Love is always within. When you try to dramatize your love, you lose the depth of the love.

Charan Singh

 
 
 
 
 
Tác giả: Alfred Szklarski
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1098 / 15
Cập nhật: 2017-10-14 10:57:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Lão Thầy Bói Ở Port Xaiđ
rời thật đẹp, không gió, đầy nắng. Con tàu “Cá sấu” thong thả lướt trên mặt nước phẳng như gương của biển Ađriatic. Đến bây giờ Tômếch cảm thấy ở trên tàu cũng an toàn như ở nhà dì Janhina. Bản tính nhanh nhẹn và tò mò không cho phép nó ngồi yên một chỗ, suốt ngày nó chạy hết chỗ này đến chỗ khác. Nó xuống buồng nồi hơi trò chuyện với những người đốt lò, ngó xem các khoang dành để chứa lũ thú, kết thân với anh đầu bếp, đến thăm các thủy thủ tại phòng riêng của họ, và chỉ sau hai ngày nó đã gần thuộc hết mọi ngõ ngách trên cái “chuồng thú lưu động”, chẳng kém gì thuyền trưởng Mac Đugan.
Theo đúng lời hứa, thủy thủ trưởng Nôvixki bắt đầu dạy nó tập bắn. Họ bố trí trương bắn trong một phòng được chuẩn bị để chứa thú, mỗi ngày Tômếch dành mấy giờ liền tập luyện tại đó, ngắm bắn vào bia là một cái đĩa tròn.
Sáng nào Tômếch cũng xuống phòng hút thuốc chăm chú nghiên cứu tấm hải đồ, trên đó đánh dấu quãng đường mà con tàu đã vượt qua sau mỗi ngày. Ngày thứ bảy, đường kẻ màu đen gần chạm đến bờ biển châu Phi. Tômếch liền chạy ngay lên boong. Tàu “Cá sấu” đang tiến vào cảng. Nhìn thấy ba và chú Xmuga trong nhóm người đang đứng trên boong thượng, nó vội chạy ngay lại phía họ.
– Ba ơi, đây có phải là Port Xaiđ không hở ba?
– Phải rồi, chúng ta sẽ ghé Port Xaiđ, nằm ngay lối vào kênh đào Xuyê – ông Vinmôpxki trả lời.
– Chúng ta có lên bờ ở đây không ba? – Tômếch sốt ruột muốn nhìn thấy thành phố mà nó đã được nghe tiếng từ lâu qua sách vở và những bài học địa lý ở trường.
– Chúng ta sẽ bổ sung thêm than tại đây. Tàu “Cá sấu” sẽ cập bến vài giờ. Buổi chiều ta sẽ lên bờ, ghé thăm thành phố – ông Vinmôpxki đáp.
Trong tiếng còi trầm hùng, tàu “Cá sấu” thận trọng len lỏi giữa hàng trăm chiếc thuyền và tàu nhỏ, lướt qua mấy chiếc tàu chạy bằng hơi nước khổng lồ, đang bình yên mơ màng nằm sâu trong cảng, để rồi sau đó thả neo ngay sát gần bờ.
Tômếch thích thú nhìn về phía thành phố phơi mình dưới bầu trời trải rộng không một gợn mây, đang được ánh nắng dát vàng. Vút cao trên những nóc nhà nhấp nhô là chiếc tháp đèn, phía xa xa chọc thẳng lên trời là chop nhọn những tháp cao vút của các nhà thờ Hồi giáo.
Tàu “Cá sấu” vừa đậu yên chỗ, lập tức có không biết bao nhiêu thuyền bâu tới, trên thuyền là những người A Rập và người da đen nhanh nhẹn, chuyên làm nghề chở hành khách và hành lý từ tàu lên bờ. Nhưng khi biết tàu “Cá sấu” không phải là tàu khách, họ lại vội vã rời đi ngay. Bây giờ lại đến lượt mấy chiếc thuyền con khoan thai tiến lại. Những cậu bé người A Rập mình trần vừa chèo thuyền vừa lóe chóe trò chuyện với các thủy thủ trên tàu.
– Chúng muốn gì ta thế ba? – Tômếch hỏi, tò mò vì cảnh huyên náo.
– Con sẽ thấy ngay thôi! – ông Vinmôpxki trả lời, rồi rút túi lấy chiếc ví đựng tiền. Khi trong tay ông vừa lấp lánh một đồng tiền bạc thì một chiếc thuyền nhỏ chèo ngay lại gần.
– Bây giờ con hãy nhìn thật kỹ nhé! – ông bảo con.
Đồng xu bị ném rơi xuống biển. Đúng lúc ấy một thằng bé người A Rập từ trên thuyền nhảy lao đầu xuống nước, lặn sâu xuống theo đồng tiền, và chỉ lát sau nó đã nhô lên khỏi mặt nước, đồng xu cắn chặt giữa hai hàm răng.
– Thật là một tay bơi cừ khôi! – Tômếch thán phục. – Ba cho con xin mấy đồng xu, con phải quan sát kỹ xem nó làm như thế nào mới được.
Tômếch vừa ném tiền cho những tay thợ lặn khéo léo của Port Xaiđ vừa háo hức đưa mắt nhìn những trò “ma thuật” do một ông già người A Rập thực hiện. Mãi đến khi ném hết số tiền cha đưa cho, nó mới chợt nhận ra phía bên kia thành tàu cũng có một chuyện gì khác đang xảy ra. Nó bèn ngoái người nhìn sang, và trông thấy năm chiếc xà lan chở đầy than nối nhau tiến lại gần cửa hông của chiếc tàu thủy. Một xà lan đang cặp sát thành tàu “Cá sấu”. Đám người A Rập ở trần, da nâu bắt đầu nhanh nhẹn chuyển những sọt than lên tàu. Đám bụi than đen kịt bay tới tận boong tàu. Những người A Rập đi lại trên các xà lan đang ngó những thủy thủ đứng trên boong, cười vui vẻ, để lộ những hàm răng trắng lóa giữa những đôi môi dày. Một ông già A Rập mặc chiếc áo khoác burnus màu nâu theo dõi việc chuyển than. Ông ta múa tít chiếc roi to, quất vào không khí là chính, dường như muốn thúc đẩy những người đang chuyển than.
Chú Xmuga lại gần Tômếch:
– Cháu chuẩn bị lên bờ nào! – chú bảo, và khi cậu bé quay mặt lại, chú chợt phá lên cười, nói thêm: – Quỷ thật! Mặt cháu đen nhẻm như dân da đen mất rồi!
Mãi đến lúc này Tômếch mới nhận thấy mình bị bám đầy bụi than do bụi bốc lên chung quanh.
– Cháu mải nhìn quá! – nó trả lời. – Cháu xuống thay quần áo ngay đây. Tất cả là do ông già người A Rập với vẻ mặt phù thủy đang đốc thúc kia. Chú nhìn mà xem này! Ông ta giả vờ múa may như đang đốc thúc mọi người làm việc, trong khi mọi người đều cười giễu ông ta.
– Cách thức làm việc của họ là thế. – chú Xmuga bảo. – Không cần ông đốc công già ấy thì việc vận chuyển than lên tàu cũng vẫn nhanh không kém. Cháu mau đi rửa mặt thay quần áo, ta phải xuống thuyền ngay bây giờ đấy.
Tômếch chạy vội vào buồng, sau khi rửa ráy, thay quần áo, nó lại chạy lên boong. Cha nó, chú Xmuga và thủy thủ trưởng Nôvixki đang chờ nó. Họ leo thang dây xuống một chiếc thuyền và lát sau đã đặt chân lên bờ. Cả một đám đông hướng dẫn liền bâu lấy họ, xin được làm dịch vụ hướng dẫn đi thăm quan thành phố. Thủy thủ trưởng Nôvixki ném cho bọn họ mấy đồng tiền, rồi xua tay ra hiệu cho họ đi, bởi trong những chuyến đi trước đây chú đã quá quen thuộc thành phố Port Xaiđ.
Lát sau, họ đi vào một đường phố dài, hết sức nhộn nhịp, với những ngôi nhà xây thấp lè lè. Các cửa hiệu chất đầy các thứ hàng hóa. Tômếch chốc chốc lại dừng bước để ngắm nhìn những con rồng nom thật khủng khiếp, với lớp mạ vàng chóe, những pho tượng tuyệt vời bằng ngà voi, những đồ sứ Trung Hoa mỏng tang, gần như trong suốt, những con giống lòe loẹt nom thật tức cười, những pho tượng bằng gỗ bạch đàn các loại, đủ thứ vải đẹp tuyệt vời có dệt những sợi chỉ vàng, chỉ bạc và hằng hà sa số bao thứ hàng hóa khác mà nó nhìn thấy lần đầu tiên trong đời. Chủ nhân các cửa hiệu ra sức quảng cáo các hàng hóa của mình, cố mời họ ghé vào xem. Rốt cuộc, những tiếng mời chào bằng đủ mọi thứ ngôn ngữ khiến Tômếch ù cả tai hoa cả mắt, đến nỗi nó đành phải nấp vào giữa đoàn. Họ đi đến khu phố của người châu Âu, với những tòa nhà cao, sang trọng. Nơi đây có các khách sạn, ngân hàng và các công ty thương mại, trong các khu vườn rộng rãi nổi bật lên những biệt thự màu trắng xóa của những người giàu có.
Rồi họ lại đến khu phố của người A Rập. Giữa một số ít những ngôi nhà xây bằng gạch là hằng hà sa số những ngôi nhà đất, mái lợp lá, bẩn thỉu, chi chit lỗ hổng. Ngay phía trước mỗi nhà, dường như mọc thẳng từ vách, là những quầy hàng rau và quả, các đặc sản của phương đông, nom hết sức ngon mắt. Những chú dê và lừa bình thản dạo bước trên đường phố, không hề để tâm đến những khách bộ hành hay ca thán.
Khi mọi người vừa đi qua một trong số những ngôi nhà như thế, một ông lão người A Rập còng lưng đang ngồi xệp trên mặt đất chợt kêu lên:
– Hãy dừng chân một chút đã nào, hỡi các vị khách cao quý!
Họ dừng chân, ông lão tinh đưa đôi mắt tinh anh nhìn kỹ họ. Lão giơ bàn tay nhăn nheo ra, bắt đầu cất giọng thều thào:
– Số phận mỗi con người đều đã được ghi rõ trong sách trời. Chỉ vài đồng xu bạc, ta sẽ báo cho mỗi người trong các ngài điều gì đang chờ đợi trong cuộc đời.
Chú Xmuga ném cho lão một đồng tiền bạc, ròi nhại theo cách nói của lão, chú bảo:
– Xin hãy nhận lấy món tiền nhỏ mọn này, hỡi cụ già khả kính, nhưng xin chớ nhọc lòng báo trước số phận của tôi. Cũng như ông tôi biết đọc được quyển sách đời, vì vâyh tôi cũng xin được chia sẻ hoàn toàn vô tư với ông một điều bí mật: chẳng bao giờ ông có thể làm giàu bằng trò bói toán của mình đâu!
Bằng động tác của một con thú vồ mồi, bàn tay ông với nước da nâu sạm vồ ngay lấy đồng tiền sáng loáng và cho nó biến mất ngay trong chiếc túi tiền đeo ở thắt lưng.
– Người sẽ thôi cười cợt khi một cậu bé đứng chắn giữa người và cái chết. Và có thể người sẽ hối tiếc là đã không thèm nghe những lời tiên tri của ta – ông lão A Rập nói, đôi môi mỏng của lão cong lên thành một nét cười giễu cợt.
Khuôn mặt nhăn nheo và những lời lẽ lạ lùng của ông lão gây ấn tượng mạnh cho Tômếch. Nó thò tay vào túi lấy ra một đồng xu bạc cho vào cái om đất đặt trên mặt đất ngay trước mặt lão thầy bói. Nhưng trước khi cậu bé kịp bỏ đi, bàn tay xương xẩu từ dưới chiếc áo burnus bẩn thỉu đã thò ra, và bằng một động tác nhanh nhẹn không ngờ, lão thầy bói nắm chặt lấy tay cậu, kéo về phía mình.
– Xin hãy nghe lời của một người A Rập tuổi tác – lão cất giọng khàn khàn, tay vẫn không buông tay cậu bé. – Cậu còn trẻ lắm và sẽ sống rất thọ. Cậu hãy ghi nhớ lời lão và sẽ còn nhiều lần nhớ lại.
Lão dùng tay phải rẽ rẽ lớp cát nằm trong một cái nồi sắt tây đặt trước mặt, dường như đang nhẩm đọc điều gì từ trong cát, rồi nói:
– Tại một xứ sở xa xôi, cậu sẽ tìm được thứ mà những người khác hoài công tìm kiếm. Khi nào chuyện đó xảy ra, cậu sẽ có được một người bạn tốt nhất, người sẽ không bao giờ nói với cậu một lời nào…
Ông Vinmôpxki sốt ruột nhún vai, rồi nắm tay Tômếch, ông nói:
– Thế là quá đủ cái trò bói toán vớ vẩn này! Ta hãy kiếm chút gì đó man mát uống đi thôi!
Họ nhanh chân rời khỏi lão thầy bói, còn lão, mỉm một nụ cười ác độc, đưa đôi mắt ngầu đỏ những tia máu nhìn theo hút họ.
Ông Vinmôpxki và chú Xmuga trò chuyện với nhau về những điều thú vị liên quan đến các thầy bói người A Rập. Tômếch và thủy thủ trưởng Nôvixki im lặng lắng nghe. Lát sau họ rẽ vào một quán cà phê lớn. Tômếch cứ loay hoay ngồi không yên trên ghế, và cuối cùng nó nói với mọi người:
– Ba và chú Xmuga khẳng định rằng lão thầy bói A Rập chỉ toàn nói chuyện vớ vẩn. Nhưng tại sao lão lại biết chúng ta đang trên đường đi đến một xứ sở xa xôi?
– Tại cái hải cảng náo nhiệt này, có thể nói điều đó với bất cứ người châu Âu nào mà không cần phải ngần ngại – chú Xmuga đáp. – Thầy bói bao giờ cũng có biệt tài moi tiền của những người ngây thơ. Chẳng cần phải để ý những lời bói toán của bọn chúng làm gì.
– Anh là người đầu tiên cho ông ta tiền – thủy thủ trưởng Nôvixki bật cười. – Anh không muốn nghe quẻ bói nhưng lại không tiếc tiền, nói cách khác anh vừa dâng nến cho Chúa vừa hiến tàn nến cho quỷ. Nhưng lão già kỳ quặc đó cũng đã bảo anh một điều tiên đoán ghê gớm đấy chứ! Tôi chẳng thích để cho một ông già tuổi tác như thế đoán điều gở cho mình. Vì thế, khi đi qua đám thầy bói, tôi cứ giữ mồm giữ miệng là hơn.
– Tôi cho tiền bởi dẫu sao một ông già tức cười như lão cũng phải có cách gì đó để kiếm sống chứ – chú Xmuga bật cười thanh mình. – Ngay từ hồi trẻ tôi đã chẳng hề tin những chuyện mê tín. Còn nguy hiểm thì có gì mà ngại, bởi lúc nào tôi cũng mang theo vũ khí bên mình.
– Nhờ chuyện đùa của cậu mà lão đã tặng cho chúng ta những lời cảnh báo kinh khủng đấy chứ, theo cách nghĩ của lão – ông Vinmôpxki vui vẻ góp chuyện.
– Tôi nghĩ là đã đến lúc hạ buồm để nghĩ đến chuyện trở về tàu được rồi đấy – thủy thủ trưởng, người bao giờ cũng thực tế và đúng giờ, chợt lên tiếng. – Chiều nay tàu chúng ta phải nhổ neo rồi.
– Đúng là đến giờ về rồi – ông Vinmôpxki đồng tình.
Họ ra khỏi quán. Trên đường về, họ mua đầy giỏ các loại hoa quả phương nam ngọt lịm. Và trong tâm trạng rất sảng khoái, họ lên tàu “Cá sấu”. Trên tàu đã có một hoa tiêu có nhiệm vụ dẫn tàu qua kênh đào.
Khi những vì sao đầu tiên vừa hiện trên bầu trời, tàu “Cá sấu” bắt đầu đi vào kênh đào Xuyê. Với tốc độ chậm như rùa bò, nó đi ngang qua tòa nhà hai tầng được chiếu sáng rực rỡ của Công ty Kênh đào Xuyê, nơi đó là văn phòng công ty, cùng nhiều công trình xây dựng khác mà Tômếch quên không hỏi công dụng của chúng. Mọi người đều lên hết trên boong thuợng, bởi lẽ trời nóng khiến họ không thể giam mình trong các phòng riêng. Nhân dịp đó, Tômếch thích thú ngắm không chán dải nước hẹp kéo dài giữa hai bờ, với những con đê cát thấp lè tè.
Lúc học địa ở trường, nó hình dung hoàn toàn khác về kênh đào Xuyê lừng danh này, con kênh đã có vai trò lịch sử làm cho đường biển từ châu Âu sang Ấn Độ được ngắn và an toàn hẳn lên. Nó đã từng được nghe biết bao huyền thoại về những khó khăn to lớn liên quan đến việc đào con kênh, trong khi đó thực tế nom con kênh đào lại có vẻ rất đơn giản. Nó bèn hỏi cha, giọng hơi thất vọng:
– Con không hiểu tại sao việc đào một con kênh hẹp tí thế này lại phải kéo dài ngần ấy năm?
– Nói thật chính xác, công trình xây dựng kênh đào Xuyê được khởi công vào năm 1859, và mãi tới năm 1869 mới hoàn. Nghĩa là phải kéo dài những mười năm – ông Vinmôpxki giải thích. – Việc xây dựng con kênh quả là rất khó khăn. Hiện nay, tổng chiều dài của kênh gần một trăm sáu mươi cây số, trong một trăm hai mươi cây số đào sâu một lòng sông cũ, phần còn lại là hồ, eo đất nối giữa các đoạn kênh với nhau. Để hình dung mức kỳ vĩ của những công việc mà người ta đã phải làm, chỉ cần biết rằng hơn ba mươi nghìn người đã vất vả suốt trong mười năm trời, đổ bao mồ hôi nước mắt để hoàn thành công trình này, một công trình tiêu tốn số tiền khổng lồ là hơn năm trăm triệu frăng.
– Chưa bao giờ con nghĩ là việc đào kênh lại tốn ngần ấy công sức và tiền bạc – Tômếch nói. – Chúng ta phải mất bao nhiêu thời gian để vượt qua kênh hả ba?
– Gần hai mươi tiếng đồng hồ, vì theo quy định, chúng ta sẽ phải nhường đường cho các tàu tốc hành chở thư.
– Vậy thì con sẽ có dịp để ngắm nhìn quang cảnh vùng kênh vào ban ngày – Tômếch vui sướng.
Và nó đi ngủ, lòng rất phấn khởi. Nó cảm thấy hơi mệt sau chuyến đi chơi khá dài ở thành phố Port Xaiđ. Sáng sớm hôm sau, nó tìm được một đài quan sát tuyệt vời: nó chui vào chiếc thuyền cứu sinh được buộc chặt ở boong thượng mà không bị ai nhìn thấy, từ nơi đó, nó có thể nhìn bao quát suốt một vùng rất rộng hai bên bờ kênh.
Hút tầm con mắt, khắp nơi toàn là cát và các hồ nước mặn. Bên phải, ngay sát bờ kênh, là con đường sắt chạy từ Port Xaiđ đến Xuyê, kéo theo hai hàng cây hai bên, gồm chủ yếu là cây me, loài cây ăn quả của vùng nhiệt đới có thân màu vàng nâu và những chiếc lá như có lông xơ. Trên mặt cát sa mạc, đôi nơi hiện ra những tòa nhà ở hoặc nhà ga, và đôi lần tàu thủy lướt qua những đoàn tàu hỏa, đang kéo theo một đuôi khói dài. Ban đầu, Tômếch háo hức ngắm bao quát chung quanh, nhưng rồi sau đó vẻ đơn điệu của cảnh quan khiến nó đâm chán. Trời nóng quá… thế là nó bèn cởi áo sơ mi, ngồi bệt xuống đáy xuồng, rồi sau đó ngả lưng nằm, cho đầu xuống dưới gầm ghế, và nó mau chóng ngủ thiếp đi trong tiếng róc rách đều đều như ru của nước vỗ vào mạn tàu.
Phải khá lâu sau cha nó tìm thấy con đang ngủ trong xuồng. Da Tômếch đỏ au như vỏ tôm luộc. Người ta đưa ngay nó vào buồng cho đến khi tàu đi qua hết Biển Đỏ. Cũng may là trong khi ngủ, đầu nó được nấp dưới bóng chiếc ghế dài nên hậu quả của cơn say nắng không nặng lắm. Vì sự thiếu thận trọng của mình, nó bị cha phạt, không được phép xem cảnh người ta đưa lũ lạc đà xuống tàu ở cảng Xuđăng.
Nó cũng chẳng kêu ca gì nhiều về hình phạt. Tấm vải trải giường khiến thân hình bị bỏng nắng của nó rát đến là khó chịu, nó cũng chẳng thể mặc quần áo vào người. Trong tình trạng đó, nó đâu thể bước ra boong tàu, nơi lúc nào cũng bỏng rát nắng mặt trời.
Để giết thì giờ nó đành ngó ra ngoài qua chiếc cửa sổ tròn. Và bằng cách đó, nó nhận thấy rằng, ngược với điều nó vẫn tưởng trước kia, nước Biển Đỏ hoàn toàn chẳng đỏ tí nào. Qua lời cha giảng giải, nó được biết tên gọi ấy bắt nguồn từ những loài cỏ đỏ mọc ngầm dưới biển. Về ban đêm, nó quan sát ánh sáng của những cây đèn biển dựng trên những hòn đảo hoang giúp cho tàu thuyền đi lại được dễ dàng và an toàn hơn vì ở đây rất nhiều bãi cạn và đá ngầm.
Trong thời gian ngắn tàu dừng ở cảng Xuđăng, Tômếch lắng nghe tiếng kin kít của tời đang cẩu lũ lạc đà từ bờ xuống tàu. Tiếng kêu của lũ súc vật cùng tiếng là hét bằng một ngôn ngữ lạ tai của những người đang dồn đuổi chúng đã kích thích mạnh trí tưởng tượng của nó, gợi nhớ những trang sách đã được đọc, mô tả cuộc hành trình của Livingstơn và Xtanley tới châu Phi.
Ngay hôm sau ngày tàu rời cảng Xuđăng, thủy thủ trưởng Nôvixki lại tiếp tục dạy nó học bắn. Tômếch đã có thể dễ dàng bắn trúng điểm đen, nên thủy thủ trưởng cho nó chuyển sang tập bắn các mục tiêu di động. Anh căng một sợi dây thép sát trần phòng tập bắn, treo vào đó một vỏ đồ hộp chứa đầy cát. Chiếc vỏ hộp di động nhờ một sợi dây kéo, trở thành cái bia cho Tômếch nhằm bắn. Khi nó đã thành thạo, tốc độ di chuyển của vỏ hộp được tăng lên, nhanh hơn và đột ngột hơn. Được thủy thủ trưởng cổ vũ, Tômếch càng ngày càng dành nhiều thời gian hơn để tập bắn. Mãi đến khi biết tin tàu sắp tới cảng Ađen, điểm nóng nhất trên trái đất, Tômếch mới bị thu hút lên mặt boong.
Nó trông thấy một bức tường đá đầy đe dọa nhô lên trên mặt biển, dường như chắn ngang đường hành trình của con tàu. Một vòng cung đá, tầng tầng lớp lớp, với những vết nứt nẻ hoang dã, như ôm kín một vùng biển màu ngọc lam, vùng biển mà quanh năm gần như không bao giờ yên tĩnh. Bên trên vòng cung núi đá và mặt nước và bầu trời mênh mông không một gợn mây, đang cháy đỏ ánh nắng chói chang, vô bờ bến.
Tàu “Cá sấu” buông neo. Những chiếc xà lan chở nặng than liền chạy tới cạnh thành tàu, vượt qua những con sóng ngắn nhưng rất khó chịu. Và cũng giống như ở Port Xaiđ, tại đây cũng nhanh chóng xuất hiện những chiếc thuyền con với những người thợ lặn nhỏ tuổi giỏi giang, không lần nào nhô lên mà không tìm thấy những đồng tiền bị quăng xuống nước.
Vì tàu chỉ dừng một khoảng thời gian ngắn, không một ai trong thủy thủ đoàn của “Cá sấu” lên bờ. Vừa lắng nghe những lời giải thích của cha về thành phố Ađen mà ông biết rất rõ, Tômếch vừa thú vị ngắm nhìn phong cảnh kỳ thú của hải cảng Xtimơ Point, bao gồm khu pháo đài, các khách sạn, lãnh sự quán và nhà ở của những người Âu. Còn thành phố, vốn là một ốc đảo cổ của người A Rập, có tên là Saikhơ Ôthman, thì nằm cách đấy sáu cây số, sát miệng của những ngọn núi lửa đã tắt, giữa những núi đã thật hoang vu, với sa mạc đầy chết chóc, chói chang ánh nắng.
– Dưới một góc độ nào đó, Ađen khiến ta nhớ lại lịch sử kênh đào Xuyê – ông Vinmôpxki nói. – Để có thể tồn tại ở cái điểm nóng nhất hành tinh này, nơi không có một chút bóng râm, không có nước và cây cối, hàng nghìn nô lệ đã phải đổ bao nhiêu máu và mồ hôi để xây dựng nên những bồn chứa nước khổng lồ. Trong những đợt mưa bão mùa xuân, người ta tích trữ nước vào những bồn chứa ấy. Tiếc là từ nơi này con không được nhìn thấy chúng, chúng tạo nên một phòng cảnh thật tuyệt vời.
Tômếch không còn tập trung để nghe tiếp câu chuyện của cha, bởi lẽ trong lúc tàu dừng, hoạt động của mọi người trên tàu chợt sôi nổi hẳn lên, khiến nó phải chú ý. Các thủy thủ hối hả dọn dẹp trên mặt boong, dùng dây chằng buộc tất cả những vật dụng di động. Vài người trong thủy thủ đoàn, cùng với ông Vinmôpxki còn kiểm tra thật kỹ một lần nữa xem lũ súc vật đã được buộc chắc chắn hay chưa.
Những công việc chuẩn bị đó là rất cần thiết, vì bây giờ tàu “Cá sấu” sẽ đi vào khu vực có gió mùa tây nam, cần phải dự phòng trường hợp thời tiết xấu hoặc gặp bão.
Trước khi mặt trời lặn, tàu lại tiếp tục lên đường. Ngay buổi tối hôm ấy Tômếch nhận thấy tàu bắt đầu lắc, mỗi lúc một mạnh hơn khiến nó cảm thấy lo lo. Những con sóng rất to đẩy tàu nghiêng sang mạn trái, những dây buộc kêu răng rắc đầy đe dọa. Chốc chốc những làn sóng lớn lại tung bọt trắng trùm lên boong rồi lại rút lui, dường như xấu hổ vì sự táo bạo của chính mình.
Sáng hôm sau, tàu càng chòng chành mạnh hơn. Chốc chốc những con sóng ngầu bọt trắng lại trùm lên boong tàu. Để quên đi cảm giác nôn nao khó chịu, Tômếch mang súng đến trường bắn. Thủy thủ trưởng Nôvixki không thể cùng đi với nó, nhưng điều đó thậm chí còn khiến Tômếch cảm thấy hài lòng. Do tàu lắc mạnh, nên chiếc vỏ hộp treo trên trần cũng đang nhảy nhót điên cuồng. Bắn trúng một mục tiêu di động như thế quả là không dễ. Nhiều khi chính Tômếch cũng khó giữ được thăng bằng, nhưng chính điều đó khiến nó càng thích thú hơn. Nó bắn phát trúng phát trượt. Sau gần hai tiếng đồng hồ, cát trong hộp đã rơi hết qua những lỗ đạn xuyên.
Đúng lúc ấy vang lên tiếng cồng báo giờ ăn trưa, Tômếch vui sướng đến phòng ăn, ngồi vào chỗ của mình. Suốt thời gian mê mải tập bắn, nó quên bẵng cơn say sóng trước đó và bây giờ chợt cảm thấy đói.
Các thủy thủ nhìn nó với vẻ thán phục, chú Xmuga kêu lên:
– Ha ha, vậy là cháu vẫn đến ăn trưa được?
– Tại sao cháu lại không đến cơ chứ? – Tômếch đáp – Cháu đang đói như sói đây.
– A, nếu như việc tàu lắc lư không khiến cháu ăn mất ngon, thì chắc cháu sẽ trở thành một thủy thủ giỏi đấy. Cháu có biết là ba người Xuđăng to như hộ pháp, được xuống tàu cùng với lũ lạc đà, hiện bây giờ đang nằm như bị thịt trong phòng, – chú Xmuga cười bảo.
Tômếch chịu đựng được sự lắc lư của con tàu. Tuy nhiên nó không được phép lên boong, vì người ta sợ rằng những con sóng trùm qua boong có thể cuốn thằng bé xuống biển. Nó đành ở lại trong “trường bắn”, nhằm vào những mục tiêu di động mỗi lúc một nhỏ hơn, và bây giờ hầu như lần nào cũng trúng.
Mấy ngày sau, biển đã yên ả hơn. Tranh thủ lúc rỗi, thủy thủ trưởng Nôvixki ghé thăm trường bắn. Thấy Tômếch bắn nhanh và chuẩn xác, thủy thủ trưởng rất ngạc nhiên và phải công nhận:
– Nào, người anh em, bây giờ thì tớ chẳng còn có thể dạy chú mày được mấy nữa đâu. May chăng chỉ có chú Xmuga có thể còn điều gì đó dạy thêm cho chú mày thôi.
– Chú Xmuga thiện xạ đến thế cơ à? – Tômếch ngạc nhiên. – Thế mà cháu cứ nghĩ là chẳng ai có thể bắn giỏi hơn chú.
– Ha ha! Chú Xmuga mới là siêu thiện xạ! Chú ấy có thể bắn trúng chính giữa hai mắt những con thú rất nhỏ, – thủy thủ trưởng nói chắc như đanh đóng cột, mặc dù tất cả những điều anh biết về chú Xmuga chỉ là qua miệng cha Tômếch.
Dĩ nhiên, ông Vinmôpxki chằng bao giờ nói “ bắn trúng chính giữa hai mắt”, song thủy thủ trưởng cho rằng điều khác nhau vặt vãnh ấy sẽ chẳng làm Tômếch phiền lòng.
Còn Tômếch, thì như đã quyết định trước đây, nó sẽ học theo chú Xmuga trong mọi việc.Những lời nói của thủy thủ trưởng khiến nó suy nghĩ mãi. Thế rồi nó chọn chiếc vỏ đồ hộp bé nhất, vẽ lên đó hai vòng tròn, hình dung đó là “hai mắt của con thú” và bắt tay vào bài tập bắn mới. Nó giữ kín tuyệt đối điều bí mật này ngay cả đối với thủy thủ trưởng.
Và những ngày dài nhanh chóng trôi mau. Tàu “Cá sấu” mỗi ngày một tiến xa theo hướng đông nam.
Tômếch Ở Xứ Sở Cănguru Tômếch Ở Xứ Sở Cănguru - Alfred Szklarski Tômếch Ở Xứ Sở Cănguru