TV. If kids are entertained by two letters, imagine the fun they'll have with twenty-six. Open your child's imagination. Open a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 126
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3766 / 38
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
- 8 - -
ai mươi bốn giờ sau, lúc trời vừa sẩm tối ngày Thứ Ba 29 tháng Tư, Joseph ngồi chồm hổm bên chiếc ghế đẩu sơn trắng đặt chính giữa phòng giam sơn cũng màu trắng. Anh tiếp tục nhìn chằm chặp khuôn mặt choắt cheo trên bộ xương co rút trong khi tâm tư mình càng lúc càng tuyệt vọng. Suốt những năm dài trơ mình trong bầu không khí buốt giá, da trên mặt và trên khắp thân thể Đào Văn Lật dường như chun lại khiến nó tự động co rút, bọc sát xương và biến khuôn mặt anh thành như một đầu lâu. Tóc Lật hoá ra trắng xóa như mọi thứ trong xà lim. Hai mắt anh lớn một cách quái đản, lấp lánh trong hai hốc mắt sâu hoắm như hai chiếc hố thăm thẳm.
Vẫn ngồi gập người, hai cánh tay tựa hai que củi ôm chặt thân mình như anh từng làm như thế trong lần cuối Joseph gặp anh dạo đầu năm 1968. Lật vẫn mặc độc nhất trên người chiếc quần cụt tả tơi. Cơ thể gầy đét của anh dường như hoàn toàn không đủ thịt để lưu dưỡng sự sống. Nhưng cũng như bảy năm trước, Lật chẳng chút để ý tới tình trạng khốn khổ của mình. Anh vẫn ngồi trên chiếc ghế đẩu ấy, hoàn toàn hờ hửng và không chút nhúc nhích. Mắt vẫn nhìn đăm đăm và trống rỗng tới bức tường trắng toát trước mặt.
Joseph lặp lại lần thứ hai với giọng hết sức nhẫn nại:
- Anh Lật này, anh nghe tôi nói đây. Chiến tranh sắp chấm dứt. Các mi-crô ở đây đã được tắt hết. Chỉ lát nữa thôi, anh và hết thảy tù nhân chính trị sẽ được thả ra theo lệnh của tổng thống Dương Văn Minh. Nội hai mươi bốn giờ nữa, lực lượng của các anh chắc chắn sẽ toàn thắng trong vinh quang. Họ đang vào tới vùng ngoại ô Sài Gòn — nhưng trước khi họ tới đây, anh phải giúp tôi một việc!
Trong thế ngồi chồm hổm, Joseph thụt lùi một chút. Anh cẩn thận xem xét vẻ mặt Lật thêm lần nữa nhưng người Việt Nam không tỏ dấu hiệu có nghe anh nói. Thay vào đó, Lật tiếp tục nhìn thẳng tới trước, mắt không chút nhấp nháy. Lòng Joseph nhoi nhói nỗi e ngại rằng biết đâu Lật đã hoàn toàn mất trí.
Anh chúi đầu tới gần hơn, căng hết hệ thần kinh trong cơ thể của mình ra để phá cho vỡ trạng thái có vẻ lạc thần dường như người tù Việt Nam đang đắm chìm trong đó:
- Anh Lật này, cháu anh, Trần Văn Kim, qua đời rồi. Anh ấy bị thất sủng, bị loại khỏi Bộ Chính trị và cách đây một tuần, đã chết trong một vụ lật xe. Đó là lý do khiến tôi phải cần tới sự giúp đỡ của anh.
Thêm lần nữa Joseph rút trong túi áo ra bức ảnh của Tuyết khi còn con gái mà lúc nãy, anh đã hai lần đưa lên ngay trước con mắt vô hồn của Lật:
- Tôi và Lan, em của Kim, cháu gái gọi anh bằng cậu ruột, yêu nhau vào những năm “ba mươi”. Chúng tôi có một đứa con gái tên là Tuyết. Khi lớn lên Tuyết trở thành Tuyết Lương. Nó phục vụ hết mình cho chính nghĩa của các anh tại lục tỉnh. Có thể anh không bao giờ biết rằng nó có bà con với anh. Nhưng anh nhìn đây. Nó đây này. Nó đang đứng với tôi bên ngoài trường học của nó tại Sài Gòn đây này!
