A book that is shut is but a block.

Thomas Fuller

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyễn Hà
Upload bìa: Võ Lâm Như Tâm
Số chương: 42 - chưa đầy đủ
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6301 / 64
Cập nhật: 2016-07-27 21:36:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Trăng Sáng - Nguyễn Ngọc Tấn (1928-1968) (Nguyễn Thi)
răng mười sáu vừa ló trên mí nước. Mặt biển bỗng nghiêng hẳn xuống. Từng thảm bụi vàng óng ánh từ ngoài khơi xô nhau chạy vào bờ. Sóng đập rì rào dưới chân những tảng đá lớn.
Trẻ con chơi ú tim tìm bắt sau lườn các ghe cũ úp trên cát. Có những đứa trốn trên những mỏm đá nhô trên mặt nước, cười. Chúng lăn trên cát như trẻ con đồng bằng vẫn lăn kềnh trên đống rạ.
Ca-nô địch lấp ló trên sông Bến Hải. Đồn cảnh sát miền nam bên kia sông lù mù ánh đèn, khuất trong rặng phi lao.
Tất cả cuộc sống của xóm chài như đang đổ dài trên ven biển. Đàn ông nằm la liệt trên mặt cát, sạp ghe, gối tay lên đầu hút thuốc, chuyện gẫu, đợi giờ ra khơi. Đàn bà cho con bú, xếp lại cá, gánh, mai đi chợ. Mấy đứa bé tập đi bi bô quanh quần mẹ, ngã lăn tròn như đếm khoai. Mấy anh trai lơ làng chài ngồi rúc đầu vào lông cánh. Bên ấy, những người lính miền nam có ăn lương cảm tử. Cảm tử vì sống sát bờ bắc. Một mũi súng cảm tử của một người lính nào đó lộ liễu sau rặng phi lao.
Những đứa bé đùa chán ngủ quên trên cát đã được mẹ ôm về đặt trên những vuông phản kê ngay trên bãi cát, dưới ánh trăng, và dưới chiếc quạt khổng lồ của sức gió. Tiếng cười càng rộn rã quanh những bếp nướng cá. Cá nướng cho tươi, sáng mai mấy o gánh lên chợ huyện bán cho mậu dịch. Khói cá thơm ngậy, quyện lên như một thứ thức ăn nhẹ nhàng của buổi tối. Ngày nào cũng thế, người ta đánh cá buổi sớm, ăn cá ban ngày và ngửi mùi cá nướng ban đêm. Một mùi thơm có vị ngọt của chất đạm, vừa béo, vừa bùi không bao giờ chán.
- Mấy o tàn nhẫn lắm nhỉ? Đàn ông người ta chỉ bắt cá chết có một lần, mấy o bắt nó chết tới ba bốn lần, ác nghiệt rứa!
Tiếng cười rộ lên...
- Răng mà chết ba bốn lần?
- Nè, lấy cái dây thọc vô họng nó là một lần, đau đớn người ta chưa? Rồi đem nướng lên cho người chảy mỡ chảy mủ ra là hai lần; mấy o đem bán đi, mấy o khác mua về moi ruột người ta ra là ba lần, xong rồi đem cho tiêu cho muối vô kho người ta lên là bốn lần. Nghiệt rứa!
Mấy o lại cười. Tay quạt ngừng, khói được dịp cuộn lên sặc sụa.
- Chúng tôi hy sinh chịu tiếng ác cho mấy eng ăn nớ. Eng coi bữa cơm đàn ông ăn nhiều hay đàn bà ăn nhiều?
- Chớ công ai ra biển lưới về cho mấy o nướng?
Mấy o lại cười lấp, ho to mãi lên.
