Biển lặng không làm nên những thủy thủ tài giỏi.

Tục ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Dịch giả: Vũ Liêm
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 - Ngày Và Đêm Trên Tarantax
ôm sau, 19 tháng Bảy, tàu Capcadơ cặp bến Pecmơ, nơi dừng cuối cùng của nó trên sông Kama. Pecmơ là thủ phủ của tỉnh cùng tên, một trong những tỉnh rộng nhất của đế quốc Nga. Qua khỏi dãy núi Uran, nó còn lấn sang địa phận Xibir. Chính Pecmơ là nơi mà lữ khách từ Âu qua Á mua xe ngựa vào mùa hè, xe trượt tuyết vào mùa đông trước khi băng qua các thảo nguyên ròng rã trong nhiều tháng.
Misen Xtrôgôp đã hoạch định sẵn chương trình của chuyến đi, chỉ còn vấn đề thực hiện nữa thôi.
Hồi đó bưu cục có xe thư vượt qua rặng núi Uran khá nhanh, nhưng trong hoàn cảnh như mọi người đã biết, tổ chức này đã bị đảo lộn. Dù tình hình không như thế đi nữa, thì Misen Xtrôgôp cũng không đi bằng xe thư, nếu anh muốn đi nhanh mà không phụ thuộc vào ai cả. Thật là có lý, khi anh muốn mua một chiếc xe để chạy từ trạm này đến trạm kia và trả công thêm cho những người đánh xe - địa phương gọi là “iemsik” - bằng những khoản tiền “na vôđku’’* để động viên họ cho xe chạy nhanh hơn.
Chẳng may, sau khi áp dụng biện pháp trục xuất những người ngoại quốc gốc châu Á, một số lớn lữ khách đã phải rời Pecmơ, do đó những phương tiện vận chuyển trở nên cực hiếm. Misen Xtrôgôp có lẽ đành phải bằng lòng với những loại xe cũ kỹ đã loại bỏ của những người khác. Còn về ngựa kéo, khi còn chưa đặt chân lên đất Xibir thì anh có thể xuất trình tờ pôđaroshna của mình ra mà không có gì nguy hiểm. Những viên trưởng trạm sẽ ưu tiên cấp ngựa cho anh. Nhưng rồi một khi đã ra khỏi địa phận nước Nga phần châu Âu, anh chỉ còn có thể trông chờ vào sức mạnh của những đồng rúp.
Nhưng, thắng ngựa vào loại xe nào đây? Têlêga hay tarantax?
Têlêga thực chất là một cái xe chở hàng mui trần, có bốn bánh gỗ. Bánh xe, trục xe, chốt xe, thùng xe, càng xe… cây cối xung quanh cung cấp cho tất cả và các bộ phận trên chỉ việc ráp lại cho khớp với nhau bằng những sợi dây thừng to và thô. Không gì cổ lỗ hơn, không gì kém tiện nghi hơn, nhưng cũng không gì dễ dàng sửa chữa hơn, nếu có một sự trục trặc nào đó xảy ra trên đường đi. Dọc biên giới Nga không thiếu gì những cây tùng… Trục xe thì mọc tự nhiên nhan nhản trong rừng. Chính bằng têlêga mà người ta tiến hành những chuyến bưu vụ bất thường được gọi là “pêrêklađnôi”, vì đối với loại xe này, bất cứ loại đường nào cũng chạy được tốt cả. Đôi khi những sợi dây thừng ráp nối xe bị đứt vì thân sau của xe bị sa xuống một cái hố nào đó, thì phần thân trước vẫn về được tới trạm bằng hai bánh!
Đáng lẽ Misen Xtrôgôp bắt buộc phải dùng một chiếc têlêga, nếu anh không gặp may tìm ra được một cỗ tarantax. Chẳng phải vì loại xe này là loại hiện đại nhất trong ngành kỹ nghệ đóng xe, mà vì cũng như têlêga, nó không có lò-xo và nó cũng được đóng bằng gỗ, nhưng bốn bánh của nó cách nhau từ đầu trục này đến đầu trục kia khoảng tám, chín bộ* đủ đảm bảo cho nó một thế thăng bằng trên những quãng đường xóc và thường rất gập ghềnh. Một chắn bùn che cho khách khỏi bị bùn đất trên đường bắn lên; một mui xe vững chắc bằng da có thể hạ xuống và khép chặt lại để những người ngồi trong xe đỡ khó chịu phần nào dưới những tia nắng gắt và trước những ngọn gió lốc dữ dội về mùa hè. Hơn nữa xe tarantax cũng vững chắc và dễ sửa chữa như têlêga, mặt khác ít khi xảy ra tình trạng phần thân sau xe bị bỏ lại dọc đường khi gặp tai nạn.
