Anger is like a storm rising up from the bottom of your consciousness. When you feel it coming, turn your focus to your breath.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: nguyen trieu
Upload bìa: hieu ngoc
Số chương: 50
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1350 / 74
Cập nhật: 2019-08-07 19:04:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hòa Thượng Huyền Trang Đi Lấy Kinh
uyền Trang là hòa thượng ở chùa Đại Từ Ân, Trường An. Vốn ông có tên là Trần Huy, quê quán ở Câu Thị (nay là thị trấn Câu Thị, Yển Sư, Hà Nam) thuộc Lạc Châu. Năm 13 tuổi, ông xuất gia đi tu và miệt mài nghiên cứu Phật học. Ông đã đi nhiều nơi tìm thầy học tập, nên đã tinh thông kinh điển Phật giáo, được tôn xưng là Tam Tạng pháp sư. Ông phát hiện thấy kinh phật được phiên dịch có rất nhiều sai lầm, lại nghe nói ở Thiên Trúc có rất nhiều kinh phật, nên quyết định đến Thiên Trúc để đọc kinh phật từ bản gốc. Năm 629 (có thuyết nói là năm 627), ông xuất phát từ Trường An đến Lương Châu (nay là Vũ Uy, Cam Túc). Lúc đó, triều đình cấm không cho dân Đường xuất cảnh, nên bị binh lính biên phòng Lương Châu yêu cầu quay trở lại Trường An. Ông liền bỏ qua Lương Châu, đi sang phía tây, đến Qua Châu (nay là Tây An, Cam Túc) gần Ngọc Môn quan.
Huyền Trang ở Qua Châu, tìm hiểu biết rằng ở ngoài Ngọc Môn quan có 5 trại canh gác, mỗi trại cách nhau 100 dặm. Trong khu vực đó không có nguồn nước, chỉ có cạnh các trại mới có. Lúc đó các quan chức ở Lương Châu đã biết được ông đang tìm cách vượt biên, nên gửi công văn đến Qua Châu để bắt giữ ông lại. Vì vậy, nếu đi vào các trại, nhất định sẽ bị binh lính biên phòng bắt. Huyền Trang đang lúc khó khăn thì gặp 1 người Hồ tên là Thạch Bàn Đà, tỏ ý sẵn sàng dẫn đường cho ông. Huyền Trang rất mừng, liền bán quần áo, mua 2 con ngựa, rồi cùng Thạch Bàn Đà đi suốt đêm, hết sức vất vả mới thoát ra được Ngọc Môn quan. Sau đó, họ phải nằm ngủ trong 1 bụi cây để chuẩn bị tiếp tục hành trình về phía tây. Ngờ đâu, sau chặng đường đầu, Thạch Bàn Đà không muốn đi tiếp nữa, thậm chí còn muốn giết Huyền Trang. Huyền Trang phát hiện anh ta có ý xấu, liền đuổi anh ta đi.
Từ đó Huyền Trang chỉ có 1 mình 1 ngựa lần mò tìm lối đi trên sa mạc. Đi khoảng 80 dặm tới bên 1 trại quân biên phòng nữa. Sợ bị phát hiện, ban ngày ông ẩn dưới khe, đợi khi tối mới ra tìm nguồn nước cạnh trại quân. Trong lúc ông đang dùng túi da để múc nước, thì bất ngờ có 1 phát tên bắn sát cạnh người. Biết không thể thoát được, ông đành đứng dậy kêu to về phía chòi gác: "Đừng bắn! Tôi là một nhà sư từ Trường An tới".