Trong số những tiếng ho vui vẻ ấy, có tiếng của chị Bính. Những lời đối đáp trên cũng của hai vợ chồng nhà chị. Ngày hai người chưa lấy nhau, chị Bính là người cầm đầu tốp thanh nữ, đối chọi với thanh niên. Anh Bính là địch thủ cừ khôi của chị, nhiều lần làm chị phát khóc. Cũng vì những cuộc ví von đối đáp ấy mà họ yêu nhau, lấy nhau, rồi thương nhau chí tình. Bây giờ tuy họ đã có đến hai thằng cu Bôn, nhưng đôi vợ chồng ấy lúc nào cũng cảm thấy như mình còn trẻ. Bên bếp nướng cá, dưới những đêm trăng sáng ven biển, dưới mặt trai gái trong thôn, họ trở lại cái tình ngày nào. Anh lại trở nên người giữ lái cho lớp đàn em trai trẻ, chị cũng thế, tiếp lời cho mấy o đáp lại. Trong những phút ấy họ thuộc về cái giới riêng của họ, là của người nam, người nữ, cái gì còn lại thuộc về vợ chồng thì chỉ là những sự lâng lâng, rộn rã ở trong lòng mà các bạn trẻ ở chung quanh nhận ngầm ra trong tiếng cười, khóe mắt của họ.
... Mọi câu chuyện về tương lai, khi hợp tác đã có tàu đánh cá, những người con trai được lái tàu ra khơi thì lúc ấy vô số những người con gái Cửa Tùng cũng sẽ được bỏ gồng gánh mà lái những đoàn xe hơi đồ sộ chở cá ra tận Đồng Hới, hoặc qua cầu Hiền Lương vào Huế... Một câu chuyện vui về cái súng của tay cảnh sát miền nam sang bờ bắc gác, đeo sề sệ xuống cái bắt gà... Chuyện về ngày thống nhất, lúc ấy tất cả các anh trai làng ôm nhau làm cầu nối để cho đàn bà, trẻ con thỏa sức qua sông... và bây giờ, đố mấy o làm cách nào, làm sao cho những người lính miền nam thương yêu đồng bào của họ... Lại có cả câu chuyện tại sao con cá hồng lớn lên nó lại đỏ hồng cả đuôi cả mắt, nước biển lại đứng khi trăng tới đỉnh đầu, và những con gái lớn lên ai bảo không đi tu mà cứ hay lấy chồng...
Anh Bính nói to, lý lẽ sắc sảo. Còn chị Bính tuy nói nhỏ nhẻ nhưng nếu con ruồi mà bay qua cũng phải chết lăn quay.
Đêm nay, khi câu chuyện vừa tan thì trăng cũng bắt đầu tròn bóng. Nước biển sắp xuống, gần tới giờ ra khơi mà anh Bính còn nằm sấp trên một chiếc phản kê ngoài bãi cát. Anh cởi trần, lưng đen bóng như lườn cá ngừ phơi dưới ánh trăng, tay đang hý hoáy viết. Chị Bính ôm thằng cu Bôn ngồi bên cạnh.
- Này, thôi đưa tôi bồng con cho, ả viết giùm tôi đi!
- Eng viết đi!
Chị Bính nguây nguẩy, cứ nhấc đít thằng cu Bôn lên mà xi đái, mặc dầu nó đang ngủ tít. Không sao được, anh Bính lại viết một cách khó nhọc. Bàn tay to lớn ấy mà hạ một cây cột buồm thì dễ biết mấy. Chị Bính nói:
- Eng cứ nhủ là ớ o Quế, chúng tôi biết là cái nón của o, chừ xin trao lại o. Chúng tôi vẫn nhớ tên từng người trong xóm ta bên nớ...
Anh Bính lừ mắt, bình mực vướng tay chút nữa đổ:
- Nói cái chi mà lanh rứa? Chầm chậm, nào... ớ o Quế... cái nón của o... O Quế là người bên bờ nam, hôm kia o xuống sông xóc ngô, chẳng may để cái nón bay xuống nước. Không lội ra lấy được, vì sợ đồn cảnh sát nghi là vượt tuyến, bắn chết, o đành để mặc cho gió thổi dạt sang bờ bắc. Cái nón đã được anh Bính vớt lên. Không biết làm cách nào trao lại. Chèo ghe qua trả thì không được, sẽ làm lụy cho o. Giữ mãi cái nón bên ni thì không đành lòng. Anh Bính đành đóng một cái cọc sát bờ nam, treo nón lên đó.
