A book is like a garden carried in the pocket.

Chinese Proverb

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyễn Hà
Upload bìa: Võ Lâm Như Tâm
Số chương: 42 - chưa đầy đủ
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6301 / 64
Cập nhật: 2016-07-27 21:36:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Không Thời Gian - Phạm Ngọc Tiến
én nhang này thắp để tưởng nhớ bạn: Liệt sĩ Nguyễn Thế Lượng
Tất cả như chỉ vừa mới xảy ra...
- Này, mày hãy nhìn đám mây trắng kia. Đấy, cái đám mây là là trên mặt nước ấy.
- Thì sao nào?
- Tuyệt, không. Mây trắng và nước xanh. Hãy nheo mắt lại, một chút thôi, không cần phải tưởng tượng, mày sẽ thấy đúng là một góc Hồ Tây.
- Ôi dào ồi!, tưởng gì, mệt bỏ bố còn Hồ Tây, hồ tiếc. Mà cũng lạ, mày nhìn cái gì ra góc hồ nhà mày. Đây đang là sông Vàm Cỏ, và đang chiến tranh. Mày hiểu chưa?.
- Chiến tranh đã kết thúc. Tao linh cảm thế. Bên kia sông chỉ cách một tầm bắn 130 ly đã là Sài Gòn. Mà thây kệ nó. Kìa, nước đã bắt đầu loang đỏ. Mây hồng lên. Chiều Hồ Tây cũng hệt như thế.
- Tao lạy mày. Cứ nhắc đến Hà Nội là ruột gan tao cồn cào như sát muối, chịu không xiết. Mày biết không...
Thế mới cần phải nhắc. Rồi ta sẽ đãi mày một hoàng hôn Hồ Tây. ờ phải, gió lồng lộng thổi vợ tao sẽ biểu diễn món cá mè luộc với dọc hành...
- Thôi im đi! Tao đã thuộc lòng cái điệp khúc nỉ non ấy của mày. Im đi. Nếu còn cuộc chiến tranh khác và tao là người cầm chịch, tao sẽ cấm tuyệt bọn có vợ chúng mày ra trận.
- Đồ ngu! Mày không thể biết thứ hạnh phúc của một thằng lính có vợ chờ đợi tuyệt như thế nào. Ơ.. Không hiểu sao tao thấy lạnh thế!
- Chết. Không khéo sốt thì bỏ mẹ. Làm sao mà vượt sông được.
- Không phải sốt! Lạnh như lạ lắm. Chưa thế này bao giờ - Người lính lập cập mở bồng lấy ra chiếc áo len màu nâu.
- Hự, không sốt thì mặc áo len làm gì? à ra thế, - chắc lại mày lại nhớ cái hậu phương ấy. Đã bảo mà.
- Cũng có thể. Nhưng lạ lắm. Cái áo vợ tao đan...
Bóng tối chầm chậm nuốt nốt chút ráng hồng cuối cùng váng trên mặt sông. Bỗng có tiếng nổ phành phạch. Từ chùm tối giữa sông đột ngột nhô một đầu ra chiếc xe lội nước M113. Hai người lính nhìn nhau. Chiếc xe đã gần táp vào bờ. Trên xe lô nhô bóng lính.
- Nó đấy!
- Im nào, kệ nó.
- Bắn đi. Kìa, bắn đi. Gần quá rồi!
Hai khẩu AK cùng lúc khạc lửa. Chiếc xe khự lại một giây rồi vẫn lừ lừ tiến. Đám lính nhảy toán loạn xuống sông. Một tràng AR15 rẹt thẳng vào bờ.
- Ơ.. lạnh quá...
- Trời! Mày bị rồi!
Một lỗ thủng khoan gọn gẽ phía ngực trái chiếc áo len. Máu đang rỉ ra loang lổ một vùng áo.
- Lạnh quá, đúng như ban nãy...
Chiếc M113 không người lái vật vờ dềng vào mép bờ. Trên thùng xe hai cái xác lật ngửa. Một thằng người lom khom bất ngờ bật thẳng hai tay lên trời:
- Đừng bắn em. Chúng em là tàn quân đang tìm đường chạy. Các anh thắng rồi.
- Lên bờ. Nằm sấp xuống.
- Kìa, Cường ơi cởi giúp tao cái áo - Tay người lính quờ quạng. Cường ơi, mày hứa đi... đưa cho cô ấy cái áo nhé. Cho tao nằm ở đây - Hơi thở gấp gáp của người lính phào ra cả bọt máu - Một góc hồ...
