Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: El Amor En Los Tiempos Del Cólera
Biên tập: Hoàng Ngọc
Upload bìa: Hoàng Ngọc
Số chương: 51
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3975 / 120
Cập nhật: 2015-12-03 04:33:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 40
gày lễ Hạ Trần họ nghĩ sẽ cùng ở bên nhau cho đến khi cô gái phải trở về ký túc xá, năm phút trước khi chuông cầu kinh Đức Bà đổ hồi, nhưng chuông cầu hồn lại nhắc Phlôrêntinô Arixa nhớ đến lời hứa sẽ tham dự đám tang của Giêrêmia đê Xanh Amua và thế là ông mặc quần áo nhanh hơn thường lệ. Như thói quen lâu nay, trước khi ra đi ông tết lại cho cô gái bím tóc mà ông đã xổ tung nó ra trước khi hành lạc, rồi đặt cô gái lên bàn, ông buộc lại dây giày của bộ đồng phục nữ sinh mà cô gái thường vẫn thắt không được đẹp. Ông giúp cô thật lòng chứ không hề với ý thức lợi dụng và cô để yên cho ông làm coi đó như là nhiệm vụ của ông mà thôi. Cả hai người đã đánh mất ý thức về tuổi tác của mình ngay từ những cuộc hội ngộ đầu tiên và họ cư xử với nhau như vợ như chồng mà quên khuấy đi bao nhiêu chuyện khác đến độ họ chẳng còn gì để mà nói với nhau.
Ngày chủ nhật và ngày hội, các văn phòng làm việc đều đóng cửa và đều tối om, và ngoài cảng vắng vẻ chỉ có độc một con tàu đã tắt máy. Không khí oi nóng báo hiệu sẽ có mưa, đó là những cơn mưa đầu năm, nhưng không khí trong trẻo ở bến cảng và khung cảnh yên tĩnh ngày chủ nhật lại như đang nói rằng họ sống trong một tháng trời đẹp tuyệt vời. Ở đấy, cảnh trời đất có vẻ ngái ngủ hơn là khung cảnh tranh tối tranh sáng ở trong phòng giường nằm của họ và tiếng chuông nghe rầu lòng hơn dù không biết chúng vang lên là để cầu hồn cho ai. Phlôrêntinô Arixa và cô gái bước xuống sân diêm sinh mà trước đây từng là bến cảng buôn bán nô lệ phục vụ cho người Tây Ban Nha, và là nơi hiện đang còn những quả cân và sắt vụn hoen gỉ, dấu vết của một cái chợ buôn bán nô lệ. Xe ôtô đã đợi họ ngay dưới bóng râm các cửa hàng, và bọn họ chưa đánh thức người tài xế đang ngủ sau vô lăng chừng nào họ chưa ngồi yên chỗ trên xe. Chiếc xe vòng ra phía sau cửa hàng ngay cạnh có hàng rào lưới sắt chạy qua khoảng không rộng lớn mà trước đây là chợ cũ của vịnh Anima, là nơi bọn trẻ choai choai đang chơi bóng đá, rồi ra khỏi khu vực cảng giành cho tàu thủy chạy trên sông kéo theo sau nó những đám bụi nóng hầm hập. Phlôrêntinô Arixa vẫn tin chắc rằng nghi thức lễ tang trang trọng này không dành cho Giêrêmia đê Xanh Amua nhưng những hồi chuông vẫn được người ta bền bỉ rung mãi kia khiến ông sinh bụng nghi. Ông đặt tay lên vai người tài xế rồi ghé sát tận tai y gào lên để hỏi rằng chuông nguyện hồn cho ai vậy.
- Chuông ấy là để cầu hồn cho viên bác sĩ, người tài xế nói. - Ông ta tên là gì nhỉ, thưa ông?
Phlôrêntinô Arixa không cần phải nghĩ cũng biết y đang nói đến ai. Tuy nhiên khi người tài xế kể cho ông nghe việc bác sĩ chết như thế nào thì hình ảnh thoáng qua bỗng tan biến ngay vì ông không thấy nó xác thực. Không có gì giống với một người bằng chính cái chết này đối với con người ông mường tượng ra. Nhưng chúng là một, dẫu rằng chúng rất mơ hồ: người bác sĩ già hơn cả và được coi trọng nhất và là một trong số những con người nổi tiếng hơn cả của thành phố bởi chính những công trạng của ngài, đã chết với cái xương sống bị gãy vào tuổi tám mươi mốt khi định bắt con vẹt đã bị ngã từ một cành xoài rơi xuống đất.
Tất cả những gì mà Phlôrêntinô Arixa làm kể từ ngày Phecmina Đaxa cưới chồng đến nay đều dựa trên hi vọng của cái tin này. Tuy nhiên, khi giờ ấy đến, ông lại không cảm thấy phấn khích trước thắng lợi mà bao lần ông dự cảm trong những đêm mất ngủ. Trái lại, ông lại cảm thấy xao xuyến trong lòng trước cú đấm của nỗi sợ: trí thông minh đã ám ảnh ông rằng chính điều này cũng có thể xảy đến với ông vì ông đã ở vào tuổi gần đất xa trời. Ngồi bên cạnh ông trong một chiếc xe nhẩy chồm chồm trên đường lổm ngổm đá, Amêrica Vicunha giật thột trước gương mặt xám ngoét của ông và hỏi ông làm sao vậy. Phlôrêntinô Arixa cầm lấy tay cô bé trong bàn tay giá lạnh của mình, nói:
- Ôi, cô bé đáng yêu của ta, để kể cho cô em nghe chuyện này phải cần đến thời gian năm mươi năm mới đủ.
Ông quên khuấy lễ an táng của Giêrêmia đơ Xanh Amua. Ông để Amêrica Vicunha xuống xe vào ký túc xá với lời hứa vội vàng rằng ông sẽ trở lại đón cô vào thứ bảy tới, rồi ra lệnh cho người tài xế đánh xe đưa mình về thẳng nhà bác sĩ Huvênan Ucbinô. Ông bắt gặp rất nhiều xe ô tô và xe thuê đậu ở các đường phố lân cận, và đám đông tò mò đang đứng chật ở trước cửa nhà. Tân khách của bác sĩ Laxidêt Ôlivêda, những người được tin dữ trong lúc cuộc vui đang lên đến cao điểm, đã ồn ĩ kéo đến đây. Do đám đông lộn xôn nên việc đi lại trong nhà chẳng chút nào, nhưng Phlôrêntinô Arixa đã len lỏi vào tận buồng ngủ chính của ngôi nhà. Ông lách qua đám người vây lấy cửa và nhìn thấy bác sĩ Huvênan Ucbinô nằm trên chiếc giường vợ chồng, người xám ngoét trong sự hành hạ của thần chết như ông từng muốn nhìn thấy ngài kể từ lần đầu ông nghe nói đến ngài. Bác phó mộc đang đo kích thước ngài để đóng áo quan. Bên cạnh ngài, vẫn vận bộ váy áo của người bà nội vừa mới cưới chồng mà bà đã mặc để đi dự tiệc, Phecmina Đaxa đứng trong tư thái đăm chiêu và im lặng.
Phlôrêntinô Arixa từng mường tượng ra cái khoảnh khắc ấy với những chi tiết nhỏ nhặt của nó ngay từ những ngày trai trẻ của mình, trong đó ông đã hiến thân cho sự nghiệp của mối tình táo bạo này. Vì bà ông đã giành được địa vị của cải mà không cần phải tráo trở nhiều trong phương pháp của mình, vì bà ông đã giữa gìn sức khỏe và diện mạo của mình với một nghị lực phi thường mà đối với những người đồng thời với họ đều cảm thấy khó hiểu thế nào ấy, và ông đã đợi cái ngày ấy mà không một ai có thể đợi chờ một cái gì, mà không một người nào như ông đã làm: không một khoảnh khắc nản chí trong suốt một nửa thế kỷ. Điều được nghiệm thấy rằng ngay cả cái chết cũng đứng về phía mình đã đem lại cho ông lòng can đảm mà ông đang cần đến để nhắc lại với Phecmina Đaxa lời thề thủy chung son sắt và tình yêu mãi mãi của ông dành cho bà ngay trong đêm đầu tiên của cuộc sống góa bụa của bà.
Với ý thức đầy đủ ông không phủ nhận đó là một hành động thiếu chín chắn, chưa nhận thức đúng mức sự cần thiết về thời gian và hình thức thích hợp để bộc lộ tình cảm yêu đương của mình, nhưng nỗi sợ thời cơ có một không hai này sẽ không trở lại với mình nữa đã buộc ông phải vội vã hành động, ông từng mong muốn có cái hành động này kể cả việc đã nhiều lần ông mường tượng ra nó trong những hình thức đỡ thô bạo hơn, nhưng vận may theo ông nghĩ, sẽ không đến với ông nữa. Ông đã bước ra khỏi ngôi nhà có tang với nỗi đau day dứt trong lòng về việc mình để cho bà đang ở tình trạng đau thương đến mủi lòng mà chính ông cũng đang ở trong nó, nhưng ông không thể làm gì hơn để ngăn chặn nó, bởi vì ông cảm thấy rằng cái đêm đau thương ấy mãi mãi đã được viết lên số phận của hai người.
Những tuần lễ tiếp theo ông không ngủ được lấy một đêm cho trọn giấc. Ông đau lòng tự hỏi Phecmina Đaxa cô đơn không có ông hiện đang ở đâu, bà đang nghĩ gì, bà sẽ làm gì trong những năm tháng còn lại với sức nặng của nỗi hoảng sợ đang ở trong tay bà. Ông lại bị đi lỵ và bệnh lỵ khiến bụng dạ ông sôi lên ùng ục như có ai đó đang gõ trống ở bên trong, buộc ông phải dùng thuốc giảm đau. Những cơn đau của tuổi già ở trong ông, mà ông vốn chịu đựng rất giỏi so với những người cùng tuổi với mình, ông quen chịu từ hồi trẻ, đã cùng một lúc tấn công ông. Sau một tuần vắng mặt, ngày thứ tư ông đến văn phòng và Lêôna Catxiani phải giật mình khi nhìn thấy ông phờ phạc và xanh tái. Nhưng ông đã kịp trấn an bà: lại một lần nữa ông bị mất ngủ, như lâu nay vẫn thế, và ông kịp cắn lưỡi lại thật đau để khỏi phun ra sự thật đang rỏ từng giọt mật đắng trong trái tim ông. Mưa tầm tã suốt không hửng lên một chút để ông suy tư. Ông lại sống qua một tuần khác thường. Không thể tập trung được tư tưởng do đó chẳng nghĩ được gì, ăn không ngon, ngủ không yên giấc, cố lòng cảm nhận những dấu hiệu rõ ràng sẽ chỉ cho ông con đường thoát ra khỏi tình trạng này. Nhưng kể từ thứ sáu trở đi, một sự thanh thản lạ lùng lại xâm chiếc toàn bộ tâm hồn ông và ông coi nó như một lời tuyên bố rằng sẽ chẳng có cái gì mới xảy ra, rằng tất cả những gì ông đã làm trong cuộc đời thảy đều trở nên vô ích và chẳng có việc để mà làm: Nghĩa là nó là cái kết cục rồi. Ngày thứ hai, khi về đến ngôi nhà của bà mẹ ở phế Vênhtanat, ông bắt gặp một phong thư nổi lềnh bềnh trên một vũng nước ngầu bùn đỏ, ngay ở lối vào nhà, và ngay lập tức ông nhận ra trên mặt bì thư một lối viết chữ rất đẹp mà dù trải qua bao thăng trầm trong cuộc đời nó vẫn nguyên như trước khi họ còn trẻ và kể cả việc ông tưởng rằng mình cảm thấy cái mùi thơm ban đêm của những bông hoa dành dành đã héo, bởi vì trái tim đã mách cho ông ngay từ cú thảng thốt đầu tiên: đó là bức thư ông hằng mong đợi không một phút ngừng nghỉ trong hơn một nửa thế kỷ nay.