Misen Xtrôgôp đã tìm ra được chiếc tarantax này với rất nhiều công phu và chắc là không ai còn tìm được trong tất cả thành phố Pecmơ này một chiếc thứ hai. Mặc dù vậy, khi mua anh cũng mặc cả thật ráo riết - bề ngoài phải vậy - để giữ đúng vai anh đang đóng là Nicôla Korpanôp, một thương gia bình thường ở Irkuxk. Nađia cũng theo anh đôn đáo đi tìm xe. Dù mục đích có khác nhau, nhưng cả hai đều nóng lòng muốn tới nhanh, do đó phải mau chóng lên đường. Có thể nói là cả hai đều bị thúc đẩy bởi một ý chí thống nhất.
- Em ạ, - Misen Xtrôgôp nói, - đáng lẽ anh muốn tìm cho em một cái xe tiện nghi hơn kia.
- Anh mà còn nói với em thế ư? Em gái của anh, nếu cần, có thể đi bộ tới chỗ cha.
- Anh không chút nghi ngờ gì về sự dũng cảm của em. Nhưng Nađia ạ! Có những mệt nhọc, gian khổ về thể chất mà một phụ nữ khó có thể chịu đựng nổi.
- Dù gian khổ đến đâu em cũng sẽ chịu đựng được, - cô gái đáp. - Nếu anh nghe thấy một lời than vãn nào thốt ra từ miệng em, thì anh sẽ bỏ em lại dọc đường và anh cứ đi một mình.
Nửa giờ sau, giấy thông hành “pôđarôsha” được xuất trình, ba con ngựa trạm thắng vào xe, những con ngựa mình đầy lông dài trông như những con gấu chân cao. Chúng nhỏ bé, nhưng khỏe và rất dai sức, vì vốn là giống ngựa Xibir. Người xà ích đã thắng chúng vào xe như thế này: con lớn nhất đặt vào giữa hai càng xe mà ở đầu mút phía trước mang một cái vòng cung gọi là “đuga” có buộc những chùm lông trang trí và những chiếc lục lạc; hai con ngựa kia chỉ đơn giản buộc bằng thừng vào bậc lên xuống của xe. Ngoài ra không có yên cương gì cả. Để điều khiển, chỉ có một sợi dây bình thường.
Cả Misen Xtrôgôp và cô gái Livôni đều không có hành lý mang theo. Điều kiện phải lên đường cấp tốc của người này và vật chất quá eo hẹp của người kia đã không cho phép họ lướng vướng nhiều về hành trang. Trong trường hợp này thật là may mắn vì chiếc xe chỉ chở được hoặc là người hoặc là hành lý. Xe chỉ có hai chỗ ngồi không kể người đánh xe của trạm phải ngồi trên một cái ghế nhỏ hẹp ở phía trước, nên khó mà giữ được thăng bằng nếu không quen điều khiển lũ ngựa.
Cứ đến mỗi trạm lại đổi xà ích. Chặng đầu tiên này, người đánh xe là dân Xibir, cũng như những chú ngựa, nên cũng chẳng kém lông lá so với những con vật này. Tóc anh ta bù xù và dài xuống đến vai, xén ngắn trước trán, vành mũ uốn cong, thắt lưng màu đỏ, áo ca-pôt vạt chéo nhau, cài bằng những cúc áo có dập chữ số và khắc huy hiệu nhà vua.
Người đánh xe mang ngựa tới, đầu tiên là đưa mắt nhìn soi mói vào những người chủ của chiếc tarantax. Không thấy có hành lý! Quái nhỉ họ nhét hành lý vào đâu? Có vẻ chẳng giàu có gì! Y bĩu môi một cách đầy ý nghĩa.
