Bất hạnh là liều thuốc thử phẩm chất của con người.

Seneca

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Đồng
Thể loại: Kiếm Hiệp
Upload bìa: Lê Thành Tâm
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1071 / 13
Cập nhật: 2016-03-03 14:07:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 -
hiều hiện tượng khác nhau chứng tỏ rằng đấy là một mùa đông bất thường trong nhà họ Trần. Khi tình cờ cái tên Trần Tả Thiên xuất hiện trong những cuộc nói chuyện giữa bốn bà vợ thì họ không thể ngăn cản che giấu một thái độ khó hiểu trên mặt họ; họ hiểu mà không cần phải nói ra, và mỗi người nuôi dưỡng sự bí mật không may cho riêng mình. Trần Tả Thiên đêm đêm ngủ trong phòng Cát Vân, và thái độ hàng ngày của Cát Vân hoàn toàn bình thường. Khi ba bà vợ kia quan sát Cát Vân, họ cũng không muốn che giấu cái nhìn dò hỏi trong mắt họ. "Này, Cát Vân, làm thế nào mà có thể giữ được Lão gia suốt đêm như thế?"
Những buổi sáng ấy, Mai San mặc quần áo đào hát, và tập lại cái nghề cũ dưới cây tử đằng hoa. Mỗi cử chỉ mỗi điệu hát của nhạc kịch Bắc Kinh, hoặc những mẩu đối thoại được trình diễn rất chuyên nghiệp; những người trong hoa viên trông thấy ống tay áo dài của Mai San trôi trong gió, cái bóng của thân thể nàng nhảy giống như ma quỉ hiện hình, trông rất say mê hấp dẫn.
° ° °
“Ðây là canh tư buổi sáng;
Dọc theo bờ sông,
Câm lặng tiếng người.
Một thân thể níu vào cái bóng,
Một cái bóng bám vào một thân thể --
Tim tôi hai lần đau,
Khi tôi thận trọng nghĩ lại:
Tôi chỉ có một bộ mặt đẹp,
Với một số phận không may.
Hãy thương tôi, đã mang nỗi nhục và nước mắt trong những năm ấy,
Bị mang tiếng oan là một con điếm và một người trắc nết;
Nhưng bây giờ dù tiến hoặc thoái, cũng không còn đường trốn thoát;
Tôi sẽ buông cuộc đời tàn tạ xuống làm mồi cho cá.
Hỡi Ðỗ Thập Tỷ, em đã sẵn sàng:
Hãy để mùi hương của em biến mất, thân ngà ngọc của em chết đi --
Vì thế nào em cũng phải chết,
Thì em sẽ chết một cái chết trong sạch và sáng ngời.”
° ° °
Tùng Liên lắng nghe và buồn mê mẩn; nàng bước lại gần Mai San, nắm lấy váy nàng và nói:
- Thôi đừng hát nữa; nếu chị cứ hát mãi, linh hồn tôi sẽ bay đi mất. Chị hát bài gì vậy?
Mai San nâng cánh tay áo và chùi son trên mặt, ngồi xuống chiếc bàn đá, và chỉ đủ sức thở hổn hển. Tùng Liên đưa cho nàng một chiếc khăn tay lụa và nói:
- Hãy nhìn cách chị trang điểm mặt, chỗ này chấm đỏ, chỗ kia chấm trắng; chị trông giống như hồn ma vậy.
- Giữa người và ma chỉ khác nhau một hơi thở; người ta là ma quỉ và ma quỉ là người ta.
- Chị vừa hát bài gì vậy? Bài đó tôi nghe thấy buồn quá.
- Bài Ðỗ Thập Tỷ. Ðó là bài nhạc kịch cuối cùng tôi hát trước khi bỏ đoàn hát. Ðỗ Thập Tỷ sắp sửa tự tử, vì thế vai đó hát buồn lắm.
- Bao giờ chị dạy tôi hát bài ấy?
