Bạn bắt đầu từ đâu không quan trọng, quan trọng là kết thúc ở chỗ nào.

Dorothy Fields & Coleman

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: El Amor En Los Tiempos Del Cólera
Biên tập: Hoàng Ngọc
Upload bìa: Hoàng Ngọc
Số chương: 51
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3975 / 120
Cập nhật: 2015-12-03 04:33:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 38
ho đến tận lúc ấy, cuộc chiến đấu chống bệnh hói đầu là cuộc chiến đấu lớn nhất của ông. Đó là cuộc chiến đấu chỉ với hai bàn tay không và thất bại hoàn toàn. Kể từ khi ông thấy tóc mình vương lại trên lược mỗi bận chải đầu, ông hiểu ngay rằng mình đã bị đẩy xuống địa ngục và sự hành hạ của nó là không thể tưởng tượng nổi đối với những ai không mắc bệnh rụng tóc. Ông cố chống lại bệnh rụng tóc trong nhiều năm, không một thứ thuốc chống rụng tóc nào mà ông không thử uống, không một niềm mê tín nào mà ông không cố chịu đựng để bảo vệ từng sợi tóc trên đầu mình. Ông học thuộc lòng những lời chỉ dẫn trong cuốn lịch nông nghiệp của hãng Erixtôn vì ông nghe một người nào đó nói rằng sự mọc tóc có liên quan trực tiếp với sự luân chuyển của mùa màng. Ông thôi không đến cửa hàng cắt tóc quen thuộc mà người chủ của nó cũng là một người hói đầu. Ông chuyển việc cắt tóc tháng của mình sang cho một bác phó cạo khác, người vừa mới tới thành phố này và chỉ cắt tóc vào những ngày trăng thượng tuần mà thôi. Gã thợ cạo mới đến chỉ vừa chứng tỏ rằng mình là người mát tay thì đã bị phát hiện là kẻ chuyên cưỡng hiếp các cô nữ tu, hiện đang bị cảnh sát vùng Antidat truy lùng và gã đã bị tóm. Rồi chân mang xích sắt gã bị giải đi.
Phlôrêtinô Arixa lúc ấy đã cắt và giữ lại những bài quảng cáo về thuốc chống rụng tóc đăng trên các báo lưu hành ở vùng duyên hải Caribê, trong đó họ đăng hai bức ảnh cạnh nhau của một người đàn ông. Bức thứ nhất: một người đầu trọc như một quả dưa hấu. Bức thứ hai: một người đầu trọc còn trọc hơn cả quả dưa hấu. Đó là ảnh của ông ta trước và sau khi dùng thứ thuốc không thể không dùng. Sau sáu năm ông dùng thử tới một trăm bảy mươi hai chai thuốc, ngoài ra còn dùng một số phương pháp hoàn chỉnh được ghi rõ trên các nhãn chai và điều duy nhất ông giành được từ các phương thuốc ấy là một mảng đầu mang bệnh da liễu, vừa ngứa ngáy vừa hôi hám, được gọi là bệnh chàm phương bắc, theo ngôn ngữ của các thầy tu ở Mactinich, bởi vì trong bóng tối từ chỗ bị bệnh cứ phát ra những tia sáng xanh lân tinh. Cuối cùng ông đã sử dụng đến vô số thứ thuốc lá đã được những người Anhđiêng quảng cáo trong các chợ phiên, vô số những thứ thuốc đặc biệt và thuốc cao của người phương Đông được bán ở phố Lôt Excribanôt, nhưng khi ông nhận ra tính chất lừa lọc của các bài thuốc này thì đầu ông đã trọc lốc như đầu ông sư mất rồi. Năm số không trong lúc cuộc nội chiến nghìn ngày làm chảy máu đất nước, có một người Ý chuyên làm tóc giả từ tóc người, giống tóc tự nhiên y hệt, đến thành phố. Giá mỗi bộ tóc đắt bằng cả một gia tài nhưng người bán lại không chịu bảo hành sau ba tháng bộ tóc được sử dụng. Mặc dầu vậy, không ít người hói đầu lại không chịu từ bỏ ý định mua một bộ để dùng. Phlôrêntinô Arixa là một trong những người mua đầu tiên. Ông đội thử một bộ tóc rất giống với tóc của mình đến mức ông sợ rằng nó sẽ xù ra như lông nhím trước những lời đùa tếu. Nhưng bản thân ông cũng không trấn an được lòng mình trước ý nghĩ mình mang tóc một người chết trên đầu. Sự an ủi duy nhất của ông là tính tham lam của bệnh hói đầu đã không cho ông thời gian để kịp nhận ra màu sắc những chiếc tóc bạc của mình. Một ngày nọ, có một gã say rượu rất vui tính ở cảng tàu thủy đã ôm hôn ông quá say sưa hơn thường lệ khi thấy ông từ trong văn phòng bước ra. Rồi trước mặt những người phu bốc vác đang cười đùa, gã lột chiếc mũ trên đầu ông ra, hôn lên cái đầu hói nhẵn thín một chiếc hôn đến là kêu.
- Ôi, cái đầu hói tuyệt vời! - Gã nói.
Đêm ấy, đúng lúc ông chẵn bốn mươi tám tuổi, ông bảo người ta cạo nốt những mớ tóc ít ỏi còn lại ở chung quanh và sau gáy của mình và thế là ông trở thành người hói đầu hoàn toàn. Cứ theo cung cách ấy, cứ mỗi buổi sáng dậy, trước khi vào buồng tắm, ông bôi xà phòng không chỉ ở cằm mà cả ở trên đầu nơi mà tóc bắt đầu mọc lại và dùng con dao cạo ông cạo cho nó nhẵn thín như đít con nít. Cho đến lúc ấy, ông không bỏ mũ ra ngay cả khi ở trong văn phòng vì cái đầu hói cho ông cảm giác khó chịu về một sự để truồng mà ông thấy bất nhã trước mặt người khác. Nhưng khi đã làm quen với cái đầu hói rồi thì chính nó lại đem đến cho ông những đức tính đàn ông mà ông từng được nghe người ta bàn tán nhiều nhưng ông vẫn xem thường chúng, coi chúng như những ám ảnh đơn thuần của người bị hói đầu. Về sau này, ông lại có thói quen hất những sợi tóc dài ở mé phải ngược lên đỉnh đầu sang mé trái để che đi cái đầu hói và từ đó trở đi không bao giờ ông bỏ thói quen này. Nhưng dù đã cẩn thận đến như vậy ông vẫn dùng chiếc mũ, bao giờ cũng là chiếc mũ đám tang cho dù sau này kiểu mũ acta, đó là tên gọi địa phương của kiểu mũ canôtie đã trở thành thông dụng. Ngược lại, việc ông bị rụng hết răng lại không do tai họa trời giáng mà là do sự làm ẩu của một viên thầy thuốc nha khoa, người đã quyết định trị tận gốc bệnh đau răng hàng ngày cho ông. Vì sợ máy mài răng nên Phlôrêntinô Arixa không dám đến hiệu trồng răng mặc dù cơn đau không bao giờ dứt, cho đến khi ông hoàn toàn không thể chịu đựng thêm được nữa. Bà mẹ ông giật mình khi nghe thấy cả đêm con trai mình kêu rên thảm thiết ở buồng bên cạnh, bởi vì bà cụ có cảm giác những tiếng kêu rên này giống y hệt những tiếng kêu rên trước đây mà nay hầu như chúng đã hòa tan trong đám sương mù của ký ức cụ. Nhưng khi buộc con trai há miệng ra để xem nỗi đau vì tình nó ở chỗ nào thì cụ thấy cả hàm răng đã lung lay trong cái lợi tấy mủ.
Ông chú Lêông XII gửi ông đến bác sĩ Pharăngxit Ađônay, một người da đen lực lưỡng đi ủng và mặc quần cao bồi, vẫn thường đi trên chiếc tàu thủy của hãng mang theo cả một phòng trồng răng hoàn chỉnh đựng trong mấy chiếc ba lô của đốc công. Và nom ông ta có vẻ là người gây ra bao nỗi sợ ở các làng ven sông thì đúng hơn. Chỉ thoáng nhìn thẳng vào miệng người bệnh, ông ta đã khẳng định ngay rằng cần phải nhổ hết răng kể cả những chiếc răng lành của Phlôrêntinô Arixa để cứu ông thoát khỏi hoàn toàn những cơn đau răng này. Ngược lại với bệnh hói đầu, câu chuyện chữa đau răng một cách nhọc nhằn này không hề khiến ông phải băn khoăn lo lắng, trừ nỗi lo trong khi nhổ răng không có thuốc gây mê mà thôi. Hàm răng giả cũng không hề khiến ông phải khó chịu trước hết vì một trong những nỗi luyến nhớ thời thơ ấu của ông là ký ức về một thầy pháp hay làm phép màu trong các chợ phiên đã móc hàm răng giả ra khỏi miệng, đặt chúng lên bàn mà vẫn nói chuyện bình thường; phần vì chính hàm răng giả này sẽ kết thúc mọi đau đớn nhức nhối ở lợi từng hành hạ ông từ khi còn nhỏ. Nó là nỗi đau đớn chẳng khác gì nỗi đau đớn vì tình của ông. Không như sự kiện bị hói đầu, sự kiện bị móm răng không đem lại cho ông cái cảm giác tức như mình bị một cú đá bất thần của tuổi già, bởi vì ông đã mãn nguyện mà nghĩ rằng không kể cái mùi cao su khó chịu của hàm răng giả, trái lại nhờ có nó diện mạo của ông trông sáng sủa hơn cùng với một nụ cười gượng. Vậy là, ông dễ dàng chịu đựng cái kìm nung đỏ của bác sĩ Ađônay với sự kiên trì của một con lừa kéo và giữ được bình thản.
Ông chú Lêông XII theo dõi các chi tiết của ca nhổ răng như thể mình đang bị nhổ răng vậy. Cụ già này vốn có một hứng thú đặc biệt đối với các hàm răng giả và cái hứng thú này cụ nhiễm phải ngay từ một trong những chuyến đi đầu tiên trên sông Macgơđalêna vì lúc ấy cụ muốn mình sẽ là một người hát hay. Có một đêm trăng tròn, với tầm cao của bến cảng Gamara, cụ từng thách đố với một nhân viên trắc địa người Đức vốn đủ sức đánh thức những sinh vật trong rừng già bằng cách từ trên phòng thuyền trưởng hát một bài dân ca xứ Nopôlit. Suýt nữa cụ thắng cuộc. Trong sương mù phủ kín dòng sông nghe rõ tiếng đuôi quẫy của những chú cá sấu, nghe rõ sự hoảng hốt của những chú cá trích muốn nhảy lên cạn, nhưng ở nốt nhạc mạnh nhất, khi cụ sợ rằng sức mạnh của tiếng hát sẽ làm vỡ mạch máu của mình, kẻ đang hát, thì hàm răng giả văng ra khỏi miệng và chìm ngay xuống dưới nước.
