Đừng lo ngại cuộc sống sẽ kết thúc, hãy lo ngại cuộc sống chẳng bao giờ bắt đầu.

Grace Hansen

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 126
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3766 / 38
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
- 18 - -
gười dẫn chương trình Panorama: Toàn Cảnh, một tiết mục hội thoại thời sự có uy tín nhất nước Anh, cầm cuốn sách vừa xuất bản và đặt chênh chếch trên đùi mình để một trong mấy ống kính thu hình có thể lấy cận cảnh bức ảnh nơi bìa trước cuốn sách. Khi màn ảnh vô tuyến truyền hình trong các tư gia trên khắp nước Anh tràn ngập bức ảnh ấy, với hình một lính Thủy quân Lục chiến Mỹ bị thương và đang quằn quại trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân ở Huế, người dẫn chương trình bắt đầu đọc lời nói đầu cuốn sách. Một ống kính truyền hình từ đằng sau chầm chậm quét theo từng dòng và phóng lớn từng chữ:
“Trong buổi khai mạc hội nghị soạn thảo hiến pháp Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ năm 1787, George Washington đã nói: ‘Chúng ta hãy đề ra định chuẩn để người khôn ngoan lẫn người chân thật đều có thể thường xuyên theo đó mà hiệu chỉnh.’ Kể từ lúc đó, hầu hết các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đều ao ước điều hành đất nước theo đúng những nguyên tắc giản dị ấy. Thế nhưng hiện nay định chuẩn mà chúng ta đang theo để chiến đấu tại Nam Việt Nam, vốn đã được đề ra và giương cao bởi các Tổng Thống kế tục nhau suốt mười năm qua, trên một qui mô lớn, lại phát xuất từ những lý do không chỉ liên quan tới sự tự cao tự đại của cá nhân họ mà còn liên quan tới cảm giác tự hào dân tộc không đúng chỗ. Chính định chuẩn ấy hôm nay bay lượn chập chờn trên đầu hơn nửa triệu binh sĩ Hoa Kỳ tại chiến trường Việt Nam — nhưng sự thật càng ngày càng rõ rệt rằng chân thật và khôn ngoan đóng vai trò quá ít ỏi hoặc chẳng dự phần chút nào vào quá trình lập quyết định đưa chúng ta tham chiến và giữ chúng ta tiếp tục ở lại chiến đấu tại đó, cho dù hiện nay người ta đã thấy rõ rằng không bao giờ có viễn ảnh sở đắc được sự chiến thắng đáng ca ngợi nào. Thay vì chân thật và khôn ngoan, hiện nay hổ thẹn và kinh tởm đang lan rộng ở Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ và mọi nơi khác trên thế giới phương tây vì những hành động của chúng ta tại Đông Nam Á. Tôi tin rằng đã tới lúc tất cả những người ‘khôn ngoan’ và những người ‘chân thật’ ở bên trong cũng như bên ngoài chính quyền phải dừng tay lại. Chúng ta nên chấm dứt ngay lập tức sự can thiệp quân sự đầy tai họa tại Việt Nam và chận đứng ngay lập tức sự xuất huyết kinh hoàng mạng sống và của cải của nhân dân Mỹ, bằng không thì sẽ tiếp tục tới vô tận mà không mang lại bất cứ lợi ích nào cho cả Hoa Kỳ lẫn phương tây...”
Bộ mặt chữ điền của người dẫn chương trình, nghiêm nghị và cứng nhắc với lớp điểm trang làm nổi bật sắc mặt, lại quay về phía ống kính. Anh ta ngừng một chút để tăng thêm phần gay cấn cho ý nghĩa lời nói của mình và làm nó lắng sâu trong lòng khán giả:
- Đó là quan điểm của Joseph Sherman, tác giả một cuốn sách mới xuất bản về chiến tranh Việt Nam có tựa đề là “Người Mỹ Bị Phản Bội” — The American Betrayed — mà đang nhanh chóng trở thành cuốn thánh kinh của phong trào phản chiến hiện đang làm rối loạn nước Mỹ. Ông Sherman làm thông tín viên hải ngoại tại Á Đông vào thập niên 1950 và sau đó, là giáo sư môn nghiên cứu Á Đông tại Đại học Cornell, và chỉ mới cách đây hơn một năm, ông rút lui khỏi chức vụ cố vấn đặc biệt cho nhà cầm quyền Mỹ tại Sài Gòn, để viết cuốn sách này. Cuốn sách được ra mắt trong tuần lễ này tại đây, ở Luân Đôn. Vừa được phát hành tại Hoa Kỳ thì cuốn sách gây tranh cãi sâu rộng, một đằng lôi cuốn sự chỉ trích gay gắt của những người ủng hộ vai trò của Hoa Kỳ, một đằng chiếm được sự tán thưởng nhiệt liệt của những người chống chiến tranh về nội dung can đảm của nó...
Ống kính lùi xa người dẫn chương trình để cho thấy hình ảnh Joseph đang ở bên cạnh anh ta. Joseph ngồi ngượng nghịu trong lòng ghế giữa phòng thu hình. Một bên vai bị thương tại Huế mười bốn tháng trước đây lệch xuống gượng gạo, tạo cho thế ngồi của anh có vẻ cấn cái. Trong khi lời dẫn nhập tiếp tục, người đạo diễn chương trình ngồi trước một dãy màn hình trong phòng kiểm soát, bật nút một máy phát riêng hình Joseph và vẫn giữ nguyên giọng nói sang sảng và trang trọng của người điều dẫn. Ống kính xoay đều đặn, từ từ thu gần vào và cuối cùng đóng khung hẳn bộ mặt của Joseph, từ cằm lên mái tóc, với vẻ mặt vốn xanh xao và hốc hác sẵn vì vết thương hành hạ cả thể xác lẫn tâm hồn, lúc này nghiêm lại thành nét khắc khổ với đôi môi mím chặt.
- Ông Sherman vừa thành hôn với Naomi Boyce-Lewis, một phóng viên truyền hình Anh. Ông đến thường trú tại đây, ở nước Anh này — nhưng ông không phải là một nhà phê bình suông, không dính dáng gì tới cuộc chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ. Bản thân ông bị thương nơi vai trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân năm ngoái tại Huế. Và trong thực tế, sự can dự của gia đình ông vào cuộc xung đột đó có lẽ cũng đầy tính bi đát, không kéùm bất cứ gia đình nào tại Mỹ.
Người dẫn chương trình ngưng một chút, biết rằng những lời mình sắp nói hẳn sẽ gây buốt nhói cho người đang ngồi bên cạnh.
- Người con trai cả của ông Sherman, một đại úy lục quân, qua đời năm ngoái trong một cuộc phục kích tại một làng quê. Người con trai thứ của ông, một phi công không quân, bị bắt làm tù binh tại Hà Nội suốt ba năm và vừa được phóng thích. Còn nữa, một người em ruột của ông làm việc cho Bộ Ngoại giao bị đặc công Việt Cộng hạ sát trong cuộc đột kích của họ vào Toà Đại sứ Mỹ dịp Tết Mậu Thân — như thế, có lẽ ông Sherman là người có đủ tư cách và đủ độc đáo để có ý kiến về cơn quằn quại tại Hoa Kỳ do Việt Nam gây ra.
Ống kính rà cận cảnh khuôn mặt của Joseph, ghi nhận các sớ thịt nơi quai hàm của anh chuyển động thật lẹ và hai mắt anh nheo lại. Hàng triệu khán giả thấy anh nuốt xuống khó nhọc và hai mắt anh nheo nheo dưới ánh đèn thu hình chói lọi, rồi vẻ mặt anh điềm tĩnh trở lại.
Người dẫn chương trình nói tiếp:
- Nhưng có lẽ không có gì tiêu biểu cho cách thức mà cuộc chiến tranh Việt Nam hiện làm chia rẽ đất nước Hoa Kỳ hơn là sự kiện chính thân phụ của tác giả đang trở thành một trong những người chỉ trích gay gắt nhất cuốn sách đó. Cuộc tranh luận ấy mang thêm một ý nghĩa khác thường vì thân phụ của tác giả không ai khác hơn là Nathaniel Sherman, thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân Chủ, đại diện tiểu bang Virginia suốt bốn mươi năm nay. Ông là một phần tử lão thành của Thượng nghị viện và là một trong những khuôn mặt chính trị nổi tiếng rộng rãi nhất và mang nhiều sắc thái nhất... Thượng nghị sĩ Sherman hiện có mặt tại phòng thu hình của chúng tôi ở thủ đô Washington, đang chờ chúng tôi qua vệ tinh viễn thông truyền hình. Và ông đã vô cùng khả ái nhận lời tham gia cuộc hội thoại của chúng ta...
Trong lúc người dẫn chương trình dẫn giải, màn hình lớn phía trên anh ta được bật lên cho thấy đầu và hai vai của thượng nghị sĩ đang ngồi yên lặng nơi phòng thu hình ở Washington của đài BBC và đang thận trọng lắng nghe lời giới thiệu. Dù tuổi ngoài tám mươi, ngoại hình của ông vẫn rất bắt mắt. Vẻ mặt hồng hào, sắc sảo nhưng cẩn trọng. Mái tóc bạc như cước cùng đôi lông mày rậm khiến ông có phong thái chững chạc và trưởng thượng. Mặc bộ vét-tông trang nhã bằng vải lanh trắng, rõ ràng ông thích thú vai trò một chính khách cao niên khả kính. Và sự việc ông mất cánh tay trái không còn lôi cuốn sự chú ý của người khác vì ông hiện đeo một cánh tay giả.
Người dẫn chương trình hướng mặt về phía màn hình và nói:
- Kính chào Thượng nghị sĩ. Xin cám ơn ông đã vui lòng tham dựï với chúng tôi.
- Thưa anh, chính tôi mới là người hoàn toàn thích thú. Tôi sung sướng được có cơ hội đàm đạo với anh và với khán giả người Anh của quí đài.
Thượng nghị sĩ mỉm cười và khẻ nghiêng đầu với cử chỉ ghi nhận đầy vẻ thượng lưu. Khi Joseph nhìn lên bộ mặt được phóng lớn ấy trên màn hình, anh nhận ra cha mình, vốn lúc nào cũng vẫn là người trình diễn, đang theo phản xạ cố ý kéo dài cái giọng lê thê cố hữu của người Miền Nam để làm vui vẻ khán giả người Anh.
Người dẫn chương trình nói với vẻ tôn trọng:
- Thưa Thượng nghị sĩ, chẳng mấy chốc nữa chúng tôi sẽ thỉnh ý ông. Nay trước hết, chúng tôi xin được bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi cho con trai của ông hiện có mặt ở đây, tại Luân Đôn.
Anh ta quay sang Joseph, vừa hỏi vừa ghé mắt nhìn xuống bản ghi danh sách các câu hỏi đã được soạn sẵn:
- Thưa ông Sherman, trước hết xin yêu cầu ông giải thích cặn kẽ và rõ ràng tại sao ông tin tưởng hết sức mãnh liệt rằng Hoa Kỳ nên rút khỏi Việt Nam. Và có lẽ cũng xin ông vui lòng nói cho chúng tôi biết rằng kết luận như thế của ông là do chỉ dựa duy nhất vào sự phân tích có tính chi tiết về tình trạng tại vùng đất ấy — hoặc có phải dù sao đi nữa, nó còn bị ảnh hưởng bởi những đau khổ riêng tư mà Việt Nam gây ra cho ông?
Joseph không trả lời ngay. Người dẫn chương trình bỗng lo sợ rằng câu hỏi đầu tiên ấy có thể quá thẳng thắng và nhẫn tâm; anh ta ngước mắt lo âu nhìn vị khách Mỹ. Và anh ta sửng sốt khi thấy Joseph vẫn lãng đãng ngó lên hình ảnh của thân phụ truyền qua viễn thông. Nhưng rồi chỉ khoảnh khắc sau, dường như Joseph tập trung được tâm trí và quay sang đối mặt với người dẫn chương trình. Joseph nói với giọng tự chế:
- Việc mất một đứa con trai thân thể bị tan nát vì mìn bẫy và có một đứa nữa là đối tượng hành hạ suốt ba năm dài đồng thời bị làm cho trì độn, nhất định có góp phần vào vấn đề tập trung trí óc của tôi. Nhưng trong cuốn sách của mình, tôi kết luận rằng rút quân là sự chọn lựa hợp lý và duy nhất của chúng tôi. Các lý do đưa tôi tới kết luận ấy hoàn toàn dựa trên sự am hiểu và những cái nhìn vào nội tình mà tôi thu lượm được qua nhiều năm trời tôi có quan hệ với Việt Nam. Giờ đây, người ta đau đớn thấy rõ ra rằng nhân dân Hoa Kỳ đã và đang để cho xứ sở của mình bị trôi giạt vào cơn ác mộng hiện nay vì chúng tôi đã lơ là, không theo dõi chặt chẽ và đầy đủ các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của mình cùng với những động cơ của họ. Không ai trong chúng tôi có đầy đủ cảnh giác — nhưng vì tôi biết Việt Nam một cách mật thiết trong hầu hết cuộc đời của tôi, nên sau cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, tôi cảm thấy đau đớn cực độ về sự lơ là ấy của chính mình. Và vì bản thân tôi cũng chịu đau khổ tột cùng, tôi cảm thấy mình càng có thêm động cơ thúc đẩy để, bằng cuốn sách này, cố khôi phục sự cân bằng.
Trong khi Joseph nói, bên trên đầu anh, bộ mặt phóng lớn của thân phụ anh tối sầm lại, chứng tỏ sự bất đồng của ông. Ngay khi anh vừa chấm dứt, thượng nghị sĩ êm ái xen lời, không đợi mời. Với vẻ đáng tiếc, ông nói với người dẫn chương trình bằng giọng lịch sự đầy trau chuốt:
- Nếu tôi được phép đóng góp ý kiến về vấn đề này thì thưa điều dẫn viên, tôi muốn nói rõ quan điểm của mình ngay từ đầu. Tôi chống lại mọi hình thức “rút ra” dù nó được cổ võ bởi những kẻ gọi là bồ câu trắng trong Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington đây — hoặc bởi chính con trai của tôi đang ngồi bên cạnh anh tại nước Anh đó.
Với giọng tạ lỗi, người dẫn chương trình lẹ làng đáp:
- Tôi hiểu, thưa Thượng nghị sĩ, rằng ông rất nóng lòng muốn cho biết lập trường của ông trong cuộc tranh luận này, và chúng tôi cũng nóng lòng không kém muốn được nghe lập luận ấy, nhưng xin ông vui lòng chờ. Tôi muốn trước tiên được đặt thêm một đôi câu hỏi cho con trai của ông.
Anh ta xoay ghế đối mặt trở lại với Joseph:
- Thưa ông Sherman, thật là thẳng thắng khi ông thừa nhận mình không thể tách rời sự xúc động cá nhân để nó không can dự vào những luận cứ khách quan của ông về Việt Nam — nhưng phải chăng không có nguy cơ khiến cho việc ông tin rằng không thể thắng được cuộc chiến tranh ấy nảy sinh trực tiếp từ sự mất mát tới hai lần mà ông đang phải chịu — cùng với tâm trạng khắc khoải của kẻ đứng bên lề bất lực nhìn đứa con trai thứ của mình mòn mỏi vì bị làm tù binh chiến tranh tại Hà Nội?
Thêm lần nữa Joseph không trả lời ngay. Tiếng nói êm như nhung của cha anh và vẻ đáng tiếc vờ vĩnh trong giọng nói khi ông phát biểu, không che đậy nổi sự thù nghịch không nguôi, tiềm ẩn trong những gì ông có ý nói. Khi đồng ý tham gia chương trình hội thoại này với cha, Joseph đã nuôi niềm hy vọng mơ hồ rằng biết đâu những đau khổ riêng tư đang được cả hai cùng chia xẻ có thể góp phần giúp cho người ngoại cuộc cá nhân hóa sự thống khổ mà Việt Nam đang tạo ra ngay tại xứ sở của mình. Cùng lúc ấy, Joseph bỗng nhận ra trước đây mình đã hy vọng rằng, đối với hai cha con, một cuộc thảo luận công khai về các vấn đề có ý nghĩa đau đớn riêng tư đến thế, dù sao đi nữa cũng có thể kéo cả hai tới gần nhau hơn, đồng thời có thể đưa cả hai tới một loại thông cảm sâu xa nào đó trong quãng đời xế bóng của con người. Thế nhưng lối can thiệp dõng dạc của thượng nghị sĩ và lời ám chỉ cầu kỳ tới sự kiện bản thân Joseph hiện sống tại nước Anh làm anh nghi ngờ rằng cha mình đã hoạch định và sắp sẵn các nhận xét của ông một cách cẩn thận không kém việc sửa soạn các diễn từ có tính toán trước tại Thượng nghị viện.
Những ý nghĩ ấy rượt đuổi nhau trong tâm trí Joseph khi anh chuẩn bị trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình. Sau cùng, khi Joseph mở miệng, thay vì phát biểu một cách nồng nhiệt, giọng anh lại chán nản nguội lạnh. Anh nói trầm giọng:
- Chẳng có chút nguy cơ nào khiến tôi lẫn lộn những bi thương mà mình cảm thấy về các cái chết trong gia đình tôi với những tính toán sai lầm và hào nhoáng về chính trị đã gây ra các cái chết đó. Trước hết, tôi thành thật tin tưởng rằng chúng tôi đến Việt Nam với lý tưởng cao đẹp. Chúng tôi đã đặt vào đó uy tín của nước Mỹ với niềm tin rằng mình sẽ làm tốt hơn người Pháp. Thế rồi toàn bộ chính sách nằm trong tay những kẻ ở Bộ Ngoại Giao, Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài, những kẻ tự xem mình thuộc giới ưu tú nhất nước Mỹ. Trong khi thiếu nghiên cứu tường tận văn hóa của người Việt cùng các hệ lụy và các phức tạp trong dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam, thì để nhanh chóng đạt cứu cánh, những kẻ ưu tú ấy chỉ muốn điều hành chiến tranh theo lối đặt trọng tâm vào hoạt động quân sự, đồng thời muốn có loại chính quyền bản địa thích hợp với cách thức giải quyết chiến tranh theo kiểu của họ. Chúng tôi ngây thơ, tự tin, thiếu kiên nhẫn. Chúng tôi biến cuộc chiến tại Việt Nam thành cuộc chiến của Hoa Kỳ khiến cho nguyên cớ tham chiến bị xuyên tạc và chính nghĩa chống cộng của người Miền Nam bị xoi mòn. Chúng tôi hỗ trợ rồi dựng lên tại Sài Gòn các chính quyền được giả định là dân chủ, nhưng thực tế những kẻ cai trị đó không có năng lực điều hòa quyền lợi cá nhân của họ với quyền lợi tập thể của dân chúng. Vì thế, họ không xây dựng được những nền tảng căn bản cho một chế độ dân chủ và pháp trị. Và vì thế, người dân vừa thờ ơ với những chương trình kế hoạch của chính quyền vừa xa lánh các viên chức hành chính lẫn quân sự. Ban đầu họ không thoát ra được cái não trạng và quán tính của giới quan lại nam triều và thư lại thời Pháp thuộc. Tiếp đó họ là những tay quân phiệt thiếu thiện chí phục vụ, khả năng xây dựng và không chịu nhìn xa trông rộng. Nếu không có viện trợ Mỹ thì các chính quyền ấy không tồn tại quá năm phút. Họ nhân danh tình trạng chiến tranh để làm đủ thứ tệ hại còn chúng tôi nhân danh nhu cầu chiến thắng để bảo vệ họ. Do đó, hoàn toàn không thiết lập được những nền tảng căn bản cho một chế độ dân chủ mà vì nó quân dân Miền Nam chiến đấu và chúng tôi hỗ trợ họ chiến đấu. Như thế, thật là gian trá khi chúng tôi làm như thể mình đang bảo vệ một chính quyền dân chủ. Sự hiện hữu loại chính quyền phản dân chủ đó, sự can thiệp thô bạo của chúng tôi và việc sử dụng hỏa lực ồ ạt trước mỗi cuộc hành quân gây tang tóc cho dân quê, chỉ tạo thêm nguyên cớ cho đối thủ của chúng tôi tuyên truyền, để một mặt làm phá sản chính sách của Hoa Kỳ và làm uổng phí xương máu của quân dân Miền Nam, một mặt biến những gì gọi là hy sinh và khắc khổ của Việt Cộng trở thành quyến rũ. Bên cạnh đó, người Nam Việt Nam không ngồi lại được với nhau, và chúng tôi không thật sự có nỗ lực giúp cho họ có thể ngồi với nhau, để làm tiền đề giải quyết những vấn đề của họ nên không ai có thể giải quyết thay cho họ. Thêm nữa, để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến theo sinh hoạt chính trị bất nhất của Hoa Kỳ, chúng tôi có những can thiệp thô bạo, khi thế này khi thế nọ, rồi cuối cùng chỉ còn hai mục đích. Thứ nhất là ưu tiên duy trì sự ổn định tại Nam Việt Nam, khiến cho lạc mất nghĩa vụ góp phần xây dựng một thể chế dân chủ. Thứ hai là tìm cách làm vừa lòng dư luận nhất thời tại Hoa Kỳ trong các đợt bầu cử khiến cho xa rời lý tưởng cao đẹp ban đầu. Tình trạng lẩn quẩn ấy sẽ kéo dài tới bất tận bất chấp những tuyên bố dối trá và hào nhoáng vì tự ái dân tộc Hoa Kỳ và vì không dám thừa nhận rằng mình đang loanh quanh và vá víu. Hiện nay, Chiến tranh Việt Nam đang làm nước Mỹ ngày càng quằn quại chia rẽ, xứ sở Việt Nam ngày càng tan nát và dân chúng tại đó ngày càng đổ thêm nhiều xương máu. Lúc này toan tính chuyện thay đổi sự việc đó thì đã quá trễ — đó là lý do chúng tôi không thể thắng cuộc chiến tranh ấy.
Joseph cố ý giữ cho mắt không ngước nhìn màn hình trên đó đang lồ lộ bộ mặt của cha. Và anh thận trọng chỉnh lại thế ngồi, dựa thẳng vào lưng ghế, chờ câu hỏi kế tiếp. Tuy thế, người dẫn chương trình ngước mắt lên kiểm tra phản ứng của thượng nghị sĩ Nathaniel Sherman. Thấy vẻ mặt ông càng lúc càng nôn nóng nên anh ta quyết định rằng đã tới lúc kéo ông vào cuộc thảo luận để gây tác động tối đa. Anh ta nói nhanh nhảu:
- Thưa Thượng nghị sĩ, có lẽ lúc này ông đang muốn nói cho chúng tôi biết tại sao ông không chia xẻ quan điểm với con trai mình về việc không thể nào có khả năng chiến thắng tại Việt Nam?
Ông lão từ trong lòng ghế chúi người tới trước như xông trận và đằng hắng một cách gay cấn:
- Đúng thế, thưa anh. Những sự việc như cái chết của người trong gia đình tác động lên người này người nọ bằng những cách thức khác nhau. Đối với một số người này thì nó làm họ mất tinh thần và khiến họ muốn đầu hàng. Đối với một số người nọ thì nó làm bền vững thêm ý chí của họ và khiến họ quyết tâm hơn bao giờ hết để tiếp tục chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng.
Ông đột ngột ngừng lại, đầu vươn ra đằng trước trên chiếc cổ da nhăn thành nếp:
- Trong gần năm mươi năm phục vụ công chúng, tôi hãnh diện được công tác trong Ủy ban Quân lực của Thượng nghị viện Hoa Kỳ và tôi xin được nhắc nhở với khán giả quí đài rằng hiện nay, chúng tôi có lục quân lớn nhất, hải quân lớn nhất và không quân lớn nhất thế giới! Nhưng bất chấp thực tế ấy, chúng tôi vẫn bị sa lầy tại Việt Nam, chịu thương vong mỗi tuần lễ hai ngàn người, chẳng qua vì chúng tôi đang phóng ra nỗ lực chiến tranh trong những giới hạn do tự mình đặt ra cho mình. Cho tới nay, gần như chúng tôi bị lòng vòng trong thuật ngữ “chiến tranh hạn chế”. Con đường Trường Sơn vẫn là hành lang chuyển quân của Cộng Sản Hà Nội. Hải cảng Kampong Thom vẫn là nơi cập bến quân khí của Bắc Việt. Cambodia và Lào là đất bất khả xâm phạm đối với chúng tôi trong khi lại là nơi Cộng Sản ung dung lui vềà dưỡng quân, chấn chỉnh các đơn vị bị tổn thất. Cùng với sự tham chiến ồ ạt, nếu chúng tôi có một thoả hiệp với Lào cho phép quân Mỹ trú đóng, làm hàng rào băng qua Lào và Việt Nam theo vĩ tuyến 17, cắt ngang đường mòn Hồ Chí Minh thì chắc chắn chúng tôi thành công. Nếu quân Mỹ đóng chốt khắp các biên giới Việt-Lào và Việt-Miên thì lúc ấy, chúng tôi cô lập được chiến trường, chận hẳn nguồn tiếp tế nhân vật lực của Bắc Việt cho các đơn vị của họ ở Miền Nam. Lãnh thổ Miền Nam thành nơi cho các lực lượng phối hợp Mỹ Việt thay vì “lùng và diệt địch” thì “tảo thanh và giữ đất”. Nhưng cho tới nay, những kẻ lập quyết định vẫn không chọn đường lối đó vì không vượt qua nổi các hạn chế về ngoại giao và chính trị nội bộ. Nghĩa là, chúng tôi bị lẩn quẩn trong chủ trương “đánh mà đừng thắng”. Nếu chúng tôi hất tung các hạn chế đó, ném toàn bộ sức mạnh hải và không quân vào cuộc chiến thì lúc đó, Hồ Chí Minh bị buộc phải nhanh chóng ngưng lập tức cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta. Hai tiếng “chiến thắng” không làm tôi hoảng sợ như nó đang làm cho một số người hoảng sợ — nhưng để đạt chiến thắng, chúng tôi cần vận dụng ý chí quốc gia tới mức độ đầy đủ nhất của nó. Không phải chỉ vì đã chịu một hai bước thoái bộ tại rừng núi và nông thôn ở Việt Nam mà chúng tôi có lý do để bỏ rơi những nguyên tắc về sự cao cả, tự do và can trường vốn là đặc trưng của quốc gia chúng tôi từ khi nó ra đời...
Trong khi thân phụ tiếp tục trau chuốt quan điểm của ông bằng những cụm từ nghe thật kêu, Joseph chợt cảm thấy có nỗi thôi thúc đứng lên xin lỗi và rút lui khỏi cuộc phỏng vấn. Vì sau khi xuất viện tại Sài Gòn, Joseph bay thẳng đến Luân Đôn để gặp Naomi và ở lại Anh cho tới khi cả hai làm lễ cưới, nên đã hơn một năm hai cha con không gặp nhau. Lúc này, qua màn ảnh vô tuyến, việc khám phá ra rằng quan điểm cũng như thái độ của thượng nghĩ sĩ không giảm thiểu chút nào sau cái chết của Guy và Gary làm anh choáng váng và buồn thấm thía. Joseph thấy mình đang tự hỏi một cách phi lý rằng có phải việc thượng nghị sĩ tiếp tục điếc đặc một cách kiên quyết đối với số lượng ý kiến phản chiến ngày càng tăng, là phát xuất từ lòng tin tưởng thật sự hay chỉ vì ông không chịu đựng nổi việc thừa nhận rằng đứa con trai mà ông bất hoà với nó suốt đời, lần này lập trường của nó có thể hữu lý.
Trong khi giọng rề rề của cha tiếp tục vang lên sang sảng, Joseph cũng bắt đầu lo ngại rằng khi tới hồi sắp kết thúc, cuộc hội thoại tay ba này có thể làm lộ rõ những dị biệt trong cuộc sống giữa hai cha con hơn là phô bày sự ủng hộ của anh đối với việc Hoa Kỳ rút chân ra khỏi Việt Nam. Và khi hướng sự chú ý của mình về những gì đang được phát biểu từ Washington, Joseph kinh hãi nhận ra rằng lời ứng đối của thượng nghị sĩ đã trở nên cá nhân một cách sâu xa:
-...Có lẽ tôi nên làm rõ ra rằng Joseph, con trai tôi, và tôi, chúng tôi chưa bao giờ có chung quan điểm...
Nathaniel vừa nói vừa giữ một nụ cười quyến rũ để hoá giải tính chất độc địa trong lời lẽ của mình:
- Việt Nam không phải là vấn đề đầu tiên mà cha con chúng tôi bất hoà nhau. Về mặt tính khí, Joseph lúc nào cũng có khuynh hướng thoả hiệp hơn tôi; vì thế lập trường mà nó đưa ra trong cuốn sách này quả thật không khiến tôi ngạc nhiên bao nhiêu — dù tôi lấy làm tiếc khi thấy con trai mình đang chủ trương rằng chúng tôi nên cắt đứt và tháo chạy khỏi cuộc chiến tranh ấy bằng một cung cách mà sẽ mang lại sự nhục nhã cho xứ sở của chúng tôi.
Người dẫn chương trình cảm nhận được tâm trạng của Joseph đang càng lúc càng căng thẳng khi cha anh đối đáp nên anh ta quyết định không đặt câu hỏi xen kẽ nào. Thay vào đó, anh ta chỉ nhướng đôi lông mày và ngửa lòng bàn tay về phía Joseph, ý nói Joseph có toàn quyền trả lời.
Joseph nói với giọng căng thẳng:
- Tôi chỉ muốn giới hạn ý kiến của mình trong phạm vi các vấn đề được nêu ra. Vì tôi nghĩ rằng cái ý tưởng nguy hiểm nhất trong mọi ý tưởng là khi chúng tôi phát biểu rằng chúng tôi nên dồn nỗ lực quân sự mạnh mẽ thêm nữa. Nếu chúng tôi đưa một triệu lính Mỹ vào Việt Nam thì lúc ấy, họ sẽ gây thêm tan hoang và thậm chí hủy hoại những gì còn lại của xứ sở đó. Cuộc không tập của chúng tôi tại Bắc Việt không đóng góp chút nào vào những thành quả quân sự tại Miền Nam. Chúng không những đã chẳng bảo vệ binh lính của chúng tôi được chút đáng kể nào mà còn tạo cho chế độ Hà Nội có lý do cụ thể và cấp bách để khích động quần chúng Miền Bắc quyết tâm hy sinh thêm nữa, kéo dài cuộc chiến thêm nữa và đánh bại chúng tôi...
Không để người dẫn chương trình có thì giờ xen lời vào, Nathaniel cất tiếng nhanh như chớp:
- Thưa điều dẫn viên, tôi hoàn toàn không đồng ý chút nào với nhận xét đó. Nếu muốn đối đầu thành công với sự gây hấn của Cộng Sản thì chúng tôi cần hoạt động triệt để và cần huy động toàn bộ sức mạnh của đất nước vĩ đại của chúng tôi. Nhân dân Virginia, những người mà tôi đại diện, cũng giống như đại đa số nhân dân Hoa Kỳ, họ đều là những người yêu nước và cũng giống như tôi, hàng ngàn người đã mất con mất cháu tại Việt Nam. Cũng giống như tôi, họ đều tin tưởng rằng những tên Cộng Sản xâm lược Miền Nam ấy phải bị trừng phạt.
Ông lại ngừng một chút và mắt long lanh phản chiếu sự mãnh liệt trong lời ông sắp nói:
- Họ không giống như con trai của tôi! Đối với họ, niềm tự hào về xứ sở của mình không phải là một tội lỗi!
Cứng người trong lòng ghế, Joseph nhìn lên màn ảnh đang phóng lớn hình ảnh của thân phụ. Anh nói, giọng sắc gọn:
- Tôi chẳng bao giờ lên án bất cứ người nào chỉ vì họ tự hào về xứ sở của họ hoặc vì họ chống cộng. Nhưng cái loại tự hào giả dối và ngoan cố khiến cho một người hoặc một quốc gia không thể nào thừa nhận rằng mình đang lầm lẫn thì cần phải xem đó là loại gì — đó là một cung cách đi tới tai hoạ!
Tại Washington, Nathaniel Sherman rít mội hơi dài điếu xì-gà ông vừa châm. Trong một vài giây, ông cân nhắc làm sao kết thúc một cách đầy nhiệt tình khi người dẫn chương trình “Toàn Cảnh” mời ông phát biểu ý kiến đúc kết. Rồi thêm lần nữa ông đưa mắt lên nhìn thẳng vào ống kính, và thêm lần nữa nở một nụ cười đáng tiếc mà suốt cuộc thảo luận, lúc nào cũng lấp lánh trên vẻ mặt ông:
- Thưa điều dẫn viên, thật không phải là không có tác động lên độc giả của cuốn “Người Mỹ Bị Phản Bội” khi sách ấy đề cập tới các lãnh tụ của đối phương như Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp với những diễn đạt bằng lối nói đầy tôn trọng. Cuốn sách ấy cũng trình bày việc tác giả của nó từng gặp gỡ và làm việc ra sao bên cạnh những kẻ đó trong thời gian anh ta công tác cho OSS tại Đông Dương năm 1945. Một số ngườiø điểm sách ở đây, tại Hoa Kỳ, kết luận rằng những ảnh hưởng thuở trước ấy tồn tại trong tâm tư tác giả mạnh mẽ hơn những sự kiện gần đây. Một số khác còn vạch ra rằng cuốn sách ấy được xuất bản trong thời điểm tác giả của nó rời Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ đến sống tại Vương quốc Anh. Tôi tin rằng những người điểm sách ấy thậm chí còn có ý gợi cho thấy nhan đề của cuốn sách ám chỉ một cách xác đáng tới việc tác giả của nó quyết định quay lưng lại với di sản dân tộc đầy tự hào của mình hơn tới bất cứ việc nào nước Mỹ đang thực hiện tại Việt Nam nhằm ngăn chận sự bành trướng của Cộng Sản trên khắp thế giới.
Thượng nghị sĩ dừng lại, rít một hơi dài xì-gà, rồi thêm lần nữa mỉm cười nhìn thật sâu vào ống kính máy thu hình:
- Vì tác giả cuốn sách đó là con trai của tôi nên tôi xin được bác bỏ lời lên án của những người điểm sách ấy — nhưng với tất cả lòng chân thật, tôi buộc lòng phải thú nhận rằng, xét theo bề ngoài thì dường như họ cũng có được một đôi điểm.
Vì đang sôi giận, Joseph cảm thấy mình không thể nhìn lên màn hình đang chiếu bộ mặt tươi cười của cha. Và biết rằng ống kính đang chĩa thẳng vào mình, anh cố giấu cảm xúc nhưng mặt anh tái mét và các đốt ngón tay trắng bệt trên thành ghế.
- Ông có muốn trả lời thật ngắn gọn không, thưa ông Sherman?
Người dẫn chương trình vội vàng hỏi câu đó trong khi người điều hành tại chỗ ra hiệu với anh ta rằng sắp sửa bắt đầu nhạc hiệu để từ từ kết thúc chương trình. Joseph lắc đầu ảm đạm:
- Tôi chẳng có gì để nói thêm.
Người dẫn chương trình chưa kịp chận lại, Joseph đã đứng bật lên, sải chân qua phòng thu hình, bước vào chỗ tối. Naomi Boyce-Lewis đang đứng phập phồng quan sát cuộc hội thoại viễn thông trực tiếp ấy từ vị trí một bên cửa phòng thu hình, đưa tay ra an ủi Joseph khi anh bước tới phía nàng nhưng anh gạt qua một bên. Hai lá cửa phòng thu hình bật lui bật tới kêu lắc cắc trên bản lề, và Joseph giận dữ tiếp tục đi thẳng một mạch ra hành lang đầy bóng tối ở bên ngoài.
Thoạt đầu, đạo diễn của chương trình dội ngược vì sự bỏ đi bất thần của Joseph nhưng rồi kịp thời trấn tĩnh, ra hiệu cho chuyên viên thu hình tiếc tục quay chiếc ghế của Joseph, trống trải và gay cấn. Đằng sau nó, hiện ra lờ mờ hình ảnh của Nathaniel Sherman qua vệ tinh viễn thông. Dưới ánh đèn chói lọi trong phòng thu hình ở Washington, ông vẫn giữ vẻ kiên quyết, bập bập điếu xì-gà và cười tự tin nhìn thẳng vào ống kính cho tới khi nó lần lượt chiếu xong danh sách những người thực hiện cuốn phim.
Trăng Huyết Trăng Huyết - Anthony Grey & Nguyễn Ước