Những trận chiến lớn nhất chính là những trận chiến trong tâm trí chúng ta.

Jameson Frank

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4448 / 177
Cập nhật: 2023-03-26 23:08:09 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
P1 - D -
gày... tháng...
Con lợn Bò-vét-đĩa của tôi hình như cũng biết triết lý sống của ông chủ lò. Nó ăn rất điên. Nó ăn say sưa như một nghệ sĩ. Có nghĩa là từ lúc tôi đổ thức ăn vào máng con Bò đã xông ngay vào và say sưa "Cắt tiết cuộc đời". Nó ăn không ngừng, không thở, ăn một mạch bất chấp có gì xảy ra xung quanh. Lũ ỉn tấn công, dúi, cắn, hất. Mặc, nó cứ ăn. Nó ăn liên tục gần nửa tiếng như vậy; và sau khi đã vét đĩa sạch sành sanh, nó lặng lẽ liếm mép, đủng đỉnh vào chỗ nằm. Và chỉ vài phút sau nó đã ngáy o o. Thậm chí, khi lũ ỉn cưỡi lên lưng nó, con Bò cũng vẫn ngủ. Con lợn Bò của tôi cũng ngủ theo kiểu "cắt tiết cuộc đời"?
Ngày... tháng...
Tôi sang nhà Lân, thấy anh ta mặt đen thui, bực bội đứng trước cái lều chế biến thức ăn. Từ căn lều bốc lên một con rắn khói đen sì ngoằn ngoèo múa lượn. Lân bứt rứt đi lại. Hình như anh đang bị khích nộ. Cái đầu to đen của anh lắc lư trên cái thân gầy đét. Tôi im lặng chờ đợi Lân nói. Lân thỉnh thoảng lại mắc một trận khích nộ như vậy, một trận khích nộ khùng khùng dại dại. Kìa, Lân đã sáng mắt lên. Đôi mắt long lanh trên khuôn mặt đen sạm hình như có lửa nung:
- Tôi khinh bỉ con lợn Bò của anh. Đúng! Nó là đồ vét đĩa.
- Hôm nọ, anh khen nó lắm cơ mà? - Tôi điềm đạm.
- Hôm nọ tôi khen, còn hôm nay tôi khinh. Bởi vì... bởi vì nó không xứng đáng.
- Xứng đáng?
Lân giang tay ra giải thích:
- Tôi thích nó mạnh mẽ... Thích nó cứng rắn... Thích nó chiến đấu.
- A à...
Tôi lặng lẽ nhìn người bạn của tôi đang lên cơn "sặc mùi thuốc súng". Mắt Lân sáng chừng kia. Tay Lân hoa lên như thế kia. Cái đầu anh lắc lư. Môi anh run lên bần bật. Lắp bắp... có lẽ bộ óc kích động của anh đang đi tìm chữ... có lẽ nó đang đi tìm những chữ nào mạnh mẽ và cuồng nộ nhất, báng bổ nhất, nổ bùng nhất, để làm tan dần, hả dần những âm vang cay đắng còn dư đọng từ những ngày chiến trận. Lân cần một người nghe, một người biết chịu đựng những bầu tâm sự, biết để cho những kho thuốc súng trong tâm hồn anh được bung ra một cách tự nhiên không cản trở. Tôi nhẫn lắng nghe, với ước mong dần dần đầu óc bạn tôi trở về mát mẻ. Tôi hút thuốc lá, thở khói im lặng, chăm chú nghe Lân nói.
- Con lợn Bò của anh là cái... thứ gì nhỉ? Đôi mắt lấm lét... A, cái giống hèn mạt... Quen cái thói nô lệ rồi... Cam chịu... Cam chịu... Thế mà còn tự ru ngủ mình... rồi tự đế mình... tự khen mình nữa... rồi lập lờ... lộn ngược giá trị... tôn vinh cho sự ti tiện...
Lân ơi! Tôi biết nói với anh sao đây? Một người điên, hay một kẻ thất vọng? Hay một kẻ mộng du đi trong một cõi người điên đảo? Hay một người cố chấp ương bướng? Anh phóng chiếu lòng anh vào đàn lợn. Những gì anh không thấy ở đời thì anh đi tìm nó ở đàn lợn, ở một sinh vật hạ đẳng hơn. Những con vật được anh nhân hóa; anh tạo cho chúng một hồn người... Lân ơi! Tao biết khóc hay cười cùng mày đây? Mày muốn tao trả lời những tra vấn của mày ư? Cặn kẽ ư? Tôi bối rối. Nhưng dù sao, tôi cũng kéo anh ngồi xuống bên tôi, rồi đưa thuốc lá cho anh hút. Lân chăm chú nhìn tôi và hít những hơi dài, nhả khói ra liên tục. Tôi khẽ khàng gật đầu:
- Anh nói đúng.
- Thế chứ!
Lân vội vã nắm lấy tay tôi bóp mạnh. Hỉ hả, vui sướng như một đứa trẻ thơ. Tôi thấy điếu thuốc lá trên tay anh run lên.
Rồi bỗng nhiên, anh đứng dậy, cầm tay tôi kéo ra chuồng lợn, dáng vẻ hân hoan:
- Anh phải ra đây. Ra đây mới hiểu hết lời tôi nói.
Anh dừng lại giải thích cố cho tôi hiểu mạch lạc:
- Tôi mới mua được con lợn chiến sĩ. Anh hiểu chưa?
- Sao?
- Chiến sĩ! Tôi đặt tên cho nó là Chiến sĩ bởi vì... Bởi vì nó có thái độ rất liêm sỉ. Anh hiểu chưa?
Thì nào tôi đã hiểu gì đâu, nhưng vì thấy Lân rất ân cần tôi hiểu nên tôi cứ gật đầu bừa. Lân vẫn nói:
- Liêm sỉ, nghĩa là nó biết sống.
