We are too civil to books. For a few golden sentences we will turn over and actually read a volume of four or five hundred pages.

Ralph Waldo Emerson

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4448 / 177
Cập nhật: 2023-03-26 23:08:09 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
P3 - C -
í lấy vợ sau cải cách ruộng đất. Anh đội ghép Tí lấy một cô cốt cán xã bên cạnh. Ai cũng bảo hai người đẹp đôi. Đi đâu Tí cũng khoe:
- Vợ tôi là cán bộ phụ nữ.
Khoe là khoe ngoài miệng thôi, chứ thực trong bụng, Tí rất bực bội. Có gì đâu, sở dĩ bực, vì vợ Tí người gầy khô. Theo quan niệm của Tí, người đàn bà được coi là đẹp, trước tiên người ấy phải béo. Quan niệm thẩm mỹ ấy làm Tí nhiều khi cảm thấy mình như bị mất mát một cái gì đấy. Tuy Tí đã lấy vợ hơn chục năm rồi, mà anh vẫn mê mệt cái thân xác phây phây của cô bạn du kích thời kháng Pháp. Kỷ niệm về cái đêm trăng xưa, khi hát trống quân, cô gái ấy ngửa mặt lên trời mà hát, luôn ám ảnh lởn vởn trong tâm trí Tí. Anh thường nhìn mẹ Phốp và ao ước, tiếc rẻ: "Chính mụ ấy mới hợp mình. Đàn bà đôi vú thây lẩy thế kia mới đáng gọi là đàn bà."
Mỗi lần gặp Phốp, Tí giò lại hau háu nhìn mụ như muốn ăn sống nuốt tươi. Về phần Phốp, chị ta cũng thích Tí ra mặt. Mặc dù lấy chồng đã được ba con, nhưng hễ gặp Tí là mắt mụ lại lẳng lơ lúng liếng.
Trước kia, tuy thích nhưng vẫn sợ; từ ngày được ông chú giảng giải về cái thế của anh, Tí hết sợ. Mấy hôm sau, một đêm đi họp, Tí sấn sổ nắm lấy tay mẹ Phốp... Tuy có du đẩy thẹn thò, nhưng cử chỉ, dáng điệu ấy chỉ là mẽ ngoài, còn trong bụng Phốp cảm thấy như việc dĩ nhiên, mà có lẽ việc ấy còn xẩy ra quá chậm thì phải. Đáng lý, họ đã phải kết hợp với nhau từ lâu.
Rơm tình bén lửa đùng đùng. Chỉ trong một tháng họ đã kiếm cơ hội ăn ở với nhau ba lần. Nhưng càng gặp nhau, họ càng không thấy thỏa, và càng cảm thấy thèm khát nhau hơn.
Một đêm, Tí ra thăm trại lợn, nơi Phốp làm đội phó. Họ đã nhấm nháy nhau từ trước. Đêm đó, chỉ có mình Phốp trực. Trăng sáng nhễ nhại. Tí đè ngửa ngay Phốp ra ở đống rơm góc sân.
- Đừng...đừng...
- Sao lại đừng? Trông thấy đằng ấy là tớ thèm ngay.
- Khéo chả...
- Sợ cái gì?
- Ái, áo... sợ ông trăng. Phốp cười rúc rích, rồi giằng tay Tí đứng dậy. Mẹ Phốp ngực để trần chạy quanh đống rơm. Mớ tóc đen của người đàn bà tung đằng sau tấm lưng trắng ngát. Trăng loang loáng ẩn hiện trên đôi vú nhún nhẩy. Trông Phốp như một nữ thần linh khổng lồ phì nhiêu, đa tình đang bay nhảy với đôi cánh vẫy gọi... cuối cùng họ lại ôm lấy nhau, ngã xuống đống rơm.
- Đừng, đừng...
- Tớ đếch sợ ai cả.
- Nhưng em sợ.. con lợn đực - Phốp lại cười rúc rích.
Nghe Phốp nói, Tí quay lại phía sau lưng. Mắt anh chợt nhìn thấy con lợn đực đại bạch trên ba tạ đang chồm chân lên cửa chuồng, và nhìn cái thân hình trắng nhễ nhại của Phốp bằng con mắt hau háu. Tí càng thấy khoái trá, hắn cười càng to, cười vang.
- Nó thấy em trắng phau, có tưởng em là con nái đại bạch.
Phốp đấm lưng Tí đùm đụp. Còn Tí thì giơ nắm đấm dọa đùa con đại bạch:
- Có quay mặt đi không? Coi chừng ông giả giò....
Mẹ Phốp lại càng cười hi hí. Đôi vú thây lẩy của mụ cũng rung theo một cách đa tình.
Tí bỗng cảm thấy như đã từ xưa lắm rồi, rất xa xưa, Tí vẫn thèm một cảnh như thế này. Và cảnh ấy đã xảy ra còn thú vị hơn cả anh mong muốn.
