You are a child of the sun, you come from the sun, and that is something true with the Earth also... your relationship with the Earth is so deep, and the Earth is in you and this is something not very difficult, much less difficult then philosophy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5867 / 63
Cập nhật: 2016-06-23 09:39:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ùa hè trôi qua. Nhưng loài ve sầu còn tiếc thương điệu nhạc sầu muộn. Và trên những cây phượng hoa vẫn đỏ thắm. Chưa có gì chứng tỏ mùa thu đã sang. Mưa thì nhiều trận như thác đổ. Tôi nhìn cây phượng trong sân nội trú. Hoa rụng xuống. Những bước chân dẫm lên nhầu nát màu máu. Tình cũ lại thắp lửa ở lòng tôi. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ đã ai quên”. Ái tình dưới cây bút của thi sĩ bao giờ cũng đẹp. (bỏ 75 chữ)
“Thuở ban đầu lưu luyến” của tôi tuy chả ra gì tuy bị phụ bạc nhưng mỗi lần nhớ lại, lòng tôi vẫn nao nao... Tôi ngắm những cánh hoa phượng nhàu nát, thấy những câu thơ của Nguyễn Bính thật thấm thía.
Anh đã từng đi khắp bốn phương.
Tháng hai anh đã thấy trên đường.
Những hoa gạo đỏ tươi màu máu
Nhầu nát như người lính tử thương.
Anh ạ, tôi buồn không thiết nói.
Cái tình lỡ rụng tự hôm qua,
Một khi tình rụng như hoa rụng.
Màu đỏ lìa tim dạ xót xa...
Cánh tình tôi đã rụng, đã rụng như những cánh phượng nhàu nát dưới những bước chân vô tình. “Hễ lúc nào buồn khổ, em hát một bản thánh ca, nỗi buồn sẽ tiêu tan” - Sơ Joséphine dặn tôi thế. Tôi se sẻ hát bài thánh ca. Tuy chẳng hiểu ý nghĩa của bài ca nhưng điệu nhạc đã xoa êm nỗi buồn của tôi như một điệu ru, ru đứa trẻ thơ ngủ lịm đi trong cơn khóc của nó. Tôi lên đệ nhất. Qua cái cầu tú tài một người học sinh dám nhìn tương lai của mình rồi. Chị Hồng vẫn đến những chiều thứ Bảy. Tôi năn nỉ với chị bớt rủ tôi đi chơi vì năm nay học thêm nhiều môn nhức đầu. Triết lý chẳng hạn, chị Hồng chiều ý tôi. Vậy là những chiều thứ Bảy, hai chị em ngồi trên chiếc ghế đá trong sân nội trú, tâm sự...
- Đậu tú tài hai em định theo phân khoa gì trên đại học.
- Chị muốn em học gì?
- Tùy em chứ?
- Em muốn tặng chị sự định đoạt này.
- Chị không nhận đâu.
- Em bảo em học sư phạm, chị nghĩ sao?
- Đúng ý chị quá!
Chị Hồng reo to. Sung sướng. Tôi hỏi chị:
- Tại sao chị thích em làm cô giáo?
Chị xoa tay:
- Con cái em sẽ đỡ khổ nếu có chuyện gì xảy ra cho em.
Tôi bĩu môi:
- Em không thèm lấy chồng đâu.
Chị Hồng tát khẽ vào má tôi:
- Thôi, tôi xin cô...
Có cái gì vừa sung sướng, vừa chua cay dâng ngập tâm hồn tôi. Tôi chớp mắt thật mau khi chị Hồng nhìn lên trời xanh bao la.
Ba tháng trong niên học đệ nhất là ba tháng ngụp lặn trong mộng ước của tôi và chị Hồng. Rồi một buổi chiều cuối tháng, Sơ Joséphine tay cầm tờ nhật báo, dáng điệu thiểu não tới phòng học tìm tôi. Sơ Joséphine vẫy tay làm hiệu bảo tôi ra khỏi phòng học. Sơ nắm tay tôi, dắt leo lên lầu hai. Căn phòng ngủ của tôi yên lặng. Chỉ có tôi, Sơ Joséphine. Mười cái giường sắt, mùng mền, drap trải, gấp gọn gàng. Hai chúng tôi ngồi trên giường. Tiếng lò-xo kêu kút kít dễ sợ.