Đến lúc này, Lân mới chỉ vào chiếc bao tải dứa nằm dưới gốc cây bưởi. Và anh bùi ngùi:
- Nó đấy! Con Chiến sĩ của tôi đấy.
Tôi ngơ ngác vẫn chưa hiểu hết chuyện. Còn Lân, anh nghiêm trang mở chiếc tải đắp, để lộ ra một chú lợn con đã chết. Đó là một chú lợn Móng Cái, lưng choàng một vệt loang đen hình yên ngựa, trán đốm một vệt lang trắng hình ngôi sao.
Và Lân đã cảm động kể với tôi về tiểu sử ngắn ngủi của chú lợn con:
Lân mua con Chiến sĩ về mới hơn một ngày. Anh mua nó hai trăm đồng, tiền trích ra từ số lãi của con Tên lửa. Chú lợn Móng Cái nhỏ con nhưng hay ăn và rất bướng. Lân không có thói quen nhốt riêng lợn khi mới mua về. Vừa từ trại giống về đến nhà, anh đã thả ngay con chiến sĩ vào chuồng.
Con Chiến sĩ vừa mới chân ướt chân ráo từ lồng chui ra, đã xông ngay vào máng ăn, để tranh ăn với con Thần sấm. Thần sấm là một chú lợn tây khoảng 95% máu ngoại. Hầu như chả thấy dấu hiệu nào của máu ỉn trên người chú. Một con lợn trắng toát, tai to, chân cao, bụng ngựa... Trông nó giống như một con béc giê. Nó rất hiền nhưng khá ích kỷ. Nó chuyên ăn riêng, một mình một máng. Nếu không con nào đụng đến máng của nó thì Thần sấm rất hiền lành, không gây gổ, ăn xong đủng đỉnh vào ngay chỗ ngủ. Nhưng nếu con lợn khác động đến máng ăn của Thần sấm là không xong với nó. Nó khỏe nhất, lớn nhất trong đàn lợn hiện nay. Thường dễ nó đã tới bốn chục cân.
Thế mà con Chiến sĩ, chú lợn ranh con lại dám xông vào máng của nó. Thần sấm nổi giận ra oai ngay. Nó chồm lại định cắn vào tai Chiến sĩ. Chiến sĩ rất nhanh; thoắt cái đã lẩn được ra phía sau, và cắn vào đuôi con Thần sấm. Nó vừa cắn vừa lôi đến nỗi con Thần sấm phải kêu rống lên. Và Thần sấm đành chịu để cho Chiến sĩ ăn vào máng của mình. Đó là câu chuyện bữa ăn hôm qua.
Sáng nay, lúc đến giờ ăn, Chiến sĩ lại quen mùi xông thẳng vào máng Thần sấm. Hôm nay, Thần sấm mưu mẹo hơn; nó giả vờ cúi đầu xuống, cùng tranh ăn. Nhưng, bất thình lình, nó ngẩng lên và cắn vào tai Chiến sĩ. Nó nhai, nó rứt đến lúc tai con lợn nhỏ bị rỉ máu ra mới thôi.
Trừng trị xong, Thần sấm tưởng con Chiến sĩ sợ hãi, sẽ bỏ đi ăn máng khác. Nào ngờ, Chiến sĩ đã không sợ, mà trái lại còn hung hãn hơn trước. Nó không cần ăn nữa, và tuyên chiến ngay với Thần sấm. Nó nhanh như chớp, định cắn đuôi Thần sấm như hôm qua. Nhưng hôm nay, Thần sấm đã biết chỗ yếu của mình; nó bám sát không để cho Chiến sĩ lẻn ra sau đánh tập hậu.
Hai con lợn một bé, một lớn loạn đả inh ỏi, đến nỗi cả đàn lợn của Lân phải dạt hết ra chung quanh, chúng không dám ăn và nhìn hai con lợn tham chiến. Lân không có thói quen can lợn đánh nhau. Kinh nghiệm của anh là cứ để mặc cho lợn đánh nhau, và như thế lợn sẽ nhanh chóng làm quen với nhau hơn.
Cuộc chiến diễn ra gần nửa tiếng. Chiến sĩ tuy bé nhưng nhanh nhẹn. Thần sấm tuy to khỏe nhưng vụng về. Vì vậy cuộc chiến không phải là không cân sức, cả đôi bên đều bị thương sây sát đầy mình. Chiến sĩ đã hoàn toàn thắng lợi. Cuối cùng, Thần sấm không dám đánh nhau nữa, nó đủng đỉnh quay về chỗ nằm. Còn Chiến sĩ cũng tộp tộp ăn vài miếng cho oai, nhưng có lẽ đau quá ăn không nổi, nên nó cũng đủng đỉnh quay về chỗ của mình.
Lân khoan khoái vào nhà hút thuốc vặt, anh yên trí rằng con lợn nhỏ của anh đã qua được cuộc chiến nhập môn và nó đã được chấp nhận vào đàn.
Nhưng thương thay! Vì chiến đấu quá sức Chiến sĩ đã bị ngất xỉu đi. Lúc Lân biết thì chú lợn con chỉ còn thoi thóp. Lân mang con vật ra gốc cây tiêm cho nó, bơm cháo cho nó. Không kịp nữa rồi! Mặc dù Lân tận tình cứu chửa, nhưng Chiến sĩ đã hy sinh. Lân vuốt mắt cho nó, đắp cho nó chiếc tải...
Lân bùi ngùi cầm tay tôi:
- Anh giúp tôi một tay nhé.
- Làm gì?
- Đào một cái huyệt để chôn con Chiến sĩ.
- Chôn?
- Vâng. Đem chôn. Vợ tôi muốn giết thịt, nhưng tôi không bằng lòng.
Anh ngừng một lát rồi nói thêm:
- Tôi là người lính. Anh hiểu không?... Ă thịt một con vật như thế, tôi nuốt sao trôi.