Con tàu phải chậm lại ba ngày ở bến cảng Tênêriphê để người ta làm vội cho cụ một hàm răng giả khác. Hàm răng rất vừa, nhưng trong lúc con tàu xuôi trở về thành phố, định bụng giải thích cho vị thuyền trưởng hiểu vì sao mình đánh rơi mất hàm răng giả, ông chú Lêông XII căng lồng ngực ra hít rõ sâu làn không khí nóng hầm hập của núi rừng rồi cả giọng hát và cố giữ vững trường độ và cao độ của tiếng hát để dọa những chú cá sấu phơi nắng trên bãi cát đang bình thản quan sát con tàu xuôi dòng. Lần này, cụ lại đánh rơi hàm răng giả và nó lại chìm xuống dưới nước. Kể từ dạo ấy trở đi, cụ để hàm răng giả của mình ở khắp nơi: Các nơi khác nhau trong nhà cụ, trong ngăn kéo văn phòng cụ, trong mỗi chiếc tàu của hãng. Ngoài ra mỗi bận đi ăn cơm khách cụ còn mang theo một hàm răng giả nữa đựng trong cái hộp thuốc ho đút trong túi áo, phòng khi ho nó văng ra mất, bởi vì đã có lần cụ bị gãy một hàm răng giả khi gắng ăn một món thịt nạc rán trong một bữa tiệc ở nhà quê. Vì sợ rằng thằng cháu cũng sẽ là nạn nhân của những cú bất ngờ tương tự, cụ bảo bác sĩ Ađônay làm luôn hai hàm răng giả, một bằng chất liệu rẻ tiền dùng thường xuyên khi ở văn phòng, một hàm bằng chất liệu đắt tiền hơn, có cấy cả một chiếc răng vàng để dùng trong những ngày chủ nhật hay trong những ngày hội chợ. Cuối cùng, một ngày chủ nhật âm vang những hồi chuông ngân nọ, Phlorêntinô Arixa ra đường phố với một tư chất mới mà nụ cười của ông đã mang lại cho ông một cảm giác vui vui rằng có một người nào đó khác hẳn ông đã thay thế ông trên thế gian này.
Đó chính là thời kỳ bà mẹ qua đời và chỉ có một mình Phlôrêntinô Arixa sống trong ngôi nhà. Căn nhà là một địa điểm thích hợp cho cung cách yêu đương của ông bởi vì nếu ở ngoài đường thì cần phải thận trọng, mặc dù linh tính mách bảo ông phải để ý tới những con mắt ở phía sau. Nhưng tất cả những hành động ấy được thực hiện cốt là để Phecmina Đaxa hạnh phúc và chỉ duy có bà mới hưởng hạnh phúc ấy thôi, do đó Phlôrêntinô Arixa sẵn sàng để mất những dịp thuận lợi hiếm có ấy trong những năm tháng giàu nghị lực nhất của mình, trước ngôi nhà bị vấy bẩn bởi những mối tình khác. Cũng may mà, mỗi một bậc trên cái thang danh vọng của Hãng tàu thủy Caribê đều có mang theo những đặc quyền mới, trước hết là những đặc quyền giữ bí mật và đối với ông một trong những đặc quyền có lợi nhất là quyền được có mặt ở các văn phòng hãng vào các ngày chủ nhật, ngày lễ, ngày có hội chợ, ban đêm và các ngày làm việc khác với sự đồng lõa của người gác cổng. Có một lần, vì lúc ấy ông đã là phó chủ tịch thứ nhất của hãng, ông đang hú hí với một trong những cô gái phục vụ tại văn phòng, ông ngồi trên ghế, cô ta ngồi trên đùi ông thì bỗng cánh cửa phòng bật mở. Ông chú Lêông XII thò đầu vào làm như thể cụ bị nhầm phòng và cụ đứng thần người ra nhìn thằng cháu đang hoảng hồn. "Của khỉ, - cụ nói không một biểu hiện ngạc nhiên nào. - Rõ thật là cha nào con ấy". Trước khi khép cánh cửa lại, với cái nhìn chìm vào chốn hư không, cụ bảo:
- Còn cô gái, xin cô cứ tiếp tục, đừng xấu hổ. Tôi xin lấy danh dự mà thề với cô rằng: tôi không hề nhìn thấy mặt cô.
Cụ không nói về chuyện ấy nữa nhưng ở phòng làm việc của Phlôrêntinô Arixa trong suốt cả tuần sau đó không thể làm việc được. Ngày thứ hai, bọn thợ điện ập đến để mắc một chiếc quạt trần. Không hề báo trước bọn thợ khóa cũng kéo đến và bọn họ làm ồn ĩ một hồi để tra một ổ khóa vào cánh cửa mà nhờ nó có thể khóa trái cửa lại. Bọn thợ mộc đến đo đạc mà chẳng hề nói đo để làm gì. Những người thợ dệt thảm mang theo mẫu thảm để xem chúng có đồng màu với tường phòng không. Sang tuần sau, một chiếc ghế sôpha rộng khảm những bông hoa sặc sỡ được mang đến và người ta buộc phải đưa nó qua cửa sổ vào phòng. Họ làm việc vào những giờ ít ngờ nhất với một thái độ tò mò cố ý, nhưng trước bất cứ một lời phản kháng nào họ cũng chỉ nói độc một câu: "Đó là lệnh của Ban lãnh đạo". Chẳng bao giờ Phlôrêntinô Arixa biết được rằng cái lối trang bị lại phòng làm việc của mình kia là một hành động khả ái của ông chú do tận mắt chứng kiến cung cách làm tình quá lộ liễu của thằng cháu hay đó là một việc làm rất đặc trưng cho cá tính của cụ để nhắc nhở thằng cháu rằng nó đã lạm dụng chức quyền rồi. Không bao giờ Phlôrêntinô Arixa biết được sự thật của hành động trên nhưng thực lòng mà nói, ông chú Lêông XII đã cổ vũ ông bởi vì chính tai cụ nghe thấy lời đồn đại nói rằng thằng cháu cụ có những thói quen khác hẳn với phần lớn bọn đàn ông và chính lời đồn đại này đã giày vò cụ và cụ coi nó như một trở lực lớn trong việc mình làm cố vấn
Ngược lại với người anh mình, Lêông XII Lôayxa có một cuộc sống bền chặt suốt sáu mươi năm liền và bao giờ cũng vậy, ông cụ đánh giá rất cao việc mình nghỉ ngày chủ nhật để ở nhà với vợ con. Cụ có bốn người con trai và một cô con gái và cụ đều mong muốn họ là những người kế nghiệp vương quốc của mình, nhưng cuộc đời đã chặn đứng cụ lại ở một trong những ngẫu nhiên thường vẫn được sử dụng trong các tiểu thuyết thời đại cụ, thế mà không một ai tin rằng chúng có thực trong cuộc đời này: Cả bốn người con trai đều bị chết, người nọ kế tiếp người kia ngay sau khi họ leo lên địa vị chỉ huy của hãng, còn cô con gái hoàn toàn không có khả năng về quản lý tàu thủy và cô ta muốn được chết trong lúc từ một cửa sổ ở tầm cao năm mươi mét ngắm nhìn những chiếc tàu của hãng Hutsôn. Chính vì thế không thiếu người đã mách thẳng với cụ rằng Phlôrêntinô Arixa, với diện mạo lì lợm và chiếc ô cánh rơi của mình đã làm một thủ đoạn nào đó để cho các sự kiện ngẫu nhiên kia cùng xảy một lúc.
Khi ông chú miễn cưỡng phải nghỉ hưu, theo lệnh của thầy thuốc, Phlôrêntinô Arixa bắt đầu hi sinh những cuộc ân ái ngày chủ nhật của mình. Ông cùng đi với cụ đến khu nhà nghỉ ở nơi thôn dã, trên một trong những chiếc xe ô tô đầu tiên xuất hiện ở thành phố này. Đó là những chiếc ô tô mà cần quay maniven của nó rất nặng có sức phản lực mạnh mẽ từng làm gãy cánh tay người lái xe đầu tiên. Họ nói chuyện với nhau trong nhiều giờ. Ông già nằm trên chiếc võng có thêu tên mình bằng chỉ lụa, quay lưng lại phía biển và giữ mình trong tâm trạng xa rời với bao chuyện khác ngay ở một điền trang cổ của những người nô lệ mà từ sân hiên trồng hoa axtrômêlia của nó có thể nhìn rõ những đỉnh tuyết phủ của dãy núi xa tanh, bao giờ cũng vậy, Phlôrêntinô Arixa và ông chú Lêông XII không nói chuyện gì khác ngoài chuyện về công việc kinh doanh tàu chạy trên sông và trong những buổi chiều rỗi rãi ấy họ vẫn chỉ nói một chuyện ấy thôi. Đó là những buổi chiều mà thần chết luôn luôn là vị khách mời không thể nhìn thấy. Một trong những lo lắng thường xuyên ấy của ông chú Lêông XII là làm sao để Hãng Tàu thủy Caribê không lọt vào tay các công ty nội địa vốn có quan hệ mật thiết với các công ty tư bản châu Âu. "Cái này bao giờ cũng là một cuộc thương lượng rất hóc búa, - cụ nói - Nếu cảnh sát tóm được thì bọn kia lập tức biếu không nó cho người Đức". Nỗi lo ngại của cụ là rất thường xuyên với một nhận thức chính trị rõ ràng đến mức cụ thích nhắc lại nó ngay cả khi không dính dáng gì đến chuyện ấy.
- Ta sẽ tròn một trăm tuổi và ta từng nhìn thấy biết bao thay đổi ngay cả vị trí của các vì tinh tú trong vũ trụ bao la, nhưng ta chưa hề thấy ở cái đất nước này có gì thay đổi cả, - cụ nói. - Ở đây, hiến pháp mới, luật lệ mới đan hành, ở đây cứ ba tháng lại nổ ra một cuộc chiến mới, nhưng chúng ta vẫn cứ là chúng ta trong thời Thuộc địa Tây Ban Nha.
Đối với những người anh em theo hội Tam điểm của mình từng đóng góp nhiều vào sự thất bại của đảng Tự do, cụ vẫn nói với họ rằng: "Cuộc chiến tranh nghìn ngày đã thất bại từ hai mươi ba năm trước, ngay từ cuộc chiến tranh năm bảy mươi sáu". Phlôrêntinô Arixa, vốn có thái độ thờ ơ trước các vấn đề chính trị, đã ngày càng thường xuyên hơn nghe những lý lẽ khó hiểu ấy tựa như một ai đó nghe tiếng sóng biển ì ầm. Nhưng đối với chính sách của hãng tàu thủy thì ông lại là người trái quan điểm với cụ. Trái với quan điểm của ông chú mình, Phlôrêntinô Arixa nghĩ rằng sự lạc hậu của hãng tàu thủy, mà lúc này hình như nó cũng ở bên bờ vực của tai họa, chỉ có thể suy nghĩ về nó trong mối liên hệ với việc từ chối ngay tức khắc quyền được độc quyền sử dụng những chiếc tàu chạy bằng máy hơi nước được Quốc hội thông qua và giao cho Hãng Tàu thủy Caribê trong chín mươi chín năm một ngày. Ông chú Lêông XII cãi lại rằng: "Chính là Lêôna, người trùng tên với ta, với những lý lẽ nhàm chán của kẻ vô chính phủ, đã nhồi nhét vào đầu mi những quan điểm ấy đấy". Nhưng điều đó chỉ đúng có một nửa thôi. Phlôrêntinô Arixa đã xây dựng những lý lẽ của mình trên kinh nghiệm của đô đốc hải quân người Đức Gioan Onbớt, mà trí thông minh của ông ta từng bị thất bại trước những tham vọng cá nhân quá đáng. Ngược lại, ông chú Lêông XII lại nghĩ rằng sự thất bại của Onbớt không tại bởi những đặc quyền của ông ta mà bởi những cam kết không thực tế mà ông ta giành được cùng một lúc, và những lời cam kết này hầu như đã vượt quá trách nhiệm về lãnh thổ quốc gia: ông ta nhận bảo đảm duy trì khả năng đi lại của tàu bè trên sông, các công trình xây dựng bến cảng, các con đường bộ ăn thông với cảng, các phương tiện giao thông. Ngoài ra cụ còn nói rằng sự phản đối của Chủ tịch Ximôn Bôliva không phải là một trở ngại để mà cười cợt được.
Phần lớn các thành viên của hãng đều coi những cuộc tranh luận ấy như là sự cãi vã vợ chồng mà thôi, trong đó bên nào cũng có lý cả. Mọi người đều nhận thấy tính ương gàn của cụ già là hợp lý không chỉ vì tuổi già đã làm cho cụ kém nhạy bén hơn trước đây, mà còn vì sự từ chối quyền được độc quyền có lẽ đối với cụ chẳng khác gì việc ném vào sọt rác tất cả những gì mà cụ và anh em cụ đã làm được trong những ngày anh hùng chống lại hết thẩy mọi thế lực hùng hậu của cả thế giới. Vì vậy mà không một ai dám vi phạm chúng trước khi cụ từ giã cõi đời này. Nhưng bỗng nhiên trong những buổi chiều suy nghĩ ở điền trang ấy, khi Phlôrêntinô Arixa hạ vũ khí đầu hàng, ông chú Lêông XII đã đồng ý từ chối quyền được độc quyền một trăm năm với điều kiện danh dự duy nhất là không được từ chối nó khi cụ chưa qua đời.
Đó là hành động cuối cùng của cụ. Cụ không bàn đến chuyện kinh doanh nữa, cũng chẳng để cho ai được đến khám bệnh cho mình, không chịu để mất một sợi tóc tên mái tóc tuyệt vời của mình, không để mất một tia chớp minh mẫn, nhưng cụ đã làm những gì có thể vì không thấy một ai có thể yêu thương mình. Ngày cứ qua đi trong lúc cụ ngồi ở sân hiên mà ngắm tuyết rơi trắng xóa trên đỉnh núi cao mà tự đung đưa nhẹ nhàng trên chiếc ghế xích đu, ở ngay cạnh một chiếc bàn con trên đó các cô hầu phòng lúc nào cũng giữ cho cụ một bình cà phê nóng và một chiếc cốc có hàm răng giả ngâm trong dung dịch bicabônich, và giờ đây cụ chỉ đeo chúng khi phải tiếp khách mà thôi. Cụ gặp gỡ rất ít bạn bè và chỉ nói về thời dĩ vãng rất xa xưa, xa xưa hơn cả những ngày thành lập hãng tàu thủy. Tuy vậy, cụ lại còn một đề tài mới: ý muốn Phlôrêntinô Arixa lấy vợ. Cụ đã bày tỏ vài lần và bao giờ cũng chỉ với hình thức mà thôi.
- Nếu ta chỉ mới năm mươi tuổi - cụ nói với ông - ta sẽ cưới Lêôna, cô gái trùng tên với ta. Ta không thể mơ tưởng một người vợ tốt hơn.
Phlôrêntinô Arixa run bắn người với ý nghĩ rằng công lao trong bao năm trời của mình sẽ đổ ra bể vào cái giờ chót chỉ vì điều kiện bất ngờ này. Ông nghĩ mình có thể chết, mình có thể từ chối hết thảy trước khi mình phản bộ Phecmina Đaxa. Cũng may mà ông chú Lêông XII không kiên quyết buộc ông phải làm theo ý mình. Khi cụ chín mươi hai tuổi cụ thừa nhận người cháu sẽ là người kế nghiệp của mình và cụ về hưu không làm việc ở Hãng Tàu thủy Caribê do mình sáng lập nên.
Tình Yêu Thời Thổ Tả Tình Yêu Thời Thổ Tả - Gabriel Garcia Márquez Tình Yêu Thời Thổ Tả