Love is like a butterfly, it settles upon you when you least expect it.

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngọa Long Sinh
Thể loại: Kiếm Hiệp
Upload bìa: Thái Long
Số chương: 60
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2949 / 45
Cập nhật: 2017-08-27 08:08:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hồi 5 - Thủy Tinh Kính, Ngọc Ngô Công
uyền Nguyệt đạo trưởng dẫn đầu. Vòng qua mấy dãy chậu hoa, rồi ra đến cửa lớn.
Lúc này Bạch Thiết Sinh vẫn ngồi trên xe ngựa, dáng điệu có vẻ nóng nảy bồn chồn. Vừa trông thấy Huyền Nguyệt, vội đứng lên đón, vồn vã hỏi:
- Lão tiền bối có mượn được hai bảo vật không?
Huyền Nguyệt giơ chiếc hộp gỗ lên, nói:
- Mượn được đây rồi. Hiền điệt mau mở rèm xe ra.
Bạch Thiết Sinh mở rèm xe, Huyền Nguyệt liền cầm chiếc hộp gỗ nhảy lên.
Từ lúc đặt bốn cỗ thi hài vào trong xe, trừ Huyền Nguyệt đạo trưởng ra, thì không ai ngó vào xe làm gì nữa. Lúc này rèm xe được cuốn lên, mọi người nhìn vào, mới thấy bốn vị quân tử vẫn ngồi xếp bằng tròn đối diện y như lúc ở trên đỉnh núi.
Huyền Nguyệt tay phải cầm kính, tay trái mở bàn tay của Lam Triệu Thường ra xem, nhờ ánh sáng ngoài cửa xe lọt vào, tỉ mỉ soi kỹ một lúc, sắc mặt chợt tái hẳn lại.
Đoạn ông bỏ tay Lam Triệu Thường xuống, rồi cầm tay Chu Thiên Thượng lên xem, càng xem, sắc mặt ông càng tái xanh, đôi mày cau có, rõ ràng là trong bụng đang bối rối dị thường.
Chỉ một lúc không lâu, ông đã xem hết bốn bàn tay, rồi ngửng mặt lên trời, thở ra một hơi dài, đoạn lại nhảy xuống xe.
Bạch Thiết Sinh vội hỏi:
- Lão tiền bối có tìm thấy gì lạ không?
Huyền Nguyệt sắc mặt trầm trọng, đưa mắt nhìn khắp mọi người, rồi hỏi:
- Trong các vị đây, có ai biết cái tên “Cừu võ lâm” không?
Thượng Tam Đường lẩm bẩm, nhắc lại:
- Cừu võ lâm, Cừu võ lâm!
Chợt ông ngẩng lên lắc đầu:
- Lão phu đã moi hết bộ óc khô này ra rồi, mà chẳng thấy cái tên kỳ dị ấy đâu cả!
Ngôn Phượng Cương cau mày nói:
- Cừu võ lâm? Tên gì mà lạ thế? Rõ ràng là có kẻ nào thù hận võ lâm, nên mới đặt cái danh hiệu quái gở ấy. Chớ ở đời này làm gì có con người đó?
Thượng Tam Đường chợt vỗ tay reo:
- A phải rồi, Ngôn huynh nói có lý lắm! Tiểu đệ xin bái phục!
Bạch Thiết Sinh cau mặt hỏi:
- Chẳng lẽ trừ ba chữ “Cừu võ lâm” ra, không còn dấu vết gì khác nữa sao?
Huyền Nguyệt nói:
- Hiền điệt lên mà xem, tự khắc sẽ rõ.
Thiết Sinh đỡ lấy tấm kính, rồi cũng nhảy lên xe, lần lượt soi vào bốn bàn tay người chết.
Nhưng sao khi xem xong, sắc mặt chàng cũng tái nhợt, chẳng kém gì Huyền Nguyệt, rồi thở dài một tiếng, nhảy xuống xe, đưa trả tấm kính cho Huyền Nguyệt.
Thượng Tam Đường rất lấy làm kỳ dị, nghĩ bụng: “Tại sao ai xem xong cũng cau mặt, tái mặt thế kia là lý gì?”
Ông không sao dằn nổi tính tò mò, bèn cũng cầm kính nhảy lên xe xem.
