They say love is blind…and marriage is an institution. Well, I’m not ready for an institution for the blind just yet.

Mae West

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1459 / 21
Cập nhật: 2015-07-18 12:57:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 30
Ðêm sao dài thế? Về đến nhà mới hơn 10 giờ đêm. Nhưng Tuấn lấy lý do "đã khuya" nên ngủ lại nhà mẹ vợ. Bà Tuyết chưa bao giờ thấy thằng rể ngoan ngoãn dễ thương như từ ngày có làm đám cưới "oải" ở "Ðêm Màu Hồng". Bà tưởng nó như là đứa nào khác chứ không phải thằng Tuấn có hỗn danh Hoàng tử Lắc, đạp đổ bàn ghế ở Ðêm Màu Hồng. Nay thấy nó hơi ngỏ ý tát túc lại đây thì bà xiết bao mừng rở. Bà liền tự tay đi dọn phòng cho hai đứa nó.
Tuấn và Ngọc Toàn không lạ gì nhau, nhưng hôm nay Tuấn mới hiểu rõ được cái kho vàng trong tim Ngọc Toàn. Nàng đem quyển truyện của nhà văn Maupassant đưa cho Tuấn và trỏ câu chuyện "Mối thù truyền kiếp", "Món nữ trang", "Tình yêu" và nói:
- Thảo nào người ta gọi nhà văn là "Kỹ sư linh hồn"
- Thế mà ở đại hội họ đến với khẩu hiệu "Kỹ sư vô hồn"! Em tìm đâu ra quyển sách nầy?
- Ở trong "Ðống Rác Cũ!"
- Ðùa hoài! Sách của nhà văn này mà ai bỏ trong đống rác?
- Em mua đồng dổm của một bà đồng nát. Mà cái công của em moi. Giời ơi là giời! Còn hơn một tê nữa! Bà ta sắp đem vứt đi. Bà lấy làm lạ sao em giả cho bả đến 100 đồng cụ! Thành ra cả người bán lẫn người mua đều may mắn như nhau.
- Anh đọc đi, để em ra ngoài xem me có sai bảo gì không? Con gái gì ngày giỗ bố mà đi
"theo trai" tới 10 giờ đêm mới về.
- Sao em không nói đi theo chồng để mua cá về cúng bố?
- Ừ thì đi theo chồng!
Ngọc Toàn khẽ hôn trên má Tuấn rồi đè ngửa chàng lên gối bảo:
- Nằm yên đấy không được bỏ chân xuống đất, đến lúc em vào! Nếu em thấy anh lăn lóc sai vị trí sẽ phải phạt.
- Anh muốn bị phạt bây giờ này!
Vừa nói Tuấn quàng tay ngang lưng Ngọc Toàn riết xuống. Ngọc Toàn không vùng ra được hay nàng không muốn vùng ra. Nàng chỉ tát khẽ trên má chồng:
- Anh hư lắm!
- Hừ hừ...
- Buông ra để em xem me gọi gì kìa!
- Me không có gọi đâu mà! Chỉ có tiếng nhà sư tụng kinh lè nhè ở nhà trước thôi.
Bên ngoài bà Tuyết và mấy bà bạn bàn tính xem ngày mai những ai sẽ đến, sẽ phải nấu thêm món gì, hoa lá phải chưng ra sao. Bỗng Ngọc Toàn bước ra nói chen vào:
- Mình cắm hoa sen được không hở mẹ?
- Hoa gì thì được chứ hoa sen không được con ạ!
- Sao thế hở mẹ?
- Ở Hà Nội này có nhiều nhà tôn trọng hoa sen tinh khiết nên chỉ dùng cúng Phật. Tòa sen là nơi độc nhất Phất tĩnh tọa.
Ngọc Toàn buột miềng nói:
- Chứ bố con ngồi tòa sen không đáng sao hở mẹ?
- Ðã bảo thế! Cái con nhà này! Bố là bố của con, chứ bố đâu phải là Phật. Phật mới là bố của chúng sinh.
Bà Ba Sao mang lễ vật tới cúng anh sui. Bà thấy con bé hôm nay sao đầm thấm và duyên dáng thế, bèn hỏi thử một câu:
- Hai vợ chồng con định hái hoa sen về chưng bàn thờ bố đấy à?
- Lúc ấy con quên hái chứ nếu hái thì xuồng chở mấy cũng không hết.
Ngọc Toàn lỡ nói "Lúc ấy" nhưng không nói là lúc ấy là lúc nào nhưng bà Ba cũng đoán ra được một đoạn, nên tiếp:
- Thế hai đứa đi trên Hồ Tây đấy à? Hồ Tây thì về mạn Bưởi có nhiều sen lắm. Chẳng
mấy chốc mà sen sẽ giăng kính cả ven hồ phía Sài Tích. Trẻ con vùng Bưởi và Nghi Tàm hái trái
và móc ngó sen.
Ngọc Toàn thấy mẹ chồng nói thế thì cũng không giữ bí mật làm gì, lại còn có ý như khoe
chồng:
- Anh Tuấn bơi giỏi ghê me ạ. Anh ấy bơi vào giữa rừng sen rồi đậu thuyền ở đấy.
Bà Ba thấy con dâu và con trai thân thiết với nhau nên bỏ câu chuyện với mấy bà bạn và
quay sang hẵn với cô dâu:
- Con lên đấy có ghé lại cù lao Ốc, cù lao Tiên gì đó không?
- Dạ có, đó là cù lao trải đầy vỏ ốc nên ông Ðạo ở đấy đặt tên là Cù Lao Ốc chứ có cồn
Tiên cồn Thánh gì đâu mẹ!
- Rồi con có nhờ ông Ðạo bói cho má một quẻ không?
- Dạ...
- Dạ có má! Tuấn từ trong buồng vọt ra nói hớt. Con có nhờ ông Ðạo Sò xủ dùm cho má một quẻ. Ông nói cũng đúng y như con bói cho má vậy. Nghĩa là năm nay mà làm ăn trúng "nứt niền" đó má. Má thưởng cho con vài chục tê đi!
- Mày làm cái gì mà đòi tới mấy chục tê?
- Con không có đóng cửa Ðêm Màu Hồng để bao dân chơi như cô Tòa đâu má! Con sẽ sắm nữ trang cho vợ con đó má. Ðúng ra con mới cưới vợ bữa nay.
- Vợ gì cưới rồi lại cưới?
- Dạ, lần trước cưới "dự khuyết", lần này mới cưới "chính thức" đó má! Ngọc Toàn háy Tuấn:
- Anh nói chuyện gì đâu không hà!
- Anh nói thật đấy. Kỳ đó tuy cưới mà không cưới. Kỳ này tuy không cưới mà cưới. Các bà nhìn nhau gật gù như có ý khen Tuấn. Bà Cúc không bỏ qua chuyện cô Tòa.
- Bộ cô Tòa có bao "Ðêm Màu Hồng" cho sân chơi hay sao?
- Tôi đi Chùa khấn rằng: "Nếu tôi mang thai thì tôi sẽ bao Ðêm Màu Hồng 24 tiếng đãi mọi người!" Tôi khấn ở Am ông Ðạo Sò thật mà!
Bà Ba nghe thế bèn nghĩ đến thằng rễ về nguồn của mình. Nó buôn trứng cấy trứng, cái nghề đó biết đâu chẳng hốt bạc?
Nếu bà Tòa đẻ được một đứa con thì uy tín của nền y học Việt Nam sẽ lên như diều gặp gió. Rồi con Thu sánh duyên với thằng chủ nhà băng bên Mỹ. Công việc của bà...mấy chục ông kẹ lớn cả trăm ông kẹ con đóng hụi chết. Bà chỉ cần nhấc phôn lên gọi và "bỏ rào thưa" mấy câu là hết tê này đến tỷ khác chạy vào túi bà. Tiền để tủ nào cho vừa.
Ông Ðạo Sò nầy bói trúng lắm. Bà bèn hỏi Tuấn:
- Sao con không nhờ ổng bói luôn cho vợ chồng con luôn thể?
- Dạ ổng nói từ nay Ô Kê luôn luôn đó má.
Chặp sau một người mặc áo vàng vào gặp thân chủ tường trình:
- Dạ thưa bà, như vậy là coi như tôi đã đọc các thời kinh Siêu Ðộ, kinh Sám Hối. Bây giờ tới phần cúng vong cho ông nhà. Vậy xin bà dọn một mâm cơm riêng để bần đạo làm lễ cúng vong. Rồi xã tang ba năm cho gia quyến. Xin bà hãy chuẩn bị dụng cụ. Sau khi cúng xong thì bà đem tất cả nhà vàng, và tang phục ra đốt hết. Ðó là một phần quan trọng trong buổi cúng tế mãn tang hôm nay. Còn một phần nữa cũng quan trọng. Là đội sớ. Bần đạo cần một người con trong nhà qùi đội sớ để khi làm lễ cúng vong xong thì đốt lá sớ mang tên tuổi ông nhà được ghi trong sổ đầu thai lên trần.
- Dạ xin Thầy giảng thêm về sự đầu thai cho chúng sanh được rõ ạ!
- Sau khi xét công đức và tội lỗi của người chết xong, Diêm Vương cho quỉ sứ dắt hồn người chết đi đầu thai tức là trở lại trần gian bằng ba con đường.
Ðường thứ nhất là đường của những người khi còn ở trên trần thì làm nhiều công đức hơn tội lỗi. Họ sẽ được đầu thai lên trần vào cửa phúc lộc phú hộ danh sĩ. Có khi được vào ngôi chí tôn như Vua Ðường Thế Dân bên Tàu. Sống làm vua, chết xuống âm phủ được kính nể và được cho trở lại dương trần cũng làm vua. Ðó là một cửa. Còn một cửa khác cũng đầy vinh hoa phúc đức như ngài Tam Tạng tục danh là Trần Huyền Trân Theo kinh Phật thì Huyền Trân thuộc dòng quyền quí mẹ là công chúa, cha là trạng nguyên. Huyền Trân tu được 9 kiếp. Ðến kiếp thứ 10 thì đầu thai lên làm con công chúa và trạng nguyên. Kiếp này Huyền Trân được Vua Ðường trao cho sứ mệnh đi sang Tây phương lạy Phật thỉnh kinh với pháp danh là Tam Tạng. Tam Tạng đã hoàn thành sứ mệnh sau 13 năm chiến thắng gian nguy, ma quỉ và mọi sự cám dỗ của giàu sang phú quí. Ở kiếp thứ 10 này Huyền Trân đã thành Phật gọi là Chiên Đàng Công Ðức Phật. Như vậy Huyền Trân đã tu 10 kiếp, mười lần đều đầu thai lên cửa phú quí.
Ðường đầu thai thứ hai là đường dành cho hạng thường như thương buôn, điền chủ, không cao sang lắm, cũng không nghèo hèn lắm.
Ðường thứ ba là đường dành cho những kẻ phạm tội nhiều và nặng như trộm cướp, giết người, tà dâm, nói dối, lường cân tráo đấu, lươn lẹo, cờ bạc, gian tham...Những người này thì đầu thai lên thành người nghèo hèn hoặc thành gà vịt bị người ta giết lại, hoặc thành trâu bò, chó ngựa phải suốt đời lao lực cực khổ để đền tội của mình. Còn nhiều lắm, nhiều lắm. Nhưng tôi chỉ phác sơ lược về cuộc sống tiếp của con người sau khi chết để người đời biết mà sửa mình hầu tránh khỏi tai nạn.
Mấy bà vừa dọn cơm cúng vừa huých nhau. Bà Cúc nói với bà Tòa:
- Tụi mình có tội chầu tướng không biết chết xuống dưới đó đi đầu thai đường nào?
- Ðường nào thì đường trong lưng tụi mình cũng lận theo một bộ tứ sắc, lên đây tìm nhau đậu chến mới.
Bà Ba nói:
- Chầu tướng không có tội gì đâu. Chỉ khi nào "giấu rác" hoặc "tới hố" thì mới có tội, tức là tội lừa dối bạn bè. Phải không ông Thầy?
Nhà sư đang viết lá sớ bỗng ngước lên hỏi thân chủ:
- Dạ thưa bà, ông nhà đau ốm như thế nào mà qua đời?
- Dạ..dạ..
Bà Tuyết bị hỏi bất ngờ lúng túng chưa biết trả lời làm sao, Ngọc Toàn đứng gần đó vọt miệng đáp:
- Dạ, bố tôi ngộ độc ạ!
- Hả? Ngộ độc...Nhà sư giật mình buông bút. Ngộ độc thế nào? Ngọc Toàn tiếp:
- Dạ tôi không biết, nhưng trước khi chết, bố tôi còn trối: "người ta giết tôi".
- Người ta là ai? Nhà sư hỏi tiếp.Ông nhà làm chức to, công trạng lớn thế...lại bị ai giết. Bà Tuyết nói lấp cho qua nhanh:
- Dạ ông nhà tôi ốm vừa khỏi nhưng thèm thịt vịt.
- Thì ra ông trúng thực thịt chứ không phải ngộ độc.
- Dạ thưa thầy...Ngọc Toàn mới vừa cất tiếng thì bị bà mẹ chận ngang:
- Trẻ con nó không biết cho là ngộ độc đó thầy ạ!
Tự nãy giờ Tuấn đứng sau cây cột mắt nhìn nhà sư, tai theo dõi câu chuyện. Ðến đây bèn bước ra ánh sáng hỏi:
- Dạ thưa thầy, xin lỗi thầy trụ trì chùa nào ạ?
- Bần đạo cũng phụng sự chúng sinh ở quanh Hà Nội đây thôi. Bây giờ cũng đã muộn rồi, bần đạo xin rút lui về bản tự để tụng một thời kinh tại Chùa kẻo trễ.
Tuấn sốt sắng:
- Nếu vậy thì đệ tử xin đưa thầy về cho nhanh ạ.
Nhà sư hơi hối hả đứng dậy chào qua các bà rồi bước ra không đợi các bà nói lời từ giã. Tuấn rảo bước theo sau nhưng ra đến sân, nhà sư vứt tay nải và vọt ra đường gọi xích-lô.
Tuấn gọi:
- Thầy ơi, thầy ạ. Xin chờ tí. Thân chủ xin gởi tiền công quả.
- Khỏi ạ! Tôi không có ăn tiền ấy. Vừa nói nhà sư chạy nhanh ra đường và nhảy lên chiếc xích lô đậu sẵn ở đấy không biết vô tình hay cố ý.
Tuấn trở vào mở máy xe để đuổi theo, nhưng khi ra đến đường thì chẳng biết nhà sư biến hướng nào. Ngọc Toàn đứng ở cửa hỏi:
- Anh theo chi vậy?
- À, a..a..nh biết thằng này không phải nhà sư.
- Sao vậy?
- Nó tên thằng Liêm sứt chớ nhà sư gì.
- Sao anh dám nói vậy, tội chết!
- Nó vào động chơi quịt bị dân chơi đè cắn mất một bên tai. Nên gọi là Liêm sứt. Nhưng nó vẫn tiếp tục đi chơi, giả ăn mày, mặc áo cà sa bị công an đuổi chạy lọt miệng cống sái giò, đi cà sẹo mấy tháng. Nó mang thêm một hổn danh nữa là Liêm thọt. Nó mang guốc, một chiếc dày một chiếc mỏng.
- Ông ta quăng đôi guốc kia kìa. Ngọc Toàn trỏ chiếc guốc nằm bên đường dưới ánh đèn.
- Nếu chiếc bên phải dày hơn chiếc bên trái là đúng hắn rồi. Me rước hắn ở chùa nào vậy?
- Chùa Một Cột!
- Thế thì đúng rồi. Anh thấy báo nhân dân nói là nhà sư trước kia đã đi trụ trì chùa khác. Không hiểu tại sao nó lại vô Chùa Một Cột được.
Bà Tuyết và mấy bà nghe tiếng Tuấn bèn đổ ra hỏ mỗi người một câu:
- Nhà sư nào ở Chùa Một Cột?
- Ai mặc áo cà sa giả ăn mày? Ai, ai? Ai bỏ guốc? Tuấn đáp tỉnh tuồng:
- Dạ con nói vị hòa thượng cũ ở Chùa Một Cột không biết bây giờ đổi đi đâu. Bà Tuyết đáp:
- Ông nầy có bằng cao về Phật Học Tân Tây Lan hay Ðài Loan mới về từ chính gốc đó. Ông ấy có khoe với me xâu chuỗi của ông làm bằng gỗ bồ đề thứ thiệt.
Tuấn nằm bên Ngọc Toàn đọc nốt mấy cái truyện hồi sáng. Ðọc xong truyện "Tình Yêu"
(1):
- Hay thật, ông nhà văn này, anh phục bằng sư tổ.
- Truyện nào thế?
- Em chưa đọc à?
- Em mới đọc truyện "Mối thù truyền kiếp" mà đã hết vía rồi! Chính truyện ấy đã xui
cho em đi xuống Giảng Võ và bất ngờ gặp anh rồi chuộc được con Lu Lu về đây. Ta phải mang ơn nhà văn này nhiều lắm! Nếu em không mua được quyển sách này trong thùng đồng nát ở bên đường Cột Cờ thì em còn cầm Lá Diêu Bông đi lang thang khắp chân trời cuối bể chứ chưa gặp lại anh và chưa có đi hái búp sen ở Hồ Tây.
- Ðưa tay cho anh gối đầu đi...rồi anh sẽ kể cho em nghe truyện "Tình Yêu" anh vừa đọc.
- Anh lại sắp "đổ đốn" ra rồi phải không?
- Ừ, anh hư rồi. Hư mãi. Vì e..em!
- Thế nào "Truyện Tình Yêu", kể đi!
- Anh bận quá. Ðể hôm khác được không?
- Em chịu thôi!
- À, nó thế này này..!
- Thì kể đi nào! Thế này là thế nào?
- Nó đẹp như thế nầy.
- Em bảo không nghe, em giận đấy.
- Ðấy là đâu. Ðâu nào? Hì hì quay lưng thế kia làm sao anh kể..ể? Ừ thôi, bây giờ bắt đầu anh kể..ể này. một buổi chiều kia bên ven hồ có một đôi chim...
- Anh bịa phải không?
- Không! Có đôi chim thật.
- Truyện ở trong rừng sao anh kể nó ở ven hồ?
- Thì ở trong rừng chúng nó khát, chúng mới bay ra hồ tìm nước uống gặp anh.
- Thế thì anh không nắm được câu chuyện, để yên, em bảo để yên, em kể hộ anh.
- Hì hì anh nghe đây em kể đi!
- Ðể yên mà thế hở? Ðôi chim đậu trên cành cây. Bỗng đâu một phát súng nổ.
- Ừ súng nổ bất ngờờờ..Kể tiếp đi. em kể..đi!
- Một con rơi xuống bãi cỏ xanh máu tưới ngọn cỏ. Con kia ngó xuống đất thấy cái ức trắng nỏ..ỏn của..đã bảo anh để yên em mới kể được. Nó..không chịu xa bay mà cứ lượn vòng vò.ò..ng ngó xuống tình nhân đổ máu.
- Rồi sao nữa?
- Rồi sao anh bí..í..íết ấy! Thôi em không kể nữa.
- Em biết những giọt "máu" đó con chim kia cất hết để làm kỷ niệm...Em không tin à, hãy nhìn đây này! Tuấn rút chiếc khăn từ trong túi áo ra. Ðây là kỷ niệm thuyền hái sen Hồ Tây.
Dưới ngọn đèn mờ Ngọc Toàn nhìn không rõ chiếc khăn, chỉ thấy màu hồng in trên nền trắng. Nàng đưa tay che mặt và lí nhí trong miệng câu gì hay do Tuấn nghe tiếng vang lại từ đâu xa. Rồi chàng đặt chiếc khăn lên người Ngọc Toàn. Và trùm phủ nàng lẫn chiếc khăn bằng cả người chàng, đời chàng.
Thuyền vẫn bập bềnh trôi ven hồ giữa một tiếng gà vọng lại từ một dĩ vãng nào không xa....
- Ngọc Toàn, dậy dậy sắp sáng rồi. Thuyền đến bờ rồi!
- Em có ngủ đâu! Em thức chờ sáng đấy chứ! Tuấn ngồi bật dậy càu nhàu:
- Thằng Liêm sứt sao trụ trì Chùa Một Cột được?
- Anh có trông nhầm không?
- Nếu anh có trông nhầm đi nữa thì việc gì nó phải chạy quăng cả guốc thế kia? Kẻ gian suýt bị chộp, nên mới sợ chạy hoảng thế chứ!
Ngọc Toàn gạt ngang:
- Thôi gác lại đó đi.
Rồi Ngọc Toàn ngồi vào bàn trang điểm
Hôm nay Tuấn ngạc nhiên thấy vợ đẹp lộng lẫy với chiếc áo dài cổ truyền dân tộc lâu lắm không mặc. Chàng cứ đăm đăm nhìn, Ngọc Toàn nguýt:
- Nhìn gì nhìn thế?
- Trông em khác hẵn xưa. Ðẹp hơn bữa cưới.
- Anh ăn mặc chỉnh tề đi rồi ra cúng bố.
- Em ngồi lên giường chút đã.
- Thôi đi mà! Hết thì giờ rồi!
Tuấn lôi tay Ngọc Toàn ấn xuống giường:
- Nhăn hết áo! Anh laị hỏng.
- Ngọc Toàn vừa chống vừa vâng theo, ngồi.
Tuấn quì xuống chân Ngọc Toàn, rủ rỉ lắp bắp:
- Em đúng là người con gái Hà Nội. Hà Nội Trưng Vương.
Ngọc Toàn lôi Tuấn đứng dậy, hai đứa cùng đi ra. Bà Tuyết reo lên:
- Con gái tôi bữa nay đẹp thế?
Ngọc Toàn bước đến bàn thờ đưa tay rút cây nhang đốt cắm vào lư hương, miệng khấn:
- Con gái của bố là Hoàng thị Ngọc Toàn hôm nay con chúc bố yên vui dưới suối vàng. Nàng khấn thật nhỏ để mẹ không nghe nhưng Tuấn nhìn môi nàng cộng với những hành
động lâu nay mà chàng thấy thì chàng đọc ra từng chữ một.
Ðến câu cuối cùng nàng mới nói to lên:
- Xin bố phù hộ cho con báo hiếu.
Bà Tuyết thấy con rể và con gái sánh đôi như hình với bóng trong việc cúng tế thì rất lấy làm hài lòng. Bà rót nước ra cốc và khấn tiếp:
- Xin ông hãy làm chứng cho lòng thành các con và phù hộ chúng yêu nhau. Bà chưa dứt lời đã oà lên khóc.
Tấm ảnh trên bàn thờ như mỉm cười. Những ngôi sao trên quân hàm như cũng ánh lên lấp
lánh. Cành tùng trên mũ lưỡi trai rung rinh.
Ngọc Toàn bỗng kêu to lên:
- Bố! Bố! Bố có nghe con nói gì không?
- Thôi con, đừng gào to thế! Khách đến rồi kia.
Ngọc Toàn vào buồng trong thay áo và đến chỗ góc nhà nơi buộc con Lu Lu. Nàng hỏi
mẹ:
- Bữa nay có những chú bác nào đến hả mẹ?
- Ðủ hết. Chú bác nào cũng đến thắp hương trên bàn thờ bố con. Con đem con Lu Lu ra
đằng sau đi, để khách tới nó sủa om lên mất không khí trang nghiêm.
- Không sao đâu má! Con đã bảo nó rồi! Bữa nay không được sủa tiếng nào.
- Nó khôn thế à?
- Con đã tập luyện nó, hỏng hết 3 cái hình nộm rồi, má cứ tin con đi. Nó khôn lắm. Hễ con mở dây thả nó ra xuỵt cái gì nó cũng đuổi, còn con không bảo thì thôi. Chó đua mà má!
- Má thấy con nuôi nó kỹ còn hơn bạn thân nữa. Con nói nó biết nghe sao vậy?
- Nó biết nghe má à! Ngặt nó không biết đáp lại thôi, để chốc nữa khách đến, con bảo nó làm gì nó làm nấy cho má coi!
- Nếu gánh hát xiếc thấy, họ hỏi mua con bán không?
- Nó không làm trò đâu má. Nó trung thành với chủ và bảo vệ chủ hoặc săn thú rừng thôi. Còn làm trò không phải là nghề của nó má à.
- Má thấy lâu nay nó phát tướng, nếu nó cất tiếng sủa, chắc chó xung quanh đây không dám lên tiếng nũua. Ngặt nó không sủa tiếng nào hết.
- Con dạy nó đừng có sủa linh tinh. Gặp chuột, thấy mèo đều sủa. Thậm chí con cóc nhảy ngang mặt cũng sủa ồn lên như giặc tới không bằng. Con dạy nó hễ sủa là có chuyện, đuổi đánh cắn xé!
Hai mẹ con đang trao đổi ý kiến thì một chiếc xe hòm đổ lại trước đường rồi hai chiếc đổ tiếp theo. Hai chiếc này đi, ba chiếc khác tới, cứ đi cứ tới liếp. Hết xe hòm đến xe jeep, không có xe máy và xe đạp. Khách lũ lượt vào nhà kẻ đốt nhang người rót nước. Kẻ khấn vái bên bàn thờ, ngưòi chia buồn cùng gia chủ. Có người không nói gì cũng không khấn vái, cứ ngồi lặng thinh hớp trà mắt liếc nhìn lên bàn thờ lại ngó ra khoảng không.
Ngọc Toàn đứng ở trước cửa nhìn từng người khách bước vào. Nàng chờ người đầu bạc
trắng, mặt gẵy cúp. Nàng trông người đó đến, y như rằng người đó đến. Thế là nàng mãn nguyện rồi. Bữa giỗ hôm nay mà ông ta không đến thì mất hết ý nghĩa.
Ngọc Toàn giật mình đánh thót hai ba lần, tưởng người đó đến nhưng không phải.
Không phải! Ngọc Toàn nhìn con Lu Lu. Nó rất có kỷ luật. Nó nằm gọn gàng trên tấm đệm mõm gác trên hai chân trước. Mỗi lần thấy khách đến nó lại "hực hực" nhưng Ngọc Toàn gắt im thì nó không "hực" nữa.
Khách bên trong nhà bắt đầu ra về. Rải rác từng người, từng đôi. Có người đi ngang dừng lại vỗ đầu Ngọc Toàn khen đẹp. Có người xuýt xoa:
- Nếu tôi có con trai tôi sẽ xin con nhỏ này cho con tôi! Một bà nói:
- Nó là con dâu của bà Ba Sao rồi bạn ơi!
- Thế à!
- Chồng nó đứng đó!
- Bà Ba có phước nhỉ!
Cứ khách vào và khách ra.
Khách ra thì nhiều, khác vào thì ít dần.
Rồi chỉ còn khách ra, không có khách vào. Lễ giỗ chấm dứt không rộn ràng ăn uống. Và...người này lại không đến. Bất ngờ có một người mang lễ vật đến trong một chiếc mâm thau đậy kín. Bà Tuyết nhận chiếc mâm, giở ra. Ðó là một dĩa cá hấp với nấm mèo, bún tàu và tương đậu. Bên cạnh là một chiếc nón sắt thủng có hình cờ tam sắc còn lờ mờ. Người mang lễ vật tự giới thiệu:
- Em là (Đại Tá) Nguyễn trọng Vĩnh, em nuôi của anh Cả. Anh Cả nhận em là em nuôi trong trận biên giới do anh chỉ huy bắt sống được 2 Tướng Pháp là Charton và Lepage. Ðây là chiếc nón sắt của một lính Pháp tử trận. Lúc đó em là trung đội trưởng chỉ huy mũi xung kích một. Sau trận đánh em được anh Cả nhận làm em nuôi. Chiếc nón sắt em còn giữ tới bây giờ.
Viên Đại Tá lau nước mắt nói tiếp:
- Còn đây là đĩa cá hấp. Cá trầm hương rất nổi tiếng ở Thác Bản Giốc, anh Cả rất thích. Sau khi thắng trận về nghỉ quân ở Thác Bản Giốc chúng em lưới bắt được bộn. Anh bảo mang tặng Võ Đại Tướng một con. Con to nhất thì cho người phi ngựa kính biếu Hồ Chủ Tịch. Còn lại chia nhau trong đơn vị. Nay là ngày kỵ cơm anh nên em đến cúng anh món cá ngày xưa anh thích.
ông.
Bà Tuyết cảm ơn trong làn nước mắt, rồi đem đặt lên bàn thờ khấn vái:
- Ðây là lễ vật đồng đội cũ từ chiến dịch giải phóng biên giới năm 1951 đem đến cúng.
Nói xong bà đốt nhang xá, còn Ngọc Toàn oà lên khóc tay ôm chiếc nón trong ngực nước mắt tuôn như suối:
- Bố ơi! Bố có nghe không? Bố!
Tôm Hùm Huýt Sáo Tôm Hùm Huýt Sáo - Xuân Vũ Tôm Hùm Huýt Sáo