Until I feared I would lose it, I never loved to read. One does not love breathing.

Harper Lee

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyễn Hà
Upload bìa: Võ Lâm Như Tâm
Số chương: 42 - chưa đầy đủ
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6301 / 64
Cập nhật: 2016-07-27 21:36:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tiệc Giải Hôn - Nguyễn Đức Thiện
huyến tàu cuối cùng trong ngày không đông lắm. Người ta đẻ ra thì nhiều, sao bây giờ các loại xe cộ, tàu hỏa lúc nào cũng rộng, lúc nào cũng thưa khách. Chẳng bù cho những năm xưa. Muốn mua được một cái vé tàu hỏa gần như là một cuộc vận lộn. Toàn thong thả đi từ đầu đến cuối con tàu. Chẳng tội gì mà phải ngồi chung ghế với ai. Đường ngắn, người ta không bố trí toa nằm, chứ không kiếm một cái giường mà lắc lư cũng sướng. Vậy thì phải kiếm cho được một cái ghế thật ngon lành tốt nhất là được ngồi một mình, bên cửa sổ, ngắm cây cối làng mạc trôi trượt trước mắt thì thú vị nhất. Bỗng Toàn nghe tiếng gọi:
- Anh Toàn!
Toàn giật mình, lâu lắm rồi, không đi tàu về bắc, sao vẫn có người nhận ra Toàn? Anh ngoái cổ lại. Gọi anh là một người đàn bà đứng tuổi. Dễ có đến hơn bốn mươi. Chỉ một thoáng giật mình thôi, Toàn đã nhận ra ngay người gọi mình là ai:
- Khánh hả? Đúng là trái đất quay tròn rồi... Về quê hả...
- Vâng, về quê. Còn anh, bao lâu rồi không về, còn nhớ đường về không đó?
Hai người bắt tay nhau, thì cũng giống như những cuộc gặp gỡ xã giao khác vậy. Nhưng Toàn cố tình kéo dài cái bắt tay và cười:
- Tay Khánh thế này đây hả?
- Thì sao? Khánh ngạc nhiên.
- Có sao đâu. Này, hình như đây là lần đầu tiên chúng mình nắm tay nhau đấy nhỉ.
- Khiếp nhớ dai thế. Ngày xưa, anh mà nắm tay em, có khi phải nắm cả đời ấy chứ.
- Thì cũng định vậy, nhưng có người không cho.
- Thôi đi ông ơi, bây giờ cái lưỡi còn dẻo tán thế cơ. Mà ngồi xuống đi chứ, hay có chỗ khác rồi, có rồi thì đi đi.
- Đáo để thế. Chả bù cho ngày xưa. Gặp nhau chỉ có một lần mà chỉ khóc... Khánh này, hồi đó sao Khánh nhiều nước mắt thế?
Cả hai cùng cười ngất. Nhắc đến nước mắt mà họ cười đến là vui.
- Khánh này... Hồi đó, Khánh có yêu tôi không nhỉ?
- Nghĩ lại em cứ... Cứ buồn cười cho cái đám cưới của chúng mình.
Chuyện ấy diễn ra cách đây lâu lắm rồi, và có lẽ chỉ có gặp nhau tình cờ như thế này, họ mới chợt nhớ lại, chứ bình thường chắc họ đã quên hết cả.
Toàn là con một ông chăn vịt ở cái làng quanh năm sũng nước mà lại có cái tên Lâm. Người ta bảo bên kia đường có xứ Lầm rồi thì bên này là Lâm. Cái xứ từ thuở nảo, thuở nào nhà cất cứ thấp lè tè. Đường lát những viên gạch của những cặp vợ chồng mới cưới, cũng hẹp, hai người gánh phân ngược chiều mà gặp nhau giữa đường là gay, thế nào cũng phải có người hạ gánh xuống nhường lối. Ông bố Toàn suốt ngày lang thang trên đồng. Cây sào đuổi vịt của ông lên nước láng bóng. Ngay từ nhỏ, Toàn đã được ông dậy cho cách nuôi vịt. Toàn không để tâm lắm, nhưng Toàn lại thích đi chăn vịt. Còn gì thú vị hơn khi được chạy loăng quăng khắp cánh đồng. Hết bắt chuột lại móc cua. Những con chuột ăn lúa béo nần, không cần phải làm lông, lấy bùn, trộn vào đó một nắm lá chanh, đắp cho kín con chuột, đốt một đống rạ, ném vào. Một lát sau đã có bữa chén ngoài đồng.
