We should read to give our souls a chance to luxuriate.

Henry Miller

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Dịch giả: Vũ Liêm
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25 - Khi Một Con Thỏ Chạy Ngang Qua Đường
ây giờ, Misen Xtrôgôp mới tin được là đường đi có thể thông suốt đến tận Irkuxk. Anh đã vượt trước bọn phỉ Tactar còn đang dừng lại ở Tômxk, và khi quân lính của Fêôfar tới Kraxnôiarxk, thì chúng chỉ còn thấy một thành phố hoang tàn. Ở đó, không thể có ngay phương tiện để đi lại giữa hai bờ Yênitxây. Chúng sẽ phải chậm lại ít ngày cho tới khi một cầu nổi được xây dựng mới có thể qua sông được, nhưng đó chẳng phải là một chuyện dễ dàng.
Đây là lần đầu tiên, kể từ cuộc đụng đầu tai hại với Ivan Ôgarep ở Tômxk, người đưa thư của Nga hoàng cảm thấy phần nào đỡ lo ngại và có thể hy vọng không còn trở ngại đột khởi trên đường đi tới đích.
Chiếc kibitka, sau khi đi chéo về phía đông nam khoảng mười lăm dặm, thì gặp lại con đường dài thăm thẳm xuyên qua thảo nguyên.
Đường tốt và đoạn từ Kraxnôiarxk đến Irkuxk được coi như đẹp nhất trên cả chặng đường đi. Đỡ xóc nhiều và những bóng cây râm mát che cho hành khách khỏi ánh mặt trời gay gắt. Đôi khi gặp những khu rừng thông và bách hương rộng hàng trăm dặm. Đây không còn là thảo nguyên mênh mông xa tít hòa lẫn vào chân trời. Nhưng cái xứ sở giàu có này lúc đó hoàn toàn trống vắng. Đâu đâu cùng là những thị trấn không người. Không còn thấy bóng những người nông dân Xibir phần đông thuộc chủng tộc Xlavơ. Đó là chủ trương “vườn không nhà trống” được thi hành triệt để theo lệnh trên mà chúng ta đã biết.
Thời tiết đẹp, nhưng không khí ban đêm đã bắt đầu lạnh và chẳng dễ dàng gì được sớm sưởi ấm lại dưới ánh mặt trời. Đã là đầu tháng Chín và vùng này lại ở vĩ độ nằm xa về phương Bắc, nên “cung ngày” bị rút ngắn trông thấy. Mùa thu ở đây ngắn, mặc dù vùng đất Xibir này ở vào khoảng vĩ tuyến năm mươi lăm ngang Êđimbua - và Côpenhaghen. Đôi khi mùa đông hầu như tiếp liền ngay mùa hạ. Đó là những mùa đông đến sớm ở nước Nga phần châu Á này. Hàn thử biểu tụt xuống đến độ đông đặc của thủy ngân (khoảng 42 độ dưới không) và ở đó người ta chấp nhận như thời tiết chịu đựng được khi nhiệt độ trung bình ở khoảng hai mươi độ âm bách phân.
Thời tiết như vậy là thuận lợi cho du khách. Không có mưa, cũng không có bão. Nhiệt độ ôn hòa. Đêm mát lạnh. Sức khỏe của Nađia và Misen ổn định. Từ khi rời Tômxk, họ đã dần dần hồi phục sau những mệt nhọc quá sức của thời gian trước đó.
Còn về phần Nicôla Pigatxôp, anh chưa thấy lúc nào khỏe khoắn hơn. Đối với anh, hành trình này như một cuộc dạo chơi, một cuộc du ngoạn thú vị. Anh đang sử dụng vào đó những ngày nghỉ của một viên chức chưa có việc làm.
- Tất nhiên, - anh nói, - cái đó còn tốt hơn là ngồi chết gí trên ghế mười hai tiếng một ngày để gõ tín hiệu!
