I would never read a book if it were possible for me to talk half an hour with the man who wrote it.

Woodrow Wilson

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4352 / 170
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần II: Thơm Nồng Trái Đắng(Rừng Lá Z30 D) (Rừng Lá Z30 D) - Chương 12
i về đâu? Tôi không biết. Và tôi cũng chẳng cần biết làm gì. Tôi đã đi từ nhà tôi đến Sở Công An thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đã đi từ Sở công an đến đề lao Gia Định. Tôi đã đi từ đề lao Gia Định đến khám lớn Chí Hòa. Tôi đã đi từ cái tĩnh này vào cái tĩnh khác. Rồi tôi đi từ khám lớn Chí Hòa đến Sa Ác, tôi đi từ cái tĩnh ra cái động. Tôi có kinh nghiệm này: Cái tĩnh là sự đầy đọa linh hồn, cái động là sự đầy đọa thể xác. Cả hai cộng lại thành một hình phạt của thù hận mà người cộng sản đã tự hào tuyết hận tôi, tuyết hận một nhà văn chống đối họ bằng tư tưởng và chữ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản bất lương Mỹ đã phó thác cái sứ mạng trả thù nhà văn nhân bản cho chủ nghĩa cộng sản bất nhân Nga. Không có nhà văn nào tự nhận mình còn lương tri mà không phẫn nộ thái độ xấc xược, vênh váo, chơi cha của bọn Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở khắp nơi trên thế giới. Bọn Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đại diện cho những chính sách, những chủ thuyết hèn mọn của những chính phủ những lãnh tụ tối cao của Nhà Trắng, của Ngũ Giác Đài, của Quốc Hội. Dân tộc Hoa Kỳ đã trở nên kiêu căng, ngạo mạn do cái chính sách ngu muội của “lập pháp” và “hành pháp” của họ với các nước nhỏ, nhất là các nước lệ thuộc vào đồng đô la viện trợ. Nước Mỹ không biết cứu giúp ai. Nước Mỹ không có lòng trắc ẩn. Nước Mỹ chích vào mạch máu tiểu nhược quốc một chai sérum thì sẽ rút ra một lít máu. Nước Mỹ rồi sẽ là Babylone. Hồi chuông báo động một đại hồng thủy mới đã điểm. Con tầu của ông Noé sẽ khước từ cứu vớt dân tộc Mỹ. Hoặc là, dân tộc ấy sẽ chịu lời nguyền như dân tộc Do Thái đã chịu. Dân tộc ấy cần biết đau khổ. Và cộng sản sẽ dạy họ thế nào là đau khổ. Lúc đó, họ sẽ hiểu còng made in USA không phải để cộng sản còng tay những người công chính chống cộng sản, mà còn để cộng sản còng tay người Mỹ tống vào các trại tập trung khổ sai lao động. Lúc đó, người Mỹ sẽ đói, sẽ ăn bọ cạp, thằn lằn, chuột cống cào cào, châu chấu, rắn rết rau rừng, cỏ dại... Lúc đó, người Mỹ sẽ khiêng bom chưa nổ, sẽ lấp hố bom, sẽ xuống hầm phân. Và, lúc đó họ sẽ thấy họ là con người đích thực, con người nguyên vẹn không giả vờ chẻ đôi, một nửa cứ sát hại nhân loại bằng bom đạn dã man, một nửa cứ nghêu ngao phản chiến rẻ tiền.
Tôi nói thẳng: Tôi chống đối chính sách của Mỹ đối xử với các nước nhỏ nhiệt tình như tôi chống đối chủ nghĩa cộng sản. Tư bản là cộng sản giầu. Mỹ và Liên Xô cùng bản chất gian manh khốn nạn. Hai đứa đang ghét nhau chuyện giầu nghèo. Thề thôi. Chẳng còn ý thức hệ gì cả. Muốn thoát đại hồng thủy, dân tộc Mỹ phải làm cách mạng xóa bỏ chủ nghĩa tư bản để cùng các dân tộc khác, thành tâm và lương thiện xóa bỏ nốt chủ nghĩa cộng sản. Khi hai chủ nghĩa khốn kiếp này bị hủy diệt, tham vọng đê tiện của chúng bị hủy diệt luôn. Loài người sẽ sống hòa bình, hữu nghị, hạnh phúc mà không cần bất cứ một chủ nghĩa nào. Khách quan mà nhận xét mà phê phán hai chủ nghĩa này đã bất lực trong mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Chúng còn tồn tại ngày nào nhân loại còn phải chới với trong chiến tranh ngục tù và thù hận Vậy nên hủy diệt chúng. Dân tộc Mỹ sẽ lãnh đạo cuộc chiến của Thiên Thần chổng ác quỷ, của con người chống quái vật 1.> Những nhà văn trước khi trở thành nạn nhân của cộng sản đều đã là nạn nhân của tư bản Mỹ. Diễn nghĩa rộng hơn, nhiều dân tộc bị tư bản Mỹ làm mồi dâng cộng sản. Cuba, Việt Nam, Angola, Nicaragua. Sẽ thêm nữa. Bởi vì, ở đâu chính sách Mỹ can thiệp trực tiếp ở đó chính nghĩa cộng sản rực rỡ và sức mạnh cộng sản đuổi Mỹ cuốn cờ chạy dài. Nước Mỹ thay vì xây Đài Chiến Thắng… giả vờ, nên tạc tượng Đại sứ John Dean ôm cờ sao sọc, mặt mày tái mét “nhanh bước chân nhi đồng”. Đừng quên khắc câu nói bất hủ của hoàng thân Sim Matak giữa trái tim John Dean: “Cái chết đối với tôi không quan trọng. Điều quan trọng là tôi đã trót tin người Mỹ”. Tượng John Dean nên dựng ở thủ phủ mỗi tiểu bang Hiệp Chủng Quốc. Để nhắc nhở cái dân tộc ngạo mạn, xấc xược ấy sự thua trận nhục nhã và sự phản bội có chứng cớ. Tất cả những danh từ, động từ, tĩnh từ liên quan tới chung thủy, thành thật, đồng minh, gắn bó, hữu nghị trong tự điền Hoa kỳ cần xóa bỏ. Muốn để lại, cần ghi chú: Chỉ áp dụng cho kẻ thù, không áp dụng cho bạn và đầy tớ.
Tôi là nhà văn, từ biết cầm bút bầy tỏ chính kiến, đã không tha thứ cho cái chính sách ngược ngạo của Hoa kỳ ở nước tôi. Chính sách ấy tạo ra bè lũ tay sai nắm quyền thống trị. Bọn thống trị cầy cáo này ngu dốt, tham nhũng. Chúng nó chỉ có tài ngoan ngoãn vâng lời chủ đàn áp, bóc lột dân tộc tôi. Người Mỹ tuyên bố khai phóng dân chủ, tự do và bảo vệ tự do cho dân tộc tôi. Nhưng người Mỹ đã chỉ thị đầy tớ đâm lưỡi lê chảy máu dân chủ và thắt cổ tự do. Người Mỹ ở Việt Nam khích lệ đầy tớ tham nhũng và ăn chia tiền tham nhũng. Rốt cuộc, dân Việt Nam phải chống cộng sản, chống đầy tớ Mỹ, chống cả Mỹ. Sự mỉa mai nhất của chiến tranh Việt Nam là lính Mỹ, con em của dân tộc Mỹ đã chết nhục như những tên đánh mướn hèn hạ. Họ bị chính sách Mỹ lừa bịp. Họ đâu có được vinh dự hy sinh vì tổ quốc, vì lý tưởng bảo vệ tự do – dân chủ. Họ đã chết thảm trong “cuộc chiến mà họ không được phép chiến thắng” cho bọn tay sai của chính sách Mỹ ăn cắp, phè phỡn. Những cựu chiến binh thất thểu trên quê hương của họ có ai biết Cao văn Viên gửi ngân hàng ngoại quốc bao nhiêu triệu đô la? Có biết Nguyễn văn Thiệu đang giữ bao nhiêu triệu đô la? Như bất cứ một người Việt Nam liêm sỉ nào, tôi đã chống cộng sản, chống chính sách Mỹ và đầy tớ Mỹ. Và tôi bị đầy tớ Mỹ cấm viết, cấm luôn cả bút hiệu viết báo theo lệnh của chủ Mỹ của chúng. Tôi nghĩ, đến hôm nay, chỉ còn những thằng nhà văn vô liêm sỉ mới tiếp tục ngửa tay nhận tiền Mỹ làm công tác “văn hóa”. Những thằng nhà văn vô liêm sỉ ấy vẫn viết lách ăn lương khoán của Mỹ và vẫn được cộng sản ca ngợi công khai trên báo chí của chúng. Chỉ những nhà văn liêm sỉ là thất thế và bị vây hãm giữa ba thế lực cộng sản, phản chiến Mỹ và chính phủ Mỹ. Và đôi khi còn bị vây hãm bởi chính đồng nghiệp chống cộng của họ. Chưa kể họ còn bị vây hãm bởi các công ty kháng chiến, các hợp tác xã giải phóng, các tổ hợp phục quốc, các hãng thầu ái quốc và đám văn nghệ sa đích đố kỵ dơ dáy. Nhưng tín hiệu mới của chữ nghĩa dấn thân lúc nào cũng sẵn sàng phóng ra. Hôm qua. Hôm nay. Trong nước. Ngoài nước. Là người, không ai biết cúi mặt. Sự ngẩng mặt có thể dẫn vào tù, dẫn ra trại tập trung, dẫn xuống hầm phân, dẫn đếnn nơi chốn nào khác mình chưa biết, dẫn bằng ngõ hẹp, đường hẹp, dẫn qua cửa hẹp, dẫn đến sự sống. Khi đã đến đích của sự sống, cái chết vô nghĩa, cái tồn tại mới đáng kể. Bởi vì, cái tồn tại là cái gì để lại sau lần chui qua cửa hẹp.
Tôi đang đi trên con đường hẹp. Con đường hẹp dẫn tôi vào Rừng Lá. Là đây, trại lao cải Z30 D. Bên kia dẫy núi Mây Tào là TH6 Đồng Nai, bên này là Z30 D Thuận Hải, một tỉnh gồm Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân. Bí số của các trại tập trung khổ sai lao động tỉnh Thuận Hải là Z. Z30 D là một trong những Z30 từ A, B, C. D đến H, I, K, L, M... Từ quốc lộ số 1, cây số nào tôi không nhớ, rẽ bên phải, đi khoảng hơn nghìn thước là tới Z30 D, K1. Khu vực này, trước 1975 là Rừng Lá hãi hùng. Du kích Việt cộng ẩn núp nơi đây, thường chặn xe đò tuyên truyền và xin “ủng hộ” tiền bạc. Đáng lẽ phải gọi là rừng Buông vì đa số cây rừng là cây Buông, thứ cây chỉ dùng được đọt lá. Cây Buông thích hợp đất cát. Rễ của nó giống hệt chùm râu ăn không sâu nhưng tóe ra khoảng đất rộng. Thân nó như thân cây dừa nước. Hai mươi năm Buông mới trổ hoa, kết trái. Và chết. Tuổi thọ của nó vỏn vẹn hai mươi năm. Trái cây Buông có chất độc. Người ta sử dụng để thuốc cá suối cạn. Rang khô, tán nhỏ ném xuống suối, cá sẽ nổi lên ngáp ngáp. Đọt lá của nó để đan quạt, đan giỏ… Lá già để lợp nhà, làm tiếp. Thân nó vô tích sự. Nó nằm mục đợi nấm mọc mùa mưa. Có hai thứ nấm ngon nhất và quý nhất. Là nấm mối và nấm Buông. Nấm mối nở trên gò mối. Nấm Buông nở trên thân Buông. Sau 1975, cộng sản dùng sức người của tù nhân phát quang khu rừng lá Buông, xây dựng một trại tập trung mang bí số Z30 D. Trại này di chuyền từ Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh ra nên vẫn giữ tên cũ Thủ Đức Z30 D. Con đường đất lớn ngoài quốc lộ dẫn vào trại là do tù nhân phạt rừng, hạ cây đào đất mà đắp.
Z30 D có ba K, cũng như ba khu. K là K2 và K3. K tôi đến là K1. Thủ tục nhận tù mới nhập trại ở Z30 D rất đơn giản. Có lẽ tù mới chỉ có hai tên. Người ta mở còng cho chúng tôi trên xe. Chúng tôi xách hành lý bước xuống. Tôi ngơ ngác nhìn một…dinh thự! Phải tôi đang đứng giữa sân trải đá răm xen lẫn sỏi của một dinh thự, chắc chắn, lớn hơn bất cứ một Bộ nào của nước Việt Nam cộng hòa ở Sài gòn. Sân có nhiều mảng vườn trồng hoa. Cỏ bên lối đi trải đá răm xanh um, tỉa xén và chăm sóc công phu. Những dẫy nhà nền cao, mái ngói đỏ au. Tôi không thấy cái vẻ “lao cải” ở đây. Ai dám bảo đây là nơi của chúa ngục, là nơi nhận chỉ thị đầy đọa tù nhân?
Người ta làm thủ tục nhập trại cho chúng tôi rất nhanh trong một căn phòng sàn lót gạch hoa cửa sổ thoáng mát. Anh cán bộ hồ sơ của TH6 từ giã chúng tôi. Anh ta nói:
- Ở đây, trại sẽ tạo mọi cơ hội thuận lợi cho các anh về sum họp gia đình. Tôi bảo đảm với các anh, trại nầy là trại cuối cùng của các anh. Các anh sẽ được tha ngày rất gần.
Chúng tôi được dẫn sang trại đối diện cái dinh thự gọi là cơ quan. Cơ quan vắn tắt. Trật tự của trại khám xét hành lý của chúng tôi, khám xét thân thể chúng tôi dưới sự giám sát của cai tù. Cộng sản đã lên án chính sách chiến tranh hóa Việt Nam của Mỹ. Nghĩa là họ chửi Mỹ dùng Việt Nam tàn sát Việt Nam. Cũng thế cộng sản dùng tù nhân khám xét tù nhân hạch hỏi tù nhân, làm khó dễ tù nhân. Sau màn kiểm tra người và vật, chúng tôi được dẫn vô một căn nhà. Tôi lại ngạc nhiên căn nhà tù tường gạch cửa sổ gỗ chấn song sắt, mái lợp fibro ciment. Căn nhà có kho, có kệ chứa thực phẩm của tư nhân và nồi niêu, ca cóng; có cầu tiêu bàn xối nước, có hồ nước lớn. Hồ nước xây bên trong nhà cầu tiêu có ba phòng, có sàn tắm. Căn nhà hai tầng kiều TH6 nhưng gỗ bào nhẵn làm sàn gác có kệ để hành lý. Tầng dưới lót gạch hoa, có hầm để hành lý cá nhân đậy nấp gỗ ngay đầu mình. Có hàng chục căn nhà và mỗi căn thuộc quyền xử dụng của một đội dưới 50 tù nhân.
Z30 D, K1 có hai khu. A và B. Khu A là khu kiểu mẫu của cả ba K và của một trại cải tạo kiểu mẫu của toàn bộ nhà tù nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thư viện khang trang rất nhiều sách báo cộng sản. Có thể đọc Lê nín toàn tập, Xít ta lin toàn tập, Thời niên thiếu của Mác…. tại đây. Cũng có thể đọc Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo và Chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck hay Cuộc đời Leonard de Vinci… Còn có thể đọc Temps moderne của Liên Xô, ấn bản Pháp ngữ. Thư viện đủ các thứ tự điển. Quản thủ thư viện là tù nhân trong Tổ thông tin văn hóa. Bệnh xá có hai bác sĩ, một tù, một cách mạng. Bác sĩ cách mạng tên Hoàng Cầm, dân Nam bộ tập kết. Bác sĩ tù nhân tên Nguyễn Vân Hạc, nghị sĩ, người đã cống Ban giám thị Z30 D chiếc Peugeot 404 để được làm bác sĩ của tù nhân. Như vậy, tránh lao động vất vả. Khi tôi đến bác sĩ Vân Hạc đã về, bác sĩ Nguyễn Hữu Nhơn của binh chủng Thủy quân lục chiến được gọi thay thế, thêm nha sĩ Phạm Huy Hoàn giã từ cuốc xẻng. Bệnh xá Z30 D có hai y tá, nhiều thuốc và nhiều giường. Còn có bếp riêng cấp dưỡng bệnh nhân theo tiêu chuẩn bồi dưỡng. Sân trại có vườn hoa và ba hồ nước lớn. Nước dẫn từ suối bằng ống lớn, máy bơm. Z30 D có máy điện chạy 24 trên 24, có cả château d’eau…hiện đại. Nói tóm lại khu A của K1 là khu kiểu mẫu và lý tưởng mọi mặt. Rõ ràng, nó là trại học tập cải tạo.
Cách một hàng rào tre và cái cổng qua nhà bếp của trại tù, khu B y hệt Sa Ác A TH6. Tệ hơn nữa, mái lợp lá Buông và tường phên lá Buông bọc ngoài tường cây cắm dầy khít. Chế độ đại tiện là…đổ thùng! Thiên đường khu A và địa ngục khu B. Vì là trại kiểu mẫu nên kỷ luật cũng kiểu mẫu. Dẫy cachot gồm 5 phòng sát khít hội trường. Giây kẽm gai không được xử dụng ở Z30 D. Vây quanh trại là hàng rào cây cao chôn sâu và sát khít. Lại thêm cây nhỏ làm nẹp ngang siết kỹ bằng giây thép. Cứ một thước rào có một cột trụ cây thật lớn. Hàng rào cây…đúp. Ở giữa là lối đi. Ngoài hàng rào, người ta trồng tre. Khi xe lên cao xanh um, trại sẽ là cái làng... êm ấm. Z30 D có đài phát thanh, phát thanh mỗi tối từ 8 giờ đến 9 giờ. Phụ trách chương trình là tù nhân Bùi Hoàng Cầm cảnh sát đặc biệt kiêm cựu ký giả của nhật báo Đồng Nai của chủ nhiệm Huỳnh Thành Vị. Ông Vị và danh ca Duy Trác đã nằm tại khu B Z30 D, K1. Họ bị chuyển ra trại trừng gjới Phủ Khánh trước ngày tôi tới Z30 D. Đài phát thanh là “kẻ thù” của tù nhân. Bởi rằng, chương trình của họ là đọc tên những tù nhân khai bệnh nằm nhà. Nhiều tù nhân bị phê bình ốm giả vờ. Nhiệm vụ của Bùi Hoàng Cầm là, sáng sáng, qua bệnh xá ghi chép tên tù nhân khai bệnh, kiểm điểm xem trong tháng tù nhân khai bệnh nằm nhà mấy lần, bao nhiêu ngày. Anh ta làm việc theo chỉ thị thôi. Nhưng anh ta bị tù nhân lên án nặng nề và chụp mũ “ăng ten” tổ bố. Z30 D tổ chức khác hẳn TH6. Tù nhân hình sự, chính trị lẫn lộn một đội. Tù nhân chính trị được làm trật tự, thăm nuôi và lâm sản.
Ông Hồ Hữu Tường và tôi được tạm đẩy vào căn nhà của Đội văn nghệ, thể thao. Đội này đàn sáo, ca múa, ảo thuật, vẽ panneau, viết khẩu hiệu và đá bóng. Vậy nó phân làm hai tổ. Tổ văn nghệ lại chia đôi: Ban tân nhạc và ban cổ nhạc. Dụng cụ âm nhạc do tù chế tạo. Tù nhân chế tạo đàn guitare, đàn violon, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn gáo, đàn cò... Tân nhạc thì khá hơn, dụng cụ do trại mua làm cảnh. Có cả giàn trống, guitare điện. Đội văn nghệ, thể thao nhàn hạ, nhiều đặc ân đặc lợi nên bị ghét. Ở đâu có lợi, ở đấy có ganh ghét. Hễ hôm nay Tổ văn nghệ ở nhà tưới cây thì Tổ thể thao đi phát quang thật xa ngoài quốc lộ, ngày mai Tổ thể thao ở nhà, Tổ văn nghệ ra đi. Ra khỏi trại. có tiền tha hồ ăn hủ tíu, miến gà, mua chuối, mua trứng đem về. Bạn thân ở đội khác có thể gởi tiền nhờ mua chuối, mua rau…. Bạn không thân bị từ chối. Đó là nguyên nhân của chụp mũ. Lúc tôi vào căn nhà, người đón tiếp tôi là Lê Ngọc Biên.
- Tôi là anh em cột chèo với anh Trương Đình Huân, em của chị Thanh Khánh, anh nhớ chưa?
- Nhớ rồi.
Anh Biên làm mì gói chiêu đãi ông Tường và tôi. Chúng tôi chưa kịp tắm thì vệ binh tới dẫn chúng tôi ra suối tắm. Và sau đó, chúng tôi được dẫn lên văn phòng của Phó giám thị, ủy viên chính trị của Z30 D, thiếu tá Phan Hữu Phúc. Ông Tường vào trước, tôi ngồi ngoài hành lang. Phó giám thị Phúc làm việc riêng từng người. Đến lượt tôi, ông Tường về trại thay vì ngồi đợi tôi cùng về. Tôi không biết nội dung cuộc mạn đàm ngắn ngủi giữa Phó giám thị Phúc và ông Tường. Riêng tôi Phó giám thị Phúc rất ân cần. Ông ta pha ấm trà mới, rót nước mời tôi. Tự tay ông ta bóc gói thuốc Phù Đổng đưa tôi rút và quẹt diêm cho tôi mồi thuốc.
- Anh đi đường có mệt không? – Ông ta hỏi tôi.
- Bình thường, thưa ông Phó giám thị. -Tôi đáp.
- Cứ gọi tôi là cán bộ.
- Vâng.
- Anh sẽ về nhưng anh nhớ rằng anh được tha là do ở sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Tuyệt đối không một thế lực ngoại quốc nào có thể can thiệp cho anh ra khỏi trại cả.
- Tôi nghĩ thế.
- Những ngày còn ở trại, nhất là ở đây, anh không nói cho bất cứ ai anh đã ở các trại nào và từ trại nào vừa đến.
- Vâng.
- Tôi sẽ gặp anh sau.
- Vâng.
~ Anh cần gì, cứ báo cáo cán bộ quản giáo hay cán bộ trực trại xin gặp tôi, tôi sẽ giải quyết ngay.
- Cám ơn cán bộ.
Sau đó, ông ta hỏi thăm chuyện gia đình tôi và dự định cho tương lai khi tôi trở lại đời sống. Tôi về trại một lát thì các đội tan lao.
° ° °
Qua sự thông tin của trật tự, một số anh em đến tìm tôi. Tôi giữ lời hứa với Phó giám thị Phúc, không nói về các nhà tù tôi đã bị nhốt và trại lao cải tôi vừa rời Số anh em này thất vọng tôi ngay. Họ thấy tôi không phải là nhân vật hào hùng của tiểu thuyết của tôi. Và họ cho rằng họ đã hiểu tại sao tôi được ân huệ biên chế ngay vào Đội văn nghệ, thể thao. Rồi Bùi Hoàng Cầm, nhà báo, nhân vật bị tù nhân nguyền rủa từ khu B sang thăm tôi. Rồi những tù nhân bị đánh dấu “ăng ten” như hoạ sĩ Có, sĩ quan cảnh sát, nhà ảo thuật Hưởng, hạ sĩ quan an ninh quân đội, săn sóc tôi rất chu đáo buổi đầu khiến số anh em có kết luận dễ dàng: Tất cả những thằng nhà văn, nhà báo ở các trại đều làm công việc như thằng nhà báo Bùi Hoàng Cầm! Một tuần lễ sau người ta bảo tôi là Bùi Hoàng Cầm của TH6 B, Xuyên Mộc, Đồng Nai. Tôi tin chắc ông Hồ Hữu Tường đã được Phó giám thị Phúc yêu cầu như đã yêu cầu tôi “không nói cho bất cứ một ai anh đã ở các trại nào và từ trại nào vừa đến”. Không hề có phát thanh… học tập, phát thanh mỗi tối ở Sa Ác B. Cách nhau dẫy Mây Tào, sự thật bên kia và bên đây đã chẳng giống nhau rồi. Bấy giờ, tôi không cần tìm hiểu. Sau này tôi mới tìm hiểu và tôi ghê tởm cái thủ đoạn cộng sản. Họ triệt hạ tôi, họ làm tôi mất hết tư cách rồi mới thả tôi về. Để tôi hoàn toàn tê liệt. Họ bảo tôi đừng nói rồi họ rỉ tai trật tự, họ tung tin Hồ Hữu Tường và tôi từ đâu tới, đã làm những gì thật dơ dáy ở các trại cũ. Điều bấy giờ tôi suy nghĩ chỉ là câu nói hé lộ một xác nhận Amnesty International sắp cứu tôi ra. “Anh sẽ về nhưng anh nhớ rằng anh được tha là do ở sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Tuyệt đối không một thế lực ngoại quốc nào có thể can thiệp cho anh ra khỏi trại cả”.
Tôi nằm ở Đội văn nghệ và thể thao hai ngày nghỉ mệt. Anh Lê Ngọc Biên kể cho tôi nghe nhiều chuyện thú vị. Anh đã ở Suối Máu, đã đáp chuyến tầu HQ 503 đi Phú Quốc, đã ở Phước Long. Mấy tháng trước có phái đoàn Amnesty lnternational thăm Z30 D, K 1. Tù nhân cò mồi của Đội văn nghệ và thể thao sắm vai trại viên trại học tập cải tạo. Mỗi diễn viên được phát một bộ quần áo mới không đóng dấu tù. Đầu tóc cắt gọn. Râu ria cạo nhẵn. Các Nhà quét dọn sạch sẽ, sắp xếp ngăn nắp. Các hồ nước bơm đầy. Bệnh xá tươm tất. Thư viện gọn gàng. Giàn nhạc đầy đủ dụng cụ. Phái đoàn tới, được Ban giám thị hướng dẫn thăm khu A và chỉ khu A thôi. Hai thông dịch viên Pháp-Việt, Việt-Pháp và Anh-Việt, Việt-Anh là Lê Ngọc Biên, Nguyễn văn Dụ, tù nhân. Amnesty International thăm Nhà, thấy Nhà khang trang thoáng mát, đầy đủ…tiện nghi; thăm thư viện, thấy thư viện đầy sách. Cò mồi chăm chú học tập tư tưởng Mác Lê, cò mồi đang đàn sáo, lại chơi Le Beau Danube bleu, Only you, Smoke gets in your eyes…; thăm bệnh xá thấy bệnh nhân tù nhân “hồ hởi phấn khởi”; thăm sân, thấy hoa phô sắc, cỏ thắm tươi. Thì bằng lòng lắm. Lại phỏng vấn tù nhân được lệnh phiên dịch: “Cám ơn chính sách học tập cải tạo khoan hồng và nhân đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng tôi không phải là tù nhân mà là trại viên trại học tập cải tạo. Chúng tôi học tư tưởng làm người cao quý và tập lao động cho bớt lười biếng. Chúng tôi ăn ba bữa, đầy đủ dinh dưỡng, tinh thần và thể xác thoải mái, không hề bị đánh đập tra tấn thể xác hay tinh thần..”
Phái đoàn thấy tù nhân đâu có nhiều. Bởi vì, hàng ngàn tù nhân đã bị lùa vào tận chân núi từ sáng sớm. Đề phòng, bất thình lình, phái đoàn trở lại, tối mịt tù nhân mới được lùa về. Chẳng hiểu phái đoàn AI đánh giá Z30 D ra sao. Có điều, chắc chắn, phái đoàn không bao giờ nhìn rõ sự thật ở nón mũ, giầy giép, quân áo, ca cóng của tù nhân xuất trại lao động.
Lê Ngọc Biên nói, chuyến thăm của AI, tù nhân cò mồi và thông dịch viên đều bị tù nhân nguyền rủa, lên án nặng nề. Càng bị nguyền rủa hơn, sau chuyến viếng thăm của Al, Biên và Dụ được biên chế sang Đội văn nghệ và thể thao. Sự thiếu may mắn của tôi là về Z30 D, tôi bị vào Đội văn nghệ và thể thao. Giá tôi vào cachot, có thể tôi lừng danh anh hùng tù ngục!
Ngày thứ tư, đột xuất có một phái đoàn ngoại quốc thăm trại Z30 D kiểu mẫu. Tôi đã theo đội đi lao động từ hôm qua. Hôm nay cả đội của tôi ở nhà làm… cò mồi. Tù nhân toàn trại đi lao động từ sớm tinh mơ. Riêng ông Hồ Hữu Tường và tôi được đưa sang “dấu” ở phòng trật tự khu B. Người ta phát giấy cho chúng tôi khai lý lịch. Cảnh tượng tiếp phái đoàn này y hệt cảnh tượng tiếp phái đoàn AI. Lê Ngọc Biên và Nguyễn văn Dụ không được chỉ định thông dịch. Đã có thông dịch viên của Bộ nội vụ. Vì phái đoàn là phái đoàn Liên-tôn thế giới, thân cộng sản Việt Nam. Thế giới cũng có một số thằng vô danh tiểu tốt buôn công danh bằng cách họp thành một phái đoàn sang thăm nhà tù kiều mẫu Z30 D dàn cảnh công phu, đầy xảo thuật của đạo diễn Đảng để về tuyên bố ngược lại tất cả những gì các phái đoàn khác đã công kích chế độ nhà tù cộng sản. Thế là chúng nổi tiếng. Báo chí cộng sản thế giới, báo chí thân cộng sản Tây phương và Mỹ đã đánh bóng chúng nó, đã coi chúng nó như người của sự thật. Thế giới tự do, thế giới của lương tri, của lẽ phải, của tôn trọng sự thật đã có một bọn khốn kiếp gọi là Liên-tôn lò dò đến trại Z30 D phả thêm mùi tanh ươn vào thứ nhân quyền bị thắt cổ lè lưỡi bởi cộng sản. Tôi không biết cộng sản Việt Nam đã trả bọn này bao nhiêu tiền? Với cộng sản Việt Nam còn phải lột lưỡi để ca ngợi chế độ lao tù của họ.
Từ kinh nghiệm Liên-tôn viếng nhà tù kiểu mẫu Z30 D, tôi thấy không thể tin tưởng vào bất cứ một hội đoàn nhân đạo nào của thế giới tự do, trừ Amnesty International. Rất tiếc, AI không lên tiếng về sự vi phạm nhân quyền. AI trung lập với tất cả các chế độ chính trị. AI can thiệp cho tù nhân chính trị, tù nhân tư tưởng ở bất cứ quốc gia nào có tù nhân chính trị, tù nhân tư tưởng.
AI đã can thiệp cho Vũ Hạnh dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu. AI lại can thiệp cho Cao Dao dưới chế độ Lê Duẩn. Cho nên sự thật về ngục tù và tù nhân trong chế độ cộng sản đã chỉ được thế giới mường tượng hay căn cứ vào những báo cáo bán rẻ lương tâm cho cộng sản của những hạng người tương tự Liên-tôn, của lũ phản chiến thân cộng sản, của đám báo chi Mỹ đã ngồi xổm lên nghĩa vụ luận. Lương tri của nhân loại cần phải được đánh thức, cần phải được lay động bằng tiếng nói đích thực và trung thực của những người thoát lên từ vực thẳm. Nhưng, buồn thay, những người thoát lên từ vực thẳm đã im lặng, hoàn toàn im lặng. Thỉnh thoảng, có một vài lên tiếng với đồng bào của mình. Thì đã bị khoả lấp bởi tiếng rao bán xổ số kháng chiến, tiếng mõ quảng cáo lạc quyên phục quốc. Chưa thấy ai đặt vấn đề với bọn nhà báo Mỹ – đã mô tả chuồng cọp Côn Sơn, đã đòi cải thiện chế độ lao tù miền Nam trước 1975- mô tả các trại tập trung khổ sai lao động của đàn bà con nít, thương phế binh ở Long Thành – ở quần đảo Phước Long sau 1975. Chưa thấy ai lạc quyên tiền đăng nguyên hai trang trên các nhật báo lừng danh xuất bản tại Nữu ước, Hoa Thịnh Đốn, Ba Lê, Đông kinh, Luân đôn…để nói về tù nhân và ngục tù cộng sản. Chưa thấy ai lạc quyên tiền để dịch thuật và xuất bản một cuốn sách viết về ngục tù cộng sản Việt Nam trích từ những cuốn hồi ký của những người thoát lên và thoát ra từ vực thẳm. Chưa thấy gì cả. Chỉ thấy rõ ràng người ta đã hoan hỉ bỏ đô la vào túi áo ông Mặt trận, vào thùng sương, vào những cuộc liên hoan ăn uống có nhẩy đầm. Rất nhiều tinh hoa của dân tộc đang quằn quại trong nhà tù cộng sản mà đồng bào của họ ở hải ngoại đã lãng quên không nghĩ chuyện cứu họ, thản nhiên để họ chết mòn. Rất nhiều những thằng chó đẻ sống phè phỡn bằng tiền lạc quyên cho mục đích bịp bợm. Rốt cuộc, nỗi thống khổ của tù nhân được cai thầu chiêm bao và báo cáo chiêm bao ấy với người ngoại quốc. Cai thầu hưởng danh lợi. Tù nhân được…hứa hẹn sẽ can thiệp. Bao giờ? Mai. Mai rồi mốt. Mốt rồi mút. Mút rồi mít. Mít rồi mịt. Rồi mù mịt... Thế giới tự do yêu sự hợp lý đến ngây thơ và ngu xuẩn. Tiếng nói của người đã nhìn sự thật là hợp lý. Phái đoàn Liên-tôn kia, chẳng hạn. Tiếng nói của người chưa nhìn sự thật chỉ nói theo báo cáo là tiếng nói vu vơ, không hợp lý. Tiếng nói của những người thoát lên từ vực thẳm là hợp lý, chính xác là tiếng nói của sự thật.
Song, buồn bao nhiêu, tiếng nói của sự thật là tiếng nói Việt Nam viết bằng chữ Việt Nam. Thế giới không biết nghe tiếng Việt Nam, không biết đọc chữ Việt Nam. Mà chúng ta thì không ai thích đóng góp tiền để chuyển dịch tiếng nói của sự thật vàng mười sang Anh ngữ, Pháp ngữ, Y pha nho ngữ, Đức ngữ, Ý ngữ. Người Pháp và người Mỹ sẽ chỉ thấy ngục tù Việt Nam qua cuốn Goulang vietnamien, Vietnamese Gulag của gã tù nhân de luxe 11 tháng ở đề lao Gia Định. Nhà tù được viết kiến nghị, được tự do đi xin chữ ký, cả trăm tù nhân ký vào kiến nghị thì nhà tù cộng sản là... thiên đường, cần gì phải đòi nhân quyền và tự do cho tù nhân!
Cái phái đoàn Liên tôn…thiếc kia viếng trại lao cải kiểu mẫu Z30 D đúng 15 phút. Giàn nhạc chỉ chơi có một bài Love is blue! Không sợ, đột xuất, họ trở lại nhìn sự thật trần truồng – bồ tèo mà – Ban giám thị cho tù nhân núp dưới chân núi về sớm. Tù nhân được cơ hội suy diễn: Ông Hồ Hữu Tường và tôi được đem về đây làm cò mồi. Cò mồi gì nhỉ? Tôi bỗng thấy chua xót cái câu mà cai tù nào cũng thích nói với tù nhân: “Các anh không thương các anh thì ai thương các anh”. Quả thật, một số tù nhân đã tỏ ra tàn nhẫn với tù nhân. Bạn tù, mấy kỳ liền không có thăm nuôi, thay vì an ủi bạn, chia sẻ cho bạn dúm tôm khô, vài vắt mì, người ta nỡ phát ngôn: “Vợ bỏ rồi hả? Chắc vợ đi theo bộ đội bỏ rơi anh rồi”?
Người ta sẽ buồn cười điều “Cấm mua bán, đổi chác” trong Nội quy. Tôi không buồn cười. Vì tôi biết chuyện một tù nhân không nghiện thuốc lào, thuốc rê mà có cả mấy bánh thuốc lá, mấy bịch thuốc rê. Thuốc lào của anh ta thuộc loại xiện, sáng sớm kéo một điếu là phê. Có tù nhân đã đổi cái quần treillis lấy 2 hộp quẹt thuốc lào xiện. Tù nhân này không thăm nuôi, dĩ nhiên. Ở Sa Ác B, có thuốc lào xiện là có tất cả. Thuốc lào có thể đổi rau muống non, củ cải, rau mồng tơi, mướp, củ mài… Nhiều tù nhân đã lấy râu ngô phơi khô tẩm nước điếu rồi lại phơi khô để hút. Giá trị của thuốc lào vô kề. Hễ có thuốc lào xiện, điếu cầy xiện sẽ thêm bạn bớt thù và sẽ chỉ còn bạn. Ở Sa Ác B cho tù nhận thuốc mà cấm tù nhận diêm, đá lửa, bật lửa. Nhưng tù nhân xoay đâu ra bật lửa, đá lửa, xăng thì tự do dùng. Bèn có ba câu Anh ngữ lao cải:
- Đông vui hao lao
Đông vui thì tốn thuốc lào.
-Đông phen hao rê
Đông bạn thì tốn thuốc rê
-Tham nuoi no dzim
Thăm nuôi không có diêm
Với tù nhân nghiện thuốc lào, đa số tuyệt đối, thì thiếu thuốc lào còn hại cho cơ thể hơn là thiếu chất protéine, chất mỡ, chất đường… Đầy rẫy những kẻ hám lợi trong tù. Và đầy rẫy những kẻ thích làm khổ người khác. Vô cớ và vô lý. Tôi mang thêm tội cò mồi. Đã có kinh nghiệm ra cái động ở Sa Ác, tôi tiết kiệm tối đa ngôn ngữ ở Z30D. Với những kẻ không đáng nói, nửa lời không nói.
--------------------------------
1 Tác giả có tham vọng viết cuốn sách nhan đề Sấm Ký cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ tiên tri cuộc cách mạng tiểu tư sản hào hoa cứu vớt dân tộc Mỹ thoát nạn đại hồng thủy.
Trại Tập Trung Trại Tập Trung - Duyên Anh Trại Tập Trung