Love is the only satisfactory answer to the problem of human existence.

Erich Fromm

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: El Amor En Los Tiempos Del Cólera
Biên tập: Hoàng Ngọc
Upload bìa: Hoàng Ngọc
Số chương: 51
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3975 / 120
Cập nhật: 2015-12-03 04:33:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ôn Piô Kinhtô Lôayxa chết khi đứa bé mới lên mười tuổi đầu. Dẫu rằng Đôn Piô Kinhtô Lôayxa lén lút lo liệu chu đáo mọi khoản chi tiêu cho mẹ con bà Tranxitô Arixa, nhưng chưa bao giờ ngài chịu thừa nhận Phlôrêntinô Arixa là con của mình và cũng chẳng hề lo liệu để cậu có một tương lai bảo đảm, vì thế Phlôrêntinô Arixa phải mang họ mẹ. Sau cái chết của người cha, cậu bé buộc phải bỏ học để vào làm thợ học việc trong hãng bưu điện. Tại đây hàng ngày cậu bé lo mở cửa, sắp xếp thư tín, giương lá cờ của nước có bưu điện ở trước cửa văn phòng để báo cho công chúng biết rằng bưu kiện đã tới thành phố.
Thái độ đúng đắn của cậu khiến cho người điện báo viên tên là Lotariô Tugut mến mộ cậu. Bác ta là người Đức di cư sang đây. Ngoài nghề điện báo, bác còn chơi đàn óoc trong những buổi lễ trọng thể ở nhà thờ lớn và dạy nhạc tư. Lôtariô Tugut dạy cậu bảng moóc, cách sử dụng hệ thống điện báo. Chỉ cần những buổi học viôlin đầu tiên, Phlôrêntinô Arixa đã chơi cây đàn ấy như một nhạc công chuyên nghiệp.
Năm mười tám tuổi, cậu làm quen với Phecmina Đaxa. Lúc ấy cậu là thanh niên được tin cậy nhất trong giới của mình, là người nhảy đẹp nhất các bản nhạc đời mới và ngâm thuộc lòng thơ tình, và là người lúc nào cũng bằng chính cây đàn viôlin quyến rũ sẵn sàng giúp các chàng trai trong việc rủ người tình của họ tới. Ngay từ dạo ấy cậu đã là một thanh niên gầy gò, có mái tóc xõa được chải sáp thơm và đeo kính cận, và cặp kính dày càng làm tăng vẻ cô đơn của cậu. Ngoài bệnh cận thị, cậu còn bị bệnh táo bón kinh niên, thứ bệnh tai hại buộc cậu suốt đời phải dùng thuốc nhuận tràng. Cậu có độc một bộ quần áo diện thừa kế của người cha quá cố, nhưng Tranxitô Arixa lại giữ gìn bộ quần áo này rất cẩn thận, đến mức mỗi ngày chủ nhật đến nó lại đẹp như mới. Bất chấp dáng người gầy gò của cậu, bất chấp lối sống cô đơn của cậu, bất chấp bộ quần áo sẫm màu cậu mặc hàng ngày, các cô gái cùng cảnh ngộ với cậu cứ chạnh chọe với nhau để tìm cách ở bên cậu và cậu cũng tìm mọi cách để ở bên họ. Cho đến một ngày cậu làm quen với Phecmina Đaxa, tính tình ngây thơ vốn có trong người cậu bỗng biến mất luôn.
