If there's a book you really want to read but it hasn't been written yet, then you must write it.

Toni Morrison

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5867 / 62
Cập nhật: 2016-06-23 09:39:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20
áo chí khai thác vụ George Tạo cho ông giám đốc Trần Thức Thời mọc sừng một cách sôi nổi. Cả nước hả hê tin này. George Tạo đã trở thành anh hùng. Ông Trần Thức Thời xấu hổ quá, uống thuốc ngủ tự tử. Báo chí có đủ hình ảnh vụ điếm nhục này. Nhờ Phủ tổng thống can thiệp, báo chí đành nhượng bộ sau một tuần đăng tải cuộc đời ái tình và sự nghiệp của ông Trần Thức Thời. Vụ ghen tạt át-xít hủy hoại nhan sắc chị Hồng sống dậy.
Vài tờ báo rẻ tiền lồng thuyết nhân quả vô những cái sừng trên đầu xác chết Trần Thức Thời. Rồi kết luận Trời, Phật ở gần ta lắm. Vài tờ báo rẻ tiền khác quả quyết George Tạo là nhân tình cũ của chị Hồng đã âm thầm trả thù người yêu dấu. Chai át-xít được trả giá xứng đáng.
Tôi đứng ngoài cuộc. George Tạo không bị phiền phức gì, vì bố nó làm lớn, bố nó đau khổ chuyện đốn mạt này lắm nhưng nghĩ đến chức tước, danh dự và thể diện quốc gia, bố nó đã im lặng. Cái tên George Tạo được nhà báo “nể tình” viết tắt. Dù sao, dư luận cũng biết con cụ Phó chủ mưu cắm sừng để giết ông Trần Thức Thời. Vợ ông ta bây giờ sống như chết. Chị Hồng hẳn bằng lòng rồi. George Tạo bắt tôi giữ lời hứa. Tôi chiều nó, nhận lời đi Đà Lạt, quên cả việc làm mối Thanh Triều cho Hồ Hải. George Tạo lái chiếc xe thể thao Simca đỏ. Nó mang theo một bó bạc giấy năm trăm. Nó lái xe bạt mạng. Tôi linh cảm có chuyện gì ghê gớm sắp xảy ra. Tony Phước đã dọa sẽ bắn chết George Tạo. Nếu nó biết chúng tôi du hý ở Đà Lạt, thế nào nó cũng kéo cả “băng” của nó lên cái thành phố thơ mộng này, gây náo loạn cho mà xem. Lũ ngựa non háu đá lăm. Chỉ cần một tiếng mái sùy, chúng nó sẽ hả hê đâm chém nhau.
Hai ngày vung tiền ở Đà Lạt trôi đi rất vội vã. Sang ngày thứ ba hết cả trò giải trí. Tôi đã sống những ngày thật đẹp với Thái Anh trên mảnh đất này. Tôi nghĩ những gì tôi có, tôi đã cho hết Thái Anh. Nên chẳng còn gì để cho kẻ khác. Tony Phước hay George Tạo hay bất cứ đứa nào đến sau Thái Anh đều được thưởng thức “miếng thịt trâu toi” nói theo giọng điệu của Hồ Hải. George Tạo say mê “miếng thịt trâu toi”. Nhưng vẫn chưa được. Tôi mới chỉ cho nó ôm ấp, hôn hít. Và, vì chỉ cho nó có thế, nó càng thèm khát, càng gắn bó với tôi. Ngày thứ tư, Tony Phước xuất hiện ở Đà Lạt. Tôi thoáng trông thấy chiếc xe Mercedes của nó đậu trước một quán cà-phê, vội bảo George Tạo quay về khách sạn ngay. Tôi không thương George Tạo nhưng không muốn ra tòa. Đã ra tòa một lần, tôi ngán cái quang cảnh cổ kính gần như cổ hủ của tòa án. Tôi ngán ngẩm những ông luật sư với những lời biện hộ ngây ngô của các ông ấy. Tôi là thủ phạm giết con lão già Lê Văn, nhưng luật sư khăng khăng cải chính Lê Văn giết con lão. Và công lý thiếu quang tuyến X rọi vào tim phổi Hồ Hải và tôi. Mà chúng tôi vô tội.
George Tạo lái xe về khách sạn, nó hỏi tôi:
- Sao em đổi ý nhanh thế?
Tôi thản nhiên:
- Tony Phước tìm anh.
Nó cười:
- Ồ, tưởng gì, anh sẽ đi tìm Tony Phước, tống cổ nó về Sàigòn.
Nó chửi thề, văng tục một hồi. Rồi rút khẩu súng xem xét đạn dược:
- Thằng L. con phá đám hả? Cuộc vui đang hào hứng. Tiên sư cha nó, anh sẽ đẩy xe của nó xuống vực. Em đi xem anh giết nó không?
Tôi lắc đầu:
- Em sợ lắm.
George Tạo hầm hầm đẩy cửa phòng bước ra. Tôi nhìn theo, mỉm cười. Chúng nó sắp chém giết nhau. Lý tưởng của bọn thanh niên nay là vậy. Cờ bạc, đàng điếm, đâm chém. Cái người ta gọi là “nổi loạn vô duyên cớ” không tìm thấy ở bất cứ một tầng lớp thanh thiếu niên nào, trừ bọn con ông cháu cha, no cơm rửng mỡ, thừa tiền vung vãi. Sự mục nát bắt nguồn từ gia đình chúng. Cha anh chúng đàng điếm, ăn cắp; mẹ chúng cờ bạc, ngoại tình. Thì dĩ nhiên, chúng nó phải “nổi loạn vô duyên cớ” để trở thành những con ngựa hoang. Những con ngựa hoang dẫm nát cánh đồng cỏ xanh tốt, chạy vào sa mạc cát bỏng. Bầy ngựa nhà thiếu cỏ bèn phẫn nộ, đuổi theo những con ngựa hoang. Và cả một thế hệ lạc loài sa mạc, chết khát trong cát cháy.
Tôi biết rõ cái xã hội của chúng ta hôm nay. Đó là cái xã hội đạo đức giả. Con nhà lập thuyết nằm bẹp ở sòng hút thuốc phiện. Con nhà mô phạm chuyên trèo tường trổ nóc ăn trộm vặt. Con ông luật sư làm xếp sòng gác cửa nhà chứa. Vợ ông tổng giám đốc kiếm thêm nghề đổ hồ. Các nhà tu hành nhảy vô ngành kinh tài, xoay áp phe giỏi giang hơn dân áp-phe chuyên nghiệp. Các ông trong hội bảo vệ thiếu nhi xì phé, mác chược ngày này qua ngày khác, ông chánh án cởi bộ đồ đen ra, hết ngay tác phong chánh án. Các nhà chính khách vừa tuyên bố công kích một nhân vật chính quyền vừa sai đàn em đi cửa sau lạy lục nhân vật mình công kích. Trên mặt báo, nghị sĩ thiếu nợ bị nhà báo viết thư đòi và “chửi rủa êm ái”. Nghị sĩ buôn vải chợ đen, tố nhau là ăn cắp, du đãng! Xã hội chúng ta đấy. Mấy tháng trước có thằng sinh viên y khoa tán tỉnh tôi. Tên nó là Diệp Sơn. Hồ Hải kể lai lịch thằng này vanh vách. Nó đã có vợ con. Hồi mới di cư, nó đang học lớp đệ nhị. Nó đói dài người ra, bỏ vợ con, o bế con một bà chủ hàng vàng. Con bé nghe nó tán tỉnh, lấy nó làm vợ. Bà mẹ thấy cậu Diệp Sơn “mồ côi”, lại có chí và con người trông sạch sẽ, bèn cho con gái chút của hồi môn tức là mở cho hai trẻ một tiệm vàng nhỏ ở đường Lý Thái Tổ. Cậu Diệp Sơn có vợ nhà giầu, khỏi lo đói rách miệt mài học. Khi đã đậu xong hai cái bằng tú tài, cậu Diệp Sơn lên học trường thuốc và bắt đầu phá nát cái tiệm vàng. Rồi, dù đã có hôn thú, và đã có con với cô hàng vàng, sinh viên y khoa Diệp Sơn vẫn bỏ rơi cô hàng vàng, chạy đi tán tỉnh một cô nữ sinh con nhà giầu khác. Cô hàng vàng, sau này gửi con nhờ mẹ nuôi và đi lấy Mỹ. Sinh viên Diệp Sơn đào mỏ vàng mới ròng rã bảy năm. Khi tốt nghiệp bác sĩ, chàng ta “đá” luôn con vợ mới. Và, đem cái bằng bác sĩ cò mồi những cô gái khác. Chàng ta đánh hơi, biết tôi có tiền, gạ cưới tôi. Tôi đã sai Tony Phước đón chàng ta ở trường thuốc, đánh chàng ta một trận thừa sống thiếu chết. Tony Phước còn quay sẵn ro-nê-ô một bài “lý lịch” của bác sĩ Diệp Sơn, phát tặng các sinh viên y khoa. Tâm hồn những thằng thanh niên trí thức nham nhở thế đấy. Thế nhưng, xã hội vẫn dành cho chúng nó những chỗ ngồi xứng đáng. Loại Diệp Sơn mà sống cò bơ cò bất, chắc chắn, xã hội sẽ đau lòng lắm. Và chính chúng nó sẽ to tiếng miệt thị lớp bác sĩ đàn anh đã kìm hãm bước tiến của chúng rồi đòi thay thế ngay lớp đàn anh.
Tôi có thể kính trọng George Tạo, Tony Phước, Nghiêm Quân, Nguyễn Đức được ư? Tôi có thể kính trọng giáo sư Dũng được ư? Bước xuống cuộc đời mới biết cuộc đời bẩn thỉu. Hèn chi Chế Lan Viên đã sợ con chim bồ câu trắng ra khỏi tổ. Phải chi, tôi giống con chim bồ câu trắng, suốt đời sống trong cái tổ của mình. Đã bị vấy bùn nhơ, tôi thản nhiên chấp nhận cuộc đời. Và thản nhiên nhìn chúng nó giết chóc nhau. Cái chức tước nữ chúa rằn ri của tôi chỉ có bọn Tony Phước, George Tạo biết. Tôi muốn đừng ai biết nữa. Để đứng trong bóng tối xem vở kịch đời đẫm máu và nước mắt.
George Tạo đi kiếm đàn em của nó ở Đà Lạt. Địa vị của bố nó cho phép nó làm loạn tại cái mảnh đất hiền lành này. Nó đã đi tìm Tony Phước. Thị xã Đà Lạt náo động một buổi. Bọn chúng đụng độ quyết liệt giữa con phố chính. Cảnh sát bất lực. Cảnh sát tỉnh nhỏ vốn đã hiền khô, lại có lệnh không được can thiệp, thì ai cần đối phó. Những lưỡi dao rút khỏi túi, bật sáng ngời, đâm nhau túi bụi. Báo chí đã tường thuật thế. Tony Phước thoát khỏi vòng vây, nhảy lên chiếc xe thể thao Mercedes của nó. George Tạo phóng chiếc Simca rượt theo. Hai chiếc xe chạy đua với tử thần. George Tạo bắn đuổi. Tony Phước bắn trả lại. Súng nổ vang. Xe lên dốc, xuống dốc vun vút. Y hệt một pha “mồ hôi lạnh” trên màn ảnh. Phố xá đóng cửa rầm rập, sợ ăn đạn lạc. Dân chúng tìm chỗ nấp. Tony Phước yếu thế rú hết ga trên đường về Sàigòn. George Tạo cũng rú hết ga cố đuổi bằng được kẻ thù. Nó nhắm bánh xe Tony Phước khạc đạn. Viên đạn trúng bánh xe sau của Tony Phước. Chiếc xe phóng nhanh, mất thăng bằng. Nó ngoằn ngoèo trên mặt đường như trò ảo thuật một quãng ngắn rồi lao xuống vực sâu trên đoạn đường đèo. George Tạo đã thanh toán Tony Phước.
George Tạo thắng xe lại, ngó “tác phẩm” của nó, rồi về khách sạn. Nó không mảy may xúc động hay bàng hoàng. Tuổi trẻ đã trở nên tàn nhẫn thế đấy. Những nhà xã hội học kết luận rất vội vàng rằng sự tàn nhẫn của tuổi trẻ hôm nay là hậu quả của chiến tranh hôm qua. Cứ sau một trận giặc lớn lại có một thế hệ thanh niên suy sụp. Những Teddy Boys, Blousons Noirs, Demi Sels, Beatnick... là những “tác phẩm” thai nghén trong trận đại chiến thứ hai. Người tuổi trẻ trưởng thành nhờ tiếng bom, tiếng đạn nổ. Muốn tham dự nhưng chưa đến tuổi. Khi bom đạn ngừng thì lỡ cơ hội chém giết và chỉ nhìn thấy đổ vỡ. Kẻ thua trận không ăn giải gì. Mà kẻ thắng trận cũng chẳng vẻ vang. “The winner takes nothing”. Và rồi, tuổi trẻ đâm ra hoài nghi, chán nản, muốn vượt khuôn khổ xã hội, sống cho riêng mình, muốn đặt riêng một triết lý sống. Đấy là tâm sự của những thanh niên trên thế giới, tâm sự của những thanh niên sống trong những hoàn cảnh đầy đủ vật chất. Tâm sự này chẳng khi nào đúng với tâm sự người thanh niên Việt Nam. Nhưng khi nói về tâm sự tuổi trẻ, hình như, các nhà xã hội học ở đây cứ lồng trái tim thanh niên Việt Nam vào trái tim thanh niên Mỹ, thanh niên Pháp. Sự tàn nhẫn, nỗi đau thương, cảnh đi hoang của lớp thanh niên thành phố bắt nguồn từ những hoàn cảnh tối tăm hơn nhiều. Những George Tạo, Tony Phước, Nghiêm Quân, Nguyễn Đức... chỉ là những con vật hy sinh sớm nhất vì chúng gần ánh đèn nhất. Không phải vì chiến tranh mà thanh niên bất mãn. Không phải vì nghèo khổ, dốt nát mà thanh niên tàn nhẫn. Nguyên nhân chính là tại lớp cha anh đốn mạt, lớp lãnh tụ giả hình. Những tên đạo diễn mù này đã vất hy vọng của tuổi trẻ trong sa mạc. Một khi niềm tin cháy lụi, một khi người tuổi trẻ khinh bỉ đàn anh, một mình tìm hướng đi thì chắc chắn phải có sự đổ vỡ. Bởi vì họ đã thành những con ngựa hoang không yên cương, dẫm nát cả cánh đồng cỏ xanh tươi, cầy tung cả cát bỏng giữa sa mạc. Con ngựa hoang không tin tưởng cuộc đời, nó cần gì cuộc đời tin tưởng nó. Và do đấy nó trở nên tàn nhẫn. George Tạo rút khẩu súng, đưa nòng lên sát miệng, thổi nhẹ như thể làm cho nòng súng nguội đi. Nó lạnh lùng bảo tôi:
- Xong rồi.
- Tony Phước về Sàigòn chưa?
- Nó đã về Âm phủ.
George Tạo thuật chuyện “mồ hôi lạnh” của nó. Nó say sưa kể tựa hồ một người vừa làm được một việc phi thường.
- Em hài lòng không?
- Sắp rắc rối to.
- Em sợ gì?
- Lại ra tòa.
- Anh bảo đảm với em không có chuyện gì rắc rối cả. Đứa nào đòi xử em, anh sẽ bắn nát cả nhà nó. Chưa thằng nào dám đốt tòa án. Anh sẽ đốt tòa án để làm anh hùng.
Quả đúng lời George Tạo nói, cái chết của Tony Phước không rầm rộ như cái chết của con trai lão già Lê Văn. Báo chí đăng tin nó chết vào mục “từ thành đến tỉnh”. Họ biết hết mọi chi tiết. Nhưng không được khai thác. Tờ Đối Lập chỉ tường thuật hai xe rượt nhau và viết tên tắt mà bị đóng cửa hai ngày. Dân chúng Đà Lạt đã chứng kiến cảnh rượt đuổi này. Và, dù báo chí không thuật, cả thị xã đều biết hết nội vụ. Tôi bị cảnh sát gọi tới dọa dẫm rằng không được tiết lộ bất cứ một chi tiết nào cho bất cứ ai. Người nhà Tony Phước đến thăm hỏi tôi. Người nhà George Tạo đến căn dặn tôi. Người của nhà báo, người của nhà nước đến rình rập, và canh chừng nhau. Tôi biến thành một nhân vật nổi tiếng. Nhật báo Chiến Đấu cho đăng một tiểu thuyết nói về cuộc đời và sự nghiệp của Ngọc Salem nữ chúa rằn ri nổi tiếng. Người viết truyện “Ngọc Salem” đã khôn khéo nhét những vụ án tình của tôi vào tiểu thuyết của ông ta. Nên độc giả tưởng đó là chuyện đời tôi.
Trần Thị Diễm Châu Trần Thị Diễm Châu - Duyên Anh Trần Thị Diễm Châu