There is a great deal of difference between an eager man who wants to read a book and a tired man who wants a book to read.

G.K. Chesterton

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyễn Hà
Upload bìa: Võ Lâm Như Tâm
Số chương: 42 - chưa đầy đủ
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6301 / 64
Cập nhật: 2016-07-27 21:36:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Giao Thừa - Dương Duy Lữ
ãi giáp Tết, thượng uý của tôi mới được về nghỉ phép. Anh giúp mẹ quét dọn nhà cửa, sửa sang bàn thờ ông bà, về quê nội quê ngoại lễ tết và tảo mộ tổ tiên. Việc cuối cùng là gói bánh chưng. Bao cấp xoá bỏ, cơ chế thị trường mở ra mấy năm nay. Nhưng nhà anh vẫn giữ nếp nhà chứ không đặt bánh chưng ngoài phố. Thoạt đầu tôi nghĩ, nhà anh khó khăn nên đun bánh lấy, đỡ tốn kém hơn. Sau tôi mới vỡ nhẽ, gói bánh chưng cũng là một nghệ thuật, cũng là nếp sống văn hoá của từng nhà. Văn hoá và nghệ thuật từ việc chọn gạo nếp quýt, hoa vàng ở quê đến việc mua bánh đậu xanh nhân tằm vỏ mốc lòng vàng tơi bở, việc mua lá dong nếp gói bánh mới xanh mới mỡ, việc chẻ lạt thật đều giằng mới chặt. Rồi thịt lợn sấn thái miếng thịt đều ướp hạt tiêu sọ, nước mắm hảo hạng. Rồi việc gói sao cho vuông thành, sắc cạnh tám góc rõ ràng, việc luộc sao cho đều lửa bánh mới dền mới dẻo... Biết bao nhiêu công đoạn lích rích. Nhưng thật là thú vị. Anh bảo, em thử tưởng tượng xem, bận rộn nhưng hấp dẫn lắm chứ! Đi mua về ăn còn gì là hào hứng nữa. Còn như nhà mình đun lấy, cả nhà đều hồi hộp, đều chờ mong... Cắt cái bánh ra, cô em gái reo lên, mẹ mua gạo năm nay khéo quá! Mẹ vào mà xem này, bánh dền lắm, đẹp lắm! Thế là mẹ anh sướng nở ruột nở gan. Nhưng vẫn chửi yêu cô em gái, mẹ cha cô, chỉ khéo nịnh. Bữa cơm tất niên đã ngon đã hạnh phúc ngay từ lúc ấy, em thấy chưa?
Tôi trào nước mắt. Tôi ước gì nhà tôi cũng được vui như thế.Bố tôi trong quân ngũ. Suốt thời chiến tranh bố chiến đấu ở miền Nam. Khi bố được điều ra Hà Nội thì mẹ đi ănggôla mấy năm. Nhờ có ông cậu bên họ ngoại làm to ở Đại sứ quán nên mẹ được ở thủ đô Luanđa. Đó là niềm mơ ước của người đi ănggôla. Mẹ vừa đỡ đẻ vừa buôn bán. Hàng tuần bố và anh tôi đi đón hàng của mẹ gửi về và đóng hàng gửi sang cho mẹ. Số tiền lãi, bố tôi mua đất thổ cư. Khi mẹ về hùn tất cả vốn và lãi lại xây vài cái khách sạn trên Phủ Tây Hồ và xây nhà ở. Nhưng hạnh phúc của bố mẹ tôi cũng từ đấy rạn nứt. Bố mẹ sống ly thân. Cả ngày không nói với nhau một câu. Bữa cơm gia đình cũng xé ra. Bố mẹ không ngồi ăn cùng mâm. Tôi và mẹ tiện đâu ăn đó. Hai năm liền nhà tôi không có tết. Ông nội tôi nghỉ hưu, quân hàm thiếu tướng. Ông bà tôi bàn với nhau đến ở nhà tôi. Từ đấy bữa cơm hợp lại nhưng không khí vẫn nặng như chì. Tôi chưa bao giờ được ăn một bữa cơm ngon.
