa, và những thứ mang tính chất bảo vệ, ngăn ngừa rủi ro không tồn tại trong cuộc sống của họ.
Zimbardo và Boyd mô tả những người theo chủ nghĩa sống vì hiện tại – cam chịu số phận là những người tập trung vào quãng thời gian sống một cách tự nhiên mà không phải do họ lựa chọn. Họ tin rằng lên kế hoạch là không cần thiết bởi vì sẽ không có điều gì thực hiện được cả. Họ không nghĩ rằng họ có thể làm chủ cuộc đời mình, cho nên họ thường thay đổi để đến với tôn giáo hoặc hệ tín ngưỡng khác là trung tâm và có quyền kiểm soát cao hơn. Những người khác đổ lỗi cho nền kinh tế, xã hội, các chính trị gia hoặc số phận của họ. Nói cách khác, họ chẳng thể làm gì ngoài việc chấp nhận. Những lời dự đoán rằng họ không giỏi giang ở bất cứ việc gì thường trở thành sự thật. Cuộc sống của họ hầu như không có niềm vui, ngược lại với những người theo chủ nghĩa sống vì hiện tại – hưởng thụ cuộc sống. Những người theo chủ nghĩa sống vì hiện tại – cam chịu số phận là những người có xu hướng dễ bị trầm cảm, rối loạn hành vi và có ý định tự sát nhiều nhất trong các nhóm đã đề cập ở trên. Nếu như sau khi làm bài kiểm tra về quan điểm thời gian sống và bạn có điểm số cao cho phần sống vì hiện tại – cam chịu số phận, hoặc bạn tự nhận thấy bản thân mình như vậy sau khi đọc phần tóm lược trên, điều bạn cần làm là thay đổi quan điểm ấy.
Lợi ích của việc sống cho hiện tại là niềm vui, tận hưởng được những vẻ đẹp xung quanh, giúp đỡ mọi người, sống một cách trọn vẹn, tích lũy được nhiều phần thưởng ngay lập tức, trở nên lạc quan, có những mối quan hệ cá nhân tốt và đa dạng, và không sợ hãi.
Mặt trái của quan điểm sống cho hiện tại là quá chủ quan, dễ mắc các bệnh mà có thể phòng tránh được, mất cân bằng cảm xúc, nguy cơ trầm cảm, tự tử cao hơn hoặc các tình trạng rối loạn khác, tư tưởng cam chịu số phận, thiếu kế hoạch, ít cơ hội tiến tới thành công lâu dài.
Tại sao lại đề cao tư tưởng sống cho tương lai?
Những người có quan điểm hướng về tương lai sẽ dễ trở nên thành công hơn là những người tập trung vào các quan điểm về thời gian sống khác. Họ sống với ít kinh nghiệm thực tế nhưng lại thiên về những định hướng kế hoạch trừu tượng hơn. Họ ưu tiên sự thỏa mãn về lâu về dài hơn là những thành tựu ngay trước mắt. Họ phân tích và thường xuyên quan tâm tới những ảnh hưởng của tương lai đến những hành động trong hiện tại. Có trách nhiệm, hiệu quả, và đáng tin cậy là những từ ngữ mà người đó hay sử dụng. Họ có thể làm việc chăm chỉ, tránh xa những cám dỗ, sự sao nhãng, và lãng phí thời gian để tập trung hoàn thành một mục tiêu.
“Thất bại trong việc lập kế hoạch tức là lập kế hoạch cho việc thất bại.”
- Brian Tracy -
Câu trích dẫn này có thể là thần chú của những người có quan điểm hướng về tương lai. Họ có xu hướng lập các kế hoạch tiết kiệm và nghiêm túc quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Họ có thể rất hợp tác hoặc rất cạnh tranh dựa vào những kết quả đạt được cao nhất. Mặt khác, họ gặp khó khăn trong việc tận hưởng những khoảnh khắc mà họ cho rằng đó là sự lãng phí mất mấy phút của cuộc đời. Mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày an nhàn tận hưởng là một ngày lãng phí để làm ra điều gì đó có ích.
