Nên coi những thất bại trong quá khứ là động cơ để hành động, chứ không phải lấy đó làm lý do để bỏ cuộc.

Charles J. Given

 
 
 
 
 
Tác giả: Thụy Ý
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1020 / 7
Cập nhật: 2015-07-10 14:45:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ạ Vân khều tôi:
- Có thư
Tôi sáng mắt mừng rỡ:
- Đâu? Đâu em?
Vân ra điều kiện:
- Một chầu ciné thôi. Lê Lợi và Les Charlot.
Tôi kéo Vân về phòng, cố đi thản nhiên khi ngang phòng khách để tránh sự dò xét của má. Tôi mở ví lấy tờ năm trăm:
- Một đức Thánh Trần được chưa?
- Thôi cũng được. Lẽ ra em lấy một xín nhưng sợ chị kẹt. Đây, thư từ Cao Lãnh.
Nó hạ giọng như xuống sáu câu. Tôi mắng yêu:
- Đưa chị cho rồi, con khỉ.
Cao Lãnh, ngày ….tháng …năm…
Hạ Mai thương!
Sáng hôm mày đi, anh Nghiễm rất đau lòng nhưng anh không trách hờn gì cả, anh linh cảm sẽ có chuyện gì đó không hay cho tình cảm của mày và anh nhưng anh nói dù có chuyện gì xảy ra anh vẫn chấp nhận bởi vì anh Nghiễm biết anh không xứng đáng với mày. Anh nói anh sẽ rút lui khỏi cuộc đời mày để mày tạo lập hạnh phúc với một người xứng đáng hơn. Tao thương anh, thương bạn nên khóc òa, làm anh Nghiễm lại phải dỗ tao. Hai anh em dắt díu nhau quanh quẩn bên hình ảnh của mày.
Hạ Mai,
Phải hôm trước tối ngày đi mày tả cho anh Nghiễm thấy một vầng trăng tuyệt đẹp không? Nhưng đêm đó là đêm ba mươi làm gì có trăng, mà tao đâu có biết mày gạt ảnh. Hôm sau nghe má đi chợ về bảo chuối mắc vì người ta mua cúng, anh Nghiễm phát cười bảo má tao ai lại có lệ cúng ngày mười bảy. Bà cụ cãi là cúng rằm, mùng một chứ cúng mười bảy hồi nào. Rồi bà cụ cuống cuồng sợ anh buồn quá rồi mất trí. Nhưng anh dường như chợt nhớ ra một điều gì đó thôi không bướng nữa. Buổi chiều anh hỏi nhỏ tao: “Hôm nay ngày ta bao nhiêu em?”
Tao thật tình đáp: “Mồng một anh ạ. Mồng một nên thiên hạ cúng”
Anh Nghiễm lẩm bẩm: “Mồng một… Vậy ra đêm qua là đêm ba mươi. Đêm ba mươi thì làm gì có trăng mà Hạ Mai nói với mình…:
Và anh ngồi chết lặng thật lâu. Tao hốt hoảng hỏi: “Anh Hai… anh nói gì có Hạ Mai trong đó? Nó đi rồi mà”.
Anh gật đầu buồn buồn: “Anh biết. Quỳnh, Hạ Mai tế nhị lắm em biết không?”
Tao hỏi: “Tế nhị? Thì thường nó vẫn dễ thương trong tất cả mọi việc. Mà chuyện gì vậy anh Hai?”
Và anh kể cho tao nghe đêm qua anh nói thèm được nhìn trăng, và mày đã tả cho ảnh một vầng trăng giữa đêm ba mươi thật đẹp. Anh nói: “Em thấy chưa Quỳnh. Một người con gái như Hạ Mai làm sao mà quên được”.
Hạ Mai,
Tao không hiểu anh Nghiễm nghĩ gì sau đó. Nhưng ảnh buồn đến thê thiết. tao giục ảnh viết thư cho mày nhưng ảnh nói không muốn gợi trong lòng mày hình ảnh một kẻ mù lòa khi phải áp dụng một lối “viết” đặc biệt… Anh ấy rắc rối quá trời tao cũng không còn biết đâu mà lo nữa.
Nay mai tao sẽ trở lên học với mày, chắc có nhiều chuyện để nói. Anh Nghiễm cũng sắp hoàn thành tác phẩm “Trăng 30” rồi, hy vọng sẽ mang lên được cho mày đọc.
Thương mày,
Hồng Quỳnh.
Tôi thương Quỳnh, thương Nghiễm. Tôi lặng người trong những cơn gợi nhớ chuỗi ngày êm đềm đã qua. Khung trời tỉnh lẽ với nếp sống bình dị, với những người dân quê mộc mạc. Ở đó có Quỳnh, ở đó có Nghiễm. Hình dáng Nghiễm hiện sừng sững. Hình dáng Nghiễm trìu mến, chịu đựng. Nghiễm ơi! Nghiễm ơi!
Má thấy tôi buồn, ôm đầu tôi dỗ dành. Lối dỗ dành nghiêm khắc, vừa vuốt ve vừa khuyên răn. Tôi buồn thật sự, tự hỏi có phải mình yêu Nghiễm hay không? Câu hỏi không được trả lời thỏa đáng. Tôi chỉ biết tôi mến Nghiễm thật nhiều. Tôi chỉ biết tôi muốn giúp Nghiễm thoát ra khỏi bóng tối mênh mông bất hạnh. Má tôi hỏi về Nghiễm. Má khuyên tôi quên Nghiễm và má tin điều đó sẽ dễ dàng. Tôi nhìn má:
- Không thể yêu một kẻ mù được sao má? Con thấy họ có tội gì mà đến nỗi bị trừng phạt quá đáng như vậy? Mất ánh sáng của đôi mắt đã là một bất hạnh rồi, còn bị xô ra ngoài tình cảm cuộc đời nữa làm sao họ sống?
Má lắc đầu nhẹ nhẹ. Tôi thấy rõ má khó khăn trong việc giải thích cho tôi. Nhưng rồi má nói:
- Không phải không thề yêu một kẻ mù. Nếu đó là ý Chúa má không biết nói sao. Nhưng với má, má chỉ mong con gái má có được một tương lai tươi sáng. Mà tương lai đó chắc chắn là một người… không phải là Nghiễm sẽ dễ dàng tạo dựng. Má đã từng hãnh diện với mọi người rằng con gái má đẹp, con gái má ngoan. Và cái đẹp, cái ngoan của Hạ Mai sẽ mang đến cho nó một phần thưởng nào đó.
Tôi buột miệng:
- Phần thưởng đó sẽ là một ông luật sư hay bác sĩ phải không má?
Tôi chua chát mà không thấy mình chua chát. Má nhìn tôi với một chút nghiêm khắc, một chút cảm thông. Tôi nghĩ thầm giá má hiểu tôi không yêu Nghiễm như má tưởng, chỉ vì mọi người muốn dụ tôi vào cảnh phải nhận và với sự thương hại, với lòng hiếu thắng tôi đã đóng nốt vai trò đó, chắc má không phải nhọc lòng khuyên tôi.
Linh đến thăm, tôi tảng lờ, tiếp chuyện thản nhiên như không có gì. Linh mừng tôi về và trách đi hơi lâu. Tôi biết Linh thương tôi nhiều mới có được những bộc lộ như vậy. Má nhìn chúng tôi với cặp mắt hài lòng. Tôi hiểu má lo sợ tôi sẽ lạnh nhạt hay xua đuổi Linh vì Nghiễm.
Ba hôm sau ngày nhận thư Quỳnh, tôi được thư Nghiễm. Nghiễm viết tất cả nhớ thương của một người tình dành cho người tình. Nghiễm bảo không đêm nào không dành gần trọn đêm để nghĩ đến tôi. Nghiễm viết… “Hạ Mai ơi, nếu em biết rằng anh đã và đang sống bằng hình ảnh của em, chắc em sẽ thương anh nhiều. Đó là sự thật. Giờ này, ngoài hơi thở nuôi sống anh, ngoài nhịp đập trái tim anh là hình ảnh em ngự trị.
“Anh đã trở lại con lạch nhỏ mà ngày đầu tiên em đã theo anh đi câu cá về để Hồng Quỳnh làm món ăn. Anh đã trở lại ao sen mà ba chúng mình cắm trại. Anh đã tìm đến tất cả những nơi in dấu chân em, để ngồi hằng giờ, hằng buổi, lắng nghe tiếng gió, cố lọc lấy âm vang giọng cười hồn nhiên của em… Cố hình dung từng áng mây chiều, từng tia nắng sớm đang vướng vít trên tóc, trên áo em… Cô bé Hạ Mai của mộng mơ và thực tế.
“Nhiều khi anh nghĩ hay mình vừa qua một giấc mơ dài, và đã gặp em trong giấc mơ đó. Thượng Đế đã thương anh bất hạnh nên ban cho diễm phúc được hưởng một khoảng hạnh phúc thần tiên. Nhưng rồi anh hỏi Hồng Quỳnh, nó bật cười bảo anh ngớ ngẩn, nhớ em quẩn trí. Như vậy em có thật trên đời, em đã đến với anh bằng hình hài con gái phải không Mai?
“Xa em, anh nhớ mãi một đêm trăng. Đêm trăng 30 em nhớ không?
“Ánh trăng của ảo tưởng tuyệt vời và dù biết rằng ảo tưởng không là thực tế, anh vẫn nhìn lại được vầng trăng đẹp đó mỗi lần nghĩ đến em. Áng sáng của vầng trăng sẽ chiếu sáng mãi trong hồn anh Mai ạ.
“Tập truyện sắp xong rồi. Anh đang đắn đo giữa hai lối kết: Trọn vẹn và bi thảm. Nhớ có lần em bảo truyện phải có hậu, có một kết thúc đẹp, có lẽ anh sẽ chiều ý em… Chờ đọc tác phẩm đầu tay của người đã vì em mà viết nghe bé cưng.”
° ° °
Tôi khép nhẹ mi, một giây dành cho sự hình dung Nghiễm, nét mặt thanh tú của anh, mái tóc nghệ sĩ một phần che kín khuôn trán rộng, bướng bỉnh, nụ cười heo héo mà trìu mến vô cùng… Tôi nghe nhớ Nghiễm. Tôi chưa biết nỗi nhớ của một người tình nhưng có lẽ cũng gần như thế. Tôi mang một chút tự hào là chính vì tôi mà Nghiễm đã khai thác tài năng sắp mai một. Tôi như một kẻ khám phá…
° ° °
Anh Hải đậu xe. Các em tôi mở cửa ào xuống. Hạ Vân nắm tay tôi:
- Chị Mai bỏ trượt patin gần ba tháng rồi, giờ còn “chì” không?
Tôi vênh mặt:
- Cứ thử thì biết.
Cả bọn vào phòng thay đồ. Anh Hải và Phi, Thuận đã đi riêng. Còn tôi với Hạ Vân. Tôi trút bỏ quần tây áo chemise để mặc bộ short màu hồng viền trắng. Hạ Vân tấm tắc:
- Chị mặc bộ này coi “mi-nhon” hết cỡ. Tụi bạn em khoái có thân hình nhỏ nhắn như chị mà đứa nào cũng như cái bồ.
Tôi cười:
- Tùy tạng người chứ. Bộ mình muốn mà được sao?
Hai chị em ra mướn giày. Đàng kia anh Hải và Phi, Thuận đã ra sân. Anh Hải lạng một vòng bay bướm qua mặt các cô lấy điểm. Thuận theo anh còn Phi thì vừa mặt đất “nựng” nhẹ cặp mông vì đôi giầy phản phé.
- Chị cần huấn luyện viên dợt lúc đầu không?
Tôi lắc đầu:
- Khỏi. Chưa quên đâu cưng.
Tôi chưa quên thật. Đôi giày có bánh xe chạy thoăn thoắt bởi sự điều khiển của tôi. Nắng lên nhuộm hồng cả khung trời và tôi lượn ngang lượn dọc trong khoảng trời hồng đó.
Lướt ngang anh Hải, anh kêu lên:
- Hạ Mai vẫn còn đủ phong độ hả?
- Chứ sao. Bộ anh chê em cù lần hả? Còn lâu.
Hạ Vân bám sát tôi. Hai đứa cố sức biểu diễn những đường thật đẹp mắt trước những ánh mắt tán thưởng lẫn thèm thuồng của những người mới tập. Năm anh em đuổi nhau trên sân trượt cho đến lúc mệt nhoài mới vào nghỉ giải khát.
Đột nhiên Hạ Vân bảo tôi:
- Chị mà chơi cái trò này là anh Nghiễm lép vế.
Chợt dưng nhớ Nghiễm đang lặng buồn ở tỉnh lẻ, tôi xót xa:
- Mỗi người một số mạng, biết sao bây giờ.
- Cũng tội nghiệp chị Mai nhỉ. Con người đang bô trai, khỏe mạnh đột nhiên bị tật nguyền, cả tương lai bị sụp đổ. Thà bị cụt chân cụt tay gì đi, còn nhìn thấy cuộc đời, đỡ khổ hơn mù…
Anh Hải cắt ngang:
- Sự tật nguyền nào cũng là một nỗi khổ, chưa chắc gì cụt tay cụt chân lại đỡ khổ hơn mù lòa đâu Vân… Biết đâu trong cái ánh sáng còn lại đó, họ không nhìn thấy tất cả những bạc bẽo của cuộc đời còn hơn là kẻ mù. Dù có bị đánh lừa thì ít ra họ cũng không đến nỗi cay đắng lắm.
Tôi không biết ai đúng ai sai. Có điều với Nghiễm, tôi hy vọng sự bất hạnh của anh sẽ là động cơ thúc đẩy anh tìm một nguồn sáng miên viễn cho tâm hồn.
Trăng 30 Trăng 30 - Thụy Ý Trăng 30