Những trận chiến lớn nhất chính là những trận chiến trong tâm trí chúng ta.

Jameson Frank

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 126
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3766 / 38
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
- 2 - -
rong lúc đó, cách căn hầm kiên cố của trung tá Paul Devraux năm cây số, trên sườn núi rậm rạp, Ngô VănĐồng - con trai lớn của kẻ từng có thời làm "bồi" trại săn cho thân phụ của Paul - căng người dưới sợi dây chão dài bện bằng cây rừng đang cứa từng lằn rướm máu trên hai vai trần của anh.
Miệng lầm bầm, người nhễ nhại mồ hôi, Đồng tiếp tay với một trăm bộ đội dưới quyền mình kéo khẩu trọng pháo Trung Quốc 105 li lên theo khe núi dựng đứng, dưới mắt nhìn khắc khổ của Đào VănLật. Lật mặc quân phục ka-ki, không đeo phù hiệu nhưng mái tóc sớm bạc và bộ đồ đại cán vừa vặn, thẳng nếp cho thấy anh là chính ủy cao cấp trong bộ tư lệnh của tướng Võ Nguyên Giáp và các cố vấn Trung Quốc.
Cứ mỗi lần khẩu đại pháo nòng dài thườn thượt nhích lên được vài ba phân trên triền dốc ngược, toán bộ đội pháo binh đang xúm quanh lại lật đật chêm mấy khúc gỗ súc to tướng vô dưới bánh xe cao su để chận không cho nó tuột trở lại. Mỗi lần như thế, Lật gật đầu tán thưởng và khích lệ. Sau mỗi lần đại đội dừng một chút lấy hơi, Lật lại cất giọng hò trầm bổng. Và bài hò ấy được lặp lại từ đầu tới cuối hàng người đẫm mồ hôi, bằng những âm thanh cao thấp khác nhau, rồi tất cả lại hè nhau kéo pháo:
Hò dô ta...nào!
Kéo pháo ta vượt qua đèo!
Hò dô ta... nào!
Kéo pháo ta vượt qua núi!
Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi!
Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...!
Đồng hô lớn từng chặp: "Keéoo! Kéo mạnh naày! Keeéooo... " Theo mỗi nhịp hô của Đồng, người trong đại đội lặp lại và ra sức kéo. Trên dốc núi đá lởm chởm họ rướn người căng cứng dưới mấy sợi dây chão. Bàn chân côät chặt đôi dép râu Bình Trị Thiên trượt rồi lại bấm, bấm rồi lại trượt. Cứ thế, khẩu pháo nặng nề nhích lên dần, từng chút một.
Suốt ba ngày nay đại đội của Đồng kéo khẩu trọng pháo ngụy trang ấy lên núi. Mỗi phút nó nhích lên chưa đầy một thước. Mỗi ngày chỉ trườn lên được bảy tám trăm thước. Để tiện việc kéo pháo, người ta dùng sức người bửa xuống nền đá vôi, đào một con hào dài, và đan các tán lá rậm thành một tấm lưới ngụy trang để giăng ngang che kín mặt hào và chuyền dọc bên trên khẩu pháo.
Khẩu pháo đại đội của Đồng đang kéo là khẩu cuối cùng trong hai mươi bốn khẩu đại pháo 105 li được Đại đoàn Công pháo 351 của lực lượng Việt Minh âm thầm kéo thành công qua năm trăm cây số đường rừng núi từ biên giới Trung Hoa tới Điện Biên Phủ. Hai mươi ba khẩu pháo kia đã được giấu thật kín trên các mỏm núi khác. Đại đội của Đồng được trao cho vinh dự chuyển khẩu pháo cuối cùng này vào vị trí như một công nhận thành tích chỉ huy can trường của anh trong các trận đánh trước đó.
Cũng như hôm qua, Đồâng và lính trong đại đội thức dậy từ lúc trời còn lâu mới rạng sáng. Dù lao tâm lao lực sẵn họ vẫn cố hết sức kéo pháo suốt mấy tiếng đồng hồ, và lúc này sức lực cũng như tinh thần bắt đầu kiệt dần. Lính trong đại đội đều biết rằng phải mất trọn một ngày nữa mới có thể kéo được khẩu đại pháo này lên tới chiếc hang ngụy trang được bộ đội công binh khoét sẵn nơi đỉnh núi đá bên trên họ. Đưa mắt hỏi ý Lật và thấy chính ủy gật đầu, Đồng ra lệnh ngừng lại.
Trong số những người dưới quyền Đồng, nhiều bộ đội chỉ là thiếu niên mới mười mấy tuổi. Vừa có lệnh nghỉ ngơi ăn uống, các cậu lập tức cảm thấy mệt lã, nằm vật xuống các đống đá trên sườn núi. Phải mấy phút sau, cả đại đội mới lê nổi thân mình dậy rồi ngồi nhai ngấu nghiến, nuốt lấy nuốt để suất ăn gồm chỉ mấy nắm cơm vắt. Nhìn lính ăn, Đồng lại nghĩ tới một năm rưỡi trời tàn mạt anh đã trải qua trong đồn điền Vị An.
Cũng y hệt những chàng trai trước mặt, Đồng và chú em Học thường đói tới rã họng, bả người nằm vật xuống giữa hai hàng cây cao su, cố nhai nuốt suất cơm còm cỏi. Nhưng thuở đó, điều độc nhất hai anh em quan tâm tới là làm sao giữ mạng sống trong hoàn cảnh ăn ở và làm việc như súc vật do các chủ đồn điền tây thực dân an bài cho cu-li. Hôm nay, thế hệ trai trẻ mới này ít ra cũng được trao cho cơ hội chiến đấu giải phóng bản thân thoát khỏi bọn thực dân Pháp cừu thù đã đô hộ dân tộc Việt Nam trong một tám mươi năm dài dằng dặc. So với một Học cơ khổ và tử nạn, họ may mắn biết mấy! Chưa vào trận, gia đình họ đã được cấp ruộng sau đợt cải cách ruộng đất đặc biệt để tạo khí thế cho chiến sĩ Điện Biên. Giờ đây, dù sức lực gần cạn kiệt không kém Đồng và Học thuở trước nhưng họ đang có niềm hãnh diện và phẩm cách của người lính!
Xúc động bởi những ý nghĩ ấy, Đồng bắt đầu trầm lặng đi tới đi lui giữa các chiến sĩ trẻ trong đại đội. Nhân lúc các cậu ngồi nghỉ thành từng cụm, Đồng lần lượt nói với mỗi nhóm đôi lời khích lệ. Nhóm nào cũng kính cẩn lắng nghe và gật đầu trước khi anh bước qua nhóm kế tiếp vì các cậu đã biết tới tiếng tăm của anh và đều xem anh như tiêu biểu cho hình ảnh một chiến binh anh hùng. Lính dưới quyền của Đồngï biết rằng hai vai co rút và lưng cong như lưng tôm của đại đội trưởng mình là di chứng của những lần chịu tra lấn và những năm dài lom khom trong các xà lim ở đảo Côn Lôn nơi anh chịu khổ sai sau ngày bị bắt tại Huế vào năm 1936. Rồi sau đợt phóng thích năm 1945 và sau ngày cha hy sinh tại Tòa thị chính Sài Gòn trong diễn biến đảo chánh của Pháp rạng sáng 23.9 cùng năm, Đồng lập tức ra bắc tìm Đào VănLật, xin được trực tiếp chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh ở phương bắc. Anh được Lật cất nhắc đem vào học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây với giáo quan là các võ quan Nhật Bản không chấp nhận ra hàng Đồng Minh, đào ngũ ở lại Việt Nam. Khóa của Đồng là khóa đầu tiên do tướng Võ Nguyên Giáp đích thân chủ tọa lễ khai mạc.
Không bao lâu sau ngày bùng nổ cuộc kháng chiến vào tháng Mười Hai năm 1946, nhờ sự dũng cảm và lòng căm thù người Pháp tận xương tủy, Đồng được điều phối tác chiến trong các đại đoàn chủ lực quân của bộ đội Việt Minh. Khác với Lật lúc nào cũng dứt khoát với Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đồng cảm thấy quá khứ ấy là cái gì đó thiêng liêng và trân quí. Nó triền miên vương vấn, ẩn thật sâu chôn thật chặt trong máu huyết, hòa thành nhân cách và nhân phẩm của anh. Bên cạnh đó, tâm tư anh vẫn thoải mái vì thấy mình đang kế thừa sự chọn lựa hàng ngũ cộng sản của người cha liệt sĩ và của Lật, kẻ anh tôn kính như một người thầy. Vốn ít học, chỉ thích hành động, anh không muốn mình dao động thao thức với những điều anh xem là trừu tượng. Trong khi đó, khí thế bừng bừng của những ngày cách mạng mùa thu rồi trường kỳ kháng chiến choán chật tâm tư anh và lôi cuốn thể xác của anh đi khắp các chiến trường. Việc trước mắt là phải làm sao hạ cho được đồn Tây và giữ cho mình sống sót. Bất chấp những lời nói ra nói vào của mấy người bỏ về thành, với anh và trước mắt anh chỉ Việt Minh mới có đủ khả năng giúp anh giết sạch bọn Tây, để vừa trả được thù nhà của cha và mẹ và chú em Học vừa chiến đấu cho đất nước được độc lập tự do.
Tám năm dài kháng chiến, với dáng người cao lêu khêu và hai vai xuôi Đồng trở thành một hình ảnh quen thuộc làm nức lòng đồng đội trong những cuộc chạm trán kiên cường của Trung đoàn 59 thuộc Đại đoàn 312. Và Đồng được cất nhắc ban đầu là tiểu đội trưởng rồi nhanh chóng lên tới đại đội trưởng. Suốt bốn năm chiến tranh qui mô nhất và rất đẫm máu vừa qua, Đồng bị thương nặng nhẹ không dưới chục lần. Lúc này anh vẫn còn mang trong vai mấy mảnh đạn không thể gắp ra của một quả lựu đạn nổ làm anh suýt tử trận trong chiến dịch Cao Bằng cuối năm 1950.
Trong lúc Đồng di chuyển giữa những người lính thuộc quyền với thái độ ân cần, Lật đưa mắt chăm chú nhìn theo anh và ghi nhận nét mặt của bộ đội biểu lộ vẻ tán đồng cùng khâm phục người chỉ huy của mình. Đi giáp một vòng, Đồng tới ngồi bên Lật. Nhè nhẹ vỗ vai người đại đội trưởng, viên chính ủy chiến dịch nói trầm giọng:
- Đồng chí chỉ huy rất tốt đại đội của mình, ăn ở với anh em rất khéo léo và biết cách triệt để động viên anh em.
Đồng gật đầu cám ơn nhưng mặt vẫn hằn nét lo âu:
- Đồng chí chính ủy ạ, anh em trong đại đội có những người đứng không vững nữa. Ngó họ tôi nhớ lại những ngày niên thiếu của mình nơi đồn điền cao su. Bọn chủ Tây thường bắt chúng tôi làm việc cho tới khi ngồi không nổi - nhưng nay thời thế đã khác. Chúng ta đang có trong tay đúng loại súng ghê gớm như thế này, để có dịp bắn trở lại và bắn tan xác bọn khốn kiếp đó.
Trong một chốc, Lật trầm ngâm nhìn con người chất phác vừa nói ra những lời chất ngất thù hận, rồi anh cất tiếng, giọng khuyến khích:
- Đồng chí Đồng ạ, tại sao anh không đem câu chuyện đó kể cho lính của anh nghe. Nó có thể giúp anh em quên hết mệt nhọc, làm anh em lên tinh thần và toàn thể đại đội ra sức phấn đấu hết mình.
Đồng gật đầu tuân lệnh. Lột chiếc mũ lá gồi xuống, anh nhón chân đứng lên rồi huơ mũ trên đầu ra hiệu mọi người chú ý. Bằng giọng run run xúc động Đồng kể lại cuộc sống của mình nơi đồn điền. Ban đầu lắp bắp nhưng càng nói càng trôi chảy, anh tả lại những nhà lán mái lá dột nát, thần chết bám sát suốt ngày đêm trong từng cơn sốt rét ác tính, lần đào huyệt chôn một đồng nghiệp qua đời trong rừng ảm đạm lúc trời tờ mờ sáng.
Lúc nói tới những trận đòn thù của gã cai Đức Anh dưới hai con mắt gườm gườm giám trận của lão Corse quản đốc đồn điền cao su, mặt Đồng xanh rờn căm thù. Khi kể tới đoạn cậu em Học vừa gào thét không ra hơi vừa bị lôi xềnh xệch ra khỏi nhà lán mái lá trong đêm mưa bão, giọng anh khản đặc và nghẹt lại trong cuống họng. Trên khu đất quanh chỗ anh đứng, các bộ đội ngừng nhai cơm, ngóng chiếc cổ mệt rã rời lên nhìn anh, chờ đợi.
Đồng tằng hắng mấy cái cho thông cần cổ rồi nói với giọng dữ dội:
- Học, chú em của tôi, bị một thằng Tây mộ phu mê trai hãm hiếp. Nhưng ngay sáng hôm sau, em tôi vùng lên. Với ngọn mác của chính mình, chú ấy chặt đứt cổ lão Tây Corse quản đốc ngay trước mặt mọi người. Rồi khi các cu-li khác tận mắt thấy hành động đó, họ hè nhau vùng lên tấn công bọn Tây còn lại. Nhưng vì chúng tôi ngu dốt và kém tổ chức, cuộc nổi loạn bị đè bẹp. Một năm sau, chú em tôi bị giặc Tây sát hại bằng cái máy chém bẩn thỉu của chúng. Mẹ tôi cũng bị giặc Tây giết trong nhà tù hôi hám. Tới năm 1931, cha tôi bị thương nặng suýt chết khi máy bay của bọn Tây dội bom và bắn súng máy vào giữa ba chục ngàn người tuần hành ôn hòa ở Vinh... Dù bị liệt một tay, năm 1945, ông vẫn tiếp tay lãnh đạo Việt Minh cướp chính quyền ở Sài Gòn. Lúc tôi mới được thả khỏi đảo Côn Lôn mấy tháng, bọn Tây giết cha tôi và đánh phá chính quyền mới mẻ của chúng ta...
Lời của Đồng lúc này tuôn ào ào như dòng nước chảy xiết. Cảm thấy tức ngực, anh dừng lại lấy hơi thở. Trong lúc anh đứng ngó quanh chờ xem phản ứng của Lật, viên chính ủy khẻ gật đầu như kín đáo bày tỏ lòng chia xẻ và tán thưởng.
Quay lại nhìn các bộ đội của mình, Đồng tiếp tục:
- Các đồng chí ạ, câu chuyện đó không phải là chuyện hiếm hoi, chỉ xảy ra cho riêng tôi. Các bộ đội đang có mặt ở đây, hầu hết đều có cha mẹ, chú bác hoặc anh em họ hàng cũng từng chịu đau khổ không kém gì tôi. Hiện nay tôi có vợ có con. Mỗi lần vợ tôi sinh một đứa con, tôi thề trên đầu đứa con ấy rằng nó sẽ không bao giờ chịu đau chịu nhục giống như tôi đã chịu. Vậy thì hôm nay, hỡi các đồng chí, có phải chiến trường Điện Biên Phủ này là nơi chúng ta hiên ngang chứng tỏ cho thực dân Pháp bẩn thỉu thấy rõ những gì khốc liệt chúng ta đang sửa soạn sẵn cho bọn chúng trong suốt bao nhiêu năm trời căm thù và chờ đợi không?
Cơn bùng nổ mãnh liệt của Đồng làm các bộ đội dưới quyền anh choáng váng không nói nên lời. Nhưng dù mặt lộ vẻ xúc động, họ vẫn nhìn Đồng với ánh mắt còn đôi chút ngờ ngợ về thảm cảnh của cả nhà anh. Thấy thế, Đào VănLật lẳng lặng bước tới bên Đồng, đặt tay lên vai viên đại đội trưởng. Lật nói với giọng điềm đạm, cân nhắc từng tiếng:
- Các đồng chí ạ, tôi có thể góp phần làm chứng cho câu chuyện rất cảm động và rất thật của người chỉ huy can trường của các anh. Tôi đã cùng sát cánh với hai cha con anh ấy trong cuộc tuần hành tại Vinh. Chúng tôi đã tận mắt ngó lên và thấy máy bay của bọn Tây nhào xuống, ném bom, vãi đạn tàn sát ba vạn nông dân hiền lành, trong đó có thể có thân nhân họ hàng của vài đồng chí đang ngồi ở đây. Hàng trăm đàn ông, đàn bà và trẻ em vô tội bị giết - và các đồng chí ạ, trong số những người bị giết ấy, có một người tôi hết lòng thương yêu.
Lật ngừng nói. Thêm lần nữa anh dò xét cẩn thận nét mặt của từng người lính trẻ chung quanh. Mặt họ lộ vẻ chăm chú. Lật hài lòng thấy hành động can thiệp lão luyện của mình đã lập tức thu hút tâm trí của họ. Anh nói tiếp:
- Các đồng chí ạ, đó là một người con gái rất trẻ và rất đẹp. Hơn nữa, người con gái ấy yêu nước nồng nàn và cực kỳ dũng cảm. Tôi yêu cô ấy và cô ấy yêu tôi. Sáng hôm đó tại Vinh, cô đi biểu tình bên cạnh tôi. Và cùng với các nông dân, cô hiến thân cho công cuộc bảo vệ ruộng vườn, giải phóng tổ quốc của chúng ta thoát khỏi sự tham tàn của bọn ngoại bang. Cái chết của cô làm tôi đau đớn cực độ và sầu thảm vô cùng. Rồi kể từ giây phút đó, suốt đời này, hằng ngày tôi sống trong đau khổ và căm hận vì chính tôi là người phụ trách tổ chức cuộc biểu tình đó.
Trong vài ba giây Lật cúi đầu thật thấp, cố làm cho những hồi tưởng của mình lắng xuốngï. Khi ngước lên, đôi mắt Lật đỏ au và rực lửa như thể toàn thân anh đang sống lại cơn đau dữ dội ấy:
- Các đồng chí ạ, đối với tôi, nỗi thống khổ ấy thật không kể xiết vì trước hôm xảy ra chuyện kinh hoàng đó, chúng tôi đã cùng nhau lập một cam kết đặc biệt - tự mình chối bỏ những khoái cảm yêu đương xác thịt vì lợi ích của tổ quốc chúng ta! Thuở đó, tôi sợ rằng mình sẽ thường hay phung phí năng lực để đuổi theo những ham muốn nhục dục, vì thế, để hiến thân trọn vẹn cho chính nghĩa cách mạng, tôi đã cầm dao lên loại bỏ khỏi cơ thể đầy sức sống của mình cái phương tiện hưởng lạc hoang phí!
Đào VănLật dừng lại, đứng thật yên trong khoảng mười giây. Với dáng điệu gay cấn, anh nhìn chằm chặp lên đỉnh núi, đồng thời khắp khuôn mặt toát lên nỗi đau đớn anh thật sự cảm thấy mỗi lần nhớ lại lần tự hiến đó. Các bộ đội trẻ, vốn từ trước đã có lòng ngưỡng mộ Lật theo tập quán xưa nay của dân tộc Việt dành cho những người học rộng và sống cách biệt, lúc này sửng sờ vì sự đột ngột biểu lộ tâm tình và cảm xúc của vị chính ủy bộ tư lệnh. Khi ý nghĩa những lời Lật nói lắng sâu trọn vẹn trong tâm tư họ, họ đăm đăm nhìn lại anh, im lặng kính sợ.
Tới đây, Lật thấp giọng tâm sự:
- Đó là chuyện xảy ra hai mươi bốn năm về trước. Từ đó tới nay, tôi không bao giờ hối tiếc sự hy sinh lớn lao mình đã làm. Tôi cũng chưa bao giờ dao động cái quyết tâm giải phóng đất nước vào một ngày nào đó. Từ gần hai mươi lăm năm nay, tôi tự nguyện phục vụ sát cánh với cụ Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp. Và giờ đây, tại Điện Biên Phủ này, rốt cuộc chúng ta đang ở rất gần thời điểm nắm trong tay cái thành quả mà chúng ta mơ ước hằng ngày, từ thuở ban đầu cho tới suốt những năm dài đăng đẵng vừa qua. Lịch sử đang chọn các đồng chí và tôi để bảo vệ ruộng vườn của mình và đất nước của chúng ta. Lịch sử đang chọn hết thảy chúng ta đây để hoàn thành kỳ vọng của hàng triệu người Việt Nam yêu nước đã chết trong gông cùm xiềng xích. Chúng ta không bao giờ để cho công lao của họ bị uổng phí!
Ngừng một chút, Lập nhìn rừng núi trùng điệp:
-Vào lúc các đồng chí ngồi đây, hàng chục ngàn đồng bào chúng ta, trong đó có anh em bà con của các đồng chí, đang thi gan cùng gian khổ, âm thầm bước từng bước dân công qua hàng trăm cây số đường rừng. Họ đang đẩy từng chiếc xe đạp, thồ gạo và đạn dược để tiếp tế cho chúng ta đánh thắng trận giặc này. Bọn giặc Tây tưởng rằng chúng ta không tiếp tế nổi cho một đạo quân năm chục ngàn bộ đội tại góc trời heo hút này của rừng núi Bắc Việt. Nhất là, bọn chúng cho rằng chúng ta không bao giờ đưa nổi loại trọng pháo này lên đỉnh núi trên cao kia. Nhưng bọn chúng lầm, lầm ghê gớm. Chúng ta xem kẻ nào nói tới hai tiếng thất bại tức là kẻ dám sỉ nhục chúng ta, vì ngay trên cơ thể của mỗi người ở đây đều có bằng chứng về xương máu của mình đã đổ ra. Các đồng chí có muốn xem bằng chứng cụ thể của tôi không?
Không chờ tiếng trả lời, Lật mở tung hàng nút đằng trước ngực áo ka-ki của mình. Anh cởi phăng áo, thả xuống đất sát một bên chân rồi ưỡn lồng ngực trơ xương ra trước mặt bộ đội. Những người lính trẻ sửng sờ thấy một nửa thân thể còm cỏi, héo hon và xanh xao của vị chính ủy chiến dịch.
- Các đồng chí, dù kiệt sức chúng ta cũng sẽ không phụ lòng những người đã đặt niềm tin vào chúng ta - và điều quan trọng hơn cả là - chúng ta sẽ không phụ lòng mình và phản bội lại lời hứa của mỗi người trước khi lên đường làm chiến sĩ Điện Biên, rằng sẽ đánh tan giặc Pháp và kiên quyết bảo vệ ruộng vườn làng mạc của mình. Đồng chí Đồng và tôi, chúng tôi đã khổ nhục khôn xiết trong bàn tay của bọn Tây. Nay chúng tôi sẵn sàng đưa hết hơi sức cuối cùng của mình ra để kéo khẩu pháo này lên đỉnh núi kia. Các đồng chí rất trai trẻ và rất dồi dào sinh lực, các đồng chí hãy tiếp chúng tôi một tay - làm ngay lúc này và làm bất cứ lúc nào trong trận đánh vinh quang sắp tới. Khi đó, chúng ta đuổi được bọn Tây ra khỏi quê hương Việt Nam, bảo vệ đất đai của tổ quốc, lấy lại độc lập tự do cho dân tộc, và đạt được cái chiến thắng vĩ đại sau cùng mà cha ông chúng ta đã mơ ước và đổ xương máu suốt cả trăm năm nay!
Quay nghiêng người, Lật cúi xuống cầm lên sợi chão cột sẵn vào khẩu đại pháo nòng dài. Luồn dây chão vào hai vai trần và lồng ngực èo uột của mình, anh bấm chân, nhớm mình rướn lên núi. Nghe Đồng hét lên thật lớn, hô đại đội tiếp tay, các bộ đội bật đứng dậy, trăm người như một, reo hò tở mở. Chỉ mấy giây sau, tất cả lại oằn người, rướn hết sức mình, cùng nhau cất cao bài hò kéo pháo:...
Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi!
Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...!
Khẩu pháo nặng nề lại chầm chậm nhúc nhích rồi giật mạnh, từ từ tiến lên phía hang đá. Từ chỗ trên đầu giặc đó, đúng thời điểm xung trận, nó sẽ bắn thẳng xuống và bắn ào ạt những quả đại bác đầy tử khí lên đầu giặc Pháp ghê tởm và cừu thù, đang bị bao vây trong lòng chảo bít bùng phía dưới.
Trăng Huyết Trăng Huyết - Anthony Grey & Nguyễn Ước