The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Số chương: 2
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1590 / 25
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2/2
uán cà phê nằm trên bờ kênh. Người ta không biết tên thật của ông chủ quán là gì, nhưng tất cả mọi người ở đây đều gọi ông bằng một cái tên thân mật là "ông Năm”. Ðó là một ông già nam bộ chính cống, vợ ông bị máy bay trực thăng bắn chết ngay trên cánh đồng trước mặt quán lúc còn chiến tranh, ông Năm và đứa con trai nhỏ không vì thế mà sợ hãi rời bỏ căn chòi xiêu vẹo của mình, ông tiếp tục bám trụ giữ vững đường dây giao liên cho cách mạng và nuôi giấu cán bộ hoạt động vùng ven cho đến ngày giải phóng. Và khi những người thanh niên xung phong đầu tiên đặt chân tới vùng đất hoang dại này, quán cà phê của ông Năm cũng dựng lên trên bờ kênh lộng gió để "những chàng trẻ tuổi xa nhà" có nơi tâm sự và nhấm nháp hương vị của "thành phố" sau những giờ lao động mệt nhọc ở hiện trường.
Tối nay bạn bè có ý dành riêng cho Thức và Khuyên tâm sự, nên những người bạn thân nhất đều lần lượt rút lui về trại. Ông Năm cũng thế, ngoài vai trò chủ quán, thường ngày cũng là một người bạn vong niên của Thức - Ông cũng tinh ý, mang tới cho Thức một bình trà nóng rồi nheo mắt rút lui sau khi buông một câu nói đầy chân tình:
- Bạn đời yên chí, tối nay quán này không đóng cửa.
Thức mỉm cười, thầm cám ơn người chủ quán tốt bụng và quay sang nói với Khuyên:
- Chừng nào em buồn ngủ nói anh đưa về trại. Còn nếu muốn thức thì cứ ở đây, ông Năm đã nói tối nay quán không đóng cửa.
- Em muốn thức tới sáng - Khuyên cười.
- Nói thế chứ em cũng nên ngủ một giấc trước khi những con gà ở lán chị nuôi rộ lên gáy báo hiệu bình minh.
- Em không buồn ngủ thì sao?
- Không buồn ngủ cũng vờ nhắm mắt. Không thôi cô Phình và băng ở lán nữ cười anh chết mất.
- Mấy chị ấy dễ thương và tốt bụng quá. Ðúng là những cô gái vui tính và yêu đời.
- Có thế mới là thanh niên xung phong chứ.
- Anh Thức này, em muốn nói với anh một chuyện...
- Nói nhiều chuyện cũng được, anh sẵn sàng nghe.
- Chuyện quan trọng chứ không phải giỡn đâu - Khuyên có vẻ phụng phịu.
- Thì anh có bảo là em đùa đâu?
- Vậy anh ngồi nghiêm túc lại đi.
Thức cười, anh sửa lại tư thế ngồi. Thật ra có gì mà phải sửa. Thức chỉ đốt một điếu thuốc, ngậm trên môi và ngồi dựa đầu cây cột tràm lim dim ra vẻ chăm chú lắng nghe những điều Khuyên nói. Dĩ nhiên, Thức cũng đoán biết từ hôm qua, mục đích cuối cùng của Khuyên lên đây thăm anh và chờ đợi những điều ấy như là một thứ tin xấu mang đến cho tình yêu và đời sống của mình.
- Gia đình buộc em phải đi nước ngoài. Em rất khổ tâm trước sự chọn lựa này. Sau nhiều đêm thức trắng, đào sâu những suy nghĩ của mình, em phải đánh bạo lên đây tìm gặp anh để cầu cứu. Anh giúp cho em một ý kiến quyết định. Hoặc em theo gia đình qua Mỹ theo sự bão lãnh của người thân bên ấy, hoặc em sẽ ở lại một mình với sự từ bỏ của gia đình. Anh không biết em khổ sở đến mức nào đâu, ngày nào mẹ em cũng nói, anh em cũng nói. Em thương mẹ nhất trên đời, nếu xa mẹ, em không tưởng tượng mình sẽ sống ra sao?
Thức ngó sững Khuyên trong một thoáng và anh thật không ngờ câu chuyện lại xảy ra như vậy. Nếu gia đình bắt buộc Khuyên cắt đứt quan hệ với Thức, hoặc là đi lấy chồng, có thể anh dễ dàng có ý kiến hơn. Ðằng này lại là một câu chuyện ngoài dự kiến của Thức và anh cũng chẳng chuẩn bị gì trước câu chuyện quá bất ngờ này. Tại sao Khuyên gặp hoàn cảnh này chứ không là ai khác?
- Sao anh im lặng thế? - Khuyên dè dặt hỏi.
- Biết phải nói gì với em đây?
- Anh đừng nói như vậy.
- Em đã đặt cho anh một câu hỏi mà không có câu trả lời nào thỏa đáng hết, em biết không?
- Không.
Ðột nhiên Thức phá ra cười. Khuyên ngạc nhiên:
- Sao anh lại cười?
- Chứ không lẽ anh phải khóc.
- Nếu chuyện đáng phải khóc thì cũng có thể khóc lắm chứ. Em đã từng khóc nhiều đêm như trước khi lên đây tìm anh.
- Anh khóc trong lòng. Khóc chẳng ai hay, khóc chẳng ai biết. Khóc một mình.
- Không chịu đâu - Khuyên phụng phịu như sắp khóc.
- Em đã khóc rồi, anh không thể khóc nữa, vì như vậy sẽ tạo thành dải sông Ngân thứ hai, ngập lụt cả trần gian này làm sao?
- Thôi, em không đùa đâu. Em đang nói chuyện nghiêm túc.
- Thì anh cũng đang nói chuyện nghiêm túc chứ bộ.
- Nghiêm túc mà anh cười...
- Thôi anh không cười nữa. Ðược chứ?
- Ðược.
Lần này người cười lại là Khuyên. Và người ngồi trầm ngâm gặm nhấm nỗi buồn của mình là Thức. Anh rít thuốc từng hơi dài, ngó những sợi tóc đen nhánh của Khuyên chảy trên vai áo, ngọn đèn bão treo giữa quán buông một vùng ánh sáng mơ hồ xuống chỗ ngồi, làm hai cái bóng của Khuyên và Thức cũng lung linh trên vách lá. Ðêm nay trời không mưa, nhưng gió lại nổi từng cơn, thổi thốc từ cánh đồng mang tới cái lạnh giá đặc biệt của vùng đất kỳ quặc này. Khuyên vòng hai tay trước ngực kêu lên:
- Ồ, gió lạnh quá.
- Càng về khuya gió càng lạnh, lẽ ra em phải mang theo áo len để mặc.
- Em có biết được là lạnh thế này đâu.
- Chắc ở lán của mấy cô có đốt lửa. Cánh con gái siêng hơn bọn con trai của anh nhiều.
- Anh đừng đánh trống lảng để cho... qua cầu. Em không chịu đâu.
Thức cười:
- Trong khi trả lời, người ta cũng được quyền suy nghĩ chứ?
- Suy nghĩ chứ không tìm cách lãng chuyện. Anh khôn thấy mồ đi.
Cuối cùng rồi Thức cũng phải đối diện với Khuyên bằng ánh mắt không thể lẫn trốn được của mình. Anh nhìn thẳng vào mặt người yêu, đôi mắt Khuyên mở lớn, đen thẳm và u buồn như mắt con thỏ bị thương đang ngó anh cầu cứu. Thức rít dài một hơi thuốc, ém khói đầy lồng ngực, thở ra với những vòng tròn khói trắng, anh nói:
- Khuyên này, em cũng biết là anh mong em ở lại biết chừng nào, nhưng anh không đủ lời lẽ thuyết phục em bằng những câu nói sáo rỗng, phô trương. Anh chỉ có một trái tim và cuộc sống như hiện tại em thấy. Nếu anh được quyền nghĩ theo lý lẽ của mình - có khi còn gọi là lý lẽ của trái tim - thì, thiết tưởng em đã tìm lên đây gặp anh, đặt bàn chân khuê các của em xuống dấu bùn lầy lội trên con đường hằng ngày anh và bạn bè đi qua, chắc em đã tìm cho mình một câu trả lời. Còn ngược lại, cũng là một điều dễ dàng dễ hiểu thôi, em chẳng có gì đáng trách, anh chẳng có gì đáng trách. Nói tóm lại cả chúng ta không có ai đáng trách.
- Anh khôn lắm. Em mà khuê các cái nỗi gì, anh nói thấy ghê.
- Uống trà đi, cô bé - Thức rót trà vào ly cho Khuyên, nói.
- Trà ngon quá. Ông Năm kiếm ở đâu ra được trà ngon như thế này anh nhỉ?
- Anh làm sao biết được, nhưng chắc chắn anh biết được một điều, những người khách quí ông Năm mới đãi trà này.
Vừa nói Thức vừa nhìn về phía người chủ quán. Vẫn như mọi đêm, khi những người khách quen thuộc cuối cùng ra về, ông Năm với cái dáng lặng lẽ của mình, ngồi nhìn ra cánh đồng trước mặt với điếu thuốc sâu kèn cháy đỏ trên môi. Chiếc áo bành tô màu cứt ngựa, đã bạc màu vì sương gió và mồ hôi muối, cái quần kaki xám ống lỡ tới đầu gối để trơ ra hai bắp chân gân guốc đen bóng, ông Năm đăm đăm nhìn về phía trước mặt, thỉnh thoảng cái sẹo dài, vắt ngang gò má trái giật giật trong một cơn xúc động hồi tưởng nào đó làm gương mặt ông càng đanh lại một sắc thái dữ dằn với đôi mày sâu róm, đen sậm cụp xuống. Ông thường bảo với Thức rằng phía những bờ mương mà các anh trồng thơm là bóng dáng của vợ tôi, có những đêm tôi ngồi ở đây, thấy bóng bả ngã xuống bởi những viên đạn từ trên phi cơ trực thăng bắn xuống còn rực lửa. Thức hiểu ra những ám ảnh khôn nguôi của ông Năm và chia sẻ với ông những hình ảnh đau thương đó. Bây giờ ông lại ngồi im, nhìn sững ra cánh đồng, ngoài đó, rẫy thơm đã lên cao sắp sửa cho mùa trái chín đầu tiên không biết ông có nhìn thấy hình ảnh của vợ mình bị máy bay bắn nữa không.
- Cám ơn ông Năm đã cho uống trà ngon.
Thức nói lớn và cùng Khuyên đứng lên rời quán. Ông Năm bây giờ mới quay lại nói:
- Ủa, cô Khuyên về à?
- Dạ.
- Ừ, mà cũng nên về ngủ sớm, mai về lại thành phố. Bao giờ cô lại trở lên đây?
- Dạ, cháu cũng chưa biết được.
- Cô nào cũng có một câu trả lời giống như vậy. Nhưng với cô, tôi mong là sẽ có một ngày nào đó cô lại trở lại đây, cô Khuyên nhé.
- Dạ...
Thức nghe Khuyên đáp lại với một giọng nghẹn ngào gần như sắp khóc. Anh vội kéo tay Khuyên đi ra cửa quán. Phía trước hai người là cây cầu khỉ bằng cây lồ ô bắc qua con kênh rộng, ban ngày dòng nước đỏ ngầu, nhưng ban đêm chỉ thấy đen thẳm. Giờ này con kinh đang dâng nước, cây cầu đã bị chìm ngập dưới dòng nước chảy xiết. Thức nắm tay Khuyên dò từng bước, Khuyên vừa đi vừa run, hay cây lồ ô phía dưới chân Thức cũng run theo.
- Coi chừng đấy, bước trật chân là rơi tõm xuống kinh uống nước no bụng.
- Em không biết bơi - Khuyên thì thào với nỗi sợ hãi.
Nhưng rồi cuối cùng hai người cũng qua được bờ bên kia. Khuyên rét cóng, cô vòng tay ôm lấy ngực run lập cập. Thức choàng tay ôm Khuyên và dìu cô đi trên bờ kênh lồng lộng gió. Một ánh đèn pin chợt lóe lên, hai ba bóng đen lướt qua, một giọng nói quen thuộc hỏi:
- Thức hả?
- Biết rồi còn hỏi.
- Về khuya thế?