Lúc này, Misen Xtrôgôp đã thuyết phục được Nicôla giục cho ngựa đi mau hơn. Để đạt được kết quả đó, anh đã tâm sự với người bạn mới, là Nađia và anh đi tới chỗ người cha đang bị lưu đày ở Irkuxk và cả hai đều mong được mau chóng tới đó. Tất nhiên là không nên để ngựa chạy quá sức vì rất có thể không tìm được ngựa thay, nhưng nếu thường cho nó nghỉ hơn, thí dụ như cứ sau mỗi chặng mười lăm dặm, thì có thể dễ dàng vượt sáu chục dặm trong hai mươi bốn tiếng, vả lại, con ngựa này khỏe và thuộc giống chịu được mệt nhọc kéo dài. Dọc đường không thiếu cỏ non vì cỏ ở đây mọc dày và mọc khỏe. Như vậy có thể đòi hỏi nó làm việc nhiều hơn nữa.
Nicôla nhất trí với những lý lẽ trên đây. Anh rất xúc động về hoàn cảnh của hai người bạn trẻ tìm đến với cha mình, để cùng chia sẻ cuộc sống lưu đày. Không có gì làm anh thấy mủi lòng hơn, vì vậy anh tươi cười nói với Nađia:
- Ôi, phúc đức! Ông Korpanôp sẽ vui sướng như thế nào khi trông thấy các bạn! Khi cánh tay ông dang rộng ra để ôm lấy các bạn! Nếu tôi phải đi tới tận Irkuxk, và lúc này có thể như thế lắm, thì các bạn có cho phép tôi được chứng kiến cuộc gặp gỡ đó không? Có chứ, phải không nào?
Rồi đưa tay vỗ trán, anh nói tiếp:
- Nhưng tôi nghĩ, cũng đau đớn biết bao, khi ông thấy là con trai tội nghiệp của ông đã bị mù! Ôi, tất cả đều bát nháo ở cái thế gian này!
Tất cả những câu chuyện trên đây đã đưa lại hiệu quả là chiếc kibitka, chạy nhanh hơn và theo tính toán của Misen Xtrôgôp, thì lúc này nó đi được từ mười đến mười hai dặm một tiếng đồng hồ.
Đến ngày 28 tháng Tám, ba người bạn đã vượt qua thị trấn Balaixk, bỏ xa Kraxnôiarxk tám chục dặm và ngày 29 vượt qua thị trấn Ribinxk, cách thị trấn Balaixk bốn chục dặm.
Ngày hôm sau, lại vượt ba mươi lăm dặm nữa tới Kamxk, thị trấn lớn hơn, có con sông cùng tên chảy qua, nó là chi nhánh nhỏ của sông Yênitxây bắt nguồn từ rặng núi Sayanxk. Kamxk chỉ là một thị trấn không mấy quan trọng, có những ngôi nhà bằng gỗ thật đẹp tập trung xung quanh một quảng trường; nhưng nổi bật hơn cả là tháp chuông cao vút của nhà thờ thị trấn với cây thánh giá mạ vàng lung linh dưới ánh mặt trời.
Nhà cửa trống trơn, giáo đường hoang vắng không còn một bưu trạm, không còn một quán trọ có người, không còn một con ngựa trong chuồng, không còn một con gia súc trên đồng cỏ. Lệnh của chính quyền Maxcơva đã được thi hành triệt để. Những gì không mang theo được đều đã bị phá hủy.
Lúc ra khỏi Kamxk, Misen với Nađia và Nicôla biết là sẽ chỉ còn phải qua một thị trấn nhỏ ít quan trọng trước khi tới Irkuxk, đó là Nigiơni - Uđinxk. Nicôla nói là anh cũng biết rất rõ cái thị trấn này, ở đó trước đây có một trạm điện tín. Như vậy nếu Nigiơni - Uđinxk cũng trong tình trạng “vườn không nhà trống” như Kamxk, thì bắt buộc anh phải đi tới tận thủ phủ miền Đông Xibir để kiếm việc làm.
Chiếc kibitka có thể dễ dàng qua con sông nhỏ cắt ngang đường phía bên kia thành phố Kamxk. Ngoài ra, giữa sông Yênitxây và một trong những chi nhánh lớn của nó - sông Angara - chảy ngang qua Irkuxk, thì không còn phải lo ngại có con sông lớn nào cản trở ngoài sông Dinka. Như vậy cuộc hành trình không có lý do gì để bị chậm trễ.