So sánh với những người theo chủ nghĩa sống vì hiện tại – hưởng thụ cuộc sống, những người hướng về tương lai biết cách kiểm soát bản thân, kiên định, kiểm soát cái tôi, và tìm kiếm ít cảm giác thỏa mãn hơn. So với những người theo chủ nghĩa sống vì hiện tại – cam chịu số phận thì họ ít bị lệ thuộc vào ma túy, đồ uống có cồn và những chất khác, họ ít bị trầm cảm hơn, tự trọng hơn và nhiều năng lượng hơn.
Những người hướng tới tương lai sống với các hạn chót. Họ thích như vậy, và không thể tưởng tượng về một cách sống nào khác. Họ coi công việc là sức mạnh của mình và họ càng gặt hái được nhiều thành công, họ càng yêu công việc. Họ coi công việc như một cuộc chơi. Đó là lí do vì sao những người có khát vọng về tương lai không bao giờ dừng lại, không bao giờ muốn nghỉ ngơi và thậm chí đạt được thu nhập đến bảy hoặc tám con số, họ vẫn tiếp tục thúc đẩy bản thân nỗ lực tiến về phía trước mà không muốn chậm lại một chút nào. Đối với họ, những mục tiêu tương lai không phải hoàn toàn là về tiền bạc, mà họ nghiện thành tích. Không giống như những người theo chủ nghĩa sống vì hiện tại – hưởng thụ cuộc sống, sống thiên về những cảm nhận cơ thể, những người hướng về tương lai sống thiên về tinh thần. “Cảm xúc gắn liền với hiện tại. Tư duy là hành trang cho tương lai”.
Những người hướng về tương lai là những công dân hạng xuất sắc nhất. Họ thường là người nghiện công việc. Họ tìm kiếm để hòa mình vào dòng chảy cuộc sống. Họ có mục tiêu rõ ràng, sự tập trung cao độ, hầu như không đề cao quá bản thân, và tự kiểm soát cao.
Những người có định hướng tương lai mạnh mẽ thường xuất thân từ những gia đình có nền tảng tài chính và tình cảm vững vàng, hưởng nền giáo dục cao.
Những người có tư tưởng về tương lai siêu thực thường trì hoãn việc thay đổi, bởi vì không có bằng chứng trái chiều nào chống lại niềm tin của họ. Ví dụ, những người có đức tin vào Chúa trời mạnh mẽ sẽ không bao giờ thay đổi quan điểm của họ, bởi vì không ai chứng minh được Chúa không tồn tại. Khi ai đó cố gắng phản đối niềm tin của họ, họ cảm thấy đó là sự xúc phạm và họ sẽ trở nên phòng thủ hơn hoặc đơn giản là bỏ qua cuộc đối thoại đó. Niềm tin vào một đấng tối cao, thiên đàng hoặc cuộc sống sau khi chết mang tới những niềm hi vọng và sự đủ đầy trong tương lai vĩnh hằng. Những người sống với niềm khao khát về tương lai siêu thực cũng chỉ là những người lập kế hoạch chủ động và những người tìm kiếm mục tiêu hoặc nhiều hơn thế một chút so với những người chỉ hướng về tương lai. Tuy nhiên, động lực của hai nhóm người này khác nhau. Trong khi những người hướng về tương lai tìm kiếm thành công dài hạn trong cuộc đời họ, những người theo chủ nghĩa tương lai siêu thực cống hiến trọn vẹn cho những phần thưởng sau khi họ chết.
Lợi ích của việc sống vì hiện tại có thể tạo ra cơ hội cao hơn để đạt tới thành công, nhận thức rõ ràng rằng cuộc đời này là hữu hạn và do đó phải tối ưu hóa các tiềm năng, giảm thiểu sự lãng phí thời gian, tập trung cao độ, rèn luyện kĩ năng phân tích tốt, phòng chống bệnh tật sớm, ổn định kinh tế tốt hơn, trau dồi kĩ năng lập kế hoạch tốt, tự kiểm soát và không quá đề cao bản thân.
Nhược điểm của nhóm người này là quá lo lắng nếu như không đúng hạn chót, có hành động quá khích, nghiện công việc, cảm thấy không trọn vẹn khi những mục tiêu của họ không còn làm họ thỏa mãn sau khi đã đạt được chúng rồi, thiếu sự tự nhiên, và có xu hướng kiểm soát các mối quan hệ.