Vừa rồi anh Bính vui miệng kể câu chuyện ấy ra quanh bếp nướng cá. Muốn trêu chị Bính, tốp thanh niên còn nói thêm rằng hôm qua họ trông thấy o Quế từ bên tê sông mỉm cười gật đầu chào anh Bính. Họ còn khen o Quế thương nhớ ai bên bờ bắc mà chưa chịu lấy chồng... Anh Bính đắc ý, nói chêm vào:
- Chuyện đó nói ra mần chi, đàn ông chúng mình biết với nhau thôi.
Chị Bính ngừng quạt:
- Ghen chi rứa mà ghen! Nam bắc là một nhà. Nếu cái nón đó sau này bị bọn cảnh sát tịch thu thì tôi sẽ gửi tiền ra Ba Đồn mua cho o Quế một cái nón mới khác nữa kia chớ. Ba cân cá nục chứ mấy. Đàn ông nhà này mần như vậy là phải điều lắm chớ, phải không chị em?
Trăng hắt trên mặt chị óng ánh những mầu nước biển. Tiếng cười rộ lên.
Khi đám trai gái làng đi rồi thì hai vợ chồng mới nói chuyện thân mật với nhau.
Chị Bính hỏi chồng mà mắt lại nhìn thằng cu Bôn:
- Chuyện thiệt như vậy hay sao?
- Răng lại không? ả còn cười với tôi nữa chớ.
Anh Bính cười, rung rung bộ ngực. Chị Bính lườm:
- Là nói o Quế đã nhận được nón chưa? Hay là bị cảnh sát tịch thu? Cười răng mà cười?
Anh Bính im lặng, co hai cái chân đang duỗi ngửa tềnh nghềnh trên cát lại. Chị Bính vẫn chậm rãi nói với thằng cu Bôn.
- Eng nên viết gởi trên đài cho o Quế mấy câu đi. Nói là xin trao nón lại cho o, bà con bên bờ bắc ni vẫn nhớ tới o, nhớ tới chú bác xóm giềng. Phải chi nước nhà thống nhất thì... tôi hay đàn bà của tôi sẽ chèo ghe qua bên nớ trao nón tận tay trả o, ngặt vì... thôi, cứ nói đồng bào mình thì phải thương yêu nhau!
Anh Bính ngồi dậy, thở phào:
- Có cái nón mần chi mà phải viết?
- Răng lại không! Con tôm con tép nhảy lạc bờ bây giờ cũng nên thương nên nhớ, nói chi tới cái nón. Cứ viết! Không phải tôi ghen mô...
Không biết đã bao nhiêu lần như thế này, anh Bính phải ngạc nhiên và tự trách mình chỉ giỏi bông lơn xuề xòa mà không nghĩ được tận ngọn ngành ngóc ngách như vợ. Chỉ tại mình suốt ngày lênh đênh ngoài khơi.
Đèn là trăng. Chị Bính đặt lời. Chữ của anh Bính nằm ngổn ngang trên mặt giấy như những hạt đậu đen. Người vợ tin vào chồng, hình như tin vào cả sự suy nghĩ của mình, chị cứ nói miên man, lời lẹ tưởng như đang chuyện trò với một o Quế nào thân thương nhất.
Khi anh Bính bỏ bút đứng dậy, bức thư mới chạy được có hai hàng. Lời chị Bính từ nãy đến giờ tưởng như phải ghi chừng năm trang giấy mới hết. Chị ép đầu cu Bôn vào ngực, co một chân lên vừa đọc vừa lườm chồng. Anh Bính đứng cười, vặn lưng răng rắc.
