Kẻ nào chưa một lần thất bại trong quá trình trưởng thành, tức kẻ đó không có gan thực hiện những điều mới mẻ.

Woody Allen

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4352 / 170
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23: Cachot Chí Hoà
hi chàng thức giấc, chàng nghe rõ những tiếng ồn ào phía dưới. Có lẽ, trời đã sáng. Có lẽ, chàng đã được đưa đến một nhà tù nào đó của thành phố Hồ chí Minh. Tiếng ồn ào không ngừng. Âm vang của nó nghe thật ma quái. Cánh cửa đã mở. Chàng nghe bước chân của công an. Người ta tháo miếng vải bịt mắt chàng ra. Chàng vừa hi hí mở mắt thì đèn pin đã rọi sát mắt chàng. Chàng vội khép mặt lại. Đau nhức. Người ta mở còng tay cho chàng.
- Anh nói anh tự do chọn lựa sự đau đớn phải không? Người công an hỏi.
- Phải. Chàng đáp.
- Anh sẽ thỏa mãn sự lựa chọn của anh. Hôm nay anh có thể biết chỗ dành cho anh rồi đấy. Hỏi đi!
- Tôi ở đâu?
- Chí Hòa. Biệt giam khu FG Chí Hòa! Tụi phản động nó quen gọi là ca sô! Phòng của anh, những năm trước đã nhốt thằng Nguyễn Việt Hưng, trùm phản động vụ nhà thờ Vinh Sơn. Từ phòng này, chúng tôi lôi nó ra bắn chết như con chó ghẻ. Anh hỏi nữa đi!
- Không có gì để hỏi nữa.
- Vậy mở to mắt ra mà nhìn!
Người công an hét lớn:
- Mở mắt ra!
Chàng nói:
- Tôi không thể mở lớn được.
- Tại sao?
- Vì anh bịt quá chặt và quá lâu.
Người công an cười gằn:
- Hừ, tưởng anh ngoan cường tới mức nào chứ! Lãnh đạo không thèm chấp thứ anh, anh được đà phét lác. Vào tay tôi, anh tới số.
Chàng nhỏ nhẹ:
- Anh không dám làm gì tôi đâu. Anh nhỏ bé lắm, tôi rất thương hại anh. Anh đâu biết đảng và nhà nước của anh chờ đợi tôi có bốn tiếng…
Chàng nhấn mạnh:
- Bốn tiếng thôi nhé! Sám hối tội lỗi.
Rồi chàng chậm rãi:
- Tôi không sợ anh trả thù giùm lãnh đạo của anh đâu. Anh muốn tôi mở mắt, tôi mở thật lớn.
Chàng mở căng mắt. Người công an rọi đèn pin vào thẳng mắt chàng. Không thèm chớp mắt, chàng chịu đựng một thứ hình phạt nghiệt ngã. Người công an tắt đèn.
- Tôi tự do mở mắt đấy nhé! Tôi tự do lựa chọn đau đớn đấy nhé! Thứ anh, chắc chắn, không dám, kể cả lãnh đạo của anh.
Người công an nín thinh. Y quét ánh sáng đèn pin chung quanh cachot.
- Anh ỉa, đái vào cái xô kẽm góc phòng. Mỗi tuần, cho anh đi tắm một lần. Khi đi tắm, anh xách xô theo đổ phân và rửa xô. Mỗi ngày anh có hai ca nước, hai bữa cơm theo tiêu chuẩn phạm nhân vi phạm kỷ luật. Anh nhìn rõ chưa?
- Rõ rồi. Tôi nhìn rõ cả chế độ cọng sản.
- Anh liệu cái mồm anh.
Người công an bước khỏi cachot, đóng cửa sắt, khóa kỹ. Cachot tối đen. Không có đèn ở cachot khu FG Chí Hòa. Ban ngày như ban đêm. Giữa trưa nắng chói ngoài trời, ở cachot FG, đưa bàn tay trước mặt mình cũng chẳng nhìn rõ. Cachot mà chàng nằm là cachot biệt lập nên không thể liên hệ với cachot bên cạnh hay cachot đối diện. Mỗi cánh cửa cachot có một ô cửa gió nhỏ. Muốn kiểm soát tù nhân sống, chết hoặc tự tử, công an rọi đèn pin qua ô cửa gió. Cơm nước đều được đưa qua ô cửa gió. Do vậy, ô cửa gió luôn luôn mở vừa tiện can phạm lao động đưa cơm nước vừa để tội nhân thở. Tội nhân như chàng, đích thân công an đưa cơm nước. Cánh cửa sắt chỉ mở mỗi tuần một lần cho tội nhân xách xô phân tiểu đi đổ và tắm rửa. Nếu, bất chợt, cánh cửa sắt mở thì hoặc chấp pháp gọi tội nhân ra làm việc, hoặc tội nhân chết bệnh, hoặc tội nhân đập đầu tự tử, hoặc tội nhân bị dẫn đi thủ tiêu.
Chàng đã nhìn rõ cachot của chàng nhờ ánh sáng của ngọn đèn pin của người công an. Chàng biết chỗ cái xô phân tiểu ở góc phòng. Dù mắt rất nhức nhối, khó chịu, chàng vẫn dang thẳng hai tay, lê chân xích đi ngang. Chiều rộng của cachot quá dư soải tay chàng, khoảng 1 mét 20 phân gì đó. Chiều dài khỏi đo mất công. Chàng dơ tay lên cao, đụng trần cachot. Nền cachot nhớp nhúa, ẩm ướt. Hẳn nó đã đóng từng lớp phân tiểu của tù nhân nhiều chế độ. Chàng đã nghe kể về cái đỉnh cao tù ngục Chí Hòa. Bây giờ, chàng đã leo lên chót vót cái ngọn đỉnh ấy để đủ kiến thức thẩm định giá trị chịu đựng của những người trại viên học tập cải tạo và những người tù luân lạc khắp các đề lao thành phố. Nỗi khổ thường được nhân lên tùy cảm hứng khi người ta may mắn thoát ly nỗi khổ. Nỗi khổ thường cũng được thêu dệt, vẽ vời khi người ta may mắn giã từ nỗi khổ. Bởi thế, có anh tự ý dẫn xác đi trình diện học tập, ở trại cải tạo chỉ ngồi vẽ chân dung Hồ chí Minh, kẻ khẩu hiệu thi đua lao động, không hề cầm cái cuốc, không hề đào bom, khiêng bom, lấp hố bom mà qua Mỹ vẫn thích làm dáng đau khổ viết hồi ký, so sánh chỗ ngồi vẽ với đáy địa ngục! Bởi thế, có anh bị bắt oan, nằm tù vài tháng chuyên nghề phát thuốc ghẻ cho các tù nhân khác, nhởn nhơ ngoài hành lang suốt ngày, sang Pháp cũng viết về cái đề lao tép riu mà bảo đó là goulag Việt Nam! Thời đại của chúng ta, sau khi nhân danh tự do, dân chủ thì người ta nhân danh nỗi khổ. Kẻ nhân danh nỗi khổ để làm anh hùng tù ngục, để khỏa lấp sự đê tiện của chính y và để nhục mạ người khác. Kẻ nhân danh nỗi khổ để bước vào chính trường, để khua môi múa mỏ về lòng yêu nước và để tự mở đường làm tôi tớ cho ngoại nhân.
Nỗi khổ không bao giờ là đồ trang sức tiến thân, không bao giờ là món hàng rêu rao gạ đổi danh vọng. Nỗi khổ giúp con người tự nhìn y một cách chính xác, giúp con người biết thông cảm với tha nhân, biết sống cao thượng, biết chiến đấu. Nói tóm lại, nỗi khổ giúp con người truy nã bản thân mình, cả cái xấu lẫn cái tốt. Và, sau cuộc truy nã, con người có thể tự hào mình xứng đáng con người nếu mình loại bỏ nổi những nhỏ mọn, ti tiện, đố kỵ, chụp mũ thường hằng. Những kẻ thích nhân danh nỗi khổ là những kẻ chưa bao giờ trực diện nỗi khổ vàng mười, hoặc là những kẻ rỗng tuếch không thể nhìn thấy niềm bí ẩn trong nỗi khổ. Cũng vậy, những kẻ thích nói xấu người khác, thích bôi bẩn người khác đều là những kẻ tồi tệ nhất, dơ bẩn nhất; những kẻ bệnh hoạn không một chút tài năng hoặc chỉ có một dúm tài mọn; những tên sa đích núp trong bóng tối rình mò làm việc tồi bậy. Cuối cùng, nỗi khổ giúp con người khôn lớn, trang trải, thừa thãi thương yêu và dư dả tha thứ.
Đã có mấy ngày đâu tiên thử thách và chiến thắng nỗi khổ, chàng coi thường cachot FG Chí Hòa. Hạnh phúc cho chàng là các thứ lãnh đạo không còn quấy rầy chàng bằng những buổi mạn đàm tẻ nhạt. Ngày hai bữa, công an đưa cơm nước nuôi chàng qua ô cửa gió. Không có nước trà, thuốc lá, dĩ nhiên. Không có cả thịt cá, rau đậu nữa. Mỗi bữa, chàng được cấp một lưng ca cơm và lưng ca canh rau muống già nấu với muối. Người ta phát cho chàng ba cái ca nhựa, một cái muỗng nhựa. Ăn uống xong, chàng được phép giữ ca lại, chờ bữa sau có đồ nhận cơm, canh, nước. Ca, muỗng không có nước rửa, không có giấy lau. Tù nhân sống như thời ăn lông ở lỗ! Ca nước uống, chàng không dám uống hết, phải để dành cho việc rửa đít sau khi đi ỉa. Chàng đo thời gian bằng những tiếng kẻng tù. Một ngày, Chí Hòa đánh kẻng bốn lần. Lần thứ nhất: Báo thức sáng. Lần thứ hai: Báo ngủ trưa. Lần thứ ba: Báo thức trưa. Lần thứ tư: Báo ngủ tối. Hàng tuần, người ta dẫn chàng xuống phía sân khu FG đổ xô, rửa xô và tắm gội. Người ta dẫn chàng xuống vào nửa đêm khi tù nhân đã ngon giấc. Chàng mang chân vào xích xách xô phân tiểu lết xuống và leo lên bốn tầng lầu. Vẫn chân xích, chàng đổ xô phân, rửa xô rồi tắm gội, giặt giũ bộ quần áo không xà phòng. Chàng giặt quần áo, vắt hết nước rồi mặc vào mình. Đêm tắm là đêm chàng không ngủ. Chàng đứng cho quần áo khô và nghe tư trong hiu quạnh một nỗi niềm ray rứt khôn nguôi.
Chàng không sợ chết nhưng chàng thèm sống, khao khát sống vô cùng. Chàng thèm sống và ao ước được trở lại Paris một lần, một lần thôi. Để chàng nói cho bằng hữu và người yêu nỗi niềm ray rứt khôn nguôi chàng đã nghe từ trong hiu quạnh của tù ngục quê hương. Nếu nỗi niềm ray rứt có được ở những đêm cachot không ngủ, không thể ngủ, đứng chờ quần áo khô mà mọi người cảm thấm, sự nghiệp giải thoát dân tộc khỏi ách thống trị nghiệt ngã của cọng sản sẽ không còn là của người trong nước hay người ngoài nước, sẽ không còn của phe này, nhóm nọ, sẽ không còn là của ngoài Bắc trong Nam. Sẽ là của tất cả những người Việt Nam lương thiện từng ôm những mũi tên cọng sản rướm máu tim oan. Chàng khao khát sống, vì thế. Một người tuổi trẻ Việt Nam tự nguyện rời bỏ cuộc sống phồn hoa đất khách, rời bỏ gia đình, bằng hữu, người yêu, rời bỏ tương lai tốt đẹp của mình để trở về quê mẹ vào tù, chân mang xích, đứng trong bóng tối mù mịt và cô đơn mênh mông không ngủ, mặc quần áo ướt, chia sẻ nỗi đau xót và niềm tủi nhục với dân tộc mình, người tuổi trẻ đó xứng đáng một biểu tượng gì nhỉ? Hãy hình tưởng chàng rồi có ví chàng với thánh nhân cam chịu khổ một mình cho hạnh phúc dân tộc sẽ chẳng ai nỡ kết tội lộng ngôn. Thời đại của chúng ta rặt những anh hùng, liệt sĩ bất xứng, những anh hùng, liệt sĩ làm sai lạc định nghĩa anh hùng, liệt sĩ, chàng mới rõ mặt anh hùng. Chàng là thần tượng của tuổi trẻ hôm nay. Chàng là bó đuốc dẫn lối. Chàng là ánh lửa nhận đường.
Với dinh dưỡng đốn mạt, với đầy dọa tinh thần và thể xác cùng cực, chàng phờ phạc, rã rời. Cachot biệt lập FG Chí Hòa, quan tài xi măng cho người sống, đã làm hao mòn chàng. Đôi chân chàng mang xích lỏng leo. Xích đã hết nghiến cổ chân chàng rồi! Tóc chàng rậm bù. Râu ria chàng tua tủa. Mắt chàng suy yếu dần dần. Một tháng. Hai tháng. Năm tháng. Bảy tháng… Chàng quên đếm mấy trăm bữa cơm, mấy chục lần đổ xô phân tiểu, mấy chục bận tắm giặt và đứng thâu đêm chờ quần áo khô. Bỗng một đêm, đèn pin chiếu qua ô cửa gió rọi thẳng vào mắt chàng. Cánh cửa sắt mở rộng. Người ta bảo chàng đứng dậy. Mắt chàng lại bị bịt chặt. Tay chàng lại bị siết còng. Người ta điệu chàng đi nơi khác. Nơi khác chẳng mới lạ gì với chàng. Đó là căn phòng “đầy đủ tiện nghi” chàng đã ở, đã mạn đàm với các nhà lãnh đạo của chế độ. Người ta hớt tóc, cạo râu cho chàng. Người ta cấp xà phòng thơm tắm gội. Người ta phát quần áo mới. Người ta cho ăn cơm tiêu chuẩn cũ. Người ta tặng thuốc lá. Chàng đã mượn cái gương của người công an hớt tóc soi gương mặt mình. Mắt chàng trũng sâu, thâm quầng. Da chàng trắng bệch. Thịt chàng mềm nhũn. Chàng nhìn mọi vật lờ đờ. Cọng sản không tra tấn. Phải, cọng sản không tra tấn. Nếu không sống bằng ước mơ, chàng đã gục ngã trong quan tài xi măng.
Lần này, người ta đưa cho chàng một tờ giấy và yêu cầu chàng thú nhận tội lỗi. “Yêu cầu thật đơn giản. Anh khai sơ yếu lý lịch rồi nhận tội lỗi và hứa ăn năn sám hối. Thế thôi”. Chàng chưa viết. Người ta không dục. Chàng ăn rồi ngủ. Ngủ rồi tắm. Rồi chàng bỗng tương tư cái quan tài xi măng FG Chí Hòa, chàng bỗng thèm đứng không ngủ thâu đêm chờ quần áo khô và nghe từ trong hiu quạnh cái nỗi niềm ray rứt. Nhờ hỏi ngày tháng người công an bảo vệ, chàng biết mình đã nằm trong quan tài xi măng 11 tháng. Mười một tháng chân mang xích, sống trong bóng tối cô quạnh, ăn ngủ chung với phân và nước đái, không nghe tiếng người nói, cười, khóc, chỉ nghe tiếng kẻng gầm gừ dọa nạt, chàng chưa điên là nhờ chàng biết ước mơ. Chàng vừa khám phá một niềm bí ẩn mới: Sức chịu đựng của con người đã chế ngự hình phạt của thù hận.
(Trích Một người tên là Trần Văn Bá)
Trại Tập Trung Trại Tập Trung - Duyên Anh Trại Tập Trung