- Giờ này mà khuya gì.
- Ðưa nàng về dinh hả?
Hai ba giọng cười cất lên rồi sau đó mất hút trong bóng đêm. Thức nói với Khuyên:
- Các bạn anh đi gác đêm đấy.
- Thanh niên xung phong cực quá hả anh?
- Tức nhiên rồi.
- Ở thành phố, em thấy mình sướng thiệt. Thảo nào anh đã chẳng gọi em là cô tiểu thư khuê các.
- Vậy cũng để bụng giận anh à?
- Ðâu có. Nhưng anh gọi vậy người khác nghe tưởng em cái thứ gì.
- Thôi, không gọi nữa.
- Nếu mai mốt anh không gặp được em nữa thì sao?
- Thì coi như em đã đi khỏi mãi mãi chứ sao.
- Anh khóc chứ? - Khuyên hỏi rồi cười khúc khích.
- Dám lắm á.
Thức đưa Khuyên về tới lán nữ, đèn bên trong vẫn còn sáng và Thức nghe có tiếng nói chuyện rầm rì xen lẫn với giọng cười khúc khích. Thức tằng hắng mấy tiếng, giọng cười im bặt và ai đó cất tiếng the thé:
- Ai đó?
- Người rất thân thiết đây mấy bà ơi.
- Ông Thức nháy đưa người đẹp về - Giọng cười lại cất lên rầm rộ.
Tranh thủ giữa lúc các cô mắc cười, Thức kéo Khuyên sát vào người, đặt lên môi Khuyên một cái hôn thật dài. Khuyên bất ngờ trước sự kiện này, cô phản ứng bằng cách huơ hai tay trong không khí nhưng không lẫn tránh được cặp mắt tham lam và ấm áp của Thức, và Khuyên kiễng người lên chịu trận đến khi cánh cửa lán sơ sài bật mở và bóng Cúc thù lù hiện ra.
- Làm cái gì ngoài đấy ông Thức?
- Chuyện bí mật, đừng có hỏi.
- Sao không vào?
- Chưa được mời ai dám vào. Mấy bà dữ như chằn.
- Vậy thì mời hoàng tử - Cúc khòm người xuống, vòng tay ngang ngực bắt chước một kiểu mời khách của người... Ả Rập.
Thức và Khuyên ngượng ngùng bước vào giữa giọng cười rúc rích của mấy cô gái. Họ đã ngồi bật dậy trước đống lửa bập bùng giữa lán.
Kim chớp đôi mắt một mí và thắc mắc:
- Ðêm chia ly bộ lâm ly lắm sao mà ông bà ở biệt ngoài quán của ông Năm vậy, tụi này định kéo tới phá một trận nhưng nghĩ tình tha cho đó.
- Ông Thức ơi là ông Thức, ông dụ dỗ con gái người ta bỏ nhà bỏ cửa lặn lội lên chốn khỉ ho cò gáy này tìm ông mà ông phụ rẫy người ta thì tội lắm nghen.
Ngân kéo Khuyên ngồi xuống bên cạnh mình, cười:
- Nãy giờ ông Thức nói những gì Khuyên thuật lại hết cho tụi này nghe đi, ông ta giở "mánh" là không được với chị em mình đâu.
- Khổ lắm mấy bà ơi, tội lắm mấy bà ơi, xin cho tôi hai chữ bình an.
- Năn nỉ tụi này đi, lâu lâu mới có dịp ăn hiếp ông Thức một lần nên ông chỉ có nước... năn nỉ để xin tha mới mong thoát được.
Thức buông người ngồi xuống mép giường giơ hai tay lên trời, giọng thiểu não:
- Tui đầu hàng mấy bà vô điều kiện.
- Như vậy mới được chứ.
Tức khắc mấy giọng cười ré lên, vẻ khoái trá. Khuyên không biết làm gì khác hơn là cúi đầu nhìn xuống bàn chân lạnh cóng của mình. Cô không ngờ các cô gái ở đây đùa dai và bạo miệng đến như vậy. Khuyên nghe các cô trêu chọc mà lòng tan nát, đúng là một hoàn cảnh oái ăm, dở khóc dở cười. Giữa lúc Khuyên lo âu, nhức buốt cho hoàn cảnh riêng của mình và anh Thức, các cô lại tưởng lầm hai người đang sống trong hạnh phúc nên tha hồ trêu chọc chứ đâu biết rằng Khuyên đang chọn lựa cho mình một con đường trước ngã rẽ với tất cả sự khó khăn ray rứt đè nặng lên tâm trí của cô.
Thức đứng lên nói:
- Thôi, tôi xin kiếu để mấy bà ngủ. Cho gởi cô bạn tôi đêm cuối cùng nữa nhé.
Cúc cất giọng rè rè ca:
- Ðêm cuối cùng... buồn lắm anh ơi.
Thức xá Cúc một cái rồi đi thật nhanh trước những giọng cười ném ra, tan vỡ vào bóng đêm. Thức đi về phòng mình, các bạn đã ngủ say, anh lặng lẽ lên giường nằm nối những điếu thuốc trong bóng tối. Những con muỗi đốt đánh hơi người bay tới kêu vo ve, Thức đập muỗi luôn tay và biết rằng đêm nay anh sẽ khó mà chợp mắt được.
- Thức đó hả?
- Ừ.
- Sao không ngủ?
- Ngủ không được.
- À, tớ hiểu rồi...
Phái nói một câu ngái ngủ và đầy vẻ thông cảm giữa những tiếng đập muỗi của Thức, xong anh chàng quay ra ngủ tiếp. Thức buột miệng nói thầm: Ðúng là một thằng cha vô tư lự.
Không ngờ Phái chưa ngủ, nó cằn nhằn:
- Chứ ai như ông, yêu làm chi cho khổ. Nghe tiếng ông đập muỗi chát chúa cũng thấy ngay là đêm nay ông sẽ thao thức cho đến sáng. Cứ như tôi, lúc nào cũng tỉnh khô, ngủ ngon lành không hề mộng mị.
- Nói chuyện với con người có trái tim bằng nylông thà... chết sướng hơn.