Xé từng miếng thịt chuột trắng phau, thơm lựng mùi lá chanh, chấm với mấy hạt muối rang, lúc nào cũng có mang theo để ăn cơm nắm, chắc chẳng có sơn hào hải vị nào sánh bằng. Xa quê, lâu lâu, Toàn lại thèm một bữa thịt chuột như thế. Hễ hôm nào có Toàn đi chăn vịt thì thế nào cũng có vịt lạc bầy. Ông bố Toàn là người nóng tính chửi bới om xòm, rồi dạo từng mấy đàn vịt khác. Ông tài thực. Một bầy vịt của riêng ông nhung nhúc khác. Nhìn bầy vịt lúc nhúc ăn chỗ nào trắng đồng chỗ đó vậy mà ông đếm được. Thiếu một con ông cũng biết. Ông nóng tính, nhưng ông hào phóng. Có lần nhà có khách, mẹ Toàn bảo Toàn ra báo cho ông biết, ông chỉ hỏi ai đến. Nghe Toàn trả lời xong là ông dở đầu cây sào đuổi vịt, quật cái chát, hai con vịt nằm quay lông lốc. Ông xách cổ mấy con vịt, giao cây sào cho Toàn rồi về. Ông chỉ chào khách một câu đoạn xuống bếp làm thịt vịt.
Khách có muốn nói chuyện xuống bếp ngồi với ông. Không chỉ hai con vịt, ông còn tuông vào nồi một mớ trứng vịt nữa. Có ai cản ông bảo: "Của nhà, mất tiền mua đâu mà lo". Có lẽ sự hào phóng này mà cả cái làng Lâm quý ông.
Ấy cũng chính vì quý, mà Khánh và Toàn có cái duyên nợ với nhau. Nhà Khánh làm ruộng. Hết việc trên đồng là cả nhà đi đánh dậm. Dậm hết bờ ruộng sang bờ mương, hết bờ ao sang bờ chuôm, chỗ nào có cá là dậm. Hồi đó cái gì người ta cũng bón phân chuồng, lúa thì tốt mà cá cũng có cái để ăn. Ông đánh dậm và ông chăn vịt lúc nào cũng trên đồng và họ trở thành bạn thân. Gì chứ ba cái thứ ốc lớn ốc bé, mớ tép hư, tép ươn, sang tay ông chăn vịt là thành trứng vịt hết. Chẳng biết hai ông to nhỏ với nhau như thế nào mà một hôm, bố Toàn nói với anh:
- Toàn, mai tao đi hỏi vợ cho mày đấy. Mày phải ở nhà đi với tao.
Lúc đó thì Toàn có biết gì, mới có mười hai hay mười ba tuổi gì đó, ra mương tắm còn cởi truồng, đỉa đeo vào dái, xách quần chạy về nhà nhờ mẹ gỡ, nói chuyện lấy vợ giống như trò đùa. Mà mấy đứa chăn trâu ngoài ruộng chúng nó cũng chơi trò đám cưới vợ chồng đấy. Vui phải biết. Hoa cưới là hoa cỏ mật, cỏ cứt lợn, cỏ nhọ nồi. Mũ cô dâu ken bằng lá mít. Chú rể thường là quần đùi, cởi trần. Cũng đón dâu, cúng tế lạy, rồi cũng nhét hai đứa cô đâu chú rể vào một lùm cây nào đó gọi là nhà hạnh phúc. Màn vui thích nhất là màn bắt thằng con trai nằm đè lên đứa con gái. Ban đầu thế nào cũng là cười, cười như nắc nẻ, cuối cùng là khóc. Có khi chỉ một đứa con gái khóc, cũng có khi cả hai đứa cùng khóc. Khóc tu tu, đến là nhiều nước mắt.