Tôi lặng lẽ cùng Lân đào một cái hố sâu. Lân đã chôn con vật như chôn một đồng đội. Tôi nhìn anh đứng lặng bên nấm mồ lợn... Những câu hỏi chợt thì thầm trong óc tôi: ở thời buổi này, đem chôn xuống đất mười cân đạm, đó là hành động của một kẻ điên hay của một con người rất người?... Hay của một con người đóng kịch đại tài?... Cả khi điên, cả trong giấc mơ, con người vẫn đóng kịch hay sao? Trong đời thường ta sắm vai anh hùng và vai trò ấy đeo đuổi ta cả đến khi ta khùng khùng dại dại? Cảnh đám ma lợn ấy là bi hay là hài, hay là một cảnh bi hài mà ta chẳng nhận ra? Hay là tình cảnh riêng đã làm con mắt tôi trở nên độc ác? Đêm ngủ, vắt tay lên trán tôi cố nhớ lại cảnh đám ma lợn, cố nhớ lại những nét hài hước của nó để tự chế diễu thói đa cảm của mình và của bạn. Nhưng không hiểu sao lại chỉ thấy một tác động trở ngược; tôi chợt thấy thương mình và cả thương Lân nữa. Thế hệ chúng tôi là thế hệ những người anh hùng và cả những người sắm vai anh hùng. Cái chất men Prômêtê ấy thấm vào từng tế bào trong cơ thể, bừng bừng ở những khung cảnh vĩ mô, ngột ngạt sặc sụa ở những khung cảnh vi mô, đến nỗi chúng tôi không phân biệt nổi khi nào ta thực, khi nào ta giả. Chúng tôi lên đồng đến nỗi không nhìn ra được cái ngô nghê thảm hại khi mình rởm ấy. Chúng tôi đã đánh mất cái giản dị tinh tế của đời thường, nhưng có lúc chợt u ơ run rẩy khi đi trên con đường thánh của mình. U ơ bởi vì lắm lúc ngẩn ngơ thấy trong mình thiếu vắng một cái gì rất cơ bản mà mình không xác định nổi; run rẩy vì chợt có lúc thoáng thấy nỗi sợ hãi của phi nhân...
Ngày... tháng...
Lại thiếu gạo. Lại hốt hoảng chạy vạy. Và vợ tôi lại lái lại một điệp khúc thường diễn:
- Anh đi vay vài chục. Em mua yến sắn cho con.
Lại eo óc, gắt gỏng cấu xéc càu nhàu. Lại bực bội vì tiền vì miếng cơm. Lại tính toán ti tiện. Cái tế nhị âu yếm thời xưa, vợ chồng tôi đánh mất lúc nào chẳng hay. Thậm chí có lúc vì một sự vui hiếm nào đó, tôi muốn đùa vui âu yếm với vợ con một chút, thì lại bị cô ấy chê ngay là giả dối. Chập tối, tôi cầm chiếc ghi ta của thằng con, và bắt chước nó, đánh rải một hợp âm và hát một câu tình ca của Pháp:
... Xa em rồi, tim tôi sầu úa...
Vừa hát, tôi vừa mỉm cười bâng quơ. Lập tức, vợ tôi dội ngay một gáo nước lạnh:
- Thôi! Tôi xin. Ông đừng đóng kịch.
Tôi vứt cây đàn xuống giường, rồi bực bội:
- Toàn là gây sự!
- Ai gây sự?
- Thật là ô nhiễm!
"Ô nhiễm!!!". Tôi muốn hét to lên hai chữ ấy, nhưng họng tôi khô khốc. Tôi nghẹn lại, tắc lại. Tiếng nói của tôi biến mất.
Ngày... tháng...
Tám cho tôi xem một mục trong Bách Khoa Lợn.
RAU
Rau rất cần thiết cho sự phát triển cơ thể lợn. Trong rau có rất nhiều vitamin, chất khoáng, và một lượng nhỏ đạm, đường, chất béo.
Điều thú vị là một số nhà bác học phát hiện cho ta biết rằng: Muốn lợn tăng trưởng nhanh thì ta cần cho lợn ăn nhiều đạm; còn đối với lợn nái, muốn cho đẻ tốt thì cần phải cho ăn nhiều rau.
Vậy có thể nói: Đạm phát triển cá nhân con lợn, còn rau phát triển nòi giống lợn cho đông đàn dài lũ.
Điều phát hiện trên thấy đúng với cả loài người. Nền văn minh phương tây, nếu đứng về góc độ thức ăn mà nói, là nền văn minh đạm; nó chú trọng vào sự phát triển cá nhân. Người phương tây chăm chỉ ăn đạm nên vóc dáng càng ngày càng to, và càng thưa đẻ. Nền văn minh phương đông là nền văn minh rau. Người Ấn độ, Trung hoa, Việt nam ăn rau nhiều nên vóc dáng nhỏ và ngày càng đẻ khỏe. Trong văn minh rau, loài phát triển mạnh và cá nhân chỉ là những bóng mờ.
Chủ nghĩa thực dân là sự chiến thắng của Văn minh Đạm đối với Văn minh Rau.
Rau là biểu tượng của sự đói khổ đi đến cuồng dại. Rau là biểu tượng của sức sống bản năng, của phần tăm tối nhưng đẹp đẽ trong con người. Đạm là biểu tượng của sự giàu sang đi đến phè phỡn. Đạm là biểu tượng của sức sống lý trí kiêu căng, và khôn ngoan đến ngu ngốc.
Thiếu đạm thừa rau, và thừa đạm chê rau là hai đối cực dẫn loài người đến khủng hoảng hủy diệt. Chao ôi! Rau thì điên cuồng nổi loạn, còn đạm thì kệch cỡm, cứ tưởng mình toàn năng. Sẽ có lúc rau và đạm sẽ làm rối bời trái đất và con người trong cuộc quyết chiến Rau-Đạm này đang gào thét kéo nhau vào hố thẳm.
