Books are not made for furniture, but there is nothing else that so beautifully furnishes a house.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1459 / 21
Cập nhật: 2015-07-18 12:57:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 29
gọc Toàn trỏ cái hình nhơn bện bằng rơm và xuỵt con Lu Lu:
- Cắn cổ nó con. Cắn cắn!
Nàng vừa dậm chân vừa xuỵt trong lúc tay mở dây buộc cổ con Lu Lu.
Con Lu Lu nhịn đói suốt ngày đêm, được phóng thích vọt tới chồm lên cắn cổ hình nhơn. Cắn xé chiếc "súc xích" quấn quanh cổ nó. Nó bị buộc ở góc nhà như tù bị giam lỏng chỉ được tự do lúc này cho nên Lu Lu không để phí cơ hội cả ngày có một này.
Từ hôm Tuấn chuộc lại được con Lu Lu, Ngọc Toàn đem nó về nhà luôn trong ý đòi báo phụ thù. Bà Tuýt hỏi Ngọc Toàn con chó ở đâu, Ngọc Toàn nói thật nhưng giấu ý định của mình. Ngọc Toàn xem truyện của Maupassant và tìm thấy một cách trả thù rất lạ lùng và đem lại kết quả mỹ mãn. Chỉ cần sự kiên nhẫn và sự quyết tâm. Ngày đầu tiên nàng mua một khoanh "súc xích" buộc vào cổ hình nhơn rồi xuỵt con Lu Lu nhào lên nhưng con Lu Lu tỏ vẻ thờ ơ. Nó chỉ chồm lên ngoạm mấy miếng làm khoanh "súc xích" rơi xuống đất rồi tha chạy đi đến góc sân nằm ăn.
Ngọc Toàn thấy con chó hơi lười vì hằng ngày nó đều được nhận khẩu phần đầy đủ, nó từ từ hưởng lấy một mình không phải tranh giành với đồng loại.
Ngọc Toàn nghiên cứu cá tính của nó thật kỹ. Nàng nhận thấy yếu tố đầu tiên là đói. Nàng buộc kỹ con Lu Lu và không cho nó ăn gì hết trong suốt một ngày một đêm. Sáng hôm sau mới xuỵt nó. Con Lu Lu có bộ răng rất sắc và bề cao hơn trung bình. Nó đứng nghênh mỏm lên thì nó
cao tới ngực. Loại chó bẹc giê Tây dầu nhỏ cũng to con hơn chó Việt Nam. Nó chỉ cần chồm lên
là 2 chân trước của nó đã bám tới ngực người ta rồi. Cái mõm của nó rất dễ dàng ngoạm vào cổ hình nhơn.
Cái khoanh "súc xích" làm cho nó ham ăn và cắn xé cái cổ hình nhơn. Ðã đành rồi, nhưng nếu nó không đói thì nó không cấu xé ác liệt. Nó phải đói thật đói. Ðó là yếu tố quyết định. Nó đã có hai hàm răng "chó" sắc như gươm rồi. Vậy chỉ cần nó thật đói để nó cắn xé cật lực. Phải buộc nó lại, không cho nó tự do một phút nào trong vòng 24 tiếng. Nghĩa là mỗi khi nó cắn cổ hình nhơn thì nó trở lại làm tù nhân với sợi dây buộc cổ nó vào góc nhà.
Mặc dù vậy vẫn giữ được con Lu Lu rất có kỷ luật. Nghĩa là nó bị buộc cổ nằm im ở góc nhà. Nó nằm đó chờ giải phóng chứ không trì kéo sợi dây.
Bà Tuyết ở trong nhà bước ra hỏi:
- Con làm gì mà bữa nào cũng tốn một cặp "súc xích" hoặc một miếng thịt cho con Lu
Lu vậy?
- Con luyện nó để đi đua đó má!
- Ðua gì có cái môn kỳ lạ vậy?
- Có nhiều môn lám má à. Thi sắc đẹp, thi chạy nhanh, thi tìm đồ chôn, thi đánh hơi. Môn của con đang tập là môn khó, ít người thi nhưng dễ trúng giải. Cho nên con tập nó.
- Giải thưởng không biết bao nhiêu chớ tao coi bộ mày tốn tiền mua "súc xích" cho nó
bộn à!
Ngọc Toàn nói:
- Tiền mua thức ăn cho nó không bao nhiêu đâu má, nhưng một khi nó trúng giải thì co
nhiều lại chó hỏi mua, lắm con giá 4, 5 tê lận má!
Bà Tuyết nói:
- Me từng tuổi nầy mới nghe nói chó trúng giải, giải gì vậy con?
- Má ơi má, đua chó cũng như đua hoa hậu vậy má. Nó cũng có giải nhất, giải nhì. Ở
trong Vũng Tàu có lập trường đua chó rồi đấy má.
- Thuở nay tao mới nghe.
- Chó đua sắc đẹp là một loại, còn chó chọi là một loại khác đó má.
- Thuở nay chỉ có chọi gà, nay lại có chọi chó.
- Vâng có thật đấy má! Báo nhân dân đăng kìa má, đọc xem!
- Ðăng cái gì?
- Trường đua chó sẽ khai mạc vào tháng tới. Có nhiều tên chó được đưa lên báo lắm kìa má! Lâu nay má không theo dõi nữa nên má không biết.
Bà Tuyết nghe con gái nói thật não lòng. Cái ngày bác đảng về Thủ Đô đâu có thế. Cỡ Đại Tá chưa được đăng tên lên báo nhân dân. Chỉ huy toàn cuộc duyệt binh là chú Trần quốc Bảo, anh hùng thương binh, anh hùng chỉ còn một tay mới được đăng tên lên báo. Bố nó là Trung Tướng sau ngày phong quân hàm mà cũng chỉ được đăng tên nhỏ, chữ thường thôi. Chỉ một mình Võ Đại Tướng là chữ in lớn. Sau đó hai năm, một ông Tướng Nam Bộ là ông Tô Ký là người độc nhất Nam Kỳ được lên báo nhân dân, nhưng nằm trong cột báo ở cuối trang 4, chữ nhỏ rí như con kiến suýt đeo kính hiển vi mới đọc được, rồi đến bố nó...cũng chỉ đưọc một ô con cáo phó trên báo nhân dân. Ông Lê trọng Tấn cũng thế. Thế mà nay chó cũng có chỗ đứng nằm trên báo đảng là sao?
Nhìn thấy nét mặt sửng sốt của mẹ, Ngọc Toàn đoán biết ý nghĩ của bà, nàng nói:
- Ở bên mình còn lạc hậu đấy má. Chớ bên Mỹ và các nước Âu Tây văn minh, người ta coi trọng chó hơn người đó má. Người ta có Bác Sĩ chó, nhà thương chó, trường huấn luyện chó, thi sắc đẹp chó, nhà giữ chó như nhà giữ trẻ...Nghĩa là xã hội loài chó đang sống song song với xã hội loài người đó má.
Bà Tuyết gạt ngang:
- Ðó là chó hữu ích kìa, như con chó Lai Ka bên Liên Xô ngày xưa đi tàu vũ trụ lên cung trăng kìa thì mới được coi trọng trong khoa học, chứ chó ăn xương dưới gầm bàn thì dù có đề cao cho lắm nó cũng vẫn là chó. Chó Mỹ có Bác Sĩ săn sóc hay chó Việt Nam chạy rong kiếm cái ăn ngoài đường thì cũng là chó tất, chớ có ai cho nó ngồi ghế ngang với người đâu.
- Có đấy má! Ở xứ văn minh người ta mua vé cho chó coi hát, thậm chí người ta ngủ chung với chó, ủa, chó được ngủ chung với người đó má. Ai mà lỡ tay đánh con chó có người
trông thấy đi báo cảnh sát hoặc hội bảo vệ súc vật dám bị kêu án vài năm tù lắm đó má.
Bà Tuyết cười:
- Vậy ra chó Mỹ chó Tây nó sướng hơn dân mình! Vì nó có hội bảo vệ. Ngọc Toàn nói:
- Không phải chó sướng hơn người đâu má, nhưng đó là cái lối văn minh của người ta, mình thấy hay thì mình nên làm theo như trường đua chó, thi sắc đẹp chó mình mới bắt đầu thí nghiệm nhưng theo như tin trên báo thì phong trào chơi chó được hưởng ứng khá rộng rãi. Con thử đưa nó vào quỹ đạo chó thử coi nó có bay lên được không. Nếu được thì con sẽ nổi tiếng, con LuLu cũng nổi tiếng. Người ta sẽ thuê con làm huấn luyện chó, sẽ mua con Lu Lu với giá cao. Ðời sống kinh tế của mình sẽ khá hơn, con sẽ không nuôi ý định làm người mẫu nữa. Má không phải lo ngày lo đêm nữa. Hơn nữa, có tiền, sẽ bốc mộ ba con ra khỏi Mai Dịch, khỏi lo bị người ta ném phân như mộ ông Sáu Thọ.
- Bố con một đời chiến đấu và trong sạch, làm gì mà một bị ném phân hở con?
- Ấy là con phòng hờ mộ khác bị ném rồi một bố bị lây thôi má ạ! Má xem đó, có phải chỉ nhờ con Lu Lu mà mình giải quyết được bao nhiêu vấn đề không? Năm nay nhờ đăng ký tên con Lu Lu vô danh sách đua mà con xin ứng trước số tiền làm đám giỗ. Con thấy con Lu Lu có triển vọng tốt lắm má ạ!
Bà Tuyết thở dài:
- Chết 3 năm mới giỗ đầu. Má không muốn giỗ vì mỗi lần giỗ thì phải khấn vái. Nhưng bố con bị "người ta" giết thì khấn như thế nào? Ứ hự! một ông Đại Tướng chết, nhờ tiền đua chó làm giỗ.
- Ðể rồi con tính má à! Chứ chẳng lẽ không giỗ hay sao?
Bà Tuyết đau đớn nên tìm mãi cách để gạt ra, bà nói:
- Con Lu Lu này đâu phải của mình mà tự chuyên được con!
- Của bên chồng con thì cũng như của con chứ gì má. Anh Tuấn và chị Xuân giao nó cho con rồi.
- Con chó có dính líu với bản mệnh của chủ nhà nghe con. Vậy con làm việc gì có liên quan tới nó, con phải hỏi ý kiến chồng con mới được.
- Dạ con hỏi anh Tuấn là đủ rồi má!
Vừa đến đó thì Tuấn xuất hiện. Ngọc Toàn nháy Tuấn rồi nói:
- Má bảo em phải xin phép bên má trước khi đem con Lu Lu đi "đua". Tuấn vào nhà gặp bà Tuyết, lễ phép thưa:
- Dạ cuộc đua chó sắp tới lớn lắm má, ăn thua cả chục triệu lận. Hai đứa con tập con Lu
Lu môn đua khó nhất đó má!
Bà Tuyết thấy từ ngày Ngọc Toàn đem con Lu Lu về thì hai đứa thuận thảo với nhau, riêng con Ngọc Toàn thì bớt đi chơi để thì giờ tập luyện con Lu Lu thì bà mừng thầm nên nghe thằng rể nói vậy, bà cũng yên chí lớn rằng chúng nó sẽ dự cuộc thi chó. Thắng hay bại, bà không cần, miễn chúng nó hòa thuận sống chung với nhau thì thôi.
Thấy Tuấn đến rủ rỉ với Ngọc Toàn, bà đi vào trong. Tuấn hỏi nhỏ Ngọc Toàn:
- Con LuLu bữa nay đạt yêu cầu bao nhiêu em?
- 90%. Còn anh lo việc đó xong chưa?
- Mọi việc xong cả, nhưng anh ngại một nỗi là quần áo ông ta thay đổi luôn, chẳng biết loại nào.
- Lão ta thường kên đại cán. Mình cứ tròng cho hình rơm kia bộ ka ki 4 túi kiểu Mao trạch
Ðông đi. Nhưng em phải sơn cái đầu nó trắng toát ra cho giống.
Tuấn gạt ngang:
- Không nên làm giống quá người ta đoán ra. Chỉ cần đại khái là được rồi. Bà Tuyết cắp rổ đi ra ngang qua chỗ chiếc hình nhân đứng còn dặn:
- Mẹ đi chợ mua một bó hoa đem về chưng trên bàn thờ của bố. Ở nhà nếu có khách tới thì con châm trà dọn bánh ra tiếp đãi người ta cho tử tế. Mẹ về ngay.
- Bữa nay có ai đến hở mẹ?
- Phía bên mẹ thì mấy cô trong ủy ban như cô Hai, cô Cúc, cô...má chồng con, cô Tòa. Mấy người đó chắc chắn sẽ đến. Về phía bên bố con thì đông lắm. Trong trung ương và trong chánh phủ...
Bà Tuyết bỗng bật khóc hu hu:
- Mới đây mà đã 3 năm rồi. Có mấy người bạn nối khố của bố con ở trong quốc hội.
- Như ai đâu má?
-Ông L.Q.Ð.. chủ tịch quốc hội bây giờ, là cán bộ của bố con hồi đó. Lúc bấy giờ bố con là tổng tham mưu phó, ông ấy mới cấp trung đoàn. Nhiều lắm con ơi, má không có kể hết, rồi còn các tỉnh ủy, các đơn vị, quân dân chánh đảng, người nào mà không quen không thân với bố con. Có thể nói là toàn thể chánh phủ, trung ương, quốc hội, tỉnh ủy, toàn quân đều biết bố con hoặc là người dưới quyền chỉ huy của bố con...Ðất nước, tổ quốc ghi ơn bố con mà!
Bà Tuyết khóc hức hức, tức tưởi, càng lúc càng to lên không kềm lại được.
- Rồi sao bố..kỳ vậy hở má? Bà Tuyết ngước lên trừng mắt:
- Mỗi lần con hỏi má tại sao thì má đều dặn con đừng bao giờ hỏi câu ấy. Má không trả lời được. Tại sao con cứ hỏi hả Ngọc Toàn?
Ngọc Toàn cúi mặt xuống im thin thít. Tuấn đứng bên cạnh cũng lặng thinh. Ngọc Toàn nói:
- Con xin lỗi mẹ. Con không hỏi nữa. Vì con quên lời mẹ dặn.
Bà Tuyết bước ra khỏi nhà thì quẹo trái, Ngọc Toàn nhìn theo đến khuất. Tuấn bảo:
- Bộ em cứ hỏi mẹ hoài hay sao?
- Thỉnh thoảng em mới hỏi chứ đâu có hỏi hoài.
- Hôm nay là lần cuối cùng. Ngọc Toàn nói lí rí. Nhưng mà khi cúng thì em phải khấn vái làm sao hở anh? Chết như bố em vậy, anh nghĩ thế nào?
Tuấn bảo:
- Anh không biết nghĩ thế nào cả. Ngọc Toàn thở dài:
- Em khổ quá anh ạ. Em không hiểu sao em vẫn sống và vẫn vui được?
- Vui giả tạo thì sao không được. Cười mà khóc, khóc mà cười thì vẫn cười vẫn khóc được chớ sao không em! Gần đây anh mới hiểu em đó, Ngọc Toàn. Anh nhầm tưởng em trụy lạc như những đứa khác, như anh. Em đã thức tỉnh anh, níu anh lại khỏi rơi xuống vực thẳm.
- Em đi tìm người giúp em. Trả thù cho bố, để bố nằm yên dưới mồ. Nếu không, em sống không yên mà bố chết cũng không nhắm mắt. Khi xưa sao người dân mình hùng thế mà bây giờ hèn thế. Hèn đến đổi em không thể nào tưởng tượng được, vừa hèn lại vừa hư.
Tuấn ngẩm nghĩ một lúc, nhìn lơ đảng giây lâu rồi nói:
- Tại em giấu kín quá, nếu em cho anh biết thì chúng mình đã không phí thì gìờ đi đổi kim thay đĩa, làm tầm bậy, nhục vong linh của đấng anh hùng.
- Em có ý định tìm người ở phương Nam giúp em. Vì người Phương Nam có tính anh hùng bộc trực, giữa đường gặp việc bất bình ra tay. Nhưng Oải trưởng Sài Gòn bảo hiện giờ chưa có điều kiện. Hắn hoan nghênh như ở trong đó không có điều kiện bằng ngoài này. Em thôi không móc ngoặc với hắn nữa. Suốt thời gian ở ngoài này em đâu có đi với hắn lần nào. Em thú thật với anh, em tự khinh em.
Tuấn nhìn Ngọc Toàn trân trân. Ngọc Toàn mấp máy môi muốn nói gì nhưng lại ngưng, đôi má ửng rần. một chốc:
- Sau những lần đi "Ðêm Màu Hồng" về nhà em muốn tự tử.
- Sao thế?
- Sống nhục quá, sống hèn quá thì không sống cũng không thiệt hại gì cho ai. Em tự tìm nguồn vui trong những trang sách. Em đọc lại tất cả những sách lịch sử Việt Nam, đọc hết năm, bảy quyển rồi em đọc sang truyện Tàu. Em thấy thời xưa người ta hào hùng lắm, có chí khí lắm chớ không co đầu rút cổ hèn kém như bây giờ. Ngũ Tử Tư âu lo việc nước một đêm bạc hết tóc. Tướng nhà Thục đứng trước mặt Tào Tháo tức giận vì không giết được quốc tặc mà xung quanh 1 nhìn Tào Tháo mà rách khóe mắt chảy máu. Thế mới thấy sức căm thù của con người thời ấy! Em đọc hết mấy chục pho truyện Tàu đấy anh ạ!
Ngọc Toàn ngưng hồi lâu rồi tiếp:
- Em đọc sang truyện Ðông Châu Liệt Quốc, thấy Dư Nhương đánh một nhát roi lên áo kẻ thù là Vô Tuất. Vô Tuất ốm chết luôn vì nhát roi đó 2. Em thật tình không tưởng tượng nổi. Anh ta cầm roi hé lên một tiếng cử hết thần lực quất mạnh một nhát vào chiếc long bào của Vô Tuất treo tên cành cây mà Vô Tuất rùng mình ngã lăn. Trên áo hiện lên vết bầm rướm máu. Thì biết sức căm thù đến mức nào?
Ngưng một lúc Ngọc Toàn tiếp:
-Anh là người được thầy chọn đóng vai Nguyễn Trãi trong vở kịch "Nguyễn Phi Khanh ở biên giới" của Nguyễn đình Thi do Nguyễn thứ Nghi đạo diễn, nhớ không? Hồi đó trong lớp ai cũng khen anh có khiếu đóng kịch. Cả trường đều rơi nước mắt vì buổi chia tay lâm ly của Nguyễn Trãi bên chân núi biên cương xơ xác với cha là Phi Khanh.
Tuấn đứng ngớ ngẩn như nghe nhắc chuyện cổ tích. Ngọc Toàn nói:
- Sao hồi đó anh khóc tài thế? Khóc như thật ấy nhỉ? Tuấn vẫn đứng ngớ ra. Ngọc Toàn vẫn vui vẻ tiếp:
- Khóc đến đổi cả đám khán giả đều khóc theo.
- Phi Khanh nói gì? Nguyễn Trãi nói gì anh quên rồi!
- Anh chóng quên thế. Nguyễn Phi Khanh bảo là thù nhà chỉ trả được khi thù nước trả xong. Con đừng nên khóc cho cha bị giặc bắt mà nên tìm cách lấy lại đất nước do giặc chiếm. Ðó là con trả được thù cho cha. Nguyễn Trải quì xuống chân Phi Khanh và oà khóc to lên đến đổi nước mắt tuôn thành suối mà ngày sau chúng học bài trong lịch sử có ngọn suối tên là suối Phi Khanh. Ðó đó...
Ngọc Toàn nói xong khóc mùi, khóc ngất. Tuấn hoảng hồn, chạy lại ôm nàng dỗ dành:
- Ơ kìa, Ngọc Toàn, sao em khóc to thế. Có việc gì em phải khóc? Em em có nín đi không? Không, anh khóc theo bây giờ. Ngọc Toàn! Ngọc Toàn! Con Lu Lu cắn đứt khoanh súc xích rồi kìa.
Ngọc Toàn quệt ngang nước mắt:
- Em cảm ơn nhà văn đã mách cho em cách trả thù. Bà cụ già còn giết được tên cướp để trả thù cho con bà kia. Sao em không..Thì ra ở đâu và vào tuổi nào...
Con Lu Lu chạy tới ngoắc đuôi bên chân chủ. Nó nghếch mỏm lên rên rỉ như muốn nói với chủ rằng mình đã ngoạm hết khoanh súc xích mà vẫn còn thèm. Tuấn vỗ vỗ lưng nó. Tuấn thấy nó gầy hơn trước. Lông nó kém mướt hơn, đuôi nó cong lên chấn ngay giữa lưng như đã rụng bớt lông. Nó có vẻ vận động hơn đám chó nhà giàu, ăn no chỉ nằm trong ổ hoặc chạy nhong nhong ngoài đường, chẳng được cái tích sự gì.
- Anh thấy răng nó có nhọn hơn không?
- Vẫn thế!
- Em đã luyện cho nó sắc hơn đấy.
- Bằng cách nào?
- Em quấn thêm bầy nhầy vào cổ con hình nộm, rồi em bảo lò thịt cho thêm da vào súc xích. Làm như thế nó phải cắn rứt cấu xé mãnh liệt hơn thì mới đút ra mà ăn được. Như thế..ắt răng nó được luyện chắc và mài sắc hơn phải không anh?
- Xưa nay anh nghe người ta nói mài dao mài kiếm chớ có nghe ai mài răng chó bao giờ đâu. Tự nó cũng sắc rồi mà! Em không thấy những khúc xương bò nó còn gặm nổi sao? Rồi Tuấn tiếp luôn. Em quả là một nhi nữ phi thường xứng đáng con cháu Trưng Nữ Vương.
- Em là sinh viên Trường Trưng Vương mà! Anh quên rồi sao?
- Sao anh quên được. Nhưng học sinh Trưng Vương đều mang tên Ngọc Toàn. Vừa đến đó thì có tiếng vang vang:
- Mấy đứa nói lén gì cô đó?
Tuấn nhìn lại: Thì ra cô Tòa, cô Cúc, Bà Ba, đi sau cùng là Bà Tuyết. Người nào cũng mang xách lùm đùm lề đề. Ngọc Toàn đỏ gói đồ trên tay Bà Ba. Tuấn phụ giúp Bà Tuyết. Còn
"Cô" Tòa thì è ạch mang cái bụng chửa vô trước. Cô Cúc tự lực đem cái giỏ xách đựng cặp gà thiến lọt lại sau cùng. Cô dừng lại bên cái hình nộm và hỏi
- Mấy đứa bây tập bắn bia hay làm gì mà dựng hình nộm đây?
- Dạ, con tập bắn bia đó cô! Ngọc Toàn đáp. Tuấn nói:
- Vợ con tập con Lu Lu bắn bia đó cô!
- Chó gì biết bắn. Tụi bây còn chưa biết cây súng ra sao nữa là!
- Dạ chó bắn bằng răng đó cô!
- Răng gì bắn được?
- Dạ vậy mà vợ con tập nó bắn được. Ðể rồi cô coi.
Bà Cúc xách giỏ gà thiến đi vào. Tuấn còn hỏi vói theo:
- Cặp gà mập quá, cô xách nặng tay, đưa con xách tiếp cho.
- Gà thiến mập chớ sao. Ca ri để cúng ba con. Cô còn bỏ câu thòng. Cúng thì cúng cho có lễ vậy chớ ăn uống gì được, chết rồi!
Tuấn không muốn cho khúc nhạc đi xa hơn vào cung bi thảm nên hỏi:
- Còn có ai đến nữa không cô?
- Cô chẳng rõ con à! Ðám cưới thì mới mời, chứ đám giỗ đám ma ai nhớ ngày ai nghe tin thì tới chứ không có mời. Nhưng cô nghe nói đằng "mấy ổng" tới đông lắm. Ai không biết bố vợ...con!
Nói xong cô Cúc đi vào nhà. Ngọc Toàn nhìn lại con Lu Lu đang cắn cây cọc dựng thằng hình nhơn. Ngọc Toàn quát nó nhưng nó vẫn chồm lên cắn vào bụng hình nhơn làm rơm rách tung tóe ra.
- Mày cắn cái gì trong đó Lu Lu?
- Có súc xích trong bụng "thằng chả" mà!
- À, phải. Mấy hôm nay em nhét thêm khúc súc xích trong đó.
- Chi vậy? Nhiều mục tiêu quá nó khiển không xuể.
- Hễ nó không cắn tới cổ thì cắn bụng.
- Chợt thấy có người đi tới, Ngọc Toàn nói to lên.
- Trong bụng có lá gan. Gan cuốn mỡ lợn nướng để cúng bố. Hai người khách đi tới dừng lại. một người hỏi:
- Tiểu thư làm gì dựng hình nhân thế?
- Dạ cháu sắp đem chó đi trường đua Giảng Võ đấy ạ!
- Ðua gì lại có hình rơm?
- Dạ kỳ này ban tổ chức thông báo là cuộc thi sẽ có hai môn Văn và Võ. Văn là chỉ chạy suông. Còn Võ thì phải chạy và hạ mục tiêu trước nhất. Hình rơm tượng trưng cho quân địch. Con nào trúng cả hai môn văn võ thì được danh hiệu thủ khoa. Giải thưởng gấp đôi. Cả chó lẫn chủ chó được chụp hình đăng báo và lên Tivi đấy ạ.
- Ồ, ngành đua chó tiến bộ dữ he. Rồi hai người khách đi vào nhà. Thấy không có ai tới gần, Tuấn nói:
- Con Lu Lu ăn no rồi còn xuỵt làm sao được?
- Hôm nay là bữa tiên, mai mới là bữa chánh. Nếu hụt bữa nay ta còn bữa mai. Lễ giỗ có hai bữa anh không hiểu gì hết.
- Em giỏi nhỉ!
- Em hỏi má chớ không phải giỏi gì! Bữa nay mấy cô tới nấu nướng. Sáng mai mới sắp cỗ chính. Em đã tính cả rồi.
Ngọc Toàn bảo:
- Anh dắt con Lu Lu đi dạo một tí đi, trở về em sẽ buộc nó tới sáng mai, giờ quyết định.
- Ðêm nay em làm gì?
- Ðêm nay anh ở đây, không được đi đằng "Ðêm Màu Hồng" nữa!
- Từ hôm em bắt đầu huấn luyện con Lu Lu anh biệt dạng ở đó luôn.
- Nhường ngôi hoàng tử Lắc lại cho ai?
- Ai muốn thì cứ trèo lên ngôi. Anh không tranh giành nữa! Hộc máu ra đầy mồm rồi! Còn ra đằng đít nữa là hết kiếp!
- Lâu nay anh có gặp chú Tư Hồng Kỳ nữa không?
- Anh có gặp lần nào đâu mà "nữa"?
- Sao em nghe người ta đồn anh ở trong ban giao tế, giao dịch gì của chú?
- Người ta nào đồn bậy vậy!
- Xí. Anh muốn đi Liên Xô, đi Mỹ gì mà hổng được lựa là phải nhờ tay chú Tư? Em nói đi Liên Xô thiệt kia chứ không phải Liên Xô ở Vườn Hoa Canh Nông đâu!
- Liên Xô thiệt đâu còn mà đi! Mà Liên Xô nào anh cũng không đi hết á. Ði Liên Xô đó, thà đi Ðêm Màu Hồng bảnh hơn. Nhưng mà anh nghĩ kỹ rồi, anh không có vô "hội Lắc" nữa.
- Anh mà không đi!
- Anh nói thật mà. Anh tu rồi.
- Anh mà tu thì trời sập một ngày ba lần.
- Anh nói thiệt mà. Anh thọ giáo với ông Ðạo Sò rồi!
- Thiệt à? Em cũng là "đệ tử" của ổng đây! Chốc nữa em lên đó bắt con cá chép lớn về cúng bố.
- Cá chép ở đâu đó mà em bắt được?
- Em có đặt thợ câu rồi. Chắc chắn có. Mấy con em cũng mua hết. Ông thợ hẹn em đến
Cù Lao Ốc sẽ giao cá cho em. Ông ấy không cho đến nhà.
- Sao vậy? Mua chui à?
- Ông ấy câu chui nên sợ "kiểm hồ" bắt. Ông ấy không có mua Vé câu.
- Lâu nay anh chỉ đến Nghi Tàm xem hoa nhưng không có dịp ra Cù Lao Ốc. Bữa nào cho anh ết-coọc em đi mua cá được không?
- Bữa nay chớ còn bữa nao?
- Ði bằng gì?
- Bơi! Em đùa hoài!
- Bơi pê-rít-xoa thiệt chớ đùa gì.
- Mình ngoạn cảnh Hồ Tây luôn. Lâu quá anh sa lầy mất ở Hà Nội, không có đi đâu được
cả.
- Sa lầy con Phụng Tiên ấy à?
- Ghen hả?
- Em vứt anh cho nó chứ ghen gì? Con nhỏ mới ra rừng lại mê xem hình độc! Thôi, chiều
nay đi Hồ Tây chơi. Nếu có trăng ta thưởng trăng luôn. Em đã học bài thuộc lòng "Ðêm trăng chơi Hồ Tây" trong đó có câu: "..Ánh trăng rọi xuống, tựa hồ có muôn ngàn con rắn vàng bò trên mặt nước" ở trong sách Quốc Văn trích diễn, anh còn nhớ không?
- Em nhắc thì anh mới nhớ ra!
- Anh không nhớ gì hết!
- Nhớ em chớ sao không?
- Thôi đi đừng có nịnh!
- Ừ, ừ. Anh nịnh em đấy! Thì đã sao nào? Yêu em!
- Ghét cái mặt. Yêu với chả yêu. Yêu mà người ta kêu "đổi đĩa thay kim" là vồ lấy ngay.
- Thôi mà chuyện xưa rồi em. Anh đã xin tội rồi. Em có tử hình anh thì hồn anh vẫn yêu em. Anh càng yêu em hơn bao giờ đó Ngọc Toàn ạ. Bây giờ anh mới thật hiểu em. Em bây giờ không phải là em như anh hiểu trước kia.
- Ðể em vào xin phép mẹ rồi mình đi Hồ Tây. Bà Tuyết nói:
- Vợ chồng dắt đi đâu thì dắt chứ xin phép nổi gì. Ðây là lần đầu tiên mẹ thấy hai con đi chung với nhau. Sẵn dịp lên Hồ Tây ghé ông Ðạo Sò xin cho mẹ một quẻ xem năm nay mẹ mần ăn có khá không? Mẹ tuổi Tý sinh giờ Ngọ.
Tuấn đáp ngay:
- Tý mạng Kim. Ngọ mạng Mộc. Con chuột sa hũ nếp. Năm nay mẹ trúng to. Nếu là nhà nông thì lúa vô nứt niền bồ, còn nhà buôn thì tiền vô ngập nhà băng tỷ tỷ tỷ..
Rồi Tuấn chở Ngọc Toàn đi bằng xe dream loại "bình dân cơm phở" lên Hồ Tây bằng ngã Nghi Tàm. Hai đứa thuê thuyền bơi ra Cồn Ốc nơi người câu cá chui hẹn sẽ mang cá đến cho Ngọc Toàn chiều nay.
Ngọc Toàn đã từng đến đây nên chiều nay dắt Tuấn đến thẳng ngôi miếu của ông Ðạo Sò. Ông Ðạo nhận ra cô gái bèn nói:
- Ngư ông sẽ đem cá đến cho cô nương trong chốc lát.
Tuấn đi trên vỏ ốc quanh mép hồ. Cây cỏ lưa thưa sóng liếm bờ đất chỉ một thoáng là đã đi hết bề vòng cù lao. Tuấn bất ngờ gặp một người đàn ông đầu bạc trong am: Chín Ủi!
- Sao chú đến đây?
- Sao mày đến đây?
- Tôi tìm đường tu!
- Thì tao cũng thế! Ông Ðạo là bạn nối khố của tao mà! Tao muốn tu lúc nào mà không được! Mày tu mà còn dắt con nhỏ nào theo kia?
- Vợ cháu đó chú!
- Vậy à? Tao có nghe bà chị nói nhưng nay mới biết mặt đây! Mày lên đây xin bùa phép gì của ông Ðạo hay là đi dạo cảnh?
- Dạ cả hai.
- Thế thì đi dạo trước đi rồi hãy trở lại xin bùa.
Tuấn nghe nói thế thì không muốn ở lâu trên đảo nên dắt Ngọc Toàn xuống thuyền bơi đi. Trước cảnh trời nước mênh mông, Ngọc Toàn hỏi:
- Ði đâu bây giờ anh?
- Em muốn đi đâu anh đi đó!
- Anh muốn đi đâu em đi đó!
- Chỗ nào có em thì anh đi.
- Chỗ nào có anh thì em đi.
- Ði về phía sen nở kia, em thấy không?
- Ðâu nào. Anh chỉ cho em xem với!
- Ðấy xa xa kia, những đốm màu hồng!
- Anh chèo đi!
- Anh không muốn chèo, anh chỉ muố thả trôi bềnh bồng đến bờ nào thì đến. Nhìn em anh có ý nghĩ hay hay về tên em.
- Ý nghĩ gì?
Việc gặp Chín Ủi ở am ông Ðạo Sò làm nảy ra trong đầu Tuấn lẫn Ngọc Toàn nhiều câu hỏi và ý nghĩ. Tuấn nói:
- Ông này mà cũng tu được nữa sao?
- Ai tu lại không được.
- Ông ấy mà tu cái nổi gì!
- Sa..ao?
- Dối thế!
-....?
- Ổng chạy mối cho ông "Bác Sĩ Cấy"
- Cấy cũng là một dịch vụ như bao nhiêu dịch vụ khác.
- Nó không phải như em tưởng đâu.
- Nghĩa là sao?
- Trên đời này cái gì cũng dổm hết! Thôi em đừng hỏi nữa.
- Em hỏi một câu nữa thôi.
- OK.
- Em cũng dổm nữa à?
- Không! Em là thứ nặng, cộng với con Lu Lu thì càng nặng hơn.
Thuyền trôi miên man. Ðôi nhân tình nói với nhau những câu khác sang đề tài khác.
- Miên man vô tận như một ánh trăng trên mặt hồ không có nơi bắt đầu và cũng không có nơi cuối.
- Bây giờ em hỏi chuyện khác được không?
- Chuyện ông Chín Ủi chứ gì. Anh nói cho em biết chớ khỏi hỏi. Về lý lịch của ông ấy em đã nghe ở đại hội rồi. Lý lịch là một tờ giấy láo, láo tối đa, láo được cái gì thì láo, giấu được cái gì thì giấu. Ông ấy chỉ khoe công lao với đại hội, còn những sự thật khác thì ông ấy giấu. Thí dụ như ổng là mối bạch phiến cho mấy ông trung ương.
- Mấy ông là mấy?
- Mấy nghĩa là trên 2, em chỉ nên biết thế. Chả thế mà ổng được đóng văn phòng trong Ðêm Màu Hồng à? Em biết chủ Ðêm Màu Hồng là ai không? (Là ai?) Là con của một cụ nhớn nhà ta đấy. Bà ấy có một đứa con gái rất đẹp muốn làm tài tử nổi tiếng và có hình trong album của ông Họa Sĩ mới vừa được đề cử làm công tác văn hóa ở đại hội đấy. Ông Họa Sĩ này cũng có một đứa cháu ngoại rất sexy được chọn vô ban bảo vệ sức khỏe trung ương mà ông ta muốn móc nó ra không biết đã móc được chưa?
- Sao anh biết nhiều chuyện vậy?
- Còn nhiều nữa cơ.
- Anh là nhân viên của chị Hai Thanh Xuân à? Anh chết nghe! Anh bị tụi đó hốt hồn rồi hả? Hừ! Hoàng tử Lắc mà chạy sao khỏi Hoàng Hậu Trắng?
- Chuyện qua rồi em ơi! Anh đã giác ngộ rồi. Tất cả chỉ là mộng ảo. Những giấc mộng mị do Chín Con Chó, Mercedès...gây nên, giấc nào cũng thế. Chán chường bi đát và thù hận nhau chứ chẳng tìm thấy chút gì quí giá còn lại. Anh muốn trở lại làm người lương thiện, đi học hành, đi làm việc đàng hoàng, chiều về ăn cơm nhà với vợ, bế con đi dạo với vợ và con chó Lu Lu.
- Anh nói những lời như thế khi mặt hồ không nổi sóng, khi thời gian này không còn
"thiên đàng", chứ mà...khi anh thoảng nghe kèn trống thì anh là con quỉ.
- Ðể rồi em xem. Tính anh là khi anh đã quyết làm một việc gì thì làm không bỏ cuộc nhưng khi đã bỏ thì không bao giờ quay lại.
- Anh nói gì bây giờ em nghe cũng hay hết, nhưng ngày mai, ngày kia không biết anh còn nhớ không?
- Anh thề với em với trăng với nước đêm nay!
- Anh không phải thề thốt. Em chỉ mong anh đừng nói ngược lại hoặc tối thiểu anh đừng
quên.
- Em muốn gì anh cũng làm theo cả. Anh đã đùa và phung phí quá nhiều. Kể từ nay anh
sống, quí từng phút một cho anh và cho em. Ngọc Toàn cho anh gọi là Ngọc Tuyền được không?
- Sao thế?
- Ngọc Tuyền là suối ngọc. Suối ngọc là đường lên Thiên Thai.
- Không uống rượu mà đã say! Lại lèm bèm (Anh không lèm bèm) Bộ không còn con đường nào khác hay sao?
- Anh không biết. Vì anh chưa từng lên Thiên Thai. Chỉ thấy bài hát của Văn Cao vừa trình bày trên vidéo thì thấy Ngọc Toàn là đường lên Thiên Thai:...Bâng khuâng chèo khuấy nước Ngọc Tuyền
Ai hát trên bờ Ðào Nguyên...Ðèn soi trăng lên, nhạc lắng tiếng quyên
Ðâu đây nỗi niềm thương nhớ
Này phút Bồng Lai, là cả một thiên thu.
Ngọc Toàn hỏi:
- Sao anh hát có mấy câu vậy?
- Anh bắt đầu từ câu có chữ Ngọc Tuyền cũng như đời anh bắt đầu từ chữ Ngọc Toàn.
- Anh lắm mồ..m lắ..ắm!
Chữ mồm bị cắn làm đôi trong những làn môi. Rồi Tuấn hát nho nhỏ tiếp:
Ðàn xuôi ai quên đời dương thế
Ðàn sao xuyến đàn lưu luyến cuộc tình duyên
Thiên Thai chúng em xin dâng..chàng hai trái đào thơm
Ái ân thiên tiên em ngờ phút giây có một lần
Ngọc Toàn gạt tay Tuấn ra:
- Anh sửa lời của người ta đấy à?
- Anh sửa gì đâu?
- Câu hát của người ta là "xin dâng hai chàng trái đào thơm" mà anh dám sửa ra là xin
dâng chàng hai trái đào thơm.
- Trái đào thơm với hai trái đào thơm thì cũng là đào thơm!
- Nhưng "hai chàng" có nghĩa là Lưu Thần và Nguyễn Thoại còn đào thơm là đào tiên, chỉ một trái tượng trưng thôi chứ đào ở đâu mà nhiều thế?
- Khà..khà! Tuấn cười trừ, thì anh thấy nó cũng không khác nhau là mấy hè..hè.. Ngọc Toàn đập vai Tuấn:
- Anh thiệt à...Lật thuyền cho coi.
- Hè..hè..
- Ðã bả..ảo..đừng!
Tuấn thò tay ra be thuyền ngắt một hoa sen đưa lên mắt Ngọc Toàn:
- Anh tặng em đấy. Mắt em giờ chỉ toàn màu hoa. Em là đóa hoa. Thuyền như chiếc lá trôi bềnh bồng. Trời ngả về chiều. Gió thổi về hướng Tây, nước khua lách tách mạn thuyền.
Ngọc Toàn kêu khẽ:
- Nước tràn rồi kìa. Coi chừng lật...
- Ngọc Toàn, Ngọc Tuyền! Anh muốn chết với em! Thuyền cứ lật đi nào!
Gió thổi mạnh, ngọn thuyền lắc lư. Nước tuôn hai bên thuyền đẩy cái hoa sen trôi man mác trên mặt hồ. Ở phía Chùa Sài Tích một nửa mặt trăng đã nhô lên khỏi đầu rặng cây. Mặt hồ bắt đầu xao xuyến. Từ phút nầy nước mới gặp trăng và cuộc sống mới bắt đầu.
Cuộc du ngoạn trên hồ làm cho thời khắc dừng lại.
Hai đứa trả chiếc thuyền thuê cho nhà thuyền. Tuấn còn tiếc rẽ:
- Trăng nhú bên kia rồi. Mặt hồ đang giỡn trăng. Ta ở rốn lại một tí đi em! Ngọc Toàn nói:
- Về nhà còn lắm việc mẹ cần sai bảo. Con gái gì ngày giỗ bố lại đi quên đường về thế kia! Hôm khác sẽ đi!
- Hôm khác là hôm nào?
- Hôm nào đi là hôm khác chớ còn biết hôm nào?
Rồi Ngọc Toàn ngồi lên poọc ba ga xe dream đập lưng chồng:
- Ði mau lên. Ở nhà mẹ không biết chúng mình đi đâu.
- Thì mình đi mua cá mà lỵ.
Nghe nhắc đến cá, Ngọc Toàn hoảng hốt bảo Tuấn trở lại thuyền. Tuấn cười:
- Hôm nay thợ câu thất mùa, không có cá, ủa...
- Ủa gì, tại anh đấy.
- Thôi mai anh đi chợ Ðồng Xuân lại gặp cá tươi mà. Ông ấy không bán cho mình thì
mang đến chợ chớ đi đâu. Cá tươi bao giờ lại ế?
Rồi hai đứa trở lại dốc Nghi Tàm. Trăng lên mấp mô trên đầu rặng cây chùa Sài Tích. Ngọc Toàn đuổi phía sau cho Tuấn dắt xe lên, những mấy chục bậc gạch. Vừa thở Ngọc Toàn vừa càu nhàu:
- Con gái gì ngày giỗ bố lại đi...
- Ði với chồng chứ đi đâu? Me có rầy em, anh chịu tội.
- Mau lên đi!
- Anh bay đây này. Rồ..vú..út.
Tuấn chạy như bay thật. Ngọc Toàn phải rạp người xuống và kêu lên:
- Anh bớt ga lại.
Nhưng Tuấn vẫn "bay", đến đầu đường Quan Thánh thì Ngọc Toàn gắt to:
- Anh đưa em lái. Anh liều như thế không khỏi công an phạt. Nghe nói "bị phạt", Tuấn chạy chậm lại, Ngọc Toàn lại gắt:
- Anh đi đâu thế?
-Ði Chợ Ðồng Xuân mua cá.
- Bây giờ là chừng nào mà mua cá ở Chợ Ðồng Xuân?
Nghe thế Tuấn vọt luôn ra bờ sông ít xe cộ rồi vòng về phía "bảo tàng cách mạng" đi qua hông nhà hát lớn. Tuấn bớt ga chạy chậm lại. Ngọc Toàn vẫn gắt:
- Anh đi bờ hồ làm gì?
- Khì khì..anh tưởng mình là đám cưới như ngày nọ!
- Anh mơ đấy à?
- Trông kìa nhà hát diễn tuồng gì mà chật rạp thế kia.
- Ở ngoài mà biết chật rạp!
-Thấy các thứ xe gởi, xếp hàng dài nhằng thế kia thì biết chớ!
Vừa nói Tuấn lượn qua mặt tiền nhà hát và kêu lên: Ơ, kịch nói! Trông kìa!...Ngọc Toàn ngó lên góc nhà hát thấy trong lưới chữ quảng cáo: "Hồn Trương Ba..." còn
"Da hàng thịt" đâu?
- Thì cũng trong đó chứ đâu!
- Mình xem đi anh. Em nghe nói vở này lần nào diễn cũng bán hết vé trước 2 ngày.
- Em không sợ về nhà mẹ rầy à?
- Em đã lo liệu mọi việc cả rồi. Chỉ còn nhà sư tới đọc kinh. Ông ấy tự đến bằng xích-lô,
không phải rước!
- Xem thì xem. Anh cũng muốn xem lâu rồi nhưng chưa có dịp. Họ có mời bố mẹ nhưng lần đó me cho bà Cán và anh Xe hai tấm vé thượng hạng. Bà Cán chỉ xem một lúc rồi đòi về, anh Xe phải kiếm cách giữ lại. Nhưng cả hai về thuật lại anh nghe không hiểu gì cả. Chán mớ đời!
- Thì bữa nay xem cho hiểu.
- Nhưng mà, thôi được. Cứ đến...phòng bán vé xem. Nếu hết vé thì mình xem chui.
- Chui sao lọt cửa sắt.
- Em lo gởi xe đi. Ðể anh đi tìm vé!
Tuấn trao xe cho Ngọc Toàn rồi bước lên thềm. Cửa đã đóng, lại có tấm bảng HẾT VÉ
treo ở đấy. Nhưng Tuấn vẫn gọi qua song sắt:
- Anh ơi anh! Ông gì ơi!
Gọi đến lần thứ ba mới có tiếng gắt trả:
- Hết vé rồi! Không thấy bảng đấy à?
- Tôi đi trễ chứ không mua vé.
- Trễ gì trễ thế! Người ta diễn quá nửa rồi cũng nên!
- Ấy..càng hay! Nửa đầu tôi đã xem rồi. Hôm nay chỉ cần xem nửa cuối để tường thuật
cho lên báo.
- Tức là chỗ nào. Anh nói xem. Tôi biết ông bịa lý do để vào.
- Tôi đã xem đến chỗ ơ..ơ..
- Ðấy thấy chưa. Thẻ nhà báo đâu đưa coi!
- Chỗ con bé cháu nó sợ ông nội nó "bẻ nát hoa" với bàn tay thọc tiết lợn.
- Anh nói sai rồi. Không phải bẻ nát mà "chân dẫm nát luống hoa hồng" Nhưng mà được rồi. Tôi cho anh vô. Xem được nhiêu hay nhiêu...không, không tôi không nhận "thủ tục đầu tiên" đâu. Gần nửa đêm hát rồi còn gì nữa mà thủ tục đầu tiên với đào...tiên.
- Nhưng mà...Tuấn quay lại thì Ngọc Toàn đang tới còn đồng nghiệp của tôi cùng đi.
- Cái anh này được voi còn đòi...khỉ!
- Dạ kịch nói diễn nhanh hơn Cải lương, phải hai ngưòi xem rồi về nhà bổ túc cho nhau mới viết đủ cả đêm hát ạ!
- Thôi được rồi, vô trong đó tha hồ bổ túc. Mau mau đi kẻo có người đi trễ đến nữa. Người xét vé khua chùm chìa khóa vừa mở cửa vừa làu bàu:
- Tôi phục các ông các bà. Vườn hoa thiếu cha gì băng đá không ngồi lại cứ vô đây ngồi ghế mềm.
2 đứa xem chui, ghế đâu mà ngồi đành phải đứng tựa cột lẩn trong hạng cá kèo, nhưng kịch hay xem không mỏi chân.
Trên sân khấu lão Trương Ba đang xoay trần chặt thịt heo. Lão nói nhẩm một mình:
- Lạ này, xưa kia tôi dạy học và làm vườn, sao bây giờ tôi lại làm nghề chọc tiết heo? Tay tôi đầy máu me gớm ghiếc thế này? Cửa hàng thịt này đâu phải là nơi tôi mài mực viết bài cho học trò.
Thời may có một chiếc ghế trống trên lô hạng nhất do một bà lớn vừa bỏ đi, người xét vé thấy cô gái đẹp bèn gọi tới cho ngồi. Còn Tuấn thì kiểng chân lên xem cho đến vãng. Thành ra hai đứa được xem miễn phí.
Ngồi trên poọc-ba-ga cho Tuấn đèo về, Ngọc Toàn hỏi:
- Anh xem được không? Em cứ ngoảnh lại tìm anh suốt cả buổi nên không có hồn trí đâu mà theo dỏi vở kịch, mãi tới lớp Thiên Tào Bắc Ðẩu bị ông Ðế Thích mắng thiên đình là đồ cà chớn rồi tới lúc hồn Trương Ba bay ra khỏi xác ông hàng thịt em mới hiểu vở kịch. Anh có xem được không?
- Có chứ! Anh xem bằng mắt của em mà. Em có biết ai ngồi trước mặt em không? Cái bà mặt áo dài nhung đen có thêu hoa mai vàng đấy!
- Ai đâu? Em không có để ý. Ngồi ghế chui em cứ thấp thỏm, còn dám ngó ai!
- Bà vợ ông tác giả của vở kịch đấy. Bà nữ sĩ gì gì ấy!
- Phải "Thuyền và Biển" đấy không?
- Bà ấy đấy!
- Nếu phải xa em, anh chỉ còn bão tố!
- Nếu phải xa anh, em chỉ còn bảo tố!
--------------------------------
1 Tóc dựng đứng lên làm bật mão.
2 Câu chuyện "Dự Nhương đả long bào" đã được viết ra thành tuồng cải lương, tôi có xem hồi 7, 8 tuổi ở Đình làng Minh Ðức quê ngoại tôi, nay đã hơn 50 năm không còn nhớ chi tiết nữa. Không biết tìm ở đâu ra để đọc lại. Quý vị nào biết xin mách cho để tôi bổ sung trang sách này. Xin đa tạ. (Xuân Vũ)
Tôm Hùm Huýt Sáo Tôm Hùm Huýt Sáo - Xuân Vũ Tôm Hùm Huýt Sáo