The wise man reads both books and life itself.

Lin Yutang

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4352 / 170
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
háng 8-1979, tôi bị biên-chế sang Đội 28 nông-nghiệp. Thời-gian này, Bộ Quốc-phòng đã giải-tán hết các trại lao-cải ở miền Tây và giao tù-nhân cho Bộ Nội-vụ quản-lý. Tù-nhân trại lao-cải Vườn Đào thuộc huyện Cai Lậy được đưa lên miền Đông. Sa Ác A và B tiếp-nhận. Thực ra, công-an đã quản-lý tù-nhân từ năm 1978. Cũng thời-gian này, Sa Ác đã xây-dựng xong khu C. Sa Ác A, B và C gồm khoảng 5000 tù-nhân chính-trị và hình-sự. Vườn Đào đa-số là sĩ-quan Hoà Hảo đồng-hoá. Họ không tốt-nghiệp ở trường võ-bị nào cả. Kiến-thức của họ rất thấp và tác-phong của họ xô-bồ. Vừa mới đến, họ đã đánh nhau trong lúc chia cơm canh. Vài hôm sau, có tin do Đội lâm-sản truyền: Vườn Đào bị Suối Máu trùm chăn đục thê-thảm ngoài khu A, có người bị cắt tai cảnh-cáo vì tội “ăng-ten” trại cũ. Á chà, câu chuyện được thêu dệt đầy đủ chi-tiết. Anh-hùng nhẩy dù Suối Máu đã ghi những trang ngục-sử tuyệt-vời! Bác-sĩ Thạch ra khu A lấy thuốc, trở về “cải-chính tin đồn”. Không có gì cả. Khu A hoàn-toàn yên lặng. Cách một quãng đường dài 2 cây-số, tù tung tin chẳng hay ho gì cho tù. Tuần-lễ sau, Phước Long đổ về Sa Ác. Long Thành, Vườn Đào, Phước Long được chuyên-chở bằng xe đò. Xe chạy trên con đường do Đội 21 nông-nghiệp của Đằng Giao kiến-tạo. Phước Long về làm sinh-động Sa Ác B. Từ đây, một hàng rào kẽm gai ngăn đôi biên-giới Hình-Sự và Chính-Trị. Hình-sự bị cấm-chỉ vượt biên-giới. Hai ông bác-sĩ Long Thành, một được tha, một bon chen ra khu A trụ-trì phòng Y-tế. Trước đó, 10 tù-nhân Long Thành đã về “sum họp gia đình”. Từ tháng 11-1978 đến tháng 7-1979, Sa Ác B mới có 11 người cầm giấy ra trại. Những người này đều trình diện học tập cải-tạo 10 ngày hồi tháng 6-1975. Vị bác-sĩ Long Thành còn kẹt ở trại đã lừng danh Long Thành. Ông ta củng-cố địa vị bác-sĩ tù bằng cách khuân cả tivi, tủ lạnh nộp cho Giám-thị Ba Tơ. Ông ta gạ-gẫm đưa Ba Tơ về Sài gòn, dẫn Ba Tơ đi ăn chơi và đưa Ba Tơ về nhà mình, dúi cho Ba Tơ mớ bạc để ông ta được làm tình với vợ! Như thế cũng bình thường thôi. Ai khéo xoay sở, người ấy sung sướng. Nhưng xoay sở cái trò bịa đặt khám bệnh hoa -liễu cho nữ tù, bắt nữ tù cởi truồng để Ba Tơ và bọn cai tù coi “chiếu bóng” thì ông bác-sĩ bỉ-ổi hơn Cộng-sản. Ông ta là quốc-gia đấy, đảng viên Đảng dân-chủ đàng-hoàng, Tỉnh-ủy chứ bộ! Hãy nghe một nữ tù Long Thành phát-biểu ý-kiến về đám quốc-gia bẩn.
“Con Lan-xì-ke thở dài:
- Chị đã từng nghe về giòng họ Đặng Vũ chưa.
Chị tự trả lời:
- Giòng họ khoa-bảng đấy, thủ-khoa bảng đần-độn, ích-kỷ. Tôi đã khước-từ nó từ lâu. Bây giờ tôi là “con bà phước”. Có người đi tìm hiểu mặt tốt của đời sống, tôi đi tìm mặt xấu. Rồi tôi vào tù vì tôi xấu. Ở tù, tôi bỗng thấy tôi tốt. Và cái tốt mà người ta rêu-rao chỉ là cái đốn-mạt, hèn-hạ. Nếu chị đến sớm vài tháng, chị đã gặp đủ mặt viên-chức thư-lại của chế-độ cũ. Bọn đàn ông ấy nhát như cáy, ngoan như cừu. Họ có vẻ hãnh-diện vì mình tình-nguyện vào tù chứ không bị bắt bỏ tù như chúng ta. Luôn luôn họ nói họ “trình-diện học tập”. Những ông chánh-án, ngày xưa, ngồi xử chúng tôi đủ các thứ tội, nay tranh giành nhau đổ cứt rửa cầu tiêu để đỡ lao-động vất-vả. Tranh giành đổ cứt và chửi bới nhau vì đổ cứt hụt! Những ông nghị-sĩ, dân-biểu, dân kêu ngàn lần không lên tiếng nhưng Cộng-sản nó gọi nhỏ đã dạ lớn rồi, dạ ngay lập tức. Bác-sĩ thì hục-hặc nhau chui vào phòng Y- tế cho đỡ chân lấm tay bùn, dâng mưu hiến kế cai ngục hãm hại tù-nhân...
Con Lan-xì-ke buồn-bã hỏi tôi:
- Ở thời đại của chúng ta, có thằng thư-lại nào dám làm cách-mạng không, chị?
Tôi đáp:
- Bản-chất của thư-lại là cầu an, ù-lỳ, làm cách-mạng sao nổi!
Con Lan-xì-ke phá ra cười:
- Vậy mà vào tù, bọn thư-lại cứ dọa giải-phóng đất nước. Tôi chửi chúng nó, chúng nó vu tôi đủ tội. Tôi nghĩ, bây giờ, tôi có quyền xử những đứa đã xử tôi”. (Sỏi Đá Ngậm-ngùi – Nam Á Paris, 1985)
Cũng bằng cung-cách hối-lộ, nịnh bợ Giám-thị Hiểu, ông bác-sĩ giã-từ Đội 21 nông-nghiệp ra khu A. Thẩm-phán Đào Minh Lương đã mất nửa lá phổi vì ông bác-sĩ này cúp tiêu-chuẩn cơm trắng và… tiết-kiệm Strepto cho Cộng-sản. Ông ta ra đi, tôi đỡ bị nghe ông thổi harmonica, đỡ bị ông ta than-phiền bỏ hạt ngô xuống lỗ mỏi lưng. “Trí thức của chúng ta cứ nằm trong tháp ngà, cứ trùm mền hưởng-thụ đâm ra lười biếng, sợ khó sợ khổ. Nên, khi đụng vào nghịch-cảnh của đời sống thì không dám đương đầu, thì ngớ-ngẩn và hèn-mọn”
Về Đội 28 nông-nghiệp, tôi thoát hầm phân. Cái động vang dội của trại tập-trung mà sau này, nhân-vật tiểu-thuyết của tôi từ cái tĩnh của nhà tù ra đã có ý nghĩ: “Trong bóng tối, ta chỉ nhìn thấy ta. Ngoài ánh sáng, ta sẽ nhìn thấy mọi người. Tôi vừa mở mắt: Không có nỗi khổ nào hạng nhất, nỗi khổ nào hạng bét. Nỗi khổ là nỗi khổ. Nỗi khổ trong bóng tối và nỗi khổ ngoài ánh sáng. Thế thôi. Tôi đã thấm nỗi khổ trong bóng tối. Tôi sẽ thấm nỗi khổ ngoài ánh sáng. Tôi bước xuống. Rờn rợn. Bốn năm ròng-rã gắn liền đời mình bên xô cứt, tôi đã quen. Nhưng cái hầm phân này thì thật là ghê rợn. Gọi nó là đầm phân mới đúng. Chân tôi chới với, lún sâu dần, sâu dần. Khi bàn chân đụng đáy hầm, phân đã ngập sát háng tôi. Trên miệng hầm, bạn tù ròng cái xô xuống. Tôi vục đầy xô. Bạn tù kéo lên. Nửa thân thể ngập phân, tay dính đầy phân. Tôi đứng trong phân, trong sự ưu-việt của chủ-nghĩa Cộng-sản hàng tiếng đồng hồ không thèm đếm xỉa tới hàng tỉ con ròi lúc nhúc”.
Sang Đội 28 nông-nghiệp với tôi, có ông già Hoán. Đội 17 rau xanh cũ của tôi là “thí-điểm” của đoàn-kết anh em, của thương yêu bố con. Nhưng mà ngụp lặn giữa vũng lầy thống-khổ, tình phụ-tử nghĩa huynh-đệ đã chẳng chịu ngoi lên, còn lún sâu xuống. Ba anh em ruột thịt nhà thằng Lợi đấm đá nhau, chửi bới nhau, ăn riêng. Hai bố con ông Quản ăn riêng. Ông Quản đục cậu Học. Cậu Học đưa bố ra đội. Đội không giải-quyết. Thầy quản-giáo giải-quyết giùm. Thế là bố một bị thăm nuôi, con một bị. Bố ca, con cóng. Mỗi người một mâm. Con rể Thanh hục-hặc bố vợ Hoán. Cũng ăn riêng, thăm nuôi riêng. Chỉ còn anh em thằng Huỳnh thuộc “con bà phước” nên vẫn thắm-thiết. Lý-do ăn riêng chính-đáng nhất là bố chửi con “Mày chống Cộng, chọc cứt không thành lỗ làm liên lụy tao”, con cằn-nhằn bố “ông chẳng biết lãnh-tụ là thằng nào mà cũng tham-gia để tôi bị bắt oan”.
Lãnh-tụ chống Cộng thứ thật sau 30-4-1975 không có, không hề có. Nếu có thì chỉ là sinh-viên, học-sinh Sài gòn và các thành phố. Và tôi gọi chung là Tuổi Trẻ. Và tôi đã vinh-tôn Tuổi Trẻ Việt Nam ở Sỏi đá ngậm ngùi, Bầy sư-tử lãng-mạn, Hồn say phấn lạ. Những người tuổi trẻ của tôi đã lên đường từ sau 1-5-1975. Họ dấy động cuộc chiến-đấu mới. Cộng-sản sợ hãi. Lập tức, Mai Chí Thọ nặn ngay 52 “lãnh-tụ”. Trùm công-an miền Nam dùng Trần Xuân Ẩn, Đỗ Hữu Cảnh đi tìm người chống Cộng và phong làm lãnh-tụ. Thế là Sài Gòn có hàng chục nội-các, hàng trăm Sư-trưởng phục-quốc vốn là Trung-sĩ, Thượng-sĩ của Quân-lực Việt Nam Cộng Hòa, hàng ngàn lãnh-tụ chống Cộng. Có cả triều-đình nữa. Quốc-vương là anh bán thịt chó. Quốc-vụ-khanh là anh thợ hớt tóc. Đầy đủ “phản-động” của 52 tổ chức chống Cộng ở Sa Ác B. Mai Chí Thọ giăng bẫy, bắt gọn. Niềm tin chống Cộng bị Mai Chí Thọ đâm chảy máu. Dân chúng đang hăng say bỗng chùn lại vì nghi-ngờ. Lãnh-tụ chống Cộng lớn nhất Đỗ Hữu Cảnh lại là trung-úy công-an Ba Sơn. Mai Chí Thọ diệt niềm tin chống Cộng là chuyện hợp-lý. Bởi ông ta là lãnh-tụ Cộng-sản. Những tên nhập-nhằng chống Cộng ở hải-ngoại, mượn chiêu-bài kháng-chiến, móc đô-la của lưu-dân như ông Mặt-trận và công-ty của nó mới không hợp-lý. Nếu hợp-lý thì chả là sự tiếp tay Mai Chí Thọ hủy-diệt nốt niềm tin chống Cộng ở những nơi chốn không có trại tập-trung khổ-sai lao-động. Khi niềm tin bị lừa gạt, tinh-thần “phản-động” sa-sút và nó biến-chứng đủ thứ tật. Thí dụ ông già Hoán tuyên-bố từ con rề Thanh. Thí dụ con rể Thanh lên án bố vợ Hoán “phản-bội tổ-chức”, vân vân…
Công việc của tôi ở Đội 28 nông-nghiệp là hạ những cây lớn và bứng gốc cây mà thân còi chồi cao lên mặt đất.
Chúng tôi chuẩn-bị đất canh-tác. Quản-giáo Đội 28 là ông nhóc 18 tuổi, tên Thưởng. Đội-trưởng là phi-công già Trần Ngọc Lân. Đội-phó là Huỳnh văn Vàng, an-ninh quân-đội. Dụng-cụ hạ cây của tôi là dao cùn và cuốc, xẻng. Hai tù-nhân đặc-trách một thân cây hay một gốccây Chúng tôi đã hạ cây rừng như thế nào? Trước hết, tùy theo cây lớn, nhỏ, chúng tôi dùng cuốc dẫy cái vòng tròn lớn, nhỏ chung quanh gốc cây. Cây càng lớn, vòng tròn càng lớn. Chúng tôi cuốc đất, bới đất cho lòi lớp rễ thứ nhất. Thế rồi thằng chặt rễ sát gốc cây, thẳng chặt rễ mọc dài sát vòng tròn. Gỡ từng khúc rễ. Giai đoạn hai: Khi chặt đứt lớp rễ thứ nhất, cuốc đất, móc đất cho lòi lớp rễ thứ hai. Lại chặt. Lại cuốc đất, móc đất cho lòi lớp rễ thứ ba. Đất xúc đổ chung quanh vòng tròn. Cây nhiều tầng rễ ngang là cây sao, cây dầu. Chín tầng. Chặt rễ ngang tầng thứ chín, cái huyệt đã sâu, quá đầu chúng tôi. Chúng tôi moi đất chặt nốt cái rễ đuôi chuột. Lúc này phải báo động, vì cây sắp đổ. Nó đổ rầm rầm, nghe dễ sợ. Chúng tôi thản-nhiên ngồi dưới huyệt. Bởi đã biết chiều đổ của cây. Hạ cây bằng-lăng dễ nhất. Nó chỉ có ba, bốn tầng rễ ngang và không có rễ chuột. Bứng gốc cây cũng theo phương-pháp này. Gốc nhỏ thì khiêng đi. Gốc lớn thì liệng gốc nhỏ xuống huyệt, chất củi và mồi nổi lửa cho cháy ra tro. Mỗi lần san-bằng một gò mối vạn-niên hay hạ đổ một cây cổ-thụ, tôi khoái lắm. Tôi hiểu được sự chế-ngự thiên-nhiên của con người. Và tôi thấy rõ điều này: Chẳng có gì gọi là vĩnh-cửu, kể luôn cái vĩ-đại nhất, trừ con người và ý-nghĩa sống đẹp-đẽ của nó. Vương-quốc mối kiên-cố giữa rừng già trăm ngàn năm, đâu ngờ, có ngày bị tù-nhân lao-cải san-bằng, thò ngón tay chộp Mối Chúa, bỏ vô miệng, nuốt trửng. Cái ảo-vọng “vĩ-đại” và “sống mãi” xem chừng đã lố-bịch.
Hạ cây, bứng gốc cây, san gò mối là công việc của tôi. Nhờ vậy, tôi đã đào được dao cạo râu, nước ngọt Coca Cola, Sprite, lương khô mà lưỡi đã sét, hộp đã rỉ, bao da mủn. Quân-đội Úc đã “kích” vùng này. Họ đã nằm ở đây để vồ Việt cộng. Ghê thật, Kangourou dám vào tận sào-huyệt đối-phương. Gần hiện trường lao-động của Đội 21 có một hố bom thật lớn, thật sâu. Chúng tôi đã tắm ở đây mùa mưa. Cách hố bom khoảng 30 thước là cửa một cái hầm bí-mật còn đầy áo mưa ni-lông khô cứng. Trái bom của người lính tầu bay nào suýt nổ sập hầm bí-mật. Chắc chắn, nó đã làm vỡ mật Việt cộng núp dưới hầm.
Tôi sống thoải-mái ở Đội 21, hết bị ròi của hầm phân ám-ảnh.
° ° °
Đằng Giao làm đơn xin Ban giám-thị cho xuống làm tù-nhân bình thường. Bị ở nhà “làm việc” một tuần-lễ, bị quay đứ-đừ. Rốt cuộc, vẫn phải làm Đội-trưởng. Đội của Đằng Giao thêm hai “nhân-vật”: Hồ Hữu Tường và Lý Quốc Sinh.
Hồ Hữu Tường, cả nước đều biết tên tuổi. Với người miền Nam, ông là nhà “bác vật”. Chúng ta hiểu ông như một chính-trị-gia, một lý-thuyết-gia, một văn-gia. Sau hết, vào những năm trước 1954, nhà văn Tam Ích, muốn coi ông như một học-giả, yêu-cầu ông Hồ Hữu Tường về chỗ ngồi của ông “vì chiếu học-giả mới lơ thơ vài người”. Người đệ tứ quốc-tế, người vượt Mác, người trung-lập- chế, tác-giả Phi Lạc sang Tầu, Thu Hương, Chị Tập, Thuốc tràng-sinh, Người Mỹ ưu-tư… không thích làm học-giả. Năm 1946, nằm trong tay bọn Bon-sê-vích, ông đã tuyên bố “phong kiếm quy ẩn”, giả-vờ bàn chuyện Tương-lai văn-hoá Việt Nam. Rồi ông trốn. Bị lừa, Phạm văn Đồng điên lên, thề bắt được Hồ Hữu Tường sẽ” thiến dái”! Phi Lạc sang Tầu, sang Nga, sang Tây, về Sàigòn, xuất-bản nhật-báo Phương Đông cổ-xúy thuyết trung-lập-chế. Phi Lạc vào Rừng Sát làm quân-sư cho tướng cướp hèn mọn Bẩy Viễn. Phi Lạc bị Ngô Đình Nhu bắt, đầy ra Côn Đảo. Phi Lạc được “cách-mạng thoán-nghịch” giải phóng. Phi Lạc ứng-cử dân-biểu Hạ-viện. Phi Lạc mượn tiền ngân-hàng phát-triển nông-nghiệp nuôi gà. Phi Lạc quỵt nợ. Phi Lạc qua Tây nằm ì, bắt Hạ-viện gửi tiền lương sang mua vé máy bay hồi hương. Phi Lạc mặc áo vàng, đeo xâu chuỗi vô Hạ-viện, bắt đầu cổ-xúy một thứ giáo-hội mới. Sự-nghiệp chính-trị của Phi Lạc chấm dứt từ dạo theo phò Bẩy Viễn và bêu-riếu từ khi làm dân-biểu. Tháng 4-1975, Cộng-sản thôn-tính miền Nam, cả Phi Lạc lẫn Phạm văn Đồng đều già rồi, Đồng quên lời thề “thiến dái” Phi Lạc. Hồ Hữu Tường yên thân. Đầu năm 1977, ông ta lập Đảng nhuốm đầy tính-chất hoang-đường, dị-đoan mê-tín. Ông ta và chúng đệ-tử bị bắt.
Chẳng hiểu vì lý-do gì, đệ tử của ông công-khai tố-cáo ông với các tù-nhân khác. Đệ-tử ông ta oang-oang tố-cáo thì tôi nghe. Cả nhà nghe. Cái bi-hài-kịch đảng-viên tố-cáo Đảng-trưởng đã xẩy ra như cơm bữa ở nhà tù, ở trại lao-cải. Tố-cáo toàn chuyện…ghê-gớm. Như anh thợ hớt tóc mặt rỗ nhằng rỗ nhịt được quốc-vương Thịt Chó phong chức quốc-vụ-khanh, thấy quốc-vương có thăm nuôi khẩm, quốc-vương thắt chặt túi, bị thăm nuôi, mình hút thuốc lá KENT (Không Em Nào Thăm...nuôi) mà quốc-vương chơi trò…ăn riêng. Bèn tủi thân. Rồi phẫn-nộ, lớn tiếng đòi quốc-vương trả lại hai lạng vàng đã đóng cho quốc-vương vì lý-tưởng chống Cộng! Như anh Tiểu-đoàn-trưởng phục-quốc-quân Binh-đoàn Lê văn Duyệt đòi tuyết-hận ngoài đời khi được tha vì Sư-trưởng đã hú-hí với vợ của anh. Như các ông phản-động thì chửi lãnh-tụ đã đưa các ông ấy vào tù, vợ ở nhà no, thăm nuôi lãnh-tụ mập-mạp v.v…. Nền chống Cộng có vẻ thiếu…phẩm-chất. Tất cả không đáng xách dép cho những người tuổitrẻ chống Cộng tôi đã gặp, đã sống với họ ở đề-lao Gia Định và tôi đã gọi họ là Bầy sư-tử lãng-mạn.
Ông Hồ Hữu Tường không nghiện thuốc phiện, không vì thiếu thuốc phiện mà mê sảng, vậy mà ông ta rất mê sảng. Ông ta nằng-nặc xin cống-hiến những môn thuốc dân-tộc. Ông ta ở nhà viết sách thuốc. Ban giám-thị yêu-cầu thuốc kiết lỵ, thuốc ghẻ, ông ta không “sáng tạo” nổi. Thế thì không đạt yêu-cầu. Ông Tường lóc-cóc đi lao-động. Ông đi bộ. Vấp chân té đụng thầy Quản-giáo, thầy Quản-giáo “miễn chấp”, ông Tường vẫn bắt Đội-trưởng Đằng Giao ghi vào biên-bản phiên họp cuối tuần: “Hôm ấy, tôi, Hồ Hữu Tường, trại-viên Đội 21 nông-nghiệp, đi lao-động sơ ý vấp té đụng cán-bộ. Tôi thất lễ, xin nhận khuyết-điểm”. Đằng Giao không cho thư-ký ghi. Ông Hồ Hữu Tường “hạ quyết-tâm” ghi! Con người vượt Mác ấy đã trở thành biểu-tượng của “nhà văn”. Để bọn thư-lại và bọn sĩ- quan văn-phòng chửi rủa tất cả nhà văn phản-kháng chế-độ cũ của chúng nó. Tôi không muốn nhắc thêm ông thẩm-phán già Lý Quốc Sinh, ứng-cử-viên phó tổng-thống. Ông Hồ Hữu Tường, ông Lý Quốc Sinh đã giúp tôi một kết-luận không sợ sai lầm: Những “nhân-vật”, già nua không xài được nữa, dù trong tù hay ngoài đời, trong nước hay ngoài nước. Bọn bình vôi sứt mẻ và đặc khịt này cần liệng ra ngoài lề lịch-sử. Bây giờ đích thực là thời của tuổi trẻ ở mọi lãnh-vực, ở mọi lãnh-thổ.
° ° °
Sa Ác B, những ngày tôi sống, chỉ có một vụ vượt ngục thành-công. Đó là vụ ba người tù phản-động gỡ mái tôn ra đi một đêm mưa tầm-tã. Ba người này ở đội của Dương Đức Dũng. Vệ-binh truy-nã một tuần không tìm ra dấu vết. Những vụ trốn trại của tù-nhân hình-sự ngoài bãi, bị bắt hết. Dĩ nhiên, trốn trại bị bắt thì chính-trị hay hình-sự cũng đều bị giáng những báng súng tàn bạo. Có một vụ trốn làm tôi cảm-phục vô cùng. Hồi ấy, tôi còn làm Đội-trưởng rau xanh. Buổi sáng hôm đó, trời đầy sương mù. Lợi dụng lúc tan hàng tập thể-dục, người tù hình-sự tên Chuyên, sinh-viên đại-học Vạn Hạnh, leo hàng rào kẽm gai thật nhanh và phóng xuống sông Ray. Vệ-binh trên chòi canh nổ súng. Chúng tôi phải vào nhà hết. Cuộc truy-lùng diễn ra. Súng nổ ầm-ỹ khủng-bố tinh-thần kẻ bôn-đào. Đến lúc kẻng tập họp lao-động, vẫn chưa phát-hiện chỗ ẩn nấp của Chuyên. Khoảng 9 giờ, trời đã hoe nắng và sương mù đã tan, khu rừng bên kia sông Ray gần vườn rau của đội tôi có tiếng súng nổ và tiếng vệ-binh xôn-xao. Người ta đã bắt được Chuyên. Tên cán-bộ Cần, đặc-trách an-ninh, hung-thần của Sa Ác B, chạy nhanh ra bờ sông. Hắn máng giây súng AK trên vai, đứng chờ tù-nhân trốn trại. Tiếng hét của vệ-binh bên kia sông:
- Bò! Cấm đứng dậy! Bò!
Vệ-binh sợ-hãi anh Chuyên, vì anh ta to con. Tôi không nhìn thấy anh Chuyên bò. Đứng trên gò cao, tôi thấy rõ hung-thần Cần sát-khí đằng-đằng chờ đợi. Rồi anh Chuyên bị vệ-binh đạp mạnh rơi xuống sông. Anh ta đứng dậy ngay đưa tay vuốt mặt. Chuyên lội sang bên này. Hung-thần Cần đã gỡ súng AK khỏi vai. Hắn cầm chắc giữa nòng súng. Anh Chuyên vừa lên bờ, hung-thần đã phang anh một báng súng ngang lưng. Anh gục ngã. Đứng rất nhanh, ngẩng mặt:
- Cán-bộ không được phép đánh tôi.
Hung-thần không thèm nghe. Nó đợi anh bước vài bước. Lại đánh. Anh Chuyên vẫn cố đứng thẳng ngẩng mặt:
- Cán-bộ không được phép đánh tôi.
Mỗi báng súng giáng xuống thân-thể anh, Chuyên đều ngã chúi, đều đứng dậy rất nhanh, đều ngẩng mặt nói một câu đã nói. Qua vườn rau của tôi, bạo-lực chùn tay. Hung-thần Cần không đánh anh Chuyên nữa. Anh bị còng chân tại căn nhà mới xây xong. Chính hung-thần Cần săn-sóc anh Chuyên, cho anh ăn tiêu-chuẩn đãi-ngộ, tặng thuốc lá anh hút. Thái-độ can-đảm của anh đã khiến hung-thần cảm-phục. Một tù-nhân duy nhất không bị thi-hành kỷ-luật tội trốn trại. Anh Chuyên được dưỡng sức cả tháng. Hung-thần Cần mở còng cho anh về đội, hai hôm sau. Người tù hình-sự tuyệt-diệu đó đã gây cảm-hứng cho tiểu-thuyết Sông Ray phẫn-nộ của tôi.
Tôi đã viết: Có hai cách trốn trại. Trốn trại ban đêm và trốn trại buổi chiều, ngoài bãi lao-động. Khi tù-nhân rỡ mái tôn hay khoét tường trốn trại ban đêm, Nhà-trưởng, Đội-trưởng và những người ăn cơm chung với tù-nhân trốn trại rắc-rối to. Phải làm tự kiểm và bị chấp-pháp tơi-bời. Khi tù-nhân trốn trại ngoài bãi, súng vệ-binh nổ ba phát báo động. Trực trại đánh kẻng tan lao. Các đội thu dụng- cụ tập họp một chỗ. Ngồi đợi một lúc mới được dẫn về trại. Không tắm, không ca cóng. Vào nhà ngay. Những người khai bệnh nằm nhà, không được lai-vãng ngoài sân. Đang tụ-tập trong sân mà bày trò trốn trại, lại bị một thằng tù khác ôm chặt cứng cho cán-bộ đánh thì chỉ có ông nhà văn-học nghệ-thuật “ăn cắp” vẽ ra theo sự bịa-đặt vừa ngu vừa dốt. Thế gọi là văn-học nghệ-thuật…cao-cấp đấy. Và cũng hì-hục chép hồi-ký ngục tù. Chắc chắn, các trại lao-cải của nhà văn-học nghệ-thuật “ăn cắp” không có ai dám trốn trại. Cho nên, đáy địa-ngục chỉ là “ăn vụng, ăn tranh phần khoai và cháy của heo”. Người ta còn mang cả mối thù nặng những nghìn cân tức là 10 tạ vì bị dồn vào thế “ăn cắp, ăn vụng”. Từ ăn cắp, ăn vụng đến ăn gian nói dối cách nhau một sợi râu Bác Hồ!
Tỷ lệ những người “trình-diện học tập cải-tạo” trốn trại rất là khiêm-tốn. Tỷ lệ những tù-nhân can tội phản-động cũng khiêm-tốn lắm. Nói chung, tỷ-lệ trốn trại của tù-nhân ỏ các nhà tù, trại lao-cải không đáng kể. Với chế-độ hộ-khẩu, chế-độ công-an nhân-dân, chế-độ công-an khu-vực, tù hình-sự có trốn trại rồi cũng bị bắt lại. Trừ phi, trốn trại rồi vượt biên ngay. Trốn đi đâu? Không có một chiến-khu nào cho người trốn trại tìm vào chiến-đấu. Bồn bề hoang-vu, lặng thinh. Giữa rừng già hiu-hắt, chỉ cần một tiểu-đội biệt-kích đã thừa tiêu-diệt đám vệ-binh lau-nhau và giải thoát tù-nhân. Không hề thấy. Tôi đã hàng đêm mơ mộng chuyện quân ta đánh phá trại. Vì tôi đau lòng thấy mấy thằng Việt cộng mặc quần xà-lỏn may bằng cờ vàng ba sọc đỏ. Tù-nhân không dám trốn trại bởi không tìm ra địa-điểm đi tới. Nỗi quạnh-hiu đến não-nề phủ kín quê-hương, có lẽ, chỉ ồn-ào bằng kháng-chiến chiêm-bao, bằng chiến-khu tưởng-tượng của bọn cai thầu lòng yêu nước và đám côn-quan thu thuế lạc-quyên.
Cộng-sản dùng danh từ man- rợ là quản-lý con người. Họ có nghệ-thuật quản-lý con người. Người quốc-gia hải-ngoại chắc chưa bao giờ nghe nói tới một thứ nghệ-thuật gợi tưởng bắt bớ, giam nhốt, tra tấn, thủ-tiêu là nghệ-thuật công-an. Nhà-nước Cộng-sản đã hãnh diện xuất bản tạp-chí Nghệ-thuật công-an đấy. Nghệ-thuật quản-lý con người là không cho con người có cơ-hội nổi loạn. Đừng đánh giá Cộng-sản qua những người công-an coi tù ngọng-nghịu, qua những người bộ-đội ngớ-ngẩn. qua những người cán-bộ khù-khờ. Phải đánh giá Cộng-sản qua chủ-nghĩa của nó, qua lãnh-tụ của nó. Chúng ta cần nhìn rõ đối-tượng đề tiêu-diệt. Đó là bọn ủy-viên Bộ chính-trị và bọn ủy-viên trung-ương Đảng. Và, đằng sau những con bài lãnh-tụ đã lật là những ai còn trong bóng tối. Khi Cộng-sản Việt Nam tung những khuôn mặt mới, chúng ta mới bắt đầu đi tìm hiểu và chúng ta cũng chưa hiểu chính-xác.
Ngược lại, Cộng-sản biết hết chúng ta. Tri-kỷ mà không tri-bỉ thì chỉ có... di-tản, vượt biên. Tri-bỉ mà không tri-kỷ thì chỉ có thuê đất thiên-hạ lập chiến-khu và duyệt binh thiếu xe tăng, tàu bò, đại- bác, máy bay những ngày quân lực… tan hàng. Chúng ta đã viết báo, đã diễn kịch chống Cộng-sản. Chúng ta cho Cộng-sản đội nón cối, răng vẩu, mắt toét, nói ngọng, ngu dốt. Và chúng ta chạy quá dài, quá nhanh, quá xa. Chúng ta lại tiếp tục viết báo- diễn kịch chống Cộng-sản nón cối, giép râu, răng vẩu, nói ngọng, mắt toét, ngu dốt… Võ Nguyên Giáp không ngọng không dốt. Nguyễn văn Linh không dốt, không ngọng.
Lãnh-tụ Cộng-sản Việt Nam không nói “đồng hồ 2 cửa sổ, 12 cột đèn”. Lãnh-tụ Cộng-sản Việt Nam không nói kiểu cai tù chăn trâu cắt cỏ mắng tù-nhân: Nao động thì nề mề, tư-tưởng thì nấn cấn. Chỉ mong ngày nễ nớn. Nễ nớn ăn thịt nợn. Đã cho ăn thịt nợn nại còn đòi ăn nòng. Bố nếu bố náo“… Lãnh-tụ Cộng-sản Việt Nam biết lừa gạt cả thế-giới, biết bỏ đám phản-chiến Mỹ và báo-chí Mỹ vào túi quần… Và biết quản-lý con người. Quản-lý con người đáng ngại nhất. Giải-phóng con người thoát khỏi sự quản-lý của Cộng-sản mới là cách chiến-đấu tuyệt-diệu. Để chiến-thắng. Để tuyệt diệt Cộng-sản trên trái đất. Đề tạo dựng hạnh-phúc vĩnh-cửu cho dân-tộc, cho nhân-loại. Như thế, cần-thiết một chủ-thuyết chế-ngự chủ-nghĩa Cộng-sản và chủ-nghĩa tư-bản là hai chủ-nghĩa đã chỉ tạo ra chiến-tranh, nô-lệ, đói khổ, tù đầy, thù-hận. Cộng-sản và tư-bản đều đã lạc-hậu, bất-lực. Từ hơn một thế-kỷ nay, chúng ta chỉ nhai lại chủ-thuyết của thiên-hạ mà mưu cầu hạnh-phúc cho dân-tộc. Và chúng ta sát hại lẫn nhau cũng vì chủ-thuyết của thiên hạ. Chưa có người Việt Nam lập thuyết. Mỗi chủ-thuyết dấy động phong-ba đều ra đời trong những bối-cảnh lịch- sử nghiệt-ngã. Bối-cảnh lịch-sử hôm nay rất thích-ứng cho một chủ-thuyết nhân-bản ra đời. Các ngài tiến-sĩ tốt-nghiệp đại-học Huê Kỳ sau 1975 đã nghĩ đến chuyện lập thuyết chưa? Hay chỉ biết ngồi ở quán rượu diễn tuồng đố kỵ tài-năng và chửi bới người vắng mặt? Nhớ rằng Marx và Engels lập thuyết ở Đức và Lénine truyền-bá ở Nga. Vậy tiến-sĩ Việt Nam lập thuyết ở Mỹ sẽ có người truyền-bá ở một nơi nào đó thuận-lợi. Tôi sợ đầu óc tiến-sĩ bé tí tẻo, chưa dám nghĩ thuyết nào ngoài thuyết Job. Mà chống Cộng bằng “đả đảo”, bằng “tài liệu”, bằng chưa hề nhìn rõ giép râu 30-4-1975 sẽ nghìn đời không ép- phê. Nhưng lập thuyết và làm tư-tưởng không nằm trong khả-năng và kiến-thức hạng bét của thằng viết tiểu thuyết mưu sinh là tôi. Vậy trở về nghệ-thuật quản-lý tù-nhân của Cộng-sản.
Cộng-sản nắm vững tâm-lý tù-nhân. Cái thứ án gọi là án phạt tập-trung cải-tạo nó bắt tù-nhân không được phép tuyệt-vọng và chỉ được phép hy-vọng kiểu hy-vọng trúng xổ số. Tù không có án, có thể, ngày mai được tha, có thể ba năm được tha, có thể ba mươi năm được tha. “Về hay không là ở các anh có tiến-bộ hay không. Tiến-bộ sớm về sớm. Tiến-bộ muộn về muộn”. Không bao giờ có dọa-nạt: Không tiến-bộ, không về. Nghĩa là, đã học tập cải-tạo tất sẽ phải tiến-bộ. Tiến bộ sớm hay tiến-bộ muộn do ở thiện-chí cải-tạo. Thiếu thiện-chí cải-tạo thì lâu tiến-bộ. Sự tiến-bộ nhìn rõ ở lao-động. “Lao-động là cái thước đo giá-trị con người”. Lao-động thể-hiện tư-tưởng vì lao-động là hành-động. Hành-động trọng-tâm xác-định tư-tưởng tốt chỉ là lao-động tích-cực đạt chỉ-tiêu. Ngoài ra, những hành-động chào kính, tuân-hành mệnh-lệnh thể-hiện sự hết thù-nghịch cách mạng. “Tư-tưởng thể-hiện hành-động”. Hành-động tốt, tư-tưởng tốt. Hành-động tốt giả-vờ, tư-tưởng vẫn tốt. Cộng-sản thừa hiểu hành động tốt giả-vờ là nín thở qua cầu nhưng họ chấp-nhận nín thở qua cầu hơn là chống đối ra mặt. Bởi thế, cái mà tù-nhân hấp-thụ được từ nền giáo-dục cải-tạo của Cộng-sản là sự gian dối. Tất cả tù-nhân, ra khỏi trại lao-cải, đều trả lại sự gian dối cho cộng sản. Hiếm-họa mới còn người coi sự gian dối như chân-lý.
Tù-nhân bối-rối trong câu nói khoan-dung khốn-kiếp: “Đảng và Nhà-nước không muốn giam giữ các anh, nhưng về hay ở là tùy thái-độ cải-tạo của các anh“. Như tôi đã viết tù-nhân mang án phạt tập-trung cải tạo, có thể, ngày mai về, tuần sau về, tháng sau về hay ba mươi năm sau về, nên không dám vượt ngục. Nhỡ mai được tha thì sao? Cái hy-vọng mơ-hồ làm tù-nhân quên tuyệt-vọng. Và cam đành chờ đợi…xổ số. Tù-nhân gọi những buổi tập họp giữa sân trại hay tại hội trường nghe đọc danh-sách những người được tha là nghe kết-quả xổ số. Tại sao nghe đọc kết-quả xổ số? Vì không biết ai sẽ được về. Tù nhân lao-cải là những người không mua vé số mà vẫn bị nghe kết-quả xổ số. Cùng bị bắt một vụ, cùng đi trình-diện một ngày, người cấp bậc cao, người chủ mưu có tên trong danh-sách. Thiếu- tá Phủ đặc-ủy trung-ương tình-báo có tên đọc, hạ-sĩ gác cổng không có tên đọc. Vậy không gọi xổ số thì gọi là cái gì? Sự tha bổng của Cộng-sản ăn thua ở hên xui. Như tù-nhân Nguyễn Tân Mão, thiếu-úy đã có lệnh tha ở Phước Long năm 1978. Thay vì về sum-họp gia đình ngay buổi chiều đọc xong lệnh tha, lại nấn-ná ngủ một đêm chót “enjoy” với anh em, mai mới giã-từ lao-cải. Nửa đêm có lệnh thu hồi Giấy ra trại. Những người đã về, coi như… tự-do luôn. Những người chưa về, ở lại lao-cải tiếp. Nguyễn Tân Mão bị chuyển về Z30 D Hàm Tân, nghe kết-quả xổ số hàng chục lần. Mãi đến giữa năm 1981 mới… trúng số! Bộ quốc-phòng rồi Bộ nội-vụ của Việt cộng có những quyết-định tha tù-nhân rất ly-kỳ. Tôi có cảm-tưởng họ bỏ tên tù-nhân vào lọ, xóc loạn lên như xóc sâm ở Lăng Ông. Tên nào rớt ra, tên ấy trúng số. Bộ nội-vụ quyết-định tha tù-nhân, không phải Giám-thị lại lao-cải. Ban giám-thị ưa hù tù-nhân rằng Ban giám-thị đề-nghị, chấm điểm cho tù-nhân. Tù-nhân được tha sớm, tha muộn là do đề nghị của Ban giám-thị. Mà đề-nghị điểm tốt lên Ban giám-thị là do cán-bộ Quản-giáo. Hù thế để tù-nhân tôn-trọng Nội-quy, nể sợ cai tù. Ngay cả Giám-thị cũng không có quyền bắt, quyền tha tù-nhân. Có một quyền duy nhất thả tù-nhân: Là ăn vàng hối-lộ của thân-nhân tù-nhân để tù-nhân trốn trại an-toàn. Trường-hợp này đã xẩy ra ở trại lao-cải Long Giao những năm bộ-đội quản-lý tù-nhân. Một tù-nhân trốn trại, bị bắt, bị nhốt vào conex, vẫn mở conex trốn ra như James Bond rồi vượt biên. Những thằng tưởng làm “ăng-ten” ở nhà tù, ở trại tập-trung sẽ được tha sớm là những thằng ngu. Những thằng viết rằng vì bị “ăng-ten” tố-cáo mà nằm tù mút chỉ là những thằng đại ngu. Từ năm 1980, sĩ-quan, công-chức học tập cải-tạo, muốn về, chỉ cần gia đình có nhiều vàng chuộc. Trung-tá cảnh-sát đặc-biệt không những được về mà còn được đoàn-tụ gia đình ở Tây Đức. Trung-sĩ cảnh-sát đặc-biệt và hạ-sĩ gác cổng, hạ-sĩ bưng nước Phủ đặc-ủy Trung-ương tình-báo thì vẫn…lao-cải.
Biết rằng thân-phận mình nằm trên 6 lồng cầu, tù-nhân cứ khấp-khởi nghe kết-quả xổ số. Trước mắt đó, anh em đã ra về thơ-thới hân- hoan. Sắp đến lượt mình về. Hy-vọng dâng tràn. Tích-cực lao-động và chấp-hành Nội-quy tốt. Khi tù-nhân chán-nản, tuyệt-vọng, lập tức, trại đột-xuất cho nghỉ lao-động vài ngày, cho ăn cơm trắng với thịt kho. Thế là bàn-tán, suy-luận, suy-diễn. Toàn suy-diễn tốt về phía mình. Bồi-dưỡng để tha đây. Đảng và Nhà-nước thay đổi nhiều rồi. Hy-vọng lại dâng tràn. Nghỉ lao-động vài ngày rồi lao-động lề-mề. Quản-giáo không thúc-dục, không kiểm-tra. Giờ giải lao kéo dài cả tiếng. Văn-nghệ ngoài bãi. Nhạc vàng, vọng-cổ hát líp-ba- ga. Tắm thỏa-thuê. Về trại sớm. Trực trại dễ-dãi ca-cóng. Thăm gặp không giới hạn. Có sức tha-hồ gánh quà. Tự-do hàn-huyên với thân-nhân. Sợi giây siết cổ tù-nhân nới lỏng, nới lỏng tưởng chừng tháo tung. Mầm mống nổi loạn vừa nhú lên, vội-vàng tàn lụi. Không có gì đề chống đối cả. Trại đối xử tốt quá rồi. Cứ lè- phè đợi cầm giấy ra trại. Trốn trại là ngu. Bị bắn khổ vợ con. Nổi loạn là dại. Trứng khó địch lại đá. Tư-tưởng thua AK. Cộng-sản biết cách xì bong-bóng. Không bao giờ họ bơm căng, không bao giờ họ dồn tù-nhân vào chân tường. Dồn gần sát chân tường dò dẫm phản-ứng rồi họ lại đẩy ra. Nới lỏng giây siết cổ rồi lại siết dần. Cứ thể, họ quản-lý tù-nhân tháng này qua năm nọ. Và không hề có nổi loạn đánh phá trại giam, cướp súng giết cai tù.
Nghệ-thuật rỉ tai gây ngờ vực rồi thù-hận lẫn nhau giữa tù-nhân của Cộng-sản đã tinh vi, nghệ-thuật tung tin công-khai của Cộng-sản càng tinh-vi. Bàn hương-án bầy ra, Giám-thị, khuôn mặt đằng-đằng sát-khí, lời lẽ sắt thép:
- Các anh chỉ có một con đường chọn lựa. Đó là con đường tích-cực lao-động cải-tạo tư-tưởng để được hưởng sự khoan-hồng của Đảng và Nhà-nước sớm về sum-họp gia-đình. Ngoài con đường đó là vô vọng. Mới đây, đế-quốc Mỹ đòi chuộc các anh. Chúng định giá các anh như súc-vật mỗi đầu người 2500 đô la. Đảng và Nhà-nước ta quý-trọng con người, triệt-để bảo-vệ phẩm-cách con người, không vì cần đô-la mà bán các anh như bán nô-lệ. Các anh đừng hòng đế-quốc Mỹ cứu các anh. Đừng hòng.
Cộng-sản thả cái phao mục cho tù-nhân sắp chết đuối. Chưa đủ, tự nhiên họ ân-cần yêu-cầu tù-nhân nào có thân-nhân di-tản trước 30-4-1975 sang Mỹ, sang Úc, sang Pháp…thì thành-khẩn khai báo. Ai không khai sẽ mất quyền-lợi và không được khiếu-nại. Tù-nhân đang muốn nổi loạn, bèn xìu xuống. Người ta công-khai thảo-luận đề-tài hấp-dẫn “Mỹ cứu tù-nhân cải-tạo”. Người ta suy-diễn. Người ta suy-luận. Người ta chìm vào chiêm-bao. Và người ta chứng-tỏ sự tiến-bộ vượt bực. Chấp-hành Nội-quy thật tốt. Lao-động thật tích-cực. Để được Mỹ cứu.
Tư-tưởng trốn trại và nổi loạn không còn nữa. Nhưng tư-tưởng… đố-kỵ manh-nha. Tù-nhân đặt câu hỏi: Những thành-phần nào được Mỹ chuộc 2500 đô-la một đầu người? Câu trả lời có ngay: Ngụy- quân và ngụy-quyền, tức là sĩ-quan quân-đội, cảnh-sát và công-chức cao-cấp, dân-biểu, nghị-sĩ… Mỹ chỉ cứu người của họ, “đồng-minh” của họ. Khi cần mỉa-mai thì Mỹ chỉ cứu đầy-tớ của họ, tay sai của họ! Thành-phần tù-nhân phản-động kết-luận thế. Bèn có ba giai-cấp tù trong nhà tù. Giai-cấp tù-nhân trình-diện học tập cải-tạo, giai-cấp tù-nhân bị bắt và giai-cấp tù-nhân chống Cộng sau 30-4-1975 bị bắt. Tù-nhân hình-sự không được đề-cập, dù hình-sự có nhiều người kiến-thức và tư-cách ăn đứt tù-nhân chính-trị. Giai-cấp tù-nhân chống Cộng sau 30-4-1975 mà Cộng-sản gọi là “phản-động hiện-hành” có vẻ tự-hào nhất. Rằng, có thể họ bị lừa gạt, bị sa bẫy Mai Chí Thọ nhưng họ dám chống Cộng trong hoàng-hôn chống Cộng. Rằng, tướng tá đào-ngũ trước 30-4-1975, bộ- trưởng đào-nhiệm, nghị-sĩ, dân-biểu, nghị-viên bỏ dân chuồn nhanh, những kẻ chậm chân bị ở lại thì cam đành đóng tiền, xếp hàng, chen lấn trình-diện học tập cải-tạo. Chỉ có họ, những người can-đảm và nhiệt tình, mới dám chống Cộng-sản, trực-diện chống Cộng-sản khi Cộng-sản đã thôn tính miền Nam. Vậy thì họ bèn khinh-bỉ những kẻ hí-hửng đợi chờ Mỹ cứu. Họ nổi cơn phẫn-nộ, nguyền-rủa Mỹ là bọn phản-phúc chó đẻ. Những cuộc đấu võ mồm suýt thành võ chân tay xẩy ra chung quanh đề tài “Mỹ cứu tù-nhân cải-tạo”. Cộng-sản ném một hòn đá chết hai con chim. Nó hư hư thực thực “Mỹ đòi chuộc các anh”, nó lấp-lửng không quy-định “các anh” là ai. Và các anh chống đối nhau, chia rẽ nhau. Thực lòng thì anh nào cũng muốn được Mỹ chuộc với giá 2500 đô la, nhưng thấy mình quá “xa lạ” với Mỹ đâm ra cay cú Mỹ và cay cú thành-phần sẽ được Mỹ cứu. Võ-khí tư-tưởng của hai giai cấp: Chỉ có đầy-tớ Mỹ mới được Mỹ chuộc sang Mỹ tiếp-tục làm đầy-tớ cho nó. Bọn vô danh tiểu tốt, Mỹ đâu thừa tiền chuộc. Như vậy đó, thủ-đoạn Cộng-sản. Khi con người thấy nó không có quyền-lợi thì nó điên lên vì những con người có quyền-lợi. Cộng-sản quán-triệt nghệ-thuật làm con người điên lên. Thí dụ cái tin Mỹ đòi chuộc tù-nhân cải-tạo rất lô-gích mà họ tung ra ở các trại cải-tạo. Sự thành-công của Cộng-sản phải coi là tốt đẹp. Nhiều tù-nhân cải-tạo sợ “bị” được tha sớm. Được tha ở giai-đoạn này là niềm bất-hạnh, là bị xóa tên trong danh-sách tù-nhân được chuộc tiền của Mỹ. Tất cả muốn chờ Mỹ cứu, muốn đợi phái-đoàn Mỹ đến tận trại lao-cải gọi tên mình, ném mình lên trực-thăng, bốc mình luôn ra Hạm đội số 7. Ở đó, vợ con mình đã có mặt! Đó không bao giờ là ảo-vọng mà là sự thật. Sự thật nhanh một tí hay muộn một tí thôi. Và tù-nhân cải-tạo đã hồ-hởi phấn-khởi nằm tù.
Một vài thí-dụ cụ-thể để chứng-minh nghệ-thuật quản-lý tù-nhân của Cộng-sản. Nghệ-thuật này không bao giờ do Ban giám-thị trại hay bọn cai tù chăn trâu cắt cỏ ngọng líu lưỡi sáng-tạo cả. Chúng nó dốt-nát, sáng-tạo sao nổi. Nghệ-thuật quản-lý nhân-dân, quản-lý tù-nhân, quản-lý con người do đám lãnh-tụ chiếu nhất của cái gọi là Bộ Chính-trị trung-ương Đảng sáng-tạo thành chính-sách, thành mệnh-lệnh và bọn cai tù có bổn-phận thi-hành nghiêm-chỉnh.
Bạn đã hiểu tại sao tù-nhân lao-cải ít vượt ngục và tại sao không hề có cuộc nổi loạn ngoạn-mục nào ở các trại tập-trung khổ-sai lao-động.
Trại Tập Trung Trại Tập Trung - Duyên Anh Trại Tập Trung