Trăng sáng... Tí làm tình với Phốp... Giữa trời... giữa trăng... Đêm tĩnh mịch và gió hây hây... Thật là thỏa! Thật là thỏa!... Tí hòa tiếng cười cùng với Phốp. Mẹ Phốp trắng hếu... tênh hênh. Tí cưỡi lên bụng mụ ta, hai tay nắm lấy đôi vú...
Cả một đêm dày quá khứ, bị kìm hãm, bị dồn nén đã bao năm bao tháng, nay phút chốc vụt thức giấc, bỗng bung ra. Thoáng một ý nghĩ bỗng nảy ra trong đầu óc người nông dân cường tráng ấy:
"Có lẽ đã từ ngàn năm rồi... chưa phút nào ta được sống như hôm nay... Ha ha, ta muốn bay... "
Hắn ngửa cổ nhìn đám mây bông trên trời, nhìn ánh trăng bạc đang tưới sửa lên mình Phốp, lên ngực Phốp. Tí như muốn húp cả ánh trăng loang loáng chảy trên đôi vú.
Tí bỗng cao hứng hai tay kéo dài đôi vú. Một cảm giác như đang bay trên con ngựa thời gian. Từ đáy thẳm tăm tối, trong phủ tạng của hắn bỗng vang lên một âm điệu nhịp nhàng. Phải chăng tiếng chày khua vào sâu thăm thẳm không gian.
Mẹ Phốp rú lên từng đợt cười hoang.
Và tất cả như một lời thơ.
Nhịp nhàng, nhịp nhàng...
Hỗn độn hối hả
Hào hùng tưng bừng
Hồng hồng đỏ đỏ
...............
Đầy kho thuốc nổ
Đen ngòm chói lòa
...............
Nhịp nhàng, nhịp nhàng...
Vút cao vời vợi
Ta là chúa tể...
Ta là bao la...
...............
Đang lúc Tí đang cao hứng đến tột đỉnh như vậy, đột nhiên vang lên tiếng thét:
- Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!
Rồi đùng đùng, đoàng đoàng. Ba phát súng nổ, hay nhiều phát súng nổ, Tí cũng chẳng kịp nhận ra nữa. Rất nhiều tiếng chân người chạy ập tới.
Tí cuống quít, Phốp cũng cuống quít. Cô ta kêu lên:
- Hơ... Cái quần tôi đâu?... Cái áo tôi đâu?... Chúng bay trốn lũi ở đâu?...
Tất cả đội du kích và đội chăn nuôi đều có mặt. Các cô gái trẻ nhìn quang cảnh cười khúc khích... Còn Phốp đang cố lấy rơm phủ lên người, rồi van lạy:
- Các anh các chị... Hãy cho tôi xin quần áo đã.
Mớ tóc đen óng của Phốp lúc này rối bù thảm hại.
Thì ra, đôi trai gái đã bị rơi vào cái bẫy trả thù của dòng họ Phạm. Người ta bố trí hiện trường, người ta đã bò vào lấy cắp quần áo của Tí - Phốp, trước khi hô bắt.
Người ta không cho Tí mặc quần áo, họ làm biên bản, rồi đi mờ bí thư đảng ủy tới.
Cuộc đời chính trị của Tí như ngôi sao băng: Lóe sáng lên rất nhanh, và phụt tắt đi cũng rất nhanh. Sau chuyện xảy ra ở trại lợn, người ta tước mọi quyền hành của Tí, để anh ta trở lại đời sống dân thường.
Tuy vậy, mọi người chung quanh vẫn sợ anh ta, chí ít không sợ thì cũng vẫn phải kiêng nể. Sao vậy? Người ta thì thào với nhau:
- Đừng động đến hắn. Hắn đổ rồi nhưng cánh họ Nguyễn vẫn còn mạnh. Vả lại, hắn không làm công an xã nữa, nhưng bên trên vẫn tin cậy hắn. Nghe nói hắn vẫn làm "cá chìm".
Thế nghĩa là Tí đã mất đi cái quyền lực công khai, nhưng vẫn còn cái quyền lực ẩn ngầm. Cũng có thể Tí chẳng còn là cá chìm, cá nổi gì nữa, nhưng vì trước kia lưỡi dai của Tí đã quá sắc ngọt, nên khi lưỡi dao ấy đã gẫy rồi, người ta vẫn còn sợ bóng cái ánh hào quang quá khứ của nó. Thậm chí dạo này Tí rất bừa, có thể nói bê tha. Anh ta lại đi mổ lợn như thời hàn vi; và khi đi làm về, Tí lại vẫn mua cút rượu rồi nghêu ngao hát điệu trống quân:
Có phúc thì lấy đồ tể làm chồng
.........
Thình - Thùng - Thình
Người quê tôi cũng sợ nốt cái trò bê tha ấy của Tí. Lại có tiếng thầm thì vào tai nhau:
- Hắn giả vờ đấy. Người ta thường giả vờ bê tha rượu chè để đánh lừa dư luận. Có tâm sự gì chớ có thổ lộ ra với hắn.
Khi Mỹ ném bom, người ta đem những tử tù về bắn ở ven đê, cạnh rặng phi lao làng tôi. Ông đại úy công an ở bộ về gặp ông chủ tịch xã:
- Đề nghị các đồng chí giới thiệu cho một người lý lịch đáng tin cậy để phục vụ trường bắn.
Dĩ nhiên, ông chủ tịch tiến cử Tí giò. Ông công an gặp Tí liền nói:
- Xin lỗi, tôi nói thật, đồng chí tuy đã là công an xã, nhưng công việc này đòi hỏi phải là một người... không sợ máu me.
Tí giò cười ồ:
- Tôi đã quen với máu me từ hồi còn bé.
- Vậy thì tốt quá. Nhưng cũng xin nhắc lại công việc của đồng chí là phải trói tù vào cột. Phải trói cho chặt, kẻo lỡ ra khi bắn tử tù hăng lên giật trói, chạy vung lên thì rầy rà.
- Việc đó đồng chí khỏi lo. Đồng chí chắc chưa biết, chỉ riêng công việc trói đó, lúc học nghề, tôi đã phải tập luyện đúng một năm trời. Nhân tiện, tôi cũng xin đề nghị cho tôi được phép một điều: hãy cho quyền tôi được trói bằng một thứ lạt riêng, chứ không trói bằng thừng.
- Trói bằng lạt?
- Vâng bằng lạt ạ. Xin chớ ngại. Đó là thứ lạt đặc biệt, bằng tre tươi chẻ lột, chỉ lấy phần cật thôi, sau đó đem nướng lửa hoặc luộc bằng nước muối.
- A ha! Độc đáo thật.
Từ đó, hễ buổi tối nào thấy Tí giò say và hát điệu trống quân thình - thùng - thình của hắn, dân làng biết là ngay hôm sau có vụ xử bắn ở ven đê; bởi vì Tí có thói quen uống rượu đêm hôm trước khi thừa hành việc pháp trường. Những đêm ấy, thường bọn thanh niên hay lân la đến hỏi:
- Bác Tí ơi, mai họ bắn đám nào?
- À... bắn cái thằng cán bộ mê gái bỏ thuốc độc giết vợ.
Hoặc:
- Bắn thằng giám đốc kho A. Đã tham ô hàng triệu bạc thuốc quí để phục vụ chiến trường, sau đó lại đốt kho phi tang.
Hoặc:
- Bắn thằng phó chủ tịch xã H lợi dụng chức quyền hà hiếp dân, đã giết một học sinh sau đó còn khoét mắt cậu bé.
Từ ngày Tí giò phục vụ pháp trường, lại có thêm bao nhiêu chuyện huyền hoặc trùm lên con người anh ta. Bà hàng xóm kể chuyện:
- Nhiều đêm, tôi nhìn qua hàng rào, thấy bác Tí đứng hoa tay múa chân giữa sân, nói chuyện với những hồn ma đã bị xử tử. Có hôm, vào lúc quá nửa đêm, tôi đang nằm bỗng dựng tóc gáy lên vì nghe rõ mồn một tiếng người con gái van xin: "Con cắn cỏ con lạy bác. Xin bác đừng trói chặt hai tay con." Bác Tí nói cáu kỉnh: "Mặc mày! Nghề của tao là nghề trói buộc. Mà đã trói thì phải trói chặt." Con ma đàn bà vẫn nức nở: "Cháu van bác. Hãy nới tay cho cháu một chút. Xin bác cởi trói cho cháu một phút. Một phút thôi. Để cháu ôm con, cho nó bú một miếng." Bác Tí lúc này có vẻ mủi lòng một chút xíu: "Mà tao cũng phải lạy mày thôi. Phải hiểu cho tao chứ. Tao có quyền gì. Chỉ là con xe, con pháo. Người ta chỉ đâu đánh đấy. Nếu tao cởi trói cho mày, tao cũng chết theo." Tiếp đó, chắc có quan trên đi tuần, nên lại nghe thấy tiếng cộc cằn nạt nộ: "Mặc xác! Không bú mớm gì hết. Đã trói là không có cởi." Con ma đàn bà hu hu khóc. Tiếng khóc nghe rởn tóc gáy.
Bà hàng xóm còn kể nhiều chuyện kỳ lạ khác về Tí giò. Bà này khéo kể, nên chuyện nào cũng sinh động nghe cứ như thật. Dần dần, đi tới chỗ những người trước kia chỉ nể Tí, nay đã chuyển sang thành sợ hãi Tí. Và cuối cùng ai cũng sợ Tí giò. Cứ trông thấy bóng Tí ở xa, lũ trẻ con đều lảng hết. Cả người lớn cũng muốn tránh xa anh. Chẳng còn ai dám trêu Tí như xưa nữa. Người ta dọa trẻ con bằng câu nói: "Mày khóc to, tao đem ngay đến nhà ông Tí giò." Ông chủ tịch dọa bọn lưu manh trong xã: "Các anh liệu hồn đấy! Kẻo rồi lại được nếm cái mùi lạt tre của bác Tí giò."
Trư Cuồng Trư Cuồng - Nguyễn Xuân Khánh Trư Cuồng