To sit alone in the lamplight with a book spread out before you, and hold intimate converse with men of unseen generations - such is a pleasure beyond compare.

Kenko Yoshida

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1459 / 21
Cập nhật: 2015-07-18 12:57:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24
à Ba Sao đang ngồi ở phòng khách. Ðịnh đi. Sáng nào cũng vậy bà phải đi như nhân viên cán bộ đến sở làm. Nhưng bà có cái sở nào đâu. Khi thì nó là văn phòng của Ðốc Rằn, lúc thì nơi Trung Tâm Chỉnh Hình của Họa Sĩ Ngọc Sơn, lúc thì tại gia. Sáng nay bà Ba phân vân chưa quyết định đi đâu thì từ bên ngoài có một người đi vào,hai bên có người đi kèm đều là nữ. Bà Ba nhìn ra thấy anh ta có vẻ sang trọng thì nghĩ bụng đấy là một anh cán bộ tham nhũng buôn lậu gì đây, sắp ra tòa lãnh án nên đến đây tìm "thuốc".
Thời buổi này người ta chạy "thuốc" như chạy giặc. Kẻ thầy này, người thầy khác. Nhưng tất cả thuốc cao đơn hoàn tán đều có chung một nhãn hiệu là hình bác, ngó nghiêng hay ngó thẳng gì cũng đều tốt, in trên nền nâu nâu xám xám. Còn thầy thì có khi là phái nữ, có khi lại là phái nam mang một tên chung không có cầu chứng, đó là hạm (cái) hay hạm (đực).
Bà Ba trở thành thầy thuốc trị bá chứng không biết từ lúc nào, nhưng bà bắt đầu nổi danh từ khi "cứu" được bệnh nhân Ngọc Sơn kỳ II. Rồi từ đó bệnh gì người ta cũng nhờ đến tay "bà thầy" thì chắc lành.
Bà mát tay hốt nhẹ 50-70 tê coi như nóng lạnh nhức đầu. Tỷ sắp lên kia mới là trọng bệnh. Một tiếng nói của bà giá đáng ngàn vàng. Vợ ông chánh án là bạn tâm giao của bà và là người chịu ơn của bà. Cho nên bà chánh án luôn luôn tìm cách trả ơn, ngoài ơn nghĩa trả xong rồi còn lợi lộc. Trên đời này có tội nhân nào khỏi lọt qua cửa tòa. Vì thế bà Ba có bàn tay trăm ngón, ngón nào cũng móc ra tiền. Ðó là điều chính yếu.
Người khách từ bên ngoài bước vào cúi chào lễ phép. Bà Ba nhìn ra gương mặt quen
quen, hao hao giống cụ Oa sinh tơn hết xẩy. Nghĩa là tóc dài phủ gáy cong tớn lên như tóc đàn bà
phi dê.
Người Việt Nam bây giờ tinh thần quốc tế cao vút mây xanh. Chủ Tịch nước mình không yêu bằng Tổng Thống nước khác. Bà Ba bây giờ nhìn ai sao cũng giống cụ Oa.
- Con kính chào má! Người đàn ông cất tiếng lãnh lót rõ ràng không run không vấp.
- Ông là ai? Có việc gì? Ngày nào ra tòa? Tòa có thông báo trước áng chừng anh nằm ấp bao lâu, phạt vạ bao nhiêu không? Giọng bà Ba chân tình và nhiệt huyết lia một tràng xã giao.
- Dạ không ạ! Con không phải là tội phạm, không là tội phạm đã đang và sắp ra tòa.
Giọng bà Ba đổi "âm sắc" ngay:
- Thế thì anh đến đây có việc gì? Tôi cần đi ngay bây giờ, không tiện tiếp.
- Con về thăm ba má ạ.
- Ủa, mày hả Tuấn? Giọng bà Ba lại đổi ra âm hưởng yêu thương. Con về đó hả Tuấn!
- Dạ, con đây má!
- Vậy mà má tưởng là ai. Má có chiêm bao không con?
- Dạ không. Con là thằng Tuấn bằng xương bằng thịt thiệt.
Người đàn ông vào ngồi lên sô pha và bảo hai người đi với mình:
- Má anh đấy! Hai em ngồi đi! Rồi quay sang bà Ba. Cô kia là vợ con, con mới cưới đêm
qua, còn cô nọ là ý trung nhân của con đấy má.
Bà Ba ngẩn ngơ, nhìn hai cô gái sắc miễu hương chùa, không hiểu ra sao cả.
- Con nói tiếng Việt Nam hay tiếng gì khác mà má nghe không hiểu.
- Dạ cô mặc áo hồng là Minh Ánh vợ của con, còn cô mặc áo xanh là ý trung nhân của con tên là Lý Phượng Tiên đó má! Hai nàng tao ngộ với con đêm qua ở Ðêm Màu Hồng. Cả hai đều yêu con và đang tranh ngôi hoàng hậu nhưng không cô nào nhượng bộ cô nào nên con đem cả hai về đây cho má phân xử. Dạ con thấy đoàn thể của con toàn là nói phét. Gặp tiệc thì xung phong, nhưng gặp khó khăn thì xung phong ngược lại. Toàn là một lũ vô tích sự để dùng làm cảnh thôi, vì thế con phải dùng quyền lực mẫu tử.
Bà Ba đã không tin ở mắt, bây giờ lại không tin ở tai mình. Bà nói:
- Má đâu có quyền gì dữ vậy con. Trước kia con cưới con ông Đại Tướng nào đó, con đâu có để má làm chủ hôn mà nay con quan trọng hóa má vậy?
Tuấn nói:
- Dạ con vợ trước của con là con gái của ông Đại Tướng thiệt đó má. Sở dĩ nó yêu con là nó muốn tựa vào quyền lực của má để trả thù cho bố nó, nhưng nó thấy má cũng như những bà Ba Sao, Bốn Sao khác nên nó thất vọng, bây giờ nó móc ngoặc với đám xê-ô-xê-xê (COCC) Nam Kỳ để rửa phụ thù.
- Xê-Ô-Xê-Xê là cái gì?
- Dạ là con ông cháu cha đó má! Nó bỏ con để đi theo bọn Oải Nam Kỳ ra dự đại hội đảng kỳ này. Sở dĩ nó theo bọn Nam Kỳ không phải nó yêu thương gì bọn ấy mà vì nó nghĩ rằng dân Nam Kỳ có mối thù truyền kiếp với dân Bắc Kỳ ta. Thù nhà nợ nước trả xong cùng một lúc. Chừng đó:
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà đẹp hơn mười rằm xưa
Đó má!. Nghĩa là sai khi phụ thù đã trả xong thì Ngọc Toàn sẽ trở lại với con.
- Mày muốn chết sớm hay sao mà có ba vợ?
- Dạ không sao đâu má! Các chú các bác vợ lẽ vợ chẵn thiếu chi, còn quán trọ bên đường các chú các bác không đếm xuể mà có sao đâu! Hơn nữa, còn có ủy ban bảo vệ sức khỏe trung ương chi má!
- Người ta là trung ương thì mới được ủy ban phục vụ, chớ mày là cái gì?
- Dạ con sẽ vô trung ương kỳ này chắc như bắp đó má! Vì các Oải Nam Trung Bắc đều bầu cử sơ bộ, con được 99,99% tổng số phiếu. Thiếu 1 phiếu nữa đầy 100%. Người không bỏ cho
con chính là người yêu của con đó má!
- Ủa,sao kỳ vậy?
- Ðâu có gì kỳ đâu má. Bác Mao trạch Ðông có dạy rằng "người yêu của ta chính là kẻ thù của ta. Kẻ thù của ta chính là người yêu của ta" vậy!
Bà Ba lắc đầu:
- Con bị hỏng thần kinh rồi. Từ rày đừng đi nhót nữa.
Hai nàng kiều nữ nãy giờ ngồi nghe và quan sát "bà mẹ chồng". Nàng Minh Ánh bỗng trề môi nói với Tuấn:
- Tôi thấy gia đình anh còn nặng mùi phong kiến quá! Chắc tôi khó sống ở đây.
- Lý do làm sao? Tuấn hỏi.
- Ngày nay các nước văn minh tiền tiến đều xem "hình độc" giải trí như uống nước cam tươi. Còn gia đình anh không nhận cho anh lấy 3 vợ thì quả là cổ hũ. Trong lúc đó trung ương có ông nào có dưới 3 vợ đâu. Trung ương làm gương sáng mà gia đình cao cấp như gia đình anh lại không noi theo. Dân Nam Kỳ xa trung ương có đầu óc ít giáo điều hơn. Vì thế tôi xin tự ý rút lui, không tranh cử nữa, để theo dân Oải Nam Kỳ.
Lý Phượng Tiên hưởng ứng.
- Môi hở răng lạnh. Chị đã đi thì em cũng không ở được. Chị làm gì bảo gì em cũng xin
vâng.
Tuấn đứng bật dậy:
- Hai em đi cả thì làm sao anh giã gạo chày ba? Nếu hai em yêu dân Nam Kỳ thì không
thể bỏ cái truyền thống này mốc meo.
Bà Ba nói:
- Tuấn ơi, ba má có mình con là trai. Bố mày già rồi làm sao má đẻ được nữa. Con phải có cháu cho bố bồng chứ. Con không thương bố mẹ sao? Má nghe chú Tư thuật lại ở đằng đó, con làm vua, về nhà má không ngủ được. Bố mẹ vô phước quá! Hu..hu
- Con làm vua, má làm thái hậu mà má không vừa bụng hay sao?
- Vua gì chứ vua Ðêm Màu Hồng má không ham con ơi!
- Áo hồng thì má ham, còn cái gì khác hồng thì má không ham.
- Em ham xì líp hồng đó anh! Nó tiệp với "đêm màu hồng" Minh Ánh nói chen. Bà Ba dãy đành đạch:
- Con dâu gì vô lễ vậy trời!
- Tôi không phải là con dâu của bà!
- Tuấn! Mày thấy chưa? Vợ của mày mà không phải con dâu tao thì là cái gì?
- Cái gì thì cái, tôi không phải con dâu của má, ủa, của bà!
Rồi hai nàng lại xốc thằng con trai bà lôi đi. Thằng Tuấn quay lại nói:
- Vĩnh biệt má!
- Mày đi đâu?
- Con đi theo tiếng gọi của đảng tiền phong. Ðảng vì dân ta theo đảng tưng tưng tưng! Quyết đấu tranh vững bền.
Bà Ba ngồi nhìn hai đứa con gái mặc quần ngắn, váy mi ni lòi hai cặp ngọc túc bước nhanh ra ngõ, vị hoàng đế chừng như mệt lắm nên đầu ngoẻo qua vai một nàng, chân bước loạng choạng.
Bà phải đi theo chúng nó để bắt con bà lại. Nếu để nó làm vua vài đêm nữa thì bà phải nhặt xác về chôn.
Hai đứa con gái đùn thằng con bà lên xe hơi một cách vất vả. Minh Ánh nói:
- Mình tưởng Yamaha này sẵn bạc, chẳng ngờ lại keo thế! Phượng Tiên nói:
- Yên trí, ta tìm mấy con nai chà dụ khị đi Liên Xô ngồi cốt, đục gân mấy hồi!
Xe rồ máy chạy vút đi. Bà Ba chợt nhớ ra rằng chạy bộ không nhanh bằng xe hơi. Bà quay vào định sẽ lái xe đuổi theo, nhưng lại đụng đầu một người khách.
- Ông chạy thuốc gì, cho ai? Bà gắt.
- Chúng nó gọi tôi là Yamaha là con hạm già! Bà đấm ngực thùm thụp và kêu lên:
- Tôi có hạm gì đâu. Tôi chỉ ham công tác cách mệnh.
- Dạ xin lỗi bà, tôi không chạy thuốc ạ.
- Không chạy thuốc sao vô nhà thầy thuốc?
- Dạ con tìm xem thầy thuốc có cần thuốc gì thêm thì con giúp ạ!
Bà Ba trông ông khách này cũng hao hao giống cụ Oa. Gớm sao cái cụ Oa này lắm con nhiều cháu thế? Có khi cả dân tộc này là con cháu của cụ cũng nên. Nhưng khi nghe người kia ngỏ ý giúp mình thì bà hỏi:
- Ngài muốn giúp tôi với lương tâm nhà nghề lương y từ mẫu hay lại phản trắc như đồng minh chơi xỏ thằng Sài Gòn năm xưa?
- Dạ không ạ. Trong chính trị thì có lắm ngón bịp nhưng trong nghề y thì chỉ chữa bệnh cứu người!
Bà Ba thấm ý, bằng con mắt nhà nghề bà nhận ra chân tướng người khách: Một lương y!
- Má không nhớ con hay sao? Vị lương y hỏi.
Bà Ba nghĩ thầm: Mình có thằng con trai vừa đi đó, còn thằng nào nữa đây? Nghĩ vậy bà
hỏi:
- Ông là ai?
- Dạ con là chồng cô Xuân đây, má quên rồi sao?
- Cô Xuân nào, tôi đâu có đứa con gái nào tên Xuân?
- Má có 3 người con. Em Xuân là con gái lớn phải không?
Ðã lâu rồi, trong tâm trí bà hình dáng tên tuổi của cô Xuân rất mờ nhạt. Có ai nhắc tới nó
đâu. Có nhắc trước mặt bà thì cực chẳng đã bà phải nghe. Cho nên hôm nay bà hơi ngỡ ngàng. Nhưng mà bà không thể nào cắt đứt sợi tóc của ba được, dù nó quá nhỏ, nhưng cứa ngang thì vẫn thấy đau tới tim.
Bà hỏi:
- Ông là ai mà biết tôi rành vậy?
- Trời đất, con rể của má mà má quên rồi!
Bà Ba mới bừng nhớ ra. A, thằng "Bác Sĩ về nguồn!" Lâu quá không ai nhắc tới nó. Người kia không để cho bà già có thì giờ oán trách, nói ngay:
- Con về đây là để tính chuyện mở phòng mạch chính thức đó má! Vợ con của con từ nay không phải vất vả nữa. Chắc ba má tưởng con quất ngựa chuối chạy mất tiêu rồi hả?
Rồi ông Bác Sĩ về nguồn nói tiếp:
- Con xin nói tóm tắt công việc của con như sau. Ðây là việc khó khăn nhưng giúp ích cho đời rất nhiều và mang lại lợi lộc rất lớn. Ðàn ông con làm thành đàn bà. Ðàn bà con làm thành đàn ông được. Ðàn bà không có thai, hoặc muộn màng, con làm cho mang thai được. Ðây là những phát minh khoa học rất có ý nghĩa của nhân loại. Cho nên sau khi tốt nghiệp, con học tiếp hai môn này mất hết 4 năm. Con cũng xin thưa để má rõ là tại sao con không nói cho vợ con và thưa qua ba má biết. Là vì cái môn học này nhiều người không thích. Con sợ nói ra sẽ bị vợ con phản đối và ba má ngăn cản. Thôi thà để âm thầm học cho thành nghề rồi sẽ tuyên bố, cũng như xưa kia Tôn Tẩn lên núi tầm sư học đạo đâu có cho cha mẹ anh em biết. Ðến khi thành tài rồi hạ san giúp nước Tề, nước Yên thì dòng họ và dân chúng mới hay. Bản tính con không thích huênh hoang mà chỉ làm thôi. Nói rồi lỡ không làm được thì ê mặt lắm. Nay con đã nắm được kỹ thuật
khoa học trong tay rồi, nhưng con cũng chỉ nói trong vòng hạn chế. Trước nhất nếu má có người bạn nào cần đến bàn tay và khối óc của con và nếu má tin tưởng ở tài ba của thằng rể của má thì má cứ giới thiệu con. Con sẽ không làm hổ danh khoa học nước Mỹ và lem luốc danh dự gia đình mình.
Bà Ba ngồi lặng thinh không trả lời nhưng cũng không nghe trọn vẹn những lời ông Bác
Sĩ nói. Bà có cảm tưởng bà đang đứng trước một cảnh vật lạ lùng làm trí óc bà rối loạn không thu nhận được như nghe truyện thần tiên, ly kỳ hấp dẫn hồi còn bé. Bà cố sức hiểu cho được.
Còn ông "Bác Sĩ" thì cứ thao thao bất tuyệt, không có kẻ hở cho bà mẹ vợ chen vào hỏi
gì hết.
- Khoa học ngày nay đã có những thứ linh đơn linh dược linh thiêng lắm má à. Con nhờ tị
nạn ở một xứ tuyệt đỉnh văn minh nên đã hấp…hấp thụ được những điều kỳ...kỳ diệu. Má có thể nào tin rằng ở Mỹ có những người con gái có đến 3 vú và có những người đàn ông có 3 tay không? Ðó là do sinh hoạt vật chất và tinh thần quá nhanh nên khoa học phải chạy theo cho kịp để phục vụ con người. Ở bên Mỹ bây giờ người ta đã lo con người không còn đủ đất sống nên đã có những công ty đầu tư trên mặt trăng và những công ty chuyên môn mai táng người trong không gian để giành đất trống cho người sống.
- Nghĩa là sao? Bà Ba bắt đầu tỉnh lại và mò lần theo đường dây khoa học của ông Bác
Sĩ.
Ông tiếp:
- Muốn hiểu khoa học hiện nay, con xin lỗi má, phải có sự hiểu biết khoa học cơ bản.
Ngày xưa thuyết nhà Phật bảo là mặt đất bằng phẳng và có hình vuông, nhưng ngày nay trẻ con lớp 3 cũng biết trái đất như quả cam. Ngày nay ở Mỹ người ta đã làm được trái tim thay cho tim người. Dạ trái tim bằng cao su và thép đó má ạ!
- Trời đất ơi! Tim bằng thép thì còn biết yêu ghét được sao?
- Dạ con người tim thép vẫn sống vẫn ăn uống yêu thương vợ con như người thường đó
má.
- Tao không tin. Mỹ hay bịa chuyện lạ trên trời lên trăng để gạt người lắm!
- Dạ. Ðó là chuyện khó tin nhưng có thật. Chẳng những tim bằng cao su và thép mà
nguyên cả con người cũng bằng máy nữa đó má à. Hiện nay có những nơi người ta dùng người máy xét giấy vào cửa và tiếp khách ở những nơi công cộng. Vì dùng người máy ít tốn tiền hơn thuê người thật. Người ta làm đám cưới, hỏi vợ trong vòng 15-20 phút, người bên Ý vẫn lấy chồng bên Mỹ dễ dàng không phải tốn tiền xe tiền đò.
- Trời đất ơi! Sao kỳ cục vậy được.
- Dạ, bằng vô tuyến truyền hình mình gọi là Tivi và bằng internet mình gọi là mạng lưới đó má. Từ đó mới sinh ra nhiều vấn đề khoa học khác như thụ thai, dần dần sẽ giải quyết được hết. Như vấn đề đàn bà có 3 vú, đàn ông có 3 tay hiện nay đã bắt đầu thực hiện.
- Tại sao người ta muốn mình quái gở như thế. Con gái gì mà ba vú. Hai cái đã bít ngực rồi, cái thứ ba không lẽ mọc sau lưng? Còn ngươi ba tay. Tay thứ ba để làm gì? Hổng lẽ nó phải kiếm vợ ba vú à? Người ta đồn có con dã nhơn nửa người nửa vượn, ùn ùn kéo đi coi, có quái gì đâu. Rồi tới con heo hai đầu, lại mắc điếm một keo nữa. Tao hết tin rồi. Thằng Mỹ là chúa xạo. Ai tin nó thì đổ thóc giống ra mà ăn! Không thấy nó lừa thằng Diệm thằng Thiệu đó hay sao? Nó giỏi sao nó không lên mặt trăng trước Liên Xô đi.
- Dạ đó là chuyện đang nghiên cứu. Một bà nọ, nếu con nhớ không lầm thì đó là một minh tinh điện ảnh loại nhất nhì thế giới. Và ấy đang thuê Bác Sĩ sau khi bà ấy chết thì thay cái đầu cho bà để bà được sống tiếp mà hưởng cho hết của cải của bả làm ra đó má!
- Trời đất ơi! Bà Ba kêu lên: Tụi Mỹ sống kỳ cục mà chết cũng kỳ cục. Ai đời, người ta đánh cho bể mặt bữa trước, bữa sau quay lại bắt tay ôm hôn tặng tiền tặng bạc.
Ông "Bác Sĩ" phải vận dụng hết trí óc ra để giải thích cho bà nhạc mẫu nghe những vấn đề khoa học như giáo sư đại học giảng bài cho trẻ vở lòng.
- Má ơi, thế giới này đang biến chuyển lạ lùng, không phải từ từ tốn tốn nhưng người đi bộ với đôi dép cao su đâu mà bằng đôi hài nghìn dặm. Cho nên mình phải bắt đầu thay đổi tận gốc, từ chiếc xe ba gác, cái cày chìa vôi trở đi. Những cái đầu bạc đít chai không nên cầm hết
quyền lực. Con hoan nghênh và kính phục tuổi già cách mạng ngày xưa, nhưng ngày nay là ngày nay, phải sống theo khoa học. Nhà trí thức Ðào Duy Anh đã nói: Lập trường không thay được khoa học. Ðừng lấy lập trường để kềm chế bước tiến của dân tộc.
Ông Bác Sĩ hạ thấp giọng:
- Con về đây là chuyện bất ngờ đối với má và gia đình, ngay cả với vợ con nữa nhưng đây là kế hoạch lâu dài của con. Trước nhất con xin má một điều là đừng xua đuổi con. Ðừng xem con là đứa vô nghì. Ðó là điểm quan trọng nhất. Con ở đây thì má sẽ giàu lên và danh tiếng. Con sẽ nổi lên và làm danh dự cho gia đình ta khó ai bì kịp.
- Mày lại cũng giở giọng năm xưa. Tao đâu còn đứa con gái nào để mày bịp.
- Không phải vậy đâu má. Việc của con làm, nếu chẳng may không thành công thì con sẽ không bao giờ quay lại đây. Nhưng sở dĩ con quay lại là vì con đã thành công.
Bà Ba nghe ban đầu thì chối tai, nhức óc nhưng dần dần thì cũng thấy êm xuôi. Huống chi nội cái việc nó trở về với con gái mình thì ắt có "chuyện gì" cũng nên!
Bà cũng thấy nguôi nguôi. Ông "Bác Sĩ" tìm cách gây cảm tình với bà mẹ vợ. Anh ta
giải thích những lý do tại sao anh ta phải bỏ vợ chưa cưới như thế, không một lá thư gởi về:
- Má à, con sợ thường tình nhi nữ bận bịu níu kéo rồi con sinh ra mềm lòng nhụt chí. Sợi tóc có khi buộc chặt chân nam nhi. Trên đời thiếu chi ông Tướng đầu hàng trước sắc đẹp. Má thử đọc lại truyện Thúy Kiều mà xem. Anh chàng Từ Hải có phải là anh hùng xuất chúng không? Thế nhưng bị lời ngon tiếng ngọt của Thúy Kiều mà xuôi tay đầu hàng và chết giữa vòng tên đạn. Họ Từ chết rồi mà ba quân xô không ngã, chỉ một lời than của Thúy Kiều mà té đùng ra. Như thế mới thấy lời nói và cử chỉ của người đàn bà có sức mạnh biết bao! Ðó là người đời xưa. Nhưng đời nào cũng thế. Lời nói và cử chỉ của đàn bà có sức chuyển núi lay thành. Bởi vậy nên mới có cái qui luật bất thành văn ở đâu đó là: Ðừng để cho đàn bà tham gia chính trị. Họ sẽ làm hỏng hết mọi chủ trương...Ở nước ta đã một thời làm được điều đó, nhưng từ thời ông Diệm tới bây giờ thì hỏng cả rồi vì có nhiều phụ nữ đang dựa vào sự quen biết với cấp cao mà thăng quan tiến tước chớ không phải nhờ tài năng. Nhiều bà vợ ông lớn lạm dụng quyền uy của chồng đứng cả trên đầu chồng hoặc bí mật hoặc công khai.
Ông Bác Sĩ giật mình chữa lại ngay:
- Họ giúp cho chồng công tác kết quả!
Bà Ba ngồi nghe êm ru, hết phản đối nữa. Ông Bác Sĩ nói tiếp:
- Con không tính chuyện làm giàu đâu má. Nếu con định làm giàu thì dễ lắm. Chỉ đầu hôm sớm mai thì con không mua kịp tủ để đựng tiền. Nhưng con muốn đem chút ít khả năng ra giúp đời và giúp cho sức khỏe các ổng các bả chia phần tiếp tục lôi kéo dân tộc. Việc nước trước việc nhà, má trình bày kế hoạch của con cho ba con đưa ra đại hội đảng nay mai đi, còn việc con và vợ con thong thả con sẽ giàn xếp. Nếu không êm thuận thì con sẽ nhờ tới ba má. Dù vợ con lìa bỏ con cũng không sao. Miễn con thực hành được ý nguyện của con thì tốt rồi. Con có nhiều chương trình khoa học lắm. Nó sẽ đem lại không biết bao nhiêu là tiền của và uy tín. Những người bị gán cho cái tên hạm thực ra chỉ lượm mót được một số ít thôi nhưng lưu xú ngàn đời vì đó là tiền lừa bip bóc lột, còn con thu hoạch gấp trăm lần mà không bị tiếng xấu, ngược lại được danh thơm. Có ai lại bôi nhọ kẻ đã đem hạnh phúc lại cho mình bằng cách thực hiện giấc mơ của mình thành sự thật?
Bà Ba nghe ông rể Bác Sĩ cứ nói vòng che. Bà ngồi nghe tự nãy giờ như đồng chí Lê
Duẫn nghe Thạc Sĩ Trần Đức Thảo, nghĩa là hơn một giờ đồng hồ. Nếu tính bằng phút thì hơn
120 phút. Không có ai nín thở được 120 phút ngoại trừ những ông thợ lặn có mang đồ nghề. Nhưng bà Ba vẫn nín thở nghe liên tục. Bây giờ ông Bác Sĩ dứt câu, bà thở phào. Tiếng nói chữ nghĩa vô lỗ tai này chui ra bên tai kia. Nhưng không phải ông Bác Sĩ thất bại. Trong đầu bà mẹ vợ còn lại một chữ: Tiền.
Thế là ông đã thành công. Ðồng tiền vô hình nhưng nó khua xủng xẻng, nó kêu sột soạt, nó ngọ nguậy, nó đánh thức những ai ngủ mê, nó làm cho những ai không ngủ sáng mắt sáng lòng. Nghĩa là đứng về phương diện tư duy thì nói rằng lời giải thích của ông Bác Sĩ đã tác động đến bộ thần kinh của Yamaha bằng cái nguyên tố (facteur) "Tiền". Bà Ba định đưa ra phản ứng của bà bằng ngôn ngữ học nhưng bà còn ngần ngại. Bà phải xác định ngài Bác Sĩ là gì để xưng hô cho đúng với quốc tế
Mới nghe qua thì nó đơn giản…lắm! Người với người là bạn. Ðúng quá rồi. Năm 1999, nhà thơ Tố Hữu có mần bài thơ khoe: "Ta đây nay đã 79 tuổi rồi" ngoài ra còn kết luận: "Nguời với người là bạn. Ta sống trên đời để yêu nhau!"
Bà Ba nghĩ thế thì ta gọi ông "Bác Sĩ về nguồn" này là bạn quách cho rồi. Lý luận mãi đâm nát óc ra. Nhưng mà bà lại giật mình: Tiếng bạn đó mòn quá đi rồi, xài nữa, e ta mắc bệnh ráo điều. Hơn nữa cái tiếng ấy bị đảng ta cưỡng dâm, trá hình, ngụy trang nát nước ra rồi. Bài học ai thù ai bạn đã bỏ vô nồi xúp Ba Ðình ninh dừ từ khuya rồi: Bạn Việt Miên Lèo, bạn Trung Quốc, và bạn…Mỹ (tiến bộ). Vậy ta phải uốn lưỡi "4 lần" trước khi gọi ông Bác Sĩ này là bạn. Hừ! Nhưng mà bạn thế nào được. Nó lấy con gái ta thì gọi nó là con là rể chứ. Nhưng mà rẻ này quất ngựa chuối biệt tăm 4 năm ròng liên tục không ló mặt, không thư từ thì rể ở cái chỗ nào? Nhưng không lẽ nói trổng trổng người ngoài nghe hiểu nhầm rằng nó là ông…tướng nhà, thì con Xuân nó bảo mình hư thân mất nết.
Nhưng mà không sao. Bà Ba hồ hởi nhớ ra hai tiếng "đồng chí" nhưng bà giật nẫy người: Từ hai mươi mí năm nay cái tiếng này đã được ngâm trong nước biển đông đem về rưới bia hữu nghị, nay nó không ra cái màu gì, cái mùi gì nữa. Chẳng có lẽ ta lại cho thằng rể quí hiểu nhầm ta coi nó như đồng chí Trung Quốc đối xử với ta?
Ðang bí lối, bỗng hồn ma bóng quế nào mách cho bà: Tiếng Việt Nam rất giàu, đa dạng, đa nghĩa nhất thế giới cũng nên...Bà mở miệng ra như được thần linh khai khẩu:
- "Ðằng ấy" thử nói cho đằng ni nghe một vài ví dụ coi.
Tiếng "đằng ấy" như một cứu tinh cho cả đôi bên. Nó khai thông cái cổ họng bức xức của bà đang nghẹt. Còn ông Bác Sĩ thì lấy làm hồ hởi được "mẹ vợ" phản...ứng. Câu chuyện tưởng đã đứt lìa cái đuôi nòng nọc nào ngờ được hàn xì chặt mối.
Ông Bác Sĩ nói ngay như sắp trong bụng những tờ lá sách trong bao tử trâu:
- Một ông vua ngoài ngũ tuần chưa có thái tử nối ngôi. Ngự y chạy chân không bén đất nhưng không kết quả. Luân lý phong kiến giải thích rằng đó là do quả báo. Ở ác gặp ác.
Bà Ba gật gù tỏ ý tán thành nhưng ông Bác Sĩ nói tiếp:
- Ngày nay y học đã đánh đổ hoàn toàn cái lý thuyết ấy. Ðó là một lý thuyết đẹp nhưng không giải tỏa được những uẩn khúc về khoa học. Ví dụ một đôi vợ chồng ăn hiền ở lành lấy nhau 30 năm mà không có con. Khoa học làm cho có con. Ðó có phải phản luân lý không má? Ðó có phải là khoa học đã cứu người không má?
- Còn gì nữa?
- Không cần gì nữa hết, chỉ bấy nhiêu thì con cũng hốt cả ngàn tỷ rồi. Ví dụ một đôi vợ chồng triệu phú trong trường hợp này sẽ đền ơn cho Bác Sĩ bao nhiêu? Bạc tỷ cũng chưa vừa. Chung quanh Hà Nội này có bao nhiêu cặp vợ chồng như thế? Má cứ nhẩm tính đi.
- Sao từ trước tới nay Bác Sĩ ta không làm cái việc ấy? Bà Ba hỏi. Chẳng lẽ Bác Sĩ ta ở trong nước lại không biết việc đó hay sao?
Ông Bác Sĩ đáp:
- Trong một lớp cùng học một bài, do một thầy dạy, nhưng học trò có đứa giỏi, có đứa dở. Ở ngành nào cũng có kẻ sáng người tối hết má à! Không phải con chê Bác Sĩ ta nhưng nói về y học phải công nhận nước ta không đứng ở vị trí tiền phong mà là Mỹ. Ðó là một thực tế phải công nhận. Nếu cần bằng chứng thì con xin nêu ra việc bốn ông Bác Sĩ Mỹ đã sang trị bệnh cho Tổng Thống Nga Yeltsin. Tại sao Bác Sĩ Nga không trị? Vì không trị được! Về việc hiếm muộn, người Mỹ cũng đi trước ta hằng 100 năm. Con đã sang tham quan nước Liên Xô trước kia và các Giáo Sư Mỹ nhận thấy rằng nền y học Nga đi sau Mỹ ước chừng nửa thế kỷ. Ðó là điều con nhận thấy chứ họ không viết bài đăng báo vì ai cũng có thể diện quốc gia. Vậy thì không phải là chuyện xấu hổ khi Bác Sĩ ta học hỏi Bác Sĩ Mỹ, đặc biệt trong nhiều vấn đề mà con biết được như con đã kể cho má, còn nhiều vấn đề khác, không phải chỉ Mỹ mà Việt Nam phải cùng nhau nghiên cứu để cùng tiến bước trên con đương văn minh tiền tiến.
Bà Ba nghe nói thì nghĩ thầm: Cái thằng này đi đâu không biết đi đâu. Ði đâu không biết lại về nói năng nghe được lắm!
Nhưng ông Bác Sĩ đã buông tha cho bà đâu. Hắn tiếp:
- Giở lại lịch sử nước ta, nhiều trang làm cho con rơi lệ. Cái thời mà Cụ Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp, trở về tâu với vua Tự Ðức mọi sự quan sát của mình bằng hai câu thơ:
"Bá bang xảo kế tày thiên địa, Duy hữu tử sanh tạo hóa quyền"
Thật là đau thương. Cụ sang Pháp thấy xe không có ngựa kéo mà vẫn chạy, đèn treo úp xuống mặt đường mà vẫn cháy, thì lấy làm lạ vô cùng, bởi vì thời đó ở nước ta súng thần công gọi là ông ầm, trước khi dùng phải dâng sớ xin triều đình. Khi được chiếu chỉ của vua ban thì mới được bắn. Rủi không nổ thì xin thỉnh ngự y đến chữa bệnh cho ngài, trong lúc ở dưới tàu quân Pháp bắn lên vuốt mặt không kịp. Quân tan, thành mất, vua chạy khỏi hoàng cung.
Ðó là vấn đề khoa học, không phải thần thánh tạo hóa nào cả. Cụ Phan cho rằng nước Pháp tài giỏi bằng trời đất trong mọi lãnh vực, chỉ riêng sự sống và cái chết là dành quyền cho tạo hóa mà thôi.
Ông Bác Sĩ hùng hồn tiếp:
- Nhưng ngày nay con người đã cướp quyền tạo hóa trong cả sự sống và cái chết. Thật vậy đó má! Nước ta đóng kín cửa nên làn sóng văn minh không tràn vô được. Vì thế cái cày chìa vôi làm vua trên đồng ruộng, chiếc xe ba gác còn lăn trên đường phố Thủ Đô bằng sức kéo của chú bò gầy, nhiều khi chỉ bằng sức trẻ con. Thậm chí thuốc xức lác đem trị bệnh Sida, xuyên tâm liên trị bá bệnh. Ở nước Mỹ lương người rửa chén là 5 đô 75 xu 1 giờ, trong lúc ở nước ta người nông dân làm cật lực chưa chắc đã được 1 đô 1 ngày.
Bà Ba quát:
- Anh tuyên truyền cho chủ nghĩa tư bản đấy phỏng? Này, anh nên nhớ rằng cái chủ nghĩa ấy không thể bắt mầm ở xứ này nghe chưa?
Bà Ba quên dùng tiếng "đằng ấy" như đã dự định, nhưng cũng không thấy ngượng mồm. Anh Bác Sĩ cười cầu tài và nói:
- Con xin bỏ chính trị dơ bẩn kia qua một bên để trở lại quyền lực con người trong lãnh vực y học. Ở Mỹ người bệnh có quyền sống sau khi chết!
- Hả, mày nói gì?
- Da, vấn đề không đơn giản nhưng là có thật. Người ta có thể tạo nên con người không qua sự thai nghén và sanh đẻ. Không phải như cấy gặt bên ta, nhưng con có thể nói tóm tắt: Nếu người ta muốn có một ông Lê Duẫn hay Trường Chinh khác nhưng giống y như hai ông ấy thì vẫn được.
- Thật vậy sao?
- Dạ, đây là vấn đề khoa học mà má!
- Vậy có thể nào làm bác Hồ sống lại không?
- Chuyện đó phải nghiên cứu và đòi hỏi nhiều yếu tố má à. Nhưng mà con xin thưa với má rằng chuyện cải lão hoàn đồng không còn là chuyện thần thoại nữa. Nếu má đọc truyện Phong Thần má không bao giờ quên cái đoạn Na Tra lóc thịt trả lại mẹ cha và ông thầy bẻ ngó sen biến hóa thành một Na Tra khác vẫn còn sống và gọi là "Liên Hoa hóa thân" tức là con người làm bằng bông sen! Ngày nay còn chuyện tạo nên con người cũng gần giống như vậy đó má! Nếu ta muốn có một bác Hồ thứ hai vẫn được. Nhưng cái xác bác đâu còn. Nó chỉ là cái hình bằng sáp…hiện giờ đã chảy hết rồi.
Sẵn trớn ông Bác Sĩ tiếp luôn:
- Còn nói gì thay tim, thay phổi, y học Mỹ làm cái chuyện đó lâu rồi. Bây giờ người ta đang tiến tới sản xuất tim gan hằng loạt như cửa hàng bán phụ tùng ô tô, xe đạp vậy. Cứ hễ hỏng bộ phận nào thay bộ phận nấy. Ngày xưa khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, việc đầu tiên là ông cho người đi tìm thuốc trường sanh bất tử nhưng không tìm được. Cách đây vài thập niên, bên Liên Xô cũng đã tìm ra chất Bogomoletz cho các lãnh tụ cộng sản uống để khỏe mạnh mãi đó má, nhưng có lẽ chưa kết quả nên chưa phổ biến toàn cầu.
Bà Ba ngồi nghe cứ ngẩn ngơ. Tâm trí cuốn hút theo câu chuyện của ông Bác Sĩ từ chỗ ngạc nhiên đến tự nhiên như nghe chuyện chợ búa làm ăn bình thường.
Ở nhiều chặng, bà cũng muốn gạn hỏi cho ra lẽ nhưng sợ thằng rể chê mình quê mùa. Vả
lại nó kể những ví dụ quá rõ ràng thì chẳng khác nào học trò lớp chót hỏi cô giáo một với hai là mấy nên bà không hỏi gì hết mà chỉ ngồi nghe ông con rể thuyết trình về khoa học Ðông Tây Kim Cổ.
Ông rể quý thấy chinh phục được bà nhạc thì càng thừa thắng xông lên nói liên miên không dứt:
- Má nhớ trong chuyện Tam Quốc không?
Bà Ba vui vẻ thân mật một cách hồn nhiên:
- Tao đâu có đọc hồi nào đâu mà nhớ!
- Truyện đó hay lắm. Các nhà quân sự chính trị của mình ngày nay vẫn còn nghiên cứu truyện đó đó má! Lãnh vực nào cũng hay hết. Nhưng chúng con chỉ thích cái nhân vật Hoa Ðà.
- Vậy à? Bà Ba lơ là hỏi.
- Vì Hoa Ðà là một y sư hiếm thấy trong lịch sử. Thời kỳ đó, cách đây cả ngàn năm mà ông ấy đã biết dùng phẫu thuật để chữa bệnh. Ông đã mổ được bướu, ruột thừa, mổ bao tử, mổ vết thương nạo thuốc độc, và còn định mổ óc nữa.
Bà Ba đưa đẩy:
- Hồi đó mà giỏi thế cơ à?
- Vâng, ông ta làm nghề y nổi tiếng nên Tào Tháo mời tới chữa bệnh nhức đầu cho ông ta. Hoa Ðà đến xem mạch và nói: "Thừa Tướng có cục bướu trong óc nên sanh bệnh nhức đầu". Tào Tháo hỏi làm thế nào để chữa? Hoa Ðà nói phải bổ đầu ra cắt bỏ cục bướu thì mới khỏi, chứ uống thuốc gì cũng vô ích. Tào Tháo là người có tánh đa nghi, nghe thế thì nghĩ thầm: "thằng này định giết ta đây! Nó đã từng chữa bệnh cho Tướng nhà Ngô, từng chữa vết thương cho Tướng nhà Thục, nó ăn tiền của bọn ấy sang đây để hại ta một cách dễ dàng chứ óc gì lại mỗ ra được?" Và cho hạ ngục Hoa Ðà tới chết luôn. Thưa má, con hầu má vòng vo Tam Quốc nhiều sự cố ngày xưa. Nếu vào thời nay thì Hoa Ðà không bị chết oan uổng và Tào Tháo không bị chết vì bệnh nhức đầu.
Một ngàn năm, khoa học đã tiến những bước khổng lồ nhưng phải ôn lại dĩ vãng thì mới thấy những tiến bộ đó. Chuyện mổ óc ngày này không coi là chuyện ghê gớm nữa! Cũng như chuyện xe không ngựa kéo mà chạy có làm ai ngạc nhiên đâu.
Bà Ba gật gù thích thú:
- Bây giờ có nhiều xe đạp, xe ngựa cũng còn nhiều, xe ba gác cũng còn bộn, nhưng không ai lấy làm lạ vì chiếc xe hơi. Bên Mỹ chắc không có xe ba gác hả…ơ ơ con?
- Thì cũng như ngày xưa Tào Tháo bỏ tù Hoa Ðà vậy má à, vì ổng không tin rằng óc con người ta có thể bổ ra được. Nhưng nếu ổng còn sống đến ngày hôm nay thì ổng tin rằng người ta
có thể tạo ra một ông Tào Tháo khác mà không cần đến bố mẹ ông ta.
Ông Bác Sĩ cảm thấy mình nói chuyện khoa học khá nhiều nên quay lại thực tế:
- Ðại khái như bây giờ y học có thể làm cho ông cụ bà cụ trở lại thời xuân xanh. Có thể làm cho các cô nở ngực, nở mông (con xin lỗi má) và có 3 vú như con nói lúc nãy.
- Ðây là vấn đề khoa học má hiểu rồi, con cứ nói tới đi con!
- Chuyện mênh mông lắm má à. Nhưng tóm lại là như thế, con về đây là để đem cái khoa học phổ biến dân tộc mình. Nhũng đồi khô đồi trọc sẽ mọc cỏ, những cội cây cằn sẽ trổ hoa. Hạnh phúc vui tươi sẽ đến mọi nhà. Trăm nghe không bằng mắt thấy. Ngàn lời nói không bằng một việc làm. Con sẽ làm cho đồng bào nhìn thấy. Bắt đầu từ điểm xuất phát là Hà Nội Thủ Đô ta.
…Bà Ba bèn cho đi gọi cô Xuân về để tái hợp và để bàn công việc mở một phòng mạch đặc biệt cho ông con rể "về nguồn".
Ban đầu định sẽ tìm một căn phố ở đường Tràng Tiền, nhưng ở đó bây giờ không còn chỗ trống, vả lại tiền thuê đến 500 đô la một tấc vuông. Ông Bác Sĩ vốn khiêm tốn nên bảo tìm một
nơi ở đường Cột Cờ để cất lấy một căn biệt thự jumelet, một bên để làm tư thất, một bên để hành nghề. Cơ qua hành nghề chia làm hai ngành: Một bên là y học vị nghệ thuật, một bên là y học vị nhân sinh.
Bà không vội tin ngay như bà đã tin nó trước đây. Bà gạn hỏi ba điều bốn chuyện, ông Bác Sĩ trả lời xuôi rót. Bà cũng chỉ biết gật đầu và ngạc nhiên chứ có biết đấy là đâu những cái trứng, những sự mổ xẻ, ráp ống này qua đường nọ…Và cuối cùng bà đã gọi Chín Ủi đến đàm thảo với ông Bác Sĩ.
Chín Ủi theo lệnh bà ra quân lần đầu, nhằm vào mục tiêu mà bà Ba đã chấm sẵn để ông Bác Sĩ thi thố tài năng, và như các bạn đã thấy, người đàn ông đến nhà bà Tòa hôm nọ đó không ai khác hơn là Chín Ủi. Bà Tòa đã ký giao kèo để được mang thai.
Bây giờ bà Tòa phải mang ơn bà Ba. Bà đang nô nức chờ ngày đưa cái buồng trứng của một cô người mẫu trong danh sách của Họa Sĩ Ngọc Sơn cho ông Bác Sĩ về nguồn rứt vài quả để đem đi thí nghiệm phối hợp và cuối cùng, cấy lại cho bà Tòa, rồi rồi…nhiều chuyện khác nữa xảy ra chung quanh tạo một đứa con cho bà Tòa.
Ông Bác Sĩ cấy hiện đang ở tạm tại trung tâm "Phục hồi nhân phẩm và trau dồi đạo đức" của ông Ðốc Rằn...Bố ông Rằn là người ở bên tê nên cũng biết các mánh khoa học này. Ông thường tìm dịp để ca ngợi ông Bác Sĩ con rể bà Ba rằng là người đã đem cái văn minh...tiền...tiến truyền sang xứ lạc hậu này. Ông hứa với mọi người rằng việc làm sẽ mang lại kết quả khó hơn lấy đồ ở trong túi một tí. Ông kể thêm rằng cả những người đàn ông được biến thành đàn bà vẫn
"lấy chồng", vẫn có đủ các cơ quan như người đàn bà do Chúa nặn ra. Hơn nữa vẫn đẻ con và con đẹp hơn những người đàn bà thường. Vâng, có đúng thế đó!
Ông "Bác Sĩ về nguồn" được cấp cho một phòng để làm văn phòng liên lạc với thân chủ, một thư ký để giúp ông làm sổ sách và một phòng để làm việc chuyên môn.
Không quá hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau khi ký giao kèo với ông Chín Ủi thì bà Tòa được xe hơi của công ty Tà Rằn đến rước lại văn phòng ông Bác Sĩ để được ông Bác Sĩ rứt đúng số trứng cần thiết cho vụ thụ thai.
Nhiều người khác đến, lấy số để xin cấy, hoặc xin bán trứng. Ông Bác Sĩ phải hẹn. Ðối với những cô gái trẻ thì trước khi bán trứng phải trình cho ông giấy cho phép của bố mẹ hoặc của
vị hôn phu (nếu đã hứa hôn) để tránh sự rắc rối về "pháp luật".
Ngôi biệt thự của bà Ba trở thành cửa hàng mua bán trứng. Nhiều người tưởng nhầm rằng tại sao bà Thượng Tướng lại ra nông nỗi đi bán trứng gà trứng vịt. Bà bận tíu tít nên phải chuyển vụ buôn bán trứng sang cho ông Họa Sĩ. Ông này lại kẻ bảng treo lên "Trung tâm chỉnh hình và mua bán trứng".
Bây giờ đến lượt ông Bác Sĩ đến gặp cô Xuân để nối lại tình xưa đã dứt. Ðể giữ đúng tục lệ ông bà, ông Bác Sĩ đem trầu rượu đến tạ lỗi với nhạc mẫu và nhạc phụ. Tội lỗi được xóa ngay. Nhất là ông Thượng Tướng Hoàng su Phì vốn rộng lượng với những trường hợp lính và sĩ quan bị rắc rối với V1, V2. Ông nói:
- Ðàn ông nào mà chả thế. Không thế mới lạ chứ thế là sự thường.
Bà Ba biết ông tha tội cho người cũng là tha tự bào chữa cho ông nên bà cũng nhất trí cao với ông.
Nhưng con gái ông không dễ tính đến thế. Cô xử sự như những người đàn bà bị một vố Sở Khanh: Chửi bới, la ó, đuổi xua. Nhưng rồi cô cũng làm lành. "Dù sao cũng là vợ chồng có con". Khi ông Bác Sĩ trương nghề bán buôn và cấy trứng, hằng ngày tiền bạc lũ lượt đi vô thì bà Ba dùng cái triết lý truyện Kiều:
Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà đẹp hơn mười rằm xưa.
Cô Xuân không trả lời với mẹ. Bà Ba lại lấy các câu ví von nông thôn ra để chinh phục
con gái:
- Rổ rá cạp lại con ạ. Nhưng mà nếu khéo tay thì còn tốt hơn rổ rá mới đó con à!
Cô Xuân nói:
- Con bây giờ còn thua cái rá rách, cái rổ sìa nữa đó má! Còn xài được gì hơn vơ bèo đựng gốc rau cho lợn ăn.
- Con nói vậy sao phải con! Bát chén trong sóng còn có lúc khua lúc động, vợ chồng sao khỏi lúc giận hờn. Mỗi lần đạp cứt mỗi lần chặt chân hay sao con? Chẳng hóa ra đàn ông xã hội
này đều đi một giò tay chống nạng sao con? Nó có sai lầm thì nó về đây, ấy là nó biết sửa sai. Cách mạng lớn như trời biển kia còn có lúc sai lầm chết người. Nhưng đảng kịp thời trông thấy cả triệu quần chúng lẫn đảng viên bị xử lý oan nên bác đã khóc lâm ly rồi quần chúng cũng cho qua chớ đâu có bắt tội gì. Con nên thấy các con là những hạt cát của cách mạng.
Xuân làm thinh. Sáng hôm qua khi ra mở cửa hàng, Xuân thấy một tấm băng đờ rôn trắng chữ đỏ giăng ngang cửa tiệm: "Trung tâm dược liệu và buôn trứng". Xuân giận uất người lên, nàng giật phăng tấm băng cuộn lại ném xuống đất, dẫm lên một cách phẫn nộ và quát:
- Ðồ phản phúc. Ðồ bịp…Ðồ…đồ..
Mấy hôm nay thằng Xe chạy mối cho nàng, lên xuống và kể cho nàng nhiều diễn biến giữa má nàng và ông rể quý Bác Sĩ cấy. Bà đang lo xây cái biệt thự đôi một bên là Y, một bên là Dược v.v…và Chín Ủi đang hợp tác hóa hai cái công ty của Ðốc Rằn để làm một trung tâm tổng y dược ở đường Cột Cờ. Và tương lai hai cái trung tâm trau dồi đạo đức và phục hồi nhân phẩm của Ðốc Rằn sẽ sáp nhập vào đây. Hơn nữa cái trung tâm chỉnh hình và bán trứng của Họa Sĩ Ngọc Sơn có thể là một chi ngánh…
Nói tóm lại dân Hà Nội có thể đến đây cầu phúc, trị bịnh, không phải bới trong đống rác cũ để tìm thuốc trị bệnh lậu của Victor Ban là đã đành một nhẽ con kỳ nhông rồi, nhưng ngoài ra khỏi phải ôm nhang đèn quà bánh vượt suối băng ngàn lên Chùa Hương để vuốt đầu các cô các cậu bằng đá để xin con nữa.
Sư Muông có tái thế, các vị lang băm hết mong bịp đời bằng các thứ "phù phép" nữa. Thằng Xe tha hồ làm lớn, chỉ huy hằng lô đưa đón khách mới khách cũ, lớp của các cô
làng Bẹp ở Giảng Võ, lớp cho Bác Sĩ cấy, mỗi đầu khách phải đấm mõm nó để được đi nhanh
đến nơi về chóng đến chốn, mỗi ngày nó kiếm nửa bao bạc như không. Nó đâm ra lên hương bất ngờ, nó muốn ơn đền nghĩa trả cho bà Ba chủ nó hiện giờ và chủ nó tương lai, cho nên nó tán hoa hòe hoa sói cho cái trung tâm của ông Bác Sĩ cấy đang thành hình:
- Thế nào rồi cô cũng là Phó một của cái trung tâm này!
- Dẹp đi! Tôi không có ham gì hết!
Nhưng thằng Xe vẫn tung ra những lý thuyết hai xu sơn xì y như mới lại, vẫn còn mê hoặc đời.
- Con ngườI có hai chữ "T" thôi cô Xuân ạ! Chữ "T" nọ xọ chữ "T" kia, ủa mà không, chữ "T" nọ yểm trợ chữ "T" kia. Có tiền là có tình. Tiền mua tiên cũng được. Thằng cha Huỳnh Long nó mua con bồ nhí đẹp nhất Hà Nội này chớ nó có ve vãn gì đâu. Thơ tình của nó là chữ "đô" độc nhất. Ngoài ra không có gì khác. Nếu nó khôn, chạy thuốc sớm một chút thì nó mua hết tất cả hoa hậu hoa khôi hoa hồng hoa cúc Hà Nội. Ấy là chữ T thứ nhất: TIỀN. Tiền đẻ ra tình. Tiền tạo nên Tình là thế đó. Tôi nói cô không nghe rồi ân hận không kịp.
Cô Xuân sấn sổ trước mặt thằng Xe:
- Tôi không ân hận gì cả.
Thằng Xe vẫn rầm rì tiếp như nước làm rò chân đê:
- Ông ấy vừa đăng quảng cáo sơ sơ đã có một dây khách hàng đến. Toàn những bà khố rách áo ôm không à! Hì..hì…Áo mấy bà không mặt kín người, còn khố thì te tua như lá chuối bị gió đập vậy. Hì..hì..Mỗi bà đóng trước nửa tê để lấy chỗ nằm sớm. Có bà hứa sẽ chồng 1 tỷ bạc khi đẻ xong. Ối giào! Ông Bác Sĩ đang tìm một kế toán giỏi có đến 150 cô đút đơn. Có cô đút mạnh lắm. Tôi nói vậy cô hiểu mấy cô đút cách nào. Cô không nẫng ngay cái khúc mật thì có người thiến mất đó nghe.
Cô Xuân vẫn hằn học:
- Tôi đã bảo tôi không màng những thứ đó, cả chủ nó. Mày bảo anh ta đừng bao giờ vác mặt tới nhà má tao. Còn cái trung tâm phản phúc của anh ta có xây xong thì để cho con chó nhà tao nó ỉa vào đó. Sợ nó chê chứ!
Nhưng hôm sau ông Bác Sĩ cấy xuất hiện ở tiệm cô Xuân. Rồi chiều hôm đó thấy một mỹ nhân đến. Một nàng đẹp, sang trọng và trẻ nữa:
- Xin lỗi, đây có phải là phòng mạch của Bác Sĩ về nguồn?
- Cô hỏi để làm gì?
- Dạ thấy ông ấy quảng cáo là cấy thai được ạ!
- Rồi sao?
- Dạ tôi là bệnh nhân, cần Bác Sĩ cấy đấy ạ!
Câu chuyện còn đang qua lại thì một nàng mặc váy củn cỡn, áo lá khoe cặp xuân sơn và đôi cánh ngà bước vào bằng đôi giày gót nhọn như đinh.
- Cho tôi gặp Bác Sĩ cấy!
- Ðể làm gì ạ? Cô Xuân hỏi.
- Việc chuyên môn, ngoài Bác Sĩ không ai nên biết ạ.
- Tôi là…ông ấy là…người làm thuê cho tôi đấy ạ.
- Tôi đang định thuê ông ấy để mở phòng cấy đấy ạ. Ðồng thời tôi đại lý mua bán trứng luôn. Ðây, nhờ cô đưa tấm danh thiếp. Tôi chờ ông ấy để lấy trứng của tôi. Ðã có nhiều người xem quảng cáo của ổng và ngã giá trứng của tôi.
Nói xong cô quày quả đi ra. Ðôi gót giày nhọn như xéo lên tim Xuân. Tất cả người nhà bà Ba bỗng nhiên như mọc cánh vì Bác Sĩ cấy tạm ngụ ở đây trong khi chờ đợi villa hoàn thành. Bà Tòa đến gặp Chín Ủi ở đây. Khách đòi cấy toàn những người sang trọng đi xe hơi Huê Kỳ đậu dọc dài ngoài đường chờ tiếp xúc với Bác Sĩ. Bà Ba không đủ sức khỏe để tiếp. Bà phải giao cho Chín Ủi. Chín Ủi trở thành tay phụ ta cho vợ chồng Bác Sĩ Xuân kiêm cả liên lạc viên cho bà Ba
Sao.
Bác Chín Ủi nó nối thêm một đường dây với Cồn Ốc của ông Ðạo Sò, người bạn cố tri từ
ngày nước ngập Thủ Ðô. Mấy lúc nay cái cồn này vẫn rộn rịp mái chèo từ Nghi Tàm và Yên Phụ sang. Nhà thuyền không đủ thuyền cho thuê vì con người bao giờ cũng tò mò và chuộng cái lạ. Cho nên Cồn Ốc không còn là của riêng ai mà là cái vốn văn hóa tôn giáo cũa những ai yêu tự do tín ngưỡng.
Chín Ủi hiểu cái tôn giáo của ông Ðạo Sò. Ông tuyên bố ông không ăn gì ngoài ốc hến mò bắt được dưới đáy hồ. Ðó là những loại thủy sản không có máu tanh, rất hợp với người tu hành. Thế nhưng mỗi lần đến thăm ông Ðạo, Chín Ủi cũng không quên lận lưng vài ổ bánh mì pa-tê hoặc vài gói xôi nhân xá xíu. Ông Ðạo rất thèm phở nhưng không nói ra. Tuy vậy Chín Ủi là người lõi đời, chuyện gì mà bác Chín không biết nên có lần Chín Ủi mua một trái dừa tươi vạc mặt đổ hết nước rồi cho phở vào đấy đem sang biếu ông Ðạo. Ông Ðạo lấy làm ngạc nhiên cho cái "tài" bịp đời của ông bạn. Hai người lại bàn chuyện buôn vua của Lã Bất Vi bỏ dở ngày nào nhưng lần này ông Ðạo không hăng hái với cuộc buôn bán đó nữa.
Ông Ðạo nói:
- Buôn thần bán thánh dễ hơn buôn người. Cụ thể là cái Cồn Ốc này! Chín Ủi nói:
- Vậy ta buôn cả hai tay. Ở Hà Nội mới có ông "Ông Bác Sĩ về nguồn". Ông này là tay chuyên môn buôn và cấy trứng. Khách đông lắm. Toàn là mấy bà mấy cô. Vốn một lời mười. Tôi
mở màn đi móc được một vụ 170 tê. Thân chủ hứa nếu có con sẽ thưởng thêm. Ba cái vụ này xét ra còn hơn Lã Bất Vi xa nghe anh Sáu Xèng. Chín Ủi bất thần đập mạnh vai ông bạn. Ủa, ông Ðạo…Sò!!!
- Nghề nghiệp gì kỳ quái và thất âm đức vậy?
- Khoa học thay thế được lập trường. Chớ lập trường không thay thế được khoa học. Bây giờ anh tin chưa?
- Tôi chưa thấy, tôi chưa tin!
- Thí dụ hai vợ chồng không con, người ta cấy cho có con đưọc. Chớ ông la khẩu hiệu cả đời cũng vẫn không con. Nhưng mà này, Chín Ủi nói nhỏ lại. Có những trường hợp cả lập trường lẫn khoa học đều phải chịu bó tay. Ví dụ như hai vợ chồng già, hết khả năng sinh đẻ, trường hợp này phải "nhờ" đến ông Ðạo.
- Bậy nào. Anh bảo tôi làm Sư Muông hay sao chớ?
- Anh đừng tưởng Sư Muông là người phàm. Ông ấy là tướng trời sanh đấy. Ông ta cứu được nhiều bà như bà huyện không con trở thành những bà mẹ ruột.
- Thôi, anh đừng nói chơi. Tôi không là kẻ chơn tu nhưng cũng sống nhờ chiếc áo tôn giáo, mình không thể nào bôi nhọ tôn giáo được.
Chín Ủi kề tai ông Ðạo rỉ rả một hồi. Ông Ðạo bảo:
- Tôi đồng ý, nhưng rủi bại lộ cơ mưu thì tôi còn nơi nào tu niệm nữa.
- Anh lo dữ hôn? Trước kia anh không lập đạo ở Cồn Ốc thì anh lấy ốc đâu mà ăn? Anh vẫn sống. Nay nếu rời Cồn Ốc thì anh lại đến Cồn Rùa. Nước ta thiếu chi cồn? Ở đó anh trở thành ông Ðạo Rùa tha hồ "truyền đạo". Anh Sáu à! Ðời này có cái gì thiệt đâu. Ðồ giả từ đầu tóc đến móng chân! Giả tuốt! Anh ở đó mà lo giữ gìn chân lý. Những thằng rêu rao chân lý chính là những tên chúa bịp. Bịp bằng chân lý. Thế mới tài!
Câu chuyện kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Phần sau có cô Năm Hến dự. Rồi Chín Ủi ra về.
Sáng hôm sau người ta nhặt được trên dốc Đê Yên Phụ những tờ giấy, mỗi tờ mang một hai câu thơ. Người ta không cần tìm hiểu ai làm ra. Có người bảo là điềm trời ứng mộng, nên đem ra Cồn Ốc đưa cho ông Ðạo Sò giải đoán. Ông Ðạo bỏ cả ngày mới chắp lại xong những câu
thơ thành bài như sau:
Cô ở đâu đi móc hộp lon,
Chẳng hay miệng hộp méo hay tròn, Chín điểm ba Tây bài tới nước
Sao có chồng mà chẳng có con?
Cây Bù nắm sẵn xòe hay giấu
Ai biết thiên cơ chuyện mất còn
Trời trăng bảng lãng sông Tô Lịch
Lê tướng mài gươm cứu nước non
Người ta tin rằng bài thơ độc vận này còn thiếu nhiều câu. Nhưng tìm không thấy thêm ở đâu nữa. Ông Ðạo cầm từng tờ đốt nhang lên lẩm nhẩm đọc và giải đoán. Ðây là bài thơ của một người khuất mặt tiên tri về tình hình nước nhà như ngày xưa sấm Trạng cho biết trước mấy trăm năm.
Bao giờ ngựa đá qua sông,
Thì dân Vĩnh Lại quận công suốt làng
Câu này ứng nghiệm đúng 100%. Thôn Vĩnh Lại, Phủ Vĩnh Tường đổ 3 Tiến Sĩ và làm Quan trong Triều Đình. Khi con ngựa đá chôn bên bờ tả ngạn nước chảy bên lở bên bồi thành ra con ngựa "sang sông" và sau đó dân Vĩnh Lại thi đỗ liên tục 3 bằng Tiến Sĩ.
Câu đầu bài thơ trên có vẻ như nhại lại bài thơ "Cô bán chiếu gon" ngày trước ở Tây Hồ. Nhưng câu thứ hai có ý đi vào thời cuộc. Chẳng hay miệng "hộp" méo hay tròn như muốn hỏi cuộc "họp" có được vuông tròn hay không?
Câu thứ ba ý nói bài cào đang hên gặp chín điểm. Còn ba Tây tức là Phương Tây. Nước ta đang gặp vận hên, các nước phương Tây tới giúp.
Câu thứ tư có ý nói đã được may mắn vậy mà chẳng làm nên việc?
Câu Bù ý nói bài cào Mười điểm tức là bù, là thua…Chẳng lẽ lại đề cập tới ông Ðỗ Mười mà dân thường chế nhạo là Ðỗ Bù?
Ông Ðạo tự nghĩ sấm là một loại tâm linh, kẻ đoán vầy người đoán khác, kẻ đúng người sai. Ông không dám quả quyết, nhưng cứ xem tình hình nước nhà thì rõ ràng. Ðại hội đảng đang họp, kết quả méo hay tròn chưa rõ. Ðể hôm nào cầu cơ lên thử xem. Nhất là câu thứ bảy (Trời trăng). Trời là mặt Nhựt. Trăng là mặt Nguyệt. Chữ Nhựt và chữ Nguyệt họp lại thành chữ Minh. Từ trước tới nay, người ta cho tên cụ Hồ như Nhựt Nguyệt, nghĩa là sáng rõ, rạng ngời. Nay trời trăng rơi xuống sông Tô Lịch. Con sông này nhỏ hẹp và dơ dáy, nước đen ngòm, mà "trời trăng" rơi xuống đó nghĩa là sao?
Bài thơ chỉ có mấy câu thôi hay còn nữa. Ông Ðạo tự nhủ:
- Hai chữ thiên cơ lại càng có vẻ bí hiểm lắm. Ai biết chuyện mất còn là chuyện gì? Ai mất ai còn?
Cô Năm đi trên đê về cũng cho biết bà con trên ấy đang bàn tán vế mấy câu thơ không ai giải đoán đưọc.
Người ta chờ đợi lời tiên tri của ông Ðạo nhưng ông đã lỡ mồm làm "lậu thiên cơ" như trên nên sợ thiên lôi đả bất ngờ nên đành câm miệng hến, chỉ ra dấu bảo quí khách chờ đại hội họp xong sẽ rõ như ban ngày.
Tôm Hùm Huýt Sáo Tôm Hùm Huýt Sáo - Xuân Vũ Tôm Hùm Huýt Sáo