Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Dịch giả: Vũ Liêm
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19 - Một Thái Độ Của Anxiđ Jôlivê
úng là cả một binh đoàn mà Ivan Ôgarep đem tới cho tên êmir Fêôfar. Những kỵ binh và bộ binh này nằm trong thành phần đạo quân chiếm đóng Ômxk. Ivan Ôgarep bất lực trong việc tiêu diệt thành phố và binh lính đồn trú còn cố thủ, nên hắn đã quyết định bỏ qua, không muốn làm chậm trễ cuộc hành quân tiến tới chinh phục miền Đông Xibir. Hắn để lại một số quân đủ để kìm chế Ômxk. Rồi kéo bầy quân ô hợp của hắn đi, dọc đường được những quân chiến thắng Kôlyvan tăng cường, hắn đến hội quân với lực lượng của Fêôfar.
Binh lính của Ivan Ôgarep dừng lại ở các trạm tiền tiêu của trại quân. Chúng không được lệnh hạ trại. Ý đồ của thủ lĩnh chúng chắc không phải dừng lại, mà là tiến lên đánh chiếm Tômxk trong thời gian ngắn nhất. Thành phố quan trọng này tất nhiên sẽ trở thành trung tâm của cuộc hành trình quân sự này.
Cùng với binh lính của hắn, Ivan Ôgarep còn kéo theo một đoàn tù binh gốc Nga và Xibir bị bắt ở Ômxk hoặc ở Kôlyvan. Những người khốn khổ này không bị dẫn đến mảnh đất làm chỗ giam tạm đã quá chật, mà phải ở lại những trạm tiền tiêu chẳng có gì che mưa che nắng và hầu như không được ăn uống gì cả. Số phận mà Fêôfar dành cho những người bất hạnh này sẽ ra sao đây? Đem giam họ ở Tômxk hay là một cuộc tàn sát đẫm máu, theo thói quen của bọn thủ lĩnh Tactar, sẽ thanh toán họ? Đó là bí mật của tên phiên vương tính khí thất thường này.
Cái binh đoàn đến từ Ômxk và Kôlyvan kéo theo sau cả một mớ ăn xin, trộm cắp, lái buôn, bọn Bôhêmiêng thường là để tạo thành một đội quân hậu vệ cho một binh đoàn hành tiến. Tất cả bọn này kiếm sống trên những xứ sở chúng đặt chân lên và ở lại sau chúng rất ít những thứ còn có thể cướp bóc được. Vậy thì cần thiết phải tiến lên phía trước dù chỉ là để bảo đảm việc tiếp tế cho các đạo quân viễn chinh. Toàn vùng đất đai giữa hai triền sông Ichim và Ôbi, căn bản bị tàn phá, không còn một chút gì. Đó là một sa mạc do quân Tactar để lại sau lưng chúng, mà quân Nga sau này muốn vượt qua cũng không phải là không gian khổ.
Trong số những Bôhêmiêng từ các tỉnh miền Tây chạy đến, có gánh hát Digan đã theo Misen Xtrôgôp đến tận Pecmơ, Săngga ở trong số đó. Con gián điệp man rợ này, rất mực trung thành với Ivan Ôgarep, không rời chủ một bước. Người ta đã từng thấy chúng cùng nhau chuẩn bị cho những mưu mô thủ đoạn ngay trên đất Nga, khi còn ở Nigiơni - Nôpgôrôđ. Sau khi vượt rặng Uran, chúng chỉ xa nhau vài hôm. Ivan Ogarep cấp tốc đi tới Ichim, còn Săngga và cả gánh hát của chúng đi Ômxk bằng con đường phía Nam tỉnh.
Dễ hiểu là mụ này đã hỗ trợ đắc lực cho Ivan Ogarep như thế nào. Với những đứa con gái Bôhêmiêng trong đoàn, mụ đã len lỏi vào mọi chỗ, nghe ngóng và báo tất cả lại với Ivan Ôgarep. Vì vậy tên này nắm được cả những gì xảy ra sâu trong những địa phương bị chiếm đóng. Hàng trăm con mắt, hàng trăm lỗ tai phục vụ hắn. Vả lại hắn trả công rất hậu cho việc do thám mang lại nhiều hiệu quả này.
Săngga trước đây có dính líu vào một vụ việc nghiêm trọng được tên sĩ quan Nga này cứu thoát. Mụ không quên là mụ mắc nợ hắn và vì thế đã hiến dâng cho hắn cả thể xác lẫn linh hồn. Ivan Ôgarep đi vào con đường phản bội, biết sẽ khai thác được ở mụ như thế nào. Bất cứ một mệnh lệnh gì của hắn, mụ cũng đều nhắm mắt làm theo. Một bản năng khó giải thích, còn cao hơn cả sự hàm ơn, đã thúc đẩy mụ trở thành nô lệ cho tên phản bội mà mụ gắn bó từ những ngày đầu hắn bị đày đi Xibir. Là bạn tâm tình và đồng lõa, Săngga, không tổ quốc, không gia đình đã lấy làm vui sướng được đem cuộc đời du đãng của mình ra phục vụ bọn xâm lược mà Ivan Ôgarep sắp sửa tung ra trên mảnh đất Xibir. Với tính quỷ quyệt bẩm sinh cộng thêm một nghị lực mạnh mẽ và tàn bạo, mụ không bao giờ biết tha thứ hoặc thương hại. Đó là một mụ đàn bà man rợ xứng đáng để ở cùng lều với một tên Apasơ* du thủ du thực hoăc nằm cùng ổ với một tên Anđamiên* mọi rợ.