Nhưng trò chơi của Toàn không phải do lũ trẻ con bầy ra, mà lại do người lớn bày vẽ. Cái Khánh con nhà bác đánh dậm, Toàn có lạ gì. Nên lúc người lớn nói chuyện nghiêm túc với cơi trầu, quả cau, chai rượu thì hai đứa đi nhặt sỏi về chơi ô ăn quan. Lúc người lớn ở trong nhà dạ dạ, vâng vâng thì ngoài sân hai đứa gân cổ, đứa này bảo đứa kia ăn gian, chẳng đứa nào chịu đứa nào. Toàn giống bố, cáu lên, ôm cả đống sỏi tương vào đầu Khánh, Khánh òa khóc. Chẳng ai dỗ và can hai đứa, sau này người nhà bảo Toàn: Bát đĩa còn có lúc xô, nữa là vợ chồng.
Trò chơi đám cưới của Khánh và Toàn được người lớn bầy vẽ tất nhiên là hơn đám cưới mà tụi nhỏ bầy ra ở ngoài đồng nhiều. Thôi thì dềnh dang đủ thứ. Các ông các bà trong làng kéo nhau đến không thiếu một ai. Có cả những món quà xanh xanh, đỏ đỏ, hay hay con mắt. Rồi ăn, uống, những ông đàn ông say bét nhè. Những bà đàn bà nhai trầu nhổ phèn phẹt ra đất, chỗ nào cũng thấy đỏ lòm.
Tối, người ta về hết. Cái Khánh bám vào váy mẹ đòi về. Bà tỉ tê gì đó nó chẳng chịu nghe. Ông đánh dậm phải mượn cái roi mây của bố Toàn dơ lên, nó mới nín thin thít, theo mẹ Toàn dắt vào nhà trong. Toàn thì thấy hay hay. Trò chơi ngoài ruộng kết thúc ở trong những bụi cây, còn trò chơi của nó kết thúc ở trong buồng. Ôi lúc này mà có lũ bạn thì sướng biết mấy, nhất định phải làm cho con bé Khánh này khóc hết nước mắt mới thôi.
Nhưng chỉ có hai đứa, con bé Khánh thì mới khóc một chập vì đòi mẹ về nhà và bị bố nạt, lên giường thút thít vài tiếng rồi ngủ. Toàn chẳng biết nói chuyện với ai cũng ngủ luôn. Nửa đêm, Toàn bỗng thét toáng lên:
- Khánh, mày đái dầm ướt hết người tao rồi đây này.
Khánh choàng tỉnh dậy cũng la oai oải:
- Mày chỉ đổ thừa. Mày đái dầm thì có. Tao đái dầm sao tao không ướt quần mà ướt lưng.
- Tao biết đâu đấy. Tao bắt đền mày đấy, mày đã ngủ nhờ giường tao mà mày còn đái dầm...
*
* *
- Này, hồi đó ai đái dầm ấy nhỉ?
- Ai biết đâu. Chắc là Khánh chứ gì. Khéo chối...
- Thôi đi, anh chứ ai... đổ thừa cho Khánh, lại còn bắt đền nữa.
- Chắc phải đưa nhau ra tòa mất.
- Khôn thế. Cậy làm luật sư, đưa tòa ra dọa phải không, đây không sợ đâu nhé.
- Khánh biết tôi làm luật sư?
- Sao không biết, cả làng Lâm có một luật sư Toàn thôi chứ mấy... cái ông luật sư có một thời tảo hôn... đi ngủ còn đái dầm.
Cả hai cười váng toa tàu khiến nhiều người ngoái cổ lại, nhíu mày.
Sau này khi đã khôn lớn, hai người mới biết đám cưới đó là đám cưới trả nợ miệng.
