When you love someone, the best thing you can offer is your presence. How can you love if you are not there?

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5867 / 63
Cập nhật: 2016-06-23 09:39:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
húng tôi giã biệt bin-đinh Núi Trắng lúc mọi người đang ngủ say sưa. Tôi có viết cho ông quản lý một bức thư, gửi ông đồ đạc mà tôi chưa thể mang ngay được. Tôi không dám gặp Hồ Hải, sợ nàng chửi bới và phá đám. Xuân Diệu có bốn câu thơ thật hay “Cô hạnh phúc, gớm tôi chờ cô mãi. Xây dựng cô sứt mẻ những bàn tay. Trầy bả vai nhỏ máu những lông mày. Nhưng cô đến cả vừng trời hiển hiện”. Tôi không hiểu hạnh phúc của Xuân Diệu là thứ hạnh phúc gì, bởi vì, những câu thơ này Xuân Diệu sáng tác trong kháng chiến. Thi sĩ là Thượng đế. Thơ họ viết ra như lời phán của Thượng đế. Mỗi người có một tâm sự. Và mỗi người đều có quyền gửi tâm sự mình vào lời thơ của thi sĩ. Thi sĩ không bắt mình phải có tâm sự giống họ. Vậy nên, dù hạnh phúc của tôi là hạnh phúc tình yêu, tôi vẫn có thể gửi cái hạnh phúc đó vào thơ Xuân Diệu. Vâng, đúng thế, tôi đã “trầy bả vai nhỏ máu những lông mày”, để, hôm nay, được thành vợ của Thái Anh.
Chúng tôi hưởng tuần trăng mật ở Đà Lạt. Ôi! Những buổi chiều lạnh ở Đà Lạt. Đó là giòng thời gian triền miên sung sướng. Chúng tôi thường khoác vai nhau đi trong sương mờ. Chàng bảo sương mờ là sương tình ái. Lạy chúa, Ngài đừng làm tan lớp sương của con. Con muốn đi mãi trong lớp sương tình ái rồi chết ở trong đó. Im lặng đi bên hồ Xuân Hương trong lớp sương tình ái, mới thấy rõ “Đà Lạt trong mơ” của Hàn Mạc Tử. “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều. Để nghe dưới nước đáy hồ reo, để nghe tơ liễu run trong gió. Và để nghe trời giải nghĩa Yêu”. Tuy biết thế mà những người yêu nhau, cứ thích nói, nói thật nhiều.
Lấy nhau vào mùa cuối mùa đông, sang đầu mùa hạ, tôi có mang. Nếu lần có mang trước tôi lo sợ thế nào thì lần có mang này, tôi sung sướng thế ấy. Làm người yêu, con gái không thích ôm nỗi hoang mang trong dạ. Chứ, làm vợ, ai chẳng thích ôm tương lai? Tôi và chàng đã vẽ vời biết bao mộng ước. Trên khuôn vải rộng quá cỡ, hai chúng tôi thay phiên nhau đắp từng tảng sơn dầu đủ màu sắc.
- Anh định đặt tên con là gì?
- Một tên thật xấu xí.
- Sao lạ vậy?
- Để sau này nó đừng chọn nghề viết văn. Anh thấy những thằng làm nghề viết lách nổi tiếng và cực khổ đều có những cái tên đẹp cả.
- Em không chịu đâu.
- Thế em định đặt tên con là gì?
- Vũ.
- Vũ có vẻ vũ phu quá!
- Nhảm nào, con trai tên Vũ hay hay là.
- Con gái thì sao?
- Con gái em muốn con có cái răng khểnh và đôi má lúm đồng tiền.
- Vậy nhớ đặt tên nó là Liên, em nhé!
- Nhưng anh bằng lòng đặt tên con trai là Vũ cơ.
- Em muốn là trời muốn mà.
Khi bụng tôi bắt đầu lớn, phải khoác áo “blouse”, Thái Anh làm việc chăm chỉ hơn. Chàng viết thêm hai cái “phơi ơ tông” cho hai tờ nhật báo lá cải, ký tên khác. Chàng bảo “Tiền này bỏ ngân hàng cho con đầu lòng học đến nơi đến chốn. Chỉ cần lo cho một đứa thôi. Rồi nó sẽ lo cho em nó”. Chàng đang hút thuốc lá thơm, bỏ hút và thay bằng thuốc lá đen. “Hút thuốc thơm tốn lắm”. Những bận chàng đắp tảng sơn màu lên khung vải tương lai, như vậy, tôi chỉ muốn ôm lấy chàng, cắn nát da thịt chàng.
Đêm đêm, lúc cả hai cùng tỉnh giấc, tôi thường cầm tay chàng đặt lên bụng tôi:
- Anh xem nó có giẫy mạnh không?
- Mạnh quá, khéo không thằng này về sau làm loạn mất.
- Đốt anh đi... Chỉ nói nhảm! Con Liên răng khểnh của người ta mà...
- Đâu có, thằng Vũ đấy.
- Con Liên.
- Thằng Vũ.
- Con Liên cơ...
- Ừ thì con Liên.
- Nó đạp đau bụng em quá, em bắt đền anh đấy.
- Tại em chứ!
- Tại em cái gì?
- Ai bảo em... lấy anh!
- Ai bảo anh ôm chầm lấy người ta và thách người ta quật chết...
Chúng tôi cười khúc khích. Hạnh phức là thế đấy. Sơ Joséphine nói đúng ghê “Những đám mây đen sẽ tan đi trời còn lại mãi, trong xanh và bao la...” Tôi muốn, khi đứa con đầu lòng ra đời, vợ chồng tôi sẽ ẵm nó tới nội trú Hòa Hưng, xin lỗi Mẹ Bề Trên và bảo với Sơ Joséphine rằng: “Sơ ơi, trời còn lại mãi, dù trời rất nhiều lần có mây đen”.
Ngày tháng êm đềm trôi. Chàng viết văn, viết báo. Tôi ngồi nhìn chàng suy nghĩ và ký thác trên những trang giấy. Phải tận mắt nhìn nhà văn sáng tác cô đơn trong đêm vắng mới hiểu nỗi vất vả, khổ đau của họ. Tàn thuốc lá bừa bãi. Một đoạn bí là vài điếu thuốc cháy liên tiếp. Viết hì hục cả đêm để độc giả đọc trong vài phút. Đọc xong hoặc khen, hoặc chê. Chê hay khen, tôi thấy đều bất nhẫn cả. Phải kính trọng các nhà văn. Vì họ là những người, dù viết văn tồi tệ đang âm thầm xây dựng một cuộc đời lý tưởng hơn chúng ta đang sống.
Vâng, phải thấy rõ nét mặt đau khổ của nhà văn vò võ suốt đêm trải tâm sự mình lên những trang giấy mới biết oán ghét những con diều hâu, những con kên kên văn nghệ. Có nhiều đêm thức giấc, tôi chờ Thái Anh viết xong, tôi pha cho chàng một ly nước cam, bắt chàng uống cạn một hơi, rồi hỏi:
- Tại sao anh chọn nghề viết lách?
- Anh đâu có chọn.
- Cha anh bắt anh viết à?
- Không, cơm áo! Em biết ông Lê Xuyên chứ? Tác giả “Chú Tư Cầu” đang đăng ở nhật báo Sài Gòn Mai ấy mà... Trước ông ta hoạt động chính trị. Bị tù. Rồi ra khám, ông ta đang đi lang thang trên vỉa hè đường Tự Do, gặp người bạn quen níu vào tòa soạn Sài Gòn Mai bảo viết giùm cái tiểu thuyết đồng quê miền Nam có tí kháng chiến. Thế là ông Lê Xuyên trở thành nhà văn nổi tiếng.
- Còn anh?
- Anh xuống đời sớm quá. Lại tứ cố vô thân. Anh từng nhịn đói hai ba ngày giữa Sàigòn no ấm, từng làm đủ thứ nghề. Anh gặp nhiều bất hạnh mà nỗi bất hạnh chẳng biết nói cho ai nghe. Anh tập tành ký thác vào một câu chuyện ngắn, gửi đăng báo. Nhà báo nhắn tin anh tới nhận tiền nhuận bút, mời anh cộng tác. Từ đó, anh sống nghề văn. Cuộc đời nó đẩy con người ta tới những khúc rẽ ly kỳ không ngờ nổi. Hồi mới lớn, anh chỉ mơ ước làm chủ một tiệm bán sách và bán nhạc.
- Bây giờ anh thích thú công việc viết lách lắm, hở anh?
- Cũng chẳng thích lắm. Nhưng văn chương nó đãi ngộ mình, nó giúp mình sống đỡ chật vật nên mình phải chăm chút nó. Mỗi ngày mỗi viết khổ sở vô cùng. Anh muốn có một cửa hiệu bán sách đủ nuôi chúng ta, hàng năm cố viết chừng vài chục trang giấy thì mới nổi tiếng được. Viết văn như anh chả khác gì em thổi cơm. Chúng mình sắp có con ước vọng đành gửi vào con. Văn chương anh dẫu có mang tiếng máy nước, cỏ rác, mạt hạng, anh cũng không cần. Bởi vì, anh sinh ra đời đâu phải để viết văn.
Chàng thở than thế. Thế mà vẫn viết đêm viết ngày. Chúng tôi sống thảnh thơi, không một chút ưu tư. Tôi biết Thái Anh cũng như các nhà văn khác. Là chàng rất sợ sự bực mình. Nhà văn có thể sáng tác trong nỗi đau khổ, trong niềm thúc phọc áo cơm, trong căm hờn, nhưng không thể sáng tác trong sự bực mình được. Nên tôi cố tránh, không để Thái Anh phải bực mình. Chàng viết xong, tôi đọc ngay và luôn luôn khen hay. Bất cứ một bài văn bài báo nào của Thái Anh tôi cũng đọc, cũng khen. Đến nỗi, có hôm chàng đã chớp mắt thật lâu, nói thật nhỏ, thật tin tưởng:
- Anh viết đã nhiều song chưa hề viết cho anh. Nhờ em khuyến khích, anh hứa sẽ viết cho anh, cho con chúng ta một cuốn sách bằng cả tâm hồn anh.
Khung vải rộng của chúng tôi mỗi ngày lại thêm một tảng sơn dầu. Hạnh phúc đã neo ở bến lòng tôi. Thái Anh không hỏi han về dĩ vãng của tôi. Tôi thì nghĩ chắc Sơ Joséphine đã kể hết với chàng. Nên chẳng muốn khơi đống tro tàn kỷ niệm. Cái thai trong bụng tôi đã được sáu tháng. Thượng đế ơi, con muốn có một đứa con. Nó sẽ là nhịp cầu bắc ngang con sông hanh phúc. Để con và chồng con đi cho vững và khỏi sợ đắm thuyền khi qua sông đầy sóng gió.
Tay chàng vẫn đặt lên bụng tôi vào những đêm cả hai cùng thức giẩc.
- Nó giẫy mạnh quá anh ạ!
- Nó đòi ra ngoài chơi đấy mà...
- Nhảm nào, ra ngoài bây giờ nó èo ọt chết. Nó sẽ giống “Trái chín rấm” của anh mất thôi.
- Nó phải khác anh, khác xa anh. Nó sẽ không làm cái nghề viết lách khốn nạn này.
- Anh muốn con làm gì?
- Buôn bán.
- Kỳ vậy?
- Buôn bán là nghề tự do nhất miễn là chỉ cần đủ sống. Thích thì mở cửa, không thích thì đóng cửa, đi giang hồ vặt.
- Em lại muốn viết văn!
- Anh xin em.
- Tại sao anh thù hằn nghề viết văn?
- Vì nó đầy đọa anh. Viết văn để mà viết văn thôi thì nên viết. Còn viết văn để sinh sống thì không nên. Dính tới cơm áo là tủi nhục. Vắt tim óc đổi cơm áo còn nhục ngàn lần.
Tôi không hỏi thêm nghề nghiệp của Thái Anh nữa. Nhà văn luôn luôn bất mãn và không hài lòng những gì mình đã tạo ra. Khi một nhà văn hài lòng tác phẩm của mình, một là, ông ta đã chín mùi danh vọng, gần đất xa trời rồi, hai là ông ta đã đào sẵn cái huyệt sâu để tự chôn vùi ông ta. Tôi hơi tự hào một chút về sự hiểu biết của tôi. Có gì đâu, hồi học đệ nhị ban văn chương, thầy giáo tôi đã khuyên tôi nên đọc bất cứ loại sách báo nào, kể cả những tờ báo lá cải. Thầy Việt văn của tôi là cụ Nghiêm Toản. Tôi học cụ trước rồi mới học “Giáo sư” Dũng. Cụ Toản vào lớp, nếu hứng thú, cụ có thể kể hết những truyện lẩm cẩm ở những tờ báo bình dân như Saigon Mới, Tiếng Chuông. Cụ còn đọc thuộc cả những cái rao vặt ngộ nghĩnh. Tôi nghe lời cụ, đọc hết các tạp chí, tuần báo Việt ngữ. Những gì tôi biết tôi đều đọc ở các tạp chí, tuần báo Việt ngữ. Vì hình như, những gì các tác giả Việt Nam viết ra, họ đều đọc qua ở báo chí ngoại quốc. Tôi chưa đủ sinh ngữ để đọc các chiều hướng tư tưởng ngoại quốc, phải đọc lại qua những nhà biên khảo Việt Nam, đó cũng là một điều bất lợi. Thái Anh ghét nghề viết văn nhưng không ghét tôi. Thế là đủ, cần gì phải đòi hỏi thêm. Con sông hạnh phúc êm lặng, gây sóng gió làm chi để phải sợ đắm thuyền. Tới tháng thứ bảy, tôi bị băng huyết. Thái Anh lo lắng vô cùng. Chàng chở tôi tới một bảo sanh viện. May quá không phải là bảo sanh viện Duy Tân. Tôi nghĩ tới lần phá thai, tới những bài báo trong tờ tuần báo Đàn Bà số đặc biệt về nạn phá thai mà rụng rời. Tại sao sau này chị Hồng không có con? Tại sao Hồ Hải không có con? Tại sao nhiều ả giang hồ, nhiều vũ nữ không có con? Chắc nó chịu hậu quả tai hại của một lần phá thai?
Nước mắt tôi ứa ra khi bác sĩ cho biết cái thai trong bụng tôi hỏng rồi. Trận băng huyết này tàn nhẫn, khốc liệt. Cây cầu tôi đang xây qua giòng sông hạnh phúc bị bão tố đánh đổ gục. Tôi câm nín, Thái Anh xót xa. Tôi lại chịu đau đớn như lần trước. Đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn. Dù Thái Anh an ủi tôi, tôi vẫn thấy tủi hổ. Hai tháng sau tôi lành mạnh. Tới tháng thứ năm, tôi lại có mang.
- Em yên chí lần này anh không nói “độc địa” đâu. Miệng anh ác quá.
- Không phải tại anh.
- Tại anh mà.
- Không phải tại anh.
Tôi muốn nói hết cho Thái Anh hiểu rằng không phải tại anh ta. Tại tôi, tại cuộc đời đã hại tôi. Thượng đế ôi, Thượng đế, Ngài chê bỏ con rồi chăng?
Tôi lại càng thấm thía cái chân giá trị của hạnh phúc trong thơ Xuân Diệu“Cô hạnh phúc, gớm tôi chờ cô mãi. Xây dựng cô sứt mẻ những bàn tay. Trầy bả vai nhỏ máu những lông mày...” Hạnh phúc đang chơi ú tim với tôi. Nó như một bóng râm và tôi là một con đường nhựa dưới ánh nắng thiêu đốt. Nó êm ái đến với tôi khoảnh khắc rồi vội vàng rời tôi y hệt bóng nắng trải nhẹ trên đường nhựa, chưa kịp làm nguội sức nóng đã bị lột đi. Vì vậy chắc không đúng lắm đâu. Vì cái bóng râm của Thái Anh vẫn còn đó, vẫn tỏa rộng che mát cho tôi. Chàng thận trọng đưa tôi vào nhà thương Grall, mua “carnet” thăm thai cho tôi hàng tháng. Những mũi thuốc bổ chích mỗi ngày, những viên thuốc, những lời khuyên dặn, đều do Thái Anh làm lấy. Tôi đọc kinh, hát thánh ca thầm thì theo Sơ Joséphine dặn. Nỗi hoang mang cũng bớt đôi phần. Từ ngày rời nội trú, tôi không được gặp Mẹ Bề Trên và Sơ Joséphine. Tôi muốn đến thăm hai người tôi kính mến. Nhưng lại tự hứa để mình bồng con lại, chắc là Mẹ Bề Trên và Sơ Joséphine sẽ vui lắm đấy. Những người tu hành không thiết cái hạnh phúc riêng mình song rất thiết tha với hạnh phúc của người khác. Thấy người ngoài cửa nhà tu có hạnh phúc là người tu hành sung sướng rồi, là người tu hành biết mình ở gần Chúa, gần Phật. Đi tu không phải chỉ để tụng kinh gõ mõ hay cầu nguyện cho mình đắc đạo. Mà là để xoa dịu vết thương đau cho chúng sinh, chỉ cho chúng sinh biết lối đi vào hạnh phúc. Tôi nghĩ Sơ Joséphine đã làm những điều ấy.
Tôi chẳng thèm nghĩ vẩn vơ về những bài báo trong số đặc biệt “phá thai” của tuần báo Đàn Bà nữa.
Trần Thị Diễm Châu Trần Thị Diễm Châu - Duyên Anh Trần Thị Diễm Châu