Chiều thứ bảy và ngày chủ nhật tôi rất thích được ăn cơm bên nhà anh. Anh đóng quân ở xa. Vài tháng mới được đảo qua nhà. Các bữa cơm chiều thứ bảy và ngày chủ nhật thường thường chỉ có mẹ và cô em anh. Bữa cơm thường chỉ có đậu phụ rán, rau muống luộc mà ngon mà vui tuyệt trần đời. Mấy mẹ con vừa ăn vừa chuyện rôm rả, ríu rít. Mỗi khi nghĩ tới bữa cơm đạm bạc mà đầm ấm nhà anh tôi lại thấy nhạt miệng, hụt hẫng như bị hạ đường huyết. Như tôi đã kể, mẹ chàng vốn cẩn thận, sạch sẽ và lịch lãm. Anh và các em được mẹ răn dạy từ nhỏ theo nếp nhà, dù chỉ là bữa cơm thường nhật.
Chiếc mâm thau, nhà anh vẫn dùng chiếc mâm thau được đánh rửa sáng choang màu đồng. Những chiếc bát Trung Quốc xuất khẩu trắng bóng màu men sứ. Những đôi đũa mộc bằng tre già đỏ au. Một đĩa đậu phụ rán vàng. Một bát nước chấm có ớt tỏi. Một đĩa rau muống luộc rất xanh. Mẹ và em gái anh đã dạy tôi cắt đậu, rán đậu, bổ chanh vắt vào nước rau cho vừa độ và sắt ớt thật đều lát sau khi đã mổ bụng moi hết hạt đi. Vậy mà tôi chưa làm thành công một bữa nào? Chả nhẽ rán đậu, vắt chanh, sắt ớt cũng phải có cái gien nội trợ mới đẹp ư? Có lúc tôi tự nhủ. Thoạt đầu tôi cứ nghĩ mẹ anh cầu kỳ và thấy lo nếu số phận run rủi tôi làm dâu mẹ. Nhưng giờ đây tôi mới hiểu bữa ăn và món ăn là biểu hiện văn hoá của một gia đình và hạnh phúc biết chừng nào nếu tôi làm con dâu của mẹ.
Nhà tôi và nhà anh cùng ở một dãy nhà tập thể. Đó là căn nhà cấp bốn dài dặc mỗi hộ một gian đã hết hạn sử dụng từ lâu. Dãy nhà này giờ đây như một dãy phố trong khu với những ngôi nhà chưa thể gọi là chọc trời nhưng cao ba bốn tầng với đủ các kiểu cách khác nhau. Thoạt đầu mới có vài nhà dựng lên trông cũng đẹp, cũng oai lắm. Chúng tôi tha hồ ngửa cổ mà ngắm. Nhưng giờ đây gần như cả dãy các ngôi nhà cao tầng mọc lên, trông lại thấy nhôm nham nửa quê nửa tỉnh. Nhà anh vẫn chưa thay đổi. Trên mái nhà lỗ dỗ mảnh giấy dầu cài vào mũi ngói chống dột. Chẳng ai dám chê mẹ con anh. Khi chồng hy sinh ở mặt trận B3, mẹ anh một nách nuôi dạy hai con. Anh là anh cả. Lại không óc nguồn tài trợ từ bên ngoài. Bù vào đó, mẹ con anh sống rất đàng hoàng, đầm ấm và hạnh phúc. Mẹ anh là người Hà Nội gốc. Bà phúc hậu, dịu dàng, thanh lịch, hết lòng với bà con xóm giềng. Nhiều người bị đậu mùa, đậu lào trong khu đều nhờ mẹ anh cho uống lá thuốc nam và nhổ gió. Bà chiếm được lòng tin yêu kính tuyệt đối của mọi nhà. Bọn con gái chúng tôi rất thích được bà dạy mua hoa, cắm hoa và chọn mua vải may quần áo sao cho trang nhã và lịch sự.
Anh vốn ghét văn chương từ khi là học sinh trung học. Theo anh đó là môn học viển vông rắc rối và phức tạp. Càng học càng thấy hư hư ảo ảo. Anh cũng sợ môn toán, lý. Anh bảo nó rạch ròi quá. Nếu say toán mà mắc bệnh nghề nghiệp thì có lẽ tình cảm vợ chồng cũng hai nhân hai là bốn. Một cộng một là hai. Có lần tôi hỏi, anh thích nhất gì? Anh nhìn tôi rất lâu bảo: thích em. Tôi hét lên; Anh gian lắm. Em hỏi anh thích học môn gì kia? Có lẽ môn lịch sử? Tôi hỏi: Tại sao? Anh bảo: Nó trung hoà giữa toán và văn.
Tôi hỏi cho vui chứ cũng chẳng quan tâm lắm. Nhưng mẹ muốn anh thi vào trường quân sự để khi ra trường có việc là ngay. Còn tôi, tôi chả thích môn gì. Mẹ tôi muốn tôi nối nghiệp bà. Thế là tôi thi vào trường đại học quân y và trở thành bác sĩ...
Tôi vội quay mặt đi, giấu những giọt nước mắt. Nhưng không qua nổi mắt anh. Anh tỏ ra ân hận, lúng túng, nói át đi, tối mai (tức ba mươi tết) anh sẽ đưa em đi dạo phố. Chúng mình đón giao thừa ở đền Quán Thánh sau đó về giậm đất cả hai nhà được không em? Tôi bảo, anh cứ lo cho xong việc nhà đi. Nhưng trong bụng cứ muốn reo lên. Về mùa đông tôi vẫn rất thích đi dạo phố cùng anh. Chúng tôi như được tẩm trong trong không khí ngọt ngào mùi hoa sữa còn vấn vít quanh người.
Tối ba mươi Tết mua phùn. Dãy đèn đường cao áp chìm ngập trong đám mưa bụi mịt mù, mờ ảo. Sương khói dằy đặc mặt nước hồ tây từa tựa một hòn đảo toàn bằng khói trắng. Tôi khoác tay anh bước thongdong trên đường Cổ Ngư. Chúng tôi cứ đi bách bộ như thế không biết bao nhiêu lượt từ đền Quán Thánh tới chùa Trấn Quốc. Và ngược lại. Mỗi lúc một thấy rạo rực, ấm áp lạ thường. Thỉnh thoảng chúng tôi dừng bước, đứng bên nhau rất lâu. Tôi có cảm giác hai má tôi nóng muốn bốc hoả. Tôi đem theo một thẻ hương thật thơm, và chiếc máy lửa ga. Anh hỏi để làm gì. Tôi bảo, bí mật. Đến giao thừa tôi muốn dành cho anh một bất ngờ. Anh bảo, nói trước được không? Tôi mỉm cười (Trong đêm tối anh không nhìn rõ). Nói trước còn gì là thú vị. Anh thọc nách tôi tra khảo. Tôi nhũng nhẽo, ứ. Và giả làm mặt giận. Em phạt anh. Anh hỏi phạt cái gì? Tôi bảo, không cho hôn nữa. Tôi nói chưa dứt lời anh đã ôm ghì lấy tôi và hôn tôi đến cháy môi, nghẹt thở. Tôi tức. Đấm vào lưng anh thùm thụp. Nhưng là đấm vào áo bông lính bùm bụp như vỗ bụi. Anh cười. Tôi càng tức đấm mạnh hơn. Rồi quyết định đứng quay mặt ra hồ Trúc Bạch. Anh tìm cách làm lành. Tôi không còn bị bất ngờ nên anh không hôn được tôi nữa. Anh thọc nách, tôi không cười, giãy ngoay ngoảy. Anh bất lực, thì thầm, em ơi, sắp sửa đến giao thừa, sắp sửa đến giờ phút trang nghiêm nhất của đất trời. Tôi vẫn lặng yên. Anh đứng quay mặt ra hồ, trước mặt là cây bằng lăng tán lá xoè rộng, thấp lè tè. Chẳng hiểu lúc ấy anh nghĩ gì? Anh nhìn ngắm mặt hồ trúc bạch cuồn cuộn sương khói hay nhìn ngắm cây bằng lăng đã vượt qua mùa hè dữ dằn, nóng lửa vặn mình đến nứt nẻ cả vỏ để trổ hoa. Tôi rất thích màu hoa tím. Tôi gọi hoa bằng lăng là hoa thuỷ chung! Mỗi lần đi cùng anh trên đường Trần Phú. Anh cũng đứng trầm mặc trước cây sấu già, gốc toả ra gân guốc, chống trả được tất cả các cơn thịnh nộ nổi bão tố của trời nhưng lại chết dần, chết mòn vì những dây tơ hồng mỏng manh - một thứ tầm gửi lấn cành. Anh bảo, anh chưa thấy cây sấu nào bị đổ vì bão vậy mà bây giờ...
Tôi thấy thương anh. Tôi không muốn làm mặt giận với anh thêm một giây nào nữa, nhất là giây phút này, giây phút chuẩn bị đón chào năm mới.
Có lần cô bạn gái hỏi, mày yêu anh ấy nhất điểm nào? Tôi ngẩn người, trả lời, chả biết nữa. Nhưng anh ấy rất thực, thực tới mức nghe người khác nói dối còn đỏ mặt. Người ta bảo, ở gần nhau là phát hiện hết nhược điểm của nhau mà yêu nhau được là quý lắm, hiếm lắm.
Tôi chưa kịp làm lành với anh, anh đã quay lại vồn vã, anh quên chưa kể cho em nghe chuyện này, em có tưởng tượng được không, Hà Nội của chúng ta xưa ao hồ chi chít, con sông Tô Lịch còn một nhánh nữa, chảy qua phố Thuỵ Khuê, phố Phan Đình Phùng qua cổng chéo Hàng Lược, qua phố Ngõ Gạch rồi đổ ra sông Hồng chỗ Hàng Buồm bây giờ. Còn hồ Hoàn Kiếm xưa là hồ Quân thuỷ rộng mênh mông đến tận phố Lò Đúc và nối với sông Hồng ở mạn Vĩnh Tuy. Giữa hồ Hàng Ngang, Hàng Đào và hồ Hoàn Kiếm có một cái lạch. Nơi người ta làm một cái cầu gỗ bắc qua cái lạch nay là phố Cầu Gỗ đấy. Và khu phố Cửa Bắc, Yên Ninh, xưa kia là rừng tre già, chim rừng về vô kể...
Tôi vẫn lạnh tanh, giả làm mặt giận, bảo anh chỉ bịa.
Nếu như mọi lần hẳn hoi tôi thích lắm. Tôi vẫn giao hẹn với anh mỗi buổi tối đi chơi anh phải kể một chuyện về Hà Nội của chúng ta. Nhưng hôm nay tâm trí tôi đang mải nghĩ đến giờ phút giao thừa cho đến bây giờ, tôi vẫn không sao cắt nghĩa nổi tại sao ngày xưa con người talại nghèo đến vậy, khổ đến vậy. Ông bà nội tôi vẫn kể, xưa ông bà nghèo tới mức chả có tiền cưới nhau. Cũng may vụ mùa năm ấy, ông bà tôi đến gặt lúa giúp cụ đồ Ban ở làng. Cụ cám cảnh, thương tình bảo, nếu các cháu thực sự thương nhau, ta bày cách cho mà lấy nhau chả mất một xu nào. Buồn ngủ vớ được chiếu hoa, ông bà nội tôi mừng quá, xin cụ bày vẽ chỉ bảo cho được nên vợ nên chồng. Cụ ung dung bảo, tổ tiên ta từ xưa vẫn truyền lại, giờ phút giao hoà giữa năm cũ và năm mới, là giờ phút chuyển giao thiêng liêng nhất của đất trời. Tổ tiên ta không chỉ đón giao thừa mà còn đón luôn cả lòng nhân ái nữa. ấy là sự mở lối cho những đôi trai gái yêu thương nhau như các cháu mà không có tiền dẫn cheo, dẫn cưới thì vào đêm ba mươi Tết hò hẹn nhau một chỗ nào đó đón giao thừa. Khi tiếng trống sang canh điểm, các cháu châm ba nén hương cắm ngay xuống trước mặt mình rồi chắp tay vái bốn vái lên trời. Vậy là trời đất chứng kiến, ông tơ bà nguyệt se duyên cho các cháu. Tiếp đó, các cháu đi thẳng vào đình làng, cũng thắp ba nén hương và kính cẩn vái bốn vái để trình để trình Đức Thành hoàng bản thổ. Sau đó về nhà trai, nhà gái bái lạy tổ tiên và trình với bố mẹ. Thế là xong. Ông nội bảo, hôm ấy cứ ngỡ có tôi với ông. Hoá ra bốn năm đám. Tối ba mươi Tết năm ấy mưa phùn gió bấc rét ơi là rét! Trời tối đen. Ông hẹn đón bà ở cây đa Cổng Tiền. Nếu không có cái bùi nhùi lập loè ánh lửa khéo giáp mặt ông cũng không nhìn thấy. Bà sợ quá là sợ. Trống ngực đập thùm thụp, vừa đi vừa ngoảnh lại, cứ nghĩ có người đuổi đằng sau. Đến lúc sang canh, trống ốc, tù và rúc inh ỏi, pháo nổ, chó sủa, ông thổi lửa, bảo bà cầm hương châm mà tay cứ run bần bật, phần vì rét phần vì sợ, mãi hương chả cháy. Sau ông phải cắm đầu ba nén hương vào mồi lửa. Ông bà thắp hương xong quay về đình đã thấy xung quanh mình lập loè ba bốn chỗ. Toàn là đám cưới của người nghèo. Bây giờ cây đa ấy vẫn còn, mỗi lần về thăm làng, đi qua cây đa, ông bà đều xúc động lắm. Ông bảo chỗ mô đất này ngày xưa tôi với bà thắp hương đây. ăn tết xong, ông đi hoạt động bí mật. Rồi tham gia cướp chính quyền ở huyện, rồi lại chuyển vào bộ đội. Không có cách mạng, hẳn bố cháu và các cô, các chú cháu lại con nối nghiệp cha phải nhờ mấy nén hương lúc đón giao thừa, mới nên vợ nên chồng như ông bà mất, chứ làm gì được là ông tướng, ông tá... Mới đó mà nhanh đến thế. Ông bà nhanh già đi là phải. Khi chúng tao nhắm mắt xuôi tay, chúng bay phải thay tao hương khói cho cụ. Ngôi mộ hai cụ ông bà mới xây năm ngoái ở chân núi Con Voi, tao đã chỉ cho bố cháu rồi...
Đêm nay, tôi tâm niệm thắp ba nén hương vào lúc giao thừa. Trời đất sẽ chứng giám cho mối tình của tôi với anh. Tôi lặng lẽ bước bên anh.Tôi có cảm giác nghe rõ cả tiếng vặn mình tí tách của cây bằng lăng. Năm nay người Hà Nội đón giao thừa không đốt pháo. Đêm có phần tĩnh lặng. Tiếng chị phát thanh viên trên màn ảnh nhỏ trong chùa Trấn Quốc vọng ra rất rõ. Phút giao thừa đã điểm. Tiếng chiêng, tiếng mõ trong chùa văng vẳng, lan trên sóng nước. Lúc ấy chúng tôi đang đứng bên bờ hồ sen cạnh chùa. Tôi xúc động đến nghẹt thở. Tôi giục anh đánh lửa cho tôi châm hương. Anh bảo, vào chùa chứ! Tôi bảo không, anh đánh lửa mau lên. Tôi hồi hộp, run rẩy dúi ba nén hương vào ngọn lửa ga. Anh hỏi rét à? Tôi nói, không. Anh hỏi, sao tay em run thế? Tôi bảo em hồi hộp. Tôi cúi xuống cắm ba nén hương cạnh bờ đầm, và quỳ xuống. Tôi bảo, anh lễ đi. Anh hỏi, lễ ai? Tôi nói, lễ trời đất, lễ nguyệt lão se duyên kết tóc cho chúng mình. Anh ngoan ngoãn quỳ xuống bên tôi và cùng tôi kính cẩn vái ra phía Trấn Quốc. Sau đó tôi chủ động ôm hôn anh. Tôi thì thầm, em hạnh phúc quá...
Truyện Ngắn Chọn Lọc Truyện Ngắn Chọn Lọc - Nhiều Tác Giả Truyện Ngắn Chọn Lọc