Người chồng theo bạn nghề ra khơi. Gió lặng, đêm bình yên, chỉ việc nằm ngửa trên sạp thuyền mà nhìn trăng. ánh trăng mờ ảo, nếu không có những ý nghĩ về người vợ, về tất cả những hình ảnh đã biến thành kỷ niệm của tình vợ chồng, về những ngày vui buồn đã trải qua, thì người ta sẽ ngủ. Anh Bính ngủ không dễ dàng, len vào trong giấc ngủ của anh có vô số những tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền, những tiếng hò xa xăm gợi thương gợi nhớ, có cả bóng của một cái nón từ bên bờ nam trôi ra trăng trắng, bồng bềnh.
*
* *
O Quế thương nhớ ai bên bờ bắc? Lâu lắm rồi, từ cái ngày o đi nhổ mạ, mỗi lần đưa bó mạ lên miệng để siết lạt, người ta lại thấy o hay che bó mạ để nhìn sang bờ bắc. Sợi lạt o cắn trong miệng, anh Bính cào muối ở bên này thấy o đứng tần ngần mà cắn mãi không xong. Rồi chiều nào cũng thế, lúc anh Bính tắm cho thằng cu Bôn dưới sông cũng là lúc o Quế ngồi bên tê bờ sông lấy nón quạt tóc. Quạt mãi, mái tóc của o bay lên như nhảy múa, vành nón trăng trắng đưa lên đưa xuống như một bàn tay con người đang vẫy gọi.
Một đêm, anh Bính nói với vợ:
- Nè, ả có quen o Quế không?
- Tôi lớn hơn ả năm tuổi, có quen.
- Tôi đố ả biết răng o lại hay vẫy tôi?
Chị Bính cười bằng hàm răng trắng rất xinh của mình, rồi nhắm tít mắt lại, ngủ.
Đúng như ý nghĩ của chị Bính. O Quế chẳng vẫy gì riêng anh Bính. O gửi cử chỉ ấy với tất cả những người nào đi bên sông này, khi thì bằng cái quạt lớn, khi thì bằng cách vỗ tay để đuổi con sẻ sẻ nào tận trên trời. Dạo ấy là những ngày tháng bảy. Và cũng những ngày ấy, vào một buổi chiều vì mải nhìn sang bờ bắc, o đã bị bọn cảnh sát tát chúi mũi xuống bậc bến tắm. Lần đó, cái nón bài thơ hay lồng bông hoa nhài xứ Huế, chiều chiều o vẫn dùng để quạt vào mớ tóc thương nhớ ấy, bị đập tung lên, bẹp dúm.
Chị Bính đặt thằng cu Bôn ngủ say rồi cặm cụi viết tiếp. Cái cối giã vỏ sim làm ghế. Ngọn đèn lung linh như ông sao non. Riêng da mặt chị ửng hồng vì ánh đèn, còn thân người chị cho tới thằng cu Bôn, mặt phản, vại mắm đều nhuộm ánh trăng khuya một mầu xanh rất trong. Cách vài thước ngoài xa là nước biển, những hạt nước li ti đang nhảy múa dưới chân đá; xa hơn nữa, bờ bên kia, mũi súng cảm tử của người lính miền nam nào đó đang ghếch ngóng lên ánh trăng.