Từ thành phố Kamxk đến thị trấn tiếp sau đó, chặng đường rất dài, khoảng một trăm ba mươi dặm. Tất nhiên là các đợt nghỉ quy định vẫn được tôn trọng, “nếu không, - Nicôla bảo, - con ngựa nó sẽ có lý do để kiện chúng ta đó! Dù đã có sự thỏa thuận với con vật dũng cảm này là cứ sau mười lăm dặm thì lại nghỉ một lát và khi đã giao kết, dù ngay cả với các con vật, sự công bằng cũng đòi hỏi ta phải tôn trọng các điều khoản của hợp đồng”.
Sau khi qua con sông nhỏ Biriusa, chiếc kibitka tới Biriusinxk trong buổi sáng ngày 4 tháng Chín, ở đó, thật may mắn là, trong khi lương thực trong xe gần cạn, Nicôla đã tìm thấy trong một cái lò bị bỏ lại một tá “pôgatsa", một loại bánh ngọt làm bằng gạo nấu chín trộn với mỡ cừu. Phần thức ăn này đến rất đúng lúc để dùng với túi rượu “Kumitx” được tiếp tế khá rộng rãi từ Kraxnôiarxk.
Sau một đợt dừng lại vừa phải, cuộc hành trình lại tiếp tục sau bữa ăn trưa ngày 5 tháng Chín. Khoảng cách với Irkuxk chỉ còn năm trăm dặm. Không có gì ở phía sau báo hiệu có đội quân tiền vệ của bọn Tactar. Misen Xtrôgôp có cơ sở để nghĩ là cuộc đi của anh không còn bị trở ngại và trong tám ngày, cùng lắm là mười ngày nữa là anh có thể trình diện đại công tước.
Lúc ra khỏi thị trấn Biriusinxk. có một con thỏ chạy ngang qua đường phía trước chiếc xe khoảng ba chục bước.
- Ôi! - Nicôla kêu lên.
- Có chuyện gì đấy, anh bạn? - Misen Xtrôgôp vội vã hỏi, như một người mù chú ý đến mỗi tiếng động nhỏ.
- Anh không trông thấy à?... - Nicôla hỏi lại, nét mặt luôn tươi cười bỗng sa sầm.
Rồi anh nói thêm:
- À, mà không! Anh không thể trông thấy và thật may mắn cho anh, anh bạn ạ!
- Nhưng em cũng chẳng nhìn thấy gì cả. - Nađia ngạc nhiên nói.
- Càng hay! Càng hay! Nhưng tôi... chỉ riêng tôi nhìn thấy!
- Vậy là cái gì thế? - Misen hỏi.
- Một con thỏ vừa chạy ngang qua đường trước mặt chúng ta! - Nicôla đáp.
Ở Nga khi một con thỏ chạy ngang qua đường đi trước mặt du khách, thì tín ngưỡng dân gian cho đó là điềm gở báo trước một tai nạn.
Nicôla, mê tín như phần đông dân Nga, cho xe dừng lại.
Misen Xtrôgôp biết vì sao Nicôla lưỡng lự. Anh không đồng tình với mặc cảm mê tín của bạn. Muốn làm cho Nicôla yên tâm, anh bảo:
- Không có gì phải lo ngại cả, anh bạn ạ. Đó chỉ là một chú thỏ ấy mà!
- Không có gì đáng ngại đối với anh cũng như với cô em đây, tôi biết lắm chứ, anh bạn! Vì các bạn không nhìn thấy. Nhưng còn tôi...
Rồi anh thở dài tiếp:
- Đó là định mệnh mà!
Và anh giật cương cho ngựa phi nước kiệu.
Dù có điềm bất tường, ngày hôm đó cũng trôi qua, không có gì xảy ra.
Hôm sau, ngày 6 tháng Chín, vào giữa trưa, xe dừng lại ở thị trấn Anxalepxk cũng hoang vắng như cả vùng xung quanh.