Thì ra cả hai ông đều không phải dân gốc làng Lâm. Một ông từ Thanh Hóa chạy loạn giặc Tây. Ông kia người dưới Hưng Yên lên, cũng không muốn theo Chúa vào nam chạy ngược lên bắc. Khi đến làng Lâm thì bà mẹ ông đánh dậm kiệt sức không đi được nữa, và mấy hôm sau, người làng Lâm phải giúp ông đưa mẹ đi chôn. Mẹ chưa kịp xanh mồ, ông xin làng cho ở lại, để lo hương khói. Ông chăn vịt thì khác. Ông đưa bà vợ chửa vượt mặt chạy tới làng Lâm thì bà đau bụng. Nghe tiếng bà la hét đau đớn, người làng Lâm xúm lại, người đi gọi bà mụ, người đi kiếm rơm làm ổ, người đun nước... ông chăn vịt chạy lăng xăng chẳng làm được việc gì, ngoài cái việc tốt nhất là cười khi nghe con mình oe oe khóc chào đời. Ngày xưa người ta bảo, dân ngụ cư thì chỉ có việc làm mõ làng, nếu đúng như vậy thì làng Lâm một lúc phải xếp việc cho tới hai ông mõ. Nhưng làng Lâm không làm vậy. Người ta gọi một ông đi chăn vịt thuê, còn ông kia vợ chồng còn son rỗi, họ giao ruộng làng cho cấy rẽ, lấy một phần thóc mà ăn, còn nộp lại làng. Thật chẳng còn mong gì hơn vào lúc cùng bí ấy. Họ càng mang ơn làng hơn khi sau này còn chia đất cho cất nhà ở. Đến cả khi cất nhà, làng cũng xúm vào, mỗi người một chân, một tay. Những căn nhà hồi đó được thay thế dần khi ông chăn vịt có đàn vịt riêng và ông đánh dậm mua thêm được phần đất khác. Có nghĩa là ơn làng lắm lắm. Nói không kể xiết. Cả hai cứ băn khoăn không biết trả nợ làng ra sao. Chiều hôm đó sau khi nhận xong mấy quả trứng vịt và giao cho ông chăn vịt nguyên một bao những con ốc vặn, ốc đắng, ông đánh dậm tuyên bố:
- Thế này, tôi gả cái Khánh nhà tôi cho thằng Toàn nhà ông. Mình làm đám cưới cho chúng nó. Mời bà con, mời hết, được không?
Ông chăn vịt la lên:
- Hay. Đúng là hay thật, sao ông không nói sớm? Mà này, chúng nó còn bé quá, thì sao?
- Bé gì. Thằng Toàn nhà ông cũng sắp mười ba rồi. Cái Khánh nhà tôi thì cũng gần mười tuổi rồi. Có nơi tôi thấy họ còn cưới vợ cho con lúc mới nứt mắt ra kìa... Mà có phải mình bắt chúng nó làm vợ chồng từ bây giờ đâu. Cưới xong cho chúng nó, để dấm lại đấy, khi nào chúng nó lớn, thì tôi cho cái Khánh về làm dâu nhà ông. Trước sau gì cũng cưới, sớm vài năm, có sao đâu. Chứ nợ làng mãi thế này, tôi cứ áy náy làm sao ấy... Từ lúc Pháp nó đuổi mình chạy lên đây, đến giờ, đánh Pháp đã xong vài năm rồi, mình sống yên ổn là nhờ có làng...
- Thì vậy.
Hai ông vỗ vào tay nhau cái đốp, coi như xong chuyện. Thời buổi lễ giáo còn tôn trọng tam tòng, tứ đức, còn trung, hiếu, tiết, nghĩa, thì vợ và con chẳng ăn chung gì với những quyết định của đàn ông. Một mâm kèm cái thủ lợn cúng đình. Dâu rể làng chỉ cần hai trăm gạch xây đường, hai ông góp bốn trăm. Làng chê các ông chơi trội, các ông bảo, nếu có thể các ông xây hẳn một con đường cho làng, chứ từng đó đâu có ăn thua gì ơn làng đã dành cho hai ông. Và đám cưới hai đứa không làm mất lòng ai, ai cũng vui.