Cậu nhìn thấy cô gái lần đầu tiên vào buổi chiều Lôtariô Tugut sai cậu chuyển một bức điện báo cho người tên là Lôrenxô Đaxa có địa chỉ rắc rối khó tìm. Cậu tìm được ông ta ở quảng trường nhỏ của các Nhà Truyền giáo, tại một trong những ngôi nhà cổ hơn cả, đang trong tình trạng đổ nát, cái sân trong tựa như sân một tu viện, cỏ mọc um tùm trên những bãi đất, một chiếc mương đá cạn khô nước. Phlôrêntinô Arixa hầu như không cảm thấy bất kỳ tiếng động nào của con người trong lúc cậu đi theo một người hầu gái chân trần bước dưới mái vòm trong hiên nhà ngổn ngang những hòm xiểng còn để nguyên, những dụng cụ đồ nghề thợ nề vương vãi đây đó giữa những đống vôi vữa và xi măng, vì ngôi nhà đang được sửa chữa lại hoàn toàn. Phía cuối sân có một văn phòng tạm thời. Một người đàn ông to béo, râu ria xồm xoàm đang ngồi trước bàn viết mà ngủ trưa. Ông ta tên là Lôrenxô Đaxa và là người không được quen biết lắm ở thành phố này bởi ông ta vừa đến đây chưa được hai năm, hơn nữa ông ta là người ít bạn bè.
Ông ta nhận điện như thể vẫn còn đang nằm mộng. Phlôrêntinô Arixa thương hại nhìn đôi mắt màu nâu của ông ta, quan sát những ngón tay run rẩy đang cố xé phong bì, đó là nỗi hoảng loạn của con tim mà cậu nhiều lần nhìn thấy ở rất nhiều người nhận điện báo vẫn chưa đoán được điều lành hay điều dữ ở trong những bức điện ấy. Trong khi đọc bức điện ông ta dần dần lấy lại được bình tĩnh. Ông ta thở phào đầy nhẹ nhõm: "Tin lành mà!". Rồi ông ta miễn cưỡng đưa cho Phlôrêntinô Arixa năm đồng rêan với một nụ cười sảng khoái làm như thể để cậu hiểu rằng ông ta sẽ không cho tiền nếu bức điện báo tin dữ. Sau đó để tạm biệt ông ta bắt chặt tay cậu, một hành động không nên dùng để ứng xử với một người điện báo viên. Người hầu gái lại theo chân cậu ra tận cổng vừa để chỉ đường vừa để canh chừng cậu. Bọn họ lại đi ngược lại con đường đã đi nhưng lần này Phlôrêntinô Arixa biết rằng trong nhà này còn có thêm người nữa cùng chung sống vì cái ánh sáng ngoài sân đang bị khống chế bởi tiếng đọc bài của một người đàn bà. Khi đi qua phòng máy may, qua cửa sổ cậu nhìn thấy một người đàn bà lớn tuổi và một cô gái, cả hai cùng ngồi trên hai chiếc ghế kê sát nhau, cùng đọc bài học ghi trong một cuốn sách do hai người đàn bà cầm trước mặt. Cậu cảm thấy đó là một hình ảnh lạ kỳ: con gái dạy bà mẹ đọc bài. Cảm nhận của cậu chỉ sai có một nửa thôi: vì người đàn bà là bà cô chứ không phải là bà mẹ, mặc dù bà ta nuôi dạy cô như nuôi dạy con mình. Họ vẫn học bài. Tuy nhiên trong lúc dạy bà cô đọc, cô gái đã ngước mắt lên nhìn xem ai đang đi qua ngoài cửa sổ, và cái nhìn ngẫu nhiên ấy là khởi thủy của một tấn bi kịch ái tình mà một nửa thế kỷ sau vẫn chưa kết thúc.
Điều duy nhất mà Phlôrêntinô Arixa có thể dò la và biết về Lôrenxô Đada là ông ta từ Xăng Hoan Đê La Xiênaga cùng với cô con gái duy nhất và người em gái chưa chồng đến đây ít lâu sau nạn dịch tả và những ai thấy ông ta bốc hành lý lên bờ thì không còn nghi ngờ gì về việc ông ta sẽ ở lại đây mãi mãi. Bởi vì ông ta mang theo tất cả các đồ cần thiết cho một ngôi nhà được trang hoàng lộng lẫy. Khi cô con gái còn rất nhỏ, bà mẹ đã chết. Người em gái tên là Excôlaxtica. Bà này đã bốn mươi tuổi, quyết chí ở vậy suốt đời. Mỗi bận ra đường phố bà thường mặc bộ quần áo của thánh Phrăngxixcô và khi ở nhà hay thắt lưng. Cô con gái lúc ấy mới mười ba tuổi và được gọi bằng chính cái tên của bà mẹ: Phecmina.
Người ta đoán rằng Lôrenxô Đaxa là một người giàu có vì tuy không thấy ông ta kinh doanh hoặc làm một nghề cụ thể nào nhưng sống khá giả, hơn nữa còn bỏ tiền ra mua nhà của những nhà truyền giáo mà sự trùng tu lại còn tốn kém gấp đôi số tiền hai trăm đồng pêsô vàng bỏ ra mua nó. Cô con gái đang học ở Trường Đức mẹ Đồng trinh, vốn là nơi từ hai thế kỷ nay, các cô tiểu thư đến đây để học nghệ thuật và chức phận làm một người vợ hiền và ngoan ngoãn. Trong thời kỳ Thuộc địa Tây Ban Nha và những ngày đầu của chế độ Cộng hòa, nhà trường chỉ nhận những cô gái con nhà dòng dõi vào học. Nhưng vì các gia đình quyền quý trước đã bị phá sản do việc thủ tiêu chế độ nô lệ, nhà trường buộc phải thừa nhận những thực tế mới của thời đại mới và đã mở cửa cho tất cả các cô gái muốn học miễn là họ có đủ khả năng trả học phí cho nhà trường. Nghĩa là nhà trường không quan tâm đến các tấm văn bằng viết trên da thuộc chứng thực là gia đình vương tôn công tử mà chỉ yêu cầu các cô nữ sinh phải đáp ứng một yêu cầu căn bản là con chính thức của các đôi vợ chồng theo Thiên chúa giáo.
Tóm lại, trường này là một trường đòi phải trả giá học phí rất cao và việc Phecmina Đaxa theo học ở đây là do khả năng kinh tế của gia đình chứ không phải là do địa vị xã hội của cô. Những tin tức ấy đã cổ vũ và khích lệ Phlôrêntinô Arixa vì chúng bảo cho cậu biết rằng cái cô bé có đôi mắt hạnh đào còn ở tuổi vị thành niên rất đẹp kia hoàn toàn ở trong khả năng những ước mơ của cậu. Tuy nhiên, kỷ luật nghiêm khắc của cha cô lại chứng tỏ cho cậu biết ngay rằng ông ta là một trở lực không có cách nào vượt qua được. Trong khi các cô gái khác thường đi thành nhóm hoặc đi dưới sự trông coi của một cô hầu gái lớn tuổi thì Phecmina Đaxa thường đi học với bà cô và thái độ của bà ta nói rõ rằng sẽ không để cho cô cháu gái có bất kỳ một sự xao nhãng nhỏ nào đối với việc học tập.
Và đây là hình thức ngây thơ mà Phlôrêntinô Arixa đã dùng để mở đầu cuộc săn đuổi thận trọng mà cậu là một gã thợ săn đơn độc. Ngay từ lúc bảy giờ sáng, cậu đã ngồi một mình trên một chiếc ghế đá khá là kín đáo dưới bóng những cây hạnh đào trong quảng trường nhỏ, giả vờ đọc một cuốn sách thơ cho đến khi nhìn thấy cô bé khó gặp mặc đồng phục kẻ sọc xanh, đi tất dài tới tận đầu gối, đôi ủng da thắt dây luồn chéo và một bím tóc dày cộm buộc nơ ở đầu mút buông thõng xuống tận thắt lưng. Cô ta đi trong điệu bộ kiêu hãnh rất tự nhiên: mặt ngẩng cao, mắt nhìn thẳng, chân bước gấp, sống mũi dọc dừa thanh tú, hai tay ôm cặp sách ngang ngực. Cô đi như nai đi do vậy cô đã có thể tránh được một nỗi nguy hiểm. Bà cô mặc bộ đồ màu nâu và thắt chiếc thắt lưng của Thánh Phrăngxixcô đang nặng nề từng bước bên cạnh cô. Bà ta đi trong thái độ canh chừng ráo riết không để cho bất kỳ ai có thể đến gần đứa cháu gái của mình. Một ngày bốn bận Phlôrêntinô Arixa nhìn thấy cô cháu họ đi lại và các ngày chủ nhật cậu nhìn thấy họ từ nhà thờ đi ra sau buổi lễ misa. Chỉ cần nhìn thấy cô bé là cậu đã lấy làm mãn nguyện lắm rồi. Dần dà cậu lý tưởng hóa cô gái, phú cho cô những đức tính và những tình cảm do cậu tưởng tượng ra. Chỉ sau hai tuần thôi cậu sống mà tâm tưởng lúc nào cũng để đến cô gái. Vậy là cậu quyết định gửi cho cô một bức thư giản dị được viết cả hai mặt giấy với lối chữ đẹp nhưng rồi cậu vẫn để nó trong túi áo vài ngày để tìm cách làm thế nào trao được cho cô gái và trong lúc nghĩ cách cậu lại viết thêm vài tờ nữa trước khi đi ngủ. Do đó, bức thư lúc đầu chỉ có một tờ giấy đã trở thành một cuốn từ điển những câu nịnh đầm lấy ra từ những cuốn sách mà cậu đọc đi đọc lại nhiều lần đến mức thuộc lòng trong những buổi ngồi đợi ở vườn hoa.
Vì tìm cách trao thư cho cô gái, Phlôrêntinô Arixa định làm quen với một số cô học sinh Trường Đức mẹ Đồng Trinh, nhưng cậu không dám nhờ vả vì họ lại quá xa cách với thế giới của cậu. Hơn nữa, sau nhiều lần suy nghĩ lao lung, cậu thấy rằng do thiếu thận trọng sẽ có người nhận ra ý định của mình. Tuy nhiên, cậu cũng được biết rằng sau mấy ngày đến thành phố này, Phecmina Đaxa đã được bạn mời đến dự tiệc nhảy ngày thứ bảy và biết rằng cha cô không cho phép cô đi dự với một câu gọn lỏn: "Việc nào ra việc ấy và mỗi việc cần được làm đúng thời của nó". Bức thư đã dày hơn sáu mươi tờ giấy viết kín hai mặt khi Phlôrêntinô Arixa không thể chịu nổi sức nặng của nỗi lòng thầm kín của mình và vì thế một ngày kia cậu đã hé cho mẹ mình biết, vì bà là người duy nhất cậu có thể bộc bạch một vài tâm sự của mình. Trước nhiệt tình nóng bỏng của con trai trong chuyện yêu đương, bà Tranxitô Arixa cảm động đến rơi lệ và cố gắng vận dụng hết trí khôn để khuyên bảo cậu. Bà bắt đầu thuyết phục cậu không nên gửi bức thư tình ấy vội vì nó sẽ chỉ tổ làm cho cô gái cậu đương thầm yêu thêm sợ hãi, và bà cũng biết rằng cô gái này cũng như con bà còn rất ngây thơ và trong trắng trong chuyện yêu đương. Bà khuyên cậu, bước thứ nhất là con hãy là cho cô ta biết rằng con để ý đến cô ta, do đó cô ta có thời gian để suy nghĩ và khi đó lời tỏ tình của con đến với cô ta mới không quá đường đột.
- Nhưng trước hết, - Bà bảo cậu. - người đầu tiên mà con cần phải chinh phục không phải là cô gái mà lại là bà cô của cô ta.
Không còn nghi ngờ gì nữa, cả hai lời khuyên ấy đều thông minh nhưng đã muộn rồi. Thực ra, cái ngày Phecmina Đaxa xao lãng trong một phút khi cô mình tập đọc và ngước mắt lên nhìn xem ai đi ngoài hành lang thì Phlôrêntinô Arixa đã khiến cô gái phải nao nao lòng trước thần thái cô đơn của cậu. Đến tối trong lúc ăn cơm, cha cô nói chuyện về bức điện báo và thế là cô gái biết Phlôrêntinô Arixa đến nhà mình để làm gì và nghề nghiệp của cậu là gì rồi. Những tin tức ấy càng khiến cô thú vị hơn, vì đối với cô cũng như đối với bao người cùng thời đại, việc sáng chế ra điện báo là một kỳ công. Vậy là cô nhận ra ngay cậu kể từ lần đầu tiên thấy cậu ngồi đọc sách dưới bóng cây nơi vườn hoa nhưng cô vẫn giấu kín tâm trạng xao xuyến của mình cho đến khi bà cô mách cho biết rằng cậu đã ngồi ở đấy được mấy tuần nay rồi. Sau đó, khi họ nhìn thấy cậu cả trong những ngày chủ nhật sau lúc làm lễ misa, thì bà cô tự hiểu rằng những cuộc gặp gỡ nhiều như thế chẳng phải là chuyện ngẫu nhiên. Bà nói: "Có lẽ tại mình nên cậu ta mới phải khổ sở thế kia". Bởi vì, ngoài thái độ nghiêm nghị và bộ quần áo khắc khổ của kẻ tu hành, bà cô Excôlaxtica Đaxa còn có bản năng sống và năng khiếu thông cảm với người khác. Đó là hai nết quý báu nhất của bà. Chỉ một ý nghĩ rằng có người đàn ông đang chết mê chết mệt cô cháu gái mình đã khiến bà cảm động khôn xiết. Tuy vậy, Phecmina Đaxa vẫn còn rất ngây thơ trước tình yêu, ngay cả sự tò mò cô cũng chưa có. Điều duy nhất mà Phlôrêntinô Arixa khiến cô phải phân vân là cậu đã để lại trong cô một chút thương hại vì cô cảm thấy cậu đang bị ốm đau. Nhưng bà cô bảo cô rằng cần phải từng trải trong cuộc đời mới dò được bản chất sâu nông của một người đàn ông và rằng cái cậu con trai ngồi ở vườn hoa chỉ để nhìn cô cháu họ đi qua kia nếu có ốm thì chỉ có thể ốm vì tình mà thôi.
Bà cô Excôlaxtica là một vườn mát rượi để cho cô con gái cô đơn của một cặp vợ chồng lấy nhau không vì tình đến tìm sự thông cảm và tình thương. Bà nuôi cô bé ngay từ khi mẹ cô chết và trong mối quan hệ với Lôrenxô Đaxa bà ta khu xử như một kẻ đồng lõa hơn là một bà cô. Vậy là sự xuất hiện của Phlôrêntinô Arixa đối với hai người là một trò đùa thêm vào số rất nhiều trò đùa mà họ đã tạo ra để giải phiền trong những giờ nhàn rỗi. Mỗi ngày bốn bận, khi đi qua vườn hoa những Nhà truyền giáo, cả hai đều vội vàng liếc mắt nhìn cậu con trai đang giả vờ đọc sách dưới bóng cây, một con người gầy gò, vẻ bẽn lẽn, nghèo, luôn luôn mặc đồ sẫm màu bất chấp trời đang nóng bức. "Đấy, cậu ta đấy.", người nào nhìn thấy trước liền nói vậy, cố nín cười, trước khi cậu ngước mắt lên nhìn hai người đàn bà nghiêm nghị, khác hẳn với cuộc đời mình, đang đi qua vườn hoa mà không nhìn cậu.
- Ôi, cậu bé thật đáng thương, - Bà cô nói. - nó không dám đến gần vì có ta đi cùng với cháu đấy. Nhưng một ngày nào đó, nếu những ý nghĩ đã chín chắn, nó sẽ quyết định và nó sẽ trao cho cháu một phong thư.
Do thấy rõ tất cả những mặt đối nghịch nhau, bà dạy cô gái chơi trò lồng chữ cái tên của hai người, một trò chơi ngây ngô của những mối tình bị cấm đoán. Những trò chơi ấy, hầu như rất ngây thơ, đã dẫn Phecmina Đaxa đến tính tò mò trước cái mới lạ. Nhưng trong vài tháng liền khi cô chưa đi xa hơn thì cô chưa có tính tò mò ấy. Cô không biết từ bao giờ cái trò chơi ấy đã biến thành nỗi khao khát trong mình và máu trong người sôi lên mỗi khi cô muốn nhìn thấy cậu ngay. Một đêm nọ, cô thức dậy đầy hoảng hốt vì mơ thấy cậu đứng trong bóng tối cuối giường trân trân nhìn mình. Thế là cô thành tâm mong cho lời đoán của bà cô mau thành hiện thực và trong những lúc cầu kinh, cô cầu khẩn Thượng đế hãy ban cho cậu lòng dũng cảm để cậu dám trao cho mình bức thư, chỉ cốt xem trong đó nói gì.
Nhưng những câu cầu khẩn của cô chưa được đền đáp ngay, mà ngược lại hoàn toàn. Điều này xảy ra trong thời kỳ Phlôrêntinô Arixa đã thú nhận tâm trạng của mình với bà mẹ và bà mẹ khuyên cậu chưa nên gửi bức thư bảy mươi tờ giấy vội, vì thế Phecmina Đaxa đã đợi cho đến hết năm. Nỗi háo hức mong đợi của cô liền trở thành nỗi thất vọng khi mà kỳ nghỉ đông vào tháng chạp ngày một xích gần, do đó cô cứ thắc thỏm tự hỏi làm thế nào để được nhìn thấy cậu và để cậu nhìn thấy cô trong suốt ba tháng ròng không đi học. Những nỗi hồ nghi ấy cứ thường xuyên đeo bám lấy cô không cách nào dứt ra được, cho đến hôm Noel thì điềm báo mà cô cảm nhận được đã khiến cô rùng mình. Cô cảm thấy cậu đang nhìn mình giữa đám đông trong buổi lễ misa đêm Nôen và thế là trái tim cô đập thình thịch như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Cô không dám ngoảnh đầu lại vì cô đang ngồi giữa một bên là cha mình và một bên là cô mình và cô cần phải tự kiềm chế để hai người không nhận ra nỗi lòng cô đang xốn xang. Nhưng trong lúc mọi người đang ồn ào trong thánh đường đi ra ngoài, cô cảm thấy cậu gần kề, nổi bật trong đám đông đến mức một sức mạnh vô hình nào đó buộc cô trong lúc bước ra gian giữa của thánh đường, phải quay đầu lại nhìn qua vai mình và thế là cô thấy cậu chỉ cách mình hai gang tay: đôi mắt lạnh như băng, khuôn mặt tái mét, đôi môi cứng như đá vì cậu đang đứng trong giây phút bất thình lình được gặp người mình yêu. Hoảng hốt ngay với chính sự bạo dạn của mình, cô gái bám chặt lấy cánh tay người cô Excôlaxtica để khỏi ngã và bà này cảm thấy mồ hôi lạnh bàn tay cô gái qua tất tay truyền sang mình và bà đã kịp thời trấn an cô bằng cử chỉ kín đáo của lòng thông cảm vô điều kiện. Trong khung cảnh ồn vang tiếng pháo nổ và tiếng trống rung báo giờ phút Chúa giáng sinh, trong khung cảnh rực rỡ ánh đèn đủ màu treo trên các bậu cửa, trong khung cảnh dân chúng thèm khát cuộc sống hòa bình đang hò reo, Phlôrêntinô Arixa đi lại vật vờ như một kẻ mộng du cho tới sáng để làn nước mắt của mình ngắm nhìn buổi lễ hội náo nhiệt, mà lòng bàng hoàng cứ tưởng rằng: mình chứ không phải Chúa là kẻ đã ra đời trong đêm đó.
Tình cảm cuồng nhiệt của cậu còn được nhân lên hơn nữa trong tuần lễ sau đó khi cậu đi qua nhà Phecmina Đaxa vào giờ nghỉ trưa không một mảy may hi vọng được gặp cô thì cậu lại gặp cô và bà cô cùng ngồi dưới bóng mát những cây hạnh đào bên hiên nhà. Đó là sự lặp lại cái nghịch cảnh mà cậu từng nhìn thấy trong buổi chiều đầu tiên khi cậu nhìn thấy họ trong phòng máy may: cô cháu gái đang dạy bà cô mình tập đọc. Nhưng lần này, Phecmina Đaxa ăn vận khác trước: thay cho bộ đồng phục cô vận một chiếc áo tunica có nhiều nếp gấp kéo dài từ vai xuống mắt cá chân, đầu đội một vành hoa dành tươi rói, tất cả những trang sức ấy cho cô dáng vẻ của một nữ thiên thần mới được tấn phong. Phlôrêntinô Arixa ngồi xuống ghế đá ở vườn hoa, ở nơi mà cậu tin chắc rằng họ sẽ nhìn thấy mình và lúc ấy cậu chẳng cần phải giả vờ ngồi đọc sách. Cậu cứ ngồi như thế, sách mở trang nhưng mắt cứ dán chặt vào hình dáng cô trinh nữ rực rỡ hào quang, người lúc ấy không thèm đáp lại dù chỉ một ánh mắt thương hại.
Thoạt đầu Phlôrêntinô Arixa nghĩ rằng việc ngồi đọc sách dưới bóng cây hạnh đào chẳng qua chỉ là một sự thay đổi có tính ngẫu nhiên thôi, có lẽ họ ngồi như thế là do trong nhà dọn dẹp chưa xong. Nhưng những ngày sau đó, do thấy Phecmina Đaxa vẫn ngồi đọc sách như thế, cậu hiểu ngay rằng cô sẽ ngồi ở đấy ngay trước mắt mình, vào cùng một giờ trong tất cả buổi chiều suốt ba tháng nghỉ đông. Chính niềm tin chắc chắn ấy đã thổi vào cậu một luồng sinh khí mới. Cậu không mừng rơn vì được cô để ý, cũng không nhận thấy ở cô một dấu hiệu chứng tỏ cô thích hay bực trước việc mình ngồi đấy nhưng trong cái cung cách cô gái làm thinh kia có một tia sáng lạ cổ vũ cậu hi vọng và chờ mong. Bỗng nhiên, một chiều tháng Giêng nọ, bà cô phải dọn dẹp bàn ghế trong nhà và để cô cháu một mình ngoài hiên bên đống lá vàng rơi dưới gốc cây hạnh đào. Cậu nghĩ rằng đó là một cơ hội đã được chuẩn bị trước nên cậu đã bạo dạn hẳn lên, bước qua đường tiến đến đứng trước mặt Phecmina Đaxa. Cậu đứng rất gần cô gái đến mức có thể nghe thấy cả hơi thở của cô, đến mức có thể cảm nhận cả mùi nước hoa từng giúp cậu nhận ra cô trong suốt cuộc đời mình. Cậu ngẩng cao đầu, bằng một quyết tâm mà một nửa thế kỉ sau lại dùng đến, với chính một lí do ấy, cậu nói với cô gái:
- Anh chỉ mong em nhận cho một bức thư này.
Đó không phải là giọng nói mà Phecmina Đaxa chờ đợi ở cậu: một giọng nói trong trẻo và một thái độ tự chủ không phù hợp với dáng người xanh xao, gầy gò của cậu. Không thèm ngước mắt khỏi tấm khăn đang may vá, cô nói với cậu: "Tôi không dám nhận thư của ai một khi cha tôi chưa cho phép". Phlôrêntinô Arixa rùng mình trước hơi ấm của giọng nói kia mà dù âm vang của nó đã tắt đi rồi cậu vẫn không thể quên trong suốt cuộc đời mình. Nhưng cậu cố kiên trì nài nỉ và bảo cô gái: "Hãy xin phép cha đi". Ngay lập tức cậu chuyển sang giọng nói ngọt ngào, nài nỉ: "Đó là cả một vấn đề sống hay chết đấy". Phecmina Đaxa không nhìn cậu, vẫn không ngừng tay thêu, nhưng lòng cô đã quyết định và cái quyết định ấy hé ra cho cậu cả một chân trời rộng mở.
- Anh hãy đến đây tất cả các buổi chiều - cô bảo với cậu - và anh hãy đợi cho đến khi em đổi ghế ngồi.
Phlôrêntinô Arixa không hiểu trong câu nói trên cô muốn nói gì, mãi cho đến ngày thứ hai tuần sau khi từ một chiếc ghế đá ngoài vườn hoa cậu nhìn thấy vẫn chính cái cảnh thường ngày nhưng có thay đổi chút ít: Bà cô Excôlaxtica vừa bước vào nhà lập tức Phecmina Đaxa đứng ngay dậy và chuyển sang chiếc ghế khác. Phlôrêntinô Arixa, với ve áo gài một bông dành dành trắng, lập tức qua đường đến ngay trước mặt cô gái. Cậu bảo "Đây là cơ hội lớn nhất của đời mình". Phecmina Đaxa không ngước mắt lên nhìn cậu, trái lại liếc nhìn xung quanh, nhìn con đường vắng vẻ trong hơi nóng mùa hanh khô, nhìn cơn lốc xoay cuốn theo những chiếc lá rụng.
- Hãy đưa thư cho em đi. - Cô nói như vậy.
Phlôrêntinô Arixa từng nghĩ rằng mình sẽ mang theo cả bức thư dày bảy mươi tờ giấy viết kín hai mặt mà lúc đó do đọc đi đọc lại nhiều lần cậu có thể đọc thuộc lòng, nhưng cậu đã quyết định sẽ trao cho cô bức thư ngắn với lời lẽ giản dị và chân thành chỉ nói điều cốt tử: tình yêu mãi mãi và lòng trung thành son sắt của mình. Từ trong túi áo khoác ngoài, cậu rút bức thư và chìa nó ra trước mắt người con gái đang ngồi thêu không dám ngước mắt lên nhìn cậu. Cô gái nhìn cái bì thư xanh đang run rẩy trên một bàn tay lạnh cóng vì sợ hãi, và cô vội nâng cao khung thêu lên để cậu đặt bức thư vào đó bởi chính cô cũng không muốn để cho cậu thấy ngón tay mình cũng đang run. Giữa lúc đó xảy ra một chuyện không may: một con chim vỗ cánh giữa những tán lá hạnh đào và đống phân của nó rơi đúng vào tấm khăn thêu. Phecmina Đaxa di chuyển khung thêu đưa nó ra đằng sau cốt để cho cậu không nhìn thấy điều vừa xảy ra, lần đầu tiên với gương mặt đỏ ửng cô nhìn cậu. Tay cầm phong thư, Phlôrêntinô Arixa đứng lặng người đi, nói: "Anh đã gặp may". Cô gái mỉm cười cảm ơn cậu rồi gần như giằng lấy phong thư, nhanh chóng gấp nó lại và đút ngay vào yếm ngực. Cậu vội vàng dâng tặng cô bông hoa dành dành gài trên ve áo mình. Cô từ chối, nói: "Đó là một bông hoa của lời thề thốt". Nhận rõ thời gian đang trôi nhanh, ngay lập tức cô lại chăm chú vào công việc thêu thùa của mình:
- Bây giờ anh hãy đi đi. - Cô nói - Xin đừng trở lại cho đến khi nào em nhắn anh đến.
Tình Yêu Thời Thổ Tả Tình Yêu Thời Thổ Tả - Gabriel Garcia Márquez Tình Yêu Thời Thổ Tả