Ở đó, trên ngưỡng cửa một ngôi nhà, Nađia thấy hai con dao, loại dao có lưỡi chắc khỏe mà thợ săn Xibir thường dùng. Cô đưa cho Misen một con, anh giấu ngay vào bên trong áo, và cô giữ cho mình một con. Chiếc kibitka chỉ còn cách Nigiơni - Uđinxk bảy mươi lăm dặm.
Nicôla trong hai ngày đó không thể vui vẻ như những ngày trước. Cái điềm mà anh cho là xấu đã kích động anh hơn là ta tưởng, nó làm cho anh từ trước tới nay chưa từng bao giờ lặng im quá một tiếng đồng hồ, mà nay thì im lặng kéo dài đến nỗi Nađia cũng khó lòng gợi chuyện anh được. Hiện tượng này đúng là thường gặp ở những người tâm thần bị hoảng loạn. Đối với những người thuộc các chủng tộc phương Bắc thì trạng thái này có thể giải thích được, vì tổ tiên họ rất mê tín. Chính các vị này là thủy tổ của môn thần thoại học phương Bắc.
Từ Êkatêrinbua trở đi, đường tới Irkuxk hầu như song song với vĩ tuyến 55, nhưng ra khỏi Biriusinxk, nó chếch hẳn về hướng Tây - Nam cắt chéo kinh tuyến 100. Đó là đường ngắn nhất để đi tới thủ phủ miền Đông Xibir, vượt qua những đoạn dốc cuối cùng của rặng núi Sayanxk. Những ngọn núi này cũng chỉ là một nhánh rẽ của rặng Antai hùng vĩ, ở xa hai trăm dặm còn trông thấy được.
Vậy là, chiếc kibitka chạy trên đường này. Đúng là nó chạy! Nicôla không còn nghĩ tới việc nương nhẹ con ngựa nữa và chính anh lúc này cũng muốn mau tới. Mặc dầu tất cả sự nhẫn nhục của anh có nhuốm ít nhiều màu sắc định mệnh, anh chỉ thấy được sự bảo đảm chắc chắn hơn bên trong những bức tường thành của thành phố Irkuxk. Bao người Nga cũng suy nghĩ như anh và nhiều người đã quay ngựa trở lại khi bắt gặp một chú thỏ chạy ngang qua đường đi của mình.
Tuy nhiên, một số nhận xét của anh ta mà Nađia có kiểm tra lại sự chính xác bằng cách hỏi lại Misen Xtrôgôp, cho thấy là đối với họ, chuỗi những thử thách gay go chưa phải là đã chấm dứt.
Quả vậy, từ Kraxnôiarxk trở đi, các hiện trạng tự nhiên hầu như được giữ nguyên vẹn, thì giờ đây, các khu rừng đã mang dấu vết chiến tranh, những cánh đồng cỏ trải dài hai bên đường cảnh bị tàn phá. Rõ ràng là có một đoàn quân khá đông đã đi qua.
Ba mươi dặm trước khi tới Nigiơni - Uđinxk, dấu vết của một sự tàn phá mới xảy ra không thể làm cho ngộ nhận; không còn kẻ nào khác ngoài bọn phỉ Tactar đã gây nên.
Thật thế, không những chỉ là những cánh đồng bị vó ngựa giày xéo, những khu rừng cây bị lưỡi rìu chặt trụi, mà một số căn nhà rải rác ven đường đã trống rỗng, cái thì bị giật đổ một phần, cái thì bị đốt cháy phân nửa. Trên các mảng tường còn hằn vết đạn.
Chúng ta hiểu được Misen Xtrôgôp lo ngại như thế nào. Chắc chắn là có một đoàn quân Tactar vừa đi qua trên quãng đường này, nhưng bọn chúng không thể là binh lính của tên Êmir Fêôfar, vì chúng khó mà vượt lên trước để anh không thấy. Vậy thì những kẻ xâm lăng mới này là bọn nào và bằng con đường quanh nào trên thảo nguyên mà chúng có thể tới được con đường lớn đi Irkuxk. Người đưa thư của Nga hoàng phải đụng đầu với những kẻ thù mới nào đây?
Misen Xtrôgôp không trao đổi với Nicôla và Nađia nỗi lo ngại này, vì anh không muốn làm họ phải băn khoăn. Vả lại anh đã quyết định là cứ tiếp tục đi, chừng nào gặp trở ngại không vượt được, thì lúc bấy giờ sẽ liệu.
