Thành công có nghĩa là thoát khỏi những nếp nghĩ cũ kỹ và chọn cho mình một hướng đi độc lập.

Keith DeGreen

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 830 / 2
Cập nhật: 2016-06-02 00:13:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ời của Đằng lúc 12 tuổi cuối năm đệ thất, tức lớp 6:
Hổng biết sao dạo nầy được nghỉ hè ở nhà tôi lại hay nghĩ tới “con” Trúc Đào hoài huỷ.
Kỳ lạ thật, chứ hồi đang trong niên học tôi còn xem “nó” như cái gai rất khó chịu đây mà.
Mỗi lần đi học, sáng nào má cũng vào giường lôi tôi dậy bằng cách nắm hai cánh tay tôi kéo mạnh. Vì tôi có tật ngủ nướng rất say, má kêu chừng 15, 20 phút từ ngọt ngào tới nạt nộ tôi mới chịu ngồi lên, lừ đừ ra khỏi giường mắt nhắm mắt mở lấy bàn chải nặn kem đánh răng. Đến chừng nhìn đồng hồ thấy giờ vô học gần kề, thì quýnh quáng ba chân bốn cẳng vắt giò lên cổ mà chạy không kịp ăn uống.
Chuyện nầy xảy ra thường xuyên đến nổi tựu trường năm nay má vừa soạn bộ đồng phục quần xanh, dây nịt, áo sơ mi trắng cụt tay đưa cho tôi vừa nói:
- Năm nay con lên bậc trung học, tức là người lớn hơn chút rồi. Từ giờ là phải biết tự thức dậy lo sửa soạn chớ không phải lúc nào cũng chờ má vào kêu năm lần bảy lượt mới chịu ngồi lên. Hư là cũng bị ăn roi mây như thường đó.
Tuy bị doạ vì nhiều lần phá phách nhưng thật ra tôi cũng ít ăn đòn lắm. Ba má nghiêm khắc nhưng rất thương yêu con cái, giáo dục bằng những bài luân lý hơn bằng roi vọt.
Mỗi khi phạm lỗi, ba anh em tôi bị bắt cúi nằm dài trên giường (trừ anh hai Tường ra ), má cầm cây roi nhịp nhịp lên mông mỗi đứa và giảng một bài morale y hệt lần nào cũng như lần nào đến nổi tụi tôi thuộc lòng. Sau đó mới cho mỗi đứa 3,4 hoặc 5 roi tuỳ theo lỗi nặng nhẹ. Rồi từ đứa ngồi dậy khoanh tay nói rằng:
- Dạ con biết lỗi rồi xin má tha thứ cho con, lần sau con không dám phạm lỗi nữa.
Ba tôi nói:
- Em phủi bụi cho chúng nó đó hả?
Bị đánh tuy không đau nhưng anh em tôi rất sợ. Có lẽ vì bài giảng đạo đức của má khiến anh em tôi mặc cảm mình là đứa trẻ hư hỏng hoang đàng. Nào là: Cá không ăn muối cá ương
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư
Nào là: Tiên học lễ, hậu học văn. Bây giờ còn nhỏ mà không biết lễ nghĩa, sau này lớn lên có thành ông Cống, ông Nghè cũng chẳng ai coi trọng vì thiếu đức....
Tôi suy nghĩ lại mình đâu có đến nổi thiếu giáo dục, so với lũ bạn trong lớp thì mình thuộc vào hàng ngoan ngoãn đứng đắn mà. Bằng chứng là tôi được bầu làm lớp phó do học giỏi và hạnh kiểm chứ bộ. Đáng lẽ tôi làm lớp trưởng, nhưng vì tuổi nhỏ nên thầy hướng dẫn chỉ định anh Nam lớn nhất lớp làm trưởng. Ở trường tôi được mấy thằng bạn và mấy đứa con gái nể nang, vậy mà về nhà tôi không có gram nào hết trong con mắt của ba má.
Mỗi tháng tôi đem bằng khen dành cho học trò xếp hạng từ 1 đến 5 về nhà trình với ba má đều đặn. Chỉ có hai lần gì đó là rớt hạng hà. Lần đầu là vì tôi ham đi xúc cá lia thia với thằng Mạnh, Phú về nuôi. Gặp trời mưa nên bị cảm nằm nhà cả chục ngày không làm toán nộp bị mất điểm, lọt sổ.“Con”Trúc Đào chiếm hạng nhất của tôi. Lần thứ nhì là do hôm đó có trận đấu bóng bàn liên trường nhằm chiều thứ sáu mà anh hai dự thi, gần như tất cả tụi con trai lớp tôi đều trốn học đi coi nên thầy cho zero. Dovậy mà “con” Trúc Đào lại chiếm hạng của tôi lần nữa.
Đã vậy, tôi còn bị má đánh 5 roi thật đau vì anh hai vô tình kể trong bửa ăn về trận đấu. Đội của ảnh thắng, nên ảnh tía lia cái miệng khoe khoang tùm lum. Tôi cũng xen vô tường thuật tiếp cái pha anh Tường đón trái banh tròn nhanh nhẹn ra sao... Bỗng ba nhìn tôi trân trân, tôi giựt mình tim nhảy thót một cái ngó lại ba, biết giấu đầu lòi đuôi rồi. Ba chưa kịp nói gì thì má tinh ý nhận thấy thái độ hai cha con, má hỏi:
- Ủa, anh Tường thi đấu sao Đằng kể rành quá vậy? Bộ có đi coi hả?
Tôi sợ xanh mặt nín thinh, tim đập bình bịch trong lồng ngực. Anh Tường oang oang:
- Dạ, Đằng có đi xem con đấu mà. Nhóm bạn nó cổ vỏ cho con quá trời luôn. Nó nói lớp được thầy cho nghỉ.
- Có thật không Đằng? Có thật thầy cho nghỉ không?
Má hỏi giọng nhẹ nhàng nhưng chứa đầy đe doạ báo hiệu cơn giông sắp ập xuống. Tôi lí nhí:
- Dạ hổng có. Tụi con trốn học đi coi ạ.
- Vậy à, giỏi quá hén. Ba anh của con chưa đứa nào dám trốn học bao giờ, vậy mà con dám. Thêm vào tội nói dối anh Tường nữa. Ăn cho xong đi, rồi lên giường cúi xuống cho má.
Không khí sôi nổi trong bửa ăn chùng xuống, mấy anh nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại. Còn tôi thì cứ nhai mãi mấy hạt cơm mà nuốt không trôi. Nước mắt bắt đầu nhỏ xuống rớt vô chén vài giọt. Má chan canh vào chén cho tôi, nói nhẹ nhàng:
- Con ăn canh vào cho dể nuốt.
Tôi oà lên khóc nức nở, bỏ dở chén cơm leo lên giường chờ sẳn. Nghe loáng thoáng anh Tường xin má tha cho tôi lần nầy, nhưng má cương quyết nói cái tội dám trốn học và nói dối là không tha được. Nếu chìu một lần là tôi sẽ được nước phạm tội tiếp tục.
Tôi tưởng mình cứng rắn lắm, nhưng lâu lâu cũng yếu đuối như vậy đó. Chắc vì là con út nên khá nhõng nhẽo với má.
Sau đó tôi không bao giờ tái phạm nữa, cho dù trận đấu của anh Tường có quyết liệt cở nào cũng hết quyến rủ được tôi.
Chuyện ăn đòn tôi hổng kể cho thằng bạn nào nghe hết. Nếu không tụi nó sẽ chế nhạo um sùm, tới tai tụi con gái nhiều chuyện là quê chết luôn. Giận cá chém thớt, mỗi lần nhớ tới chuyện bị đòn năm roi, bị thầy cho zero, bị sụt hạng là tôi trút giận hết lên đầu Trúc Đào như thể chính nó là nguyên nhân những bất hạnh của tôi vậy.
Con nhỏ nầy kiêu căng phách lối nhất trong đám con gái các lớp đệ thất toàn trường đó. Chắc nó ỷ học giỏi lại đẹp nữa chớ gì.
Kể ra nhờ ba má nghiêm khắc nên anh em tôi ai cũng học giỏi cả. Hể anh Khải, anh Phúc hay tôi hơi lơi là việc học thế là ba hoặc má đem anh Tường ra làm thí dụ:
- Tụi con có thấy anh Tường không? Học giỏi, thi tú tài 1 đậu hạng ưu, chơi thể thao giỏi, hoạt động xã hội cũng tích cực, về nhà còn tiếp má ăn xong rửa chén, quần áo phơi khô đem vô, xách nước tưới cây, đóng lại chân ghế hư. v..v... Ba má chỉ cần các con noi gương được phân nửa của anh Tường thôi là ba má mừng rồi.
