Books are the compasses and telescopes and sextants and charts which other men have prepared to help us navigate the dangerous seas of human life.

Jesse Lee Bennett

 
 
 
 
 
Tác giả: Jorge Luis Borges
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1592 / 55
Cập nhật: 2015-07-06 11:40:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Người Đàn Ông Ở Góc Bức Tường Hồng
ản dịch Diễm Châu
Lời người dịch:
JORGE LUIS BORGES (1899-1986) sinh thiếu tháng ở số 840 đường Tucumán, Buenos Aires, Á căn đình. Tên họ đầy đủ của ông là Jorge Francisco Isidoro Luis Borges Acevedo. Là một nhà thơ và người viết truyện, một “nhà văn của các nhà văn” ở thế kỷ XX. Ông chia sẻ một nửa giải Formentor cùng với Samuel Beckett, nhưng không bao giờ đoạt giải Nobel Văn chương. Ông chỉ học hết bậc trung học ở Genève (nhưng các đại học danh tiếng trên thế giới đã tặng ông khá nhiều bằng Tiến sĩ danh dự!) Về cuối đời ông mù hẳn và phải đọc văn thơ cho người quen chép lại. Ông mất tại Genève sau khi đã tục huyền, bằng cách ủy quyền, với bà María Kodama. Những người biết ông đều nhìn nhận ông là một nhà văn xuất chúng, một bộ óc uyên áo khác người. Dựa vào những truyện ông viết lúc sau, người ta bảo ông viết truyện như viết tiểu luận, biên khảo, những truyện “siêu hình”, và ông là một nhà văn siêu hình, vì đằng sau mọi truyện của ông đều thấp thoáng những ý niệm... Có người còn viết ông là một “nhà văn hiện đại”, điều này đã rõ là ông không ưa! Và ít ra cũng có một người nhận định rằng Borges là một nhà... hậu-hiện đại “theo một nghĩa” (xin xem John Sturrock trong Jorge Luis Borges, Ficciones, nxb Everyman’s Library, 1993, trang xxiii). Dù có muốn thoái thác danh hiệu này hay không, Borges cũng không còn để làm công việc ấy. Uyên thâm như ông, Borges thật sự cũng không biết gì nhiều, như ông từng hài hước nói: cả đến ngày chết của tôi, tôi cũng không biết... Chúng ta, những người đọc ông, — mà “đọc”, theo ông, “là một hành động có sau hành động viết, cam đành hơn, nhã nhặn hơn, trí tuệ hơn”, — chúng ta biết: ông mất ngày 14.06.1986 tại Genève, và được chôn cất rất gần Calvin, “giữa một biển hoa hồng”... (xin xem về phút lâm chung của Borges, trên Tiền Vệ).
NGƯỜI ĐÀN ÔNG Ở GÓC BỨC TƯỜNG HỒNG được dịch để tưởng niệm ông hai mươi năm sau ngày ông mất. Ấy là một truyện không có gì là... siêu hình cả, in trong tập Historia universal de la infamia, giữa phần viết theo truyện các nước và phần Et caeter a phiên dịch một vài mẩu truyện của thế giới (thế tuy nhiên trong đó, sau này, người ta cũng đã khám phá ra ít nhất là có một truyện hoàn toàn là của... Borges: ông hay dùng những trưng dẫn tài liệu như những thứ “mặt nạ”!) Ấy cũng là một trong những truyện mà Borges gọi là “những bài tập về văn xuôi thuật sự”, đã đăng vào khoảng 1933-1934 trên tờ “Crítica thứ Bảy” và được in lại thành sách năm 1935, một truyện theo Borges, đã đem lại cho ông “mõt thành công đặc biệt, hơi huyền bí”, và đã được đưa lên màn bạc vào khoảng 1961. Khi cho đăng trên trang văn nghệ của tờ “Crítica thứ Bảy”, Borges không dám để tên thật mà lấy tên tác giả là Francisco Bustos, một tiền nhân thuộc dòng họ ông, là vì ông biết thân mẫu không ưa đề tài câu chuyện (mà ông đã “bí mật” viết trong mấy tháng trời.) Trong các bài vào đầu sách năm 1935 và của ấn bản 1954, có đến hai lần Borges nhắc tới truyện ấy với tựa đề: “Người đàn ông ở góc ngôi nhà hồng”, và ông cho rằng cái tựa baroco ấy cũng cho thấy tính chất của câu chuyện. Có lẽ Borges đã sửa lại tựa đề cũng như các từ trong truyện, nhiều lần, riêng câu mở đầu truyện người ta được biết tác giả đã sửa lại tới bốn lần! Bản dịch này căn cứ vào bản in trong Borges, Toàn tập (tập thượng), tủ sách Pléiade, nxb Gallimard, Paris, 1993.
Năm ngoái, tôi có về thăm quê, và được một người bạn quý đưa tới thăm một ngôi nhà thờ ở miền quê Nam Định. Ngôi nhà thờ này kiến trúc và màu sắc thật kỳ khôi, rất baroco. Tôi dịch truyện này của Borges mà lòng tưởng nhớ tới bạn — nước mắt người già rơm rớm — cũng như nhớ tới ngôi nhà thờ baroco lạ lùng ấy. (DC., 2006).
____________
NGƯỜI ĐÀN ÔNG Ở GÓC BỨC TƯỜNG HỒNG
Gửi Enrique Amorin.
Ai lại nhè tôi mà nói đến người quá cố Francisco Real! Phải, tôi có biết ông ta, thế nhưng đây không phải là khu vực của ông ta, đúng ra, ông ta hoạt động ở mạn Bắc, về phía Guadeloupe và phía Dàn súng. Tôi đã thưa thốt với ông ta không hơn ba lần và cả ba lần trong cùng một đêm, nhưng đêm đó, tôi không quên ngay được, vì ấy đúng là đêm La Lujanera* tới ngủ tại tệ xá — là vì nàng nổi hứng thế đấy — và cũng là đêm Rosendo Juárez rời bỏ hẳn vùng Kênh. Ông, cố nhiên, cái tên sau này không gợi ra cho ông gì hết, ông không có cái kinh nghiệm mong muốn, thế nhưng Rosendo Juárez hay “Cây Đâm” lúc ấy là một trong những kẻ ăn trên ngồi trước ở Villa Santa Rita. Một gã thiện nghệ số một về dao găm và với món đó, là một trong những tay em của don Nicolas Paredes, ông này lại là một trong những tay chân của Morel. Gã kia có cái lối tới nhà thổ, mang đồ lớn, trên một con ngựa ô trang sức toàn bằng đồ bạc... đàn ông và chó kính trọng gã và cả đàn bà con gái nữa; không ai là không biết rằng gã đã có hai cái chết trên lương tâm, gã mang trên mái tóc thật nhẫy bóng một cái nón nỉ mềm vành rất mảnh mịn. May mắn mỉm cười với gã, như người ta thường nói. Chúng tôi, bọn trẻ ở Villa, chúng tôi bắt chước gã cả đến cách khạc nhổ. Thế nhưng, một đêm đã để lộ cho chúng tôi bản tính thật của Rosendo**.
Có vẻ như không thật chút nào, nhưng câu chuyện cái đêm quá kỳ quặc ấy đã bắt đầu trong một cỗ xe ngựa thật gai mắt có hai cái bánh xe đỏ thắm, đầy oặp những người, cà dịch cà tang chạy qua những con đường nhỏ bằng đất nện, giữa những lò gạch và những lằn bánh; bên trên có hai đứa mặc đồ đen không ngừng khẩy đàn ghi-ta và hò hét om sòm, và cái tên ngồi trên chỗ đánh xe phóng những nhát roi lớn vào lũ chó chạy rong luẩn quẩn giữa chân con ngựa; ở chính giữa có một tay mai phục trong cái poncho và lặng lẽ, và tay đó, chính hắn, là tay người Corralero khét tiếng và tay đó, hắn đang tới kiếm chuyện giết người. Đêm mới chớm và ấy là một phước lành; có hai đứa ngồi trên mui xe lúc này đã kéo xuống như thể chúng ngỡ mình đang ở hội xe hoa trong cảnh đơn độc này. Câu chuyện đã bắt đầu như thế đó, nhưng chuyện ấy, ta chỉ biết lúc sau. Bọn trẻ chúng tôi, từ sớm, đã dẫn xác tới cái quán nhảy của mụ Julia, một cái nhà kho bằng tôn ở giữa đường Gauna và dòng Maldonado. Ấy là một cái quán lụp xụp mà ta định vị được từ xa nhờ cái đèn lồng trơ tráo ấy và cũng nhờ tiếng ồn ào huyên náo nữa. Mụ Julia, tuy rằng da hơi sậm, là tất cả những gì tận tâm nhất và đứng đắn nữa có được, ca nhạc phừng phừng, rượu ngon, gái nhảy, chịu nhảy rất đằm, cái đó là không sai. Nhưng nàng Lujanera, lúc ấy là vợ của Rosendo, bỏ xa tất cả mấy cô. Nàng đã mất rồi, thưa ông, và cũng đã nhiều năm tôi không còn nghĩ tới nàng nữa, nhưng phải nhìn thấy nàng, vào thời của nàng, với đôi mắt nàng lúc ấy, cái đó đúng là làm mình mất ngủ, ông ạ.
Rượu, khuấy đảo, mấy cô, một chữ tục hạ cố từ cửa miệng Rosendo, một cái vỗ vai tình cờ của gã giữa đám đông và tôi cố coi như một dấu hiệu thân ái, tóm lại, tôi lúc ấy là tất cả những gì hạnh phúc nhất có được. Tôi rớt trúng vào một cô gái nhảy cặp với mình, nó theo sát mình thật ngộ, có lẽ có thể nói rằng nó lần lần đoán trúng ý mình. Điệu tango lúc ấy muốn làm gì chúng tôi mặc thích và xô đẩy chúng tôi như trâu bò và tách lìa chúng tôi và phân phối chúng tôi và lại tụ hợp chúng tôi nữa. Mọi người mất hút trong đó như trong một giấc mơ, khi đột nhiên tôi thấy hình như nhạc chơi mạnh hơn, đó là vì đã hòa lẫn với nhạc của mấy tay ghi-ta ở cỗ xe, mỗi lúc một gần thêm. Thế rồi, cơn gió nhẹ mang nó lại đổi chiều, và tôi lại hoàn toàn bận bịu với thân xác tôi, thân xác người gái nhảy cặp với tôi và với những câu chuyện trong lúc khiêu vũ. Một lúc khá lâu sau, có tiếng đập cửa, một tiếng đập thật hống hách. Rồi một tiếng người. Lập tức, im lặng toàn thể, rồi một tiếng xô vai mạnh mẽ vào cửa và kẻ kia đã ở trước mặt chúng tôi. Người với tiếng nói giống nhau.
Đối với chúng tôi, hắn ta chưa phải là Francisco Real mà là, đúng vậy, một tên cao lớn đẫy đà, mặc đồ đen từ chân lên đầu, với một tấm chalina màu nâu đỏ vắt trên vai. Khuôn mặt của hắn, tôi còn nhớ, nó xương xẩu, với một cái gì giống thổ dân.
Cánh cửa, khi bật ra, đập ngay vào người tôi. Như một thằng ngốc, tôi lao mình vào tên mới tới và phóng tay trái lên mặt hắn trong lúc bằng tay phải tôi rút một con dao sắc nho nhỏ chuồi trong lỗ khoét ở áo gi-lê dưới nách trái. Nhưng cuộc đụng độ thật ngắn ngủi. Người kia, để lấy lại thăng bằng, vươn hai cánh tay ra và đẩy tôi qua một bên như thể hắn ta gạt qua một vật gì gây chướng ngại. Hắn bỏ tôi đứng thế thủ sững đấy, tay luồn dưới tấm áo vét, với món vũ khí vô dụng của tôi. Hắn tiếp tục bước tới như không có gì xẩy ra. Hắn bước tới, luôn luôn vượt lên trên những kẻ mà hắn gạt ra trên lối đi và vẫn không ngó ngàng gì hết. Những người đầu tiên — những tên nghệu người Ý — rẽ ra, thất kinh. Nhưng chuyện đó không lâu. Trong đám kế tiếp có gã Ăng-lê đang chờ hắn và gã này, trước khi cảm thấy bàn tay kẻ lạ mặt trên vai, đã làm tê cóng khớp xương hắn bằng một lát dao mảnh mà gã nắm bí quyết. Thấy lát dao rồi là hết thảy đâm chém thật hả. Gian phòng thì sâu mà họ đẩy hắn gần như từ đầu này tới đầu kia, như một tượng chịu nạn, xô đẩy với cùi tay nắm đấm, tiếng huýt gió và nước miếng. Thoạt tiên họ lao tới hắn những nắm đấm, rồi khi thấy hắn không buồn tránh cả những đòn đó, thì những cái tát tai, thật dứt khoát, cực mạnh, hoặc là họ đập hắn bằng những đường viền khăn chalina vô hại như để nhạo báng hắn và cũng như thể họ muốn để dành hắn cho Rosendo, kẻ cho đến lúc đó vẫn không nhúc nhích khỏi bức tường ở đáy cùng nơi gã tựa mình, không nói năng gì hết. Gã nóng nảy rít điếu thuốc như thể gã biết những gì người ta sẽ thấy rõ vào hồi sau. Tên người Corralero, vẫn điềm nhiên và đầy máu me, được lôi kéo mãi tới gã, do ngọn gió của bọn hạ cấp gào thét kia xô đẩy. Bị huýt gió, bị tát tai, bị khạc nhổ, hắn chỉ mở miệng khi tới trước mặt Rosendo. Lúc ấy, hắn nhìn Rosendo, đưa mặt trái cánh tay lên chùi mặt và nói những điều tiếp theo đây:
“Tôi là Francisco Real, tay ở mạn Bắc. Chính tôi là Francisco Real mà người ta còn gọi là tay người Corralero. Tôi đã để cho bọn vô phước này hạ cẳng tay lên mình, là vì điều tôi tìm kiếm là một người đáng mặt người. Mạn ấy có những tên tán dóc thuật lại rằng ở phía này có một tay nổi tiếng chơi dao và là một người sừng sỏ mà người ta còn gọi là “Cây Đâm”. Tôi rất mong được gặp người ấy để người ấy dạy bảo tôi, tôi một kẻ chẳng ra gì, thế nào là một tay can trường và tài khéo.”
Hắn nói với Rosendo tất cả những điều ấy, mắt không rời gã. Lúc này người ta thấy sáng lóe lên trong tay phải của hắn một con dao lớn mà cố nhiên là mãi cho tới lúc ấy hắn vẫn giữ trong tay áo. Khắp chung quanh, những kẻ đã xô đẩy hắn, dần dần tránh ra và mọi người hết sức lặng lẽ nhìn họ, cả hai người. Cả đến người lai mù vẫn chơi vĩ cầm, lúc ấy, cũng đã quay mõm về phía đó.
Tới đây, tôi nghe có những bước chân ở đằng sau tôi và tôi thấy trong khung cửa ra vào sáu hay bảy tên chắc là thuộc băng đảng của tay người Corralero. Lão già nhất, một tên có vẻ quê mùa, da nâu sạm, râu mép xám, bước tới để rồi dừng ngay lại, như bị choáng ngợp vì tất cả đám con gái ấy, những ánh đèn ấy, và y kính cẩn bỏ nón. Những tên khác thận trọng, sẵn sàng rút dao ra nếu người ta chơi không thẳng thắn.
Và Rosendo, gã còn chờ gì nữa mà không thẳng chân đạp cái tên khoác lác kia ra ngoài? Gã khóa mỏ, hai mắt nhìn xuống. Điếu thuốc, tôi không biết có phải là gã đã khạc ra trước đấy hay là nó tự rớt ra khỏi mỏ gã. Sau cùng gã cũng ấp úng được mấy tiếng, nhưng nhỏ quá khiến chúng tôi, ở đầu này gian phòng, chúng tôi không hiểu gã nói gì hết. Francisco Real thách thức gã một lần thứ nhì và gã, gã lại lẩn tránh một lần thứ nhì. Đúng lúc đó thì tên trẻ nhất trong bọn ờ mạn Bắc huýt gió. Nàng Lujanera phóng tới tên ấy một tia mắt chết người được và tự vạch một con đường, với bím tóc đằng sau lưng giữa những dòng nước cuộn và mấy cô gái, nàng tiến thẳng tới chỗ chồng nàng, rút con dao của chồng ra khỏi vỏ, đưa cho anh ta mà nói: “Rosendo, em nghĩ rằng anh sẽ cần tới.”
Ở phía trên, gần trần nhà, có một thứ cửa sổ chạy dài trông ra dòng sông. Rosendo, hai tay đã cầm lấy con dao, cắm cúi nhìn như thể gã không nhận ra nó. Bỗng dưng, gã lui lại phía sau và lưỡi dao xé không khí, vọt ra ngoài, mất hút dưới dòng Maldonado. Tôi cảm thấy mình lạnh buốt như trở thành giá băng.
“Nếu mi đỡ ghê tởm, có lẽ ta sẽ chặt tứ chi mi”, kẻ kia nói. Rồi hắn đưa tay lên để đập gã. Tức thì Lujanera ôm siết lấy người hắn, quàng tay quanh cổ hắn, nàng nói với hắn vẻ giận dữ: ”Bỏ nó đi, cái tên thảm hại này đã làm chúng tôi cứ tưởng nó là mõt kẻ đáng mặt đàn ông.” Francisco Real ngập ngừng một lúc, rồi hắn ôm lấy nàng trong tay, như thể cho đến mãn đời, cho đến cái chết, trong lúc thét bảo các nhạc công chơi những bản tango và những điệu milonga và thét bảo chúng tôi hoạt động lên đôi chút, lại nhảy nhót đi. Điệu milonga như một đám cháy chạy từ đầu này tới đầu kia gian phòng. Real khiêu vũ với một vẻ rất nghiêm trọng., nhưng không để lọt một chút ánh sáng nào giữa hai người là vì hắn đã chiếm đoạt nàng. Họ tiến tới gần cửa ra vào và hắn kêu:
“Tránh ra, quý ông, tránh ra để tôi đưa nàng đi, nàng đã hoàn toàn thiếp ngủ!”
Nói đoạn, họ bước ra, má kề má, như chìm đắm dưới lượn sóng tango, như thể họ đã biến mất trong điệu tango.
Tôi tin rằng mình đã đỏ mặt vì xấu hổ. Tôi còn làm hai hay ba vòng nữa với một trong mấy cô gái rồi tôi đột nhiên rời cô ta. Tôi lấy cớ nóng nực và quá đông người và lần theo vách tường tới mãi lối ra. Đêm tuyệt đẹp, nhưng đẹp cho ai? Ở chỗ ngoặt của con đường nhỏ có cỗ xe đã ngừng lại, với hai cây ghi-ta đứng thẳng trên chỗ ngồi như hai vị đồng hương. Tôi thấy hơi chua chát cái chuyện họ chả để ý gì mấy, làm như thể mình cũng chẳng chớp nổi hai cây ghi-ta cũ. Cái đó làm tôi đâm cáu giận vì cảm thấy mình chẳng ra gì. Búng tay một cái, tôi liệng bông cẩm chướng vẫn cài sau tai xuống một vũng nước nhỏ, và tôi ở lại đó, một lúc, để nhìn nó, như để khỏi nghĩ tới gì nữa hết. Có dễ tôi sẽ trả giá mắc để chấm dứt một lần cho xong cái đêm hôm ấy. Tới đó thì có kẻ xô đẩy tôi, nhưng chuyện ấy lại khiến tôi gần như khoan khoái. Đó là Rosendo đang thoát thân có một mình.
“Lúc nào cũng phải có mày xen vào giữa, ê thằng Còm”, gã càu nhàu khi lướt qua để trút bớt gánh nặng, hay chỉ thốt ra một cách máy móc, tôi không rõ. Hắn rẽ về phía tăm tối nhất, phía dòng Maldonado. Tôi không bao giờ còn gặp lại gã nữa.
Tôi ở lại đó mà nhìn những sự vật muôn thủa — bầu trời để kêu lên đủ rồi, dòng sông chỉ mê chảy một mình, một con ngựa đang thiêm thiếp, con đường nhỏ bằng đất nện, những lò gạch, và tôi nghĩ rằng mình cũng chẳng là gì hơn một sợi cỏ thêm vào đó, mọc giữa đám hoa dại và những đống xương trên bờ. Và còn có cái gì có thể trồi ra được từ cái đám rác rưởi này ngoài những kẻ như chúng tôi, chỉ giỏi to mồm nhưng không phừng cháy trong nguy khốn, toàn là múa may và lảm nhảm, không gì khác hơn? Rồi sau đó, tôi tự nhủ mình rằng không, rằng khu phố càng thê thảm thì mình càng phải cứng rắn. Ngày hội vui đem lại cho ta một trong những cái ồn ào huyên náo ấy và một trong những tiếng ầm ĩ trong nhà ấy đã tới, và rồi lại có ngọn gió đưa tới một mùi hoa kim ngân. Một đêm tuyệt đẹp, chẳng ra cái gì cả. Có những ngôi sao khiến ta say sóng, nếu ta nhìn chúng chồng chất lên nhau. Tôi, tôi cố thuyết phục mình rằng vụ này chẳng quan hệ gì tới tôi, nhưng sự hèn nhát của Rosendo và cái can trường không thể chịu được của kẻ xa lạ kia, vẫn còn lại với tôi ở đó. Cái tay anh chị ấy, hắn còn có thể cưỡng đoạt một người đàn bà trong đêm nay. Đêm nay và những đêm kế tiếp, tôi thầm nghĩ, và có lẽ hết mọi đêm, là vì với Lujanera thì đó là chuyện nghiêm chỉnh. Có trời biết lúc này họ đi về phía nào. Họ không thể ở xa lắm. Có lẽ, lúc này họ còn đang hăm hở ở một trong mấy cái hố này.
Khi tôi quyết định trở lại, cuộc nhảy nhót vẫn tiếp tục như không có chuyện gì xẩy ra.
Ra sức thu mình lại, tôi chuồi vào giữa những người khác và tôi thấy rằng một người trong bọn chúng tôi đã bỏ trốn và đám ở mạn Bắc đang nhảy tango với những người khác. Không có những đòn cùi chỏ cũng chẳng có đẩy xô, mà đúng hơn chỉ có sự nghi ngại và dè giữ. Âm nhạc cũng thiếp đi, mấy người đàn bà nhảy với đám mạn Bắc không thốt lấy một lời.
Tôi, tôi đang chờ một điều gì đó, nhưng không phải điều đã tới.
Người ta nghe tiếng một người đàn bà khóc ở bên ngoài, rồi là tiếng nói mà người ta đã quen biết, nhưng lúc này thanh thản hơn, gần như quá thanh thản, như thể ấy đã không còn là tiếng nói của một người, và tiếng ấy nói:
“Vào đi, em.”
Rồi thêm nhiều tiếng khóc nữa. Và lại tiếng nói kia, lúc này đã đổi sang tuyệt vọng.
“Mở ra, tao bảo mày! Mở ra, đồ con lai dơ bẩn, con đượi, mở ra, đồ chó cái!”
Tới đó thì cánh cửa lung lay mở ra và Lujanera bước vào, một mình. Nàng bước vào như có ai đẩy tới.
“Một con ma sai tới đấy,” người Ăng-lê nói.
“Một người chết, bạn ơi”, tên người Corralero nói. Khuôn mặt hắn ta, có lẽ có thể nói là khuôn mặt của một kẻ say rượu. Hắn tiến vào, chập choạng mấy bước — thật thẳng, không thấy gì — ở lối đi mở ra trước mặt như lúc nãy rồi đổ sập xuống, như một cây cột trụ. Một trong những kẻ cùng đến với hắn lật ngửa hắn lên và luồn tấm chalina xuống dưới đầu cho hắn. Những phòng ngừa nhỏ nhặt này làm anh ta vấy máu. Lúc ấy người ta mới thấy là kẻ kia bị một vết thương dơ bẩn trên ngực. Máu chảy tràn ngập và bôi đen chiếc khăn quàng đỏ chói mà lúc trước tôi không nhận thấy là vì tấm chalina phủ lên trên nó. Những chăm sóc đầu tiên cho hắn: một người đàn bà đem rượu mạnh và mấy miếng dẻ cháy tới. Người kia không ở tình trạng tự giải thích được. Nàng Lujanera nhìn hắn vẻ xa vắng, hai cánh tay buông thõng. Mọi người đều có đó, hất hàm hỏi và cuối cùng nàng kể lại. Nàng nói rằng khi nàng bước ra với tay người Corralero ấy, hai người đi tới một vùng đất hoang nho nhỏ và tới đó, có một kẻ lạ mặt khiêu khích hắn ta như một kẻ bị ma ám, và cắm lưỡi dao găm này vào người hắn; nàng thề rằng nàng không biết kẻ đó là ai, nhưng chắc chắn đó không phải là Rosendo. Làm như người ta có thể tin được nàng!
Người kia, ở dưới chân chúng tôi, bấy giờ đang hấp hối. Tôi nghĩ rằng bàn tay ấy đã không rung, bàn tay của kẻ đã xử sự với hắn ta như thế. Tuy nhiên, hắn dai lắm. Khi hắn ngã xuống thì mụ Julia đang sửa soạn maté*** và maté đã đi một vòng gian phòng và trở lại mãi tới chỗ tôi trước khi hắn qua đời. “Hãy che mặt cho ta”, hắn chậm rãi nói khi cảm thấy phút lâm chung đã tới. Hắn không còn gì khác ngoài tính kiêu căng và hắn nhất định không cho phép một ai có đó rình rập những nét nhăn nhó của hắn lúc hấp hối. Có ai đó đặt lên đầu hắn cái nón nỉ đen có chỏm cao của hắn. Hắn chết dưới cái nón nỉ mềm, không một tiếng ca thán. Khi lồng ngực nằm dài của hắn không còn đưa lên nữa, người ta đánh bạo lột mặt hắn ra. Hắn có cái vẻ mỏi mệt của những người quá cố. Ấy là một trong những người can trường nhất đã thấy vào thời đó, của vùng Dàn súng phía Nam. Khi tôi thấy hắn đã chết mà không một lời, nỗi oán thù của tôi đối với hắn bỗng tiêu tan.
“Muốn chết, chỉ cần sống”, một cô gái trong bọn nói, và một cô khác cũng trầm tư:
“Con người, sĩ diện cho lắm cũng để ruồi bu.”
Đúng lúc ấy thì đám người mạn Bắc nói nho nhỏ với nhau một điều gì đó, thế rồi, chẳng mấy chốc, hai đứa lớn tiếng lặp lại:
“Chính mụ kia đã giết ông ấy.”
Một đứa trong bọn chúng tới hét vào giữa mặt nàng rằng đúng là nàng, rồi cả bọn vây quanh lấy nàng. Tức thì tôi quên mất là mình phải đề phòng và nhanh như chớp tôi băng qua bọn chúng. Xúc động, suýt nữa tôi còn rút dao ra khỏi vỏ. Tôi cảm thấy nhiều người nhìn tôi, để khỏi nói là tất cả. Tôi nói bằng một giọng diễu cợt:
“Các người hãy coi qua hai bàn tay người đàn bà này. Các người tưởng tượng rằng người ấy có đủ sức và gan dạ để đâm một nhát dao như vậy sao?”
Và, như một tay sừng sỏ thứ thiệt, tôi nhếch mỏ thêm:
“Ai dám bảo rằng kẻ quá cố, theo chỗ người ta thuật lại, từng là một tay anh chị trong khu vực của ông ta, lại mãn cuộc một cách tồi tệ đến thế và ở một cái xó tù đọng như cái xó này, nơi chả có gì xẩy ra nếu không có ai đó ở ngoài tới giúp vui cho chúng ta, và sau đấy chẳng còn hay hớm gì hơn là liệng ra đống phân?”
Không một ai muốn hứng chịu đòn này.
Tới đó, tiếng kỵ binh lớn dần lên trong im lặng. Đó là cảnh sát. Hết thảy, ít nhiều gì, hẳn là phải có những lý do để tránh cuộc đụng độ, là vì họ đã quyết định rằng tốt hơn cả là liệng thây người chết xuống sông. Chắc chắn là ông còn nhớ cái khung cửa sổ chạy dài mà lưỡi dao nọ đã được phóng qua như một tia chớp. Người mặc đồ đen cũng qua cùng một lối đó. Nhiều người túm chặt lấy hắn ta và tất cả những gì hắn ta có như tiền bạc và những đồ lặt vặt khác, cũng những bàn tay này đã trút bớt gánh nặng cho hắn ta; lại có cả một tên đã chặt một ngón tay hắn ta để chớp lấy chiếc nhẫn. Bọn lợi dụng, thưa ông, dám xâm hại đến một người chết đáng thương không được bảo vệ, sau khi một người khác, mạnh dạn hơn hắn, đã thanh toán công chuyện với hắn. Một tiếng “bòm” lớn, rồi dòng nước mau lẹ và đồng lõa cuốn hắn đi. Tôi không biết chúng có rứt bỏ nội tạng để hắn khỏi nổi hay không. Tôi, tôi không ưa nhìn tới. Tên già râu mép xám nhìn tôi không rời mắt. Nàng Lujanera lợi dụng lúc mọi người hoảng hốt để bỏ đi.
Khi nhân viên luật pháp tới đưa mắt liếc qua, buổi khiêu vũ gần như đã bắt đầu lại. Người mù chơi vĩ cầm biết kéo những bản habanera như lúc này ta không còn được nghe thấy nữa. Bên ngoài, trời sắp sáng. Những cây cọc bằng gỗ cứng, chịu nước, trên bờ dốc, có vẻ cách biệt; hãy còn quá sớm nên không thấy được lớp lưới sắt mắt cáo.
Tôi lặng lẽ trở lại cái chòi lụp xụp của tôi ở cách đó một chút. Một ngọn đèn nho nhỏ sáng lên ở cửa sổ, nhưng tắt liền sau đó. Còn phải bảo ta vội tới khi ta nhận thấy cái đó ấy à. Lúc ấy, Borges ạ, tôi rút con dao ngắn và sắc của mình ra, con dao mà tôi vẫn để ở đó, dưới cái áo gi-lê bên tay trái, và tôi duyệt lại lưỡi dao một lần nữa, chầm chậm, và nó như còn mới, hoàn toàn vô tội, không còn lấy một vết máu nào nhỏ nhất.
JORGE LUIS BORGES
(Historia universal de la infamia, 1935)
-----------------------
* La Lujanera: “Người đàn bà ở Luján”.
** Muốn biết cái “bản tính thật” ấy ra sao, xin xem thêm “Câu chuyện của Rosendo Juáres” mà Borges viết lúc sau, đã đăng lần đầu trên tờ La Nació n ở Buenos Aires ngày 09.11.1969, và in trong tập El Informe de Brodie, Buenos Aires, 1970; bản dịch Anh văn của Norman Thomas di Giovanni (1969); hay bản Pháp văn của Françoise-Marie Rosset (1972) in lại có sửa chữa trong Borges, Toàn tập (tập hạ), tủ sách Pléiade, Gallimard, Paris, 1999.
*** Một thức uống ở Nam Mỹ, tựa như trà, nhưng khá kích thích. (ND.)
Truyện Ngắn Và Tiểu Luận Borges Truyện Ngắn Và Tiểu Luận Borges - Jorge Luis Borges Truyện Ngắn Và Tiểu Luận Borges