Ngày tiếp theo, dấu hiệu của một đội quân bộ và quân kỵ đông đảo vừa đi qua càng thêm rõ rệt. Người ta nhìn thấy cả những đám khói bốc lên phía trên trời. Chiếc kibitka thận trọng lăn bánh. Một vài căn nhà, ở các thị trấn đã sơ tán còn đang cháy, chắc là đã bị đốt trước đó không quá hai mươi bốn tiếng.
Trưa ngày 8 tháng Chín, chiếc xe dừng lại. Con ngựa giậm chân tại chỗ, thở phì phì. Chó Seckô sủa váng lên.
- Cái gì vậy? - Misen Xtrôgôp hỏi.
- Một cái xác người chết! - Nicôla đáp và nhảy xuống xe.
Đó là xác một nông dân, vết đâm chém ngang dọc đầy người và đã lạnh ngắt.
Nicôla làm dấu thánh. Rồi, được Misen giúp một tay, anh nhấc xác chết đó đặt bên lề đường. Anh muốn đào hố chôn sâu và đắp mộ tử tế cho nạn nhân, để khỏi bị giống thú ăn thịt của thảo nguyên cắn xé, nhưng Misen không để cho anh có đủ thời gian thực hiện.
- Đi thôi, anh bạn! Chúng ta đi thôi! - Anh kêu lên. Không thể chậm trễ được đâu, dù chỉ một tiếng đồng hồ.
Và chiếc kibitka lại lăn bánh.
Nếu Nicôla muốn làm đầy đủ nghĩa vụ cuối cùng với tất cả những người chết gặp trên dọc đường cái lớn Xibir, thì anh sẽ không tài nào làm xuể. Ở vùng lân cận, Nigiơni - Uđinxk phải có đến hàng hai chục xác chết như thế nằm sóng sượt trên mặt đất.
Dù sao vẫn cứ phải tiếp tục đi trên đường này cho đến lúc nào thấy rõ là không thể đi được nữa, nếu cứ liều thì chắc chắn sẽ rơi vào tay bọn xâm lược. Như vậy, lộ trình vẫn không thay đổi, dù cảnh tàn phá và đổ nát càng nhiều hơn qua mỗi thị trấn. Tên của những làng xóm này chỉ rõ đã được những người Ba Lan bị lưu đày xây dựng nên. Tất cả đã bị cướp bóc và đốt phá khủng khiếp. Máu của những nạn nhân còn chưa đông. Người ta không thể hiểu được những biến cố bi thảm này vừa mới xảy ra trong hoàn cảnh như thế nào. Không còn lấy một người sống sót để làm sáng tỏ.
Ngày hôm ấy vào khoảng bốn giờ chiều, Nicôla phát hiện thấy ở phía chân trời những gác chuông cao các nhà thờ ở Nigiơni - Uđinxk. Những đám hơi quấn quanh chúng. Rõ ràng không phải là mây.
Nicôla và Nađia nhìn kỹ và nói lại cho Misen biết. Cần phải có một quyết định! Nếu thành phố bỏ trống thì có thể đi qua yên ổn, nhưng nếu đã bị bọn Tactar chiếm đóng bằng một cuộc chuyển quân nào đó chưa thể giải thích được, thì nhất thiết phải tránh, phải đi vòng ra xa.
- Chúng ta cứ đi tới một cách thận trọng! - Misen Xtrôgôp bảo. - Nhất thiết phái đi tới!
Lại vượt thêm được một dặm nữa.
- Không phải mây, mà là khói! - Nađia kêu lên. - Anh ơi! chúng đốt cháy thành phố!