Phecmina Đaxa không thể tưởng tượng rằng bức thư của mình, được thai nghén bởi nỗi giận dữ mù quáng, lại được Phlôrêntinô giải thích như một bức thư tình. Bà đã viết trong lá thư tất cả nỗi căm giận lớn nhất, những từ ngữ đáo để nhất, những lời sỉ nhục và cả những lời thóa mạ, thế mà bả vẫn cảm thấy chúng còn quá nhẹ so với sự xúc phạm của ông đối với bà. Bức thư ấy là hành động cuối cùng của một lời nguyền rủa cay đắng trong hai tuần và qua nó bà cố tình giành lấy một cú giao kèo nhằm làm quen với tình hình mới của cuộc đời bà. Bà muốn một lần nữa mình lại là mình, muốn khôi phục lại tất cả những gì bà từng phải nhân nhượng trong một nửa thế kỷ của một cuộc đời nô lệ từng mang lại hạnh phúc cho bà, điều này đúng quá rồi, nhưng mà khi chết, người chồng đã không để lại chút xíu danh dự cho bản thể con người bà. Bà là một bóng ma trong một ngôi nhà xa lạ mà ngày nọ qua ngày kia nó càng bao la và hiu quạnh hơn, và trong ngôi nhà này càng ngày bà càng đi tới miệng vực thẳm, lòng tự hỏi một cách đầy đau khổ rằng ai đã chết nhiều hơn: Người đàn ông đã quá cố hay là người đàn bà hiện đang còn sống.
Bà không tài nào tránh nổi cái ý nghĩ giận hờn thầm kín đối với người chồng vì lẽ ngài đã bỏ mặc bà một mình ngay giữa biển khơi mênh mông. Những gì của ngài còn lại đều khiến bà phải khóc, bộ pigiama để ở dưới gối, đôi dép lê đi trong nhà mà lúc nào cũng khiến bà tưởng rằng chúng là của người ốm, cái ký ức về hình ảnh ngài thay quần áo ở trong gương khi bà chải tóc để đi ngủ, cái hơi hướng trên làn da ngài từng thấm đẫm trên là da bà, bất cứ một việc gì đang làm bà cũng phải dừng lại giữa chừng rồi đưa bàn tay lên vỗ trán bởi vì ngay lập tức bà nhớ có chuyện gì đó mình quên chưa nói với ngài. Lúc một, lúc một, có biết bao câu hỏi mà chỉ một mình ngài mới có thể trả lời bà lại đến trong tâm trí bà.
Có đôi lần ngài từng nói với bà về một điều mà ngay lúc ấy bà không hiểu nổi, ấy là việc những người bị cưa chân vẫn cảm thấy đau đớn, cảm thấy bị chuột rút, cảm thấy buồn ngay ở chính cái chỗ đùi đã bị cưa mất rồi. Bây giờ không còn ngài, bà đã cảm thấy đúng như thế, bà vẫn cảm thấy ngài đang có mặt ở nơi ngài không có mặt.
Khi thức dậy trong buổi sáng đầu tiên của cuộc đời góa bụa, bà trằn trọc trên giường, mắt vẫn nhắm định tìm một tư thế dễ chịu hơn để ngủ tiếp, và trong khoảnh khắc ấy đối với bà ngài mới là người đã chết rồi. Bởi chỉ lúc ấy bà mới ý thức rõ được rõ ràng rằng lần đầu tiên ngài không ngủ ở nhà. Ấn tượng thứ hai về việc ngài không có nhà là ấn tượng xảy ra ở bà ăn không chỉ vì bà cảm thấy một mình đơn độc, đúng là bà đang đơn độc thật, mà còn vì ý nghĩ sáng tỏ rất lạ lùng rằng mình đang ngồi ăn với một người không còn tồn tại nữa. Bà đợi cho đến khi Ôphêlia, con gái bà, cùng với người chồng và ba đứa con gái từ Ôclêăng đến để một lần nữa cùng họ ngồi ăn ở bàn, nhưng không phải là chiếc bàn trước đây mà là chiếc bàn làm vội, nhỏ hơn, được kê ngay ở ngoài hành lang. Cho đến tận lúc ấy bà không hề ăn một bữa ăn bình thường nào. Bà vào nhà bếp bất cứ lúc nào khi đói bụng và cứ việc vục thìa vào chảo nấu thức ăn và ăn mỗi thứ một tí không phải bày chúng lên đĩa. Bà đứng quay mặt vào bếp mà ăn, mà nói chuyện với những người đàn bà phục vụ trong nhà, vốn là những người bà cảm thấy dễ chịu và cảm thấy mình hiểu họ hơn cả. Tuy nhiên, dù cố quên đi nữa bà vẫn không thể trốn tránh được sự hiện diện của người chồng đã quá cố ở bất cứ chỗ nào bà muốn đi qua, ở bất cứ đâu bà muốn ở cho thời gian trôi đi ở bất cứ đồ vật nào bà nhìn thấy, tất thảy đều gợi bà nhớ đến ngài. Bởi nếu bà thấy mình đau khổ vì ngài là danh giá và đúng đắn thì bà cũng muốn làm tất cả những gì bà có thể làm được để khỏi tự an ủi trong nỗi đau thương. Vậy là bà đi đến quyết định sẽ tống khứ khỏi ngôi nhà tất cả những gì gợi bà nhớ tới người chồng quá cố, coi đó là ý nghĩ cuối cùng bà đã nghĩ ra để tiếp tục sống mà không có ngài ở bên cạnh.
Đó là một nghi lễ để tự hủy diệt bản thân mình. Người nhận mang đi toàn bộ thư viện để bà đặt chiếc máy khâu vốn bà không hề may vá từ ngày về nhà chồng vào trong phòng làm việc của ngài. Về phần mình, người con gái nhận mang đi một số đồ nội thất và một số đồ vật khác mà bà biết chúng sẽ được giá tại các cuộc bán đấu giá ở Tân Oóclêăng. Tất cả những việc làm ấy đã cất cho Phecmina một gánh nặng trong tâm hồn, mặc dù chúng không đem lại cho bà một mảy may hứng thú trong việc bà tự nghiệm thấy rằng tất cả các đồ vật ấy vốn được mình mua sắm trong chuyến đi du lịch tuần trăng mật ở châu Âu là những di vật của người sưu tầm đồ cổ. Bất chấp thái độ thảng thốt của những người đi hầu gái, của những người hàng xóm, của những người bạn gái thân cận mà trong những ngày ấy đến nhà chơi với bà, bà ra lệnh nhóm một đống lửa trên bãi đất bỏ không ở sau ngôi nhà, và tại đây bà đốt tất cả những gì gợi bà nhớ tới người chồng đã quá cố: Những bộ quần áo diện nhất và đắt tiền nhất mà người ta từng thấy ngài mặc từ thế kỷ trước, những đôi giày quý giá nhất, những chiếc mũ gợi nhớ đến ngài nhiều hơn cả chính những bức chân dung của ngài, chiếc ghế xích đu để nghỉ trưa mà ngài đã từ đây đứng dậy sử dụng nó, và biết bao đồ dùng khác vốn gắn bó rất chặt chẽ với cuộc đời ngài, đến mức chúng đã trở thành một phần bản thể con người ngài. Bà làm việc đó với một ý thức hoàn toàn sáng tỏ rằng chồng bà hoàn toàn tán thành việc làm của mình, không chỉ vì phép vệ sinh. Rất nhiều lần từng bộc lộ mong ước của mình rằng khi nào chết thì thi hài của mình được thiêu chứ không liệm trong một cỗ áo quan gỗ tuyết tùng kín bưng không một khe hở cho ánh sáng lọt vào. Dĩ nhiên tôn giáo của ngài đã ngăn cản ước mong ấy, ngài đã dám bạo phổ thăm dò ý kiến đức giám mục và đức giám mục đã hoàn toàn bác bỏ ý kiến của ngài. Đó chỉ là một sự ảo tưởng đơn thuần vì Nhà thờ không cho phép sự tồn tại của các lò thiêu xác chết ở trong các nghĩa địa của chúng ta, cũng như không cho phép việc sử dụng nghi thức tôn giáo khác với đạo Thiên Chúa, và chẳng một ai đã nghĩ đến việc xây dựng các lò thiêu người, ngoài bác sĩ Huvênan Ucbinô. Phecmina Đaxa không bao giờ quên cái ý nghĩ ghê rợn này của chồng mình, và ngay trong lúc tâm thần hoảng loạn ở những giờ đầu tấn bi kịch bà vẫn nhớ để bảo bác phó mộc chừa một khe hở cho ánh sáng lọt vào quan tài, và như vậy sẽ an ủi ngài.
Dù sao đi nữa đó cũng chỉ là sự hy sinh vô ích. Ngay lập tức Phecmina Đaxa nhận thấy rằng ký ức về người chồng đã chết là rất dai dẳng, nó không chịu biến theo thời gian qua đi. Còn tồi tệ hơn thế nữa. Sau khi đốt xong quần áo của ngài, bà không tiếp tục nhớ cái đáng yêu nhất của ngài mà còn nhớ cái đáng ghét nhất của ngài từng khiến mình khó chịu, những tiếng động sột soạt ngài gây nên khi thức dậy lúc sáng sớm. Những ký ức ấy giúp bà thoát khỏi những rừng đước rậm rạp của tang lễ. Vượt lên tất thảy, bà đã có một quyết tâm kiên cường để tiếp tục sống mà nhớ ngài như thể ngài chưa chết. Bà biết rằng vì thức dậy mỗi buổi sáng sẽ rất khó khăn nhưng rồi dần dần sẽ quen đi thôi.
Đúng vậy, hết tuần thứ ba, bà thức dậy với những tia sáng đầu tiên của bình minh. Nhưng khi ánh sáng ban ngày càng mạnh hơn, càng sáng hơn thì bà càng có ý thức rõ ràng hơn về một bóng ma khác không để cho mình có lấy một chút được yên tĩnh trong tâm hồn. Nó không phải là cái bóng ma đáng thương từng theo dõi bà ở công viên Lốt Êvanghêliốt và nó buộc bà khi đã bước vào tuổi già, nhớ đến nó với một lòng thương cảm dịu dàng, mà lại là cái bóng ma đáng ghét vận áo lêvita của tên đồ tể, chiếc mũ úp lên ngực và nói những lời lẽ đường đột ngốc nghếch từng làm bà lộn ruột tới mức thật khó lòng không thể không nghĩ về nó. Kể từ khi bà ruồng bỏ ông vào lúc mười tám tuổi, lúc nào bà cũng nghĩ rằng với việc làm ấy mình đã gieo vào lòng ông một nỗi hờn căm mà cùng với thời gian qua đi nó ngày càng lớn hơn. Lúc nào bà cũng tính đến nỗi căm hờn ấy ở gần kề. Chỉ hình ảnh của nó thôi đã khiến bà hoảng loạn, khiến bà giật thột đến mức chẳng bao giờ bà tìm được một hình thức tự nhiên để đối xử thoải mái với ông. Cái đêm ông nhắc lại với bà tình yêu của mình, khi mà hoa viếng người chồng quá cố vẫn còn tươi và tỏa hương thơm ngát ở trong nhà, bà không thể hiểu rằng hành động trơ trẽn kia lại không phải là bước đầu tiên của người biết rõ mục đích thâm độc của hành động trả thù.
Tình Yêu Thời Thổ Tả Tình Yêu Thời Thổ Tả - Gabriel Garcia Márquez Tình Yêu Thời Thổ Tả