... O Quế à, o có biết không, tôi muốn gửi lời qua thăm o từ mấy tháng trước hè, nhưng hồi đó còn gió nồm nhiều, biết o có nghe thấu tiếng loa không mà gởi, chừ hôm sớm đã có gió may thổi về, tôi mới gởi lời qua thăm o... O Quế à, hai cửa nhà chúng ta nhìn qua mặt nhau... à, răng o lại làm rơi nón như rứa? Nếu như đàn ông nhà tôi không vớt được, nó trôi mất ra biển có tiếc không? Hôm trước cảnh sát đã đập hư một cái nón của o rồi, chừ lại cái nữa. Cô bác ta lam lũ, ba lùa cơm chưa được lùa miếng mắm, mần chi ra tiền mua nón cho o? O Quế à... Nè, o thương nhớ ai chúng tôi cũng biết rồi? Mà có phải o thương nhớ hết tất cả mọi người bên ni không?... Chừng mô thống nhất tôi sẽ chở cháu qua thăm o. Đàn ông nhà tôi chỉ lách vài mái chèo là tới nơi thôi! O Quế à, dao nào dao chém được nước, o ở bên nớ đừng sợ chi hết...
Chị Bính nghĩ nhiều lắm nhưng chỉ viết thêm được có ba dòng, cộng với hai dòng của anh Bính viết trước là năm. Thằng cu Bôn ngo ngoe ngoài mép phản như sắp lăn xuống cát. Mặc nó, nó lăn như thế là sắp đái, đái tồ một cái vung vãi xuống cát rồi giấc ngủ lại kéo nó trở vào.
... O Quế à... O có nhớ khi xưa tôi mắc đưa du kích qua sông o ở nhà chạy Tây giùm cái quần mới của tôi không? Hồi đó o còn nhỏ lắm, chỉ đứng tới lưng tôi thôi. O đi tìm suốt buổi trên xóm Chòi mà không gặp tôi. Bữa năm tê cái quần nớ mới rách. Mặc nó, tôi lại nhớ tới o. Hồi đó o còn nhỏ, chưa biết chi mà cảm ơn, chừ o lớn lên thì lại phải xa cách, tôi không giáp mặt o mà chuyện trò cho thỏa. Mùng hai tháng chín này nhà tôi sẽ treo lên hai cây cờ. Đàn ông nhà tôi sẽ treo thế cho nhà o một cây trên ngọn khế cao...
... O có biết răng tôi lại gởi thơ cho o không? Rầu chi cho bằng đàn ông nhà tôi. Eng viết được hai dòng rồi bỏ đi. Eng làm như o nhớ o thương có một mình eng ở bên ni...
Nghĩ đến đây chị Bính thấy nóng trên má. Gió bật bật một góc giấy rồi lùa lên ve vuốt mái tóc chị. Xóm làng đã ngủ yên, chỉ còn có ngọn đèn nhà chị sáng trên bãi cát này. Trăng khuya trong vắt. Chị Bính ấm ức. Bây giờ, ngồi một, nỗi ấm ức không chân cẳng bỗng lù lù kéo đến... ớ cái người đàn ông hay lăng nhăng! Ai người ta gởi lòng dạ cho riêng eng mà eng hay làm rộn lên. Eng đùa với chúng bạn nhưng eng không nghĩ tới vợ eng những lúc ngồi ngẫm một mình như ri. Chừ eng đang mần chi? Eng đang nằm ngửa ngực nhìn ông trăng hay eng đang nhớ tới miền nam cực khổ? Hay là eng đang ngồi giữ giùm lái cho bác cả đỡ lưng? O Quế đâu có để ý gì tới eng... Có phải không o Quế?
Thằng cu Bôn đái xong một bãi, đã lăn ra giữa phản. Đúng như ý nghĩ của chị Bính. Chị thuộc tính nó như thuộc tính cha nó vậy. Tự nhiên, đôi mắt chị cứ phải in mãi một bên phản, chỗ trống, cạnh thằng cu Bôn, nơi anh Bính vẫn nằm.
Chị Bính đang nhớ ai? Ông trăng đăm chiêu như đang nhớ hộ chị. Đôi mắt chị mở to như đôi mắt chiếc ghe cũ đang nằm lầm lì trên cát nhớ tiếng sóng vỗ rì rào quyến rũ. Chiều mai anh Bính lại về. Chồng chị lại đứng rũ lưới và tắm bằng những gáo nước ngọt từ trong giếng đá do chị gánh ra. Lúc ấy, cu Bôn sẽ níu gấu quần chị không cho chị gánh cá của cha nó. Ngày nào cũng ở bên nhau, cũng chuyện trò cãi nhau, mà chừ bỗng đâm thương đâm nhớ.
... O Quế à, cha thằng Bôn đi biển về hay nói chuyện gặp ghe bà con ta bên nớ, bà con hay hỏi chừng mô thì chòm xóm ta mới gặp nhau. Chừng mô mà bọn cảnh sát không dám đập nón của o nữa thì nước ta thống nhất. O có nhìn thấy chớp ngoài biển không? Chớp mũi Lài vén chài không kịp, nước ta ở bên nớ cũng sắp chớp lên rồi...
Cho tới khi tiếng gà trên đầu dốc đã gáy sang canh ba. Chị Bính vẫn còn ngồi đấy. Bên cạnh chị thằng cu Bôn ngủ lăn ngủ lóc. Nước biển xuống nhanh, dập dào như hờn mát, gió cũng rộn lên, sải dài trên đầu sóng trắng xóa. Ông trăng nhuần nhị ru con hộ chị. ánh đèn êm đềm phủ trên hàng chữ viết. Trong những điều dài dặc gửi người bạn gái, thỉnh thoảng lại len đến hình ảnh của người chồng âm ấm ở chân răng. Cả hai câu chuyện tâm tình ấy cứ chen nhau, đuổi nhau, quyện vào nhau tưởng như không bao giờ dứt. Cũng như không bao giờ dứt được khi câu chuyện đã trở thành tâm tình.
*
* *
Sáng hôm sau bức thư của chị Bính chưa kịp gởi tới đài truyền thanh Hồ Xá thì bên bờ nam xảy ra một câu chuyện hằng ngày: O Quế bị bắt. Bị bắt vì tội làm rơi nón xuống sông; vì cả dòng sông trong xanh kia đã đưa cái nón của chị dạt sang bờ bắc.
Bữa cơm chiều chị Bính không ăn. Anh Bính ngồi ăn cơm với thằng cu Bôn và khuyên chị Bính không cần gì phải khóc.
Đêm ấy, trăng lại sáng. Biển mênh mông lại dát vàng dát bạc. Thằng cu Bôn nhảy nhảy trên cổ anh Bính. Vợ chồng nhà anh ngồi ngoài mép sóng, nước liếm gót chân. Khi giọng hò thương nhớ của những o gái Cửa Tùng vừa cất lên thì loa phóng thanh cũng truyền đi bức thư của chị Bính. Lời của người bạn gái gửi một người bạn gái. Tiếng nói vang vọng, dồn dập trên khúc sông cửa biển. O Quế không còn bên ấy nữa, cả hai bờ nam bắc sẽ nghe hộ o. Bức thư được nhắc đi nhắc lại cho tới khuya, khi mặt nước bắt đầu dồn xuống theo ánh trăng thì tiếng loa cùng với những đợt sóng lan dài ra biển cả.
Đêm ấy, và không biết bao đêm sau nữa, chị Bính lại ngồi viết. Chị em trong xóm cùng góp lời với chị. Chị Bính bày thêm nhiều điều lý lẽ cho chị. Những đêm trăng muộn, chị ngồi thức với ngọn đèn. Cùng thức với chị ở bên bờ nam còn có cả mũi súng "cảm tử" của tên lính nào đó vẫn ghếch họng trên thân một cây phi lao, một cái cây ban ngày trông chẳng có gì đặc biệt nhưng đêm trăng trông nó rất đẹp, mỗi lần gió thổi mạnh, bóng nó như mớ tóc của người phụ nữ bị quạt bay lên, óng ả, vồn vã lạ lùng.
Truyện Ngắn Chọn Lọc Truyện Ngắn Chọn Lọc - Nhiều Tác Giả Truyện Ngắn Chọn Lọc