Love is the only satisfactory answer to the problem of human existence.

Erich Fromm

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: nguyen trieu
Upload bìa: hieu ngoc
Số chương: 50
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1350 / 74
Cập nhật: 2019-08-07 19:04:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
121-122
OÀN ÔN BẮC PHẠT
Sau khi Đào Khản dẹp xong cuộc nổi loạn của Tô Tuấn, vương triều Đông Tấn tạm ổn định. Chính lúc đó, miền bắc lại rơi vào cảnh hỗn loạn. Từ khi quốc vương Hậu Triệu là Thạch Hổ (con của Thạch Lặc) chết đi, nội bộ xảy ra đại loạn. Đại tướng Hậu Triệu Nhiễm Mẫn xưng đế, xây dựng nước Ngụy, lịch sử gọi chính quyền này là Nhiễm Ngụy. Nước Tiền Yên do quí tộc Tiên Ty là Mộ Dung Hoảng xây dựng, lại tiêu diệt Nhiễm Ngụy. Năm 342, quí tộc tộc Để là Phù Kiện thừa cơ chiếm miền Quan Trung, xây dựng nên nước Tiền Tần.
Khi Hậu Triệu diệt vong, tướng Đông Tấn là Hoàn Ôn dâng thư lên Tấn Mục Đế (hoàng đế thứ 5 của Đông Tấn) xin đem quân bắc phạt. Hoàn Ôn là người rất có tài quân sự. Khi ông làm thứ sử Kinh Châu, đã từng tiến quân vào đất Thục, diệt chính quyền Thành Hán, lập công lớn với triều Tấn. Nhưng nội bộ vương triều Đông Tấn chứa chất nhiều mâu thuẫn lớn. Tấn Mục Đế tuy thăng cấp cho Hoàn Ôn, nhưng lại vẫn nghi kỵ ông. Hoàn Ôn xin đi bắc phạt, Tấn Mục Đế không cho mà lại cử Ân Khiết. Ân Khiết là 1 văn nhân, chỉ có hư danh mà không có tài năng quân sự. Ân Khiết vừa dẫn quân tới Lạc Dương thì bị người tộc Khương đánh cho đại bại, chết 1 vạn người ngựa và mất sạch lương thảo, vũ khí. Hoàn Ôn lại dâng sớ tấu, xin triều đình triệt chức và định tội Ân Khiết, Tấn Mục Đế không thể làm khác đành triệt chức Ân Khiết và đồng ý cho Hoàn Ôn đem quân bắc phạt.
Năm 354, Hoàn Ôn dẫn 4 vạn quân Tấn xuất phát từ Giang Lăng, chia làm 3 đường tiến đánh Trường An. Quốc vương triều Tần là Phù Kiện dẫn 5 vạn quân ra chặn lại ở Nghiêm Quan, bị quân Tấn đánh cho tan tác. Phù Kiện đành dẫn 6 ngàn tàn binh già yếu chạy về Trường An, đào hào đắp lũy cố thủ. Hoàn Ôn thắng lợi, tiến quân đến Bá Thượng. Các quan vùng phụ cận Trường An lũ lượt đến đầu hàng quân Tấn. Hoàn Ôn ra cáo thị, khuyên dân chúng cứ an cư lạc nghiệp. Trăm họ mừng rỡ, tranh nhau bắt bò, dê, mang rượu đến doanh trại quân Tấn úy lạo. Từ khi Tây Tấn diệt vong, nhân dân ở miền bắc chịu mọi nỗi khổ cực do cảnh hỗn chiến đem lại. Nay nhìn thấy quân Tấn từ miền nam tiến lên, mọi người mừng vui trào nước mắt, cảm động nó: "Không ngờ tới hôm nay, lại được nhìn thấy quân của triều đình".
Hoàn Ôn đóng quân ở Bá Thượng, định đợi tới khi lúa mì chín thì tung quân ra gặt cướp để bổ sung cho số lương thực mang theo đã cạn. Nhưng Phù Kiện cũng rất tinh khôn, đoán được ý Hoàn Ôn, liền sai người gặt hết số lúa mì chưa thật chín, không cho quân của Hoàn Ôn được hưởng chút gì. Quân của Hoàn Ôn hết lương, không trụ lại được, đành rút về. Tuy vậy lần bắc phạt này cũng đã giành được thắng lợi lớn. Tấn Mục Đế thăng Hoàn Ôn lên làm Chinh Thảo đại đô đốc. Sau đó, Hoàn Ôn còn bắc phạt 2 lần nữa. Lần cuối, nhằm vào Tiền Yên, tiến quân đánh Phương Đầu (nay ở tây nam huyện Tuấn, Hà Nam). Sau bị quân Tiền Yên cắt đứt đường tiếp lương nên thất bại.