Má tôi biết dùng thuật tâm lý chiến để dạy ba đứa con nhỏ bằng cách đem anh Tường ra làm gương, tài tình chưa?! Vì vậy mà ba anh em tôi cố gắng học để làm ba má vui lòng và để không quá thua kém anh hai mới được. Tối tối anh Tường thường chỉ bài cho anh Khải, rồi anh Khải chỉ cho anh Phúc, anh Phúc chỉ cho tôi. Những môn toán, lý hoá hể thầy cô cho học tới bài nào thì về nhà các anh bắt tôi làm thử bài tập trước. Anh văn thì được ba dạy từ lúc còn tiểu học nên tôi không gặp khó khăn gì. Nhờ vậy khi thầy cô cho bài tập, các bạn còn phải suy nghĩ tìm câu giải, riêng tôi cứ đủng đỉnh mà viết. Các bạn nể phục tôi lắm.
Một hôm thầy Anh văn thay đổi phương pháp dạy, có lẽ muốn thúc đẩy tinh thần ham học của học sinh nên thay vì cho cùng lúc nhiều câu như thường lệ, thầy chỉ viết lên bảng một câu duy nhất, kêu chúng tôi:
- Ai đem tập nộp đầu tiên và đúng thì sẽ được 20 điểm, ai nhanh thứ nhì và đúng sẽ được 19 điểm, và xuống dần 18, tôi chỉ chọn 5 em thôi.
Nghe thế, từ thái độ nhẩn nha tôi chuyển sang nước rút, vì muốn là đứa đầu tiên. Vừa buông cây bút định mang bài nộp, tôi nghe có tiếng ồ à thán phục của các bạn. Tưởng chúng khen mình nhưng không phải, mọi cặp mắt đều đổ dồn về cái bóng tà áo trắng đang lướt nhanh lại bàn thầy. Ô hay, ai vậy ta? Ai mà làm bài nhanh hơn tôi thế? A là cái con nhỏ trắng trắng cao cao, để tóc xõa ngang lưng, khá nghiêm trang ít nói tên Trúc Đào. Thầy khen:
- Giỏi, em trả lời đúng thầy cho 20 điểm.
Các bạn xuýt xoa thán phục, nó cầm tập trở về chỗ ngồi lúc tôi vừa đi ngang, hình như mặt nó hơi ngẫng lên trời ra chiều dương dương tự đắc lắm. Thầy nói:
- Đằng làm đúng nhưng chậm hơn Trúc Đào, em được 19.
Buổi học Anh văn hôm đó tôi cảm thấy tức tối gì đâu. Nghĩ mình giỏi nhất môn Anh văn, ai dè con nhỏ nầy nhảy vô chiếm hạng. Giờ ra chơi tự nhiên chán không muốn chạy đua với Mạnh, Phú, Thi từ đầu sân tới cuối sân xem ai thắng nữa. Mấy đứa hỏi vì sao, tôi phát cáu trả lời:
- Chả vì sao hết, tao không thích chạy thì không chạy vậy thôi.
Từ đó về sau, thầy H. cứ áp dụng phương pháp “ai nhanh chân” là được 20 điểm. Lần thứ nhì tôi đâu có để Trúc Đào thắng vì tôi đã cảnh giác rồi. Thế là tôi cầm vở đi xuống lúc nó đi lên, ngang mặt nhau, tôi cũng hếch cằm trả đũa lại. Nhưng hình như nó phớt lờ đâu để ý gì đến tôi.
Lần thứ ba thì tôi lại thua nó. Không phải vì chậm chân mà vì tôi làm ẩu không suy nghĩ, cứ sợ Trúc Đào nộp bài trước nên chữ “man” khi đổi ra số nhiều tôi lại viết là “mans” thay vì “men”. Một lỗi mà chưa bao giờ tôi phạm trước đây. Thầy cho tôi 1 điểm, Trúc Đào 20 tuy là người thứ nhì. Đã vậy thầy còn nói nhỏ vào tai tôi để các bạn đừng nghe:
- Thầy cho em 1 điểm để em rút kinh nghiệm đừng dục tốc bất đạt.
Mặt tôi nóng ran, chắc là đỏ như trái ớt chín. Tôi hiểu ý thầy định nói khác là đừng có “ăn thua đủ” với con gái, xấu lắm.
Bửa đó về nhà tôi cứ buồn buồn thế nào ấy. Ăn cơm xong là tôi lấy bài ra xem ngay chứ không chạy ra vườn kiếm cỏ cho dế ăn như thường lệ đến nổi má cũng ngạc nhiên cứ nhìn tôi dò xét mà không nói gì.
Nhưng tối chờ tôi đi ngủ má kêu anh Khải lục cặp tôi ra xem. Tôi biết
vì tối hôm sau anh giả bộ rũ tôi đi lại nhà bạn anh mượn bài, chở tôi trên chiếc xe đạp anh hỏi vì sao mà tôi lại viết sai cái chữ không đáng như vậy. Tôi kể vì tôi sợ thua con Trúc Đào nên vội vã. Anh cười:
- Thua con gái một chút không sao, nhường nhịn phái yếu cũng là một đức tính đáng quí của con trai đó Đằng.
Tôi không chịu:
- Em không hiểu. Em nhớ hồi tiểu học có học bài nói ganh tỵ là một thói xấu nhưng ganh đua học tập là được khích lệ mà?
- Thì đúng ganh đua học tập khác với ganh tỵ. Nhưng Đằng có thấy chỉ vì sợ thua bạn mà rốt cuộc em làm bài ẩu, kết quả còn thảm hại hơn nữa đó sao. Đó là ganh đua học tập hay tranh tài cao thấp nè?
Tôi suy nghĩ lại, anh Khải nói có lý.
Nhưng vẫn ấm ức trong bụng, có nhiều dịp để “trả thù” là tôi sung sướng lắm. Tôi luôn chờ đến môn toán, lý hoá; điểm tôi lúc nào cũng cao nhất nhì còn nó thì có lúc làm được có lúc không, thấy nó ít điểm là tôi hả hê. Vì tôi là lớp phó nên thường thay anh Nam lên văn phòng ban Giám Hiệu mang sổ điểm về lớp mỗi đầu buổi học, tôi hay xem điểm của nó rồi so sánh với của mình. Chà, con nhỏ nầy chỉ thua tôi có môn toán, lý hoá chứ các môn khác nó đều trên trung bình đến giỏi, nhất là môn Việt văn, Anh văn. Thằng Phú nói: Tụi con gái dốt toán lý hoá, bù lại siêng học bài nên mới ăn điểm con trai thôi.
Thật vậy, tôi sợ nhất môn luận văn, toàn nhờ má dạynên được điểm cao, đâu ai biết là tôi dốt. Đến kỳ thi lục cá nguyệt phải làm bài tại lớp, hết nhờ má được nên bài thi luận của tôi chỉ được 11, 12 điểm là tối đa. Cô dạy Việt văn rất ngạc nhiên. Tôi hơi xấu hổ, tự nhủ là về nhà chịu khó đọc nhiều sách như anh Phú. Nhưng chỉ được vài ngày, sau đó tôi ham chơi đá dế, bắn giàn thun, cá lia thia, tắm sông...lại ngưng đọc.
Thời gian trôi qua, tôi càng ghét Trúc Đào hơn. Mỗi lần thầy, cô trả bài kiểm về là tôi chỉ muốn biết nó được bao nhiêu điểm. Hể hơn điểm, tôi khoái trá, còn ngược lại là tôi nổi quạu dù chỉ thua nó có nửa điểm. Cái kim trong bọc lâu ngày lòi ra, tụi thằng Mạnh, Phú,Thi mà còn biết ác cảm tôi dành cho Trúc Đào huống hồ gì nhân vật chánh. Tôi để ý khi nó nói chuyện với các bạn trai gái trong lớp thì nói năng nhẹ nhàng, cười thật tươi. Mà hể tôi lại nhập bọn là mặt nó nghiêm như bà cô già và im lặng luôn, chả nhìn tôi cái nào. Xí, mặc kệ chứ. Làm như ta cần nói chuyện với nhỏ lắm vậy, đừng ỷ mình có nụ cười đẹp mà kiêu ngạo nhé. Phải công nhận nó có nụ cười quá duyên dáng. Như anh Phú có lần kể tôi nghe về bức tranh Mona Lisa, người đẹp với nụ cười bí hiểm. Tôi thấy trong hình thì còn thua xa nụ cười của Trúc Đào nhiều.
Tôi ghét nó, chắc nó cảm nhận được nên ghét lại tôi chứ gì. Giác quan thứ sáu con người ta bén nhậy lắm. Tôi nghe anh Tường nói chuyện với chị Khanh, bạn gái của ảnh như vậy, rồi giải thích cái gì dài dòng lắm tôi hiểu lờ mờ thôi.
Theo ngôn ngữ thể thao thì trong trận đấu thầm lặng ganh đua học tập nầy hai chúng tôi ghi mỗi đứa một bàn thắng, tỷ số 1-1. Có một điều bí mật mà tôi không kể với mấy thằng bạn nhất quỉ nhì ma, ngược lại tôi chắc Trúc Đào cũng không hé môi với mấy đứa con gái nhiều chuyện bạn nó.
Số là tôi chạy xe đạp khá giỏi. Vẫn thường hẹn với mấy đứa đua xem ai nhanh hơn. Hôm đó, má sai tôi ra chợ mua chai nước mắm về ăn bún bò xào, vì nhà hết mà má quên mua. Trên đường về - thời điểm ấy chỉ lác đác vài người đi bộ xa xa - tôi một tay vịn ghi đông xe một tay cầm chai nước mắm giơ thẳng lên cao, bon bon luồn lách qua mấy hòn đá hay ổ gà rồi tưởng tượng mình là vô địch vòng đua Pháp. Vừa chạy zic zắc vừa rống vang trời mấy câu anh Tường anh Khải hay hát:
Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang
( Việt Nam quê hương ngạo nghễ, Nguyễn Đức Quang )
Bỗng tôi thoáng thấy Trúc Đào đi bên lề đường với một người chắc là chị của nó. Hồi nào giờ tôi chỉ thấy nó trong đồng phục áo dài trắng quần trắng, hôm nay lần đầu tiên tôi thấy nó mặc cái áo đầm màu hồng phấn, tóc rẽ hai bên cột bằng hai cái nơ cùng màu áo. Hai đuôi tóc nhún nhẩy theo nhịp chân đi, giống như nàng công chúa nhỏ. Miệng còn há to chưa kịp ngậm, tôi cứ trố mắt ra nhìn nó nên cán lên cục đá thật bự; chiếc xe ngã ngang, tôi lộn chỏng vó chai nước mắm bể tan tành, mảnh thuỷ tinh cắt tay chảy máu, người đau điếng. Chị của Trúc Đào chạy lại đở tôi lên, hỏi han rối rít còn nó đứng kế bên đưa mắt nhìn tôi chăm chăm không chào hỏi tiếng nào hết. Tôi vừa đau vừa quê nói không ra hơi:
- Dạ cám ơn chị, em hơi đau chút thôi à.
- Nhà em ở gần đây không? Tay em trầy hết rồi, bị cắt chảy máu nữa. Có cần chị kêu xích lô chở em với xe đạp về?
- Dạ nhà em gần đây thôi, em chạy được.
- Ừ, vậy em về băng bó vết thương kẻo nhiễm trùng. Tội nghiệp chai nước mắm bể rồi, dính vào người em cũng tắm liền nha không thì bị dị ứng.
Chà chà, chắc người tôi hôi lắm đây. Mặt tôi nóng bừng vì xấu hổ nhớ cảnh mình giơ tay hò hét vang trời như một tiểu anh hùng rồi bị lật nhào trước sự chứng kiến của cái đứa mà mình ghét nhất như vậy.
Khi về nhà cởi quần áo đi tắm, tôi lại một phen kinh hoàng nhận ra quần có một đường rách dài ngay..mông. Trời, thảo nào mà con Trúc Đào nó giả bộ loay hoay dòm trời ngó đất. Tối đó tôi không tài nào ngủ được vì viễn cảnh sáng mai thấy mấy bộ mặt cười cợt của Trúc Đào và đám bạn nhiều chuyện của nó. Nhưng trái với dự đoán, Trúc Đào lạnh lùng tỉnh bơ như mọi ngày, tức là coi như tôi không hiện diện trên đời ấy. Chả thấy có ánh mắt chế giễu của đứa nào hết. Kể ra con nhỏ nầy cũng..cao thượng, fair play đây. Lòng tôi dấy lên một sự nể phục mơ hồ đối với nó.
Coi như tôi mắc nợ với Trúc Đào, chờ có dịp sẽ trả lại. Yên tâm, tôi lại quay về những trò nghịch ngợm quấy phá vô tư của đứa con trai 12 tuổi.
Dịp trả nợ rồi cũng đến.
Vào một buổi trưa chủ nhật lũ bạn rủ đi vườn ổi ở ngoại ô cách thị xã chừng 2 km. Để tới nơi hẹn, tôi phải chạy ngang nhà Trúc Đào, mà thằng Phú mới khám phágần đây. Nó nói nhà Trúc Đào có cái sân nho nhỏ trồng mấy cây xoài thanh ca, cây lý trái thật nhiều, hàng rào dâm bụt hoa màu đỏ thắm đẹp lắm.Cổng vào có giàn ti gôn hoa màu hồng chi chít. Hai bên hông nhà thêm mái lợp lá để che nắng, nó thấy chị em Trúc Đào hay bắt ghế bố ngồi chơi, đọc sách. Vì vậy trưa đó, tôi đạp xe trên con đường này mà cũng có ý xem để thoả tính tò mò.
Kia rồi, nhà có giàn ti gôn trước cổng, hàng rào dâm bụt đây. Đạp xe chầm chậm, ngóng cổ vào sân thì thoáng thấy có hai bóng người nho nhỏ in như Trúc Đào. Chưa kịp nhìn kỷ thì tôi nghe tiếng con gái cất lên lảnh lót:
- Chị Trúc Đào ơi, con chị khát sữa khóc quá trời nè. Chị lấy chai sữa cho nó bú đi.
Hả? Cái gì? Trúc Đào có con? Nó mới giỏi lắm 12 tuổi bằng tôi chớ gì. Mặc áo dài thân hình phẳng phiu như tấm ván. Tôi nghe tiếng Trúc Đào trả lời:
- Ờ đưa con đây chị dỗ nó. Con nín đi con đừng khóc, mẹ với dì bế đi dạo công viên nha. Rồi nó hát khe khẻ:
-
Con ơi à ơi, đây là giấc ngủ ban đầu mẹ ru con
Bên ngoài gió thổi Năm non
( Rồi hai mươi năm sau, Trầm Tử Thiêng )
Ôi trời, thật không ngờ. Tôi rụng rời muốn buông tay cầm ghi đông xe luôn. Nhưng còn cố nhìn cho kỹ coi đứa bé ra sao? Ủa, mà đâu nghe tiếng khóc. Lúc ấy hai chị em nó đi lững thững lại gần hàng rào, vừa đi vừa đong đưa nhè nhẹ cái gói gì trong cánh tay được che lại bằng tấm khăn màu hồng. Tôi ngừng xe, rướn người nhìn. Hai chị em ( tôi đoán là em vì cô bé này khoảng 10 tuổi gương mặt giống tạc Trúc Đào ) thình lình nhìn lên bắt gặp tôi đang ngó trộm, nó giật mình đứng chết trân gương mặt ửng đỏ như gấc chín. Rồi quay lưng chạy tuốt vô nhà, tôi vẫn còn kịp nhìn thấy cái gói nó bế chính là con búp bê bằng nhựa!!!
Thì ra chị em nó đang chơi nhà chòi, giả làm mẹ. Trời ơi, đã là nữ sinh trung học mặc áo dài tha thướt thế mà về nhà còn chơi búp bê!!! Ha ha ha, tôi nhanh chân đạp xe cái vù đi thật xa mới dám dừng lại ôm bụng cười ngặt nghẽo. Lát sau, khi gặp lũ bạn ở chỗ hẹn mà miệng tôi vẫn chưa ngậm lại bình thường được, khiến thằng Thi tò mò:
- Có chuyện gì vui mà mày hí hửng thế?
Tôi định đem chuyện Trúc Đào ra kể, nhưng chợt nhớ lại lần tôi té xe đạp Trúc Đào không hé răng với ai, nếu tôi đem chuyện nầy ra kể hoá ra tôi là kẻ tiểu nhân rồi. Vì vậy tôi đánh trống lãng nói đâu có gì, chẳng qua sắp được ăn ổi nên vui thôi.
Món nợ tôi thiếu Trúc Đào coi như trả xong dù không ai biết, cảm thấy tự hào là mình cũng xử sự fair play như nó vậy.
Hôm sau đi học, lần đầu tiên tôi thấy Trúc Đào nhìn thẳng tôi, bắt gặp ánh mắt tôi mà nó vẫn không ngoảnh đi nơi khác như thường lệ. Giống như có sự giao ước ngầm là chúng tôi sẽ tôn trọng nhau, điều bí mật nầy chỉ hai chúng tôi biết mà thôi.
Lòng tôi bỗng thanh thản lạ. Rồi cái sự tỵ hiềm mỗi khi Trúc Đào được điểm cao hơn tôi dần tan biến đâu mất, ngược lại trong tôi dấy lên sự
thán phục mơ hồ.
Rồi thêm một lần, hôm đó thầy dạy âm nhạc bịnh nghỉ một giờ, nên chúng tôi tự do chờ tiết học kế. Nhưng không dám quậy vì các lớp khác đang học, chúng tôi chỉ tụm năm tụm ba trò chuyện. Bỗng thằng Phi ngoắt tay kêu tụi tôi lại gần nói nhỏ:
- Ê tụi mầy đi với tao lại đây coi nè, thấy cười lắm.
- Gì? Gì? Tụi tôi hỏi lia.
- Thì đi với tao.
Rồi nó dẫn một đám con trai rồng rắn theo nó lại cái lớp nhà trường đang xây thêm còn dang dở, mới lót gạch bao tường mà chưa trát xi măng. Đứng núp một bên, chỉ nghiêng đầu qua khung cửa sổ từng đứa một ra chiều bí ẩn lắm. Đứa nào ghé mắt nhìn xong rồi thụt ra cười hinh hích không ra tiếng, khiến tôi cũng tò mò chen vô xem. Bên trong mấy đứa con gái đang chia làm hai nhóm. Một nhóm nhảy lò cò, nhóm kia nhảy dây thun. Đứa nào cũng cột hai tà áo dài thành một túm quàng bên hông, quần xăn lên khỏi gối, đi chân không. Trong nhóm nhảy lò cò có Trúc Đào nữa. Tôi thụt đầu ra, vừa lúc mấy đứa kia thò đầu vô coi tiếp thì đám con gái phát giác. Con Nhung đanh đá, la oai oải:
- Ai cho phép tụi mầy nhìn lén tụi tao chơi vậy hả mấy cái thằng tò mò?
- Mắc cở quá ê lêu lêu, lớn đầu mà còn chơi nhảy lò cò như con nít.
Thằng Phi trêu. Nhung trả lời:
- Rồi sao? Vậy chớ tụi bây hổng lớn chồng ngồng mà còn chơi bắn bi, đá dế hả đồ con trai cà chớn đi rình con gái.
Bên thì chọc, bên thì mắng loạn xạ lên. Tôi hoảng hồn bỏ chạy vô lớp vì sợ Trúc Đào tưởng là tôi cầm đầu rồi nó coi khinh mình. Ủa, bắt đầu từ bao giờ mà tôi lại sợ Trúc Đào xét đoán vậy ta?
Ở tuổi 12, tuy được gọi là nam sinh nữ sinh trung học nhưng thế hệ của chúng tôi còn quá vô tư hồn nhiên. Ai đời toàn xưng hô mầy tao với nhau hết.
Cuối năm đó tôi lãnh phần thưởng hạng nhất, thằng Quân hạng nhì, Trúc Đào hạng ba.
Ve sầu râm ran nhạ ckhúc đơn điệu, hoa phượng từng chùm nở trước sân trường báo hiệu hè về. Chúng tôi náo nức được tạm gác một bên bài vở tha hồ vui chơi thoả thích.
Vậy mà tôi lại hay nghĩ tới Trúc Đào, tự hỏi không biết nhỏ có còn chơi búp bê đóng vai mẹ, có còn chơi nhảy lò cò? Liên quan gì tới tôi đâu.
Tơ Lòng Còn Vương Tơ Lòng Còn Vương - Thanh Hà Switzerland