Từ khi Ivan Ôgarep tới Ômxk, thì, cùng với bầy Digan, mụ Săngga cũng đã tìm tới và từ đó không rời hắn nữa. Trường hợp hai mẹ con bà Marfa và Misen Xtrôgôp bất ngờ gặp nhau, mụ cũng có biết. Mụ biết và chia sẻ mối lo của Ivan Ôgarep về việc một người giao liên của Nga hoàng có đi qua đây. Bà Marfa Xtrôgôp bị cầm tù, thì chính mụ sẽ là người tra tấn bà, bằng tất cả sự độc ác tinh vi của một mụ đàn bà da đỏ, để moi bằng được mọi bí mật. Nhưng chưa đến lúc Ivan Ôgarep bắt bà già xứ Xibir phải nói ra. Săngga phải chờ đợi và mụ chờ, nhưng không lúc nào rời mắt khỏi người mà mụ ngầm theo dõi, rình rập từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói, quan sát cả ngày lẫn đêm, tìm cách nghe bằng được cái tiếng “con trai tôi” thốt ra từ miệng bà, nhưng cho tới lúc này, tất cả đều toi công trước thái độ lạnh như tiền không hề thay đổi của bà Marfa Xtrôgôp.
Lúc đó, sau hồi kèn đồng báo hiệu đầu tiên, tư lệnh pháo binh Tactar và viên quan giám mã của Fêôfar theo sau là đoàn tùy tùng kỵ binh Udơbêch ăn mặc sang trọng, ra tận cổng trước cửa trại quân để đón Ivan Ôgarep.
Khi tới trước mặt hắn, rất cung kính và trịnh trọng, chúng mời hắn đi theo tới lều Fêôfar.
Ivan Ôgarep, thản nhiên như thường lệ, lạnh lùng đáp lễ các viên chức cao cấp được phái đến đón hắn. Hắn ăn vận giản dị, nhưng với một tính cách huênh hoang trơ trẽn, hắn vẫn mang quân phục sĩ quan Nga.
Lúc hắn nới tay cương, vỗ ngựa vượt qua hàng rào trại quân, thì Săngga len vào giữa những kỵ binh trong đoàn tùy tùng, tới gần hắn và đứng im.
- Không có gì cả ư? - Ivan Ôgarep hỏi.
- Không có gì cả.
- Cần phải kiên nhẫn!
- Đã tới lúc ông bắt con mụ già phải mở miệng chưa?
- Gần rồi, Săngga ạ.
- Khi nào thì bắt mụ phải nói?
- Khi chúng ta tới Tômxk.
- Ngày nào tới?
- Trong vòng ba hôm nữa.
Đôi mắt to đen của Săngga nhoáng lên những tia sáng lạ lùng và mụ lặng lẽ lui bước.
Ivan Ogarep thúc vào sườn ngựa và cùng với bộ tham mưu các sĩ quan Tactar của hắn, tiến về phía lều tên êmir.
Fêôfar đang chờ tên phụ tá của y. Hội đồng gồm tên chưởng ấn khôđja và một số viên chức cao cấp đã có mặt trong lều.
Ivan Ogarep xuống ngựa, bước vào, đến trước mặt tên phiên vương.
Fêôfar quãng bốn mươi tuổi, vóc người cao lớn, da mặt tai tái, đôi mắt vẻ hung ác. Bộ râu đen xoăn xoăn từng cuộn chảy dài trên ngực. Hắn mặc binh phục: áo giáp lưới vàng và bạc, dây lưng loé sáng ánh đá quý, vỏ gươm cong như gươm Thố Nhĩ Kỳ có nạm những viên ngọc sáng chói, ủng có đinh thúc ngựa bằng vàng, mũ có ngù lông đính kim cương tỏa nghìn tia sáng. Nhìn vào kiểu trang phục như vậy, ta thấy có vẻ kệch cỡm hơn là oai nghiêm của một tên vua Tactar xa hoa và dâm dật, chúa tể đương nhiên nắm quyền sinh sát đối với tất cả các thần dân của hắn, con người có quyền lực vô biên mà do đặc huệ, được mệnh danh là êmir ở Bukhara.
Vào lúc Ivan Ôgarep xuất hiện, các chức sắc quan trọng đã an tọa trên những chiếc đệm viền vàng thì Fêôfar từ chiếc ngai to và lộng lẫy đặt trên một tấm thảm len dày xứ Bukhara kê ở cuối lều, vội vã đứng lên.
Tên êmir tiến lại gần Ivan Ôgarep, ôm hôn hắn với ý nghĩa không thể làm ai ngộ nhận. Cái hôn đó đã đưa tên phụ tá lên vai trò chủ tịch Hội đồng, tạm thời ở trên tên “khôđja.