Hoàn Ôn nắm đại quyền về quân sự của Đông Tấn trong 1 thời gian dài. Vì vậy, dần dần nảy sinh dã tâm. Có lần ông ta tự nói với mình: "Làm tài trai, nếu không để tiếng thơm lại trăm đời; thì cũng nên lưu tiếng xấu tới vạn năm".
Một viên quan tâm phúc của Hoàn Ôn biết được dã tâm của ông ta, liền hiến kế: "Nếu muốn nâng cao uy tín của mình, thì nên theo Hoắc Quang đời Tây Hán, phế bỏ đương kim hoàng đế đi, lập một hoàng đế khác".
Lúc đó, Tấn Mục Đế đã chết, hoàng đế tại vị là Tư Mã Dịch, sau gọi là Tấn Phế Đế. Hoàn Ôn đem quân vào Kiến Khang, tuyên bố phế bỏ Tư Mã Dịch và lập Tư Mã Dục lên làm hoàng đế. Đó là Tấn Giản Văn Đế. Hoàn Ôn làm tể tướng, dẫn quân đóng tại Cô Thục (nay là Đương Đồ, An Huy). Hai năm sau, Tấn Giản Văn Đế lâm bệnh nặng, để lại di chiếu cho thái tử Tư Mã Diệu kế vị. Đó là Tấn Hiếu Vũ Đế. Hoàn Ôn vốn tưởng rằng Giản Văn Đế sẽ nhường ngôi lại cho mình, nay nghe thấy tin đó thì thất vọng, bực bội, liền kéo quân về Kiến Khang. Quân Hoàn Ôn đem về Kiến Khang đều mang khôi giáp, vũ khí như ra trận. Các quan trong triều ra chào đón ở 2 bên đường thấy tình hình đó thì đều sợ hãi biến sắc.
Hoàn Ôn mời 2 đại thần thuộc dòng dõi đại sĩ tộc có uy tín nhất là Vương Đản Chi và Tạ An đến phủ đệ của mình để bàn luận. Hai người được tin là Hoàn Ôn đã bố trí võ sĩ mai phục sau phòng khách để giết họ. Vì vậy, khi đến phủ tể tướng, Vương Đản Chi sợ hãi, khắp người toát mồ hôi, ướt đẫm cả lễ phục. Tạ An thì vẫn trấn tĩnh. Sau khi đã an tọa trong phòng khách, ông liền nói với Hoàn Ôn: "Tôi từng nghe từ xưa tới nay, phàm những đại tướng nhân nghĩa, bao giờ cũng bố trí binh mã ở biên cảnh để phòng bị ngoại binh xâm lấn. Nay tại sao Hoàn Công lại giấu binh mã ở sau tường".
Nghe những lời lẽ đường hoàng đó, Hoàn Ôn có vẻ ngượng nói: "Chẳng qua là tôi cũng đề phòng trường hợp bất trắc thôi". Sau đó liền ra lệnh cho rút hết quân mai phục.
Thấy thế lực chống đối mình trong giới sĩ tộc ở Kiến Khang không phải là nhỏ, Hoàn Ôn không dám tự tiện hành động. Không lâu sau, ông ta ốm chết. Sau khi Hoàn Ôn chết, Tạ An đảm nhận chức tể tướng; em trai Hoàn Ôn là Hoàn Xung làm thứ sử Kinh Châu. Hai người đồng tâm hiệp lực phò tá Tấn Hiếu Vũ Đế. Nhờ đó, vương triều Đông Tấn lại có cục diện ổn định, đoàn kết.
