Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.

Johann Goethe

 
 
 
 
 
Tác giả: Contest Dorient
Thể loại: Cổ Tích
Dịch giả: Nguyễn Bích Liên
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 151 / 14
Cập nhật: 2020-06-22 23:28:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Người Thợ Đóng Giày
gày xửa ngày xưa có một người thợ đóng giày tên là Marouf. Vợ của anh ta ta vừa xấu xí lại vừa độc ác, vì vậy mọi người gọi mụ ta là mụ Guenon. Hàng ngày, mụ ta lê la khắp nơi nói xấu hết người này đến người khác và cãi chửi nhau với tất cả mọi người. Marouf cắn răng chịu đựng người vợ nanh nọc luôn mồm xỉa xói chồng.
Vào một ngày mùa xuân đẹp trời mụ Guenon nói với chồng:
- Tôi thèm ăn nho quá, anh đi chợ mua cho tôi một ít!
Marouf đáp:
- Mùa này thì kiếm đâu ra nho. Các cây nho bây giờ mới đang mọc chồi.
Mụ vợ hét toáng lên:
- Tôi không cần biết. Hãy đi kiếm nho về đây, mau lên! Nếu không kiếm được thì đừng vác mặt về nữa.
Phiên chợ đã tan từ lâu mà anh thợ giày vẫn chưa tìm được nho để mua về cho vợ. Anh ta sợ hãi không dám về nhà. Một mình, Marouf đi lang thang ra khỏi thành phố. Khi màn đêm buông xuống, anh ngồi tạm trên một tảng đá, bên cạnh bức tường thành và ôm mặt khóc nức nở.
Bỗng nhiên, bức tường ở phía sau anh nứt đôi ra, một vị thần hiện lên và hỏi:
- Nhà ngươi làm gì ở đây vào lúc đêm tối này vậy?
Marouf lại oà lên khóc rồi trả lời:
- Tôi khốn khổ quá!
- Phải chăng là do vợ ngươi, mụ Guenon gây ra cho ngươi?
Marouf vô cùng ngạc nhiên hỏi lại:
- Tại sao ông biết được điều đó?
Ta biết rất nhiều điều khác nữa, chẳng hạn như ta biết ngươi làm nghề đóng giày và lúc này ngươi đang mong được đi khỏi nơi này càng xa càng tốt.
Marouf gật đầu thú nhận:
- Ông nói phải lắm.
Vị thần mỉm cười và nói:
- Điều mong ước của ngươi rất đơn giản. Ngươi hãy trèo lên lưng ta, ôm lấy cổ ta rồi ta đưa ngươi đi.
Nghe vị thần nói vậy, lúc đầu Marouf cho rằng vị thần nói đùa, nhưng anh ta cứ đánh liều trèo lên lưng vị thần. Chỉ trong nháy mắt, cả hai đã ở trên không trung. Từ trên cao nhìn xuống, Marouf thấy thành phố mỗi lúc một nhỏ đi, rồi sau đó là biển cả, rừng núi, sa mạc. Trời vừa tối thì chỉ một lát sau đã thấy mặt trời lấp ló sau những dãy núi.
Vị thần đặt Marouf xuống một đỉnh núi rồi nói với anh ta:
- Bây giờ, ngươi phải tự lo liệu. Ngươi hãy đi đi và ngươi sẽ đến một thành phố.
Nói xong, vị thần biến mất.
Marouf đi xuống thung lũng và cuối cùng đặt chân đến cổng của một thành phố tuyệt đẹp.
Vừa đi qua cổng thành, Marouf vừa nghĩ: “Chẳng biết mình có sống được ở đây không!”
Thấy người lạ mặt đi qua cổng thành, những người gác cổng chặn anh lại và hỏi:
- Anh là người ở đâu đến vậy?
- Tôi đến từ Ai Cập - Marouf đáp.
- Anh đã đi hết bao lâu?
- Không lâu lắm. Tối hôm qua tôi còn ở đó mà.
Đám lính gác thốt lên kinh ngạc:
- Này anh ơi, anh lẩm cẩm mất rồi. Từ Ai Cập đến đây cách trở hàng ngàn dặm đường chứ có gần đâu.
Mọi người qua đường thấy vậy cũng xúm lại. Ai cũng cho rằng Marouf là kẻ khùng.
Marouf cầu khẩn mọi người:
- Hỡi những người bạn tốt bụng, hãy cứu giúp tôi với. Hãy cho tôi một công việc để tôi có thể tự nuôi sống bản thân.
Người ta hỏi Marouf:
- Thế anh biết làm gì?
- Tôi biết sửa chữa giày dép vì tôi làm nghề đóng giày.
Mọi người cười phá lên chế nhạo Marouf:
- Đóng giày! Anh đã chọn nhầm nghề rồi. Ở đây nghề của anh không thể kiếm được dù chỉ là một mẩu bánh mì. Thôi anh hãy về nhà anh đi!