- Em phải hứa với Sơ một điều.
Tôi chột dạ.
- Sơ muốn bắt em hứa điều gì?
Sơ Joséphine phân vân giây lát, rồi nói:
- Nếu có chuyện gì không hay xảy tới cho em, em hứa với Sơ là ở đây học hết niên học này nhé! Học đậu tú tài hai rồi đi đâu hãy đi nhé!
Tôi thở phào:
- Em tưởng em có lỗi nặng, em sợ quá.
Sơ Joséphine không mỉm cười như mọi lần. Trên khuôn mặt nhà nữ tu hành ẩn hiện một niềm bí mật. Sơ cuộn tròn tờ nhật bảo thật nhỏ. Sơ móc túi áo chùng trắng lấy ra một viên thuốc nhỏ.
- Em hả miệng ra!
- Chi vậy Sơ?
- Uống một viên thuốc bổ óc.
Tôi hả miệng, Sơ Joséphine ném khẽ viên thuốc. Viên thuốc vào tận cuối lưỡi, Sơ dục.
- Nuốt đi!
Viên thuốc đắng vô cùng. Tôi muốn uống một hớp nước. Không có sẵn. Sơ Joséphine đưa tôi viên kẹo. Thuốc bổ óc sao mà đắng thế! Sơ vất tờ báo cho tôi.
- Em nằm xuống, coi báo nhé. Lát nữa Sơ lên nói chuyện nhiều.
Tôi nằm gối đầu trên gối nhìn lên mùng. Khó hiểu quá. Nghe lời Sơ Joséphine, tôi dở tờ nhật báo Hy Vọng ra. Hàng tít sáu cột ở trang nhất đã đập vào mắt tôi:
GHEN THỜI ĐẠI NGUYÊN TỬ,
MỘT VŨ NỮ BỊ TẠT ÁT-XÍT CHÁY XẠM MẶT MÀY
Đọc xong tin này, tay chân tôi rụng rời. Cái tin làm giờ chót rất vắn tắt. Nhưng tên người vũ nữ và vũ trường nơi người vũ nữ hành nghề đúng là chị Hồng của tôi. Lạy trời còn một người gái nhảy tên trùng với tên chị Hồng. Phái viên của nhật báo Hy vọng hứa hẹn với độc giả ở số báo ngày hôm sau đầy đủ chi tiết và hình ảnh của thủ phạm. Những đứa nào đã “bắt nạt” người vũ nữ yếu đuối, cô thế? Nếu quả thật nạn nhân của vụ ghen tuông bỉ ổi và tàn nhẫn này là chị Hồng của tôi, tôi sẽ phải làm gì? Tôi sẽ ra sao? Tôi nhắm chặt mắt không dám nghĩ thêm. Tờ báo Hy vọng vẫn trải trên ngực tôi. Tôi thiếp đi. Khi tôi tỉnh dậy căn phòng tối om. Nhưng hơi thở đều đặn của những người bạn nội trú cho tôi biết họ đang ngủ vô tư lắm. Sơ Joséphine thương tôi quá. Sơ đã bắt tôi uống viên thuốc an thần để tôi khỏi chiêm bao thấy quỷ sứ. Tiếng đồng hồ phòng dưới lanh lảnh điểm 12 tiếng. Nửa đêm rồi. Từ giờ tới sáng, chắc tôi sẽ mở căng mắt nhìn bóng tối. Tôi cố khép mắt, hy vọng gặp chị Hồng đến thăm tôi trong giấc ngủ chập chờn. Chị Hồng đã đến.
- Em chưa ngủ à?
- Chưa chị ạ! Em sợ ghê, chị có làm sao không?
- Làm sao, chị có làm sao đâu!
Bàn tay mềm mại của chị đặt lên vầng trán nóng hổi đẫm mồ hôi của tôi. Tôi nắm lấy bàn tay chị.
- Em sợ ghê, em sợ ghê ghê là... Em sợ bóng tối.
- Đừng sợ, em! Ngày mai trời lại sáng.
Tôi mở mắt. Chỉ thấy là Sơ Joséphine. Sơ ngồi hẳn trên giường của tôi.
- Em cố ngủ đi.
- Làm sao ngủ được hở Sơ?
- Uống viên thuốc an thần nữa em nhé!
- Em muốn uống hàng trăm viên.
- Dại dột nào.
Tôi chưa buông tay Sơ Joséphine ra.
- Này...
Nước mắt tôi đã chảy xuống hai bên tai.
- Sơ ơi.
Tiếng nói của Sơ Joséphine êm ái lạ thường.
- Gì thế em?
- Nếu chị Hồng của em gặp tai nạn khủng khiếp như thế, em phải làm gì?
- Em hãy cầu nguyện Chúa.
- Chúa sẽ giúp em phép lạ, hở Sơ?
- Chúa giúp em yên ổn tâm hồn, bình tĩnh và biết tha thứ.
- Tha thứ kẻ giết người thân yêu của mình ư?
- Đúng thế em ạ!
- Không được, em phải trả thù cho chị Hồng của em.
- Em trả thù rồi người thân yêu của kẻ thù của em lại tìm cách trả thù thì bao giờ hết oán thù. Chúa dạy rằng...
Tôi hất tay Sơ Joséphine khỏi trán tôi:
- Em không thích nói chuyện nữa. Sơ để em một mình đi.
Sơ Joséphine chẳng hề giận tôi. Sơ dịu dàng hơn và vuốt ve tôi trìu mến hơn:
- Đã chắc đâu chị Hồng em gặp nạn.
Câu này làm tôi tỉnh táo. Tôi hy vọng không có gì xảy ra cho chị Hồng.
- Sao Sơ lại cho em coi tin khủng khiếp đó?
- Để em bớt khủng khiếp nếu...
Sơ Joséphine ngừng lại.
- Em khát nước không?
- Dạ khát khô cả cổ.
- Sơ pha cho em ly nước cam đây, em ngồi dậy uống đi!
Sơ Joséphine đỡ tôi ngồi dậy. Sơ chui khỏi mùng, cúi xuống gầm giường lấy ly nước cam pha sẵn và đậy nắp nhựa.
- Uống đi em...
Tôi cầm ly nước cam, mở nắp, uống ừng ực.
- Ngày mai trời không mưa đâu.
Sơ Joséphine nói một câu vu vơ. Chúng tôi nói chuyện một hồi lâu. Rồi tôi ngủ đi lúc nào chẳng biết. Sáng sau, tôi dậy rất muộn, trễ buổi học. Tôi mới hay, trong ly nước cam lại có thuốc an thần. Sao đời tôi “ly kỳ” thế nhỉ? Thuốc an thần trong ly sữa của cha dượng tôi. Rồi thuốc an thần trong ly nước cam của Sơ Joséphine. Một đàng làm tôi khốn khổ, một đàng làm tôi quên nỗi khốn khổ. Ánh nắng chiếu qua khung cửa sổ. Căn phòng vắng hoe. Mẹ Bề Trên đang bước tới giường tôi. Theo sau là Sơ Joséphine. Tôi nằm im mắt mở thao láo, Mẹ Bề Trên vén mùng và vắt lên. Mẹ sờ tay vào trán tôi.
- Con bớt sốt chưa!
Tôi toan ngồi dậy. Thì Mẹ Bề Trên mỉm cười. Nụ cười nhân ái dường bao!
- Con cứ nằm. Nghỉ một buổi học có hề sao. Con ốm mà... Các Sơ sẽ dạy lại một mình con.
Mẹ Bề Trên kéo chăn đắp qua ngực tôi:
- Con đừng nghĩ ngợi gì cả. Mẹ đã cho người tìm chị con rồi. Nếu chị con có bề chi, nội trú này sẽ là nhà của con. Mẹ sẽ săn sóc con tới nơi tới chốn.
Tôi chỉ biết ứa nước mắt ra. Mẹ Bề Trên lấy bàn tay gạt nước mắt cho tôi.
- Con khóc nhiều sẽ bị đau mắt đấy.
Mẹ Bề Trên bảo Sơ Joséphine:
- Sơ mang sữa cho em uống đi!
Sơ Joséphine vâng dạ lễ phép. Mẹ Bề Trên dặn dò tôi:
- Con đừng ưu tư nữa, có hại cho sức khỏe đấy.
Rồi Mẹ Bề Trên và Sơ Joséphine rời phòng ngủ của chúng tôi. Lát sau Sơ Joséphine bưng sữa và bánh mì kẹp chả quế lên. Sơ cẩn thận mang cả chiếc khăn mặt ướt và ly nước trà đầy.
- Em súc miệng qua loa, lau mặt thôi. Trưa hãy xuống.
Tôi làm những việc mà Sơ Joséphine bảo. Nhưng chỉ uống nổi nửa ly sữa và nhấm nhá chút xíu bánh mì.
- Chiều nay Sơ tới nhà thương.
- Sơ cho em theo với.
- Mẹ Bề Trên cấm em đi. Mẹ cho phép một mình Sơ thôi.
- Thế Sơ nhớ mua tờ báo Hy Vọng.
- Sơ sẽ nhớ. Mà em phải uống cạn ly sữa đi.
Trong lúc tôi bưng ly sữa, nhăn nhó uống Sơ Joséphine lẩm bẩm:
- Chúa đâu nỡ để người có lòng chịu cực hình đó.
Và Sơ Joséphine nhìn tôi, cố tạo ra một nụ cười tin tưởng. Tôi không hiểu sao tôi được ưu ái trong nội trú này thế. Có lẽ, tại tôi bị ngược đãi ở bên ngoài. Thượng đế tạo ra những con người ác đồng thời tạo ra những người lành. Và khổ đau song song với sung sướng. Nếu không có người ác đâu có người lành, không có khổ đau, mình đâu biết sung sướng. Thượng đế ơi, con yếu đuối, mong manh lắm, con chỉ muốn gặp toàn người lành, con chỉ muốn biết toàn nỗi sung sướng. Ngài hãy cho con một lần sung sướng chót. Là gặp chị Hồng của con còn nguyên vẹn khuôn mặt chị Hồng. Rồi sau đó, Ngài đầy đọa con thế nào, con cũng nghiến răng chịu đựng.
Thượng đế không nghe rõ lời van xin của tôi. Buổi chiều, tôi gặp Sơ Joséphine, Sơ không nói nhiều, chỉ buông gọn năm tiếng:
- Tội nghiệp cô Hồng quá!
Năm tiếng đó như năm tiếng sét quật đứt các dây thần kinh trong đầu óc tôi. Tôi hét một tiếng hãi hùng rồi ngất đi. Sơ Joséphine mất công săn sóc tôi. Khi tôi tỉnh dậy, cơn điên kinh hoàng tan biến. Tôi bình tĩnh lạ lùng. Sơ Joséphine lo lắng:
- Em có làm sao không?
- Không sao cả, Sơ ạ! Sơ cho em mượn tờ báo.
Nhật báo Hy Vọng hôm nay tường thuật đầy đủ chi tiết. Một ông công chức cao cấp yêu chị Hồng. Vợ ông ta ghen, thuê người đón ở cửa bin-đinh Núi Trắng, tạt át-xít vào mặt chị Hồng. Bọn giết người mướn gồm năm đứa. Nhà chức trách đã thộp cổ gần hết. Một đứa trong bọn khai ngay. Kẻ chủ mưu là vợ ông công chức cao cấp đã bị biện lý cuộc tống giam. Phái viên của báo Hy Vọng sau khi nói về sức tàn phá của át-xít trên khuôn mặt nạn nhân đã lên án khắt khe hành động ghen tuông này. Và bình luận thêm rằng nạn nhân là nạn nhân của sự lừa gạt ái tình. Báo Hy Vọng hứa hẹn sẽ đăng ảnh hai khuôn mặt trước và sau ngày bi tạt át-xít của nạn nhân và sẽ phỏng vấn nạn nhân để làm sáng tỏ vụ án tình thê thảm.
Tôi đọc xong bài báo, thương chị Hồng khôn tả. Lòng tôi sôi lên một nỗi căm hờn. Kẻ tàn phá hiện tại của chị Hồng là kẻ tàn phá tương lai của tôi. Đêm hôm đó, tôi không ngủ. Một đêm không ngủ, người già đi. Một đêm không ngủ suy nghĩ và căm hờn, người lớn lên, cằn cỗi. Một đêm dài một đời người, dài hơn cả đêm bị cha dượng tôi cưỡng hiếp êm ái. Sáng sau tôi xin phép Mẹ Bề Trên, tới bệnh viện thăm chị Hồng. Mẹ Bề Trên nhìn tôi ái ngại. Cái nhìn đó, giá lúc khác, tôi đã có thể ứa nước mắt. Nhưng hôm nay, tâm hồn tôi đanh lại. Tưởng tượng chất át-xít cháy xèo xèo trên sắt thép và đã cháy chín da thịt chị Hồng, sự mềm yếu bỗng nhiên mất đi. Mẹ Bề Trên an ủi tôi:
- Sự đã rồi, con ạ!
Sự đã rồi. Vâng, sự đã rồi. Mẹ Bề Trên hay Sơ Joséphine hay bất cứ nhà tu hành nào cũng chỉ biết nói vậy. Không lẽ, Mẹ Bề Trên xúi dục tôi đi trả thù! Nhưng, mặc dù nói vậy, Mẹ Bề Trên vẫn không ngăn tôi đi thăm chị Hồng. Mẹ bảo Sơ Joséphine dẫn tôi đi. Mẹ sợ tôi đau đớn quá, dám liều lĩnh hủy hoại đời mình. Sơ Joséphine thở dài:
- Bác sĩ chưa cho phép ai vào phòng chị em cả. Các nhà báo năn nỉ cách mấy, bác sĩ cũng từ chối.
- Em chắc bác sĩ cho vào.
- Sơ đã xin rồi. Bác sĩ nói chị em đang trong cơn hôn mê.
- Liệu chị em sống nổi không?
- Bác sĩ nói có hy vọng.
- Sơ có hỏi thăm về khuôn mặt chị em không?
- Bác sĩ không chịu nói.
Tôi cứ nằng nặc đòi đi thăm chị Hồng. Sơ Josépbine chiều tôi. Hai chúng tôi cùng đến bệnh viện. Ở cửa phòng giải phẫu, nhiều y tá túc trực. Vừa đề phòng người vô, vừa chờ đợi sự tiếp tay với bác sĩ hay chờ đợi sự sai bảo của bác sĩ. Rất đông phóng viên, nhiếp ảnh viên, săn đón tin tức ngoài hành lang. Tôi hỏi thăm một cô y tá:
- Chị em tỉnh chưa hở cô?
Cô y tá lắc đầu. Một phóng viên nghe thấy câu hỏi của tôi, đến cạnh tôi, lịch sự:
-Thưa cô, tôi là phái viên của báo Hy Vọng.
Ông ta nói thật nhỏ như không muốn cho các nhà báo khác nghe rõ.
- Báo Hy Vọng sẽ đứng về phía cô Thu Hồng để bênh vực cô và đòi pháp luật trừng trị kẻ tàn ác.
Tôi chớp mắt:
- Cám ơn ông.
Ông ta nhìn Sơ Joséphine:
- Cô đi cùng bà phước này?
Tôi gật đầu. Ông ta lễ phép:
- Chào Sơ. Thưa Sơ, tôi ở báo Hy Vọng, xin phép Sơ cho tôi được phỏng vấn cô đây (ông ta chỏ tôi) vài câu. Tôi muốn báo Hy Vọng có một bài đặc biệt mà các báo khác không có. Tôi xin lỗi Sơ. Nếu Sơ cho phép, tôi được mời Sơ và cô đây tới cuối hành lang.
Sơ Joséphine hỏi ý tôi. Tôi bằng lòng. Ba người lặng lẽ đi về cuối hành lang. Rồi cẩn thận nghề nghiệp hơn, phái viên báo Hy Vọng mời chúng tôi rẽ sang một hành lang khác. Ông ta bắt đầu.
- Cô là em của cô Thu Hồng.
- Vâng.
Sơ Joséphine ngắt lời tôi:
- Ở trong nội trú. Thế là đủ rồi.
Ông phái viên tiếp tục:
- Gia đình cô?
- Chúng tôi chỉ còn hai chị em.
Ông ta chép miệng:
- Hèn chi từ lúc đầu tới hôm nay, tôi săn tin ở đây chưa hề gặp một thân nhân nào của nạn nhân. Thưa cô, sao mãi hôm nay cô mới tới à.
Sơ Joséphine ứng đáp giùm tôi:
- Mẹ hiệu trưởng sợ em quá xúc động nên không cho em đi vội. Vả lại, như ông nhà báo biết đấy, bác sĩ có cho ai vô đâu.
Phái viên báo Hy Vọng lại hỏi tôi:
- Thưa cô, nhà báo hơi tò mò, nhưng đó là nghề nghiệp, xin cô cho biết quý danh?
Tôi đáp liền:
- Diễm Châu.
Sơ Joséphine nói thêm:
- Nguyễn thị Diễm Châu.
Sơ Joséphine kỹ lưỡng quá. Một chút xíu tôi quên mất chị Hồng họ Nguyễn.
- Cô cho biết cảm tưởng của cô khi hay tin chị cô bị tạt át-xít.
- Như chính tôi bị tạt át-xít.
- Cô có biết rõ mối tình giữa chị cô và ông Trần Thức Thời không?
- Không hề biết.
- Cô nghĩ gì nếu quả tình chị cô phá hạnh phúc của một người đàn bà và mấy đứa con?
- Nghĩ rằng chị tôi đã nuôi tôi ăn học đàng hoàng. Và chỉ nghĩ vậy.
- Nếu ông Trần Thức Thời nói dối chưa vợ con để gieo tai họa cho chị cô, cô nghĩ sao?
- Tôi tởm bọn đàn ông.
- Cô ghê tởm đàn ông?
- Xin lỗi ông, tôi ghê tởm hết bọn đàn ông. Nếu tôi là con trai tôi sẽ...
Tôi nín ngay khi Sơ Joséphine nháy mắt. Ông phái viên của báo Hy Vọng đâu có hiểu rõ cái lý do khiến tôi ghê tởm đàn ông mà cha dượng tôi, Dũng là đối tượng của sự ghê tởm. Ông phái viên níu câu trả lời không đắn đo của tôi, hỏi tôi:
- Cô sẽ làm gì?
Tôi nhìn ông ta:
- Trường hợp ông, ông sẽ làm gì?
Ông phái viên nhật báo Hy Vọng ngó tôi chằm chằm:
- Cô đẹp hơn chị cô...
Đôi má tôi tự nhiên nóng nóng. Chắc là đang ửng hồng. Bây giờ tôi mới để ý khuôn mặt của người phái viên, ông ta còn trẻ. Độ chừng ba mươi tuổi.
Ông ta tự giới thiệu:
-Tôi là Thái Anh, viết văn viết báo. Viết văn bằng tay phải, viết báo tay trái. Khi văn nuôi nổi tôi, tôi bỏ báo. Hiện giờ báo nuôi tôi để tôi viết văn. Tôi theo rõi vụ này, hy vọng sẽ dựng được một cuốn tiểu thuyết xã hội. Có lẽ, cô giúp tôi nhiều. Vì thế, cần quen thân cô hơn.
Sơ Joséphine đã lặng lẽ đi về cửa phòng giải phẫu. Ở hành lang này chỉ còn tôi và nhà văn Thái Anh.
- Ông là tác giả cuốn “CÂY LEO HẠNH PHÚC”?
- Vâng.
- Và cuốn “TRÁI CHÍN RẤM”?
- Vâng, cô đã đọc hết sách của tôi rồi đấy.
- Truyện ông viết buồn lắm. Đọc xong tôi vừa giận ông vừa thích ông. Sao ông tàn nhẫn thế. Ông cứ bắt các nhân vật chết hoài.
Tôi hơi bối rối khi Sơ Joséphine không còn đứng bên tôi.
- À, chưa phải lúc nói chuyện này. Thưa ông, ông đã chứng kiến từ lúc đầu, ông có thể cho tôi biết át-xít có tàn phá khuôn mặt chị tôi không?
Nhà văn Thái Anh đưa tay xoa mặt như che giấu một sự xúc cảm.
Rồi ông ta nói:
- Cô phải hứa với tôi một điều.
Lại thêm một người nữa bắt tôi hứa. Tôi gật đầu:
- Vâng, tôi hứa. Điều gì đó, thưa ông?
- Cô không được hốt hoảng.
- Tôi hiểu rồi, cám ơn ông.
Nhà văn Thái Anh ngậm ngùi:
- Khi một người con gái bị tàn phá nhan sắc, người đó sống khổ sở hơn chết.
Tôi cố mím môi, mà nước mắt vẫn ứa ra. Nhà văn Thái Anh rút mùi-xoa đưa cho tôi:
- Cô thấm nước mắt đi. Nước mắt không phải là phép nhiệm mầu làm khuôn mặt của chị cô đẹp lại như cũ.
- Tôi phải làm gì?.
- Nếu cô tin tôi, tôi sẽ giúp cô bắt bọn tàn nhẫn này đền tội trước pháp luật, đền tội xứng đáng. Báo chí sẽ đứng về chị cô, nhân danh lòng nhân đạo, chống đối mọi hình phạt bất nhân như vụ tạt át-xít. Chúng tôi bắt ông Trần Thức Thời phải lên tiếng. Hiện thời, ông ta cố tình làm ngơ.
- Tôi tin ông.
Tôi bỗng có sự mong ước quái đản là chị Hồng chết đi. Thượng đế ơi, Ngài hãy giải thoát cho chị Hồng, Ngài đừng bắt chị Hồng sống mặt mũi sần sùi như một mặt quái thai. Con lạy Ngài.
Nhà văn Thái Anh nhún vai:
- Tôi xin lỗi cô Châu nhé. Tôi quá sốt sắng nên hơi đa ngôn. Nhưng bằng khả năng, ngòi bút của tôi, tôi sẽ cố gắng phanh phui vụ này đến nơi đến chốn.
Tôi trả ông ta cái khăn mùi-xoa:
- Để làm gì?
Nhà văn Thái Anh, phái viên chuyên điều tra tường thuật những vụ án tình sôi nổi, con người linh hoạt, soi mói ở lúc đầu, bây giờ thẫn thờ, chán nản. Tay trái ông ta mỏi rời rồi chăng? Chỉ còn tay phải, chỉ còn lòng thương của nhà văn thôi chăng? Hay là cả lý trí và tình cảm của nhà báo, nhà văn Thái Anh đều trở nên bất lực trước thảm cảnh này. Ông ta đưa tôi một tấm danh thiếp có ghi cả địa chỉ tòa báo và nhà riêng của ông. Có ghi cả địa chỉ tòa báo và nhà riêng của ông.
Tôi lắc đầu, xua tay:
- Không cần lắm, ông ạ!
Nhà văn Thái Anh bảo tôi:
- Có cứ giữ lấy, thế nào cũng có dịp cô cần đến.
Ông ta nói thêm:
- Thoạt đầu gặp cô, tôi tưởng có một bài báo rất đặc sắc. Nếu tôi viết bài phỏng vấn cô, ông chủ báo Hy Vọng sẽ khen không tiếc lời và các đồng nghiệp của tôi sẽ tức chết mất. Nhưng tôi không viết nữa, tôi không muốn cô đọc nỗi buồn của cô.
Y như pha cuối của phim “Tình du La mã”. Khi anh phái viên Gregory Peck trao tặng Công chúa Audrey Hepburn những bức ảnh “xương máu” của nghề nghiệp. Nhưng anh phái viên kia vì yêu công chúa, vì được hưởng một đêm tuyệt thú của mối tình vương giả giữa công chúa và anh phái viên nghèo nên đã hy sinh quyền lợi và danh vọng của anh. Còn phái viên Thái Anh đối với tôi nào có chút kỷ niệm gì? Tôi nói:
- Cám ơn ông, tôi sẽ nhớ chuyện này.
Hai chúng tôi bước song song trở về chỗ cũ. Từ lúc đó không ai nói với ai lời nào. Sơ Joséphine hỏi bác sĩ. Bác sĩ cho biết vài hôm nữa chị Hồng mới có thể tiếp thân nhân được.
Hai chúng tôi về nội trú. Bữa tối, tôi bỏ ăn. Tôi đứng ở cửa sổ phòng ngủ, nhìn xuống đường. Chợt nhớ tới anh nhà báo viết văn bằng tay phải, tâm hồn tôi nao nao. Nhưng tôi chép miệng, hai tay bóp chặt hai cái song sắt. Đàn ông họ giống nhau hết. Ngọt ngào vừa quen nhau. Rồi sau đó, sau khi đã lột trần truồng mình ra, họ coi mình không hơn gì một con vật. Ai có thể rót mật ong tình yêu vào tim tôi như Dũng. Và ai có thể nói những lời phũ phàng với tôi như Dũng. Hãy đập mạnh một nhát búa cho nát cả vỏ lẫn ruột và bảo trái bồ hòn đắng lắm, ta không thèm ngậm nó.
Tôi cứ đứng, nhìn xe qua lại. Bạn cùng phòng biết tôi có nỗi buồn, họ để mặc tôi. Họ im lặng. Bởi vì vụ tạt át-xít vào mặt chị Hồng là vụ khủng khiếp đang làm dư luận xôn xao. Các nhật báo ở Saigon khai thác vụ này trên trang nhất. Một vài tờ thu thập ý kiến của độc giả, đăng tải lên mặt báo với cả nghề nghiệp, địa vị xã hội và địa chỉ. Đa số lên án đòn ghen tuông bằng át-xít. Những báo khác, nhân vụ ghen này, so sánh các vụ ghen nổi tiếng cổ kim trên thế giới. Một tuần báo phụ nữ còn chụp cả hình căn phòng của chị Hồng ở bin-đinh Núi Trắng. Và chính thức lên tiếng bênh vực chị Hồng.
Niềm đau tủi của kẻ cô thế luôn luôn làm xúc động mọi người. Nào có ích gì nữa? Chị Hồng sống còn khổ hơn chết. Nhà văn Thái Anh đã nói vậy. Tôi đang mong chị Hồng chết. Cả buổi chiều, tôi nằm đọc hết chồng báo. Tôi muốn đọc một bài báo của ông Thái Anh vào chiều mai. Xem ông ta có ý kiến gì. Chiếc xe bò chở đầy rác lọc cọc về ngoại ô. Gần nửa đêm rồi. Tôi phải sống như thế này vài hôm nữa. Vài hôm nữa mới được gặp chị Hồng. Tiếng lọc cọc của đôi bánh sắt lướt trên mặt đường nghe cơ hồ tiếng nứt rạn của tâm tư. Tôi khép cửa sổ, về giường mình.
Trần Thị Diễm Châu Trần Thị Diễm Châu - Duyên Anh Trần Thị Diễm Châu