Joseph lại chuồi mấy bức ảnh khác tới trước mặt Lật và chờ. Ngay lúc vừa bước vào xà lim, anh đã cho Lật thấy mấy bức ảnh anh chụp chung với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Và anh nhắc lại sự việc Lật và anh gặp gỡ nhau như thế nào tại Huế năm 1925. Anh cũng nhắc lại chuyện Lật chống bè nứa chở anh xuôi dòng sông Kỳ Cùng như thế nào để tới hang Pắc Bó sau khi chiếc máy bay Warhawk của anh bị rớt. Nhưng Lật không để lộ dấu hiệu nào, dù nhỏ nhặt nhất, cho thấy mình có hiểu hoặc có nghe.
Bằng lối nói thật chậm như đang nói với trẻ nhỏ, Joseph tiếp tục:
- Tuyết Lương bị giết trong trận không tập Hà Nội hồi lễ Giáng Sinh ba năm trước đây. Nhưng có một đứa con gái của nó sống sót, tên là Trinh. Anh là ông cậu cố của Trinh. Trinh được ông cậu ngoại Trần Văn Kim trông nom sau khi mẹ của nó chết. Nhưng lúc này Kim cũng đã chết. Và Trinh chẳng còn ai bà con ở Miền Bắc. Nó yêu cầu tôi giúp nó. Nó muốn theo tôi rời Việt Nam nhưng lúc này tôi không cách gì tìm ra dấu vết của nó. Kim đã sắp xếp cho nó xâm nhập Sài Gòn như một cán bộ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Nhưng tôi cần danh tính của viên chỉ huy trưởng an ninh của chính phủ đó để có thể yêu cầu ông ta tìm Trinh cho tôi. Anh giúp tôi việc đó có được không?
Nói vừa xong, Joseph đưa hai mắt van lơn nhìn thẳng vào mặt Lật. Nhưng người Việt Nam vẫn ngồi bất động trên ghế đẩu như thể chỉ có một mình anh ta trong căn phòng. Joseph đứng dậy, khịt khịt mũi, giận điên người. Nhìn đồng hồ thấy đã hơn sáu giờ tối. Trong một thoáng, quên mất xà lim bị cách âm, anh nhỏng tai lên cố nghe cho ra tiếng máy bay trực thăng của Mỹ từ Hạm đội Bảy đang tiến hành cuộc di tản khổng lồ đã được bắt đầu từ trưa nay. Trên đường hớt hãi chạy tới bản doanh cũ này của Sở Liêm phóng Pháp ở bót Catinat cũ, Joseph thấy từng đoàn trực thăng Sea Stallation, Chinook và Jolly Green Giant phần phật bay qua các mái nhà, bốc hết lượt này tới lượt khác khoảng một ngàn người Mỹ còn kẹt lại.
Người ta thành lập hai khu vực lên đường — một ở sân quần vợt tại Tân Sơn Nhứt và một ở bãi cỏ trong khuôn viên Toà Đại Sứ Hoa Kỳ. Trực thăng bay vào bay ra như thoi đưa, chở người di tản ra bốn chục chiếc chiến hạm Mỹ đang đậu ngoài khơi Biển Đông. Những chiếc trực thăng của hàng không CIA nhỏ hơn, sơn màu bạc, mang huy hiệu Air America, nổi bật giữa những vệt khói và lằn hơi nước của những chiếc máy bay lớn hơn của các cơ quan khác. Chúng đang lao tới hoặc đang cất lên từ các sân thượng trên nóc nhà, nơi tập trung những nhóm nhỏ người Mỹ cùng với những người Việt nào lo sợ sẽ đối mặt với thần chết hoặc bị tù đày trong bàn tay Cộng Sản vì những liên hệ mật thiết với Hoa Kỳ. Khi người ta biết được rằng nhiều người Việt muốn ra đi sẽ bị bỏ lại, đã thấy rõ rệt khắp thành phố xuất hiện những dấu hiệu hoảng loạn. Lúc này, nhớ tới tình trạng đó, Joseph bắt đầu rùng mình, sãi chân bước tới bước lui trên sàn xà lim trắng toát.
Chiều hôm qua, chỉ vài phút sau lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống Dương Văn Minh, những gì diễn ra như một bằng chứng cụ thể cho thấy sự nhượng bộ chính trị cuối cùng và nhục nhã ấy là vô ích. Ngay trước khi các chính trị gia chưa bước ra khỏi Dinh Độc lập, các chiến đấu cơ của chính phủ bị đối phương tịch thu được trước đó lúc này do phi công Bắc Việt lái, bắt đầu thả bom xuống căn cứ quân sự Tân Sơn Nhứt. Chỉ trong vòng mấy phút, cuộc oanh tạc ấy hủy diệt bộ phận sau cùng của Không lực Việt Nam Cộng Hòa.
Rồi cũng chính những chiến đấu cơ đó bay sà ngang trung tâm Sài Gòn. Tiếng chúng gầm rú điếc tai thủng óc sát các mái nhà hiệp với những khẩu súng lớn gắn hai bên cánh xả đạn xuống thành phố đã đẩy thủ đô chìm ngập trong cơn hoảng loạn. Từ các cao ốc dưới đất, súng phòng không khai hỏa. Và những người có sẵn súng tiểu liên cũng bắt đầu nổ chỉ thiên trên đường phố vì họ cho rằng Việt Cộng đang lặng lẽ phóng ra cuộc tấn công tối hậu.
Các đại lộ với những hàng cây thẳng tắp chất ngất những tiếng động hoang mang của chiến trận. Joseph và Naomi cùng với hàng trăm người khác chạy tới trú ẩn trên nền đá trong Nhà Thờ Đức Bà. Lời tuyên bố giới nghiêm hăm bốn trên hăm bốn giờ làm họ kẹt lại tại đó cho tới khuya. Khi ló mình ra được, họ khám phá rằng Cộng Sản, qua người phát ngôn ở Trại Davis, lại vừa nêu ra những đòi hỏi mới về chính trị mà rõ ràng chỉ để gióng hồi chuông báo tử cho Sài Gòn.
Cộng Sản bảo rằng chính quyền của tổng thống Dương Văn Minh phải “tuyên bố ủng hộ cách mạng và yêu cầu hết thảy người Mỹ lập tức rút khỏi Việt Nam.” Họ còn ngụ ý một cách ngạo nghễ rằng cuộc tấn công tối hậu vào Sài Gòn sẽ khởi sự lúc nửa đêm Thứ Ba 29 tháng Tư và rằng lúc đó, người Mỹ nào không di tản phải gánh chịu mọi hậu quả.
Tới đây đã tắt ngúm mọi hy vọng điều đình của chính phủ Dương Văn Minh. Sự thay đổi giọng điệu của Cộng Sản đối với chính quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ cho thấy rõ rằng Minh Cồ chỉ còn lối thoát duy nhất là đầu hàng vô điều kiện và chờ thời điểm bàn giao cho chính phủ Cách mạng Lâm thời MNVN. Nếu sự việc diễn ra đúng theo thủ tục đó thì trên thực tế, Hiệp định Paris giờ đây không còn hiệu lực là do ý nguyện của cả hai bên người Việt và chính quyền sắp tới tại Sài Gòn có đủ tính cách kế tục hợp pháp về mặt công pháp quốc tế để tiếp quản các nghĩa vụ, tài sản và công nợ của chính phủ VNCH trên khắp thế giới.
Trước thế tiến thoái lưỡng nan và cố làm hết sức mình để kêu gọi thiện chí của Cộng Sản, Dương Văn Minh gởi văn thư hỏa tốc yêu cầu đại sứ Hoa Kỳ “ra chỉ thị cho các nhân viên của Cơ quan Tùy viên Quân lực DAO rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29 tháng 4 để vấn đề hoà bình Việt Nam sớm chóng được giải quyết.” Văn thư ấy được thủ tướng Vũ Văn Mẫu, chủ tịch Lực lượng Hoà giải Dân tộc, đọc đi đọc lại trên đài phát thanh ngay trưa hôm đó. Như thế, Hoa Kỳ đã có lý do chính thức để chấm dứt hoàn toàn sự can dự ở Việt Nam. Sự ra đi tối hậu của Hoa Kỳ rốt cuộc là do bởi chính phủ Nam Việt Nam chính thức và công khai yêu cầu.
Mọi diễn tiến từ suốt cả tháng nay và đặc biệt trong mấy ngày qua tại Sài Gòn dường như thể hiện có lớp lang, đúng theo một kịch bản nào đó tuy đầy đột biến nhưng rất chặt chẽ, của một tác giả và đạo diễn quốc tế lão luyện. Cuộc chiến tranh Việt Nam kết liễu không để lại một hệ quả pháp lý hoặc tài chính nào cho Hoa Kỳ, nghĩa là Mỹ rũ sạch tay mọi hình thức cam kết công khai lẫn bí mật với hai Miền Nam bắc Việt Nam, và chữ ký của Kissinger trên các nghị định thư của Hiệp định Paris bị chính hai chính phủ Hà Nội và Sài Gòn vô hiệu hoá.
Vài giờ sau, lực lượng Bắc Việt phóng ra một cuộc pháo kích bằng hoả tiễn với mức độ nặng nề nhất cuộc chiến vào Tân Sơn Nhứt. Một chiếc máy bay khổng lồ C-130 của Không lực Hoa Kỳ có nhiệm vụ chở người tị nạn tới đảo Guam bị bắn nát ngay trên phi đạo. Trong số hàng ngàn người Việt đang chờ tại trung tâm xúc tiến tị nạn có nhiều người thương vong, và có hai lính TQLC trẻ thuộc lực lượng giữ an ninh di tản bị hoả tiễn giết chết. Chính những cái chết đầu tiên ấy của lính Mỹ xảy ra sau hai năm tính từ ngày Hoa Kỳ bắt đầu rút khỏi Việt Nam đã làm Ford, vị tổng thống đang khắc khoải tại Washington, hủy bỏ việc không vận bằng máy bay có cánh tại Tân Sơn Nhứt và ra lệnh lập tức bắt đầu cuộc di tản bằng máy bay lên thẳng có mã danh là “Operation Frequent Wind: Chiến Dịch Ngọn Gió Thường Xuyên.”
Hậu quả là tiếng rìu bửa và tiếng cưa đốn ngả hình hài xương xẩu của cây me lâu đời trên bãi cỏ đằng trước, trong khuôn viên Toà Đại Sứ, vào giữa buổi sáng, như tượng trưng cho sự thừa nhận tối hậu của Hoa Kỳ rằng nó đã thất bại trong những nỗ lực cứu Nam Việt Nam khỏi bàn tay Cộng Sản. Bãi cỏ ấy là chỗ độc nhất trong Toà Đại Sứ mà máy bay trực thăng khổng lồ có thể đáp an toàn.
Joseph đứng ngó cây me ngã gục, rồi rời khu nhà sứ quán vào khoảng mười giờ rưỡi sáng. Lúc còn ở bên trong Toà Đại Sứ, anh đã liên lạc với một người quen hiện đang điều hành phân sở CIA nơi các tầng trên để lấy một lời hứa chắc chắn rằng sẽ dành hai chỗ cho anh và Trinh trên một trong các chuyến trực thăng chót. Sau đó chẳng bao lâu, dấu hiệu bí mật đã chuẩn bị sẵn cho cuộc di tản được loan báo trên Đài Phát thanh Quân đội Hoa Kỳ. Cứ cách mười lăm phút, phát thanh viên lại cất tiếng ngân nga: “Nhiệt độ ở Sài Gòn lúc này là 105 độ F và đang tăng”. Và tiếp liền lời loan báo đó là giọng hình như của Bing Crosby hát bài “White Christmas: Noel Tuyết Trắng”.
Lập tức hết thảy những người nước ngoài từng được viên chức đặc trách di tản tại Toà Đại Sứ cảnh báo trước — các nhà báo, doanh gia, kỹ sư dân sự, nhà thầu — lật đật ào tới các điểm tập trung được chỉ định sẵn cho mình ở khắp thành phố. Một số lên xe buýt tới phi trường. Một số leo lên nóc sân thượng của các cao ốc chúng cư, chỗ máy bay trực thăng Mỹ có thể đáp được.
Trước mười một giờ sáng một chút, bắt đầu cuộc ra đi của hàng trăm nhà báo quốc tế. Trong các hành lang khách sạn Continental Palace, Caravelle, Majestic và các khách sạn khác, tiếng cửa đóng rầm rập nghe như tiếng súng liên thanh thình lình nổ vang khi các đại diện người Mỹ của các tạp chí New York Times (Thời Đại New York), Washington Post (Bưu Điện Washignton), Time (Thời Báo), Newsweek (Tuần Tin Tức) và các hệ thống vô tuyến truyền hình ào ra, xách theo máy đánh chữ hoặc lôi theo các dụng cụ quay phim, chụp hình. Ngoại trừ khoảng 120 ký giả châu Âu, các nước trung lập và các nước Cộng Sản ở lại, các thông tín viên báo chí và truyền hình của trên một chục nước phương tây khác — các TCN: Third Country Nationals, Người Mang Quốc Tịch Nước Thứ Ba, gọi theo biệt ngữ của những kẻ tổ chức cuộc không vận — cũng ra đi. Họ lũ lượt kéo nhau tới các điểm tập trung, băng qua những đường phố và công viên vắng lặng một cách kỳ quái vì đang giới nghiêm suốt hăm bốn tiếng đồng hồ.
Trước khi ra đi, hầu hết các nhà báo Mỹ đều ghé lại phòng của Joseph, lúc lắc đầu tỏ vẻ xin lỗi. Mấy hôm trước, vừa đặt chân tới Sài Gòn, anh đã yêu cầu hết thảy họ cho anh biết lập tức nếu họ có sự móc nối với một thiếu nữ Việt Nam đang xin gặp Joseph Sherman. Lúc này, khi sắp sửa ra đi, họ từng người lần lượt tới bắt tay anh và chúc anh ở lại bình an.
Sau một cuộc cải vã gay gắt với Naomi, Joseph nhất quyết rằng nàng phải ra đi với những người khác trong toán truyền hình. Từ cửa sổ khách sạn Continental, anh đứng nhìn theo Naomi đang cùng đám phóng viên ít ỏi của nàng lật đật băng ngang mặt sân nhựa nóng bỏng trong công viên Lam Sơn. Mộït đôi lần Naomi ngoái lui, đưa mắt lo lắng nhìn lên khung cửa sổ. Nhưng Joseph không chịu đựng nổi ý nghĩ đưa tay chào vĩnh biệt vợ, anh vội vàng lùi xa khung cửa cho nàng khỏi ngó thấy. Rồi cảm thấy toàn thân như ngây ngây sốt vì mệt mỏi, Joseph ngã vật xuống giường. Anh nằm dang tay dang chân và lập tức lả người rơi vào giấc ngủ mê mệt.
Khi đi qua đường phố trống vắng, Naomi và toán phóng viên truyền hình cẩn thận dè chừng các cảnh sát viên Nam Việt Nam với vũ khí vẫn nằm yên trong bao súng đeo bên đai lưng. Họ đã bắt đầu giăng hàng rào kẽm gai chướng ngại vật ngang các vĩa hè nóng như gạch nung. Và các phóng viên hiểu rằng việc mình ra đi có phần nào phờ phạc với tay xách nách mang hết thảy đồ nghề là hình ảnh biểu lộ một sự xác định không thể chối cãi rằng rốt cuộc, Hoa Kỳ đang rút khỏi Việt Nam.
Những người phương tây ở Sài Gòn đều biết rõ thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan đã đưa lời cảnh cáo rằng nếu người Mỹ tính chuyện ra đi một mình, họ sẽ không sống sót mà tới phi trường. Chính ông tướng ấy trong vụ Tết Mậu Thân, lúc làm tư lệnh lực lượng cảnh sát của chế độ Sài Gòn, đã tự ý xử tử bằng cách đích thân bắn vào đầu một biệt động thành Việt Cộng đang bị trói, ngay trước máy ảnh và ống kính vô tuyến truyền hình. Mãi tới mười năm sau, theo tài liệu do nhà cầm quyền Cộng Sản công bố, người ta mới biết kẻ bị bắn đó là đại úy Bảy Lốp, một đặc công ngay sáng hôm ấy cũng vừa tự tay mình giết gọn một đại úy cảnh sát quốc gia và tất cả vợ con của viên đại úy ấy. Không người nào trong toán truyền hình của Naomi biết rằng ngay lúc này, thiếu tướng Loan cũng đang tất tưởi lo việc đào thoát lấy thân, không thể nào thực hiện nổi lời hăm dọa đẫm máu của ông ta. Giờ này, cùng chạy đua với Nguyễn Ngọc Loan và các tướng lãnh khác, hẳn cựu thiếu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ cũng đã quẳng thật nhanh các dàn bài diễn văn hô hào tử thủ để an tâm leo lên một chiếc trực thăng nào đó bay ra Hạm đội Bảy. Còn lại là vẻ thù hận trên mặt các cảnh sát đang đứng giữ trật tự, khi toán truyền hình đi ngang, khiến các phóng viên cảm thấy vừa hổ thẹn vừa phập phồng. Tại vài điểm ra đi bằng trực thăng, họ thấy lính Nam Việt Nam bố trí ổ súng đại liên trên các sân thượng kế cận, và vì thế, các nhóm thưa thớt ký giả tị nạn ấy lập tức bắt đầu lùng kiếm những bãi bốc an toàn hơn.
Vì cảnh sát và quân đội không còn giữ kỹ luật chặt chẽ, việc áp dụng giới nghiêm chỉ có tính cách lỏng lẻo. Bên ngoài vòng tường thành cao ba thước chung quanh Toà Đại Sứ Hoa Kỳ lúc mới bắt đầu buổi chiều đã tập trung sẵn một đám đông lên tới khoảng hai ngàn người. Nhiều người vừa gào thét hoang dại vừa đu mình lên cánh cổng cao bằng thép, nài nỉ và cố sức thuyết phục lính gác TQLC Mỹ rằng họ sắp bị thảm sát trong bàn tay Cộng Sản nếu không được lên máy bay di tản — nhưng lính chỉ cho vào những ai có giấy phép đặc biệt.
Trong khi lính TQLC ra sức chận đám đông dân chúng run sợ và mạt vận nơi cổng trước, các bộ trưởng, tướng lãnh và sĩ quan cao cấp Nam Việt Nam ve vẩy tấm giấy thông hành đặc biệt, nhẹ nhàng lách mình qua chiếc cổng bên hông khuôn viên sứ quán, phía đường Mạc Đỉnh Chi, để âm thầm vào xếp hàng cùng với các đám đông những người được ưu tiên di tản đang chờ sẵn bên trong. Từ chỗ chờ đợi của mình, mắt của họ có thể thấy các cụm khói đen đang bốc lên bên trên Tân Sơn Nhứt nơi lúc này vẫn đang hứng chịu hoả tiễn và đạn súng cối của Việt Cộng pháo kích từng chặp. Tiếng đạn pháo ầm vang dội trên mọi ngả đường thành phố kéo theo một tình trạng hỗn độn diễn ra khắp Sài Gòn.
Tới khoảng giữa chiều, các trực thăng khổng lồ Sikorsky Sea Stallion và Chinook bắt đầu dập dềnh vào ra khuôn viên Toà Đại Sứ. Mỗi chuyến chở sáu bảy chục người. Chẳng bao lâu sau, từ những đám đông bên ngoài, có những phát súng nổ lẻ tẻ bắn thẳng vào máy bay trực thăng. Người ta gọi máy bay trực thăng Cobra cắm tua tủa vũ khí tới để bảo vệ bãi đáp. Từ cửa sổ khách sạn Continental, Joseph thấy chúng lượn lờ một cách đáng ngại bên trên toà nhà sứ quán suốt buổi chiều.
Sau cùng, cú điện thoại của Tâm đến khoảng năm giờ rưỡi chiều, bảo Joseph phải tới thẳng trụ sở an ninh ở đầu đường Catinat. Tâm giải thích rằng viên cảnh sát trưởng đã lên đường ra Hạm Đội và người xử lý thường vụ nhận được lệnh tới bảy giờ tối nay sẽ thả hết ba trăm tù nhân chính trị đang bị họ giam giữ. Tâm đã điện thoại với viên sĩ quan trực ấy, sắp xếp cho Joseph gặp người đàn ông trong phòng trắng một mình — và đó là việc tối đa anh ta có thể làm được. Với nụ cười khúc khích độc đáo của mình, anh ta bảo rằng có lẽ cả hai sẽ gặp lại nhau trên nước Mỹ, rằng anh ta sắp đi ngay tới khuôn viên Toà Đại Sứ để bắt cho kịp chuyến bay của mình và rằng sau cùng, anh ta chúc Joseph tìm kiếm có kết quả.
Không đáp lại, Joseph gác máy, chạy như bay ra khỏi phòng. Trên đường phố, anh nghe tiếng hỏa tiễn pháo kích dồn dập Tân Sơn Nhứt. Những xe díp chở lính Nam Việt Nam chạy tới chạy lui ào ào. Máy truyền tin trên những chiếc xe không mui đó kêu lè xè với những câu trao đổi cáu kỉnh.
Mặc dù từ hai tuần nay, Sài Gòn không cho người tị nạn vào để đề phòng tái diễn tình trạng hỗn độn vừa xảy ra tại mạn bắc, nhưng các đám đông dân quê tay xách nách mang với con cái của họ đã bắt đầu xuất hiện giữa trung tâm thành phố. Nách kẹp mền chiếu, tay xách va li hoặc vai gồng gánh nồi niêu soong chảo, họ chạy lung tung khắp thành phố, không cần biết mình sẽ tới chỗ nào, miễn sao thoát được cơn bão lửa đã bị Cộng Sản đốt cho cháy phừng phực từ nơi quê quán của họ.
Tại bản doanh của Sở Liêm Phóng Pháp cũ, người dẫn Joseph tới xà lim là một sĩ quan an ninh mặt mũi như diều hâu, trên mình vẫn mặc cảnh phục. Hắn mở cửa căn phòng trắng cho Joseph. Trong khi chờ bước vào, anh thấy hắn không đứng lại để canh chừng hoặc để bật cho hoạt động trở lại các ống kính và mi-crô do thám đã tắt từ trước. Vào tới bên trong, Joseph phải mất mấy giây mới hết choáng váng trước diện mạo của Lật. Rồi trải qua mười lăm phút ngồi lom khom bên chiếc ghế đẩu của Lật, anh kể lại câu chuyện của mình. Ban đầu bằng tiếng Pháp, kế đó tới tiếng Việt và sau cùng chuyển sang tiếng Anh.
Ngay lúc Joseph bước loanh quanh trong xà lim trắng rợn người, cố dằn cơn tuyệt vọng càng lúc càng tăng cũng chính là lúc Lật lần đầu tiên mở miệng. Người vẫn giữ nguyên tư thế ôm chặt thân mình, đầu không ngẩng lên, Lật thì thào thật nhỏ tới độ thoạt đầu Joseph tự hỏi phải chăng mình đang tưởng tượng có giọng ai đó nói:
- Cho dù Tuyết Lương là con gái của anh đi nữa, tại sao tôi lại phải giúp anh?
Nghe tiếng nói của Lật, Joseph lật đật quay ngoắt người. Anh lại tới ngồi chồm hổm bên Lật. Trong một lúc lâu, anh đăm đăm nhìn Lật, không biết trả lời thế nào. Rồi anh dịu dàng nắm cánh tay của Lật:
- Anh Lật ạ, bảy năm trước, người ta mang tôi tới đây để nhận diện anh, anh còn nhớ không? Lúc đó, tôi nhận ra anh ngay và anh cũng nhận ra tôi. Nhưng vì thuở trước trên đường đời, chúng ta từng chen vai sát cánh bên nhau nên tôi không thể nói ra. Anh đã cứu tôi khi máy bay của tôi bị rớt và người y tá của tôi đã cứu được tính mạng của Hồ Chí Minh — chúng ta từng là bạn chiến đấu trong một thời gian và thật khó có thể quên điều đó..
Joseph bóp chặt cánh tay gầy guộc của người tù đang im lặng:
- Nhưng lúc này, những sự việc ấy đã ở đằng sau chúng ta. Chỉ lát nữa đây anh sẽ được tự do. Chính nghĩa của các anh đã chiến thắng. Sài Gòn sẽ thuộc về các anh trong vài giờ nữa và tôi hiện không có cách gì ép được anh giúp đỡ tôi. Nhưng anh Lật ạ, tôi xin anh giúp cho tôi vì cuộc đời của một thiếu nữ. Trinh là con gái của Tuyết, Tuyết là con gái của tôi, và cháu nó cũng là ruột thịt của anh!
Trước sự ngạc nhiên của Joseph, đôi mắt Lật rơm rớm nước mắt. Lần đầu tiên Lật nhìn thẳng vào mặt Joseph. Anh nói với giọng xúc động nghèn nghẹn:
- Điều anh nói đó thật đấy chứ? Có phải hôm nay các lực lượng của nhân dân đang trên bờ chiến thắng?
Joseph khắc khoải gật đầu:
- Đúng thật đấy anh Lật. Tất cả những gì tôi nói với anh đều là thật đấy.
Bộ mặt tiều tụy của người Việt Nam chợt dịu lại. Khi Lật quay qua nhìn Joseph lần nữa, miệng anh mở rộng để trơ ra hai hàng nếu không còn một chiếc răng. Lật ngồi như thế một lúc rồi Joseph thấy vẻ mặt Lật như ánh lên một nụ cười nhưng không nói gì thêm. Trong tuyệt vọng, Joseph chụp cánh tay của Lật lần nữa. Anh day mạnh:
- Anh Lật, ai có thể giúp tôi tìm ra Trinh? Anh phải cho tôi biết ngay lập tức.
Nụ cười cứng nhắc gần như nửa điên nửa dại ấy vẫn không chút nao núng:
- Tới số nhà 15 đường Phong Phú, Chợ Lớn. Ở đó có một nhà buôn người Hoa lấy tên là Wang. Bảo rằng anh đã trò chuyện với Người Hiểm Độc Rắn. Bảo rằng tôi ra lệnh cho anh ta giúp anh tìm cho ra đứa chắt ngoại của tôi tên là Triệu Hồng Trinh.
Joseph túm bàn tay xương xẩu của Lật, giữ chặt nó một chốc trong hai bàn tay mình. Rồi anh đứng bật dậy, chạy ra khỏi xà lim. Sau khi Joseph đi, Lật vẫn tiếp tục ngồi bất động trên ghế đẩu, khuôn mặt của chiếc đầu như sọ dừa của anh vẫn giữ mãi vẻ nhăn nhó, một cách khải hoàn.
Trăng Huyết Trăng Huyết - Anthony Grey & Nguyễn Ước