VƯƠNG MÃNH NGHÈO KHÓ, TÀI CAO
Khi Hoàn Ôn tiến hành cuộc bắc phạt lần thứ nhất, đang đóng quân ở Bá Thượng, thì 1 hôm có 1 người xưng là thư sinh, mặc áo ngắn rách rưới, xin vào yết kiến. Hoàn Ôn đang chiêu mộ nhân tài, nghe nói người muốn yết kiến là 1 thư sinh, thì vui vẻ tiếp ngay. Thư sinh đó là Vương Mãnh, gia đình rất nghèo, phải dựa vào nghề đan sọt để kiếm sống. Nhưng vốn rất ham đọc sách, nên Vương Mãnh có 1 vốn kiến thức uyên bác. Vì xuất thân nghèo hèn, ông không được giới sĩ tộc ở Quan Trung kính trọng. Vương Mãnh chẳng thèm chú ý đến điều đó. Có người thấy ông có chữ nghĩa, muốn tiến cử ông làm 1 chức quan nhỏ trong vương phủ Tiền Tần, nhưng ông khảng khái từ chối, và tới ẩn cư ở núi Hoa Âm. Lần này nghe tin Hoàn Ôn đánh vào Quan Trung, nên ông tìm đến xin yết kiến.
Hoàn Ôn muốn thử xem tài học của Vương Mãnh thế nào, nên cùng ông đàm luận về đại thế trong thiên hạ. Vương Mãnh liền phân tích 1 cách hết sức rành rẽ tình hình mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế của cả 2 miền nam, bắc. Kiến giải của ông sâu sắc, tinh tế khiến Hoàn Ôn vừa nghe vừa thầm cảm phục. Vương Mãnh vừa đàm luận vừa luồn tay vào trong áo cánh bắt rận 1 cách tự nhiên. Bộ hạ của Hoàn Ôn thấy thế thì cố nhịn cười. Nhưng Vương Mãnh vẫn đàm luận hăng hái với Hoàn Ôn và tiếp tục bắt rận, coi như không có ai đang chú ý nhìn mình. Hoàn Ôn hỏi: "Lần này ta dẫn đại quân, theo lệnh hoàng đế trừ hại cho dân. Thế mà tại sao ta đã tới đây, vẫn không thấy hào kiệt địa phương đến gặp? Hôm nay mới có ông tìm tới".
Vương Mãnh cười nhạt: "Ngài không ngại vượt đường xa ngàn dặm, vào sâu đất trung tâm của đối phương. Trường An đã ở trước mặt mà ngài lại không vượt Bá Thủy (sông Bá). Vì thế mọi người không hiểu được dự tính của ngài ra sao, nên còn chưa muốn tới gặp ngài đó thôi".
Câu nói đó của Vương Mãnh đã đi trúng vào tính toán thầm kín của Hoàn Ôn. Nguyên do là Hoàn Ôn xin đi bắc phạt, chủ yếu là muốn tạo dựng uy tín trong triều đình Đông Tấn và chèn lấn các đối thủ chính trị. Ông đóng quân ở Bá Thượng, không vội đánh Trường An chính là muốn giữ gìn thực lực của mình để thực hiện các mưu đồ về sau. Bị nêu trúng vào chỗ đó, Hoàn Ôn không biết trả lời sao cho phải. Nhưng qua đàm luận, ông ta thấy Vương Mãnh là 1 tài năng hiếm có. Khi từ Quan Trung rút về nam, Hoàn Ôn nhắc đi nhắc lại lời mời Vương Mãnh cùng đi, và phong cho ông 1 chức quan khá cao. Vương Mãnh biết nội bộ vương triều Đông Tấn có nhiều lực lượng chống đối nhau nên không nhận lời của Hoàn Ôn và trở về núi Hoa Âm. Nhưng qua lần gặp gỡ đó, người thư sinh nghèo khổ đầy chấy rận bỗng nổi tiếng tăm.
Khi hoàng đế Tiền Tần là Phù Kiệt chết, con là Phù Sinh kế nghiệp. Phù Sinh là kẻ vô cùng tàn bạo, nên chẳng bao lâu bị 1 người anh em họ là Phù Kiên lật đổ. Phù Kiên là 1 hoàng đế giỏi của vương triều Tiền Tần. Ngay từ khi chưa lên ngôi, ông đã có ý tìm 1 trợ thủ đắc lực. Có người giới thiệu Vương Mãnh. Phù Kiên cho mời Vương Mãnh tới. Hai người vừa gặp nhau, đàm luận về mọi chuyện hưng vong trong lịch sử, kiến giải hoàn toàn hợp nhau, nên nhanh chóng coi nhau như bạn bè thân thiết. Phù Kiên rất mừng, cho rằng mình gặp Vương Mãnh giống như Lưu Bị gặp được Gia Cát Lượng vậy. Phù Kiên lên ngôi, xưng là Đại Tần Thiên Vương; Vương Mãnh trở thành 1 đại thần tin cậy nhất, trong 1 năm được thăng cấp 5 lần, nắm quyền lực lớn, vượt hơn các đại thần khác.
Lúc đó, Vương Mãnh mới 36 tuổi, còn quá trẻ, lại là người Hán. Các lão thần thuộc tộc Để của Tiền Tấn thấy Phù Kiên tin dùng Vương Mãnh như vậy thì không phục. Một đại thần thuộc tộc Để là Phàn Thế, là người đi theo Phù Kiên đánh chiếm Quan Trung, trong 1 lần gặp Vương Mãnh, lớn tiếng mắng: "Chúng ta vất vả cuốc đất cấy trồng để cho ngươi đến ăn bát cơm trắng à?".
Vương Mãnh không chịu kém, trả miếng lại: "Các ông không chỉ cuốc đất cấy trồng, mà còn phải nấu cơm cho ta ăn nữa kia!".
Phàn Thế nổi giận nói: "Ta không cắt được đầu ngươi treo trên thành Trường An thì ta không sống làm gì nữa".
Mấy hôm sau, Phàn Thế và Vương Mãnh tranh cãi kịch liệt trước mặt Phù Kiên. Phàn Thế muốn xông tới đánh Vương Mãnh. Phù Kiên thấy Phàn Thế hành động không theo thể thống, liền ghép ông ta vào tội chết. Từ đó các quan chức người tộc Để không còn ai dám nói xấu Vương Mãnh với Phù Kiên nữa. Vương Mãnh được Phù Kiên tín nhiệm, ra sức giúp Phù Kiên trấn áp bọn cường hào, chỉnh đốn nội chính. Khi Vương Mãnh kiêm nhiệm chức Kinh Triệu doãn (chức quan trấn thủ kinh thành), em trai của thái hậu là Quang Lộc đại phu Cường Đức say rượu gây rối, cưỡng đoạt tài sản và phụ nữ. Vương Mãnh cho bắt Cường Đức rồi tâu lên Phù Kiên. Khi Phù Kiên sai người mang lệnh miễn tội cho Cường Đức tới, thì Vương Mãnh đã xử quyết Cường Đức rồi. Chỉ trong mấy chục ngày, bọn cường hào cậy quyền thế, hoàng thân quốc thích ở Trường An làm bậy bị xử tử, chịu hình phạt và miễn chức có tới hơn 20 người. Các quan chức trong triều đều cảm thấy run sợ, bọn người xấu không dám làm bậy nữa. Phù Kiên cảm thán nói: "Đến bây giờ, ta mới hiểu được rằng đất nước cần phải có pháp luật".
Trong hơn 10 năm, nước Tiền Tần dưới sự cai trị của Phù Kiên và Vương Mãnh, càng ngày càng lớn mạnh, lần lượt diệt 3 nước nhỏ là Tiền Yên, Đại và Tiền Lương, thống nhất cả vùng thuộc lưu vực Hoàng Hà. Năm 375, Vương Mãnh mắc bệnh nặng. Phù Kiên đến thăm ông. Ông khẩn thiết nói với Phù Kiên: "Đông Tấn tuy xa cách tận Giang Nam, nhưng lại là triều đại kế thừa chính thống của triều Tấn, hiện nay nội bộ họ lại yên ổn vô sự. Sau khi thần mất đi, xin bệ hạ muôn ngàn lần không nên tiến công nước Tấn. Địch thủ của chúng ta là người Tiên Ty và người Khương, còn họ là ta còn hậu hoạn. Nhất định phải diệt được họ đi thì Tiền Tần ta mới được an toàn".
Truyện Lịch Sử Trung Quốc 5000 Năm Tập 2 Truyện Lịch Sử Trung Quốc 5000 Năm Tập 2 - Lâm Hán Đạt Và Tào Duy Chương Truyện Lịch Sử Trung Quốc 5000 Năm Tập 2