Quả thật, sự thể đã rõ ràng. Những ánh lửa kèm theo khói bốc lên giữa đám hơi. Những cuộn lửa mỗi lúc một dày đặc và bốc lên cao. Không thấy có một người nào chạy trốn. Chắc là những kẻ gây hỏa hoạn thấy thành phố bỏ trống nên chúng đã châm lửa đốt. Nhưng phải chăng đó là hành động của bọn phỉ Tactar hoặc đó lại là những người Nga thi hành lệnh của đại công tước? Chính quyền Nga hoàng phải chăng có chủ trương là bắt đầu từ Kraxnôiarxk, từ Yênitxây trở đi không còn một thành phố, một thị trấn nào có thể làm nơi đồn trú cho binh lính của tên Êmir Fêôfar? Còn Misen Xtrôgôp có lẽ phải dừng lại? Hay là cứ tiếp tục đi?
Anh phân vân lưỡng lự. Nhưng sau khi cân nhắc lợi hại các mặt, anh nghĩ: để chắc chắn hơn, anh sẽ băng qua vùng thảo nguyên hoang vu chưa có dấu chân người này. Dù có phải trải qua mệt nhọc gian khổ đến đâu, anh cũng quyết không để mình bị rơi vào tay bọn phỉ Tactar lần thứ hai. Anh vừa định trao đổi với Nicôla cho xe rời đường cái lớn và nếu thật cần thiết, chỉ trở lại bám theo nó sau khi đã vòng qua Nigiơni - Uđinxk, thì bất chợt một tiếng súng nổ vang bên phía tay phải, viên đạn rít lên trong không khí và con ngựa kéo chiếc kibitka bị trúng giữa đầu, ngã lăn xuống giãy đành đạch.
Cùng lúc, một tiểu đội kỵ binh phóng ngựa tràn lên mặt đường và chiếc xe bị bao vây. Misen Xtrôgôp, Nađia và Nicôla còn chưa kịp hiểu ra sao cả, thì đã bị tóm bắt và bị lôi đi xềnh xệch về hướng Nigiơni - Uđinxk.
Bị tấn công thật bất ngờ như vậy, nhưng Misen Xtrôgôp vẫn không mất bình tĩnh... Không nhìn thấy được kẻ thù, anh không thể nghĩ đến sự tự vệ. Nhưng nếu anh nhìn được thì trong tình thế này cũng không dám liều. Chắc chắn là cả bọn sẽ đi đến chỗ bị tàn sát. Không nhìn được, nhưng anh có thể nghe và hiểu bọn chúng nói gì.
Qua ngôn ngữ chúng trao đổi, anh biết bọn lính này đúng là phỉ Tactar và theo chúng nói, anh còn biết là chúng đi trước dẫn đầu bọn quân xâm lược.
Đây là những gì mà anh tổng hợp lại được qua những lời trao đổi của chúng ngay trước mặt anh và những đoạn trò chuyện giữa chúng mà anh bất chợt nghe được sau này:
Bọn lính này không phải dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Fêôfar hiện đang còn đóng quân phía bên kia sông Yênitxây. Chúng thuộc một đạo quân thứ ba chủ yếu gồm bọn phỉ Tactar của hai phiên bang Khôkhanđơ và Kunđudơ mà đại quân của Fêôfar sẽ phải hội cùng với chúng ở vùng ngoại ô thành phố Irkuxk.
Đó là theo lời khuyên của Ivan Ôgarep và cũng để đảm bảo thắng lợi trong cuộc xâm lăng các tỉnh miền Đông mà đạo quân này, sau khi vượt biên giới tỉnh Xêmipalatinxk và tới phía Nam hồ Bankhac, đã đi dọc theo triền núi Antai. Cướp bóc và phá phách dưới sự chỉ huy của một số sĩ quan phiên bang Kunđudơ, đạo quân này đã kéo đến vùng thượng nguồn sông Yênitxây. Ở đó, đề phòng tình trạng có thể xảy ra như ở Kraxnôiarxk theo lệnh của Nga hoàng và để tạo thuận lợi cho cuộc vượt sông của quân đội tên Êmir Fêôfar, người sĩ quan đã cho hạ thủy cả một đoàn thuyền để, hoặc dùng làm phương tiện chuyên chở, hoặc coi như vật liệu làm cầu cho phép Fêôfar có thể qua hữu ngạn và đặt chân lên con đường đi Irkuxk. Rồi cái đạo quân thứ ba đó, sau khi đi vòng dưới chân núi đã xuống tới thung lũng Yênitxây và trở lại con đường này ở điểm ngang với Anxalepxk. Do đó, từ cái thành phố nhỏ này trở đi, có sự tàn phá khủng khiếp chồng chất, đặc điểm chiến tranh của bọn phỉ Tactar. Nigiơni - Uđinxk cũng vừa chịu chung số phận và năm vạn quân Tactar vừa từ đó rời đi để chiếm lĩnh các vị trí tiền tiêu của thành phố Irkuxk. Chỉ trong một thời gian ngắn nữa quân đội của Fêôfar sẽ liên kết được với chúng.
