Đôi khi cố gắng hết sức cũng chưa đủ, mà còn phải làm những gì cần làm.

Sir Winston Churchill

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 126
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3766 / 38
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
- 6 - -
ào buổi sáng bắt đầu cuộc Lễ Tế Trời, Joseph thoạt đầu chỉ cảm thấy có chút lờ mờ quen nào đó trên nét mặt của người Pháp đang nhìn anh với ánh mắt chăm chú và nghi hoặc khi hắn bước vào phòng lễ tân của khách sạn Morin nơi anh trọ. Rồi với sự linh hoạt của ký ức, anh bỗng dưng nhớ tới người lạ lưng khòm anh từng gặp trên đường phố Sài Gòn mười một năm trước, ngay khi vừa chứng kiến cảnh những người tù An Nam kéo xe chở đá thải, chân tay xiềng xích và bị đánh đập tàn tệ.
Kẻ trong phòng đợi sáng nay cũng có nước da giống y như thế, tựa thứ da khô khan và bệnh hoạn, dính hờ hửng trên khuôn mặt xương xẩu. Đôi mắt vàng khè chìm sâu trong hai hốc mắt u tối. Khi hắn tới gần, Joseph có cảm giác mình ngửi ra cái mùi kéo ngược mình lùi trở lại mười một năm về trước, cũng một mùi xỉn mốc y như thế trong y phục của hắn, để lộ cho thấy hắn là kẻ ghiền á phiện.
Kế đó, với cảm giác choáng váng thấy rõ, Joseph biết ra mình lầm. Bộ mặt già nua, hư hao cằn cỗi này và cái mùi đó không phải là của gã tây thuộc địa khinh khỉnh từng cao giọng lên lớp Chuck và anh trong một thoáng chiều tà trên đường phố Sài Gòn vào năm 1925, vì kẻ anh hiện thấy tại Huế trước mắt mình lúc này chính là Jacques Devraux.
Người Pháp ấy không hạ ánh mắt dò xét xuống cho tới khi Joseph dừng chân trước mặt hắn. Rồi hắn đưa tay ra và cười như thể xin lỗi:
- Bỏ qua cho việc tôi đã nhìn anh như thế. Nhưng khi anh vừa bước vô cửa, tôi thấy giống hệt người anh ruột của anh. Trong một lúc tôi cứ tưởng mình nhìn lầm.
Joseph ngần ngại, không muốn có bất cứ sự đụng chạm thân thể nào với người đàn ông đứng trước mặt. Anh đã kỳ vọng một cách vô lý rằng Jacques Devraux vẫn y nguyên như ngày cũ - để anh còn soi thấy trong hắn một hình ảnh anh hùng và im lặng, ngay mấy ngày đầu mới gặp, đã tự nó ghi khắc sâu đậm vào tâm trí mười lăm tuổi đầy nhạy cảm của anh, đặc biệt trong chuyến dong ngựa đầu tiên vào rừng.
Dù ý tưởng thấy lại con người ấy thêm lần nữa gây cho Joseph tâm trạng phiền muộn và chua xót nhưng sự sa sút đáng ngạc nhiên trong diện mạo của kẻ từng có thời là người hướng dẫn săn bắn tinh mắt làm nảy sinh và tràn ngập trong anh một cảm giác mới: khinh miệt. Theo sự dồn ép của bản năng, Joseph định phớt lờ cử chỉ chào đón ấy của người Pháp nhưng rốt cuộc quán tính đã thắng. Anh miễn cưỡng chìa bàn tay và nói:
- Việc đó chẳng thành vấn đề. Tôi đã quá quen với chuyện người ta nói tôi giống anh Chuck. Paul cũng nói y như vậy.
Trong không khí im lặng ngượng nghịu tiếp đó, Joseph thấy đôi mắt của Devraux bám lơ lửng trên bộ đồ lặn còn ướt đẩm, quấn trong chiếc khăn tắm anh cặp dưới nách, rồi vờn lên mái tóc chưa khô hẳn của anh:
- Dù sao Joseph ạ, đó cũng là một trải nghiệm không mấy thích thú. Tôi xin lỗi.
- Chẳng có gì quan trọng. Xin phép cho tôi hỏi, làm thế nào ông biết tôi đang ở Huế.
- Paul đánh điện từ Sàigòn ra cho tôi. Nó bảo tôi rằng anh đang viết một cuốn sách.
Devraux nói bằng thứ tiếng Anh lơ lớ trước đây nhưng với giọng đều đều chậm chạp như thể lúc này hắn không muốn hao hơi tốn sức. Thỉnh thoảng lời của hắn vấp váp:
- Paul năn nỉ tôi phải bảo đảm kiếm cho anh một chỗ thuận lợi nhất để xem thật rõ cuộc tế lễ. Hôm qua tôi có để lại đây mấy chữ, nói rằng tôi có thể sắp xếp một chỗ như vậy cho anh. Tôi tin anh đã nhận được.
- Vâng, tôi có thấy nó. Cám ơn ông.
Tờ giấy đánh máy hôm qua chuyển cho Joseph lúc anh vừa từ lăng Minh Mạng trở về, đại ý ghi rằng: “Chỉ huy trưởng Liêm Phóng Trung kỳ đã chờ anh tối qua và sẽ gọi lại sau bữa ăn sáng nay”. Joseph đã quyết định nếu không thể tránh gặp mặt, anh sẽ cố chỉ giữ vẻ lịch sự, không hơn không kém.
Bên ngoài khách sạn, đường phố Huế treo đầy cờ long tinh và các biểu ngữ với những câu chúc tụng và loan báo điềm lành, đang nhanh chóng tràn ngập các đám đông dân bản xứ nườm nượp kéo tới để có thể xem cảnh đám rước và chiêm ngưỡng long nhan thấp thoáng của Hoàng đế Bảo Đại. Joseph hoa tay về phía cửa sổ, theo hướng những đoàn người đang đi:
- Đã khá trễ. Tôi tới đó bằng cách riêng của mình có lẽ tiện hơn; chỉ cần đôi ba phút sửa soạn.
Devraux nhún vai:
- Xin tùy anh. Nhưng theo lời yêu cầu của Paul, tôi có chuẩn bị phương tiện đặc biệt cho gia đình họ Trần, và thật sung sướng nếu được đưa anh vào chung nhóm với họ. Nếu đi riêng anh chỉ có thể thấy khoảnh khắc rước vua với một chút nghi lễ và quang cảnh vĩ đại ở Ngọ Môn khi nhà vua rời Kinh Thành thôi. Còn nữa, nếu đi một mình qua bên kia sông Hương anh không thể nào theo đám rước quay về bờ nam sông bên này vì trước khi nhà vua qua sông và ngay sau đó, cầu Tràng Tiền bị cấm đi lại suốt hai tiếng đồng hồ. Tôi đã sắp sẵn một chiếc thuyền để đưa gia đình họ Trần và tôi về lại bên này sông. Sau đó, có xe của Sở Liêm Phóng chờ sẵn, chở chúng ta tới quan chiêm ở Nam Giao. Tôi cũng đã dành sẵn chỗ cho anh và gia đình họ Trần bên trong tầng thứ nhất trên tế đàn để đêm nay xem giai đoạn cao điểm của chính lễ.
Joseph chỉ lưỡng lự một giây - rồi viễn ảnh được gặp lại Lan làm rung chuyển quyết định của anh. Tại Trung Hoa, nghi lễ Tế Trời có từ ba ngàn năm trước và đã không còn được cử hành từ sau cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ ở Bắc Kinh vào năm 1911. Như vậy, Huế là nơi độc nhất trên thế giới còn cử hành lễ tế thái cổ vốn được thừa hưởng từ các hoàng đế Trung Hoa ấy. Dường như chẳng bao lâu nữa chắc chắn truyền thống này cũng sẽ tàn lụi.
Thêm nữa, vì những nghi lễ công phu và phức tạp này chỉ cử hành ba năm một lần nên Joseph hiểu đây là cơ hội có một không hai trong đời mình. Việc ngắm nhìn đám rước long trọng ra khỏi Tử cấm thành và đi theo nó qua sông Hương tới đàn Nam Giao chắc chắn là một nếm trải không thể nào quên.
Đối xứng với Xã Tắc ở nội thành là đàn tế đất, Nam Giao, đàn tế trời, là một quần thể thiêng liêng có tường đá bao quanh, tương tự Tế Thiên Đàn mái xanh ở Bắc Kinh, nơi Hoàng Đế phải trải qua trọn một ngày trầm tư mặc tưởng trước giờ cử hành các nghi lễ thiêng liêng. Joseph quyết định rằng họa có điên mới bỏ qua cơ hội hiếm hoi này để được chứng kiến trọn vẹn quang cảnh lộng lẫy ấy từ một vị trí quan sát ưu tiên. Anh vừa nói thật lẹ vừa chạy tới chân cầu thang:
- Vâng, nếu ông không phiền lòng chờ tôi một chút hoặc có thể lâu hơn một chút. Tôi rất sung sướng nhận lời mời của ông.
Thành quách kinh đô rực màu đỏ thẩm dưới ánh mặt trời đang mọc khi mười lăm phút sau đó, Joseph và Devraux đặt chân lên cây cầu Tràng Tiền hiện đại sáu vài mười hai nhịp bằng sắt đan vào nhau, trông xa như thể hơn chục chiếc lưới cùng tung lên, thấp thoáng giăng ngang và uốn lượn mơ màng trên mặt nước sông Hương êm đềm.
Mỗi đầu cầu đứng sẵn một thớt voi của nhà vua, phủ bành vàng và che lọng vàng, được điều khiển bởi hai quản tượng người An Nam mặc triều phục màu xanh dài tới cổ chân. Người và voi đang chuẩn bị cắt đường lưu thông ngay khi có tiếng nổ của chín khẩu thần công bên trong Hoàng Thành báo hiệu đức vua sẵn sàng rời hoàng cung. Tuy thế, còn mười phút nữa mới có dấu hiệu ấy. Và lúc này, bốn phía chung quanh Joseph và chỉ huy trưởng Liêm Phóng, đông đảo dân chúng nao nức, náo nhiệt và lũ lượt kéo nhau đi qua cầu sang bờ bắc.
Trong các đám đông chen chúc ấy có một chiếc xe kéo tồi tàn, không gây chú ý cho ai, đang chở con người tiều tụy của Ngô văn Lộc. Khuôn mặt anh núp dưới chiếc mũ nỉ rộng vành. Anh khoác trên thân thể còm cỏi của mình chiếc áo cộc trắng và quần dài đen của một thư ký sở tư người An Nam bị anh và Đồng, con trai anh, phục kích và trấn lột đêm qua trong một con đường chật hẹp bên rìa khu dân cư bên kia cầu An Cựu.
Đồng ở trần, ung dung nhảy nhót giữa hai càng xe kéo. Trên đầu anh quấn chiếc khăn rằn mỏ quạ kiểu người lao động từ trong Quảng ra Huế kiếm sống. Nếu người Pháp và Joseph có quay lại nhìn cũng không nhận ra đó chính là cậu bé mười ba tuổi từng nô đùa huyên náo nơi trại săn trong rừng. Đồng ngày nay đã thành một thanh niên hai mươi bốn tuổi, cao lêu khêu nên phải làm ra vẻ lưng còng để giữ cho càng xe kéo nằm ngang hông. Dù đang sắm vai cu-li xe kéo với đôi mắt đầy cảnh giác và nhẫn nhục, Đồng vẫn tỏ ra rất tự tin vào thể lực và chiều cao quá cỡ của mình.
Từ trên ghế xe, Lộc chúi người tới trước nói nhỏ bên tai con:
- Cha chắc chắn nó chính là thằng Mỹ đã nói cho cha nghe chuyện thằng Devraux lúc này đang ở Huế. Có vẻ cả hai thằng đang trên đường đi tới Ngọ Môn. Đừng tới gần, đừng làm gì hết. Chung quanh chỗ này đông người ta quá.
Đồng gật đầu vâng lời, chân bước chậm lại. Sáng nay, trước khi hai cha con bắt đầu theo dõi Devraux từ nhà của hắn, Đồng có hứa hoàn toàn làm theo lời cha vì chính cha là người quyết định thời điểm tốt nhất để ra tay hành động. Đằng sau anh, Ngô văn Lộc sửa lại thế ngồi trên xe kéo, dùng bàn tay lành lặn nâng cườm tay bại liệt lên đặt thoải mái trên đùi.
Khi hai cha con tiếp tục qua cầu Tràng Tiền, nhiều lần Lộc nhìn về bờ nam nơi trước đó cả hai đã thấy Devraux cho đậu hai chiếc ô-tô Renault của Sở Liêm Phóng trước khi hắn tạt vào khách sạn Morin gặp người Mỹ. Trong một lúc, Lộc nhíu lông mày suy tính. Rồi anh chạm nhẹ báng thép khẩu súng lục Beretta lận nơi lưng quần và đưa mắt tìm kiếm chờn vờn trong đám đông phía trước, cho tới khi ánh mắt của anh yên chí đậu lại và bám riết chiếc lưng lúc này hơi khòm, phủ bằng áo vét-tông trắng của Devraux.
- Không giao hợp... không ăn tỏi... không uống rượu... tắm nước nóng nhiều lần và cầu nguyện - Đó là những phép tắc “Đại Trai Giới” buộc nhà vua phải giữ từ ba hôm nay, hoặc ít nhất lý ra phải giữ.
Bộ mặt tàn tạ của Devraux vặn vẹo thành một nét cười châm biếm khi hắn liếc người thanh niên Mỹ đi bên cạnh:
- Sau khi đã trải qua thời gian mười năm trẻ tuổi sống phóng túng tại Paris, đức vua bị nhiều phe nhóm trong tôn nhân phủ và triều đình nghi ngờ vơ vẩn rằng chẳng biết hoàng thượng có giữ nổi “ Đại Trai Giới” hay không - dù chỉ vỏn vẹn có ba ngày!
Joseph nghe nhưng không trả lời. Devraux nói tiếp:
- Dù gì cũng phải giữ thôi. Đó là nhiệm vụ căn bản và tối thiểu mà các chủ nhân cần ông ta thi hành: thỉnh thoảng thực hiện vai trò tư tế của một đấng quốc chủ. Dù sao đi nữa, những kẻ viết vở tuồng quân vương cho ông ta đóng đã dự kiến rằng ông ta có khả năng đáp ứng nhu cầu đông phương huyền bí của thâàn dân.
Đang bực mình tự hỏi không hiểu tại sao lúc này Devraux lại nói nhiều đến thế, Joseph mừng rỡ khi thấy hiện ra quang cảnh chiếc cầu đá bắc ngang hào thành dẫn vào cửa Thượng Tứ. Trước tiên, mắt Joseph bắt gặp thấp thoáng những mái hoàng cung màu vàng từng làm anh mê mẫn khi còn là một cậu bé. Từ hôm qua đến nay, tâm trí anh vẫn nguyên vẹn cảm giác ngất ngây trước vẻ đẹp thanh nhã u trầm đầy quyến rũ của lăng Minh Mạng và lúc này, lời chế giễu của Devraux đào sâu thêm sự thương tổn anh đang cảm thấy khi ở cạnh hắn:
- Monsieur Devraux ạ, ông nói vậy nghe có vẻ như nước Pháp có lý do để hãnh diện về sự hư hoại do chính nó đem tới cho người An Nam.
Joseph không màng giấu sự thù nghịch trong lòng mình và Devraux liếc anh thật sắc. Thêm lần nữa, Joseph thoáng thấy trên vẻ mặt của người Pháp có dấu vết ngạo nghễ dữ dằn của một người lính, cái ngạo nghễ từng có thời làm hắn nổi bật trong mắt anh và mọi người.
Liền đó, Devraux nhún vai, quay mặt qua chỗ khác:
- Joseph ạ, thời đại đang thay đổi. Sớm muộn gì mọi sự cũng thay đổi.
Joseph nói sôi nổi:
- Ông có biết rằng suốt mấy ngàn năm nay, sức mạnh của Lễ Tế Trời mang tới cho dân tộc này ý nghĩa của sự sống. Đối với họ, trong cuộc sinh tồn, Trời luôn luôn là cha và Đất lúc nào cũng là mẹ. Họ bao giờ cũng tin tưởng rằng ân phúc của những thần linh vĩ đại cai quản vũ trụ có thể được ban xuống cho họ qua công đức của hoàng đế và các tiên vương - đó là lý do khiến nhà vua phải được nhìn như một nhân vật thần bí và tách biệt khi ông ấy cứ ba năm một lần làm chủ tế tiến dâng các lễ vật thiêng liêng. Nếu nước Pháp làm cho niềm tin ấy bị lâm nguy bằng cách giữ đức vua của họ ở Paris suốt một nửa cuộc đời thanh xuân của ông ấy, theo tôi, thật khó có thể hãnh diện về một việc làm như thế.
Devraux cảm thấy càng lúc càng giận Joseph nhưng vẫn thêm lần nữa mỉm cười:
- Có thể anh có lý. Nhưng bản thân nhà vua hình như không phản đối việc đó. Tôi nghi ngờ rằng vào giờ này hẳn ông ta thích ngồi đánh xì dách hoặc chơi xì phé hơn. Ông rất yêu chuộng các lá bài - và ông cũng là một thanh niên hai mươi bốn tuổi đánh gôn rất cừ. Ông phóng quanh đồi núi vùng này trên chiếc xe thể thao đắt tiền của Pháp, mặc áo thun quần soóc và cố gắng vượt lên trên Huế.
Devraux hoa tay như muốn chỉ vòng qua tường thành cao sáu thước, nói với giọng dung tục:
- Hình như ông ta muốn tìm cách quên lãng một điều gì đó. Vì cũng như các thâm cung đầy bí sự của bậc vua chúa, trong tôn nhân phủ người ta rỉ tai nhau rằng tiên vương Khải Định không có khả năng “đi lại” với phụ nữ nên Bảo Đại là đứa con gây giống của một hoàng thân chữ Hường, thứ bậc cách hai đời trưởng thượng so với Khải Định vốn thuộc hàng chữ Bửu. Có lần gã hoàng thân chữ Hường ấy say rượu, đòi nhập cung thăm con, bị thị vệ chận lại, đuổi về. Người ta còn bảo tên thật của đức vua lý ra phải là Ưng Thụy...
Cảm thấy bừng giận vì lối nói của Devraux, Joseph cắt ngang:
- Thì ra gia phả hoàng tộc cũng thuộc tầm nghiên cứu đặc biệt của Nha Liêm Phóng! Nhưng thâm cung bí sử không là chuyện độc quyền của các dân tộc phương đông. Theo chỗ tôi biết, ở bất cứ nước nào và bất cứ thời nào, thần dân không bao giờ xem hoàng đế, hoàng gia và hoàng tộc là những kiểu mẩu đạo đức. Họ cần đấng quân vương như một biểu tượng công đức, một giá trị truyền thống, một kênh giao tiếp với đất trời và tượng trưng cho sự ổn định của quốc gia để họ yên tâm sinh hoạt. Giả dụ điều ông vừa nói là chính xác, tôi thấy, đó không phải là điều gây hổ thẹn cho cá nhân đức vua, ngược lại, nó còn cho thấy vị quốc chủ An Nam này quả thật rất bất hạnh.
Devraux nín lặng. Hắn chạm nhẹ cánh tay Joseph, có ý bảo rẽ đường vào cổng thành, rồi dịu giọng:
- Kể cũng đáng thương thật nếu nhìn theo con mắt người cha. Bảy tuổi bị phụ vương bắt sang làm con nuôi của Khâm sứ, có lẽ như một cách ủy thác tín vật nhằm củng cố ngai vàng. Chín tuổi phải sang ở xứ người, gọi là du học. Mười năm chịu sự uôán nắn dạy bảo theo ý người ta, thành quả chuối ngoài vàng trong trắng. Tôi không biết khi hồi loan cách đây bốn năm, ông ta có thấy mình lạ lẫm với dân tộc không. Nhưng tôi biết chắc ông ta là người ham hoạt động và thông minh. Cũng là người có óc thực tế. Ông ta hiểu rõ rằng người ta thật ra không thể sống trong quá khứ.
Joseph không trả lời. Khi cả hai đi vào quãng đường trống giữa Kinh thành và Hoàng thành Đại Nội, Joseph bắt gặp đông đảo triều thần y bào lộng lẫy, đứng thành hàng ngũ chỉnh tề bên ngoài Ngọ Môn đang khiêm cung ngóng đợi hoàng thượng.
Mái lầu Ngũ Phụng trên Ngọ Môn lợp ngói hoàng lưu ly, kiến trúc y theo kiểu Thiên An Môn tại Bắc Kinh, lấp lánh như chim phượng rung cánh trong nắng sớm. Lính thị vệ đội nón chóp cắm que nhọn màu vàng đang đứng xen kẽ với các quan mặc lễ phục, các nhạc công và những người khiêng án và kiệu. Giữa họ là những tướng lãnh An Nam mặc võ phục bằng gấm thêu lóng lánh kim tuyến màu lục màu tím, cỡi trên những con ngựa nhỏ chân ngắn và khoẻ.
Từ bên trong thành Đại Nội, Joseph nghe vọng ra tiếng chiếc kèn nghi lễ dài ngoằng kiểu Tây Tạng bắt đầu đột ngột cất lên, rất cao và rền rĩ vượt trên tiếng trống và đồng bạt. Theo bản năng, anh cất bước thật lẹ và nói háo hức:
- Đức vua đã sẵn sàng lên đường. Chúng ta tới vừa kịp.
Vào lúc Joseph và Devraux biến mất trong bóng tối vòm cửa Thượng Tứ, Ngô văn Lộc chồm người tới mé trước xe kéo, đập tay lên vai con trai:
- Chạy lẹ về lại cầu Tràng Tiền, trước khi nó bị cắt không cho ai qua. Chúng nó phải đi thuyền về lại bờ nam để lên ô-tô. Cha con mình sẽ ra tay ngay chỗ đó.
Đồng lập tức trở đầu xe, phóng nước đại. Anh tới đầu cầu kịp lúc tiếng súng thần công từ trong thành lũy kiên cố bắt đầu vang ra. Xe kéo của anh là chiếc cuối cùng được phép qua cầu sang bờ nam. Vài giây sau, hai quản tượng An Nam nài thớt voi của mình vào vị trí chận hai đầu cầu lại.
Trăng Huyết Trăng Huyết - Anthony Grey & Nguyễn Ước