Đôi khi cố gắng hết sức cũng chưa đủ, mà còn phải làm những gì cần làm.

Sir Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5867 / 62
Cập nhật: 2016-06-23 09:39:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ỗi thống khổ chưa chịu rời tôi. Một lần xẩy bằng bảy lần sinh. Còn một lần phá thai bằng bao nhiêu lần sinh, bao nhiêu lần xẩy đây? Nếu những ông quan tòa biết rõ sự ê chề, sự nguy hiểm gần đất xa trời của những cô gái bị bọn Sở Khanh lừa gạt rồi trốn tránh trách nhiệm và những cô con gái đáng thương này vì danh dự gia đình phải lén lút đi phá thai, các ông quan tòa sẽ trừng trị bọn Sở Khanh bản án nào cho xứng đáng? Và các nhà luật học sẽ nghĩ được đạo luật gì mới mẻ? Và các nhà đạo đức, các nhà xã hội học còn thóa mạ, lên án những người đi phá thai không? Tôi đến bảo sanh viện đường Duy Tân “nạo” nhau. Hãy hình dung người ta nạo một chất dơ khỏi một thứ đồ đạc. Thì tưởng tượng được nỗi đau đớn của người đàn bà đẻ sót nhau phải đi nạo! Dù đã được chụp thuốc mê, tôi vẫn ngất đi. Ngất vì đau. Tôi la hét, giẫy giụa, chửi bới. Tôi có quen chửi bới đâu. Tôi có nghe nói nhiều người đàn bà bản tính rất hiền hòa, thế mà khi nằm trên giường sinh, vì đau quá, đã chửi bởi văng mạng. Có người réo cả tên chồng mình nguyền rủa. Sau cơn điên đau lịm đó nếu ai kể lại chuyện chửi bới, những người đàn bà đều xấu hổ như nhau. Nhưng đó là sự xấu hổ xen lẫn sự sung sướng. Còn tôi thì đau khổ và xấu xa hoàn toàn. Tôi bị mất khá nhiều máu. Trải qua bao lần “nạo nhau”, tôi như người mất hồn. Bác sĩ bắt tôi nằm dưỡng bệnh hai tuần và ngày nào cũng tiếp huyết thanh cho tôi. Chị Hồng đã lo tiền phòng, tiền thuốc. Chị không nhắc chi tới chuyện đó. Khiến tối càng băn khoăn. Không biết tôi sẽ phải làm gì để đền đáp lòng tốt của chị Hồng.
Hôm tôi sắp rời bảo sanh viện Duy Tân chị Hồng hỏi tôi.
- Em muốn tiếp tục học nữa không?
Tôi chưa kịp trả lời. Thì chị đã nói:
- Chị không còn người thân thích nữa. Chị coi em như em gái chị và có bổn phận phải lo lắng cho em. Chị không lợi dụng em đâu.
Tôi ngắt lời chị:
- Em xin chị đừng nói thế. Em có gì để chị lợi dụng.
Chị cười, nụ cười của chị hôm nay u ẩn lắm. Chị nhìn tôi:
- Có chứ, tình thương của em. Người ta có thể sống bất cần ngày mai, nhưng vẫn cần tình thương trong sự bất cần đó em ạ!
Tôi cúi đầu:
- Em sợ làm chị thất vọng.
Chị cầm tay tôi:
- Chị sợ làm em thất vọng thì đúng hơn. Hiện nay chị có tiền nhưng không giầu đâu. Chị muốn gây dựng cho em một cái gì. Tưởng tượng ngày mai tươi sáng của em, chị sung sướng muốn chết. Lúc ấy, chị tàn tạ rồi. Em sẽ thương chị, săn sóc chị để cho khỏi chết bệnh trong nhà thương thí.
Đôi mắt chị chớp mau:
- Không có viện dưỡng già cho vũ nữ và gái điếm.
Chị thở dài:
- Chị cũng chẳng dám mong làm lại cuộc đời. Chị kể như bỏ đi rồi.
Tôi đặt tay lên vai chị:
- Buồn quá, chị đừng bi quan nữa...
Thật khôi hài. Một người muốn tự tử khuyên một người hãy lạc quan. Chị Hồng siết chặt tay tôi:
- Chị yêu đời chứ. Vì có em...
Chị buông tay tôi ra rồi vuốt ve mái tóc rối của tôi:
- Ông Thái Can làm một bài thơ mà bất cứ một gái nhảy nào có chút học đều thuộc hai câu. Em muốn nghe hai câu đó không?
- Chị đọc đi.
- Chị tặng em nhé!
- Vâng!
“Em nên điểm phấn tô son lại. Ngạo với nhân gian một nụ cười”. Hai câu thơ của thi sĩ Thái Can mà chị Hồng bảo tặng tôi khiến mạch máu trong cơ thể tôi bừng bừng lưu thông. Máu dồn hết về tim. Và trái tim ấm áp. Và tâm hồn xao xuyến vô cùng.
- Em đồng ý không, phải nhìn nhân gian bằng nụ cười ngạo mạn. Và thế là đủ trả thù cuộc đời rồi. Em bằng lòng nhé, em hãy làm vui lòng chị đi! Em vào nội trú, học đỗ tú tài rồi đi dạy học ở một tỉnh lỵ. Chị sẽ theo em đi...
Mùa đông của đời tôi đã qua. Trên những cành cây khẳng khiu, trơ trụi lá, lộc non đã đâm chồi. Tôi vào nội trú của bà Sơ ở đường Lê văn Duyệt. Những buổi tối đứng trên lầu hai của nội trú, nhìn xuống đường, tôi hay nghĩ đến Huy. Tôi vẫn viết thư cho nó và coi như tôi còn ở nhà. Tôi cẩn thận ghi cho nó địa chỉ nội trú, bảo rằng tôi học ở đây, nó gửi thư về đấy cho đỡ phiền phức.
Huy cho tôi biết nó sắp được qua Mỹ học lái máy bay phản lực. Nó là mẫu người muốn tự làm lấy đời mình nên có vẻ khô khan. Nhưng tôi hiểu nó. Hoàn cảnh gia đình tôi đã khiến một thằng con trai như nó mất dần sự mềm yếu tình cảm. Từ ngày tôi bỏ nhà tôi không được tin tức gì cả. Tôi muốn quên trận bão hai tháng trước. Quên đi chứ. Sau cơn bão còn lại gì, còn lại sự hoang tàn. Nếu chẳng hy vọng thì sẽ chết buồn trên đống gạch nát của hoang tàn cô liêu đó. Hôm qua mua tờ báo Văn đọc truyện “Chim hót trong lồng” của Nhật Tiến. Buồn kinh khủng. Quăng tập báo xuống đường và nói khẽ. “Buồn ơi từ giã” Nhưng khó mà giã từ được nỗi buồn có tên tuổi có dấu vết.
Mỗi chiều thứ Bảy, từ hai giờ rưỡi, chỉ Hồng đến nội trú lãnh tôi ra. Hai chị em đã đi chơi trắng cả chiều. Rồi chị Hồng đưa tôi trở lại nội trú, chị đi tới vũ trường. Lần nào cũng vậy, khi cánh cửa nội trú khép kín chị Hồng đứng tần ngần một lúc lâu. Chị bấm chuông kêu tôi ra, dặn thêm một lời “chăm học em nhé”. Bấy giờ chị mới gọi Taxi. Tôi nhìn theo thấy chị Hồng rút khăn mùi xoa, thấm mắt.
Chị Hồng có một tâm sự u ẩn. Tôi đoán thế. Chị đã chả muốn kể thì tôi cũng chả nên đòi hỏi. Những ngày sống ở nội trú thật lặng lẽ và buồn chán. Đi trồng cây hy vọng trên mảnh đất buồn chán kể như đi kiếm thuốc trường sinh ở khu rừng Ban Mê Thuột.
Các bà Sơ ở nội trú này còn trẻ cả. Mẹ Bề Trên cũng chưa già lắm. Mẹ Bề Trên không khe khắt. Các Sơ trẻ thật hồn nhiên. Tối nào các Sơ cũng hòa đàn khiến gái nội trú bớt buồn tẻ, bớt dáng dấp của nội trú. Bà Sơ giám thị quý mến tôi. Tên bà là Joséphine. Sơ Joséphine hay rủ tôi xuống phòng nghe hòa nhạc. Đôi lần, Sơ khuyến khích tôi hát. Các Sơ nội trú phần đông đều đã xuất ngoại du học. Vài người tốt nghiệp ở các đại học Pháp, vài người ở Mỹ. Tôi không hiểu tại sao những Sơ trẻ đẹp, nhiều bằng cấp như thế lại có thể tình nguyện hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Các Sơ đã là nguồn cảm hứng của tôi. Mình nên đi tu? Câu hát vọng cổ thường khi nghe muốn nguyền rủa, lúc này mới thấy hay “Ôi, tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Không được đâu, đi tu chẳng phải là trò giải trí cho những người phiền muộn. Hơn nữa, tôi trót mang ơn chị Hồng, tôi cố gắng thực hiện ý muốn của chị. Đàn bà không gia đình ai cũng sợ cảnh đơn độc trong hoàng hôn cuộc đời. Chị Hồng biết lo xa. Tôi sẽ là ngọn lửa, là ánh nắng đầu xuân hong nỗi buồn của chị nếu một mai chị bị hất ra khỏi vũ trường.“Em nên điểm phấn tô son lại. Ngạo với nhân gian một nụ cười”. Tôi không quên hai câu thơ của thi sĩ Thái Can. Và cố xua đuổi sự chán nản. Sự chán nản, Tôn Nữ Thu Hồng gọi là cái mầm khi nhà nữ thi sĩ của chúng ta mắng yêu nó
Mầm chán nản chớ chen vào niên thiếu.
Chớ chen vào sớm quá tội em mà.
Em nghe như thời ấy hãy còn xa.
Em chầm chậm để còn xa mãi mãi.
Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái.
Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua.
Cái “thời ấy” của tôi đã qua rồi. Đã qua sau một trận bão thê thảm. Không còn là hoa nữa. Tôi là trái - trái sầu đau. Trái sầu đau Trần thị Diễm Châu. Nhưng chẳng còn thì giờ để oán trách số phận. Số phận tôi ràng buộc số phận chị Hồng. Tôi không có quyền ích kỷ. Nghĩ thế, sự chán nản nguôi dần. Và tôi vùi đầu vào sách vở. Tôi học đến phờ phạc, hốc hác. Sơ Joséphine một hôm, dắt tay tôi ra chiếc ghế đá ở vườn chơi, hỏi tôi:
- Em có có chuyện gì buồn hả?
Tôi chối dài:
- Thưa sơ, em vui vẻ mà.
Sơ Joséphine nhìn tôi bằng đôi mắt ấm áp thương hại.
- Em giấu sao nổi Sơ. Nói dối Chúa phạt đấy.
Sơ Joséphine đặt tay lên vai tôi:
- Sơ thương em lắm, có chuyện gì buồn em cứ kể cho Sơ nghe. Không chịu kể, nỗi buồn nó to dần rồi nó nổ tung vỡ trái tim đó.
Sơ Joséphine mỉm cười. Câu nói đùa của Sơ làm tôi không nhịn được tiếng khúc khích. Bất chợt Sơ tỏ ra quan trọng:
- Cô Hồng không phải chị ruột em.
Tôi giật mình. Chẳng hiểu điều này có vi phạm luật lệ của nội trú không. Sơ Joséphine trấn tĩnh tôi ngay.
- Sơ đọc hồ sơ biết liền, hai người hai họ. Và nơi sinh khác nhau. À, chả sao đâu em ạ! Chắc cô Hồng là chị họ em?
Tôi lắc đầu:
- Em không có họ hàng với chị Hồng. Chị ấy thương em, không muốn em bơ vơ nên gởi em vào đây học hành.
Sơ Joséphine chép miệng:
- Tội nghiệp em. Đó, Sơ nói có sai đâu, em có chuyện buồn.
Rồi Sơ xoa cả bàn tay dịu hiền lên vai tôi:
- Cô Hồng làm nghề gì?
Tôi hãnh điện đáp:
- Thưa Sơ, chị ấy chỉ là một gái nhảy.
- Người như cô Hồng, Chúa sẽ thương xót. Cô ấy theo đạo Thiên Chúa chắc sẽ được lên nước Chúa sau khi rời cõi đời này. Cô ấy là đặc phái viên của Chúa, đem tình thương của Ngài ban phát cho em.
Đôi mắt người nữ tu trở nên huyền ảo lạ lùng. Sơ Joséphine ca ngợi Chúa, ca ngợi các vị Thánh và lâm râm cầu nguyện. Một lát, Sơ lại nhìn tôi mỉm cười:
- Thế là Sơ biết nỗi buồn của em rồi. Lúc nào buồn em hãy cầu nguyện Chúa. Sơ sẽ cho em nhiều sách kinh em đọc. Hễ buồn nãn, đọc Kinh Thánh là nỗi buồn tiêu tan ngay.
Từ bữa đó, Sơ Joséphine chú ý tới tôi nhiều hơn. Tôi được Sơ coi như “đặc khách” và được hưởng nhiều đặc ân. Chẳng hạn, bữa cơm chiều nào toàn cá biển, tôi ăn không được Sơ Joséphine sai người đi mua bánh mì, chả lụa dấm dúi bắt tôi ăn hay mở cổng nội trú, dục tôi qua hàng phở bên đường. Sơ đợi sẵn ở cổng để mở cổng cho tôi và đề phòng nếu Mẹ Bề Trên bắt gặp thì chống chế giúp tôi. Tôi có thêm một tấm mền nữa. Nhưng nhiều đêm “trở nghiêng gối mộng” vẫn thấy gió lạnh lùa vào tận tim. Tôi lại ra đứng ở cửa sổ nhìn xuống đường khuya. Lòng rộn lên một nỗi niềm đau xót hòa lẫn uất nghẹn. Mùa thi năm nay đến thật sớm. Chị Hồng nghỉ làm mấy đêm liền. Sáng chiều chị đưa tôi tới trường thi. Tối chị xin phép Sơ Joséphine cho tôi ăn cơm ngoài rồi mới trả tôi về nội trú. Đến lượt Sơ Joséphine tẩm bổ cho tôi bằng cam tươi. Tôi đã không phụ chị Hồng và Sơ Joséphine. Chúa của Sơ Joséphine đã giúp tôi. Tôi đậu đợt thi viết. Tôi mừng lắm. Chị Hồng còn mừng hơn. Chị đã rớt nước mắt khi nghe người ta xướng danh Trần thị Diễm Châu trong đám đông, buồn vui dâng ngập. Chị xoắn chặt bàn tay tôi nước mắt chảy thành hai hàng trên đôi mả.
- Em đậu rồi, em đậu rồi...
Hạnh phúc của một người là làm cho người khác sung sướng. Hình như đó là triết lý bàng bạc trong các tiểu thuyết của văn hào Léon Tolstoï. Tôi đã làm cho chị Hồng sung sướng tức là tôi đã tìm được hạnh phúc. Cũng như chị Hồng đã tìm được hạnh phúc khi chị gây cho tôi một niềm tin yêu, sung sướng mà chấp nhận cuộc sống nhiều oan nghiệt. Sơ Joséphine khen tôi nức nở. Sơ dắt tôi lên văn phòng hiệu trưởng tức là Mẹ Bề Trên để Mẹ Bề Trên ban lời khen, ban phước lành cho tôi. Chị Hồng luôn miệng “Em đậu rồi, em đậu rồi”. Lúc tôi tỏ ý lo ngại ở đợt thi vấn đáp, chị xua tay:
- Coi như em đỗ, tụi giáo sư hỏi em, toàn là ngưòi chị quen.
Chị không muốn nói “toàn những thằng đã từng ôm chị du dương trên sàn nhảy”.
- Chị đã gửi hết rồi.
Quả như lời chị Hồng, tuần lễ sau tôi vào vấn đáp. Và tôi đã đậu hoàn toàn cái bằng tú tài phần một. Tôi đậu bình. Sơ Joséphine lấy làm hãnh diện vì tôi đã đem sự vẻ vang cho nội trú. Chị Hồng dẫn tôi đi chợ Saigon, sắm cho tôi đủ thứ. Chị muốn gửi tôi lên Đà Lạt dưỡng sức. Tôi đã từ chối sợ xa chị, xa Sơ Joséphine, xa cái chuồng bồ câu nội trú. Lần này con bồ câu mới thật sự tàn kiếp. Sơ Joséphine ngạc nhiên về tôi nhiều lắm. Mùa hè năm ấy tôi “tu” ở nội trú, cái nội trú vắng vẻ vì mọi người về nhà nghỉ hè cả rồi. Còn có mình tôi. Tôi yêu sự cô đơn lạ lùng. Phải chi tôi là một nhà văn. Một nhà văn sống trong nỗi cô đơn chắc sẽ sáng tác được những tác phẩm kỳ diệu. Tiếc quá. Tôi chỉ là tôi, một con bé vừa đậu xong mảnh bằng tú tài một. Các Sơ ở đây đi nghỉ hè gần hết. Mẹ Bề Trên qua Phi Luật Tân, Sơ Joséphine năm ngoái đã sang Nhật, năm nay “tình nguyện” nằm nhà. Tôi trở thành người bạn nhỏ tri kỷ của Sơ. Chúng tôi thường đàn ca vào buổi tôi. Sơ Joséphine kéo vĩ cầm thật hay. Sơ không có những ngón xuất thần của nghệ sĩ, nhưng tiếng đàn của Sơ cũng trang trải lắm. Người nữ tu này trông bề ngoài chẳng vương một chút bụi ưu tư. Thế mà nghe tiếng đàn, tôi tưởng tượng Sơ Joséphine của tôi có tâm sự u ẩn trước khi vào nhà tu. Sơ chơi “Lettres à Élise”, một trong số những bài của Beethoven làm tôi ray rứt tâm hồn. Và tối nào tôi cũng bắt Sơ chơi bài đó. Lúc ngón tay Sơ nắn trên phím đàn, khuôn mặt của Sơ không còn là khuôn mặt một bà phước nữa. Âm nhạc đã đưa Sơ vào thế giới khác.
Không hiểu chơi nhạc cổ điển có phải là cái tội không, mà dứt bản nhạc, Sơ thẫn thờ một lúc lâu rồi nhìn lên hình Chúa đóng đinh treo trên tường. Sơ Joséphine của tôi, làm dấu và lâm râm lời kinh sám hối.
Rồi Sơ ngó tôi đang tròn mắt ngó Sơ, mỉm cười:
- Sơ dạy em một bản thánh ca nhé?
Tôi gật đầu. Sơ Joséphine kéo nhạc ngay. Và Sơ vừa đàn vừa đăm đăm chiêm ngưỡng hình Chúa. Bản nhạc dứt. Sơ Joséphine, có lẽ, đã tạ tội xong, bảo tôi:
- Nào, bắt đầu tập hát.
Tôi chiều Sơ, học thuộc một bài thánh ca tiếng La Tinh. Học thuộc như con vẹt, dù chẳng hiểu ý nghĩa của bài ca.
- Hễ lúc nào buồn khổ, em hát một bài thánh ca, nỗi buồn sẽ tiêu tan. Linh hồn Chúa bàng bạc ở mỗi câu kinh, mỗi lời ca ngôi Chúa, em ạ!
Sơ Josephine lại nói về Chúa, nói về nhân loại trước và sau khi Chúa giáng sinh. Sơ cất cây vĩ cầm vào hộp, kết luận:
- Còn ai trên trái đất khổ hơn Chúa? Ngài bị phản bội, bị hất hủi xua đuổi tàn nhẫn. Ngài bị đóng đinh vào thập tự giá cho đến chết. Mà Ngài vẫn tha thứ, tha thứ cả những đứa đánh đập hành hạ Ngài.
Ý chừng Sơ Joséphine biết trong lòng tôi đang nuôi một mối thù hờn. Nên Sơ mới đem nỗi khổ đau của Chúa kể lể ngầm khuyên tôi nên tha thứ cho những kẻ gây ra bao nỗi oan nghiệt cho tôi. Tôi là con bé hèn mọn, là người. Tôi không phải là Chúa. “Mày cần sống để trả thù cuộc đời”. Câu nói mơ hồ vẳng đến tai tôi hôm tôi định uống hai ống thuốc ngủ quyên sinh. Tôi vẫn còn ghi nhớ hai câu thơ “Em nên điểm phấn tô son lại. Ngạo với nhân gian một nụ cười”.
Không được, tôi cần “ngạo với nhân gian”. Buổi tối hôm khác, Sơ Joséphine hỏi tôi:
- Sao em không về nhà.
- Em không có nhà?
- Ba em đâu?
- Chết rồi, Sơ ạ!
- Má em đâu?
- Đi lấy chồng khảc.
Sơ Joséphine nín lặng, Sơ vỗ nhẹ vai tôi:
- Sơ xin lỗi em nhé!
Từ bữa đó, Sơ Joséphine không hề nhắc nhở tới gia đình tôi. Sơ khen chị Hồng, khen tôi. Và điều làm tôi phải gục đầu vào lòng Sơ khóc nức nở là khi Sơ hứa hẹn sẽ săn sóc tôi đến bao giờ tôi tìm thấy hạnh phúc hoàn toàn bên chồng con, dưới mái nhà ấm cúng, nếu chị Hồng có vì cớ gì xa lánh tôi. Nội trú Hòa Hưng, nơi tôi đang sống, đang hong vết thương, đang trồng cây hy vọng không phải là mảnh đất khô cằn, chán nản. Tôi tự nhủ, hãy gắng sống vui, đời còn dành cho ta nhiều kỳ thú. Và vết thương của ta sẽ có thuốc hạnh phúc làm lành.
Trần Thị Diễm Châu Trần Thị Diễm Châu - Duyên Anh Trần Thị Diễm Châu