Quả nhiên, Thức không tài nào chợp mắt được, dù anh có rúc vô mùng tránh những con muỗi đói, Thức vẫn trằn trọc, lăn lộn dõi theo những suy nghĩ của mình về quyết định không dứt khoát với Khuyên. Tại sao Thức không nói thẳng là anh muốn Khuyên ở lại, có phải Thức không đủ can đảm để nói những ý nghĩ của mình? Và cứ như vậy, Thức nằm nhìn lên đỉnh mùng cho tới khi ngoài trời có một cơn mưa nhẹ đổ xuống làm không khí trong căn lán bốc lên mùi ẩm mốc quen thuộc. Thức bàng hoàng nhớ ra chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa anh có thể mất Khuyên vĩnh viễn.
oOo
Cuối cùng rồi Khuyên cũng không thể tránh gặp mặt anh Ðồng. Vừa ngủ dậy, Khuyên đã bị anh Ðồng "mời" ra ngoài phòng khách. Gương mặt anh không vui, một câu hỏi ném ra thẳng duột không cần rào đón.
- Bữa nay Khuyên hãy trả lời dứt khoát, có đi hay không?
Khuyên cắn môi, một lúc khẽ hỏi:
- Bộ gấp lắm sao anh?
- Chứ còn gì nữa. Cả nhà đang bấn cả lên, trong khi đó Khuyên lại nhởn nhơ đi chơi, sướng thiệt.
- Em khổ tâm lắm chứ sung sướng gì đâu.
- Nếu khổ tâm cũng chỉ tại em thôi. Tự nhiên lại sinh ra chuyện lẩn thẩn, đòi ở lại.
- Em có suy nghĩ của riêng em. Dù sao, em cũng đã lớn rồi.
- Em lớn với ai trong nhà này? - Anh Ðồng trừng mắt hỏi.
- Em lớn theo nghĩa khác.
- Không có nghĩa nào khác cả. Em không thể tách rời khỏi gia đình. Mẹ đã khổ tâm rất nhiều trong chuyện này, nếu em không chịu đi, mẹ sẽ buồn biết bao nhiêu.
Lẽ dĩ nhiên không cần đợi anh Ðồng phải nói ra điều đó mà chính Khuyên cũng đã biết điều ấy từ lâu và không có sự khổ tâm nào hơn khi Khuyên phải ngồi đối diện với mẹ. Trong ngôi nhà này, khỏang một tháng trở lại đây Khuyên đã sống gần như một người xa lạ với anh Ðồng và mẹ. Mỗi bữa cơm, nếu không thể tránh mặt được, bắt buộc Khuyên phải cùng ăn, nhưng cô luôn luôn im lặng và ăn càng nhanh càng tốt để sớm được về phòng mình. Mẹ cô biết điều đó và thường chỉ nhìn Khuyên thở dài. Anh Ðồng thì không thế, anh giận dữ chất vấn Khuyên đủ mọi chuyện và có lúc, Khuyên với anh ấy cãi nhau lớn tiếng. Sau đó Khuyên vào phòng đóng cửa nằm khóc một mình. Không khí trong gia đình càng ngày càng trở nên lạnh lẽo, mỗi người lui vào thế giới riêng của mình và sẵn sàng gây gổ nhau về bất cứ vấn đề gì. Mới đầu Khuyên định biên thư cho ba để nói rõ ý định của mình, nhưng sau đó Khuyên nghĩ không cần thiết nữa và thật tâm mà nói rằng Khuyên đã có ý nghĩ ông bão lãnh Khuyên đi nước ngoài cũng chỉ là bổn phận mà thôi chứ chưa chắc ông đã yêu thương gì Khuyên. Trước ngày ông ra đi, giữa Khuyên và ba cũng ít có sự gần gũi, thông cảm, nhiều lúc Khuyên có cảm tưởng ông cũng chẳng biết có Khuyên ở trên đời này, hay không. Sau những năm dài xa cách, hình bóng của ông càng trở nên mờ nhạt như ngày nào ông đã đi về trong ngôi nhà này như một cái bóng. Mẹ Khuyên đã chịu đựng hết nửa cuộc đời của bà trong sự chờ đợi ấy, Khuyên đã nhìn thấy mẹ với những giọt nước mắt trước sự tàn nhẫn của ba. Ông đánh bà trong những cơn say và bỏ đi về nhà vợ bé. Khuyên không thể hình dung nổi cuộc sống của ba mẹ con cô khi qua bên đó ra sao, dấu ấn của người cha vô trách nhiệm vẫn còn ám ảnh mãi trong tâm trí của Khuyên khiến cô lo sợ.
Khuyên nói:
- Anh có chắc gì qua bên đó anh sống sung sướng không, hay lại tiếp tục khổ sở như những năm trước. Em thì sao cũng được, nhưng em không thể chịu đựng được khi nhìn thấy mẹ phải khổ vì ba lần thứ hai trong nửa cuộc đời còn lại của bà.
Anh Ðồng cười nhạt:
- Chà, cô lại tỏ ra là một đứa con hiếu thảo lúc nào vậy?
- Anh đừng mai mỉa như vậy. Em muốn nói chuyện nghiêm túc. Vì chúng ta không còn đủ thời gian để nói chuyện nữa đâu.
- Cô đừng dạy khôn tôi, và đừng ngụy biện cho sự ở lại của mình.
- Như vậy thì anh đừng hỏi gì em nữa.
- Cô sẽ phải trả cái giá rất đắt cho quyết định rồ dại của mình. Một đứa em cứng đầu.
Anh Ðồng giận dữ bỏ đi, Khuyên ngồi lại một mình trong ghế nhìn khung ảnh của mẹ treo trên tường. Gương mặt hiền từ của mẹ, đôi mắt đã quen với những giọt nước mắt khổ đau ấy như đang nhìn cô. Ðôi mắt mẹ lúc nào cũng chất chứa một nỗi u buồn, ngay trong lúc bà có niềm vui cũng thế. Nhiều người đã nói Khuyên có đôi mắt rất giống mẹ, điều này làm Khuyên vừa hãnh diện vừa bàng hoàng lo sợ. Bởi vì đó là đôi mắt báo trước một điều đau khổ.
Anh Ðồng lặng lẽ dắt xa Honda ra cửa và phóng vụt đi không thèm nói với Khuyên lời nào. Cô buồn bã thở dài. Cũng may mẹ đi công việc chưa về, Khuyên còn một khoảng thời gian để suy nghĩ và tìm cách khéo léo để nói chuyện với mẹ.
Có tiếng chuông gọi cổng, Khuyên ra mở và cô hết sức vui mừng khi thấy Nguyệt. Khuyên reo lên:
- Eo ơi, đang buồn muốn chết thì Nguyệt đến. Vào đây mi ơi.
- Thôi, hai đứa tìm một gốc cây nào trong căn nhà ngồi nói chuyện thích hơn. Bộ nhà đi vắng hết rồi hả?
- Ðã bảo Khuyên ở nhà có một mình mà.
- Còn ông Ðồng đi đâu rồi?
- Vừa phóng Honda ra phố rồi, chẳng biết đi đâu. Mình và ông ấy vừa mới cãi nhau một trận kịch liệt.
- Sao lại cãi nhau?
- Về cái chuyện đi hay không đi ấy mà.
- Thôi, hiểu rồi.
Hai đứa đi tới gốc mận bên hông nhà. Ðây là cây mận dòi, nghe nói mẹ trồng hai cây mận sát nhau để kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ, lớn lên hai cây mận ngả đầu vào nhau, tàn lá xum xuê, trái trĩu cành khó phân biệt cây nào nhiều trái hơn, do đó nó có tên là cây mận dòi. Khuyên thường ngồi dưới gốc mận hồng mát và nghe những con chim sâu líu lo gọi nhau, và dĩ nhiên với lồng móc và chén muối đặt sẵn ở dưới chân. Loại mận này hình như được trồng bằng nhánh, không có hột, khi chín trái trắng xanh, căng bóng và rất ngọt. Bạn bè trong lớp học rất thích ăn mận của Khuyên mang vào và thỉnh thoảng mấy đứa trong nhóm bạn thân kéo tới nhà Khuyên để "viếng" cây mận. Ðứa thì dùng lồng móc, đứa leo lên hái, đứa rung nhánh cho mận rớt xuống rồi chia nhau ăn, chia nhau bỏ đầy túi xách mang về nhà. Mỗi lần có một cuộc "viếng thăm" cây mận như vậy Khuyên phải quét lá rụng đến mỏi lưng và nhìn cây mận trơ lại những cành mà tiếc hùi hụi. Nhưng rồi bẵng đi một tuần không để ý, cây mận lại đầy trái làm như trong truyện cổ tích. Khuyên lại hái mang vào lớp chia cho các bạn.
Nguyệt là đứa bạn thân nhất của Khuyên, mỗi lần tới chơi Nguyệt thường rủ Khuyên ra ngồi dưới gốc mận. Nhưng xui cho nhỏ bạn, mùa này cây mận chỉ có hoa chứ không có trái. Con nhỏ ngước nhìn lên cây mận, ước:
- Mận ơi mận, sao không mau ra trái cho ta nhờ.
- Không có trái thì tạm ngửi mùi thơm của hoa vậy - Khuyên cười trêu bạn.
- Ta thích ăn chứ không thích ngửi. Mùi thơm là cái gì rất trừu tượng, còn trái ních vào bụng mới cụ thể. Ta là con nhỏ thích những gì cụ thể.
- Vậy thì Nguyệt hãy cố gắng chờ... mùa trái năm sau.
- Năm sau biết Khuyên còn ở đây không?
Câu nói của Nguyệt vô tình gợi lại câu chuyện nan giải trong gia đình. Và Khuyên vẫn chưa tìm được câu trả lời nào khéo léo để sẵn sàng đối diện với mẹ. Khuyên thở dài:
- Ði thăm ông Thức về lẽ ra phải vui lắm chứ sao lại thở dài?
- Vừa vui vừa buồn. Vui buồn lẫn lộn nên mới thành ra một tiếng thở dài.
- Nghe Khuyên thở dài ta tưởng đâu... trận gió mùa thu mẹ ru con ngủ chớ. Ðừng thở dài nhỏ ơi, thở ngắn được rồi.
Khuyên đập lên vai Nguyệt một cái thật mạnh. Con nhỏ tuy đau nhưng cũng ráng nở một nụ cười héo hắt.
- Ði thăm chàng thanh niên xung phong dũng cảm về có gì vui kể nghe với.
- Dĩ nhiên là vui rồi, nhưng làm sao kể cho Nguyệt nghe được?
- Tại sao vậy? A, hay là niềm vui chỉ để người ta hưởng một mình, còn nỗi buồn mới chịu chia sớt? Khuyên khôn quá trời.
- Không phải vậy đâu.
- Chứ là cái gì?
- Tại Khuyên chưa thể kể bây giờ được, chỉ có thể nói tóm tắt là rất vui. Thanh niên xung phong là những con người vui nhộn, yêu đời. Cứ lên trên đó một lần là... muốn ở luôn, không về.
- Eo ơi, ta hiểu rồi. "Người ơi người ở đừng về".
Khuyên thụi vào hông Nguyệt một cái, con nhỏ gập người lại cười nắc nẻ.
- Vui thì có vui, nhưng buồn lắm Nguyệt ơi.
- Sao vậy?
- Thức vẫn chẳng nói gì với mình. Nói cho đúng hơn là chẳng khuyên mình quyết định như thế nào. Ði hay ở lại.
Nguyệt cười:
- Xời ơi, vậy mà Khuyên cũng không hiểu nữa sao?
- Hiểu cái gì mới được chứ?
- Anh chàng Thức của Khuyên khôn thấy mồ. Im lặng là nói rất nhiều đó. Anh chàng nói: Em thân yêu ơi hãy ở lại. Ðó, anh chàng Thức đã nói như vậy.
Khuyên mơ màng:
- Ðó là Nguyệt đoán vậy thôi, chứ thật ra Thức chẳng nói gì cả.
- Có những vấn đề người ta nói bằng sự im lặng. Eo ơi sao Khuyên... khờ quá vậy?
Ðúng rồi, có lẽ Khuyên khờ thật. Nguyệt đã giúp cho Khuyên hình dung được thái độ e dè của Thức lúc chia tay. Hai người ngồi ở ngôi quán bên đường để đón xe, Thức liên tiếp hút thuốc và thở khói thành những vòng tròn trước mặt với dáng điệu trầm ngâm lặng lẽ. Bên ngoài có cơn mưa nhẹ, bầu trời mờ đục và không khí giá băng, Khuyên ngồi co ro như con mèo nhỏ trong ghế, thỉnh thoảng ngước đôi mắt u buồn lặng lẽ nhìn Thức. Bốn mắt chạm nhau và cùng bối rối.
"Khuyên ạ,
Chỉ còn vài phút nữa chuyến xe sẽ ghé lại đây mang em về thành phố. Chỉ còn anh ở lại với cơn mưa và khồng khí lạnh giá. Ngày tháng rồi sẽ nối nhau như những giọt mưa ngoài trời và mất tăm đâu đó trong cuộc sống chập chùng mê mải. Nhưng còn em, rồi em có mất tăm, xa biệt khỏi vòng tay anh để thành một nỗi nhớ cho cả một đời người, hay em mãi mãi ở lại và chờ anh như người ta sinh ra để chờ nhau kiếp kiếp? Anh sẽ không khuyên em ở lại hay ra đi. Chẳng phải vì anh thiếu dũng cảm hay thiếu trách nhiệm trong lời khuyên của mình mà chính vì anh muốn em tìm thấy câu trả lời đúng nghĩa nhất bằng tiếng nói của trái tim..."
Hình như Khuyên đã nghe được những điều đó trong sâu thẳm lòng cô và từ một buổi sáng mưa trước lúc chia tay. Khi chuyến xe mang Khuyên rời xa ngôi quán, rời xa những cái cây trên dòng kinh có bóng Thức chơ vơ trong mưa lạnh. Khuyên đã bật khóc và hiểu rằng mình phải quyết định như thế nào.
- Anh chàng Thức của Khuyên khóc chứ?
Câu hỏi của Nguyệt cắt đứt dòng hồi tưởng của Khuyên. Cô giật mình, nhìn bạn trả lời:
- Khoẻ và tếu nữa.
- Có viết thơ cho anh ấy nhớ cho Nguyệt "ăn theo" mấy lời hỏi thăm nhé.
Khuyên cười, háy mắt nhìn bạn hỏi:
- "Ăn theo" như thế nào mới được chứ?
- Viết như thế này - Nguyệt tằng hắng lấy giọng tiếp - "Anh Thức ơi, Nguyệt tuy có cảm tình với anh nhưng chắc chắn không thể tha thứ cho anh được nếu anh cướp mất cô bạn thân yêu của Nguyệt, chấm hết".
Nguyệt buông ra một tràng cười tinh nghịch trong trẻo làm Khuyên ngượng cứng người. Cô đấm vai bạn, mặt đỏ bừng, trách:
- Hỏi thăm người ta mà lời lẽ "móc lò" như vậy hả?
- Thì ta hỏi thăm đàng hoàng chứ bộ. Nhưng là hỏi thăm... sức khỏe.
Khuyên trêu lại bạn:
- Nếu Nguyệt muốn làm quen với những anh chàng thanh niên xung phong đẹp trai, vui tính thì Khuyên bảo Thức làm mai giùm cho. Chỉ cần Khuyên giới thiệu sơ sơ vài dòng về Nguyệt sẽ có khối anh chàng... xung phong đăng ký làm quen ngay thôi.
- Nhỏ nói thiệt hay nói đùa đấy?
- Nói thiệt hoàn toàn.
- Vậy thì nhanh lên kẻo Nguyệt... sang ngang bây giờ.
- Sang ngang chưa được đau. Sẽ có khối anh chàng nhảy xuống sông kêu thuyền lại đấy.
Cả hai phá ra cười. Tiếng cười làm Khuyên tạm vơi đi nỗi buồn đang đè nặng trong lòng cô. Nguyệt bỗng cầm tay Khuyên nhình thẳng vào mắt bạn, hỏi giọng nghiêm túc:
- Khuyên này, Nguyệt hỏi thật, Khuyên đã quyết định chưa?
- Quyết định gì?
- Thôi đừng có làm bộ, chuyện đi hay ở đó mà.
Khuyên thở ra:
- Anh Ðồng cũng vừa hỏi Khuyên như vậy.
- Và Khuyên trả lời ra sao?
- Chưa trả lời.
- Bạn bè trong chi đoàn cũng đang chờ câu trả lời dứt khoát của Khuyên đấy. Dĩ nhiên là các bạn sẽ ủng hộ Khuyên hết mình.
- Còn Nguyệt thì sao?
- Nguyệt ấy à? - Nguyệt chớp mắt nhìn Khuyên nói trong xúc động - Nếu Khuyên đi Nguyệt sẽ bỏ cơm nước ngồi ủ rũ như con mèo ướt và sau đó thì "nghỉ chơi" với Khuyên chứ sao.
Trong câu nói của người bạn gái có một cái gì đó vừa ngây ngô vừa tràn đầy sự chân thật làm Khuyên mủi lòng. Có thể người khác sẽ cho Nguyệt "xạo" nhưng với tình bạn của hai đứa Khuyên biết là Nguyệt nói thật. Cách đây một năm, Khuyên và Nguyệt đã từng tiễn một nhỏ bạn được bão lãnh đi nước ngoài cùng với gia đình. Nhỏ bạn cũng không tha thiết chuyện đi, nhưng vì gia đình thúc ép nên phải nghe theo cho nên trong bữa tiệc thay vì vui mừng, nhỏ bạn ấy lại khóc như mưa như gió. Mặc dù chơi thân với nhau nhiều năm, học cùng lớp, ngồi cùng bàn nhưng Nguyệt tuyên bố một câu xanh dờn:
- Tuyết ạ, ta biết mi khóc bữa nay là khóc thật chứ không phải khóc cho người ta xúc động theo. Nhưng dù khóc thật hay khóc giả ta cũng đành phải... xa nhau thôi. Và như vậy, là mình cắt đứt luôn, không phải vì mi ở xa tổ quốc mà chính vì mi đã ở xa ta. Ðừng biên thư, gởi "thùng" chi cho mất công, ta không trả lời đâu.
Ai cũng tưởng là Nguyệt nói đùa, "dọa" bạn chơi, nào ngờ Tuyết qua Mỹ được vài tháng biên thư về cho từng đứa bạn thân, Nguyệt không trả lời thật. Không trả lời lấy một chữ.
- Còn nhớ nhỏ Tuyết không Nguyệt? - Khuyên ôm vai nhỏ bạn hỏi.
- Nhớ chứ sao không. Nhưng ta nhớ mà quên. Thôi đừng nhắc chuyện ấy nữa. Bộ Khuyên muốn trở thành "Tuyết California" sao?
Khuyên cười. Nụ cười bất chợt và chắc chắn không ai hiểu nỗi trừ Khuyên.
oOo
Sau bữa cơm tối, hai mẹ con ra ngoài khu vườn nhỏ bên hông nhà ngồi trên chiếc băng đá dưới gốc mận nói chuyện. Ở chổ này ánh đèn không hắt tới nên chung quanh tràn ngập bóng tối. Khuyên ngước nhìn lên tàn mận cao ngang tầm cửa sổ phòng mình, cô không thấy gì ngoài tiếng động của những cánh dơi bay chập choạng và nghe hương thơm đậm đặc của hoa mận vào không khí se lạnh tỏa xuống.
- Khuyên ạ, mẹ rất buồn nếu con quyết định ở lại không đi với mẹ. Ba con dù sao cũng đã nghĩ tới mẹ con mình sau những năm xa cách. Ông ấy muốn gia đình đoàn tụ và không thiếu một ai, nhất là con. Có lẽ ông ấy đã hối hận vì sự cô đơn nơi đất khách quê người và biết thương yêu mẹ con ta rồi.
Thế là cuộc nói chuyện không thể tránh khỏi giữa hai mẹ con đã bắt đầu bằng giọng nói khàn khàn giống như bị cảm của mẹ. Bà vẫn thế, bao giờ cũng chậm rãi và dịu dàng, ngay trong giọng nói cũng toát ra sự chịu đựng, đôi khi Khuyên có cảm tưởng bà đã nhẫn nhục quá đáng. Khuyên thương mẹ vô cùng, cô không nhìn rõ gương mặt bà trong bóng tối, nhưng gương mặt ấy đã quen thuộc với cô bằng sự yêu thương và những năm tháng dài. Mẹ không còn trẻ nữa rồi, ở cái tuổi 50 con người ta đã sống hết nửa đời người theo tuổi tác và hơn nửa đời chập choạng trong nỗi đau đã đẻ lại những vết nhăn hằn lên năm tháng. Nhất là người đàn bà, vốn sinh ra đã chịu thiệt thòi nhiều qua cuộc phiêu lưu bất tận trong việc đi tìm hạnh phúc của mình. Khuyên thoáng nhìn lên gương mặt mẹ trong bóng tối, cô bắt gặp ở đó cả một chuỗi ngày dài hy sinh cho chồng, cho con và niềm vui ít hơn nỗi buồn. Khuyên muốn ngả vào lòng mẹ như ngày nào cô còn nhỏ, nhưng Khuyên không làm thế được...
- Mẹ ạ, con hiểuu là cuộc nói chuyện cuối cung giữa mẹ và con sẽ phải diễn ra, do đó từ khoảng một tháng nay con cố tránh, nhưng rồi việc gì đến nó phải đến. Tối nay con khổ tâm vô cùng, nhất là buổi chiều lại vừa gây gổ với anh Ðồng. Ðúng hơn là anh Ðồng gây gổ với con - nhưng còn mẹ, con biết là chỉ có những giọt nước mắt.
- Mẹ cố sẽ không khóc và phải giữ bình tĩnh. Nhưng mẹ không muốn con trả lời khác với điều mong ước của mẹ.
- Rất tiếc mẹ ạ, con không thể trả lời khác với quyết định của con, dù biết rằng mẹ sẽ rất buồn. Con đã xin ở lại. Lý do thì con đã nhiều lần nói với mẹ trước đây rồi, xin mẹ đừng hỏi con nữa.
- Con...
Người bật khóc trước tiên là Khuyên, cô bật dậy với tiếng nức nở và vùng bỏ chạy vào nhà. Trong khi chạy lên cầu thang Khuyên nghe tiếng mẹ cô gọi với theo bằng một giọng hoảng hốt, tràn ngập thương cảm. Nhưng Khuyên chạy thẳng về phòng mình, đóng sập cửa lại.
Khuyên nằm vật trên giường, mặt úp xuống gối. Một lúc Khuyên nghe có tiếng cánh cửa xịch mở, tiếng chân bước vào phòng và bàn tay ấm áp của mẹ đặt lên đoi vai run rẩy của cô:
- Mẹ biết bây giờ con đã lớn, con có quyền suy nghĩ độc lập, nhưng đừng quên rằng dưới con mắt của người mẹ, con cái lúc nào cũng vẫn còn khờ dại, nhỏ bé, như thuở mẹ vẫn bồng ẵm trên tay, ru hát cho con ngủ. Con gái của mẹ cũng vậy thôi.
Khuyên càng khóc dữ, cô úp mặt mình trên chiếc gối, đôi vai khẽ rung lên từng chập. Khuyên cố kềm giữ cơn xúc động để tỉnh táo vượt qua con dốc, mà chính cô đã biết rằng, nếu chỉ vì một phút yếu lòng, cô sẽ chùn bước, buông trôi, và không bao giờ vượt qua được.
- Biết làm sao được hả mẹ? Do đó, mẹ đừng bắt con phải đi theo con đường của mẹ chọn. Con chưa hình dung cuộc sống của con sau này sẽ ra sao, nhưng con đang mơ ước được sống trung thực với mình.
Người mẹ buồn bã hỏi:
- Như vậy là con đã quyết định rồi sao?
- Xong rồi mẹ ạ.
- Con suy nghĩ kỹ lại đi, sau này sẽ hối tiếc. Lúc đó mọi việc đã muộn rồi.
- Con không hối tiếc đâu.
Người mẹ lắc đầu, buông ra một tiếng thở dài nặng nhọc.
Một lúc sau Khuyên ngước đôi mắt đỏ hoe, nhưng không còn những giọt nước mắt nào nhìn mẹ nói:
- Mẹ có biết không, con cũng không bao giờ muốn làm người lớn với mẹ cả. Không có gì ngu ngốc bằng một đứa con gái muốn làm người lớn với mẹ nó. Con muốn nằm trong vòng tay ấm áp của mẹ hoài thôi, nhưng...
- Con ở lại sẽ sống bằng cách nào?
- Mẹ đừng lo - Khuyên đột nhiên mỉm cười.
- Sao mẹ lại không lo được. Hồi mẹ ở tuổi con bây giờ, mẹ không sống một mình.
- Mẹ sống với ai - Khuyên hỏi rất ngây thơ.
Mẹ cười:
- Mẹ sống với gia đình, ông bà ngoại chứ với ai. Và ngày đó mẹ vẫn còn là một đứa con gái ngu ngơ, chưa biết gì. Còn con bây giờ...
- Con bây giờ thì sao hả mẹ?
- Con rất khác xa với mẹ hồi đó.
- Cái thời của mẹ khác, thời của con bây giờ khác.
- Ðối với tình cảm của người mẹ, chẳng bao giờ khác cả, con ạ.
- Mẹ! - Khuyên kêu lên thảng thốt và quay lại ôm lấy người bà - Con cũng chẳng bao giờ muốn nhìn mẹ khác đi.
- Nhưng con đã chẳng nhìn mẹ bằng một tấm lòng và đôi mằt khác đi rồi sao?
- Không có đâu mẹ ạ.
- Con đừng chối, chính mẹ đã nhìn thấy điều đó lâu nay. Nhưng biết làm sao được.
Quả thật Khuyên có nhìn mẹ mình bằng đôi mắt khác xưa không? Khuyên có nghĩ về mẹ mình bằng tấm lòng khác vời ngày còn bé không? Khuyên không hiểu rõ lắm, nhưng chưa bao giờ Khuyên nghĩ rằng đến một lúc nào đó cô phải xa mẹ, xa mẹ vĩnh viễn, Khuyên và mẹ mỗi người ở một phương trời. Ý nghĩ ấy làm cô yếu lòng, như một áng mây chỉ tình cờ chụp xuống, làm lòng Khuyên giá băng, u ám.
Khuyên vuốt ve bàn tay của mẹ, cô hỏi:
- Mẹ giận con lắm phải không?
- Không, mẹ chỉ thương con mà thôi.
- Mẹ đừng giận con, mẹ nhé - Khuyên van cầu.
Người mẹ lắc đầu, hai giọt nước mắt ứa ra, lăn trên hai gò má. Và bà im lặng nhìn theo một áng mây trôi ngoài cửa sổ.
- Ở lại đây một mình con vẫn sống được, vẫn học tập được, vẫn thương mẹ và nghĩ về mẹ suốt đời.
- Con làm sao mà sống?
- Con đi dạy đàn, kèm trẻ em, và mẹ biết không, con còn có một giọng hát tốt, con có thể trở thành... ca sĩ.
Người mẹ cười vuốt tóc con gái:
- Thôi di cô nương, con đừng có mơ mộng.
- Phải mơ mộng chứ mẹ, nếu người ta không mơ mộng thì làm sao mà sống cho được.
- Nhưng đừng mơ mộng viễn vông. Con phải thực tế, Khuyên ạ. Mẹ rất thực tế, chính vì vậy mà mẹ mới sống nổi.
- Con không cãi mẹ đâu, nhưng thực tế của mẹ buồn quá. Mẹ có cuộc sống thật buồn.
Người mẹ giật mình:
- Sao con lại có nhận xét như vậy?
- Thì chình cuộc sống thực tế của mẹ đã nổi lên điều đó. Con đâu phải là người xa lạ với hoàn cảnh của mẹ trong ngôi nhà này.
- Con có lý.
- Mẹ biết không, nếu đặt tình cảm của con lên giữa bàn cân, hỏi rằng con yêu thương ba và mẹ ai hơn ai, con sẽ nghiêng về mẹ nhiều hơn.
- Nhưng tại sao con không chịu đi với mẹ?
- Con có cuộc sống của con, không ai sống bên mẹ mình suốt đời được.
- Con đừng trách ba, ông ấy cũng có một hoàn cảnh khó xử. Bây giờ ông ấy đã biết lỗi, mẹ thấy con không nên có thành kiến với ba nữa, gia đình mình hãy đoàn tụ bên ấy. Mẹ ra đi, về bên ấy sum họp vời ba, cũng chính vì mẹ nghĩ tới các con mà thôi. Mẹ già rồi...
Khuyên nằm nhìn lên trần nhà, đôi mắt cô mở lớn như nhìn vào cõi mông lung nào đó. Sau cơn xúc động, cô bình tĩnh trở lại và vẫn cương quyết với chọn lựa của mình.
Khuyên nói:
- Con có muốn mẹ già đâu, nhưng con người không ai dừng lại ở cái tuổi mà mình mơ ước, sống trọn vẹn với giấc mơ đẹp của mình. Mẹ già, nhưng con còn trẻ. Con đường của mẹ đi thu ngắn dần, còn con đường của con đã rộng mở và xa thêm.
- Ở tuổi mẹ cần có sự yên tĩnh, nghỉ ngơi. Và nhất là cần có một cuộc sống bình yên, đừng xáo trộn. Mẹ có bệnh đau tim, cuộc sống ở đây vất vả và phải lo nghĩ nhiều quá, mẹ cảm thấy thời gian qua tóc mẹ bạc thêm nhiều và tuổi già như càng đổ bóng xuống nhanh hơn.
- Biết làm sao được hả mẹ? Do đó, mẹ đừng bắt con phải đi theo con đường của mẹ chọn. Con chưa hình dung được cuộc sống của con sau này sẽ ra sao, nhưng con đang mơ ước được sống trung thực với mình.
Người mẹ buồn bã hỏi:
- Như vậy là con đã quyết định rồi sao?
- Xong rồi mẹ ạ.
- Con suy nghĩ kỹ lại đi, sau này sẽ hối tiếc. Lúc đó mọi việc đã muộn rồi.
- Con không hối tiếc đâu.
Người mẹ lắc đầu, buông ra một tiếng thở dài nặng nhọc.
Tới Một Tuổi Nào Tới Một Tuổi Nào - Từ Kế Tường