- Công nhận các cụ tính công việc gọn thật - Toàn vẫn nghĩ về ngày xưa - Khánh này, giá hồi đó mình cứ ở quách với nhau, đỡ phiền.
- Thôi ông ơi. Tôi ở với ông, để cô y tá cô ấy bỏ độc tôi chết sao?
- Bỏ độc đâu nhanh bằng lính trinh sát. Đòm. Thế là ngỏm...
- Anh Toàn này, không biết anh sao, chứ hồi đó mỗi lần nghĩ đến chuyện đó Khánh tức cứa gan... Khi không mang tiếng có một ông chồng. Đi đâu không ngẩng đầu, ngẩng cổ lên được.
-Thì tôi cũng vậy chứ hơn gì. Hồi xin vào Đảng họ bảo tôi che dấu lý lịch mới chết chứ. Biết gì về Khánh đâu mà khai. Này, có tức thì tức mình ấy ai bảo đứa nào cũng khai trong lý lịch chồng là, vợ là:..
- Hứ không khai, liệu ông xã có chứng nhận cho không...
Con ông chăn vịt cũng học xong phổ thông và được gọi vào đại học. Con ông đánh dậm học không tới nơi, tới chốn, nhưng lanh lợi nên được bố trí làm công tác Đoàn ở xã. Chiến tranh cuốn hút mọi người. Đang học dở đại học, 'loàn tình nguyện nhập ngũ. Khánh làm dân quân xã, rồi cũng xin đi thanh niên xung phong. Thời gian đủ làm người làng Lâm quên đi đám cưới, nhưng không ai quên họ là hai vợ chồng. Trai không ai đám tán tỉnh Khánh. Gái chẳng cô nào dám bén mảng gần Toàn. Bầy con nít thấy Khánh là gọi chị Toàn. Người lớn tuổi trong làng cũng gọi như vậy. Chuyện họ là vợ chồng thành chuyện đương nhiên. Toàn và Khánh cũng thấy chuyện ấy là bình thường, nhưng hễ hai nhà tính chuyện cho hai đứa về ở chung là chúng chối đây đẩy. Thì cũng có lý do, chúng còn bận học. Ngày Toàn nhập ngũ, về phép thì Khánh đã theo đơn vị vào tận Vĩnh Linh. Sau này Toàn có thú thực, nếu ngày ấy về mà gặp Khánh, Toàn sẽ bảo Khánh về bên nhà ở, giúp anh chăm sóc gia đình. Như thế, sẽ chẳng có gì xẩy ra sau này. Những ngày ấy vào Nam chiến đấu là chuyện phải giữ bí mật ngay cả với người thân của mình. Hơn mười năm sau, khi tiếng súng chiến tranh chấm dứt, Toàn về làng Lâm, trong bộ quân phục mới láng và quân hàm thượng uý. Anh hỏi thăm Khánh. Người ta tưởng chuyến này chắc sẽ được anh chị cho ăn cưới lại. Khánh đã chuyển ngành về làm việc trên tỉnh. Ông đánh dậm cho người lên kiếm Khánh.
Đứa ngoài ba mươi, đứa kia cũng xấp xỉ ba mươi, lần đầu tiên đưa nhau đi chơi lên con đường làng vốn đã thuộc từng nốt chân trâu. Không ai nói với ai một lời nào. Dường như con đường kéo ra quá dài và cũng dường như quá mệt mỏi, họ ngồi lại dưới một gốc phi lao. Khánh bỗng bật khóc làm Toàn lúng túng. Hai tay anh thừa thãi. Có lúc muốn đặt lên vai Khánh nói lời an ủi, nhưng không dám, có lúc lại vỗ vỗ lên thân cây phi lao xù xì. Tiếng khóc vơi dần, Khánh nói trong tức tưởi:
- Làm sao bây giờ anh Toàn?
- Anh không hiểu, Khánh nói chuyện gì vậy?
- Còn nói chuyện gì nữa? Chuyện của hai đứa mình. Tính sao đây? Em khổ lắm rồi.
Toàn im lặng trong giây lát rồi nói:
- Mình ly hôn, được không?
- Đâu cần phải ly hôn. Chuyện hồi nhỏ, mình không chấp nhận thì thôi. Nhưng còn cái lý lịch, còn ông bà bên anh, bên em - Khánh lại muốn khóc - Người ta đến với em mà người ta sợ. Em là vợ bộ đội mà. Lén lút như ăn vụng...
- Mấy năm rồi, Khánh?
- Sáu năm rồi. Anh ấy là trinh sát pháo binh. Gặp từ hồi ở Vĩnh Linh. Bom đạn, chết chóc không sợ, mà sợ gặp người mình yêu. Bên anh ấy đòi đưa anh ấy ra kỷ luật. Bên em thì họp cái gì cũng phê phán em được. Em xin về sớm cũng vì vậy. Bây giờ anh ấy cũng xin chuyển về gần đây để gần em, chờ anh ra để quyết định...
Toàn như nghe thấy tiếng nức nở ở trong lòng Khánh, nó oan khuất và tủi hờn. Nói dại, lỡ Toàn có chuyện gì ngoài chiến trường, không biết Khánh sẽ ra sao. Hy sinh, thì đặt lên đầu Khánh một vành khăn tang. Còn gỡ còn giải thoát được. Lỡ mà không chết, thương tật đầy người, Khánh sẽ ra sao, ai sẽ gỡ cho Khánh cái vòng luẩn quẩn cay nghiệt này. Dẫu sao với Toàn, cũng dễ hơn. Vào chiến trường không lâu, T'oàn được bổ sung về một đơn vị bộ đội địa phương của Tây Ninh. Anh trung đội trưởng cao ráo đẹp trai kia thành mục tiêu cho các cô gái giao liên, y tá, nuôi quân... Sự may mắn đến với một cô y tá, khi Toàn bị thương trong trận đánh bót Cầu Xe dưới Trảng Bàng. Cô chăm sóc anh và không hề ngại lộ ý muốn yêu và được yêu. Toàn ngập ngừng, lưỡng lự. Mỗi lần gặp cô y tá là mỗi lần Toàn nghĩ đến Khánh. Có phụ lòng Khánh không nhỉ? Có lúc anh tự nhủ: Nói là vợ chồng, nhưng có ở với nhau ngày nào đâu. Đã đành rằng vậy, nhưng còn cha mẹ họ hàng hai nhà, nói năng sao. Anh em cán bộ người Nam thì xúi: Trời đất ơi, mày kiếm đâu ra một con nhỏ hay hơn thế nữa chớ. Mấy cha cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết, có vợ trong này, lấy thêm vợ ở ngoài thiếu cha gì. Hết chiến tranh, đưa chúng nó về ở chung, vui một nhà... sướng thấy mồ. Nước mắt cô y tá không biết bao nhiêu lần tưới lên vai áo Toàn và anh mềm lòng. Trong chiến trường, giữa cái sống và cái chết người ta dễ tha thứ cho nhau hơn. Không ai hỏi gì đến chuyện Toàn có vợ hay chưa. Ông tiểu đoàn trưởng trước ngày làm đám cưới chỉ bảo Toàn: Mày ăn ở làm sao đó cho trọn vẹn. Con vợ mày ở ngoài tao cũng thương mà con nhỏ y tá này tao cũng thương. Coi chừng vì mày mà chúng nó khổ...
- Chỉ đàn ông các anh là sướng - Khánh nói sau khi nghe Toàn kể về mình - Các anh muốn làm gì thì làm. Chết mấy đứa đàn bà tụi em thôi. Bây giờ anh tính sao?
- Một liều, ba bảy cũng liều, trước sau gì cũng phải nói, mình về nói với các cụ cho xong đi.
Đêm ấy, ở nhà ông chăn vịt có một cơn bão ngầm. Cục tức nó trào lên cổ ông chăn vịt mà ông không thể gầm lên được. Chuyện con cái làm nhục gia đình. Ông thèm đạp vào mặt thằng con thất nhân, thất đức kia. Nhưng ngồi kế bên, còn có ông đánh dậm. Ông đánh dậm cũng xót xa không kém. Ông thèm trách Toàn một câu, cũng muốn mắng Khánh mấy câu nhưng không sao mở miệng ra được. Chúng nó mà không ở với nhau thì mặt mũi các ông không biết dấu vào đâu. Vậy mà thằng Toàn nó nhơn nhơn:
Không sao đâu thầy. Ngày xưa thầy làm đám cưới cho tụi con là để trả nợ làng thì nay cũng có thể làm tiệc tạ lỗi với làng mà...
Không nghe chúng nó thì làm sao bây giờ. Thằng Toàn thì ở mãi trong Nam. Con Khánh thì ở ngoài này, làm sao bắt chúng nó về ở với nhau được. Mà có bắt chúng nó cũng không về. Thây kệ, chúng bay làm sao thì làm... Ông chăn vịt và ông đánh dậm cùng buông một câu như vậy. Ông chăn vịt bảo ông đánh dậm:
- Này, ông ngồi chờ tôi, tôi ra đập con vịt làm mồi, nhá...
- Thôi ông ơi, chuyện vậy mà còn uống rượu sao nổi...
- Kệ chúng nó chứ. Thế chúng nó không ở với nhau thì ông không đổi ốc lấy trứng vịt của tôi nữa sao.
Rồi be rượu cũng được móc ra, không có thịt vịt, chỉ có trứng vịt rán.
Sáng hôm sau, người làng Lâm ngạc nhiên khi thấy Toàn và Khánh, mua gạch xây thêm một khúc đường trong làng. Khúc đường ấy lọt giữa hai bên là ao làng. Có hai trăm mét, Khánh và Toàn xây hết. Hai ngày sau, cả làng, nhà ai cũng nhận được một tấm thiệp mời. Thấy hai đứa xây đường ai cũng tưởng chúng cưới lại, nhưng thiệp mời chỉ ghi: mừng cháu Toàn hoàn thành nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước trở về.
Làng lại có dịp vui.
Mở đầu bữa tiệc lần này không phải ông chăn vịt mà cũng không phải ông đánh dậm mà là Toàn. Anh chững chạc trong bộ quân phục. Hai tay chắp trước ngực vẻ thành kính:
- Thưa các cụ, các ông, các bà, thưa anh chị em bạn bè từ thuở nhỏ ở làng Lâm này. Nói gần, nói xa, chẳng qua nói thật. Thầy, u chúng cháu có nói với chúng cháu rằng, làng Lâm với gia đình chúng cháu có cả nghĩa sinh và nghĩa tử. Bà nội cô Khánh không có làng Lâm chết không biết chôn ở đâu. Còn cháu không có làng Lâm, không biết đẻ rơi, đẻ rớt nơi nào. Không chỉ thế, làng Lâm còn cho gia đình chúng cháu sinh sống ở đây cho tới lận bây giờ và coi gia đình chúng cháu là người làng Lâm. Vì thế mươi năm trước, thầy, u chúng cháu có làm đám cưới cho chúng cháu để lấy mâm bát tạ làng. Nhưng duyên số của cháu và Khánh không có, vì thế hôm nay, chúng cháu làm mâm tiệc đơn sơ này, để tạ lỗi với làng. Thôi, không thành chồng vợ, thì thành anh em. Từ ngày làm đám cưới đến giờ, chúng cháu chưa hề ở, cũng chưa làm gì có lỗi với nhau, cũng như có lỗi với hai bên gia đình. Lớn lên, mỗi đứa chúng cháu tìm thấy hạnh phúc riêng của mình, nhưng nếu không nói rõ ra được thì nay mai, làm sao chúng cháu về lại với làng Lâm. Mâm tiệc, ly rượu hôm nay là để kính các cụ, các ông các bà, chứng cho chúng cháu được giải hôn, cho chúng cháu đứa đi lấy vợ, đứa đi lấy chồng, mà vẫn được làm người làng Lâm...