Người trên trại gác ngừng bắn. Cổng trại được mở, binh lính trong trại ra dẫn Huyền Trang vào. Thật may mắn, người chỉ huy trại lính là hiệu úy Vương Tường, 1 tín đồ rất sùng tín Phật giáo. Sau khi hỏi han, Vương Tường không những không làm khó dễ, mà còn gọi người mang cơm nước cho Huyền Trang, rồi tự mình dẫn Huyền Trang đi hơn 10 dặm đường, sau đó chỉ dẫn cho Huyền Trang lối đi tới trại gác thứ 4. Người chỉ huy trại thứ 4 là anh em cùng họ với Vương Tường, thấy Huyền Trang từ chỗ Vương Tường tới thì nhiệt tình tiếp đãi rồi nói cho biết là binh lính ở trại thứ 5 rất hung bạo, nên bỏ qua, đi vòng qua đến lấy nước ở Dã Mã Tuyền rồi vượt qua đại sa mạc rộng tới 800 dặm để sang Tây Vực. Huyền Trang theo lời, từ trại thứ 4 đi vòng, được hơn 100 dặm thì lạc đường, không tìm thấy Dã Mã Tuyền để lấy nước. Họa vô đơn chí, trong lúc ông đang lấy túi da còn 1 ít nước trong đó để uống thì lỡ tay làm rớt túi, nước trào ra, ngấm xuống cát hết. Không có nước uống thì vượt sa mạc làm sao? Huyền Trang toan quay trở lại trại thứ 4 để lấy nước, nhưng chợt nhớ tới lời thề trước lúc lên đường là nếu chưa tới đích thì không lui 1 bước. Bây giờ, sao có thể vì gặp khó khăn mà quay lui được? Nghĩ tới điều đó, ông lại quay ngựa, tiếp tục đi về hướng tây.
Sa mạc mênh mông, trên không có chim bay, dưới không có thú chạy, thỉnh thoảng gió lại nổi lên, cuộn cát lên mù mịt rồi ném xuống rào rào như mưa. Huyền Trang đi trên sa mạc liên tục 5 ngày 4 đêm, không có 1 ngụm nước, miệng rát như phải bỏng, cuối cùng không gượng được, ngã lăn trên cát, ngất đi. Đến nửa đêm, 1 cơn gió mát làm Huyền Trang tỉnh dậy. Ông cố gượng dắt ngựa đi được hơn 10 dặm thì phát hiện được 1 khu đất có cỏ mọc xanh tốt và 1 vùng nước lớn. Có cỏ và nước, người và ngựa mới thoát khỏi cảnh hiểm nghèo. Đi thêm 2 ngày nữa, thoát ra được khỏi sa mạc, rồi qua Y Ngô (nay là Cáp Mật, Tân Cương), đến Cao Xương (nay ở phía đông Tu Lu Phan, Tân Cương). Cao Xương vương là Cúc Văn Thái cũng rất sùng đạo Phật, nghe nói Huyền Trang là 1 cao tăng từ Đại Đường tới thì rất kính trọng, xin ông giảng kinh và khẩn thiết mời ông lưu lại Cao Xương. Huyền Trang kiên trì thoái thác. Cúc Văn Thái không có cách gì giữ được, liền chuẩn bị hành trang đầy đủ cho Huyền Trang, lại cử 25 người mang theo 30 con ngựa đi hộ tống. Ông còn viết thư cho 24 quốc vương các nước dọc đường đi, đề nghị họ giúp đỡ khi Huyền Trang quá cảnh.
Huyền Trang có người ngựa đi kèm, vượt qua núi tuyết, sông băng, xông pha gió xoáy băng trôi, trải qua muôn vàn gian khổ, đến được Toái Diệp Thành (nay thuộc nước cộng hòa KiêcGhiDi ở Trung Á), được khả hãn Tây Đột Quyết tiếp đãi. Sau đó, tiếp tục thuận lợi hành trình, qua các nước Tây Vực, tiến vào Thiên Trúc. Thiên Trúc là đất phát nguyên của Phật giáo nên có rất nhiều di tích cổ về đức Phật. Huyền Trang đi thăm mọi di tích, chùa chiền và tìm các cao tăng để học những điều sâu xa huyền diệu trong kinh phật. Một lần, trong khi ngồi thuyền đi qua sông Hằng, ông gặp 1 bọn cướp. Bọn này mê tín vào hung thần, hằng năm cứ vào mùa thu là phải giết 1 người để tế thần của chúng. Bọn chúng nhằm đúng Huyền Trang, quyết định chọn ông làm lễ vật. Huyền Trang hết lời giải thích cũng không có tác dụng gì, đành nhắm mắt lại, niệm phật. Thật khéo làm sao, đúng lúc đó, 1 trận cuồng phong, nước sông ngầu đục, nổi sóng cuồn cuộn suýt làm lật thuyền. Bọn cướp hoảng sợ, vội quì xuống cầu nguyện và thả Huyền Trang ra. Câu chuyện ấy được đồn đại đi rất nhanh. Nhân dân địa phương đều cho Huyền Trang có pháp thuật cao siêu, được đức Phật bảo hộ.
Tại nước Ma Kiết Đà ở Thiên Trúc có 1 ngôi chùa lớn cổ kính, có tên là chùa Na Lan Đà. Trong chùa có pháp sư Giới Hiền là 1 đại học giả của Thiên Trúc. Huyền Trang đến tìm chùa Na Lan Đà, thụ giáo pháp sư Giới Hiền trong 5 năm, học hiểu hết các pho kinh ở đây. Giới Nhật vương của nước Ma Kiết Đà là 1 vương quốc sùng tín Phật giáo, nghe tiếng Huyền Trang, liền mở 1 cuộc giảng kinh long trọng ở quốc đô Khúc Nhữ Thành (thuộc miền bắc Ấn Độ), mời Huyền Trang đến thuyết giáo. Mười tám quốc vương của các nước thuộc Thiên Trúc và hơn 3000 cao tăng đã đến dự. Giới Nhật vương mời Huyền Trang lên giảng kinh rồi mời mọi người cùng biện luận. Đại hội tiến hành trong 18 ngày, mọi người đều hết sức khâm phục trước sự diễn giảng tinh tường sâu sắc của Huyền Trang, không ai bác bỏ được điều gì. Cuối cùng, Giới Nhật vương cử người giương cao áo cà sa của Huyền Trang và tuyên bố cuộc giảng kinh đã thành công tốt đẹp. Khi tiếp kiến Huyền Trang, Giới Nhật vương nói, từ lâu ông đã nghe nói ở Trung Quốc có 1 vương quốc tài giỏi và vũ dũng là Tần vương. Huyền Trang nói cho ông ta biết, Tần vương chính là hoàng đế Đại Đường hiện nay. Chuyến đi của Huyền Trang không những thu được kết quả lớn về phật học, mà còn xúc tiến việc giao lưu văn hóa đông tây. Năm 645, sau 10 năm xa nước, Huyền Trang đã mang theo hơn 600 bộ kinh phật về tới Trường An.
Sự tích đi lấy kinh vô cùng gian khổ của Huyền Trang gây chấn động lớn trong nhân dân Trường An. Lúc đó, Đường Thái Tông đang ở Lạc Dương, nghe tin đó, đã hết lời khen ngợi và đã tiếp kiến Huyền Trang ở hành cung Lạc Dương. Huyền Trang đã kể lại đầy đủ, tỉ mỉ về chuyến đi Thiên Trúc qua các nước Tây Vực cho Đường Thái Tông nghe. Từ đó, Huyền Trang để hết tâm sức vào việc phiên dịch những kinh phật đã mang về được. Ông còn cùng các đệ tử viết cuốn "Đại Đường Tây Vực ký" (ghi chép về các nước Tây Vực thời Đại Đường). Trong cuốn sách này, ông đã ghi lại tình hình địa lý, phong tục tập quán của 110 nước mà ông đã đi qua và 28 nước khác mà ông nghe nói tới (đây là những nước nhỏ thời đó, thuộc Tân Cương, Trung Á và Ấn Độ). Cuốn sách này trở thành 1 tài liệu rất quí về lịch sử và địa lý. Vì việc lấy kinh của Huyền Trang mang rất nhiều màu sắc truyền kì, nên về sau trong dân gian lưu truyền nhiều truyện thần thoại xung quanh chuyến đi đó. Những truyện trên miêu tả, trên đường đi lấy kinh, Huyền Trang đã gặp rất nhiều yêu ma quỷ quái. Đó đềulà những điều thêu dệt do óc tưởng tượng trong dân gian.
Đến thời Minh, nhà viết tiểu thuyết Ngô Thừa Ân, đã căn cứ vào truyền thuyết dân gian để gia công về nghệ thuật, viết nên bộ tiểu thuyết thần thoại trường thiên xuất sắc là bộ "Tây du ký". Cuốn tiểu thuyết đã có tiếng vang rộng rãi và chiếm địa vị quan trọng trong văn học Trung Quốc và thế giới. Nhưng những điều miêu tả trong đó hoàn toàn khác xa với sự thực lịch sử về chuyến đi lấy kinh của Huyền Trang.
Truyện Lịch Sử Trung Quốc 5000 Năm Tập 2 Truyện Lịch Sử Trung Quốc 5000 Năm Tập 2 - Lâm Hán Đạt Và Tào Duy Chương Truyện Lịch Sử Trung Quốc 5000 Năm Tập 2