Chướng ngại chỉ đe dọa được bạn một khi bạn rời mắt khỏi mục tiêu.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1459 / 21
Cập nhật: 2015-07-18 12:57:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21
hế giới kỳ cục đẻ ra những chuyện bất ngờ. Ở giữa Hồ Tây về phía Tây Nam ngó sang làng Yên Thái và Đê Yên Phụ, bỗng nhiên người ta trông thấy một cái cồn nổi lên khỏi mặt nước. Lạ hơn nữa cái mặt cồn lại đầy vỏ ốc. Cho nên theo lô gích Mác Xít người ta gọi đó là Cồn Ốc như cái Thia, cái Nai, Cồn Rừng, Cồn Ngao, Cồn Hến trong Nam Kỳ.
Kẻ đến cư ngụ đầu tiên trên Cồn Ốc là một người tự xưng là Thầy Sò. Thầy thứ Ba nên gọi là thầy Ba Sò, như Ba Duẫn, Sáu Thọ, Tám Kiệt đương thời. Tuy có khác nhau là tên "Thầy Sò" mang đầy tính chất bình dân, nên ai gọi công khai cũng vẫn được anh ninh trường thọ chớ không như Ba Duẫn, Sáu Thọ hét ra lửa mửa ra khói.
Người Hà Nội không biết gốc gác thầy Ba Sò nhưng danh tiếng của thầy lại nổi lên bất
ngờ như…Cồn Ốc. Nghe nói trước kia thầy Ba ở trên Chèm. Thầy đang ở trong nhà thì một trái bom tấn của đế quốc Mỹ ở đâu không biết lại rơi xuống ngay giữa nhà và tịt ngòi, nghĩa là không nổ như những quả bom khác. Ấy thế mà lại hay ra phết.
Không có ông văn sĩ nào bịa đặt truyện thần thoại nhưng Thầy Ba Sò lại tự nhiên thành nhân vật thần thoại nhân gian. Người ta thêu dệt ra thành câu chuyện "Thầy Ba Sò có phép làm cho bom không nổ được" hoặc "bom nổ nhưng không chết" rồi từ đó:
Thầy Ba Sò hô phong hoán võ, sái đậu thành binh. Thầy Ba Sò coi quẻ biết việc bá niên tiền, bá niên hậu. Thầy Ba Sò mặc áo bằng vỏ sò, ăn cơm với ruột ốc.
Kịp khi có mấy ông kỹ sư đi học bên Liên Xô về mang theo loại Ốc Bưu Vàng bảo rằng giống ốc này đã làm giàu cho Liên Bang Xô Viết. Chỉ một đôi ốc bưu, mỗi con to bằng nắm tay,
vỏ vàng vàng nâu nâu, trong mấy năm đã đẻ đặt cả đáy Hồ Tây. Mà quả thật dân chúng quanh hồ xây nhà gạch nhờ bắt ốc bán ở Chợ Ðồng Xuân. Rồi dân Nam Kỳ cử đại biểu ra khênh về mấy thùng thả xuống đồng ruộng Cái Bè Mỹ Tho làm thí điểm. Chỉ trong vòng mấy tháng "vàng" đã bò qua Sông Cửư Long xuống xây dựng cơ sở ở miền Tây. Ðất phù sa trộn vỏ ốc vàng, dân các Tỉnh miền Tây giàu nứt đế đổ vách, giàu đến nổi tiền bạc ra tro, giàu ho ra bụi trong lúc Thầy Ba Sò vẫn luyện thêm phép. Rồi thầy di cư về cái Cồn Ốc hoang vu với mấy cái lá sen che chở. Thầy tu một mình, không có chùa, thầy tọa trên nhưng đống vỏ ốc vỏ sò. Rồi do nhân dân phong tặng mà thầy trở nên giáo chủ Ðạo Sò.
Ông Ðạo Sò tu tiên và truyền đạo từ Cồn Ốc một cách uy nghi. Dần dà có dăm ba người tự nguyện theo ông làm đệ tử. Ðạo Sò có ý liên lạc với Ðạo Dừa ở Bến Tre để kết thành một nền đạo chân chính cho đất nước nhưng nhà nước biết được ý định "phản cách mạng" này nên đã giết ông Ðạo Dừa và thiêu hủy những di tích của ông ở Cồn Phụng. Nhưng đối với ông Ðạo Sò thì nhà nước lại bất lực. Chánh quyền đã thi hành nhiều biện pháp từ khắc nghiệt đến tàn ác bất nhân như cắt phiếu thực phẩm nhưng ông Ðạo đâu có cần thực phẩm của xã hội chủ nghĩa. Ông chỉ ăn ốc ăn rong dưới đáy hồ mà vẫn khỏe mạnh. Chánh quyền không cho ông đi Bệnh Viện thì ông lại chẳng cần, ông có bệnh gì đâu mà phải đi Bệnh Viện. Bác Sĩ ở Bệnh Viện Việt Xô xin đến tham quan ông thì thấy ông quả là một kẻ siêu phàm. Ngày trước có ông Bác Sĩ Ba Lan chuyên môn trị mạch máu cho các ủy viên trung ương đề phòng các bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim như Nguyễn chí Thanh (!), nhưng ông Ðạo Sò bảo mạch máu của ông làm bằng ngó sen, Liên Hoa hóa thân như Na Tra không bị nghẹt bao giờ! Nay thì tóc ông Ðạo bạc như mây, người ta hỏi ông bao nhiêu niên kỷ, ông cũng không rõ. Ông chỉ nhớ mang máng rằng hồi thời Nguyễn Thái Học bị hành quyết thì ông còn trẻ. Chính cái lần cụ Nguyễn bị dân canh làng Chèm Vẻ bao vây thì ông là một dân đinh trong đám đó, nhưng ông lại không biết Nguyễn Thái Học là ai? Nhưng may mắn cho Nguyễn Thái Học thoát nạn nên ông không mang tiếng giết hại nhà cách mạng.
Bây giờ ông Ðạo Sò có nhiều đệ tử, trong số đó có cô Năm Hến là đệ tử đầu tiên đã bắt ốc hái sen nưôi ông từ những ngày chưa thành đạo cho tới tận bây giờ. Khách càng ngày càng đông. Ông Ðạo bói quá khứ vị lai như thần, nói đâu trúng đó. Cái ngày cụ Hồ đau nặng rồi qua đời, Ðạo Sò khóc ngất, ông bảo:
- Cụ Hồ không phải chết vì bệnh tật mà vì kẻ thân cận giết lén.
Tiếng đồn khắp Hà Nội. Bộ trưởng công an Trần quốc Hoàn cho người đến bắt ông bỏ Hỏa Lò. Chúa ngục bảo ông phải cải chính câu đó. Ông viết một câu: "Cụ Hồ chết vì bệnh. Ký tên Ðạo Sò". Bộ chính trị cho báo nhân dân đăng trang đầu, đóng khung cẩn thận. Nhưng thói đới có những chuyện càng đính chính tức là càng thú nhận. Như việc nghị sĩ Dương bạch Mai chết, cả Hà Nội mua hết sạch hoa phúng điếu, rồi cụ Hồ đến truy tặng huân chương xong lại khóc kể, như "Chú Mai" đau tim mà chết thật. Nhưng càng làm rình rang để khỏa lấp tội sát nhân thì người Hà Nội vẫn tin là kẻ sát nhân chính là kẻ khóc kể đó, đã khéo léo giết "Chú Mai" bằng tay người khác.
Kẻ có bàn tay giết chú Mai ngày nay trở lại bị giết. Không cần nói ra nhưng người ta vẫn biết ai giết cụ Hồ. Một trong những cái sự đời lạ đời. Cho nên câu nói của Ðạo Sò cần phải được cải chính trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận nói láo nhất thế giới, cái mồm giấy của đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng câu cải chính của Ðạo Sò lại có tác dụng ngược lại ý định của kẻ bắt Ðạo Sò cải chính. Quả báo của nhà Phật có thật chứ không đùa. Kẻ giết cụ Hồ trên giường bệnh lại bị trừng phạt. Âu là nói quách ra cho xong, dù đây là lần thứ mấy thì cũng cứ nói. Trần quốc Hoàn được cụ Hồ tin cẩn cho vô bộ chính trị và giữ chức bộ trưởng công an, thay vì giao cho Lê Giản hoặc Vũ đình Huỳnh. Ít lâu sau Hoàng văn Hoan không chịu nổi sự lăng loàn của Lê Duẫn bèn xin đi Liên Xô dưỡng bệnh. Chính Trần quốc Hoàn ký giấy cho đi. Khi ra khỏi nước, Hoan bèn chuồn sang Trung Quốc và chửi vọng về Việt Nam, gọi Lê Duẫn là Thái Thượng Hoàng.
Duẫn bèn hạ ngục Hoàn một cách tàn bạo, bắt Hoàn phải đứng trong bùn ngập tới nửa ống chân đến chết.
Rồi đến phiên Lê Duẫn cho người đến tặng Trường Chinh mấy nhát búa vào cái đầu hói của Chinh, để làm nổi bật ý nghĩa của lá cờ búa liềm, đồng thời để trả mối thù: Anh Khu không giơ tay bỏ phiếu cho ta làm tổng bí thư kỳ đó. Trường Chinh cực chẳng đã phải giơ tay oam oam nửa chừng vì trong bụng không phục anh chàng mặt nám nhưng vì bác đã bảo "đi thì phải đi". Bác bảo bỏ cho ai thì phải bỏ. Dám cãi thì chỉ để tốn nước mắt như bác đã tốn cho Chú Mai. Rồi tới anh chàng mặt nám bị ông thầy thuốc Nam chuyên trị bịnh trĩ hay ai đó bóp dái chết.
Ác báo ác lai! Chúng nó giết lẫn nhau! Ông Ðạo Sò tiết lậu cơ mưu nên phải cải chính là vậy đó. Chuyện vòng vo Tam Quốc cũng đã dài. Bây giờ xin trở lại Cồn Ốc ở Hồ Tây.
Từ ngày Ðạo Sò dựng xong "nền đạo" thì khách thập phương đến rợp trời. Nhà thuyền Hồ Tây trước đây là nơi cho thuê thuyền du ngoạn (périssoire) ít lâu nay trở thành bến Ðạo Sò, có nghĩa là khách thuê thuyền để ra viếng Cồn Ốc xin quẻ bói của ông Ðạo Sò.
Nhưng không đủ thuyền cho thuê! Khách phải đi đường cù lao Nghi Tàm.
Nghi Tàm là một con thoi đất phóng từ đất liền ra Hồ Tây cắt mặt hồ làm 2 phiến như 2 tấm gương thiên nhiên phản chiếu trời Hà Nội nơi còn văng vẳng dư âm của câu thơ "Cô ở Tây Hồ bàn chiếu gon".
Có một hồi nhà nước định xây Thủy Cung ở Hồ Tây nhưng chuyện bất thành nên cái cung này không thấy mọc lên chỉ thấy be bờ đắp đê chung quanh hồ và một công ty ngoại quốc nào đó xây chung cư ở nền khách sạn cũ Bồng Lai, nơi quảng cáo thuốc lậu của Victor Ban do Xuân Tóc Đỏ làm phụ tá rao bán bằng một chiếc loa thiếc rỉ sét. Chuyện này gợi nhớ người xưa, cho nên nữ sĩ Ngân Giang, người được cụ Hồ xướng họa thơ văn ở Việt Bắc, có mấy câu thơ bất hủ sáng ngời từ hơn nửa thế kỷ qua:
"Hôm nay ôn lại chuyện non sông, Nghe sóng nghìn xưa vỗ bến lòng" Xin trở lại Cồn Ốc lần nữa.
Trong số khách thập phương đến yết kiến ông Ðạo Sò có không ít các nhân vật nổi tiếng hiện thời. Ngoài ra còn có các bà mệnh phụ. Hết chữa tóc tai, mũi mắt thì chầu tướng. Chầu tướng xong thì đi coi bói coi tướng chớ còn việc gì khác? Ban đêm đôi khi loan phụng hòa minh thì các bà mới đưa ý kiến lãnh đạo đất nước cho chồng lãnh hội để ban bố cho toàn đảng toàn dân thi hành. Ai bảo đảng cộng sản độc tài là nhầm to. Ðảng chỉ hò hét tung cờ quạt khẩu hiệu lòe loẹt thôi, còn quyền bính thì nằm trọn vẹn trong ủy ban bảo vệ sức khỏe của chị Hai. Cũng như Tống Thái Tổ và Hàn Tố Mai vậy. Ðời nay lẫn đời xưa đều giống nhau. Ở chỗ là vua ngồi trên ngai vàng trị nước nhưng hoàng hậu lại trị vua.
Tống Thái Tổ phong cho Hàn Tố Mai, người bạn nối khố của ngài từng ở lầu xanh nay về lầu hồng, làm hoàng hậu. Ðó là chuyện phá công thức của lịch sử Ðông Tây kim cổ.
Trong một lần xĩn, bệ hạ bèn bị hoàng hậu cầm tay phê chiếu giết ông bạn công thần là
Trịnh Ân.
Bây giờ Việt Nam đi vào bánh xe đổ đó. Chị Hai chưa phải là Hàn Tố Mai nhưng biết đâu cái sự đời vốn nhiều ngã rẽ!
Ông Ðạo Sò ơi! Làm sao ông tiên tri được vận mệnh của nước non này nay mai cái Thủy
Long Cung bất thần mọc lên thì đèn điện sẽ át hẳn cái hào quang của Cồn Ốc Ðạo Sò ta?
Bà Tòa hôm nay đi chầu tướng xong lại đi cúng miễu Ðạo Sò để xin một quẻ về vận mệnh tương lai.
Bà Tòa không quen cung kính ai, chỉ quen được kẻ khác cung kính. Nhưng bước lên Cồn Ốc bà thấy không khí thánh thần bao trùm vũ trụ và bà thấy mình nhỏ bé lại. Sự linh thiêng chỉ cảm thấy do mình tạo ra chớ không nhìn thấy được.
Bà mạnh dạn bước vào một ngôi miễu trên một con đường lót bằng vỏ sò. Hai cánh cửa hình vỏ sò mở rộng ra, bên trong nghi ngút khói hương và đông nghẹt khách. Một ông già ngồi trên bậc đầu bạc như bông. Khách lần lượt đến bỏ tiền tổ và tên họ nghề nghiệp của mình vào một cái vỏ sò to trước mặt ông lão mà bà đoán là Ðạo Sò. Ai cũng chỉ nói một câu:
- Xin ông Ðạo đoán cho công việc làm ăn trong năm.
- Xin ông Ðạo đoán cho vận mệnh tương lai
- Xin ông Ðạo đoán cho cuộc tình duyên sắp tới v.v…
Rồi cứ thế, hết người này đến người khác thỉnh cầu xong thì bước ra ngoài chờ đợi nghe kết quả do một đồng nhi tức là cô Năm Hến tuyên đọc.
Bà Tòa bỏ tiền và cả một loạt thỉnh cầu về tất cả mọi việc làm ăn, tình duyên, bè bạn, địa vị thăng trầm, hào tử tôn cùng với một số tiền nặng gấp trăm lần người khác trong một chiếc hộp riêng chuẩn bị từ ở nhà mang đến đây như một bầu tâm sự nhờ ông Ðạo Sò giải kiết.
Khách ra ngoài chờ đợi đi loanh quanh ven cầu chớ không dám đi xa vì nếu lời tiên đoán đọc ra không có mặt mình ở đó thì phải chịu, không được hỏi đi hỏi lại làm mất thời giờ người khác. Nếu muốn xem lại thì phải chờ đến ngày mai hoặc một cơ hội sau.
Ông Ðạo xem tới một tờ giấy tên họ của người thỉnh cầu thì cất sang một bên. Buổi hôm nay có đến 4 người khách gặp trường hợp này, nên được mời ở lại sau cùng để nghe ông Ðạo giải đáp. Bữa nay Cô Năm mặc toàn đồ trắng, mắt quầng đen, đầu tóc bới cao sau gáy, đứng trước
miếu đọc kết quả bỗng ngã nhào xuống đất dãy đành đạch sùi bọt mép. Ai nấy hoảng hốt lùi ra
xa. Ông Ðạo đứng bật dậy ghé mắt nhìn và quát:
- Ðệ tử làm gì thế? Hãy giữ lễ độ với bá tánh!
Cô Năm ngồi bật dậy, đầu tóc xổ dài xuống lưng áo trắng. Cô quay đầu vun vút làm mớ tóc quay cuộn như một làn khói xanh đen bao quanh đầu. Bỗng cô ngưng lại trợn mắt và làm những cử chỉ khác thường:
- Ta không phải là Cô Năm nào hết. Ta là nữ thần ngự ở đáy hồ này.
- Nữ thần danh tánh là gì, xin cho bần đạo được rõ. Ông Ðạo hỏi.
- Ta là mẫu nghi thiên hạ đây.
Nghe vừa dứt lời, ông Ðạo vụt quỳ sụp xuống:
- Kính chào hoàng hậu nương nương. Bần đạo dám hỏi nương nương ở quốc gia nào ngự đến? Bần đạo không hay nên bê trễ việc tiếp nghinh. Xin nương nương thứ tội.
- Ta ở đây. Ta ở tại vương quốc này! Giọng nói sang sảng rõ ràng.
- Dạ, có lẻ nương nương đã lạc địa dư rồi chăng? Ðây là xứ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa
Việt Nam chứ không phải là vương quốc nào hết.
- Xã hội chủ nghĩa nhưng còn vua. Ta là vợ của vua vì thế ta mới dám xưng là bậc mẫu nghi thiên hạ.
- Dạ, xứ này đã xoá bỏ chế độ dân chủ từ lâu, làm gì có vua ạ!
- Chế độ quân chủ thì xóa bỏ để lập nên chế độ khác nhưng vẫn còn vua, không những một vua mà nhiều vua.
Ðạo Sò suy nghĩ một chặp rồi tiếp:
- Dạ lời nương nương ban ra thật bần đạo không dám cãi nhưng không hiểu nỗi. Xin phán dạy cho rõ thêm!
- Ngươi ở đâu làm gì mà ngu đần thế? Ta là oan hồn về báo oán đây! Gốc điệp số 4 bên phải từ dốc Yên Phụ đổ xuống chính là mộ của ta!
Ðạo Sò nghe buốt lạnh xương sống nhưng ráng nói tiếp:
- Dạ, bần đạo cũng chưa rõ nguồn cơn về cái gốc điệp…
- Người ta giết ta ở Bệnh Viện Việt-Ðức bằng cách trùm đầu ta với một tấm ra trải giường rồi đập đầu ta bằng cái búa xong đem ném xác ta ở gốc điệp cho xe cán rồi tri hô lên là ta bị xe
cán chết. Nhưng thực ra là xe chỉ cán cái tử thi…Ơ kìa ta lạnh quá! Sao ta run thế này?
Ðạo Sò hỏi:
- Sao hoàng hậu lại run rẩy thế kia?
- Ta là con thị tỳ của hoàng hậu chớ không phải hoàng hậu. Hoàng hậu đi cho con bú rồi! Ta đang ở dưới đáy Sông Bồ Giang, bị neo đá nặng qua leo lên bờ không được, bị trầm mình dưới nước đã 42 năm rồi.
- Ủa sao có chuyện lạ đời vậy?
- Ngươi xưng là thầy bói thông đạt cả quá khứ vị lại mà sao không biết ta? Ta tên là Hoàng, em tỉ muội của Nông hoàng hậu đây. Ta là người ở trên Cao Bằng xuống Hà Nội để giữ cháu cho chị ta. Ta biết hết những chuyện mà người đời không ai biết.
- Vậy xin kể qua cho biết sự tình, kẻ ngu này sẽ trình cho thần dân rõ!
- Chị ta ở với Hồ Ðại Vương từ trên hang Pắc Pó. Khi về Hà Nội thì Thừa Tướng Trần đăng Ninh đã qui địa phủ rồi. Ông ấy bị bịnh lầy cả da không năm được ròng rã 6 tháng rồi mới bị quỉ sứ bắt đi nhưng Hồ Vương vẫn cho rước chị ta về ở số 6 đường Hàng Bông Răng đen. Ngôi nhà này có nhiều người ở, được chia cho hai chị em ta hai căn vì lúc đó chị ta đã sanh một hoàng nam. Chị ta gọi ta xuống ở cho vui và trông nom thái tử. Chúng ta bị tên Hoàn đầu vuông quản thủ. Thỉnh thoảng nó đem xe nhà binh rước chị ta vô Dinh Toàn Quyền ở đêm, sáng hôm sau cận vệ quân mới đưa về.
Ðạo Sò thừa lúc hồn ma ngưng, bèn nói:
- Những chuyện đó, xin lỗi cô, trẻ con Hà Nội cũng biết. Vậy xin cô vui lòng nói những chuyện mà thiên hạ ít biết hoặc không biết kia.
- Ta không biết chuyện nào người Hà Nội biết, chuyện nào người Hà Nội không biết. Vậy ta cứ kể hết đầu đuôi. Số là chị ta xin với Hồ Vương cưới hỏi như vợ chồng những người khác nhưng đức vua bảo còn đợi quần thần quyết định. Nhưng đợi mãi chị ta không thấy quyết định gì hết.
Ðạo Sò nói:
- Tôi xin hỏi bà, có ai biết những chuyện đó nữa không?
- Chị tôi đã sanh con rồi nên gọi tôi xuống trông cháu cho chị. Ai cũng biết chị tôi là hoàng hậu cả. Chúng tôi không dám đùa với chị như trước nữa nhất là sau khi chi đã sanh hoàng nam. Bỗng một hôm nọ, tên đầu vuông tới. Mãi về sau tôi mới biết hắn là ai và tên gì. Hắn gọi chị tôi vô buồng rồi rút trong túi ra một sơi dây thừng mà người ta bảo là dây nhảy dù chắc lắm, trói lợn cũng không dãy nỗi.
- Bà có thấy sợi dây đó không mà biết chắc!
- Hắn buộc tay và cổ chị tôi vào giường và hiếp chị. Chị dãy dụa nhưng không đứt. Hắn còn lấy súng trong túi quần ra dọa, nếu la chống cự hắn sẽ bắn. Một lần nọ hiếp xong hắn bảo
"Ðể cho thanh niên phục vụ cho không thích hơn ông già à?"
- Ông già nào? Ðạo Sò hỏi. Vậy ra còn ông già nào léng phéng với hoàng hậu nữa à?
- Ông già là Hồ Vương, còn thanh niên là hắn đấy chứ ai. Hồ thánh thượng lúc ấy đã 68 xuân xanh, hắn chừng 50 ngoài gì đó, còn chị tôi thì vừa tuần cập kê.
- Sao cô biết rành hết vậy?
- Mỗi lần bị hắn gọi vô phòng trở ra, chị đều kể lại cho tôi nghe rốt ráo. Chị khóc lóc và kêu nhục quá nhưng không biết nói với ai ngoài tôi. Chị bị canh giữ rất kỹ không đi đâu và cũng không nói chuyện với ai được. Một bữa nọ chị trao ấu vương cho ta với những giọt nước mắt. Chị bảo: "em ở lại nuôi cháu cho chị, chắc chị đi lần nay không trở về gặp lại em được" thì y như rằng sáng hôm đó chị được xe hơi chở đi và hôm sau người ta đến báo với tôi là chị bị xe đụng chết, xác đưa vô nhà thương Việt-Ðức, họ bảo tôi có đến viếng thì đến. Tôi bồng cháu bé đến thì người ta bảo đã chôn rồi. Ta trở về phòng về phòng với cháu bé. Hôm sau người ta bắt đứa bé và
cho tôi về Cao Bằng làm việc ở Bệnh Viện Tỉnh. Ðược ít lâu có giấy đến cho tôi đi học lớp y tá, nói là để đền ơn tôi giúp đỡ cho chị bấy lâu nay. Tôi từ giả Bệnh Viện, đi về nhà để sửa soạn đồ đạc đi học. Khi đến cầu Sông Bồ Giang thì có người phục kích đập tôi bằng búa rồi neo đá ở chân tôi, vứt tôi xuống sông, con sông Bồ Giang ở quê tôi trên Cao Bằng. Tôi lạnh quá, nhưng bị hòn đá treo ở chân tôi tới bây giờ không lên bờ được.
Ðạo Sò ngẩn người ra. Té ra chuyện xầm xì quanh Hà Nội lâu nay là có thật. Cái hồn oan này là người trong cuộc nên mới biết rõ vậy. Bèn hỏi:
- Cô có kể cho ai nghe những chuyện cô vừa kể không?
- Em về đến Cao Bằng thì đi tìm người chồng chưa cưới của chị em. Anh ấy là thương binh trong trận Ðiện Biên Phủ. Cô Năm bỗng xưng "em" và ôm ngực ho sù sụ.
Ðạo Sò nói:
- Như vậy chị của bà hứa hôn với anh chiến sĩ năm 1954-1955 gì đó. Và chị ấy bị tai nạn xe hơi năm 1958. Tại sao hứa hôn lâu vậy mà không cưới hỏi nhau?
- Lúc đó ông Trần đăng Ninh đến đoàn dân công bảo chị em đi công tác đặc biệt. Còn anh của em thì không về nhà được vì tham gia chiến dịch Ðiện Biên. Rồi sau khi Hòa Bình lập lại thì chị em lại được gọi về công tác đặc biệt ở Thủ Ðô. Người chồng của chị thì bị thương nặng, sống vất vưởng gần chết còn mong gì cưới vợ. Em tìm gặp anh ấy, em kể cho anh nghe hết mọi việc, anh cũng không dám thưa thốt ai hết. Mãi cho đến lúc anh thấy không thể sống được thì anh mới
viết đơn lên triều đình, nhưng quần thần cũng không nói gì tới. Ối, lạnh quá, em cứng hàm không
nói được nữa. Hù hù…
Ðạo Sò lấy một tấm chăn đắp trên người cô Năm và hỏi:
- Bớt lạnh chưa?
- Dạ cũng còn lạnh. Nước sông Bồ ở chân núi nên lạnh lắm ạ! Ðạo Sò lại hỏi:
- Bây giờ cô muốn tôi giúp đỡ như thế nào?
- Em thương chị em lắm. Em muốn được gần đứa bé.
- Năm nay cháu cũng đã lớn rồi nhưng ai biết nó ở đâu mà tìm giúp cô?
- Dạ trước kia người ta gởi nó cho ông Hùm Tấn nuôi trên núi gì ấy! Khi nó được 12 tuổi thì giao cho một tên cấm vệ quân của Hồ đại vương nhận làm con nuôi.
Ðạo Sò nói:
- Thành ra thái tử lưu lạc làm con nhà họ Chu rồi đến họ gì ấy không lấy được họ cháu! Khổ, cha làm vua mà không nuôi được con.
- Ðau đớn lắm ông ơi! Hu Hu Hu...mẹ con cũng không sum họp được nữa là chị em. Ðạo Sò lại hỏi:
- Ở trong triều đình có ai biết chuyện này cặn kẽ hơn bà không?
- Chắc là triều thần phải biết rõ hơn tôi chứ! Nhưng không hiểu tại sao lại có chuyện giết vợ và không nhìn con như vậy? Ðời xưa chỉ có Trụ Vương, đời nay thì có Hồ Vương. Hù hù…tôi lạnh quá rồi. Xin ông Ðạo làm phước đức đưa tôi lên bờ và cho hồn chị tôi về quê để sum họp với chồng chị trên ấy.
Cô Năm bỗng thở khì một tiếng dài và vụt đứng dậy ngơ ngác nhìn chung quanh:
- Tôi ở đâu đây?
- Cô đang ở Cồn Ốc.
- Tôi ở dưới Sông Bồ Giang lên đây. Hừ hừ…Ông Ðạo cho xin ít lá khô đốt lửa để hơ.
Ông Ðạo nhìn chung quanh thấy khách đông nghẹt. Không khí im phăng phắc. Họ lắng
nghe.
Bỗng trong đám đông thấy lẫn mấy cái áo vàng. Ông Ðạo nói ngay một thôi dài:
- Ðây là chuyện đồng bóng dị đoan, bà con ta không nên tin. Tôi không ngờ có bàn tay lẫn
lộn trong này phá hoại tự do tín ngưỡng mà Hồ Chủ Tịch đã long trọng tuyên bố trong hiến pháp dân chủ cộng hòa. Chính tôi được nghe tận tai ở vườn hoa Ba Ðình kia kìa!
…Mọi người lặng lẽ ra về. Xuồng ghe bơi chèo rộn nước. Không khí trở lại nặng nề huyền bí. Ba người khách đặc biệt lúc nãy được mời vào bên trong miếu để nghe ông Ðạo phán dạy. Bỗng cô Năm hét lên một tiếng rồi lắc lư thân hình mảnh dẽ của cô và giơ tay lên, vừa đánh nhịp và hát: "Ai yêu bác Hồ chí Minh hơn chúng em nhi đồng…cồ! Một hai!" Ðám khách nhìn nhau, kinh hãi. Nhiều người khách từ Nghị Tàm, Yên Phụ mới ra đến ven cồn bỗng kêu lên "Bác về! Bác về! Trở lại nghe bác nói gì!"
Chừng vài mươi người rùng rùng trở lại, còn số đông thì xuống thuyền bơi về. Cô Năm khoan thai đưa tay lên vuốt râu tưởng tượng, cười khục khục:
- Tôi xin thân ái chào quyết thắng Xin ông Ðạo rộng lượng cho phép tôi đứng trên đất cồn thiêng này để bày tỏ tâm sự. Tôi nói đồng bào có nghe rõ không? Từ ngày tôi theo những người bạn hiền Mác Lê đến nay tôi bị thằng Mặt Nám nhốt trong hòm kính và cho lính canh chừng nghiêm nhặt quá nên tôi không sao thoát ra được để sống chung với đồng bào. Hôm nọ nhờ mấy chú lính canh đi Ðêm Màu Hồng nên tôi lén chui ra khỏi hòm đi ra ngoài. Ôi, người xưa cảnh cũ tiêu điều một cách quái gỡ. Khu đất thiêng liêng Ba Ðình nơi tôi đứng đọc tuyên ngôn độc lập trở thành mặt biển nhấp nhô xương trắng và đầu lâu. Còn bốn chung quanh là quán bia và tiệm nhảy đầm, đèn đóm lặc lè, nhạc nhọt đinh tai nhức óc, son phấn lòe loẹt nặc nồng. Tôi cố vẫy tay kêu
một chiếc xe máy đến bảo nó chở tôi đi đâu cứ đi, miễn ra khỏi khu Ba Ðình thì thôi.
Người chở tôi là một cháu gái bảo tôi ôm chặt eo ếch nó để khỏi bị bổ lộn nhào. Tôi nhắm mắt lại nghe gió rít bên tai. Khi mở mắt ra thì thấy đèn đóm, son phấn còn đông đặc hơn. Tôi hỏi đây là đâu? Cháu gái bảo là một góc thiên đường ngày xưa khi tôi còn lặn lội ở nước ngoài mơ ước dựng lên. Thì đây rồi, giấc mơ một đời của tôi đã thành sự thật. Quê hương nghèo đói của tôi đã trở thành thiên đường. Thiên đường là đây rồi chớ đâu nữa mà phải ước mơ tìm kiếm. Con Hồng cháu Lạc 4000 năm văn hiến nay đã trở nên non nước màu hồng…Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?
Tất cả đều đồng thanh đáp lại:
- Thưa bác rõ ạ!
Ông Ðạo lụm cụm đi nhắc chiếc ghế gỗ đến đặt bên cô Năm và nói:
- Chẳng mấy khi ngàn năm có một lần. Xin bác ngồi lên đây mà huấn từ càng lâu càng tốt kẻo mỏi chân!
Nói xong ông Ðạo gọi qua Nghi Tàm, Yên Phụ. Phép thần thông đã đánh thức dậy cả hai vùng dân chúng kéo nhau tới rần rần xuồng ghe. Chẳng bao lâu Cồn Ốc trở thành cồn người. Thiên hạ đứng chen nhau như đủa trong ống.
Ông Ðạo nói:
- Chư vị đến đây trong một thời khắc thiêng liêng. Tôi xin chữa lại Cồn Ốc là Cồn Tiên vì Bác đã đến đây. Xin hãy giữ trật tự. Xin thỉnh Bác ban huấn thì tiếp cho đồng bào và cán bộ Hà Nội.
Cô Năm nói giọng đàn ông học theo giọng cụ Hồ ngày xưa:
- Thưa quí đồng bào. Tôi mơ ước một thiên đàng trên mặt đất cho dân tộc ta không phải như cái góc thiên đường Hà Nội này. Ðây là nơi khuyến khích chuyện tội lỗi và sa đọa. Thằng Mặt Nám đã giết tôi để thực hiện một địa ngục trần gian. Nó là tên sát nhân và là con quỉ dâm dục nhưng tôi nhận phần lỗi của tôi là đã giao đất nước này trong tay nó. Tôi đã nhầm tưởng nên đã tôn thờ cái búa và chiếc liềm. Chiếc búa là để chặt cây hoặc đóng đinh, chiếc liềm là để cắt lúa cắt cỏ chớ không ai thờ phượng. Vì tôn sùng những dụng cụ phàm tục trong đời sống nên thiên hạ và đồng bào tôi đã bị đập đầu và cắt cổ bằng búa liềm. Tôi nằm trong hòm kính ngó ra ngoài thấy đất nước điêu tàn mà khóc thầm, nhưng còn làm sao được. Tôi xin lấy mấy câu Kiều để
nhận tội tôi:
…Ma dắt lối quỉ đưa đường
Lại tìm những nỗi đoạn trường mà đi.
…Oan kia theo mãi với tình
Một mình mình biết một mình hay
…Xét mình công ít tội nhiều
Dẫu cho sấm sét búa rìu cũng cam...
Tôi nghe những tiếng chửi mắng đủ giọng đủ ngôn ngữ. Ðiều đó chứng tỏ rằng đồng bào cả nước Nam Trung Bắc oán hận tôi…hu..hu..hu..
Cô Năm đang nói bỗng té khụy xuống đất khóc rống lên.
Ông Ðạo vội đỡ cô dậy đặt ngồi lên ghế lau nước mắt và nói:
- Xin Cụ cứ định thần trở lại và nói tiếp. Ðồng bào đang ngóng nghe lời cụ ở khắp cả
nước.
Cô Năm tức tưởi tiếp:
- Tôi đã gặp Mác Lê bị xiềng ở dưới âm phủ. Hai cụ ấy cũng lấy làm ân hận vì đã truyền
bá một chủ nghĩa ngu xuẩn cho thế gian. Sự sụp đổ của Liên Xô đã làm cho 2 cụ ấy sáng mắt sáng lòng và nhận ra một chân lý vĩnh cửu: "Tất cả những chủ nghĩa đều trở thành màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi" (1). Tôi xin chúc dân tộc Việt Nam chiến đấu thắng lợi và mong những kẻ thừa hưỏng sự nghiệp của tôi từ bỏ độc tài dân chủ giả hiệu.
Cô Năm im bặt một lúc cựa quậy mấy cái rồi im luôn. Chờ mãi không thấy cô nói gì thêm, ông Ðạo bảo:
- Như thế là cụ Hồ đã thăng rồi! Nhưng không biết cụ có trở về hòm kính không?
Dân chúng và khách dần dần tản lui trong im lặng. Không khí trên cồn trở lại bình thường. Ông Ðạo nói:
- Ðây là một việc bất thường rất lạ lùng trong đời sống nhân dân Hà Nội và của dân tộc. Trước nhất để đánh dấu những phút giây lịch sử vừa qua tôi xin bà con hãy ghi lòng tạc dạ những
lời nói trên mãnh đất này.
Ông Ðạo muốn ngưng ngay mọi cuộc bói quẻ nhưng những người khách đặc biệt lúc nãy lại muốn được nghe những lời tiên tri của ông Ðạo nên không chịu về. Ông Ðạo bảo cô Năm cho mới từng người vào bên trong. Tất cả gồm 4 người: 2 nam, 2 nữ.
Người thứ nhất, phái nữ ăn mặc rất sang trọng nhưng không theo một kiểu cách thời trang nào. Áo ngắn cũn cỡn, quần jean bó sát mà chân lại mang giày cao gót loại 8 phân tây, tay xách bóp đầm da cá sấu, đặc biệt đầu tóc rối bời hai ba tầng như cái Tháp Thiên Mụ ở Huế, móng tay sơn cái đỏ cái xanh, trong túi áo lại đựng mấy bộ bài cào, bài tứ sắc, bài tới, con đầm rô ló mặt ra ngoài như cười tình với ông Ðạo.
Xin mời quí khách an tọa.
Ông Ðạo không biết gọi bằng gì cho đúng tiếng. "Bà" thì không đáng mặt..."Cô" thì không thể vì khách không còn là choai choai hoặc trẻ. "Nàng" thì càng không đúng đắn. Vậy nên gọi là quí khách thì đẹp nhất. Quí hay không quí thì tự họ biết lấy, còn mình thì cũng được tiếng là không vô lễ. Tiên học lễ, hậu học văn, sách xưa có dạy.
Người đàn bà nhìn chung quanh thì không thấy nơi nào có thể ngồi được, vì không có cái để mà ngồi lên, tức là cái ghế. Còn phòng thì cũng không phải là cái phòng vì nó không kín đáo, nếu người ngoài nhìn vào thì thấy hết cả bên trong, người ở trong nhìn ra thì thấy cả mảng đê Yên Phụ và một phần mũi cù lao Nghi Tàm và mấy dãy nhà lố xố của người ngoại quốc mới dựng lên làm chung cư cho công nhân viên của họ. Nhưng mà thôi, ở đời thiếu chi cái có tên mà không có thực. Như cái chủ nghĩa xã hội rất dơ bẩn mà dân vẫn quen mồm gọi nó là thiên đường, như cái lăng Bác đúng ra là nơi bán bánh mì rẻ tiền của quốc doanh ăn uống để câu khách tới
đông rồi chụp hình đăng báo rêu rao rằng dân đi viếng lăng Bác vô vàn kính yêu, như cái tượng Lê Nin thì ngày nay chỉ còn trông thấy cái chóp nón lá rách nhô lên một núi rác gồm bao thuốc lá, tàn thuốc và "áo đi mưa" và áo đi mưa với cả hai thứ này là dụng cụ mùi mẫn. Cái trước để bao đầu thằng bé ngừa bệnh "bánh đa". Cái thứ hai để trùm kín đôi oan ương ngồi đồng khi kế hoạch nhà nước đạt 100% rồi em ơi, thì cả hai loại áo mưa này hết xài trở thành rác góp phần đáng kể vào Ðống Rác Mới cao xấp xỉ tượng Lê Nin đúc bằng đồng, nặng 4 tấn rưỡi mà dân chơi, dân bụi, dân oải lẫn cán bộ các ngành hùn tình cảm lại sáng tác ra câu vè bất hủ:
Lê Nin ở tận bên Nga
Mà sao đứng gác vườn hoa của mình
Người khách nói:
- Bản thân ta là phu nhân của ông tòa án nhân dân đến tối mới cao, lại có chân trong ủy ban bảo vệ sức khỏe trung ương, nhưng thực ra cái ủy ban này do Sáu Lừa bày ra chỉ chuyên môn phá hoại sức khỏe trung ương. Còn các ủy viên của nó thì họp hành công tác thì ít mà "chầu tướng" thì nhiều. Như các ông ủy viên trung ương làm việc cho dân thì chẳng bao nhiêu mà tìm cách ăn trộm ăn cắp ăn cướp được bảo vệ và mang danh là hạm vằn, hạm chín đâu, năm đuôi, lót ổ đào hang ở Ba Ðình ngay bên cạnh cái gọi là lăng Bác. Ối ồi, ở cái xã hội suy nghĩ bằng chân, đi bằng đâu này, Trụ Vương trở thành Khổng Tử đẻ ra luân lý, ai muốn đảo chánh cái nón để lấy cái quần thay vào càng được hoan nghênh. Ở cái xã hội mà những ngài tỷ phú chống gậy đi ăn xin, nơi những tên ăn xin nuốt vàng khối bằng mồm tỷ phú cũng chẳng ai lấy làm lạ gì, nơi bàn thờ tổ tiên bị đá văng ra sân để thờ những tên cướp, nơi con người là con ngợm cũng được, muốn gọi Hà Nội là Hàn Nồi cũng chả ai có gan phản đối thì ông Ðạo gọi ta là "quý khách" là quý rồi, còn ngồi ở chỗ nào mà không được miễn trên đầu của mình không có đít của người khác thì tốt rồi!
Dòng tư tưởng của bà Quý khách đang miên man chảy ron rót, tung bọt trắng xóa như sóng vỗ ven hồ thì bỗng nghe có tiếng nhắc nhở:
Xin mời quý khách ngồi.
Vị khách quý bèn ngồi khuỵu xuống trên nền đất lót đầy vỏ ốc mà ông Ðạo vừa đổi tên Cồn Ốc ra Cồn Tiên. Còn riêng bà thì thêm cái dấu huyền: Cồn Tiền. Có Tiền mua Tiên khó gì. Ôi, kỳ diệu thay là tiếng Việt Nam.
Quý khách ngồi trước mặt ông Ðạo. Ông Ðạo ngó bà quý khách thì thấy trước nhất bà tướng ngũ đoản: Tay chân ngắn, ngón tay ngắn, mũi ngắn, mặt ngắn. Còn mắt thì hầu nhãn tức là mắt khỉ, lông mày thưa ít (nhưng bà ta kẻ rất đậm, mới nhìn giống như thanh đoản kiếm cũng có thể gọi là thanh mi.) Còn mắt thì tròn có hai vệt long lanh như sóng loại mắt đa tình và thông minh, mí mắt dưới cũng có sóng (đúng là loại mắt đa tình) tròng đen ẩn một phần vào mí trên cách mí dưới một khoảng lớn. Con ngươi có nhiều vết họp lại như hình bánh xe quay (xa luân)..
Khỉ tuy là cùng loài với vượn, nhưng mắt lại khác nhau. Ðàn bà có mắt vượn là kẻ đa dâm, nhưng quý tướng gọi là "viên nhãn" khác với "hầu nhãn". Viên nhãn mí trên có ba bốn vết sóng tàng ẩn vào nhau. Phần đuôi mắt sa xuống chụp lên mí dưới như mu bàn tay khum. Nhìn chung, đây là cặp mắt mơ màng biểu hiệu sự khao khát dâm dục không khi nào thỏa mãn. Ðàn ông gặp phải tay này thì yểu mạng vì người đàn bà cứ đòi hỏi dục tình hoài hoài càng ái ân càng hưng phấn yêu đời.
Ông Ðạo ngó thoáng qua là biết hết tâm tính người khách quý ngồi trước mặt, có cặp hầu nhãn, tức là đôi mắt khỉ. Mắt khỉ đi đôi với ngũ đoản thì người đàn bà ăn nói bốp chát, hành động không ổn định hay thay đổi bất thình lình, tính tình rất phiêu lưu, tham lam, nhưng quả cảm, gan dạ, không nịnh bợ, không tiểu nhân.
Ông Ðạo kinh nghiệm bản thân, muốn được khách mến thì chỉ nói phần tốt mà lờ đi phần xấu. Ông nói:
- Năm nay quý khách có dịp làm giàu to. Nhưng hãy cẩn thận không nên tới nơi đen đỏ thường mà mất hết lộc trời cho.
- Dạ cảm ơn ông Ðạo!
- Thôi bấy nhiêu cũng đủ thấy tương lai của quý khách rồi.
- Tôi muốn ông Ðạo xem phần địa vị xã hội của tôi.
- Ðịa vị của quý khách thì tuy có mà không, tuy không mà có. Có quới nhân phù hộ. Lợi lộc đến đều đều, cuộc sống không lo lâu. Quý khách nên chú ý phần tử, tôn nồi dòng.
- Dạ, nghĩa là sao ạ?
- Từ từ cuộc sống sẽ giải thích cho quý khách. Còn ngoài ra thiên cơ bất khả lậu. Bà khách chào cám ơn và nói:
- Nếu quả như lời tiên tri của ông Ðạo xảy đến cho tôi thì tôi xin xây một ngôi đền lớn nơi cồn thiêng, của Cồn Tiên này.
Ông Ðạo xua tay khe khẽ:
- Bần đạo xin cảm ơn quý khách, nhưng sự tu hành không cần nhà to cửa rộng, không cần cao lương mỹ vị, chỉ cần một mái lều con và hạt muối mặn, ngọn rau xanh và tấc lòng thành. Xưa kia Trần Ðoàn lão tổ tu thành tiên là nhờ nước suối và bàn cờ. Như quý khách vừa nghe cụ Hồ phán dạy người đời qua câu Kiều và qua kinh nghiệm đời Cụ đó! Tranh đua suốt đời rồ than thở như nàng Kiều mà thôi: "Oan kia theo mãi với tình! và Xét mình công ít tội nhiều...Quý khách về nhà cũng nên ngẫm ngợi cho ra cái lẽ ở đời. Ðể khi nằm trong hòm khỏi phải ăn năn như Cụ. Oan gì và Tình gì? Công ít Tội nhiều!"
Người thứ hai được mời vào diện kiến ông Ðạo. Ông Ðạo nhìn ra thì thấy một người đàn ông không cao lớn, tướng chồn, vó hùm, mũi huếch thuộc loại Khai phong tỵ gần giống như Trường nhược tỵ nhưng khác ở chỗ Khai phong tỵ có nhiều lông mũi thò ra còn Trượng nhược tỵ thì không có lông thò ra. Cả hai loại này là biểu hiện của tâm tính xấu xa còn thân thể thì có nội tật, chớ không lành mạnh như người thường. Người có hai loại mũi này thì suốt đời chỉ là dã tràng xe cát mà thôi. Nếu có làm ra tiền muôn bạc vạn thì cũng tiêu tan. Còn nếu có lập nên công trạng gì thì cũng cho người khác hưởng, suốt đời chỉ làm mọi cho thiên hạ, làm trâu ngựa cho người cỡi. Về tâm tính thì giàu tự ái, nhưng can đảm đến liều mạng. Nghèo nàn, ăn bám người khác nhiều, không có tài sản danh vọng riêng.
Tuy vậy ông Ðạo vẫn vui vẻ mời ngồi và gọi là "quới nhân". Ông đạo thấy hai bàn tay to thô bạo và trên trán có một vết sẹo bằng ngón tay:
- Quới nhân trước đây làm nghề gì? Ông Ðạo hỏi.
- Dạ, tôi hiện nay đã về hưu.
- Bần đạo hỏi nghề nghiệp của quới nhân kia!
- Dạ trước kia tôi làm nghề nông!
- Trong trường hợp nào quới nhân có cái thẹo trên trán?
- Ông Ðạo tự xưng là tiên tri sao còn hỏi?
- Tôi hỏi là hỏi vậy thôi. Chớ tôi biết quới nhân đã từng can tội giết một người. Người đó làm nghề gì tôi cũng đoán ra.
- Nghề gì, ông Ðạo nói thử nghe!
- Tôi có thể kể lại vài nét về việc cách đây 100 năm.
- Ông là nhà tu hành nên tôi nể đó nghe. Tôi sợ phạm luật tôn trọng tín ngưỡng của nhà nước, nếu không tôi đạp bằng cái Cồn Ốc này xuống đáy hồ.
- Xin quới nhân đừng nổi giận để bần đạo phân trần. Chuyện sát nhân của quới nhân trên
50 năm qua còn để lại làn ám khí trên mặt chưa tan đâu. Nó chỉ mất đi khi nào quới nhân nhận một hình phạt tương xứng.
Người khách ngồi bất động, nét mặt trở nên xám ngoẹt.
Ông Ðạo tiếp:
- Con đường tiến thân của quới nhân rất nhanh chóng nhưng có khi nó như hoa nở mà cũng có lúc nó sẽ như bọt xà phòng. Năm nay quới nhân sẽ được một danh vọng to nhưng cái ghế của quới nhân ngồi vẫn cứ ở trong xó hóc.
Một người khách đi cùng với quới nhân chờ tới phiên mình, tiến tới nói:
- Thưa ông Ðạo, đây là ông cục trưởng bảo vệ trung ương khóa tới đấy ạ. Ông Ðạo vẫn ung dung nói:
- Tôi chỉ xem tướng thôi. Quới nhân nên bỏ nghiêp dĩ mà đi cầu tự đi thôi. Kẻo muộn rồi đó. Ðến tuổi này mà chưa lập gia thất. Một đứa bé ra đời sẽ xoay chuyển hướng đi của bố nó. Tôi thấy rõ chỉ có con của quới nhân mới cứu nổi quới nhân thôi. Thời giờ đã cấp bách.
- Nghĩa là sao ạ? Người khách hỏi.
- Cứ làm như tôi tiên đoán thì may ra còn kịp.
Ngẩng lên nhìn thấy người đứng sau ông cục trưởng bảo vệ trung ương, ông Ðạo liền hỏi:
- Xin lỗi ngài, kế hoạch buôn vua của ngài đi đến đâu rồi? Ngài đã đọc hết quyển truyện của người bạn ngài đưa cho chưa?
Người khách bỗng sụp xuống lạy ông Ðạo:
- Tôi là kẻ có mắt không tròng. Tôi định đến đây chất vấn ông Ðạo đôi điều.
- Tại sao ngài có ý nghĩ đó? Mời ngài ngồi rồi ta nói chuyện với nhau. Ý nghĩ của ngài thật táo bạo, xin ngài cứ việc chất vấn tôi về những vấn đề nan giải của ngài. Chất vấn phê bình là những sinh hoạt tiến bộ trong bất cứ giới nào. Ai có tai thì nên nghe người khác nói. Cụ Mao có dạy: "Người nói không có tội, còn người nghe lấy đó răn mình" (2)
Người khách chắp tay nói với giọng cung kính tối đa:
- Tôi còn mang ý định đó từ mấy phút trước đây, nhưng bây giờ tôi không còn giữ nó nữa.
- Tại sao?
- Thưa ông Ðạo, vì tôi được chính mắt thấy một đấng tiên tri.
- Tại sao?
- Dạ, chính ông Ðạo đã nhận thấy tận tim đen của tôi.
- Là cái gì?
- Dạ, cái ý định buôn vua của Lã Bất Vi trong truyện tàu làm cho tôi dằn vặt suốt ngày đêm. Tôi muốn phất lên bằng con đường Lã Bất Vi.
- Ngài đã thực hành được đên đâu rồi?
- Dạ không biết!
- Ðó là một kế hoạch tuyệt vời nhưng phải có những điều kiện quan trọng sau đây mới thực hiện được:
Một là Mỹ Nhân. Mỹ Nhân thì dễ tìm nhưng tìm được mỹ nhân rồi phải có sự đồng tâm nhất trí. Nàng Triệu Cơ là Mỹ Nhân hấp dân thái tử Tần Bang, đành rồi nhưng nàng phải vâng lời Lã Bất Vi thì mới thành công được.
Kế đó Hoàng Hậu phải là người được vua yêu vì hơn hết các phi tần và là người đàn bà khao khát tình mẫu tử.
Những điều kiện trên đây là sự quyết định thành công của kế hoạch.
- Dạ thưa ông Ðạo, tôi tin rằng tôi có thể trở thành Lã Bất Vi thời nay.
- Ngài cứ kiên nhẫn mà làm, không nên đem kế hoạch mà bàn bạc với hai người. Nhưng có một điều kiện quan trọng nữa là Trời giúp vận. Ngài nên nhớ kỹ trong truyện có nói rằng Triệu Cơ đã có thai 3 tháng khi Lã Bất Vi đem gả nàng cho Thái Tử Dị Nhân. Nếu là trường hợp bình thưòng thì Dị Nhân biết đứa con trong bụng Triệu Cơ không phải là con mình, nhưng Trời giúp cho Lã Bất Vi nên sau 12 tháng đúng ngày Triệu Cơ mới sanh con. Thành ra Dị Nhân không nghi ngờ gì hết nên phong cho con Triệu Cơ chức Ðông Cung Thái Tử. Do đó Lã Bất Vi đạt kế hoạch
500% (xin xem lại lịch sử ở đầu quyển I) Người khách nói:
- Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều. Gian tà thắng chính nghĩa cũng không ít. Bọn bán nước buôn dân lại tự khoác cho mình tấm áo ái quốc ái quần thì nhan nhản trước mắt ta đây. Dù tôi có thất bại cũng tại Trời không giúp vận.
- Nước mình có nhiều con buôn, có Vua Tần nhưng không có hoặc chưa có Lã Bất Vi! Hay có rồi mà mình chưa biết? Ờ..ờ..Tôi e có rồi lắm chứ, nhưng Lã Bất Vi lại không biết mình là Lã Bất Vi...Thiên Võng khôi khôi sơ nhi bất lậu. Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt!
Ông Ðạo nói xong cất tiếng cười vang rồi đứng dậy sắp đi, nhưng một người khách níu
tay ông lại nói:
- Khoan đi đã! Lời nói của ông Ðạo cứu dân độ thế, sao không nhân cơ hội này nói thêm lại bỏ đi đâu?
Ông Ðạo quay lại nhìn người khách rồi hai người nhìn nhau. Trong một giây tương đắc, hai người dường như trở thành đôi bạn cố tri. Rồi ông Ðạo hỏi:
- Chẳng hay quý khách cần điều chi? Người khách nói:
- Tôi là người ông Ðạo hứa xem cho một quẻ đây. Ông Ðạo cười và nói:
- Người có chí mà không có trí. Nãy giờ tôi đã bói điều quan trọng nhất cho quới khách
rồi đó. Và dùng hơi men vùi lấp ưu phiền. Ðó là lời tiên tri của tôi, có phải vậy không?
Người khách đáp:
- Ông Ðạo bói hay lắm. Vậy xin mời ông Ðạo vào Hội Ba Phải của tôi.
- Tại sao?
- Bói toán mà như vậy thì thằng con nít cũng làm được, mựa dùng danh hiệu Ðạo Sò! Thôi dẹp đi, đừng bày trò dối thế nữa.
Ông Ðạo cười ngất ngưỡng:
- Hay hay hay! Ðây là lần đầu tiên tôi bị một người khách mắng vào mặt như tát nước. Nào mặt tôi đây cứ tát thêm vào, nước sông, nước giếng, nước hồ, nước cống, nước ao, nước gì cũng được tôi sẵn sàng hứng tất cả.
Ngưòi khách quát:
- Lão già điên! Thế mà lâu nay tôi có lòng ngưỡng mộ, nay rõ mặt thì chẳng qua là môt kẻ mang hào quang giả.
Ông Ðạo cười khậc khậc:
Cứ nói tiếp đi ông bạn, ủa ông khách. Xin ông hãy ngồi rốn lại rồi tôi sẽ giảng giải lời của
tôi về ông.
Người khách ngồi xuống đất một cách giận dữ:
- Ông Ðạo giảng đi.
- Hì..hì…Ông có chí tức là ông có nghĩ ra việc lớn. Nhưng ông không có trí để đeo đuổi để làm việc ấy cho thành. Như vậy có thể nói là hữu chí bất hữu trí thì cũng coi như là không có chí. Còn quí khách nói tôi là người điên. Tôi xin nhận lời…ấy. Vả chăng thánh nhơn có nói rằng người điên là người hiếm. Khi xưa Quỉ Cốc tiên sinh bày kế cho Tôn Tẩn thoát chết bằng một chữ "Cuồng". Tôn Tẩn đã làm theo và đã thoát khỏi bàn tay độc ác phản phúc của Bàng Quyên. Có phải không? Nay tôi hân hạnh được quí khách tặng cho chữ ấy nữa, tôi e rằng tôi không xứng đáng chứ!
Người khách bỗng sụp lạy ông Ðạo và nói:
- Tôi là người có mắt không tròng. Xin ông Ðạo thứ cho.
- Tôi không dám xưng tôi là đạo sĩ. Chỉ vì người đời gọi tôi rồi quen miệng đấy thôi. Tôi
cũng không có làm nên kinh thánh gì để dựng nên một nền đạo. Ðến như một bậc vĩ nhân như cụ
Hồ chí Minh còn bảo rằng mình không có tư tưởng gì, nữa là một người dốt nát như tôi.
Ông Ðạo tiếp:
- Ông khách bảo tôi điên, thì có thể là tôi điên thật đấy. Ðiên nên mới tách khỏi khối những người khôn ra đây sống cô độc một mình. Ðiên nên mới từ bỏ phiếu thực phẩm cơm trắng cá tươi ra đây ăn rong ăn ốc mà sống cảnh thiếu thốn bần hàn. Ðiên cho nên mới có nhiều người đến cầu khẩn xem dùm tương lai quá khứ. Ðiên nên nhận lời phê bình của nhân gian, ai ghét ai thương đều nghe hết. Thuốc đắng dã tật. Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Vua Trụ mất ngôi vì bọn nịnh thần Vưu Hồng Bí Trọng lúc nào cũng hùa theo với Ðắc Kỷ ton hót đầy tai, đến khi lên ngồi trên giàn hỏa bảo cấm vệ quân châm lửa mới ăn năn, thì chuyện đã rồi. Nhà Thương đã mất.
Người khách ngẩng đầu lên nói:
- Nay tôi mới thấy lời nói của ông Ðạo là quý giá. Ông Ðạo điềm đạm:
- Thiên hạ thường bảo: "Làm nguời khó, làm chó dễ". Nhưng ngẫm ra làm chó khó hơn làm người. Bởi vì làm người như Trần Ích Tắc, như Lê Chiêu Thống, như Ðỗ Mười thì dễ lắm.
Ông khách giật mình chặn ngang:
- Sao ông Ðạo dám phạm thượng xếp cụ Cố ngang với Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống?
- Ðó là lịch sử xếp chớ tôi đâu dám phạm thượng phạm hạ chi đâu. Cũng như người dân tôn sùng Đức Hưng Ðạo Ðại Vương là Đệ Nhất Anh Hùng Việt Nam còn Ðức Quang Trung Nguyễn Huệ là Nã Phá Luân Việt Nam do lòng dân tôn sùng nào phải tự mình leo lên bàn thờ rồi bảo người khác đốt nhang sùy sụp lạy. Nếu người ta lỡ lạy một thời gian rồi khi nhìn lên bàn thờ thấy con quỉ chớ không phải ông thần thì người ta không lạy nữa. Có người im lặng quay lưng, có người đá lật cái bàn thờ. Vậy thôi! Như Ðức Thánh Trần và Ðại Đế Quang Trung thì dù trải bao sương tuyết cũng vẫn hiển hách anh linh. Người ta thường nói vật đổi sao dời, ruộng dâu hóa
ra biển cả nhưng uy linh của Ðức Thánh và của Ðại Đế muôn đời trường cửu như sông núi Việt
Nam không ai có thể sánh bằng và cũng không có ai xuyên tạc được.
Ông Ðạo vừa dứt lời thì có tiếng nói:
- Thưa ông Ðạo, tôi là một trong bốn ngườì khách được ông Ðạo hứa sẽ xem cho. Nhưng tôi nghe qua những lời của ông thì tôi…
Ông Ðạo nhìn lại thì thấy một người đàn bà quý phái, bèn nói ngay:
- Thưa bà, như bà đây thì tiền bạc giàu sang, mênh mông như biển, nhưng ưu phiền lại chồng chất bằng non. Giàu sang không xóa lấp được ưu phiền. Tay bà hái bạc, miệng bà khạc ra vàng nhưng lòng bà không lúc nào vui.
Bà khách đứng chết trân, đôi môi run run không thốt thành lời. Ông Ðạo tiếp:
- Số của bà là sao Cữu Khúc. Càng về khuya càng rạng tỏ. Bà nhờ cái hào quang ấy mà tiền tài công danh có thừa nhưng ưu phiền nặng nề khó cởi. Càng già càng đeo mang.
Bà khách lí nhí:
- Xin ông Ðạo đoán cho tôi về hào tử tôn.
- Cây có nhiều nhánh thì càng hứng mưa nắng bụi bặm nhiều. Mỗi con người đều có số mạng riêng. Người phàm chỉ biết được thôi, chớ không tránh được.
Ðêm khuya canh chầy nhìn về Hà Nội phố phường ngủ im với những con mắt sáng nhấp nháy như nhìn cuộc đời đang diễn tiến muôn màu muôn sắc trên vạn vật. Nước sông Hồng rì rào vỗ chân Đê Yên Phụ. Hồ Gươm, Hồ Trúc Bạch, Hồ Thiền Quang…tất cả hồ đều yên giấc. Chỉ Hồ Tây còn thao thức trong tiếng rao bán chiếu gon hoà cùng tiếng suối Phi Khanh chảy từ nguồn nước xa xăm.
Tôm Hùm Huýt Sáo Tôm Hùm Huýt Sáo - Xuân Vũ Tôm Hùm Huýt Sáo