We don’t believe in rheumatism and true love until after the first attack.

Marie E. Eschenbach

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4352 / 170
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
hường lệ, Đội trưởng bị kỷ-luật thì được biên-chế sang đội khác. Tôi vẫn ở Đội 17 rau xanh làm tù-nhân bình thường. Đội trưởng của tôi là anh Trạng, từ đội của Đằng Giao qua. Anh Trạng, dân Bình Chánh. Quản-giáo Vinh xếp tôi vào Tổ tưới rau. Lúc này, Ngô Đình Hoa, Nguyễn văn Bình đã về với đội Long Thành. Quản- giáo Vinh bị Ban giám-thị phê-bình gay gắt vì đội của ông thầy cầm cờ trắng. Cờ đỏ do đội rau Long Thành đoạt. Cờ xanh nằm trong tay Đội 3 hình-sự. Ông thầy bực tức, Ông thầy phấn-đấu vượt chỉ-tiêu. Ông thầy…tăng phân tươi và tăng nước tưới. Mỗi tù-nhân phụ-trách gánh nước phải gánh đủ 100 đôi 1 ngày. Năm 1979 hạn hán. Tháng 6 mà vẫn chưa có trận mưa nào ngoạn-mục kéo dài vài hôm. Ở trại cải-tạo, mưa là hạnh-phúc. Tù-nhân bình-bầu mức ăn cho ông Trời như sau:
- Đêm tạnh, bắt đầu kẻng báo thức mới mưa. Mưa trút nước qua giờ tập họp lao-động. Cả trại nằm nhà nghỉ-ngơi: Trời hưởng mức ăn 18 ký.
- Ngủ trưa dậy, kẻng tập họp lao-động mưa tầm-tã, cả trại nằm nhà nghỉ-ngơi, Trời hưởng mức ăn 15 ký.
- Đang lao-động, trời mưa, thu-hồi dụng-cụ về trại, Trời hưởng mức ăn 13 ký 50.
- Mưa sớm, mưa đã đời, lúc tập họp lao-động lại tạnh, Trời bị kỷ-luật còng chân 15 ngày, cúp thăm nuôi 1 kỳ.
Mưa không những tù sướng, quản-giáo, vệ-binh cũng sướng. Ban giám-thị không sướng tí nào. Nhưng bắt tù đi lao-động, mưa to sẽ xẩy ra nhiều vụ trốn trại thành-công. Trại mà đề nhiều tù trốn trại, Ban giám-thị sẽ bị kiềm điểm, sẽ khó leo lên địa-vị cao trong ngành quản-lý các nhà tù. Do đó, trốn trại là quan-trọng, tiến-bộ tư- tưởng của tù-nhân là thứ yếu. Mục-đích chính-yếu của chính-sách lao-động cải-tạo tư-tưởng của cộng-sản là gì? Thế-giới, cho đến hôm nay, vẫn bị huyễn-hoặc bởi cách chơi chữ của cộng-sản. Người cộng-sản lúc nào cũng có thể to miệng nói với thế-giới rằng họ không hề bắt nhốt sĩ-quan quân-đội, sĩ-quan cảnh-sát, công- chức cao cấp, dân-biểu, nghị-sĩ, nghị-viên, đảng-phái đối nghịch đảng cộng-sản của và trong chế-độ Việt Nam cộng-hòa. Những thành-phần này, họ gọi chung là “ngụy quân, ngụy quyền”. Rõ-rệt và chính-xác, những thành-phần này đã đi trình-diện học tập cải-tạo. Thế-giới không cần biết cái thông-cáo cưỡng-bức và đe-dọa “ngụy quân, ngụy quyền”. Và cộng-sản phủ-nhận con số tù-nhân chính-trị mà họ giam giữ. Với cộng-sản, không có tù-nhân chính-trị. Các tổ-chức chống cộng-sản sau 30-4-75, những thanh-niên, sinh-viên, học-sinh chiến-đấu cho tự-do, dân-chủ của dân-tộc; những nhà trí-thức đòi hỏi nhân-quyền, bị cộng-sản xếp vào thành-phần “phản-động” can tội phá-hoại an-ninh của “tổ-quốc” và bị bắt bỏ tù không cần xét xử, không có án-tích. Tất cả những nơi giam nhốt, đầy đọa tù-nhân, cộng- sản đều gọi là Trại học tập cải-tạo và thế-giới đều gọi là Camp de ré-éducation. Cộng-sản không gọi là Nhà tù hay Trại tập-trung khổ-sai lao-động. Thế-giới không gọi thế và báo-chí Việt Nam hải-ngoại cũng không gọi thế. Cho nên ý-nghĩa của tù-nhân chính-trị Việt Nam nó phôi-pha dần theo tháng năm. Như tị-nạn chính-trị bước sang giai đoạn tị-nạn kinh-tế! Sự can-thiệp của các hội-đoàn nhân-đạo quôc-tế chỉ nhằm cá-nhân, không nhằm tập-thể. Mọi lên tiếng về tù-nhân chính-trị ở Việt Nam mang tính chất làm cảnh theo cảm-hứng mùa màng. Cộng-sản cấm-chỉ báo-chí thế-giới thăm viếng nhà tù và trại tập-trung của họ. Cả miền Nam, có một trại kiểu mẫu để tiếp phái-đoàn Amnesty International (vì AI trung lập với tất cả các chế-độ chính-trị) và các hội-đoàn quốc-tế thân cộng-sản*. Thế-giới chỉ hiểu lơ-mơ về nhà tù và trại tập-trung khổ-sai lao-động của cộng-sản qua sự tường-trình của những ông Việt Nam cư-ngụ tại Pháp từ 30 năm. Và những ông này đều gọi những địa-ngục từ Việt Nam là Trại học tập cải-tạo! Thủ-đoạn bắt nhốt hàng mấy trăm ngàn tù-nhân của cộng-sản nó siêu-việt thế đấy. Đi học- tập, không đi khổ-sai lao-động. Tình nguyện trình diện học tập cải-tạo, không hề bị bắt giam nhốt. Phải công-nhận cộng-sản chơi chữ rất giỏi.
Ở nhà tù ra sao, bạn đã đọc Nhà tù rồi. Còn ở trại tập-trung ra sao, tôi sẽ cố-gắng viết trung-thực với nhận-xét và kinh-nghiệm của tôi. Cộng-sản không thích cải-tạo tư tưởng tù-nhân. Hiển nhiên, họ không thể chơi trò “brain washing” theo phương-pháp Pavlov cho hàng trăm ngàn tù-nhân. Họ thừa hiểu, tù-nhân lao-cải biết cách nín thở qua cầu. Vậy chỉ cần bắt tù-nhân tê-liệt tâm-hồn, rã-rời thể-xác. Cách thực hiện hữu-hiệu nhất là làm cho tù-nhân đói khổ, làm cho tù-nhân mất phẩm-cách, làm cho tù-nhân sợ hãi. Làm cho tù-nhân đói khổ nằm trong chính-sách làm cho toàn dân đói khổ. Sự tiến-bộ của chế-độ cộng-sản ở Việt Nam là không còn ai chết đói nữa nhưng thường xuyên đói và triền-miên ăn độn. Chủ-tịch Hồ Chí Minh, ở bức chân dung vẽ ông ta đứng dơ bàn tay xòe đủ năm ngón, được dân-gian “học tập” như vầy:
5 ngón tay Bác, 5 đồng bạc “ngụy” ăn 1 đồng bạc cách-mạng.
5 ngón tay Bác, 5 năm tù tối-thiểu cho ngụy-quân, ngụy-quyền, phản-động.
5 ngón tay Bác, 5 lạng thực-phẩm cho một người dân một ngày.
Tù và dân đồng đều tiêu-chuẩn 15 ký lô thực-phẩm mỗi tháng. Thực-phẩm không phải là gạo. Thực-phẩm, có thể, là gạo hẩm cộng với khoai, sắn, ngô hay chỉ riêng rẽ khoai, sắn, ngô, bo bo… Gạo là xa-xỉ-phẩm như nước mắm trên đất khách miền Bắc có lăng Bác. Cách-mạng vô-sản đã đổi đời cho nước mắm. Nước mắm cũng tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững-chắc lên xã-hội chủ-nghĩa thành nước chấm. Muối + nước + kẹo đắng: Nước chấm! Ấm no, hai tiếng này vẫn nằm trong hứa hẹn. Bài ca Tự Túc phổ-biến sâu rộng khắp nước từ năm 1946. Hai câu cuối rực-rỡ tương-lai:
Anh em ơi góp công muôn bàn tay
Đất nước ta ấm no đi đây có ngày
Năm 1976, đài phát-thanh Giải-phóng, chương-trình Nông-nghiệp vẫn hát bài Tự Túc. Tự Túc là nhạc mở đầu và kết-thúc chương-trình. Ba mươi năm sau cách-mạng đất nước ta vẫn đói rét, “đất nước ta ấm no rồi đây có ngày”. Chưa biết ngày nào? Năm nay, 1986, đất nước ta chắc vẫn còn đói rét. Dân chúng đói vì Đảng muốn dân chúng đói. Đói có nghĩa là bao-tử lưng-lửng. Bao-tử lưng-lửng có nghĩa là không thể chết đói. Không thể chết đói nhưng mà rất thèm ăn no. Thèm ăn no thì chỉ nghĩ đến miếng ăn, không thiết nghĩ đến tự-do dân-chủ. Càng không muốn nghĩ đến tranh-đấu cho ấm no, tự-do, dân-chủ. Con người khó lòng vùng dậy khi nó đói mà nó biết nó không bị chết đói. Cái roi gạo của cộng-sản nó nhiệm-mầu thế đấy. Nó phũ-phàng hơn roi điện của thực-dân phát-xít đế-quốc tra-tấn con người. Nó làm hao mòn thịt xương và tiêu diệt ý-chí chống đối.
Ngày xưa roi điện thì còn
Ngày nay roi gạo hao mòn thịt xương
Cái cung-cách cai-trị nhân-dân bằng roi gạo ngoài đời giống hệt cái cung-cách quản-lý tù-nhân trong trại tập-trung khổ-sai lao-động. Ăn ít, làm nhiều. Làm không đem lại kết-quả, vẫn làm. Làm cho đói. Đói bị ăn ít. Ăn ít thèm ăn. Tù-nhân vẫn lại chỉ loay-hoay miếng ăn. Chung quanh miếng ăn là thảm cảnh dẫn tới sa-đọa và mất phẩm-cách. Bất cứ một tù-nhân lao-cải nào cũng có thể nói câu này với bất cứ ai, ở bất cứ đâu mà không sợ mang tiếng bịa đặt: Mọi sinh vật bị tiêu-diệt gọn quanh khu-vực tù-nhân cải-tạo. Thằn lằn, rắn, kỳ-nhông, kỳ-đà, mối chúa, cào-cào, dế, chuột, cua, cá, tôm tép, cóc nhái… Cái gì có thể ăn và có chút chất đạm là tù cải-tạo ăn. Trừ giun ra. Tôi chưa thấy ai ăn giun. Có lẽ, ông nhà báo nào thương tù cải-tạo quá đã cho tù ăn giun thay bo-bo! Mà ăn cả bát giun mới là giầu óc tưởng-tượng. Rất tiếc, ông nhà báo này không được làm đại-diện tù chính-trị Việt Nam để “bốc xê la bút” tại quốc-hội Hoa-kỳ hay là đi kiện Việt cộng. Tù-nhân lao-cải còn ăn rau độn bo-bo cho căng bao-tử. Rau tầu bay, rau cải trời, rau dền dại, rau sam… Có người dám ăn cỏ non. Lý-luận: Dê ăn cỏ, trâu bò ăn cỏ có chết đâu. Trâu ăn cỏ lao-động vô-địch. Bò ăn cỏ sinh bê còn ra sữa. Sữa bò chế thành bơ, thành phó-mát… Cỏ nhất định dồi dào sinh tố. Nhưng cỏ chỉ bổ khi được… nhai lại. Mà người không thuộc loài nhai lại, trừ cộng-sản là loài nhai lại những giáo-điều lạc-hậu, những nghị-quyết mốc thếch, những chiến-thắng chẳng ăn cái giải gì, những khẩu-hiệu gian-dối, những danh-từ rỗng tuếch. Cũng còn có một loài nhai lại. Đó là bọn nhà văn Hamburger, xuân hạ thu đông nhai lại những câu chửi rủa người vắng mặt. Thêm loài nhai lại hiệp định Paris 1973, nhai lại tiền lạc-quyên kháng-chiến, nhai lại tiền ăn cắp di-tản đem theo, nhai lại dĩ-vãng bệ-rạc. Vân vân… Đất nước khốn-khổ của chúng ta hơi nhiều cách-mạng nên khá đông thú vật hai chân nhai lại. Thú vật nhai lại cỏ kháng-chiến bền-bỉ và quang-vinh nhất chỉ có hai tên cùng viết tắt HCM. Một tên đã nằm trong hòm kính. Một tên đang nằm trong thùng nước lèo phở Hòa. Tù-nhân cải-tạo là nạn-nhân của thú vật hai chân nhai lại. Tù-nhân cải-tạo là CON NGUỜI bị thú vật hai chân bắt đồng-hóa với chúng nó. Và đã thử ăn cỏ non. Khi người ta đói, người ta ăn cả thịt người. Đã có trường-hợp thuyền-nhân ăn thịt kẻ đồng-hành chết đói. Tháng 3 năm Ất Dậu, người sắp chết đói ăn thịt người vừa chết đói là thường. Ăn bất cứ cái gì có thể nuốt. Để chết. Người đói vô tội. Kẻ làm cho con người đói đến mất nhân-tính, mất phẩm-cách mới có tội.
Tù-nhân lao-cải không có ai chết đói nhưng “quanh năm tích-cực đói, bốn mùa khẩn-trương đói”. Đói thì “mưu sinh” riêng cho no. Rau cải trời dễ kiếm dễ hái, ăn nhiều mất máu. Cóc nấu cháo ngon lắm, bổ lắm, ăn trúng nọc “cậu trời” là đau quặn bụng, ói mửa ra mật xanh mật vàng. Bạ cái gì cũng ăn thì dễ sinh bệnh. Bệnh thiếu thuốc thì “về sum họp với cha ta”. Đa-số tù-nhân lao-cải chết bệnh là do ngoài đời ăn khỏe quá. Ông tướng Nguyễn Đức Thắng đi lao-cải sẽ kềnh trước tiên. Đói đâm ra lẩn-thẩn, kèn-cựa nhau từ miếng thịt đến muỗng cơm trắng “những ngày lễ lớn”. Chia sắn lát, chia khoai luộc, chia nước muối, chẳng ai thèm nhòm ngó. Chia thịt, chia canh, bắp cải nấu xương heo, chia cơm trắng, một đội 50 tù-nhân 100 con mắt theo dõi người chia cơm, chia thịt, chia canh. Sự thèm ăn làm đầu óc bé lại, tâm-hồn kẹo đi. Thêm cái tiêu-chuẩn thực-phẩm hàng tháng gây đủ mọi chia rẽ, gấu-ó, đấm đá. Đó là Sa Ác B của tôi, một trại đủ thành-phần xã-hội. Những trại khác tôi không biết tù-nhân lao-cải có còn thủ nổi tác-phong “giấy rách phải giữ lấy lề”?
Chế độ thăm gặp ở trại lao-cải chẳng nhân-đạo gì. Nó nhắm ba mục-đích:
1/ Ăn ngon, ăn no thì phải “triệt-để tuân-hành nội-quy và mệnh-lệnh của cán-bộ”. Kinh-tế… cái bị quà luôn luôn bị đe-dọa bởi cái quyết-định thi-hành kỷ-luật. Tù-nhân bướng-bỉnh, “tư-tưởng nấn cấn, nao động nề mề” khó cải-tạo, đa số là tù-nhân “con bà phước”. Kỷ-luật cúp thăm gặp kinh-hoàng nhất, “con bà phước” không ai nuôi, không ai gặp, không sợ hãi cái thứ kỷ-luật răn đe bao-tử.
2/ Ăn ngon, ăn no thì lao-động tích-cực, hết lấy cớ trây lười.
3/ Thăm gặp tạo mâu-thuẫn giai-cấp giữa các tù-nhân. Thằng không có thăm gặp ghét thằng có thăm gặp. Thằng thăm gặp ít ghét thằng thăm gặp nhiều. Giá-trị và cả lòng thù-hận đánh giá bằng cái bị căng phồng quà cáp hay cái bị xẹp lép. Nếu không có chế-độ thăm gặp, tù-nhân bình-đẳng kinh-tế. Như thế tù-nhân yêu thương nhau đoàn-kết thắm-thiết và sẽ gây ra nhũng tai-hại khó lường cho sự quản-lý tù-nhân ở các trại lao-cải.
Đó, ba mục-đích chính của chế-độ thăm gặp nằm trong chính-sách cải-tạo tư-tưởng khoan-hồng và nhân-đạo của Đảng và Nhà nước cộng-sản. Con người chưa bao giờ khổ vì miếng ăn và hèn vì miếng ăn như con người tù-nhân ở trại tập-trung khổ-sai lao-động của cộng-sản. Tuy khổ và hèn nhưng là khổ và hèn bị cưỡng-bức. Tỷ-lệ những người vì khổ mà tình-nguyện xếp mình dưới mức hèn, xếp mình ngang hàng súc-vật hơi khan hiếm. Có lẽ duy nhất một “nhà văn” Tạ Tỵ. Ông này không lao-động vất-vả gì cả. Như ông ta muộn-màng thú nhận, ông ta được “anh em” của ông ta giới-thiệu vẽ chân dung Hồ Chi Minh giữa trại cải-tạo. Và ông ta bảo “Sống trong trại tù thì vẽ HCM hay đi hót cứt, bổ củi, vác gạo, trồng mì cũng như nhaư”. Bị cưỡng-bức vẽ tranh Hồ Chí Minh và được giới thiệu vẽ khác nhau. Ở tù trăm sự đều cay đắng. Hồ Chí Minh đã thở than vậy. “Bác” còn ngậm-ngùi: “Mỗi lời mỗi việc không tự-chủ. Đề chúng dắt đi tựa trâu bò”. Chúng không dắt đi tựa trâu bò mà mình tình-nguyện làm trâu bò thì kẻ vẽ “Bác” không giống tâm-sự “Bác”. Thì bị giới-thiệu cũng là một cưỡng-bức đi, ngồi vẽ “Bác” vẫn nhàn, bao-tử đỡ đói hơn bao-tử bổ củi, vác gạo. Đỡ đói hơn “anh em” mà “ăn cắp khoai mì, ăn vụng thịt dưới nhà bếp, ăn tranh phần khoai và cơm cháy của heo vân vân…”, tôi nghĩ đây là thành-tích rực-rỡ nhất xứng-đáng ghi đậm nét trong L’Arbre de vie của gia-đình ông nhà văn-học nghệ-thuật “ăn cắp”. Thời-đại của chúng ta rất ly kỳ. Rõ đúng…đổi đời. Những thằng mạt rệp tự nhận mình ăn cắp, ăn vụng, ăn tranh phần súc-vật, vẫn trơ-trẽn phỉ-báng người khác những tội mơ-hồ, bịa đặt. Cái trường-hợp no mà vẫn ăn cắp, ăn vụng chính là biểu-tượng của đám quốc-gia bẩn vậy.
Đã biết cái thủ thuật cộng-sản đánh vào bao tử tù-nhân làm cho tù-nhân khốn-khổ và hèn-hạ vì miếng ăn, nên biết thêm cái thủ-thuật cộng-sản đánh vào đầu óc khiến tù-nhân tê-liệt tư-tưởng rồi biến thành âm-binh cho phù-thủy sai phái. Bí-kíp nằm giữa thủ-thuật này là phê-bình và tự phê-bình. Một học-giả Trung Hoa nói: “Kẻ sĩ một ngày không đọc sách thánh-hiền, soi gương thấy mình xấu-hổ”. Hồ chủ-tịch vĩ-đại nói: “Một ngày không tự phê-bình, soi gương thấy mình chưa rửa mặt”. Hồ Chí Minh có tài đạo văn. Bác Hồ rất nhiều tài, tài nào cũng có thể suy tôn, vì khó kiểm-chứng. Riêng tài đạo văn, Bác bị lòi tẩy. Bác cứ thuổng tư-tưởng của thiên hạ, “sáng-tạo” ra cái của Bác. Trong Lời khuyên học trò, Nguyễn Bá Học viết: “đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông”. Bác vi-vút lời Bác “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền thôi. Đào núi và lấp biển là khó mà quyết-chí thì cũng làm nên”. Bác thuổng lu-bù…Câu thuổng xây-dựng nên tư-tưởng Hồ Chí Minh về cái “dịch-vụ” phê-bình và tự phê-bình đã phá vỡ sự gần-gũi, sự thân-thiết dân-tộc. Nó là thủ-đoạn chia tình người đề quản-lý con người, xẻ tâm-hồn con người để kiểm-soát linh-hồn con người. Nó phát-triển mạnh-mẽ từ sau 1956, khi cộng-sản Hà nội đã đưa nông-dân vào Nông-hội, Hợp-tác-xã.
Từ đây, nông-dân được giao quyền làm chủ tập-thể dưới quyền điều-hành của bọn đảng-viên Chủ-nhiệm, Bí-thư Nông-hội, Hợp-tác-xã. Nông-dân bận-bịu họp-hành, bình-bầu xã-viên xuất-sắc, phê-bình xã-viên thiếu tích-cực và tự phê-bình mình. Vân vân. Nông-dân vốn hiền lành, ghét họp-hành và tối-kỵ phê-bình họ-hàng, láng-giềng, chòm-xóm công-khai. Những buổi họp đầu tiên không được khuyến-khích phê-bình và tự phê-bình. Dần dần, phê-bình và tự phê-bình được khuyến-khích. Rồi lời Hồ chủ-tịch đem ra học tập. Rồi Chủ-nhiệm Hợp-tác-xã chủ-trì các buổi họp phê-bình các buổi họp thiểu phẩm-chất. Vì thiếu phê-bình và tự phê-bình. Người ta cố kéo dài phiên họp đến nửa đêm. Nông-dân ngáp vặt. Nông-dân thèm về ngủ mai sớm còn thay trâu kéo cầy “xây-dựng tổ-quốc”. Bắt đầu tự phê-bình những khuyết-điểm lặt-vặt vô-tội-vạ. Cộng-sản rất kiên-trì trong công-tác “giáo-dục” nhân-dân. Cái lặt-vặt sơ-hở sẽ là cái rắc-rối cuối đường. Nông-dân “làm quen” với phê-bình. Từ làm quen thành thói quen. Thói quen dễ-dãi: Phê-bình cho xong chuyện, cho chóng giải-tán buổi họp về ngủ. Vậy thì nông-dân phê-bình lẫn nhau những chuyện đến muộn vài phút, nghỉ sớm vài phút, bệnh nhẹ không khắc phục, không chấm công công-bình, không tích-cực bảo-vệ tài-sản tập-tục… Nông-dân lại “com bin” với nhau. Tôi phê-bình bác như thế này, bác phê-bình tôi như thế này. Cho xong chuyện. Cộng-sản nó nghiên-cứu kỹ-lưỡng, nó phá chiến-thuật phê-bình của nông-dân. Thủ đoạn cầy-cáo của cộng-sản là rỉ tai, xuyên-tạc, gây thù-hận.
Cộng-sản:
- Bác thân với bác A lắm nhỉ?
Nông-dân B:
- Thân lắm.
Cộng-sản:
- Tôi không tin.
Nông-dân B:
- Đồng-chí không tin cái gì?
Cộng-sản:
- Bác A nói với tôi rằng bác cứ hậm-hực cái ao cá của bác bị vào Hợp-tác-xã.
Nông-dân B:
- Tôi nói với ai bao giờ?
Cộng-sản:
- Tôi không nghĩ bác nói đâu. Bác tiến-bộ, xã-viên lý-tưởng. Nhưng ở đời nó có hai chữ ai ngờ, bác ạ!
Cộng-sản đến thăm nông-dân B, bỏ nhỏ tí ti rồi về. Thay vì đi tìm sự thật ở nông-dân A, nông-dân B nghiến răng thề sẽ “chơi” nông-dân A một vố. Cộng-sản tạo cơ-hội để nông-dân B thấy rõ nông-dân A hay gặp riêng đồng-chí Chủ-nhiệm. Vậy là buổi họp, nông-dân B phê-bình nông-dân A theo cung cách…tố cáo. Bao nhiêu lời tâm sự uất ức Đảng của nông-dân A được khai vanh vách. Phê-bình thành tố cáo. Tố-cáo thành phong-trào. Cộng-sản biết hết thâm ý của nông-dân mà cai-trị. Nông-dân thù ghét nhau, sợ hãi nhau, không dám gần-gũi nhau tâm-sự thân-mật. Nhà nào nhà nấy đóng cửa. Gặp nhau ở Hợp-tác-xã thôi. Mọi người đề-phòng lẫn nhau. Thủ-đoạn cộng-sản trả lời câu hỏi tại sao không có cuộc nổi dậy nào của nông-dân miền Bắc.
Phê bình và tự phê-bình vào quân-đội, vào công-an, vào khắp các cơ-quan, các ngành. Vào nhà máy, bắt buộc. Vào cả đoàn-thể nhi-đồng. Vào nhà tù và trại lao-cải thì tinh-vi hơn. “Ăng-ten” nằm ở biên-bản các buổi họp của đội cuối tuần, ở tự kiểm... “Ăng-ten” ở sự tố-cáo lẫn nhau bởi thủ-thuật chia rẽ, gây thù-hận của cai tù. Một thí dụ điển-hình nhất cho tất cả các trại lao-cải:
Tù-nhân X là người có địa-vị xã-hội, có uy-tín ở xã-hội cũ, có uy-tín trong đội, trong trại được các tù-nhân yêu mến và coi như lãnh-đạo tinh-thần của tù-nhân. Phải hạ gục tù-nhân X. Dễ-dàng lắm. Cả đội đang cuốc đất dưới nắng chang-chang, mồ-hôi tầm-tã, thầy quản-giáo ra bãi gọi tù-nhân X vào nhà lô 1). Nội-dung cuộc “làm việc” giữa quản-giáo và tù-nhân X sẽ như thế này:
Quản-giáo:
- Anh cải-tạo mấy năm rồi,anh X?
Tù-nhân X:
- Thưa cán-bộ, 5 năm.
Quản-giáo:
- Năm năm thì cũng sắp về rồi đấy.
Tù-nhân X:
- Tôi hy-vọng thế.
Quản-giáo:
- Vợ con anh thăm gặp anh đều chứ?
Tù-nhân X:
- Thưa cán-bộ, đều.
Quản-giáo:
-Anh cần gửi thêm thư cho gia-đình không?
Tù-nhân X:
- Cám ơn cán-bộ, một tháng một lần đủ rồi.
Quản-giáo:
- Anh nhận-xét về đội ra sao?
Tù-nhân X:
- Tất cả tích cực lao-động, cải-tạo tư-tưởng tốt.
Quản-giáo:
- Không hơn thế đâu.
Chuyện sang vụ thu-hoạch sắp tới. Rồi làm gì, nghĩ gì khi về sum-họp gia-đình. Rồi uống nước rễ tranh, hút thuốc lào. Quản-giáo kéo dài giờ giải-lao của tù-nhân X. Khi tù-nhân X trở lại bãi, anh em xúm lại hỏi. Tù-nhân X tường-thuật trung-thực cuộc mạn-đàm. Anh em tin. Hôm sau xẩy ra như vậy. Anh em tin. Hôm sau nữa cũng vậy. Anh em vẫn tin. Rồi mạn-đàm hoài, anh em “lạ quá”. Từ lạ quá đến ngờ vực. Cho đến một hôm, buổi sáng tù-nhân X mạn-đàm với quản-giáo thì buổi chiều tù-nhân Y được gọi sỉ-vả và bị kỷ-luật. Quản-giáo tập họp đội, tuyên-bố quyết-định kỷ-luật tù-nhân Y thòng thêm câu:
- Cán-bộ có bị che mắt, còn mắt khác nhìn giúp.
Tù-nhân X trở thành nạn-nhân của quản-giáo, của trò chơi triệt-hạ uy-tín cá-nhân. Ông bị gán ghép tội “Ăng-ten”. Đội khinh-bỉ ông. Trại khinh-bỉ ông. Tiếng xấu lan đi khi có tù-nhân chuyển trại. Đây chỉ một thí-dụ điển-hình. Còn hàng trăm thủ-đoạn tạo ngờ-vực, thù-hận giữa các tù-nhân, chủ-đích làm các tù-nhân không thể hội họp, bàn-tán âm-mưu chống đối và trốn trại. Ngu-xuẩn nhất vẫn là kẻ tin vào lời cai tù rỉ tai tù về chuyện tù-nhân khác. Mà kẻ tin lời cai tù lại thêu dệt thêm giúp cai tù. Và không còn là một kẻ. Mà đa-số mê sảng trong thủ-thuật cộng-sản. Trong tù mê sảng chưa đủ, ngoài tù cũng mê sảng. Mê sảng cả ở hải-ngoại. Rốt cuộc, con người tù-nhân cộng-sản ngoài nỗi khổ, nỗi hèn vì roi gạo quất vào bao-tử, còn thêm nỗi khổ, nỗi hèn vì roi phê-bình, tự phê-bình và tin đồn phun ra thì lưỡi rắn quất vào đầu óc, vào trái tim, vào thân-phận. Đau-đớn cả thể-xác lẫn linh-hồn mà, ngay cả tù-nhân, đa-số vẫn chẳng khôn lớn tí nào.
Roi gạo và roi phê-bình cộng với lao-động quần-quật, với vô-vọng ngày tha của án phạt đê-tiện Tập-Trung Cải-Tạo, tù-nhân tê-liệt tư-tưởng, rã-rượi thể-xác. Cộng-sản chỉ muốn giáo-dục con người trở thành con người khiếp-nhược, cam đành và gian-dối. Bởi thế,tù-nhân lao-cải khi được thả ra thì sợ-hãi tất cả. Trại lao-cải là cơn ác-mộng ám-ảnh thường xuyên. Có người đã trốn thoát ra ngoại-quốc vẫn ngẩn-ngơ như bị hớp hồn. Có người hấp-thụ nền giáo-dục gian-dối, mở miệng là phì nọc điêu-ngoa. Nhiều người học tập thụ-hưởng vật-chất đề quên học tập cải-tạo. Cộng-sản đã thành-công rực-rỡ với chính-sách học tập cải-tạo của họ. Hình như, chúng ta và tế-giới còn rất mù-mờ về sự thành-công chó đẻ này.
Tháng 6, trời nắng bạo, rau xanh cần tưới nước. Tôi phải gánh nước oằn vai. Đức-méo kéo xe cải-tiến lấy cát ở đoạn sông khu vườn rau của tôi, thấy tôi cởi trần gánh nước, đã chớp mắt thương-hại. Tôi đã cười nhìn Đức-méo, ông Phó-quận hành-chính Xuyên Mộc cũ. Tôi rất tự-hào tôi gánh nước giỏi, gánh đủ 100 đôi một ngày mà mỗi đôi, quản-giáo Vinh đều gạch dấu trong cuốn sổ kiểm-soát của hắn. Tôi tự-hào vì cáì gì cộng-sản làm được, tôi làm được; cái gì tôi làm được, Cộng-sản không làrn được. Và bất cứ cái gì đã gọi là công việc, tôi đều làm đến nơi đến chốn, làm hay và làm giỏi hơn người khác. Tôi sẽ hãnh-diện nếu ai bảo tôi gánh nước biểu-diễn ở Paris hay ở California.
° ° °
Gánh nước được hơn một tháng, tôi bị chuyển sang Tổ phân tiểu như một Tổ trừng-giới và có biệt-danh Long-ếch-mù. Quản-giáo Vinh yêu cầu tôi “ủng hộ” cái gà-mèn Mỹ đã bị tịch-thu quai đề hắn sai anh Nại làm plaque gửi về Bắc tặng đào, tôi từ chối. Ông thầy ghét tôi sẵn càng ghét thêm. Anh Mẫm ở đội tôi là người vừa ngọng vừa khù-khờ. Buổi chiều gánh nước ở cái vũng chứa nước nhà bếp cán-bộ chảy ra, Mẫm vồ được con ếch. Mẫm khoe ầm-ỹ. Tôi cao hứng hỏi:
- Con ếch có mù không?
- Không.
- Tưởng nó mù chú mày mới vồ được chứ.
Quản-giáo Vinh gọi tôi tới “làm việc”:
- Anh Nong, anh vi phạm kỷ nuật.
Tôi cãi:
- Tôi làm gì đâu?
- Anh ám chỉ ai mù, cách-mạng mù à?
- Cán-bộ đừng nâng cao quan-điểm.
- Cách-mạng không mù, cán-bộ mù à?
- Tôi chỉ hỏi xem con ếch có mù.
- Con ếch không mù. Anh mù. Anh nà hình-nhân được gắn hai con mắt giả.
- Vâng, con ếch không mù.
- Anh phải nhận anh mù.
- Tôi mù, cũng được. Tôi mù, tôi không nhìn thấy gì cả.
- Náo. Anh nhìn thấy một thứ.
- Cán-bộ muốn tôi nhìn thấy cái gì?
- Anh nói đi, tự-giác nói đi!
- Tôi nhìn thấy sự sáng-suốt của cách-mạng.
- Nại xỏ-xiên. Anh phải nhìn rõ bản-chất phản-động cộng nưu- manh của anh và đồng bọn. Mai anh phục-vụ Tổ phân tiểu. Rõ chưa?
- Rõ.
Đội gọi tôi tên mới: Long-ếch-mù. Vui thật. Tổ phân tiểu của tôi gồm 6 người. Đặng Hoàng Hà (không vồ đủ chỉ-tiêu cào-cào nuôi chích-chòe), Phạm Kim Sơn (dám nói không trốn trại mà ra về đường-đường chính-chính), Nguyễn Sắc (dám nói ông thầy không có kinh-nghiệm trồng mướp), Nguyễn văn Lợi (dám từ-chối leo cây cao bắt tổ chim cho ông thầy), Trần văn Tư (dám hát “đi trồng rau nhớ thăm nuôi xà bông”) và tôi (dám bảo con ếch mù). Tổ phân tiểu của tôi có nhiệm-vụ cung-cấp phân và nước tiểu cho hai Tổ bón rau và Tưới rau. Cầu-tiêu cơ-quan, nơi dành riêng cho Ban giám-thị và cán-bộ đi cầu, nằm trong khu-vực vườn rau của tôi. Thầy quản-giáo Vinh giáo-dục tù-nhân rằng: “Hễ Ban giám-thị ngang qua. Đội trưởng phải hô nghiêm, báo-cáo quân-số. Mọi người đang và nàm gì thì vất bỏ, đứng nghiêm”. Đội trưởng cứ nhìn anh Việt cộng nào già là... cho làm Ban giám-thị. Xẩy ra một hôm, có anh Việt cộng già ngoài khu A vô chơi. Anh này Ban giám-thị thật. Anh đi ngang qua vườn rau. Đội trưởng Trạng hét bự:
- Nghiêm!
Ban giám-thị giật mình.
- Báo-cáo Ban giám-thị. Đội 17 rau xanh…
Ban giám-thị vẫy tay:
- Thôi, đi ỉa miễn báo-cáo!
Lại một hôm, có anh Việt cộng trung niên qua vườn rau, Đội trưởng không hô nghiêm và báo-cáo. Không sao cả. Hôm khác, tưởng bở, Đội trưởng lờ tít một anh Ban giám-thị. Bị dũa. Từ đó, Việt cộng cỡ 30 tuổi đi ỉa, Đội trưởng Trạng đều phong chức Ban giám-thị, hô nghiêm và báo cáo. Như vậy chắc ăn, phản-ánh đúng tinh-thần “giết oan hơn tha lầm” của Đảng. Chuyện này gợi nhớ anh hề Văn Chung. Trong các hề Việt Nam, tôi khoái nhất hề Văn Chung. Anh ta đóng vai hàn-sĩ nhà quê lên kinh-đô chờ lọt mắt xanh của vương-tôn công-tử. Bạn anh ta dặn cứ ngồi góc phố, gặp ai đi qua có quân lính hộ-vệ thì “vạn-tuế thiên-tử”. Có vị nguyên-soái ngang qua, anh hàn-sĩ tung hô:
- Vạn-tuế thiên-tử!
Bị đá đít và nhắc nhở:
- Tao là nguyên-soái, mày muốn tao đảo-chính vua à?
Vị thái-tử đi qua, anh hàn-sĩ tung hô:
- Vạn-tuế nguyên-soái.!
Bị bợp tai và nhắc nhở:
- Tao là vua con, sắp là vua cha, mày muốn cách chức tao à?
Từ đó, bất cứ anh nào ngang qua, hàn-sĩ đều nhẩy lòng-vòng, miệng tung hô…trung-lập:
- Vạn-tuế anh nào đi qua đếch biết! Vạn-tuế anh nào đi qua đếch biết!
Ngày mới vào Sa Ác A, Đằng Giao đã vẽ một giấc mơ đổ thùng. Bây giờ, hơn cả đổ thùng mỗi hôm một tiếng nhàn-hạ, thảnh-thơi, tôi phải xuống hầm phân múc phân đầy xô xách lên. Tôi không được hân-hạnh đổ thùng quét rửa cầu-tiêu. Công việc “cao quý” này của Tổ vệ-sinh trại. Sa Ác B không tin tù chính-trị. Trật-tự là tù hình-sự; Thông-tin văn-hóa là tù hình-sự. Thăm gặp là tù hình-sự. Vệ-sinh, cấp-dưỡng là tù hình-sự. Lâm-sản là tù hình-sự...
Cảm giác đầu tiên của tôi khi xuống hầm phân nhung-nhúc hàng tỉ con ròi, tôi đã ghi lại trong tiểu thuyết Đồi Fanta, nhân-vật chính là thằng nhãi bị đầy-đọa như tôi.
“Tôi đang xuống hầm phân thối um và hàng tỉ con ròi bò lúc-nhúc ghê gớm. Tôi muốn ói. Nhưng cố nín. Rồi cũng phải ói. Tôi không kịp bước lên, ói tại chỗ, ói trên những con ròi, ói trên lớp phân có mùi thối không tên gọi, không so-sánh. Tôi ói hết phần sắn điểm-tâm, ói đền phần sắn chiều qua chưa kịp tiêu hóa, ói ra mật xanh, ói ra mật vàng, ói toàn nước bọt, ói khan quặn bụng. Thằng nhãi khiêng chung xô phân với tôi dục nhắng. Nó sợ chậm-chạp cán-bộ đinh nó. Nó vục xô thứ nhất, tôi và nó khiêng. Nó cho tôi đi trước cầm đầu khúc cây dài. Chuyến thứ hai, thấy tôi vẫn ói khan, nó bảo để nó vục. Tôi cám ơn nó, tự tay cầm xô vục. Bắt chước nó, tôi đưa hai tay xuống phân dưới hầm lùa vào cho đầy xô. Những con ròi bò bên cánh tay tôi. Tôi ngẩng mặt nhìn lên. Mặt trời nhìn tôi … Thằng Tổ trưởng nói đúng. “Xuống hầm vài lần là quen, hết sợ hãi”. Tôi muốn nói: Đã đến cái nước xuống hầm phân nhung nhúc ròi vục cả phân lẫn ròi bằng tay thì trên đời không có gì đáng sợ nữa, thì sẽ dám làm bất cứ việc gì. Tổ phân khen tôi xứng đáng dân xiện. Chúng nó bầy tôi rửa tay sạch rồi lấy lá cải chà nát thay xà-phòng. Quả nhiên mùi hôi bay biến. Tuy thế, buổi trưa tôi không ăn nổi, nghĩ tới hầm phân.
Tôi nổi da gà”…
Có lẽ, tôi hạnh phúc hơn thẳng nhãi nhân-vật Đồi Fanta. Là, tôi có xà-phòng rửa sạch tay trước khi chà lá cải, lá húng chó.
Sự chấp nhận xuống hầm phân của tôi được giải-thích trong Sỏi đá ngậm ngùi.
“Bây giờ, hầm đã cạn, không thể đứng trên bờ ròng cái xô xuống múc mà kéo lên. Do đó, đội trưởng Jacqueline đã cho làm cái đường thang thoai-thoải xuống hầm. Nhưng lom-khom trên bực thang đất dễ té nhào nên tù-nhân đành phải lội hẳn xuống phân bầy-nhầy, hôi thối, hàng tỉ con ròi, vục xô múc đầy để bên trên kéo lên. Tôi đứng sát miệng hầm, nhìn xuống. Sự ưu-việt của chủ-nghĩa cộng-sản ở dưới ấy. Đầy-đọa con người tới mức đó là hết. Chị Jacqueline hỏi tôi:
- Liệu chị kham nổi không?
- Tôi cố gắng. Tôi đáp.
- Nếu không kham nổi, cứ ỳ ra. Nó kỷ-luật mình tống vô cachot còn sướng, khỏi lao-động.
- Tôi kham nổi.
Chị Thanh cũng chạy lại, khuyên tôi:
- Chị không xuống hầm phân nó cũng không dám giết chị đâu. Chúng tôi đều chê hầm phân. Để bọn ngu sợ-hãi. Chúng tưởng lao-động tích-cực thì sớm được tha. Còn lâu.
Tôi nói:
- Nó hỏi tôi trí-thức làm được những việc gì. Tôi trả lời trí-thức làm được tất cả. Tôi cần chứng-tỏ với chúng nó rằng, việc của chúng nó, người trí-thức làm được còn việc của trí-thức, chúng nó không làm được. Tôi còn muốn chứng-tỏ với chị và với chính bản thân tôi.
Chị Thanh lắc đầu:
- Chị khó hiểu nhưng tôi yêu chị.
Tôi cầm tay chị Thanh:
- Đừng ví tôi với bọn ngu chỉ biết sợ hãi và ham được tha, chị nhé! Tôi tích-cực làm việc vì đó là công việc. Công việc đó đem lại kết quả gì, không cần đếm xỉa. Tôi tập làm việc nào đến nơi đến chốn việc đó…”
Công việc xuống hầm vục phân đem lên ngào chung với tro và mạt cưa bón rau như vậy. Còn vào các cầu-tiêu của trại gánh nước tiểu thì nhẹ-nhàng, tuy mùi khai xông lên làm cay xè mắt. Tôi đã xuống hầm phân, gánh nước tiểu “nguyên chất” liên tiếp hai tháng.
--------------------------------
1 Căn nhà tù dựng ở bãi lao-động của Đội để nấu nước, chứa dụng-cụ lao-động, trú mưa và họp đội đột-xuất.
Trại Tập Trung Trại Tập Trung - Duyên Anh Trại Tập Trung