Reading is to the mind what exercise is to the body.

Richard Steele, Tatler, 1710

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4352 / 170
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
hững ngày đầu “làm quen lao-động”, thầy quản-giáo Để cho đội của tôi tự-do. Mệt thì nghỉ. Muốn nghỉ bao lâu tùy ý. Dẫu là nông-dân nhưng nhiều tháng nằm tù không lao-động, tay chân sưng mọng, phồng nước đau xót. Rồi những chỗ mọng nước vỡ ra, chai lại. Đó là lúc tù-nhân phải lao-động đúng thời-khóa-biểu quy-định theo tiếng kẻng. Kẻng của Sa Ác B là vỏ trái bom. Đánh kẻng bằng khúc sắt tròn nhỏ, âm-thanh của nó vang vọng chu-vi một cây-số. Có 11 hồi kẻng trong ngày. Kẻng báo thức sáng. Kẻng tập họp đi lao-động. Kẻng giải-lao. Kẻng vào lao. Kẻng tan lao. Kẻng báo thức trưa. Kẻng tập họp lao-động. Kẻng giải lao. Kẻng tan lao. Kẻng tập họp điểm danh vào nhà. Kẻng báo ngủ. Chủ-nhật chỉ có ba hồi.
Giai-đoạn đầu tiên của chúng tôi là chuẩn-bị đất trồng rau. Nghĩa là phát quang. Tất cả các đội đều phải phát quang giai-đoạn đầu. Đội của tôi chia thành 5 tổ. Một tổ hạ những cây lớn cháy lưng chừng, bứng gốc lên rồi khiên cây chất một chỗ. Những cây bị bom napalm làm cháy không lớn lắm, ở khu-vực lao-động của chúng tôi, nên đào đất sâu quanh gốc, bứng cũng dễ dàng. Một tổ san-bằng các gò mối cao lấy đất lấp hố bom. Một tổ khiêng đất lấp hố bom. Hai tổ chặt cây nhỏ, cỏ tranh đầy gai xếp thành đống.
Đội 21 nông-nghiệp của Đằng Giao được giao công-tác mở đường xuyên khu AB để xe vận-tải có thể lưu-thông. Hai bên đường cũ có vài trái bom chưa nổ. Muốn đắp đường rộng, phải đào bom khiêng đi. Những trái bom cắm sâu xuống đất. Đội của Đằng Giao có hai quái-nhân và một lý-thuyết-gia “cái gì cũng có thể làm được”. Quái-nhân thứ nhất. Trung sĩ Phạm Thái Ất – khi chưa khai lý-lịch riêng nộp quản-giáo xưng là Đại-úy không-quân trốn trình-diện cải-tạo. từng bay trên phản-lực điều-khiển B52 trút bom, với tù hình-sự khoe là trung-ương tình-báo cộng-tác với CIA – lính địa-phương Long Khánh, người luôn luôn tỏ vẻ hơn mọi người khác. Quái nhân thứ hai, Tạ Dung, võ-nghệ đầy mình, khỏe như voi, nửa điên nửa khùng, từng cầm ngang cây cuốc đứng giữa bãi nắng, nhìn mặt trời mà cười hết nửa buổi khi bị kỷ-luật. Thầy quản giáo Bản điếc không sợ bom nổ, thích chơi bạo, muốn đào bom khiêng đi. Thầy nghĩ các anh Cù Chính Lan, La văn Cầu, Bế văn Đàn dám chơi bạo, thầy sẽ dám… bắt tù-nhân chơi bạo. Thầy hỏi ý-kiến lý-thuyết-gia Nguyễn Mạnh Côn. Anh Côn bảo bom đã rơỉ mà không nổ thì không bao giờ nổ!
Đằng Giao kể xong, lắc đầu:
- Tôi sợ bố Côn quá. Bố ấy cứ làm như... khoa-học giả-tưởng.
Tôi hỏi:
- Đào bom không?
- Đào. Đóng phim xì-cu-mun phước-thiện. Sợ xón đái ra quần. Vừa móc đất bằng tay vừa run, vừa buộc giây vừa rét, vừa khiêng vừa niệm Phật.
- Mấy quả?
- Mới hai.!
- Còn mấy?
- Ba.
- Để đâu?
- Giữa bãi vắng. Chất củi, cỏ chung quanh, châm dầu, đứng xa liệng bùi nhùi lửa vào rồi chạy.
- Nổ không?
- Củi cháy hết mà nó đếch nổ.
- Bố Côn đã đúng. Còn cu Ất?
- Nó bảo bom cắm xuống đất lâu ngày nó…chết rồi! Thằng Tạ Dung hung-hăng khiêng.
Chúng tôi đã đào bom chưa nổ, khiêng bom và lấp những hố bom đã nổ. Tôi có dịp suy-nghĩ về những trái bom chưa nổ và những hố bom. Dân-tộc bất-hạnh của chúng ta là nạn-nhân của Mỹ và Liên-xô, tư bản đô-la và vô-sản rúp. Mỹ đem bom tàn-phá quê-hương ta, chúng nó đã trút bom xuống mồ mả tổ-tiên chúng ta, khai quật hài-cốt tổ-tiên chúng ta, mà chúng nó bảo chúng nó khai-phóng dân-chủ, bảo-vệ tự-do cho chúng ta. Nhưng rồi chúng nó cuốn cờ chạy làng, sau một phản-phúc đê-tiện nhất nhân-loại. Chúng nó chạy làng, dắt theo bọn thống-trị cầy cáo tay sai. Chúng tôi ở lại. Cộng-sản bắt chúng tôi khiêng bom Mỹ chưa kịp nổ và lấp hố bom đã nổ. Suy-nghĩ hóa thành bài thơ:
Nhân danh ai?
Những trái bom chưa nổ
Những trái bom chưa nổ
Nằm ngổn ngang đâu đó
Nằm ngổn ngang đâu đây
Ta tháo gỡ từng ngày
Những trái bom đã nổ
Vực sâu còn đâu đó
Vực sâu còn đâu đây
Ta lấp kín từng ngày
Nhân danh ai bom nổ
Người chết không nấm mộ
Nhân danh, nhân danh ai
Người sống tìm tương lai
Gỡ bom và lấp hố
Ta vác thánh giá này
Vác bom chưa kịp nổ
Ta chịu đau thương này
Đem thân ta lấp hố
Văn minh nào sẽ nở
Trong nhân loại một mai
(Thơ Tù – Nam-Á Paris, 1984)
Cái động của trại tập-trung khác hẳn cái tĩnh của nhà tù. Nó gầm-gừ đe-dọa cắn xé da thịt. Nếu tôi được trải qua 10 trại lao-cải từ Sơn La vào Thanh Hóa. Lao Bảo, Kàtum…, chắc chắn, tôi sẽ viết nổi một Goulag như một báo-cáo tội-ác của cộng-sản với loài người. Tội ác ấy, một nửa dân tộc Mỹ phải gánh chịu. Phần thứ hai của Trại Tập-trung, tôi sẽ viết theo lời kể của các tù-nhân đã ở các trại khác nhau. Bạn sẽ biết trại An Túc ở Đà Năng, nơi tù-nhân bị tù-nhân thủ-tiêu và các tù-nhân bác-sĩ phản tỉnh thay phiên nhau tự sát ra sao.
Chúng tôi đã lao-động nửa tháng. Đằng Giao đã hết “tự-hào” khi bưng ghế cho vệ-binh.
- Bọn nó hách-xì-xằng hơn cụ Hách xì-xằng và ngọng hơn thằng Ngọng của tôi, ông thầy ạ?
Anh ta chán nản:
- Số khốn-nạn mới bị làm Đội-trưởng, toàn những thằng muốn làm tù cha. Nói với mình thì chúng nó bất-chấp, đứng trước quản-giáo chúng nó rúm lại. Phản-động cái gì!
- Có nhiều loại phản động.
- Tướng sư-đoàn đếch chỉ-huy nổi một đội tù cà-chớn.
Đằng Giao và tôi ăn cơm chung ở Sa Ác. Chúng tôi đã được viết thư về báo tin cho gia đình biết trại mới. Ở đây, hai tháng thăm nuôi một lần và gặp vợ con hai mươi phút.
- Tôi rầu bố Côn quá.
- Ông ấy lẩn-thẩn rồi. Thuốc phiện làm ông ấy sáng-suốt và thuốc phiện hủy-diệt ông ấy toàn diện.
- Ông ấy ra bãi được ngồi chơi thì cứ ngồi chơi, lại ham ý-kiến lao-động.
Viết về anh Nguyễn Mạnh Côn thật là khó. Vì anh ấy đã chết. Ba chúng tôi Đặng Hải Sơn, Đằng Giao và tôi thoả-thuận với nhau, nếu còn sống ra đời tự-do, sẽ quên anh Côn. Những nếu có kẻ nào phong thánh, phong thần cho anh Côn và ông Hồ Hữu Tường, bổn-phận của chúng ta phải nói cho đúng. Chúng ta không thề bắt con cháu chúng ta thờ-phụng những vị anh-hùng không bao giờ là anh-hùng. Tôi vừa đọc đâu đó, bài của một vị tự nhận mình là chứng-nhân, bảo rằng cộng-sản đã vất anh Côn vào biệt-giam, bỏ đói anh 3 ngày và anh chết ở đó. Điều này hoàn toàn sai. Tù-nhân chứng-kiến diễn tiến từng ngày vụ Nguyễn Mạnh Côn ở Sa Ác, ở Paris, ít nhất có Trần Thanh Liêm, phi-công trực-thăng; ở Mỹ, ít nhất có Đức-méo, Phó quận và Ngô Đình Hoa, Phó quận. Văn-nghệ Sài gòn trước 1975 đã xẩy ra một vụ thật bẩn. Là âm-mưu làm tiền nhà tỷ-phú Phạm Quang Khai. Công-ty này gồm 4 nhà văn, nhà thơ lừng danh. Tỷ phú Phạm Quang Khai nhờ cảnh-sát gài bẫy. Bắt trọn ổ. Một nhà văn sắp chết được miễn vào ấp. Một nhà thơ vốn là Giám-đốc Đài phát-thanh, bắt thì xấu hổ chế độ. Vậy tha. Hai nhà vào ấp là Vũ Bằng và Mặc Thu. Sau 30-4-1975, hai nhà này được giải-phóng. Nhà văn Mặc Thu bị bắt đi cải-tạo. Nhà “tiền chiến” Vũ Bằng không bị bắt. Ta cứ lơ-mơ lờ-mờ ghép vào vụ Nguyễn văn Thiệu bắt Sức Mấy, Chóe…cho nó chính-trị, đối-lập chế-độ cũ. Cái dấu-tích ô-nhục tống tiền tỷ-phú Phạm Quang Khai không thấy nhắc-nhở trong những bài báo tưởng-mộ, truy-điệu một nhà văn nham-hiểm đã đóng kịch ăn uống với anh em chê người này, chửi người kia rồi giăng bẫy cho Mai Chí Thọ. Không nên đề những thằng bẩn, dù là nhà văn, đóng vai quân-tử khi sống và khi chết.
Vậy cần xét lại và viết thật chính xác. Riêng anh Nguyễn Mạnh Côn, tôi chỉ viết về những ngày sống chung với anh ta ở Chí Hòa và Sa Ác. Những chuyện ứng-cử dân-biểu, nằng-nặc đòi tặng Nguyễn Văn Thiệu bản thảo hoà-bình nghĩ gì, làm gì đóng bìa da gáy mạ vàng (bị báo-chí công-kích tơi-bời)… xin miễn bàn. Mọi sai lầm của anh Côn đều do thiểu thuốc phiện. Một người đã viết Cộng-sản là gì, đã tự cho mình là người hiểu biết cộng-sản hơn bất cứ ai, đã bị cộng-sản bỏ tù một lần trước 1950 mà vẫn ngồi ảo-tưởng cộng-sản sẽ sử-dụng mình. Hai tuần một lần, ở Chí Hòa, anh Côn xin giấy cai ngục viết thư cho Tổng bí-thư Lê Duẩn (Ông Hoàng Mạnh Hùng, cựu tù-nhân Chí Hòa khu FB và AH, hiện cư ngụ tại Costa Mesa, California biết rõ chuyện này). Việc anh Côn viết thư cho Lê Duẩn cũng khôi-hài như “tổng thống” Bùi Ngọc Phương xin giấy viết thư gửi cho Đại-sứ Mỹ ở Thái Lan nhờ ông Đại-sứ (quen ông Phương, ông ta nói thế) giàn-xếp với Đặng Tiểu Bình về vấn đề Việt Nam! Tôi không biết thư của anh Côn có tới tay Lê Duẩn. Một hôm, ở FG, anh được gọi ra “làm việc”. Về phòng anh khoe rằng anh “làm việc” với ủy viên Hội Nghiên Cứu Mác-xít.
Đoàn Kế Tường yêu quý anh Côn lắm. Chính tôi đã chứng-kiến Tường bợp tai anh cảnh sát Bâu ở 6C1 đề-lao Gia Định vì cảnh sát Bâu than phiền anh Côn mượn mấy viên trụ-sinh, hứa trả tiền rồi chuyển phòng chê thuốc đắt không chịu trả. Buổi tối hôm anh đi “làm việc” với Hội Nghiên Cứu Mác xít về, chúng tôi tụ tập chỗ anh. Tôi tỏ ý buồn-bã, chán-nản. Anh Côn nói:
- Việc gì mà buồn.
- Em lo cho vợ con ở nhà.
- Việc gì mà lo. Vợ chết lấy vợ khác. Con chết sinh con khác.
Đoàn Kế Tường hỏi:
- Còn sự-nghiệp?
Anh Côn đáp:
- Làm sự-nghiệp khác. Viết tác phẩm mới.
- Ai thèm đọc mình?
- Độc giả mới đọc mình.
Đoàn Kế Tường đứng dậy:
- Thế thì vô-liêm-sỉ quá. Sống làm chi nhỉ?
Từ đó, Đoàn Kế Tường khinh miệt anh Côn. Tường không chơi cờ tướng với anh Côn, không rửa chén cho anh Côn nữa. Anh Côn ăn xong là quăng thí chén ở sàn nước. Tường phải rửa giùm anh. Anh làm phiền nhiều người trong phòng. Họp cuối tuần, tuyên-bố bế-mạc rồi, anh còn cố yêu-cầu phát-biểu ý-kiến. Cúp ngang, anh dở lý-sự làm rùm beng. Ý kiến của anh kéo dài cả hai chục phút. Sang khu AH, anh Côn “tiến-bộ” hơn. Vào Sa Ác, anh lại dở chứng. Đi tiểu, anh không báo-cáo. Bị vệ-binh “lên lớp”, anh cự nự “Tôi có trông thấy cán-bộ đâu mà báo cáo?”. Vệ-binh la hét. Cả phòng thức hết. Nhiều lần như thế. Điểm danh anh nằm trong nhà không ra nhưng lấy bo-bo điểm-tâm, anh xếp hàng trước tiên. Nếu anh ra, anh ra chậm nhất. Trực trại đợi lâu, điểm danh Nhà khác, anh em ngồi chờ. Và chia cơm nước xong chưa kịp ăn đã nghe kẻng tập họp lao-động. Anh em công kích, anh nhe răng cười trừ. Xuống Y-tế khai bệnh nghỉ, anh khoác luôn cả mền như Django.
Có một chuyện khiến chúng tôi không dám gần-gũi anh nữa. Tù-nhân Liêu A. Sáng đứng sát hàng rào, bị trật-tự Hoa-nẫu thoi một trái. Ngay tối, tù-nhân chính-trị đòi họp Phòng. Thư-ký phòng Đặng Hải Sơn xin giấy làm biên-bản. Anh Côn vận-động cả tù hình-sự phản-đối trật-tự Hoa-nẫu xúc-phạm thể-xác tù-nhân. Anh hăng say bảo chúng tôi tỏ thái-độ. Trong cuộc họp, anh Côn không hề phát-biểu. Khi lấy biểu-quyết, một nửa phản-đối trật-tự Hoa, một nửa không ý-kiến. Anh Côn dõng-dạc bắt Đặng Hải Sơn ghi vào biên-bản: “Tôi, trại viên Nguyễn Mạnh Côn, tôi cực-lực phản-đối những người phản-đối trật-tự Hoa. Chúng tôi ngỡ-ngàng. Đặng Hải Sơn nói:
- Thằng già này nham-hiềm quá. Nó xui mình phản-đối rồi nó phản-đối những người phản-đối. Tôi không phục-dịch nó nữa.
Đặng Hải Sơn không ăn cơm chung với anh Côn. Sau đó vài hôm, anh Côn được mạn-đàm với tên chính-ủy của trại. Tôi quên tên thằng già chính-ủy này. Anh Côn “hồ-hởi phấn-khởi”gạ tôi:
- Tớ với cậu viết chung một cuốn sách nhé?
- Sách gì anh?
- Mình diễn-tả cái trại này như một trường học.
- Để làm gì?
- Khỏi đi lao-động.
- Anh viết một mình đi.
- Tớ muốn giúp cậu.
- Em còn lấn-cấn tư-tưởng chưa thật sự tiến-bộ, không dám viết.
Anh Côn không viết sách. Chính-ủy cho anh nằm nhà. Anh soạn-thảo kế-hoạch xây dựng trại. Tác giả Kỳ Hoa Tử đòi có cái nghĩa-địa cho tù-nhân và khi một tù-nhân chết cả trại nghỉ lao-động để đưa linh-hồn người quá-cố về quê mẹ. Kết-quả kế-hoạch của anh là chính-ủy bắt anh đi lao-động.
- Bố Côn chống tôi ông thầy ạ! Đằng Giao than-vãn.
- Chống gì? Tôi hỏi.
- Bố ấy bảo tôi không tranh-đấu cho bố ấy nằm nhà, bảo tôi không biết làm Đội trưởng.
- Ông đề-nghị quản-giáo cho bố ấy làm…cố-vấn Đội trưởng đi.
Ngày tháng qua nhanh. Đội của tôi đã lấp hết hố bom, bứng hết cây cháy và phát quang được khu trồng rau khá rộng. Chúng tôi đã nổi lửa đốt hết cây lớn, cây nhỏ, cỏ tranh xếp đống, chuẩn-bị vỡ đất lên luống.
Gần Tết, Đằng Giao và tôi có thăm nuôi. Hai chúng tôi theo “cán-bộ giáo-dục”, ông thầy Mạo, ra tận khu A khiêng đồ. Khúc đường cây đổ ngổn-ngang hôm chúng tôi vào khu B đã khai quang.
- Đội của tôi dẹp đấy. Đằng Giao nói.
- Với sức người sỏi đá cũng thành cơm. Tôi nói.
- Vài tháng nữa, xe vận-tải sẽ chạy trên đường này. Tôi đã thử sức, thấy mình đủ sức chịu đựng lao-động.
- Ông làm gì?
- Bứng gốc cây, khiêng cây. Tôi tình-nguyện làm, bị quản-giáo cấm hoài. Còn ông thầy?
- Tôi phá gò mối, gánh đất. Tôi gánh hết đau vai rồi. Mình đứng chơi thấy kỳ, mà lao-động thì hay quên báo-cáo quân-số, vệ-binh dũa thê-thảm. Nó chỉ-định mình giữ chức Đội trưởng là nó đưa mình vào chỗ thân bại danh liệt.
Chúng tôi gặp gia đình ở nhà thăm nuôi khu A. Vợ con tôi không nhận ra tôi. Trong tù, tôi xanh mướt. Ra trại tập-trung, tôi đen thui. Và gầy ốm. Hai mươi phút tôi nghĩ không tới, gặp vợ con, tôi chỉ nhìn thấy nước mắt và nước mắt. Vợ tôi cho biết thẳng con trai lớn của tôi vẫn còn nằm trên đảo Poulau Tengah, chưa được vào đất hứa Hoa kỳ. Những tin buồn-bã: Mất trộm, bị lừa gạt vượt biên, đau ốm…khiến tôi hết “an tâm cải-tạo”. Họa vô đơn chí, đó là trường-hợp gia-đình tôi. Bất- hạnh chập-chùng gối sóng lên vợ con tôi sau khi đã dìm tôi dưới hồ thẳm. Tôi không muốn nghe, muốn biết, muốn nghĩ về tai-họa mà vợ con tôi phải gánh chịu. Tất cả do tôi gây ra, tất cả do văn-chương, chữ-nghĩa của tôi gây ra. Tất cả do tên Duyên Anh gây ra. Tôi đã khốn-đốn vì cộng-sản. Tôi còn khốn đốn vì quốc-gia bẩn, quốc-gia ngu-xuẩn, quốc-gia a-dua, quốc-gia mê-muội. Cộng-sản chà đạp lên sự-nghiệp tim óc của tôi, còng tay tôi, tống tôi vào các nhà tù Sở công An, đề-lao Gia Định, khám lớn Chí Hòa, đẩy tôi ra các trại tập-trung. Quốc-gia bẩn ăn cướp sự-nghiệp tim óc của tôi, toa rập với công-cụ của cộng-sản vùi lấp danh-dự và uy- tín chiến-đấu của tôi.
Hết giờ gặp gỡ thân thân, chúng tôi gánh đồ tiếp-tế trở vào khu B. Qua cây cầu gỗ, Đăng Giao la ơi ới:
- Ông thầy, ông thầy!
Tôi ngoái lại. Đằng Giao co rụt cổ. Đòn gánh trễ xuống quá vai. Tổng thư-ký nhật-báo Sống không biết gánh. Chàng xử-dụng…lưng chớ không xử-dụng vai. Chàng cân hai túi đồ chứ không phải gánh. Bây giờ tôi mới yêu cái dĩ-vãng con nhà nghèo của tôi. Năm 1948, tôi đã biết gánh lúa, biết trở vai chạy một mạch từ cánh đồng về sân nhà. Năm 1951, hồi-cư thị xã Thái Bình, tôi đã gánh nước cho mẹ tôi mỗi ngày. Tôi “quán triệt” nghệ-thuật gánh. Năm 1956, lưu lạc ở Trảng Lớn, Tây Ninh tôi đã gánh nước tưới rau mấy tháng. Vào trại tập-trung, tôi “ôn” đôi vai, gánh đất lấp hố bom rất dẻo. Và tôi gánh đồ thăm nuôi ngót 50 ký lô.
- Nặng quá ông thầy ơi!
Đằng Giao buông đòn gánh, ngồi thở dốc. Ông thầy Mạo lắc đầu. Tôi đặt gánh xuống đường, chạy tới gánh giùm Đằng Giao. Cứ một quãng đường tôi gánh đồ của tôi, tôi lại đặt xuống, trở lui gánh đồ cho Đằng Giao. Thầy Mạo không giúp học trò. Thầy chỉ kiên trì…đợi. Được nửa đường, chúng tôi tìm thấy khúc cây dài. Chúng tôi luồn giây thắt miệng túi đồ qua cây, khiêng cho…lao-động đồng đều và đi nhanh. Đằng Giao cao, đi sau. Bốn túi đồ dồn sát phía vai tôi. Vậy mà cha đẻ Hách xì- xằng và thằng Ngọng vẫn co rụt cổ.
-Ôông thầy học gánh ở đâu thế?
- Thuở nhỏ, con nhà nghèo.
- Ông thầy đâu có khỏe mà gánh cừ quá.
- Gánh giỏi là do biết gánh.
- Chiến-đấu cũng vậy.
- Đúng.
Sợ bị nâng cao quan-điểm, Đằng Giao tiếp:
- Chiến-đấu lao-động cải-tạo.
Tôi thêm:
- Phấn-đấu lao-động cải-tạo.
Cuối cùng, chúng tôi đã về trại. Đồ đạc trong túi bầy từng món ra sân cỏ. Các vị thầy xúm quanh khá đông.Không có màn đổ thịt, đổ mắm vào chậu khoắng, nguấy như ở đề-lao Gia Định. Trực trại nghi-ngờ món nào, cầm lên và hỏi. Sau đây là hài-kịch ngắn khám đồ thăm nuôi của học trò lần đầu có thăm nuôi và các ông thầy quản-giáo vệ-binh từ Bắc vô thẳng rừng già Sa Ác.
Ông thầy (cầm cuộn giấy Kiss me lên ngắm nghía): Giấy vấn thuốc rê, hả?
Học trò: Thưa cán-bộ, giấy đi cầu ạ!
Ông thầy (liệng cuộn Kiss me xuống): Chùi đít?
Học trò: Dạ!
Ông thầy (nhìn gói lạp xường, bắt gỡ ra): Con gì nạ thế lày, không đầu, không đuôi, đỏ hỏn!
Học trò: Thưa cán-bộ, con lạp-xường.
Ông thầy: Miền Nam các anh ăn dơ dáy quá! (Cầm gói bột mầu nâu lên ngửi) Còn cái này?
Học-trò: Xô-cô-la bột
Ông thầy: Xô-cô-na nà đất Tây à?
Học trò: Dạ. đất Tây.
Ông thầy: Vớ vẩn, đất Tây mà cũng thăm nuôi?
Hài-kịch còn dài nhưng nên kéo màn ở đây. Các ông thầy gốc gác bần-cố-nông. Vì hai mươi năm xã-hội chủ-nghĩa miền Bắc nghèo-nàn quá nên con người hóa ngu dốt một cách tội-nghiệp. Thời đại các thầy lớn lên, cái “nôi của dân tộc” chỉ còn ngô, sắn, khoai, gạo hẩm và mì sợi luộc. Thức ăn là rau muống với nước chấm. Nước mắm đã tuyệt tích, đã bị “đấu tố”, đã bị “tiêu diệt” sạch sẽ. Trên những bức tường phố vắng của Hà nội, “thủ-đô của phẩm-cách con người”, dân-gian vẽ cái xe đạp không đèn, không chuông, không phanh, không gác-đờ-bu, gác-đờ-sên”, chỉ có “poọc-ba-ga”. Trên “poọc-ba- ga” vẽ ba bó rau muống, dùng lời hát cách-mạng ghi chú cho từng bó. Một bó “cho ngày nay”. Một bó “cho ngày mai”. Một bó cho “muôn đời sau”. Rau muống được các nhà khoa-học dinh-dưỡng của Đảng ca-ngợi trên báo Nhân Dân, cơ-quan trung-ương Đảng cộng-sản Việt Nam ”là thức ăn bổ hơn bất cứ thức ăn bổ nào. Nó gồm đủ sinh tố từ A đến Z. Bác Hồ nhờ ăn toàn rau muống mà mắt như sao, râu hơi dài“. Ông nhà văn Nguyễn Tuân cảm khái viết một tùy-bút rau muống. Câu kết suýt bị kiểm điểm: rau muống ngon và bổ thế mà bọn miền Nam ngu-xuẩn lại cứ đem xào với thịt bò. Nông dân vốn hiền-lành, chất-phác. Bị Đảng giáo-dục cho ngu-si đần-độn, bị Đảng bỏ đói, ngàn năm chỉ mơ ăn no mặc bền, không dám tơ tưởng ăn ngon mặc đẹp. Vậy bạn chế riễu sự ngọng-nghịu, sự ngu dốt, sự nghèo khổ hay bạn chống đối bọn làm cho con người ngọng-nghịu, ngu dốt, nghèo khổ? Bạn đòi tiêu diệt chế-độ cộng-sản, chủ-nghĩa cộng-sản, lãnh-tụ cộng-sản hay những con người bộ-đội, công-an, công-cụ và nạn-nhân của chế-độ cộng-sản? Tôi chống đối chủ-nghĩa cộng-sản, không chống đối con người trong chủ-nghĩa cộng-sản. Tôi chống đối chế-độ và lãnh-tụ cộng-sản, không chống đối con người bị chủ-nghĩa, lãnh-tụ và chế-độ cộng-sản làm mê sảng, ngu dốt, mất dần nhân-tính. “Tôi thì chỉ ghét cay đắng chủ- nghĩa, các thứ chủ-nghĩa. Tôi nghĩ, chính các chủ-nghĩa và tham-vọng mù lòa của nó đã đầy-đọa con người, đã làm con người hèn-hạ, mất-mát lương-tri. Nhưng mà chủ-nghĩa đã tàn-sát chủ-nghĩa. Chủ-nghĩa đã chết. Chủ-nghĩa sẽ chết. Con người tồn-tại vĩnh-cửu, bất kề con người tư-bản hay con người cộng-sản. Lý-tưởng và bổn-phận của thi sĩ là phải thức tỉnh những người đánh mất lương-tri làm người chứ không cổ võ chém giết họ, hủy-diệt con người. Thơ là thông-điệp của cảm-thông, của hy-vọng, của tình-tự và của gần-gũi. Thơ không bao giờ là tín-hiệu của bom dội, hỏa-tiễn bay, đạn nổ và mã-tấu vung lên. Cuối cùng, thơ không phải là tiếng nói của thù-hận”.(Thơ Tù – Nam-Á Paris, 1984)
Như thế, không những tôi không thù-hận những người quản-giáo vệ-binh mà còn thương-hại họ. Thương người là một cái tội. Thương người bị nhiều người thù ghét càng là một trọng tội. Khi tôi thẩm-thấu câu ca-dao:
Ngày xưa roi điện thì còn
Ngày nay roi gạo hao mòn thịt xương
Tôi nhìn và nghĩ về những người coi tù, những người trực-tiếp hành-hạ tôi khác hẳn tôi nhìn và nghĩ về chủ-nghĩa và lãnh-tụ cộng-sản và bọn tội đồ của miền Nam cùng lũ văn-học nghệ-thuật gian dối, hèn mọn, bầy ngự-sử giẻ rách với nhân-sinh-quan ruồi nhặng. Và tôi đã mủi lòng khi một vệ-binh hỏi tôi:
- Con không đầu không đuôi đỏ hỏn nướng sao thơm thế, cho tôi ăn thử một miếng được không?
Ăn xong thì người Việt Nam khốn nạn tuổi bằng 2 phần 3 tuổi nước Việt Nam dân-chủ cộng-hòa phát biểu:
- Ngon hết! Nào nướng cho tôi xin cả con nhé!
Câu phát biểu não nùng hơn Cu Lặc, trong O chuột của Tô Hoài thuở thực-dân đô-hộ, về sự ăn miến: – Vừa mới luốt qua cổ họng ló đã trôi tuốt xuống tận củ tỉ?
Chủ-nghĩa cộng-sản và lãnh-tụ vĩ-đại Hồ Chí Minh đã bất-lực trong sự-nghiệp cách-mạng vô-sản. Là không đem nổi một khúc lạp-xường hạnh-phúc cho dân Việt Nam, dẫu xương máu dân Việt Nam đã chất thành núi, chảy thành sông ròng rã ba mươi năm cho chiến-thắng phù-ảo. Hẳn nhiên, lãnh-tụ Hồ Chí Minh, bọn ủy-viên Bộ chính-trị, bọn ủy-viên trung-ương Đảng đã không tốn một sợi lông chân và đã thụ-hưởng hơn cả vua chúa. Một cái lăng cho xác chết Hồ Chí Minh, hai mươi triệu dân “hao mòn thịt xương”. Và “ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng-chiến đã thành công”, lần đầu tiên, trong đời một con người được trồng trên mảnh đất ưu-việt xã-hội chủ-nghĩa mới được ăn một miếng lạp xường nướng than củi. Miếng lạp xường đó, mỉa mai thay, lại không phải là hạnh-phúc hứa hẹn “đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào” mà là hạnh-phúc của tù-nhân bất-hạnh tặng cháu ngoan của Bác Hồ.
Tôi bỗng thấy cái tư-tưởng chiến-đấu tạo hạnh-phúc cho con người là tuyệt-diệu. Phải cần-thiết một chiến-thắng không còn thù-hận giữa con người với con người. Phải cần-thiết một chiến-thắng không còn thù-hận giữa người Việt Nam với người Việt Nam. Phải chấm dứt thời-đại mê sảng, thời-đại thù-hận, thời-đại u tối trên quê-hương Việt Nam. Trong ý nghĩ ấy, tôi khó lòng ghét bỏ những kẻ không có quyền bắt tôi, không có quyền tha tôi. Nếu họ có quyền đầy-đọa tôi, có quyền dồn đẩy tôi vào chỗ chết, quyền ấy được ủy-nhiệm bởi lãnh-tụ khốn-kiếp và giáo-điều mù điếc của chủ-nghĩa, thứ chủ-nghĩa mà họ chẳng hiểu là cái gì.
Sự khám xét đồ thăm nuôi của chúng tôi dễ-dàng, chóng vánh, nhờ không có trật tự Hoa-nẫu và thông-tin văn-hóa Sánh-gian. Tù-nhân thích làm khó dễ tù-nhân. Người Việt Nam có thói xấu truyền-thống: Hễ có tí quyền là y rằng lạm quyền và bắng-nhắng. Ở trại cải-tạo và ở c3 trại tị-nạn cộng-sản.
° ° °
Tôi không nhớ chính xác ngày tháng, hình như sau Tết, tù-nhân được lệnh tập họp ở sân trại, có kê bàn và bình hoa – Đằng Giao gọi là bầy bàn hương-án. Chính-ủy xuất hiện với đầy đủ lễ-nghi quân-cách. Ông thầy giáo-dục cả trại, thầy Mạo, báo-cáo chính-ủy của ông ta về quân-số hiện-diện. Chúng tôi đứng hết dậy. Đứng nghiêm. Vỗ tay. Chính-ủy bảo ngồi xuống. Ông ta hồ hởi phấn khởi loan tin:”Ta đã giải-phóng Kampuchia. Bè lũ diệt chủng Pol Pot, Lang Sary cuốn gọi chạy sang Vọng Các rồi”. Cái tin chiến-thắng không lấy gì làm hấp-dẫn đối với chúng tôi. Sau tin mừng giải phóng Kampuchia là bài học tập về chính-sách khoan-hồng của Đảng và Nhà Nước dành cho ngụy-quân, ngụy-quyền, phản-động lao-động cải-tạo. Tất cả bọn cộng-sản lớn và nhỏ đều mắc cái bệnh nói dối, nói dài, nói dai, nói dở, nói dốt. Học tập cải-tạo có cái gì đâu? Nội-quy hay Nếp sống văn hóa mới có thể tóm gọn: “Cai tù bảo, tù-nhân nghe; cấm cãi, cấm tranh-luận. Cai tù sai bảo, tù-nhân làm, cấm dùng -dằng, cấm khiếu-nại. An tâm cải-tạo, cấm nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con. Thi đua lao-động sản xuất đóng góp vào sự phồn-vinh của tổ- quốc. Cấm trốn trại. Ăn ở hợp vệ sinh. Gặp cai tù phải dở nón mũ chào kính. Cấm xâm-phạm, phá-hoại tài-sản xã-hội chủ-nghĩa. Thức ngủ đúng giờ giấc. Cấm mua bán, đổi chác. Cấm cãi nhau, đánh nhau”. Tôi tự-hào có trí nhớ rất tốt mà chỉ nhớ một điều trong 20 điều Nếp sống văn hóa mới: “Cấm trạm trổ lên thân thể”! Và 4 tiêu-chuẩn cải-tạo, tôi lơ-mơ nhớ: phải tố-cáo đồng-phạm còn lẩn trốn bên ngoài. Phải tố-cáo những kẻ tuyên-truyền xuyên-tạc, âm-mưu trốn trại, chống báng cách-mạng”...
Thế thì 5 bài thơ sau đây mang tựa đề HỌC TẬP CẢI-TẠO sẽ diễn tả đầy đủ về cái gọi là học tập cải-tạo.
1- Trường học nhà tù
Anh biết anh đang ở đâu không?
Đề-lao trại tập-trung
Láo!
Chủ-nghĩa không có nhà tù
chủ-nghĩa chỉ có trường học
anh nhắc lại đi
nhắc lại nhiều lần
chủ-nghĩa không có nhà tù
chủ-nghĩa chỉ có trường học
Anh biết anh đang ở đâu không?
bài học đầu tiên anh đã nằm lòng,
Trường học!
Láo! Trí-thức
văn-sĩ thi-sĩ họa-sĩ nghệ-sĩ
chỗ của anh là ở nhà tù
không có trường học cho những tên phản-động
không có trường học cho những tên đòi quyền sống
những tên đòi dân-chủ tự-do
những tên đòi hạnh-phúc hoà-bình ấm no
Nhắc đi
nhắc hoài hoài
nhắc ngày nhắc đêm
nhắc bất cứ lúc nào anh mở mắt
nhắc bất cứ chỗ nào anh thi đua sản-xuất
khi đứng khi ngồi
khi mơ khi ước
đến khi anh thông suốt
chỉ còn chủ-nghĩa là sự thật
Anh biết anh đang ở đâu không?
Trại tập-trung địa-ngục!
Láo. chủ-nghĩa chỉ có trường học
chủ-nghĩa quý trọng con người
2-Con bò và chân lý bò
Con bò có mấy chân
Thưa bốn
Hãy nhìn rõ ràng nhìn chính xác
chủ-nghĩa luôn luôn sáng-suốt
chủ-nghĩa ưu việt không sai lầm
Thưa con bò đúng bốn chân
Láo! Anh mù
chỉ có ba chân
con bò chỉ có ba chân, nhắc lại
Con bò chỉ có ba chân
ba điểm tạo nên một mặt phẳng
ba chân con bò tạo nên một sự thật
như trái đất quay và trái đất không quay
Con bò có mấy chân
Ba!
Láo!. Ba làm sao nó đi nó đứng
nó ăn nó uống
nhìn đi nhìn cho đúng
Con bò có bốn chân
Láo! Năm!
Dạ, con bò có năm chân
chân-lý chân bò biến đổi rất nhanh
Con bò có mấy chân
Năm
Láo! Chỉ có hai
Sự thật hôm qua không có ở hôm nay
sự thật hôm nay không có ở ngày mai
nhắc lại
Con bò có mấy chân
Con bò có ba, năm, hai, một hay chẳng chân nào
tùy theo chủ-nghĩa dạy
Sự thật hôm qua không có ở hôm nay
sự thật hôm nay không có ở ngày mai
3- Nếp sống văn-hóa mới
Đế-quốc đã đưa anh trở về thời-kỳ đồ đá
anh sống thiếu văn-hóa
văn-minh và tư-tưởng làm người
anh chỉ biết chém giết tơi-bời
quên húi tóc cạo râu cắt móng tay nhọn hoắt
chủ-nghĩa ưu-việt dạy anh học tập
văn-minh cạo râu cắt móng tay
Báo-cáo chủ-nghĩa
rasoir, mince lame, đồ cắt móng chân
bị tịch thu hết
không thể thực-thi nếp sống văn-hóa mới
của chủ-nghĩa sáng chói
chủ-nghĩa vệ-sinh râu tóc bảnh-bao
móng tay nhẵn-nhụi phẳng-phiu
Gillette là tên phản-động
USA là tư-bản ác-ôn
tịch-thu thể-hiện nhân-đạo khoan-dung
anh có thể bị chúng xui tự sát
chúng sẽ gây thêm tội ác
hãy nhổ râu và gậm nhấm
móng tay hãy mài xuống nền xi măng
hãy học tập cải-tạo thuộc lòng:
đế-quốc đã đưa anh về thời- kỳ đồ đá
đế-quốc dã-man muốn anh ăn lông ở lỗ
hãy đấu-tranh râu nhổ móng tay mài
tích-cực hàng ngày
tại trường học xã-hội chủ-nghĩa
mà đế-quốc đã mai-mỉa
là đề-lao Gia Định là khám lớn Chí Hòa
4-Vinh-quang chủ-nghĩa
Anh phải nói dối không nhớ vợ thương con
phải nói dối sự-nghiệp anh là đồ bỏ
phải nói dối tổ-tiên đã quên không dạy-dỗ
nên anh lầm-lỡ yêu dân-chủ tự-do
chiến-đấu và tình-nguyện chết dưới cờ
lý-tưởng quốc-gia dân-tộc
Anh phải nói dối anh làm tay sai đế-quốc
chống giai-cấp vô-sản anh-hùng
phải nói dối anh đã lầm đường
không được hy-sinh cho lãnh-tụ
phải nói dối nhiều man-khai tất cả
phải nói yêu chủ-nghĩa quang-vinh
hơn cả gia-đình
phải cám ơn chủ-nghĩa đã bắt anh đi cải-tạo
Anh phải nói dối hoan-hô khi anh thèm đả-đảo
quanh năm tích-cực, bốn mùa khẩn-trương
vượt nắng, thắng mưa, lao động thật hăng
phải cười làm việc và vui nhịn đói
luôn luôn hồ-hởi
thi đua sản-xuất đoạt giải tù-nhân
phải sung sướng được xuống hầm phân
và gọi kẻ đánh đập nguyền-rủa anh là thầy giáo
Anh phải hăng say tố-cáo
bản thân anh thiếu thiện-chí nằm tù
phải dối gian từng phút từng giờ
nói dối càng hay càng nhanh tiến-bộ
nói dối ốm mòn không cần thuốc bổ
cưa chân cụt gẫy khắc-phục thuốc mê
nói dối án phạt tập-trung hạnh-phúc hơn lệnh thả về
phải nói dối anh chết dần phi-lý
cho ngày-mai chủ-nghĩa
rạng ngời
cho ngục-tù chủ-nghĩa dầy kinh-nghiệm đầy-đoạ con người
5-Lãnh-tụ và sự bất-diệt
Anh biết lãnh-tụ vĩ-đại ở đâu không?
Thưa, quý ngài ấy đã chết
có nhiều ngài nằm trong hòm kính
chê địa-ngục chê thiên-đàng
và lơ-lửng giữa không-gian
Đây là bài học
anh phải nhớ suốt đời
lãnh-tụ không bao giờ chết
lãnh-tụ bất-diệt
lãnh-tụ sống mãi trong sự-nghiệp loài người
lãnh-tụ đang nói đang cười
đang hô-hoán hoà-bình, đang hung-hăng chém giết
đang ăn uống và không cần bài-tiết
lãnh-tụ còn nguyên trên thế-giới ngậm-ngùi
Anh biết lãnh-tụ ở đâu không?
Thưa, quý ngài ấy chưa chết
quý ngài ấy bất-diệt
quý ngài ấy còn nguyên trên thế-giới ngậm-ngùi
quý ngài ấy siêu nhân ăn uống không cần bài tiết
Láo! lãnh-tụ đã chết
lãnh-tụ chẳng bao giờ bất-diệt.
Sự thật hôm qua không có ở hôm nay
sự thật hôm nay không có ở ngày mai
Chính-ủy nói dối, nói dài, nói dai, nói dốt cả hai tiếng đồng-hồ. Chúng tôi ngồi phơi nắng, tê chân, mỏi đít. Nói đủ “đô” rồi, chính-ủy hỏi:
- Các anh có an-tâm cải-tạo không?
Cả làng đáp:
- An-tâm cải-tạo.
Chính-ủy đập bàn hương-án:
- Láo! Phải nhớ vợ, thương con chứ?! Nhớ vợ, thương con thì an-tâm cái gì? Anh nào nói an-tâm cải-tạo là không thành-khẩn.
Bỏ mẹ! Nội-quy dạy, thầy quản-giáo, thầy trực trại, thầy giáo-dục, thầy vệ-binh đều dạy tù-nhân phải an-tâm cải-tạo. Mà chính-ủy lại bảo an-tâm là không thành-khẩn, là gian dối. Rõ rệt chân-lý con bò! Sau rốt, chính-ủy chi một câu thuộc loại “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”:
- Về hay không là do nơi các anh có tiến-bộ hay không. Về sớm hay về muộn cũng là do nơi các anh có tiến-bộ nhanh hay tiến-bộ chậm. Muốn tiến-bộ phải lao-động tích-cực. Lao-động tích-cực là cải-tạo tư-tưởng đó.
Trại Tập Trung Trại Tập Trung - Duyên Anh Trại Tập Trung