Mai San nhìn Tùng Liên chăm chú một lúc. "Cô nói dễ nghe quá nhỉ; cô cũng muốn tự tử ư? Bất cứ khi nào cô muốn tự tử, tôi sẽ dạy cô bài ấy."
Tùng Liên ngạc nhiên đến không lên tiếng được; nàng chỉ nín lặng nhìn bộ mặt bôi son mỡ dơ bẩn của Mai San. Nàng khám phá rằng nàng không thù ghét Mai San; ít nhất bây giờ nàng không thù ghét Mai San nữa, mặc dù những lời nói của Mai San có chủ ý xúc phạm. Nàng biết rất rõ rằng Mai San, Dục Như và nàng bây giờ có một kẻ thù chung là Cát Vân. Nhưng nàng không thèm công khai bầy tỏ chuyện ấy.
Tùng Liên bước lại cạnh cái giếng bỏ hoang, cúi người, và nhìn xuống bên dưới; bỗng nhiên nàng bật cười và nói, "Ma quỉ, ở đây quả thực có ma quỉ! Chị có biết ai chết trong giếng này không?"
Mai San vẫn ngồi yên tại chiếc bàn đá. Nàng trả lời, "Còn ai vào đấy nữa? Một con ma là cô, và một con là tôi."
- Mai San, chị lúc nào cũng nói đùa kinh khiếp như thế, làm tôi run lên đây này.
Mai San bật cười và nói, "Cô sợ hả? Cô chưa phạm tội ngoại tình thì cô sợ cái gì? Tất cả những người đàn bà ngoại tình chết trong cái giếng này. Ðó là tục lệ nhà họ Trần từ nhiều đời rồi."
Tùng Liên lùi lại một bước và nói, "Khủng khiếp quá. Họ bị liệng xuống hả?"
Mai San vung cánh tay áo dài, đứng dậy, và nói, "Nếu cô hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai? Sao cô không hỏi ngay những hồn ma quỉ ấy?" Mai San bước lại cạnh giếng, nhìn xuống và hát giọng cao, "Những... hồn ma... chết oan... ả, á, à..."
Hai người tiếp tục nói chuyện một lúc bên thành giếng và cuối cùng nhắc tới cái bệnh bí mật của Trần Tả Thiên. Mai San nói:
- Dù chiếc đèn dầu tốt đến thế nào, nhất định sẽ có một ngày dầu bị cạn; tôi sợ rằng cây đèn này không thể đổ thêm dầu được nữa. Âm khí đàn bà trong hoa viên này quá mạnh; và số phận nó sẽ ra sao nếu nó làm thương tổn dương khí của người đàn ông. Bây giờ thì thực là hay quá: Trần Tả Thiên, Trần Lão gia, ngồi trên một cái bô mà không đại tiện được; nhưng chúng ta là những kẻ bị để cho khô héo, đêm đêm ngủ một mình trong những căn phòng không.
Hai người lại tiếp tục nói chuyện, họ nhắc tới Cát Vân. Mặt Mai San cau lại vì giận dữ, và nàng nguyền rủa.
- Lúc nào con mụ đó cũng lúc lắc đống thịt rẻ tiền của mụ ta trước mặt lão già đó; nhìn mà xem mụ ta thích lúc lắc đến thế nào; mụ thèm muốn đến chết liếm đít cho lão và nhất định nói rằng đít lão có mùi thơm tho ngọt ngào. Mụ nghĩ rằng mụ có thể gây đau khổ cho chúng ta; cô hãy đợi xem tôi xử con mụ một ngày nào đó, bắt mụ phải la hét cầu cứu.
Nhưng tâm trí Tùng Liên đã lang thang sang chuyện khác; bất cứ khi nào nàng lại gần cái giếng bỏ hoang, nàng không thể tránh thoát được những ảo giác kinh sợ ấy. Nàng nghe thấy nước sủi bọt sâu bên dưới giếng, dâng lên mặt nước tiếng nói của những vong hồn vất vưởng; nàng quả thực nghe thấy tiếng nói của họ. Và nàng cũng cảm thấy một hơi lạnh, tỏa ra từ giếng, bao trùm lấy thân thể và tinh thần nàng. Tùng Liên quay lại bỏ chạy và hét lên, "Tôi sợ."
Nàng nghe thấy Mai San la hét theo nàng, "Này, cô làm sao thế? Nếu cô đổ cho tôi, tôi không sợ đâu; tôi đâu có nói gì."
° ° °
Một hôm Ức Vân đi học về một mình, và Cát Vân lập tức nghi ngờ có chuyện chẳng lành. Nàng hỏi, "Ức Dung đâu?"
Ức Vân ném cặp sách xuống đất và nói, "Chị ấy bị người ta đánh; đang ở trong bệnh viện."
Cát Vân gọi hai tên nam gia nhân và vội vã đi vào bệnh viện mà không hỏi thêm chi tiết nữa. Khi tất cả trở về, lúc đó đã là giờ ăn tối. Ức Dung đeo băng trên đầu, và Cát Vân sai người bế con tới tận bàn ăn. Mọi người trong bàn ăn bỏ đũa xuống, và túm vào nhìn vết thương của Ức Dung.
Ức Dung là đứa con cưng của Trần Tả Thiên; lão bồng con lên lòng và hỏi, "Nói cho cha biết đứa nào đánh con; ngày mai cha sẽ lột sống da nó."
Ức Dung nhăn nhó kể tên thằng con trai đánh nó. Trần Tả Thiên nổi giận. "Thằng mất dậy ấy là ai? Sao nó dám đánh con gái ta?"
Cát Vân chùi nước mắt và nói, "Lão gia hỏi nó thì biết được gì? Lão gia không thể biết rõ chuyện này trừ phi ngày mai Lão gia hỏi thằng bé đó. Ðồ con vật vô tâm mới đánh một đứa con gái tàn nhẫn như vậy."
Dục Như khẽ cau mặt và nói, "Thôi ăn cơm đi. Con nít chúng nó đánh nhau ở trường học là chuyện thường; con nhỏ này đâu có bị thương nặng; chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là không sao hết."
Cát Vân trả lời, "Ðại Nương coi thường chuyện này quá; con nhỏ bị đánh gần mù mắt đấy. Thân thể yếu đuối của con gái làm sao chịu đựng được đánh đấm như vậy? Và hơn nữa, tôi không trách thằng bé đó lắm đâu; người làm tôi tức giận là người xui thằng bé. Nếu không thế thì tại sao thằng bé nhẩy sổ từ gốc cây ra, và dùng gậy đánh Ức Dung, mặc dù hai bên không thù oán gì nhau."
Dục Như đang mải múc cháo vào chén của bà, và trả lời, "Nhị Nương quá nghi ngờ. Có lý do gì mà nghi ngờ khi trẻ con tan học ra? Ðừng đem lòng nghi ngờ và buộc tội người khác; chuyện này có ai muốn đâu."
Cát Vân lạnh lùng nói, "Sự khó chịu thực sự sẽ tới sau này. Sao tôi có thể bỏ qua được? Tôi sẽ là đồ bỏ nếu tôi không tìm ra đầu mối chuyện này."
Không ai ngờ ngày hôm sau Cát Vân đem vào phòng ăn một gã con trai; gã con trai khá mập mạp. Cát Vân nói cái gì khẽ với nó, và nó đi quanh bàn ăn nhìn kỹ mặt từng người một; bất chợt nó chỉ vào Mai San và nói:
- Chính bà này; bà ta cho tôi một quan tiền.
Mai San ngẩng lên và quắc mắt, rồi đứng dậy, đẩy ghế ra sau, nắm cổ áo đứa con trai và hỏi:
- Mày nói cái gì vậy? Tại sao tao phải cho mày một quan tiền?
Ðứa con trai la lên và vùng vẫy khỏi tay Mai San, "Chính bà, bà cho tôi một quan tiền để tôi đánh Trần Ức Dung và Trần Ức Vân."
Mai San vả vào mặt đứa con trai và chửi, "Quân chó thúi! tao còn không biết mày là ai, quân khốn nạn. Ai xui mày vu cho tao?"
Tới đó thì Cát Vân sấn vào và tách hai người ra, giả bộ cười và nói, "Dù cho nó chỉ lầm người, thì tôi cũng biết rõ cái gì đã xảy ra." Nói xong nàng dẫn đứa con trai ra khỏi phòng.
Mai San có vẻ vô cùng tức giận; nàng liệng cái muỗng xuống bàn và nói, "Quân vô sỉ."
Cát Vân đứng đó và hỏi lại, "Kể nào vô sỉ thì biết rõ chuyện này. Tôi có cần phải nói hết cái chuyện dơ dáy này ra không?"
Trần Tả Thiên đã nghe đủ cả; lão giận dữ quát mọi người, "Nếu mọi người không muốn ăn nữa thì bước ra khỏi đây; tất cả cút ra khỏi đây!"
Từ đầu tới cuối, Tùng Liên giữ thái độ của người ngoại cuộc; nàng lạnh lùng quan sát mọi người và không nói một lời. Nàng đã đoán ngay vai trò của Mai San trong vụ này. Nàng hiểu người đàn bà với cá tính của Mai San: Dù yêu hay ghét, nàng bao giờ cũng hung dữ không kiềm chế được. Nàng cảm thấy chuyện này vừa tàn ác vừa khôi hài, hoàn toàn phi lý; nhưng lạ lùng là nàng có cảm tình với Mai San, chứ không thương gì con bé Ức Dung ngây thơ, và cũng ít cảm tình với Cát Vân. Nàng nghĩ đàn bà thực là kỳ lạ; một người đàn bà có thể hiểu được người khác rất rõ ràng, nhưng không bao giờ có thể hiểu được chính mình.
° ° °
Tùng Liên lại có kinh nguyệt, nhưng chưa lần nào nàng cảm thấy lo lắng hoặc bồn chồn như lần này. Cái dòng máu kinh nguyệt tím thẫm tiêu biểu cho một sự tấn công nàng không thương xót. Nàng hiểu rất rõ rằng cơ hội có chửa của nàng trở nên tuyệt vọng vì bệnh bất lực và sự thờ ơ của Trần Tả Thiên. Nếu chắc chắn nàng không sinh con được thì nàng trở nên cô đơn như một chiếc lá khô, bị gió thổi vật vã trong hoa viên nhà họ Trần.
Tùng Liên khám phá rằng nàng mỗi lúc một trở nên dễ xúc động tình cảm hơn; nàng thường hay khóc, và khóc dễ dàng. Nàng khóc khi đi vào nhà cầu để liệng bỏ cái gói kinh nguyệt của nàng. Khi trông thấy một mảnh giấy đi cầu còn nổi trên mặt nước bồn cầu, nàng chửi rủa, "Con chó cái lười biếng!" Tiểu Nhạn dường như không bao giờ biết cách dùng nhà cầu kiểu mới; nó thường quên giật nước sau khi dùng. Tùng Liên sắp giật nước đi thì một sự nghi ngờ trực giác đặc biệt gợi cho nàng một ý nghĩ. Nàng lấy một chiếc cọ cán dài, bịt mũi lại và gẩy tờ giấy trong cầu. Khi mẩu giấy mở ra, thì hình một người đàn bà hiện lên mặt giấy. Mặc dù ướt sũng và mờ mờ, hình người đàn bà vẫn nhận ra được dễ dàng, và được vẽ bằng một thứ máu đỏ sẫm.
Tùng Liên hiểu ngay: Hình ảnh ấy là chính nàng. Tiểu Nhạn đã tìm ra một phương pháp bí mật mới để trù ếm nàng. "Nó mong muốn ta chết lắm, nó liệng ta xuống bồn cầu." Toàn thân nàng run lên trong lúc nàng vớt tờ giấy ra khỏi bồn cầu; nàng không quản mảnh giấy dơ bẩn ấy; máu trong người nàng sôi lên vì cơn giận dữ trước ác tâm của Tiểu Nhạn.
Nàng cầm mảnh giấy vớt lên được và đẩy cửa bước vào cái phòng nhỏ bên cạnh, tại đó Tiểu Nhạn đang ngủ trưa.
Tiểu Nhạn chào, "Tứ Nương làm cái gì thế?"
Tùng Liên liệng mẩu giấy trong bồn cầu xuống trước mặt nó. Tiểu Nhạn hỏi, "Cái gì thế?" Khi nó trông thấy rõ ràng, mặt nó tái lại và bắt đầu nói lắp bắp, "Không phải tôi làm thế."
Tùng Liên giận đến nỗi không nói được; nàng quắc mắt nhìn Tiểu Nhạn trong một nỗi tuyệt vọng do cơn giận gây ra. Tiểu Nhạn co người lùi lại trên giường và không dám nhìn nàng. Rồi nàng nói, "Ta đùa đấy; không phải mày đâu."
Rồi nàng hỏi, "Mày học cái trò ma quái này ở đâu? Có phải mày muốn giết tao để mày có thể là một hầu thiếp thế chỗ tao phải không?"
Tiểu Nhạn không dám nói một lời; nó cầm mảnh giấy đó và định vất ra ngoài cửa sổ, nhưng Tùng Liên quát lên, "Không được vất đI!"
Tiểu Nhạn quay lại cãi, "Nhưng nó dơ dáy quá; Tứ Nương muốn giữ lại làm gì?"
Tùng Liên khoanh tay và đi lại trong phòng. "Nếu ta muốn giữ lại thì dĩ nhiên là ta phải có lý do. Cái đó tùy mày, ta sẽ cho mày hai lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là trình bày công khai việc này: mày cầm miếng giấy dơ bẩn này lên cho Lão gia thấy, cho mọi người khác cùng thấy. Ta không muốn mày hầu hạ ta nữa; mày gọi cách mày hầu hạ ta như thế này là gì? Mày muốn ám sát ta. Còn lựa chọn thứ hai thì rất riêng tư kín đáo."
Tiểu Nhạn nhút nhát hỏi, "Riêng tư kín đáo như thế nào? Tôi sẽ làm bất cứ điều gì Tứ Nương bắt, nhưng xin đừng đuổi tôi đi."
Tùng Liên mỉm cười. “Giữ kín việc này cũng dễ thôi: Tất cả mày phải làm là nuốt mảnh giấy này đi."
Tiểu Nhạn kinh sợ. "Tứ Nương nói gì thế?"
Tùng Liên nghiêng đầu ngó ra ngoài hoa viên và rồi nhắc lại thật chậm, ngừng lại ở mỗi chữ, "Tất... cả... mày... phải... làm... là... ăn... mảnh... giấy... này."
Tiểu Nhạn tê dại cả người, té xuống giường, quỳ xuống, hai tay ôm mặt và cất tiếng khóc. "Xin Tứ Nương đánh chết tôi đi còn hơn."
- Ta không muốn đánh mày; đánh mày chỉ tổ bẩn tay. Và mày cũng không thể buộc tội ta quá ác. Cái này gọi là "gậy ông đập lưng ông" đó; điều này đã được viết trong sách vở thì không thể sai được.
Tiểu Nhạn vẫn còn quỳ, tựa vào tường mà khóc.
- Lần này mày muốn sạch sẽ. Nếu mày không muốn nuốt mảnh giấy ấy thì đi khỏi đây; lấy chăn mền đồ dùng của mày và ra khỏi đây ngay.
Tiểu Nhạn khóc một lúc lâu, rồi bỗng nhiên lau nước mắt và nghẹn ngào nói, "Tôi sẽ ăn; tôi sẽ nuốt." Rồi nó cầm mảnh giấy đi cầu dơ bẩn, nhét vào miệng, và bật ra một âm thanh mắc nghẹn ghê sợ.
Tùng Liên lạnh lùng nhìn. Nàng không cảm thấy thỏa mãn; vì một vài lý do nào đó, nàng cảm thấy chán nản kinh khủng và muốn ói mửa. Nàng khinh tởm liếc nhìn Tiểu Nhạn, bước ra ngoài và nói, "Thực là cái thứ trơ trẽn rẻ tiền."
Ngày hôm sau Tiểu Nhạn bị bịnh; nó ốm rất nặng. Bác sĩ đến khám và cho biết nó bị bệnh sốt thương hàn. Khi Tùng Liên nghe tin ấy, nàng cảm thấy một cơn đau bí mật trong tim nàng, như thể nàng bị một lưỡi dao cắt vào tim. Cái tin ấy lan ra khắp nơi, và tất cả mọi gia nhân đều bàn tán chuyện Tùng Liên bắt con Tiểu Nhạn phải nuốt mảnh giấy trong bồn cầu. Chúng nói theo hình dáng bề ngoài thì chúng chưa bao giờ nghĩ Tứ Nương lại độc ác hơn người khác; chúng cũng nói không có cách gì cứu được mạng sống của Tiểu Nhạn.
Trần Tả Thiên sai đưa Tiểu Nhạn vào bệnh viện. Tùng Liên nấp trong phòng lúc người ta khiêng Tiểu Nhạn ra; nhưng nàng nhòm qua khe màn cửa sổ và trông thấy Tiểu Nhạn nằm trên chiếc cáng, trông gần như chết rồi. Ðầu của nó trọc lóc, vì tóc đã rụng hết; thật là một cảnh tượng hãi hùng. Tùng Liên cảm thấy đôi mắt khô, vàng úa của Tiểu Nhạn nhìn thẳng xuyên qua tấm màn cửa sổ, đâm vào trái tim nàng. Sau đó Trần Tả Thiên bước vào phòng Tùng Liên và thấy nàng đứng đó, chết trân trước cửa sổ. Lão nói:
- Nàng thực là độc ác; nàng làm cho mọi người trong nhà thì thầm bàn tán nàng là người làm bại hoại danh tiếng nhà họ Trần.
Tùng Liên trả lời, "Nó là người độc ác với em trước, hàng ngày nguyền rủa cho em chết đi."
Trần Tả Thiên càng thêm tức giận. "Nàng là bà chủ và nó chỉ là một con hầu nô lệ; sao nàng lại bước xuống ngang hàng với nó?"
Tùng Liên không biết nói gì một lúc, rồi yếu ớt bào chữa, "Em không có ý định làm nó bịnh; nó tự làm nó bịnh, bây giờ Lão gia đổ lỗi cho em."
Trần Tả Thiên vung tay và nóng nẩy nói, "Không dễ đối phó với một người nào trong các bà; mỗi lần tôi gặp một trong các bà là tôi bị nhức đầu. Các bà đừng nên gây phiền phức cho tôi nữa."
Nói xong Trần Tả Thiên bước ra khỏi cửa; lão nghe thấy Tùng Liên khẽ nói sau lưng lão. "Trời ơi, vậy tôi phải sống thế nào?"
Trần Tả Thiên quay lại, gật đầu với nàng và nói, "Nàng muốn gì cũng được. Nàng có thể sống bất cứ cách nào nàng thích; nhưng đừng bắt một tên gia nhân nào nữa phải nhai nuốt giấy trong bồn cầu."
Treo Cao Ðèn Lồng Treo Cao Ðèn Lồng - Tô Đồng Treo Cao Ðèn Lồng