Rồi Fêôfar nói với Ôgarep:
- Ta không có gì để hỏi ngươi cả. Hãy nói đi. Ivan! Ở đây chỉ có những đôi tai sẵn sàng nghe ngươi nói.
- Tâu chúa công. - Ivan Ôgarep đáp. - Đây là những điều tôi trình ngài hay.
Ivan Ôgarep diễn đạt bằng ngôn ngữ Tactar, nhưng với giọng điệu khoa trương khác với ngôn ngữ của các dân tộc phương Đông:
- Tâu chúa công, thời gian không dành cho những lời sáo rỗng. Những gì tôi đã làm khi cầm đầu quân đội của ngài chắc ngài đã rõ. Các tuyến sông Ichim và sông Irtys nay đã thuộc về ta, những kỵ binh Thổ có thể cho ngựa của họ tắm trong nước sông nay đã là sông Tactar. Những bộ lạc Kirghidi đã nổi dậy hưởng ứng lời kêu gọi của Fêôfar-khan, và con đường chủ yếu của Xibir đã ở trong tay ngài từ Ichim đến tận Tômxk. Vậy là ngài có thể mặc sức tiến quân về phương Đông, nơi mặt trời mọc cũng như về phương Tây, nơi mặt trời lặn.
- Nếu ta cùng đi với mặt trời thì sao? - Tên êmir hỏi sau khi nghe với nét mặt thản nhiên.
- Đi cùng với mặt trời, - Ivan Ôgarep đáp, - tức là tiến về phía châu Âu, nghĩa là nhanh chóng chinh phục các tỉnh thành Xibir từ Tôbônxk đến tận dãy Uran.
- Và nếu ta đi đón con quạ lửa đó?
- Có nghĩa là đặt dưới sự đô hộ Tactar cùng với Irkuxk là những miền đất giàu có nhất của vùng Trung Á.
- Nhưng còn đối với quân đội của “suntan”* Pêter-bua thì sao - Fêôfar nói, hắn gọi Hoàng đế nước Nga bằng cái danh hiệu kỳ quặc đó.
- Chúa công không có gì phải lo ngại cả về phía mặt trời mọc cũng như về phía mặt trời lặn. - Ivan Ôgarep đáp. - Cuộc chiến nổ ra thật bất ngờ, trước khi quân đội Nga kịp ứng cứu, thì Irkuxk hoặc Tôbônxk đã rơi vào tay chúa công rồi. Quân đội của Nga hoàng đã bị đè bẹp ở Kôlyvan, nó sẽ bị đè bẹp ở tất cả các nơi mà quân đội của Ngài giao tranh với những tên lính vô tích sự của phương Tây.
- Từ tấm lòng trung thành tận tụy với sự nghiệp Tactar, nhà người ta đã nảy ra ý kiến gì?
- Ý kiến của tôi, - Ivan Ôgarep vội vàng đáp, - là đi đón mặt trời! Là lấy cỏ của các thảo nguyên miền Đông cho ngựa Turcoman ngấu nghiến! Là chiếm lấy Irkuxk, thủ phủ miền Đông và... cùng với thành trì này là người làm con tin mà một khi ta nắm được trong tay thì đáng giá bằng cả một vùng đất rộng. Vì không bắt được chính Nga hoàng, thì nhất thiết, đại công tước, em trai hắn phải rơi vào tay chúng ta.
Đó là mục đích tối cao mà Ivan Ôgarep theo đuổi. Nghe hắn nói, ta có thể tưởng hắn là một trong những tên hậu duệ của Xtêpan Radin nổi tiếng đã tàn phá miền Nam nước Nga vào thế kỷ thứ XVIII. Bắt sống công tước và tra tấn tàn nhẫn ông ta để hả lòng căm thù! Vả lại, chiếm được Irkuxk cũng tức là đặt toàn bộ miền Đông Xibir dưới sự thống trị của Tactar.
- Ivan, ta sẽ làm theo ý kiến của ngươi! - Fêôfar nói.
- Tâu chúa công, lệnh của ngài ra sao.
- Ngay hôm nay, tổng hành dinh của chúng ta sẽ rời đến Tômxk.
Ivan Ôgarep cúi đầu và rút lui để thi hành lệnh của tên êmir. Theo sau hắn là tên housch-begui.
Giữa lúc hắn sắp nhảy lên ngựa để trở lại các trạm tiền tiêu, thì có tiếng ồn ào nổi lên cách đó không xa, ở chỗ giam tù nhân. Có hai ba phát súng nổ và có tiếng người la thét. Phải chăng có một vụ mưu toan nổi loạn hoặc đào tẩu của tù nhân đã bị trừng trị mà không cần xét xử.
Ivan Ôgarep và tên housch-begui vừa định phóng ngựa tới, thì ngay lúc đó, hai người đàn ông, có bọn lính đuổi theo đã tiến đến trước mặt chúng.
Tên housch-begui không cần biết phải trái gì cả giơ tay làm hiệu cho bọn lính đang giơ cao những lưỡi gươm sáng loáng bổ xuống đầu hai người. Ivan Ôgarep thét to lên một tiếng gì đó. Những lưỡi gươm kịp dừng lại. Hắn đã nhận ra là hai người nước ngoài, nên ra lệnh cho bọn lính dẫn đến cho hắn.
Đó là Hary Blao và Anxiđ Jôlivê.
Từ lúc Ivan Ôgarep tới trại, họ đã yêu cầu được gặp. Bọn lính không cho. Do đó mà xảy ra giằng co và có những phát súng bắn dọa. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của tên phụ tá Ôgarep thì có thể họ đã bị tên êmir đưa ra hành hình về tội “gián điệp”.
Ivan Ôgarep chăm chú quan sát một lúc những người tù hoàn toàn xa lạ này. Thực ra thì cả Blao và Jôlivê đều đã chứng kiến việc xảy ra ở trạm giao thông Ichim, nơi Misen Xtrôgôp đã bị tên Ôgarep này hạ nhục. Nhưng hắn không nhận ra được hai anh. Ngược lại cả hai anh đều nhận ra hắn. Jôlivê nói nhỏ vào tai bạn:
- Này! Hình như đại tá Ôgarep và con người hung bạo ở trạm Ichim chỉ là một!
Rồi anh ghé vào tai bạn, nói thêm:
- Trình bày việc của chúng mình đi, Blao! Anh giúp tôi với. Tên đại tá Nga này ở giữa một trại quân Tactar làm tôi ghê tởm, và dù nhờ có hắn mà đầu tôi còn ở trên cổ, đôi mắt tôi vẫn cứ muốn khinh bỉ quay đi, chứ không muốn nhìn vào mặt hắn!
Nói xong, Anxiđ Jôlivê tỏ thái độ hết sức thờ ơ một cách kiêu kỳ.
Liệu Ivan Ôgarep có hiểu thái độ người tù này tỏ ra khinh bỉ hắn không? Dù sao hắn vẫn thản nhiên.
- Các ông là ai nhỉ? - Hắn hỏi bằng tiếng Nga với giọng lạnh băng, nhưng không thô bạo như thường ngày.
- Hai ký giả Anh và Pháp, - Hary Blao đáp cộc lốc.
- Chắc các ông có đủ giấy tờ...?
- Đây là thư ủy nhiệm cho phép chúng tôi được trú tại nước Nga bên cạnh các sứ quán Anh và Pháp.
Ivan Ôgarep cầm lấy những giấy tờ Hary Blao đưa, đọc kỹ. Rồi hắn nói:
- Các ông yêu cầu được đi theo các cuộc hành quân của chúng tôi ở Xibir phải không?
- Chúng tôi yêu cầu được trả tự do! Có thế thôi. - Ký giả Anh lạnh lùng đáp.
- Các ông được tự do! - Ivan Ôgarep nói. - Và tôi sẽ chăm chú đọc những thiên ký sự của các ông trên tờ “Tin điện hàng ngày”.
- Thưa ông, - Hary Blao nói với vẻ phớt tỉnh nhất trần đời. - Sáu xu một số báo, chưa kể cước phí bưu điện!
Và anh quay lại bạn đồng nghiệp đang có vẻ hết sức tán thành câu trả lời của anh.
Ivan Ôgarep thản nhiên nhảy lên ngựa, dẫn đầu đoàn tùy tùng và biến mất trong một đám bụi mù.
- Ông Jôlivê này! Ông thấy đại tá Ivan Ôgarep, tổng tư lệnh quân Tactar thế nào? - Hary Blao hỏi.
- Tôi nghĩ là, anh bạn đồng nghiệp thân mến ạ, tên “housch - begui” đó đã có một cử chỉ đẹp, khi hắn ra lệnh chặt đầu chúng ta!
Bất cứ vì sao và bất cứ vì lý do gì đã khiến cho Ivan Ôgarep có hành động như vậy đối với hai ký giả, họ cũng đã được tự do và có thể tha hồ rong ruổi nơi chiến trường. Vì vậy họ quyết không bỏ dở cuộc. Một thứ ác cảm mà trước đây họ dành cho nhau, thì lúc này được thay thế bằng một tình bạn chân thực. Được những hoàn cảnh tự nhiên làm xích lại gần nhau, nay họ không còn nghĩ đến việc xa nhau nữa. Những chuyện tranh chấp nhỏ nhen từ nay sẽ chấm dứt vĩnh viễn. Hary Blao không sao quên được là đã chịu ơn người bạn đồng hành và đồng nghiệp như thế nào. Còn anh này thì chẳng muốn nhớ lại một chút nào chuyện đó; tóm lại sự gần gũi nhau này làm cho công việc phóng viên của họ dễ dàng hơn, có lợi cho độc giả của họ hơn.
- Và giờ đây, - Hary Blao hỏi, - chúng ta sẽ làm gì với tự do vừa giành được?
- Triệt để tận dụng! - Anxiđ Jôlivê đáp. - Chúng ta sẽ cùng lặng lẽ đi tới Tômxk xem có gì xảy ra ở đó...
- Cho đến lúc, chắc là rất gần đây thôi, tôi hy vọng thế, chúng ta có thể móc nối được với một đơn vị quân Nga nào đó, có phải thế không?
- Đúng như anh nói, Blao thân mến! Không nên để cho bị “Tactar hóa” nhiều hơn nữa! Vai trò quyết định hãy còn thuộc về những kẻ mà vũ khí làm cho trở thành văn minh, chắc chắn là những dân tộc Trung Á chỉ có thua thiệt mà thôi, và trong cuộc xâm lăng này họ tuyệt đối chẳng được lợi lộc gì đâu! Những người Nga sẽ biết cách đẩy lùi nó. Đây chỉ còn là vấn đề thời gian!
Tuy nhiên, việc Ivan Ôgarep đến trại quân Tactar, trả tự do cho Anxiđ Jôlivê và Hary Blao lại là một nguy cơ nghiêm trọng đối với Misen Xtrôgôp. Nếu do tình cờ mà người đưa thư của Nga hoàng đứng trước mặt Ivan Ôgarep, thì tên này thế nào cũng nhận ra đó là người khách đi đường mà hắn đã đối xử tàn bạo ở trạm giao thông Ichim, dù rằng Misen Xtrôgôp không phản ứng trước sự bị hạ nhục mà ở bất cứ trường hợp nào khác anh cũng không thể bỏ qua. Anh sẽ bị đặc biệt chú ý - cái đó làm cho dự định của anh khó bề thực hiện.
Đó là mặt không hay về sự hiện diện của Ivan Ôgarep. Tuy vậy cũng có hiệu quả tốt là ngay hôm đó, hắn ra lệnh nhổ trại, chuyển tổng hành danh về Tômxk.
Sự mong muốn hóng bỏng nhất của Misen Xtrôgôp đã được thực hiện. Dự định của anh, như chúng ta đã biết là đi tới Tômxk, trà trộn với những tù nhân khác, tức là không còn sợ rơi vào tay bọn thám báo lúc nhúc ở các vùng ven thành phố quan trọng này. Tuy vậy, sau khi Ivan Ôgarep tới trại, vì lo có thể bị hắn nhận thấy, anh tự hỏi có nên từ bỏ ý định ban đầu và tìm cách trốn trên đường đi hay không?
Lẽ ra thì Misen Xtrôgôp sẽ dừng lại ở quyết định cuối cùng này, nhưng khi được biết là Fêôfar và Ivan Ôgarep đã dẫn đầu khoảng vài nghìn quân kỵ đi về phía thành phố thì anh lại tự nhủ:
“Vậy thì ta hãy đợi đã, trừ trường hợp đặc biệt nào đó cho phép có thể trốn thoát được. Vô số những rủi ro ở bên này Tômxk, nhưng ở bên kia thì lại gấp bội những may mắn. Chỉ vài ba tiếng đồng hồ nữa là ta đã có thể vượt qua những đồn lính Tactar xa nhất về phía Đông. Kiên nhẫn trong vòng ba hôm nữa, cầu mong Thượng đế trợ giúp!”.
Đúng là trong suốt ba ngày, đoàn tù, dưới sự đốc thúc của một phân đội lính Tactar, đã phải lê lết qua đồng cỏ, trên quãng đường dài một trăm năm chục dặm, từ trại quân đến thành phố. Chuyến đi chẳng có gì là khó khăn đối với bọn lính của tên êmir được trang bị đầy đủ, nhưng vô cùng cực nhọc đối với đám người tù khốn khổ đã bị đuối sức vì mọi thiếu thốn. Nhiều xác chết đã rải ra trên đoạn đường Xibir này!
Hai giờ trưa ngày 12 tháng Tám, trong thời tiết nóng bỏng dưới một bầu trời không mây, tên “topschi-bashi” ra lệnh lên đường.
Anxiđ Jôlivê và Hary Blao đã mua được ngựa cưỡi đang trên đường đi Tômxk mà lô-gich của các sự kiện sẽ tập hợp ở đây những nhân vật chính của câu chuyện này.
Trong số những người tù do Ivan Ôgarep cho áp giải tới trại quân Tactar, có một bà già mà riêng vẻ lầm lì chịu đựng cũng làm cho bà khác biệt hẳn với những người đàn bà khác cùng chung số phận. Không một lời than vãn thoát ra khỏi miệng. Người ta có thể cho đó là một pho tượng hiện thân của sự cam chịu. Người phụ nữ đã có tuổi này hầu như luôn luôn bất động, bị canh gác chặt chẽ hơn bất cứ một người nào, là người mà mụ Digan Săngga không rời mắt quan sát, nhưng bà chẳng tỏ ra vẻ gì nghi ngờ và quan tâm tới điều đó. Mặc dù tuổi tác, bà cũng phải đi bộ theo đoàn tù, không có một chút gì đặc biệt khả dĩ có thể làm dịu bớt một phần nào nỗi cơ cực của một bà già yếu đuối.
Tuy vậy, sự tình cờ đã đặt bên cạnh bà một con người nhân hậu và quả cảm để hiểu và giúp đỡ bà. Trong số những phụ nữ cùng số phận không may đó, có một cô gái nổi bật vì sắc đẹp và thái độ lạnh như tiền chẳng thua kém gì thái độ của bà già xứ Xibir. Cô gái dường như tự cho mình có nhiệm vụ săn sóc bà. Không một lời nào được trao đổi giữa hai người, nhưng cô gái bao giờ cũng đến đúng lúc khi bà cần có sự giúp đỡ. Lúc đầu, bà tiếp nhận, nhưng không phải là không nghi ngờ về những sự chăm sóc thầm lặng của cô gái không quen biết này. Nhưng rồi về sau, dần dần cái nhìn rõ ràng là thẳng thắn vô tư của cô gái, sự kín đáo của cô và tình cảm thầm lặng giữa những người đồng cam cộng khổ nảy nở đã chấm dứt vẻ lạnh lùng kiêu kỳ của bà già Marfa Xtrôgôp. Vì vậy Nađia - chính là cô gái đó - đã có thể săn sóc bà mẹ như con trai bà đã săn sóc bà, nhưng nào cô có biết! Lòng nhân ái tự nhiên của Nađia đã giúp cô làm một việc có lợi cả đôi đường: trong khi cô hết lòng chăm sóc bà mẹ, thì tuổi trẻ và sắc đẹp của cô cũng được người nữ tù già nua tuổi tác này bảo vệ. Giữa đám người bất hạnh mà đau khổ làm cho họ càng thêm cám cảnh chua xót, thì nhóm hai người phụ nữ một già một trẻ trầm lặng này, một người có vẻ như người bà, người kia như cháu gái, đã làm cho tất cả mọi người đều phải kính nể.
Sau khi Nađia bị bọn thám báo bắt được trên sông Irtys, cô cũng bị giải tới Ômxk. Bị giam trong thành phố, cô chia sẻ số phận với tất cả những tù nhân khác do quân của Ivan Ôgarep bắt được, trong đó có bà Marfa Xtrôgôp.
Nếu Nađia không phải là một cô gái cương nghị thì đã suy sụp tinh thần dưới hai cú đòn cùng một lúc đã giáng xuống: Cuộc hành trình bị gián đoạn và cái chết của Misen Xtrôgôp. Hai cú đòn này làm cho cô vừa tuyệt vọng vừa sục sôi phẫn nộ. Có thể là mãi mãi cô phải xa người cha yêu quý mà bao cố gắng đã đưa cô lại gần. Và, đau đớn hơn nữa là cô phải chia ly với người bạn trai dũng cảm mà Thượng đế đã run rủi cho cô gặp trên đường đi để đưa cô tới đích. Cô đã, cùng một lúc, mất đi tất cả! Hình ảnh Misen Xtrôgôp, dưới mắt cô, bị đâm một nhát giáo vào đầu và mất hút giữa dòng sông Irtys không lúc nào rời khỏi tâm trí cô. Một con người như thế mà phải chết như vậy ư? Vậy Thượng đế dành phép màu linh diệu cho những ai, nếu con người chính trực đó - chắc chắn là đã hành động vì một mục tiêu cao cả - phải chấm dứt một cách bi thảm cuộc đời của mình? Đôi khi sự phẫn nộ vượt lên trên cả nỗi đau thương. Cảnh chịu đựng sự lăng nhục một cách thật lạ lùng của người bạn trai ở trạm giao thông Ichim lại hiện lên trong trí nhớ của cô. Hình ảnh đó, một lần nữa làm máu cô sôi sục.
“Ai sẽ báo thù cho người đã chết không còn có thể tự mình trả hận được nữa đây?” - Cô tự nhủ.
Và trong đáy lòng mình, cô gái trẻ khẩn cầu Thượng đế:
“Xin Người hãy cho phép con làm việc đó!”.
Phải chi trước khi vĩnh biệt cõi đời, Misen Xtrôgôp hé cho cô biết điều bí mật của anh và, dù là đàn bà (mà cô thì còn quá trẻ) nếu cô vẫn có thể tiếp tục hoàn thành công việc còn dang dở của anh, người Anh mà Thượng đế không muốn ban cho cô, vì Người đã sớm giằng lại khỏi tay cô rồi!
Chìm đắm miên man trong những ý nghĩ đó Nađia hầu như vô cảm với tất cả những cơ cực của sự giam cầm.
Không một chút nào ngờ tới là sự tình cờ đã đưa cô đến với bà Marfa Xtrôgôp. Làm sao cô có thể tưởng tượng được người nữ tù già đó lại là mẹ của người bạn trai mà với cô chỉ là người khách thương tốt bụng Nicôla Korpanôp? Còn về phía bà Marfa thì làm sao mà bà đoán biết được có một sợi dây ân huệ đã từng ràng buộc cô gái trẻ không quen biết này với con trai bà?
Điều đầu tiên làm cho Nađia chú ý ở bà Marfa Xtrôgôp là hình như có một cái gì giống nhau giữa hai người trong thái độ chịu đựng hoàn cảnh ngang trái của mình. Sự lạnh lùng cứng cỏi trước những nỗi khổ trong cuộc sống hàng ngày, sự coi khinh đau đớn về thể xác, sở dĩ bà Marfa có được là do bà cũng mang một nỗi đau sâu sắc về tinh thần tương tự như nỗi đau của cô. Nađia nghĩ như vậy và cô đã không lầm. Vậy thì đó là một tình cảm theo bản năng, cô muốn chia sẻ với bà những cay cực mà bà Marfa Xtrôgôp không hề biểu lộ, nhưng trước hết đã đẩy Nađia lại với bà. Thái độ chịu đựng bất hạnh của bà đã đi sâu vào tâm hồn kiêu hãnh của cô gái trẻ. Cô không đề nghị được giúp đỡ bà, nhưng hết lòng chăm sóc bà. Mà Marfa không chối từ, mà cũng chẳng tỏ ra tiếp nhận. Trên những đoạn đường khó đi, cô gái luôn đưa tay dìu đỡ bà. Vào những giờ chia thức ăn cho tù nhân, bà không hề nhúc nhích. Nađia đã cùng bà chia sẻ khẩu phần ít ỏi của mình và cứ như thế, cả hai chịu đựng cuộc hành trình vất vả đó. Nhờ có cô bạn trẻ cùng cảnh ngộ, bà Marfa theo kịp được bọn lính áp giải mà không phải bị buộc vào cốt yên ngựa như một số phụ nữ bất hạnh khác bị kéo lê trên con đường đau khổ này.
