Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Dịch giả: Vũ Liêm
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18 - Một Trại Quân Tactar
ách Kôlyan một ngày đường, trước khi tới thị trấn Điasinxk khoảng vài dặm, trải ra một bình nguyên khá rộng nhấp nhô những cây lớn chủ yếu là thông và bách hương.
Cái khoảng đất này của đồng cỏ, vào mùa nóng thường là nơi cư trú của những người Xibir chăn gia súc và bầy súc vật đông đảo của họ có đầy đủ cỏ để gặm suốt mùa. Nhưng lúc này không còn bóng dáng một người nào trong số những người du mục ấy. Không phải là bình nguyên này hoang vắng, ngược lại, nó đang bày ra một cảnh náo nhiệt lạ thường.
Quả vậy, chính ở đó đã dựng lên những lều trại của quân Tactar, chính ở đó Fêôfar-khan, tên êmir hung bạo xứ Bukhara hạ trại và cũng chính ở đó ngày hôm sau, mồng 7 tháng Tám, những người tù bị bắt ở Kôlyan sẽ được giải đến sau khi cánh quân Nga nhỏ bé đã bị chúng tiêu diệt. Chỉ còn lại vài trăm quân trong số hai nghìn người bị lọt vào giữa hai đạo quân địch xuất phát từ Ômxk và Tômxk. Tình thế trở nên bất lợi, chính phủ Nga hoàng dường như bị tổn thất ở phía bên kia biên giới Uran, ít ra cũng là tạm thời, vì không chóng thì chầy quân đội Nga cũng không bỏ lỡ cơ hội đẩy lùi quân xâm lăng ô hợp này. Cuộc xâm lược đã lan tới trung tâm Xibir và qua những vùng phiến loạn, nó sẽ tràn tới các tỉnh miền Đông hoặc các tỉnh miền Tây. Irkuxk hiện nay đã bị cắt đứt mọi liên lạc với châu Âu. Nếu quân đội sông Amur và tỉnh Irkuxk không tới để kịp chiếm giữ lấy, thì cái thủ phủ của nước Nga phần châu Á này, với lực lượng hạn chế của mình sẽ rơi vào tay bọn Tactar và trước khi nó được chiếm lại thì đại công tước, em trai Nga hoàng có lẽ đã bị phó mặc cho sự trả thù man rợ của Ivan Ôgarep.
Còn Misen Xtrôgôp thì sao đây? Phải chăng cuối cùng anh đã nản chí vì đã phải chịu đựng biết bao thử thách nặng nề? Phải chăng anh đã bị đánh bại vì hàng loạt những rủi ro ngày càng tệ hại từ sau chuyện xảy ra trên sông Ichim? Phải chăng anh coi như đã bị thua cuộc, sứ mệnh không làm tròn, bất lực trong việc hoàn thành sự ủy thác?
Misen Xtrôgôp là một con người chỉ chịu bó tay khi trút hơi thở cuối cùng. Nhưng anh còn đang sống, và cũng không đến nỗi bị trọng thương, bức thư của Hoàng đế vẫn luôn trong người, tung tích anh chưa bị lộ. Tuy anh thuộc đám tù nhân bị bọn Tactar lôi đi như một con vật bẩn thỉu, nhưng càng tới gần Tômxk, thì anh cũng càng tới gần Irkuxk. Cuối cùng thì anh vẫn đi trước Ivan Ôgarep. “Ta sẽ tới”, anh tự nhủ.
Và, từ sau sự việc xảy ra ở Kôlyan, tất cả cuộc sống của anh tập trung vào một ý nghĩ duy nhất: trở lại tự do! Làm thế nào thoát khỏi được bọn lính của Fêôfar? Thời cơ đến anh sẽ liệu.