Bữa tiệc lúc đầu thực trầm lắng. ở làng Lâm này chưa bao giờ có chuyện như thế. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Có thì cũng như xô bát, xô đĩa thôi. Làng không đặt ra cái lệ trai gái trong làng lấy nhau rồi thì phải ăn đời ở kiếp với nhau, nếu bỏ nhau thì phải nộp vạ cho làng. Không cần lệ, nhưng đâu vào đấy cả. Chuyện hai đứa này là chuyện lạ. Nhưng như thế là chúng nó biết lễ, biết kẻ trên, người dưới trong làng. Tha được thì tha không tha chúng nó, chúng nó cũng cuốn nhau đi, làng mình mất người như không. Cưới, nhà chúng cũng xây đường, bây giờ không ở với nhau chúng cũng xây đường, như vậy là chúng kính trọng làng lắm, trách gì được chúng nó. Bữa tiệc rôm rả dần lên. Cuối tiệc, người làng biết làng Lâm sẽ có cô con dâu người miền nam, ông chăn vịt đã có một cháu nội cách làng cả ngàn cây số. Người làng Lâm cũng biết sắp sửa có một chàng rể là trinh sát pháo binh, nhất định nay mai bắt cu cậu về ở rể làng này mới được.
Tiệc tàn, mọi người về hết, ông chăn vịt và ông đánh dậm còn ngồi lại với nhau.
*
* *
- Không biết anh làm sao, chứ hồi đó Khánh hoảng lắm. Cứ nghĩ đến chuyện cạo đầu bôi vôi là phát kinh lên rồi.
- Thì tôi cũng đâu có gan hơn. Nói với bà con trong làng mà chỉ sợ người ta không cho nói. Này, ông cụ nhà Khánh giỗ thứ mấy rồi nhỉ?
- Giỗ thứ năm rồi. Đứa thứ hai nhà em năm tuổi thì cụ đi. Trước lúc cụ đi, cụ đòi em phải đưa cả nhà về ở làng Lâm. Cụ bảo, không có người làng Lâm, không có hạt lúa làng Lâm, không có con ốc, con cua, con tép làng Lâm thì những người như anh và em không nên người đâu.
- Cụ nói cũng phải... Quên, chuyện từ nãy đến giờ không hỏi, Khánh đi đâu mà về chuyến tàu cuối này?
- Đi hội nghị Phụ nữ ngoài Hà Nội. Họp hành liên miên, con cái chẳng lo được. May vớ được ông chồng chu đáo, chứ hồi đó mà sống với anh chắc là tiếp nghề đánh dậm của ông cụ mất.
- Này, coi thường nhau quá đấy nhé.
- Chứ không? Từ bấy đến giờ anh về thăm làng Lâm được mấy lần. Vợ con rồi cũng không đưa về chào làng. Này, em nói thực, thầy anh mấy lần tính vào trong đó thăm cháu nội đấy, nhưng rồi lại thôi. Có lần em nghe cụ nói: "Nó còn biết gì đến làng Lâm nữa". Một hôm cụ bảo, để hôm nào cụ kiếm chỗ đất chôn nhau, chôn cuống rốn của anh, cụ đào, rồi cụ gửi cho anh đấy.
Toàn chết lặng người.
Con tàu như nhồi lắc mạnh hơn, những tiếng cọc cạch khua đều, giống như con lắc đồng hồ, đảo qua, đảo lại mà nuốt trôi thời gian đi mất. Toàn bỗng thấy mình có lỗi với làng Lâm. Có lỗi với mảnh đất mà lúc nào mình cũng mang nợ đến nặng lòng.tới nửa ngàn con, vậy mà ông vẫn kiếm ra đúng vịt của mình trong những bầy vịt
Tây Ninh 6-2000
N.Đ.T
Truyện Ngắn Chọn Lọc Truyện Ngắn Chọn Lọc - Nhiều Tác Giả Truyện Ngắn Chọn Lọc