If you truly get in touch with a piece of carrot, you get in touch with the soil, the rain, the sunshine. You get in touch with Mother Earth and eating in such a way, you feel in touch with true life, your roots, and that is meditation. If we chew every morsel of our food in that way we become grateful and when you are grateful, you are happy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4352 / 170
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
Những trang đã viết về tuổi trẻ,
cho tuổi trẻ suy tư từ ngục tù.
Những ai đã trọ ở quán Đề Lao Gia Định vào những năm 1975, 1976 và 1977 đều biết mặt hay biết tên những người tuổi trẻ Sài gòn đánh cộng sản, bị khép tội phản động, những người tuổi trẻ Sài gòn mà tôi gọi là những con sư tử non lãng mạn và cô đơn. Từ cuối 75 tới giữa 76, bầy sư tử lãng mạn lần lượt dính cạm bẫy và hiên ngang vào tù. Con trai. Con gái. Tất cả đều ngẩng mặt thách thức cachot, xiềng xích. Tất cả đều thắp lửa tím rực rỡ làm kẻ thù nể nang và làm đàn anh cúi mặt.
° ° °
Phẩm cách tuổi trẻ
Tôi chưa thấy cái kiêu hùng của Bà Trưng, Bà Triệu, của Cô Giang, cô Bắc. Nhưng tôi đã thấy, tận mắt, các cô sinh viên trường Luật, các cô nữ sinh trường Lê Văn Duyệt, Gia Long chân mang xiềng mà miệng vẫn mỉm cười.
Tôi chưa thấy cái anh dũng của Phạm Hồng Tháỉ, của Nguyễn Thái Học, của Ký Con, của Trần Bình Trọng. Nhưng tôi đã thấy, tận mắt, các cậu sinh viên Vạn Hạnh, các cậu học sinh Chu văn An, Nguyên Trãi… tay đeo còng mà mắt vẫn mộng mơ.
Họ biến thành khách hàng thượng hạng sáng giá nhất của Công Ty Khách Sạn Nhà Tù Cộng Sản. Người trẻ măng, 16 tuổi. Người trưởng thành, 22 tuổi. Tôi nhìn các cô ra vào cachot và in dấu chân tuyệt đẹp trên hành lang khu C1. Tôi nhìn các cậu ra vào cachot và gửi niềm tin chiến đấu thánh thiện trong gió quê hương. Rồi, hân hạnh biết bao, tôi được nằm chung với các cậu qua các phòng giam của các khu Cl và C2. Và khu FG, AH, BC của đỉnh cao tù ngục Chí Hoà.
Tôi quen thân Đặng Hữu Trí 16 tuổi, hiền lành và rất dễ thương. Đặng Hữu Trí can tội dám lập một tòa án xử Hồ Chí Minh. Tòa án vỏn vẹn ba người. Trí đóng vai chánh án. Hai bạn của Trí, một công tố viện, một luật sư. Bị cáo Hồ Chí Minh chỉ là bức chân dung Người, in offset do nhật báo Sàigòn giải phóng ấn hành. Luật sư cố gắng biện hộ tội ác cho Hồ Chí Minh. Công tố viện buộc tội khắt khe. Chánh án Trí tuyên án xử tử Hồ Chí Minh. Chân dung Bác bị châm lửa đốt ngay tại tòa, một lớp học vắng vẻ. Tòa bế mạc. Câu chuyện được truyền tụng trong bạn bè. Rồi lọt tai công an. Chánh án, công tố viện, luật sư bị còng tay, bịt mắt dẫn đi. Luật sư, nhờ bênh vực Hồ Chi Minh, được tha về, sau một tuần lễ chấp pháp. Công tố viện, chánh án nằm cachot dài dài. Mà vẫn tự hào mình đã dám xử tử Hồ Chí Minh.
Tôi quen thân Hoàng Sơn Trường, 18 tuổi, cận thị, can tội chống phá “cách mạng”. Sài gòn mất, Trường mất mát nhiều thầy, cô, bạn bè, kỷ niệm. Cậu buồn bã đi tìm phục quốc. Chẳng gặp ai, cậu ghé chùa An Lạc, rủ một chú tiểu tính chuyện nước non. Chú tiểu – tôi quên tên – hẳn đã đọc Tiêu Sơn tráng sĩ, bèn dậy tình sông núi. Vậy là chùa An Lạc, nằm phía sau đường Phạm Ngũ Lão, Sài gòn, biến thành trụ sở của “tổ chức”! “Tổ chức” nhiều nhiệt tình nhưng lắm vụng dại. Và “tổ chức” bị lộ. Hoàng Sơn Trường và An Lạc tráng sĩ vào tù. Mẹ của Hoàng Sơn Trường “nằm vùng” tới chức Phó chủ tịch Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Sông Bé. Trường nằm cachot, hai tay bị còng chéo sau lưng liên tiếp 38 ngày đêm vì khước từ làm việc. Mẹ Trường tới đề lao, dụ dỗ cậu khai báo “đồng bọn” để được tha ngay hoặc mẹ cậu sẽ đoạn tuyệt cậu. Trường không khai báo. Cậu bị gia đình bỏ rơi. Và cậu không hề than thở.
Những cậu học sinh như Đặng Hữu Trí, Hoàng Sơn Trường, tôi đã gặp. Thí dụ thêm Đặng Cơ Bản, Đinh Cường, Đinh Dũng, Đinh Vượng, Trí loa, Trí ghẻ, Ngô Tỵ, Nguyễn Khánh Long… Các cậu ấy anh hùng trong hành động và biết giữ gìn phẩm cách khi sa cơ, thất thế. Tuyệt đối tôn trọng Nội quy nhà tù. Không lèm bèm trong bóng tối. Không chống đối rẻ tiền. Biết kính mến người tuổi tác và sẵn sàng giúp đỡ người bệnh hoạn. Điều mà tôi suy nghĩ và cộng sản suy nghĩ hơn là động lực nào đã quyến rũ các cô các cậu Sài gòn xuống thuyền một cách lãng mạn thế! Trước khi mời cộng sản chiếm Sàigòn, người Mỹ đã tận dụng các hệ thống tuyên truyền vĩ đại của mình để hù dân tộc Việt Nam, rằng cộng sản sẽ giết hết dân Sài gòn, sẽ có “biển máu” ở miền Nam. v.v… Do đó, bọn thống trị hèn mạt, bọn tướng lãnh đào ngũ, bọn dân biểu, nghị sĩ bù nhìn, bọn làm giầu bằng chiến tranh, bọn lãnh tụ xôi thịt…đã cuốn gói chạy thật nhanh, dù bị lính Mỹ đạp đá như súc vật, ở phi trường Tân Sơn Nhất và ở Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ! Bọn hưởng thụ trên xác chết của lính chiến, bọn nhẩy đầm trên tiếng khóc của quả phụ, bọn uống sâm banh nước mắt của cô nhi, bọn cười đùa nỗi khổ của đồng bào, bọn kên kên rút ruột, mổ mắt tổ quốc, đã cuốn gói chạy thật nhanh để lại toàn bộ “chiến hữu” cho cộng sản quản lý, trong tù và trại tập trung khổ sai lao động. Tất cả đều đã tan rã. Bức dư đồ rách bươm. Đàn trẻ của Tản Đà, đau đớn thay, lại toàn lũ lãnh đạo chỉ biết chạy, chạy và chạy. Những kẻ không thích chạy trốn, không thèm chạy trốn mà còn đòi bồi vá bức dư đồ rách, đẹp đẽ thay, lại là tuổi trẻ Sài gòn sau 30-4-1975.
Người cộng sản đặt nghi vấn: Tuổi trẻ Sàigòn chống chúng tôi với mục đích gì? Họ có bị tước đoạt quyền bính đâu mà đòi phục hồi quyền bính cũ? Mà họ đã làm gì có quyền bính. Giữa chúng tôi và họ chưa nợ nần gì nhau. Tại sao họ chống chúng tôi? Nghi vấn ấy đã làm điên đầu cộng sản. Tuy rất cay cú tuổi trẻ nhưng họ phải kính phục. Những câu trả lời của tuổi trẻ Sài gòn hôm nay nằm trong Sỏi đá ngậm ngùi, Bầy sư tử lãng mạng, Hồn say phấn lạ. Nên nhớ thêm rằng, trong nhà tù cộng sản tôi đã gặp khá nhiều tổng trưởng, thủ tướng, bộ trưởng, sư đoàn trưởng! Rặt bọn thèm quyền bính phong chức tước cho nhau và tự phong. Rồi đi tù! Tuổi trẻ Sài gòn không xuống thuyền vì chức tước, vì quyền bính. Họ mới đích thực là lãnh tụ của tôi. Phần còn lại của đời tôi, tôi sẽ dành để ca ngợi họ. Nhiều người đã chết. Nhiều người đã về nhà với bệnh hoạn. Riêng và duy nhất Bầy sư tử lãng mạn, gồm 28 người, dưới sự lãnh đạo của Lương Việt Cương, hiện đang nằm dưới hầm đá của trại Nam Hà B, Hà Nam Ninh (trại Đầm Đùn cũ). Chẳng một ai ở ngoài nước biết đến họ, dẫu người ta hô hào chống cộng sản, kháng chiến và tôn vinh vô số liệt sĩ. Hình như, những người tuổi trẻ dấn thân vào cuộc chiến đấu mới cũng chẳng thấy cần thiết phải có sự biết đến của những ai đang “âm mưu” chống cộng sản, ở ngoại quốc, dĩ nhiên. Trước hết, tuổi trẻ Việt Nam đã thực sự trưởng thành. Để tự làm cái mũ đội lên chính đầu mình. Thế hệ tuổi trẻ làm guốc cho lãnh tụ giả hình mài mòn vẹt trên đường công danh đã chấm dứt. Ở Sàigòn, đừng tưởng dân chúng còn ham nghe những tiếng nói chết vọng về từ bên kia Thái Bình dương. Đừng tưởng nữa và nên im lặng. Giữa tiếng nói sống và tiếng nói chết đã là một phân ranh đánh dấu một thời đại. Thời đại của chống cộng rầm rộ và ồn ào đã vô hiệu quả. Những hô hoán chống cộng là tiếng nói chết. Nó đang buồn hắt hiu bên kia ranh giới của ba mươi năm cũ. Bên đây ranh giới, tiếng nói sống quyến rũ và tích cực: Đánh cộng sản. Đánh bằng nhiệt tình và lòng tự phụ. Đánh cộng sản để thắng cộng sản. Đánh cộng sản không mưu cầu địa vị, công danh; không mộng mơ cái chức lãnh tụ hư ảo. Đánh cộng sản vì hạnh phúc của dân tộc, vì quyền sống của con người và thản nhiên bước vào tù ngục để bị đầy đọa đến chết mòn.
Nhưng, từ đó, từ khởi sự của tuổi trẻ Sàigòn 30-4-75, là một thời đại mới, thời đại đánh cộng sản; thời đại mời gọi thương yêu gần gũi, thời đại ngăn cấm tàn sát, tù ngục, tập trung sau chiến thắng. Và tôi, người nghệ sĩ, tôi xin phép được đứng trong thời đại mới- dù tôi ở Paris, ở Washington hay ở Sài gòn. Tôi đặt hết niềm tin vào tuổi trẻ Việt Nam, bất kể lưu vong hay không lưu vong, thế hệ tuổi trẻ biết sáng tạo trong đấu, nhân danh hạnh phúc dân tộc, tự lên ngôi để vừa đánh cộng sản vừa học cách đánh. Nhị thập bát tú, 28 con sư tử non trong Bầy sư tử lãng mạn, như những lãnh tụ của tôi, những con người đích thực giải thoát quê hương, không cần ai nghĩ tới cái chết của mình, không cần ai quyên tiền đóng góp, không cần cả một nén hương tưởng niệm.
(Trước khi vào Sỏi Đá Ngậm Ngùi)
Nam Á Paris 1985
° ° °
Tư tưởng mới của tuổi trẻ
Tôi đứng dậy, ra tận cửa, nhìn bên ngoài qua ô cửa gió. Đêm buồn bã. Sân cỏ ướt đẫm sương khuya. Dẫy tập thể, đèn néon sáng trưng. Các phòng tù nữ, mọi người đang ngủ trong những cái mùng giăng thấp lè tè. Ở phòng bệnh lao, một vài ông già ôm ngực ho. Từng chuỗi tiếng ho quằn quại cơ hồ những băng đạn quạt vào cuộc đời khốn khổ. Con đường hệ lụy, không ai ngờ lại có những nhà tù và những người tù chẳng hiểu mình can tội gì. Người ta sinh ra, cố sống thật lương thiện với lòng mình mà cam đành nằm ngục. Nếu người ta biết gian dối, người ta chấp nhận triết lý sống của loài cỏ đuôi chồn, có lẽ, yên thân hơn. Khổ nỗi, những người quá lương thiện thường bất bình những kẻ gian lận trong các trò chơi tư tưởng. Và, do đó, mới sản sinh ra loại tù nhân tư tưởng. Anh không chấp nhận một quan điểm nào đó của một người nào đó, nếu người ấy chưa nắm quyền bính, anh sẽ bị bôi bẩn, sẽ bị truyền khẩu hạ nhục, sẽ bị rỉ tai vấy nhơ; nếu người ấy nắm quyền bính, anh sẽ bị bỏ tù, sẽ bị giết. Người ta đã chống đối tư tưởng của nhau và người ta đã giết nhau theo cung cách ấy. Nhưng ít ai nghe tiếng ho quằn quại trong ngục thất đêm khuya, những tiếng ho không gợi niềm trắc ẩn và không đánh thức nổi lương tri của con người.