- Những chú quạ! - Y nói mà chẳng cần biết người ta có nghe được hay không. - Những chú quạ với sáu kôpêch một dặm đường!
- Không phải quạ đâu! Mà là phượng hoàng! - Misen Xtrôgôp nói, anh hoàn toàn hiểu tiếng lóng của những người đánh xe. - Những con phượng hoàng nghe chưa, với chín kôpêch một dặm, không kể tiền thưởng thêm!
Tiếng roi quất đen đét vào không khí vui vẻ đáp lại. “Quạ” trong ngôn ngữ của những xà ích Nga có nghĩa là những hành khách nghèo, keo kiệt chỉ trả tiền thuê ngựa với giá hai hoặc ba kôpêch một dặm đường. “Phượng hoàng” là loại hành khách sẵn sàng chịu trả giá cao, không kể tiền thưởng thêm hậu hĩ. Bởi vậy quạ bình dân không có tham vọng bay nhanh được bằng phượng hoàng vương giả.
Nađia và Misen Xtrôgôp lên ngay xe tarantax. Một vài món thức ăn không lấy gì làm cồng kềnh được dự trữ trong hòm xe, đề phòng trường hợp đến các nhà trạm bị chậm trễ. Những trạm này, với sự bảo trợ của Nhà nước, được tổ chức rất chu đáo.
Mui xe được hạ xuống vì trời nóng không sao chịu nổi, và đến trưa, chiếc tarantax với ba ngựa kéo, rời Pecmơ giữa đám cát bụi mù trời.
Cách điều khiển bầy ngựa kéo của người đánh xe hẳn phải làm cho bất cứ hành khách nào cũng phải chú ý, vì không một người Nga hoặc người Xibir nào quen với cách điều khiển như vậy. Quả thế thật: con ngựa giữa hai càng xe là con điều chỉnh tốc độ. Nó lớn hơn hai con kia một chút và dù đường dốc đến đâu cũng tuyệt nhiên không thay đổi nước kiệu với nước rất dài, nhưng cũng rất nhanh của nó. Còn hai con kia hình như không biết kiểu chạy nào khác, ngoài kiểu phi nước đại. Chúng vùng vẫy, giãy giụa làm đủ trò rất nhộn.
Người xà ích không đánh đập chúng. Cùng lắm là anh ta giơ roi quật đen đét vào không khí để kích thích mà thôi. Trong khi đó, biết bao từ tốt đẹp anh ta tuôn ra, khi chúng chứng tỏ là những con vật dễ bảo và cần mẫn. Anh ta còn phong cho chúng một cách kỳ dị danh hiệu của các vị thánh nữa! Sợi dây điều khiển hầu như chẳng có tác dụng gì đối với lũ vật gần như phát cuồng này. Song những tiếng hô “napravô” (bên phải), “nalêvô” (bên trái) phát ra từ cuống họng anh ta có tác dụng hơn cả mọi loại cương lớn, cương nhỏ. Và biết bao tiếng gọi âu yếm tùy theo từng lúc!
“Đi nào, những con bồ câu của tôi!”, “Đi nào, những con chim én xinh xắn của tôi!”, “Hãy bay lên, những chú chim cu nhỏ của tôi!”, “Mạnh dạn lên, này người em họ bên trái!”, “Vươn tới nữa đi, hỡi chú em nhỏ bên phải!”.
Nhưng khi tốc độ chậm lại, thì cũng không biết cơ man nào là những từ ngữ chửi rủa, nhục mạ được tuôn ra mà những con vật thông minh này hình như cũng hiểu được giá trị của từng cấp độ.
“Đi đi chứ, cái giống ốc sên bẩn thỉu này!”, “Liệu xác mày đấy, sên ạ!”, “Tao sẽ lột da cái con rùa khốn kiếp này và mày sẽ bị đày đọa suốt đời ở thế giới bên kia!” v.v…
Cách điều khiển này đòi hỏi sự rắn rỏi của cuống họng hơn là sức mạnh của cơ bắp, nhưng dù sao cũng khiến cho chiếc tarantax như bay trên đường và ngốn từ mười hai đến mười bốn dặm trong một tiếng đồng hồ.
Misen Xtrôgôp đã quen với loại xe đó và với cung cách di chuyển như thế. Những cú giật nảy, những cú xóc tung người không làm anh khó chịu. Anh hiểu rằng một cỗ xe ngựa kiểu Nga thì dù gặp những chỗ có ổ gà, có vết lún, những chỗ lầy lội cũng như những chỗ có cây đổ, những chỗ bị nước xói thành rãnh trên đường đi, nó cũng không tránh. Anh đã quen với những cái đó. Cô bạn gái của anh thì rất dễ bị thương vì những va đập dội lại của chiếc xe, nhưng cô không hề kêu ca. Trong những chặng đầu tiên của cuộc hành trình, Nađia, được cỗ xe đưa đi rất nhanh, không nói một lời. Rồi luôn luôn bị một ý nghĩ duy nhất ám ảnh: ‘‘Mau đến nơi, phải mau mau đến nơi”. Cô nói với Misen Xtrôgôp:
- Em đếm được ba trăm dặm từ Pecmơ đến Êkatêrinbua anh ạ! Liệu em có nhầm không?
- Em không nhầm đâu, Nađia ạ, - Misen Xtrôgôp đáp. - Và khi chúng ta tới Êkatêrinbua thì tức là đã tới ngay dưới chân dãy núi Uran ở phía sườn bên này.
- Vượt qua núi hết bao lâu, anh?
- Bốn mươi tám tiếng. Chúng ta sẽ phải đi suốt ngày đêm. Anh nói suốt ngày đêm, Nađia ạ, - Misen Xtrôgôp thêm. - Vì anh không thể dừng lại, dù chỉ trong chốc lát. Phải đi liên tục không nghỉ cho tới Irkuxk.
- Em sẽ không làm anh bị chậm trễ đâu, anh ạ. Không, dù chỉ chậm một tiếng đồng hồ. Chúng ta sẽ đi suốt ngày đêm.
- Miễn là cuộc xâm lăng của quân Tactar không gây trở ngại trên đường đi, thì không đầy hai chục ngày nữa chúng ta sẽ tới.
- Anh đã từng có những cuộc đi như thế này rồi ư? - Nađia hỏi.
- Nhiều lần rồi, em ạ.
- Về mùa đông chúng ta có thể đi được mau hơn và chắc chắn hơn, phải không anh?
- Đúng, nhất là đi được nhanh hơn, nhưng em sẽ phải chịu khổ nhiều hơn vì giá rét và băng tuyết.
- Cái đó có hề gì! Mùa đông là bạn của người Nga mà anh.
- Phải đó, Nađia! Nhưng để giữ được một tình bạn như vậy, thì phải chịu biết bao thử thách gian nan về thời tiết! Anh đã từng thấy nhiệt độ trong vùng thảo nguyên Xibir tụt xuống tới trên bốn mươi độ âm. Dù mặc áo quần bằng da tuần lộc, tim anh cũng vẫn cảm thấy lạnh giá, hai bàn tay cóng quèo, hai bàn chân mang tới ba đôi tất len mà vẫn như bị đông cứng.
- Đã mấy lần rồi, anh đi qua thảo nguyên giữa mùa đông? - Cô gái Livôni lại hỏi.
- Ba lần, Nađia ạ, khi anh đi Ômxk…
- Đi Ômxk để làm gì hả anh?
- Về thăm mẹ người luôn mong đợi anh.
- Còn em, bây giờ em đi Irkuxk. Ở đó, lúc này cha em cũng đang trông đợi em. Em sẽ nói lại cho cha em nghe những lời trối trăng của mẹ! Anh ạ, em nói như vậy để anh biết là không gì có thể ngăn cản được quyết tâm của em.
- Nađia, em là một cô gái dũng cảm, - Misen Xtrôgôp nhìn cô, đáp, - Và có lẽ chính Thượng đế đã và sẽ phù trợ và dẫn dắt em.
Ngày hôm đó các xà ích nối tiếp nhau từ trạm này đến trạm khác, đưa chiếc tarantax đi rất nhanh. Tiền thuê ngựa với giá cao, cộng với tiền thưởng thêm chi rất hậu là những đảm bảo hết sức đặc biệt cho hai hành khách. Có lẽ những trạm trưởng cũng phải ngạc nhiên, vì sau khi bản nghị định được công bố mà một thanh niên cùng với cô em gái, cả hai rõ ràng là người Nga, lại có thể đi sâu vào Xibir, vùng bị ngăn cấm đối với những người khác. Nhưng giấy tờ của họ đều hợp lệ, nên họ có quyền được đi. Vì vậy những cột kilômét cứ lùi lại đằng sau chiếc tarantax. Hơn nữa, không chỉ có Misen Xtrôgôp và Nađia đi trên đường từ Pecmơ đến Êkatêribua. Ngay ở những trạm đầu tiên, người đưa thư của Nga hoàng cũng đã được biết là có một chiếc xe chạy phía trước. Nhưng vì không bị thiếu ngựa, nên anh cũng chẳng để ý đến làm gì.
Trong ngày hôm đó, ở một đôi chỗ, xe dừng lại nghỉ, cũng chỉ để dùng bữa mà thôi, trong những nhà trạm có đủ nơi ăn chốn ngủ. Vả lại, nếu không có những trạm này, thì các gia đình nông dân Nga cũng không kém phần hiếu khách.
Tới buổi chiếu, với một linh tính nào đó. Misen Xtrôgôp hỏi người trưởng trạm xem cỗ xe đi trước đã qua trạm cách đây mấy tiếng đồng hồ rồi.
- Cách đây hai tiếng, chú em ạ, - người trưởng trạm đáp.
- Có phải đó là một cỗ xe hòm không?
- Không phải! Đó là một chiếc têlêga.
- Có mấy người ngồi?
- Hai.
- Và họ phóng nhanh phải không?
- Như phượng hoàng ấy!
- Anh cho đóng ngựa vào xe tôi nhanh lên!
Misen Xtrôgôp và Nađia quyết không dừng lại dù chỉ một tiếng đồng hồ mà sẽ đi suốt đêm. Thời tiết vẫn còn tốt, nhưng người ta cảm thấy không khí trở nên nặng nề. Sao sáng lấp lánh vì bầu trời không gợn một làn mây, nhưng hình như có một làn hơi nóng bốc lên từ mặt đất. Một cơn giông bất chợt có thể xuất hiện trong núi và như vậy thì thật là khủng khiếp.
Đêm trôi qua, nhưng vẫn chưa có gì xảy ra. Nađia ngủ được một vài tiếng mặc dầu xe xóc. Mui xe hạ xuống nửa chừng để cho dễ thở hơn trong cái bầu không khí oi nồng ngột ngạt ấy. Misen Xtrôgôp thức suốt đêm coi chừng những người đánh xe có thể ngủ gật trên ghế, để không lãng phí một giờ nào qua các trạm, không một giờ nào lãng phí trên đường đi.
Ngày hôm sau, 20 tháng Bảy, vào hồi tám giờ sáng, những hình khối đầu tiên của rặng Uran hiện ra ở phía đông. Tuy nhiên, rặng núi quan trọng ngăn cách nước Nga phần châu Âu với vùng Xibir này còn khá xa, không mong gì tới được trước khi trời tối. Vậy là trong đêm hôm sau nhất định phải vượt qua rặng Uran. Suốt ngày hôm ấy trời luôn u ám, do đó thời tiết có phần dễ chịu hơn một chút, nhưng có thể sắp có giông bão hết sức dữ dội.
Với những triệu chứng bề ngoài như vậy, tốt hơn hết là chả nên vượt núi vào ban đêm. Đó là điều Misen Xtrôgôp sẽ làm, nếu anh được phép chờ đợi, nhưng khi tới trạm cuối cùng, người đánh xe báo cho biết có những tiếng sấm ầm ì trong rặng núi sâu, anh chỉ hỏi người trưởng trạm:
- Chiếc têlêga vẫn đi trước chúng tôi phải không?
- Thưa, phải.
- Lúc này thì nó đã vượt chúng tôi được bao lâu rồi?
- Khoảng một tiếng đồng hồ.
- Vậy thì phải đi ngay! - Anh bảo người xà ích. - Và tiền thưởng thêm sẽ gấp ba lần trước, nếu sáng mai chúng ta tới Ê katêrinbua!
Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm - Jules Verne Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm