To read without reflecting is like eating without digesting.

Edmund Burke

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngọa Long Sinh
Thể loại: Kiếm Hiệp
Upload bìa: Thái Long
Số chương: 60
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2949 / 45
Cập nhật: 2017-08-27 08:08:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hồi 55 - Trạm Truyền Thanh, Thi Mưu Đấu Trí
iệu Vũ quả quyết nói:
- Sư huynh cứ yên tâm, hắn dẫu khôn ngoan quỉ quyệt, nhưng trước khi Nhâm tướng công đến đây, tiểu đệ cũng quyết đấu trí với hắn một phen, cho hắn biết tay đệ tử Võ Đương là lợi hại.
Diệu Không đưa mắt nhìn Diệu Pháp, Diệu Pháp thở dài nói:
- Đại nghĩa trước mắt không cho phép ta được do dự. Sư đệ cần đi ngay cho được việc.
Diệu Không cúi đầu nói:
- Tiểu đệ xin tuân lệnh!
Nói xong lập tức quay mình đi luôn. Diệu Pháp ngẩng mặt lên nhìn mặt trăng rồi nói:
- Thời gian đã muộn, ta phải về ngay gặp anh em Ngô thị mới được, kẻo tới lúc việc xảy ra rồi muốn cứu cũng không kịp nữa.
Diệu Vũ thò tay vào mình lấy ra hai dải lụa vàng đưa cho Diệu Pháp một chiếc, còn một chiếc buộc vào cổ tay mình. Diệu Pháp ngạc nhiên hỏi:
- Đây là quỉ kế của Bách Duy, sao ta lại…
Vừa nói tới đây chợt nghĩ ra, bèn lẳng lặng buộc dải lụa vào tay, đoạn cùng Diệu Vũ thủng thỉnh bước về dịch quán.
Vừa tới gần cổng, chợt thấy hai gã áo đen nhảy ra, mỉm cười nói:
- Vị anh hùng này đã tỉnh rượu chưa?
Diệu Vũ giơ tay giữ chiếc nón rơm đội trên đầu, đôi mắt mấp máy lè nhè nói:
- Đa tạ bằng hữu! Tại hạ muốn giải rượu bằng rượu nên lại muốn uống thêm vài chén nữa.
Gã áo đen chợt thấy hơi rượu nồng nặc xông vào mũi, suýt nữa buồn nôn, vội nhăn mặt lùi lại mấy bước, gượng cười nói:
- Vân Yến đã bắt đầu, chủ nhân tôi sai tôi đi mời các quan khách. Còn một vị nữa đâu rồi?
Diệu Vũ nheo mắt hỏi:
- Cả thảy có mấy con đường đi vào trong trạm?
Thốt nhiên trước mắt hoa lên, gã áo đen mặt vàng như sáp đại biểu cho Nam Cung thế gia sáng nay không biết từ đâu đã lù lù hiện ra. Hắn vỗ vai Diệu Vũ cười ha hả:
- Vị anh hùng này làm tại hạ đi tìm khốn khổ!
Diệu Vũ giật mình kinh sợ, thấy hắn giơ chưởng lên, tưởng là hắn cao hứng, tùy ý vỗ vào vai mình, sự thật thì hắn đã dồn tụ sẵn sức mạnh bên trong, vội giơ tay lên đỡ, hàm hồ hỏi:
- Tìm tôi ư?
Cái đỡ ấy trông bề ngoài cũng chỉ nhẹ nhàng hờ hững mà kỳ thực là chiêu thức tinh diệu trong Miên chưởng của Võ Đương. Nhưng đối phương ý không ở chổ đó, hắn trông thấy dải lụa vàng trong tay Diệu Vũ liền rụt ngay tay về cười nói:
- Ban sáng tiểu anh hùng bỏ tiệc đi trốn, làm cho tệ chủ nhân trách phạt bọn người hầu thậm tệ, bây giờ tiệc tối đã bắt đầu, mời hai vị nhập tiệc.
Diệu Vũ nghĩ: “Tên này như đã biết rõ lai lịch của mình.” Bèn cũng thuận đà “ừ” ào một câu, rồi kéo Diệu Pháp theo gã đi vào. Vừa tới cửa trạm, đã nghe bên trong tiếng cười nói ồn ào như vỡ chợ.
Người đàn ông đưa hai người đến đây rồi vái chào lui ra. Diệu Vũ, Diệu Pháp ngang nhiên bước vào nội sảnh. Trong sảnh đèn sáng rực rỡ như ban ngày, hơn một trăm bàn tiệc người đã ngồi chật kín, quan khách phần nhiều nghiêng đầu rỉ tai, thì thào bàn tán. Thấy hai người vào cũng không ai buồn để ý.
Diệu Vũ mắt sáng như sao nhìn quanh một lượt, rồi đột nhiên xăm xăm đi thẳng vào bàn tiệc chính giữa, cúi xuống gọi một người: “Ngô huynh…” rồi ngầm đưa tay trái lên để lộ miếng vải vàng, thì thầm nói tiếp:
- Tình thế đã biến, Ngô huynh nên thông tin cho các anh em, bảo họ bỏ chiếc vải vàng này xuống.
Ngô Nhân kinh ngạc vội hỏi:
- Có phải huynh đài vâng lệnh của Bách Đại đại sư chăng?
Diệu Vũ nghĩ thầm: “Nếu ta nói rõ Bách Duy là gian tế của quân địch thì sợ mọi người nổi lòng căm phẫn làm náo loạn lên sẽ hỏng việc lớn, chi bằng hãy giấu đi cho êm chuyện”.
Bèn khẽ gật đầu nói:
- Bách Đại đại sư sai tôi chuyển cáo các vị hãy bỏ hết những dải lụa vàng đi, và cả bốn chữ “Thanh truyền hỏa tiễn” cũng đã bị quân địch biết hết cả rồi không nên dùng nữa.
Ngô Nhân đưa mắt nhìn Bách Duy ngồi ở phía xa rồi thì thào đáp lại:
- Nhờ huynh đài đáp lại với Đại sư: Từ giờ Ngọ đến giờ Tý đã có sáu, bảy người y theo tín hiệu tìm đến liên lạc với bọn tôi, trong số có rất nhiều vị danh tiếng lừng lẫy ẩn cư đã lâu ngày… Đêm nay, thế nào chúng tôi cũng phải cho họ một trận.
Diệu Vũ kinh sợ nghĩ bụng: “Không biết vị cao nhân tiền bối nào mà có tài xách động được nhiều hảo thủ như vậy?. ”
Giữa lúc ấy, chợt nghe một người có giọng sang sảng nói to:
- Liên cô nương, các vị bằng hữu ngồi đây, phần nhiều đều không quản xa xôi ngàn dặm tìm tới chỉ muốn chiêm ngưỡng phong thái của các vị phu nhân trong Nam Cung thế gia. Chẳng biết tiệc yến đêm nay, có vị nào ra mặt không?
Toàn trường nghe xong câu ấy đều nín thinh, lắng nghe trả lời. Chỉ thấy Liên nhi cầm chén rượu giơ cao lên mỉm một nụ cười duyên dáng nói:
- Thái phu nhân tôi không quen cảnh náo nhiệt nên hôm nay không có xuống đây.
Nàng nói xong lại cầm chén rượu chuyển từ tay trái sang tay phải, đôi mắt đong đưa, động tác cực kỳ mỹ lệ.
Chợt nghe trong bàn tiệc có người tặc lưỡi khen:
- Đẹp quá! Thật là thiên tiên giáng thế!
Ngô Nhân vừa nghe lọt tai câu ấy, lập tức quay phắt lại trừng mắt nhìn.
Người nói đó là một gã đại hán mặt vàng. Hắn nói xong cũng tự biết lỡ lời vội im bặt, chợt thấy Ngô Nhân trừng mắt nhìn mình, mặt gã lại lạnh như tiền, cũng trợn mắt nhìn trả.
Bọn Trường Bạch Tứ Hổ vốn tính hung hăng đã quen thấy thế giận lắm, anh nào cũng hoa tay mím miệng, chỉ chực gây sự. Diệu Vũ kinh sợ, vội ấn vai Ngô Nhân xuống, chú ý nhìn gã mặt vàng, thì ra chính là anh chàng cùng trọ với mình mấy hôm trước.
Trong khi đó, người hỏi Liên nhi vừa rồi lại lên tiếng:
- Nam Cung Thái phu nhân không đến đã đành, nhưng còn các vị kia chắc thế nào cũng có một vị tới?
Chợt lại nghe giọng trong trẻo của một người đàn bà nói tiếp:
- Phải đấy! Dù đây là một cuộc thí võ kén chồng thì cũng phải có trưởng bối ra mặt chứ? Chẳng lẽ cô nương lại tự đứng ra đính hôn, làm mối hay sao?
Câu nói vừa dứt, lập tức trong đại sảnh nổi lên những tiếng cười rúc rích. Cử tọa đều quay lại nhìn người vừa mới nói, chỉ thấy đó là một phu nhân tuổi đã hơi cao, mặt tròn như trăng rằm ngồi trên bàn tiệc bên cạnh bàn của Liên nhi và cũng là một vị nữ khách độc nhất trong bữa tiệc đó.
Có một số người biết mặt vị nữ khách đó bèn ghé tai nhau thì thào: “Đường lão thái. ”
Liên cô nương sầm nét mặt lại, đăm đăm nhìn Đường lão thái, mắt lộ sát khí, nhưng chỉ trong thoảng chốc lại cười khanh khách nói:
- Tôi tuy phụng mệnh Thái phu nhân chủ trì hội “chiêu thân” này, nhưng sở dĩ gọi là “chiêu thân” chẳng qua chỉ là để tuyển mấy vị anh hùng trong võ lâm hào kiệt. Còn việc hôn nhân, nếu vị nào không chê hèn mọn xin thân hành đến Nam Dương cầu thân với Thái phu nhân tôi…
Nói đến đây lại đưa mắt nhìn khắp cử tọa tươi cười nói:
- Cuộc hội họp hôm nay tuy rằng do tiểu nữ tự chủ trì, nhưng trừ Thái phu nhân ra còn các vị khác rất có thể sẽ kịp thời đến đây tiếp đãi các vị anh hùng cũng nên.
Thốt nhiên có tiếng một ông già thủng thỉnh nói:
- Lão phu nghe đồn đêm nay Nam Cung thế gia có mười nha đầu, chia ra mười nơi kén chồng và mười địa điểm ấy ở rải rác trong các vùng Nam, Bắc Đại Giang hai bên bờ sông Hoàng Hà, các vị phu nhân nếu trong một đêm muốn đi khắp các nơi đó e rằng đến gẫy chân mất?
Mấy câu nói ấy tuy hợp lý, nhưng Liên nhi tuy là nha đầu mà lại là nha đầu nhà Nam Cung thế gia nên xưa nay mắt ả vẫn để chốc ngôi, có coi các nhân vật hào kiệt võ lâm vào đâu? Lúc này đứng trước công chúng bị người công nhiên miệt thị, trong bụng lấy làm oán giận vô cùng. Cả đến Ngô tứ nương, Hứa nhị nương nghe nói cũng phải tức thay.
Mấy người đàn bà cũng trừng mắt nhìn người vừa nói, thấy đó là một ông già râu dài quá ngực, áo quần rách rưới lôi thôi như kẻ hành khất, bất giác lại tức bực. Ngô tứ nương liền sẵng tiếng nói:
- Cuộc chiêu thân này là chuyện vui mừng của bọn thanh niên, ông đã già vậy cũng phải tự biết giữ gìn, sao lại ăn nói bậy bạ, không sợ bị tống cổ ra hay sao?
Ông già lạnh lùng đáp:
- Lão phu chỉ lo không sống mà ra khỏi đây, nếu chỉ bị tống cổ đuổi đi thì còn gì đáng mừng hơn nữa!
Ngô tứ nương nổi giận nói:
- Lão thất phu kia! Ai mời ngươi đến đây? Trong rượu có thuốc độc hay sao mà ngươi dám nói lăng nhăng như vậy? Hay là cốt ý gây rối phá hoại cuộc vui mừng này?
Thấy cục diện đã quá căng thẳng, gã đại hán mặt vàng chỉ sợ lỡ mất dịp may hiếm có bèn vội đứng lên nói lảng sang chuyện khác:
- Liên cô nương! Đêm đã sang canh ba, chúng tôi đã được ban thưởng cơm no rượu say, ai cũng muốn biết cô nương sẽ dùng phương pháp nào để đánh giá cao thấp những người đến cầu thân?
Bách Duy thấy nói đã sang canh ba, lại chợt nhớ đến lời dặn vội vàng đứng lên, len lén đi ra khỏi tiệc.
Lúc này, cử tọa ai cũng chú ý lắng nghe Liên cô nương tuyên bố phương pháp chiêu thân, nên không ai để ý đến Bách Duy. Duy chỉ có Diệu Vũ từ lúc vào tiệc đến giờ luôn để mắt ngầm xem hành động của lão. Khi thấy lão đứng lên cũng vội vàng đứng lên theo. Diệu Pháp thấy thế cũng đứng lên ra nốt.
Ra tới cửa, Bách Duy ngoảnh lại trông thấy hai người, vội vàng nói nhỏ:
- Đêm nay cao thủ đông lắm, các vị không nên dời khỏi đây, lỡ xảy ra chuyện gì còn kịp thời cứu ứng. Tôi đã bắt liên lạc được với một vị cao nhân đang ngầm xách động chiến cuộc đêm nay, thế tất phải ra họp mặt. Nhưng đã giao hẹn cả hai không được đem người đi theo, sợ lộ chuyện. Vậy xin hai người hãy quay lại. Lát nữa ta sẽ nói chuyện sau.
Nói xong lập tức quay đi. Diệu Vũ nghĩ thầm: “Bao nhiêu mưu cơ của Nhâm tướng công đã bị bại lộ bởi tay người này, bây giờ vị cao nhân nào đó lại tưởng hắn là người tốt, toan bàn việc cơ mật với hắn, thật là nguy hiểm!”
Chàng vội nghĩ ra một kế, vội chạy theo nói nhỏ:
- Đại sư! Đệ tử cũng vừa gặp vị tiền bối ấy, người mời đại sư lại họp mặt.
Bách Duy chột dạ, nghiêm nét mặt hỏi:
- Ngươi gặp vị tiền bối nào? Phải biết việc này quan hệ trọng đại, đừng có oan gia lại ngỡ thân gia mà chui đầu vào lưới quân địch!
Diệu Vũ chợt nhớ câu chuyện Bách Duy nói với anh em Ngô thị sáng nay bèn nói bừa:
- Vị tiền bối ấy chỉ có một chân và một tay…
Nói xong, không đợi Bách Duy trả lời quay lại nói với Diệu Pháp:
- Sư huynh đứng đây, cứ theo lời dặn của vị tiền bối ấy mà làm. Để tiểu đệ đưa đại sư đi…
Diệu Pháp còn đang do dự, Bách Duy và Diệu Vũ đã ra tới cửa trạm. Mấy tên đại hán trông thấy Bách Duy đều cung kính nhường lối.
Hai người lẳng lặng, chẳng ai nói với ai một câu, chỉ cắm đầu rảo bước đi nhanh. Ra tới cửa trấn, Bách Duy nóng lòng sốt ruột tự nghĩ: “Đã gần tới canh ba rồi mà tên nhải ranh này cứ ám quẻ mình mãi làm lỡ cả việc lớn!” Hắn bực tức đưa mắt nhìn Diệu Vũ, rồi lại nghĩ tiếp: “Tên này ranh mãnh tinh quái lắm, nếu cứ để hắn bên mình thì thế nào hắn cũng làm hư việc của ta, chi bằng nhân lúc hắn có một mình ở đây thủ tiêu hắn đi cho rảnh.”
Nghĩ vậy, trong bụng thấp thỏm chỉ chực ra tay. Diệu Vũ liếc thấy mặt hắn bừng bừng sát khí, thì cả sợ vội bước lùi lại hai bước nói:
- Vị tiền bối ấy chẳng khác gì con thần long ẩn hiện bất thường. Có lẽ hắn nấp đâu gần đây cũng nên? Đại sư thử nhìn xem.