Marouf chán nản đi vào một ngôi đền. Anh quì xuống và suy nghĩ miên man: “Khi ta nói với họ rằng ta đến từ Ai Cập và ta làm nghề đóng giày thì họ lại chế nhạo ta. Ta nói thật thì họ lại không tin, nếu vậy, từ nay ta sẽ nói dối”.
Nghĩ vậy, Marouf lấy từ túi áo ra năm đồng tiền vàng mà anh đã lén chắt chiu không cho mụ vợ biết.
Anh đi tắm gội sạch sẽ, mua những bộ quần áo sang trọng để trưng diện. Sau đó, anh ta còn mua một con lừa cái và một chú bé da đen để hầu hạ. Marouf ngồi trên lưng lừa, còn chú bé da đen chạy lon ton phía trước. Marouf dặn chú ta rằng nếu có ai hỏi thì nói rằng anh ta là Marouf giàu có đang đi thăm các lái buôn trong thành.
Chú bé nô lệ vừa chạy vừa la lớn. Marouf ngồi chễm trệ trên lưng lừa, mặt nghênh lên có vẻ kiêu hãnh lắm. Chẳng bao lâu tin tức về Marouf giàu có nổi lên như cồn. Khi Marouf và người hầu đi đến chợ thì các lái buôn đã ra khỏi cửa hiệu và chờ Marouf đến.
Khi chú bé nô lệ chạy đến bên con lừa thì Marouf thì thào vào tai chú bé:
- Tao đưa cho mày một đồng tiền vàng, mày hãy giả bộ ngạc nhiên và kêu rằng tao cho mày những mười đồng tiền vàng, hiểu chứ?
- Vâng thưa ông! - Chú bé vừa nói vừa kín đáo cầm lấy đồng tiền vàng.
Sau đó chú bé la ầm lên:
- Ôi! Các ông bà ơi, ông Marouf giàu có vừa cho tôi mười đồng tiền vàng.
Còn Marouf thì thản nhiên nói cười với đám lái buôn:
- Xin chào người anh em. Tên tôi là Marouf nhưng thiên hạ quen gọi tôi là Marouf giàu có.
Đám lái buôn kinh ngạc trước sự hào phóng của Marouf.
- Xin chào ngài! Ngài có thể vui lòng cho chúng tôi biết ngài từ đâu đến?
- Những con tàu của tôi nhổ neo từ Ấn Độ - Marouf đáp.
Họ lại kinh ngạc thất lên:
- Từ Ấn Độ?
- Đúng vậy từ Ấn Độ. Ngoài ra, tôi còn có những con tàu ở Trung Hoa, ở Ai Cập và ở
thành Viên.
Đám lái buôn lại kinh ngạc hơn.
- Ngài có nhiều tàu như vậy sao?
- Khoảng hai mươi chiếc đang neo đậu còn lại đều đang trên biển.
Đám lái buôn mỗi lúc lại càng thêm tò mò.
- Ngài buôn những mặt hàng gì vậy?
- Gia vị, ngọc trai, vải lụa, ngà voi... nhiều lắm.
Hàng của tôi tuy giá có hơi đắt nhưng toàn hàng tốt cả. Chả thế mà các vị vua rất thích mua hàng của tôi để may quần áo.
Những lái buôn vùng này từ trước đến nay chỉ buôn bán toàn hàng rẻ tiền, dân dã nên lại càng tỏ ra thán phục Marouf. Nếu đức vua của họ có đến cửa hiệu của họ thì họ cũng chỉ có thứ vải để làm chăn cho đàn lạc đà của đức vua.
Họ lại hỏi Marouf:
- Ngài có bao nhiêu xấp vải?
Marouf trả lời không chút nao núng:
- Nhiều lắm.
- Những xấp vải đó đang ở đâu?
Marouf vẫn thản nhiên:
- Hiện giờ có lẽ các xe hàng của tôi đang đi qua các dãy núi. Các xe đều nặng nên đi chậm lắm, tôi buộc phải đến đây trước.
- Ngài không sợ họ đánh cắp hàng của ngài ư?
Marouf vênh mặt lên đáp:
- Các ông nói gì lạ vậy? Hàng ngàn xấp vải đó có đáng gì đâu. Tôi còn rất nhiều tàu hàng ở Ba Tư nữa.
Mọi người đang bàn tán xôn xao thì một bà lão hành khất đi tới. Các lái buôn tỏ ra thờ ơ, ngoảnh mặt đi nơi khác không muốn bố thí cho bà ta. Ngay lập tức, Marouf móc trong túi ra bốn đồng tiền vàng cuối cùng và đưa cho bà lão. Các lái buôn nhìn thấy cảnh này liền há hốc mồm ra mà kinh ngạc. Trước mặt họ là một ngài Marouf giàu có với vô số những tàu hàng quý giá, ném tiền vàng cho hành khất như ném cát.
Các lái buôn lần lượt mời Marouf về nhà, mời anh ta ăn uống no say, với tất cả sự kính trọng có thể. Khi ăn uống xong, Marouf thường nói với chủ nhà:
- Thú thật với người anh em, tôi bắt đầu thấy chán ghét nghề buôn bán này rồi.
Nói rồi anh ta quay sang nhìn chủ nhà với vẻ mặt rất thành thật:
- Người anh em có muốn bán giúp tôi mươi xấp vải xa tanh không? Số vải đó cũng tới năm trăm đồng tiền vàng nhưng nếu anh đưa cho tôi ba trăm, tôi sẽ để lại cho anh. Chỉ cần đợi khi nào các xe hàng của tôi đến là anh đến nhận hàng.
Người lái buôn sáng mắt lên liền rút ngay ba trăm đồng tiền vàng cho Marouf. Marouf liền chia số tiền đó ra làm đôi. Anh ta lấy một nửa, còn một nửa anh ta đặt xuống bàn ăn:
- Tôi có thói quen phân phát của cải cho người nghèo. Tôi nhờ anh đem số tiền vàng này bố thí cho họ.
Người lái buôn lặng người đi. Chưa bao giờ ông ta lại gặp người hào phóng như vậy.
Đến nhà người lái buôn khác, Marouf lại nói:
- Người anh em có muốn bán giúp tôi vài trăm xấp vải mousseline không? Chỉ cần đưa cho tôi hai ngàn đồng tiền vàng thì anh sẽ được gấp đôi. Thực sự tôi chán làm việc rồi.
Người lái buôn không hề do dự sai ngay người giúp việc mang đến hai ngàn đồng tiền vàng. Lần này, Marouf lại chia đôi tiền vàng một phần cho anh ta còn phần kia dành cho những kẻ hành khất.
Ngay đêm đầu tiên, Marouf đã rao bán được hàng ngàn xấp vải. Hôm sau, anh ta lại bán được hàng ngàn thứ gia vị. Ngày thứ ba là vài ngàn chuỗi ngọc trai rồi những hòm ngà voi và các đồ sành sứ. Lần nào anh cũng chia đôi số tiền của mình và dành cho hành khất một phần. Đi đến đâu anh cũng được người nghèo tung hô, ca ngợi.
Thấy anh hành động như vậy, các lái buôn thì thầm với nhau:
- Chắc là ông ta mất trí rồi.
- Hay là ông ta vô cùng giàu có mà chúng ta không thể tưởng tượng được.
- Ắt hẳn ông ta là kẻ lừa đảo - Cuối cùng họ nói với nhau - Đã bảy ngày trôi qua mà chẳng thấy bóng dáng các xe hàng của ông ta đâu cả.
Các lái buôn lo lắng quá liền tâu lên nhà vua.
Nhà vua là một kẻ rất nhiều tiền và vô cùng hà tiện, keo bẩn. Ông ta thấy rõ đám lái buôn là khờ dại vì đã trả tiền trước cho Marouf. Riêng ông ta sẽ có cách khác: ông ta cho mời Marouf đến, đối xử với Marouf rất tử tế và khi nào thấy các xe hàng của Marouf xuất hiện, ông ta sẽ chiếm tất và đuổi Marouf ra khỏi kinh thành ngay.
Nhận được lời mời của nhà vua Marouf hơi lo lắng nhưng anh ta vẫn đi đến cung điện.
Nhà vua nhẹ nhàng hỏi Marouf:
- Khi nào các xe hàng của ngươi đến đây?
Marouf bình tĩnh đáp:
- Muôn tâu bệ hạ, không lâu nữa đâu ạ. Có lẽ bọn cướp gây khó dễ nên đến hơi muộn.
- Liệu hàng của ngươi có bị mất cắp không? – Nhà vua lo lắng hỏi.
Marouf mỉm cười đáp:
- Thưa, không ạ. Quân lính của tôi sẽ đánh đuổi bọn cướp.
- Quân lính của ngươi? Các xe hàng của ngươi có lính đi kèm?
- Tất nhiên rồi, thưa bệ hạ. Hàng hoá của tôi luôn được bảo vệ cẩn thận.
- Nhà ngươi có bao nhiêu lính? - Nhà vua hỏi, hy vọng quân lính của nhà vua sẽ nhiều hơn.
- Khoảng ba nghìn. - Marouf đáp.
Nhà vua giật mình. Làm sao có thể chiếm được số hàng của Marouf khi quân lính của Marouf đông như vậy. Tuy thấy rằng ý đồ của mình khó mà thực hiện được nhưng nhà vua vẫn không chịu lùi bước.
Nhà vua quay ra thương lượng:
- Ta sẽ mua toàn bộ hàng hoá của ngươi.
- Nhưng tôi đã bán cho các lái buôn rồi.
- Các lái buôn sẽ không dám làm gì chống lại ta. - Nhà vua la lên - Ngươi muốn đổi lấy cái gì?
Marouf nói cụt ngủn:
- Tôi muốn lấy con gái của bệ hạ.
Thế là đám cưới được nhanh chóng tổ chức. Trong tiệc cưới, nhà vua thầm nghĩ: “Hắn ta là kẻ ngu ngốc. Chỉ vì quá si mê con gái ta mà từ bỏ hết gia sản. Đúng là tình yêu có giá hơn bạc vàng”
Bảy mươi ngày đã trôi qua mà các xe hàng của Marouf vẫn biệt tăm. Lúc này nhà vua mới nghi: “Hay là hắn ta đã lừa mình?”. Ngay lập tức nhà vua cho đi tìm con gái về để hiểu rõ nguồn cơn.
Sau những ngày chung sống Marouf đem lòng yêu công chúa Myriam thực sự. Anh ta thấy dằn vặt khi phải sống trong sự lừa dối. Vì thế, anh quyết định thú thật hết với nàng. Anh nói rằng anh chỉ là một người thợ giày tầm thường, rằng anh có một người vợ độc ác ở Ai Cập và anh kể lại tất cả những gì đã xảy ra với, anh từ đêm anh ngồi khóc ở bên tường thành. Kể xong Marouf úp mặt vào hai bàn tay khóc rưng rức và nói với công chúa:
- Nàng hãy gọi quân lính đuổi tôi ra khỏi nơi đây đi. Tôi là kẻ xấu xa.
Nhưng Myriam cũng yêu Marouf thực lòng. Nàng không đuổi Marouf đi và cũng không nói cho ai biết. Nàng nhẹ nhàng nói với chồng:
- Chuyện này rồi sẽ rắc rối đấy. Cha thiếp là người rất tàn bạo. Nếu cha thiếp biết chuyện thì chàng sẽ bị giết chết ngay lập tức. Chàng hãy cải trang thành một người nông dân và ngay sáng mai chàng hãy lấy một con lừa trong chuồng và đi khỏi nơi này giả bộ như chàng đi bán pho mát và hành ở chợ về. Chàng hãy đi theo hướng mặt trời lặn, mười ngày sau, chàng sẽ đến nơi không thuộc quyền cai trị của cha thiếp nữa. Chàng hãy ở lại đó và sửa chữa giày dép để kiếm sống. Đó là nghề của chàng, một nghề lương thiện. Chàng hãy cố gắng ở đó trong vòng một năm và một ngày. Trong khi đó thiếp sẽ thuyết phục cha thiếp cho chàng trở về, còn nếu không thiếp sẽ tìm chàng và lúc đó không ai có thể chia cắt chúng ta được nữa.
Marouf nói giọng đau khổ:
- Ta sẽ chỉ là một thợ đóng giày tầm thường. Còn nàng vẫn mãi là công chúa, con gái nhà vua.
Myriam đáp:
- Thà làm một kẻ đóng giày còn hơn là kẻ nói dối. Cầu thánh Allah phù hộ cho chàng.
Sáng hôm sau, Marouf lên đường. Sáu ngày sau, anh ta đi đến một thành phố. Anh lại mở cửa hiệu sửa chữa giày để kiếm sống và luôn mong ngóng tin về Myriam.
Còn Myriam, sau khi chồng trốn đi, nàng ra sức thuyết phục vua cha tha thứ cho Marouf. Nhưng nhà vua nhất định không chấp thuận.
Sáu tháng trơi qua ròng rã. Marouf đã thực sự thất vọng. Anh ta thầm nghĩ: “Nếu ta đến gặp nàng thì ta sẽ bị chặt đầu. Nhưng nếu ta cứ sống mãi ở đây, ta cũng chết vì đau khổ. Vậy thì đằng nào ta cũng chết, ta phải đi gặp nàng rồi chết cũng an lòng”.
Anh ta lại rời khỏi thành phố này và đi về hướng mặt trời mọc.
Sau năm ngày đi bộ, anh gặp một người đàn ông đang cày ruộng. Anh bước đến hỏi xin bánh mỳ và muối. Người nông dân nói:
- Tôi không mang đồ ăn ra đây, vậy anh trông hộ tôi con bò, tôi chạy về nhà lấy cho anh một ít bánh mỳ.
Marouf ngồi xuống bãi cỏ và chờ đợi. Ngồi một lúc anh nghĩ: “Nhân lúc này ta xuống cày giúp anh ấy vài luống”.
Nghĩ vậy, anh lội xuống ruộng và thúc bò đi. Anh mải mê cày được một lúc thì chiếc cày bị gãy.
Marouf liền cúi xuống để xem xét và anh ta phát hiện ra một tảng đá. Anh lấy hết sức để đẩy tảng đá ra. Thật bất ngờ, phía dưới tảng đá là lối đi xuống lòng đất. Marouf tò mò đi xuống. Qua các bậc thang, cuối cùng anh bước vào một cửa hang sáng rực rỡ.
Mắt anh bị loà trước hàng ngàn viên kim cương đủ màu sắc đang tỏa sáng lấp lánh. Marouf lặng người ngắm nghía kho báu và anh để ý thấy một chiếc nhẫn đặt trên chiếc bàn nhỏ bằng gỗ mun. Anh thốt lên:
- Chiếc nhẫn mới đẹp làm sao?
Anh đến gần và nhìn thấy những đường nét được chạm trổ tinh xảo trên chiếc nhẫn. Anh cầm chiếc nhẫn lên và đưa tay miết nhẹ. Ngay lập tức, một vị thần hiện lên và bảo:
- Thưa ông chủ, ngài cần gì?
Marouf sợ hãi, lắp bắp:
- Ông là ai?
- Tôi là vị thần của chiếc nhẫn này.
Khi bình tĩnh trở lại, Marouf hỏi thần nhẫn:
- Ông có thể thực hiện được các điều ước của tôi ư?
- Đúng vậy. Nhưng tôi chỉ thực hiện được mười hai điều ước của ngài và sau đó chiếc nhẫn sẽ tan thành tro bụi.
Marouf thầm nghĩ: “Những mười hai điều ước cơ à Quả là quá nhiều cho ta. Lúc này ta chỉ muốn tìm được Myriam và sống với nàng cho đến tận cuối đời.”
Để thoả trí tò mò, Marouf nói với thần nhẫn:
- Hãy cho ta được bay lên trời!
Thần nhẫn hỏi:
- Đó là điều ước đầu tiên của ngài chăng?
- Đúng vậy, đó là điều ước đầu tiên của ta.
Từ trên cao nhìn xuống, Marouf nhìn thấy người nông dân trở lại mảnh ruộng, tay cầm bánh mì và muối cho Marouf.
Marouf yêu cầu thần nhẫn:
- Hãy chuyển tất cả kim cương vàng bạc đến nhà người đàn ông này.
- Nếu ngài muốn, đó là điều ước thứ hai của ngài- Thần nhẫn đáp.
Marouf trở xuống mặt đất. Anh ta ngối cạnh người nông dân và nói:
- Anh đã đối đãi tôi rất tốt. Khi nào về nhà, anh sẽ thấy rằng tôi không cảm ơn xuông.
Người nông dân mỉm cười không hiểu, sau đó họ từ biệt nhau.
Trên đường đi, Marouf chán không muốn đi cạnh con lừa nữa mà muốn cưỡi nó, nhưng con vật bướng bỉnh không chịu và chạy biến mất. Marouf giận quá, liền ra lệnh cho thần nhẫn bắt con lừa lại cho mình.
- Xin tuân lệnh. Đây là điều ước thứ ba của ngài.- Thần nhẫn đáp.
Khi con vật được thần nhẫn bắt được, nó vẫn lồng lộn lên hất Marouf ngã xuống đất. Marouf hét lên:
- Hãy giữ nó cho ta?
- Đây là điều ước thứ tư của ngài- Thần nhẫn đáp.
Thế là Marouf lại tiếp tục cưỡi lừa đi theo hướng mặt trời mọc. Mười ngày sau, những bức tường thành nơi có Myriam hiện ra trước mắt Marouf. Anh dừng lại và suy nghĩ. Sau đó, anh rút chiếc nhẫn trong túi ra và miết vào đó. Anh ra lệnh cho thần nhẫn:
- Ta muốn có một ngàn con lác đà, một ngàn con lừa. Trên lưng chồng chất đầy vải vóc lụa là, kim cương, ngà voi, gia vị. Ta muốn có một chiếc xe kéo cùng ba trăm nô lệ và sau chiếc xe đó là ba ngàn quân lính.
Thần nhẫn đáp:
- Đây là điều ước thứ năm của ngài.
Chỉ trong nháy mắt, những thứ mà Marouf yêu cầu hiện ra ngay trước mắt.
Nhưng có một điều mà Marouf không ngờ tới, chiếc xe kéo cứ đứng ì lại, không chịu chuyển động.
- Hãy cho chiếc xe chuyển động? - Marouf cáu kỉnh.
- Đây là điều ước thứ sáu của ngài.- Thần nhẫn nói và chiếc xe bắt đầu lên đường.
Nhưng Marouf vẫn chưa hài lòng, anh ta quát lên:
- Thế còn ta, chẳng lẽ ông vẫn để ta phải cưỡi trên lưng lừa sao? Sao ông không mang đến cho ta một chiếc kiệu có bốn nhà vua khiêng ta đi và một bộ trang phục sang trọng thay cho bộ quần áo rách rưới này.
Thần nhẫn vẫn bình tĩnh đáp:
- Thưa ông chủ, có chứ. Nhưng tôi muốn thực hiện những điều ước có ích hơn.
Chiếc kiệu của Marouf được bốn nhà vua khiêng diễu qua các đường phố. Đám nô lệ chuyển toàn bộ số của cải trên chiếc xe kéo vào kho của nhà vua, đồng thời Marouf cũng không quên phân phát những món quà quí giá cho các lái buôn và các quan trong triều đình, tất nhiên những người hành khất cũng có phần.
Nhà vua hoan hỉ, các lái buôn và các quan trong triều vui mừng ra mặt, còn những người hành khất thì hết lời ca ngợi Marouf.
Duy chỉ có Myriam là tỏ ra không vui. Dù vàng bạc, lụa là châu báu chất quanh người nhưng nàng vẫn nhìn Marouf với ánh mắt buồn rười rượi.
Marouf nói với nàng:
- Ta đêm ngày ao ước được gặp nàng. Ta đã mang đến cho nàng những món quà quý giá nhất, lộng lẫy nhất mà bất kể một thiếu phụ nào cũng không thể mơ tới. Vậy cớ sao nàng không vui? Hay là ta cho gọi ba mươi cung nữ đến múa hát cho nàng xem?
Myriam vẫn trả lời buồn bã:
- Thiếp không thích.
- Vậy nàng muốn gì? Ta đã trở về vội nàng một cách đàng hoàng như một vị vua của các vị vua mà nàng vẫn không vui sao?
Myriam thở dài đáp:
- Thiếp cũng không biết nữa. Có thể thiếp muốn chàng vẫn là người thợ đóng giày như xưa.
Nghe nói vậy, Marouf bực tức, anh ta đi mời các quan trong triều ăn uống, nhậu nhẹt cho đến khi say khướt.
Marouf hát cùng bạn rượu:
“Khi nào ta chết đi
Đừng chôn ta trong cát
Vì cát quá khô cằn
Chẳng có gì để uống.
Khi nào ta chết đi
Ném ta vào thùng rượu
Ở đó thật là tuyệt
Vì cơn khát không còn”.
Nhà vua thì thầm vào tai Marouf:
- Marouf yêu quý, trên thế gian này, chẳng có người lái buôn nào giàu bằng nhà ngươi.
Marouf uống cạn chén rồi đáp:
- Ngài nói chí phải!
Nhưng lại có những bậc quân vương giàu có hơn nhà ngươi gấp vạn lần. Một lái buôn như nhà ngươi không thể so bì được với họ.
- Sao lại không! - Marouf bực bội đáp.
- Này, ta nói cho ngươi biết. Nhà vua xứ Cafre có một viên ngọc trai to bằng quả trứng ngỗng. Đã bao giờ nhà ngươi nhìn thấy viên ngọc trai to như vậy chưa?
Marouf kiêu hãnh đáp:
- Điều đó chẳng có gì đáng kể, thưa ngài.
Nói đoạn Marouf rút chiếc nhẫn ra, miết nhẹ và ra lệnh cho thần nhẫn:
- Ta muốn có viên ngọc trai to bằng quả trứng đà điểu.
Nhà vua muốn khám phá bí mật của Marouf nên càng chuốc thêm rượu Marouf.
- Chiếc nhẫn của ngươi lạ nhỉ? - Nhà vua nói – Ta có thể xem được không?
- Được chứ! - Marouf tháo luôn nhẫn đưa cho nhà vua.
Nhà vua xem xét hồi lâu rồi bất ngờ miết vào chiếc nhẫn. Vị thần nhẫn hiện lên và hỏi:
- Ngài muốn gì?
- Nhà ngươi tuân lệnh chiếc nhẫn này hay tuân lệnh Marouf? - Nhà vua hỏi.
- Tôi phục vụ cho chiếc nhẫn. Bất kể ai có chiếc nhẫn này đều là ông chủ của tôi. Chỉ có điều cần nhớ rằng tôi chỉ thực hiện được mười hai điều ước và tôi đã thực hiện được bảy điều rồi.
- Không sao. - Nhà vua nói - Ngươi hãy đem tên Marouf đáng nguyền rủa này ném ra sa mạc và để hắn chết luôn ở đó.
- Xin tuân lệnh!
Chỉ trong nháy mắt, thần nhẫn đã đưa Marouf tới sa mạc và quẳng anh ta xuống các đụn cát. Khi màn đêm buông xuống, nhìn thấy các vì sao chiếu sáng lấp lánh trên bầu trời cao thăm thẳm, Marouf lúc đó mới tỉnh ngộ, nhưng đã quá muộn. Anh ta lại khóc nức nở và nằm vật ra chờ chết.
Biết được chuyện nhà vua đã lấy chiếc nhẫn thần của chồng, Myriam vội đi đến nhà một người thợ kim hoàn khéo tay nhất trong thành để nhờ ông ta đánh cho nàng một chiếc nhẫn giống hệt như chiếc nhẫn thần. Sau đó nàng đến gặp vua cha và tâu:
- Thưa cha, Marouf đã nói dối cha. Anh ta có hai chiếc nhẫn. Anh ta đã cho con xem chiếc nhẫn thần có thể đưa người từ nơi này đến nơi khác hoặc cho ta nhiều vàng bạc châu báu.
- Thế còn chiếc nhẫn kia? - Nhà vua hét lên.
- Đó là chiếc nhẫn có hung thần chuyên thực hiện những điều xấu xa chẳng hạn như phá huỷ các thành phố, nhấn chìm các vương quốc trong lòng biển, giết chết cả người và vật...
Nghe con gái nói vậy, nhà vua đâm ra lo lắng sợ hãi: Có thể Marouf sẽ ra lệnh cho hung thần kia phá hủy toàn bộ kinh thành và giết chết nhà vua.
Ông ta run sợ hỏi con gái:
- Marouf đang giữ chiếc nhẫn đó sao?
- Không, thưa cha. Marouf đã giao nó cho con.
Vừa nói Myriam vừa rút chiếc nhẫn mà người thợ kim hoàn vừa cho nàng.
- Chà, chiếc nhẫn đẹp quá! - Nhà vua xuýt xoa - Đưa lại gần đây cho cha xem nào.
- Con sẽ đưa cho cha xem nếu cha cho con mượn chiếc nhẫn của cha.
Chiếc nhẫn với vị thần chỉ thực hiện được mười hai điều ước không còn làm cho nhà vua thích thú nữa. Ông ta liền trao cho con gái và cầm lấy chiếc nhẫn giả. Ông ta ra sức miết vào chiếc nhẫn nhưng chẳng thấy vị thần nào hiện lên cả.
Còn Myriam, cầm được chiếc nhẫn thần trên tay, nàng đã miết vào chiếc nhẫn và vị thần hiện lên.
- Thưa bà chủ, bà cần gì?
- Hãy trói cha ta lại và nhốt vào trong phòng của ta.
- Đây là điều ước thứ chín, thưa bà!
Nói rồi thần nhẫn nhanh chóng làm theo lời Myriam. Myriam lại miết vào chiếc nhẫn một lần nữa.
- Thưa bà chủ, bà cần gì?
- Đưa chồng ta trở lại đây!
Lúc thần nhẫn đến sa mạc thì Marouf đã sắp chết vì đói và khát. Thần kín đáo đưa Marouf về cung điện.
Ngày đầu tiên Marouf chỉ uống được vài giọt nước đường rồi lại ngủ li bì. Ngày thứ hai, khi anh ta tỉnh dậy đã thấy Myriam ngồi bên cạnh. Vừa xoa trán cho chồng, Myriam nhẹ nhàng nói:
- Chàng đã rút ra được bài học cho mình rồi chứ?
- Tôi mong là như vậy- Marouf thở dài đáp.
Myriam âu yếm ôm lấy chồng, Marouf nhìn vợ lo lắng hỏi:
- Nàng không còn giận ta nữa chứ?
- Không, nhưng thiếp sẽ không trả chiếc nhẫn lại cho chàng nữa.
- Nàng nói phải lắm. Nàng cứ giữ chiếc nhẫn đó lại.
- Chúng ta sẽ xử sự thế nào đối với cha thiếp? Cha thiếp đã làm hại chàng, vì vậy cha thiếp đáng bị trừng phạt.
- Nàng đừng làm như vậy- Marouf đáp - Thời gian sẽ làm cho cha nàng tỉnh ngộ.
Nhưng Myriam vẫn nói khăng khăng:
- Dẫu sao cha thiếp không thể tiếp tục làm vua được nữa.Thiếp sẽ bàn chuyện này với tể tướng và các vị quan khác.
Marouf băn khoăn hỏi:
- Vậy ai sẽ làm vua?
- Chàng sẽ làm vua. Tại sao người sửa chữa giày lại không thể làm vua được?
Marouf vừa cười vừa nói:
- Nhất là khi người đó có một người vợ khôn ngoan như nàng.
Họ cùng sống hạnh phúc bên nhau. Marouf trị vì đất nước rất công minh, chính trực và thường xuyên được Myriam giúp đỡ. Họ sinh được một hoàng tử tên là Sharif.
Một hôm Myriam cảm thấy khó ở, nàng muốn được gặp mặt chồng lần cuối cùng, nhưng các cung nữ đi tìm khắp nơi không thấy Marouf đâu cả.
Myriam sực nhớ đến chiếc nhẫn, nàng lấy chiếc nhẫn ra và miết nhẹ. Mãi lâu sau, thần nhẫn mới xuất hiện. Lúc này thần nhẫn cũng đã già nua và mệt mỏi lắm rồi.
Myriam nói:
- Thần nhẫn, ta đã cho người đi tìm Marouf nhưng không thấy, ông có biết chồng ta đâu không?
- Tôi biết - Thần nhẫn đáp.
- Hãy đưa chồng ta đến gặp ta. Đây là điều ước thứ mười hai rồi, đúng không?
- Đây mới là điều ước thứ mười một, thưa bà chủ. Khi Marouf ở bên cạnh, Myriam hỏi:
- Chàng đã đi đâu vậy?
Marouf cầm lấy tay vợ rồi nói:
- Ta đi đến nhà một người thợ đóng giày trong thành. Ông ta tên là Ali và ông ta cũng bằng tuổi ta. Thỉnh thoảng ta cũng có đến chỗ đó chơi. Ta và ông ấy trò chuyện và cùng nhau đóng giày. Một nhà vua đi sửa giày cho thiên hạ có phải là ngốc nghếch không?
- Marouf, không hề. Thiếp trao lại cho chàng chiếc nhẫn. Chàng sẽ trở nên thông thái.
Myriam đưa chiếc nhẫn cho chồng, xiết chặt tay chồng rồi nàng tắt thở.
Từ đó, Marouf sống một mình.
Năm tháng trôi đi và một ngày khi Marouf vừa tỉnh ngủ thì thấy một con quỷ đứng ở cửa ra vào.
Marouf thì thầm:
- Lạy thánh Allah, nếu ngươi là ma quỷ thì hãy ra khỏi nơi đây!
- Marouf, ông sợ gì chứ. Tôi là Guenon vợ của ông đây!
Marouf dụi mắt để nhìn cho rõ rồi nói:
- Bà làm gì ở đây?
- Ba mươi năm nay tôi đi tìm ông ở khắp mọi nơi: ở thành Damas, Bagdad, Samar Kand rời trong thung lũng của những loài kiến, thung lũng của những loài rắn và cả xứ sở bóng tối nữa nhưng chẳng thấy ông đâu. Đến bây giờ, tôi cũng đã tìm được ông rồi.
- Tại sao bà lại tìm tôi? - Marouf hỏi với giọng nhẹ nhàng.
- Để trả thù. - Guenon đay nghiến.
- Bà trả thù như thế nào?
- Tôi sẽ ở bên ông đến hết đời.
Thế là mụ Guenon ở lại cùng Marouf. Mụ ta chửi rủa Marouf suốt ngày suốt đêm. Mụ ta luôn mồm nói xấu chồng. Không những thế mụ còn vác chổi đánh chồng túi bụi.
Cho đến một hôm, không thể chịu đựng được hơn nữa, đợi mụ Guenon ngủ say, Marouf rút chiếc nhẫn thần ra rồi miết vào đó.
Vị thần nhẫn già nua hiện lên và hỏi:
- Thưa ông chủ, ông cần gì? Đây là điều ước thứ mười hai và cũng là điều ước cuối cùng, thưa ông.
- Ta biết.
- Ông hãy ước một điều gì đó quí giá và hữu ích bởi đây là lần cuối cùng điều ước của ông trở thành hiện thực.
- Được
- Ông sẽ ước có một cung điện bằng kim cương trên một dãy núi bằng bạc chứ? - Vị thần hỏi.
- Không ta không ước điều đó.
- Hay là ông ước có một vườn cây cho quả bằng vàng?
- Không.
- Phải chăng ông muốn cai trị thế giới này?
- Càng không.
- Tuổi xuân vĩnh hằng?
- Cũng không. Ta muốn mãi mãi là mình.
- Vậy ông cần gì? - Thần nhẫn băn khoăn không hiểu.
Marouf nhắm mắt trong giây lát để cân nhắc, sau đó nói với thần nhẫn:
- Hãy đưa mụ Guenon đi thật xa nơi này!
Thần nhẫn nhấc người đàn bà lên nhưng thần đã quá già yếu nên không thể bay lên được. Thần đành đặt mụ ta lên lưng một con lừa và dắt lừa đi. Vượt qua bao nhiêu núi rừng trùng điệp, cuối cùng thần nhẫn đã đưa được mụ Guenon về tới thành Cairo của Ai Cập. Đây là nhiệm vụ cuối cùng nhưng là nhiệm nặng nề nhất đối với thần nhẫn.
Marouf cảm tạ thần nhẫn:
- Xin cảm tạ thần!
Marouf chưa dứt lời thì chiếc nhẫn trong lòng bàn tay của ông đã tan thành lớp bụi mỏng.
Sharif thay cha lên làm vua. Còn Marouf thường xuyên đến thăm Ali, người bạn đóng giày trong thành và kể cho Ali nghe những câu chuyện về Myriam. Họ vui vẻ làm việc cùng nhau và ca hát:
Khi ta chết hãy đừng chôn ta
Dưới mộ sâu của nghĩa trang vắng lạnh
Bởi nơi đó quá ư trịnh trọng
So với ta, một kẻ bình thường
Nếu ta chết xin hãy rủ lòng thương
Chôn thân ta trên đồi, dưới lòng cây bụi
Để đêm đêm ta được nghe hát mãi
Tiếng hoạ mi ca ngợi tình yêu.
Truyện Cổ Ả Rập Truyện Cổ Ả Rập - Contest Dorient Truyện Cổ Ả Rập