Hỡi những kẻ ăn đạm, đừng khinh miệt sức mạnh của rau. Và hỡi những kẻ ăn rau, đừng tưởng rau mang phép thần kỳ. Rau cũng mang trong nó những ngòi độc mà ta không lường nổi.
Hơn nữa, những ai chiến thắng, chiếm được đạm thì lập tức họ cũng thuộc ngay về đạm, vì đạm sẽ tiêm truyền cho họ cái máu chuếnh choáng của sự kiêu sa ngu ngốc.
Tôi không muốn như con lợn tây, suốt ngày gào rú chỉ đòi ăn đạm.Và tôi cũng chẳng muốn giống loài lợn ỉ, những con lợn mặt nhăn cổ đại, với chiếc bụng to đùng như trống nhưng mổ ra chỉ thấy rau bèo.
Đêm khuya. Tôi đọc xong trang giấy và nằm dài im lặng. Tôi, một con vật người nhai rau đang nghĩ suy về đạm. Ở bên kia vách, con lợn Bò của tôi cũng đang tóp tép nhai rau. Lợn ơi! Mày có nghĩ ngợi gì khi mày cắn một cọng rau, một lá bèo trong miệng? Không biết, vào giờ này, có con người đạm nào còn thức và đang trằn trọc như ta không?
Ngày... tháng...
Lân đánh giá con lợn Bò của tôi đã lớn gấp rưởi con lợn ỉn. Về mặt kinh tế, Lân khen tôi đã thắng lợi. Nhưng về mặt tinh thần, anh cho là tôi đã thất bại, bởi vì. tôi đã mang thân đi hầu hạ một con lợn vô liêm sĩ, một con lợn to thân xác nhưng lại sợ những con
vật bé nhỏ hơn mình, thậm chí còn lấm lét, khúm núm với chúng.
Lân đứng bên chuồng lợn, và nói giọng điên điên khùng khùng, anh động viên con lợn Bò:
- Nào! Tiến lên! Đừng sợ hãi! … Hãy vứt bỏ cái thói vô liêm sĩ… Hãy chống lại thói quen hèn hạ …Nào! Hãy cắn … Hãy vồ … Hãy xé xác bọn ỉn thử xem sao …
Tôi mỉm cười, cố xoa dịu Lân. Tôi cũng đùa cợt:
- Ông bạn ơi! Ông định làm kẻ đầu sỏ, khuấy động gâ bất bình trong đàn lợn của tôi sao? Anh nên nhớ đây là chuồng lợn …
Tôi chợt ngừng lại giữa chừng câu nói vì nhận thấy con mắt nghiêm trang của Lân. Thì ra người không biết đùa, hay là người đã quên mất thói quen đùa cợt, hay là người vẫn lạc trong những cơn mê chiến trận, ở đó bên cái chết con người chỉ mặc bộ đồng phục
nghiêm trang. Anh nhìn sâu vào mắt tôi rồi giảng giải:
- Ý anh muốn nói chuồng lợn không phải là sân khấu chính trị?
- Sao? Tôi giật mình vì Lân đang kéo tôi vào một cuộc nói chuyện mà nhiều lần tôi đã cố tình lảng tránh. Còn Lân anh vẫn nói phăng phăng, rất hùng biện.
- Anh là kẻ đọc sách mà ý nghĩ vẫn thô sơ. Anh nên nhớ trái đất chúng ta đang nồng nặc ngột ngạt mùi chính trị. Đâu người ta cũng dạy dỗ, lôi kéo, hướng dẫn con người làm chính trị. Đó là thứ men nồng trên miếng đất ta ở … Phải! Men chính trị đã thấm vào ta từ thủa bào thai …
Lân chỉ vào mặt tôi:
- Anh định lẫn trốn chăng? Sợ hãi chăng? Định làm trò khoác cho mình một bộ áo cà sa chăng? Ha ha … Con lợn Bò … lợn Bò … Nhưng dù có chui vào hang, vào hầm, vào hố, vào xó, vào xỉnh …dù có trốn lên rừng, hay lặn xuống biển thì chính trị cũng đuổi theo anh … lôi anh nhập cuộc.
Tôi bàng hoàng nhìn người bạn rồ dại của tôi. Nhưng có thực anh ta điên không? Anh đang moi móc tim gan ra và phơi bầy dưới ánh mặt trời. Tôi lúng túng trả lời:
- Anh biết đấy … từ lâu rồi … tôi đâu còn quan tâm tới điều đó. Anh cũng thấy đấy … Tôi đang lo miếng cơm … Và nói thật, tôi cũng thích nghề nuôi lợn …
- Anh thích nghề nuôi lợn?
- Thích … Thậm chí … Ừ nhỉ ta có thể biến nghề nuôi lợn thành một nghệ thuật … Có thể được không?
- Ha ha … Vòng vo! Vòng vo!
Tôi giật bắn người. Còn Lân vẫn cười. Anh không biết là anh đã chạm vào một điểm rất nhạy cảm của đời tôi. Tiếng cười của Lân làm tôi bỗng chợt lùi về dĩ vãng. "Vòng vo!" tiếng nói đó vang lên trong óc.
Tôi nhớ lại cái phòng hỏi cung trần trụi mà năm ấy tôi vẫn thường ngày phải lui tới hai buổi chăm chỉ, đều đặn như một chú học trò. Cái phòng rộng, ở giữa kê một chiếc bàn và hai chiếc ghế, một chiếc dành cho người cán bộ an ninh, và một chiếc ghế dành cho tôi. Căn phòng trần trụi màu trắng lạnh, không có một vật gì thừa. Chỉ một chiếc bàn và hai chiếc ghế, một mẩu giấy lộn cũng không, một cái đinh vô dụng cắm bâng quơ trên tường cũng không, một con gián, một con nhện cũng không. Không có một sinh vât nào, một đồ vật nào nằm ngoài mục đích lại được phép có mặt; có lẽ người ta sợ một sự phân tán, một sự liên tưởng nào đấy có hại cho sự tập trung cửa kẻ bị hỏi. Của đáng tội, cũng có hai vật thừa. Đàng trước mặt tôi, tức là đàng sau người cán bộ an ninh, phía trên cao tường có treo một bảng khen, ông bộ trưởng đã ngợi khen một tổ trinh sát số 3 nào đó đã phá tan một vụ án chính trị nào đó, một cách xuất sắc. Vụ nào nhỉ? Những ai bị bắt? Họ là những người ra sao? Những người phe phái, hay những kẻ lý tưởng điên cuồng, hay những con người vô tội chỉ thèm khát sự công bằng, những kẻ bị bắt vì còn chút lương tâm? Thế đấy! Có lẽ tờ giấy trên tường kia tồn tại cũng chỉ vì mang một công năng đàn áp, muốn đè bẹp ý chí của kẻ bị hỏi cung ngay từ phút đầu nhìn thấy nó. Nó như muốn cười mỉm, một nụ cười bí mật và khoe rằng: đừng có ảo tưởng che giấu, chúng tôi biết hết, chúng tôi có nghìn mắt nghìn tay. Và sau lưng tôi cũng có một vật thừa thứ hai: cái ba lô bộ đội trong chỉ có chiếc bàn chải đánh răng, vài bộ đồ lót, một chiếc áo bông … Người cán bộ an ninh đã bảo tôi phải mang đến:
- Anh hãy mang ba lô đến hàng ngày. Để ở góc phòng ấy. Anh bướng lắm. Ngoan cố. Không khai hết sự thật. Kẻ cầm đầu đã khai hết rồi. Bạn bè anh đã khai hết rồi. Còn anh, sao anh vẫn quanh co? Nếu còn tiếp tục vòng vo thì sẵn ba lô đây, chúng tôi phải bắt buộc có biện pháp cứng rắn, cho anh ngồi vào một phòng giam để anh suy nghĩ …
Tôi im lặng. Thì ra cái ba lô cũng chẳng phải vật thừa. Nó là của tôi; chiếc ba lô tôi đã được phát trong bộ đội, năm 1953. Nó đã theo tôi lang thang lên rừng, xuống biển. Bây giờ nó lại ở bên tôi. Trước kia khác, bây giờ khác, cả chiếc ba lô vô tri vô giác kia lúc này cũng chống lại tôi. Cái vật dụng thân quen mà tôi vẫn cõng trên lưng ấy, lúc này cũng là một vật nhắc nhở, đe dọa.
Người cán bộ an ninh chăm chú đọc tờ lời khai tôi viết hôm trước. Trên trán anh bỗng xuất hiện những nét cau có. Cuối cùng, anh ngẩng đầu lên, bỏ chiếc kính ra. Rồi anh đứng dậy giảng cho tôi như giống cho một chú học trò:
- Ha ha! Thật là bác học. Anh dẫn ra nào là Nguyễn Du, là Mác, là Đốt, là … Thôi đi! Anh định làm trò gì, chúng tôi đã đi guốc vào bụng anh. Anh định đóng kịch, làm trò thông thái rởm … Thoát bào nhượng vị. Cởi áo bào ra, trốn lủi, để chúng tôi đuổi theo cái vỏ áo bào tư biện. Chúng tôi không có thì giờ cãi cọ với anh về lý luận.
- Chúng tôi sai về tư tưởng … vì vậy tôi kiểm điểm tư tưởng …
- Không phải sai tư tưởng mà là hành động. Anh đã hành động.
-???
- Đảng nói A, anh cãi lại B. Nói cho người khác nghe tức là vận động kẻ khác theo mình. Nói khác tức là đã hành động chống đối. Anh hiểu chưa?
-???
- Lại còn vờ vĩnh: "Tôi không làm chính trị". Bộ anh ngây thơ đến thế sao? Sở dĩ anh muốn trốn hai chữ chính trị vì anh có ý thức là anh đã mắc vào một tội ác to nhất trong xã hội chúng ta: tội chống Đảng.
- Không! Tôi là người viết báo, viết văn.
Người cán bộ an ninh đập bàn và con mắt sau cặp kính của anh bỗng long lanh tức giận. Anh nói to, dằn từng tiếng:
- Các anh đã tổ chức chống Đảng.
- Tổ chức?
- Tổ chức! Đúng vậy! Tổ chức chính trị khéo léo.
Tôi im lặng. Tôi đã hiểu từ lâu người ta muốn dẫn tôi đến cái nút ấy, cái thòng lọng ấy. Khi cái thòng lọng đã quàng vào cổ rồi, nhưng do bản năng tự vệ, tôi vẫn cố rãy rụa, cố bào chữa. Tôi đứng lên và nói rất to:
- Các ông không có chứng cứ. Làm gì có tổ chức …
Người cán bộ an ninh chỉ vào mặt tôi và cũng quát:
- Ngồi xuống! Tội của anh càng nặng thêm vì cố tình vòng vo trốn tránh …
"Vòng vo! Vòng vo! "…
Những tiếng vang kỷ niệm xa xôi ấy, lúc này bỗng lại sống dậy trong óc tôi. Tôi cố ôm lấy đầu, che kín đôi tai, để khỏi nghe tiếng của Lân. Nhưng che làm sao được. Giọng của Lân khích nộ, cũng có tính chất rao giảng như giọng của anh cán bộ an ninh hôm xưa.
- Khi ta yêu một điều gì, ghét một điều gì tức là ta đã làm chính trị. Chỉ khi nào hết yêu ghét, tức là đến ngày tận thế, thì bấy giờ mới hết chính trị. Chính vì vậy, khi nói không làm chính trị, ta đã tự lừa dối, ta đã hèn nhát lẫn trốn. Anh nói nuôi lợn như một nghệ thuật, tức là anh đã tự phỉnh nịnh, tự coi mình hơn kẻ khác, trong khi đó thực chất anh đang tôn vinh cho sự vô liêm sĩ, sự nô lệ… Chính vì vậy nên tôi khinh bỉ con lợn Bò …
Lân im lặng nghĩ một lát rồi tuyên bố:
- Chuồng lợn cũng là một sân khấu chính trị.
Tôi cúi đầu, không cãi lại. Trong lòng tôi bỗng dấy lên một nỗi buồn phiền mơ hồ. Hôm nay, tôi hình như đã hiểu thêm một chiều độ của bản thân. Có lẽ Lân nói đúng. Tôi đã trốn chạy, và hình như tôi đã lập lờ … ngay cả khi nuôi lợn.
Trời ơi! Tôi muốn trốn lên núi quá. Người xưa lên núi để trốn việc đời. Ngày nay, trên núi cũng có đời. Nuôi lợn là một cách "trốn vào núi" hiện đại. Nhưng hoá ra, trong chuồng lợn cũng có đời.
Ngày... tháng...
Kỳ lương dạy học tư đầu tiên của con tôi, Linh mang về ba ki lô gam tóp mỡ. Cậu sinh viên mê triết học ấy cười khanh khách:
- Bố ơi! Đúng là cách mạng. Đảo lộn hết cả nếp đời. Mọi cung cách sống thay đổi đến tận gốc rễ. Hết mọi sĩ diện, mọi đài các, mọi thớ lợ. Khi con bưng rổ tóp mỡ đi dọc phố xá, những người quen thuộc nói: "Cậu Linh trúng rồi nhé. Bao nhiêu là tóp mỡ!" Có người hỏi mua, trả mười lăm đồng một ký, nhưng con không bán. Con dành cho lợn của bố.
Tôi cười:
- Thế là cậu còn sĩ diện hão. Đáng lẽ ra cậu nên bán đi hai ký lô, như vậy cũng được ba chục bạc đỡ mẹ cậu mua gạo.
- Linh vẫn cười ròn:
- Đúng là như bố đã tưởng tượng cách trả lương. Chú Hợi bắc cái cân ra, treo bên cạnh dò phong lan tai trâu, rồi cân trả lương cho con. Cân xong, ông ấy bốc thêm nắm, vứt vào cái rá và nói: "Đây là phần thưởng thêm cho cháu đã giúp chú tháng qua rất tốt."
Hôm nay, bà vợ tôi, cả gia đình tôi bỗng nhiên vui hẳn lên; có lẽ không khí ấy do mùi ngầy ngậy của tóp mỡ tạo nên.
Vợ tôi hôm nay cũng biết nói đùa:
- Nhà chú Hợi có hai cô con gái. Cái Lan học lớp bảy, mày đang dạy thì còn bé. Chị nó là cái Cúc làm thợ dệt năm nay thường dễ đã hai mươi. Con bé hay đáo để, Linh nhỉ?
Đôi tai con tôi bỗng đỏ nhừ, nhưng nó vẫn vui vẻ:
- Cô ấy rất hay, mẹ ạ.
- "Hay" nghĩa là thế nào? Tôi hỏi.
- Nghĩa là cô ta khác hẳn tính ông bố. Ông bố bông phèng, còn cô ta kín đáo. Ông bố tính toán, còn cô ta thì thờ ơ vô tư lự trước tiền bạc...
- Cái tính ấy có lẽ hợp với mày Linh ạ - Tôi cười - A, mẹ mày thích mày có vợ rồi đấy.
Tai con tôi đỏ thêm. Cậu ta lắc đầu:
- Khó lắm bố ơi!
- Sao lại khó?
- Bởi vì chú Hợi yêu cầu rể của chú phải có một điều kiện. Một hôm chú tuyên bố: "Đứa nào lấy cái Cúc nhà tao, dứt khoát phải biết làm nghề đồ tể".
- Đồ tể?
Cả nhà tôi cười ròn. Linh giải thích thêm:
- Điều kiện của chú Hợi rất khôn ngoan. Thứ nhất: nếu chàng rể là đồ tể, thì người đó không thể nào coi thường ông bố vợ vốn gốc gác là đồ tể. Thứ hai: nghề đồ tể hiện nay là nghề kiếm tiền nhiều nhất; chỉ vài tiếng đồng hồ buổi sáng sớm người ta có thể kiếm tiền bằng một tháng lương. Thứ ba: chú Hợi muốn tìm vây cánh. Bố nên nhớ chú Hợi là người giỏi nghề chính trị.
- Cả đến lò mổ cũng là một sân khấu chính trị?
- Dĩ nhiên, bố ạ.
Ngày... tháng...
Từ ngày có tóp mỡ, con lợn Bò lớn nhanh như thổi. Hàng tuần, tôi đo lồng ngực và chiều dài của lợn. Tuần này, số đo lồng ngực lợn tăng bốn cm, như vậy theo bảng thống kê tổng kết, tương ứng với lồng ngực, lợn Bò đã tăng thêm năm cân.
Con lợn Bò đã gần ba mươi cân, vóc dáng nó đã to gần gấp đôi chú lợn ỉn.
Với cái vóc dáng đồ sộ ấy, lúc này lợn Bò đã được lũ ỉn cho phép nằm ngang hàng. Tuy nhiên, Bò vẫn phải chịu một chỗ nằm lép vế, nghĩa là bao giờ Bò cũng phải nằm ngoài cùng, chịu đựng gió rét và làm tấm bình phong, tạo ấm cho lũ ỉn. Có những lúc Bò tỏ ra tinh ma, khi ăn xong, vội vã tranh vào nằm sát tường tức là chỗ ấm nhất; khi ấy, lập tức lũ ỉn không chịu khoan nhượng, chúng leo lên lưng, cắn tai, húc vào bụng con lợn Bò, cho đến lúc con lợn quỉ quái ấy không chịu nổi, bắt buộc phải đứng dậy để chấp cái vị trí nằm lép vế của mình thì cuộc tranh chấp mới kết thúc.
Ngày... tháng...
Đài phát thanh Hà Nội báo tin có đợt gió mùa Đông bắc tràn về, và nhiệt độ sẽ giảm xuống tới mười độ. Để chống rét cho lũ lợn, tôi vứt hai cái tải vào trong chuồng.
Rét về, lũ ỉn ăn kém hẳn đi. Riêng Bò vét đĩa vẫn ăn hung như trước. Nó ăn thêm phần thức ăn bỏ dở của lũ lợn ỉn, nên hôm nay bụng nó căng phồng. Ăn xong, nó lùi lũi vào chỗ ấm nhất, ủi cái tải sù ra phía trước, rồi nằm xuống, ung dung chúi mõm vào đống tải, để bảo vệ, để gây ấm cho cái mũi vốn là cơ quan nhạy cảm và quí giá nhất của loài lợn. Lũ lợn ỉn vừa đói vừa rét nên càng tức tối. Cả đàn cả lũ, chúng hùng hổ xông ngay lại, cưỡi ngay lên lưng con Bò. Con lợn Bò liền đứng ngay dậy, lắc mình hất tụi lợn ỉn xuống, nó chúi đầu đứng gầm gừ, đối mặt nhìn lũ lợn ỉn, khiến bọn này phải dừng lại ngay không dám tấn công. Lợn Bò vốn tính hiền, nên cuộc chiến tranh đã không xảy ra. Tuy vậy, hôm nay nó bỗng sáng kiến ra một cách ngủ khác trước; nó chiếm phắt ngay một cái tải dành riêng cho mình, nó dùng cái mõm ủi tải ra một góc khác; nó dùng chân, dùng mõm, khéo léo trải cái tải thừa ra phía ngoài; vậy là đằng trước tải, một bên vách, một bên tải, nó che ấm được cả mõm và hai bên sườn. Nó đắc chí, nằm ngáy pho pho, và mặc đàn lợn ỉn tranh giành kéo co nhau chiếc tải thứ hai.
Cứ bảo con lợn Bò ngu ngốc. Hôm nay, nó đã tỏ ra không ngốc tí nào. Nó đã biết tẩy chay bọn ỉn.
Ngày... tháng...
Tôi thông báo thái độ mới của con lợn Bò cho Lân biết. Lập tức, Lân khoác áo bông sang nhà tôi ngay. Nhà chuyên gia chăn lợn ấy đã đứng bên chuồng lợn, vứt nắm rau muống xuống trước mặt lợn Bò, rồi vuốt ve nó khi nó đang ngấu nghiến nhai rau.
- Khá lắm! Có thế chứ! Chẳng lẽ mày lại hèn. Ở đâu có áp bức là khắc có đấu tranh. Hãy tiến lên Bò ạ.
Tôi ôm bụng cười:
Quỉ quái chưa! Ông lại tin có cả đấu tranh giai cấp trong chuồng lợn?
Chứ sao! Đây là một chàng khổng lồ đang mơ ngủ. Ngủ chán, nó sẽ dậy. Này! Hãy nghe lời tôi khuyên. Cần phải hết sức chú ý, kẻo rồi lại xảy ra rắc rối trong chuồng lợn.
Ngày... tháng...
Việc quan sát sự phát triển của chú lợn Bò phải tạm dừng bởi lẽ gạo tăng quá nhanh. Mấy hôm trước giá gạo tám mươi, mấy hôm sau gạo đã tăng mỗi ngày vài giá. Tám mươi, lên tám lăm, rồi chín mươi, hôm nay gạo tròn một trăm. Cơn sốt gạo Hà nội cứ ít lâu lại xảy ra như một bệnh dịch đe dọa người nghèo. Lo âu. Ngoắc ngoải. Người ta lại đồn đại chính phủ sắp thả nổi gạo. Phần lớn dân Hà nội sẽ phải ăn gạo giá ngoài. Trong khi đó, thằng Minh, đứa con thứ hai của tôi cũng đang bén máng như chú lợn Bò. Bữa cơm, nó có thể ngồi ăn lì không biết no.
Vợ tôi cáu kỉnh, hể về nhà là gắt đủ điều:
- Thằng Linh! Còn nằm ườn ra mà đọc sách hả?....
- Thằng Minh đâu rồi? Sáng hôm nay mày chỉ đi chơi, sao không xếp hàng rau? Chỉ được cái ăn là giỏi.
- Lợn Bò với lợn Bê! Bán mẹ nó đi cho rảnh mắt.
- Hạn chế lại! Nấu cháo mà húp! Tao không còn hơi sức đâu mà chạy gạo cho chúng mày ăn.
- Cả nhà này có ai thương tôi đâu. Người ta còn đọc sách, còn đi chơi, còn suy nghĩ, còn nghiên cứu cơ... Còn tôi thì lăn lưng vào mà vẫn chẳng kiếm ra đủ cho các con ông ăn. Đi làm xí nghiệp về, lại đi đưa bánh đa, hai xu một chiếc. Đạp xe thắt ruột lại... Hào quà cũng chẳng dám ăn... Thế mà... Thế mà có ai biết sót xa cho tôi đâu.
Tôi bực bội và tê tái đi vì những lời than oán kể khổ ấy. Tôi cố gắng ngọt ngào:
- Thôi! Tôi xin bà. Đừng có làm tôi rối lên như thế. Kêu ca nào có ích gì. Có đỡ khổ đi chút nào đâu. Cần phải bình tỉnh mới được.
- Tôi không bình tỉnh.
Cáu quá, tôi vặc lại vợ:
- Thôi câm mồm đi!
- Anh nói như thế mà nghe được? Có học đấy! Đọc sách đấy! Đạo đức đấy! Lúc nào cũng lý thuyết! Lý thuyết suông!... Đạo đức giả!
Tôi im lặng, không nói nữa. Nhưng tôi càng im lặng càng nói già, nói dai:
- Tôi lấy anh thật phí cả đời. Tôi là người công nhân. Đáng lẽ ra tôi lấy một người công nhân, thì những lúc này người ta còn biết thương tôi. Ôi chao! Lúc nào anh cũng tử tế, nhân nghĩa. Anh là kẻ đạo đức giả. Anh khinh tôi không có học, nên anh mới dám ăn nói như thế.
- Ai khinh cô?
- Anh chửi tôi.
- Ai chửi cô?
- Anh bảo tôi: câm mồm, tức là anh chửi tôi.
Tôi phát điên lên:
- Đồ vu vạ! Thôi bà chiến sĩ thi đua của tôi ơi! Bà lại học được cái trò nam nữ bình đẳng nửa mùa để đem về áp dụng ở gia đình... vứt mẹ cái trò vớ vẩn ấy đi.
- Hừ! Giỏi quá nhỉ! Không khéo cái mồm ấy, có lúc người ta cho đi rũ tù. Ai gô cổ? Ai rũ tù? Đứa nào bắt tao? Cô định dọa nạt hả? Dọa tao à? Đểu! Đồ đểu.
Vợ tôi thấy tôi la hét thì bặt lặng. Cô ta biết đã lỡ lời. Cô ta đã ngoáy một lưỡi dao nhọn vào vết thương của tâm hồn tôi. Sự vu cáo.... Những ngày thẩm vấn... Sự đe dọa tù đày triền miên... sự theo dõi, bóng gió dọa nạt... sự thỉnh thoảng hỏi thăm nhắc nhở... tội chống Đảng... cắt việc... rồi treo bút cấm viết... những ngày lao động cải tạo nhục nhằn, những nghề nghiệp lầm than mà tôi dấn thân chỉ cốt kiếm được đồng tiền nhỏ nhoi cũng được đó là tất cả những điều mà tôi đã trải qua. Và tôi đã tự hào là trong cơn bão, vẫn giữ lại được một gia đình toàn vẹn, với người vợ chịu đựng cùng tôi, với đời sống lương thiện mà chưa bao giờ tôi phải hổ thẹn, niềm tự hào cuối cùng của tôi đang bị lung lay. Gia đình tôi bắt đầu nghiêng ngửa, hay nó đã rạn nứt từ lâu rồi mà bộ óc u mê của tôi chẳng nhận thấy. Hừ!... Có thể lắm chứ... Những người đàn bà yếu đuối... Một người bạn gái đã phản lại tôi... Vợ một anh bạn đi tù đã tố cáo chồng, ly dị khi vắng mặt chồng, thậm chí bắt con không được nhận bố... Nhưng lẽ nào... Vợ tôi cũng thế hay sao?....
Những dòng suy nghĩ u uất lướt qua bộ óc. Tôi rên lên:
- Đồ đểu! Đồ đểu! Đồ khốn nạn!
Tôi cầm chiếc điếu cày đập mạnh xuống nền nhà. Cái điếu vỡ, đổ ùa ra một dòng nước đen sì, lênh láng, hôi hám. Bên kia vách, đàn lợn rống lên đòi ăn. Sặc sụa lợn!
Ôi! Ô nhiễm! Ô nhiễm! Tôi ném nốt bình trà xuống đất và cổ họng tôi nghẹn lại. Tức thở! Tắt thở!
Vợ tôi lặng lẽ đi khỏi nhà lúc nào chẳng hay. Còn tôi thi ngồi thừ cay đáng trên chiếc ghế bành cà khổ, nơi mà tôi vẫn hằng ngồi hàng giờ để suy ngẫm, tưởng tượng viển vông. Chiếc ghế bành chỉ biết run rẩy chứng kiến những giấc mơ bất tận, hôm nay đã tận mắt chứng kiến một sư thực cay đắng …
Lần đầu tiên, tôi thấy lộ nguyên hình sự nanh ác của vợ tôi. Cũng lần đầu tiên sự nanh ác cửa tôi xuất hiện phũ phàng chẳng kém. Tôi thầm hiểu lúc đó tôi muốn tát vào mặt cô ta …
Cũng lần đầu tiên, tôi cảm nhận được sự giả dối của đời sống vợ chồng. Sự biết điều, sự nhẫn nhục chẳng qua là trò đóng kịch. Tôi muốn chạy trốn, không dám nhìn vào sự thật đau đớn. Chúng tôi làm gì còn tình yêu. Cuộc sống vợ chồng tôi chỉ còn là một sư cộng sinh. Những thói quen, chỉ còn tồn tại do sợ hãi một cuộc chia ly, sợ hãi rơi vào một cuộc phiêu lưu mới kông có gì đoán chắc là ổn định. Mà thực vậy. Tại sao cô ta cứ phải gánh chịu mãi cái số phận lênh đênh hình ngục nan đào của tôi. Tôi là một quả đắng cay đối với người đàn bà nào dính líu với tôi …
Tôi bỗng dưng nghe thấy một tiếng động. Tôi quay đầu nhìn và thấy thằng con trai lớn vẫn ngồi thản nhiên ở một góc giường. Cặp mắt của nó lặng lẽ không biểu hiện, nhưng tôi cũng thoáng đọc thấy trong ánh mắt ấy một nụ cười mỉm. Ánh mắt ấy như muốn bảo: "Thưa bố! Màn kịch đã hạ rồi!" Đột nhiên, cái nhìn của đứa con làm những nộ khí trong tôi bỗng xẹp xuống. Con tôi không nhìn tôi nữa, nó lên gác xép đọc sách. Cơn tức giận tan nhanh, để lại một chỗ trống cho nỗi buồn đen thăm thẳm choán ngập linh hồn tôi. Tôi vẫn ngồi thừ trên chiếc ghế bành cà khổ, mắt nhắm không buồn nhúc nhích, và tôi đã vào một giấc mơ ngủ lung linh mà không ai đánh thức nổi từ đây.
o O o
Trư Cuồng Trư Cuồng - Nguyễn Xuân Khánh Trư Cuồng