Đó là tình hình lúc bấy giờ. Tình thế thật là nguy ngập đối với phần đất miền Đông của xứ Xibir này, với lực lượng phòng thủ ít ỏi hoàn toàn cách ly với thủ đô.
Những gì mà Misen Xtrôgôp nắm được là: Đạo quân thứ ba tiến sát đến Irkuxk và sẽ có cuộc hội quân sắp tới của đạo quân này với đại quân của Fêôfar và Ivan Ôgarep. Tất nhiên là Irkuxk sẽ bị bao vây. Việc đầu hàng chỉ còn là vấn đề thời gian và có thể là rất ngắn.
Chúng ta hiểu rõ những suy nghĩ gì đã chi phối đầu óc Misen Xtrôgôp. Nếu trong hoàn cảnh đó, anh nản chí, tuyệt vọng, thì cũng chẳng đáng ngạc nhiên chút nào. Nhưng coi như không có gì xảy ra, đôi môi anh mấp máy không ngừng: “Ta sẽ đi tới! Ta sẽ tới”.
Nửa giờ sau cuộc đột kích của bọn kỵ binh Tactar, Misen, Nicôla và Nađia bị đưa vào thành phố Nigiơni - Uđinxk. Con chó Seckô trung thành vẫn đi theo từ xa. Chắc là chúng không trú lại trong thành phố đang bốc lửa. Bọn lưu manh cuối cùng cũng sắp rời đi.
Thế là những người bị bắt bị quẳng lên lưng ngựa và bị lôi đi. Nicôla vẫn nhẫn nhục như thường khi, Nađia không hể sút giảm lòng tin vào Misen Xtrôgôp, Misen bề ngoài thản nhiên, nhưng sẵn sàng lựa thời cơ để cùng nhau trốn thoát.
Bọn phỉ Tactar không phải không nhận thấy là một người đàn ông chúng bắt bị mù cả hai mắt và tính tàn bạo dã man cố hữu đã khiến chúng đem nạn nhân bất hạnh này ra hành hạ để làm trò tiêu khiển. Chúng giục ngựa phóng nhanh. Con ngựa Misen cưỡi do anh tự điều khiển đi chệnh choạng nhiều lúc tách ra ngoài hàng gây lộn xộn trong phân đội kỵ binh. Thế là nổi lên những tiếng nguyền rủa thô tục, những đòn roi quất dã man làm cho Nađia xót xa và Nicôla phẫn nộ. Nhưng biết làm sao được bây giờ? Nađia và Nicôla đều không hiểu ngôn ngữ Tactar và dù có can thiệp họ cũng sẽ bị gạt đi một cách tàn nhẫn.
Không những thế, bọn lính này, với tính hung bạo thâm hiểm còn bắt Misen Xtrôgôp phải cưỡi một con ngựa khác của chúng cũng bị mù cả hai mắt. Đó là do tính đa nghi của một tên kỵ binh Tactar mà Misen được nghe nó nói với đồng bọn:
- Có thể là tên Nga này nhìn được!
Sự việc trên đây xảy ra cách Nigiơni - Uđinxk sáu chục dặm giữa thị trấn Tatăng và thị trấn Sibaklinxkhôê. Thế là chúng đặt Misen Xtrôgôp ngồi lên lưng con ngựa mù và đặt dây cương vào tay anh. Rồi chúng giở trò chơi khăm: quất roi, ném đá, hò la, kích thích con ngựa mù cho nó phi nước đại.
Con vật vì không được điều khiển đi đúng đường, nó cũng mù như chủ, nên lúc thì đụng vào một thân cây, lúc thì phóng ra ngoài lề đường. Do đó mà va vấp, mà hụt hẫng, mà trượt ngã vô cùng nguy hiểm.
Misen Xtrôgôp không chống lại, cũng không hề kêu ca. Khi ngựa bị ngã, anh chờ chúng đến dựng nó dậy... và cái trò chơi tàn ác đó lại tiếp tục.
Trước sự hành hạ dã man đó, Nicôla không nén được nữa. Anh muốn chạy đến cứu đỡ bạn, nhưng chúng quất roi vun vút ngăn anh lại.
Trò chơi đó chắc chắn còn kéo dài trong sự thích thú điên cuồng của bọn phỉ, nếu không có một tai nạn khủng khiếp xảy ra chấm dứt nó.
Vào một lúc trong ngày 10 tháng Chín, con ngựa mù phát cuồng lên và phi thẳng đến một cái vực sâu đến ba bốn chục bộ cạnh đường cái. Nicôla lao đến, nhưng bị chúng giữ lại. Con ngựa không được điều khiển, cùng với người cưỡi nó sa xuống vực đó.
Nađia và Nicôla la lên kinh hoàng!... Họ tin chắc là người bạn khốn khổ của họ phải tan xương nát thịt!
Khi họ nhấc anh lên thì thấy anh chỉ bị sây sát nhẹ. Thì ra Misen Xtrôgôp đã kịp tụt khỏi yên ngựa nhảy ra ngoài và bám được một gốc cây. Còn con ngựa mù thì gẫy cả hai chân và chỉ còn thoi thóp thở.
Chúng để cho con ngựa mù nằm hấp hối tại đó. Cũng chẳng thèm cho nó một phát súng cuối cùng. Còn Misen Xtrôgôp thì bị chúng buộc dòng vào cốt yên ngựa của một tên Tactar và bắt anh phải chạy bộ theo chúng.
Vẫn không một tiếng kêu ca, không một lời phản đối! Anh chạy theo ngựa phi nước kiệu, dây trói dong anh thường ít khi căng. Đúng là lúc nào anh cũng là “con người thép” như tướng Kixôp đã tâu với Nga hoàng!
Ngày hôm sau, 11 tháng Chín, phân đội Tactar qua thị trấn Sibaklinxkôe. Một chuyện xảy ra có thể mang lại hậu quả thật nghiêm trọng. Màn đêm buông xuống, bọn kỵ binh Tactar dừng lại tạm nghỉ, ít nhiều đều nhậu nhẹt say sưa. Một lát sau, chúng sửa soạn đi tiếp.
Nađia, cho tới lúc này, chưa bị một tên lính nào đụng tới như được một phép màu nào đó bảo vệ, thì giờ đây bị một tên trong bọn xúc phạm.
Misen không thể trông thấy sự xúc phạm đó, cũng như anh chẳng biết tên đã xúc phạm cô. Nhưng Nicôla đã thấy hết.
Tức thì lặng lẽ, hầu như không cần suy nghĩ và có thể cũng không ý thức được hành động của mình. Nicôla tiến thẳng đến chỗ tên lính và trước khi tên này kịp phản ứng, anh đã nắm lấy khẩu súng lục cài bên yên ngựa của nó, nhằm thẳng ngực nó bóp cò.
Tên sĩ quan chỉ huy nghe tiếng nổ, vội vàng chạy lại.
Bọn kỵ binh rút gươm sắp băm vằm Nicôla, thì tên này giơ tay làm hiệu ngăn lại. Chúng trói anh như bó giò, quẳng anh nằm ngang trên lưng một con ngựa và theo lệnh tên sĩ quan, cả bọn vội vã phóng đi. Dây thừng buộc Misen Xtrôgôp vào cốt yên ngựa, đã bị anh bí mật gặm mòn nơi gần cổ tay, đứt phựt trong đà chồm lên bất ngờ của con vật và tên cưỡi nó còn đang say khướt, bị cuốn đi trong đà lao nhanh của cả phân đội, nên không nhận thấy gì hết.
Misen Xtrôgôp và Nađia bị bỏ lại trên đường.
Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm - Jules Verne Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm