Biển lặng không làm nên những thủy thủ tài giỏi.

Tục ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5867 / 63
Cập nhật: 2016-06-23 09:39:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
ái thai lớn dần trong bụng tôi. Lại có những đêm chúng tôi bàn chuyện tương lai.
- Anh ạ!
- Gì em?
- Thôi, con trai không đặt tên là Vũ nữa.
- Thế đặt tên gì?
- Tìm một cái tên thật xấu xí đi anh.
- Đất sét nhé!
- Kỳ cục chết.
- Tèo nhé!
- Quê quá!
- Thế đặt tên là gì?
- Em muốn đặt tên là Hạnh.
- Ờ, tên Hạnh lót chữ Hữu đi. Hữu Hạnh là có hạnh phúc. Còn con gái?
- Không đặt tên là Liên nữa, tên này em có cảm tưởng nó mơ hồ lắm nó không ở với chúng mình lâu đâu. Nó đến rồi nó đi. Bắt chợt nó lại đến và mất hút tăm tích, để mình mong nhớ nó hoài...
Thái Anh ngẩn ngơ chẳng hiểu tôi muốn nói gì. Nhưng chàng cứ đồng ý.
- Em định đặt tên con gái là Phượng tên của Sơ Joséphine đấy.
Chàng bằng lòng luôn luôn. Những câu chuyện của đôi vợ chồng son trẻ chung quanh đứa con đầu lòng sắp ra đời thì nhiều vô kể. Nói làm sao hết được. Thái Anh vẫn hì hục viết, vẫn bất mãn những gì chàng đã viết. Chàng muốn thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại, vươn cao hơn, đi xa hơn để viết nổi một cuốn tiểu thuyết ra hồn. Nhưng hình như hoàn cảnh hiện tại đối với Thái Anh là một cái thòng lọng. Càng cựa quậy thoát ra, nó càng thắt chặt. Chàng thường bảo tôi, viết lách bây giờ khó lắm.
Độc giả chê trách nhà văn cứ quanh quẩn ở những lối mòn cũ kỹ. Sống trong lửa đạn mà can đảm viết lách những mối tình phù phiếm của lớp dân thành phố. Những người không viết tiểu thuyết ái tình phù phiếm thì lại cho những tư tưởng mới mẻ, quái đản vào tác phẩm của mình. Và họ bị kết tội là lớp nhà văn hoài nghi. Độc giả đòi hỏi sự thật trong sáng tác. Độc giả muốn sự thật quanh đời sống hàng ngày của chúng ta phải được nhà văn lọc lựa, biến thành tiểu thuyết vì không dễ gì lúc nào người ta cũng phơi bầy sự thật nguyên hình của sự thật. Nhưng nhà văn viết gì? Ngoài cái bàn, xấp giấy, cái bút còn có hàng rào kẽm gai trên đó, những con cú, những con kên kên đang chờ đợi mổ nát bấy sự thật, mổ nát bấy chân-thiện-mỹ trong những tác phẩm của nhà văn. Nỗi cô đơn của lớp nhà văn hôm nay là thế. Càng cô đơn hơn, khi độc giả không hiểu giùm nỗi cô đơn của nhà văn. (bỏ 71 chữ)
Thái Anh muốn bẻ bút. Thường thường một nhà văn đã “tới” đã chín muồi danh vọng, họ đều bẻ bút không viết nữa. Viết thêm sẽ bị tiêu ma sự nghiệp, Thái Anh chưa có tí danh vọng nào! Chàng muốn bẻ bút chỉ vì song song với văn chương còn có kiểm tục văn chương. Vì tôi, vì còn tương lai của tôi, Thái Anh phải tiếp tục những tiểu thuyết máy nước, cỏ rác đăng tải trên các nhật báo. Chàng phải tiếp tục “ngủ với điếm” để sinh ra những đứa con hoang.
Tôi lại thấy thương Thái Anh gấp bội, thương những nhà văn Việt Nam nghèo khổ, rất sợ “bệnh hoa liễu” mà cứ phải “ngủ với điếm” để có áo cơm cho gia đình. Tôi hay an ủi Thái Anh:
- Anh đừng buồn, sinh con xong, em học thi nốt tú tài rồi hoặc em theo sư phạm hoặc em theo văn khoa, lấy vài chứng chỉ xong em sẽ đi dạy để anh khỏi sinh ra những “đứa con hoang”.
Thái Anh lắc đầu.
- Em nghĩ xa xôi quá.
Tôi nắm lấy tay chàng:
- Để anh có thì giờ viết cho anh.
Đôi mắt Thái Anh, bỗng dưng ánh lên một niềm tin tưởng:
- Rồi một ngày nào đó, cái ao bùn văn chương lắng lại, trong suốt, người ta có thể đứng trên bờ nhìn rõ từng con cá vàng, từng con tôm, con tép, bấy giờ sẽ là lúc anh viết cho anh. Chúng ta có chấp nhận cuộc sống hiện tại đâu. Không một nhà văn nào chấp nhận cuộc sống hiện tại cả. Vì thế, họ mới tạo ra những cuộc đời thật thơ mộng trong tác phẩm của họ. Khi cây bút chưa rời tay anh, anh vẫn có quyền phong mình làm anh hùng và nhốt bọn vua chúa vào ngục tù. Anh sẽ cho bọn vua chúa làm những thằng hề đốn mạt. Và nhà văn các anh làm những hiệp sĩ mã thượng.
Giọng Thái Anh trở nên kênh kiệu. Tôi biết khi ấy men văn nghệ đã thấm vào tận tủy chàng. Nỗi nhục nhằn nghề nghiệp biến đi nhường chỗ cho niềm kiêu hãnh. Một trăm nhà văn thì chín mươi chín người rưỡi kiêu hãnh. Kiêu hãnh ngầm, kiêu hãnh ra mặt. Không kiêu hãnh chắc khó mà sáng tác nổi, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại. Xin đừng bắt một nhà văn phải khiêm tốn khi ta muốn đọc những tác phẩm hay của họ. Họ kiêu hãnh nhưng niềm kiêu hãnh của họ đáng yêu và chẳng bao giờ làm hại người khác. Thế là được rồi.
Thái Anh nằm xuống cạnh tôi. Chàng vuổt ve bàn tay tôi.
- Em ạ!
- Thưa anh, em nghe đây.
- Anh vẫn thích hình ảnh một ông Trạng “vinh quy về làng”. Kẻ sĩ thời xưa được trọng vọng quá. Em có thuộc bài thơ “Quan Trạng” của Nguyễn Bính không?
Tôi thuộc bài thơ này. Nó nhẹ nhàng và man mác như ca dao.
Quan trạng đi bốn lọng vàng,
Cờ treo tám phía qua làng trang nghiêm.
Mọi người hớn hở ra xem,
Chỉ duy có một cô em hơi buồn.
Từ ngày cô chửa thành hôn,
Từ ngày anh khóa hãy còn hàn vi.
Thế rồi vua mở khoa thi,
Thế rồi quan trạng vinh quy qua làng...
Thi sĩ Nguyễn Bính chắc là người hoài cổ nhất. Ông ta đã dệt ra cả giấc mơ “vinh quy về làng” cho lái đò.
Hôm qua chở chiếc thuyền này,
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều.
Để tôi mơ mãi mơ nhiều,
Tước đay se võng nhuộm điều ta đi.
Tưng bừng vua mở khoa thi,
Tôi đỗ quan trạng vinh quy qua làng.
Võng anh đi trước võng nàng,
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò.
Đồn rằng đám cưới cô to,
Nhà trai thuê chín chiếc đò đón dâu.
Nhà gái ăn chín nghìn cau.,
Tiền treo tiền cưới chừng đâu chín nghìn.
Lang thang tôi dạm bán thuyền,
Có người trả chín quan tiền lại thôi...
Tôi kề miệng vào Thái Anh, nhỏ nhẹ:
- Em thuộc.
Thái Anh mỉm cười.
- Anh sẽ viết một cái tiểu thuyết thơ mộng như nỗi buồn của “cô em” đứng nép ở gốc cây nhìn quan Trạng vinh quy qua làng. Em bằng lòng không?
- Bằng lòng chứ.
Chúng tỏi nói chuyện văn chương suốt buổi. Chàng không phàn nàn “đẻ con hoang với điếm”. Tôi cũng chẳng còn sợ Thượng đế chê bỏ nữa. Vì, dưới mắt tôi bây giờ. Thượng đế chính là chàng.
Qua tháng thứ bảy, không thấy một biến chứng gì, tôi mừng lắm. Tôi ăn nhiều, ngủ khỏe. Cái thai nảy nở khiến da bụng tôi mỏng ra. Trên lớp da bụng, rất nhiều vết như những vết mụn dài vừa ăn da non. Đôi vú tôi căng muốn xé tung ngực áo mỏng. Chắc đã có sữa rồi đây. Con ơi, con hãy ra đời bình yên như quê hương mình không có bom đạn, con nhé! Mẹ sẽ nuôi con bằng sữa mẹ. Mẹ thuộc nhiều ca dao lắm, mẹ sẽ ru con bằng những hơi thở của tổ tiên ta. Mẹ tình nguyện làm lớp da thú chịu đựng những mũi tên tủi nhục để con khôn lớn, không bị ảm ảnh bởi những chuyện căm hờn. Con ơi, con hãy ra đời bình yên... Tới tháng thứ tám, tôi đã có thể nghĩ chuyện may tã lót, áo quần cho con thơ.
Những buổi trưa nồng, tôi thường nằm trên ghế đu, mơ mộng rồi thiu thỉu ngủ. Thái Anh đang viết hay hút thuốc đã phải ngưng lại, ngắm giấc ngủ của tôi. Và đợi tôi thức giấc, chàng bảo “Không có gì đẹp bằng cái dáng điệu mệt mỏi của người đàn bà chửa sắp tới ngày sinh. Cũng không có gì đẹp bằng giấc ngủ trưa nồng của đàn bà chửa. Sự mệt mỏi ướp trong nỗi sung sướng. Và em ngủ như thế đấy, Châu ạ!” Dù đã là vợ của Thái Anh, được chàng tán tỉnh, tôi vẫn thấy thèn thẹn. Chàng lại bảo “Có một thứ màu mà dù đại danh họa như Michel Ange sống dậy cũng không tài nào pha màu nổi. Đó là màu má của con gái khi thẹn thùng”. Nhưng, những lời tán tỉnh vợ của Thái Anh, đột nhiên, mất hẳn vào một buổi tối cái thai trong bụng tôi sang đầu tháng chín.
Chàng về khuya, quần áo luộm thuộm, cravate trễ khỏi cổ, đầu tóc rối bù. Chàng say bí tỉ, trong tay còn cầm chai Johnnie Walker mới uống cạn một nửa. Chàng bật đèn sáng trưng căn phòng, lải nhải những lời nguyền rủa vu vơ. Chàng ngồi gục đầu trên bàn viết. Tôi đoán chừng chàng gặp anh em, vui vẻ quá nên đã uống quá độ. Sáng mai tỉnh rượu, chàng sẽ hối hận cho mà coi. Tôi mang khăn ướt tới lau mặt giùm chàng. Chàng phũ phàng, hắt tay tôi ra và quát:
- Khỏi cần, để tôi yên.
Tôi không ngạc nhiên đâu. Những người say rượu đều giống nhau. Lúc say không ai nhận ra mình, ra người thân yêu quanh mình. Lúc say người ta vượt cuộc đời thực tại, sống với ảo mộng hay ác mộng. Tôi đã học thơ văn của Cao Bá Quát, Tản Đà. Và hiểu rẳng khi sầu đau lên cơn sốt tột độ, những con người bất mãn thường dùng rượu tiêu sầu để dám coi cuộc đời như lớp mây trôi để dám coi công danh sự nghiệp như chiếc lá vèo bay.
- Anh uống nhiều quá.
- Mặc kệ tôi.
Chàng ngẩng đầu lên, dùng răng mở nút chai rượu và dốc vào miệng ừng ực. Thái Anh đã mềm môi rồi. Chàng uất ức một điều gì chăng? (bỏ 7 chữ) Những con kên kên văn nghệ? Hoặc buồn nản vì văn chương không thoát ly khỏi cái cảm hứng tầm thường? Tôi thương Thái Anh, nước mắt ứa ra. Nỗi ưu tư của các nhà văn nghệ, có lẽ, là nỗi ưu tư lớn lao nhất. Nhiều người muốn vươn lên mà lượng sức mình không vươn lên nổi đã tự tử hay bẻ bút, vùi đầu trong rượu chè bê tha. Một đôi người phát điên vì mất nửa đời người cúc cung văn nghệ nhưng văn nghệ cứ ngoảnh mặt đi, chẳng thèm ngó ngàng tới. Buồn thay, ngoài những con người thiết tha với văn nghệ, lại còn có cả những con người dùng văn nghệ làm dáng, làm cảnh cho cuộc đời họ. Thêm vào nữa là bọn con buôn văn nghệ, bọn kên kên rỉa rói tim óc của nhà văn, bằng cách cho mướn và thuê tiểu thuyết!
- Anh đừng uống nữa.
- Đã bảo mặc kệ tôi.
- Anh say bét, nói nhảm rồi đó
Chàng dậm chân hét lớn:
- Câm mồm đi, mặc cha tao, tao muốn làm gì thì làm!
Bây giờ thì tôi ngạc nhiên. Chàng có thể “mày tao” với tôi ư? Chàng vũ phu đến thế rồi ư? Tôi nhớ câu nói miệt thị của Hồ Hải: “Nhà văn thì hót rào thùng rác, sáng mai phu hốt rác sẽ xúc chúng nó đi. Nhà văn, nhà báo là bọn đểu nhất”. Tôi chỉ còn tự an ủi “chấp chi với người say rượu”.
Tôi đứng, trân trân nhìn chàng bằng ánh mắt van xin:
- Em tắt đèn đi ngủ nhé!
Chàng nín thinh. Tôi nhắc lại:
- Em tắt đèn đi ngủ nhé!
Chàng mím môi:
- Đi ngủ thì cứ đi ngủ, việc gì phải tắt đèn.
Câu nói đó khiến tôi suy nghĩ. Thái Anh không say. Chàng giận tôi điều gì, mượn rượu để đay nghiến tôi. Tại sao chàng có thể “trẻ con” đến thế? Vợ chồng chung sống với nhau đã lâu, tức tối nhau thì nói thẳng với nhau. Cần chi phải bầy trò khúc mắc cho khó xử. Tôi nín thinh, về giường ngủ. Thái Anh lặng lẽ uống và hút thuốc. Đặc biệt là chàng hút thuốc thơm sau ngót một năm hút thuốc đen. Chàng uống đến khi say mềm, gục đầu trên bàn ngáy khò khò và điếu thuốc cháy dang dở rớt khỏi tay. Tôi bụng mang dạ chửa, không thể dìu chàng tới giường được, đành để chàng ngủ gục. Tôi lấy chăn khoác kín người chàng. Đêm hôm đó, tôi không khép mắt nổi. Gần sáng mới thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, ánh nắng đã chiếu vào phòng. Và Thái Anh biến từ lúc nào. Tôi linh cảm, dưới con sông hạnh phúc đã có sóng ngầm. Nếu một mai, sóng gió nổi trên mặt sông, số phận con-thuyền-mỏng-manh-tôi sẽ ra sao? Con thuyền mất Thái Anh là mất người lèo lái. Chắc chắn nó sẽ lật úp và tôi sẽ chới với giữa giòng. May ra, vớ đưọc cái bè chuối, ngoi ngóp vào bờ. Để sống sót. Để hối hận. Để chở thêm sầu đau. “Những đám mây đen sẽ tan, nhưng trời còn lại mãi, trong xanh và bao la”. Tôi mơ hồ nghe tiếng Sơ Joséphine. Tôi nhớ, có hôm, Hồ Hải đã bảo tôi “Tao à. Coi như chị đã sang sông đắm đò”. Cuộc đời “coi như sang sông đắm đò” thì còn gì là cuộc đời. Tôi không tin Thái Anh sẽ cho đắm con đò chàng và tôi đang lênh đênh trên giòng sông cuộc đời.
Cả ngày, Thái Anh không về. Cả đêm, Thái Anh vẫn không về. Tôi sống phập phồng, lo âu. Giá không có cái thai sắp sinh thì dễ giải quyết biết mấy. Hôm sau nữa, tôi tới nhật báo Hy Vọng. Người ta bảo Thái Anh đi làm phóng sự ở ngoài Trung. Tôi sống hắt hiu sầu muộn và lo sợ. Bất chợt nửa đêm trở dạ, một mình tôi xoay sở ra sao? Tôi oán trách Thái Anh nhiều, không dám nhớ lại những lời mật ong chàng đã thủ thỉ rót vào tai tôi. Nếu tôi có tội, hình phạt chàng xử tôi tàn nhẫn vô cùng. Tôi chỉ biết khóc, khóc ngày, khóc đêm.
Một tuần lễ quạnh hiu trôi đi. Khi đôi mắt tôi đã sưng húp, thì Thái Anh trở về với hình ảnh tiều tụy của đêm say rượu. Tôi lầm. Người bỏ nhà đi, lúc trở về thường mang theo một trời hối hận. Tôi săn đón:
- Anh mới ở Trung về?
Chàng đáp cộc lốc:
- Ở sòng thuốc phiện!
Tôi rụng rời. Thái Anh bê tha thế này ư?
- Anh hút thuốc phiện?
- Chứ sao, phiền cô lắm à?
Nước mắt tôi ứa ra. Sao tôi mau nước mắt vậy? Thượng đế không ban hạnh phúc cho tôi mà chỉ tặng cho tôi một giòng suối nước mắt không bao giờ cạn.
- Anh có điều gì buồn, anh cứ nói ra, việc chi phải tự đầy đọa mình như thế?
Chàng tìm chiếc ghế, vác tới trước tủ áo. Chàng leo lên, lấy chiếc va-li, phủi bụi. Rồi mở tủ xếp quần áo,
- Anh bỏ em chăng?
- Tôi muốn đi xa.
- Em sắp sinh nở, anh nên nghĩ lại.
- Cô tự lo lấy.
- Nếu em tự lo lấy được, đâu phải cầu xin anh.
Tôi giữ chặt tay Thái Anh. Chàng hắt tay tôi ra, đẩy tôi ngã ngửa trên giường.
- Anh giận gì em?
- Cô tự hiểu.
- Em chẳng hiểu chi cả.
Thái Anh quay lại mỉa mai:
- Thế hả? Cô đừng giả vờ, cô đóng kịch giỏi quá. Tôi chán vở kịch của cô rồi.
Tôi sững sờ:
- Em đã đóng kich với anh?
Chàng trề môi:
- Đóng kịch xuất chúng. Tôi mà còn bị cô lừa bịp.
Tôi đã hiểu chuyện rồi. Tự nhiên mặt mũi tôi tối tăm lại. Tôi úp mặt vào đôi tay:
- Tưởng Sơ Joséphine đã nói hết với anh.
Chàng gầm lên:
- Không đứa nào nói cả. Chúng nó toa rập với nhau, bịp bợm tao.
Tôi giận Thái Anh lắm. Nhưng cố bình tĩnh:
- Anh nên ăn nói cho tử tế. Ít ra anh cũng là nhà văn. Mày tao chi tớ để dành cho bọn vô học.
Chàng câm lặng. Tôi nói:
- Về cuộc đời tôi, những gì anh đã biết, anh cứ kể ra, thiếu sót, tôi bổ khuyết thêm. Anh nên nhớ rằng tôi chưa làm đĩ!
Thái Anh tiếp tục xếp quần áo vào va-li. Tôi đã ra ngồi ở ghế để có chỗ dựa lưng thoải mái.
- Anh không cần đi đâu cả. Nhà này nhà của anh. Tất cả đồ đạc đều của anh. Tôi sẽ đi khỏi đây. Tôi sẽ sinh đẻ và bóp chết đứa nhỏ.
Chàng không mảy may xúc động. Tôi tưới thêm dầu:
- Vì nó không nên sống để biết bố nó là một thằng hèn hạ, đê tiện.
Thái Anh xé rách chiếc sơ-mi trong tay chàng:
- Mày bảo ai đê tiện?
Tôi bình tĩnh:
- Anh dám hành hạ tôi không? Nếu không tôi khỏi thèm trả lời, tự anh, chắc anh đã hiểu.
Chàng lại câm lặng. Tôi nằn nì:
- Anh ngồi vào bàn, ta nói chuyện tử tế. Tôi hứa với anh xong câu chuyện tôi sẽ bỏ rơi anh, dù anh có lạy tôi, tôi cũng bỏ anh. Anh chưa biết hết về tôi, dù anh đã cướp giật trọn vẹn tình cảm của tôi và phóng uế lên thể xác tôi.
Thái Anh rửng rưng. Tôi chụp cái gạt tàn thuốc lá, ném mạnh vào tường. Tiếng thủy tinh vỡ nghe rờn rợn. Thái Anh hùng hổ, bước tới. Và gieo phịch cả thân hình xuống ghế. Nhà văn Thái Anh của tôi đấy. Có lẽ, chàng giống hệt một nhân vật đê tiện nhất trong tiểu thuyết của chàng.
- Cô nói đi!
- Tôi đoán đã có kẻ xúc xiểm tôi với anh.
- Không ai xúc xiểm cô cả. Họ chỉ nói sự thật về cô.
- Họ đã nói gì?
- Nói rằng cô sống với cha dượng, cô “chài” cha dượng cô. Cô ngủ với cha dượng cô. Mẹ cô ghen đánh đuổi cô.
Tôi gật gù ra dáng thích thú, tuy lòng tôi đang đau như cắt, đau hơn hai lần nạo nhau:
- Rồi sao nữa?
- Rồi cô “chài” thằng Dũng, xập xí xập ngầu, toan tặng nó “tác phẩm” không phải của nó. Cô ôm gót chân nó, van lạy nó nhưng nó vẫn đá cô đi.
- Ai đã nói với anh?
- Thằng Dũng.
Tôi thản nhiên hỏi:
- Anh cho tôi xin điếu thuốc.
Không hiểu nghĩ sao, Thái Anh vất gói thuốc cho tôi. Lạ lùng quá, đó là thuốc Kool chưa lột, còn nguyên vẹn. Tôi xé miếng giấy bạc nhỏ, rút ra một điếu, ngậm lên môi:
- Anh cho tôi xin chút lửa.
Thái Anh quăng cái bật lửa. Tôi bắt lấy sành sỏi như tay chơi. Tôi mồi thuốc, hít một hơi đầy, nhả khói:
- Thằng Dũng là bạn anh à?
- Phải.
- Tôi cá với anh cho bạc triệu nó cũng không dám gặp tôi. Anh làm ơn nhắn với nó rằng tôi bảo nó là thằng đốn mạt, sẽ có ngày tôi tìm nó rạch mặt nó ra. Tôi mới xuống đời, và mới gặp hai nhà trí thức là nó và anh. Tôi thấy, anh cũng giống nó.
Chàng thẫn thờ giọng chàng lạc đi:
- Sự thật không phải vậy, hở em?
Tôi căng mắt nhìn Thái Anh:
- Anh không xứng đáng biết sự thật... Anh cứ hiểu sự thật như thằng Dũng nói với anh. Phải, sự thật là thế đó. Hơi phũ phàng và tàn nhẫn. Con bạn tôi đã nói “nhà văn là bọn đểu, đáng hót vào thùng rác”. Anh đáng hót vào thùng rác. Anh diễn tả lòng cao thượng của anh trong tiểu thuyết thì ghê gớm lắm, nhưng sống với anh mới thấy trái tim thật của anh.
Thái Anh cúi gầm mặt. Bất chợt, chàng đập mạnh tay lên mặt bàn.
- Cô nhục mạ tôi hả?
Tôi lắc đầu:
- Tôi không nhục mạ riêng anh đâu. Mà nhục mạ chung những thằng viết tiểu thuyết. Đọc các anh, độc giả tưởng lòng các anh trang trải, rộng lớn lắm. Các anh sẵn sàng chở muôn ngàn nỗi đau thương của kẻ khác vào lòng các anh. Các anh đã dệt những mối tình thơ mộng giữa một con đĩ với một nhà văn. Các anh chống bất công, nguyền rủa những kẻ bạc tình, phản bội. Các anh tự phong các anh là những người quân tử và chửi bới người đời là những kẻ vị kỷ hẹp hòi đê tiện. Nếu không có hôm nay, tôi vẫn sống trong ảo mộng, tưởng anh là thần là thánh. Thật ra anh là...
Thái Anh dằn giọng:
- Cô nói tiếp đi!
Tôi đứng dậy:
- Phải dùng hai tiếng “chó đẻ” mới cực tả nổi sự khinh bỉ anh. Tôi bỏ rơi anh chứ không phải anh bỏ rơi tôi. Sau này, nếu tôi có lấy người khác, anh đừng bắt chước thằng Dũng mà bảo rằng anh đuổi tôi đi nhé!
Thái Anh cũng đã đứng dậy, nắm lấy tay tôi:
- Em đi đâu?
Tôi hất tay Thái Anh ra:
- Tôi trở về thế giới của tôi. Giữa chúng ta thế là hết. Tôi nhiều tự ái lắm. Anh có thể hỏi thằng Dũng thì biết. Khi anh đã dùng những tiếng “chài” “đá” miệt thị tôi, dẫu tôi có đoán trước được con đường chông gai đang chờ đợi tôi, tôi vẫn không còn can đảm sống chung với anh nữa. Tôi quen chịu đựng đau khổ, ê chề rồi. Tôi sẽ làm những đứa gieo oan nghiệt vào đời tôi đau khổ ê chề như tôi.
Thái Anh đưa tay lên bóp trán:
- Vợ chồng cãi nhau là chuyện thường.
Tôi cười nửa miệng:
- Chúng ta đâu có cãi nhau. Anh khinh bỉ tôi, tôi ghê tởm anh. Tôi trót chửi anh là đồ chó đẻ mà còn âu yếm anh được ư? Sống như vậy ngượng quá, thà là xa nhau để anh hối hận, để tôi tiếc nhớ có lẽ đẹp hơn. Bây giờ anh có thể để cái gương trên bàn viết của anh. Mỗi khi viết lách, anh soi hình anh, soi tâm hồn anh, nhìn cho đúng mà viết.
Tôi mỉa mai:
- Rồi anh sẽ nổi tiếng!
Thái Anh bước tới bàn viết. Chàng vồ lấy tập bản thảo, xé nát:
- Anh sẽ làm lại tất cả. Em đừng bỏ anh.
Tôi nói:
- Đàn ông thường giống nhau ở một điểm hèn hạ. Các anh cho thiên hạ mọc sừng hay phá trinh một người con gái trước khi người con gái đi lấy chồng thì các anh đắc chí khoe khoang và độc địa cố tình nói cho kẻ bị cắm sừng, kẻ đến sau biết “chiến thắng” của các anh, khiến hạnh phúc của họ tan nát. Còn chính bản thân các anh khi thấy mình là kẻ đến sau, kẻ bị cắm sừng thì các anh lấy làm nhục nhã, đau đớn. Tôi đã xao xuyến tâm hồn lần đầu tiên gặp anh. Bây giờ thì không còn xao xuyến bất cứ một lời chân thành nào của anh nữa. Tôi thấy lòng anh hẹp lắm, chẳng thể chở nổi cuộc đời nhiều sầu muộn của tôi. Ta nên chia tay.
- Anh quá nông nổi.
- Tôi cũng quá nông nổi, quá nông nổi và nhiều tình cảm nên khổ lên khổ xuống. Phải chi đêm thứ nhất bước chân vào vũ trường, tôi cự tuyệt anh, đuổi anh khỏi cửa phòng tôi, thì đâu đến nỗi chịu nhục. Tôi bị nhiều người làm khổ nhưng chỉ có mình anh phỉ nhổ tôi.
- Anh quá ghen vì quá yêu em.
- Không phải anh ghen mà là anh quá hèn. Ví dù, sự thật như thằng Dũng nói, anh cũng chẳng nên đối xử với tôi cạn tầu ráo máng vậy. Tôi biết anh đã chán tôi rồi, anh bày trò để dễ đẩy tôi khỏi đời anh.
Thái Anh dậm chân la hét:
- Không phải thế.
Tôi nhún vai, lạnh lùng:
- Tôi muốn phải thế.
Đôi mắt Thái Anh ngầu đỏ. Chàng buông thõng hai tay:
- Thôi được, em muốn bỏ rơi anh cũng được. Em cứ đi đi rồi sẽ thấy hậu quả của lòng tự ái đặt không đúng chỗ của em. Nhưng anh xin em một điều, một ân huệ.
Tôi sững sờ, nhìn Thái Anh tiều tụy đang đứng trước mặt tôi. Chàng nói:
- Em không là đàn ông nên không hiểu nỗi đau đớn của đàn ông. Anh chỉ là người. Là người thì nhất định phải có nhiều cái hèn vây quanh cái đẹp. Em sống lâu với Sơ Joséphine, bên Mẹ Bề Trên nên em bắt mọi người phải giống Sơ Joséphine. Nếu em khăng khăng giữ lối sống đó, suốt đời em khổ sở.
Giọng Thái Anh đầy cảm xúc. Khiến tôi bối rối. Tôi lại bối rối rồi.
- Anh muốn Châu cho anh một ân huệ gì?
- Em kể chuyện cho anh nghe.
- Để anh viết tiểu thuyết?
- Không, để anh biết rõ sự thật mà thương em nhiều hơn.
- Rồi sau đó?
- Tùy em định đoạt.
- Được, Châu sẽ nói cho anh nghe.
Chúng tôi cùng ngồi xuống ghế. Tôi cầm gói thuốc Kool liệng qua cửa sổ.
- Đáng lẽ em đã là Châu Kool, anh chặt tiếng Kool rời tiếng Châu. Đời em bắt đầu như thế này...
Tôi kể hết cho Thái Anh nghe, không thiếu một chi tiết nhỏ. Từ hình ảnh người cha dượng, hình ảnh “Giáo sư” Dũng đến hình ảnh con mụ phá thai trong hẻm ngoại ô Hòa Hưng.
Thái Anh ngồi yên, không nhúc nhích. Khi tôi thở dài kết luận “Như thế đó...”, tôi thấy hai giọt nước mắt từ đuôi hai con mắt Thái Anh chảy dài xuống má. Thái Anh lấy cánh tay áo quệt ngang mắt. Chàng lặng lẽ đứng lên chẳng nói thêm một lời. Chàng ra chỗ đặt chiếc va-li, lôi quần áo, xếp, mắc và tủ.
- Anh sẽ tính chuyện với thằng Dũng.
Tôi không nói năng gì, ngồi trơ trơ như một pho tượng. Thái Anh sửa soạn một lúc rồi bỏ đi. Tôi cũng chẳng hỏi chàng đi đâu. Buổi tối hôm đó chàng không về.
Hôm sau một người bạn của Thái Anh ở nhật báo Hy Vọng tới tìm tôi cho biết Thái Anh đã đánh “giáo sư” Dũng vỡ đầu tại vũ trường Hồng Ngọc. Và, khi chàng ra khỏi vũ trường, chàng bị một nhóm du đãng vây kín, dùng đòn hội chợ đánh đến chết. Xác chàng đã được chở tới bệnh viện. Người bạn của Thái Anh kể dứt thì tôi ôm bụng nhăn nhó. Tôi nhờ anh chở tôi đến một bảo sanh viện.
Trần Thị Diễm Châu Trần Thị Diễm Châu - Duyên Anh Trần Thị Diễm Châu