Chưa bao giờ súng nổ nhiều đến thế. Cả phân đội trinh sát như hoá rồ vãi đạn lên trời. Bắn nữa đi, sẽ chẳng bao giờ còn được bắn nữa đâu. Bắn đi. Chiến tranh đã kết thúc thật sự rồi.
Tất cả như chỉ vừa mới xảy ra. Đúng vậy, mới tối hôm qua người lính cuối cùng của phân đội còn nằm xuống mép sông Vàm cỏ. Khi Cường lôi chiếc áo len kỷ vật, cả phân đội khững lại. Tất cả như hoá đá. Vậy là họ còn sống. Không ai bảo ai tất cả buông rơi súng. Rồi như bừng tỉnh, mọi người đứng sát bên nhau. Họ nghĩ đến đồng đội - Những người không bao giờ có mặt được nữa để tận hưởng phút giây ngọt ngào này. Thời gian tưởng như ngưng lại vĩnh viễn, Nếu như không có tiếng nói khàn đục cất lên:
- Hãy vĩnh biệt họ lần cuối cùng.
Một ngôi mộ bằng đất được đắp vội vã. Lá cờ đỏ phủ kín ngôi mộ. Một người đặt chiếc áo len lên đỉnh mộ. Tất cả cúi đầu quây tròn không theo thứ tự nghi lễ nào cả.
- Bao nhiêu nhỉ?
- Bao nhiêu gì?
Tiếng ai đó nghẹn ngào.
- Bao nhiêu đứa?
Một người tháo mũ cứng đặt cạnh mộ. Một người nữa. Cả phân đội ngót ba chục tay súng, xếp những chiếc mũ ngay ngắn thẳng hàng.
- Vẫn còn thiếu.
Đếm mãi những ngôi mộ tượng trưng bằng những chiếc mũ vẫn không đủ số liệt sĩ của phân đội. Có lẽ thế, không thể đủ cho tất cả. Tiếng một ai đó nấc lên, đứt quãng.
- Chúng mày ơi...
Cả phân đội quỳ xuống nhất loạt khóc oà. Chiến tranh kết thúc rồi. Bắn đi, bắn nữa đi. Hãy bắn thẳng lên trời, lần đầu tiên không phải chọn mục tiêu. Đây là những loạt đạn cuối cùng.
- Tại sao lại là anh ấy? Không, không thể. Không phải!
Người lính lùi lại hoảng sợ. Cái vết thương trên áo len đã được giặt giữ một cẩn thận, xoáy hun hút vào tim anh. Quanh nó, vệt máu xưa chỉ còn là một vùng loang thẫm.
- Tại sao lại là anh ấy. Không, không thể. Không phải!
Mắt thiếu phụ xoáy vào mắt người lính. Anh như thấy lửa cháy rực từ đấy. Lượng ơi đúng thế. Saolại là mày không phải là tao? Cũng là một, nhưng nếu là tao thì nhẹ nhõm hơn nhiều.
Người lính lùi dần, vấp phải bậc cửa ngã sõng sượt. Không vì thế mà anh bỏ ý định rút rời khỏi ngôi nhà. Anh không thể đủ sức chứng kiến sự vật vã đau đớn của người vợ mất chồng. Không thể. Anh lao lên mặt đê như kẻ chạy trốn hèn nhát. Gió lồng lộng thổi. Bất giác anh đưa mắt nhìn. Tầm mắt anh ngút ngát. Mặt trời đang ngả về tây. Một góc hồ. Tại sao anh lại đến đây đúng vào lúc chiều muộn này nhỉ? Lượng ơi. Sẽ không còn bao giờ có một chiều hồ Tây và bữa cá mè luộc với dọc hành dành cho mày nữa.
Không biết bao nhiêu lần chị đã mang chiếc áo len ra. Một mình chị khẽ khàng lần giở. Tay chị rờ rẫm trên mặt áo khô ráp. Mắt chị nhắm lại. Chị vít ngón tay và dùng cả môi hôn lên lỗ thủng. Tay lành lạnh và môi mằn mặn. Cũng đã nhiều lần chị dùng kim chỉ, định mạng lại lỗ thủng. Nhưng lần nào cũng vậy tay chị đều run rẩy khi mũi kim nhọn sắc chạm vào lần len. Và cái ý nghĩ kia lại ập đến với chị rành mạch, rõ ràng. Phía sau lỗ thủng là trái tim của Lượng. Rất nhiều lần mũi kim xiên vào tay chị. làm tứa ra những giọt máu hồng nhỏ xíu. Máu của chị cộng với máu của Lượng làm cứng quèo vùng len phía ngực. Càng run rẩy chị càng quyết tâm mạng lỗ thủng. Chị không đành nhìn vậy. Nhưng càng cố chị càng bất lực. Có lần bất lực chị thắp hương lên bàn thờ chồng. Chị khấn thật lâu. Chị ngước nhìn ảnh chồng.