Bách Duy nghe nói cũng giật mình, vội ngẩng đầu nhìn quanh bốn phía. Chợt trông thấy một người cầm chiếc đèn lồng đang từ phía xa đi lại. Lúc này, trăng sáng vằng vặc như ban ngày mà còn có người phải thắp đèn lồng đi đường thật là một điều tối ư vô lý. Diệu Vũ càng thêm nghi hoặc, trong bụng còn có lẽ bồn chồn hơn cả Bách Duy.
Một lát sau người xách đèn lồng tới gần, thủng thỉnh bước qua gốc hòe. Bách Duy chú ý nhìn, thấy đó là một người đàn ông trung niên, mình mặc áo đỏ quần xanh, quả đúng như lời dặn trong tờ mật lệnh.
Bách Duy ruột nóng như lửa đốt, nghĩ bụng: “Nếu để Diệu Vũ tham gia vào việc này thì việc mình có liên quan đến nhà Nam Cung thế gia tất phải bại lộ, mà đuổi hắn đi cũng không xong, thì chỉ giết đi là ổn thỏa.” Nhưng lão lại lo Diệu Vũ vốn tính khôn ngoan quỉ quyệt, nếu lỡ đánh hụt thì thế nào cũng bị hắn chạy trốn mất.
Diệu Vũ thấy tình hình đã nguy vội nắm chặt lấy đốc kiếm, mắt đăm đăm nhìn cánh tay phải của Bách Duy, định bụng hễ thấy hắn giơ tay lên thì trước hết hãy tìm cách đon đả rồi sẽ liệu sau.
Lúc này, người cầm đèn lồng đi được một quãng đã quay trở lại. Khi qua chỗ hai người đứng, đầu vẫn cúi gầm xuống, hình như không biết có người đang chú ý nhìn mình, dáng điệu giống như một anh chàng ngốc.
Diệu Vũ chợt mỉm cười nói:
- Người này thái độ kỳ lạ, có lẽ là người của Nam Cung thế gia chăng?
Bách Duy cười một cách âm hiểm:
- Theo ta đoán thì người này chính là vị tiền bối cao nhân sai đến đón chúng mình đó.
Diệu Vũ làm bộ hoảng nhiên tỉnh ngộ nói:
- Có lẽ, vậy chúng ta hãy theo hắn mau lên.
Bách Duy gật đầu, cả hai cùng vội vàng đuổi theo gã xách đèn. Diệu Vũ cố ý nhường Bách Duy đi trước cách một quãng chừng hơn một trượng.
Người xách đèn lồng trước còn đi nhanh, sau cứ từ từ chậm lại, hình như sắp tới địa điểm. Bách Duy quay lại, thấy Diệu Vũ vẫn lẽo đẽo theo sau trong bụng giận đến cực điểm, nghĩ lúc này mà không giết hắn đi còn đợi đến bao giờ?
Diệu Vũ thấy Bách Duy quay lại vội nhảy tránh sang vệ đường. Bách Duy biết hắn đã đề phòng, không thể ám toán được bèn quyết định thẳng tay đối phó. Miệng cười một cách nanh ác nói:
- Diệu Vũ đạo huynh! Vị tiền bối không muốn cho chúng ta đi hai người, vậy bây giờ làm sao?
Diệu Vũ tinh mắt biết trong khi nói, hắn đã ngầm vận công lực, bèn vội lùi lại phía sau rút phắt thanh kiếm ra. Bách Duy cười lạt nói:
- Đạo huynh muốn động thủ với lão tăng hay sao?
Diệu Vũ hoành kiếm ngang ngực cười đáp:
- Đệ tử đâu dám! Đệ tử chỉ có mấy câu nếu không nói ra được thì chẳng khác gì như cái xương mắc ngang cuống họng, khó chịu vô cùng.
Bách Duy cười nhạt nói:
- Đạo huynh muốn nói gì cứ nói đi, bần tăng xin lãnh giáo.
Diệu Vũ hất hàm chỉ gã xách đèn lồng nói:
- Đệ tử đã nhìn kỹ, người này nhất định là thủ hạ của Nam Cung thế gia. Đại sư không nên để hắn lừa.
Bách Duy cười một cách độc ác:
- Đúng thế, hắn chính là thủ hạ Nam Cung thế gia…
Vừa nói vừa bước lại gần Diệu Vũ, Diệu Vũ đã nhảy lùi lại phía sau hơn một trượng, cười nhạt hỏi:
- Nếu thế thì đại sư cũng là thủ hạ của Nam Cung thế gia chăng?
Bách Duy gật đầu đáp một cách thản nhiên:
- Đúng thế! Trước khi vào chùa Thiếu Lâm, lão tăng đã là hạ thuộc của Nam Cung thế gia. Chỉ tiếc rằng ngươi biết đã quá muộn, bây giờ có hối cũng không kịp.
Diệu Vũ cười một cách ngạo mạn:
- Đại sư lầm rồi, việc này đệ tử đã biết lâu nhưng đệ tử vẫn muốn chính miệng đại sư nói ra cho chắc chắn.
Vừa nói vừa dồn công lực vào thanh trường kiếm, lưỡi kiếm luôn luôn rung động ánh thép sáng ngời. Bách Duy “hứ” một tiếng, thấy Diệu Vũ sắp lùi nữa liền bất thình lình xông lên, giơ chưởng đánh xuống.
Diệu Vũ quát to một tiếng, múa thanh kiếm lên một vòng ánh kiếm sáng loáng, bao phủ khắp một vùng trước ngực. Đồng thời hai chân đạp mạnh, nhảy lùi về phía sau.
Chỉ nghe đánh “bịch” một tiếng, chưởng lực mạnh như gió bão của Bách Duy đã va mạnh vào màn kiếm của Diệu Vũ đẩy chàng lùi xa ra sau sáu, bảy thước, thanh kiếm suýt nữa tuột ra khỏi tay.
Diệu Vũ ngầm đề chân khí cho lưu chuyển khắp bát mạch trong mình một lượt, cảm thấy trong ngực hơi tưng tức, biết rằng mình đã bị thương nặng.
Bách Duy lại giơ tay lên cách không, đánh ra một chưởng. Diệu Vũ biết thế không địch nổi, bèn tụ chân lực vào hai chân rồi bất thình lình nhảy vụt về phía sau.
Bách Duy chỉ cười khanh khách, Diệu Vũ thì mồ hôi vã ra như tắm, chân vẫn theo đà tiến của Bách Duy mà lùi dần.
Đột nhiên chàng thét to một tiếng, ánh kiếm lấp loáng, đã liên tiếp phóng ra được ba chiêu.
Ba chiêu đó là tinh túy của kiếm pháp Võ Đương, thế kiếm nhẹ nhàng mau lẹ, kỳ ảo khôn lường. Chỉ tiếc là công lực của Diệu Vũ hãy còn non quá, Bách Duy chỉ thuận tay phóng ra ba chiêu là hóa giải được hết.
Diệu Vũ phóng hết ba chiêu lập tức thoái bước, nhìn về phía sau Bách Duy kêu lớn:
- Lão tiền bối mau giúp đệ tử một tay, bắt lấy tên gian tế này.
Bách Duy giật mình toan quay đầu lại, nhưng chợt nghĩ ra đây chỉ là mẹo của Diệu Vũ, bật cười khanh khách nói:
- Mưu mẹo của trẻ con mà cũng dám hù ta à?
Chợt nghe “bịch” một tiếng, ngẩng lên đã thấy người xách đèn lồng bỗng dưng ngã lăn xuống đất, ngọn đèn bị bốc lửa cháy ngùn ngụt.
Bách Duy sợ hãi vội quay lại nhìn, Diệu Vũ thừa thế vội giở thuật khinh công chạy đi như bay. Nhưng giữa lúc ấy thoáng một bóng người lướt qua trước mắt rồi một luồng tiềm lực nặng như hòn núi rớt thẳng xuống đầu.
Diệu Vũ hoảng hốt vội uốn lưng, né người sang một bên tránh thoát. Kế lại nghe tiếng Bách Duy cười khanh khách nói:
- Không ngờ đệ tử của phái Võ Đương chỉ là đồ bị thịt!
Nói chưa dứt lời, chợt nghe phía sau lưng có tiếng người lạnh lùng đáp lại:
- Ai bảo đệ tử Võ Đương chỉ là đồ bị thịt? Bần đạo muốn thỉnh giáo người ấy!
Bách Duy hoảng sợ giật hẳn người lên, vội xoay người nhảy ra xa hơn một trượng.
Dưới ánh trăng sáng, chỉ thấy một người búi tóc theo kiểu đạo sĩ, vai đeo trường kiếm đứng sừng sững như một tòa núi.
Diệu Vũ thoạt đầu còn đứng ngẩn người ra, sau đó mới mừng rỡ cuống cuồng reo to:
- A! Sư phụ!
Thì ra người đó chính là Huyền Chân đạo trưởng. Ông cười nhạt một tiếng hiền từ đáp:
- Con tốt lắm! Có những môn hạ như con sư phụ cũng cảm thấy được an ủi.
Bách Duy đã trấn tỉnh được tâm thần, đưa mắt ngó quanh bốn phía, khi thấy không còn ai nữa mới hơi yên tâm, nghĩ bụng: “May mà Nhâm Vô Tâm không có ở đây, nếu không thì thật nguy quá. ”
Huyền Chân đạo trưởng hình như đọc được những ý nghĩ của hắn bèn vuốt râu mỉm cười nói:
- Bách Duy! Ngươi thử ngó lại phía sau xem ai đứng đó?
Bách Duy chợt thấy lạnh toát xương sống vội quay đầu lại, quả thấy một chàng thiếu niên mặc áo lam, mặt đẹp như ngọc đang đứng chắp hai tay ra sau lưng, cách chổ hắn đứng không đầy một thước.
Bách Duy hồn vía lên mây, nghĩ bụng: “Đại thế đã hỏng, đành phải giữ lấy toàn mạng vậy.” Đoạn hắn nằm phục xuống, lăn đi mấy vòng chuồn ra xa. Diệu Vũ vội kêu lên:
- Hắn định trốn kìa!
Chàng thiếu niên đó chính là Nhâm Vô Tâm, thấy thế chỉ mỉm cười, chỉ chuyển mình một cái đã đứng chắn ngay trước mặt Bách Duy. Bách Duy cuống quá vội vung tay lên, nhắm giữa ngực chàng phóng ra một chưởng.
Nhâm Vô Tâm khẽ mỉm cười giơ ba ngón tay lên, nhẹ nhàng điểm vào cổ tay Bách Duy. Bách Duy kêu rú lên một tiếng, cổ tay như bị rắn cắn vội rụt về nhưng cánh tay đã mềm nhũn. Nhâm Vô Tâm bước lên một bước, dùng ngón tay giữa và ngón tay trỏ điểm vào hai mắt Bách Duy.
Bách Duy đã sợ đến cực điểm, vội giơ tay phải lên dùng chiêu “Tử xách phục lung” là chiêu tuyệt nghệ của Thiếu Lâm bắt lấy cổ tay Nhâm Vô Tâm. Nhâm Vô Tâm hạ thấp cánh tay xuống, Bách Duy đã thấy cổ tay đau đớn liền buột miệng kêu rầm lên, buông thõng cánh tay xuống.
Nhâm Vô Tâm cười nói:
- Bách Duy! Đã đến nước này ngươi nên biết điều một chút là phải.
Bách Duy mồ hôi ướt đẫm trán, vừa lùi lại phía sau vừa run run hỏi:
- Ngươi muốn gì?
Nhâm Vô Tâm đáp:
- Ngươi bảo ta nên làm thế nào? Giết ngươi thì không đủ rửa giận mà tha ngươi thì không hợp tình lý? Ta cũng không biết phải xử ngươi thế nào cho phải.
Huyền Chân đạo trưởng lên tiếng:
- Những người như ngươi không bằng cầm thú, để sống ở đời chỉ làm hại thiên hạ.
Nói dứt lời, liền rút thanh trường kiếm cầm lăm lăm trên tay.
Bách Duy hoảng hốt, vội lùi lại hai bước kêu to:
- Khoan đã! Phái Thiếu Lâm và các ngươi hợp tác với nhau, ta là đệ tử Thiếu Lâm, dẫu có tội cũng phải giao cho Thiếu Lâm phân xử. Các ngươi tự tiện dùng tư hình thế này sao phải phép đối với đồng đạo?
Nhâm Vô Tâm nổi giận cười nhạt:
- Bách Nhẫn đại sư đâu?
Bách Duy chột dạ, vội lấp liếm:
- Ta tuy chưa biết chưởng môn sư huynh hiện đang ở đâu, nhưng trong chùa còn có trưởng lão hộ pháp, các ngươi phải đưa ta về chùa cho các trưởng lão hộ pháp xử trí.
Huyền Chân đạo trưởng giận dữ quát:
- Ngươi có thật là đệ tử phái Thiếu Lâm không?
Bách Duy vẫn nói cứng:
- Phải hay không chỉ có chưởng môn phái Thiếu Lâm nhận định, người ngoài không thể tác chủ được.
Diệu Vũ thấy Huyền Chân đạo trưởng và Nhâm Vô Tâm ngần ngừ không quyết, liền bước lên thưa rằng:
- Sư phụ! Trong trạm truyền thanh lúc này không thiếu gì cao thủ, chính là một thời cơ rất tốt cho chúng ta chiêu lập đồng đạo phản kích địch nhân. Người này dẫu chết đi sống lại hàng trăm lần cũng chưa đủ chuộc tội. Xin sư phụ và Nhâm tướng công phải quyết định cho mau mới được.
Huyền Chân đạo trưởng gật đầu, đưa mắt nhìn Nhâm Vô Tâm. Nhâm Vô Tâm mỉm cười, chợt giơ tay chỉ một cái, điểm vào “Cự khuyết huyệt” trên quả tim của Bách Duy.
Chỉ nghe Bách Duy “hự” một tiếng, thân hình run bắn lên, chỉ trong khoảnh khắc lão đã cảm thấy khắp mình đau như kim châm, đầu xương gãy răng rắc.
Nhâm Vô Tâm cười nhạt nói:
- Thủ pháp “Phân thân xúc cốt” của ta có thể nói là trong võ lâm chưa từng trông thấy. Chỉ trong chốc lát nữa, thân thể ngươi sẽ co rúm lại còn bằng nửa thước, ta có thể giấu ngươi vào trong túi vải được…
Nói chưa dứt lời, Bách Duy đã ngã nhào xuống đất lăn lộn không ngừng, mặt mũi đều ứa máu rên la thảm thiết. Thầy trò Huyền Chân đạo trưởng tuy căm giận Bách Duy thấu cốt, nhưng khi trông thấy thế cũng phải quay mặt đi không dám nhìn. Nhâm Vô Tâm cũng không nỡ trông thấy thảm cảnh đó đang định phóng một chưởng kết liễu cho xong, chợt nghe Bách Duy kêu lên: “Nhâm… Nhâm tướng công.”
Nhâm Vô Tâm nhấc một chân lên đá Bách Duy lên không, lộn đi mấy vòng rồi lại ngã ngồi xuống đất. Bách Duy thở phì phò như trâu, mặt mũi méo mó, cơ hồ bất thành nhân dạng. Nhâm Vô Tâm quát:
- Trước khi vào phái Thiếu Lâm, tên tục ngươi là gì? Có hỗn hiệu không?
Bách Duy vừa thở vừa nói:
- Họ Âu tên Trí, tước hiệu Phấn diện hổ.
Nhâm Vô Tâm lại hỏi:
- Bách Nhẫn đại sư sống hay chết?
Bách Duy vội đáp:
- Còn sống, nhưng đã quy hàng Nam Cung thế gia.
Nhâm Vô Tâm giơ chân lên định đá nữa:
- Nói láo!
Bách Duy run sợ nói:
- Chưởng môn sư huynh chắc là uống lầm mê dược của Nam Cung phu nhân nên mới cam tâm đầu hàng. Việc đó không can gì đến tôi.
Huyền Chân đạo trưởng hỏi:
- Còn ngươi có bị uống lầm thuốc mê không?
Bách Duy do dự một lát rồi nói:
- Năm đó tôi vâng mệnh Nam Cung phu nhân vào chùa Thiếu Lâm làm dọ thám, chẳng qua là trong lúc hồ đồ gây ra lầm lỡ, thực không phải là tại uống thuốc mê.
Nhâm Vô Tâm lại hỏi:
- Lúc đó Bách Đại đại sư đâu?
Bách Duy thản nhiên đáp:
- Tôi và chưởng môn sư huynh đồng mưu chế phục Bách Đại đại sư, chính tay chưởng môn bắt hắn.
Huyền Chân đạo trưởng lắc đầu than:
- Đường đường một phái Thiếu Lâm mà phút chốc bị tiêu diệt về tay ngươi. Phật Tổ linh thiêng khi nào lại tha thứ cho những kẻ phản bội như ngươi.
Nhâm Vô Tâm lạnh lùng hỏi:
- Ngươi ra ngoài hành động thì nghe lệnh ai chỉ huy?
Bách Duy không cần nghĩ ngợi, lập tức trả lời:
- Ngũ phu nhân Điền Tú Linh!
Nhâm Vô Tâm giật bắn người lên, từ từ quay lại lẩm bẩm: “Hèn gì ta nghĩ mãi mà không ra là ai.”
Điều mà chàng cần hỏi Bách Duy chỉ có câu đó, mối nghi ngờ ám ảnh chàng, làm cho chàng tan gan nát ruột bao lâu nay, chỉ trong chốc lát đã gỡ lần ra được hết.
Chàng chắp tay ra sau lưng, đi đi lại lại một lúc, chợt quay lại nói:
- Bách Duy! Ngươi đã thẳng thắng cung khai, gỡ cho ta bao nhiêu nỗi thắc mắc từ trước đến giờ nên ta tha cho ngươi khỏi chết. Ngươi đi đi!
Bách Duy mừng rỡ, vừa toan đứng lên bỏ chạy nhưng còn sợ là Nhâm Vô Tâm lừa gạt nên chưa dám, chỉ ngước mắt nhìn mọi người.
Nhâm Vô Tâm nói với Huyền Chân đạo trưởng:
- Một phen giang hồ biến loạn, bao nhiêu tinh anh của phái Thiếu Lâm đã dần dần mất cả, tại hạ mưu sự không thành cũng không chối được lỗi. Bách Duy tội ác đã đầy, dẫu chết cũng chưa đủ chuộc tội, nhưng tại hạ quả không còn mặt nào để giết hắn.
Chàng thở dài rồi nói tiếp:
- Người này chịu không nổi cực hình, phun ra hết những điều bí mật của Nam Cung thế gia, Nam Cung phu nhân tất không khi nào chịu tha thứ. Vả hắn đã thành người tàn phế, nghĩ lại công đức của phái Thiếu Lâm, thiết tưởng đạo trưởng cũng nên mở lượng từ bi, mặc cho hắn tự sinh tự diệt là hơn cả.
Huyền Chân đạo trưởng nhìn cánh tay gãy của Bách Duy ngậm ngùi nói:
- Nhâm tướng công nói có lý, bần đạo xin tuân lệnh.
Ông lại hỏi Bách Duy:
- Ngươi có biết người xách đèn kia vì sao mà chết không?
Bách Duy đứng lên, cúi đầu đáp:
- Theo ý tôi đoán, thì có thể hắn chết vì thứ thuốc độc định giờ của Nam Cung phu nhân.
Bách Duy nói xong, nét mặt chợt lộ vẻ ăn năn, ngượng nghịu. Huyền Chân đạo trưởng thở dài nói:
- “Thỏ chết chó cũng giết luôn, chim bay đã hết cung còn để chi”. Ôi! Cái thói quen của các tay kiêu hùng từ xưa đến nay đều thế cả. Cái chết của người này chính là một tấm gương vàng. Đại sư tài trí hơn người, cũng nên tỉnh ngộ mới phải.
Bách Duy đỏ mặt tía tai cúi đầu nói:
- Đa tạ đạo trưởng chỉ điểm cho mê muội, đệ tử đã biết hối lỗi, nguyện sẽ đem tấm thân này cứu lấy hai vị sư huynh đang bị giam hãm trong Nam Cung thế gia. Dù thành hay bại cũng xin lấy cái chết để đền tội.
Nhâm Vô Tâm cười nói:
- Hay lắm! Thế mới thật là anh hùng, thật là hào kiệt. Vừa rồi tại hạ hơi lỗ mãng, mong đại sư bỏ qua cho.
Nói đến đây, chàng liền giơ tay ấn vào huyệt “linh đài” sau lưng Bách Duy dồn một luồng nhân lực nóng bỏng vào thân thể lão, Bách Duy rùng mình, vội vận khí từ đan điền đi ra các mạch.
Chỉ trong phút chốc, da thịt lão dần dãn ra, chân tay lại cử động được như cũ. Nhâm Vô Tâm mới thu tay về, Bách Duy vội bái tạ quay đầu bước đi.
Ba người cùng đưa mắt nhìn theo, Diệu Vũ vội nói:
- Theo ý đệ tử thì Bách Duy chưa chắc đã thật tâm hối cải.
Nói chưa dứt lời đã nghe tiếng giày ở phía sau, ba người cùng giật mình quay lại, trông thấy Bách Duy đang hấp tấp chạy ngược trở lại. Huyền Chân đạo trưởng ngạc nhiên hỏi:
- Đại sư trở lại có việc gì vậy?
Bách Duy không trả lời, đột nhiên quì xuống trước mặt Nhâm Vô Tâm, lạy lấy lạy để, vừa lạy vừa nói:
- Bách Duy đáng chết! Vừa rồi đã dám lừa dối Nhâm tướng công.
Nhâm Vô Tâm cười nói:
- Đại sư đứng lên! Có chuyện gì xin cứ cho biết!
Bách Duy vẫn quì dưới đất, hai hàng nước mắt lã chã tuôn rơi, ngập ngừng nói:
- Bách Duy vâng theo lệnh của Ngũ phu nhân canh ba đêm nay theo người xách đèn lồng đến một nơi nghe người chỉ thị kế hoạch rồi ghi lấy và cho chim bồ câu đưa đi…
Kế đó, hắn thuật lại cho mọi người nghe những lời dặn dò trong tờ mật lệnh. Nhâm Vô Tâm nghe xong chỉ cúi đầu im lặng, chẳng nói chẳng rằng. Bách Duy ngừng một lát rồi nói:
- Người ấy thật là thần bí và những mưu mô của hắn tất cũng quan trọng lắm. Nhâm tướng công không nên…
Nhâm Vô Tâm chợt ngẩng đầu lên cười ha hả nói:
- Xin đại sư hãy đứng lên, tại hạ còn có chuyện muốn nói!
Bách Duy theo lời, từ từ đứng dậy, dáng điệu tỏ ra hết sức cung kính. Nhâm Vô Tâm mỉm cười nói:
- Đại sư làm môn hạ cho nhà Nam Cung thế gia đã lâu, đã biết rằng vũ khí của họ ngoài võ công, dược vật, mỹ sắc ra, lại còn có những mưu mẹo giảo quyệt, cố làm ra vẻ thần bí để lòe người ta, khiến cho không ai dám manh lòng kia khác. Sau lưng Nam Cung thế gia còn có người giật dây, điều lạ không phải là không thể có được, nhưng việc này đại sư vâng lệnh truyền đi việc cơ mật, chỉ là do Điền Tú Linh cố ý dàn cảnh. Nếu quả có người chỉ thị cơ mưu thật thì hoặc giả đó chính là Điền Tú Linh cũng nên, đại sư không nên để cho họ lừa.
Bách Duy nghe xong lạnh toát cả người, lẩm bẩm: “Có lẽ việc trọng yếu như vậy tại sao các vị phu nhân không thân hành đi lấy mà lại giao cho người ngoài?”
Hắn lại thở dài nói tiếp:
- Tài trí của Nhâm tướng công còn gấp trăm Bách Duy, vậy mà Bách Duy còn mơ màng muốn đánh bại tướng công để chiếm đoạt địa vị, thật là không biết tự lượng, ngu xuẩn vô cùng.
Nhâm Vô Tâm cười nói:
- Chưa chắc! Đại sư chẳng qua là người trong cuộc nên không được sáng suốt, chứ tại hạ đã chẳng bao nhiêu lần bị bại về tay đại sư đấy ư?
Bách Duy lạy sụp xuống đất, dập đầu cồm cộp. Nhâm Vô Tâm xua tay nói:
- Đại sư làm gì thế?
Bách Duy run run nói:
- Bần tăng chỉ xin Nhâm tướng công nể mặt phái Thiếu Lâm tha mạng cho một lần. Nếu tướng công không hỏi đến lỗi trước, bần tăng nguyện đem chút hơi tàn vì thương anh kiệt mà tận tâm tận lực để chuộc tội.
Huyền Chân đạo trưởng cũng nói đỡ:
- Nhâm tướng công! Chúng ta cũng nên nghĩ đến vị cao tăng đã tử nạn là Bách Tường đại sư mà mở cho hắn một con đường sống.
Nhâm Vô Tâm thở dài, vụt giơ tay lên đập vào bối tâm Bách Duy, Bách Duy rùng mình tiến lên một bước. Nhâm Vô Tâm nói:
- Nói thật cho ngươi biết, nếu ngươi không trở lại thì lúc này đã chết ở dọc đường rồi.
Bách Duy ngập ngừng nói:
- Bần tăng cũng đoán thế!
Nhâm Vô Tâm mỉm cười nói:
- Ngươi là người giả dối đa nghi, vậy nên ta phải đành lấy cái đạo của ngươi để trị ngươi vậy.
Giữa lúc ấy chợt trong trạm Truyền thanh nổi lên một tiếng hú thật dài. Huyền Chân đạo trưởng cau mày nói:
- Tiếng hú đưa đi xa như thế, ngoài vị cao nhân đó ra, tài của ai mà có cái công lực ghê gớm như vậy?
Diệu Vũ nói:
- Tiếng hú ngắn dài hình như có ý muốn cầu cứu?
Nhâm Vô Tâm liền nói:
- Thôi ta đi!
Nhâm Vô Tâm nói xong, kéo tay Huyền Chân đạo trưởng rồi cả ba cùng trổ thuật khinh công chạy như bay về trạm, để mặc Bách Duy đứng ngơ ngẩn bên đường.
Tố Thủ Kiếp Tố Thủ Kiếp - Ngọa Long Sinh Tố Thủ Kiếp