Những thăng trầm trong quá khứ
Sống với quá khứ luôn luôn bị cho là xấu. Tuy nhiên, sống lại quá khứ từ một thời điểm này đến một thời điểm khác, tập trung vào những kí ức tươi đẹp có thể giúp chúng ta rất nhiều trong hiện tại và cho chúng ta sức mạnh và niềm hi vọng vào một tương lai tươi sáng. Như trong cuốn sách The Time Paradox đã viết, “Cách mà chúng ta nghĩ và cảm thấy hôm nay sẽ ảnh hưởng tới cách chúng ta nhớ về ngày hôm qua.” Những gì chúng ta nghĩ ngày hôm nay cũng sẽ ảnh hưởng tới niềm hi vọng cho ngày mai.
Sống lại quá khứ huy hoàng xem chừng có vẻ tốt hơn ngày hôm nay. Có những dữ liệu được nghiên cứu trong cuốn sách này chứng minh được tuyên bố đó. Nhóm nghiên cứu đã cho những người tham gia xem một đoạn quảng cáo về những điều đáng kinh ngạc có thể nhìn thấy và làm được ở công viên Disneyland, bao gồm cả việc bắt tay thỏ Bugs Bunny. Sau khi đoạn quảng cáo kết thúc, những người tham gia được yêu cầu kể lại những gì họ nhớ được. Mười sáu phần trăm trong số họ đã nhớ rõ ràng về việc bắt tay thỏ Bugs Bunny, mặc dù không hề có thỏ Bugs Bunny ở công viên Disneyland. Đó không phải là nhân vật hoạt hình của hãng Disney mà là của hãng Warner Brothers. Đây không phải là những sự kiện trong quá khứ ảnh hưởng lên chúng ta, mà chính là do thái độ của chúng ta hiện tại.
“Có khả năng tận hưởng lại một quá khứ tươi đẹp là được sống hai lần.”
- Martial -
Nhiều cảm nhận tốt đẹp khi nghĩ về các sự kiện trong quá khứ giúp xây dựng và cải thiện tâm trạng. Tuy nhiên, quá chìm đắm vào quá khứ làm con người ta sao nhãng và không nghĩ đến tương lai của mình. Giữ lại những sự ganh ghét, những sự kiện tiêu cực trong quá khứ bằng việc thường xuyên nghĩ đến và nhắc tới chúng thì đều không tốt cho sức khỏe.
Những khía cạnh tích cực của những người có thái độ sống thiên về quá khứ là những người có ý thức mạnh mẽ về giá trị bản thân, tập trung vào trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, là những người rất nhiệt tình hợp tác, và họ bảo tồn những giá trị truyền thống.
Những khía cạnh tiêu cực của thái độ sống thiên về quá khứ: Họ không thích cạnh tranh, họ sợ những gì mới mẻ và do đó, không có chí tiến thủ. Họ có xu hướng định kiến và độc đoán trước những sự tiến bộ và những con người đi tiên phong. Họ tự tách mình ra khỏi hiện tại và tương lai. Họ cũng có xu hướng cảm thấy vô cùng tội lỗi.
Làm sao để áp dụng các quan điểm về thời gian sống theo cách có lợi cho bản thân Zimbardo và Boyd kết luận trong nghiên cứu của họ rằng đối với những người cảm thấy lạc lõng trong cả quá khứ và tương lai, thì tập trung vào hiện tại luôn luôn là một điểm khởi đầu tốt. Hiện tại là cây cầu kết nối giữa quá khứ tới tương lai. Hiện tại là nơi mà chúng ta trải nghiệm hạnh phúc và cả những thời gian khó khăn nhất.
Hãy thực hành những bài tập giúp bạn hiện diện trong thực tại của mình.
Hãy tìm điều gì có thể ngay lập tức khơi dậy niềm vui thích trong bạn, và hãy thực hiện nó nhiều hơn nếu như bạn cảm thấy bạn đang quá say sưa với các định hướng trong tương lai. Khi bạn bắt đầu cảm thấy quá tải với việc chạy theo các hạn chót, hãy dừng lại và sống chậm lại một chút. Hãy nói với bản thân, “Dừng dừng dừng!” và bắt đầu làm một điều gì đó đưa bạn quay trở về hiện tại ngay lập tức. Hãy thử tìm thứ gì đó mà bạn có thể thầm ao ước xung quanh mình. Hãy tiến lên giành lấy nó.
Hãy quan tâm tới sức khỏe của mình, và nhớ dành thời gian chạy bộ. Hãy giữ mình ở lại với thực tại trong một lát. Làm điều gì đó điên rồ, điều gì bộc phát mà không suy nghĩ tới kết quả ra sao. Nếu bạn cảm thấy mình không thể làm việc đó một mình, hãy đi ra ngoài và gặp gỡ một người bạn có tư tưởng sống vì hiện tại – hưởng thụ cuộc sống.
Hãy nhận biết những suy nghĩ nào làm cho bạn buồn, trầm uất, làm bạn kẹt cứng trong quá khứ và cố gắng nghĩ về chúng ít hơn đi. Khi bạn bắt đầu nghĩ về chúng, hãy lặp lại với bản thân, “Dừng dừng dừng!” Hãy ép cho những luồng suy nghĩ của mình đi vào đúng nơi mà bạn có thể tìm thấy những niềm vui tức thì. Nếu bạn muốn đi đến rạp chiếu phim, ngay khi những suy nghĩ độc hại kéo đến, hãy đi ngay tới rạp chiếu phim. Nếu bạn lâu rồi chưa liên lạc với một người bạn cũ (không phải một người bạn hay than vãn), hãy nói chuyện với người đó ngay lập tức. Hãy thoát ra khỏi cái vòng suy nghĩ tiêu cực. Nếu như bạn cảm thấy bạn đang lún sâu vào thứ quá khứ tiêu cực ấy, hãy tìm một chuyên gia tâm lý giúp bạn xử lý vấn đề này. Hãy làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực trong quá khứ.
Hiện tại ràng buộc quá khứ và tương lai bằng một sự tiếp nối cân bằng và có ý nghĩa tốt đẹp. Nếu như bạn có khả năng nhìn nhận thời gian của mình một cách tối ưu và chiếu vào nó một luồng sáng tích cực, đó là một tín hiệu tốt để dẫn dắt tâm trí và cảm xúc của bạn đến với cảm giác hạnh phúc mà không phải chịu đựng sự đau khổ bởi những hối hận, phẫn nộ và tội lỗi.
Mỗi tình huống nhất định trong cuộc sống đòi hỏi bạn lựa chọn một quan điểm về thời gian phù hợp với nó. Điều đó có nghĩa là trong một giai đoạn nhất định, một quan điểm về thời gian sống này có thể sẽ nổi bật hơn những cái còn lại. Ví dụ, khi bạn gặp phải thách thức trong công việc hay phải hoàn thành một hạn chót, hãy tập trung vào quan điểm hướng về tương lai. Khi bạn đã hoàn thành nó rồi, thì hãy vui mừng và tận hưởng những giây phút hiện tại. Khi bạn gặp những người bạn cũ và gia đình, hãy thoải mái chìm đắm vào những kí ức vui vẻ đầy hoài niệm trong quá khứ.
Mỗi một quan điểm về thời gian sống đều có ý nghĩa riêng của nó, và quá khứ, hiện tại và tương lai giống như một sự tiếp nối giúp cho cuộc sống trọn vẹn và có ý nghĩa. Hãy sử dụng chúng một cách thông minh sao cho có lợi nhất cho bạn.
Bài thực hành cho chương này
1. Tôi là một người sống vì những định hướng tương lai. Hôm nay tôi đã làm những hoạt động để giữ mình sống trong giây phút của hiện tại:
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
2. Tôi là một người sống thiên về quá khứ.
Hôm nay tôi đã làm những việc để giữ mình sống trong giây phút của hiện tại:
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
3. Tôi là một người sống cho hiện tại.
a. Hôm nay tôi đã có những bước tiến để định hướng tốt hơn cho tương lai của mình:
b. Hôm nay tôi đã có những bước tiến để suy nghĩ tích cực hơn về quá khứ của mình:
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
...........................................................................
Tư Duy Phản Biện Tư Duy Phản Biện - Zoe Mckey Tư Duy Phản Biện