Tôi chưa từng biết ai phải khổ sở vì làm việc nhiều quá. Chỉ có rất nhiều người khổ sở vì có tham vọng nhiều quá mà lại không có đủ hành động.

Dr. James Mantague

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1459 / 21
Cập nhật: 2015-07-18 12:57:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
à Cán vừa đun xong ấm chè xanh thì có người xuất hiện ngoài ngõ. Anh ta có vẻ không phải người ở xã này nhưng lại dắt xe đạp đi thẳng vào nhà làm như người quen cũ. Nhác trông thấy bà hắn cúi đầu rất thấp và hỏi thăm liên miên:
- Chào cụ ạ. Cụ có khỏe không? Việc đồng áng thế nào? Thu hoạch có được như ý
không?
Hắn vừa chào vừa dựng chiếc xe đạp còn mới ở thềm. Bà Cán nghĩ: Không khéo lại cán bộ ở trên về giải quyết nốt công việc biểu tình biểu tiết còn rơi rớt lại ở vùng ven biển.
Người khách ăn mặc thường phục, mang săng đan chớ không phải dép cao su, mũ da nửa sạt màu xám, lại thêm cặp kính dâm đen đen là. Bà Cán cất tiếng đon đả tỏ vẻ quí khách:
- Mời anh vào chơi xơi nước!
- Dạ cám ơn cụ ạ. Phiền cụ quá!
- Chẳng hay anh ở đâu ta, đến nhà tôi có việc gì vậy?
- Dạ cháu là người trên Hà Nội có bà con ở huyện này. Đi xa lâu ngày nay trở về thăm. Người xưa cảnh cũ thay đổi nhiều nên tìm chưa ra. Nhân tiện ghé đây xin nhờ tí nước. Anh chàng vừa đáp vừa lột cặp kiếng cầm tay.
- Anh làm tôi giật mình. Cụ già để tay lên ngực. Tôi cứ tưởng là trên trung ương cử người về điều tra việc gì nữa đây.
- Dạ vụ nhân dân có ý kiến về chánh quyền thì trung ương đã cử cán bộ cao cấp về giải quyết cả rồi. Nhân dân toàn tỉnh yên ổn làm ăn như trước.
- Vâng ạ! Ơn đảng đã thi hành kỷ luật cán bộ hủ hóa tham ô, dân chúng lấy làm hả hê lắm.
- Đảng còn phải xem xem nhân dân sinh hoạt thế nào, làm ăn ra sao.
- Dạ thì cũng đâu vào đấy như xưa rồi.
- Nghĩa là sao ạ? Anh chàng đưa gọng kiếng vào mồm gặm gặm lắng nghe gia chủ.
- Dạ thì dân ở đây trước cũng như sau cách mạng cứ phải vắt mũi đút mồm, anh cứ xem quanh đây thì rõ, chỉ cán bộ là sân gạch nhà tường ao chum có đủ thôi ạ.
- Theo cháu biết thì từ ngày các cụ ở Tiền Hải rạch cái trống nhà làng nổi lên chống sưu thế năm 1930 tới bây giờ thì đời sống dân Thái Bình này vẫn như thế, chỉ có nhà gạch thì mọc lên lấn át cả nhà tranh thôi. Con thưa thật với cụ, thời Pháp cũng thế mà thời nay cũng thế, thành thị bao giờ cũng dễ thở hơn nông thôn. Việc làm cũng không khó tìm. Cụ cứ lên đó mà xem. Người nghèo đi ngang các nhà giàu có lắm bàn tay vẫy gọi vào bố thí. Ở trên đó người ngoại quốc đến đông, cán bộ cao cấp, ai nấy cũng cứ tiền bạc rủng rỉnh. Người ta cần vú em, chị bếp, con sen, con nhài, tìm không có. Đúng ra là người thành thị lại không thích thuê người thị thành mà lại đi tìm người thôn quê, chân chỉ hạt bột, chân thành dễ dạy, không cắp vặt, không xảo quyệt điêu ngoa.
Anh chàng nói một hơi dài. Bà Cán nghe lấy làm mát dạ, bèn mời:
- Anh xơi nước đi! Thôn quê chúng tôi thì chỉ có chè xanh nước vối chớ làm gì có chè mạn chè sen, anh chiếu cố cho!
- Dạ không dám!
Anh chàng để cặp kiếng trên bàn bưng tô nước lên uống từng ngụm lớn, xong để tô xuống, quệt mồ hôi trán và nói:
- Trên đó bây giờ thiếu gì nghề, nghề gì cũng kiếm tiền dễ dàng. Đến đỗi mài dao mài kéo mà cũng kiếm cơm được. Mà có phải học hành huấn luyện gì cho cam. Không dám nào, cụ cần
đến con thì con xin giúp ạ! Đó là phương châm của ở trên, lá lành đùm lá rách, thương người khác thể thương ta ạ!
Anh chàng vừa nói vừa nhìn nét mặt co dãn của cụ già mà đọc tình cảm bên trong của cụ. Lặng im nhìn ra sân thấy mấy con gà mái vàng đi qua sân, Kính dâm nói:
- Nhà ta nuôi lắm gà nhỉ!
- Vâng tôi chắt bóp mua được 3 con gà giống lấy trứng cũng đỡ được đồng rau, còn gạo thì phải do lao động chính của con bé Mùi. Nhưng mà từ lâu nó cũng không còn lĩnh lương hợp tác xã nữa. Cho dù 4 ký thóc một công nhật, nhưng có còn hơn không.
- Sao thế ạ?
- Hợp tác xã giải tán êm đềm rồi ạ!
Kính dâm xua tay:
- Thế thì cụ theo cháu lên Thủ Đô, cháu có nhà người bà con buôn bán to. Họ sẽ bảo đảm cho cụ việc làm, nhàn lắm, như khảy cái móng tay này này.
- Cảm ơn anh, nhưng tôi chẳng quen đi xa anh ạ! Từ ba đời nay gia tộc tôi bám cái gốc năn gốc lác đồng này mà sống, một tấc không rời. Bây giờ bỏ quê mà đi đến đồng đất nước người biết có bằng được ở đây hay không? Ở quê nuôi mấy con gà con qué mỗi ngày cũng lượm được
3 quả trứng. Năng nhặt chặt bị. Tôi lên đó nhớ cái nhà cái cửa, con gà con qué lắm, làm sao sống nổi?
- Cụ nói thế con rất thông cảm. Ngày xưa con bỏ quê lên Tỉnh không nhớ gì hơn nhớ cái bến đò bờ sông Trà Lý trước cửa nhà con, nhớ nhất những ngày mưa khách mang áo tơi đội nón lá như những con nhím đi giữa trời mưa. Nhớ tiếng sóng vỗ bờ nghe oàm oạp ngày đêm. Những
đêm đầu con không ngủ được, nhưng rồi cũng quen, khi có việc làm, cuộc sống dễ thở hơn, có
đồng hào bỏ túi xủng xẻng quên dần để lo việc kiếm ăn. Nếu cụ nhớ nhà thì vài tháng lại về thăm. Rồi ngày tư ngày Tết cũng về. Xe cộ ngày nay vèo cái là tới, đâu phải khó khăn gì. Rồi ít lâu cụ sẽ quen. Ai hỏi quê cụ ở đâu? Cụ sẽ đáp "tôi ở Hà Nội", chớ cụ có nói cụ ở Thái Bình đâu. Thiếu gì người một kiểng hai quê! Kính dâm nói luôn không nghỉ. Đấy cụ xem bây giờ có biết bao người vào Nam làm ăn phát đạt, có còn coi quê mình là miền Bắc nữa đâu. Cách mạng thay đổi tận gốc, ngay cả con người.
Bà Cán ngồi lặng thinh. Bà đưa mắt nhìn mấy con chim sẻ đáp trên tàu cau nhìn xuống hồ nước. Chúng đến để uống tí nước còn sót lại trong đáy hồ. Cái hồ đã nứt từ lâu không còn dùng chứa nước nữa, chỉ làm "quán giải khát" cho chim. Lũ chim sà xuống đậu ở thành hồ lấm lét ngó quanh không thấy người mới nhảy vào trong hồ uống nước rồi bay vù lên. Hôm nay hình như trông thấy người lạ, chúng cứ đứng ở tàu cau nhìn xuống hồ nước rù rì với nhau rồi lại bay đi.
Bà Cán nói:
- Tôi uống nước từ trong cái hồ này đã hai mươi mấy năm rồi đó anh. Nước ở đâu cũng lạ miệng. Khi có việc đi loanh quanh trong xóm có khát thì cũng về làm vài ngụm. Ông nhà tôi xây nó được hai năm thì mất. Bây giờ nó hỏng ở dưới nền, nước chảy đi, tôi muốn chữa lại mà không có tiền mua xi măng và trả công thợ.
- Ồi! Cụ lên Thủ Đô thì cái hồ này dùng để ủ phân xanh! Ở trên đó toàn ăn uống nước máy, giặt giũ cũng bằng nước máy, không có vi trùng. Cụ lên đó chơi vài hôm nếu không y như
lời tôi nói thì tôi sẽ đưa cụ ra bến xe mà về lại nhà, có khó khăn gì. Cụ được biết Thủ Đô ta đổi
mới cũng không bỏ cái công!
Kính dâm hớp nốt chỗ nước chè xanh rồi đứng dậy:
- Cụ có biết cái Pha ở đằng xóm Đông không?
- Có biết....con bé lỡ dại...ấy mà!
- Ấy thế mà cô ấy sẽ đi Hà Nội nay mai. Lên đấy có hội từ thiện giúp đỡ. Sau khy sinh đẻ nếu muốn nuôi con thì mang về nuôi còn muốn để lại cho chính phủ nuôi thì cứ để đấy, trở về tay không như gái còn son rồi hãy lấy chồng...ai biết gì đâu, chứ cứ ở quê, thì trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường. Một đồn hai, hai tán ra năm, bảy, chín, mười, đau tim nhức óc chịu sao nổi với cái môi dày mép mỏng của thế gian.
Đến sa hầm sẩy hang như cải cách ruộng đất mà đảng còn sửa được nữa là chỉ lỡ dại có một lần. Mà cho dù mấy lần đảng cũng sửa được hết cả!
Rồi Kính dâm cáo từ. Ra đến thềm tay đã đặt lên thay cầm xe đạp, Kính dâm còn gượng lại bỏ câu thòng:
- Nếu cụ đồng ý thì cháu lo cả cho. Cháu chỉ mong giúp được người bản sở...Lâu lắm cháu mới có dịp về quê một lần. Nếu cụ có lên Hà Nội thì xin đến Phố Hàng Cốc hỏi tên Kính, thì ai cũng biết đó là "Kính" dâm, nhưng sợ e chậm trễ người ta đã thuê kẻ khác mất.
Nghe nói thế bà Cán vội vàng bảo:
- Nếu anh có trở lại rước cô Pha thì đến đây cho hai mẹ con tôi sẽ có ý kiến.
- Vâng ạ!
- Anh nhớ đừng có để cho chúng tôi chờ nhé!
Kính dâm vừa đạp xe ra khỏi ngỏ thì cái Mùi từ trong buồng bước ra gắt khẽ:
- Mẹ, sao mẹ quyết định như thế? Bà Cán tiếp:
- Tao nào quyết định cái gì?
- Mẹ nói là mẹ chờ người ta.
- Chờ thì đã sao nào?
- Người ta tưởng mẹ quyết định đi Thủ Đô.
- Đi thì đã sao? Ở đây cùng cực lắm rồi con ạ. Mẹ khổ đã đành, mẹ không muốn con khổ
thế. Anh mày đi giải phóng miền Nam, miền Nam giải phóng hai mươi mấy năm rồi mà chưa thấy nó về cũng không có giấy báo gì cả. Mai mốt mày đi lấy chồng, để mẹ ở với cái hồ bể ấy à? Cái số của dân Thái Bình này là thế, không ở được quê mình, chỉ sống được ở quê người. Mẹ với con lên cả Hà Nội kiếm việc làm, người ta đã hứa rồi. May mà gặp người bản sở chớ không thì mẹ con mình đói chết vẫn chôn chân ở đây, ôm gốc năn gốc lác.
Cái Mùi nói:
- Lâu nay con cũng muốn đi, nhưng không biết đi đường nào, đi đến đâu? Cái Mùi vừa dứt tiếng thì có tiếng trả lời:
- Hỏng biết đi đâu thì đi theo tui nè!
Bà Cán nhìn ra thì thấy một người đàn ông dắt chiếc xe máy đang kêu xình xịch vào đến nửa sân. Anh này mặc quần áo Tây. Có vẻ hách hơn anh Kính dâm vừa đi. Vào nhà, anh ta ngồi vào bàn không chờ gia chủ mời mọc, và nói ngay:
- Nghe tui nè, hãy coi chừng anh Kính dâm! Nó là cò mồi đấy. Nghe nó rồi hối hận không kịp! Anh chàng nói năng như người nhà và nhìn Mùi:
- Ơ kìa, cô bé này ở đâu đến thế?
Anh ta trỏ vào Mùi. Mọi việc đột ngột, cô bé không kịp lẩn vào buồng.
- Như em gái đây lên đó thì kể như 90% trúng số! Hề hề, má và em hãy nghe đấy! Anh ta gọi bà Cán và cô bé ngọt ngào bằng má và em. Ở trên đó có hằng chục nghề, tôi tìm cho được ngay, nghề độc lập chớ không phải công nhân rửa bát lau nhà dưới quyền chỉ huy của người ta đâu. Hãy nghe đây: Nghề đấm bóp là một, giác hơi là hai, nghề xỏ tai con nít là ba, nghề ngoắc là bốn. Cả chục nghề tha hồ mà chọn bằng thích.
- Nghề "ngoắc" là nghề gì mà cái tên nghe kỳ cục vậy ông? Mùi hỏi.
- Tên kỳ cục nhưng nghề không kỳ cục. Đó là nghề đứng bên vỉa hè, mời gọi khách vào quán ăn, quán cà phê, chủ quán sẽ trả tiền cò cho.
- Tiền cò là tiền gì hở ông?
- Tiền cò là tiền công chủ quán sẽ trả cho cô khi cô mời được một người khách vào quán, từ một ngàn đến một ngàn rưỡi. Khỏe ru hà! Cô em ở đây một ngày kiếm được hai ngàn không? Lên đó nếu cô lãnh ngoắc cho quán bia thì một ngày cô cũng bỏ túi 10 ngàn là bét. Đó là trường hợp chủ quán bao ăn bao ở luôn, còn nếu cô ở độc lập thì 15-20 một ngày là dễ như ăn cháo.
Mùi mím môi suýt bật máu, mắt chớp lia, bỗng nói:
- Được rồi. Nhưng ai thuê tôi thì phải bảo đảm cho mẹ tôi luôn!
- Chuyện đó dễ mà, cô em hì hì...Trước đây Thủ Đô còn nhiều nghề hơn nữa, như nghề chùi rửa "bugi" xe Honda.
- Tôi không biết máy móc.
- Vậy thì làm nghề đi đổi dép mới lấy dép cũ.
- Lấy làm gì dép cũ?
- Ấy vậy mà có việc dùng. Dép cũ đem về bán cho lò họ sẽ nấu chảy ra rồi làm ra dép mới đưa cho cô đi đổi dép cũ. Cứ luân lưu vòng tròn như đèn cù vậy.
- Nghề đó chắc mẹ tôi không thích đâu!
- Thế thì đem chăn màn cũ đổi lấy gà vịt!
- Chúng tôi chỉ có chăn màn cũ để dùng, đem đổi rồi mùa Đông tháng giá lấy gì mà đắp?
- Thế thì nghề dắt heo nọc...!
- Nghề gì quái gỡ vậy? Thôi đi, ông cút đi! Đừng nói nhảm nữa.
- Nghề này nghe qua thì không ai ham nhưng sự thực thì hốt bạc đó, dắt nó đi đến chỗ, phó mặc nó làm nhiệm vụ cao cả xong mình dắt nó về.
- Nhưng chúng tôi không có vốn để mua một con heo...
- Thế thì làm nghề thiến heo thiến chó! Nghề này chỉ cần có hai món dụng cụ rẻ tiền, là
con dao nhỏ và một sợi dây thừng. Hoàn toàn không phải bỏ vốn ra. Nếu không chịu nữa thì nghề chữa xe đạp. Nhưng nghề này phải có gốc, vì cần phải chiếm một diện tích hợp pháp trên vỉa hè. Nghề này là nghề ruột của bộ đội giải ngũ, thương binh hoặc ngụy quân mới ra tù. Nếu không có gốc thì khó chen lấn với họ. Có khi tranh giành đến đổ máu.
Anh chàng tiếp tục giải thích:
- Trước đây thì có nghề bơm mực bút nguyên tử và bơm "ga" quẹt máy.
- Bút nguyên tử là bút gì?
- Đó cũng là bút nhưng không có ngòi và không phải chấm mực nhưng vẫn viết được. Người Hà Nội gọi là bút bi. Tôi cũng có một cây đây này. Anh chàng rút cây bút và móc túi lấy mẫu giấy ra quẹt quẹt rồi đưa cho cô Mùi cả giấy lẫn bút.
Cô gái cầm lấy xem và kêu lên:
- Ngộ há! Bút không có ngòi mà viết được! Anh chàng tiếp:
- Nhưng mà bây giờ hai nghề này biến mất rồi, vì dân Thủ Đô đã tiến bộ nhiều. Đây này,
má và em hãy xem!
Anh chàng móc trong túi ra một chiếc bật lửa to bằng bao diêm, bật đánh "xoẹc" một cái, ngọn lửa hiện lên xanh lè, đưa ra gió không tắt, châm thuốc rít một hơi và nói:
- Trước kia nhân dân ta vừa sau chiến tranh còn nghèo nên xài hết "ga" phải bơm thêm, do đó nảy ra nghề bơm "ga" hộp quẹt. Nay dân ta đã giàu, nước ta đã mạnh nên xài hết "ga" là
vứt đi. Mỗi một chiếc giá 50.000, cũng như lốp xe đạp bây giờ hễ chạy banh-ta-lông thì vứt chớ không khâu lại để xài như trước nữa.
Nghề chữa xe đạp hiện nay thịnh hành nhất Thủ Đô nên khó bề chen lấn vả lại phải có một số đồ nghề và phải biết kỹ thuật, phải tập sự một thời gian rồi mới độc lập được nên khó bề. Nếu má có anh nào ở nhà thì con có thể chạy cho một chỗ đứng vỉa hè.
Anh chàng nói dứt lời lại tiếp ngay:
- Má và em suy nghĩ để quyết định nghề nghiệp. Đó là tất cả các nghề con biết còn các nghề khác cũng có nhưng tay ngang khó vô.
Nói xong anh chàng cáo từ, thì chàng Kính dâm trở lại. Anh ta nói ngay:
- Nãy giờ tôi đứng ngoài thềm nghe anh ta kể nghề này nghiệp nọ nhưng còn thiếu một nghề đó là nghề bán trứng.
- Phải đấy! Bà Cán gật đầu tiếp. Nhà tôi có mấy con gà mái mỗi lần tôi lượm được 3 trứng. Sẵn đấy nhập vào bán luôn như công tư hợp doanh vậy.
- Dạ nghề này một vốn lời một rưỡi. Đây là trứng của nước bạn họ thả cho lăn qua biên giới ta. Mua 800 đồng bán lại 1200 mỗi trứng. Nhưng phải chịu khó lên tận Hà Giang, Phú Thọ để đón mối mua ngay mới kịp. Còn một thứ trứng nữa, không phải bỏ vốn liếng gì ra hết, nhưng thu hoạch rất nhiều, bạc triệu là đồ bỏ, chục triệu trở lên...Hé hé...
- Trứng gì mà đắt gớm thế hở ông? Bà Cán ngạc nhiên hỏi.
- Dạ, để giải thích sau! Nhưng mà tôi thấy khả năng của em gái đây thừa sức bán thứ trứng đó. Bây giờ tôi có việc đi gấp, ngày mai đúng 8 giờ tôi sẽ trở lại. Tôi xin lưu niệm cặp kiếng này ở đây để làm tin.
Ra đường thì vừa đụng Kính dâm đạp xe chạy ngang, anh xe máy vẫy lại. Xe máy hất
hàm.
Kính (dâm) đáp:
- 80% kế hoạch nhà nước. Còn đằng ấy?
- 95%! Con Pha chịu bán cái bầu rồi! Thế là "dream" của cậu trở thành sự thực rồi.
- Nếu đưa được con Mùi về trển thì chuyến này hai đứa mình lãi to.
Kính (dâm) và Dream dắt nhau đến cây cầu ván ọp ẹp đứng ở đầu dốc, xe đạp dựa vào xe
"dream", hai chàng bàn chuyện. Kính nói:
- Cái cầu này là một trong những nguyên nhân dân Thái Bình nổi loạn đây. Mấy ông xã lạc quyên tiền dân nói là để cải tiến giao thông tức là chữa lại cây cầu cho các loại xe đều qua được. Tiền gom xong bỏ túi ráo nạo nên chiếc cầu vẫn thế. Người dân sống dưới chế độ dân chủ
50 năm rồi, ai bịt miệng họ được?
Dream gạt ngang:
- Bỏ đi. Bây giờ bàn mục tiêu của mình.
- Thì tớ đã đưa mẹ con mụ Cán vô vòng 80% rồi. Cho vô sâu tí nữa là giật.
- Mụ già thì dễ câu nhưng con bé thì hơi gờm.
- Xì, gái quê thì nó thế. Nhưng đứa nào mà chả ham tiền? Kính dâm xoa tay. Dưới Tỉnh loại dịch vụ này dễ ăn hơn trên Hà Nội. Ở trển cò bán chuyên nghiệp, cò cơ hội lền khên nên chúng mình khó thọc mỏ vô. Cô bé Pha là hàng hiếm đấy nhé. Chủ mua sẽ được lãi to.
- Đằng ấy trả bao nhiêu?
- Tớ đi một vài đường đe dọa, đe dọa về tương lai rồi đe dọa về pháp luật, cô ta sợ lắm,
thừa cơ hội tớ trả giá 2 tê thay vì giá thường là 12 tê.
- Gì bèo thế?
- Miễn cô ta đồng ý thì mình trả cọc 500 ngàn, đến gần ngày sanh thì mình đưa "cha mẹ" đến làm giấy tờ tốn mất 500, mình còn 11 tê, thanh toán tiền Bệnh Viện 2 tê, trà nước phải quấy chừng 1 tê, thêm mọi chi phí vặt vãnh nữa, mình còn 8 tê. Ở dưới Tỉnh gái quê ngây ngô mang bầu loạn xị chẳng thua gì nữ học sinh trên Thành. Vì thế dịch vụ của mình dễ ăn lắm cậu ạ. Tớ ngồi uống chè xanh hút chưa tàn điếu thuốc thì bà quán trỏ một cô bé mang cái bụng lùm lùm chừng 6, 7 tháng, vẻ mặt buồn hiu, bà ta hỏi nhỏ tôi: "anh còn trẻ, có muốn ra tay tế độ không, thì tôi bám mục tiêu cho! Tiền cò 20% thôi". Tớ gật ngay. Cô bé đâu chừng 15, 17, chắc lỡ dại lần đầu!
- Thuộc loại hàng hiếm đấy. Kính kết luận và tiếp:
- Tớ bê cho bà quán 200 liền, để giữ mối. Tớ vừa đứng dậy định đi thì một gã trung niên vỗ vai bảo khẽ "có cần hàng hiếm không?" Tớ gật. Thế là tri âm ngay. Gã dắt tớ đi vào một cái hẻm tối om ngoằn ngoèo hồi lâu tới một cái nhà không ra nhà ở đây có một cô bé bắt đầu làm mẹ hồi 15 tuổi. Cô ta đang giữ hai đứa bé, một đứa là con của cô ta, một đứa là con của bạn thân cô tên Liễu. Cô Liễu có con hồi 14 tuổi. Chồng cô chạy xe ôm, quẹt nhẹ người đi đường. Hai bên cãi nhau, chồng cô Liễu bẻ cây cọc lều quán bên đường đánh người kia chết tươi nên bị tù. Liễu sanh con nhỏ lại phải nuôi chồng ốm đau trong tù nên phải đi làm lúc còn non ngày tháng và gởi con cho bạn nuôi và nhờ bán dùm luôn nếu gặp mối lái tốt thì bán cả 2 đứa! Kính dâm vui vẻ. Trúng mối cá cặp, tớ bỏ bạc cọc và người bạn nhờ người đi kêu Liễu. Tội nghiệp hết sức. Cô Liễu đội mưa chạy về mình mẩy ướt mem, thân hình ốm nhom, mặt mày xanh lét. Cô ta hấp tấp bước lại nắm chân nắm tay đứa bé òa lên khóc nghẹn ngào thinh không trong tiếng nấc, "em đâu có muốn xa con, nhưng ở với em, em biết lấy gì nuôi!" Chồng em bị tù hu hu...hức hức hức...
Kính xúc động ngưng ngang một giây rồi tiếp:
- Nhưng cô bạn của Liễu khuyên: "Nó ở với người khác sẽ sung sướng hơn ở với mày.
Con tao cũng vậy thôi. Rồi mình đẻ đứa khác. Còn gà trống, còn gà mái, thì còn gà con. Lo gì".
Cô Liễu nói: "Chồng tao tù chung thân biết chừng nào về mà gà dò gà con?" Cảnh tượng đau lòng quá cậu ơi. Nếu chúng mình ở trong hoàn cảnh đó thì sao. Tao chịu hết nổi khi nghe hai người đàn bà khóc rưng rức trong lúc hai đứa bé ngủ ngon lành. Tao móc tiền ra đưa cho mỗi người 250 ngàn rồi hẹn ngày trở lại...
Dream nói:
- Chúng mình cũng là người, hơn nữa cũng là cha của một bầy con chớ có phải là chó trâu, gỗ đá, nhưng việc thế nó phải thế. Nếu không có mình tới thì ai cứu mẹ con họ bây giờ?
Nhiều khi tớ cũng tự hỏi thầm nếu mình lâm vào cảnh ấy thì mình có tri ân tụi cò không? Cho nên đành nhắm mắt đưa chân. Thôi đừng nói tới chuyện nhân đạo, người ta đành bán, mình đành mua, thế là nhân đạo rồi.
Kính nói:
- Không biết người ta mua trẻ sơ sinh con nít làm gì lắm thế? Ở Bệnh Viện nào cũng có cò, lớp nỗi lớp ngầm. Có khi hộ lý khoác áo cò chớp nhoáng.
- Có những cặp vợ chồng không con. Có những người đẻ mà cứ sẩy thai hoài không nuôi được cho nên khao khát tiếng khóc trẻ thơ. Nhưng cũng có những người ác độc bóc lột trẻ con. Họ mua chúng về để bắt đi ăn mày đem tiền về nộp cho họ. Tớ đã từng gặp một đứa bé do tớ cò ở Bắc Ninh nay về Hà Nội đi xin ở khu vực Ba Đình. Tớ làm quen, hỏi nó, nó thuật lại hết.
Dream tiếp:
- Có những chủ nuôi 5, 6 đứa con kiểu đó, rồi cho thuê. Cứ mỗi buổi sáng chủ thuê đến trả tiền chủ thầu, rồi bắt một hai đứa trẻ chở đến khu vực đã được họ ăn công ký với các băng đảng khoanh khu. Mấy đứa trẻ đi xin suốt ngày trong khu vực đó, được bao nhiêu thì đem về giao cho chủ thuê. Số tiền thu được nhiều hay ít tùy theo đứa bé "tay nghề" cao hay thấp.
- Ối giời ơi cháu bác Hồ! Nếu bác biết được những chuyện như thế thì chẳng những "đêm
nay bác không ngủ (1) mà đêm nào bác cũng không ngủ!"
- Thôi đi bố khỉ! Đừng có đạo đức giả. Đã làm cái dịch vụ này thì đừng có cảm động vặt. Còn cảm động vặt thì đừng làm. Dream rút trong túi ra một tờ giấy trao cho Kính khi hai người ra khỏi hẻm.
- Giấy gì đấy? Kính hỏi.
- Xem thì rõ! Tớ mua miếng giấy này của một anh xe ôm với giá 200 đấy. Dream đọc một dọc dài, ghi bằng nét chữ nguệch ngoặc như sau:
Bào thai 8 tháng con gái, quê mẹ ở Hà Đông, giá 6 triệu, nếu con trai thêm một triệu. Bào thai gần sinh, con trai 7 triệu. Nếu con gái bớt một triệu.
Hàng hiếm: 10 triệu trai, rất đẹp, sanh 3 ngày.
Hai bé trai 3-5 triệu, tiền cò 100, tiền giấy tờ 1 triệu, người mẹ trả các khoản Bệnh Viện, tiền cà phê, 100 tiền cò.
Kính xếp tờ giấy lại trả cho Dream hỏi:
- Rủi giả mạo cậu làm sao?
- Gã xưng tên là Ba Dơi, chạy xe ôm. Gã cho xem chứng minh thư và số điện thoại xong còn đấm ngực bảo đảm: "Tôi chạy xe ôm ở đây, thấy tội nghiệp đám con nít khờ khạo lỡ dại nên ra tay làm phước, 200 (1) không đủ tô phở!" Dream tiếp. Cái nghề này khác nào chạy hàng qua biên giới hay chơi bài cào. Năm ăn năm thua. Có khi bù trất. Có khi cũng được ba tây. Ở đó mà làm giấy tờ hợp phá..áp. Ba Dơi hứa ngày mai tôi đến sẽ đưa tôi lên xem mặt mấy cái hàng hiếm. Có đứa mẹ còn đi học nhưng do thích ngọt mà bị chúng bạn lừa ăn xong quất ngựa chuối chạy tuốt. Con bé không dám về nhà. Ba Dơi bảo ở đây hộ lý cũng có đứa làm cò. Tụi mình mất mối vì đám đó. Tớ kinh nghiệm rồi cha non ơi! Ở Bệnh Viện tỉnh hàng hiếm giá rất bèo vì tuổi dậy thì ở nông thôn khờ khạo chớ không lém như ở Thủ Đô. Chúng nó muốn thanh toán cục nợ tình cho nên bi nhiêu bi, miễn tống phức đi cho sớm mà khỏi mang tội ác. Có đứa mới 18 tuổi mà đã bán con hai lần. Như thế cũng được tiền như đẻ thuê mà khỏi bị vợ lớn ngầy ngà ghen tương, chưởi bới có khi bị đánh đập không dám la.
Kính gật đầu và nói:
- Tớ có gặp một trường hợp. Cô gái kêu tớ đến nhà làm hợp đồng trước mặt cha mẹ, đặc cọc 5 triệu. Tớ thấy giá hơi cao nên hơi lưỡng lự. Cô vỗ bụng pạch pạch bảo: "dứt giá 10 triệu, thiếu một đồng không bán. Bán để trả thù thằng bố nó Sở Khanh, hắn năn nỉ, xin lỗi tôi để hắn nuôi con, nhưng tôi tống cho mấy đá luôn và không cho biết tông tích người mua. Hắn có bạc tỉ
cũng không chuộc lại được. Ông có mua thì mua, tôi không ép! Ông đừng có ham giá rẻ để hốt của đi khách. Mua về rồi rủi đứa trẻ bị nhiễm vi khuẩn si đa có phải là rẻ thành đắt hay không? Của rẻ là của ôi! Các ông nên nhớ thế!"
Dream thở dài:
- Có mẹ nào không thương con! Nhưng rứt ruột ra mà bán vì họ tin tưởng rằng ở với cha mẹ giả có tương lai hơn cha mẹ thiệt. Do đó dịch vụ của mình cũng có nghĩa có nhân. Ở đâu có cá là có cò. Cò này không ăn cá mà giúp nước cho cá bơi.
Hai người Thủ Đô đi rồi, bà Cán như tỉnh ngộ ra. Bà bảo con Mùi:
- U không đi đâu con! Có chết thì ở đây ăn cỏ ăn lác mà chết. Năm Ất Dậu cả nhà chết hết, u mới có 8 tuổi, nhìn người ta bỏ xác bố mẹ xuống xuồng đầy xác người trong xóm, sáng nào cũng thế. Cứ đầy 3, 4 xuồng xác, người còn khỏe chở ra gò chôn. U cứ quen mắt như thế rồi không biết khóc nữa. Đến thế mà u còn không bỏ xứ lên Hà Nội ăn mày thay, bây giờ còn có cơm bữa đói bữa no sao phải đi!
Mùi nói:
- Thời xưa chết đói, chớ thời nay làm gì có người chết đói nữa u? Thời nay người dân mình đều nói đến chuyện xây dựng địa đàng thiên đàng. Người ta nói ở Hà Nội bây giờ không còn ăn mày nữa. Phố xá mọc lên như nấm, người đông đúc như nêm. Người ngoại quốc đói còn đến Hà Nội kiếm cái ăn kia đấy.
Bà Cán gắt:
- Liệu những nghề ấy mày làm được cái nào mà đòi đi!
- Cái nào con làm cũng được.
- Đi dắt heo nọc à?
- Thì cũng được chớ sao, miễn là đồng tiền lương thiện, không lường gạt, móc túi ai. Bần cùng lắm thì làm công nhân giúp việc cho nhà giàu, cùng nữa thì làm nghề "ngoắc" khách cũng khỏe thôi, hơn ở đây đào ao phác cỏ chứ ạ!
- Tao nghe nói trên đó loạn lắm. Con gái lên đấy hỏng là cầm chắc!
- Nếu hỏng thì ở đâu cũng hỏng, cứ gì lên Hà Nội. Đấy u xem, con Pha, chị Thìn ở đây chả "nên lắm" đấy ư? Tiếng đồn lên cả Nam Định.
- Thì đã đành. Đàn bà có chồng, chồng đi kiếm tiền về nuôi mà ở nhà ngủ với giai, chồng nó không đánh cho cái bã thuốc chó rồi ngoặc vào nhau mà chết thì cũng uổng đời. Nhưng nó không làm thế mang tội cố sát mà nó chỉ nhờ hai đứa em gái của nó rình bắt cho được cặp gian phu dâm phụ. Nó vào nhà bắt quả tang, hai đứa em nó lôi tuột ra đường lột hết quần áo rồi giăng tay giăng chân ra, còn nó thì hò lên: "con vợ tôi nó làm đĩ, bà con lối xóm lại đây mà xem". Nó đi sụt lùi và bấm đèn pin vào chỗ nọ chỗ kia trên con đàn bà cho ai nấy nom rõ. Ối giời đất. Sao nó chưa tự vận đi, mà còn nhăn nhăn như mặt lợn ra đấy.
Cái Mùi kêu:
- Thằng cha đàn ông hèn! Con thì không phục! Cái Mùi tiếp. Đàn ông thì cũng chả tốt lành gì đâu u ạ! Mười vụ ngoại tình thì hết 8 vụ cái quấy ở phía đàn ông. Đấy cái anh Bàng bên làng Đông Tiến giáp ranh làng ta có tốt lành gì. Đã có vợ đẹp con ngoan thế mà còn đi lang, nhưng không giấu được vợ. Không giấu được vợ nên mới thú thật là mình đã thương cái Na và đã ăn ở với nhau cả năm giời rồi. Chị vợ vờ đồng ý: "Anh hạnh phúc là em vui rồi! Em không phải là thường tình nhi nữ". Anh chồng tưởng thật nên định đem cả tình nhân về ở chung một nhà. Chị vợ cũng đồng ý nốt. Anh chồng hồ hởi cách mạng, nên không đề phòng. Đêm nọ bị chị vợ thiến gọn. Hừ, cho bỏ cái đời!
Anh chồng bèn đi kiện lên ủy ban. Ủy ban xử anh "thất" hoàn toàn. Đã thất kiện lại còn tuyệt nòi và mất vợ.
- Con vợ gì vợ lạ vậy?
- Mọi việc hư hại trong gia đình là do đàn ông cả u à! Không có đàn ông thì đàn bà hư hỏng với ai?
Bà Cán gắt:
- Không có đàn bà thì đàn ông lấy gì mà hư?
Hai mẹ con im lặng nhìn nhau một lúc không ai còn lý lẽ gì để bênh vực "phe" mình. Mùi sang đề khác:
- Xã ta đã nghèo mà chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng công an lại tham nhũng. Tiền lạc quyên họ lấy xây nhà gạch, lại còn tiền xây mộ bia cho chiến sĩ ở nghĩa trang mấy chục triệu bạc ở trên ứng cho. Đã hai năm rồi, không có cái bia nào được trùng tu. Tiền đó để vợ họ làm vốn buôn cả, lời ăn lỗ chánh phủ "chịu".
- Mày biết đến thế à? Nghe lõm ở đâu thế? Tai bay vạ gió nghe con!
- 300 cái bia, mỗi cái 100 ngàn. Ba trăm cái là bao nhiêu tiền hở u?
Chiến sĩ hy sinh thân sống cho đất nước độc lập thì để làm gì, không được nấm mồ êm? Nhân dân góp tiền làm gì để mỗi lần qua chiếc cầu lại hổ ngươi nhìn bóng mình dưới nước? Còn nhiều lắm cơ u à! Con không muốn nom thấy những điều trái tai gai mắt ấy nữa, nên con phải đi. Nay là đúng dịp.
- Một dạo tao nghe nói ở trên Tỉnh về trừng phạt cấp huyện, cấp xã có đến 5, 6 chục người. Nhờ thế các vụ biểu tình mới thôi.
- Thôi là thôi ở bề mặt thôi u à, còn bên trong thì vẫn còn sôi sục nóng bức như than hồng
dưới tro vậy.
- Bây giờ mày đi thì an phận mày, còn u ở lại với ai đây?
- Con mang u theo với con chớ. Thủ Đô to lớn nguy nga thế chả nhẽ không có nơi cho mẹ con mình lót một cái tổ rơm, chả nhẽ lại không có hai bát gạo cho mẹ con mình nấu cháo húp hay sao? Con nhớn rồi. Mẹ để con lo toan việc nhà. Con hứa sẽ không làm điều gì để u phải khổ, để bố con tủi hờn nơi chín suối.
- Này Mùi, con nói mẹ nghe cũng thủng rồi! Thôi con có đi thì đi nhưng để mẹ ở lại trông nom cái nhà này. Không gì cũng là mồ hôi nước mắt của bố con khó nhọc một đời mới được. Mẹ còn phải trông nom hương khói cho bên nội bên ngoại con. U nghe ở bờ biển hòn Ngưu giống hình con trâu nằm, hồi mẹ còn bé thì nó ở xa bờ mấy lèo buồm, mà bây giờ nó đã vào giữa đất liền. Ở đó có ngôi Đền Thờ Cụ Thượng. Đền lập ra để ghi ơn cụ đã dạy dân khai phá rừng hoang lập Ấp là đất Huyện Tiền Hải ngày nay đấy. Đền thờ thiêng lắm. U muốn đến đó xin xâm thử xem hậu vận của con hung kiết thế nào rồi sau đó con có muốn đi thì cứ đi.
Bỗng Mùi kêu lên, hai chân quèo một cái gói nhỏ vuông vuông dưới gầm bàn:
- Cái gì thế này hở u?
- Cái gì đâu? Bà Cán khom nhìn dưới gầm bàn.
Mùi nhặt chiếc gói đặt lên bàn. Cả hai mẹ con trố mắt nhìn cái gói lạ. Bà Cán nghiêng qua
nghiêng lại rồi cầm lên để xuống.
- Gói gì thế này? Đâu mày mở ra xem!
Mùi bóc ra. Cả hai mẹ con kêu lên một tiếng "á", rồi đưa mắt nhìn nhau. Bà Cán cứ hỏi không ngớt mồm trong lúc Mùi mở gói ra.
- Cái gì thế này? Của ai thế này? Tiền ai cho thế này?
Mùi nhìn Bác Hồ mỉm cười trên tờ giấy bạc và bắt đầu đếm. Nàng ngắt một tệp để qua một bên và xua tay: "mẹ để yên con đếm cho hết đã nào!"
- Tại sao họ lại đánh rơi dưới gầm bàn. Con ra đường xem họ đi đâu giả lại cho họ. Của rơi không nên nhặt. Bà Cán nói giọng run run.
Nhưng Mùi không đáp, cứ lẩm nhẩm đếm số bạc còn lại rồi gộp vào dộng dộng cho bằng đầu rồi nói:
- Đến những năm trăm đấy u!
- Chỉ từng ấy thôi à?
- Nửa tê còn gì nữa. Ở nhà quê đào đến gãy chục cái cuốc cũng không ra kia đấy.
- Đem mà giả cho người ta con ạ! Mẹ chắc rằng của anh Kính dâm.
- Biết họ đi đâu mà tìm? Nhưng rơi thì rơi ngoài đất chứ sao lại rơi dưới gầm bàn?
- Họ đi đến nhà cái Pha chớ gì.
Mùi không đáp. Bụng nghĩ lung tung. Bỗng nàng nhìn lên vách trên tấm bằng "bảng vàng danh dự" vàng nẫu, bụi bám đầy, bác Hồ cũng cười với cháu gái qua màn nhện.
Mùi nói mà không làm chủ được cái lưỡi của mình:
- Ở trên tặng cho gia đình ta đấy u. Nhưng họ sợ ta ngượng không nhận.
- Hai anh mày đi giải phóng miền Nam đến nay không về mà cũng không có thư từ gì sốt.
- Thế mà ở trên vẫn ghi công gia đình ta chớ không quên! Thôi u đừng nên nhắc mãi. Bà Cán rơm rớm nước mắt:
- Mười mấy năm trước chính phủ đã gởi tờ khen và "bảng vàng danh dự" nay lại gởi
tiền. Ơn bác ơn đảng. Bà Cán nhìn lên vách. Gió nhẹ. Tơ nhện rung rinh.
Hai mẹ con ngầm hiểu với nhau rằng đó là do xương máu của những kẻ đã hy sinh nên bà
Cán bỏ ý định đem trả lại cho người đánh rơi.
Bỗng Mùi vui vẻ:
- Số tiền này mẹ cất lấy để chi dùng trong khi con đi vắng nhà. Mẹ tằn tiện thì ít ra cũng được vài tháng. Chừng ấy con đã có việc làm, con về rước mẹ lên Thủ Đô.
Bà Cán không nói gì. Cứ hết nhìn lên vách lại nhìn chồng bạc. Từ hai nơi cụ Hồ vẫn nhìn bà với nụ cười lặng lẽ.
Bỗng Mùi nói:
- Hay là u trích ra một ít, để mướn thợ hay mua xi măng chữa lại cái hồ nước đi u.
- À ừ...Đó là kỷ niệm của bố con. Mẹ đã có ý định ấy từ lâu rồi. Bà Cán nhìn ra cái hồ. Bầy chim lại đến tìm nước đậu trên thành hồ, có cả một cặp quạ khoan mới xuất hiện. Bà thầm nghĩ và nói:
- Nhưng mà cái hồ đã hỏng từ nền. Muốn chữa phải phá cả ra xây cái khác con ạ! Chứ trét qua loa rồi đâu lại ra đấy. Hư vẫn hoàn hư. Chỉ phí xi măng và mồ hôi thôi.
Tôm Hùm Huýt Sáo Tôm Hùm Huýt Sáo - Xuân Vũ Tôm Hùm Huýt Sáo