Lên đến xe, Thượng Tam Đường mở tay Lam Triệu Thường ra soi trước.
Nhưng vệt đỏ nhỏ như tơ nhện trên lòng bàn tay nạn nhân, dưới tấm kính thuỷ tinh đã hiện thành một bản đồ án, chữ nhỏ li ti, rõ ràng từng nét.
Đàm Khiếu Thiên đi lại bên xe, sẽ nói:
- Lão tiền bối trông thấy những gì, có thể thuật lại cho chúng tôi nghe được không? Nếu để cả ngần này người phải lên xem lấy, thì mất nhiều thì giờ quá.
Thượng Tam Đường đưa mắt nhìn Huyền Nguyệt, thấy ông ta không tỏ ý phản đối, bèn gật đầu, nhìn vào lòng bàn tay người chết, sẽ đọc: “Ký tử lục...” (sổ ghi tên người chết).
Vừa đọc đến đấy, Ngôn Phượng Cương chợt cao giọng nói:
- Hừ, thật là đồ khùng! Không biết đứa nào mà đại ngôn quá thế!
Thượng Tam Đường lại đọc tiếp: “Người ta không có ai là sống mãi, nhưng chết cũng có kẻ trước người sau. Trung Nguyên Tứ Quân Tử chẳng qua chỉ là những người được tuyển đầu tiên.”
Ngôn Phượng Cương vừa nghe, vừa lẩm bẩm:
- Điên, điên, thật là thằng điên...!
Thượng Tam Đường vẫn tiếp tục đọc: “Chết chóc dần dần, tiền nhân báo trước, tên ở sổ này, khó lòng tránh thoát...”
Vừa đọc đến đấy, thốt nhiên dừng lại, không đọc nữa.
Ngôn Phượng Cương quay lại nhìn bọn Đồ GiangNam cười nói:
- Không biết bọn mình có vinh hạnh được đăng tên trong cuốn sổ ấy không?
Thượng Tam Đường thở dài đáp:
- Ngôn huynh đừng lo, trong mười tên trong sổ, cũng có cả đại danh của Ngôn huynh đây này.
Ngôn Phượng Cương giật bắn người lên, xương sống lạnh toát, đằng hắng một tiếng, gượng cười nói:
- Nếu vậy thì quả thật vinh hạnh cho tiểu đệ!
Miệng tuy nói cứng như vậy kỳ thực thì trong bụng đã sợ run lên, nghĩ đến cái chết của Tứ Quân Tử, biết rằng hung thủ không phải chỉ nói khoác.
Thượng Tam Đường lại xem kỹ một lúc nữa, thốt nhiên sắc mặt tái mét, nhảy xuống xe, đưa trả tấm kính cho Huyền Nguyệt. Rồi nói với bọn Ngôn Phượng Cương:
- Ở dưới toàn là tên người, khỏi cần phải xem nữa.
Lỗ Bình rụt rè hỏi:
- Thượng huynh, có tên tại hạ ở trong đấy không?
Thượng Tam Đường nói:
- Nếu tôi không trông lầm, thì hình như cũng có cả tên Lỗ huynh thì phải.
Huyền Nguyệt nói:
- Có một điều lạ, là tại sao chỉ có một cái dấu cỏn con như vậy, mà họ biên được lắm chữ thế? Thật là thần kỳ!
Ngôn Phượng Cương nói:
- Đó chỉ là một xảo thuật. Bây giờ ta lại thử viên ngọc rết xem Tứ Quân Tử trúng phải thứ thuốc độc gì!
Nói xong liền nhảy lên xe, mở hộp lấy viên ngọc rết ra, đặt lên lòng bàn tay Chu Thiên Thượng, đúng chỗ có cái dấu đỏ. Quần hùng đều xúm cả lại xem.
Chỉ thấy viên ngọc rết trắng muốt như tuyết, vừa chạm vào cái dấu đỏ, lập tức biến sắc dần dần. Nhất là cái chỉ đỏ ở lưng viên ngọc, phản ứng lại càng mau lẹ, chỉ trong nháy mắt đã biến thành màu tím đen.
Thượng Tam Đường chợt quay lại nói với Huyền Nguyệt:
- Quả nhiên Tứ Quân Tử bị trúng kịch độc thật.
Ngôn Phượng Cương thấy viên ngọc rết, đã dần dần biến thành màu đen, bèn vội thu về, nhảy xuống xe, ngẩn người ra nhìn viên ngọc, luống cuống không biết làm thế nào.
Thì ra, ông ta thấy viên ngọc đã trở thành màu đen, trong bụng băn khoăn lo lắng, không biết làm thế nào cho nó trở lại màu trắng như cũ, chỉ chép miệng thở dài:
- Hoài của, viên ngọc quý, hiếm có thế này mà chỉ dùng được có một lần là hỏng. Uổng quá!
Huyền Nguyệt sắc mặt cực kỳ trầm trọng, sẽ nói với Thiết Sinh:
- Hiền điệt nếu thấy trong mình khó chịu, thì phải nói ngay cho bần đạo biết.
Ngôn Phượng Cương cúi đầu nhìn chiếc hộp thiếc trong tay rồi nói:
- Chúng ta vượt hàng ngàn dặm tới Nam Dương, mục đích chỉ là để tìm xem nguyên nhân cái chết của Tứ Quân Tử có phải vì trúng độc không. Bây giờ mọi việc đã xong, ta đem kính và ngọc trả họ thôi chứ?
Huyền Nguyệt nói:
- Cố nhiên, “ngọc bích lại hoàn họ Triệu.” Thôi chúng ta đem trả mau lên, rồi còn đi cho sớm.
Nói rồi bưng hộp kính đi lên trước. Quần hào lũ lượt theo sau. Chỉ có Bạch Thiết Sinh, Đường Thông là ở lại coi xe. Diệp Sương Y vẫn phủ miếng khăn đen che mặt, đứng tựa gốc cây bạch dương, ngẩng mặt trông trời, hình như đang mải suy nghĩ chuyện gì.
Đường Thông đột nhiên hạ giọng hỏi Bạch Thiết Sinh:
- Bạch huynh xem cái dấu đỏ trong lòng bàn tay lệnh tôn sư, có phát hiện được điều gì lạ nữa không?
Bạch Thiết Sinh lắc đầu nói:
- Phát hiện được điều gì thì Huyền Nguyệt đạo trưởng và Thượng lão tiền bối đã tuyên bố cả rồi, huynh đệ không có ý kiến gì khác cả.
Đường Thông cau mày nói:
- Bạch huynh đừng có nói dối, tiểu đệ không tin là Bạch huynh không tìm thấy manh mối gì khác lạ...
Hắn ngừng một lúc rồi lại tiếp:
- Việc này không những Bạch huynh đã tìm ra manh mối mà cả đến Huyền Nguyệt đạo trưởng và Thượng lão tiền bối cũng đều biết cả. Nếu các vị đã phát giác được đây không phải là một vụ án tầm thường, thì tại sao lại bí mật không chịu tuyên bố?
Thiết Sinh ấp úng:
- Vì là... vì là...
Giữa lúc ấy chợt nghe có tiếng chân đi tới, hai người đều im bặt, không nói gì nữa.
Chỉ trong thoáng chốc, đã thấy một tên nữ tỳ áo xanh, từ trong trang viện bước ra.
Tên nữ tỳ vừa bước ra, đã giương đôi mắt to đen láy nhìn khắp mọi người, rồi dịu dàng hỏi:
- Trong mấy vị, ai có trách nhiệm trông coi ở đây?
Bạch Thiết Sinh đưa mắt cho Đường Thông rồi hỏi:
- Có việc gì thế?
Người con gái áo xanh đăm đăm nhìn cỗ xe, hỏi:
- Cỗ xe ngựa kia chở thi hài đấy à?
Thiết Sinh gật đầu:
- Vâng, phải đó!
Tên nữ tỳ biến sắc mặt lạnh lùng nói:
- Chủ nhân tôi truyền lệnh, các ông phải đem ngay cỗ xe này ra khỏi rừng dương liễu.
Thiết Sinh cau mày nói:
- Xin để tôi bẩm mệnh với mấy vị tiền bối đã, rồi mới có thể quyết định được.
Người con gái quắc mắt lên, thủng thỉnh bước đến bên cỗ xe. Vừa đi vừa nói:
- Các người đã không muốn bận tay thì để tôi làm đỡ.
Nói vừa dứt lời, liền giơ tay nắm lấy cương ngựa, Bạch Thiết Sinh giật mình kinh sợ, vội rảo bước tiến lên, đứng chắn ngang đầu cỗ xe, sẵng giọng nói:
- Buông ra!
Thiếu nữ chỉ “hừ” một tiếng, tay cầm chặt dây cương kéo thật mạnh cỗ xe tức thì bon bon chạy lên phía trước.
Đường Thông nhún hai chân một cái lăng không nhảy vọt lên ngăn lại, một tay nắm dây cương, một tay đẩy xe, con ngựa lại bước giật lùi về chỗ cũ.
Thiếu nữ giận lắm nói:
- Hai vị đã ương ngạnh như vậy, xin đừng trách tôi vô lễ.
Nói xong rảo bước chạy đến bên cỗ xe.
Bạch Thiết Sinh vội chạy theo năn nỉ:
- Cô nương hãy vui lòng cho chờ thêm chút nữa, để chúng tôi bẩm qua các vị tiền bối một tiếng, rồi xin tức khắc đi ngay không dám để cô nương bận tâm.
Người con gái do dự một lúc rồi nói:
- Thôi được, chỉ trong vòng ăn xong bữa cơm, nếu các người không ra khỏi khu rừng này, tôi sẽ đốt xe.
Nói xong, lập tức quay đi. Bạch Thiết Sinh trông theo sau lưng thiếu nữ, chờ nàng đi khuất, sẽ bảo Đường Thông:
- Đường huynh, trông xe giùm một lúc, để tiểu đệ vào trang xem thế nào.
Đường Thông cười nói:
- Bạch huynh sợ con ranh con ấy đốt xe thật ư?
Bạch Thiết Sinh cũng cười nói:
- Thực ra, tiểu đệ không thích gây chuyện với họ, vì chẳng gì mình cũng phạm vào bốn điều giới luật của người ta, người ta vẫn có quyền nói được.
Nói xong, rảo bước đi vào trang, nhưng mới đi được một quãng đã trông thấy bọn Huyền Nguyệt từ trong cổng lớn đi ra.
Huyền Nguyệt bước đến gần Bạch Thiết Sinh, sẽ nói:
- Ta đi thôi!
Bạch Thiết Sinh lập tức nhảy lên xe, giong cương cho xe chạy.
Chiếc xe ngựa len lỏi đi trong khu rừng liễu mông mênh, tiếng bánh xe nghiến trên đường đá lọc lọc, phá tan cảnh tịch mịch âm u của khu rừng vắng lạnh.
Quần hào lũ lượt đi theo sau xe, tất cả đều im lặng, không ai lên tiếng. Dường như trong bụng mỗi người đều mang nặng một bầu tâm sự.
Ra tới chỗ giá kiếm, ai nấy đều lấy vũ khí đeo vào mình. Lúc này Ngôn Phượng Cương mới thở ra một hơi dài, rồi nói:
- Khu vườn rộng thế này, riêng chỉ việc quét lá cũng phải hàng trăm người mới có thể làm nổi. Tại hạ thật không sao tin được rằng trong nhà Nam Cung thế gia lại chỉ có mấy người quả phụ ấy thôi.
Đàm Khiếu Thiên nói:
- Huynh đệ từ nhỏ đến giờ vào nam ra bắc, đi đã nhiều nơi mà chưa hề thấy nơi nào có cái không khí âm u, khủng bố như gia đình nhà Nam Cung này.
Thượng Tam Đường cười nói:
- Vô luận cảnh tưởng ở đây ra sao, nhưng họ đối với mình quả cũng tử tế hết sức. Tôi hãy hỏi trong các vị đây, đổi thử vị nào có viên ngọc rết và tấm kính thuỷ tinh quý ấy thì có vui lòng cho ai mượn một cách dễ dàng như họ không?
Quần hào đều cúi đầu nín lặng, hình như họ cùng tự nhủ: “Có vậy, nếu hai vật đó là của mình, thì dù người thân đến đâu cũng đừng hòng hỏi mượn.”
Ngôn Phượng Cương ho khan một tiếng, lẩm bẩm nói một mình:
- Hoài của viên ngọc rết!
Hình như trong bụng ông ta vẫn không sao quên được viên ngọc.
Huyền Nguyệt từ nãy đến giờ vẫn mặt ủ mày chau, chẳng nói chẳng rằng, lúc này chợt cất tiếng hỏi:
- Hoài của cái gì? Hoài của...
Ông rất ghét cái tính tham lam của Ngôn Phượng Cương nên định nói: “Hoài của, nhà Nam Cung thế gia không tặng Ngôn huynh viên ngọc ấy chăng?” Nhưng lại sợ câu nói của mình rất có thể khiến cho họ Ngôn thẹn quá hoá giận, lại gây ra những chuyện không hay nên không nói tiếp nữa.
Ngôn Phượng Cương không hiểu ý ấy, nên vẫn thản nhiên cười đáp:
- Hoài của viên ngọc quý như vậy, mà chỉ dùng được có một lần, đã tím đen lại.
Huyền Nguyệt nói:
- Nếu viên ngọc rết quả chỉ dùng được một lần rồi vứt đi, thì đã chẳng đến phần Ngôn chưởng môn.
Ngôn Phượng Cương chợt tỉnh ngộ, vội nói:
- Đạo trưởng nói cũng có lý. Nhưng người ta làm thế nào cho nó lại trắng ra như mới?
Huyền Nguyệt cười nói:
- Có khó gì đâu? Chỉ việc bỏ viên ngọc vào một chén sữa tươi, ước chừng nguội chén nước trà, là sữa sẽ hút hết chất độc trong viên ngọc ra, viên ngọc lại trong suốt như cũ.
Ngôn Phượng Cương cười nói:
- À, thì ra là thế!
Lúc này mọi người đã ra khỏi khu rừng liễu. Diệp Sương Y liền hỏi Huyền Nguyệt:
- Lão tiền bối hết săn sóc cho gia phụ và các vị sư thúc bá, điệt nữ thật cảm kích vô cùng. Nhưng điệt nữ muốn hỏi ý kiến chư vị lão tiền bối...
Huyền Nguyệt ngắt lời hỏi:
- Hiền điệt nữ muốn thế nào cứ nói, đừng ngại!
Diệp Sương Y buồn bã nói:
- Điệt nữ muốn hộ tống di hài tiên phụ và các vị sư trưởng về quê, nhưng chỉ sợ lâu ngày quá, thi thể bị hư nát mất.
Huyền Nguyệt nói:
- Điều đó hiền điệt nữ khỏi lo, vì bốn cỗ thi hài này dẫu để thêm năm ba tháng nữa cũng không hề gì.
Diệp Sương Y ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao thế ạ?
Huyền Nguyệt trầm ngâm một lát, rồi nói:
- Vì nếu bốn cỗ thi hài này mà nát được thì tất đã nát từ lâu rồi, còn đâu đến hôm nay? Hiền điệt nữ hẳn cũng đã biết trong ngần ấy ngày đi đường, bần đạo đều nằm lỳ trong xe, làm bạn với mấy cái xác chết rồi chứ?
Diệp Sương Y gật đầu nói:
- Chính vì thấy lão tiền bối quá tận tâm mà điệt nữ càng thêm cảm kích, không biết làm thế nào báo được ơn sâu.
Huyền Nguyệt chợt tỏ vẻ xúc động vô cùng, hai mắt long lanh ngấn lệ, hình như có một tâm sự cực kỳ đau đớn mà không nói ra được.
Quần hào thấy thế, ai cũng ngạc nhiên, bao nhiêu cặp mắt đều dồn vào mặt ông ta.
Thượng Tam Đường sẽ nói:
- Đạo trưởng, theo ý lão phu thì bất nhược ta cứ nói phắt ra cho mọi người cùng biết, để họ khỏi nghi ngờ, thắc mắc có phải hơn không?
Huyền Nguyệt trầm ngâm một lát, rồi thở dài nói:
- Thôi được, nhưng đứng đây nói chuyện không tiện, chúng ta hãy tìm chỗ nào vắng vẻ rồi bần đạo sẽ nói cho các vị nghe.
Đoạn rồi cả đoàn lại kéo nhau đi.
Tố Thủ Kiếp Tố Thủ Kiếp - Ngọa Long Sinh Tố Thủ Kiếp