Trước đây, tôi sống rất hời hợt, tôi đã sống với hình thức của đời sống chứ chưa hề sống với nội dung nó. Mỗi kinh qua của lịch sử là mỗi kinh nghiệm tuyệt vời. Nhiều thứ phải chết cho nhiều thứ sống lại. Những thứ chết là lòng ích kỷ, sự ỷ lại, tâm hồn vọng ngoại, thói tị hiềm và mưu cầu hạnh phúc riêng tư. Những thứ sống lại là nhiệt tình, lòng tự phụ, sự can đảm, niềm tự tin và ước mơ xây dựng hạnh phúc cho mọi người. Tôi thức tỉnh do lịch sử sang trang bất ngờ, nhưng tôi khôn lớn, tôi biết nhìn vào nội dung cuộc sống nhờ những đêm im lặng hãi hùng trong các thứ cachot. Cuộc sống vô tận, tôi mới chỉ ngốn hết ba mươi trang. Tôi chưa hiểu mình sẽ sẽ đọc đến trang thứ bao nhiêu. Thật lòng, tôi muốn đọc tới trang cuối cùng. Nhiều bạn bè tôi đã di tản trước ngày 30-4-1975. Họ đang có mặt ở Mỹ, ở Pháp, ở Gia Nã Đại. Tôi không biết tâm trạng họ ra sao, nhưng biết chắc họ đã thỏa mãn vật chất.
Đời sống được định nghĩa thế nào? Nếu nó đã được định nghĩa là sự thụ hưởng thì mọi kinh qua của lịch sử đều vô ích, thì những người di tản qua Mỹ, qua Pháp phải cám ơn cộng sản. Nhờ cộng sản thôn tính miền Nam họ mới có cơ hội xa quê hương, có nhà cao cửa rộng, có xe hơi chạy vung vít, có những đêm nhảy đầm tíu tít và có những giọt nước mắt cay thuốc lá gửi về “xót xa cho những người ở lại”. Ngay thẳng mà nói, nhiều người di tản và vượt biển phải cám ơn cộng sản vô vàn. Đời sống tăm tối của họ, sự ngu dốt của họ tại quê nhà đã rực rỡ và sáng giá tại quê người. Và họ đã dám âm mưu cả chuyện về giải thoát chúng tôi! Buồn cho họ, đời sống đã không bao giờ được định nghĩa là sự thụ hưởng vật chất. Những miếng ngon nhất và những miếng tồi tệ nhất đều tiêu hoá giống nhau và đều có mùi vị giống nhau. Miếng ngon có thể làm cho con người béo mập, phì nộn, đồng thời, nó cũng làm con người ngu si, ích kỷ, hẹp hòi, ti tiện. Miếng tồi tệ – miếng cơm tù đày, chẳng hạn – làm gầy mòn con người nhưng lại giúp con người khôn ra, lớn lên, đầy đủ chiều cao, chiều rộng, chiều sâu; giúp con người từng trải, độ lượng và cao thượng. Vậy thì đời sống chỉ có định nghĩa chính xác với ai dám sống, sống đến tận cùng và can đảm chịu đựng mọi thử thách cam go của đời sống. Bởi vì, sau những thử thách khốn cùng, con người sẽ để lại một ý nghĩa cao cả cho những đời sống kế tiếp.
Tôi không có tham vọng ghê gớm ấy. Đời sống đẩy tôi vào sự thử thách quá ngỡ ngàng đối với tôi. Lịch sử dẫn tôi ra khơi, bỏ tôi loay hoay giữa cuồng sóng. Tôi phải tự lo lấy. Không ai giúp tôi cả. Không ai an ủi tôi cả. Tôi nhập cuộc cũng không cần đòi hỏi những đền bù này nọ. Tôi chiến đấu cần thiết như tôi thở, tôi yêu. Thế thôi. Lãng mạn và cô đơn. Âm thầm và khiêm tốn. Còn ai thích hiểu sao, tùy ý họ. Tôi không bao giờ là chiến hữu của những người trong trận tuyến hư ảo, những người đang cổ võ phục hồi cái dĩ vãng tanh ươn, mục rã. Nếu chiến đấu để sống lại tháng năm buồn tênh cũ, thà chấp nhận cái hiện tại rạc rài này còn hơn. Tôi cũng chẳng bao giờ là chiến hữu của những người hiếu sát hung hăng đòi giết hết quân thù. Thời đại của tàn sát đã cáo chung. Không có thứ hạnh phúc nào tưới bằng máu cả. Những kẻ toan tính thọc huyết kẻ thù như thọc huyết heo là những kẻ ngu xuẩn, hắc ám và dốt nát; là những kẻ toan tính thiết lập ở quê hương Việt Nam những lò sát sinh ghê tởm hơn cả những trại tập trung lao cải. Tôi chống sự man rợ từ mọi phía và tôi thành thật nói rằng, khi lịch sử đã sang trang có nghĩa là gánh hát đã rã đám, đào ca, kép hát và hề đã bị sa thải. Không ai để cho bọn đào kép cũ chơi tuồng mới nữa. Dân tộc đã chán nản họ.
Chỉ còn những đứa vô liêm sĩ mới tự hoá trang, mũ mảng cân đai diễn trò phục hồi dĩ vãng. Và cũng chỉ còn những đứa cắn hạt gạo chưa vỡ mới cổ võ cái trò hề rẻ tiền ấy. Chúng tôi dấn thân vì không muốn bị tách rời khỏi dĩ vãng của mình. Dĩ vãng của chúng tôi, dứt khoát, không nằm trong dĩ vãng hèn mạt của hai mươi năm lịch sử ô uế miền Nam, của ba mươi năm lịch sử ô uế miền Bắc. Nó ở trên tất cả. Nó đòi hỏi kép mới, tuồng mới. Nó đòi hỏi tẩy sạch những trang lịch sử đầy vi trùng mác xít của bọn lãnh tụ giả danh, của lũ lãnh tụ tôi mọi tư bản. Nó đòi hỏi một tương lai thật mới, thật lạ, thật nhân bản. Nó muốn dân tộc đoàn tụ và yêu thương. Hàng chục ngàn người tuổi trẻ Sàigòn, bầy sư tử non của thời đại, đang có mặt trong các ngục tù cộng sản, đã xuống thuyền vì nó. Sư tử không rống, như đào tàn tạ nhan sắc, như kép hoen rỉ giọng ca. Sư tử âm thầm và khiêm tốn. Sư tử lãng mạn và cô đơn. Ý nghĩa cao cả của chiến đấu là, hãy trực diện đương đầu với quân thù, hãy chấp nhận trừng phạt của quân thù, không kêu cứu, không rên siết, không nghĩ thất bại, không màng thành công. Ý nghĩa đó làm sao tìm được ở bọn chạy trốn, bọn đào ngũ trước lệnh đầu hàng. Ở bất cứ không gian và thời gian nào, bọn tiêu bạc giả vẫn ồn ào hơn những người tiêu bạc thật, và, đôi khi, tiếng nói của chúng khỏa lấp tiếng nói của người khác bằng bạc giả của chúng tung ra.
Tôi trở về chỗ nằm, đợi chờ giấc ngủ. Con cắc-kè già trên cây me góc sân cọ cựa cổ họng và buông những tiếng buồn thảm. Đêm cachot, nghe cắc-kè kêu, hình tưởng vô vàn những đổ vỡ, mất mát. Cuộc chiến hai mươi năm kết thúc thật phũ phàng nhưng cũng thật lạ lùng. Vớ những người Việt Nam chân chính muốn tái tạo một xã hội lương thiện, tốt đẹp thì sự kết thúc của cuộc chiến là một vận hội mới. Nó bứng tận cội rễ giai cấp thống trị bất lương và gian manh. Nó phơi bầy rõ rệt chân tướng của bọn tướng lãnh “pạc-ti-dăng”, gái, rượu, ăn cắp, buôn thuốc phiện, chứa thổ đổ hồ. Nó tước đoạt hết quyền uy kinh tế của lũ tư sản mại bản Chợ Lớn, thứ quyền uy từng rút máu và gặm thịt nhân dân Việt Nam và thông đồng với Cộng Sản. Nó đẩy đám làm giầu trong chiến tranh, làm giầu trên nghĩa trang quân đội vào tù ngục. Nó dìm bọn cầy cáo, gia nô, hạc gỗ xuống đất đen. Đồng thời nó lay động tâm hồn thật của dân chúng. Nó kêu gọi vất bỏ ích kỷ, ươn hèn. Nó mời gọi đùm bọc, yêu thương. Nó soi sáng ý nghĩa tự do, dân chủ, đau khổ và hạnh phúc. Nó cụ thể những gì đã là trừu tượng. Nó kích thích những giọt nước mắt và vuốt ve nhiệt tình. Không cần nói Cộng Sản gian ác, thú vật nữa. Bầy quỷ đã vào thành phố. Và ngay cả con nít cũng xa lánh, ghét bỏ. Người Việt nhìn rõ cả trái đất để làm lại miếng đất cua mình. Chuyến đi trăm năm của người Việt đã quá xa, quá cay đắng. Bây giờ là lúc trở về. Trở về từ bước thứ nhất thong thả, vững chắc. Trở về từ ý nghĩ mới, tâm hồn mới, tư tưởng mới. Những kẻ ôm khư khư cái hào quang đắc thời nô bộc không thể trở về. Thời đại của khuyển Nho, khuyển Tây, khuyển Nhật, khuyển Mỹ đã đăng cáo phó. Và sắp đăng cáo phó thời đại khuyển Nga, khuyển Tàu.
Đã vắng mặt chính quyền trên đất nước này, lâu rồi. Chỉ có phỉ quyền và ngụy quyền. Một bên ăn cướp, một bên ăn cắp. Cả hai đều là tay sai của ngoại bang. Cả hai đều tồi tệ, đốn mạt. Số phận của dân tộc chúng ta, bao nhiêu thế hệ tuổi trẻ, nằm trong tay bọn ăn cướp và bọn ăn cắp. Lịch sử dâng hiến chúng ta vận hội mới, lịch sử lột mặt nạ phỉ quyền, lịch sử đào thải ngụy quyền. Chúng ta có thể làm chính quyền rồi đấy. Cả dân tộc đang làm chính quyền trong ngục tù bao la và trong ngục tù giới hạn. Hạnh phúc của người Việt Nam không thể có từ nước miếng ly hương, từ sự mô phỏng áo quần, khăn rằn lố lăng khờ khạo, từ champagne tuyên ngôn, tuyên cáo. Mà phải khởi sự tù bát cơm độn ngô, khoai, sắn, từ những giọt mồ hôi cưỡng bức rơi xuống luống cầy; từ nỗi khát sữa của em thơ; từ nỗi thèm gặp con trong tù của mẹ già; từ những cái gì khắt khe, quái đản đã từng phút diễn ra trên khắp quê hương, đang từng phút đè nặng lên thân phận dân tộc Việt Nam.
Sự kết thúc của cuộc chiến hai mươi năm đã làm nhiều người lớn lên, đằm thắm, thiết tha; nhưng cũng làm nhiều người bé đi, giả tạo, hời hợt. Nghĩ mà thương những người lính của chúng ta đã chết anh dũng ở chiến trường. Những con người bé nhỏ chưa để họ yên nghỉ dưới mồ. Kẻ thù đã quật mồ mả họ, san bằng nhiều nghĩa trang của họ, bêu nhục và khu trừ vợ con họ. Những con người bé nhỏ còn nỡ nhân danh xác chết tuyệt tích nấm mồ của họ, tính chuyện mưu bá đồ vương. Những con người bé nhỏ không thích làm chính quyền. Với họ, có lẽ, làm chính quyền nhiêu khê quá. Họ phải khởi sự từ số không. Mà khởi sự từ số không thì họ không ra gì cả. Do đó, họ khư khư cái dĩ vãng phù phiếm, xúm nhau lại đánh bóng nó thêm, mô phỏng trò chơi của phỉ quyền, hăm hở trong cuộc phục hồi quyền bính dĩ vãng, phục hồi ngụy quyền, phục hồi rác rưởi và cóc chết. Tôi dấn thân để đóng góp đôi chút vào công cuộc tạo dựng một chính quyền cho xứ sở, để được sống bình yên chung quanh những người Việt Nam hiền lành, lương thiện, được tuân lệnh những người cai trị sáng suốt, hiền lành, lương thiện. Ngoài ra, tôi không tơ hào gì cả. Bởi vì, lịch sử vừa mới dậy tôi, tất cả đều phù ảo, trừ hạnh phúc vĩnh cửu của mọi người.
(Ý nghĩ của cô Lan trong Sỏi đá ngậm ngùi -
Nam Á Paris, 1985)
° ° °
Thư cho tuổi trẻ dấn thân
Em Hoàng Sơn Trường,
Anh không biết em còn sống dưới hầm đá biệt giam ở trại Đầm Đùn hay đã chết rồi. Nếu em còn sống, em đang đếm từng ngày trong bóng tối lạnh lẽo. Nếu em đã chết, xác em chôn dưới vùng đất nào của quê hương, chẳng ai rõ. Chắc chắn trên nấm mồ hiu quạnh của em, thiếu cái mộ bia mơ ước như em thường nói với anh, hồi chúng ta nằm chung xà-lim số 7 hôi hám của khu C1 đề lao Gia Định. Em mơ ước gì nhỉ? Em muốn mộ bia của em khắc Búa Liềm và Còng Mỹ. Và em giải thích rằng, vì Còng Mỹ và Búa Liềm mà em chiến đấu và em hy sinh tuổi trẻ của em. Mơ ước của em thật lạ lùng. Nó cũng lạ lùng như sự dấn thân lãng mạn và cô đơn của em, của bạn bè em, của một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam tuyệt vời.
Em nhớ chứ, Trường thân mến, hôm đầu gặp gỡ, anh thử em bằng câu hỏi ngờ vực và bằng sự phán xét kẻ cả về mục đích em theo đuổi, em đã trả lời anh:
“Em kính mến anh lắm. Nhưng con đường em đi em tin là chính đạo và lý tưởng. Mong anh đừng bàn tán rắc rối!”
Anh phục em từ đó. Chúng ta thân nhau. Trong tù, dĩ nhiên. Em kể anh nghe cái động lực xui em chiến đấu và sự trở về đời sống thảnh thơi, im lặng của em. Thế thôi. Là đã hừng hực mặt trời tuổi trẻ. Là đã vằng vặc mặt trăng tuổi trẻ. Ở tù không hứa hẹn gần nhau lâu, anh bị chuyển xà-lim, chuyển dài dài, chuyển phờ phạc. Anh phiêu lưu khắp cõi đề lao. Cuối cùng, anh gặp Ngô Tỵ tại xà lim số 3C1. Ngô Tỵ nói về em: “Em không hề biết mặt thằng Trường khi em gia nhập tổ chức của nó. Em vẫn tưởng nó phải lớn tuổi, to con, đầy vẻ bí mật. Nằm khu A, buổi sáng, đi đổ rác em gặp tráng sĩ chùa An Lạc, em hỏi tráng sĩ chứ đảng trưởng đâu, tráng sĩ kéo một thằng lùn tỉ, đeo kính cận ra cửa xà lim khoe em. Em bèn hỡi ơi, đảng trưởng của mình nhóc hơn mình”. Anh hỏi Ngô Tỵ: “Bây giờ, em còn phục nó không?” Ngô Tỵ cười: “Nó hay thật, anh ạ”! Em đã quyến rũ bao nhiêu bạn bè, em đã quyến rũ anh. Em tuyệt diệu.
Anh gặp thêm Đinh Cường, Đinh Dũng, Đinh Vượn, Nguyễn Khánh Long, Đặng Cơ Bản, Nguyễn Hữu Trí… Rồi lang thang sang khám Chí Hòa, anh gặp vô số những khuôn mặt yêu nước khiến anh lợm giọng. Và anh buồn bã là không còn được sống với các em. Những khuôn mặt yêu nước: những anh già nua thèm danh vọng trải dải đời mình qua các chế độ chưa nắm nổi một địa vị bình thường, những anh thèm thuồng quyền bính đến ngớ ngẩn tội nghiệp đã tụ tập nhau mưu đồ phục hồi dĩ vãng tanh ươn. Họ lập chính phủ, phong cho nhau làm tổng thống, thủ tướng, tổng trưởng. Một xà lim của anh có đến…ba nội các. Và ba vị thủ tướng hét chửi nhau vì quan điểm chính trị lại chửi nhau vì cơm chia không đồng đều, vì chỗ ngủ thiếu ni tấc! Anh gặp những ông quận trưởng vẽ vời chức tước tỉnh trưởng ngày mai. Anh gặp những ông chánh án, dự thẩm vẽ vời món tiền lương “ráp pen” ngày mai. Anh gặp những ông tá vẽ vời sao tướng ngàn mình chống cộng sản vì tổ quốc và dân tộc. Họ ưa kể lể công lao nằm tù của họ. Nằm tù, với họ, là cái gì thiêng liêng, cái gì đầy đủ đặc quyền đặc lợi khi cộng sản tan rã. Nằm tù với họ, là sự ngưỡng mộ của toàn dân, mặc dù họ vì vạ miệng, vì say mèm nói láo, vì ham danh vọng nhào vô, vì tự ý dẫn xác đi trình diện xin ở tù. Các em khác hẳn họ. Các em khiêm tốn. Các em im lặng. Chiến đấu im lặng. Sa cơ thất thế im lặng. Đau khổ im lặng. Và thành công càng im lặng hơn. Mà các em đã làm gì có quyền bính. Mà các em đã hưởng thụ được gì từ quyền bính của dĩ vãng? Anh chợt nhớ một câu văn bất hủ của nhà văn Ngọc Giao trên trang đầu tiều thuyết “Nhà quê”: Con ốc nhỏ trôi giạt trên bãi cát, bé nhỏ thế thôi, câm nín thế thôi, thế mà trong lòng nó chứa đựng cả sóng gió của đại trùng dương đấy, bạn ạ!”
Em, các em, chính các em là những con ốc nhỏ cô đơn và vĩ đại đang trôi giạt trong lòng dân tộc. Ý nghĩa chiến đấu của em, của các em, anh thấy nó tựa tư tưởng của một nhân vật của nhà văn Eric Maria Remarque trong “The Night in Lisbon”: Khi thế giới còn những bọn dã man tàn bạo và mình còn khả năng chống lại chúng mà không dám chống thì đó là tội ác”
Nhân vật này cho giấy thông hành người khác, ông ta khước từ trốn sang Mỹ, ông ta ở lại Âu Châu, gia nhập lính lê dương để chiến đấu diệt phát-xít. Các em cũng khước từ tất cả để chiến đấu chống cộng sản vì, dân tộc chúng ta, dân tộc Ba Lan, Tiệp Khắc.. đang đầy ngập bọn dã man tàn bạo, đang bị trùm kín bóng tối của chủ nghĩa cộng sản đốn mạt.
Một bông hồng nào cho em, Trường thân mến. Anh chỉ mới mừng tuổi em hộp diêm, mùng một Tết năm 1977 ở đề lao Gia Đình. Và em rất thông minh, nói nhỏ: “Vâng, em sẽ mãi mãi giữ lửa!”
Em thừa hiểu, tù nhân như anh em mình, cộng sản chẳng dại gì mà nhốt một chỗ lâu ngày. Họ phân tán dần dần. Sớm gần, chiều xa. Tháng 5 năm 1977, em chuyển trại, các em chuyền trại. Tháng 12 năm 1977 anh sang Chí Hòa. Tháng 11 năm 1978, anh bị đầy vào rừng già Sa Ác. Tháng 2 năm 1980, anh về Hàm Tân. Đầu năm 1981, tù nhân ở trại Nam Hà B được điều về miền Nam. Khoảng 500 người nhập trại Hàm Tân, Z30 D. Anh gặp vài anh bạn cũ. Có Vũ Xuân Thông, trung tá chỉ huy phó Lữ đoàn Biệt cách dù 801, tài tử cao ráo bô trai trong phim “người tình không chân dung”. Bạn anh kể cho anh nghe một cuộc vùng dậy ở Nam Hà B do nhóm 28 “ông nhóc” dưới sự lãnh đạo của Lương Việt Cương đã thổi lửa vào tâm hồn mấy ngàn sĩ quan từ lâu đã cam đành. Lương Việt Cương, anh nhớ lắm chứ, mắt ốc nhồi, giáo sư toán lý hóa, còn trẻ, hồi làm sinh viên ở Đà Lạt đã chan chứa nhiệt tình, hồi ở đề lao Gia Định đã từ cachot này qua cachot khác. Anh nôn nao quá, vội hỏi:”Nhóm 28 ông nhóc có Hoàng Sơn Trường, Đinh Vượng, Ngô Tỵ, Nguyễn Khánh Long?” Có, có, có… Họ trả lời anh. Vậy là em đã bị lưu đầy ra tận miền Bắc. Những địa danh nào đã in dấu chân em? Anh chạnh nghĩ em đang nằm dưới hầm đá trại Đầm Đùn, và anh bất bình. Luôn luôn, chúng ta thừa thãi bọn tiêu bạc giả. Và bọn tiêu bạc giả cậy mình vô liêm sỉ, dùng bạc giả của chúng khỏa lấp dư luận, bôi bẩn những người công chính. Còn em, còn bạn em, ai biết đến cuộc chiến đấu cô đơn của em?
Anh hiểu em. Anh hiểu em nhiều lắm. Em đi chiến đấu hôm nay như năm xửa, năm xưa em xé vở gấp tầu bay đẹp phóng lên trời; gấp tầu thủy xinh thả trôi giòng nước. Em phơi phới. Em chuyền nhẩy. Em làm đẹp cuộc đời và không cần cuộc đời biết đến, không bắt cuộc đời nghĩ đến. Có nhiều cuộc đời nhỏ trong một cuộc lớn. Cuộc đời lớn không biết đến em vì thật sự không biết hay chưa biết. Nhưng cuộc đời nhỏ, vốn dĩ nó nhỏ, bản chất nó hẹp hòi, nó biết đến em mà nó cứ giả vờ không thèm biết. Nó sợ hãi biết đến em, sợ hãi nói về em với cùng khắp cuộc đời. Nó lo ngại em nổi tiếng hơn nó, em trở thành thần tượng, em trở thành đại thụ còn nó chỉ là cỏ hèn. Nó ghen với em. Và nó tìm cách hãm hại em, cô lập em, bôi bẩn em. Nó không dám chiến đấu bằng con số không thật tròn trong hình vuông thật đẹp đâu. Nó phảì bấu víu lấy cái tước vị quá khứ phù ảo và chua ôi làm lý tưởng. Những đứa ghẻ lở, hắc lào rất sợ tắm sông trần truồng. Những đứa vô tài bất tướng lại thích khoa trương, càng ghét những tài năng vàng mười.
Vậy thì giữa cuộc đời nhỏ đầy rác rưởi và em đã có một phân cách.
Nó chiến đấu để phục hồi dĩ vãng quyền bính cũ. Em chiến đấu để khai phóng tương lai.
Nó ngoảnh lại. Em nhìn lên.
Nó chiến đấu cho nó. Em chiến đấu cho mọi người.
Em trực diện với nghịch cảnh. Nó nằm chiêm bao nỗi khổ.
Em chiến đấu bằng nhiệt tình và lòng tự phụ của tuổi trẻ Việt Nam. Nó chiến đấu bằng tiền quyên góp phè phởn.
Em không cần nó biết đến em là em xứng đáng, em được quyền kiêu ngạo.
Trong truyện dài Sỏi đá ngậm ngùi anh đã viết rằng, nỗi thống khổ là văn phạm của đời sống, sự cô đơn là ánh sáng soi rõ đất trời. Em, các em, chiến đấu trong thống khổ và cô đơn, trong im lặng và thầm kín. Các em đang làm tác phẩm lớn cho đời sống, đang cố gắng để lại những dấu ấn vàng son trên sinh đạo mà các em đã một lần vượt qua. Anh, các anh, những nhà văn, nhà thơ những nghệ sĩ sáng tạo cũng mang nỗi thống khổ và cô đơn như các em. Các anh đã, đang và còn làm tác phẩm cho đời sống. Phải nói một cách khẳng định rằng, chỉ có nghệ sĩ sáng tạo mới biết làm đẹp đời sống, chỉ có nhà văn, nhà thơ mới đủ tài năng và thẩm quyền làm đẹp đời sống của những ai làm đẹp đời sống. Chúng ta đau khổ, chúng ta cô đơn, chúng ta im lặng chịu đựng. Bởi vì chúng ta làm việc để làm việc, chúng ta không làm việc để phô trương. Hình như chúng ta vẫn chưa yên thân. Chúng ta vẫn bị cái thứ cuộc đời nhỏ rình rập nghi ngờ. Thứ cuộc đời nhỏ gồm một lũ thích ngồi trong xó tối giả giọng chó sủa gây khó chịu cho người đi ngoài ánh sáng. Thứ cuộc đời gồm một lũ chẳng thích làm gì mà chỉ sợ người khác làm hơn mình. Cái thứ ấy, trong Thuyền Nhân anh viết:
“Bao giờ biển nổi giận? Bao giờ trời gầm thét? Bấy giờ vòng tròn bao la sẽ là cõi mịt mù và con thuyền vượt biên ngoi ngóp trong cái cõi mịt mù khôn cùng đó. Và con người lại càng hiểu giá trị làm người của mình không bằng tấm mảng mục. Con người sẽ sợ hãi, sợ chết. Con người sẽ khóc lóc, than van. Con người sẽ biến mất những ích kỷ hèn mọn, những ghen tuông đê tiện, những phán xét ngu muội. Con người, bấy giờ, bỗng thèm sống và tự hứa với chính mình, nếu sống sót sẽ cố sống ra vẻ một con người. Những kẻ thích thị phi người khác, thích nghị luận những lầm lỗi mơ hồ của người khác, thích phán xét người khác bằng những điều đồn đại vu khống, thích nằm chiêm bao nỗi khổ, chẳng khi nào được vinh dự chìm đắm giữa mù khơi, ngoi ngóp trong nỗi sợ. Những kẻ ấy, những kẻ giả hình ấy, chỉ cần một phút chênh vênh trên đường chết, năm phút nhức nhối tinh thần, mười phút quặn đau thể xác là gục xuống cúi lạy cái quyền uy có thể ban phát cho chúng kiếp sống cỏ dại. Chúng sẽ khả ố, bỉ ổi gấp triệu triệu lỗi lầm của những người bị chúng phán xét oan ức. Bất hạnh cho bọn giả hình. Thượng Đế đã không bố thí cho chúng một miếng ân sủng nhỏ về nỗi cô đơn và niềm thống khổ. Do đó một đời tẻ nhạt chúng đeo đuổi, chúng chỉ loay hoay trong cái vòng tròn nhỏ bé đánh đai bởi những ý nghĩ bẩn thỉu của kèn cựa, tranh giành, vu khống, chụp mũ, nói xấu, bôi bẩn và nhục mạ người vắng mặt. Chúng ngu dốt không biết định nghĩa hai tiếng cao thượng. Chúng hèn nhát không dám mặt đối mặt người công chính. Chúng lầm lũi như bọ hung. Chúng chẳng thể hiểu thế nào là tồn tại, là sự phục sinh của nỗi chết. Việc làm của người công chính, ý nghĩ tốt đẹp của người công chính để lại cho đời sống sẽ phục sinh cái chết của người công chính. Tác phẩm để đời của nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ… phục sinh cái chết của họ và cho phép họ tồn tại vĩnh cửu. Bọ hung không để lại cho đời sống cái gì. Chúng chỉ để lại vết tích ô nhục trong gia phả của chúng cho con cháu chúng tưởng niệm xót xa. Người công chính đã được tuyên dương xứng đáng trong Thánh Kinh. Chúa đã dành cho họ phần thưởng trên Thiên Đàng. Dưới cõi thế, họ vẫn can đảm sống, vẫn làm đẹp đời mình, đời người khác. Vì họ biết, đời sống chỉ có một số bọ hung, một số Lý Thông gian ác. Còn rất đông Thạch Sanh và công chúa cổ tích”
Trường, em hiểu tại sao Lý Thông cứ muốn Thạch Sanh nằm mãi dưới hang không? À, Thạch Sanh lên đời thì Lý Thông xuống lỗ. Thạch Sanh có cây đàn muôn điệu. Lý Thông chỉ có cái đàn miệng với bài duy nhất ” Người đi đường và con chó”. Vậy nó không biết đến em, nó rình rập em, nó nghi ngờ em vì nó sợ nó là lãnh tụ giả mà em là lãnh tụ thật. Nó muốn độc tôn. Nó muốn chỉ có nó quốc ngoại. Nó không muốn có ai quốc nội. Anh viết về các em, anh nhận các em là lãnh tụ cao quý, anh minh, vĩ đại của anh, nó sẽ chán lắm, cái cuộc đời nhỏ ấy mà, nó sẽ hầm hè anh nó sẽ lập tòa án (!) xử anh, nó sẽ ghi tên vào sổ đen! Ồ, chấp chi. Chúng ta vẫn còn nơi nương tựa vững chắc. Là cuộc đời lớn, bao la, rộng mở, công bình, hào sảng. Không có khí giới nào giết nổi những tâm hồn ngọc. Anh sẽ tiêu pha không tiếc chữ nghĩa vàng son để bọc lấy những tấm lòng thơm ngát của các em, của những người tuổi trẻ Việt Nam chiến đấu trong thống khổ và cô đơn. Bầy sư tử lãng mạn ở quê nhà hãy yên tâm sống và yên tâm chết. Lịch sử sẽ thay đổi. Phải thay đổi. Đó là chân lý. Và chân lý ấy phóng lên bầu trời quê hương ngút ngàn thù hận bằng cung cách sống, chết dưới hầm đá trại Đầm Đùn. Sống làm thăng hoa yêu thương, rực rỡ tình người. Chết làm phục sinh tự do dân chủ và nở rộ hoa nhân ái lên còng tư bản, trong ngục vô sản. Cung cách sống chết khai sinh một kỷ nguyên mới của những người tiểu tư sản lãng mạn, hào sảng và ước mơ….
Thế nhé em yêu dấu!
(Vào với Bầy sư tử lãng mạn)
Nam Á Paris, 1986
° ° °
Người tuổi trẻ suy tư
Chàng ngồi dựa lưng vào chiều ngang bức tường cachot, chân duỗi chưa thẳng đã đụng bức tường đối diện. Quá nửa dĩa cơm và ca nước đầy khiến chàng tỉnh táo. Trong đời chàng, từ thơ ấu tới nay, chưa bao giờ chàng được uống thử nước nào tuyệt diệu bằng ca nước lạnh đầu tiên trong ngục tù. Mỗi hớp nước là mỗi niềm bí ẩn của đời sống. Đó là hạnh phúc trong bất hạnh. Hạnh phúc không thể tìm thấy ở một cảnh vui phù ảo, giả tạo. Cũng vậy, tự do, dân chủ, độc lập không thể kiến tạo bằng những hò hét giả vờ, những dấn thân ngụy tạo ở miền hoan lạc nương cậy. Giá trị của người đi chiến đấu là chấp nhận mọi thống khổ và biết tìm sự thống khổ những ý nghĩa cao cả cho mọi người là hình tưởng nỗi khao khát tự do của dân tộc. Hình tưởng mọi người trong cộng đồng dân tộc sẽ uống từng hớp tự do sau những năm đói quằn quại thê lương. Nỗi thống khổ mời gọichiến đấu. Kinh qua thống khổ là thắp hào quang chiến đấu. Vậy thì nỗi thống khổ đã soi sáng con đường chiến đấu… Trước hết, nỗi thống khổ mang tính chất tiểu ngã sẽ hòa nhập vào đại ngã. Người đi chiến đấu hiểu rõ tại sao mình phải chiến đấu, vì ai mình chiến đấu, lý tưởng nào thôi thúc mình chiến đấu. Chàng vừa khám phá ra niềm rung động của thống khổ. Chàng như Thạch Sanh bị lấp dưới hang. Nhờ ở dưới hang, chàng có cơ hội soi bóng mình trên mặt nước lung linh, huyền ảo, so lại dây đàn, nay cùng điệu mới hòa nhập hồn mình với hồn nhân gian. Âm điệu, thần thánhcủa Thạch Sanh được tôi luyện bằng cảm xúc từ oán khổ. Và âm điệu ấy đã thoát lên đời, đã làm xao xuyến ma quỷ, đã dạy những Lý Thông về địa ngục hèn mạt của chúng.
Chàng đang ngồi trong cachot như Thạch Sanh đã ngồi dưới hang sâu thăm thẳm. Chàng đang tìm hạnh phúc trong bất hạnh như Thạch Sanh đã so dây đàn, soi bóng mình, tìm cái tuyệt đối chân thiện mỹ cho cuộc đời. Chàng bằng lòng lắm, nghĩ rằng, mỗi ngày oan nghiệt, đời sống sẽ cống hiến thêm cho con người một niềm bí ẩn. Sống để đi đến tận cùng của đời sống tức là sống để thu nhận trời biển oan khiên cho riêng mình. Chưa đủ. Đi đến tận cùng của đời sống để xóa bỏ tất cả oan khiên cho mọi người mới đích thực là lý tưởng. Lý tưởng này không thể tìm thấy ở bọn quen thụ hưởng. Những bọn quen thụ hưởng là những bọn nào?
Trước hết là đám ruồi xanh đã bu kín trên cái miệng đỉnh chung tôi mọi cũ. Chúng đã hèn mọn chạy trốn, bỏ cuộc như những tên đào ngũ khốn kiếp. Chúng ngu dại không chịu nằm yên thân phận giống bầy chó ghẻ già nua, ngồi gặm những khúc xương đầy thịt mà chúng ngoạm chặc trên bước đường bôn tẩu. Chúng càng dốt nát không hiểu thời và thế. Thời của chúng đã cáo chung. Thế của chúng đã mất mát. Vậy mà chúng còn muối mặt xưng tước vị cũ, phong cho nhau tước vị mới, tranh giành lãnh đạo, cách chức lẫn nhau, mặc quần áo mới, quấn khăn rằn, trơ trẽn diễn tuồng kháng chiến cứu nước! Chúng lêu bêu xứ người, bất tài vô tướng, làm thầy hay làm thợ cũng chẳng xong, do đó, chúng tương tư quyền bínhvà phát động cuộc chiến đấu phục hồi dĩ vãng – phục hồi quyền bính của dĩ vãng. Chúng huyễn hoặc người nhẹ dạ, khỏa lấp dư luận, dọa nạt người công chính, bôi bác người đối lập. Chúng là lãnh tụ độc quyền giải phóng quê hương, là bầy tướng tá Quảng Lạc diễn chèo, là bọn mà Nguyễn Khuyến đã mỉa mai:” Vua chèo còn chẳng ra gì, Quan chèo thêm nữa khác chi thằng hề!”
Thứ đến là bọn trí thức bất lương, tình nguyện làm đám “ba quân, dạ dạ” chạy cờ cho lãnh tụ Quảng Lạc để được chia tiền lạc quyên, xổ số. Bọn này lãnh nhiệm vụ bao vây, ngăn cản những người tài năng vàng mười dám nói sự thật. Những người tài năng dám nói sự thật đều là những người đã quằn quại trong ngục tù cộng sản, thừa thải kinh nghiệm đánh cộng sản và chưa hề làm đầy tớ Mỹ. Những người này đã nổi tiếng ở Việt Nam, chúng sợ lưu vong sẽ nổi tiếng hơn, sẽ “cướp” hết quyền lãnh đạo của chúng. Và chúng tạo dựng nhiều chuyện khả ố: Chuyện khiếp nhược không dám chống đối các cai tù chăn trâu cắt cỏ, chuyện làm tay sai cho cộng sản trong tù bị chọc thủng mắt, bị liệng xuống giếng, chuyện vượt biên bị liệng xuống biển, chuyện cộng sản gài vượt biên để dễ hoạt động cho cộng sản, vân vân… Bọn trí thức nửa mùa và bất lương này lập hàng rào cô lập người công chính. Chúng sợ người công chính đến với tuổi trẻ thì chúng hóa thành giả hìnhvà nhỡ bị lột quần áo, mọi người sẽ thấy rõ tác phẩm ghẻ lở, què quặt, cóp nhặt của chúng. Và chúng hết nhí nhố. Tội nghiệp chưa?
Sau hết là bọn sống ở Pháp ròng rã 30 năm, dài hơn cuộc chiến Việt Nam khốn khổ, chẳng hiểu đất nước mình ra sao mà cứ thích chất vấn những nạn nhân cộng sản. Chúng không chịu sáng tạo, thấy người ta sáng tạo thì chúng ghen ghét, hạch hỏi:”Tại sao lại sáng tác nhiều thế?”! Và cũng chỉ đến biết vỗ tay hoan hô tướng tá Quảng Lạc.
Đó, những hạng vừa kể trên, dẫu có sống thêm chín kiếp cũng không dám đi đến tận cùng của đời sống để xóa bỏ tất cả oan khiên cho mọi người. Chúng chỉ giỏi bịa đặt, chỉ dám núp trong xó tối phì nọc rắn. Tội nặng nhất của chúng và công ty là lừa gạt niềm tin của mọi người, làm cản trở sự nghiệp tiêu diệt cộng sản giải thoát dân tộc. Chúng làm gì có lý tưởng. Chúng chỉ có cái miệng lưỡi của “người đi đường và con chó!”
Lý tưởng đi đến tận cùng đời sống để xóa bỏ oan khiên cho dân tộc, giải phóng tổ quốc, tạo dựng hạnh phúc cho giống nòi là lý tưởng của tuổi trẻ hôm nay. Tuổi trẻ hôm nay, tuổi trẻ thế hệ sau 30 tháng 4 năm 1975, có dĩ vãng vằng vặc trăng sao, có hiện tại hừng hực mặt trời. Họ chưa hề thụ hưởng gì của dĩ vãng. Họ cũng chẳng hề có quyền bính gì trong dĩ vãng. Họ chưa hề làm tôi mọi cho một thứ quyền lực quốc tế nào, tư bản hay cộng sản, Mỹ hay Liên xô. Nói cho đúng, tuổi trẻ đã là nạn nhân thảm thương của dĩ vãng, của những quyền lực thao túng quê hương Việt Nam từ 1945. Từ chiêu bài quyến rũ “toàn dân đoàn kết kháng chiến chống Pháp giành độc lập” đến cách mạng què cụt 1-11 “tiêu diệt chế độ độc tài Ngô Đình Diệm” mấy thế hệ tuổi trẻ đã bị lừa bịp, đã chết không một nấm mồ, đã mang thương tích u mê vì tham vọng của chủ nghĩa và sự khờ khạo của lãnh tụ quốc gia.
Những người tuổi trẻ của Hà Nội 1946 hồn ở đâu bây giờ? Những người tuổi trẻ tuyệt diệu đó, những sinh viên tự vệ thành dũng cảm đem thân mình ngăn xe tăng của thực dân Pháp, còn ai nhớ chiến tích của họ, còn ai tưởng niệm họ? Những người tuổi trẻ lãng mạn cách mạng trong trung đoàn Ký Con, trung đoàn Thủ Đô còn lại ai? Họ đã bị cộng sản trá hình Việt Minh đẩy lên tuyến đầu chết thay cho họ cả rồi. Đến cuối 1950, lịch sử và Đảng sử chỉ ghi chép sự hy sinh cho tổ quốc và nhân dân của những người lính nông dân. “Ta là người nông dân, mặc áo lính, chiến đấu vì giai cấp bị áp bức từ bốn ngàn năm.”
Ôi, những người tuổi trẻ thế hệ 1945, những người mà nhà văn Nguyễn Mạnh Côn gọi là những người “lạc đường vào lịch sử,” những người đã lo ngại Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc trong mơ ước của mình, Nguyễn Ái Quốc là tên cộng sản xảo quyệt, là thứ Lê Chiêu Thống chủ nghĩa phi nhân. Nhiệt tình và lòng tự chủ của tuổi trẻ Việt Nam thế hệ 1945 đã bị cộng sản nướng khét bằng lửa mác xít. Bị nướng ròng rã 10 năm cho một nền độc lập cắt đôi tổ quốc; cho triền miên đói rách, ngu dốt, thanh toán, thủ tiêu, đấu tố, tù đày. Khi có những biến động trong lịch sử, những kẻ tiền phong dấy động là tuổi trẻ và những kẻ bị khai thác tận tình, bị lợi dụng tội nghiệp vẫn chỉ là tuổi trẻ.
Bạn còn nhớ những người tuổi trẻ Sàigòn 1955 khởi sự công cuộc chống cộng sản không? Họ đã dấn thân tích cực. Họ đòi “treo cổ Hồ Chí Minh.” Họ muốn “chặt ngang thây Trường Chinh.” Họ truy lùng Văn Tiến Dũng giữa Sàigòn. Họ đốt “Gallieni, Majestic.” Họ khai phóng một phong trào. Họ lay động bọn khiếp nhược, tiêu cực. Họ làm sinh động đời sống. Trong họ, nhiều người bị bỏ tù, bị đánh đập, bị bắn mù mắt. Chế độ vững vàng nhờ tinh thần sư tử của họ. Và chế độ bắt bớ, đàn áp họ. Chế độ chỉ ban phát ân huệ cho bọn “cai thầu tuổi trẻ.” Bọn cai thầu trúng mối lớn của ông Ngô Đình Nhu. Bọn cai thầu đang có mặt ở Paris. Bạn muốn biết chúng nó là ai không? Có đứa nhờ thầu tuổi trẻ mà vinh hiển suốt đời. Có đứa mon men mãi cũng leo lên chức Bộ Trưởng. Kinh nghiệm đấu thầu tuổi trẻ của chúng nó là cẩm nang của bọn thầu khoán tuổi trẻ quốc ngoại hôm nay. Kinh nghiệm của cai thầu tuổi trẻ, buồn thay, chỉ là thương đau của dân tộc, là xoáy mòn niềm tin của tuổi trẻ, là phôi pha nhiệt tình, là ngờ vực, là lừng khừng với đời sống. Sau hết, là bọn bon chen trên đường khoa bảng giá áo túi cơm và nổi loạn vô duyên cớ và tích lũy thù hận đàn anh. Chừng thù hận có dịp bung ra, đó là cơ hội rạch nát lịch sử. Tuổi trẻ Việt Nam bị trúng một phát tên độc ngóc đầu lên không nổi: Mũi tên USA. Người Mỹ sách động tuổi trẻ tiêu diệt chế độ Ngô Đình Diệm để được suy tôn “thần tượng” Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu, Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn! Bọn phản nghịch dốt nát biến thành thần tượng của tuổi trẻ. Mỉa mai quá. Sự mỉa mai thấm vào tim phổi tuổi trẻ, sự nổi loạn có duyên cớ khai sinh. Và hậu quả của thức tỉnh là tuổi trẻ triền miên hưởng phi tiễn, dùi cui, lựu đạn cay và ngục tù của đám bảo vệ chế độ, đám công an, cảnh sát, đám cò cơm vô liêm sĩ.
Đàng ngoài hay đàng trong, tuổi trẻ đã là công cụ của các thứ chế độ, của lãnh tụ đảng phái, của bọn thầu khoán bất lương. Ba mươi năm, tuổi trẻ bị đày ra chiến trường cho những tham vọng khốn kiếp của cộng sản và tư bản và bầy tôi mọi của chúng. Mấy triệu thanh niên đã chết dọc đường mòn Hồ Chí Minh, khe núi Trường Sơn, rừng già Pleime, biển cát Hạ Lào. Trường Chinh, Phạm Văn Đồng vẫn sống. Bọn tướng lãnh Sàigòn vẫn sống. Trong nước, phù thủy gian ác cộng sản lại huyền hoặc tuổi trẻ bằng chiêu bài mới “ba giòng thác cách mạng” để lừa tuổi trẻ phơi xác ở Kampuchia “vì nghĩa vụ quốc tế,” lừa tuổi trẻ vào nơi khỉ ho cò gáy để làm, “thanh niên xung phong” đi tải đạn ra chiến trường, lừa tuổi trẻ vào ngục tù, trại tập trung để ngăn chặn phản kháng. Ngoài nước, đạo diễn mù lạivỗ về tuổi trẻ, vuốt ve nhiệt tình tuổi trẻ bằng chiêu bài kháng chiến chống cộng sản trình diễn. Ở không gian và thời gian nào thì tuổi trẻ cũng vẫn là những người nặng tình non nước, những người con xứng đáng được tổ quốc tin cậy, những người dám làm lịch sử và không mang công danh địa vị. Họ ví như cây ăn trái hứa hẹn những mùa màng tốt đẹp, vô hạn. Bọn lãnh tụ trá hình, bọn đào ngũ chạy trốn hèn mọn đã là những cây mục chờ ngày gục xuống vĩa đời. Chúng đã nắm quyền bính và vẫn thèm thuồng quyền bính để bảo vệ quyền lợi của chúng, để thao túng, để hống hách. Khi quyền bính bị tuớc đoạt, chúng nằm tương tư quyền bính. Vì ngu dốt, chúng không thể tạo nổi thứ quyền bính tự tạo nên chúng phải bấu víu lấy tước vị tôi mọi cũ trong cái thế nhân dân đã phủ nhận tước vị cũ của chúng. Và chúng diễn trò yêu nước một cách vụng về. Đứa mặc quần áo, quấn khăn rằn của kẻ thù, tự phong chủ tịch. Dựa trên cái quá khứ “công an xung phong,” vênh vang tự biến mình thành kẻ viết chủ thuyết cho phong trào!
Lịch sử hiện đại chỉ thấy bọn tướng lãnh thoán nghịch, bọn sĩ quan tá, úylàm đảochính. Chưa hề thấy, trong nhân loại, bọn thư lại đi làm cách mạng. Thư lại là bọn giở chiêu nào nướng chiêu ấy, chế độ nào cũng tốt, cũng đáng phục vụ miễn răng yên thân. Cũng chẳng thấy công an cảnh sát làm cách mạng bao giờ! Công an, cảnh sát là công cụ bảo vệ chế độ và lãnh tụ đắc lực và hữu hiệu nhất. Một phong trào, một đoàn thể, một lực lượng nào âm mưu lật đổ chế độ, dù là chế độ độc tài, công an sẽ đàn áp thẳng tay. Tuổi trẻ Việt Nam từ 1963 đến 1975, ở Sàigòn, còn ấm áp những kỷ niệm đàn áp dã man của cảnh sát nổi, cảnh sát chìm, cảnh sát dã chiến. Người nữ sinh viên nào bị đốt núm vú ở Ty Cảnh sát Quận 1? Người nam sinh viên nào hưởng liên tiếp một tuần lễ đòn của thợ đánh người ở trong nha Cảnh sát? Cứ hỏi ông Phạm Văn Liễu, ông Trang Sĩ Tấn, một là Tổng Giám đốc Cảnh sát, một là Giám đốc Nha Cảnh sát Đô Thành, sẽ biết rõ thủ đoạn đàn áp sinh viên học sinh Sàigòn xuống đường đòi hỏi tự do, dân chủ. Tuổi trẻ trong nước năm xưa bị nếm dùi cui, phi tiễn tàn bạo của cảnh sát. Một số người nông nổi vì quá căm phẩn đã bỏ vô mật khu theo cộng sản. Cảnh sát và tinh thần bảo vệ chế độ của họ đã dồn tuổi trẻ vào bước đường cùng, đã giết chết nhiệt tình của tuổi trẻ. Người tuổi trẻ Việt Nam du học lâu năm ở ngoại quốc chưa có kinh nghiệm cay đắng của những người thuộc thế hệ họ. Lòng yêu nước và niềm tin giải phóng dân tộc của họ bị ru ngủ bởi lũ cò mồi. Hình tưởng một cậu bé ngây thơ, mặc quần áo Tết, cố len vào đám bầu cua cá cọp. Biết cậu bé ham ăn, cò mồi đánh đâu thắng đấy. Cậu bé móc túi, lôi ra những phong bao lì xì thơm tho, theo cò mồi liệng tiền xuống chiếu bạc. Và cậu bé cháy túi. Chủ sòng và cò mồi chia tiền nhau, chia những đồng tiền của cậu bé non nớt, ham vui!
Tuổi trẻ Việt Nam thường xuyên bị cò mồi chính trị dụ dỗ. Ở Mỹ Châu, ở Úc Châu, ở Âu Châu thiếu gì cò mồi kháng chiến. Ngay ở Paris cũng có thứ cò mồi gớm ghiếc đó. Nó in được bạc giả nên nó tiêu bạc giả vung vít. Nó dùng bạc giả nên nó khỏa lấp người công chính, vu khống người công chính và ngăn cách người công chính tới gần tuổi trẻ. Nó giả hình văn nghệ. Nó vô liêm sỉ nhận mình là nhà văn để len lỏi vào cõi văn học nghệ thuật. Tất cả đều đáng bỏ qua, bởi vì, sẽ có ngày mọi người biết nó tiêu bạc giả. Nhưng một điều không thể tha thứ cho nó vì nó nhúng vào tội ác đối với dân tộc, đối với công cuộc kháng chiến giải phóng quê hương chân chính, đích thực là nó đã đưa tuổi trẻ Việt Nam ở Âu Châu vào tay tên trùm cảnh sát, tên trùm đã dày thành tích tra tấn, đàn áp, bỏ tù tuổi trẻ dám chống chế độ độc tài, tham nhũng. Thiếu tuổi trẻ và nhất là tuổi trẻ trí thức, bảng hiệu của Công ty của trùm cảnh sát và đồng bọn không thể làm ăn, chia chác được. Do đó, cò mồi đã xâm nhập tuổi trẻ, khuynh loát tuổi trẻ, biến tuổi trẻ thành những người đi lạc quyên và bán vé xổ số. Nghĩ cũng bẽ bàng khi tuổi trẻ hôm nay suy tôn một kẻ từng đàn áp không thương xót tuổi trẻ hôm qua! Có lẽ người ta muốn tạo dựng một chế độ cảnh sát mới ở Việt Nam mai này?
Đó, chàng đã suy nghiệm thân phận tuổi trẻ Việt Nam. Và, dưới hang sâu thăm thẳm, chàng vừa nhận ra một chân lý: Tuổi trẻ Việt Nam bị làm guốc cho các chế độ, các lãnh tụ thật và giả lâu quá rồi. Guốc mòn, vất đi. Một thế hệ rác rưởi. Thay guốc mới. Thêm một thế hệ mệt mỏi, lạc lỏng. Bây giờ là lúc tuổi trẻ Việt Nam phải làm mũ, nón tự đội lên chính đầu mình mà đi tìm hạnh phúc vinh quang cho dân tộc. Bởi vì, dĩ vãng của tuổi trẻ hôm nay là mặt trăng, hiện tại của tuổi trẻ hôm nay là mặt trời. Tuổi trẻ hôm nay không mảy may mặc cảm tội lỗi nào với dân tộc, với quê hương. Chàng sảng khoái và bất giác, chàng nói lớn: “Ta khởi sự từ số không, từ ngục tù cộng sản.”
(Trích “Một người tên là Trần Văn Bá”)
° ° °
Tuổi trẻ chiến đấu
Chúng ta là những người biết sống và biết chết. Chúng ta không phải là những người sợ sống và sợ chết. Đồng ý. Sống và chết, hiểu theo nghĩa của chúng ta, của những người tự nguyện chiến đấu cho lý tưởng dân tộc. Chẳng ai được phép đòi hỏi gì chúng ta trước, trong và sau chiến đấu. Chẳng ai được phép ban phát gì cho chúng ta trước, trong và sau chiến đấu. Đó là hãnh diện của kẻ chiến đấu tự nguyện. Chúng ta không cần sự phê phán của đám sử gia rẻ tiền hay sự tranh luận bệ rạc về chính sử, ngoại sử, dã sử của đám nghiên cứu lịch sử bằng tài liệu mốc thếch, xuyên tạc cả ngợi khen lẫn chê trách. Chúng ta là lịch sử, lịch sử của tuổi trẻ Việt Nam trưởng thành từ một kinh qua khốn cùng của đất nước. Chỉ còn tuổi trẻ mới có quyền nói mình yêu nước mà không phải cúi mặt xấu hổ. Dĩ vãng tuổi trẻ vằng vặc trăng sao. Vì chưa hề ngửa tay nhận tiền ngoại quốc, chưa hề nhận ân huệ tôi đòi của ngoại bang để vênh váo quyền bính thống trị bù nhìn bốc lột và đàn áp nhân dân. Hiện tại tuổi trẻ rực rỡ mặt trời. Vì chúng ta không cam đành, chúng ta dám chiến đấu chống cộng sản nhiệt tình và tự phụ, lãng mạn và cô đơn trong hoàng hôn chiến bại, trong đào ngũ chạy trốn của bọn sinh ra để sống nhục và chết nhục. Tương lai tuổi trẻ rạng ngời ánh sáng. Vì chúng ta không chiến đấu để mưu đồ quyền lực, tước vị, công danh, phú quý. Chúng ta là chiến sĩ vô danh. Chúng ta sẽ cố gắng để vui niềm vui của dân tộc như chúng ta đã buồn nỗi buồn của dân tộc. Không có cố gắng nào không dẫn đến kết quả. Sự thành công của chiến đấu, niềm vui động đất của dân tộc, bắt chúng ta cố gắng không ngừng, bắt chúng ta thắp sáng ý chí chiến đấu từng phút, từng giây, bắt chúng ta sáng tạo chiến đấu từng phút, từng giây. Chúng ta đầy đủ uy thế bệ vệ và sức mạnh tuyệt luân của sư tử. Chúng ta là sư tử lãng mạn. Ở mỗi chúng ta không ai nghĩ thất bại. Không có thất bại luẩn quẩn trong đầu óc chúng ta, trong trái tim chúng ta, trong hơi thở chúng ta.
Chúng ta chưa quên câu nói bất hủ của Vị Ưởng: “Sống vì tổ quốc khó khăn hơn chết”. Nhưng khi phải chết, trong nỗi chết thiếu tiếng thở dài tuyệt vọng. Cho nên, Vị Ưởng, Thương Hoài, Dzũng bò, Mục rỗ, Năm cò vẫn tin cuộc chiến thành công dẫu mình tan xác. Cho nên, Ngư Phủ tự sát, vẫn tin cuộc chiến thành công. Cho nên, Độc Thư đứng thẳng dẫm chân lên hình phạt của thù hận mà tuẫn tiết, vẫn tin cuộc chiến thành công.
Chúng ta đều là những người biết sống biết chết. Chúng ta ngạo mạn. Bởi chúng ta là thái dương, tinh tú trong mù sương của lịch sử hôm nay. Cứ chủ quan mà nói, kẻ thù cộng sản chỉ khiếp sợ chúng ta. Chúng ta đã chứng minh điều đó. Chẳng có dấy động nào thiếu tuổi trẻ tiên phong. Chẳng có bão tố nào thiếu tuổi trẻ nổi gió.Chẳng có cách mạng nào thiếu tuổi trẻ mở đường.
Cộng sản nói đời đã đổi từ 30-4-1975. Chúng ta nói đàn anh đã chết hết từ 30-4-1975. Không còn kẻ nào xứng đáng để chúng ta gọi là đàn anh. Trần Du có thể trả lời. Lê Thanh có thể trả lời. Nguyễn Ngọc có thể trả lời. Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể trả lời. Bất cứ một người tuổi trẻ Việc Nam nào lớn khôn từ nỗi đau 30-4-975 đã có thể trả lời. Và đều được phép khinh miệt đàn anh. Họ đã làm hư hỏng đất nước ròng rã ba mươi năm. Họ đã chết dù họ còn sống. Cỏ dại bám vào lúa làm hại mùa màng thì phải nhổ lên, đốt cháy. Chúng ta không cần nhổ cỏ dại. Cộng sản đã giúp chúng ta. Cộng sản đã kéo màn để chúng ta nhìn rõ đàn anh chúng ta trên sân khấu nham nhở. Rặt bọn đào kép đầu quân hết chế độ này sang chế độ khác. Rặt lũ đạo diễn mù đeo kính đen. Rặt những vở tuồng lều bều tham vọng quyền bính tôi đòi hèn mọn. Đàn anh chưa hề chiến đấu. Đàn anh chưa hề biết sống và biết chết. Những kẻ không biết sống và biết chết là những kẻ sống chết không có thái độ. Và họ chẳng có gì để lại cả. Họ sống như lợn ủn ỉn đòi ăn tối ngày và chết như cóc nhái thối tha bờ bụi. Những cây mục hút đất mầu quê mẹ no nê nghìn năm không trổ hoa đơm trái ấy, ở đâu đó, xa lìa tình tự dân tộc, xa lìa nỗi thống khổ của dân tộc, lại đang rắc hạt tiêu vào mắt, lại đang nuốt ớt lột lưỡi, nhỏ lệ khóc quê hương và lên tiếng ái quốc huyễn hoặc quá khứ, ve vuốt hiện tại, phỉnh phờ tương lai.
Chúng ta không tin họ. Chúng ta chỉ tin chúng ta. Chúng ta tin chúng ta vì, trước hết, không huyễn hoặc chúng ta, không ve vuốt chúng ta, không phỉnh phờ chúng ta. Chúng ta tin chúng ta vì, sau hết, chúng ta biết tại sao chúng ta chiến đấu và chúng ta chiến đấu cho mục đích nào. Chúng ta tin chúng ta vì, ngoài ra, chúng ta biết chúng ta đầy đủ nhiệt tình, thừa thãi lòng tự phụ, tràn trề sáng tạo, lãng mạn, lạc quan. Hẳn nhiên, chúng ta cô đơn. Và chúng ta bằng lòng cô đơn. Nỗi cô đơn giúp chúng ta nhìn rõ chúng ta, nhìn rõ thân phận của dân tộc chúng ta.
Nỗi cô đơn thắp giùm chúng ta đốm lửa nhận đường chiến đấu, dẫn dắt chúng ta gần gũi nhau, thương yêu nhau, soi lối cho chúng ta sáng tạo chiến đấu và dạy chúng ta khôn lớn. Trong cô đơn, chúng ta có Đạn lên nòng, chúng ta có vận động cách mạng Tây Sơn. Và niềm kiêu hãnh của thời đại chúng ta, chúng ta có chủ thuyết tư sản. Một nghìn năm binh lửa triền miên, nước Trung hoa vĩ đại sản sinh một trăm triết gia gọi là “bách gia chư tử”. Bốn năm đau khổ, dân tộc Việt Nam sản sinh một Nguyên Ngọc. Chủ thuyết tiểu tư sản của người Việt Nam lập thuyết trong nỗi cô đơn khôn cùng của lịch sử Việt Năm là nỗi rạc rài của lịch sử nhân loại. Chủ thuyết tiểu tư sản, chắc chắn, sẽ dẫn đạo cuộc tân cách mạng Tây Sơn thành công, sẽ đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho dân tộc Viết Nam và loài người trên trái đất sau một thế kỷ bị đầy đọa bởi hai chủ nghĩa tư bản và cộng sản. Để có thành công, chúng ta phải biết đề phòng thất bại. Đề phòng thất bại và không nghĩ đến thất bại thật khác nhau. Trí tuệ của kẻ mưu đồ đại nghĩa mênh mông khôn tả. Nó biến hóa theo sáng tạo. Nhưng căn bản của nó vốn là biết mình, biết người. Chúng ta biết kẻ thù của chúng ta, kẻ thù của chúng ta không biết chúng ta. Đó là điểm chúng ta hơn hẳn bọn đàn anh. Chúng ta lại biết cái thế của chúng ta và biết cả cái thế của kẻ thù. Do đó, chúng ta còn tồn tại, không bị chúng tiêu diệt. Ở đây, ngoài tôi, không ai biết anh em Đạn lên nòng gồm những ai, tên gì, làm việc ở đâu. Ở đây, ngoài anh em hiện diện hôm nay và Quỳnh Đào, người ta chỉ biết tôi là tên nhạc sĩ phản bội, kẻ thù chỉ biết tôi là hàng thần lơ láo. Nếu hôm nào tôi ngã gục, Phong trào vẫn nguyên vẹn, vẫn ngạo nghễ chiến đấu. Chúng ta biết kẻ thù tinh vi, xảo quyệt, tài giỏi, thừa thải người. Chúng ta không được phép coi thường kẻ thù, không được đánh giá kẻ thù rẻ tiền khi nhận xét gã bộ đội quê mùa hay tên công an ngu dốt. Chúng ta phải đánh giá kẻ thù qua Võ Nguyên Giáp chiến thắng Pháp; qua Lê Đức Thọ ngang cơ Kissinger, qua Trần Quốc Hoàn trùm KGB Việt cộng; qua Mai Chí Thọ, Trần Độ, Tố Hữu,Trường Chinh… Với chủ thuyết tiểu tư sản, kẻ thù của chúng ta là Karl Marx, Lénine. Vậy thì chúng ta, mỗi người biết nhiệm vụ của mình, biết số người cộng tác của riêng mình để, nếu phải chết, vẫn tin Phong trào vẫn tồn tại, sẽ thành công. Tôi mong, ngoài mấy anh hiện diện hôm nay biết nhau thôi, người của anh em không nên biết. Tôi chẳng dám nghi ngờ ai, tôi chỉ đề phòng. Bởi vì, có khi người ta chưa kịp chọn cách chết mà cộng sản tinh vi đủ phương pháp bắt cả người chết phải khai sự thật. Tôi nói ít, mong anh em hiểu nhiều. Điều anh em vẫn đang thắc mắc là tại sao, lần đầu tiên, tôi yêu cầu gặp nhiều anh em một lần và nói nhiều. Tôi xin giải thích ngay: Kinh nghiệm Phan Thức. Tôi quen biết ông Phan Thức trước năm 1975. Thuở ấy tôi là một nghệ sĩ thuần túy. Tôi thấy ở ông Phan Thức có vài điểm tôi phục. Có lẽ là thời say mê lý tưởng của tuổi trẻ ông. Ông Phan Thức kiến thức vững vàng, tuy hơi ngây thơ. Tôi yêu những người già ngây thơ. Sau 1975, tôi nhập cuộc chiến đấu. Và tôi cũng tâm sự với ông Phan Thức. Ông ta tìm tôi, nhờ tôi một việc. Tôi thất vọng, hoàn toàn thất vọng về đàn anh ảo tưởng. Tôi đã cứu ông Phan Thức sa lưới công an. Anh Trần Du đòi khử ông ta để tránh hậu họa. Lòng trắc ẩn níu tôi lại. Ông Phan Thức đã trốn chạy. Nếu ông ta bị Mai Chí thọ bắt, tôi phải tự xử. Để Phong trào tồn tại. Tôi chưa hiểu tình trạng ra sao với tôi và với ông Phan Thức, song đây là kinh nghiệm của chúng ta vừa chiến đấu vừa học tập dân chủ. Tất cả lãnh tụ độc tài đều mọc mầm từ sự sợ hãi nghe phê bình và không dám tự phê bình. Chẳng bao giờ tôi là lãnh tụ cả. Chúng ta cũng chẳng ai mong mỏi có lá cờ phủ trên quan tài khi gục ngã. Tôi gây ra lỗi lầm, tôi nhận lỗi. Tôi biết sống và biết chết. Sống và chết không thành vấn đề quan trọng. Quan trọng là cách mạng Tây Sơn thành công. Cái chức vị huynh trưởng mờ ảo, hư thực này tôi xin được giao cho Trần Du. Anh em sẽ tiếp tục hư thực, mờ ảo chức vị đó. Tôi hoàn toàn tin cậy anh em. Anh em sẽ là đầu óc, là tay trái, tay phải của anh Trần Du. Tôi sẽ gặp riêng anh Trần Du bàn rõ Đạn lên nòng Sàigòn và cơ sở miền Tây. Tôi không bỏ cuộc. Tôi vẫn chiến đấu. Nhưng chúng ta nên chuẩn bị tư tưởng chu đáo. Cách mạng không giống thảo khấu. Thảo khấu sẽ tan rã, nếu chủ soái chết. Cách mạng Tây Sơn phải tồn tại đến thành công nếu Duy Tâm chết, Trần Du chết, Lê Thanh chết, Vũ Hải chết.. Và, với Nguyễn Ngọc tôi muốn nhắc vài lời: Karl Marx chết, Fiedrich Engels viết Tuyên ngôn đảng Cộng sản và Lénine thực hiện. Anh Nguyễn Ngọc cần nhiều người thực hiện chủ thuyết tiểu tư sản.
(Hồn say phấn lạ)
Xuân Thu, 1988
° ° °
Tuổi trẻ quốc ngoại xuống thuyền
Tự bản chất, tôi không hề có tham vọng chính trị.Như những người tuổi trẻ cùng thế hệ, tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh Việt Nam triền miên. Khi tôi thật sự trưởng thành, tôi chỉ thấy, khắp quê hương tôi những biến động và biến động. Những biến động tạo ra bởi tham vọng bất nhân của chủ nghĩa tư bản, tham vọng phi nhân của chủ nghĩa cộng sản. Những biến động gây ra binh lửa, chết chóc, đói khổ, ngu dốt và chia rẽ. Để khiêu vũ trên bãi tha ma, để đua thuyền trên giòng sông nước mắt, chủ nghĩa cưa đôi dân tộc tôi và toa rập với nhau kiến trúc hai miền thù hận. Bằng ý thức hệ và bằng cả vũ khí tư bản cộng sản. Tham vọng của chủ nghĩa đẻ thêm tham vọng quyền bính của lũ tôi đòi bản xứ. Một bên là đám ăn cướp. Một bên là đám ăn cắp. Đúng nghĩa nhất, lãnh tụ Hà nội và mọi cơ cấu của nó là phỉ quyền. Bởi vì nó hằng phô trương thành tích cướp chính quyền. Lãnh tụ Sài gòn và mọi cơ cấu của nó là ngụy quyền. Bởi vì nó được nặn ra do thế lực và áp lực ngoại nhân do bầu cử gian dối, lừa gạt. Đám ăn cướp hò hét chuyên chế. Đám ăn cắp hò hét độc chiếm. Với mệnh lệnh của chủ nghĩa với ân huệ của chủ nghĩa, phỉ quyền và ngụy quyền tranh giành quyền bính. Những khúc xương dính chút mảng thịt ném xuống mặt tổ quốc, chúng nhào tới quần thảo. Đề gặm. Để cạp. Khi chúng nuốt những miếng nuôi chim mồi của chủ nghĩa, dân tộc tôi cay đắng, đòi đoạn, thù hận chia lìa. Bỗng nhiên. dân tộc tôi biến thành một dân tộc hiếu chiến, man rợ!
Để lãnh tụ Hồ Chí Minh trở thành “cha già dân tộc”,đám phong kiến quan liêu đội lốt vô sản áo rách đã nướng một thế hệ tuổi trẻ tinh hoa và nồng nhiệt vào cuộc chiến 10 năm để có nền độc lập què cụt và thân thể tổ quốc bị cưa ngang. Không cần kháng chiến giành độc lập, không cần đổ máu, không cần tiêu thổ kháng chíến, nước Mã Lai tầm thường vẫn có độc lập đầy đủ chủ quyền, thịnh vượng, ấm no hạnh phúc và đang có tiếng nói trong sự ổn định tình hình Việt Nam! Đó là sự mỉa mai, là chứng minh cho ngu xuẩn của phỉ quyền. Nó đã gang họng miệt thị tiền nhân, vọng ngoại đê tiện: “Quang Trung chỉ nhìn được 10 năm, Lénine nhìn xa 100 năm!” Nó răm rắp tin nghe giáo điều của chủ nghĩa, nó sáng tạo trò chơi “giải phóng dân tộc” là nó trở nên thông manh, mù quáng. Nó bị lớp màng xanh tham vọng anh hùng giai cấp phủ lấp tim óc. Và nó dẫn dắt dân tộc vào cuộc phiêu lưu 10 năm để dân tộc dạt vào bờ bãi lạc hậu, khốn cùng, phân ly. Chưa đủ, nó tiêu diệt thêm 2 triệu con người Việt Nam hiền hòa, nó bảo “cải cách ruộng đất”, thực ra để củng cố quyền bính gần sụp đổ của nó. Rồi, vẫn giáo điều “giải phóng dân tộc” tham vọng của nó lên cân, nó đưa dân tộc phiêu lưu chiến tranh, mời mọc tư tưởng và súng đạn tư bản nhập cuộc. Nó nướng thêm mấy thế hệ tuổi trẻ ròng rã 20 năm “giải phóng”! Được gì? Một đất nước xanh xao hết máu. Sự cô lập. Nhà tù. Trại tập trung. Thù hận anh em. Và đói khổ. Và già nua, bệnh hoạn. Chưa hề thấy- kể cả ngay trong thế giới cộng sản – một chế độ nào khụ khị, ù lỳ như chế độ cộng sản Việt Nam. Lãnh tụ rặt những bô lão, những cổ thụ không còn khả năng đâm chồi, nẩy lộc. Họ cứ khăng khăng nghĩ, sau họ là đại hồng thủy. Do đó, dân tộc héo hắt và tuổi trẻ thui chột.
Còn đám lãnh tụ lính pạc-ti-dăng, khố xanh, khố đỏ ra sao? Đó là lũ ròi bọ đục khoét xương tủy tổ quốc, lũ tôi mọi hèn mọn của chủ nghĩa tư bản. Nó nhân danh “quốc gia”, bóc lột xương máu của lính chiến bóc lột niềm tin của dân tộc, đàn áp tuổi trẻ tận tình. Nó chỉ biết thoán nghịch, rượu, gái và cờ bạc. Nó ăn cắp tiền bạc của nhân dân, bòn rút tài sản của quốc gia chuyển ra ngoại quốc. Để đeo sao trên cầu vai nó, đã dẫm lên xác chết của hàng trăm ngàn chiến sĩ vô danh hy sinh vì tự do, dân chủ của đất nước. Để đóng đinh trên tước vị tổng thống, thủ tướng, nó đã quấn khăn tang cho hàng triệu cô nhi quả phụ. Nó diễn hành trong tiếng than khóc của nòi giống. Nó bán đứng dân tộc nó cho sự vinh hoa, phú quý và quyền uy thống trị. Vây quanh nó là bọn gia nô, cầy cáo hiến kế dâng mưu làm bại hoại tổ quốc. Nó cúi gục mặt cam đành để ngoại nhân khinh nhờn cái uy linh của đất nước. Điều bi thảm nhất là nó giương danh “chính nghĩa quốc gia” bêu nhục quốc gia. Nó thao túng tất cả. Nó độc quyền yêu nước giả vờ và ngăn chặn tiến hóa của dân tộc. Nó ăn cắp cả vũ khí để giết kẻ thù bán cho kẻ thù. Nó đánh đổi bất khuất truyền thống, lấy vọng ngoại, ỷ lại đê hèn. Cuối cùng, nó đào ngũ chạy trốn trước lệnh đầu hàng, bỏ mặc quân dân ngơ ngác. Chưa hề thấy trong lịch sử Việt Nam hạng tướng quốc cao bồi, mật vụ; hạng tham quyền cố vị và ngu dốt như thế.
Nếu chúng không ngu dốt, đám lãnh tụ phong kiến đội lốt vô sản và đám lãnh tụ khố xanh khố đỏ, chúng đã hiểu được cái thế hòa giải dân tộc và thống nhất tổ quốc sau này. Hòa giải dân tộc không thể bao giờ có bằng sự nuôi dưỡng thù hận huynh đệ, thù hận nòi giống. Người già rồi sẽ chết, phải chết, kể cả lãnh tụ vĩ đại muôn năm. Tương lai một dân tộc là ở sự làm việc của người trẻ. Những người trẻ sẽ biết phán xét cha anh, sẽ hiểu giá trị của đoàn tụ, sẽ nhường nhịn nhau, hòa giải với nhau vì sự trường tồn của xứ sở. Nếu hiểu được vậy, chúng đã không thích chiến tranh. Và khôn ngoan hơn, chúng biết lấy tiền của ngoại nhân xây dựng hạnh phúc cho dân tộc và kiến thiết đất nước. Vì chúng ngu dốt lại đầy tham vọng nên chúng biến thành công cụ của chủ nghĩa. Một đứa háo danh. Một đứa ham tiền. Cả hai đều thèm quyền bính. Rốt cuộc quê hương tôi là bãi chiến trường đọ vũ khí mới nhất của cộng sản và tư bản; dân tộc tôi hứng bom Mỹ, hỏa tiễn Liên xô và đạn AK Trung quốc. Dân tộc tôi nào biết tư bản ra sao, vô sản ra sao, thế mà cứ phải đâm chém nhau vì chiến tranh giải phóng và chiến tranh ý thức hệ. Hết làm “thành trì chống Cộng bảo vệ Đông Nam Á” lại đến làm “thành trì bảo vệ xã hội xã hội chủ nghĩa”! Chiến tranh chấm dứt, chúng tôi còn gì?Hố bom. Hầm chông. Rừng tàn tạ vì thuốc khai quang. Đói khổ. Lạc hậu và lạc hậu.
Điều bi thảm nhất của dân tộc tôi là sau hòa bình của thứ gọi là chiến tranh ý thức hệ khốn kiếp, chiến tranh tâm lý chó má, nhà tù và trại tập trung được xây dựng nhanh hơn, nhiều hơn trường học bị bom đạn tàn phá. Người Việt Nam coi người Việt Nam là kẻ thù nguy hiểm. Khi chủ nghĩa tư bản ngự trị trên một nửa đất nước tôi, trò chơi của nó là bom đạn, càn quét, giết người, còng xích tra tấn và tù ngục. Người Việt Nam công cụ của chủ nghĩa cộng sản ở một nửa đất nước phía trên, bị đẩy vào chỗ chết bị bắt bớ, bị gọi là cộng phỉ và bị tra tấn, giam nhốt vào các nhà tù do Mỹ viện trợ. Ở trong những nhà tù Mỹ quốc viện trợ, trò chơi của chủ nghĩa tư bản xoay cộng phỉ phờ phạc rồi báo chí Mỹ miệt thị người Việt Nam không tôn trọng nhân quyền. Khi chủ nghĩa cộng sản thôn tính miền Nam, người Việt Nam bị coi là thua trận người Việt Nam, bị coi là ngụy quân ngụy quyền, bị lùa vào các nhà tù, trại tập trung rập khuôn mẫu Liên xô và người… ngụy bị người Việt Nam còng xích chân tay bằng khóa chế tạo tại USA! Đất nước tôi lại là nhà tù trại tập trung sau hai mươi năm là bãi chiến trường khốc liệt. Thù hận do các thứ chủ nghĩa xâm nhập. Các thứ chủ nghĩa hữu nghị với nhau, nắm tay nhau liên hoan trên quê hương nghèo đói của tôi. Còn chúng tôi, chúng tôi thù hận lẫn nhau. Chúng tôi nhân danh chủ nghĩa để băm vằm nhau. Chủ nghĩa và bọn đầy tớ vong bản thủ lợi.
Thù hận chưa ngưng, dù đất nước đã tan tác, rạc rài. Vì tham vọng của chủ nghĩa, tham vọng của lãnh tụ cái chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa đã áp đặt lên khắp quê hương Việt Nam yêu dấu của tôi những tai họa và những tai họa. Một xã hội sưu thuế mới, đê tiện hơn cả xã hội sưu thuế trong tiểu thuyết của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan. Bọn thu thuế mới, bọn đảng viên cộng sản, gian ác và thủ đoạn gấp ngàn lần bọn lý trưởng, chánh tổng. Dân chúng quằn quại vì sưu thuế. Ruộng đất phì nhiêu, lúa cấy đến bốn vụ mà dân vẫn phải ăn độn khoai sắn. Tự do, dân chủ là nước hoa đối với con nhà nghèo. Hạnh phúc là mỏi mòn chờ đợi. Tuổi trẻ hắt hiu, cằn cỗi. Dinh dưỡng thiếu thốn, lao động quần quật, tuổi trẻ choắt lại, thấp bé, môi thâm, mắt mờ. Đã thế, vẫn bị đầy ra chiến trường nước ngoài để chết, để đui mù, què quặt cho “nghĩa vụ quốc tế”. Dân tộc bốn nghìn năm văn hiến bỗng hóa thành một dân tộc dốt nát vì chỉ được học, được biết những giáo điều viết lại của bầy ngự sử mác-xít. Những tài năng của đất nước bị chôn sống trong nghĩa địa cải tạo, bị thủ tiêu, bị lưu đầy. Do đó, thù hận cũ chưa nguôi, thù hận mới khởi sự. Và đó là chân lý.
Trong nước, phỉ quyền lộng hành, hủy diệt mọi công trình dựng nước của tiền nhân, thúc bách dân chúng cam đành chấp nhận cuộc sống tối tăm ảm đạm. Ngoài nước, đám tàn dư của ngụy quyền tiêu biểu là những tên tướng tá xuất thân khố xanh, khố đỏ, pạc-ti-đăng; những tên chính khách chuyên nghiệp hèn mạt; những tên nghị sĩ dân biểu gia nô; những tên trí thức bất lương, tiêu bạc giả lại mở miệng hôi thối nói chuyện nước non. Sau khi bỏ lính chiến đào ngũ, sau khi bỏ cử tri chạy trốn, sau khi bỏ đồng chí lẩn cút, sang nước Mỹ an toàn không một bóng dáng Việt cộng, lũ tội đồ của dân tộc âm mưu phục hồi quyền bính tôi đòi cũ, thứ quyền bính cho chúng bóc lột xương máu của quân dân một cách hợp pháp và có… chính nghĩa quốc gia. Bọn quốc gia giả hình này, bọn cầy cáo của ngoại nhân, bọn đã làm ung thối tổ quốc, bọn đã đánh bạc bằng máu của lính chiến, bằng mồ hôi của dân lành, bọn đã làm băng hoại cuộc chiến đấu chống cộng sản xâm lăng, lại tiếp tục làm băng hoại cuộc chiến đấu chống cộng sản cua dân trong nước, làm mất niềm tin hồi hương của lưu dân khắp thế giới bởi những tranh giành quyền lãnh đạo độc tôn, bởi những công kích nhục mạ lẫn nhau, bởi những thủ đoạn lừa gạt bịp bợm của chúng. Và, thê lương hơn, bởi tinh thần vọng ngoại khó gột rửa. Một số vẫn ôm chặt chân ông chủ Mỹ. Há chúng chưa quên bàn chân ông chủ Mỹ đã đạp đá chúng những cú cuối cùng khi chúng chạy vào Tòa Đại Sứ hay phi trường Tân Sơn Nhất lạy van xin trốn khỏi Việt Nam? Chẳng đứa nào có một chút liêm sỉ lãnh đạo của Cheng Heng, của Siêu Matak? Hai nhà lãnh đạo Kampuchia này đã khước từ ân huệ di tản của Mỹ, kẻ lừa gạt dân tộc họ, tình nguyện ở lại đất nước để được tưới máu của họ xuống đất quê hương, để được chết chung với chiến hữu, với dân tộc họ bằng lưỡi lê Khờ me đỏ. Một số tìm cách bám chân ông chủ cũ của Việt cộng là bố Tầu hồng, kẻ thù truyền kiếp của giống nòi Bách Việt, kẻ đã đô hộ chúng ta hàng nghìn năm, đã bắt tổ tiên ta lên rừng kiếm ngà voi, xuống biển mò ngọc trai hết thế kỷ này sang thế kỷ khác. Há chúng chưa học lịch sử tranh đấu của nòi giống Bách Việt, chưa biết Lê Chiêu Thống và sự nghiệp rước giặc vào nhà? Học đòi tham vọng quyền bính, chúng theo đóm lũ Hoàng văn Hoan, Trương Như Tảng chống bè lũ Lê Duẩn. Há chúng chẳng hiểu Hoan và Tảng bị cộng sản khu trừ đâm ra cay cú mà chống bọn khu trừ mình chứ đâu phải vì dân tộc mà thoát ly cộng sản. Há chúng chẳng rõ Hoan vẫn tôn thờ tên tội đồ muôn thuở của dân tộc là Hồ Chí Minh? Một số kết hợp tướng bẩn và tá cớm bầy trò lạc quyên xổ số, tem phiếu lấy tiền bảo rằng mua súng đạn về lập chiến khu chống cộng sản. Công ty yêu nước của tẩy và cớm làm ăn khấm khá nhờ lưu dân nóng lòng trở lại quê hương, khao khát trở lại quê hương. Được đám trí thức bất lương đồng loã cổ võ và vinh tôn hết ngôn ngữ cò mồi trên báo chí, thêm nữa, những tên giả hình trí thức, giả hình văn nghệ chui vào hội đoàn này, hội đoàn nọ chia rẽ giữa các hội đoàn, bôi bẩn những người tài năng không đồng quan điểm với công ty của nó, huyễn hoặc sinh viên, tạo nghi ngờ giữa tuổi trẻ và đàn anh để lôi kéo tuổi trẻ suy tôn lãnh tụ tẩy và cớm, những tên đã đàn áp tuổi trẻ tận tình. Há chúng tưởng người thức giả quên chuyện chúng đào ngũ vất lại hàng ngàn xe tăng, hàng ngàn đại bác,..hàng ngàn máy bay, hàng triệu tấn súng đạn và ngót triệu quân tinh nhuệ? Bây giờ chúng lạc quyên, xổ số để mua được mấy khẩu đại bác?
Nhìn thẳng vào sinh hoạt cứu quốc của đám tàn dư ngụy quyền ở quốc ngoại, hướng về dân tộc đang rên siết dưới gót giầy thống trị bạo tàn của phỉ quyền quốc nội, tôi, người tuổi trẻ thế hệ sau 30-4-1975, tự đặt mình vào cái thế phải chống cả tàn dư ngụy quyền và phỉ quyền. Ngụy quyền lưu manh. Phỉ quyền gian ác. Nước Việt Nam không thể nào được xây dựng kiện toàn bằng lưu manh và gian ác. Dân tộc Việt Nam không thể nào có tự do, dân chủ, hạnh phúc, thương yêu bởi đám lưu manh và phường gian ác. Lịch sử thống trị của ngụy và phỉ đã chứng minh trên hai miền đất nước. Phỉ quyền đang bóp nghẹt dân tộc bằng quyền bính chuyên chính vô sản. Ngụy quyền đang phát động chiến đấu phục hồi quyền bính tôi đòi. Hai thứ quyền bính này chỉ là nọc độc phì vào tim óc tổ quốc, chỉ là ròi bọ đục nát gan phổi dân tộc. Tôi đã thấy và thấy rõ hơn từ những ngày tôi cô đơn trong ngục tù phỉ quyền. Và tôi nghĩ tới một chính quyền tương lai của đất nước tôi. Và tôi nghĩ tới thân phận tuổi trẻ Việt Nam bị lừa gạt ròng rã ba mươi năm trời, bị gạt ra ngoài lề lịch sử. Nhiệt tình và lòng tự phụ của tuổi trẻ đã tiêu pha lãng phí cho những âm mưu củng cố quyền bính khốn nạn của phỉ và ngụy. Bây giờ là lúc tuổi trẻ phải quyết định lấy số phận dân tộc mình, phải nhận thức đúng vai trò và nhiệm vụ của mình đối với lịch sử nòi giống, phải tích cực chiến đấu để xây dựng chính quyền. Không có chính quyền, không bao giờ có hạnh phúc vĩnh cửu. Muốn có chinh quyền, điều kiện tiên quyết là phải xóa bỏ tàn dư ngụy quyền và âm mưu phục hồi quyền bính tôi đòi dĩ vãng, phải xóa bỏ phỉ quyền. Tôi thành khẩn nghĩ rằng sứ mạng xóa bỏ ngụy và phỉ chỉ có tuổi trẻ thế hệ tôi, trong và ngoài nước làm nổi. Bởi vì đại nghĩa ở trong tim chúng tôi.
Thế hệ tôi là nạn nhân đau đớn của phỉ quyền và ngụy quyền, đồng thời là chứng nhân buồn bã của niềm tủi nhục của tổ quốc trong thế tranh giành quyền lực giữa hai thứ chủ nghĩa khốn kiếp. Chúng tôi chưa hề là tay sai của bất cứ một thứ quyền lực nào đã thao túng ở Việt Nam. Nói rõ rệt, chúng tôi chưa hề là phỉ, là ngụy. Trong chúng tôi nhiều người đã là lính chiến. Nhưng ở bất cứ một chế độ nào, người lính vẫn chỉ là người cầm súng bảo vệ tổ quốc, quê hương dân tộc. Chế độ sẽ mất như chế độ đã mất, tổ quốc, quê hương, dân tộc còn mãi, vĩnh cửu. Người lính bảo vệ cái vĩnh cửu đó, không bảo vệ chế độ hay lãnh tụ. Chế độ, lãnh tụ và chủ nghĩa đã lợi dụng người lính. Người lính gục ngã giữa chiến trường vẫn tin rằng mình chết cho tổ quốc, không chết cho chế độ, lãnh tụ. chủ nghĩa. Người ta hằng nói đến quân đội và nhân danh quân đội. Có bao giờ quân đội là tướng lãnh đâu! Quân đội là lính chiến và những sĩ quan can đảm. Quân đội không bao giờ là của riêng bọn tướng tá hèn mọn đào ngũ để chúng nhân danh này nọ. Chúng tôi chưa hề để lại những dấu tích ô nhục trên quê hương. Chúng tôi chưa nắm quyền bính và không tham vọng quyền bính. Dĩ vãng của chúng tôi đẹp. Hiện tại của chúng tôi đẹp. Chúng tôi đi làm đẹp tương lai. Chỉ có thế hệ tuổi trẻ hôm nay, thế hệ trưởng thành sau 30-4-75, mới đủ khả năng tạo dựng chỉnh quyền cho xứ sở, mới đủ tư cách xóa bỏ ngụy quyền, phỉ quyền.
Kinh nghiệm lịch sử dạy chúng tôi những bài học quý giá về sự trông cậy ngoại bang. Sau Lê Chiêu Thống rước Tầu là Nguyễn Ánh rước Tây. Nô lệ và nô lệ. Những hò hét của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Cường Để được tích sự gì? Người Nhật đã có mặt ở Việt Nam không phải vì Cường Để cầu cứu đủ làm sáng mắt chúng ta. Sau Hồ Chí Minh tình nguyện làm đầy tớ Liên Xô đến Ngô Đình Diệm cam đành làm đầy tớ Mỹ. Chiến tranh và chiến tranh. Phản bội và tù ngục, lưu đầy. Vậy mà vẫn còn những kẻ ngu xuẩn muốn ôm chân tài phiệt Nhật Bản, muốn luồn cúi bá quyền Trung Hoa. Nghĩ thật tủi vong hồn anh hùng, liệt sĩ đã chết vì chiến đấu chống Tầu, chống Nhật xâm lăng! Bối cảnh lịch sử tuy đã khác nhưng hoàn cảnh lịch sử vẫn giống nhau. Nghĩa là mọi vùng dậy đạp đổ bạo quyền phải xuất phát từ trong nước. Chính nghĩa ở đó. Chính nghĩa lung linh từ giọt nước mắt tủi nhục của bà mẹ. Chính nghĩa sang sảng từ tiếng khóc đói sữa của em thơ. Chính nghĩa ánh lên từ những giọt mồ hôi cưỡng bức đổ xuống nông trường, công trường vô vọng. Chính nghĩa tỏa ra từ những ngục tù xiềng xích. Chính nghĩa đó không tìm thấy ở những ly champagne liên hoan chào mừng lạc quyên, xổ số trúng mối; ở những chỉ thị ngu đần của kẻ mất tổ quốc mà vẫn to miệng hô hoán chỉ có ta mới giải thoát được quê hương. Chính nghĩa đó cũng không tìm thấy ở những đồng bạc ti tiện ngửa tay xin Nhật, xin Tầu; ở những đài phát thanh thuê mướn, ở những chiến khu màn bạc.
Những suy nghĩ, những phán xét của tôi, trước đây, còn mơ hồ. Từ ngày tôi về nước, tất cả những gì tôi nghe, tôi thấy đã cụ thể cái mơ hồ của tôi. Và, rất ngay thẳng, tôi quả quyết rằng, mọi nỗ lực lương thiện và chí tình quốc ngoại chỉ nhằm mục đích hỗ trợ cuộc chiến đấu đích thực quốc nội chứ không thể giành quyền chỉ đạo. Người ta đã không chịu hiểu điều này, nên mới xâu xé, bôi bẩn và tạo ra chia rẽ phân hóa lực lượng. Nghĩ cho cùng thì đó là bản chất của quân phiệt, mật vụ thôi. Chúng đòi đấu tranh cho tự do dân chủ mà chúng không thích trò chơi dân chủ và luật dân chủ. Chúng muốn bắt mọi người đi vào quỹ đạo lạc quyên, xổ số đi vào cái hũ gạo tối om? Ai chống lại chúng, chúng chụp mũ dơ bẩn và rỉ tai bêu nhục. Nếu chúng dám về nước, chúng sẽ thấy chúng nhỏ bé đi và trẻ em trong nước đã lớn hơn chúng đủ mọi phương diện. Tôi về nước. Tôi nằm tù. Tôi bị còng tay, xích chân. Từ nỗi cô đơn tù ngục, tôi sáng tạo cuộc chiến đấu mới của tôi. Tôi nhớ anh em nhà Tây Sơn. Và tôi nghĩ rằng, trước hay sau, sớm hay muộn, sẽ phải có cuộc cách mạng Tây Sơn mới giải quyết xong toàn bộ vấn đề của dân tộc tôi. Như thế, tôi có thể khẳng định rằng, tôi và tuổi trẻ thế hệ tôi, vì nỗi ngậm ngùi của dân tộc mà chiến đấu. Tôi thuộc về dân tộc tôi. Và tôi chiến đấu trong cô đơn. Đừng bảo tôi chiến đấu trong bất cứ một tổ chức nào. Đã đúng thời điểm người tuổi trẻ đội mũ lên chính đầu mình, chiến đấu vì tổ quốc, dân tộc mình, không dại dột làm giầy giép cho mọi thứ lãnh tụ hay chủ nghĩa nào hết. Tuổi trẻ là lãnh tụ tuyệt vời nhất. Tôi tự hào tôi đã thấy tôi là người tuổi trẻ dám chiến đấu.
Trại Tập Trung Trại Tập Trung - Duyên Anh Trại Tập Trung