- Lượng ơi, có thương em không? Anh sống khôn chết thiêng. Xin anh cho mạng chiếc áo. Để thế, nhìn đau lòng lắm.
ánh mắt ấm áp, trẻ trung của Lượng nói với chị nhiều điều. Chị áp, tấm áo vào ngực mình, hy vọng làm dịu đi đau đớn của Lượng. Chị hy vọng và chị tin thế. Nhưng nỗi đau của Lượng thì vẹn nguyên trong trái tim chị. Không gì có để bù đắp nổi. Có lẽ thế nên vết thủng trên chiếc áo đã bao nhiêu năm vẫn hun hút xoáy tròn.
Chiếc áo ấy chị đan suốt một mùa xuân thời thiếu nữ. Thời thiếu nữ của chị ngắn ngủi. Nó chỉ bắt đầu và Kết thúc trong năm học cuối cùng cấp III trường huyện. Trước đấy dù đã lớn, chị vẫn chỉ là cô bé nhí nhảnh, hồn nhiên của làng hoa khuất nẻo một góc Tây Hồ. Đến bây giờ chị vẫn nhớ như in tuổi thiếu nữ tươi đẹp. Chị cùng chúng bạn đạp xe trên đê Sông Hồng đến trường. Trong nhóm bạn lớp 10b của chị có Lượng. Hai người ở cùng xóm ven hồ. Chẳng biết có điều gì run rủi mà ngay từ thời cấp I chị và Lượng đã thân nhau. Thân lắm. Cùng học một lớp, đến tận năm cuối cùng phổ thông hai người luôn là đôi bạn chí thân. Cái gì nhỉ, "con chấy cắn đôi", đúng vậy. Đã có một dạo, khi còn là con bé con tóc cớm nắng, heo heo màu râu ngô, trước những lời chế diễu của chúng bạn chị đã ước ao phải chi Lượng là con gái. Càng lớn lên, tình bạn của hai người càng thân thiết. Bên Lượng chị chưa bao giờ thấy mình lớn. Chị luôn coi mình là một đứa trẻ con mặc dù sang cấp III giữa hai người đã có khoảng cách vì giới tính. Mãi đến khi vào lớp 10 chị mới bừng tỉnh và biết rằng mình đã trở thành thiếu nữ.
Hôm ấy, tan học về đến khúc đê đầu làng thì kẻng báo động vang rền từ trận địa cao xạ phía bãi sông. Máy bay Mỹ đen trời, nối nhau bổ xuống. Súng nổ, bom rơi. Chị và Lượng cuống quýt vứt xe, lăn xuống vệ đê. Con đê rải đá ngày thường chắc chắn là thế, giờ như con rắn bị trúng thân quặn quẹo, rung bần bật. Tiếng máy bay rít chói tai. Bom đánh gần quá. Suốt một giải sông khí phủ lấp mù mịt. Chị sợ hãi cố nép vào mô đất vệ đê. Lượng ở ngay cạnh chị, chợt một chiếc máy bay xẹp thấp, to như cái thuyền nan vãi vung vít cả dây bom trúng làng của chị. Cháy. Lửa bốc bần bật khắp làng. Lượng bật giậy. Chị thấy mắt Lượng ngầu đỏ như mắt trâu lúc xung trận ngày hội làng.
- Nằm xuống đi!
Chị kéo tay Lượng van vỉ. Lượng gạt mạnh tay chị rồi vụt thẳng về phía làng. Bóng Lượng lút nhanh vào đang khói đang cuộn ngùn ngụt.
Chị kêu thất thanh:
- Lượng ơi!
Khói khét lẹt sặc sụa đầy miệng chị. Chị vùng dậy, chới với hét thật to:
- Lượng ơi!
Chị khuỵu xuống, lịm dần.
Lúc mở mắt chị thấy một bầu trời xanh ngắt không một gợn mây. Ngỡ ngàng trước khoảng không trong vắng, yên ả chị chớp chớp mắt. Như một giấc mơ, không có vẻ gì vừa mới xảy ra những điều kinh hoàng. Lượng đứng cạnh chị từ bao giờ, ngay như cột gỗ. Tóc tai, quần áo cháy sém và mặt nhem nhẻm như quết bồ hóng. Chị lồm cồm đứng dậy. Lượng cười, chị thấy hàm răng trắng lấp loá.
- Ổn rồi! Có mười nhà bị cháy. May dập kịp. Không chết ai chỉ bị thương mấy người.
Chợt chị sững người. Mắt Lượng lạ lắm sáng rực hút vào lòng chị. Chị thấy ngực mình rát bỏng. Chị hoảng hốt cúi nhìn. Trời ơi, hơi bom táp, bứt tung cúc áo trên của chị. Cả vùng ngực hiện ra trắng loá, phập phồng. Chị hét lên, tay vùng giữ lấy ngực, quỵ xuống. Bầu nước mắt trinh nữ của chị oà vỡ. Lượng ào đến. Chị ngã vào vòng tay Lượng. Chị đấm Lượng thùm thụp. Gió từng đồng bãi thoảng nhè nhẹ. Tiếng của Lượng còn mảnh hơn sợi gió ngọt ngào.
- Em!
Thời thiếu nữ của chị bắt đầu từ đấy.
Chị nhận được tin Lượng hy sinh trước khi người lính tìm đến. Vẻ rụt rè áo ngại của anh làm chị bình tâm, kìm nén được nỗi đau đớn đang dâng lên đến ngẹt thở. Nhưng khi người lính trao cho chị chiếc áo len kỷ vật thì chị không thể chịu được nữa. Chị áp bờ môi của chị vào lỗ thủng. Chị thấy mặn chát. Máu từ chiếc áo tuôn ra hay từ thân thể thanh xuân của chị tràn chảy. "Lượng ơi! thế là không bao giờ anh trở về được nữa. Tại sao lại là anh?" chị ôm ghì chiếc áo, như thể vì thế Lượng của chị sẽ về. Lúc tĩnh tâm, chị không cảm thấy người lính nữa. Nhưng chị không còn đủ sức để trách mình. Chị chỉ tiếc là không được biết Lượng của chị ra đi như thế nào. Và chị chờ đợi.
Hôm ấy chị không rời chiếc áo. Đêm buông xuống. Một mình trên chiếc giường từng có ngày hạnh phúc với Lượng, chị ôm ấp từng kỷ niệm. Mái tóc Lượng còn đấy, loã xòa. Hơi thở của Lượng nồng nàn. Vòng tay Lượng rắn chắc... Tuổi thiếu nữ của chị đến đồng thời với tình yêu. Nó tự nhiên đến nỗi chị không phân biệt được ranh giới. Như thể chị và Lượng sinh ra là để thuộc về nhau. Tất cả mọi người đều chấp nhận mối tình ấy dù đang ung oàng bom đạn và họ là học sinh. Chị đan chiếc áo đúng vào dịp xuân sang. Chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp. Lượng đã làm đơn tình nguyện nhập ngũ dù Lượng là con một trong diện chính sách. Bố Lượng là liệt sĩ chống Pháp. Chị gấp rút đan áo để gửi cho người yêu ra chiến trường. Chị gửi gắm tình yêu của mình vào từng sợi len từng mũi kim. Đúng với dịp Lượng chuẩn bị nhập ngũ thì làng bị một trận bom dội trúng. Trong trận bom ấy ngôi nhà nhỏ của Lượng bị thiêu trụi. Lượng được phép hoãn nhập ngũ để thu xếp việc nhà. Chính vào thời điểm ấy chị quyết định. Họ tổ chức lễ cưới để Lượng an tâm lên đường, không ai nỡ ngăn cản trước quyết tâm của đôi trẻ. Đã học song, chị sẽ ở nhà làm lụng để nuôi mẹ. Hôm lên đường, người rơi nước mắt lại là Lượng. Mà Lượng thì cứng rắn thế. Chị phải cười thật tươi:
- Kìa, sao lại khóc. Vừa được vợ, lại đi bộ đội mà còn... Người đâu mà khôn thế?
Mới được một tuần lễ bên nhau, chị phải gắng gượng cứng rắn để Lượng lên đường thanh thản. Lúc Lượng đi rồi chị mới thấy kiệt sức. Chị ngồi thụp xuống bên đường. Chị mới tròn năm làm thiếu nữ thì đã thành người vợ chờ chồng. Ai có thể ngờ, Lượng vĩnh viễn đi xa từ ngày ấy.
Hơn năm sau, người lính mới quay trở lại. Anh ngạc nhiên trước vẻ tự tin của chị.
- Tôi biết anh sẽ quay trở lại. Tôi vẫn đợi để được biết nhà tôi ra đi như thế nào?
Chị lấy ra chiếc áo len. Mặt người lính nhợt đi vì xúc động. Quả thật anh đã nhiều lần quay trở lại ngôi nhà ấy. Nhưng cứ nghĩ đến nỗi đau đớn của chị, anh lại không đủ can đảm để bước vào. Anh sợ. Người lính kể lại mọi chuyện. Càng xúc động khi anh được biết mẹ của Lượng được tin con hy sinh đã quỵ xuống. Chị phải chịu hai tang lớn cùng lúc. Ngồi trước người vợ liệt sĩ, lòng anh rưng rưng. Sao số phận lại ác nghiệt đến thế. Sức mạnh gì tiềm ẩn trong người phụ nữ trẻ kia, để chị có thể chịu đựng nổi? Trong giây phút ấy, anh thấy mình như đang ở Vàm Cỏ chiều nào bên Lượng.
Tất cả như chỉ vừa mới xảy ra.
Con trai chị hỏi
- Mẹ ơi, thế cái người trên bàn thờ kia là ai hở mẹ?
Chị nói át đi:
- Là bố... à là bác Lượng, anh của bố. Bạn bố. Bác ấy là liệt sĩ.
Nó phụng phịu:
- ứ phải, là bố, lại là bác, là bạn. Chị nói dối.
Chị ôm lấy đứa con bảy tuổi:
Chị nói đúng đấy con ạ. Có điều lớn bằng chị con sẽ hiểu.
- Liệt sĩ là người chết hả mẹ?
- ừ, bác ấy đánh giặc bị hy sinh
- Chết rồi sao bác ấy cứ cười mãi. Người chết vẫn cười được hả mẹ.
Chị áp mặt vào mái tóc mềm mại của con. Lượng ơi, con của em và Cường cũng là con của Lượng đấy. Chúng nó sẽ không bao giờ thấy được nước mắt của chúng mình. Dù chúng nó được sinh ra từ ấy.
Hôm người lính quay trở lại, chị lặng lẽ ngồi nghe anh kể chuyện. Anh kể lâu lắm. Đan xen trong trí tưởng tượng của chị một đoạn đời Lượng. Đoạn đời rất ngắn nhưng là vô cùng với cuộc đời chị. Lặng lẽ như lòng chị cuộn bão. Chị cứ ngồi thế quên mất sự có mặt của người lính. Mãi khi anh chào chị ra về chị mới bừng tỉnh. Mắt chị mờ đi:
- Anh, tôi muốn...
- Tôi là Cường chị ạ. Nhà tôi ở ngoài phố. Thi thoảng tôi sẽ lên thăm chị.
- Vâng - chị nói trong tiếng nấc - tôi muốn vào với nhà tôi.
Cũng phải đến hơn hai năm sau chị mới được toại nguyện. Chị đi cùng với Cường. Đấy là dịp binh đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang. Lại nói chuyện Cường. Trong thời gian qua anh vẫn thường lên thăm chị. Giữa hai người lính hình thành một thứ quan hệ, chị không thể cắt nghĩa nổi. Nó vừa thân thiết lại vừa xa vời. Hình như Cường muốn chăm sóc chị bằng một tình thương của một người bạn với một người bạn lâm nạn. Lại như một thứ nghĩa vụ của tình đồng đội với Lượng. Chị đón nhận tình cảm của Cường một cách rụt rè, e ngại. Dù vậy chị vẫn tôn trọng tình cảm của anh. Chị coi đó là trách nhiệm của Cường với người bạn chiến trận và chị có bổn phận đón nhận. Nhưng không khỏi có lúc chị vẩn vơ và rơi vào tình trạng khó xử. ấy là những lúc chị bắt gặp ánh mắt của Cường. Vẫn xót xa, thương mến nhưng bằng trực cảm phụ nữ chị nhận thấy anh còn ẩn giấu một điều gì đó. Lập tức chị lảng tránh. Chị biết mình vẫn đang thời tuổi trẻ. Gia đình, làng xóm cũng giục giã chị đi bước nữa. Vài ba lời cầu hôn. Song chị từ chối. Sẽ như thế nào, chị không biết nhưng chắc chắn chị không thể quên được Lượng. Cuộc đời Lượng đã gắn chặt vào cuộc đời chị.
Chị đứng rất lâu trước mộ Lượng. Cỏ mọc bời bời. Chị phỏng mắt. Vàm Cỏ mùa nước cả mênh mông. Vài khóm lộc bình vật vờ. Nhịp tim chị thoảng nhè nhẹ, man mát như mái chèo khoả nước. Thanh bình quá, Lượng ơi, em đang ở nơi này. Vàm Cỏ như góc hồ quê mình, em đã thấy, vâng em đã thấy.
Đội công tác sẽ lùi lại, để lại chị một mình với ngôi mộ. Rất lâu. không ai nỡ từ chối để chị cùng tham gia việc dời mộ. Lúc đồng đội giở lần tăng bọc thi thể Lượng. Chị lấy hết sức mở to mắt để nhìn thật rõ. Kìa Lượng. Mái tóc đen nhánh, loà xoà. Khuôn mặt bình thản. Chị nhào đến. Những cánh tay rắn chắc giữ chị lại. Trong tích tắc chị thoáng thấy một làn khói nhẹ, mỏng tang bay vút lên đỉnh trời xanh lồng lộng. Chị chớp mắt. Dưới huyệt đầy váng nước và xương cốt. Thật rồi, Lượng của chị đã bay cao, cao vút. Hãy đợi em, đợi em, Lượng ơi...
Chị bàng hoàng không tin vào tai mình. Cường nói gì nhỉ? Sao lại thế được hả anh? ít ra không phải vào lúc này. Không! Không thể! Mắt chị mờ phủ. Lớp khói hương vương vít ôm lấy những ngôi mộ trong nghĩa trang binh đoàn.
- Không, sẽ không còn lúc nào khác tốt hơn chị ạ. Hãy tin tôi. Chị còn trẻ. Và chị phải sống cuộc đời của mình. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định. Chúng ta phải dựa vào nhau để mà sống.
Bàn tay Cường bóp chặt bàn tay chị. Anh kéo chị quỳ xuống trước mộ Lượng. Tiếng anh rành rọt:
- Lượng ơi. Tao là Cường đây. Trước vong linh mày, nhân danh một người lính, tao thề sẽ xứng với tình bạn của chúng mình.
Chị nấc lên. Suốt những ngày qua chị gắng giữ không rơi nước mắt trước những người lính. Nhưng bây giờ chị không còn cầm giữ được lòng mình. Chị run rẩy. Bàn tay chị lần lần tìm chiếc áo len của Lượng. Những giọt nước nóng bỏng rơi xuống. Cả chị và Cường đều rùng mình trước lỗ thủng trên vùng ngực chiếc áo. Trước mắt hai người. Lượng hiện ra, tay bịt ngực. Máu rỉ từ kẽ những ngón tay. Vẻ mặt Lượng ngời rạng, thanh thản lạ lùng.
Chị cũng đã quyết định. Không phải lúc ấy trong nghĩa trang, mà là sau này, khi chiến tranh biên giới tây nam kết thúc. Cường bị thương buộc phải rời quân ngũ, chuyển ngành về một cơ quan trong thành phố. Chị đắn đo rất lâu mới nhận lời chung sống với Cường. Chị cảm phục Cường. Anh thật tốt biết bao. Bất cứ một tâm hồn phụ nữ nào chắc chắn cũng đều rung động trước tấm lòng độ lượng ấy. Nhưng còn Lượng của chị. Chị không thể quên được Lượng. ý nghĩ mình hờn giận, yêu thương một người đàn ông khác không phải là Lượng làm chị sợ hãi. Rồi thêm điều này nữa, Cường đến với chị bằng lòng thương cảm và tình đồng đội. Cuộc sống chung sẽ ra sao. Bảo rằng chị yêu Cường? Tình yêu ấy chị đã dồn hết vào Lượng. Còn Cường? Cũng có thể ngoài những điều trên, Cường thật sự yêu chị. Dưới vẻ điềm đạm cứng rắn bên ngoài, chàng trai trẻ ấy rất dỗi vô tư, trong sáng. Tâm hồn ấy hẳn phải chứa đựng một tình yêu khát khao, mãnh liệt. Nhưng để đi đến quyết định lấy Cường, lại bởi chính điều này, chị thấy Lượng thấp thoáng trong Cường. ít ra Cường là người chia xẻ những năm tháng chiến tranh với Lượng. ở họ có mối đồng cảm nào đó bí ẩn. Sau này suốt một thời gian, chị đã phải ân hận vì điều đó.
Đám cưới của chị và Cường diễn ra giản dị. Nó suôn sẻ như bất cứ đám cưới nào khác của những người đàn bà goá bụa. Không ai nỡ cười vui dù trong thâm tâm mọi người đều mừng. Mất mát của chiến tranh lớn quá. Hãy để họ được sống cuộc sống của chính họ hiện tại. Đeo đẳng làm gì nữa những thứ đã vĩnh viễn qua đi. Dân làng hoa tiễn chị đi đúng với nghĩ suy như thế. Lần cưới trước chị rạng rỡ bao nhiêu thì lần này chị u sầu ngần nấy. Tất cả với chị như chỉ vừa mới xẩy ra. Chị nép vào vai Cường. Dường như hiểu hết những gì ngổn ngang, giằng xé trong chị, anh nhỏ nhẹ:
- Bình tĩnh em. Như thế này là đúng với ý nguyện của Lượng. Lúc nào Lượng cũng mong em được hạnh phúc. Anh tin thế.
Trời ơi, giá anh đừng nói gì cả, thì có lẽ những giằng kéo kia sẽ lắng xuống một miền lặng nào đó của ký ức. Câu an ủi của anh vào thời khắc ấy làm bùng lên những nhớ nhung cháy bỏng, những kỷ niệm đau đớn. Lượng lớn quá, choán hết tâm hồn chị. Chị muốn hét to, muốn vùng chạy, muốn trốn thật nhanh, thật xa cuộc hôn nhân này. Càng nép vào vai Cường, chị càng thấy anh xa vời. Không, không thể. Nhưng không kịp nữa rồi. Chị ngất xỉu.
Cảm giác ấy luôn thường trực trong quãng đời chung sống với Cường. Chị không muốn thế. Thực tình chị mong mỏi bù đắp những gì tốt đẹp Cường mang đến cho chị. Chị biết ơn Cường. Nhưng không hiểu sao với Cường chị mãi giữ tình trạng gìn giữ. Đó không phải là thứ gĩn giữ của một cô gái mới lớn. Giản đơn, chỉ là không thể nào quên được Lượng. Kỷ niệm cũ không phải chỉ tính bằng một tuần chồng vợ mà dài lắm. Nó kéo suốt cả tuổi thiếu thời tươi đẹp. Nó xâu chuỗi những kỷ niệm sâu nặng.
Có một lần, chỉ sau hôm cưới ít ngày, chị mơ một giấc mơ lạ lùng chị cùng Lượng bơi trên hồ trong một đêm trăng. Mặt nước dát ánh trăng vàng thẳm. Con gái làng chị, đứa nào bơi cũng giỏi. Lượng vượt chị một khoảng dài. Vào đến bờ Lượng tót lên chạc cây, lấy tay làm loa. Tiếng Lượng rú rền rền xoáy tròn mặt nước. Chị cuống quýt bơi. Vì quá sức chị bị hụt hơi. Gần đến sát bờ, luýnh quýnh thế nào chân tay chị ríu lại. Thôi chết, chuột rút rồi. Người chị lả đi, chìm dần. Một hụm nước rồi một hụm nước nữa. Đúng lúc ấy, tóc chị bị túm mạnh. Chị thấy người trôi nhanh, chị vùng vẫy. Bỗng chân chị đạp phải lớp bùn mềm ấm. Sống rồi. Chị đứng thẳng lên. Lượng ở ngay trước mặt chị. Tóc bết bệt, nước dòng dòng chảy. Chị gục mặt vào vai Lượng.
- Lượng. Lượng...
- Lượng đây. Lượng đây. Đừng sợ!
Lượng tới tấp hôn lên mặt, lên cổ chị. Chị ghì chặt lấy Lượng. Sống rồi. Chị choàng tỉnh. Hoá ra Cường đang trong vòng tay chị. Mặt Cường vời vợi. Giọng Cường dịu nhẹ:
- Kìa! Đừng sợ. Anh đây. em mơ gì mà hú hét khiếp thế.
Chị không trả lời. Chị thấy cổ mình, mặt mình ấm ran. Ra vậy, Cường vẫn thức. Anh đã hôn chị. Anh đã thay Lượng trả lời chị. Chị khoanh mình như một đứa trở nép vào Cường. Chị dụi dụi mặt mình vào ngực Cường đầy biết ơn. Hồn chị tung lên một tiếng kêu âm thầm:
"Lượng ơi, Cường của chúng mình tốt quá".
Cho đến khi đứa con gái đầu của chị và Cường ra đời, hạnh phúc làm mẹ khiến chị vui sướng tột cùng nhưng không vì thế mà nỗi đau mất Lượng vơi giảm. Chị bồng con. Chị ngắm mãi khuôn mặt nó. Lời ru của chị cất lên nặng trĩu tìnhmẹ và mòng mọng nước:
- à ơi con ngủ cho ngoan
Cha con đánh giặc phương Nam chưa về...
Chị thảng thốt khi Cường bắt gặp lời ru ấy. Chị thấy anh vội vã quay mặt. Chắc Cường buồn lắm. Đến lúc này chị thấy mình ân hận vô cùng. Ôi giá Cường đừng tốt đến thế. Giá chị đừng nhận lời Cường. Giá Cường là người đàn ông khác không hề biết gì mối tình của Lượng và chị. Giá được như thế chị sẽ thanh thản, sẽ không thấy mình có lỗi. Cả khi sinh tiếp con trai, chị vẫn giữ nỗi niềm ấy. Và cho đến lúc này, sau ngót chục năm chung sống, chị mới nhận ra một điều, chưa bao giờ kể cả lúc vợ chồng kề cận, cả chị và Cường một lần thốt ra nổi cái từ "yêu" vĩnh hằng. Với chị, còn có thể cắt nghĩa được. Chị không thể. Nhưng còn Cường? Làm sao chị lại không nhận ra tình yêu của anh. Anh đã kìm nén lòng mình. Đúng hơn là anh không nỡ. Anh biết chắc chắn mỗi người chỉ có một tình yêu. Tình yêu ấy chị đã giành cho Lượng.
Hôm nay, chị lại lần giở chiếc áo len. Đã gần hai mươi năm, Lượng của chị nằm dưới lòng đất. Tất cả như chỉ vừa mới xảy ra. Tay chị rờ rẫm vùng ngực khô cứng của chiếc áo. Chị đặt môi mình vào lỗ thủng. Vẫn còn mằn mặn. Chị lại lấy kim chỉ để mạng. Tay chị vẫn run rẩy. Chị ngước nhìn ảnh Lượng.
Không biết đã bao nhiêu lần như thế. Vão quãng thời gian về sau, khi đã có một cuộc sống yên ấm với Cường, hai con chị ngày một khôn lớn, thi thoảng chị vẫn lén giở chiếc áo. Chị giấu Cường. Chị không muốn anh buồn.
Chị thắp hương. Ngày này, mười tám năm trước, Lượng của chị ngã xuống. Mùi hương trầm thơm ngát ngôi nhà nhỏ. Chị ôm chiếc áo, cùng nó trôi trong những miền ký ức. Lại một thời nữa của chị đang hối hả đi qua. Chợt người chị nghẹt cứng. Cường đã về từ bao giờ. Thường những ngày này, anh vẫn tìm một cớ gì để mình chị yên tĩnh với những ký ức về Lượng.
- Ơ, tưởng anh đi rồi?
- Anh đã thu xếp xong công việc. Lát nữa các con tan học, cả nhà mình sẽ về trên ấy. Này...
Hai tay ôm chiếc áo trước ngực, chị từ từ đứng lên, xoay người về phía anh.
- Có điều này anh chưa nói với em. Vào buổi chiều hôm ấy, trước lúc mất, Lượng hứa đãi anh một hoàng hôn Hồ Tây lồng lộng gió và em sẽ biểu diễn món cá mè luộc với dọc hành. Hôm nay em và Lượng thực hiện lời hứa ấy nhé.
Chị sững sờ. Triệu triệu tiếng reo ngân nga trong từng mạch máu, từng kẻ nhỏ tâm hồn. Chị ôm choàng lấy anh. Nước mắt anh tràn ra. Anh áp vồng ngực vạm vỡ của mình vào vồng ngực ấm áp của chị. Giữa hai người là chiếc áo của Lượng. Những nhịp tim hoà quyện. Tiếng chị mảnh như gió, ngọt ngào...
Đột ngột một bầu trời xanh ngắt hiện ra.
Nhà sáng tác Đại Lải, tháng 9 năm 1993
Truyện Ngắn Chọn Lọc Truyện Ngắn Chọn Lọc - Nhiều Tác Giả Truyện Ngắn Chọn Lọc