Trại quân của Fêôfar-khan trông thật ngoạn mục. Rất nhiều lều bằng da thú, bằng nỉ, hoặc bằng vải lụa lấp loáng dưới ánh mặt trời. Những núm tua cao trang trí cho thêm oai vệ những chóp lều hình nón đung đưa những lá cờ lệnh, cờ hiến binh và cờ hiệu màu sắc sặc sỡ. Những lều sang trọng nhất thuộc về những “seiđơ” và những “khôđja” là những nhân vật đứng đầu phiên bang. Một lá cờ đặc biệt được trang trí bằng một cái đuôi ngựa, cán cờ cắm vào một bó gậy sơn đỏ và trắng được buộc lại với nhau thật khéo, chỉ rõ vị trí cao của những tên thủ lĩnh Tactar. Rồi, như tới vô tận, nhấp nhô trên thảo nguyên hàng nghìn chiếc lều kiểu “Turcoman” gọi là “Karaoay” đã được chở tới trên lưng lạc đà.
Trại quân này gồm ít nhất mười lăm vạn binh lính gồm quân bộ và quân kỵ tập hợp lại dưới cái tên “ata-man”. Trong bọn chúng người ta nhận thấy trước hết có người Tatgich, chủng tộc chính ở Tân Cương, có đường nét cân đối, da trắng, dong dỏng cao, mắt và tóc đen, chiếm số đông trong quân đội Tactar mà các bang Khakhanđơ và Kunđudơ điều đến nhập ngũ ngang bằng lớp lính của bang Bukhara. Rồi cùng với những người Tatgich đó còn có các mẫu người thuộc các chủng tộc khác ở Tân Cương hoặc ở các vùng tiếp giáp. Đó là người Udơbêch, vóc nhỏ, râu hung hung, giống như bọn đã rượt theo Misen Xtrôgôp; người Kiêcghidi với khuôn mặt bẹt như người Canmưc mặc giáp lưới, kẻ thì mang giáo dài và cung tên - những loại vũ khí sản xuất ở châu Á, kẻ thì mang gươm, súng hỏa mai và “sacan” - lưỡi tầm sét nhỏ, cán ngắn, hễ dùng đến là gây tử thương. Đó là người Mông Cổ, vóc dáng trung bình, tóc đen dóc bím thả xuống lưng, mặt tròn, da bánh mật, mắt sâu và lanh lợi, râu thưa, mặc áo dài của Nam Kinh (Trung Quốc) màu xanh xọc đen, thắt lưng da có khóa bạc, dận ủng màu lòe loẹt, đội mũ bô-nê lụa viền lông thú có đính ba cái dải bay phất phơ ra phía sau. Cuối cùng còn có người Apganixtan, da nâu thẫm; người A Rập thuộc mẫu cổ xưa của chủng Xêmit (Do Thái) xinh đẹp; người Turcoman với đôi mắt xếch và như là không có mi mắt. Tất cả đều đứng dưới cờ tên êmir Fêôfar, lá cờ của bọn đốt nhà, giết người và phá phách.
Cùng với bọn binh lính tự do đó còn có một số lính nô lệ, chủ yếu là những người Ba Tư đặt dưới sự chỉ huy của những sĩ quan đồng chủng và chắc rằng chúng không phải là bọn bị đánh giá kém trong quân đội của Fêôfar-khan.
Còn phải thêm vào danh mục trên đây những người Do Thái được sử dụng như những tôi tớ, mặc áo dài, ngoài thắt một sợi thừng, đầu không được bịt khăn, mà phải đội một cái mũ bônê nhỏ bằng dạ xám; xen lẫn vào đám người đó, còn có hàng trăm “kalenđơ”, một loại tín đồ khất thực, quần áo tả tơi, khoác bên ngoài một tấm da báo. Như vậy ta sẽ có một ý niệm gần như hoàn chỉnh về sự tụ hội lớn lao của các bộ lạc khác nhau dưới cái tên chung là quân đội Tactar.
Năm vạn tên trong số đó là kỵ binh và ngựa của chúng cũng đủ loại như người vậy. Những con vật này cứ mười con lại buộc giằng với nhau bằng hai sợi thừng song song, đuôi buộc túm, ngang mông phủ tấm lưới tơ đen. Có giống ngựa “turcoman” với những cặp giò mảnh mai, thân dài, lông óng mượt, dáng thanh cao; giống ngựa Udơbêch vốn dai sức; giống “Khakhanđơ” mang trên lưng cùng với chủ còn có cả hai chiếc lều vải và một bộ đồ làm bếp; giống ngựa “Kiêcghidi” có bộ lông màu sáng được đưa tới đây từ bờ sông Emba, nơi người ta săn bắt chúng bằng thứ dây thòng lọng của người Tactar gọi là “arcane” và còn nhiều giống ngựa lai tạo khác phẩm chất kém hơn.
Súc vật chuyên chở kể có đến hàng ngàn. Đó là những lạc đà hai bướu, vóc nhỏ, nhưng rất khỏe đẹp, lông dài, bờm rậm, xõa xuống cổ. Những con vật này dễ bảo và đóng vào xe tiện hơn là con một bướu; những con “narơ”, lạc đà một bướu, bộ lông đỏ như lửa xoắn lại từng mớ; rồi những con lừa chở rất khỏe, thịt của chúng dùng làm một phần thực phẩm được bọn lính Tactar rất ưa thích.
Trên cái tổng thể người và vật đó, trên sự hội tụ mênh mông của các lều trại đó, những khóm thông và bách hương tỏa bóng mát rượi, lỗ chỗ đó đây những vệt nắng do mặt trời rọi xuống. Không có gì ngoạn mục hơn cái khung cảnh đó. Để miêu tả được chân thực, những họa sĩ tài ba sẽ phải dốc cạn tất cả các loại màu trên bảng pha màu của mình.
Khi những người tù bắt được ở Kôlyvan bị giải tới các lều của Fêôfar và các chức sắc cao cấp của khanat thì trống, kèn nổi lên dồn dập. Cùng với những tiếng ầm ĩ váng óc đó là những loạt súng inh tai và tiếng nổ trầm hơn của các loạt đại bác cỡ bốn và cỡ sáu của pháo binh Tactar.
Sự sắp đặt chỗ ở của Fêôfar hoàn toàn có tính chất quân sự. Cái mà người ta có thể gọi là ngôi nhà dân sự nghĩa là hậu cung của hắn và đồng minh gồm các vợ và người hầu thì để cả ở Tômxk hiện đã nằm trong tay quân Tactar.
Tômxk sẽ thành nơi đóng đô tạm của tên êmir Fêôfar cho đến khi nào y chiếm được thủ phủ miền Đông Xibir.
Lều của Fêôfar dựng cao hơn các lều xung quanh. Những tấm vải tơ bóng và rộng phủ bên ngoài, dây buộc diềm vàng, chóp lều cắm những chùm lông dày mà gió thổi làm cho phe phẩy như những chiếc quạt, lều này chiếm khoảng giữa rừng thưa rộng lớn khép lại bằng một hàng cây phong và thông to đẹp. Trước lều, trên một chiếc bàn sơn và khảm ngọc, tập Thánh Kinh Coran mở rộng, các trang sách là những tờ vàng dát mỏng có chữ khắc li ti. Phía trên phần phật bay lá cờ Tactar vẽ nhằng nhịt những huy hiệu của tên phiên vương.
Xung quanh khu rừng thưa, những lều của các quan chức cao cấp bang Bukhara dựng lên theo hình vòng cung. Ở đó, có tên quan giám mã được quyền cưỡi ngựa đi theo Fêôfar tới tận sân dinh của hắn; có tên quan phụ trách chim săn; có tên “houschbegui” giữ quốc ấn; có tên “topschibaschi” tư lệnh pháo binh; có tên “khodja” chủ tịch hội đồng được quyền tiếp nhận cái hôn của phiên vương và có thể đến trình diện trước ngài với thắt lưng để trễ; có tên “sevheikh - oul-islam”, quan coi về luật pháp và thần - học đại diện cho giới thầy tu; có tên “casiaxkep” có thể thay Fêôfar khi tên này vắng mặt để xét xử tất cả những tranh chấp trong nội bộ đám quân nhân; cuối cùng là tên quan chiêm tinh mà công việc chính là quan sát các vì sao, mỗi khi tên phiên vương muốn di chuyển.
Khi tù nhân được áp giải tới trại, thì Fêôfar còn ở trong lều của hắn. Hắn không ló mặt, thật cũng may. Vì chỉ một cử chỉ, một lời nói của hắn cũng đủ là một dấu hiệu hình phạt đẫm máu. Nhưng hắn tự giấu mình riêng biệt một nơi. Đó là một phần cấu thành vẻ uy nghi đường bệ của các vua chúa phương Đông. Người ta thần phục những người không xuất đầu lộ diện và ít nhất người ta cũng e sợ những kẻ như vậy.
Còn những người tù, họ bị dồn vào một khu đất có rào bao quanh, phơi sương, phơi nắng, với một suất ăn chết đói, chờ đợi sự phán xét tùy tiện của tên êmir.
Trong bọn họ, người ngoan ngoãn nhất và cũng là người kiên nhẫn chịu đựng nhất chính là Misen Xtrôgôp. Anh để yên cho chúng lùa đi vì chúng đưa anh trong điều kiện an toàn tới chỗ anh muốn tới, mà nếu còn tự do thì anh không thể nào đặt chân trên con đường từ Kôlyan đến Tômxk này được. Tìm cách trốn trước khi đến thành phố Tômxk tức là tự dấn mình vào chỗ lại rơi vào tay bọn thám báo đang sục sạo khắp đồng cỏ. Tuyến cực Đông mà quân Tactar chiếm đóng chưa vượt quá kinh tuyến tám mươi hai, đi qua Tômxk. Vậy thì vượt qua kinh độ này, Misen Xtrôgôp tính toán là anh sẽ thoát ra ngoài khu vực quân thù, có thể qua sông Yênitxây an toàn và tới được Kraxnôiaxk trước khi quân của Fêôfar tràn đến tỉnh này.
“Một khi tới được Tômxk, - anh tự nhủ để cố nén những ý muốn manh động mà đôi lúc anh dường như không làm chủ được, - chỉ dăm ba phút là ta lọt qua các trạm tiền tiêu, như vậy là vượt được mười hai tiếng đồng hồ trước Fêôfar, mười hai tiếng đồng hồ trước Ôgarep, đủ cho ta tới Irkuxk trước bọn chúng!”.
Cái mà Misen Xtrôgôp lo sợ hơn hết chính là sự có mặt của Ôgarep trong trại quân Tactar. Ngoại trừ nguy cơ bị nhận mặt, anh cảm thấy, bằng linh tính, là chính vì tên phản bội này mà anh cần phải vượt lên trước. Anh cũng biết rằng cuộc hội quân giữa lực lượng của Ôgarep và lực lượng của Fêôfar sẽ làm cho quân số của cả đạo quân xâm lăng tăng lên đầy đủ hơn và, sau khi chỉnh đốn đội ngũ, đạo quân này sẽ ồ ạt tiến vào thủ phủ miền Đông Xibir. Vì vậy tất cả sự lo ngại của anh đều từ phía này tới và từng lúc anh chú ý nghe xem có hồi kèn nào báo hiệu là viên phụ tá của tên êmir Fêôfar tới không?
Cùng với những suy nghĩ trên đây, anh nhớ tới mẹ, tới Nađia. Người thì bị bắt giữ ở Ômxk, người thì bị cướp đưa lên thuyền trên sông Irtys và chắc chắn là cũng bị giam giữ như bà Marfa. Anh không thể làm gì được cho họ! Liệu anh còn có bao giờ thấy lại được họ không? Về vấn đề này, anh không dám phân giải, tim anh thắt lại, nhói đau ghê gớm.
Cùng một lúc với Misen Xtrôgôp và bao nhiêu tù nhân khác, Hary Blao và Anxiđ Jôlivê cũng bị giải tới trại quân Tactar. Người bạn đường cũ của họ cùng bị bắt trong trạm bưu điện, biết rõ là họ cũng bị dồn vào mảnh đất có rào vây này như mình, có rất nhiều lính canh gác, nhưng anh không tìm cách đến với họ. Không quan trọng mấy đối với anh trong lúc này là họ có thể nghĩ về anh như thế nào từ sau sự việc xảy ra ở trạm giao thông Ichim. Vả lại anh muốn chỉ có một mình thôi để tiện hành động khi có thời cơ. Vì vậy, anh tránh gặp mặt họ.
Từ lúc người bạn đồng nghiệp bị thương ngã xuống cạnh mình, Anxiđ Jôlivê ra sức chăm sóc bạn. Trên quãng đường từ Kôlyvan đến trại quân Tactar, tức là phải qua nhiều giờ đi bộ, Hary Blao tựa vào cánh tay của Anxiđ Jôlivê, nên có thể đi theo đoàn tù. Với tư cách là thần dân Vương quốc Anh, trước hết Hary Blao muốn phát huy ảnh hưởng của nó, nhưng cái tư cách này cũng chẳng giúp ích gì cho anh, vì đối với bọn man rợ, chúng chỉ trả lời bằng giáo, bằng gươm. Thế là phóng viên tờ “Tin điện hàng ngày” đành chịu chung số phận với mọi người; dù sao sau này cũng phải kháng nghị để có được sự giải thích đầy đủ về cung cách đối xử như vậy. Nhưng qua được quãng đường này đối với anh không phải là không gian khổ, vì vết thương làm anh đau đớn và nếu không có sự tương trợ hết lòng của Anxiđ Jôlivê, có thể anh không đi tới trại được.
Anxiđ Jôlivê không lúc nào từ bỏ cái triết lý thực dụng của mình, đã chăm sóc người bạn đồng nghiệp về vật chất cũng như tinh thần bằng mọi cách có thể. Cuối cùng, thấy bị nhốt trong hàng rào, việc đầu tiên là anh thăm lại vết thương của bạn. Rất khéo léo anh cởi được áo của Hary Blao ra và thấy vai bạn chỉ bị sướt qua vì một mảnh đạn đại liên.
- Không sao cả, - anh nói. - Chỉ là một vết trầy da! Sau hai hoặc ba lần thay băng thì sẽ hết thôi, bạn đồng nghiệp thân mến ạ!
- Nhưng... những lần thay băng đó?...
- Thì tự tôi sẽ làm cho bạn!
- Vậy ông cũng có “một chút thầy thuốc” sao?
- Tất cả những người Pháp đều có “một chút thầy thuốc trong người”.
Và sau lời khẳng định đó, Anxiđ Jôlivê xé khăn tay của mình, lấy một mảnh làm băng buộc, mảnh kia thay bông thấm, múc nước trong một cái giếng ở giữa nơi bị nhốt rửa vết thương - rất may là không nặng lắm - đặt rất khéo những mảnh vải ướt lên chỗ bị thương ở vai Hary Blao.
- Tôi điều trị cho bạn bằng nước lã, - anh nói. - Chất lỏng này hãy còn là thứ thuốc giảm đau công hiệu nhất mà chúng ta biết để điều trị những vết thương và còn thông dụng nhất hiện nay. Các thầy thuốc đã để ra tới sáu ngàn năm để khám phá ra điều đó! Đúng thế! Sáu ngàn năm bằng những con số tròn trĩnh!
- Ông Jôlivê, tôi rất cảm ơn ông, - Hary Blao đáp và ngả người trên lớp lá khô mà bạn anh đã rải ra cho anh nằm dưới bóng mát một cây phong.
- Chà, có gì đâu! Ông cũng sẽ làm như thế, ở địa vị tôi.
- Tôi cũng chẳng biết nữa... - Hary Blao ngây thơ nói.
- Thôi đi ông, đừng đóng kịch làm gì! Tất cả những người Anh đều có tấm lòng hào hiệp!
- Chắc chắn là thế, nhưng còn những người Pháp...?
- À, những người Pháp cũng đều tốt, họ còn khờ khạo nữa, nếu anh nghĩ vậy cũng được! Nhưng có cái bù lại: họ là người Pháp! Thôi, chúng ta chẳng nói làm gì tới những chuyện đó và, nếu anh nghe tôi thì cũng chẳng nên nói gì nữa hết. Anh rất cần được nghỉ ngơi!
Nhưng Hary Blao không muốn im lặng chút nào. Nếu những người bị thương khôn ngoan cần phải nghĩ đến nghỉ ngơi thì ký giả tờ “Tin điện hàng ngày” lại không phải là một con người quá chăm chú đến sức khỏe của mình.
- Ông Jôlivê! - anh ta hỏi. - Ông có tin là những bức điện cuối cùng của chúng ta có thể vượt quá biên giới Nga không?
- Sao lại không? - Anxiđ Jôlivê đáp. - Trong giờ phút này, tôi bảo đảm với ông là cô em họ vui tính của tôi đã biết sự kiện xảy ra ở Kôlyvan như thế nào.
- Cô em họ của ông sẽ cho ấn hành những bức điện tín đó ra bao nhiêu bản? - Lần đầu tiên Hary Blao đặt thẳng câu hỏi đó với người bạn đồng nghiệp.
- À, - Anxiđ Jôlivê cười đáp. - Cô ấy là một người rất kín đáo, cô ta không thích mọi người nói đến mình và sẽ rất ân hận nếu làm mất giấc ngủ mà ông đang rất cần.
- Tôi không muốn ngủ mà, - ký giả người Anh nói. - Không biết cô em họ của ông nghĩ như thế nào về các chuyện bê bối đang xảy ra tại Nga?
- Hình như bất lợi trong lúc này. Nhưng, chà! Chính quyền Matxcơva hùng mạnh chắc hẳn không lo ngại gì lắm về cuộc xâm lăng của những quân man rợ và Xibir không thể để bị mất được.
- Tham vọng lớn đã từng làm tiêu vong các đế quốc lớn! - Hary Blao nói. Đối với những ý đồ của Nga về miền Trung Á, anh ta không khỏi có một chút đố kỵ nào đó rất “Ănglê”.
- Ồ! Chúng ta không nên nói chuyện chính trị! Ở khoa điều trị người ta cấm đấy! Không có gì đáng ngại hơn là các vết thương ở vai!... Ít ra là chỉ cốt để làm cho ông ngủ.
- Vậy thì hãy bàn đến việc chúng ta còn phải làm gì đây, - Hary Blao nói. - Ông Jôlivê này! Tôi không có ý muốn làm tù binh của bọn Tactar này đâu.
- Tôi cũng vậy đấy.
- Khi có thời cơ thì chúng ta sẽ trốn ngay chứ?
- Trốn ngay, nếu không có cách nào khác để giành lại tự do.
- Ông có biết cách nào khác không? - Hary Blao nhìn bạn hỏi.
- Biết chứ! Chúng ta không phải là những người tham chiến. Là trung lập, chúng ta đòi phải được tự do!
- Với cái tên súc sinh Fêôfar đó ư?
- Không! Nó chẳng hiểu gì đâu, nhưng với tên phụ tá của nó là Ivan Ôgarep.
- Ôgarep là một tên vô lại!
- Đúng thế, nhưng tên vô lại đó lại là người Nga. Nó biết không được đùa giỡn với nhân quyền và nó cũng chẳng có lợi lộc gì mà bắt giữ chúng ta, ngược lại nữa kia. Tuy nhiên, phải xin xỏ gì ở cái tên mặt dày này đối với tôi cũng thấy không khoái lắm.
- Nhưng nó có ở trại này đâu, hay có thể là tôi không trông thấy hắn chăng, - Hary Blao nhận xét.
- Hắn sẽ tới. Không trệch đi đâu được. Thể nào hắn cũng phải đến gặp tên êmir Fêôfar. Xibir hiện giờ đã bị cắt đôi và chắc chắn Fêôfar chỉ chờ hắn đến để tiến quân vào Irkuxk.
- Khi đã được tự do rồi, thì chúng ta sẽ làm gì?
- Tiếp tục hành quân theo bọn Tactar cho tới lúc tình hình diễn biến cho phép ta nhảy sang trận tuyến đối phương. Chúng ta không nên bỏ cuộc! Trời đất! Chúng ta mới chỉ bắt đầu thôi mà! Anh bạn đồng nghiệp! Anh có cái may mắn là đã bị thương vì phục vụ cho tờ “Tin điện hàng ngày”. Còn tôi, tôi chưa được một tí gì trong quá trình phục vụ cô em họ của tôi cả. Nào, nào, tốt! - Anxiđ Jôlivê lẩm bẩm. - Thế là ngủ rồi đấy! Một vài tiếng đồng hồ ngủ say và một vài lần thay băng thấm nước lã nữa là đủ để dựng đứng dậy một con người Anh, những con người này đúng là được làm bằng thép!
Và, trong khi Hary Blao ngủ, Anxiđ Jôlivê ngồi bên cạnh, rút sổ tay ra ghi chép lia lịa, quyết định là sẽ chia sẻ với bạn đồng nghiệp những tin tức chắc là sẽ làm cho độc giả tờ “Tin điện hàng ngày” thực sự hài lòng. Những việc xảy ra đã kéo họ lại gần nhau. Họ không còn ganh ghét, đố kỵ nhau nữa.
Như thế đó, điều mà Misen Xtrôgôp lo sợ trên hết lại là điều hết sức mong muốn của hai ký giả. Dĩ nhiên sự có mặt của Ivan Ôgarep trong trại quân Tactar chắc chắn là có tác dụng tốt đối với họ, vì danh nghĩa nhà báo Pháp và nhà báo Anh một khi đã được nhìn nhận, thì không có gì đúng hơn là họ sẽ phải được trả lại tự do. Người phụ tá của tên êmir sẽ biết cách làm cho Fêôfar hiểu ra lẽ phải, tuy tên này không khỏi coi các nhà báo như những tên gián điệp.
Như vậy là lợi ích của Anxiđ Jôlivê và Hary Blao hoàn toàn ngược lại với lợi ích của Misen Xtrôgôp. Misen Xtrôgôp hiểu rất rõ tình thế này và đó lại là thêm một lý do nữa cộng với những lý do khác mà anh thấy cần tránh tất cả mọi cuộc gặp gỡ với những người bạn đường cũ này. Vì vậy anh hết sức chú ý đề phòng để các ký giả không nhìn thấy anh.
Bốn ngày trôi qua, tình hình không có gì thay đổi. Các tù nhân đều không nghe thấy nói gì đến việc quân Tactar nhổ trại. Họ bị canh giữ rất nghiêm ngặt. Họ không tài nào có thể lọt ra khỏi vòng vây của bọn quân bộ và quân kỵ canh gác suốt ngày đêm. Khẩu phần ăn uống được chia hết sức thiếu thốn. Hai lần trong một ngày, chúng ném cho họ một đoạn ruột dê nướng hoặc một vài mẩu pho-mát gọi là “kroute” làm bằng sữa cừu chua dúng vào sữa ngựa, đó là món ăn Kirghidi thông dụng mang tên “koumyss”. Và, tất cả chỉ có thế. Phải nói thêm là thời tiết trở nên rất xấu. Hiện tượng nhiễu loạn khí quyển mang lại giông bão kèm theo mưa lớn. Những người tù khốn khổ không nơi trú ẩn, đành chịu đựng mưa gió độc địa, không hề có gì làm dịu bớt nỗi khổ ải của họ. Một số bị thương, một số phụ nữ và trẻ em chết. Chính tù nhân phải đem những người chết đi chôn. Bọn lính gác thậm chí còn không muốn cho họ đắp cao nấm mộ lên nữa.
Trong thử thách gay go đó, Anxiđ Jôlivê và Misen Xtrôgôp xông xáo khắp nơi, tận tụy giúp đỡ mọi người. Đỡ bị hành hạ hơn nhiều người khác, chắc khỏe, cường tráng, họ chịu đựng được tốt hơn. Bằng những lời an ủi động viên, bằng sự chăm sóc tận tình họ đã nâng đỡ tinh thần những người đau đớn, tuyệt vọng.
Tình trạng này còn kéo dài bao lâu nữa? Fêôfar thỏa mãn với những thắng lợi bước đầu, phải chăng là hắn còn muốn chờ đợi một thời gian nào đó trước khi tiến vào Irkuxk? Người ta có thể lo ngại như thế, nhưng việc đó cũng chẳng có gì đáng bận tâm.
Điều mà Anxiđ Jôlivê và Hary Blao hết lòng mong mỏi, mà Misen Xtrôgôp hết sức lo ngại đã xảy ra vào buổi sáng ngày 12 tháng Tám.
Ngày hôm đó, kèn thổi, trống đánh, súng nổ vang trời. Một đám mây bụi khổng lồ bốc lên mù mịt trên đường đi Kôlyvan.
Ivan Ôgarep với hàng ngàn người theo sau tiến vào trại quân Tactar.
Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm - Jules Verne Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm