God be thanked for books! they are the voices of the distant and the dead, and make us heirs of the spiritual life of past ages.

W.E. Channing

 
 
 
 
 
Tác giả: Robert Dugoni
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 429 / 20
Cập nhật: 2020-04-26 15:09:09 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
uổi sáng, sau khi dậy sớm chạy bộ, Tracy vào thị trấn để điều tra. Trung tâm Stoneridge là sự pha trộn kỳ dị của lối kiến trúc Alps phản ánh quá trình di cư của người Đức cùng người Scandinavi tới khu vực này và những tòa nhà bằng gạch và đá truyền thống hơn theo kiểu Tây Bắc Thái Bình Dương thời thế kỷ mười chín khiến Tracy liên tưởng tới Cedar Grove. Trong khi Cedar Grove có hẳn một cột đèn giao thông thì Stoneridge chỉ có một tấm biển báo dừng cắm cuối một con phố dài san sát các cửa hàng: hàng tạp hóa, hiệu thuốc, tiệm dụng cụ sửa chữa và bưu điện xen lẫn những cửa hàng khác nằm ở phía bắc khu phố, phía nam thì có một quán bia và pizza, tiệm hoa và một phòng tranh trưng bày các tác phẩm của người Da Đỏ Tây Bắc. Tất cả những thứ đó lý ra sẽ ngồ ngộ hay hay nhưng hoạt cảnh ấy cứ có gì đó bất ổn, thứ gì đó khiến thị trấn này trông chẳng khác nào một phim trường của Hollywood – một cái mẽ ngoài thiếu chiều sâu, một thị trấn không phản ánh được bề dày lịch sử của chính mình, ngược lại dường như chỉ muốn giấu nhẹm nó đi.
Khi Tracy cho xe chầm chậm đi dọc con phố, từ phía đối diện có một chiếc xe bốn chỗ màu trắng đang giảm dần tốc độ. Nhìn những chữ cái và phù hiệu màu xanh của Sở Cảnh sát Stoneridge trên thân xe, Tracy thoáng nghĩ sẽ dừng lại, nhưng cô vẫn đi tiếp đến cuối phố. Khi cô nhìn vào gương chiếu hậu, chiếc xe cảnh sát đã dừng lại bên vệ đường.
Cô rẽ trái, đi qua vài nhà thờ, cả Báp tít lẫn Giám lý, và một tòa nhà là nơi đóng đô của một số nhóm hội. Những căn nhà đều nhỏ nhắn, hầu hết chỉ có một tầng với sân vườn để hoang suốt mùa đông, bãi cỏ xác xơ, những khúc củi đã chẻ xếp gọn gàng dưới những mái hiên nhô ra bên hông nhà.
Hệ thống định vị GPS đưa cô tới một con phố với hai hàng cây rợp bóng hai bên đường. Cô tấp xe vào vệ đường, ngay dưới chân những bậc thang xi măng dẫn lên thư viện Stoneridge xây bằng gạch đỏ mang hơi hướng thực dân Mỹ với hai cột trụ màu trắng và trán tường nhọn.
Cô bước lên, kéo cửa ra và cảm nhận làn hơi ấm phả vào người. Phía trong, một người phụ nữ trung tuổi đang ngồi trang điểm sau quầy tra cứu. Thấy cô, bà ta bèn dừng tay lại.
“Xin lỗi.” Bà ta nói, nhét hộp phấn vào ví rồi lại nhét ví xuống dưới quầy. “Sáng nay tôi chưa kịp trang điểm.”
“Không sao.” Tracy đáp.
“Tôi có thể giúp gì cho cô?”
“Tôi muốn xem lại kỷ yếu cũ của trường trung học và các bài báo trong tờ Lính canh Stoneridge.” Tracy nói. “Có được không ạ?”
Người phụ nữ nhăn mặt. “Cô muốn xem của năm nào?”
“Năm 1976.”
“Cô đang viết bài về buổi họp khóa à?”
Nói dối cũng chẳng ích gì. Từng sống ở một thị trấn nhỏ, Tracy thừa biết chuyện cô có mặt nơi đây hẳn đã lan nhanh ra toàn thị trấn, bất kể cô im hơi lặng tiếng tới mức nào. “Thực ra, tôi là cảnh sát tới từ Seattle.” Cô xuất trình thẻ và phù hiệu cho bà ta xem. “Tôi muốn xem lại vài bài báo thời kỳ đó. Thư viện vẫn còn giữ những tấm vi phim chứ?”
“Chúng tôi từng giữ.” Người phụ nữ đáp. Tracy không thích cách nói ấy. “Năm 2000, chúng tôi gặp một trận hỏa hoạn. Thứ gì không bị lửa liếm thì cũng bị vòi chữa cháy làm hỏng hết. Chúng tôi không còn lưu trữ thứ gì trước thời điểm đó.”
