Sometimes your joy is the source of your smile, but sometimes your smile can be the source of your joy.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1459 / 21
Cập nhật: 2015-07-18 12:57:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 28
m cho anh xin một nửa số lương tháng này đi.
- Ðể anh làm gì?
- Ðể anh đi thăm một người bạn ở Thái Bình.
- Ai ở dưới đó?
- Anh Nguyễn Hữu Ðang.
- Anh có địa chỉ anh Ðang không?
- Anh chỉ biết ảnh ở Thái Bình thôi. Còn ở đâu cụ thể thì không biết!
- Tỉnh Thái Bình mênh mông với hơn hai triệu dân. Anh không có địa chỉ thì anh làm sao tìm được?
- Trời đất, em nói! Một người như anh Ðang thì một đứa con nít cũng biết.
Người vợ thấy chồng cương quyết thì ngập ngừng. Nửa tháng lương hưu mới lĩnh vào lúc sắp Tết có ý nghĩa rất lớn cho một gia đình hai vợ chồng hai đứa con. Nhưng người vợ cũng đành lục túi ra đưa chồng.
(Vợ Phùng Quán hồi ở Hà Nội tôi có biết tên và có cả một lần do một thằng bạn làm đạo diễn điện ảnh người Nam Kỳ táo bạo dẫn tôi đến tận nhà để thăm Phùng Quán ở Nghi Tàn nhưng lần đó không gặp và không bao giờ nữa. Tôi và Quán không phải bạn thân, nhưng hai đứa có sống chung một thời gian ở trại viết truyện "anh hùng quân đội" năm 1955 của tổng cục chính trị thành ra biết nhau. Lúc đó Quán còn trẻ lắm, đâu 24-25 thôi. Tôi cũng lứa đó. Quán viết về anh hùng Ngô Mây ôm bom lao vào giặc. Bên cạnh còn viết quyển "Vượt Côn Ðảo". Quyển ký làm kinh ngạc độc giả lẫn nhà văn Hà Nội lúc hòa bình vừa lập lại sau hiệp định Genève. Sau khi phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm bị hạ bệ, Quán sống một cuộc sống điêu linh điêu đứng đến đổi đi xin ghi tên HTX ăn cơm tháng mà cũng không ai dám nhận. Nay đọc lại những trang này về Phùng Quán, tôi bồi hồi xúc động nhưng Quán đã mất rồi. Mất rồi, nhưng tôi vẫn như còn thấy gương mặt xương trắng trẻo, dáng dấp rất học sinh, tài năng của Quán làm mọi người kinh ngạc. Anh ta viết vừa nhanh lại vừa hay. Cuốn Vượt Côn Ðảo gần 300 trang chỉ viết trong vòng 15-20 ngày và đưa in. Nếu bạn muốn thấy lại Phùng Quán hoặc muốn biết phần nào về Quán, xin tìm đọc quyển Văn Nghệ Sĩ miền Bắc quyển 2 do Ðại Nam xuất bản 1997).
Ðược tiền do vợ trao, Quán phóng xe đạp tức khắc vì sợ vợ thay đổi ý kiến (không biết có phải chiếc xe đạp vành 700 hiệu Sterling của Quán tậu được khi vừa về Hà Nội?). Quán cắm đầu đạp trên Quốc Lộ 5 đi ngang Giảng Võ mới sực nhớ mình không có chuẩn bị món gì để đi đường. Thấy chợ búa ở đây đông lắm, định vào mua mấy cái bánh chưng làm quà cho anh Ðang như là trả lễ. Vì hai năm qua liên tiếp năm nào Tết anh Ðang cũng từ Thái Bình lên Hà Nội, nhân dịp mang theo mấy cân gạo nếp để tặng bạn quen. Nhưng trời rét quá, Quán cắm đầu đạp, gió thổi ngược phần phật suýt bay hai cái vành tai. Khi ngóc đầu lên thì thấy đã qua khỏi cổng chợ, nên cái ý định trả lễ cũng trôi luôn.
Quán vừa đạp xe, mệt lại ghé Ga đi tàu hỏa, đến Nam Ðịnh, Quán rẽ xuống Thái Bình, lại đáp ô tô, liên tục không nghỉ chân, không bị nhỡ tàu, nhỡ xe ô tô, xe đạp không thủng lốp hỏng xích, cho đến 26 Tết mới đến thị xã Thái Bình.
Bây giờ Quán mới thấy sự lo lắng của vợ là có lý. Tỉnh Thái Bình mênh mông với hơn hai triệu dân chớ phải đâu cái bát úp! Quán bèn đến các tổ chức văn hóa thông tin tỉnh để phăng ra mối.
Ở sở văn hóa không ai biết một cách chính xác. Thậm chí không biết cả Nguyễn Hữu
Ðang là ai.
"Hình như ông ấy ở Quỳnh Phụ Kiến Xương hay Tiền Hải gì đó. Trời đất ơi! Mỗi một địa danh kể trên là một huyện chớ phải đâu một cái hóc con mà "hay là"!
Thời may Quán gặp một nhà thơ trẻ. Khi biết rõ ý định của Quán, anh ấy bảo:
- Cháu sẽ đưa chú ra một cái quán thịt chó. Ở đây có cán bộ về hưu cũng trạc tuổi chú hay tới lui. Chú hỏi thăm may ra họ biết.
Thế là Quán theo anh cán bộ ra quán thịt chó. Than ôi, đi chuyến này là đã thắt lưng buộc bụng rồi, bây giờ phải siết thêm lưng một nấc nữa để mò túi và gọi thức nhắm cùng 2 chén rượu để mời ông bạn dẫn đường cho phải lễ.
Ngồi nhâm nhi có ý đợi, chừng nửa tiếng thì thấy một cán bộ đậu cái xe "cúp" trước cửa quán bước vào.
Anh bạn trẻ đứng bật dậy và nói nhỏ với Quán:
- Ông này ở cơ quan an ninh tỉnh, hỏi chắc ổng biết. Quán chụp tay anh ta kéo lại và dặn:
- Anh đừng giới thiệu mình là ai, sẽ rách việc.
- Biết rồi, chú khỏi phải dặn.
Anh bạn trẻ đến gặp ông ta nói cái gì đó và chỉ tay về phía Quán. Anh cán bộ an ninh tươi cười đến bắt tay Quán, ngồi đối diện và niềm nở hỏi:
- Xin lỗi, Tết năm nay cụ hưởng thọ được bao nhiêu tuổi ạ?
Quán đoán anh cán bộ thấy mình ăn mặc nhếch nhác, bà ba nâu, dép lốp, râu tóc bạc trắng thì hỏi vậy:
- Cảm ơn đồng chí, tôi năm nay cũng đã cổ lai hi rồi ạ.
- Xin lỗi cụ, trước đây cụ có công tác ở đâu không ạ?
- Dạ tôi công tác ở một cơ quan thương nghiệp trên Hà Nội ạ!
- Cụ là thế nào với ông Nguyễn Hữu Ðang ạ!
Vốn là nhà văn nên Quán sáng tạo ngay một câu chuyện y như thật:
- Chả là tôi ở cùng "tổ hưu" với một người ở Thái Bình, nên khi nghe tôi đi Thái Bình thì có gởi cho tôi 10 nghìn nhờ tôi đem hộ đến ông ta nhưng có giao hẹn rằng phải đưa tận tay ạ.
- Chỉ có thế thôi à?
- Vâng, chỉ có thế. Mà có thế thôi cũng đã quá nặng nề đối với tôi đang ở cái tuổi này lựa là cái gì nhiều hơn nữa.
Anh cán bộ an ninh vui vẻ:
- Trời gió ngược mà cụ phải đi đến đấy thì khước đấy!
Nói thế rồi anh cán bộ chỉ đường cho Quán đến nơi anh Ðang hiện cư ngụ. Ðó là xã Vũ
Công huyện...
Ðường đi chi chít những ổ gà, nhưng Quán cũng đến nơi. Hỏi thăm ra thì có người chỉ một cách cụ thể và chắc chắn hơn.
- Ông ấy ở đấy đấy! Con người tiết kiệm khét tiếng trong vùng. Ông đến đấy thì gặp. Tôi vừa mới thấy ông ấy ra quán thịt chó này.
Quái nhỉ, bụng Quán nghĩ, sao đi đâu cũng gặp quán thịt chó mà không thịt gì khác. Thì ra ở nông thôn người ta vẫn hay đụng thịt chó. Quán lại phải thắt thêm cái bụng lần nữa để vào quán. Có hai lý do không thể từ chối. Một là trời rét mướt không thể đứng ngoài trống mà chờ một cái gì hay một người không chắc có hay không. Hai là vào quán thì phải mua một cái gì, chứ chẳng lẽ lại ngồi tốn bàn tốn ghế của người ta mà trơ mõm ra đấy không ăn gì?
Thế là Quán lại phải vào quán! Quán Phùng Quán. Cái tên Quán tiền định nhưng rồi Quán cũng tìm được anh Ðang....Quán nhìn theo cánh tay một người chỉ bảo:
- Ông Ðang đấy! Ông ta đang cọ rửa cái gì dưới cầu ao. Người ta bảo đó là ao cá Bác Hồ. Quán không nhận ra người quen cũ nhưng cũng vẫn cứ kêu:
- Anh Ðang!
Quán có người bạn làm thơ chết lâu rồi. Có làm một câu mới nghe vô nghĩa, nhưng cứ lâu lâu lại bật lên đầu Quán: "Cuộc đời vui quá không buồn được". Mà vui thật.
Ông bộ trưởng bộ tuyên truyền của chánh phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhà hoạt động báo chí công khai cùng thời với Trường Chinh, Trần huy Liệu, một trong những người lãnh đạo truyền bá Quốc Ngữ cùng với Phan Thanh, cụ Nguyễn văn Tố, một trong những người sáng lập hội văn hóa cứu quốc cùng với Nguyễn huy Tưởng, Nguyễn đình Phi, một người được cử đi hội nghị Tân Trào và đứng tên trong chánh phủ cách mạng lâm thời, và năm 1945 là
trưởng ban tổ chức ngày Ðại Lễ của đất nước 2.9.1945: Nguyễn Hữu Ðang! Lúc đứng tên trong chánh phủ anh mới 33 tuổi. Nay gần 80. Trải qua bao nhiêu gió bão tuyết sương anh vẫn còn đứng kia.
Ðời vui thật chứ. Mà vui thật nên không buồn được.
- Anh Ðang!
Nguyễn Hữu Ðang là trưởng ban tổ chức ngày quốc khánh 2.9.1945 đến nay (1992) anh vẫn còn sống. Không vợ, không con. Ðã không vợ, không con lại không cửa không nhà mà vẫn sống. Vui thực đấy chứ. Vui thế thì làm sao mà buồn được, cái cuộc đời này! Cái cuộc đời này vui quá, ai mà buồn cho được. Có muốn buồn cũng không buồn được kia mà!
- Anh Ðang!
Quán nghẹn ngào gọi. Nguyễn Hữu Ðang đứng đó. Chớ không phải ai khác. Môi Quán còn tê rượu. Lưỡi Quán còn vương mùi thịt chó. Tai Quán còn dư âm câu chuyện của ông chủ quán thịt chó vắn tắt kể về ông Ðang:
- Ông ấy vừa mới ghé đây hồi sáng, bảo tôi rằng tối qua vừa bắt được con rắn độc, phun phì phì. Ðịnh làm thịt ăn, nhưng tiếc nên chở lên huyện định bán cho một tay buôn rắn độc, kiếm mấy nghìn mua mấy lạng mỡ lá nhưng vui thật, vui cho con rắn ấy mà, tay buôn chê rắn không nằm trong tiêu chuẩn "Bộ Tam Xà" nên nó không mua. Vâng, rắn mà anh lái mua phải là rắn cực độc, nghĩa là cắn ai chết nấy, không chạy thầy không có thuốc nào chữa được thì nó mới mua. Ngoài ra còn phải có tiêu chuẩn gì nữa đấy do chính nó đặt ra, ai mà biết được, nhưng nó cầm tiền thì cái quyền hay không là ở nó, mình làm gì nó được?
Ông chủ quán rót thêm ly rượu nữa, giọng hào hiệp:
- Ly này tôi đãi cụ! Mà khổ, ông ấy có bán được đâu. Chiều tối ông ấy đạp xe về phàn
nàn: "Nó không chịu mua, nó bảo loại rắn này không nằm trong bộ Tam Xà!" Tôi cười ngất.
Anh Ðang ở gian đầu hồi cái nhà bếp của khu tập thể giáo viên, trước mặt là ao cá Bác Hồ của xã. Ðứng bên kia bờ ao, một cô giáo chỉ cho tôi: "Bác ấy đang ngồi ở bậc cầu ao kia kìa! Ðang cọ rửa cái gì mà chăm chú quá không biết..." Tôi dắt xe đạp qua sân trường, vòng ra gần sát sau lưng anh. Anh đang dùng nắm rơm cọ rửa những viên gạch vỡ đôi, xếp thành chồng cao gần chỗ ngồi. Tôi đứng lặng nhìn anh. Ðầu anh đội cái mũ cối méo mó, khoác cái áo ruột áo bông thủng be bét, quần lao động màu cháo lòng, hai ống chân ôm vòng hai dây cao su đen nom như hai cái vòng cùm sắt, chắc hẳn để nhét hai ống quần vào đó chống rét, lưng anh khòng xuống hình chữ C viết nghiêng...Tôi chợt nhớ cách đây không lâu, tôi được nghe những người cùng thời với anh kể: Hồi Mặt Trận Bình Dân, Nguyễn Hữu Ðang là cán bộ đảng được cử ra hoạt động công khai, ăn vận sang trọng như một công tử loại một của Hà Thành, thắt cà vạt đỏ chói, đi khắp Trung Nam Bắc diễn thuyết, oai phong, hùng biện, tuyên truyền cách mạng...Mỗi lần cách mạng cần tiền để hoạt động, Nguyễn Hữu Ðang có thể đến bất cứ một nhà tư sản Hà Nội giàu có, vay vàng, tiền. Mà những người này trao vàng, tiền cho anh đều không đòi hỏi một thứ giấy tờ gì, vì họ tin sâu sắc rằng trao vàng, tiền cho anh là trao tận tay cho cách mạng...Và bây giờ anh ngồi đó, gần tám chục tuổi, không vợ không con, không cửa không nhà, lưng khỏng chữ C viết nghiêng, tỉ mỉ cọ rửa những viên gạch vỡ (chẳng hiểu để làm gì) như người bõ già trong truyện Hương cuội của Nguyễn Tuân cọ rửa những viên cuội trắng để tẩm kẹo mạch nha vào dịp tất niên...Miên man nghĩ vậy và tôi bật phì cười.
"Anh Ðang!". Tôi nghẹn ngào gọi. Anh quay lại, chớp chớp mắt nhìn tôi rất lâu. Gương mặt già nua với mái tóc bạc húi cao, cằm mép lốm đốm những chân râu hạt vừng, vụt rạng rỡ hẳn lên. Anh cười để lộ hai hàm răng vàng xỉn, cùn mòn gần nửa vì năm tháng..."Phùng Quán! chú về đây từ lúc nào thế?" Hai anh em chúng tôi ôm chặt nhau giữa bậc cầu ao. Và cả hai gương mặt già nua phút chốc đẫm lệ...
Cái chái bếp căn hộ độc thân của anh rộng khoảng năm mét vuông, chất kín những tư trang, đồ đạc. Mấy cây sào ngọn tre gác dọc ngang sát mái, trên vất cả chục cái khăn mặt rách xơ như giẻ lau bát, áo may-ô thủng nát, quần lao động vá víu, cạp quần đeo lủng lẳng một chùm lục lạc làm bằng vỏ hộp dầu cao Sao Vàng xuyên thủng, buộc dây thép, bên trong có hòn sỏi nhỏ. Ðụng vào chùm lục lạc rung lên nghe rất vui tai. Sau đó tôi được anh giải thích tác dụng của chùm lục lạc. Ði lại trong đường làng những đêm tối trời, anh thường bị cánh thanh niên đi xe đạp, xe máy phóng ẩu đâm sầm vào, làm anh ngã trẹo tay, sầy gối. Học tập sáng kiến của đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc, treo mõ vào cổ trâu, "trâu gõ mõ, chó leo thang" anh Ðang chế chùm lục lạc đeo vào cạp quần, báo hiệu có người để họ tránh xa. Tác dụng thứ hai quan trọng không kém...Mỗi lần đạp xe trên đường vắng, nghe tiếng lục lạc loong coong ngang thắt lưng, tự nhiên cảm thấy đỡ đơn độc...
Chính giữa gian chái kê chiếc tủ gỗ tạp nhỏ, hai cánh mọt ruỗng không kép kín được, khóa một chiếc khóa lớn như khóa cửa nhà kho. Trên nóc tủ xếp một chồng mũ cối, mũ vải, mũ lá mà ở Hà Nội người ta thường quẳng vào các đống rác. Cạnh tủ là một cái giường cá nhân, bốn chân giường được thống cố thêm bốn chồng gạch. Trên giường một đống chăn bông trần rách thủng và một xấp áo quần cũ làm gối...sát chân tường kê chiếc bàn xiêu vẹo chỉ có hai chân, hai chân kia được thay bằng hai sợi dây thép buộc treo vào tường. Mặt bàn lát bằng nan tre. Anh nói giọng Lão Trang: "một cái bàn bốn chân là con vật. Khi nó chỉ còn lại hai chân nó thành một con người". Trên mặt bàn xếp kín những chai lọ, vỏ đồ hộp, hai cái đèn dầu làm bằng lọ mực Cửu Long, vài con dao làm bằng mấu lưỡi liềm gẫy, và ba bốn cái bát hương, nắp đậy là những viên gạch vỡ. Anh chỉ nắp đậy, giới thiệu với giọng trang trọng của thuyết minh viên giới thiệu hiện vật trong các bảo tàng nghệ thuật: "Nó là loại gạch nung rất già, gần đạt tới tiêu chuẩn của sành sứ cổ. Sức nặng và độ bền của nó làm các loại chuột, mối, gián phải vị nể". Bây giờ thì tôi đã
hiểu anh cọ rửa những viên gạch vỡ để làm gì.
Dưới gầm bàn là mấy chục đôi dép cao su hư nát, đứt quai được bó thành từng bó, hai cái vại muối dưa rạn nứt, sứt miệng, một đống bản lề cửa, sắt vụn, đinh còng queo, mẫu dây thép han rỉ...Tất cả những đồ lề đó, phủ lên lượt bụi tro...
Lúc tôi bước vào, gian buồng mờ mịt khói. Anh giải thích: "Giờ này các cô giáo nấu ăn. Bếp tập thể ở sát bên kia tường. Tôi đã trộn rơm với bùn trát những ke hở sát mái, nhưng khói vẫn cứ lọt sang (anh cười) chịu khói một chút nhưng cũng có cái lợi. Thỉnh thoảng lại ngửi được mùi xào nấu lẫn với khói, cái mũi được bồi dưỡng...Trong việc dở nào cũng có việc hay và ngược lại".
"Ðể em đạp xe ra chợ mua cái gì về ăn...". "Thôi, khỏi cần. Chú về chơi hôm nay là rất gặp may. Sáng nay tôi vừa chế biến được một mẻ thức ăn, ngon vô địch. Chú nếm rồi sẽ biết. Cơm cũng có sẵn rồi. Tôi mới nấu lúc sáng, ủ vào lồng ủ rơm, còn nóng nguyên. À, tôi lại có cả rượu cho chú, rượu cam xuất khẩu hẳn hoi, quà của Hội Nhà Văn, gởi biếu vào dịp Tết năm ngoái...Tôi chỉ mới mời mấy thầy giáo mấy chén, còn đủ sức cho chú say sưa suốt mấy ngày ở chơi". Anh xăng xái lấy chùm chìa khóa buộc chung với chùm lục lạc, mở khóa tìm chai rượu. Tôi liếc mắt nhìn vào mấy ngăn tủ. Những xấp áo quần cũ nát để lẫn với những chồng báo, giấy má, sách ố vàng. Ngăn dưới cùng để rất nhiều chai lọ, vỏ đồ hộp, vỏ bia lon, và nhiều chồng các loại vỏ bao thuốc lá.
Anh lúi húi lục một lúc khá lâu mới lôi ra được chai rượu cam còn già nửa. "Ðây rồi! Bây
giờ già hóa lẩm cẩm. Ðể chỗ này lại tìm sang chỗ kia". Tôi cười nói: "Nhìn anh, em cứ tưởng là một nhà quý tộc Nga thời Sa Hoàng, tự tay tìm chọn loại rượu quý cất giữ một trăm năm trong hầm rượu, để đãi khách quý". Tôi chỉ những chồng vỏ bao thuốc lá, hỏi: "Anh chơi sưu tập vỏ bao thuốc lá à? Thế mà em không biết. Trên nhà em các bạn đến chơi, hút thuốc lá ngoại hảo hạng, vỏ bao vứt lung tung. Vợ em ngày nào cũng cằn nhằn vì phải dọn nhặt đem đốt". Anh kêu lên: "Thế có tiếc không. Lần này chú về trên đó nhớ dặn cô ấy, có vỏ bao thuốc lá ngoại cứ cất giữ cho anh Ðang, càng nhiều càng tốt. Ðó là hàng đối lưu của tôi đấy...", "Hàng đối lưu?" Tôi ngạc nhiên hỏi. "Ðể tôi dọn cơm ăn rồi tôi giảng cho chú nghe thế nào là hàng đối lưu. Tôi xem ra chú mù tịt về môn kinh tế chính trị học".
Tôi ngắm nhìn bao quát căn hộ độc thân đầy khói của anh, hỏi: "Hơn mười lăm năm qua anh vẫn sống ở gian buồng này à?", "Ngày tôi mới về xã, tôi sống ở trại lợn của hợp tác xã. Chẳng là cán bộ xã cũng thông cảm hoàn cảnh khó khăn của tôi, nên đề nghị tôi ra đó trông coi giúp như nhân viên thường trực của trại. Ở đó có một gian nhà kho cũng thoáng mát, tôi có thể ăn ở, đọc sách, viết lách kết hợp với việc trông coi trại. Mỗi mùa hợp tác xã trả công điểm mấy chục cân thóc, mấy chục cân rơm làm chất đốt. Số thóc, rơm này, tôi không phải dùng đến, trong mấy năm tiết kiệm được hai tạ ba thóc, hai trăm sáu chục cân rơm cho bà con vay. Ngoài ra, vào dịp Tết hợp tác xã bồi dưỡng thêm ít thóc nếp, đem lên Hà Nội biếu các chú. Khi tôi bắt tay vào việc dịch thuật cuốn "lịch sử đảng cộng sản Liên Xô, tiếng lợn kêu ầm ĩ quá, làm tôi mất tập trung tư tưởng, nên phải xin thôi công việc trông coi trại, chuyển về đây để được yên ổn hơn".
Anh lôi dưới gầm giường ra một cái xô tôn thủng đáy, đặt lên miệng xô tấm gỗ ván. "Ðây là bàn ăn (anh giới thiệu và vần tiếp ra hai cái vại muối dưa sứt miệng) còn đây là ghế ngồi. Bà con nông dân nghèo mà phí phạm thế đấy. Hai cái vại còn tốt thế này mà đem quẳng bụi tre...Tôi nhặt về cọ rửa sạch sẽ, lật đít lên, làm thành cái ghế ngồi vừa vững chải lại vừa mát. Chú ngồi thử mà xem, có khác gì ngồi trên đôn sứ thời Minh". Anh dọn ra hai cái dĩa, rồi chọn trong hai cái bát hương đậy viên gạch vỡ gắp ra năm sáu viên gì đó tròn tròn, đen xỉn, nom rất khả nghi. Anh chỉ vào mỗi đĩa, giới thiệu thực đơn đãi khách: "Ðây là chả thịt cóc băm viên. Ðây là chả thịt nhái...có cả mì chính, hạt tiêu nhá! Mười mấy năm này nhờ bồi dưỡng thường xuyên hai thứ đặc sản này mà tôi rất khỏe hơn cả chú". Anh nhắc trong cái rổ phủ đầy rơm để ở góc nhà, xoong
cơm đã ăn một góc mà anh giới thiệu vẫn còn nóng nguyên. Nói đúng hơn là một thứ cháo rất đặc, có thể xắn thành từng miếng như bánh đúc "Ba năm trở lại đây, tôi phải ăn cơm nhão, nếu ăn cơm khô thì bị nghẹn. Tôi nấu cơm với nước vo gạo nên rất bổ. Chẳng là các cô giáo thường đổ phí nước vo gạo. Tôi đưa cho các cô cái chậu, dặn đổ nước vo gạo vào đấy cho tôi, để tôi chắt ra nấu lẫn với cơm. Tinh túy của gạo nằm trong nước vo, bỏ đi thật phí phạm". "Nhưng cóc nhái đâu ra mà anh bồi dưỡng được thường xuyên thế?" Tôi hỏi. "Ấy, chỗ này mới là bí quyết. Phải huy động lực lượng quần chúng, tức là các cháu thiếu nhi. Biết các cháu ở đây thích chơi vỏ bao thuốc lá, nhất là các loại vỏ bao đẹp, mỗi lần lên thị xã hoặc sang Nam Ðịnh chơi, tôi nhặt nhạnh về, đổi cho các cháu lấy cóc nhái. Cũng đề ra tiêu chuẩn hẳn hoi. Một vỏ bao ba số đổi ba con cóc hoặc năm con nhái, các loại khác hai cóc, ba nhái. Bởi vậy tôi mới gọi nó là hàng đối lưu, chú hiểu chưa. Mỗi tháng tôi chỉ cần ba bốn chục cái vỏ bao thuốc lá là thừa chất đạm, mà là loại đạm cao cấp...Hôm nào chú về tôi gởi biếu Cô, chú Cung, mỗi nhà mấy viên nếm thử. Cô chú ăn thịt cóc của tôi rồi sẽ thấy các thứ thịt khác đều nhạt hoét!".
Anh rót rượu, chọn gắp viên chả cóc, nhái bỏ vào bát cho tôi, ân cần, âu yếm, trang trọng, làm tôi ứa nước mắt. Anh hỏi: "Chú đi đâu mà lại lặn lội về tận đây, vào lúc Tết nhất sắp đến nơi?", "Em về đạy chỉ một mục đích là thăm anh. Hơn hai năm nay không thấy anh lên Hà Nội, chúng em rất lo. Không biết anh đau ốm gì, liệu anh có còn sống không? Về đây thấy anh vẫn khỏe mạnh, em rất mừng...Anh là nhân chứng của một quá khứ hào hùng của đất nước. Nếu anh chết đi, tàn lụi như cỏ cây, không nhắn gởi gì lại cho các thế hệ sinh sau, theo em là một tổn thất lớn không gì bù đắp được..." Tôi lấy đưa anh một số tư liệu liên quan đến ngày 2.9.1945, vừa sao chụp được: "Từ lâu em vẫn mơ ước viết một cái gì đó, một thiên trường ca chẳng hạn, về công trình lễ đài Ðộc Lập, thật tráng lệ, thật hào hùng...Anh là trưởng ban tổ chức Ngày Ðộc Lập như trong tư liệu còn lưu giữ được. Em muốn được tận tai nghe anh kể lại những kỷ niệm, những hồi ức mà anh cho là sâu sắc nhất..mà anh không dùng đến thì cho em xin...
Anh im lặng rất lâu, dùng đũa tém lại những mảnh vụn thịt cóc, nhái trong đĩa, gắp bỏ vào bát mình những mảnh khác rớt xuống mâm ván. Anh chăm chú nhìn vào cái đĩa đã tóm gọn, như đang gắng đọc những hồi ức in lại trong lớp men sành...Anh chợt nói, mắt vẫn không rời cái đĩa:
"Thấp thoáng thế mà đã bốn mươi bảy năm trôi qua...anh chợt nói tôi còn nhớ như in ngày hôm đó là ngày 28 tháng 8...Tại sao tôi nhớ, vì đó là thời khắc lịch sử phải được tính từng phút một...Năm đó tôi bước vào cái tuổi băm ba. Chính phủ cách mạng lâm thời họp phiên cuối cùng tại Bắc Bộ Phủ để quyết định ngày ra mắt quốc dân đồng bào...Hôm đó tôi có việc cần giải quyết gấp, nên đến nơi thì phiên họp vừa giải tán. Vừa bước lên mấy bậc thềm thì thấy cụ Nguyễn văn Tố từ trong phòng họp đi ra. Cụ mừng rỡ, chụp lấy tay tôi, nói: "Anh vào ngay đi, cụ Hồ đang ngồi đợi anh trong đó". Tôi theo cụ Tố vào phòng họp. Ðó là lần đầu tiên tôi được gặp mặt ông cụ. Ông cụ ngồi ở ghế tựa, mặc bộ áo quần chàm, tay chống lên ba-toong. Cụ Tối kéo tối lại trước mặt cụ, giới thiệu: "Thưa cụ, đây là ông Nguyễn Hữu Ðang, người mà phiên họp quyết định cử làm trưởng ban tổ chức ngày lễ". Cụ Hồ nhìn tôi một thoáng với cặp mắt rất sáng cặp mắt mà về sau nầy nhân dân cả nước đồn rằng có bốn con ngươi như muốn cân nhắc, đánh giá người mà cụ quyết định giao trọng trách. Cụ hỏi tôi với giọng Nghệ pha??? giống giọng cụ Phan Bội Châu mà có lần tôi đã được nghe: "Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày mồng hai tháng chín. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?" Tôi tính rất nhanh trong đầu: "Tháng 8 có 31 ngày, như vậy chỉ còn có 4 ngày nữa thôi...Tôi suy nghĩ cân nhắc trong một phút. Hình dung tất cả những khó khăn như núi mà tôi phải vượt qua để tổ chức được một ngày đại lễ như vậy. Trong khi đó mình chỉ có hai bàn tay trắng. Tôi nói với cụ Hồ: "Thưa cụ, việc cụ giao là vô cùng quan trọng, mà thời gian lại quá gấp
rút, nên con thấy rất khó..." Cụ Hồ liền cắt ngang: "Có khó mới phải cần đến chú!".
Kể đến đó anh Ðang ngẩng phắt lên nhìn tôi. Vẻ già nua, cùng quẫn trên con người anh
như được trút bỏ hết. Dáng dấp oai phong, khí phách của con người chiến sĩ cách mạng luôn luôn đứng ở hàng xung kích lại hiện nguyên hình.
"Như chú biết đấy (giọng anh vụt trở nên sang sảng) tôi là một nhà tuyên truyền, động viên thiên hạ chuyên nghiệp. Thế mà lần này tôi lại bị ông cụ động viên, động viên một cách tài tình, bằng một lời thật ngắn gọn, thật giản dị! Nghe ông cụ nói vậy lúc đó tôi thấy trong con người mình bừng bừng khí thế, muốn lập nên được những kỳ tích, những chiến công thật vang dội...Tôi nói với ông cụ: "Thưa cụ, cụ đã dạy như vậy thì con xin nhận nhiệm vụ. Con xin hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách". Cụ Hồ đứng lên, bắt tay tôi, dáng bộ gương mặt nom rất vui vẻ, bằng lòng: "Thế thì chú trở về bắt tay ngay vào việc tiến hành như thế nào". Tôi chào cụ ra về, lòng rạo rực lâng lâng...Nhưng khi vừa bước xuống hết những bực thềm rộng thênh thang của Bắc Bộ Phủ, tôi chợt nghĩ ra một điều. Tôi liền quay trở lại phòng họp. Cụ Hồ vẫn còn đứng ở đó. Cụ hỏi ngay: "Chú còn cần gì nữa?", "Thưa cụ, tôi nói, để hoàn thành được trọng trách, xin cụ trao con một cái quyền". "Quyền gì chú cứ nói đi!". "Thưa cụ, quyền được huy động tất cả những gì cần thiết cho việc tổ chức buổi lễ, về người cũnng như về của...", "Ðược, tôi trao cho chú cái quyền đó. Nếu ai hỏi huy động theo lệnh của ai, cho phép chú được trả lời: Theo lệnh của Chủ Tịch Hồ chí Minh!"
Công việc đầu tiên là tôi thảo một thông cáo ngắn gọn anh gắp thêm mấy viên chả cóc trong bát hương bỏ ra đĩa rồi kể tiếp nội dung như sau:
2.9.1945 chính phủ cách mạng lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào, tuyên ngôn
Ðộc Lập tại vườn hoa Ba Ðình. Ðồng bào nào có nhiệt tâm muốn góp sức, góp của vào việc tổ chức ngày lễ lịch sử trọng đại này, xin mời đến hội quán trí tri, Phố Hàng Quạt gặp ban tổ chức.
Thông cáo được gởi ngay đến tất cả các báo hàng ngày, yêu cầu đăng lên trang nhất, với hàng chữ tít thật lớn chạy hết trang báo. Năm giờ sáng báo phát hành, tám giờ người ta đã kéo đến vòng trong vòng ngoài chật hội quán. Người ghi tên vào các đội công tác, người góp tiền, góp vàng, góp vải vóc, gỗ ván. Nhiều người từ chối không lấy biên nhận: "Biết bao nhiêu anh hùng liệt nữ góp xương máu cho nền độc lập, đâu có lấy giấy biên nhận". Họ nói vậy.
Tôi mời mọi người dự cuộc họp chớp nhoáng, và đưa ra ý kiến: "Việc cần thiết trước tiên là phải dựng một lễ đài Ðộc Lập thật đẹp, thật lớn, thật uy nghi, xứng đáng với ngày lịch sử trọng đại này tại trung tâm vườn hoa Ba Ðình, để chính phủ cách mạng lâm thời đứng lên ra mắt. Vậy đồng bào nào hiện có mặt ở đây có thể đảm nhiệm trọng trách đó?". Một người trạc ngoài ba mươi, ăn mặc lối nghệ sĩ, đeo kính trắng, bước ra nói: "Tôi là Họa Sĩ Lê văn Ðệ. Tôi xin tình nguyện nhận việc dựng Lễ Ðài. Trưa nay tôi sẽ mang bản phác thảo Lễ Ðài đến ban tổ chức xem xét". Tôi bắt tay Họa Sĩ nói: "Tôi được biết tên tuổi anh từ lâu và cũng nhiều lần được xem tranh của anh. Tôi xin thay mặt ban tổ chức hết sức hoan nghênh nhiệt tâm đóng góp của anh. Nhưng Lễ Ðài Ðộc Lập là một công trình kiến trúc, tuy dựng gấp rút tạm thời, nhưng phải đạt được những tiểu chuẩn không thể thiếu của nó như sự vững chắc, sự hài hòa công trình với tổng thể. Nói ví dụ, nếu không vững chắc, mấy chục con người đứng lên, nó đổ sụp xuống thì ngày lễ coi như thất bại. Bởi vậy cần có kiến trúc sư phối hợp với anh". Một người trẻ tuổi ăn vận chỉnh tề, từ trong đám đông bước ra tự giới thiệu: "Tôi là kiến trúc sư Ngô huy Quỳnh 1, cùng hoạt động trong hội văn hóa cứu quốc với anh Phạm văn Khoa. Hôm qua tôi được anh Khoa cho biết ý đồ của ban tổ chức, tôi đã vẽ xong bản đề án thiết kế lễ đài". Anh Quỳnh trải rộng cuộn giấy can cầm sẵn trong tay lên mặt bàn. Ðó chính là toàn cảnh lễ đài Ðộc Lập mà sau này chú được nhìn thấy in hình trên báo chí. Bản vẽ thật đẹp, thật chi tiết, tỉ mỉ...lễ đài với tổng thể là vườn hoa Ba Ðình, vị trí dựng lễ đài, chiều cao, chiều rộng, mặt bằng, mặt cắt ngang, cắt dọc lễ đài, độ lớn các xà gỗ, tổng diện tích mặt ván ốp lát v.v...Sau khi nghe anh Quỳnh thuyết trình, tôi xem xét, cân nhắc rồi đặt bút ký duyệt vào bản thiết kế, đóng dấu ban tổ chức. Tôi nói với anh Lê văn Ðệ 3 và anh Ngô huy Quỳnh: "Ban tổ chức quyết định giao công trình này cho hai anh. Anh Quỳnh phụ
trách thiết kế, thi công, anh Ðệ phụ trách trang trí. Hai anh cần bao nhiêu nguyên vật liệu, nhân công, anh Phạm văn Khoa và đội công tác sẽ lo chạy đầy đủ. Hiện chúng tôi có một kho ba ngàn thước lên đỏ, cần dùng bao nhiêu, các anh cứ lấy dùng. Ðúng 5 giờ sáng ngày 2 tháng 9 tôi sẽ đến nghiệm thu lễ đài. Chúc các anh hoàn thành nhiệm vụ".
Sáng ngày 31 tháng 8, tôi đến Bắc Bộ Phủ gặp cụ Hồ nhu cụ đã chỉ thị. Sau khi nghe tôi báo cáo ngắn gọn đầy đủ về tất cả mọi việc có liên quan đến ngày lễ, cụ nói giọng hết sức nghiêm trang: "Chú phải nhớ ngày mồng hai tháng chín sắp tới sẽ là một ngày lịch sử. Ðó là ngày khép lại cuộc cách mạng tháng Tám, và ngày khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa".
"Ông Ðang ơi! Ông Ðang!.." Tiếng con nít gọi nheo nhéo ngoài cửa, ngắt ngang câu chuyện của anh. Tôi nhìn ra thấy hai chú bé trạc 9, 10 tuổi, mỗi chú cầm một cành tre, đầu cành tre thống thượt một con rắn nước mình nhỏ bằng chuôi dao, đầu bị đập dập còn rỉ máu tươi.
"Ông có đổi rắn nước không ạ?" Anh Ðang bỏ bát đủ bước ra cửa, xem xét cẩn thận hai con rắn nước rồi hỏi: "Các cháu định đổi như thế nào nào?", "Ông cho cháu mỗi con hai cái vỏ bao ba số", "Các chú đừng có giở thói bắt chẹt! Giọng nói và dáng bộ của anh đã chuyển sang giọng của dịch vụ đổi chác mỗi con rắn này chỉ trị giá bằng hai con cóc. Nhưng thôi thì ông đành chịu thiệt vậy, mỗi con một vỏ bao ba số, các chú có chịu đổi thì đổi, không đổi thì thôi!" Hai chú ngần ngừ một lát rồi nói: "Chúng cháu đổi ạ!" Anh quay trở vào mở khóa tủ, chọn lấy ra hai cái vỏ bao 3 số, đưa cho mỗi đứa một cái, và cầm lấy hai con rắn. Hai chú bé cũng xem xét lại cái vỏ bao cẩn thận không kém ông Ðang xem xét hai con rắn. Một chú nói: "Ông đổi cho cháu cái vỏ bao khác, cái này bên trong không có tờ giấy vàng". Anh cầm vỏ bao xem lại, cười: "Ðược, ông sẽ đổi cho vỏ bao khác. Sau này chú mà làm cán bộ thu mua thì nhà nước sẽ không phải chịu thua thiệt".
Anh cầm hai con rắng bỏ vào cái rổ con ở góc nhà, mặt tươi hẳn lên, như nguời buôn bán vừa được món hời: "Thịt rắn còn bổ hơn thịt cóc. Tối nay tôi sẽ đãi chú món rắn om riềng mẻ. Ăn vào chú sẽ thấy tăng lực gấp bội, có thể đạp xe một mạch lên đến bến phà Tân Ðệ..."
Tôi ở lại chơi với anh Ðang ba ngày, thuê một anh phó nháy ở xã trên xuống chụp mấy
"pô" làm kỷ niệm. Bữa cơm tiễn tôi, anh có vẻ buồn. Vừa dùng đủ tem tém mấy khúc rắn om mặn chát nổi muối trong đĩa, anh vừa nói: "Hiện tôi đang cố gắng hoàn thành thiên hồi ký thuật lại tất cả những gì có liên quan đến thế sự, kể từ khi tôi bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng gần đây...Trong hồi ký tôi sẽ đề cập đến những sự việc mà từ trước đến nay tôi chưa hề tiết lộ với ai. Ví dụ như bản thảo bản tuyên ngôn độc lập cụ Hồ viết... còn hay mất, nếu còn thì bây giờ đang ở đâu. Hoặc cụ định sửa hai câu trong bản tuyên ngôn nhưng không kịp vì bản chính đã đưa đi in mất rồi. Là trưởng ban tổ chức ngày lễ, tôi phải phụ trách việc in ấn những tài liệu có liên quan đến vận mệnh đất nước này...Như chú biết đấy, hiện nay trong bảo tàng Hồ chí Minh cũng như bảo tàng Lịch Sử không có bản thảo tuyên ngôn độc lập...tôi sợ sẽ làm không kịp mất, gần tám chục tuổi đầu rồi còn gì, mà lại không có điều kiện làm việc, ban đêm coi như chịu chết, đèn đóm tù mù, đúng là đóm thật..."
Anh im lặng một lúc lâu, rồi ngẫng lên nhìn tôi, nói tiếp: "Chú có biết điều lo lắng nhất hiện nay của tôi là gì không? Không đợi tôi đoán, anh nói luôn, tôi lo nhất là không biết chết ở đâu. Lúc sống thì tôi ở nhờ nhà ai chẳng được, ở đây cũng như ở trên Hà Nội. Nhưng lúc chết thì người thân mấy cũng làm phiền người ta. Có ai muốn một người không phải ruột rà máu mủ lại nằm chất trong nhà mình? Ngay cả cái chái bếp này cũng vậy, tôi nằm chết sẽ làm phiền nhà trường, các thầy cô giáo, các cháu học sinh. Bởi vậy hai năm nay tôi không muốn lên Hà Nội. Ở đây, tại quê hương bản quán, tôi đã chọn sẵn chỗ để nằm chết...Chú ra đây tôi chỉ cho, đứng ở đây cũng nhìn thấy..."
Tôi theo anh ra đứng trên cái trụ xi măng cầu ao cá. Gió mùa Đông-Bắc lạnh thấu xương thổi rốc vào mặt hai anh em. Anh chỉ tay về phía một bụi tre gần cuối xóm, đơn độc giữa cánh
đồng, ngọn tre đang vật vã trong gió buốt: "Ðấy, dưới chân bụi tre ấy có một chỗ trũng như bằng phẳng, phủ đầy lá tre rụng, rất vừa người tôi...tôi sẽ nằm ở đó, chết để khỏi phải phiền ai...tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó trước khi nhắm mắt xuôi tay..."
Trở vào nhà, cả người tôi nổi gai, ớn lạnh, chắc là vì bị cảm lạnh. Tôi dốc hết rượu ra bát
uống ực một hơi chống lạnh. Rượu vào lời ra. Tôi cất tiếng ngâm mấy câu thơ của Phùng Cung gởi về tặng anh:
Mặt ra giông chớp
Rạc mái phong lưu
Gót nhọc men về thung cũ
Quỳ dưới chân quê
Trăm sự cúi đầu
Xin quê rộng lương
Chút thổ phồn bò xéo cuối thôn.
(12-1992) Phùng Quán.
Tài liệu nầy rút trong bài của Phùng Quán đang trên tập san Thế kỳ XXI: "Những ngày cuối năm đến thăm người dựng lễ đài Tuyên Ngôn Ðộc Lập mồng 2.9.1945" từ trang 282 trở đi đến cuối bài, chép nguyên văn.
Chiếc xe Volga màu cà phê sữa mới toanh đổ trước cổng Bệnh Viện Việt-Xô Hữu Nghị. Anh cần vụ bước xuống và chạy nhanh đến chòi canh nói gì mấy câu rồi chiếc cây ngáng cổng
bật lên. Chiếc xe lăn thẳng vào khoảng sân hẹp phía Bệnh Viện Ðồn Thủy rồi đổ lại trước một dãy nhà giành cho bệnh nhân đặc biệt. Có nhiều bệnh nhân ngồi chơi hoặc phơi nắng dưới những tàng cây trố mắt nhìn: Lại một ông kẹ vào Bệnh Viện.
Nhưng không phải, ông kẹ nầy là Sáu Lừa đi vào thăm vợ đẻ. Bà vợ rất khó tính. Ðến giờ đó mà không có mặt ông chồng thì bà ta nổi trận lôi đình. Cho nên dù bận việc gì hệ trọng lắm Sáu Lừa cũng phải vào thăm vợ thăm con.
Bà Sáu Lừa có một cái lý lịch rất cơ bản nghĩa là thành phần ở đợ cho địa chủ nhưng nhờ một sự may mắn như phép tiên nên cô bé Lọ Lem trở nên bà lớn, lớn thật chứ không phải lớn mà nhỏ.
Số là vào khoảng 1956 Ðức ông Sáu Lừa từ ngoài Việt Bắc được lệnh trên sai vào lãnh đạo Miền Nam chiến đấu chống Pháp. Ông Sáu vào Nam với quyền hạn mênh mông vô tận nói không cùng, có nói ở đây cũng không đủ sức khỏe mà noí hết. Nên chỉ nói cái phần cụ Sáu kiếm vợ thôi. Ở ngoài đó vào, ông nào cũng có một bà răng đen làm "vàng bảo chứng trong nhà băng" cả rồi. Nhưng vào đây thấy đất Nam Kỳ dễ sống, dân Nam Kỳ cần sự khai hoá mở mang, đàn bà con gái Nam Kỳ lại dễ dãi tính ngưỡng cán bộ trung ương hơn cả tín đồ tín ngưỡng Giáo Chủ vì thế ông nào cũng "con vòng còn cỡi" đi trên đồng cỏ thênh thang, danh chánh ngôn thuận 100 phần dầu.
Me-xừ Sáu Lừa bám chặt Ba Ung Văn Khiêm để làm cách mạng. Ba Ung và Sáu Lừa tỏ ra rất tâm giao. Một chiều trên Rạch Bà Ðặng, hai bên đậu ghe chèo kề bên nhau để bàn luận công tác. Bà Ba Ung nấu cơm ở sau lái ghe. Trên bờ có đám cháu gái đang nhảy cò cò trên một mảnh đất sạch sẽ. Cánh dế non và đùi gà giò được lọt vào mắt bác Sáu. Trong đó có con bé Anna đang học ở Sài Gòn về nghỉ hè ở Khu Giải Phóng với bố mẹ. Bác ta liền rà rê đến bờ lại ghe, thủ thỉ:
- Tôi kêu chị bằng gì chị Ba?
- Thì anh Sáu vẫn kêu tôi như từ trước tới giờ. Anh hỏi gì lạ vậy?
- Hề..hề..
Bốp! Sẵn đôi đũa bếp sới cơm trong tay, bà Ba Ung tặng cho Sáu Lừa một phát khá fortissimo. Sáu Lừa bị bất ngờ không tránh né kịp, nhưng cũng không dám phiền hà chi hết. Ba
Ung biết ý Sáu Lừa nó thấy con bé Anna nên muốn trổ mòi. Trổ gì kỳ vậy. Cả con bé cũng bất mãn khi nghe má nó nói nhỏ với ba nó cho nên sáng bữa sau nó đòi về thành, không nghỉ Hè nữa. Sáu Lừa thất vọng vì đôi đũa bếp nhưng không tuyệt vọng. Còn Ba Ung để hàn gắn vết thương ấy phải ra sức tìm "phương thuốc" chữa bệnh cho anh Sáu.
Kịp lúc ấy có hội nghị tỉnh ủy Bạc Liêu để anh Sáu đến thay mặt trung ương ban huấn từ. Ðịa điểm hội nghị là nhà ông hội đồng chí. Ông Hội Đồng là bạn điền chủ với ông Huỳnh Thiên Lộc đại địa chủ ở Bạc Liêu có lúc làm Bộ Trưởng Bộ Canh Nông trong chánh phủ Bắc Kỳ. Ông Hội Đồng lại có người con là tỉnh ủy viên thường vụ. Ông có thằng cháu nội bạn học của tôi (Xuân Vũ). Do đó tôi mới biết chuyện này mà viết ra đây, cũng là lần thứ mấy (?) tôi đã ghi ra rồi. Nay thêm một lần nữa thấy nó cũng còn mới nguyên.
Người con trai của ông Hội Đồng, tức là bố của thằng bạn tôi, là mục tiêu chính trong hội nghị này. Ông Sáu Lừa sẽ nêu ra tiêu chuẩn vô sản hóa tỉnh ủy tức là cho ông địa chủ tỉnh ủy này ra rìa hoặc nói theo cách mạng thì bấy giờ là đưa ông tỉnh ủy viên thành phần địa chủ này ra khỏi tỉnh ủy Bạc Liêu.
Nhưng...
Ông Sáu Lừa hội đàm riêng với ông đồng chí địa chủ náy cái kiểu gì không rõ mà ông Hội Đồng lại phải cắp dù đi Sài Gòn rước cô con gái thứ tám tức là em út của ông tỉnh ủy viên về nhà cấp tốc để tính việc hôn nhân.
Bạn đọc thân mến, chuyện dài lắm, nếu viết ra cả chuyện thì đọc rất mệt. Ðại khái là cô bé
Tám phải bỏ học về nhà lấy chồng, người chồng đó là Bác Sáu nó do Bác Ba Ung làm mối.
"Lấy ông ấy đi! Mày có phước lớn làm vợ quan toàn quyền cách mạng. Nhưng..Lại cũng
"Nhưng"...
Cô Tám không ưng bèn uống thuốc ngủ tự tử. Bà cô cấp tốc chở ra thành cứu sống nhưng bảo là con nhỏ chết rồi...Ông tỉnh ủy viên phải đưa con nhỏ ở ra thay vào lấp chỗ trống, nghĩa là con tỉ tất Kim Liên thay Nguyệt Nga làm hoàng hậu nước Phiên. Không biết vua Phiên có biết hay không mà vẫn động phòng hoa chúc tưng bừng....
Và con tỉ tất Kim Liên cũng có bầu, rồi sanh con, ở Bệnh Viện Việt-Xô. Vua Phiên phải đi thăm đúng giờ đúng ngày. Nếu trễ sẽ bị hoàng hậu xỉ vả.
Cả vua lẫn hoàng hậu đều rất ư là hạnh phúc. Ông vua đầu bạc mà quơ được "con gái" địa chủ Nam Kỳ, ai bằng? Còn đứa ở đợ được làm hoàng hậu đi ghe 4 chèo và bây giờ đi xe Volga nằm Bệnh Viện Việt-Xô giành cho các ông lớn, ai bằng? Cho nên cả hai đều lấy làm tự đắc về cuộc đời cách mạng của mình.
Hôm nay bác Sáu vô phòng thăm bác gái trên thuận dưới hòa. Bác trai không bị bác gái mè nheo còn tỏ vẻ âu yếm gọi bác trai bằng "bố nó" theo tiếng người Bắc mà bác gái vừa học tập được sau khi tập kết ra Hà Nội.
Bác trai sướng tê người nên tỏ vẻ săn sóc "cô vợ trẻ" bèn mở tủ áo để tom góp đem về nhà giặt là và gởi vô vì Bệnh Viện chỉ giặt chớ không là (ủi). Cái tủ đứng cao bằng ngưòi, chỉ bệnh nhân đặc biệt mới có trong phòng, còn cao cấp mà không đặc biệt thì không có tủ cao như thế mà chỉ có tủ con thôi.
Bác Sáu mở tủ "cao" ra. Chẳng ngờ quơ tay ôm quần áo lại đụng nhằm một chất cứng. Thôi thì nói quách cho xong. Ðó là thằng cố nhân của con bé Lài, thằng Liền, hai đứa ở đợ cho ông Hội Đồng và định sẽ làm đám cưới. Chẳng ngờ con Lài lại được "vinh thăng" bất ngờ. Ông Hội Đồng cũng biết điều nên tặng cho gia đình thằng Liền vài công đất (có là bao với điền chủ Bạc Liêu) để giàn xếp cho yên chuyện, hầu giữ chân tỉnh ủy cho con trai mình. Quả thật vậy, hội
nghị kỳ đó, ông tỉnh ủy viên thành phần địa chủ không bị tống ra mà còn được nâng lên một cấp: Phó bí thư tỉnh ủy.
Trở lại cái tủ quần áo. Anh chàng đứng trong đó tên là Liền. Thằng Liền khi thôi ở đợ cho ông Hội Đồng cũng được thong thả nên tham gia du kích. Khi có lệnh tập kết thì Liền cũng được đi ra Bắc với danh hiệu địa phương quân như ai. Khi ra miền Bắc thì mặc áo lính nghĩa là chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam hẳn hoi.
(Tôi biết khúc đuôi "Hậu Vân Tiên" này là nhờ hai nguồn tin. Một là ông Thầy cũ của tôi là ông HNP, bí thư Thùng thư Dân Nguyện của cụ Diệm. Ông đi kháng chiến miền Tây và là bạn của ông tỉnh ủy viên địa chủ kể trên. Chả là ông thầy của tôi cũng là dân đại địa chủ ở Vĩnh Long sớm giác ngộ thiên đàng vô sản từ 1945. Khi tôi về Sài Gòn, tìm đến thăm ông, ông có hỏi:
- Ra ngoài đó có gặp thằng Cung không? (tức là ông tỉnh ủy viên, bạn của ông) Tôi nói có gặp, ổng hỏi tiếp:
- Ra đó nó làm gì?
Tôi nói tôi không biết, ông nói: "Nó làm anh vợ của Sáu Lừa chớ làm gì mà mày không biết!" Rồi ông kể cho tôi nghe thêm về vụ "Nguyệt Nga cống Hồ", nhưng ông không biết vụ Kim Liên làm hoàng hậu Phiên Quốc..."
Xin trở lại cái tủ quần áo. Thằng Liền "dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng" nên tìm đến cố nhân ở Bệnh Viện Việt-Xô, bị bất cập nên chun vô tủ áo. Cái đoạn hai bên bắt liên lạc với nhau tôi không biết, chỉ biết vụ cái tủ áo ly kỳ là do thằng bạn cùng quê làm Bác Sĩ gây mê trong Bệnh Viện này. Chuyện này giữ kín lắm nhưng mà càng kín thì càng hở. Tuy nó không tô hô như vụ mụ bán cá ở Chợ Triệu Phong đã cả gan chận cửa vợ bé của Ðức Vua Cỏ mặt đỏ họ Lê làm vở lở cả Hà Nội, rồi sau tiếp diễn tập II làm náo động Hải Phòng.
Tuy vậy cả Bệnh Viện Việt Xô biết, thằng bạn tôi cố nhiên cũng biết. Thì sao tôi không biết. Nó còn kể cho tôi nghe nhiều chi tiết nữa cơ. Nó bảo là con Lài dọa: "nếu mày kêu an ninh Bệnh Viện lên biên bản thì tao sẽ bịt mũi con "mày" chết. Nó không phải con của mày.. (Mất 2 câu vì photocopy in chồng lên) Ðể trọn tình thầy trò ơn đền nghĩa trả, sau buổi thăm vợ đẻ đó, anh Sáu về văn phòng liền làm một cái công văn sắc chỉ cho bên quân đội đặc cách cho thằng đồng chí Hạ Sĩ tình địch Liền lên Trung Úy và cho vượt Trường Sơn để giải phóng miền Nam.
Nhận được quyết định thăng cấp bất ngờ nầy, cậu Hạ Sĩ mới vừa cởi áo du kích, không biết có ngạc nhiên không? Có lẽ Liền ta nghĩ rằng mình lên chức là vì thành phần bần cố và thành tích cách mạng chứ không phải vì việc gì khác. Có lẽ trong toàn quân không có vị Hạ Sĩ quan nào vọt một phát 4 cấp như vậy. Ở đời mà cậu Liền! Cái gì hơn tình và tiền! (Mất một đoạn vì photocopy in chồng lên)
Khi trở về Sài Gòn tôi có ý tìm nó, nghe những thằng cùng lứa đi Kháng Chiến năm xưa
bảo bây giờ nó lãng mạn lắm. Nó uống rượu và nhảy đầm một cây. Nhưng tôi không có gặp lại nó. Ông chú nó có đi tập kết về R có gọi nó ra bảo nó nghỉ "cái nghề viết thuê và giết thuê" đi! Nó bèn cự lại: Chú làm tuyên truyền cho việt cộng mà không hiểu dân Sài Gòn. Ai giết thuê và ai viết thuê, xin chú nói rõ cho cháu nghe! Ông chú đem bài thơ Nguyễn văn Trổi có câu thơ đó đọc cho nó nghe, nó cười bảo:
- Trổi té đái khi bị tòa kêu án tử hình mà là anh hùng của chú sao? 3
--------------------------------
1 Kiến Trúc Sư Ngô huy Quỳnh có thời làm thứ trưởng bộ xây dựng.
2 Họa Sĩ Lê Văn Ðệ có lần sang La Mã được Giáo Hoàng Pie XII giao cho trang hoàng Điện Vatican. Người thuộc xã Tân Thành Bình, Quận Mõ Cày, Tỉnh Bến Tre miền Nam.
3 Chuyện Nguyễn văn Trổi đái trong quần do Luật Sư Nguyễn Căn Chí biện hộ viên cho Trổi kể lại (mất câu cuối.)
Tôm Hùm Huýt Sáo Tôm Hùm Huýt Sáo - Xuân Vũ Tôm Hùm Huýt Sáo