Những nỗ lực của bạn chỉ có thể đơm hoa kết trái nếu bạn quyết không bỏ cuộc.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1459 / 21
Cập nhật: 2015-07-18 12:57:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Quyển I Chương I
rời mưa dầm, lại thêm lụt. Càng mưa càng lụt. Cái phố con ngõ cụt đuôi voi này ngày nay sao mà lắm người. Lúc nào cũng nhặng xị cả lên. Chín Ủi ngồi bó gối nhìn xe đạp xe ba gác lội nước. Nhà thì đắp bờ be như đê sông Hồng nhưng cũng không ngăn nổi nước. Chân đê có lỗ rò nước rỉ vào một lúc là vỡ to ra như các đường dây hạm.
Chín Ủi có tên là Chính Ủy vì người ta đồn rằng trước kia có thời hắn làm chính ủy một đơn vị nào đó. Nay không biết tại sao hắn lại về nhà và không trở lại đơn vị, nhưng không có mặt nào dám cạch hỏi lý do. Vì hắn hung lắm. Hỏi ba câu thì hắn gầm gừ. Ai còn dám hỏi đến câu thứ tư thì hắn mắng cho vuốt mặt không kịp. Để trả thù thái độ ấy, dân trong cái hẻm Đuôi Voi này xén bớt một nét trong tên hắn vì thế Chính Ủy thành ra Chín Ủi. Ủy hóa ra Ủi. Rồi gọi mãi thành quen, hắn cũng không phản đối. Đời này là đời cù cưa, có ai phản đối cái gì mà được thành công như ý. Ví dụ như dân phản đối cán bộ ăn hối lộ, dâm ô, hiếp dân, riết "lờn thuốc", kẻ phản đối mỏi miệng chùn chân nên quay ra nghỉ xã hơi dài hạn còn những kẻ bị phản đối thì không sứt miếng da đầu rùa nào mà lại lên chức!...Xã lên Huyện, Huyện lên Tỉnh. Tỉnh lên trung ương, trung ương vô bộ chính trị. Bộ chính trị bị phản đối thì vẫn làm Chủ Tịch, cố vấn, lương lậu, xe nhà còn nguyên, mặc cho chúng bay phản đối "tao cứ lên chưn". Thế nhưng Chín Ủi bị phản đối mà không lên gì. Ủy vẫn còn là Ủi. "Y dài" đổi ra "i cụt". Nhưng mà thôi, đời có những ngoại lệ, hơi nào mà kêu ca ta thán! Chín Ủi làm điếu thuốc Lào, gật gù nhả khói như ông tiên hóa phép phủ mây quanh chính mình. Bỗng có tiếng chân lội nước lỏm bỏm. Chín Ủi nhướng mắt nhìn qua làn khói vừa tan, thì thấy Sáu Xèng đang lội về hướng mình. Chín Ủi mừng quýnh như gặp tri âm, kêu to:
- Bác Cả Sáu đi đâu vất vả thế?
Sáu Xèng đang lội dè dặt, bàn chân mò mẫm nơi đặt cơ sở cho chắc, nghe Chín Ủi gọi thì ngước lên, bỗng trượt ngã lăn xuống nước. Nhưng nước không sâu, chỉ nửa ống chân, nên anh Sáu đứng dậy nhanh và giơ quyển sách trong tay lên, sợ ướt của quý:
- Cái gì thế? Chín Ủi đứng lên đưa tay vời bạn, hỏi.
Đã té một phát nên không sợ té nữa, Sáu Xèng bước ào tới và chụp bẹ cửa của Chín Ủi, bước qua con đê nhỏ vào nhà, an toàn, chỉ ướt quần áo.
- Cuốn gì thế?
- "Lê Duẩn toàn tập". Tớ mang lại cho cậu học đây! Sáu Xèng trao quyển sách cho Chín
Ủi, vừa rủ nước trên quần áo, vừa nói:
- Thời buổi này, con người phải: Nhất lập trường, nhì điểm tựa, ba mới tới khả năng.
- Nhất điểm tựa, nhì lập trường, ba mới khả năng. Chín Ủi cãi lại. Đủ ba điều ấy mới thành đích thị đầy tớ của dân được.
- Ba cái đó thì để đó! Nàm điếu thuốc nào cho ấm rồi ta bàn tiếp.
Chín Ủi đỡ lấy tập sách trên tay bạn và dở ra xem cái bìa bên trong lớp giấy dầu cặp nẹp tre cẩn thận "Lê Duẩn toàn tập" đâu? Chín Ủi hỏi.
- Thì đã cầm trên tay rồi đó, còn hỏi!
- Truyện Tàu thì có!
- Giở vào bên trong xem!
- Những chữ là chữ như rừng Việt Bắc ấy!
- Thì đọc vài dòng đã! Chưa chi đã kêu với chả gọi! Vẽ đường cho dân nổi dậy đấy
phỏng!
Chín Ủi xem, rồi lẩm nhẩm đọc. Một lúc, chép miệng bảo:
- Thằng cha ấy tài nhỉ! Thế gian cóc có thằng nào bằng!
Sáu Xèng đã lấy lại hơi hơi ấm với điếu thuốc Lào. Hắn nuốt chửng mớ khói rồi ngất ngư nói qua giọng u ám:
- Thời xưa khôn hơn thời này. Ngày nay có minh quân thánh chúa...rỡm chứ không có thật. Còn thần dân thì đầu óc bị nhét những bùn đen cống rãnh. Cán bộ từ lớn tới nhỏ đều là một
lũ ma trơi đỉa đói chứ có làm nên tích sự gì!
- Chỉ tài buôn lậu. Chín Ủi thêm vào, và ăn, chúa ăn tạp ăn bẩn, cái không ăn được cũng
nuốt.
- Nhưng buôn lậu mà cũng chẳng bằng ai. Bác nó cứ xem cái đoạn truyện này thì rõ. Xem
thì mỏi mắt thật đấy nhưng chả bù bằng xem mấy cột báo Ngu Dân, ủa báo Nhân Dân. Thôi, bác nó cứ xem đi. Tôi đến đây là cốt đưa cho bác xem cái truyện này đấy. Tôi đi đằng này một lát sẽ trở lại, ta thảo luận phương châm làm ăn nhé! Phi bác ra không có ai để tôi bàn luận.
Nói rồi Sáu Xèng đứng dậy bước ra con đê lội lõm bõm ngoài đường đã biến thành sông mà trên đó xe đạp đang chạy thua thuyền con và người đi bộ.
Chín Ủi vốn quen đọc chữ in, chữ viết nên lia mắt qua là xong phéng mấy trang. Rồi sẵn hắn đọc nốt. Chuyện hấp dẫn thế ấy! Ngày xưa người ta viết chữ nghĩa có ai lãnh đạo hướng dẫn cái đết gì sao đọc mê thế, còn bây giờ bọn văn sĩ cô đầu viết sách cố đọc dăm trang là vứt quyển sách vào xó hoặc dóm bếp, làm đóm hút thuốc lào chả tiếc. Truyện thế này mà không in cho nhân dân đọc, lại in những thứ gì gì gọi là "Tuyển tập Lê Duẩn". Bố cu đọc rách cả mắt, tịt cả mũi chẳng hiểu cụ Lê nói gì. Quanh đi quẩn lại chỉ có ba cái thông cáo kêu gọi tiến lên, ra sức đẩy mạnh, quyết tâm...bài nào cũng lằng nhằng như bài nấy chỉ khác ngày tháng thôi.
Chín Ủi đọc đi đọc lại cái đoạn truyện "Lã Bất Vi Buôn Vua", thì tấm tắc khen: "Bố Lã tài thật". Tiên sư lão học ở đâu mà có bài "buôn vua" này? Cổ Kim, Đông Tây lịch sử chỉ một mình bố Lã, ngoài ra không ai! Buôn gì không buôn lại "buôn vua". Thế mà thành công tuyệt vời chứ lỵ. Lão chỉ là một anh lái buôn, nhưng sau lại trở thành Thừa Tướng và là bố của Vua. Bố của ai không bố, lại bố của Tần Thủy Hoàng là ông Vua uy quyền và tàn ác nhất lịch sử. Cái anh lái buôn này chỉ dùng trí óc và tiền. Tiền làm nên tất cả. Trí óc chỉ cần tí tẹo thôi. Nhưng mà cái tí tẹo ấy nó quyết định sự khôn ngoan của đồng tiền. Có tiền mà không biết sanh phương cũng chả làm ra tiền được. Nhưng có tiền mà ngu như bò thì suốt đời cũng chỉ ôm lấy hộp tiền chứ chẳng ai nể phục. Chín Ủi kết luận: Tiền và trí óc. Tiền đẻ ra trước. Trí óc giúp tiền mọc cánh. Như Lã Bất Vi. Lã Bất Vi muôn năm!
Chín Ủi lên phản nằm dài gác tay lên trán đợi Sáu Xèng về. Bỗng nghe có tiếng lõm bõm trước cửa và tiếng Sáu Xèng:
- Nào, đã xong chưa? Ta thảo luận để đi đến kết luận, sau đó sẽ thi hành. Chín Ủi ngồi bật dậy:
- Tôi chờ bác nó về để mở đại hội, xem ta có áp dụng được phần nào không.
Sáu Xèng bước vào ngồi lên phản thì có tiếng loa ở đầu hẻm: "Toàn dân quyết tâm đắp xây xã hội chủ nghĩa..."
Chín Ủi hất hàm sang Sáu Xèng:
- Bác nó thấy lời kêu gọi có gì đổi mới không?
- Mới chứ lỵ!
- Trước kia là xây dựng, nay là đắp xây. Trước kia là chủ nghĩa xã hội, nay là xã hội chủ nghĩa. Ông Lê tổng bí đã tuyên bố là dù mất một trăm năm để tiến lên xã hội chủ nghĩa cũng mất mà! Thằng thế mà làm đầu đảng!
Độc giả thân mến (tôi xin đả thông quý đồng hồ về phần này một tẹo kẻo có vị bảo là nhà văn bịa tạc) Xin thưa rằng năm hai ngàn này khác hẳn với năm 1975-1978 ạ! Dân không còn sợ
cộng sản chút nào mà cứ nói thẳng như tát nước cống vào mặt chúng nó vậy. Nhiều cán bộ lại chửi lãnh đạo, ngu như bò, ăn như lợn, chơi gái như dê, bẩn như chồn v.v... (nguyên văn) là sự thường.
Thực tế đẻ ra ngôn ngữ. Nếu có thấy trong thiên truyện này nhiều đoạn đối thoại "hốt hền" thì cũng đừng hết hồn, bảo chàng nhà văn này phịa hoặc lên gân chống cộng. Mà đó là sự thật chăm phần chăm em ơi, chỉ e rằng kẻ cầm bút này viết ra không hết thôi. Nếu có dịp về bển hoặc gặp bà con ở bên qua đây, quý vị "double check", nếu sai sự thiệt thì tôi sẽ chịu tội chém ngang lưng. Ngay lúc viết truyện này, đến ngay dòng này, một người bạn vừa ở Sài Gòn mới qua có cho tôi biết "y chang" như vậy, nghĩa là "việt cộng làm nát đất nước và dân coi chúng không ra xu teng nào cả! Chúng nó bán hết đất, bán luôn cả bàn thờ ông vải rồi!" Ông bạn kêu to trong phone với tôi như thế.)
Chuyện cộng sản bán đất, xin tìm đọc thêm bài viết của Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ đăng trên www.thuvienvietnam.com với đầy đủ chi tiết và hình ảnh.
Bây giờ xin trở lại chuyện của Sáu Xèng và Chín Ủi. Chín Ủi hất hàm sang Sáu Xèng:
-... Thằng ngu thế mà cũng làm đầu đảng. Đảng gì?
- Đảng gì thì đảng, bác nó đã biết rồi, còn phải hỏi.
- Đó là lối "phản phúc" của Trung Quốc. Biết rồi, nói mãi nên người ta phải in vào trí.
- Cũng như cụ cố Hồng à?
- Cụ cố Hồng nào?
- Trong "Xuân Tóc Đỏ" của Vũ Trọng Phụng!
- Ồ Xuân Tóc Đỏ với Hạ Tóc Vàng ấy à?
- Vạn tóc mai! Trong "Làm Đĩ" hay "Lục Xì" gì đó của Vũ Trọng Phụng tôi quên rồi!
- Ở đâu bác nó biết những nhân vật lạ vậy?
- Lục trong "đống rác" xã hội chủ nghĩa ấy! Cái gì xã hội chủ nghĩa trước đây quăng đi cho là tàn dư của phong kiến và tư bản đế quốc để lại, thì bây giờ chính xã hội chủ nghĩa lại nhặt lên liếm cho "sạch bụi". Không cần đem hấp ở lò Mác xít Nguyễn ái Quốc, mà cứ đem xài chẳng những nguyên xi mà còn nhân lên gấp bội. Và chính tác giả của những "tàn dư" ấy thấy cũng phải lắc đầu chào thua.
Chín Ủi nói:
- Thời bây giờ tôi tin là có nhiều cái cần phải "lục xì" hơn thời trước anh bạn à!
- Tôi cũng không biết nói sao, nhưng cuộc sống bắt buộc chúng ta phải ngoi lên để sống và muốn sống sướng, sống ngon lành phải có tiền.
Chín Ủi tiếp:
- Tôi nảy ra ý định muốn đi buôn Vua như họ Lã nhưng mà có người đã làm trước mình rồi. Không biết ông ta noi dấu người xưa mà tiến bước hay nhắm mắt tiến bước rồi trùng dấu người xưa?
- Không biết được! Những ông sử gia có khi ngay thẳng, cũng có lắm ông cong queo nhất là những chuyện trong cung cấm, nếu Nhà Vua cầm tay Sử Gia bắt họ viết theo ý mình thì kẻ hậu thế làm sao mò ra sự thật được? Còn vụ buôn vua của Lã Bất Vi thì đời nay có ai làm được đâu!
- Bác nó nói thế là nhầm, nhầm to rồi!
Sau đây là tóm tắt câu chuyện Lã Bất Vi buôn vua mà Chín Ủi vừa đọc trong truyện Tàu. Tôi xin ghi đại nét theo trí nhớ của tôi (XV)
Lã Bất Vi là một tay thương buôn ngọc ngà châu báu ở nước Triệu vào thời chiến quốc, tức là cái thời mà nước Tàu phân ra hằng trăm nước lớn nhỏ. Ai hùng cứ được một phương, chiếm được lòng một số dân thì có thể xưng vương xưng bá và rạch chia ranh giới do mình làm chủ. Thời đó có thể kể các nước lớn là Tần, Tề, Ngụy, Sở, Hàn, Triệu, Yên, còn nước nhỏ thì
không đếm hết, cũng không thể biết hết. Chiến tranh như cơm bữa. Đánh nhau như bằm bầu. Sáng bạn chiều thù, nay hòa mai đánh, tình lân bang không thể bền chặt môi răng gì cả. Vì một người đàn bà hay chỉ vì một hiềm khích nhỏ 2 nước bạn cũng có thể bôi mặt đánh nhau chí chết.
Lã Bất Vi làm ăn trong tình hình chính trị này. Họ Lã không hoạt động chính trị, không làm quan, chỉ lo làm giàu bằng nghề buôn ngọc. Lúc bấy giờ hai nước Tần và Triệu đang hục hặc nhau, Tần yếu thế hơn Triệu nên nước Tần phải đem con trai là Dị Nhân giao cho nước Triệu để làm con tin, một sự bảo đảm Tần không dám xâm lăng Triệu. Khi tình hình gay go, Triệu muốn đem Dị Nhân giết đi để tuyên chiến với Tần. Nhưng có kẻ khuyên can nên Dị Nhân còn sống sót và bị đày ở một miền biên thùy heo hút của nước Triệu. Một hôm Lã Bất Vi vượt biên thì bắt gặp Dị Nhân, một thanh niên khôi ngô tuấn tú, bèn làm quen thì biết được hoàn cảnh của Dị Nhân. Lã Bất Vi một tay bán trời không mời thiên lôi, bèn nghĩ ngay:
- Đây là món lãi to, sao ta không nắm lấy cơ hội để buôn bán?? (Thật là một ý nghĩ táo bạo và thiên tài. Trong nghề buôn chính trị, từ xưa tới nay chỉ có họ Lã "là một!" So với ý nghĩ trồng cây 10 năm, trồng người 100 năm của ông Hồ, thì ông Hồ còn kém họ Lã mấy phân gà. Họ Lã trồng người như nấu mì ăn tức thì!)
Khi về đến nhà họ Lã bèn hỏi bố:
- Buôn gì lời nhất hả bố? Người bố đáp:
- Thì buôn châu ngọc là lời nhất, mày còn phải hỏi. Lã Bất Vi thưa:
- Buôn ngọc lời nhưng buôn vua còn lời hơn.
- Làm sao có ông vua nào cho mày làm của mà buôn?
Lã Bất Vi bèn kể lại trường hợp của Dị Nhân. Và họ Lã quyết chí buôn vua như ý định đã có từ lúc gặp Dị Nhân. Lã bèn dùng vàng bạc mua chuộc vị Tướng quân chịu trách nhiệm canh phòng Dị Nhân không cho trốn về nước Tần.
Nhờ mua chuộc được vị quan và đám lính canh, Lã rà rê làm quen với Dị Nhân rồi ngày lại ngày trở thành bạn. Trong những lần trà rượu, Lã khêu gợi lòng nhớ quê hương của anh chàng Thái Tử này và nắm được sơ yếu lý lịch của anh ta như sau: Dị Nhân là con của một Cung Phi Vua Tần tên là Hạ Cơ nhưng Hạ Cơ đã chết. Vua Tần có hằng trăm con trai rơi rớt không ai chăm sóc, thậm chí chính Vua cha cũng không biết hết. Dị Nhân đang chịu số phận hẩm hiu của bầy con vua đó. Nhưng Vua Tần lại có bà Hoa Dương Chánh Cung Hoàng Hậu rất xinh đẹp rất được Vua sủng ái mê đăm. Vua Tần chưa già song cũng đã luống tuổi nên ước mong có con để kế vị nhưng Bà Chánh Hậu lại không đẻ được một cái bọc điều nào cho Vua nhờ.
Lã Bất Vi nắm được những yếu tố ấy nên lại đem tiền bạc lo lót để vào ra mắt Hoa Dương Hoàng Hậu nước Tần. Đồng tiền luôn luôn là đạo quân tiền phong giúp cho họ Lã chiến thắng. Thời nào cũng thế nếu tiền không tiên phuông thì cũng là chủ soái.
Vào bệ kiến Hoa Dương Hoàng Hậu, họ Lã đánh ngay chỗ yếu của người đàn bà. Đây là chỗ yếu tinh thần không phải chỗ "kia" (xin nói rõ) nhưng cái chỗ yếu tinh thần này còn quan trọng gấp mấy chỗ yếu "kia". Họ Lã giảng giải:
- Đức Vua (Tần) nay đã già mà Hoàng Hậu chưa có con, rủi Vua băng hà thì có người kế vị mà người ấy không phải là con của Hoàng Hậu, liệu Hoàng Hậu có giữ được ngôi vị Thái Hậu chăng? Chi bằng nhận Dị Nhân làm con thì ngôi vị ấy không mất.
Hoa Dương Hoàng Hậu nghe chí lý, bèn nghe lời Lã Bất Vi nhận ngay Dị Nhân làm con, cố nhiên Dị Nhân trở thành Đông Cung Thái Tử. Trở về nước họ Lã đem nàng hầu là Triệu Cơ gả cho Dị Nhân để giúp Dị Nhân sống những ngày xa quê hương thiếu thốn tình cảm, nhưng Dị
Nhân không biết rằng Triệu Cơ đã có thai với Lã Bất Vi ba tháng rồi!
Hoàng Thiên lại giúp cho gã lái buôn thành đạt mọi mưu đồ. Vua Tần băng hà, Dị Nhân
được triệu về lên ngôi. Triệu Cơ làm Hoàng Hậu là dĩ nhiên. Lã Bất Vi được phong làm Thái Phó hưởng lộc ba vạn nóc nhà. Nhưng chưa hết. Hoàng Thiên lại giúp gã lái buôn lần thứ 2. Triệu Cơ mang thai 12 tháng mới sanh con nên Dị Nhân cứ tưởng là con của mình và đặt tên là Chánh. Không ngờ Chánh là hòn máu của gã lái buôn, tức là Tần Thủy Hoàng sau này. Nhưng vẫn chưa hết. Lúc Thái Tử Chánh được 13 tuổi thì Dị Nhân ốm nặng. Triệu Cơ a tùng với Lã Bất Vi đánh thuốc độc cho Dị Nhân chết để con mình sớm lên ngôi và Lã Bất Vi sớm nắm toàn bộ quyền hành nhiếp chính. Thế là Lã Bất Vi buôn vua thành công hoàn toàn. Bây giờ với quyền hành tóm thâu trong tay: Họ Lã là Thái Thượng Hoàng tha hồ ra vào với Thái Hậu là Triệu Cơ cố nhân chớ còn ai khác! Người đời có ghê răng anh lái buôn chưa?
Chín Ủi nói:
- Nếu bác nó bảo là chuyện buôn vua độc nhất vô nhị cổ kim chỉ có Lã Bất Vi là nhầm rồi.
- Còn ai nữa bác thử kể ra xem. Chín Ủi thong thả đáp:
- Lịch sử chỉ là một sự lặp lại khéo léo của hóa công. Đôi khi người ta phải có mắt tinh đời thì mới nhận ra được.
- Thì đâu, chỉ xem nào!
Chín Ủi chậm rãi tra liều thuốc vào nỏ, châm hút rồi khật khà, khật khù nói:
- Ở ngay bên hè đây chứ đâu. Ông bạn không thấy không nghe gì hết hay sao?
- Tôi đâu có mù cũng chưa có điếc, nhưng nghe thấy cả trăm chuyện, biết chuyện nào?
- Ông bạn không thấy thằng Mán lên ngôi thiên tử hay sao?
- Thời đại dân chủ xã hội chủ nghĩa này làm gì có vua, mà có thằng mọi rừng làm vua?
- Người ta đồn rùm. Ta đang sống thời mạt cộng. Cho nên khiến xui Nông đức Mạnh làm tổng bí thư một đảng có hơn 2 triệu đảng viên và xưa nay vẫn tự hào là lãnh đạo dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này sang thắng lợi khác.