Ngẫm nghĩ một lúc, Tracy hỏi: “Liệu có thư viện nào khác trong khu vực còn giữ bản sao không?” Khả năng này chẳng nhiều nhặn gì, nhưng cũng nên hỏi thử xem sao.
“Tờ Lính canh thì không. Tờ đó chủ yếu đưa tin địa phương của Stoneridge. Những tờ lớn hơn như Người Columbia hay Người Oregon thì may ra có. Cô thử tới thư viện ở Goldendale xem sao. Nơi đó cách đây khoảng một tiếng xe chạy về phía đông bắc.”
Tracy thấy chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì. “Bà sống ở đây bao lâu rồi?”
“Tôi ư? Cả đời.”
“Bà có nhớ hai công ty tên là Kính chắn gió Columbia và Sửa chữa Ô tô Columbia không?”
“Nhớ chứ.”
“Bà nhớ ư? Tôi không sao tìm được họ trên mạng. Chắc họ đã ngừng hoạt động?”
“Phải, họ đóng cửa được một thời gian rồi.” Người phụ nữ trả lời. “Chẳng bao lâu sau khi ông Hastey qua đời.”
“Hastey Devoe ư?” Cô đưa người phụ nữ tờ báo.
“Đây là Hastey con. Ông bố sở hữu cả hai cơ sở. Chúng nằm cạnh nhau trên đường Lincoln.”
“Ông ta có giao lại việc làm ăn cho con trai không?”
“Tôi không nghĩ vậy. Bà vợ đóng cửa cả hai nơi sau khi ông chồng mất được một thời gian.”
“Vợ ông ấy còn sống không?” Việc vợ ông Devoe nắm được chút manh mối gì về hai cái hóa đơn dang dở đúng là còn mong manh hơn cả mò kim đáy bể, nhưng Tracy biết tiểu thương ở các thị trấn nhỏ thường là hộ gia đình, và bà vợ cũng có thể là kế toán.
“Tôi thật sự không biết. Gần đây nhất tôi nghe nói bà ấy bị bệnh Alzheimer hay suy giảm trí nhớ gì đó và sống trong một viện dưỡng lão ở Vancouver.”
“Bây giờ người con trai làm gì?”
“Hastey con ư? Anh ta làm việc cho công ty Xây dựng Reynolds thì phải. Ít nhất tôi đã từng thấy anh ta lái một cái xe tải của họ đi quanh thị trấn. Nhưng đừng hỏi tôi anh ta làm nghề gì.”
Tracy xem lại ảnh và chú thích trong bài báo một lần nữa. “Đó có phải là công ty của Eric Reynolds không?”
“Đúng vậy.”
“Hastey con còn sống trong thị trấn không?”
“Trong ngôi nhà mà anh ta lớn lên, trên đường Cherry.”
Tracy ghi lại tên đường vào sổ tay và cảm ơn người phụ nữ. Khi cô dợm bước, bà ta nói: “Cô thử tới gặp Sam Goldman xem. Có thể ông ấy có bản lưu của tờ báo đây.”
“Ông ta là ai?” Tracy hỏi.
“Sam là chủ tờ Lính canh. Chủ báo, phóng viên, nhiếp ảnh gia. Ông ấy và vợ là Adele làm hết mọi việc. Giờ ông ấy nghỉ hưu rồi. Chúng tôi gọi ông ấy là sử gia bình dân của Stoneridge.”
“Tôi có thể tìm ông ấy ở đâu?”
“Họ sống trên đường Orchard.” Miệng nói, tay bà đã với lấy giấy bút để viết địa chỉ và vẽ đường cho Tracy.
Vài phút sau, với tờ chỉ dẫn trong tay, Tracy bước xuống những bậc thềm của thư viện. Vừa đi cô vừa để ý thấy chiếc xe cảnh sát màu trắng đỗ ngay góc đường, một phần thân xe khuất sau thân một cây dương.
Theo chỉ dẫn của người thủ thư, Tracy rẽ phải ở cuối phố. Nhưng thay vì đi thẳng thêm một cây rưỡi, cô rẽ phải ở ngã kế tiếp rồi rẽ phải thêm lần thứ ba và cho xe đi chậm lại. Cô dừng lại đằng sau cây dương. Chiếc xe cảnh sát đã không còn đậu ở đó nữa. Giờ nó đang đỗ ở ngay chỗ Tracy đã đỗ xe, dưới chân bậc thang dẫn lên thư viện. Viên cảnh sát Stoneridge đang nặng nề bước lên bậc thềm, tay đặt trên thắt lưng.
Sự có mặt của cô trong thị trấn đã được lưu ý một cách thích đáng.
Cô đánh xe khỏi vệ đường và lái ngang qua một trường tiểu học, thỉnh thoảng lại đánh mắt nhìn gương, dù chẳng mong gì lại trông thấy chiếc xe cảnh sát ấy. Viên cảnh sát kia không cần phải bám theo cô nữa. Chẳng mấy chốc anh ta sẽ biết được Tracy đi đâu, và để làm gì.
Đường Orchard là một con đường im lìm với những thân cây khô trụi và dây điện vắt vẻo giữa những trụ điện thoại, nhưng không có đèn đường hay vỉa hè. Ở những thị trấn lâu đời, điều này chẳng có gì lạ. Khi cư dân thị trấn mở rộng phạm vi sinh sống từ trung tâm thành phố, họ tập trung vào các dịch vụ thiết thực như điện, điện thoại, gas và cống rãnh. Đèn đường và vỉa hè không nằm trong danh sách ưu tiên và thường chẳng bao giờ được lắp đặt.
Tracy dừng xe ở ven đường, dọc một hàng rào cọc nhọn màu trắng sẽ cần được sơn sửa lại sau một mùa đông nữa. Hàng rào bao quanh một bãi cỏ hẹp trải dài và tách ra làm đôi, ở giữa là một con đường bê tông chạy tới một ngôi nhà một tầng hình chữ A. Chảo ăng ten nhô ra trên mái nhà trông chẳng khác nào một cái tai lớn.
Cô kéo cửa lưới ra để gõ cửa rồi lại đóng cửa lưới vào và lùi lại. Phía bên trái có một ô cửa sổ, nhưng không có ai nhòm qua đó trước khi cánh cửa lạch xạch bật mở. Một người phụ nữ xấp xỉ bảy mươi đẩy cửa lưới ra. “Tôi có thể giúp gì cho cô?” Giọng bà ta hơi ngập ngừng – hình như căn nhà ít khi được người lạ viếng thăm – nhưng cũng không tỏ ra khó chịu.
Tracy nói: “Tôi tìm ông Sam Goldman. Bà Evelyn ở thư viện cho tôi địa chỉ này. Bà ấy nói ông Goldman có thể kể chuyện Stoneridge thời thập niên bảy mươi cho tôi nghe.”
Bà già khẽ chau mặt, nhưng không phải theo kiểu khó chịu. “Chà.” Bà nói. “Sam sẽ biết đấy.”
“Adele, ai đấy?” Người đàn ông bước tới cửa cao chưa tới mét bảy, mái tóc xoăn thẫm màu và điểm bạc ở thái dương. ông ta chỉnh lại chiếc mục kỉnh gọng Cling màu đen, mặt lộ vẻ tò mò thích thú khiến mắt ông ta ánh lên lấp lánh như thể đang nắm trong tay bí mật lớn nhất trái đất này.
“Evelyn nói ông có thể giúp cô này.” Bà Adele nói.
Sam Goldman nhìn Tracy lom lom. “Chuyện gì thế, cô bạn?”
“Tôi hy vọng có được thông tin về tình hình thị trấn Stoneridge vào những năm bảy mươi. Tôi được biết sau vụ hỏa hoạn ở thư viện, ông đã trở thành sử gia của thị trấn.”
“Ngày 16 tháng 9 năm 2000.” Giọng ông già chợt sôi nổi hẳn. “Một ngọn lửa ở mức báo động ba. Từ văn phòng của chúng ta ở Phố Chính cũng nhìn thấy khói. Ta cứ nghĩ hồn ma của Timmerman đã quay trở lại và rồi cả thị trấn sẽ lại chìm trong biển lửa. Bọn ta chưa bao giờ kích động tới vậy kể từ khi Dom Petrocelli thụi cho Gordie Holmes một cú ở buổi họp hội đồng nhân dân thị trấn vào năm 1987.”
“Tôi được biết ngọn lửa đã thiêu rụi toàn bộ bản lưu những tờ báo của ông ở thư viện.”
“Thiêu rụi bản lưu và nung chảy bản phim.” Goldman nói. “Họ đang chuẩn bị gây quỹ để scan và chuyển đổi từ phim sang đĩa, nhung giấc mơ ấy tan thành mây khói còn nhanh hơn cả tàu siêu tốc.”
“Tôi rất tiếc khi biết điều đó.” Tracy nói.
“Tin cũ thôi.” Goldman cười toét miệng. “Ta giữ lại mọi thứ ở đây.” Ông gõ vào thái dương. “Máy tính tốt nhất vùng bắc Columbia đấy. Cô là phóng viên à, nữ anh hùng?”
“Tôi là cảnh sát.”
Goldman tròn mắt há miệng. Ông quay sang vợ. “Tình hình phức tạp rồi, Adele ơi!” Ông đẩy rộng cánh cửa lưới hết mức. “Vào đi để khỏi làm kinh động xóm giềng.”
Căn nhà nhỏ nhưng rất trang nhã với những đồ dùng sạch sẽ dù sử dụng nhiều. Tracy thấy ông Goldman đang xem kênh ESPN trên chiếc ti-vi màn hình phẳng. Ông với tay lấy cái điều khiển trên bàn nước và tắt ti-vi đi.
“Hy vọng tôi không quấy rầy ông bà.” Tracy nói.
“Thứ duy nhất cô quấy rầy là tình trạng hưu trí bắt buộc của tụi này thôi. Tụi này còn làm việc được tới khi nào xuống lỗ thì thôi. Ngồi đi!”
Tracy ngồi lên sofa. Ông Goldman ngồi lên chiếc ghế vải được xoay lại đối diện với cô. Hai cái bàn ăn gấp được dựng vào lò sưởi bằng gạch, phía trên treo bức tranh vẽ hình bờ biển. “Tôi lấy trà hay cà phê cho cô nhé?” Bà Adele hỏi.
Cảm nhận được bà già đang không biết phải làm gì, Tracy nói: “Trà là được rồi. Cảm ơn bà.”
Bà Adele ra khỏi phòng. Tracy nghe thấy tiếng bà mở rồi lại đóng tủ và vặn vòi nước ở bồn rửa để rót đầy ấm.
“Cô muốn bắt đầu từ đâu?” Ông Goldman hỏi.
“Từ trận bóng vô địch bang được không?” Tracy nói. Cô muốn khơi lên một điểm mốc cho trí nhớ của ông già trước khi đề cập tới chuyện của Kimi Kanasket. Nhưng hóa ra chẳng cần phải làm thế.
“Thứ Bảy, ngày 6 tháng 11 năm 1976.”
“Khi đó thị trấn thế nào?”
“Giống như Giáng sinh và Quốc khánh được gộp làm một ấy.” Ông già hào hứng. Rõ ràng Tracy đã chọn được chủ đề khiến ông hứng thú. “Thị trấn chật ních những người là người. Trước thời điểm đó, Stoneridge chưa bao giờ nhét được một chân vào vòng trong của các môn phải chạy bằng hai chân. Đó chính là bước khởi đầu.”
“Khởi đầu ư?”
“Cho chức vô địch. Chủ yếu là bóng bầu dục, nhưng còn có bơi, bóng rổ, bóng chày, bóng đá nữa.”
“Chuyện gì đã xảy ra? Điều gì đã thay đổi?”
“Ross Reynolds lao vào thị trấn như John Wayne trong phim Rio Bravo và thay đổi toàn bộ. Lũ trẻ đã quen với việc thua cuộc, chúng hài lòng với việc ấy. Reynolds tới và chấm dứt thói quen đó.”
“Ông ta làm cách nào?”
“Để chơi thể thao cho Ross Reynolds, cần phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Lúc lũ trẻ không thi đấu, chúng được huấn luyện. Ban đầu, có một số phụ huynh phàn nàn thời gian tập luyện làm ảnh hưởng tới việc học, nhưng Ross đứng ra đương đầu hệt như Teddy Roosevelt trong trận đánh đồi San Juan. Ông ta chẳng quan tâm mọi người đánh giá thế nào về mình. Rồi những than phiền cũng hết khi băng-rôn bắt đầu phấp phới trên nhà thi đấu và tên lũ trẻ bắt đầu xuất hiện trên báo của ta. Sau đó, vài đứa nhận được học bổng. Tiền là tiên là phật, cô bạn ạ. Những người phàn nàn dần im lặng, rồi hối lỗi trong các buổi thú tội.”
“Ông ấy là huấn luyện viên bóng bầu dục à?”
“Họ thuê ông ta làm huấn luyện viên bóng bầu dục. Họ cất nhắc ông ta làm giám đốc thể thao và ông ta yên vị ở cái ghế đó suốt ba mươi lăm năm. Mấy năm trước, người ta tổ chức cho ông ta một buổi chia tay về hưu cực kỳ hoành tráng ở nhà thi đấu trong trường.”
“Ông ấy vẫn còn sống à?”
“Sống trong căn nhà mua từ khi ông ta chuyển tới đây.”
“Tôi đọc báo thấy nói họ sẽ đặt tên sân vận động theo tên ông ấy.”
“Đó là do cậu con trai. Công ty của cậu ta cung cấp nhân công và vật liệu. Thị trấn cũng phải biết ăn quả nhớ kẻ trồng cây chứ.”
Tracy không mê bóng bầu dục cho lắm. Cô đã lớn lên trong tiếng tường thuật các trận bóng chày của đội Mariner mà bố hay xem, nhưng cảm nhận được sự hưng phấn của Goldman về đề tài này và hy vọng thiết lập được mối quan hệ tốt, cô hỏi: “Ông đã đưa tin về chiến thắng, đúng không?”
“Nếu ta không làm thì họ xé xác ta và thiêu rụi tòa soạn mất. Năm đó, cả thị trấn cứ sôi lên sùng sục với Tứ Thiết Nhân.”
“Tứ Thiết Nhân?”
“Eric Reynolds, Hastey Devoe, Archibald Coe và Darren Gallentine.”
Tracy nhận ra tên của Devoe và Reynolds trong các bài báo gần đây.
“Sao họ lại được gọi là Tứ Thiết Nhân?”
“Chưa bao giờ để sổng một cú touchdown nào trong ba năm chơi bóng bầu dục ở trường phổ thông, và họ chơi cả hai vai.”
“Hai vai?” Tracy hỏi.
“Công và thủ.” Adele lên tiếng. Bà mang một khay đựng ấm và tách trà bằng gốm vào phòng, vẻ mặt bà như muốn nói: Sau năm mươi năm ta sẽ ngạc nhiên với những thứ ta đã học được.
“Reynolds là cầu thủ của đội hình trong mơ.” Goldman nói trong lúc Adele đưa Tracy một tách trà. “Nó là linh hồn của cả đội. Không có nó, chúng không thể nào giành chiến thắng. Devoe chọc thủng hàng tiền vệ của đối phương để Coe và Gallentine chạy qua. Coe nhanh nhẹn và quỷ quyệt. Gallentine là cái búa. Ở hàng thủ, Devoe là người húc chủ chốt, Gallentine và Coe là hậu vệ, còn Reynolds là hậu vệ tự do. Năm lớp Mười hai, nó đã từng năm lần chặn được bóng của đối phương.”
Tracy nhấp một ngụm trà vị bạc hà. Cô đặt tách trà lên miếng lót cốc rồi lấy tập hồ sơ trong cặp ra. “Tôi thấy một tấm ảnh trong báo.” Cô đưa ông Goldman bức ảnh bốn cậu thanh niên trẻ tuổi đang nâng một chiếc cúp dưới ánh đèn của sân vận động. Lần này, cô chú ý tới những cái tên trong dòng chú thích.
Đội trưởng và các Thiết Nhân của đội Xung Kích Đỏ: Hastey Devoe (Trái), Eric Reynolds (người cầm cúp), Darren Gallentine (Phải) và Archibald Coe (ngoài cùng bên phải) đang cùng giơ cao chiếc cúp vô dịch bang Washington 2A.
“Ta chụp đấy.” Goldman nói. “Ta túm được cả bốn đứa ngay sau khi trận đấu kết thúc. Phải tới lúc rửa ảnh trong phòng tổi, ta mới thấy mồ hôi đang bốc hơi trên đầu chúng.”
“Nghe chừng cả thị trấn đều ngất ngây trong men chiến thắng nhỉ?”
“Trận bóng nào, dù sân nhà hay sân khách, khán đài cũng đông nghẹt người. Không cần biết con cái họ có chơi trong đội hay không. Cúp vô địch thuộc về toàn bộ già trẻ nam nữ của thị trấn Stoneridge.”
“Tôi biết cảm giác đó.” Cô nói, hy vọng sẽ tạo thêm thiện cảm.
“Cô tới từ đâu?”
“Cedar Grove. Nó ở Bắc Cascades – khoảng một nghìn người.”
“Vậy cô biết nó thế nào rồi đó.”
Cảm thấy mình đã kết nối được với Goldman, Tracy trở lại với lý do cô tới đây. “Tôi tự hỏi không biết cái chết của Kimi Kanasket có ảnh hưởng gì tới việc ăn mừng không nhỉ?”
Goldman mỉm cười, mắt lại sáng lấp lánh. Tracy như nhìn thấy những bánh xe đang quay tít trong đầu ông già. Ông trỏ một ngón tay vào cô. “Ta biết ngay kiểu gì cô cũng hỏi tới cô ta mà.”
“Tại sao?”
“Một cảnh sát không biết hai vai là gì chẳng lý nào lại chạy tới đây đế hồi tưởng về thời hoàng kim của đội bóng bầu dục địa phương.”
Tracy mỉm cười. “Ông còn nhớ chuyện lúc đó không?”
“Kimi ư? Nhớ như in vậy.”
“Ông nhớ những gì?”
“Một bi kịch tầm cỡ Shakespeare.”
“Ông biết rõ cô ấy tới mức nào?”
“Ai mà chẳng biết Kimi! Một ngôi sao điền kinh. Mùa thu, con bé chạy việt dã, mùa xuân, nó chạy vượt rào và một trăm mét. Năm lớp Mười một, con bé về nhì toàn bang, đến năm lớp Mười hai thì là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch cả hai giải.”
“Ngoài đường đua, cô ấy là người như thế nào?”
Lần này, Goldman không chút do dự. “Một cô bé tuyệt vời. Học sinh hạng A. Nó làm việc ở một tiệm ăn ven thị trấn để kiếm tiền học đại học.”
“Tiệm Columbia.”
“Chính là nơi đó. Gia đình nó chẳng dư dả gì. Kimi là đứa đầu tiên tốt nghiệp trung học và vào đại học. Ta đã định sẽ viết một bài về nó.” Ông Goldman thở dài. “Như ta đã nói, một bi kịch đúng nghĩa.”
“Tôi để ý thấy tiệm ăn đã đóng cửa…”
“Nó đóng cửa từ đời tám hoánh nào trước khi ta đóng cửa tờ Lính canh kìa.”
“Vậy chủ của nó thì sao? Họ còn ở đây không?”
“Lorraine và Charlie Topeka, nghe như tên thành phố ở Kansas ấy nhỉ! Charlie là đầu bếp. Lorraine là quản lý. Tiệm ấy đã ăn nên làm ra suốt nhiều năm.”
“Ông có biết tôi có thể tìm họ ở đâu không?”
“Charlie đi ngủ với giun rồi. Lorraine thì ta không chắc lắm. Nghe nói bà ta dọn về sống với con gái ở đâu đó phía nam. Bà ta cũng phải gần tám mươi rồi.”
“Ông Goldman, trong cảm nhận của tôi, ông là một người khá lý trí.”
“Thời trẻ ta lừa được khối người rồi đấy. Và hãy gọi ta là Sam. Ta đủ già rồi, không cần cô phải nhắc nhở nữa.”
Tracy mỉm cười. “Được thôi, Sam. Cho phép tôi hỏi thẳng nhé! Khi nghe tin Kimi Kanasket tự tử, ý nghĩ đầu tiên của ông là gì?”
“Ý nghĩ đầu tiên ư?” Goldman ngừng nói và nhắm mắt lại.
Bà Adele lên tiếng: “Chúng tôi không thể đề nghị ai nói gì với chúng tôi.”
“Bà ấy nói đúng.” Ông chồng mở mắt ra, tiếp lời. “Sự thật bị giấu nhẹm đi, khó lôi ra như đồng xu nhét trong túi quần chẽn của Churchill ấy.”
“Theo ông thì vì sao?”
“Thời đó, người ta không nói về những chuyện như vậy.”
“Họ không muốn làm tình hình xấu thêm.” Adele nói trước khi im bặt. “Tôi sẽ để hai người nói chuyện.” Bà quay lại uống trà.
“Vậy ông đã nghĩ gì, Sam? Ý nghĩ đầu tiên trong đầu ông là gì?”
“Ta nghĩ ý nghĩ đầu tiên của ta cũng giống của mọi người thôi.” Ông Goldman nói. “Ta bị sốc. Trong ấn tượng của bất kỳ người nào bọn ta, Kimi không phải là đứa sẽ làm một điều như vậy. Thằng anh thì có thể, nhưng con bé thì không.”
“Anh trai cô ấy có vấn đề ư?”
“Élan, tên nó là Élan. Nó đánh nhau với đám nhóc da trắng trong trường và bị đuổi học.”
“Ông ấy đánh nhau vì chuyện gì?” Tracy hỏi, dù cô ngờ rằng mình đã biết câu trả lời.
“Các bộ tộc ở địa phương đang biểu tình chống lại việc nhà trường sử dụng cái tên Xung Kích Đỏ và linh vật người Da Đỏ – một thằng nhóc da trắng vẽ vằn vện phi vào sân và phóng lao xuống bãi cỏ. Các bộ tộc nói chuyện đó là sai lệch về mặt lịch sử và mang tính xúc phạm. Nhìn lại thì họ đi trước thời đại đấy.”
“Chuyện đó nghiêm trọng tới mức nào?”
“Mới đầu thì không có gì. Mấy bậc lão làng trong các bộ tộc bày tỏ sự quan ngại với nhà trường và hội đồng thành phố. Mọi việc diễn ra ôn hòa cho tới khi họ không nhận được câu trả lời và cảm thấy không ai thèm đếm xỉa tới mình. Họ thay đổi chiến thuật và bắt đầu biểu tình bên ngoài những trận bóng. Lúc đó, mọi thứ mới bung bét.”
“Tôi được biết Earl Kanasket là một trưởng bối trong các bộ tộc và là một trong những thủ lĩnh của cuộc biểu tình. Việc đó có ảnh hưởng gì đến Kimi không?”
“Theo những gì ta được biết thì không.” Ông Goldman nói. “Kimi không giống Élan. Nó là một đứa lặng lẽ, văn minh. Nó tập trung nhiều vào việc học.” Ông già rướn về phía trước, nhòm Tracy qua mép trên của mắt kính. “Hay cô muốn nói điều ngược lại?”
“Tôi còn chưa biết.” Tracy nói. “Nhưng có vẻ như một viên cảnh sát trẻ không đồng ý lắm với kết luận về chuyện xảy ra khi đó…”
“Buzz Almond.”
Tracy gật đầu. “Trong đầu ông có máy tính phải không?”
“Không dùng thì cũng phí hoài, cô bạn ạ; bác sĩ của ta nói vậy đấy. Ta thì cứ dùng.” Ông ngồi thẳng lại. “Buzz là một anh chàng tốt, một cảnh sát trưởng tuyệt vời. Nếu Buzz nghĩ có vấn đề thì chắc sẽ có vấn đề.”
“Vậy hãy nói cho tôi biết, một cô gái tuyệt vời như Kimi sao lại dính dáng với một kẻ như Tommy Moore?”
“Hồi đó Tommy hạ gục hết lũ con gái. Nó là James Dean của thị trấn này, khuôn mặt quyến rũ chết người, đến rắn đuôi chuông cũng có thể bị nó mê hoặc mà không cắn nó.”
“Ông biết ông ta đến mức nào?”
“Không biết rõ lắm. Chẳng bao giờ nói chuyện. Ta đưa tin về những trận đấu của nó khi nó dự giải Găng Tay Vàng. Lẽ ra nó có thể trở thành một tay quyền cự phách, nó có cú móc trái thần sầu.”
“Chuyện gì đã xảy ra với ông ta?”
“Nó nốc nhiều rượu quá, và thị trấn gần như đuổi cổ nó sau chuyện của Kimi. Họ buộc tội nó về cái chết của con bé. Từ hồi đó tới giờ, chẳng có tin gì của nó, theo như ta được biết.”
Tracy chuyển luôn tới hai tờ hóa đơn trong hồ sơ của Buzz Almond. “Vậy còn Hastey Devoe? Tôi được biết ông ta sở hữu một công ty sửa kính chắn gió và một cửa hàng sửa chữa ô tô.”
“Đúng thế, ngay số 141 đường Lincoln.”
“Ông ta là người thế nào?”
“Ý cô là sao?”
Tracy chật vật tìm cách diễn đạt câu hỏi. “Tôi không biết nữa. Ông ta có thật thà không? Có tới nhà thờ không? Ông hiểu ý tôi đó.”
“Ta chưa bao giờ làm việc trực tiếp với gã, nhưng cũng chưa bao giờ nghe thấy điều tiếng gì về gã cả.”
“Liệu ông ta có mối liên hệ nào với Tommy Moore không?”
“Ta không biết.”
“Sam, thời gian ở đây thật sự rất thú vị.”
“Nghe như câu Dickens viết trong cuốn Ước vọng Lớn lao ấy. ‘Đó là thời gian tốt đẹp nhất. Đó là thời gian tồi tệ nhất.’”
“Chắc ông không biết chỗ nào khác có lưu các tờ báo cũ của ông để tôi xem đâu nhỉ? Bà Evelyn nghĩ tôi có thể thử tìm ở thư viện Goldendale.”
Ông già lại nở nụ cười. “Cô bạn, ta biết thư viện tốt nhất vùng này, và nó gần hơn Goldendale nhiều.”
Tracy đi theo Goldman qua một căn bếp sạch bong không tì vết thoảng mùi nước tẩy hương chanh.
“Ông đi đâu đấy, Sam?” Bà Adele hỏi.
“Trở về tương lai.” Ông già đáp. Ông đưa Tracy đến phòng đệm phía cuối phòng bếp rồi mở khóa cánh cửa hậu có rèm treo bên ngoài.
“Ông không định đưa cô ấy vào cái kho kinh tởm đó chứ?” Bà Adele nhìn Tracy như thể ông Goldman đang dẫn cô đi xem phim kinh dị. “Đồ của ông ấy trong đó còn nhiều hơn tiệm lạc xoong trong thị trấn nữa kìa. Cô sẽ làm bẩn hết bộ quần áo đẹp đẽ của cô cho coi.”
Tracy mỉm cười. “Tôi không mặc đồ dễ bị bắt bẩn đâu ạ.” Cô nói, dù sáng nay cô mới khoác lên người chiếc áo len cashmere màu xanh da trời.
Ông Goldman dắt Tracy xuống mấy bậc thang gỗ, đi vào một khoảnh cỏ ngập nắng bao quanh bởi một hàng rào gỗ đỏ cao gần hai mét. Có vẻ như cái sân bị bỏ hoang trong mùa đông, ghế băng được xếp chồng lên bàn và kê gọn dưới mái hiên nhô ra bên hông một ga-ra biệt lập. Cửa ga-ra được khóa bằng một ổ khóa chắc chắn. Ông Goldman mở khóa ra, đẩy cửa và kéo một cái thùng hai mươi lít để chặn cửa. Vào bên trong, ông với tay bật công tắc, hai bóng đèn tròn không chao treo trên xà ngang phía trên bừng sáng, ánh vàng rọi lên kho báu của Sam Goldman – nào xe đạp, dụng cụ làm vườn, gậy bóng chày, một xô đầy bóng tennis, vợt tennis, khay đựng hồ sơ rồi hàng tá cà vạt in hình nhân vật Disney hay Charlie Brown và những đồ nữ trang lặt vặt khác. Bà Adele chẳng hề nói quá, chủ tiệm lạc xoong mà lạc vào đây cũng phải choáng váng chứ chẳng đùa.
Vừa đi về cuối kho, Goldman vừa sắp lại kho báu của mình. Ông gạt chúng sang hai bên, đám bụi bặm quay tròn nhảy nhót trong luồng sáng theo từng cử động của ông. Phía cuối ga-ra là một bức tường dựng bằng thùng carton Bekin, mỗi chồng chừng sáu, bảy thùng chồng lên nhau, kéo dài hết chiều rộng căn phòng. Thùng nào thùng nấy được dán nhãn gọn gàng, ghi rõ năm tháng bằng bút mực đen, xếp theo thứ tự thời gian bắt đầu từ tháng Bảy năm 1969 và kết thúc ở tháng Mười Hai năm 2000. Ông Goldman dịch vài cái thùng ra cho tới khi với tới cái thùng dán nhãn 6/75 -1/76.
“Nó đây rồi.” Ông mở nắp, lấy ra những chồng báo được gập gọn gàng.
“Ông giữ từng tờ báo ư?” Tracy hỏi.
“Từ ngày chúng ta mở cửa cho tới tận ngày cuối cùng. Ta giống như người giao sữa vậy. Giao hàng hằng tuần.”
Ông già lật nhanh chồng báo. “Tháng Tám, Chín, Mười…” Tới tháng Mười một, ông kéo ra bốn tờ, đậy nắp thùng lại làm thành một cái bàn cơ động.
“Đây là các số báo trước và sau trận đấu.” Ông già nói. “Cô sẽ tìm thấy các bài báo về Kimi Kanasket, và cô sẽ biết được không khí thời đó như thế nào.”
“Tin trang nhất.” Tracy đọc dòng tít trên tờ đầu tiên.
Stoneridge thắng giải khu vực!
Cúp Vô địch Bang vào thứ Bảy.
“Ta đã nói rồi, nếu không đưa tin thì họ lột da ta ra mất.”
Bài báo về Kimi Kanasket được đẩy xuống cuối trang đầu, một cột báo ngắn ngủn chừng vài phân ở góc trái với hình tốt nghiệp của Kimi.
Xác một cô gái trong vùng được kéo lên từ sông Cá Hồi Trắng.
Đúng như ông Goldman nói, bài báo không hề nhắc tới từ tự tử.
“Tôi cho là không có bài báo nào tiếp theo?” Tracy hỏi.
“Không có gì để viết tiếp. Con bé được hỏa táng theo dịch vụ riêng trong khu bảo tồn. Điều tra viên nói với ta rằng pháp y kết luận con bé nhảy xuống sông vì vụ chia tay với Tommy Moore. Ta từng lấy một bản sao biên bản pháp y nhưng không chắc là ta có giữ nó. Chẳng có lý do gì đế công bố nó cả, dù sớm muộn gì mọi người đều biết hết.”
“Ông đã nói chuyện với điều tra viên ư?”
“Jerry Ostertag.”
“Ông ta còn ở đây không?”
“Chịu, thưa sếp! Lần cuối ta nghe tin về ông ta là ông ta đã nghỉ hưu và chuyển về đâu đó ở vùng Trung Tây để câu cá. Có thể là Montana.”
Tracy e rằng ngay cả khi Ostertag còn ở đây, ông ta cũng chẳng nhớ gì nhiều về cái chết của Kimi Kanasket. Kimi Kanasket là vết nhơ trong một sự kiện hào hùng, như ông chú nát rượu làm trò cười cho thiên hạ trong một đám cưới. Ta không thừa nhận hay nói về sự cố đó, chỉ lặng lẽ tống cổ ông ta ra khỏi tòa nhà để những người khác có thể tập trung chúc mừng, và khi cả nhà quây quần nhớ về ngày đó, sẽ không ai hé môi nhắc một lời nào về vết nhơ ấy, cho tới khi năm tháng trôi qua và sự cố đó hoàn toàn chìm vào quên lãng.
Trảng Đất Trống Trảng Đất Trống - Robert Dugoni Trảng Đất Trống