Bi kịch trong cuộc đời không phải là ở chỗ không đạt được mục tiêu, mà là ở chỗ không có mục tiêu để vươn tới.

Benjamin Mays

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4352 / 170
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
húng tôi sống chung nhà với các đội cảnh-sát đặc-biệt và trung-ương tình-báo. Chiều qua, Đằng Giao và tôi đã chứng-kiến sinh-hoạt ca-cóng ở bếp ngoài trời sát hàng rào kẽm gai. Thấy anh em xào nấu thức ăn, chiên lạp-xưởng thật hấp-dẫn. Chúng tôi ra đi, kể như giỏ thực-phẩm đã xác-xơ, đành đứng xem mà học-tập kinh-nghiệm ca-cóng. Ở TH6, lửa chỉ được phép nổi buổi chiều khi các đội tan lao 1 về trại. Tù-nhân, mỗi người một bếp, nhóm lửa vội-vàng, nấu-nướng thật lẹ để kịp đem vào nhà. Rồi rửa mặt rửa tay chờ điểm danh. Một tiếng đồng-hồ cho các dịch-vụ lấy cơm, chia cơm, ca-cóng. Những tù-nhân không ca-cóng thì ăn cơm ngoài sân, ca-cóng thì đem vô, đợi cửa tù khóa sau lúc điểm danh mới thong-thả ăn uống. Chủ nhật được nghỉ, tù-nhân sinh-hoạt ca-cóng hai lần. Tha hồ nấu chè, nướng bánh và tụ tập enioy, đàn sáo, nhạc vàng…
Ca là cái ca, ai cũng biết. Ca nhôm, ca sắt, ca nhựa vẫn là ca. Cóng người miền Nam gọi là lon. Kỳ thủy, hộp sữa bò đặc uống hết mở nắp vất đi, người miền Bắc gọi là cái ống bơ. Có nơi gọi là ống bơ. Ống bơ dùng để đong gạo. Riết rồi, bất cứ một hộp sắt, hộp thiếc nào to nhỏ, đều được gọi là ống bơ. Ống bơ rỉ thì chán lắm. Hát như ống bơ rỉ! Cái lon sữa bột Guigoz cũng là…ống bơ, là cóng bơ. Dưới chế-độ cộng-sản, vì toàn dân đói nên thiếu hơi, nhiều danh-từ được giản-lược half and half. Cóng bơ còn một tiếng cóng. Bơ ở thiên đường mù-mịt, bỏ bơ đi là đúng. Bỏ bơ là loại bỏ tư-bản, là chống đế-quốc, là vô-sản khoai sắn “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”… Cái cóng đa-dụng và đa-năng ở trại lao-cải là cóng Guigoz.
Hãng chế-tạo sữa bột Guigoz đã đi vào lịch-sử đấu-tranh của hai miền Nam-Bắc. Trên thế-giới, có lẽ, chỉ có nước Việt Nam bốn nghìn năm văn-hiến giầu và nghèo bình-đẳng… lon Guigoz. Nhà nào cũng có lon Guigoz. Vì lon Guigoz bán ngoài thị-trường vỉa hè. Đựng đường, đựng mỡ, đựng bột thật an toàn. Đựng cà-phê thì khỏi lo bay mất hương thơm. Thuở ta học đòi Mỹ, công-chức làm việc thông-tằm, lon Guigoz biến thành thứ gà-mèn lý-tưởng, đủ bữa cơm trưa ăn ngay tại cơ- quan. Sau 30-4-1975, lon Guigoz đắt giá. Một cái trị-giá hai lá cờ đỏ sao vàng tặng thêm chân-dung Bác, Mác và Lê. Lần đầu tiên trong lịch-sử cộng-sản, lon Guigoz hạ chủ-nghĩa và lãnh-tụ. Vì chủ-nghĩa và lãnh-tụ bắt quá nhiều tù. Và tù-nhân cần lon Guigoz làm cóng. Ca cóng, tôi không hiểu chính-xác xuất-xứ của nó. Người nói: Anh em cải-tạo miền Bắc đem về Nam. Kẻ bảo: Việt cộng nó gọi vậy mình hài hước gọi theo, riết đâm quen. Điều buồn cười là, khi nổi lửa nấu bếp: đa-số tù-nhân nấu bằng nồi. Vậy thì ca-cóng là một bí số- như TH6- là bí danh của Nấu Nướng, như Lý Thụy, Anh Ba, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh, Nguyễn Tất Thành, là bí danh của Nguyễn Sanh Cuông.
Tù-nhân kiếm giây kẽm làm cái quai cho cóng. Tùy theo sự khéo tay của mỗi người. Dở nhất là đục lỗ luồn giây rồi bẻ quặp lại. Ra hiện-trường lao-động, mỗi tù-nhân xách một cái cóng đựng nước đun sôi. Ở TH6, cóng không được phép nấu ngoài bãi. Tù-nhân nấu bằng cóng thường là tù-nhân ăn một mình. Ăn chung thì vui nhưng nếu trong đám bạn ăn chung có người trốn trại, sẽ gặp cơ-man rắc rối, sẽ tự kiểm, tự khai mệt phờ. Cóng nấu nướng, nắp phải đục vài cái lỗ bốc hơi. Buổi chiều, anh em vất-vả kiếm củi, nổi lửa, ta chỉ việc đổ lưng cóng nước, bỏ vô dúm tôm khô, chút bột ngọt, tí nước mắm và thả vài lá mồng tơi, nếu ta kiếm được, rồi đậy chặt nắp, ta dùng sợi giây kẽm dài móc cái quai lon, nấu nhờ ngọn lửa tạt ra của thiên hạ. Đợi nó sôi tan nhừ tôm, ta mở nắp cóng, thẩy nắm mì vụn vào. Thế lả ta có cóng mì cải-thiện bữa ăn.
Sinh-hoạt ca cóng thật sinh-động ở những chiều tù. Tôi sẽ quan-sát kỹ-lưỡng hơn. Để sáng-tạo một phương-pháp nấu-nướng thích-ứng với thời-gian hạn-hẹp của trại. Sáng nay, chúng tôi được dẫn đi tắm. Rồi về nhận quần áo tù, viết lý-lịch. Lại lý-lịch! Mỗi tù-nhân viết một lý-lịch mới. Lý-lịch này đầy đủ chi tiết. Buổi chiều, chúng tôi lên hội-trường học-tập Nội-quy trại, Bốn tiêu-chuẩn cải-tạo và hai mươi nếp sống văn-hoá mới. Nhờ học-tập, tôi biết TH6 có hai khu. Khu A là nơi tôi đang ở 2. Khu B chả rõ nơi nào. Nội-quy trại có nhiều điều khác hẳn Nội-quy nhà tù. Một điều đáng suy-nghĩ:”Cán-bộ không được phép đánh đập trại viên và cấm-chỉ trại viên nịnh hót, mua chuộc cán-bộ”. Người lên lớp chúng tôi là Trưởng trại A (Phó giám-thị TH6) Nguyễn Xuân Bến. Chúng tôi học-tập hai ngày liên tiếp. Học xong, chúng tôi sẽ được biên-chế đội và sẽ cuốc xẻng, dao búa lao-động trả nợ… đời ngụy! Nhưng, buổi chiều ngày thứ tư của trại-viên mới, xẩy ra một vụ trốn trại ngoạn-mục. Bốn sĩ-quan cảnh-sát đặc-biệt đã biến dạng khi đội điểm danh về suối tắm. Súng nổ báo động. Vệ-binh toàn trại súng ngắn, súng dài lao vào cuộc săn đuổi. Các đội tan lao về sớm đang nổi lửa ca-cóng bị dập tắt lửa, xua hết vô nhà. Người ta nhắm hướng núi Mây Tào mà truy-lùng kẻ trốn trại.
Lần đầu tiên, từ thành-lập TH6, tù-nhân chính-trị trốn trại. Chỉ có hai loại tù, ở trại cải-tạo: Tù chính-trị và tù hình-sự. Tù chính-trị gồm sĩ-quan quân-đội và cảnh-sát, hạ-sĩ-quan Trung-ương Tình-báo, an-ninh quân-đội, công-chức cao cấp, nghị-sĩ, dân-biểu, nghị-viên, thẩm-phán, phản-động, vượt biên, nhà văn, nhà báo. Tù hình-sự gồm lưu manh, trộm cắp, lường gạt, hiếp-dâm và tiền-án bất hảo. Đã xẩy nhiều vụ trốn trại thành-công ở TH6 A và những kẻ liều mạng đều là du-đảng. Có một vụ hi-hữu được tù kể lại như huyền-thoại. Một tên du-đãng trốn trại khác đời. Nó tới chuồng gà bóp cổ hai con, vào bếp trại nhóm lửa đun nước làm lông rồi luộc cả hai con gà. Nó ăn hết một con, vất lại cái đầu và cặp chân. Nó ra vườn rau xanh nhổ thêm ba cây cải bẹ rồi mới dông tuốt. Nhưng hình-sự trốn trại không quan-trọng bằng chính-trị trốn trại. Lực-lượng võ-trang TH6 truy-lùng suốt đêm. Chúng tôi chưa biết kết-quả thì, ngay sáng hôm sau, chúng tôi nhận lệnh tập-trung ngoài sân với tất cả hành-lý.
Và chúng tôi rời TH6 A. Người ta không muốn chúng tôi dao-động chuyện trốn trại.
° ° °
Ra ngoài cổng trại, có hai lối. Rẽ trái thì về Bà Rịa. Rẽ phải thì sang Long Khánh. Chúng tôi xếp hàng đôi, rẽ phải. TH6 B nằm trên đường qua Long Khánh. Người ta bảo chúng tôi vào khu B. Qua chiếc cầu gỗ bắc ngang dòng suối, chúng tôi đi lung-tung. Vệ-binh áp tải và quản-giáo dẫn độ không chú-ý đến sự vô trật-tự của tù-nhân. Chúng tôi không bị còng tay vì đi bộ và lưng đeo nặng ba-lô, tay xách trĩu giỏ. Tôi chợt nhớ bài hát Sơn La của Đỗ Nhuận diễn tả cảnh tù-nhân bị phát-vãng thời nô-lệ Pháp. “Sơn La âm-u, núi khuất trong sương mù. Lá rơi xuống suối, gió đưa vù….Đoàn tù tha-hương, cất bước đi trên đường…” Chúng tôi đang là “đoàn tù tha-hương, cất bước đi trên đường, đi trên đường cách-mạng vô-sản thành-công, đi trên đường giải-phóng nô-lệ, đi trên đường ưu-việt của chủ-nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng, đi trên đường dẫn đến đỉnh cao của trí-tuệ, dẫn đến cái nôi của loài người.
Đã tới khúc cổ-thụ bị chôn mìn, nổ bật gốc, cây lớn bị cưa gãy nằm rạp chắn lối. Chúng tôi phải gỡ cành, dọn đường rồi leo qua các thân cây mà đi. Mỗi quãng bị khai quang, chúng tôi tháo bỏ hành-lý. Khai quang xong, lại mang hành-lý lên đường. Xuyên Mộc mang một ý-nghĩa nào? Nếu là xuyên qua gỗ, chúng tôi đã xuyên qua gỗ. Bài học lao-động thứ nhất toát mồ-hôi, rời tay, rã cẳng. Hai cây số rừng 3 cho tù-nhân Chí Hoà thật thấm-thía. Khi mặt trời cao gần đỉnh đầu, chúng tôi ra khỏi quãng đường thử-thách lao-cải đầu tiên. Và đi một khúc đường quang, chúng tôi đến TH6 B.
TH6 B là mật-khu của Việt cộng suốt cuộc chiến-tranh xâm-lăng miền Nam. Người dân thiểu-số đã có sẵn cái tên cho vùng này: Sa Ác. Sa Ác là rơi vào chỗ ác độc, rơi vào chỗ chết. Trần Bạch Đằng, tên cúng cơm Trương Gia Triều (đã bỏ Kỳ, thực ra là Trương Gia Kỳ Triều), bí danh Tư Ánh, tác giả Chân dung một quản-đốc, ký bút hiệu Nguyễn Hiểu Trường (Hưởng Triều đó), đăng theo kiểu feuilleton trên nhật-báo Sàigòn Giải Phóng, đã hồi tưởng khá nhiều về những tháng ngày chuyên chở vũ-khí từ Vũng Rô vào Nam, qua các nhánh sông để ghé sông Ray. Sông Ray nằm sát Sa Ác, TH6 B. Nó là biên-giới Xuyên Mộc – Long Khánh. Tôi không biết chính-xác nó bắt nguồn từ đâu. Có người bảo nó là nhánh nhỏ của sông La Ngà. Có người bảo nó khởi nguồn từ chân núi Mây Tào. Chắc chắn nhất, nó chẩy qua Sa Ác TH6 B. Mà TH6 B là mật-khu an-toàn của Việt cộng. Vũ-khí Hà-nội tiếp tế cho các lực-lượng võ-trang miền Đông đã đổ vào mật-khu này. Do đó, TH6 B đã là vùng oanh-kích tự-do của không-lực Việt Nam Cộng-hoà và Mỹ. Quân-đội Úc-đại-lợi đặc-trách an-ninh tỉnh Phước Tuy đã thả vô TH6 B những toán biệt-kích thám-báo. Dấu chân của Kangourou vẫn còn khi tôi tới (xin đọc những trang sau).
Sông Ray đầy vơi theo hai mùa mưa nắng. Mùa mưa, nước đỏ ngầu, chẩy xiết và dâng cao mấp-mé sân trại. Mùa nắng, nước trong vắt, chỗ sâu nhất khoảng nửa thước, chỗ nông nhất xe hơi có thể vượt qua. Trại lao-cải TH6 B bên bờ sông Ray, chung-quanh chằng chịt hố bom lớn và những trái bom chưa kịp nổ. Nhiều cánh rừng xơ-xác vì bom lửa. TH6 B “kiến-trúc” sơ-sài hơn TH6 A. Có hai khu-vực. Khu của công-an coi tù và khu của tù-nhân. Biên-giới hai khu là con đường chạy thẳng sang Long Khánh. Khu của công-an gồm ba dẫy: Dẫy của vệ-binh, dẫy của quản-giáo và dẫy của các chức-sắc lãnh-đạo trại và văn-phòng hành-chính. Sau ba dẫy là nhà bếp, nhà kho và nhà ăn của toàn bộ cai tù lớn nhỏ. Khu của tù-nhân mới lèo-tèo ba căn nhà và một căn đang xây cất. Hàng rào kẽm gai vây quanh khu này còn thấp và thưa. Tù-nhân vỏn-vẹn bốn đội, một rau xanh, một nông-nghiệp, một lâm-sản, một xây cất. Tất cả thuộc tù hình-sự. Chúng tôi là tù chính-trị trước tiên của TH6 B. Tôi nhớ ở Chí Hoà ra đi, tôi đếm đúng 5 chiếc xe chở heo. Đến TH6 A chỉ còn 2 chiếc. Vậy thì, chúng tôi, 100 tù-nhân chính-trị “tiền-phong” của trại TH6 đã được dẫn qua cổng đoạn-trường có cái biển gỗ nền đỏ chữ vàng treo cao, bên ngoài viết: Không có gì quý hơn độc-lập tự-do, bên trong viết: Lao-động là vinh-quang!
Chúng tôi bị tách thành hai nhóm, ngồi xếp hàng đôi giữa sân nắng, hành-lý để một bên. Lại khai sơ-yếu lý-lịch. Thủ-tục nhập trại mới mà. Tôi đã quá quen thủ-tục này. Quen đến độ, có thể, thuộc lòng lý-lịch của mình cả trong chiêm-bao. Phơi nắng gần say nắng thì chúng tôi “khăn gói quả mướp nối nhau vào một căn nhà…mới. Từ nắng chói chang vào bóng râm, tôi không nhìn thấy gì, ít nhất, một phút. Tôi hiểu cơ-thể tôi đã hao mòn tháng năm tĩnh ở nhà tù. Tôi nhà văn 42 ký lô, được độc-giả yêu mến tặng biệt danh Tăm Tre Việt Nam, đã trải tấm thân còm-cõi của mình trên những tuyến đường Nhà Mình – Sở Công An, Sở Công An – Đề-lao Gia Định. Đề-lao Gia Định – Chí Hòa ngót nghét ba năm. Ba năm- đường rầy – tôi nằm bất-động chịu đựng từng chuyến xe lửa oan-nghiệt kéo dằng-dặc những toa thù-hận nghiến lên. Chưa chết, dĩ-nhiên. Cái hình hài xơ-xác, bấy nát, lỗ-chỗ những vết đâm ấy, tôi lết vào cái động của trại tập-trung Sa Ác. Mắt tôi bị quáng tưởng chừng đã bị mù. Không, không nên mù, không thể mù. Cần sáng, cần rực sáng để chiếu rọi những tia lửa tím vào cái bóng tối âm-u của thù-hận với ước-mơ khám-phá niềm bí-ẩn của đời sống.
Tôi đã hết hoa mắt. Căn nhà tôi vừa vào tiến-bộ hơn các căn nhà ngoài TH6 A. Cũng hai tầng, nhưng sàn bằng gỗ xẻ ghép khít và cột lớn cách các khoang đục những bậc thang để lên xuống dễ dàng. Lối “kiến-trúc” y hệt nhà khu A. Giữa là hành-lang trống, nền đất. Tường nhà khu B đan bằng tre và trét đất đỏ trộn mạt-cưa. Cầu tiêu chưa…tiến bộ. Nghĩa là, nó đứng riêng rẽ với ba nguồn thác cách-mạng văn-hóa, nông-nghiệp và khoa-học kỹ-thuật. Chúng tôi “hồ-hởi phấn-khởi” khắc-phục” bữa bo-bo buổi trưa. Nhà bếp đã không được báo trước có tù mới. TH6 B chưa có Đội cấp-dưỡng. Tù-nhân phụ-trách bếp-núc hơn 10 người hợp thành một tổ. Thêm Tổ vệ-sinh và Tổ thông-tin văn-hóa. Tổ thông-tin văn-hóa vỏn-vẹn hai mạng, kiêm-nhiệm cả trật-tự. Vậy văn-hóa là Sanh, trật-tự là Hoa, hỗn danh Hoa-nẫu. Cả hai đều can tội trộm cắp.
“Nhà” thông-tin văn-hóa Sanh (tôi không biết họ của nó) nhỏ thó. Khuôn mặt nó gồ-ghề, lồi-lõm. Cặp mắt nó sâu hoắm, trắng rã. Đằng Giao ví bọn công-an coi tù là quân dữ. Gặp thằng văn-hoá Sanh, Đằng Giao lại ví công-an coi tù là phát-xít Đức để gọi thằng văn-hoá Sanh là Pháp-gian. Nó giống hệt bất cứ một tên Pháp-gian nào trong các phim diễn-tả thời Đức chiếm đóng Pháp. Trông nó gian-manh ra mặt. Nó chỉ-huy Hoa-nẫu (dân Quảng Ngãi). Sanh-gian và Hoa-nẫu đại-diện cán-bộ trực trại giáo-dục chúng tôi bài học “nhập gia tùy tục”. Chúng tôi được hân-hạnh sống chung phòng với Đội rau xanh mà đội trưởng là Hoàng xì coọc, đội phó là Hoàng nham, những hỗn danh bụi đời. Đội rau xanh khá đông du-đãng có tiền-án và bị đi cải-tạo vì tiền-án. Tôi bỗng trở thành “nhân-vật hàng đầu của tù-nhân hình-sự TH6 B. Ở đây, có nhiều đàn em của “tứ-linh” Đại, Tì, Cái, Thế. Đại Ca-thay đã chết năm 1968. Huỳnh Tì (James Dean Hùng trong Điệu ru nước mắt của tôi) còn nằm ở Phước Long. Cái và Thế đã chết thảm tại Bù-gia-mập. Đại-bàng gẫy cánh hết. Còn mỗi Hùng-phốc, đàn em Huỳnh Tì, sống-sót về Sa Ác. Và Hùng-phốc lãnh đạo đám bụi đời nhỏ tản-mạn khắp các đội của khu B.
Những công-chức cao cấp, dân-biểu, thẩm-phán đã từng “cải-tạo” ở Long Thành đều biết và đều có thể làm nhân-chứng về những chuyến xe chở tù-nhân từ Bù-gia-mập về Long Thành. Đó là tù-nhân can tội tiền-án du-đãng trộm cắp Những người này đã trả nợ cho những tội-lỗi và tội-ác của họ. Và chế-độ mới, họ chưa hề gây một tội-lỗi tội- ác nào mà họ vẫn bị bắt nhốt và bị đầy-đọa thê-thảm. Con người, dẫu con người tiền-án, con người vô-án, con người hình-sự hay con người chính-trị vẫn là con người và phải được đối xử như con người sống hay chết, tù đầy hay tự-do. Nhưng, nhân-danh chủ-nghĩa ưu-việt của mình, người cộng-sản đã hạ giá những người mang tiền-án xuống quá hàng súc-vật đã đánh đập họ đã bắt họ lao-động quá mức, đã cho họ ăn ít, đã mặc họ chết bệnh-hoạn. Cuối cùng, 1000 tù-nhân còn có 100 được di-chuyển từ Bù-gia-mập về Long Thành và được mô-tả như “những bộ xương biết đi”! Bồi-dưỡng một thời gian, đám tù-nhân sống sót này được liệng vào Sa Ác. Họ đã cùng những tù-nhân mang tiền-án dưới chế độ cũ, đến từ khắp nơi, hợp thành “thế-hệ tiên-phong” xây dựng trại tập-trung khổ-sai lao-động TH6 B. Hùng-phốc ở trong đám Bù-gia-mập sống sót.
Mấy ngày ở khu A, tôi đã được “giang-hồ” chiêu-đãi tận-tình. Tôi giao-du với vài tay du-đãng gộc thôi song Điệu ru nước mắt, Vết thù trên lưng con ngựa hoang của tôi đã giao-du thân-mật với du-đãng cả nước. Ở đâu có du-đãng đọc sách tôi, ở đó tôi được đền ơn như một luật-sư biện-hộ vô-vụ-lợi cho những kẻ bị xã-hội khinh-bỉ, bị luật-pháp đánh dấu. Hiển-nhiên, tôi ca-ngợi du-đãng hào-hiệp. Bởi vì tôi thấy Đại Cathay cao-cả hơn Nguyễn văn Thiệu; bởi vì tôi thấy những tay anh chị đẹp-đẽ hơn bọn tướng-lãnh, bộ-trưởng, nghị-sĩ; bởi vì du-đãng nhận mình là du-đãng còn bọn Nguyễn Văn Thiệu, thì ăn cắp, bịp bợm mà cứ nhận mình là ái-quốc? Kể cho tôi nghe, ai ở cái xã-hội miền Nam cũ đã xứng đáng được ví với nhân-vật tiểu-thuyết thần tượng Trần Đại? Cao văn Viên hay Đặng văn Quang. Phạm văn Đang hay Nguyễn Cao Kỳ? Hoàng Đức Nhã hay Nguyễn Ngọc Nghĩa? Thẩm-phán sạch-sẽ Đào Minh Lượng, người đã ghê tởm một số tù-nhân thư-lại Long Thành nói với tôi ở TH6 A: “Tôi thèm được sống chung với đám hình-sự. Họ không bần-tiện, ích-kỷ như tù-nhân chính trị thư-lại”… Chưa một nhà chống cộng nào chào mừng tôi một ly bia ở Paris, nhưng du-đãng đã nồng-nhiệt chúc tụng tôi còn sống bằng những chai champagne tình-nghĩa. Những người du-đãng không chụp mũ tôi vì không đố-kỵ tài-năng với tôi. Muốn hiểu du-đãng để ngưỡng-mộ họ và để tin-tưởng một cuộc cách-mạng Tây Sơn mới sắp xẩy ra ở Việt Nam, hãy tìm đọc Hồn say phấn lạ. Đó là trường-thiên tiểu-thuyết vinh-tôn trước những Nguyễn Nhạc mới. Nguyễn Nhạc cũ, tay du-đãng bất hủ đất Bình Khê. Kẻ nào dám làm cách-mạng chuyển-vần thời-cuộc, nước non bằng cách liều-lĩnh chui vào cũi nạp mạng cho kẻ thù? Khi tâm-hồn du-đãng dậy bất-bình vì dân-tộc, vì tổ-quốc, họ sẽ thành anh-hùng. Không ai dám nhắc đến dĩ-vãng du-thủ du-thực của tên đình-trưởng đất Cối Kê. Vì hắn diệt Tần Thủy Hoàng. Không ai dám nhắc đến dĩ-vãng rượu chè bê- bết của biện Nhạc. Vì ông ta gây cảm-hứng cho Nguyễn Huệ.
Tôi nên trở về TH6 B. Sanh-gian bảo chúng tôi tạm cất hành-lý ở những khoảng trống, đợi biên-chế đội xong cán-bộ trực trại sẽ chỉ-định chỗ nằm riêng biệt. Trước khi kẻng điểm tan lao, chúng tôi được lệnh ra tập-họp tại sân ngay cạnh nhà. Sự tổ-chức của TH6 B như sau:
1 Phó giám-thị, còn gọi là Trưởng trại B. Nhiệm-vụ của y bao quát cả tư-tưởng của công-an coi từ lẫn thực-thi chính-sách học-tập cải-tạo.
2. Chính-ủy. Nhiệm-vụ của y điều-hành công-an trách-nhiệm vấn-đề giáo-dục tư-tưởng tù-nhân.
3. Công-an trực trại. Nhiệm-vụ của y là điểm số tù-nhân xuất trại lao-động và nhập trại tan lao cùng kiểm-soát an-ninh toàn trại ban ngày. Có hai công-an trực trại.
4. Vệ-binh. Nhiệm-vụ của vệ-binh là canh gác trại ban đêm, canh chừng tù-nhân ngoài hiện-trường lao-động.
5. Quản-giáo. Nhiệm-vụ của quản-giáo là theo dõi đội về lao-động và tư-tưởng.
6. Giáo-dục. Nhiệm-vụ của công-an giáo-dục là...dạy dỗ tù-nhân và đưa tù-nhân ra gặp thân-nhân ở phòng thăm nuôi.
7. An-ninh. Nhiệm-vụ của công-an an-ninh là…đánh tù-nhân!
Còn có công-an đặc-trách hồ sơ tù-nhân, công-an nấu bếp... Bất kể công-an già hay trẻ, cấp bậc hạ-sĩ hay đại-úy, giám-thị hay coi kho, tù-nhân đều phải gọi là cán-bộ. Vậy thì cán-bộ trực trại, cán-bộ quản-giáo, cán-bộ giáo-dục đã đến làm việc với chúng tôi.
- Theo quyết-định của Ban giám-thị, hôm nay các anh được chính-thức biên-chế thành hai đội. Tôi gọi tên anh nào anh ấy hô có rõ-ràng và đứng dậy ngồi ra góc sân.
Cán-bộ giáo-dục nói xong thì nhìn danh-sách mà đọc.
- Trần Duy Cát.
- Có
- Đặng Hải Sơn.
- Có.
-Nguyễn mạnh Côn.
- Có.
Đọc đủ tên 50 tù-nhân, cán-bộ giáo-dục ngưng lại. Hắn nói:
- Những anh còn lại ở chung một đội.
Hắn ra lệnh hai đội tập-họp gần nhau.
- Theo quyết-định của Ban giám-thị, Trần Duy Cát làm Đội trưởng; Đặng Hải Sơn, Đội phó; Nguyễn văn Thương, Thư ký. Anh Cát đâu?
Đẳng Giao dơ tay:
- Có tôi
Cán-bộ giáo-dục gật đầu:
- Tốt. Đội của anh là Đội 21 nông-nghiệp.
Bước sang đội của tôi,cán-bộ giáo-dục hỏi:
- Anh Vũ Mộng Long đâu?
- Có.
- Theo quyết-định của Ban giám-thị, anh là Đội trưởng, Nguyễn văn Thạch, Đội phó, Phạm Kim Sơn, Thư-ký. Đội của các anh là Đội 17 rau xanh. Ai thắc-mắc gì không?
Đằng Giaao dơ tay:
- Thưa cán-bộ, tôi không biết làm Đội trưởng.
Cán-bộ giáo-dục nghiêm nét mặt:
- Anh khước-từ sự chiếu-cố của Ban giám-thị hả? Học tập sẽ làm được. Làm sĩ-quan ngụy tiêu-diệt Việt cộng chắc anh làm giỏi đấy nhi?
Đằng Giao nín thinh. Tôi tưởng Đằng Giao thành-công, sẽ bắt chước theo. Ai ngờ…
- Khước-từ sự chiếu-cố của Ban giám thí là khước-từ sự khoan-hồng của cách-mạng, là chống Đảng và nhân-dân.
Hoạ sĩ Đùa Dzai 4 vừa thấy bị đùa dai một trò đùa nâng cao quan-điểm. Dằn mặt thế gọi là giáo-dục. Ông thầy của chúng tôi tên Đương. Thầy Đương đeo quân-hàm chuẩn-úy. Thầy xoa dịu trò Đằng Giao:
- Phấn-đấu lên, anh Cát. Không dễ gì ai cũng được làm Đội trưởng đâu.
Thầy Đương ngó thầy Hưng, cán-bộ trực trại:
- Dạy họ báo-cáo xuất trại, nhập trại.
Thầy Hưng, đeo quân-hàm trung-sĩ, dạy Đằng Giao và tôi bài học báo-cáo quân-số và dạy toàn thể anh em cách đi đứn, cầm nón mũ chào kính vân vân…
-Nàm thử xem sao, anh Cát!
Đội trưởng Đằng Giao vẫy tay bảo đội ngồi xuống. Anh ta đếm số đội viên một lượt rồi bước lên cách đội ba bước. Anh ta hô “Đứng dậy, nón mũ bỏ ra. Nón mũ cầm tay phải, lật ngửa. Chú ý: Nghiêm! Hai hàng dọc nhìn đằng trước…thẳng? Thôi…” Đằng Giao bước xuống, đứng cạnh hàng đầu, quay mặt về phía điếm canh tưởng tượng, dõng dạc báo-cáo:
- Báo-cáo cán-bộ, Đội 21 nông-nghiệp tổng số 50, lao-động 50, hiện-diện đủ, chờ lệnh cán-bộ.
Thầy Hưng vẫy tay:
- Cho đi!
Trò Đằng Giao đáp:
- Rõ.
Tôi muốn cười quá mà không dám cười. Giá tôi được tự-do cười tôi đã cười một trận nghiêng-ngửa nhất đời tôi. Đến lượt tôi “nàm thử”, thầy Hưng ra lệnh cho 4 đội-viên của tôi bước khỏi hàng. Tôi cũng “nàm” như Đằng Giao đã “nàm”. Cám ơn tổ-tiên tôi đã khóa cái sự thèm cười của tôi đúng lúc diễn-xuất…căng.
- Báo-cáo cán-bộ. Đội 17 rau xanh tổng số 50, lao-động 46, 4 bệnh nằm nhà, chờ lệnh cán-bộ.
- Cho đi!
Thầy Hưng khen:
- Được Nhưng đó là xuất trại. Còn nhập trại thế lào?
Tôi biểu-diễn:
- Báo-cáo cán-bộ, Đội 17 rau xanh lao-động 46, về đủ, xin nhập trại, chờ lệnh cán-bộ.
Thầy Hưng tấm-tắc:
- Chính-trị dễ tiếp thu hơn nà hình-sự
Cái sự vô-phúc thiếu âm-đức của tôi không dừng ở chức-vụ Đội trưởng. Màn thực-tập vừa dứt, thầy Đương thăng thêm cho tôi chức Nhà trưởng “theo quyết-định của Ban giám-thị”. Tôi phải học bài học nhân-danh Nhà trưởng báo-cáo thầy trực trại buổi sáng mở cửa nhà và buổi chiều đóng cửa nhà và điều khiển tù-nhân cả nhà tập thể-dục. Kệ mẹ nó, đến đâu hay đó. Ít ra, tôi đã hách hơn Hồ Chí Minh. Vì, Ngục trung nhật ký Hồ chủ-tịch không được khoe mình làm Đội trưởng, Nhà trưởng trong tù. Chúng tôi nhận lệnh giải-tán rồi vào nhà nhận chỗ nằm theo sự chỉ-định của cán-bộ trực trại. Đội của tôi ở 5 khoang đầu nhà. Thu xếp hành-lý, tranh nhau nằm trên nằm dưới, dàn xếp ổn-thỏa xong thì các đội cũ tan lao nhập trại. Tôi cắt cử người xuống bếp lấy cơm canh, chia cơm canh. Ấm lòng ngay lập tức nhờ các cháu du-đãng hình-sự tặng “hai chú” Đằng Giao và Duyên Anh, cháu thì tô mì vụn nấu tôm khô rau cải xanh, cháu thì miếng thịt vừa nhận thăm nuôi, cháu thì con cá kho câu dưới sông…
Thi-sĩ Trần Tuấn Kiệt, trong cuốn sách viết về nhà văn nhà thơ Việt Nam, có nhã-ý viết về tôi. Anh ta kể lại kỷ-niệm ở quân-lao. Vì anh ta khoe là bạn của Nguyễn Thụy Long và Duyên Anh nên anh ta được tù-nhân du-đãng chiều-chuộng hết mình. Anh ta bảo, nếu tôi vào tù, tôi sẽ sướng hơn vua! Tôi đã vào tù, không thấy sướng hơn vua mà chỉ thấy khổ như chó. Nhưng nếu tình-cảm là cái gì quý nhất, tôi đã được hưởng cái quý nhất của những độc-giả, đặc-biệt những độc-giả bụi đời dành cho tôi.
Cơm nước xong chúng tôi ngồi tán gẫu chờ điểm danh buổi chiều. Kẻng vừa điểm, tù-nhân vội-vã xếp hàng mười trước của nhà, ngồi ngay ngắn. Tôi đã hỏi quân số Đội 3 rau xanh của Hoàng xì coọc. Tôi phải đếm lại cẩn-thận. Tù-nhân nào ốm không ra điểm danh, phải báo-cáo và trật-tự Hoa-nẫu vô nhà kiểm-soát rồi xác- nhận với cán-bộ trực trại. Nhà của tôi mang số 1. Đáng lẽ, đội của tôi số 5 hoặc số 6, vì TH6 B mới có 4 đội. Chắc chắn, trại sẽ tiếp-nhận thêm nhiều tù-nhân những tháng sắp tới. Thầy trực trại Hưng đã đến, theo sau là Sanh- gian và Hoa-nẫu. Tôi thực-hành bài học báo-cáo…nhà.
~ Anh em chú ý…im lặng! Báo-cáo cán-bộ, Nhà 1 tổng-số 150, tập-họp đủ, chờ lệnh cán-bộ.
Thầy Hưng đếm hàng. Thầy hất tay:
- Cho vào.
- Rõ.
Từng hàng đôi, tù-nhân vô nhà. Tôi sau chót. Hoa-nẫu cài thanh gỗ lớn chắn ngang cửa và khóa lại. Sinh-hoạt ồn-ào thả-giàn cho tới khi kẻng báo ngủ. Lúc đó là 9 giờ.
° ° °
TH6 B chưa có điện. Trại tân-lập mà. Mỗi nhà thắp hai ngọn đèn dầu chế bằng keo thủy tinh không có bóng. Một ngọn để ở sà trên cửa ra vào, một ngọn trên lối vào cầu-tiêu. Điểm danh xong trực trại giao trách-nhiệm cho vệ-binh. Hai vệ-binh canh một nhà suốt đêm. Súng AK sẵn sàng khạc đạn vào kẻ trốn trại. Hai ngọn đèn lù-mù, có khi tắt một, có khi tắt hết nên vệ-binh khó kiểm-soát sinh-hoạt của tù-nhân. Bèn thêm mệnh lệnh không ghi ở Nội-quy, Tiêu-chuẩn cải-tạo và Nếp- sống văn-hoá mới: Đi ỉa, đi đái phải báo-cáo! Thế là tù-nhân sáng-tạo chuyện hài-hước đen.
- Báo-cáo cán-bộ, tôi đi đái.
- Báo-cáo cán-bộ, tôi đi đái xong rồi, tôi về chỗ ngủ.
- Báo-cáo cán-bộ, tôi đi ỉa.
- Báo-cáo cán-bộ, tôi đi ỉa xong rồi, tôi về chỗ ngủ.
- Báo-cáo cán-bộ, tôi đi ỉa nữa.
Có tù-nhân chơi bạo:
- Báo-cáo đái!
hoặc:
- Cán-bộ ỉa!
Nếu vệ-binh tìm chỗ ngồi đốt lửa sưởi lạnh với nhau, không nghe thấy thì không sao cả. Nó đi tuần, nghe thấy là réo Nhà trưởng, đánh thức cả nhà dậy nghe nó giáo-dục sỉ-vả hoặc nó bắt tìm ra ai…lạc-hậu, đầu óc nặng tư-tưởng đồi-trụy và ảnh-hưởng văn-hoá Mỹ-Ngụy sâu đậm. Giả đò không báo-cáo nó nghe tiếng chân đi, nó cũng hô-hoán ầm-ỹ. Cái chức Nhà trưởng coi bộ nguy-hiểm. Ngủ chỉ sợ có bố nào cao-hứng đạp tường mò về sum-họp gia-đình, nó sẽ đổ vạ mình đồng-lõa, mình làm ngơ và sẽ còng tay xích chân mình. Khổ nhất vẫn là màn nửa đêm bị vệ-binh thèm thuốc gọi dậy xin một điếu. Nhưng khổ hơn cả mọi nỗi khổ là Nhà trưởng phải thắp đèn và bảo-quản bình dầu. Trật-tự Hoa-nẫu đã tính-toán kỹ-lưỡng. Nó phát dầu đủ thắp một tuần: hết dầu ráng mà chịu bị vệ-binh “lên lớp”. Tù-nhân nghiện thuốc lào thường thích có đèn riêng cho đỡ tốn xăng đá lửa. Quý vị ấy che đèn và xin dầu kiểu “thông-cảm”. Nhà trưởng không dám cho, sợ hết dầu và sợ bị “nâng quan-điểm” giúp tù-nhân phương-tiện trốn trại hay đốt trại! Thì bị quý vị ấy chửi bới. Quý vị ấy công khai sớt dầu ở đèn tập thể. Nằn nì quý vị ấy thông- cảm, quý vị ấy không thông-cảm. Cấm-đoán, ngại quý vị ấy xỏ xiên “giữ 1. cho chúa”. Từ cái nhỏ hóa thành cái lớn. Nhà trưởng biến thành cái đích của thị-phi. Chỉ vì sợ hết dầu trước hạn kỳ. Chỉ vì anh em tiếc rẻ xăng, đá lửa. Chỉ vì anh em lười châm lửa ở đèn tập thể. Chỉ vì anh em khoái đèn cá nhân.
Đêm đầu tiên nhậm chức Nhà trưởng của tôi thật não-nùng. Tôi không ngờ nổi. Những tiếng báo-cáo “đi đái, đi ỉa” liên tục đến gần sáng. Tôi bắt đầu chán ngán cái động của trại tập-trung. Dường như, cái động hứa hẹn vang vọng một niềm bất-hạnh. Đêm cuối năm ở rừng già Sa Ác lạnh vô cùng. Tôi đã quên cái lạnh mùa đông miền Bắc hơn hai mươi năm nay nhớ lại và thấm rét mướt. Sự rét mướt chẳng còn ở ngoài da nữa. Nó đã thấm buốt cả thân-phận tôi. Tôi xoayngười úp bụng xuống sàn gỗ, ngẩng đầu nhìn qua chấn song gỗ của khung cửa ọp-ẹp. Đêm tối. Thân-phận. Đất nước. Dân-tộc. Thân-phận tôi là đồ bỏ. Nhưng đất nước tôi, dân-tộc tôi? Trong cuộc chạy đua việt-dã mấy chục năm giữa bọn ăn cướp và bọn ăn cắp, sự thắng bại đã rõ rệt. Chính-nghĩa của bọn ăn cắp là đào-ngũ, đào-nhiệm chạy dài. Chính-nghĩa của bọn ăn cướp là hồ-hởi phấn-khởi trả thù vặt. Ba mươi năm chính-nghĩa thổ-phỉ và chánh nghĩa “phi-lu” nhân danh hai chủ-nghĩa ưu-việt nhất của loài người, vô-sản và tư-bản; nhân danh hai quyền-lực vĩ-đại nhất và thô-bạo nhất của loài người, Liên xô và Hoa kỳ, đấm đá và tranh giành sự-nghiệp nô-bộc, đất nước tôi rách mướp, dân-tộc tôi đói rách, ngu dốt, lạc-hậu. Chiến-tranh bẩn thỉu toa rập giữa tư-bản Hoa kỳ và vô-sản Liên xô đã tàn-sát đến cả cây cỏ, muông thú của quê-hương tôi, đã đẩy dân-tộc tôi vào cuộc phiêu-lưu thù-hận, đã tạo dựng bọn tướng cướp bản-xứ khát máu và bọn trùm trộm cắp hèn-mọn, trơ-tráo. Hạnh-phúc mà vô-sản chủ-nghĩa đem từ thiên-đường Liên xô sang đất nước tôi là gì? Hỏa-tiễn, súng đạn, giáo-điều mác-xít, lê-nin lỗi thời. Chủ-nghĩa cộng-sản có khả-năng tiêu-diệt 1 triệu 500 ngàn dân Việt Nam mùa cải-cách ruộng đất năm 1956, có khả-năng nướng thiêu 1 triệu thanh niên miền Bắc dọc đường mòn Hồ Chí Minh và các chiến trường miền Nam. Chủ-nghĩa cộng-sản có khả-năng làm bé nhỏ cả dạ-dầy lẫn tim óc của dân miền Bắc. Nhưng, chủ-nghĩa bách-chiến bách-thắng ấy chưa giải-phóng nổi chế độ đổ thùng ở riêng thủ-đô Hà-nội “thủ-đô của phẩm-cách con người”. Khi còn công-nhân vệ-sinh đặc-trách đổ thùng, còn phu đổ thùng, còn con người tăm-tối chui rúc vào cầu-tiêu vác những thùng phân đổi miếng cơm hẩm, chủ-nghĩa cộng-sản chỉ được định giá như một thùng phân lúc nhúc ròi bọ.
Hạnh-phúc mà tư bản chủ-nghĩa đem từ thiên-đường Hoa-kỳ sang đất nước tôi là gì? Bom lửa, xe tăng, thuốc khai quang, phi-tiễn, lựu đạn cay và lý-tưởng khai- phóng tự-do, dân-chủ chó đẻ. Chủ-nghĩa tư-bản có khả-năng đẩy hai thế-hệ thanh-niên miền Nam xuống vực thẳm chiến-tranh cho tham-vọng khốn-kiếp của nó, có khả-năng làm đảo tung đạo-nghĩa và tình-nghĩa Việt Nam; có khả-năng xúi dục đảo-chính, chỉnh-lý; có khả-năng giật giây tôn-giáo thù nghịch lẫn nhau; có khả-năng đưa những thằng vô-lại lên ngôi tổng-thống, thủ-tướng, bộ trưởng, tướng tá, nghị-sĩ, dân-biểu. Chủ-nghĩa ấy còn có khả-năng mầu-nhiệm tạo đĩ điểm thành mệnh-phụ phu-nhân, ma-cô thành lãnh-tụ dân-tộc và biến con người thành công-cụ của đô-la, nô-lệ của vật-chất; biến con người thành ký-sinh-trùng ăn bám, ươn- hèn, vọng ngoại. Nhưng, chủ-nghĩa chói-chang ấy chưa tẩy xóa nổi dấu-tích ô-nhục của phản-bội đê-tiện. Khi còn còng made in USA còng tay những người Việt Nam chân-chính chống đối chủ-nghĩa cộng-sản phi nhân ở Việt Nam sau 1975, chủ-nghĩa tư-bản Hoa Kỳ cũng chỉ được định giá như một thùng phân lúc nhúc ròi bọ.
Rốt cuộc, quá độ chiến-tranh ý-thức-hệ thùng phân là đất nước héo úa, dân-tộc chia lìa, tổ-quốc gầy mòn. Những thằng ăn cắp bỏ chạy không quên mang theo tài-sản ăn cắp. Và chúng nó đang phè phỡn ở Hoa kỳ, miền đất hứa có chủ-nghĩa được định giá như một thùng phân. Chủ-nghĩa này tạo ra những nhà lãnh-đạo lỗi-lạc để thi-triển những chính-sách đối với các nước nhỏ và các nước dưới quyền…viện-trợ. Những thằng ăn cướp được dịp tuyên-bố chiến-thắng những thằng phản-bội và những thằng ăn cắp. Và chúng nó bảo cách-mạng thành-công. Và chúng nó lùa những người Việt Nam vào nhà tù, trại tập trung. Tôi cũng bị lùa vào nhà tù 3 năm. Bây giờ, tôi bị ném ra trại tập-trung. Tôi mang cái tội gì nhỉ?
Thoạt đầu, phỉ-quyền (bọn ăn cướp) chụp lên đầu tôi cái tội ngớ-ngẩn: Nhà văn chế-độ cũ. Tôi không phải là người của chế-độ nào cả. Tôi là người của tôi, của gia-đình tôi, của bằng-hữu tôi, của độc-giả tôi và lộng ngôn một tí tôi là người của dân-tộc tôi. Không một chế-độ nào chấp-nhận những người nghệ-sĩ phản-kháng cả. Tôi là nhà văn, nhà báo phản-kháng, và có chính-kiến rõ rệt. Tôi đứng về phía những người bị trị chống đối kẻ thống-trị. Sự chống đối của tôi, tùy theo cường-độ chính-trị của thống-trị. Khi thống-trị bình-thường, sự chống đối của tôi hiểu theo nghĩa đối-lập. Khi thống-trị đàn áp, sự chống đối của tôi là phản-kháng quyết-liệt. Bằng văn-chương và tư-tưởng. Tôi đã thường xuyên quyết-liệt phản-kháng bọn thống-trị Sàigòn vì tôi muốn không còn, không có nữa phỉ-quyền hiện diện ở Hànội và âm-mưu thôn-tính quê-hương tôi. Phỉ-quyền lên án tôi từ năm 1970. Hẳn nhiên, phỉ-quyền Hà nội thù hận tôi. Nhưng ngụy-quyền Sàigòn (bọn ăn cắp) ưa gì tôi? Nó cũng thù hận tôi. Tôi thực sự sống bằng ngòi bút từ tháng 1-1964. Tôi viết nhật-báo từ đó. Và từ đó, tôi tuyên-chiến với bọn thống-trị Sàigòn, đứng hẳn về phía bị trị vì những người bị đàn áp bị bóc lột; vì những người nghèo khổ nhất miền Nam; vì những người lính hy-sinh nhất miền Nam, bị bạc đãi nhất miền Nam; vì cô-nhi, quả-phụ; vì danh-dự của tổ-quốc mà lên tiếng. Ngụy-quyền Nguyễn Văn Thiệu chưa dám bắt tôi bỏ tù. Nó tin tử-vi. Và nó sợ phản-ứng độc-giả tuổi trẻ của tôi. Nó sợ cộng-sản lợi-dụng cơ-hội nhập cuộc. Nếu quốc-gia là những ai phò Nguyễn văn Thiệu, suy-tôn nó, ủng-hộ nó, còn kỳ vọng nhiều ở nó; nếu quốc-gia là Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang, Cao văn Viên…và các vệ-tinh, tôi khước-từ thứ quốc- gia đó. Và tôi thẳng-thắn nói: Tôi là người cộng-sản không tha, quốc-gia không dung.
Không thể là quốc-gia ăn cắp, lừa bịp, tôi phải chấp-nhận mọi hệ-lụy ngoài đời, trong tù; trong nước, ngoài nước. Tôi hiên-ngang chấp-nhận. Để tôi là quốc-gia của tôi. Chỗ “tựa vào” của tôi chỉ là dân-tộc Việt Nam đau-khổ. Tôi đã “tựa vào”, đang “tựa vào” và “tựa vào” đến khi nhắm mắt.
Quốc-gia của tôi là quốc-gia chân-chính, quốc-gia của những người lương-thiện sáng chói. Tôi phủ nhận ngụy-quyền, phỉ quyền. Với tôi, ròng rã ba mươi năm, đất nước ta chưa có chính-quyền. Dân-tộc ta đang mơ ước một chính-quyền tạo dựng bởi người quốc-gia chân-chính trong và ngoài nước. Chỉ khi nào đất nước ta có chính-quyền, dân-tộc ta mới có ấm no, hạnh-phúc, đoàn-tụ, thương yêu, tự-do là dân-chủ thực sự. Phỉ-quyền Hà-nội và ngụy-quyền Sàigòn đã bất lực mưu cầu hạnh-phúc cho dân-tộc. Phỉ-quyền chỉ biết ăn cướp. Ngụy-quyền chỉ biết ăn cắp. Thổ-phỉ và đạo-tặc đều thờ chủ riêng. Phỉ là đầy-tớ Liên xô. Ngụy là đầy-tớ Hoa Kỳ. Bây giờ, thêm bốn hạng ngụy nữa: Ngụy kháng-chiến bịp-bợm, ngụy giải-phóng đội đít Tầu, ngụy cứu quốc bám chân Tây, ngụy phục-quốc chờ đèn xanh ảo tưởng Mỹ.
Từ hơn 100 năm rồi, tinh-thần dân-tộc đã bị các thứ giáo-hội đè nặng trĩu, đè ngóc đầu lên không nổi. Các thứ giáo-hội đã chi-phối tinh-thần dân-tộc một cách nghiệt-ngã. Đất nước lạc-hậu của chúng ta có tới hai chục giáo-hội. Giáo-hội và tổ-quốc chứ không tổ-quốc và giáo-hội. Thứ giáo-hội mạnh nhất, thô-bạo nhất hôm nay là giáo-hội cộng-sản. Dân-tộc ta đã ủ-ê vì các giáo-hội, đang ủ-ê vì các thứ ngụy. Vậy làm cách nào phục-hưng tinh-thần dân-tộc và tinh-thần quốc-gia, dĩ nhiên, quốc-gia chân-chính? Vấn đề này nhà văn không đủ tư-cách giải-quyết. Bổn phận của y chỉ nhằm gợi ý.
Tôi đã trải qua một đêm TH6 B.
--------------------------------
1 Tan lao: Tan lao-động.
Vào lao: Vào giờ lao-động.
Giải lao: Nghỉ lao-động
2 Khu A có xưởng cưa máy. Đầu năm 1979, các Nhà cũ bị phá để xây cất Nhà mới khang-trang, cầu-tiêu xối nước. Dĩ nhiên, Nhà nhiều hơon vì tù nhiều hơn và sự quản-lý chặt-chẽ hơn. Sĩ-quan quân-đội từ các trại miền Tây dồn hết lên miền Đông.
3 Về sau, chính Đằng Giao đặt mốc cho đoạn đường…vào Ba Thục này.
4 Vẽ tranh hí-hoạ, Đằng Giao ký tên Đùa Dzai.
Trại Tập Trung Trại Tập Trung - Duyên Anh Trại Tập Trung