Chín Ủi nói xong ngồi im như phổng, chỉ cặp môi dày hơi giật giật hình như muốn phát ngôn thêm. Sáu Xèng bị cái nhận định chổng ngược phao câu của bạn làm cho nghẹt cuống họng, chưa biết phản ứng cách nào. Thì Chín Ủi lại tiếp:
- Ông Thủ Tướng chết đúng ngày 30.4 là ngày giải phóng miền Nam. Ông Chủ Tịch nước theo tổ Mác đúng vào ngày 2.9 quốc khánh. Đó là điềm phi sa tẩu thạch. Rồi linh qui chết cạn trên đường Tràng Thi, liền với việc cây đa lập quốc trốc gốc. Và sét đánh sạt một góc lăng Bác. Nay tên Mạnh sắp làm vua cả Hà Nội đều hay, quả là trời muốn tuyệt diệt nòi giống Lạc Hồng mình rồi đấy.
Sáu Xèng như tỉnh giấc mộng dài, bèn dẩu môi ra:
- Dề! Bác nó nhận định sự việc chẳng có "liệng trứng thối hoắc" chút nào. Đó là những dữ kiện xã hội đúng theo nhà Mác. Có sinh tất có diệt. Bác và Thủ Tướng ra đi những ngày đó có chi là gở? Còn việc đồng chí Nông đức Mạnh lên làm tổng bí thư là một sự kiện lịch sử rất ngoạn mục. Xia kia, đồng chí Hoàng văn Thụ là người gì mà cũng làm tổng bí thư? Trong đảng hễ ai có tài có đức thì được giao cho nhiệm vụ cao. Chớ không phải là điềm điều gì cả. Nó càng không phải là sự lặp lại của lịch sử "Lã Bất Vi buôn vua" ở bên Tàu ngàn năm trước!
Chín Ủi chống chế gượng gạo:
- Thì tôi cũng nói chơi cho bõ cái công bác nó không ngại đường sá bị ngập lụt mang quyển truyện lại cho tôi xem vậy mà!
Sáu Xèng cười:
- Anh đã từng làm chánh ủy mà không có lập trường vững. Mới bị người ta phản kích có một hèo đã vội đầu hàng, thỏa hiệp. Thế thì chính ủy cái gì?
- Tôi chỉ làm chánh ủy một đội dân công thồ gạo thôi chứ có phải là cấp bậc gì trong quân đội đâu. Tôi không dám đấu mép với bác Sáu nó nữa.
Sáu Xèng được thế làm già:
- Những điều bác nó vừa tương ra đều đúng cả. Tức là "Lã Bất Vi buôn vua" tái diễn. Nhưng hiềm một nỗi là ta không biết đích xác Lã Bất Vi là ai.
- Đó là một tên Mán đứt đuôi con nòng nọc đi rồi. Chín Ủi quả quyết. Nhưng lý lịch hắn ra sao chưa ai nắm được! Chẳng có lẽ hắn lại cùng họ "Lã" hay sao?
- Nhưng nếu không, sao lại có sự trùng hợp lạ kỳ như vậy?
- Ừ nhỉ. Lã Bất Vi gã nàng hầu của mình cho Dị Nhân lúc nàng đã ôm cục máu họ Lã trong bụng được 2 tháng. Còn Nông đức Mạnh lên làm tổng bí thư lúc 61 tuổi nghĩa là từ năm
1940 đã có sự "buôn ngọc" rồi mà chưa ai biết! Ngay cả người bỏ "vốn" ra cũng không hay.
-... Và cũng không chắc rằng mình được lãi to thế!
- Hay đây chỉ là một sự vô tình mà hóa ra cố ý? Không ai biết được! Có điều là thằng cu Mạnh lúc học ở Hà Nội thì ở trọ nhà sàn của bác trong khi Dinh Toàn Quyền. Lịch Sử cứ lơ lửng con cá vàng vậy thôi thì ai mà dám quyết đoán một điều gì khi người trong cuộc thì chối, còn bọn nha trảo thì lại che đậy.
Sáu Xèng nói:
- Tên Mán kia không có óc thương mại buôn vua như Lã Bất Vi đâu. Đó chẳng qua là sự ngẫu nhiên. Vợ hắn đi hái củi ở trong rừng rồi bị "tai nạn" trong hang "Pác Pó". Anh chẳng nghe Nông đức Mạnh trả lời một thằng Tây Ba-lô ngớ ngẩn hay sao? "Tất cả người Việt Nam đều là con cháu Bác Hồ!". Khỉ thiệt.
Chín Ủi gật gù, tổng kết như bài học chính trị:
- Sở dĩ Lã Bất Vi thành công là nhờ mấy yếu tố sau đây:
Trí tuệ phi thường, dám nghĩ dám làm một việc cổ kim chưa từng có. Nhờ đồng tiền mở đường.
Biết đánh trúng điểm yếu của đối tượng.
Ngoài ra còn những thủ đoạn khôn khéo khác, linh động ứng phó tùy lúc tùy thời cơ. Sáu Xèng vỗ tay khen:
- Thế mới gọi là Chính Ủy chứ! Tôi mang quyển truyện lại cho anh đọc để áp dụng mà tìm cách tiến thủ lập nghiệp. Ở cái tuổi của chúng ta thì cũng không phải là sớm nhưng cũng chưa phải là muộn. Nhưng ông bạn nên nhớ rằng tên Mán này nghèo rớt mồng tơi chứ không phải giàu có như Lã Bất Vi. Đây là trời giúp vận cho nó hoàn toàn.
Chín Ủi nói:
- Cái lối làm ăn của Lã Bất Vi không có thể đem áp dụng vào thời dân chủ này được đâu anh ạ! Như anh biết, thời dân chủ tiến bộ đã lấn át hẳn thời Quân Chủ. Nước nào cũng bầu Tổng Thống, Chủ Tịch, chứ có vua nước nào cha truyền con nối đâu, ngoại trừ nước Triều Tiên của Kim nhật Thành, truyền ngôi cho con làm trò cười cho thế giới. Vì thế dù có một chục Lã Bất Vi tái sanh cũng không thi hành việc "buôn vua" được! Tôi lấy ví dụ như anh có một bà vợ bé sắc nước hương trời đã mang bầu tâm sự với anh hai tháng. Anh đem bà ta gả cho Trần Bất Lương, hay Phan Văn Khỉ, thì khi hòn máu của anh ra đời nó cũng chỉ muôn ngàn đứa trẻ khác chứ nó không thể ngang nhiên là Chủ Tịch nước hay Thủ Tướng chính phủ như con của Lã Bất Vi đẻ ra là "vua con" được!
Sáu Xèng thở dài buồn chán:
- Vậy thì ta còn cách gì tiến thân vừa nhanh vừa cao và vừa lâu bền bây giờ? Tôi đem truyện lại cho anh đọc để mong nhờ cái cao kiến của anh, mà nghe anh phát biểu, tôi hết ham sự đời! Mình phải làm thằng khố rách áo ôm trọn kiếp hay sao?
Chín Ủi nói:
- Đâu phải buôn vua mới được lãi to. Xã hội ngày nay có hàng trăm đường tiến thủ. Cứ gì ngồi trên ngai vàng mới là vua? Có những ông "vua" hơn cả vua.
- Nghĩa là thế nào?
Chín Ủi xòe tay ra, xỉa từng ngón một:
- Vua buôn lậu, vua chạy áp phe, nữ hoàng sắc đẹp, vua bịp, vua...lắc...Ở các nước tư bản người ta đâu có nô nức tranh ghế Tổng Thống bằng làm vua dầu hỏa, vua xe hơi, vua khí dầu. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Ai đã bò lên tuyệt đỉnh của nghề mình cũng là vua cả. Tuy không mũ miện long bào nhưng vẫn là vua. Đường tiến thân ở chế độ ta thênh thang hơn nhiều hơn những chế độ xưa chứ!
Sáu Xèng nhìn Chín Ủi và bật ra tiếng:
- Anh đùa đấy à? Anh mỉa mai đấy à? Chín Ủi khoa tay quả quyết:
- Không! Tôi không đùa! Tôi không mỉa mai! Tôi nói thật! Tôi nhìn xã hội ngày nay với cặp mắt duy vật "liệng tướng xuống đáy thực ẩu luận" đàng hoàng chứ không có phiếm diện và thiên vị đâu!
Xã hội là cái gì? Đó là một tổ hợp của các giai cấp. Không có xã hội nào không có giai cấp. Xã hội không giai cấp là một xã hội láo toét, không có trên thế gian này. Nếu xã hội cộng sản là một xã hội trong đó "con người làm việc theo khả năng và hưởng theo nhu cầu" thì một là: Không ai muốn có xã hội đó vì thằng siêng năng, tài giỏi và kẻ lười biếng, bất tài đều hưởng như nhau, hai là xã hội đó chỉ có trong đầu thằng ngốc Các Mác thôi chớ không thể có trên mặt
đất được. Anh thử tưởng tượng một thằng thợ hồ làm việc một ngày 8 giờ đổ mồ hôi xót con mắt
cũng lãnh khẩu phần như một tên quét rác, thì ai thèm đi làm việc chi cho mệt. Hụ hợ suốt ngày rồi cũng lãnh lương ngang với kẻ làm lụng như trâu, chẳng khỏe hơn sao? Xã hội nào dư thừa sản phẩm để phân phát cho những tên ăn không ngồi rồi nhớt thây chứ? Anh cứ tưởng tượng một ông Thủ Tướng ăn lương bằng một anh thừa phái thì ai thèm ra làm Thủ Tướng chi cho mệt?
Sáu Xèng xua tay:
- Tôi xin can bố non! Nói một hồi nữa bố sẽ trở thành phản động và vô nhà pha bây giờ! Chín Ủi nói:
- Tôi hăng quá nên phun ra cả những điều chất chứa trong lòng. Bây giờ xin trở lại vấn đề. Chúng ta đang đứng trước ngã năm, ngã bảy của cuộc sống: Buôn lậu, chạy áp phe, chủ động đĩ, buôn người v.v...đường nào cũng có thể phất cao được cả, chỉ cần ta chọn đúng đường nghĩa là hợp với khả năng ta hay không thôi!
Sáu Xèng đột ngột hỏi:
- Anh chọn đường nào cho tôi theo với!
- Tôi đang phân vân trước các ngõ đường, nhưng tôi đã ngắm nghía ba đường chính.
- Những đường nào?
- Buôn lậu trước nhất.
- Tại sao anh chọn con đường bất lương đó?
- Tất cả những con đường tôi vừa kể trên đều giành cho những kẻ bất lương cả. Những ai còn có chút đỉnh lương tâm đều không khứng đi vào đó, dù chỉ là một bước. Sở dĩ tôi chọn con đường buôn lậu là vì chỉ có buôn lậu thì mới phất nhanh được. Có tiền trong tay rồi anh đi trên đầu thiên hạ chớ đâu có đi trên mặt đất. Ủa, tôi nói thật mà. Thằng Đại Öy Vũ xuân Trường buôn lậu cả chục lần, bao nhiêu tấn bạch phiến lọt lưới, mà nó chỉ bị bắt có một lần!
- Là tử hình!
- Tử hình là tử thằng khác, còn thằng Đại Öy thì vẫn đi buôn với cái thẻ chứng minh mang tên khác của bộ bất an cấp cho, anh hiểu không?
- Tôi chẳng hiểu đếch gì cả.
- Anh ngu bỏ mẹ đi, thế mà đòi "buôn vua" buôn thế chó nào được! Nghe đây này, người ta xử bắn thằng Trường lúc 4 giờ sáng, và không cho ai xem. Chỉ cho thân nhân tới lấy xác về
chôn thôi! Nhưng trước khi vào nhận xác bố thằng Trường đã được đả thông: "đây không phải là xác của con ông, nhưng ông cứ đem về chôn cất làm ma chay tử tế, khóc lóc kể lể thật to, kể tội mấy tên đầu nậu ăn chia né tránh để cho Trường lãnh đủ một mình v.v...nhưng nhớ một điều không được quên là "chuyện phải quấy" cho xứng đáng. Nếu ở trên không hài lòng thì thằng Trường thật sẽ bị xử bắn bằng đạn thật! Nghĩa là 6 viên vô ngực và một viên vô lỗ tai". Rõ chưa?
Sáu Xèng ngơ ngẩn hay làm bộ ngớ ngẩn, không rõ lẽ nào:
- Có chuyện đó nữa sao?
- Tôi bịa được à? Ai dám bịa một chuyện như thế để rồi theo ông vãi?
- Anh nói làm như anh ở trong cuộc.
- Không ở trong cuộc nhưng mà như ở trong cuộc. Chết như bỡn, nhưng tôi vẫn chọn con đường "Bờ Lờ" để tiến thân. Nhưng mặc dù bị tử hình giả, mình cũng phải sắm ô che đề phòng khi mưa gió, như đồng chí Trường Chinh nói hồi 1958: "Dù trời nắng ta cũng nên mang ô theo, vì không biết trời có "mưa" bất ngờ hay không?" Câu nói đó chí lý vô cùng. Ví dụ rõ ràng nhất là chị Hai Thanh Tân, Chủ Đường Sơn Quến, khi sập tiệm, tòa kêu án 10 năm tù ở, nhưng chị Hai thân mến có ở ngày nào, trái lại chị còn được đàn em cơm bưng, nước rót và ngủ nệm lò xo hẳn hoi.
- Thế à?
- Thế à với thế chẳng à! Cái anh này làm như mới ở trên cung trăng mới bị rốc kết phóng xuống hành tinh này vậy. Nhưng mà số phận của chị Hai không phải chỉ đến đây là "đứt chỉ hậu thung". Cũng vì chị có chút nhan hồng, hơn nữa là phu nhơn của một cán nhà cấp huyện. Chị Hai được đưa về làm Chủ Tịch ủy ban bảo vệ sức khỏe trung ương! Nghe đâu sắp vô trung ương nữa đó.
Sáu Xèng lắc đầu nguầy nguậy:
- Sao đại ca biết nhiều chuyện vậy? Tôi có tai như điếc.
- Tôi chỉ nghe lỏm theo các đường dây nhánh mắc xuyên qua Ba Đình thôi, nhưng mà tin
vịt.
- Nghĩa là giờ chị Hai đang còn tại đường và tiếp tục phục vụ cách mạng?
- Chẳng những tại đường mà còn thăng quan tiến tước hơn trước kia nhiều! Chị Hai làm
Chủ Tịch tối cao của Ủy Ban bảo vệ sức khỏe trung ương và phụ trách câu lạc bộ chỉ dành cho trung ương tới chơi thôi.
- Cái Ban này thành lập là do sáng kiến của đồng chí Lê đức Thọ, nay ông ấy đi theo Bác rồi mà còn bị nhân dân tặng phân lên mộ để tỏ lòng thương nhớ.
- Ồ! Lãnh tụ đảng ta ông nào mà chả bị nhân dân nguyền rủa sau khi chết! Nhưng cái đáng kể là sự nghiệp của họ để lại cho nhân dân. Đồng chí Lê đức Thọ làm trưởng ban tổ chức trung ương, suýt chút nữa làm tổng bí thư đảng cộng sản Đông Dương gồm 3 đảng cộng sản Việt Miên Lào đứng trên đồng chí Lê Duẫn một cái ghế. Nhưng rủi cho đồng chí Lê đức Thọ là đảng cộng sản Đông Dương không thành hình nên đồng chí chỉ đến điên Chăm Cà Mum ngũ lang với nữ đồng chí Xam Cà Rây ủy viên bộ chính trị đảng cộng sản Mên do đồng chí Thọ tấn phong đặc cách vượt bậc. Đó là thành tích quốc tế của đồng chí Thọ, còn ở trong nước thì đồng chí để lại Ban "bảo vệ sức khỏe trung ương" như tôi vừa nói. Hiện nay ban này do nữ đồng chí chị Hai điều hành và đổi tên là câu lạc bộ trung ương được đặt ngang hàng với một Bộ trong chính phủ.
Sáu Xèng tỏ vẻ ngạc nghiên:
- Tôi thấy trong tổ chức đảng thì có các ban chuyên môn do các đồng chí trung ương phụ trách như Ban Tuyên Huấn do đồng chí Tố Hữu, Ban Tổ Chức do đồng chí Lê đức Thọ, Ban Dân Vận do đồng chí Trần hữu Dực, Ban Đối Ngoại do đồng chí Hoàng văn Hoan, Ban An Ninh do đồng chí Trần quốc Hoàn v.v...chớ tôi có nghe nói Ban Bảo Vệ Sức Khỏe Trung Ương bao giờ.
Chín Ủi cười hề hề:
- Đồng chí ngây thơ bỏ mẹ đi đấy. Lại còn dở dân chủ cực đoan kiểu tư bản nữa! Trung ương có quyền lập thêm các ban chuyên môn mà không cần thông báo, thí dụ Ban Siết Bù Lông, Ban Bảo Vệ Sức Khỏe Trung Ương, sự thực ra thì ban này phá hoại sức khoẻ trung ương, hiệu quả như Đắc Kỷ làm cho Trụ Vương mau chóng hết xí quách vậy!
Sáu Xèng hỏi:
- Ban Xiết Bù Lông là ban gì nghe lạ hoắc vậy? Chín Ủi cười:
- Đồng chí không hiểu gì sốt về cơ cấu tổ chức của đảng cướp, ủa, đảng ta. Đồng chí không nghe giáo sư Trần văn Nghèo nói sao?
- Nói gì?
- Giáo sư Nghèo bảo là đảng ta ngày nay những lãnh tụ không còn suy nghĩ bằng cái đầu và bộ óc nữa mà suy nghĩ bằng cái mông đít. Mà cái mông đít thì vốn là bạn của cái ghế, nên không thể rời cái ghế của mình ngồi được. Cho nên phải có ban Siết Bù Lông để vặn cái đít ghế vào cái mông của các đồng chí ấy, cụ thể là Ban Siết Bù Lông đã siết đít đồng chí Thủ Tướng nước ta vào đít ghế trên 33 năm, đến ngày chết mới tháo bù lông ra đem chôn. Đó là một ban chuyên môn không có trong danh sách cơ cấu tổ chức đảng cũng như Ban Bảo Vệ Sức Khỏe Trung Ương dưới thời Tiền Lê là Lê Duẩn và Cục A1 dưới thời Hậu Lê là Lê khả Phiêu.
Sáu Xèng như được ánh sáng Mác Xít soi vào đầu óc mình, bèn hỏi tiếp:
- Cục A1 là cục gì? Trong nông nghiệp gọi phân Bắc là chất A1 rồi còn cục A1 là cục gì
nữa?
- Cục A1 cũng là cục A1 thôi, nhưng nó do đồng chí Lê khả Phiêu nhà ta thành lập để
theo dõi hành động của các ủy viên trung ương.
- Tại sao lại theo dõi các đồng chí ủy viên trung ương??
- Theo dõi để biết đồng chí nào tán thành mình ngồi tiếp một khóa nữa và đồng chí nào đả đảo mình. Còn Ban Bảo Vệ Sức Khỏe Trung Ương là ban chuyên môn tuyển chọn gái tơ và nữ sinh Trưng Vương vào để đấm bóp các đồng chí cao tuổi đảng, làm cho cơ bắp của các đồng chí ấy không nhẽo mà cứ cứng lên để phục vụ đảng hùng hục, ủa...hùng cường hơn.
Sáu Xèng nói:
- Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến cái ban này.
- Ở trong đảng ta có những bí ẩn chỉ được phổ biến đến cấp nào thôi còn cấp nào thì không được phổ biến.
- Anh nói lạ chưa. Nguyên tắc dân chủ tập trung để đâu mà bảo thế? Chín Ủi lên giọng ngay:
- Thí dụ về đời tư của lãnh tụ thì dân chúng chỉ được biết một phần nhỏ thôi chớ không được biết hết. Chặc! Nhưng mà rồi khổ vậy chuyện gì người thứ hai biết thì cả thế giới biết, không có chuyện gì gọi là chuyện bí mật được hết. Có điều là người ta sợ bị liên lụy mà không nói ra thôi. Như chuyện nàng hầu của Lã Bất Vi đã có thai hai ba tháng mà Lã đem dâng cho Dị Nhân, thì có thánh cũng không biết, thế mà Phàn Ô Kỳ khi nỗi lên chống lại Tần Thủy Hoàng thì ra tờ hịch kể rõ là Tần Thủy Hoàng không phải là con của Dị Nhân mà là hòn máu của Lã Bất Vi. Phàn Ô Kỳ tưởng rằng chỉ một mình ông ta biết nhưng khi tờ hịch đưa ra thì dân chúng Thủ Đô Hàm Dương cười ầm: Chuyện đó chỉ có con quỉ cái Triệu Cơ (tức nàng hầu của họ Lã) không biết thôi! Thiệt là một câu nói mỉa mai! Bây giờ cũng thế, họ Nông là con của Hồ Chủ Tịch từ hồi ở hang Pắc Pó nhưng dân Tày dân Mán ở Cao Bằng (1) không dám nói ra, cũng như vụ cô Xuân cô Vàng chôn kín 40 năm mà nay bỗng nhiên xùy ra tùm lum. Và người ta biết Trần Quốc ăn ké ở đâu bao nhiêu lần, lần nào ra sao, cô ta bị "xe hơi cán" ở đâu, thằng con của bác Hồ và
cô Xuân tên gì, ở đâu, làm nghề gì? Thế mới khỉ chứ!
Sáu Xèng lấy làm lạ sao Chín Ủi kể vanh vách như bài học thuộc lòng vậy, bèn nói:
- Những chuyện cấm trong hậu cung của hoàng đế anh đeo mang làm gì để rồi nay mai mắc nạn cho coi.
- Tớ cũng biết những chuyện cấm đó không nên biết, rủi có biết thì cũng phải tẩy não ngay, nhưng khổ vậy những chuyện gì mình muốn quên quách lại cứ nhớ như chuyện thằng Trần Quốc hiếp bác gái ở Hàng Bông thợ Ruộm thật lâm ly nghe qua cứ rút súng ra rồi móc ra một sợi dây dù (của Mỹ) cột bác gái vào chân giường, móc súng cho bác gái thấy xong rồi hắn bảo: "Để cho thanh niên yêu chẳng sướng hơn ông già à?". Ý nói nó trẻ hơn bác, mạnh sức chạy dai hơn! Thế là bác gái đành im chịu nhục...Sau đó bác gái tâm sự với cô em họ là cô Vàng cô Vang gì đó.
- Sướng bỏ cha lại còn vờ!
- Sướng sao bằng bà Chủ Tịch nước?
- Nếu bây giờ bà còn sống thì thần dân có hoàng đế Mán và hoàng thái hậu Tày thì may mắn cho thần dân Việt Nam biết bao!
Chú thích của tác giả:
Khi tôi viết quyển sách này thì có tin trên báo chí: Nông đức Mạnh xác nhận mình là con trai Hồ chí Minh tại hội nghị nghiên cứu lịch sử đảng cộng sản và Mạnh đề nghị một buổi lễ cầu siêu viếng lăng Hồ chí Minh do Ban tổ chức trung ương xắp xếp.
Tôm Hùm Huýt Sáo Tôm Hùm Huýt Sáo - Xuân Vũ Tôm Hùm Huýt Sáo