“Cầu xin thượng đế ban thưởng cho con về tất cả những gì mà con đã làm cho tuổi già của ta!”. Có một hôm bà Marfa nói với cô gái như thế, và đó là câu trao đổi duy nhất giữa hai người đàn bà bất hạnh trong suốt cả thời gian gần nhau.
Trong mấy ngày này, tưởng dài bằng bao thế kỷ, hai người tất phải đi đến chỗ kể cho nhau nghe hoàn cảnh riêng của mình - lẽ ra là như thế - nhưng bà Marfa, với sự thận trọng, cũng dễ hiểu, đã chỉ kể về mình một cách hết sức vắn tắt. Bà không hề có một lời nào đả động tới người con trai cũng như cuộc gặp gỡ tai hại giữa hai mẹ con.
Cả Nađia cũng thế, đã rất lâu, nếu không phải là im lặng hẳn, thì ít ra cô cũng không rườm lời vô ích. Thế nhưng, một hôm, cảm thấy trước mặt mình là một tâm hồn giản dị và cao cả, trái tim cô dạt dào xúc động, cô đã kể không chút giấu diếm tất cả những gì xảy ra từ lúc khởi hành ở Vladimir cho tới cái chết của Nicôla Korpanôp. Câu chuyện của cô gái về người bạn đồng hành trẻ tuổi của cô làm cho bà cụ xứ Xibir hết sức chú ý.
- Nicôla Korpanôp! - Bà nói. - Con hãy kể thêm cho mẹ nghe về cái anh chàng Nicôla đó! Mẹ chỉ biết một người, một người duy nhất trong lớp thanh niên thời nay mà đức tính như vậy không làm mẹ ngạc nhiên! Nicôla Korpanôp, có phải đúng là tên anh ta không? Con có chắc như vậy không?
- Làm sao anh ấy có thể dối con về điểm đó, - Nađia đáp, - khi mà anh ấy chẳng giấu con bất cứ điều gì!
Tuy nhiên, như bị linh tính thúc đẩy, bà Marfa hỏi cô gái hết câu nọ đến câu kia:
- Con bảo là anh ta gan dạ dũng cảm! Con cũng đã chứng minh với mẹ điều đó. Đúng không, con?
- Vâng, anh ấy thật là dũng cảm. - Nađia đáp.
“Con trai ta cũng thế đấy!” - bà Marfa tự nhủ. Rồi bà hỏi tiếp:.
- Con còn bảo rằng không gì ngăn cản được anh ta, không gì làm anh ta kinh ngạc, rằng anh ta thật là dịu hiền, dịu hiền ngay cả trong sức mạnh của anh ta phải không con? Con đã coi anh ta như một người chị, như một người anh, và anh ta đã chăm sóc con như người mẹ chăm sóc con mình vậy, đúng không?
- Vâng! Vâng! - Nađia sôi nổi. - Anh, chị, mẹ! Đúng, anh ấy là tất cả đối với con như thế đó!
- Và cũng lại là con sư tử để bảo vệ con phải không?
- Một con sư tử! Đúng như vây! - Nađia đáp. - Vâng, một con sư tử! Một người anh hùng!
“Con trai tôi! Con trai tôi!” - Bà già xứ Xibir thầm nghĩ.
- Nhưng con cũng có nói là anh ta đã chịu đựng một sự nhục mạ ghê gớm tại trạm giao thông ở Ichim phải không?
- Đúng là anh ấy đã phải chịu đựng... - Nađia cúi đầu đáp.
- Nó đã phải chịu đựng ư? - Bà Marfa miệng khẽ lẩm bẩm, đôi môi run run.
- Mẹ, mẹ ơi! - Nađia kêu lên. - Mẹ đừng buộc tội anh ấy. Có một điều gì đó bí mật, mà giờ đây chỉ có Thượng đế mới là người phán quyết.
Bà Marfa ngẩng đầu lên và nhìn Nađia như muốn soi thấu đến tâm can cô. Bà nói:
- Trong cái giờ phút nhục nhã đó, con có khinh thường cái anh chàng Nicôla Korpanôp ấy không?
- Không hiểu sao con lại thấy vô cùng thương cảm và kính phục anh ấy. - Cô gái đáp. - Chưa bao giờ con cảm thấy anh ấy xứng đáng với lòng tôn trọng của con như thế!
Bà im lặng một lát, rồi lại hỏi:
- Anh ta to lớn lực lưỡng, phải không?
- Vâng, to lớn lực lưỡng, mẹ ạ!
- Và cũng rất... đẹp trai, phải không? Nào, con nói đi!
- Vâng anh ấy... cũng rất đẹp trai, - Nađia mặt đỏ bừng đáp.
- Con trai mẹ đấy! Mẹ nói cho con hay, đó là con trai của mẹ! - Bà cụ kêu lên và ôm chặt lấy Nađia.
- Con trai của mẹ! - Nađia sửng sốt. - Con trai của mẹ!
- Nào! - Bà Marfa nói. - Con hãy nói hết đi! Người đồng hành với con, người bạn trai, người che chở cho con có một người mẹ. Có bao giờ anh ta nói với con về người mẹ của anh ta không?
- Về mẹ anh ấy ư? - Nađia đáp - Anh ấy thường nói với con về mẹ của anh cũng như con thường nói với anh về cha của con. Nghĩa là thường xuyên, luôn luôn bất cứ lúc nào. Anh nói về mẹ với thái độ vô cùng yêu kính.
- Nađia, Nađia! Con vừa kể cho mẹ nghe chuyện về chính con trai của mẹ đấy!
Và bà nói thêm, giọng buồn buồn nghiêm nghị:
- Vậy là anh ta không về thăm mẹ, khi qua Ômxk, người mẹ mà con nói là anh ta rất mực yêu quý, phải không con?
- Không, không! - Nađia đáp. - Không, anh ấy không thể và không nên về thăm mẹ.
- Không nên? - Bà Marfa kêu lên. - Con dám nói với ta là không nên ư?
- Vâng, con đã nói với mẹ như thế, nhưng xin mẹ hiểu cho là vì những lý do gì đó vượt lên tất cả, những lý do mà con không biết, nhưng con có thể hiểu là Nicôla Korpanôp phải đi qua vùng này trong sự bí mật tuyệt đối. Đối với anh ấy, đó là vấn đề sống còn và hơn nữa là một vấn đề thuộc nghĩa vụ và danh dự.
- Nghĩa vụ, đúng vậy, nghĩa vụ thật khẩn yếu. - Bà già xứ Xibir nói. - Nghĩa vụ mà vì nó người ta có thể hy sinh tất cả, nghĩa vụ mà, để hoàn thành nó, người ta phải khước từ tất cả, kể cả niềm vui được về ôm hôn mẹ già thân yêu có thể là lần cuối! Tất cả những gì mà con không biết, Nađia! Tất cả những gì mà cả mẹ nữa cũng chưa biết, thì lúc này đây đã rõ! Con đã làm cho mẹ hiểu ra tất cả. Nhưng tia sáng mà con đã soi rọi vào bóng tối sâu thẳm của lòng mẹ, thì mẹ lại không thể rọi vào trái tim con được! Nađia, bí mật của con trai mẹ, vì nó đã không nói với con, thì mẹ buộc cũng phải giữ kín cho nó! Tha lỗi cho mẹ, Nađia! Những điều tốt lành con đã làm cho mẹ, mẹ không sao có thể đền đáp được!
- Mẹ ơi! Con không đòi hỏi gì ở mẹ cả. - Nađia đáp.
Tất cả đều sáng tỏ đối với người phụ nữ già xứ Xibir. Tất cả, cả đến thái độ khó hiểu của con trai bà đối với bà trong trạm giao thông ở thành phố Ômxk dưới con mắt của bao nhiêu người chứng kiến cuộc gặp gỡ đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, người bạn trai của Nađia chính là Misen Xtrôgôp: một sứ mệnh tuyệt mật, một văn kiện khẩn cấp và quan trọng nào đó phải chuyển xuyên qua vùng giặc chiếm buộc anh phải che giấu tư cách của mình là người chạy thư của Nga hoàng.
“Ồi, con trai dũng cảm của mẹ! - Bà Marfa Xtrôgôp thầm nhủ. - Không, mẹ sẽ không bao giờ phản cha con, nhục hình tra tấn dù cho khủng khiếp đến đâu cũng không thể làm cho mẹ thú nhận rằng đúng là con mà mẹ đã nhìn thấy và đã gặp ở Ômxk!”.
Bà Marfa có thể, chỉ bằng một câu, đền đáp lại được sự tận tụy của Nađia đối với bà. Bà có thể nói cho cô biết là người bạn trai của cô, Nicôla Korpanôp hay đúng hơn là Misen Xtrôgôp không phải là đã chết dưới làn nước sông Irtys, vì sau tai nạn đó vài ba ngày, bà đã nói chuyện với anh!...
Nhưng bà kìm lại, bà lặng im và chỉ an ủi cô:
- Hãy hy vọng, con ạ! Bất hạnh không phải là lúc nào cùng nhằm giáng vào con đâu! Con sẽ gặp lại cha con, mẹ có linh cảm như vậy và có thể là chàng trai đã nhận con là em gái chưa chết đâu! Thượng đế không nỡ nào để cho người bạn trai dũng cảm của con chết như thế được!... Hãy hy vọng con ạ! Hãy hy vọng! Hãy theo gương mẹ! Cái tang mà mẹ mang đây chưa phải là tang con trai mẹ!
Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm - Jules Verne Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm