No person who can read is ever successful at cleaning out an attic.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 126
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3766 / 38
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tái Bút -
. Của Anthony Grey
Trong khi nghiên cứu bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết này, tôi nhận được sự hướng dẫn vô giá của các học giả về lịch sử tại Paris, Luân đôn, Washington và Đại học Harvard; nhiều nhà báo và nhà văn am hiểu sâu xa Việt Nam cũng ân cần chia sẻ cho tôi các nhận thức của họ về những gì từng xảy ra.
Tại Paris, các thiện cảm ban đầu của tôi được nuôi lớn lên nhờ sử gia Pháp Philippe Devillers và phóng viên hải ngoại Edith Lenart, người đã theo dõi Đông Dương một cách xuất sắc trong nhiều năm.
Tại Luân đôn, Tiến sĩ Ralph B. Smith, Phó Giáo sư môn Lịch sử Đông Nam Á tại Trường Nghiên Cứu Phương Đông và Châu Phi, đã hướng tôi tới nhiều nguồn tài liệu đầy khích lệ, trong đó có hồ sơ của Sureté Générale: Liêm Phóng Pháp mà lúc này có thể tiếp cận tại Bộ Thuộc địa Pháp.
Tại Washington, tác giả William R. Corson, một người bạn tuyệt vời và già dặn kinh nghiệm, có lẽ vô song về vấn đề tình báo và quân sự ở Đông Nam Á, là người truyền cảm hứng, một cách không bao giờ mệt mỏi, và là người cộng tác với tôi; Giáo sư Allan W. Cameron của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, đã bỏ thời gian thảo luận hằng giờ và bất tận với tôi về Việt Nam; Frank Snepp, tác giả cuốn Decent Interval: Khoảng thời gian thích đáng [Bản tiếng Việt: Cuộc Tháo Chạy Tán Loạn, do Ngô Dư dịch, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1985], câu chuyện bên trong sự sụp đổ sau cùng của Sài gòn, đã cung cấp nhiều cái nhìn tươi rói; Douglas Pike, người viết nhiều tác phẩm có thẩm quyền về Việt Cộng, đã giúp tôi một cách quảng đại; và Bruce Martin, viên chức phụ trách các tiện nghi nghiên cứu tại Thư viện Quốc hội, đã liên tục cung ứng sự hỗ trợ vượt quá tầm trách nhiệm của mình.
Suốt thời gian ba năm, tại các thư viện và thư khố ở Paris, Luân đôn và Washington, tôi đã tham khảo vài trăm cuốn sách và hàng ngàn tài liệu liên quan tới Việt Nam; tất cả đều đã đóng góp ít nhiều vào những nỗ lực của tôi nhằm tái tạo hình ảnh Việt Nam trong nhiều thập niên, nhưng trong số đó có mấy cuốn sách nổi bật như những ngọn hải đăng soi đường. Các cuốn The Three Kingdoms of Indo-China: Ba vương quốc Đông Dương của Harold J. Coolidge Jr. và Theodore Roosevelt, xuất bản năm 1933, cung cấp những nét thấp thoáng mà đầy quyến rũ của những gì tựa như một trò săn bắn lớn tại Nam kỳ và Trung kỳ thời thuộc địa; Little China: Tiểu Trung Hoa của Alan Houghton Brodrick, xuất bản năm 1942; và East of Siam: Đông Thái Lan bởi nhà văn du hành Mỹ Harry A. Franck (1939), là những hướng dẫn không thể thiếu về phong tục Việt Nam và thuộc địa vào những năm đầu của thế kỷ này. Ngô Vĩnh Long với tác phẩm Before the Revolution: The VietNamese Peasants Under the French: Thuở tiền cách Mạng: dân quê Việt Nam thời Pháp thuộc, đã đưa ra các tài liệu mà không ai khác có thể thực hiện nổi về tình trạng thiếu thốn cơ cực của một số đồng bào ông tại các đồn điền cao su và trong nạn đói thời Thế Chiến Hai; và Virginia Thompson với cái nhìn tổng quát và đa diện trong cuốn French Indo-China: Đông Pháp (1937), đã giúp tôi thấy rõ ràng và sắc nét những khắc nghiệt và những vấn đề trong đời sống tại các xứ thuộc địa ấy của Pháp.
Trong số mấy cuốn viết về tiểu sử của Hồ Chí Minh, cuốn của Charles Fenn, xuất bản năm 1973, là nổi bật vì tác giả có những giao tiếp cá nhân với nhà lãnh đạo bí hiểm người Việt ấy trong thời Thế Chiến Hai. Một số ít ỏi các văn bản viết về cuộc can dự ngắn ngủi nhưng trọng yếu của người Anh tại Đông Dương năm 1945 và cuốn sách nhỏ mà đầy can đảm của George Rosie, The British in Viet Nam: Người Anh tại Việt Nam, mà cho tới nay là tài liệu duy nhất đã xuất bản, liên quan tới các biến cố đầy tranh luận ấy.
Cuốn La Bataille de Dien Bien Phu: Trận đánh Điện Biên Phủ của Jules Roy [Bản tiếng Việt: Trận Điện biên phủ dưới con mắt người Pháp, do Bùi Trân Phượng dịch, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1994] và cuốn Hell in a Very Small Place: Hoả ngục ở một nơi rất nhỏ của Bernard Fall, là sách đọc phối hợp cho những ai muốn dựng lại một cách xác thực trận đánh tột điểm của chiến tranh Đông Dương thời Pháp.
Trong số những sách được viết vào thập niên 1960, cuốn The Making of Quagmire: Việc tạo ra vũng lầy của David Halberstam và cuốn The New Face of War: Bộ mặt mới của chiến tranh của Malcom W. Browne chứng tỏ là những hướng dẫn vô giá về Sàigòn và Nam Việt Nam trong các thời kỳ đó, và cuốn Tet: Tết Mậu Thân của Don Oberdorfer là một sách hướng dẫn đầy đủ nhằm am hiểu trọn vẹn cuộc Tổng Công Kích Mậu Thân lịch sử năm 1968 của cộng sản.
Về mặt thể hiện, tôi cũng xin gởi lời cám ơn nồng nhiệt tới Sally Weston, người phụ tá nghiên cứu của tôi ở Washington, tới Jean Johnson, người phụ trách việc đánh máy, đã làm việc không biết mệt và điều chỉnh rất hữu hiệu các bản thảo của cuốn tiểu thuyết này ở Luân đôn lẫn Washington — và sau cùng, tới William D. Philippes, người biên tập cần mẫn của tôi tại Boston.
Tuy thế, qua việc thừa nhận món nợ ân nghĩa đối với các nhà chuyên môn đã giúp đỡ mình, tôi không có ngụ ý rằng các vị ấyï nhất thiết chấp nhận mọi trường hợp sử dụng ngòi bút mà trong đó tôi đã dùng để vẽ chân dung các biến cố của một quá khứ kéo dài năm chục năm. Vì tối hậu, cái duy nhất còn lại vẫn là quan điểm của chính người viết cuốn tiểu thuyết này.
II. Của Nguyễn Ước
Trường thiên tiểu thuyết Trăng Huyết dựa căn bản trên bản gốc tiếng Anh có nhan đề là SAIGON của Anthony Grey, được xuất bản lần đầu năm 1982 do nhà Little, Brown & Company tại Boston, Hoa Kỳ và Toronto, Canada, từ đó, được in lại nhiều lần bởi nhiều nhà xuất bản Âu, Mỹ, Úc, Nam Phi...
Trong một thư email bằng tiếng Anh, A. Grey còn kể với tôi rằng: “Năm 1988, tôi nói chuyện với Bộ trưởng Thông tin tại Hà Nội. Ông ấy cho tôi biết rằng nhiều phần hoặc trọn cả cuốn SAIGON đã được dịch ra tiếng Việt và được dùng làm sách giảng khóa tại Học viện Quân sự Hà Nội để góp phần dạy sinh viên sĩ quan của Quân đội Nhân dân về lịch sử đất nước và cuộc Chiến tranh Việt Nam. Tôi cũng rất sung sướng vì trước đó, biết được rằng cuốn SAIGON cũng được dùng làm sách giảng khóa tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis để dạy Sinh viên Sĩ quan Hải quân Mỹ về hai cuộc Chiến tranh Đông Dương và lịch sử VN.”
Từ ngày SAIGON ra mắt lần đầu đến nay đã 22 năm; bao nhiêu chân cầu đã bị nước cuốn và bao nhiêu thay đổi chính trị ngoài sức tưởng tượng đã diễn ra trên thế giới. Đầu năm 1979, bộ đội VN vừa lâm chiến trên trận địa Cambodia vừa tại biên giới Hoa Việt với Trung Quốc, mãi sau năm 1989-90 đất nước mới hết ngoại chiến. Rồi chế độ cộng sản sụp đổ nhanh chóng ở Nga và châu Âu. Chiến Tranh Lạnh chấm dứt từ năm 1990. Chiến tranh Việt Nam với số tổn thất về phía người Việt khoảng 1.3 triệu người chết và 700.000 người thương tật hết là một đề tài quốc tế. Kể từ tháng 4 năm 1975 tới đầu thập niên 1990, có tới nửa triệu người Việt, cả nam lẫn bắc, thiệt mạng trên đường vượt biên băèng đường biển và đường bộ sang các trại tị nạn ở vùng Đông Nam Á. Hiện có khoảng ba triệu người Việt lánh nạn và lập nghiệp trên khắp các đại lục.
Dần dần, Hà Nội từ bỏ niềm hy vọng vào ngân khoản viện trợ 4.2 tỉ Mỹ kim mà Nixon hứa ngày 1.2.1973. Nay đảng CSVN tuy vẫn duy trì chế độ toàn trị nhưng đổi sách lược, xây dựng kinh tế thị trường trong tình trạng tham nhũng chính trị có hệ thống và thiếu hẳn một nền tảng pháp trị. Bên cạnh đó, đảng xem Trung Quốc là chỗ dựa cũng như kiểu mẫu hiện đại hóa để bảo tồn quyền lực; ngăn chận việc hình thành xã hội dân sự; khống chế toàn bộ sinh hoạt chính trị lẫn văn hoá giáo dục,v.v.; biến mọi giai tầng cũ lẫn mới của xã hội thành những con quay trong quĩ đạo độc đảng; và vì thế đảng trở thành lực trì của phát triển.
Từ tháng 7.1995, Mỹ-Việt lập đầy đủ bang giao. Tháng 4.1997, Hà Nội ký văn kiện cam kết trả Mỹ khoản nợ thời chiến của Việt Nam Cộng Hòa là 146 triệu Mỹ kim. Sang tháng 11.2003, quan hệ Mỹ-Việt tới khúc quặt mới với cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của tướng Phạm văn Trà, Bộ trưởng Quốc phòng VN, và chuyến ghé cảng Sàigòn của chiến hạm Mỹ USS Vandegrift. Ba tháng đầu năm 2004, trong khi cổ động cả nước rầm rộ chuẩn bị lễ kỷ niệm trọng thể 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hà Nội nồng nhiệt đón tiếp các tướng tư lệnh của Pháp, Mỹ và Anh.
Dù vẫn tuyên dương vai trò độc tôn của đảng trong suốt 50 năm “đấu tranh giải phóng dân tộc” vừa qua, CSVN đang bình thường hoá mọi quan hệ với Mỹ, Anh và Pháp, hiện đại hoá quân đội và hẳn để mưu tìm sự cân bằng cán cân quyền lực quốc tế tại biển Đông và vùng Đông Nam Á. Trong khi đó, sự mất quân bình nghiêm trọng giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị khiến trên khắp đất nước tình người điên đảo, hố cách biệt giữa thành thị và nông thôn, kẻ có thế lực và người cô thế, kẻ giàu và người nghèo ngày càng sâu, thành những vũng xoáy chóng mặt.
Là tiểu thuyết sử thi, SAIGON xây dựng bối cảnh theo một số tài liệu có được từ trước năm 1982 và được viết khi A. Grey chưa hề đặt chân tới VN. Từ bấy đến nay, các cường quốc từng dính líu tới VN như Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp... đã giải toả nhiều văn kiện mật, đồng thời có thêm nhiều công trình nghiên cứu của các nhà sử học cùng hồi ký của các nhân vật trong cuộc. Tôi có sử dụng hàng chục tài liệu đó để bổ sung và hoàn tất bản tiếng Việt TRĂNG HUYẾT. Thực tế, không ai có thể đọc hết các văn bản liên quan tới VN vì nhận xét như Giáo sư Phạm văn Lưu thuộc Đại học Monash, Melbourne, Australia thì: “Chỉ riêng tại văn khố Đông Dương Indochina Archives thuộc Đại học California, Hoa Kỳ, có hơn 6.000 cuốn sách, không kể các tạp chí, nhật báo viết về VN đủ loại và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.” Như thế, ý nghĩa và sự thật lịch sử hẳn cũng chỉ là những diễn giải không kém chủ quan của người không bao giờ sử dụng đầy đủ các tài liệu mà giá trị của chúng lại bị giới hạn bởi chủ đề, quan điểm của tác giả và thời điểm ấn hành. Đặc biệt, dưới chế độ toàn trị tại VN ngày nay, các tác giả viết về lịch sử, nhất là thời đương đại, hoặc hồi ký chính trị, thường theo phương pháp cộng sản là lấy hiện tại rồi lần về quá khứ, chọn và làm nổi bật các sự kiện thích hợp cho việc biện minh quan điểm của đảng cộng sản và thực hiện nhiệm vụ chính trị nhất thời cho nhà cầm quyền. Bởi thế, mọi kết luận về biến cố lịch sử chỉ là kết quả tạm, sử gia phải liên tục tìm kiếm, phanh phui sự thật giữa mịt mùng những tường thuật phiến diện hoặc cục bộ, nửa vời hoặc lấp liếm, xuyên tạc hoặc hư cấu lẫn hoang tưởng quyện vào nhau. Đặc biệt, ngày nào các tác giả VN còn chưa thành công trong thể loại hồi ký lịch sử và chính phủ VN còn chưa giải toả các văn kiện mật thì việc nghiên cứu lịch sử VN thế kỷ 20 vẫn còn nhiều khập khểnh.
Vượt lên trên tất cả những điều vừa kể, Trăng Huyết chủ yếu là một tác phẩm văn học. Tác giả của nó cố gắng bám sát sự kiện lịch sử nhưng không có ảo tưởng lý giải lịch sử; người điểm sách lẫn độc giả hẳn cũng không đòi hỏi nó phải đúng từng chi tiết với việc thật và người thật. Tác giả chỉ linh động dựa trên một số biến cố và nhân vật lịch sử cùng khung cảnh địa lý để trình bày về con người và cảnh đời, từ đó, có thể gắng gỏi đưa ra một số cái nhìn hẳn là đầy cảm tính. Trong trường hợp này, Trăng Huyết có chủ ý nhìn theo lối đa phương và đa tuyến tính, rồi cố diễn tả bối cảnh mịt mù, tâm lý đơn giản của nhân vật này hoặc phức tạp của nhân vật nọï, có thật hoặc hư cấu, trong một giai đoạn lịch sử đầy oan khiên của người Việt và những hệ lụy của người Pháp rồi người Mỹ. Và vì thế, từ nhan đề SAIGON, thành phố định mệnh trong cuộc đời và tâm tưởng của nhân vật chính Joseph Sherman, tôi đổi thành Trăng Huyết, trăng đỏ như máu, trăng báo điềm và làm chứng cho nửa thế kỷ đau thương ly loạn trên khắp đất nước Việt, từ bắc chí nam. Năm mươi năm ấy bế tăéc, để lại đằng sau nó vẫn mọät tình trạng băng hoại và quẩn bách, như một “công án thiền” bức xúc và nan giải của dân tộc, rằng có quá nhiều người Việt đang bị cuộn chặt bởi tầng tầng lớp lớp hận thù của bản thân, gia đình, gia tộc và tập thể, trong khi đó, muốn thành công trong công cuộc xây dựng con người và phát triển đâát nước thì phải giữ gìn, điều hoà và phục vụ toàn bộ các chi thể của dân tộc.
Tôi giữ lại cốt truyện, nhiều tình tiết, đối thoại và diễn biến tâm lý của các nhân vật trong SAIGON rồi viết thêm và chêm vào, khi thì gần một chương, khi thì vài đoạn nghĩ tưởng, vài lời đối thoại, các câu thơ lời hịch hoăëc sấm ký, nhiều nhân vật phụ,v.v. để chính đính; minh họa; đào sâu tâm lý của các nhân vật người Việt; bổ túc nhiều chi tiết về hoàn cảnh chính trị, khuynh hướng cách mạng bản địa và thời đại, sự kiện lịch sử, nghi lễ cung đình, phong cảnh từng địa phương, tông phái tôn giáo, nếp nghĩ, tục lệ và văn hóa dân tộc,v.v. Và điều tôi chủ tâm hơn cả là cố gắng nói lên Việt tính của nhân vật và sự kiện, đồng thời trình bày sao cho hợp với cảm quan của độc giả người Việt.
A. Grey nỗ lực đưa ra cái nhìn của người ngoài cuộc và chủ yếu dành cho độc giả phương Tây, còn tôi thì cố gắng trình bày nỗi lòng của người trong cuộc, với ước vọng hiệp thành một tác phẩm đa diện, cho độc giả người Việt. Có nhiều trường hợp tôi không dám mạnh tay vì sợ làm hụt hẩng mạch biến hóa của tác phẩm. Thí dụ: thực tế, Nguyễn Ái Quốc không có mặt ở Hà Nội vào năm 1930; tác giả của Ngục Trung Nhật Ký còn là vấn đề gây tranh luận; cuộc gặp gỡ tại phòng mạch của một nha sĩ ở Sài gòn không phải giữa viên chức CIA với Dương văn Minh mà là với Trần văn Đôn, nhân vật chủ chốt trong cuộc đảo chánh 1.11.1963; bản thông cáo Thủ tướng Vũ văn Mẫu đọc trưa 29.4.1975 yêu cầu Mỹø rút quân trong vòng 24 giờ, theo lời kể của cựu Tổng thống Dương Văn Minh trong cuôäc găëp măët nôùi lại tình thân với vài tướng lãnh VNCH vào đầu năm 1991 tại Paris, là do chính Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin đưa cho ông (DVM); sau khi chiếc trực thăng CH-46 cuối cùng với tín hiệu “Swift 22” rời Sàigòn chở theo toán Thủy Quân Lục Chiến canh gác Toà Đại sứ Mỹ thì trên nóc toà nhà ấy, hơn 420 người Việt vẫn chong mắt nhìn trời, cố tìm dấu hiệu máy bay Mỹ trở lại vì trước đó, những người lính rất thiện chí ấy đã hứa với họ rằng “sẽ không ai bị bỏ lại”,v.v.
Lòng biết ơn trước hết và trên hết tôi xin được bày tỏ với Anthony Grey, người đã giải tỏa cho tôi trách nhiệm pháp lý, dù vậy tôi vẫn cảm thấy mình mãi mãi mắc ông món nợ tình nghĩa và văn chương. Chẳng những không phiền lòng và không phản đối khi tôi sử dụng SAIGON và để tên làm đồng tác giả của TRĂNG HUYẾT, ông còn ân cần bày tỏ tình thương và hào phóng khích lệ vợ chồng tôi. Sau khi nhận được bản thảo tiếng Việt của TRĂNG HUYẾT, thư email xin phép và giải thích căn nguyên cùng nội dung khái quát những gì tôi chính đính và viết thêm, ông hồi âm rất nhiệt tình, bằng tiếng Anh, trong một thư email như sau:
“Nguyễn Ước thân mến,
“Tôi rất vui mừng khi nhận được thư email của anh. Cám ơn anh về việc nhanh chóng trả lời và về việc giải thích đầy đủ. Tôi tôn trọng các động cơ của anh trong tất cả những gì anh làm và lúc này, tôi chắc chắn rằng chúng ta là bằng hữu, dù anh có viết gì đi nữa. Tôi cũng rất ngạc nhiên về việc anh đã viết thêm rất nhiều. Tôi sẽ rất thích thú tới ngày nào đó đọc được chúng.
“Tôi tin khi anh nói rằng anh không thay đổi cốt truyện của tôi. Và tôi gởi tới anh cùng Lệ Hiền, người vợ đáng yêu của anh, tình thương và những lời chúc nồng ấm, tốt đẹp nhất của tôi. Trong khi viết những dòng chữ này, mắt tôi đang nhìn vào bức hình của vợ chồng anh. Xin anh hãy đoan chắc với Lệ Hiền rằng tôi không cảm thấy phiền lòng chút nào.
“Tôi cảm động vì cuốn tiểu thuyết của mình đã gợi niềm hứng khởi cho người khác làm điều gì đó sâu xa thêm để mang tới sự hòa giải. Đó chính là mục đích trước đây và hiện nay của tôi khi viết cuốn tiểu thuyết ấy, để bằng cách thức nhỏ nhoi nào đó, góp phần hằn gắn những vết thương khủng khiếp và những đau khổ của người dân ở mọi phía trong xứ sở của anh vốn đã bị tả tơi vì một cuộc chiến quá dài, dài hơn của bất cứ xứ sở nào. Tôi tin rằng chẳng bao lâu nữa SAIGON sẽ được quay thành phim. Và có lẽ phim đó hẳn sẽ được nâng cao nhờ những am hiểu mà anh cung cấp trong những gì anh viết thêm.
“Khi viết thêm vào một cuốn tiểu thuyết đang lưu hành thì anh đã làm một điều độc đáo. Cho dù anh có viết gì đi nữa, về mặt nguyên tắc, tôi ưu ái những công việc chưa ai từng làm, nhằm góp phần biến thế giới này thành một chốn tốt lành hơn cùng mang lại sự hòa hợp cho dân chúng và cho thế giới của chúng ta. Tôi mong sẽ có ngày gặp gỡ anh và Lệ Hiền.”
Lòng biết ơn cũng sâu xa không kém, tôi xin được bày tỏ với những ân nhân mà vì chưa có hoàn cảnh chính trị thuận tiện để tôi được hân hạnh liệt kê danh tánh. Trong khi thực hiện tham vọng của mình với cuốn trường thiên tiểu thuyết này, tôi may mắn nhận được sự góp ý, khích lệ, giúp đỡ cụ thể về tài chánh của nhiều bằng hữu tại Toronto, Vancouver và San Jose, trong đó có những người từng nếm trải các biến cố lịch sử được đề cập tới hoặc làø hậu duệ của vài nhân vật có thật trong TRĂNG HUYẾT. Ngoài ra, còn có thêm sự hướng dẫn của nhiều người quen biết trong hai lần từ Canada về Việt Nam vào các năm 2001 và 2002 để sưu tầm thêm sách báo, tài liệu và tham quan các di tích, địa điểm được nhắc tới trong bản gốc, tại Sàigòn, Huế, Hà Nội, Đà Lạt, Đồng Nai, Điện Biên Phủ... TRĂNG HUYẾT hẳn không thể vượt qua phần nào các thiếu sót nếu không có những hỗ trợ thân tình và quí báu ấy.
Đặc biệt, tôi xin chân thành biết ơn những tác giả Anh, Mỹ, Pháp, Hoa và Việt của các sách nghiên cứu, hồi ký hoặc tài liệu mà tôi may mắn tìm thấy để tham khảo, và những đồng bào ở trong nước và hải ngoại mà tôi được hân hạnh tiếp xúc, qua giới thiệu hoặc tình cờ, đã chấp nhận cho tôi phỏng vấn, để xúc tiến phần bổ túc cho SAIGON và hoàn tất bộ trường thiên tiểu thuyết TRĂNG HUYẾT này.
Sau cùng, dù TRĂNG HUYẾT là tác phẩm dựa trên SAIGON và có tên Anthony Grey đồng tác giả, nhưng bởi những chủ quan trong chọn lựa, thẩm thấu, sửa chữa và viết thêm, cùng bút pháp của Nguyễn Ước, nên tác giả người Việt của nó là kẻ chịu trách nhiệm mọi khuyết điểm cả về nội dung lẫn hình thức diễn đạt.
Trăng Huyết Trăng Huyết - Anthony Grey & Nguyễn Ước